Một video ghi lại cảnh đạo diễn phim "Kong : Skull Island" bị đánh đến phải nhập viện tại một quán bar ở Sài Gòn ngày 9/9 đang làm nóng lại câu chuyện về công tác lựa chọn người đại diện để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cho thế giới.
Đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts (trái) và diễn viên Ngô Thanh Vân trong thời gian ở Ninh Bình để chuẩn bị các cảnh quay của phim "Kong : Skull Island".
Hình ảnh đạo diễn Hollywood, Jordan Vogt-Roberts, bị đánh bể đầu tại Việt Nam đang lan truyền nhanh chóng trong lúc vị Đại sứ Du lịch này chưa kịp gây ấn tượng đẹp nào để quảng bá cho hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Công văn khẩn
Ngày 11/9, Công an Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận với báo Người Lao Động về vụ xô xát giữa nhóm của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts với một nhóm thanh niên khác tại quán bar XO. Hai nhóm đã dùng chai thủy tinh để đánh nhau và đạo diễn phim Kong trở thành điểm tấn công của nhóm thanh niên kia.
Trả lời trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Văn hóa, thể thao và du lịch), xác nhận ngay sau khi nhận được tin, Bộ này đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh điều tra vụ việc.
"Đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, giao các cơ quan liên quan tìm hiểu, điều tra làm rõ, xử lý sự việc theo quy định của pháp luật và cử người thăm hỏi, động viên, chia sẻ với Đại sứ Du lịch Jordan Vogt-Roberts", trích văn bản của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Tiếp đó, báo Thanh Niên dẫn lời Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã "yêu cầu công an thành phố vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vì bất cứ hành vi nào tấn công người khác đều vi phạm pháp luật".
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Pháp Việt sau khi xảy ra vụ ẩu đả, theo báo Công An.
Câu chuyện "hình ảnh"
Phản ứng về tin Đại sứ Du lịch Việt Nam bị hành hung, nữ ca sĩ Đồng Lan chuyên hát nhạc Pháp, nói đây là một "chuyện buồn".
"Đây là một chuyện đáng buồn. Em nghĩ nếu một người đang làm công việc dễ thương như anh này, làm những việc đáng yêu cho thiện chí trao đổi văn hóa, đại sứ du lịch. Hơn nữa, anh ấy cũng vừa làm một bộ phim rất dễ thương, làm cho nhiều người Việt Nam rất yêu thích. Em nghĩ nếu người nào nhận ra, chắc sẽ không đánh anh ấy đâu".
Trong khi đó, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, nói với VOA rằng ông khá bất ngờ khi nhận được "tin xấu" :
"Dù gì thì đấy cũng là một tin xấu, gây bất lợi cho du lịch Việt Nam. Vì một người làm Đại sứ Du lịch Việt Nam mà lại bị đánh ngay tại một thành phố đang phát triển về du lịch, tại một quán bar, tất nhiên là một nơi ăn chơi, hưởng thụ của giới trẻ, nhưng cũng có đội ngũ bảo vệ, thì tại sao một anh đạo diễn nổi tiếng như thế lại bị đánh, nên tôi hơi ngạc nhiên".
Ngày 13/3, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh giai đoạn 2017-2020. Việc bổ nhiệm này đã gây khá nhiều tranh cãi, trong bối cảnh vị trí này đã bị bỏ trống một thời gian dài vì theo lời nhà phê bình Lê Hồng Lâm, "có lẽ bị báo chí nói nhiều quá", đặc biệt là sau khi nữ Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên Lý Nhã Kỳ đã để lại nhiều tai tiếng không hay trong thời gian chỉ 1 năm đảm nhiệm vị trí này (2011-2012).
"Ở Việt Nam, trong sự phát triển nóng vội của du lịch, có vẻ như khi số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng thì Bộ Du lịch thích chọn những người nổi tiếng. Ví dụ như mấy năm trước là cô Lý Nhã Kỳ, năm nay là anh đạo diễn phim Kong này. Trong khi tôi nghĩ rằng một người để đảm nhiệm vai trò này, quảng bá cho hình ảnh du lịch cho một nước thì họ phải có những tố chất đặc biệt. Họ phải làm sao quảng bá được du lịch bằng chuyên môn chứ không phải vẻ bề ngoài của họ. Bộ Du lịch Việt Nam có vẻ như đang đánh giá vẻ bề ngoài nhiều hơn cái thực chất của hình ảnh trong công việc này", nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.
Sau khi được bổ nhiệm chức vụ mới, Jordan Vogt-Roberts công khai bày tỏ quyết định rao bán nhà ở Mỹ và cưới vợ Việt Nam.
Tân Đại sứ Du lịch cũng gặp phải khá nhiều scandal liên quan đến các người đẹp ở Việt Nam. Anh nói với báo Thanh Niên rằng anh "rất buồn, thậm chí tan nát khi bị nói ‘sát gái’ và nghi ngờ mục đích anh ở Việt Nam".
"Anh ấy có vẻ là một người còn trẻ và ham vui. Anh tham gia rất nhiều sự kiện những chuyện, mà như chị biết ở Việt Nam bây giờ, báo chí săn lùng những câu chuyện scandal để gây chú ý, câu view. Những câu chuyện về anh này với các cô gái người mẫu này kia… thì tất nhiên, những cô này chỉ lợi dụng hình ảnh của anh này thôi, nhưng tôi có cảm giác anh này hơi dễ dãi quá, hơi thiếu thận trọng, hoặc anh ấy nghĩ rằng ở Việt Nam vui vẻ, mà anh còn trẻ nên có thể hơi buông thả một chút", ông Lê Hồng Lâm nhận xét với VOA về những phanh phui của báo chí.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm là Đại sứ Du lịch Việt Nam sau khi phim "Kong : Skull Island" chọn quay một số bối cảnh phim tại những thắng cảnh nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình.
Bộ phim đã được "PR rầm rộ", theo lời nhà phê bình Lê Hồng Lâm, nên trong ngày đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, tất cả các suất chiếu ở các rạp chiếu phim đều bán "cháy" vé.
Tuy nhiên, chất lượng nội dung bộ phim lại không được một số nhà chuyên môn và người hâm mộ quốc tế đánh giá cao.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho biết bản thân ông "rất trân trọng việc một đạo diễn của Hollywood về Việt Nam và chọn Việt Nam làm bối cảnh cho một bộ phim bom tấn lớn". Nhưng sau khi bộ phim ra mắt, ông đánh giá đây chỉ là một bộ phim giải trí "ở mức độ bình thường".
Ông Lê Hồng Lâm cho biết gần đây, đội ngũ PR của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts có mời ông đến dự một buổi gặp mặt. Nhóm này cho biết đạo diễn của Hollywood đang muốn xây dựng lại một "hình ảnh mới". Anh sẽ từ chối tham gia vào những sự kiện gây scandal và tập trung vào công việc đang làm cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Lâm đã từ chối tham dự buổi gặp mặt này.
Theo ông, nếu việc chọn đại sứ du lịch vẫn tiếp tục duy trì theo "quy trình" của thời gian qua, thì sẽ không mang lại hiệu quả thực chất cho việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam, mà chỉ có lợi cho một số người liên quan mà thôi.
Khánh An
Nhiều người Mỹ gốc Việt, nhất là ở Tampa Bay, được cho là nằm trên đường đi chuyển trực tiếp của Irma, một trong những cơn bão mạnh nhất ập vào Hoa Kỳ trong một thế kỷ qua.
Bão Irma tràn qua Naples, Florida, hôm 10/9.
Bác sĩ Đỗ Văn Hội, người Mỹ gốc Việt ở Tampa Bay, dẫn thông tin từ chính quyền tiểu bang Florida cho biết rằng có khoảng 6,5 triệu người đã được lệnh phải di tản, và đây được coi là một trong những đợt sơ tán được coi là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chủ tịch chấp hành của cộng đồng người Việt quốc gia liên bang cho VOA Việt Ngữ biết thêm về sự đối phó với Irma :
"Cộng đồng người Việt chúng tôi cũng thông báo thường xuyên về lệnh di tản của chính quyền, nhất là những người sống trong các nhà di động và vùng đất thấp cùng thông tin về những nơi trú ẩn, tạm trú. Dĩ nhiên chúng tôi không có đủ người để giúp đỡ từng người, nhưng chúng tôi cũng thông báo bằng email, bằng điện thoại".
Ông Hội cho hay rằng ông tới tiểu bang Florida từ năm 1985, và dù đã chứng kiến rất nhiều trận bão nặng nề trong hơn ba thập kỷ qua, "nhưng theo tin tức, chúng không ăn thua gì so với Irma quá to lớn".
Người dân đi bộ trên một con đường ở Florida hôm 10/9.
Theo bác sĩ Hội, hiện có khoảng hơn 100 nghìn người Việt sinh sống ở Florida, nhất là khu vực Tempa.
Ông cho biết rằng cộng đồng đang vận động cứu trợ cho nạn nhân người Việt của cơn bão Harvey đánh vào Texas mấy ngày trước, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đôla, thì lại vấp phải cơn bão Irma.
Ông cũng muốn gửi một thông điệp tới những người Việt vẫn còn chưa đi sơ tán :
"Quý vị nào ở những vùng thấp gọi là vùng zone A, thì phải di tản, phải đến nhà bà con vững chắc, hay các trung tâm tạm trú. Đáng lẽ phải di tản trước đây mấy ngày rồi, nhưng mà thôi, còn nước còn tát, còn hơn là rất tai ngại, huy hiểm đến tính mạng như [trong trận bão Harvey] ở Texas".
Còn ông Trần Công Thức, một người Việt ở vùng Pinellas, được dự báo sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nhất từ cơn bão, cho VOA Việt Ngữ biết ông đã phải chuyển vào một nơi lánh nạn do chính quyền lập nên cùng với một số người Việt khác.
Ông cho biết thêm : "Có nhiều chỗ (shelter) tạm trú giờ không nhận người nữa. Những người đến sau này không còn chỗ nữa. Mình có thân nhân nên không thể ở nhà nước. Lệnh của nhà nước là mình phải vào nơi tạm trú để họ giúp đỡ cho mình. Mình ở nhà, mình phải tự lo. Tất cả hệ thống 911 họ không đến cứu mình kịp".
Nhiều người dân Florida, trong đó có người gốc Việt, đã phải rời bỏ nhà cửa để vào các trung tâm lánh nạn.
Trên mạng xã hội, nhất là Facebook, cộng đồng người Việt ở Florida đã đăng tải nhiều thông tin về cơn bão Irma.
Trong một status (dòng trạng thái), cộng đồng người Việt Quốc gia vùng Tampa Bay đã "tha /thiết kêu gọi tất cả đồng hương đi sơ tán ngay khi còn kịp", kèm theo địa chỉ nơi trú tạm trong khi Irma đổ bộ.
Trên Twitter, thống đốc tiểu bang Florida, ông Rick Scott cũng đã kêu gọi "mọi người dân Florida và các du khách tìm nơi trú ẩn an toàn và chuẩn bị đối phó với Irma".
Tới hơn 11 giờ sáng 10/9, khoảng hơn một triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh đã mất điện, khi Irma bắt đầu tràn vào Florida với sức gió lên tới 210 km một giờ, và đe dọa gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng duyên hải phía tây của tiểu bang này vì triều cường có thể cao tới 4,6 mét.
Cơn bão đã làm ít nhất 22 người thiệt mạng ở Caribbe đã làm út nhất một nạn nhân tử vong ở Florida. "Hãy cầu nguyện cho chúng tôi", thống đốc Rick Scott được truyền thông Mỹ dẫn lời nói.
Viễn Đông
Các máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản hôm thứ Bảy đã tiến hành một cuộc diễn tập trên không với máy bay ném bom B1-B của Mỹ trong vùng trời bên trên Biển Hoa Đông, Lực lượng Tự vệ Hàng không của Nhật Bản cho biết.
Những chiếc đấu cơ F-15 của Nhật Bản (dưới) diễn tập với máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ (trên) trong vùng trời bên trên Biển Hoa Đông, Nhật Bản, trong một bức hình do Văn phòng Tham mưu Không quân của Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 9 tháng 9, 2017.
Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị đối mặt với một vụ thử nghiệm phi đạn khả dĩ của Bắc Triều Tiên khi nước này kỷ niệm ngày lập quốc, chỉ vài ngày sau khi cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và lớn nhất của Bắc Triều Tiên làm chấn động các thị trường tài chính toàn cầu và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, cùng với hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản.
Ngày 31 tháng 8, các máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản cũng tiến hành diễn tập trên không với máy bay ném bom B1-B và chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ tron vùng trời phía nam bán đảo Triều Tiên, hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng một phi đạn đạn đạo ngang qua miền bắc Nhật Bản.
Nhiều tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc vừa bị loại khỏi danh sách đại biểu quân đội tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới.
Sự vắng mặt của nhiều tướng lĩnh hàng đầu trong danh sách đại biểu của kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 khiến nhiều người Trung Quốc bất ngờ.
Điều này, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, chắc chắn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền kể từ Đại hội 18 (năm 2012), đưa những người ông tín nhiệm vào các vị trí quan trọng tại Đại hội 19, diễn ra từ ngày 18/10.
Hôm 6/9, tờ báo quân đội Trung Quốc, PLA Daily, công bố danh sách 303 đại biểu quân sự tham dự Đại hội. Trong danh sách này, nhiều tướng lĩnh hàng đầu như Thượng tướng Phòng Phong Huy-Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, và Thượng tướng Trương Dương-Chủ nhiệm Công tác Chính trị của quân đội, lại không nằm trong danh sách đại biểu.
Đây là điều bất ngờ đối với nhiều người Trung Quốc, nhưng theo tờ The Diplomat, lại không mấy ngạc nhiên đối với giới quan sát quốc tế.
Tướng Phòng Phong Huy, 66 tuổi, là người đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida hồi tháng 4.
Cuối tháng trước, Trung Quốc bất ngờ "thay tướng" Lý Tác Thành vào vị trí Tổng tham mưu trưởng của ông Phòng Phong Huy. Bloomberg hôm 23/8 dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết về sự thay đổi này, mặc dù Trung Quốc không hề ra thông báo chính thức.
Ông Từ Quang Dụ, một quan chức cấp cao về hưu và cũng là nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội Giải giáp và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, nhận định với Bloomberg rằng : "Nếu một thành viên trong Quân ủy Trung ương chưa đến tuổi nghỉ hưu mà lại không được tham dự Đại hội đảng, thì phải có một số lý do đặc biệt".
Sự vắng mặt của hai tướng cấp cao, theo Reuters và báo chí Hồng Kông, là do họ đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng.
Hôm 8/9, Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã và PLA Daily bất ngờ đề cập đến Đô đốc Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân Trung Quốc trong tư cách Chủ nhiệm công tác chính trị của quân đội, mặc dù không có thông báo chính thức nào về việc Tướng Trương Dương đã bị thay thế.
Tại Đại hội 18, không một tướng cấp cao nào vắng mặt trong danh sách đại biểu.
Trong danh sách đại biểu quân đội của Đại hội 19 còn vắng mặt nhiều tướng lĩnh thuộc diện "con ông cháu cha", theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng ngày 7/9.
Trong số 5 "thái tử Đảng" bị loại khỏi Đại hội 19, đáng chú ý nhất là Thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội của Mao Trạch Đông.
Sự vắng mặt của nhiều "thái tử Đảng" trong danh sách đại biểu dự Đại hội 19 có khả năng là do ông Tập Cận Bình không yên tâm và tin tưởng họ có thể đảm trách các vị trí quan trọng, theo nhận định của nhà quan sát quân sự Anthony Wong Dong với Hoa Nam Buổi Sáng.
4 vị tướng "con ông cháu cha" khác không nằm trong danh sách gồm có : Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đô đốc Lưu Hiểu Giang, con rể cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Thượng tướng Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn - cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Thượng tướng Lưu Á Châu - con rể cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm.
Trong những tuần gần đây, ông Tập Cận Bình đã thay thế các chỉ huy của quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc.
Tổng cộng sẽ có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong đó có khoảng 300 đại biểu quân đội.
Hồi tháng 5, Bloomberg dẫn nguồn tin PLA Daily cho biết các đại biểu phải trải qua việc "kiểm tra sức khỏe chính trị" để đảm bảo rằng họ đi theo lý tưởng, trung thành và tôn trọng ông Tập và quyền lực của Đảng trên quân đội.
Một cuộc không kích của Nga đã giết chết khoảng 40 chiến binh Nhà nước Hồi giáo, trong đó có 4 chỉ huy cấp cao, gần thành phố Deir al-Zor của Syria, Reuters dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 8/9.
Các lực lượng dân chủ Syria tại tỉnh Deir al-Zor ngày 21/2/2017.
Bộ này cho biết trên trang Facebook rằng cuộc không kích, do máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35 thực hiện, được tiến hành sau khi có một báo cáo tình báo hôm 5/9 tiết lộ rằng các chỉ huy cấp cao IS đang họp trong một hầm bí mật ở Deir al-Zor.
Trong số những người bị giết có Abu Muhammad al-Shimali, là chỉ huy các chiến binh nước ngoài của IS, thông báo cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Nga nói họ có bằng chứng cho thấy Gulmurod Khalimov, "bộ trưởng chiến tranh" của Nhà nước Hồi giáo, cũng có mặt tại cuộc họp trong hầm bí mật và đã bị thương chí mạng trong cuộc không kích, rồi được sơ tán đến khu vực al-Muhasan, cách 20 km (13 dặm) về phía đông nam Deir al-Zor.
Khalimov, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Tajikistan được Mỹ đào tạo, đã đào ngũ và theo Nhà nước Hồi giáo vào tháng 4 năm 2015.
Khalimow sau đó đăng tải một phát biểu bằng video, hứa sẽ trở về nước để thiết lập luật sharia tại quốc gia Trung Á và đưa thánh chiến đến Nga và Hoa Kỳ.
Một giới chức hàng đầu cơ quan an ninh quốc gia Tajikistan cho hãng thông tấn RIA của Nga biết rằng Moscow đã yêu cầu cung cấp chi tiết bằng chứng việc đào thoát của Khalimov.
Hôm thứ Ba (5/9), các lực lượng chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích và phóng tên lửa hành trình của Nga, đã tiếp cận được khu vực Deir al-Zor bị IS bao vây trong nhiều năm. Đây cũng là cứ địa cuối cùng của IS ở Syria.
Muốn giúp các công ty nội địa cạnh tranh, cách đây 4 năm Trung Quốc tuyên bố mở các hành lang thương mại trên khắp Châu Á, và đặt tên cho dự án đầy tham vọng này là ‘Con đường Tơ lụa mới’, theo tên của ‘Con đường Tơ lụa’ mà 2.000 năm về trước, Trung Quốc đã sử dụng để kết nối với Trung Đông. Con đường Tơ lụa thời nay nhằm mục đích xây dựng các cấu trúc hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Trung Quốc giao thương với 68 quốc gia.
Tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu buôn bán vũ khí dọc theo tuyến đường này ở Đông Nam Á. Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2006 cho đến nay, Trung Quốc đã bán vũ khí cho ít nhất 7 nước Đông Nam Á. Viện nghiên cứu này đánh giá tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho các nước trong khu vực vượt quá nửa tỷ đôla Mỹ.
Bán vũ khí giúp các nhà sản xuất Trung Quốc, như Công ty Đóng tàu và Hàng hải Quốc tế, thu về lợi nhuận, đồng thời đào sâu các quan hệ thương mại với khu vực Đông Nam Á, nơi mà theo truyền thống Hoa Kỳ là nước bán vũ khí lớn nhất. Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, –lại không quan ngại về nguy cơ bị các quốc gia láng giềng dùng các vũ khí đã mua của Trung Quốc để tấn công nước này, bất chấp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước thân chủ.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Úc chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ bán thiết bị quân sự cho Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong một phúc trình ngày 30/8, Giáo sư Thayer nhận định : "Vũ khí của Trung Quốc mạnh, có giá cạnh tranh, có thể bao gồm phần chuyển giao công nghệ, và có thể được vay tiền khi mua, được cung cấp vũ khí mà không qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt như vũ khí của Hoa Kỳ".
Những khách hàng như Campuchia và Lào chưa gì đã nằm trong tay của Bắc Kinh. Việc các nước này mua sắm thiết bị quân sự như máy bay vận tải, chỉ tăng cường thêm quan hệ thương mại trong khi giúp hai nước này chống lại các cường quốc khác và dập tắt những tiếng nói bất đồng ở trong nước. Myanmar, một khách hàng lớn của Trung Quốc, có thể sẽ không sử dụng tên lửa chống hạm của Trung Quốc, chẳng hạn, để đẩy lùi một cuộc tấn công do Bắc Kinh chỉ đạo.
Nhưng các nước khác có lý do để lo ngại về lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và ngược lại.
Indonesia chẳng hạn, đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, và các tên lửa đất đối không và radar từ Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2009. Trong khi Indonesia ngày càng muốn đẩy bật tàu Trung Quốc ra khỏi quần đảo Natuna gần đảo Borneo, nước này có thể dụng những vũ khí đã mua của Trung Quốc để chống lại Trung Quốc.
Cũng tương tự, Malaysia đang cộng tác với Trung Quốc để đóng bốn tàu đặc vụ tuần tra ven biển. Người Malaysia đã chán phải chứng kiến thấy tàu Trung Quốc và phải xua các tàu này ra khỏi vùng biển Borneo, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Thật là mỉa mai nếu một chiếc tàu do Trung Quốc sản xuất một ngày nào đó sẽ xua đuổi tàu tuần duyên của Bắc Kinh ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế dài 370 km của Malaysia trên Biển Đông.
Philippines được biết là đang cân nhắc việc mua vũ khí Trung Quốc với khoản vay 500 triệu đôla từ Bắc Kinh, vì mua vũ khí của Mỹ đi kèm với nhiều điều kiện gắt gao. Manila muốn hiện đại hoá quân đội. Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của Philippines về mặt an ninh vì những yêu sách chủ quyền lãnh hải chồng chéo với Manila, cho đến khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ thân thiện hơn hồi năm ngoái.
Giới phân tích nói Trung Quốc vẫn giữ riêng cho mình một số thiết bị quân sự tiên tiến để phòng thủ khi cần. Trung Quốc có đủ khả năng để bán vũ khí ra nước ngoài thậm chí cho các nước bất mãn với những tham vọng chính trị của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị Châu Á Fabrizio Bozzato thuộc Hiệp hội nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, nhận định :
"Thật là mỉa mai, một nghịch lý nhưng vẫn hợp lý. Làm ăn là làm ăn. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Làm như vậy là dấu hiệu về một thái độ thù nghịch cao độ".
Dù được chính quyền Việt Nam tha tù trước thời hạn 5 tháng do "chấp hành án tù tốt", nhưng bà Mai Thị Kim Hương, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, người gọi mình là "dân oan" nói vói VOA rằng chính quyền đã cưỡng chế tịch thu nhà cửa và "cướp mất" tất cả mọi thứ của gia đình bà.
Nguyễn Mai Trung Tuấn phản đối cưỡng chiếm đất đai và nhà cửa
"Gia đình tôi gồm có tôi là Mai Thị Kim Hương, chồng tôi là Nguyễn Trung Can và còn con là Nguyễn Mai Trung Tuấn đã về địa phương rồi nhưng không còn nơi ăn chốn ở. Chúng tôi lang thang và chưa có được một bữa cơm gia đình. Lý do là không còn nhà cửa, không chén, không bát, tất cả mọi thứ, không tiền, không quần áo. Chỉ có một bộ đồ dính da".
Bà Hương nói bà kịch liệt phản đối việc lao động cưỡng bức trong trại tù. Bà cho biết các tù nhân trong trại bị buộc phải làm việc đến 10 giờ mỗi ngày :
"Mai Quốc Phong, Mai Quốc Đạt, Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Trung Can, Phùng Thị Ly, và bé Nguyễn Mai Trung Tuấn, ai cũng phải đi làm. Chị Phùng Thị Ly làm một ngày 10 tiếng. Anh Nguyễn Trung Tài sáng đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, chiều về không có nước để tắm. Họ đan lục bình, đan giỏ tre. Bé Tuấn đi quét, khuân đá cho người ta xây nhà. Chế độ tù cộng sản là bắt đày đi làm, không bao giờ họ để yên cho mình".
Về việc các phạm nhân được tha tù sớm nếu lao động tốt, bà Trần Ngọc Anh, người từng bị tù giam vì lên tiếng bảo vệ người dân bị cưỡng chế tịch thu đất đai, đại diện cho Phong Trào Liên đới Dân oan chia sẻ với VOA :
"Thật sự không phải chính sách đảng và nước khoan hồng đâu. Tù nhân vào đó phải lao động, làm đúng chỉ tiêu thì mới được giảm án. Buộc phạm nhân lao động như vậy là vô lương tâm".
Vào tháng 11/2015, Nguyễn Mai Trung Tuấn, khi ấy 15 tuổi, bị một tòa án ở Long An tuyên phạt 54 tháng tù giam vì tội "Cố ý gây thương tích" theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa phúc thẩm vào tháng 2/2016 sau đó đã kết án Tuấn 30 tháng tù giam.
Vào tháng 9/2015, tòa án huyện Thạnh Hóa, Long An đã xét xử sơ thẩm về tội chống người thi hành công vụ đối với 12 bị cáo, trong đó có cha mẹ em Tuấn. Khi ấy, bà Mai Thị Kim Hương bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam, và ông Nguyễn Trung Can chịu án 3 năm tù.
Vụ án của Tuấn gây nhiều chú ý vì là một thiếu niên "dân oan" lần đầu tiên bị xét xử ở Việt Nam.
Tuấn bị bắt ngày 6/8/2015 sau khi công an tỉnh Long An ra lệnh truy nã.
Ngày 31/8/2017, Nguyễn Mai Trung Tuấn đã ra tù trước thời hạn 6 tháng với tình trạng sức khoẻ giảm sút. Gia đình cho biết Tuấn luôn khó thở và bị bệnh hen suyễn.
"Họ bắt bé Nguyễn Mai Trung Tuấn. Họ còng chân, còng tay [cháu], bỏ đói bỏ khát, 2 ngày 2 đêm không cho ăn uống. Ra tù Trung Tuấn bị bệnh suyễn và tim, xỉu và đi cấp cứu, truyền nước biển".
Bà Hương phản đối việc chính quyền cưỡng chế tịch thu nhà của bà và bắt giam nhiều thành viên trong gia đình :
"Tôi không chấp nhận bản án oai sai đó. Bản án đó là sự hèn hạ, thối nát của đảng cộng sản. Một công dân chỉ có một mảnh đất 4 mét chiều ngang, 29 mét chiều dài mà họ một lực lượng hơn 300 người đến chiếm đoạt. Chẳng những vậy, họ còn tống hết vào tù, từ vợ đến chồng, đến anh chị em, và không tha cho đứa bé tuổi vị thành niên, cướp đi quyền làm người của một đứa trẻ. Tôi không chấp nhận bản án đó".
Vụ việc xảy ra ngày 14/4/2015 khi 3 hộ dân địa phương nổi lửa, tạt acid, và cho nổ bình hàn gió đá để phản đối hành vi mà họ cho là chính quyền tỉnh Long An ‘cướp đất’ khi họ tiến hành cưỡng chế tịch thu căn nhà tạm của gia đình ông Can và bà Hương trên mảnh đất mà họ đã sinh sống mấy chục năm trước đó.
Khi ấy truyền thông Việt Nam nói đoàn công tác của chính quyền địa phương vận động cưỡng chế giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đê bao chống lũ trong địa bàn thị trấn Thạnh Hóa.
Báo nhà nước dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Nguyễn Văn Tạo, nói 106 trong số 109 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án này đã đồng ý giao mặt bằng cho nhà nước. Hai trong Ba gia đình không chấp nhận mức đền bù là anh em ông Nguyễn Trung Can và ông Nguyễn Trung Tài.
Bà Ngọc Anh nói rằng những "gia đình này là dân oan – họ đấu tranh giành quyền lợi chính đáng của họ nhưng chính quyền không đáp ứng".
Bà Ngọc Anh cho biết những người khác bị bắt trong vụ cưỡng chế này là bà Phùng Thị Ly, ông Nguyễn Trung Tài, ông Nguyễn Trung Linh, ông Mai Văn Đạt, ông Mai Văn Phong, ông Phùng Văn Leo. Riêng ông Nguyễn Trung Linh vẫn còn bị giam tù.
Có ý kiến cho rằng cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vụ ông Hồ Ngọc Thắng bị cơ quan tị nạn Đức cho nghỉ việc làm dấy lên sự nghi ngờ về "bàn tay bí mật" trong cộng đồng người Việt ở quốc gia phương Tây.
Ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức trước khi bị "bắt cóc".
Trong bối cảnh đó, một tờ nhật báo có tiếng ở Nhật hôm 1/9 đăng bài viết nói về "mặt tối của Đảng [cộng sản Việt Nam]" liên quan tới vụ việc của cựu quan chức từng bị Hà Nội truy nã gắt gao.
Ông Thắng, một nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, mới đây đã bị cho nghỉ việc sau khi lên tiếng trên Facebook về sự việc đã đẩy mối bang giao Việt – Đức xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Một bài viết của ông Thắng trên Facebook.
Bà Edith Avram, phát ngôn viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Thắng "là nhân viên của cơ quan này từ năm 1991" và "không đảm trách việc xét duyệt người tị nạn từ Việt Nam".
Bà nói : "Cơ quan của chúng tôi không hay biết về những gì nhân viên này viết trên mạng xã hội, vì nói chung, chúng tôi không có quyền thẩm tra sự hiện diện trên mạng xã hội của các nhân viên. Các đồng nghiệp trực tiếp của ông ấy cũng không đề cập gì tới chuyện này. Cơ quan của chúng tôi chỉ biết khi nhận được yêu cầu của báo chí ngày 7/8/2017 và đã ngay lập tức làm rõ sự việc".
"Nhân viên này đã ngay lập tức được mời tới họp và được cho tạm thời ngưng nhiệm vụ cho tới khi kết luận vụ việc. Sau khi hoàn tất việc xem xét, Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức đã ngay lập tức chấm dứt mối liên hệ về nghề nghiệp [với nhân viên này]. Theo những gì chúng tôi hiện nay được biết, không có mối liên hệ trực tiếp giữa nhân viên này và vụ cáo buộc bắt cóc", nữ phát ngôn viên này nói thêm, nhưng không cho biết rõ lý do vì sao lại chấm dứt công việc với ông Thắng.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức có nghĩa vụ phải trung thành và trung lập.
Bà Edith Avram, phát ngôn viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, nói.
Bà Avram nói tiếp : "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức có nghĩa vụ phải trung thành và trung lập. Cơ quan chúng tôi đặt tầm quan trọng vào các yếu tố đó trong tiến trình xét duyệt tị nạn. Đây là những điều chúng tôi thường xuyên nhấn mạnh tới các nhân viên trong các khóa tập huấn cũng như qua các quản lý của họ".
Trong một bài viết trên Facebook hôm 4/8 có tựa đề "Quan hệ ngoại giao Đức - Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh ?", ông Thắng viết : "Tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh trong thủ tục xét tị nạn. Bà ta không phải là nhân chứng, bà chỉ nghe người khác kể lại… Tên bà được nhắc trên báo và truyền hình và đó là quảng cáo rộng rãi mà không tốn tiền, chỉ tốn nước bọt. Nhưng bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn".
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Thắng để phỏng vấn ông về những thông tin trên.
Một cuộc biểu tình của người Việt ở Đức cũng nhắc tới vụ Trịnh Xuân Thanh.
Sau vụ việc liên quan tới ông Thắng, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Liên hội người Việt tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho VOA Việt Ngữ hay rằng "nỗi nghi ngờ có bàn tay bí mật lèo lái những người Việt làm trong các cơ quan di dân của Đức lại càng tăng thêm".
"Phải nói rõ là người Việt tị nạn tại Đức rất hiếm khi, hầu như là không có làm việc trong các cơ quan di trú Đức. Chúng tôi phần lớn làm việc trong nhà thương, hãng xưởng, ngân hàng... ; ngay đến con cháu thế hệ 2, 3 cũng vậy. Còn những người Việt nhập cư bên Đông và du sinh rất thường làm việc trong các cơ quan di trú tị nạn hoặc hợp tác nghiên cứu về người Việt hải ngoại. Có phải đó là một chính sách của nhà nước hay chỉ là cách chọn nghề tình cờ của những người này. Câu hỏi đó chưa có câu trả lời", bác sĩ Lâm nói thêm.
VOA Việt Ngữ không thể tìm thấy số liệu liên quan tới việc làm của người Việt ở Đức để xác nhận lại những quan sát của bà Lâm.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những cáo buộc về chuyện gọi là "Việt Cộng nằm vùng" trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Đức mới đây cho VOA Việt Ngữ biết rằng Hà Nội đã chủ động "tiếp cận" đối thoại với Berlin nhằm hóa giải vụ việc đang gây sóng gió trong quan hệ hai nước.
Trong một diễn biến khác liên quan, trang tin The Japan News của tờ Yomiuri Shimbun hôm 1/9 đăng bài viết nói về "mặt tối của Đảng Cộng sản Việt Nam", trong đó có dẫn vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng như tình trạng đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt Internet ở Việt Nam.
Tác giả bài báo, ông Kenichi Yoshida, trưởng văn phòng của Yomiuri Shimbun ở Hà Nội, viết rằng tình cảm của người Nhật dành cho Việt Nam không chỉ bởi "lịch sử hào hùng chống lại cường quốc Mỹ" hay "mối lo ngại chung về Trung Quốc".
Tuy nhiên, nhà báo này viết, "như đã thể hiện qua vụ bắt cóc, ta không nên quên rằng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo độc đảng của Đảng Cộng sản, có quan điểm chính trị đối cực với Nhật Bản, đất nước có chính sách dân chủ mang tính quốc gia".
Viễn Đông
Lãnh đạo thế giới đau đầu tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên (VOA, 06/09/2017)
Các nhà lãnh đạo thế giới đang cố gắng tìm giải pháp để tránh một cuộc chiến tranh khốc liệt trên Bán đảo Triều Tiên, nơi mà chế độ Kim Jong-un đã khiến dư luận quốc tế phẫn nộ về vụ thử hạt nhân mới nhất. Trong khi đó, tin nói Bình Nhưỡng lại tiếp tục đe dọa Washington. Phóng viên Bill Gallo của đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Han Tae Song.
Chỉ vài ngày sau cuộc thử hạt nhân mới nhất, Triều Tiên lại đưa ra một mối đe dọa khác. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc thử nghiệm mới.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Han Tae Song nói :
"Hoa Kỳ sẽ nhận được nhiều gói quà từ đất nước của chúng tôi nếu Hoa Kỳ còn khiêu khích, thiếu thận trọng và còn những nỗ lực vô ích gây áp lực lên Triều Tiên".
Mỹ và các đồng minh đã giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thắt chặt các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cảnh báo áp lực kinh tế là lựa chọn hiệu quả nhất.
Bà Haley nói : "Chúng ta có nghĩ liệu thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ có tác dụng ? Không nhất thiết như vậy. Nhưng chế tài để làm gì ? Các biện pháp chế tài cắt nguồn thu nhập tài chánh mà Bình Nhưỡng dùng để phát triển tên lửa đạn đạo".
Không phải mọi người đều đồng ý, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin nói rằng trừng phạt nhiều hơn cũng "vô dụng". Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi, thay vào đó cảnh báo cả hai bên tránh leo thang căng thẳng.
Nhưng ông Donald Trump không lùi bước.
...ông viết trên Twitter rằng ông sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc mua thêm thiết bị quân sự.
Nhưng mọi việc có thể không dễ dàng như vậy... theo nhận định của ông James Schoff thuộc Viện Carnegie Endowment for International Peace.
"Điều này không đơn thuần là tổng thống cho bán vũ khí, mà nó còn phụ thuộc vào việc Nhật Bản và Hàn Quốc có ngân sách để mua các hệ thống vũ khí đó hay không, liệu họ có cần những vũ khí đó hay không, họ đặt nhu cầu đó ở mức ưu tiên nào. Ngoài ra còn cần Quốc hội Mỹ bãi miễn nhiều trường hợp cấm chuyển giao những công nghệ đặc biệt".
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng Mỹ có áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các nước đang giao thương với Triều Tiên.
********************
Nga cân nhắc một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên (VOA, 06/09/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân mới đây nhất, trong khi cân nhắc một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu sau cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inin tại thành phố cảng Vladivostok của Nga, ông Putin kêu gọi đàm phán với Triều Tiên. Ông nói các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tổng thống Vladimir Putin-Nga nói :
Rõ ràng là không thể giải quyết được các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách chỉ áp dụng chế tài và áp lực. Chúng ta không nên tùy nghi và dồn Triều Tiên vào đường cùng. Mọi người nên bình tâm và tránh các bước dẫn đến căng thẳng leo thang. Thật khó có thể đạt được tiến bộ trong tình hình hiện tại mà không có các công cụ chính trị và ngoại giao. Không có các công cụ này thì thực sự tôi tin rằng chúng ta khó có khả năng thực hiện được".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Moscow ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng.
Nga và Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, nhất trí rằng việc tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sẽ ít có tác dụng làm giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Hà Nội trả lời vụ ‘Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam’ (VOA, 06/09/2017)
Chính quyền trong nước hôm 6/9 đã lên tiếng phản hồi về thông tin Bình Nhưỡng "chuyển hướng đưa than sang Việt Nam", bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc và nhiều khả năng đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ.
Binh sĩ Bắc Hàn dọn than ở thị trấn Sinuiju, đối diện với Trung Quốc hôm 29/12/2011.
Trả lời VOA tiếng Việt liên quan tới báo cáo của Liên Hiệp Quốc [Liên Hiệp Quốc] về việc Bắc Hàn "xuất than sang các nước thành viên [Liên Hiệp Quốc] khác là Malaysia và Việt Nam", sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói :
"Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371".
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói "Việt Nam luôn luôn tuân thủ với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua ngày 5/8, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla.
Trung Quốc sau đó đã ngưng nhập than của Bắc Hàn, và hãng tin Kyodo của Nhật dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất than sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay.
Phúc trình do một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an thực hiện nhận định rằng việc "thực thi lỏng lẻo" các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như "các kỹ thuật ‘lách’" của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam hiện có duy trì quan hệ thương mại với Bắc Hàn hay có gửi viện trợ cho Bắc Hàn trong vòng hai năm qua hay không.
Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng, đầu năm nay, "tại trụ sở Ủy Ban Liên lạc Văn hóa Đối ngoại Triều Tiên, Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc".
Bản tin ngắn viết tiếp : "Với số lượng phân bón trên, hy vọng Nông trường Mi Cốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và tăng sản lượng nông nghiệp năm 2017, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vốn được các vị lãnh đạo dày công gây dựng và vu đắp".
Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Phạm Việt Hùng trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam. (Ảnh: TTXVN, 30/09/2017)
Trong năm 2015, ông Hùng đã "thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng và trao tặng Bộ môn tiếng Việt, Khoa ngôn ngữ Dân tộc của trường 3 bộ máy vi tính và 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12".
Cũng theo trang web của cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng, "năm 1996, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi nay là 17 triệu USD" và "từ đó tới nay hai nước hầu như không buôn bán với nhau".
Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng "12 nghìn tấn gạo".
*********************
Bất chấp Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam ? (VOA, 05/09/2017)
Bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Bắc Hàn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng cấm sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay, một phúc trình cho hay.
Than đá của Bắc Hàn từng được xuất sang Trung Quốc.
Kyodo News dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) tiết lộ như vậy từ tháng trước, nhưng thông tin này mới nổi lên sau khi Hoa Kỳ tuyên bố cân nhắc trừng phạt bất kỳ nước nào làm ăn với Bình Nhưỡng, tiếp sau việc Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân.
Hãng tin Nhật trích phúc trình viết rằng "sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, Bình Nhưỡng đã chuyển hướng xuất than sang các nước thành viên [Liên Hiệp Quốc] khác là Malaysia và Việt Nam".
Ngoài Kyodo News, kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc cũng đưa tin về hành động bất chấp Liên Hiệp Quốc của Bắc Hàn.
Theo báo cáo, được tổng hợp bởi một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi, viết rằng "việc thực thi lỏng lẻo" các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như "các kỹ thuật ‘lách’" của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Phúc trình này cũng nhắc tới vụ sát hại anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un ở Malaysia đầu năm nay mà hai nữ nghi phạm Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cáo buộc có dính líu.
Phúc trình này cũng nhắc tới vụ sát hại người anh em cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un ở Malaysia đầu năm nay mà hai nữ nghi phạm Indonesia và Việt Nam bị cáo buộc có dính líu.
Đầu tháng trước, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản.
Tới tối 4/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi về thông tin Bắc Hàn xuất than sang nước mình.
Cùng ngày, phát biểu tại một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ Nikki Haley dường như dường như đã củng cố thêm các tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Tổng thống Donald Trump về việc có thể trừng phạt các nước làm ăn với Bắc Hàn.
Kênh truyền hình ABC trích lời bà nói : "Hoa Kỳ sẽ xem xét mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn và coi đó là việc viện trợ các kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của họ [Bắc Hàn]".