Sau gần 3 năm chuẩn bị, cuộc triển lãm "Chiến tranh Việt Nam : 1945-1975" khai mạc hôm thứ Tư tuần này tại Viện Bảo tàng Lịch sử New York.
Viện Bảo Tàng Lịch sử New-York gần cổng vào Central Park ở New York. (Ảnh AP Photo/Mark Lennihan)
Cuộc chiến đã làm xã hội chia rẽ sâu xa và phơi bày những giới hạn của sức mạnh quân sự Mỹ, là chủ đề của một cuộc triển lãm mới về một đề tài cũ nhưng hãy còn nhiều tiếng vang trên chính trường đầy chia rẽ của nước Mỹ ngày nay, theo lời người phụ trách triển lãm, bà Marci Reaven.
Cách đây vài năm, khi ý kiến tổ chức một cuộc triển lãm về Chiến tranh Việt Nam được nêu lên tại Bảo tàng Lịch sử New York, một thành viên của Hội đồng Quản trị, ông James Grant, kể lại rằng hơn 40 năm sau cuộc chiến, chiến tranh Việt Nam vẫn khơi lên những xúc cảm mãnh liệt.
Ông Grant, một cựu chiến binh hải quân Mỹ phục vụ tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960, nói một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra giữa ông với một thành viên khác trong Hội đồng quản trị về động cơ của Hoa Kỳ khi tham chiến, bản chất cuộc xung đột, và liệu các nỗ lực và những sự hy sinh đó rốt cuộc chỉ vô ích ?
Với những kỷ vật và chứng tích được trưng bày, bằng cả âm thanh và hình ảnh, cuộc triển lãm có tính tương tác kể lại câu chuyện của cuộc xung đột từ gốc của nó sau Thế chiến Thứ Hai, khi mà Hoa Kỳ hậu thuẫn cho quân đội Pháp để tìm cách duy trì chế độ cai trị thực dân của nước này ở Đông Dương.
Cuộc triển lãm miêu tả giai đoạn leo thang chiến tranh, cũng như giai đoạn khép lại cuộc chiến, triệt thoái binh sĩ Mỹ về nước giữa lúc phong trào chống chiến tranh nổi lên ở trong nước, cũng như các cuộc biểu tình sôi nổi không kém ủng hộ các nỗ lực chiến tranh.
Theo bà Marci Reaven, Giám Đốc phụ trách triển lãm, thì câu chuyện chiến tranh Việt Nam được kể từ cả hai phía. Tại triển lãm, khách có thể xem một tác phẩm sơn mài tuyên truyền của miền Bắc năm 1962, do một nghệ sĩ còn sống tái tạo lại độc quyền cho Bảo tàng Lịch sử New York.
Các chứng tích được trưng bày gồm một phi đạn Bullpup gắn trên máy bay ném bom F-105, một chiếc xe jeep, và hai dãy màn ảnh video thuật lại từng giai đoạn của cuộc chiến. Khách có thể chọn đoạn video kể lại từng giai đoạn lịch sử của cuộc chiến.
Trong các kỷ vật được trưng bày còn có giấy gọi nhập ngũ mà thanh niên Mỹ tuổi từ 18 tới 26 thời đó phải luôn mang theo mình, nhiều người đã mang ra đốt giấy này để nói lên sự chống đối của mình, và thách thức lệnh nhập ngũ. Chính sự chống đối này đã dẫn tới việc bãi bỏ lệnh nhập ngũ vào năm 1973, không lâu sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam.
Tất cả những chi tiết nghe tương tự như những gì đã nghe về bộ phim tài liệu 10 tập của đạo diễn Ken Burns và đạo diễn Lynn Novick vừa được trình chiếu trên đài PBS mới đây, chỉ là do "tình cờ ngẫu nhiên", theo bà Marci Reaven.
Khách đến xem triển lãm được khuyến khích ghi lại, hoặc ghi âm những sự suy nghĩ của mình về chiến tranh Việt Nam, để lại cho các thế hệ mai sau.
"Chúng tôi muốn các thế hệ đến sau trải nghiệm, như chúng ta đã trải nghiệm, rằng chiến tranh là sản phẩm của nhiều quyết định do các chính quyền và cá nhân làm ra, và điều quan trọng là phải tìm hiểu các quyết định đó, chú ý tới các quyết định đó khi mà chúng đang được làm".
Cuộc triển lãm "Chiến tranh Việt Nam : 1945-1975" tại Viện Bảo Tàng Lịch sử sẽ mở cho tới ngày 22/4/2018.
Dù lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần khiêu khích và sẵn sàng khẩu chiến, các giới chức tình báo Mỹ nói ông ta không điên rồ.
Ông Kim Jong-un phản kích bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/9/2017.
"Kim Jong-un là một người rất tính toán," Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định ngày 4/10.
"Ngoài vấn đề khẩu chiến và huênh hoang, Kim Jong-un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc," ông Yong Suk Lee phát biểu tại một hội nghị tình báo do CIA bảo trợ tại Washington.
"Kim Jong-un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường," ông Lee nói.
Đánh giá của tình báo có vẻ như trái ngược với những lời nói được Tổng thống Donald Trump sử dụng.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là "Ông Rocket tí hon," và trong một Twitter khác vào tháng trước, ông Trump gọi ông Kim "rõ ràng là một gã khùng."
Tuy nhiên ông Lee và các giới chức CIA khác tin là có một "mục đích rõ rệt" về cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên hành xử trên sân khấu thế giới.
Những người này nói, mục đích của Bình Nhưỡng là được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính và cuối cùng sẽ thương thuyết về một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
Các giới chức tình báo xem những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Triều Tiên như là một phương cách để tạo một chỗ đứng và cho Bình Nhưỡng không gian để hoạt động giữa lúc nước này theo đuổi những mục tiêu trên bán đảo.
"Hắn ta muốn chúng ta ra khỏi sàn thử nghiệm của hắn," ông Lee nói và phỏng đoán sẽ có một cuộc thử nghiệm khác hay khiêu khích xảy ra sớm nhất là vào ngày 9 tháng 10 đánh dấu ngày thành lập đảng cầm quyền, trùng hợp với Ngày Columbus ở Mỹ.
Các giới chức lo ngại về những nguy cơ tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng.
Nhưng cựu đặc sứ Mỹ tại các cuộc đám phán 6 bên với Triều Tiên, ông Joseph Detrani, nói "Họ không tự sát." Ông Detrani cảnh báo là Bình Nhưỡng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt vào lúc Tòa Bạch Ốc bác bỏ mọi cuộc thương thuyết có ý nghĩa với chế độ Triều Tiên.
"Chúng ta có thể lâm vào cuộc xung đột," ông Detrani nói. "Họ nghe Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng qua Twitter, nên việc này phải có một ảnh hưởng rõ rệt."
Cũng có những nghi vấn về vai trò Trung Quốc trong việc này.
"Chính Trung Quốc cũng đang quan tâm về sự bất ổn định tại biên giới nước này, nhưng đồng thời cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ," Phó trợ lý Giám đốc CIA Michael Collins nói.
"Trung Quốc có thể làm được nhiều việc," ông Collins nói. "Nhưng ảnh hưởng gì đến việc tính toán của Kim Jong-un lại là một vấn đề khác."
Các giới chức cũng nói những nỗ lực của Hoa Kỳ làm việc với Trung Quốc bị cản trở vì chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến lược này nhằm làm cho Hoa Kỳ giận giữ và hạn chế ảnh hưởng của Washington trong những lãnh vực mà hai nước không đối đầu trực tiếp.
Có một số chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kim Jong-un bị hạn chế.
"Ông ta không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ta không sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ," ông Lee từ Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA nhận định.
Mặc dù "The Vietnam War", bộ phim tài liệu gây tranh cãi về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, không bị cấm chiếu ở Việt Nam nhưng giới lãnh đạo ở Hà Nội tỏ ra không hài lòng về những gì được giới thiệu trong bộ phim mới được trình chiếu trên kênh truyền hình PBS.
Hình ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ tìm kiếm trong khu làng nghi ngờ có Việt Cộng gần Đà Nẵng trong cuộc chiến tại Việt Nam năm 1965.
"Những nhân vật có thế lực trong chính phủ Hà Nội vô cùng không hài lòng về loạt phim tài liệu này", Jeff Stein tiết lộ trong một bài báo của tuần san Newsweek trong tháng này về bộ phim tài liệu công phu đã mất đến 10 năm mới hoàn tất.
Hai nguồn tin độc lập tiết lộ cho Newsweek rằng những "nhân vật thế lực" bực tức đến độ đã "sa thải một số quan chức phụ trách báo chí tại Bộ Ngoại giao, những người đã giúp đoàn làm phim tổ chức các cuộc phỏng vấn".
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu của VOA xin bình luận về thông tin này.
Trong phim, hàng trăm người từ nhiều bên tham gia cuộc chiến đã được phỏng vấn, kể cả nhiều binh sĩ và chỉ huy quân đội miền Bắc từng trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Đạo diễn Ken Burns tại một buổi giới thiệu về bộ phim "The Vietnam War" tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California, hôm 30/7.
Mặc dù được nhiều người đánh giá là tương đối cân bằng khi tìm cách đưa ra sự thật theo quan điểm của nhiều phía, nhưng bộ phim vẫn gây phản ứng trái chiều từ Hà Nội, vì nhiều lý do. Bộ phim đề cập đến vụ thảm sát ở Huế vào Tết Mậu Thân 1968, khi quân đội miền Bắc giết hại nhiều thường dân miền Nam cũng như nhắc tới vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và chuyện các lãnh đạo cấp cao trong Đảng đã tìm cách đưa con cái ra nước ngoài học để tránh nghĩa vụ quân sự.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Hà nội luôn tìm cách bảo vệ tính chính nghĩa của cuộc chiến, theo một chuyên gia về Việt Nam, Ben Wilkinson. Giám đốc Trường đại học Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với Newsweek : "Hà Nội luôn vinh danh "chiến thắng vĩ đại" và sự hy sinh của các chiến sĩ và không bao giờ đề cập đến con số thương vong thực của họ ở miền Nam".
Hôm 21/9, truyền thông trong nước dẫn lời người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói rằng : "Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước".
Đạo diễn Hồng Ánh, một người lớn lên trong gia đình có nhiều người trải qua chiến tranh, nói : "Trong chiến tranh không có sự thật nào là duy nhất cả. Nhưng có một con số không thể nào thay đổi được đó là người Việt chết rất nhiều trong cuộc chiến này".
Hình ảnh một thường dân Việt trong "The Vietnam War" trình chiếu trên kênh truyền hình PBS. Việt Nam chỉ công bố con số thương vong của binh lính và thường dân 20 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Trong phim, 2 đạo diễn cũng cho thấy quyết tâm của Hà Nội sẽ chiến đấu cho đến khi thống nhất 2 miền Nam Bắc cho dù tổn thất đến đâu.
Cho mãi tới năm 1995, 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam mới chính thức công bố con số thương vong là khoảng 2 triệu thường dân và 1.1 triệu binh lính kể cả của miền Bắc và lực lượng đồng minh ở miền Nam, được gọi là Việt Cộng, đã chết trong chiến tranh. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu, con số thực sự có lẽ còn lớn hơn nhiều.
Trong phim The Vietnam War, Tướng William Westmoreland, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968, nói hồi năm 1965 : "Tỷ lệ tử vong giữa lính Mỹ và Việt Cộng là 1-10".
Nhà báo Huy Đức, một trong những cố vấn cho đoàn làm phim và là người xuất hiện trong phim The Việt Nam War nói "Hà Nội sẽ không muốn phổ biến bộ phim này" mặc dù bộ phim đã "quy gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao chiến binh của miền Bắc và có lúc, tỏ thái độ xem thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa".
Viết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân, nhà báo còn có tên Trương Huy San nhận định rằng bộ phim sẽ "không làm cho bên nào hài lòng" và "báo Nhà nước (Việt Nam) có thể sẽ có bài phản bác, bảo vệ ‘tính chính nghĩa’ của cuộc chiến".
Tuy nhiên, theo dạo diễn Hồng Ánh thì mặc dù báo chí Việt Nam có đưa tin về sự ra mắt của The Vietnam War, nhưng không đi sâu phân tích về những thông tin gây tranh cãi trong bộ phim. Đạo diễn Hồng Ánh cho rằng đây là 1 dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, dù có không hài lòng, cũng tỏ ý muốn "hòa giải", 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
"Họ không phản ứng gay gắt. Bằng chứng là họ không chặn đường link hoặc cấm đoán bằng mọi thứ để khán giả Việt Nam không thể xem được phim này. Cho tới ngày hôm nay (29/8) mọi người vẫn xem được trọn 10 tập thì đó là điều cho thấy (Hà Nội) mong muốn khép lại quá khứ".
Cảnh sát ở miền tây nam nước Nga đã bắt giữ một cặp vợ chồng bị cáo buộc đã đánh thuốc mê, lột da khi người ta còn sống, và ăn các bộ phận cơ thể của khoảng 30 người, ngoài ra còn ngâm muối thi thể của nạn nhân.
Thành phố Krasnador chấn động về tin có cặp vợ chồng ăn thịt người (ảnh chụp màn hình BBC, Getty Images).
Tờ Washington Post đưa tin có lẽ hai kẻ này cũng đã cố gắng tuồn "thịt người đóng hộp" vào đồ ăn mà chúng chế biến tại nơi làm việc của chúng - một học viện quân sự ở thành phố Krasnador, cách Sochi khoảng 5 tiếng đi đường.
Có tin cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 11/9 sau khi các công nhân làm đường phát hiện một điện thoại di động bị đánh rơi và xem các ảnh trong điện thoại. Khi thấy hình ảnh một người đàn ông "ngậm trong mồm những bộ phận bị cắt ra từ cơ thể người", lập tức họ đã đến gặp nhà chức trách, báo Washington Post tường thuật, dẫn lại thông tin từ Bộ Nội vụ Nga.
Natalia Baksheeva và chồng của thị, Dmitry Baksheev, 35 tuổi, hiện đã bị bắt giữ. Baksheev giờ phải đối mặt với cáo buộc giết người cùng lúc cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Dẫn lại truyền thông địa phương, BBC cho hay bọn chúng thừa nhận đã giết tới 30 người. Washington Post cho rằng nếu được xác nhận, cặp vợ chồng này sẽ trở thành một trong những kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất của Nga được các hồ sơ ghi lại.
Tin của Washington Post cho hay cảnh sát nói hai kẻ này có thể phải chịu trách nhiệm về việc hàng chục người chết hoặc mất tích trong gần hai thập kỷ.
Có tin một cuộc lục soát của cảnh sát tại nhà của chúng đã tìm thấy một bức ảnh đề ngày 28/12/1999, thể hiện một đầu người trên một chiếc đĩa cùng với trái cây.
Các điều tra viên nói rằng họ cũng tìm thấy "các mẩu thức ăn và các miếng thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc" trong nhà bếp, cũng như các bình chứa các bộ phận cơ thể người trong dung dịch muối, theo tường thuật của BBC.
(theo Washington Post, BBC)
Việt Nam truy tố cựu lãnh đạo & nhân viên ngân hàng tư túi 264 triệu đôla (VOA, 28/09/2017)
Bộ Công an vừa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một cựu lãnh đạo và các cán bộ ngân hành do đã bỏ túi riêng 6 ngàn tỷ đồng (khoảng 264 triệu đôla), giữa lúc Việt Nam tăng cường bắt giam nhiều cá nhân sai phạm trong ngành ngân hàng.
Bà Hứa Thị Phấn và ông Hà Văn Thắm (Ảnh chụp từ VOV)
Hãng tin Reuters hôm 27/9 loan tin trong một tuyên bố trên mạng, Bộ Công an cho biết đã khởi tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngân hàng Đại Tín là tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã bị tuyên án 30 năm tù về việc rút ngân quỹ trái phép.
Bà Phấn và 9 nhân viên và trợ lý đã bị cấm rời khỏi tư gia. Công an cũng đã bắt giữ bốn nhân viên khác, trong khi một người đã bị bắt trước đó.
Báo Dân trí cho biết ngoài việc khởi tố 14 bị can, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh với 4 bị can. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn đã nhận quyết định điều tra bổ sung thay đổi tội danh đã khởi tố trước đó là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố do liên quan đến vụ tham nhũng của các thành viên của tập đoàn ngân hàng Đại Dương (Ocean Group), mà ông Hà Văn Thắm là người sáng lập và 50 quan chức khác đang chờ xét xử, dự kiến trong tháng này.
Đầu tháng 9, Việt Nam cáo buộc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình với tội danh "thiếu trách nhiệm" trong khi Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngành ngân hàng của Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc chống tham nhũng ở cấp cao, nơi xảy ra hàng chục vụ lãnh đạo ngân hàng bị xét xử vì nhận hối lộ và quản lý kém.
*****************
Việt Nam gánh nợ công nuôi Đảng ủy (VOA, 27/09/2017)
Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thất bại trong việc kìm giữ thâm hụt ngân sách do chính phủ quản lý kém hiệu quả và quá lãng phí.
Bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.
Theo trang Asia Times, người dân cáo buộc chính phủ tăng thuế môi trường bất hợp lý, vì họ tin rằng ý đồ của chính phủ là giảm thâm hụt ngân sách chứ không phải giúp bảo vệ môi trường. Điều này tăng đôi gánh nặng trên vai người nộp thuế, khiến họ ta thán đó là "một cổ hai tròng".
Đảng Cộng sản Việt Nam, với bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia, vì chính phủ phải có đủ tiền chi trả cho nhân viên, văn phòng và các hoạt động của họ, theo Asia Times.
Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã cấp tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2006-2015 (trừ năm 2009, vì thiếu số liệu), hơn cả ngân sách cấp cho Văn phòng Quốc hội (9.100 tỷ đồng), Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch nước (1.000 tỷ đồng).
Ngân sách dành cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản chiếm 41,8% tổng ngân sách dành cho các tổ chức này trong thời gian 9 năm như nêu trên. Cần lưu ý rằng ngoài Văn phòng Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam có văn phòng ở cấp tỉnh, thành phố, huyện và phường xã. Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố lớn thuộc trung ương.
Đảng Cộng sản Việt Nam có một số cơ quan đặc biệt ở trung ương, chẳng hạn như Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Quân ủy Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Tuyên giáo Trung Ương, tất cả đều có các chức năng giống như các bộ tương ứng trong chính phủ.
Ngoài ra, chính phủ còn phải cấp ngân quỹ cho các tổ chức quần chúng và các hiệp hội xã hội dân sự do chính phủ tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 6 tổ chức này quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhận được tổng cộng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia năm 2016.
Quốc kỳ và Đảng kỳ trên đường phố Hà Nội nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng 1, năm 2016.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã chỉ ra rằng một số biện pháp hiệu quả nhất để giảm bớt thâm hụt ngân sách là cắt giảm chi tiêu thường xuyên, giảm quy mô của chính phủ và sáp nhập các ủy ban trung ương đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các bộ tương ứng trong chính phủ.
Các nhà tài trợ quốc tế luôn gây sức ép lên chính phủ để tách các chức năng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi ngân sách quốc gia.
Tổng nợ công của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 năm 2017 là 94,6 tỷ đôla, tương đương khoảng 1.038 đôla mỗi đầu người.
Vào tháng trước, Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra một kế hoạch tăng các loại thuế khác nhau để kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng.
Số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thâm hụt ngân sách của chính phủ đã tăng từ 22,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, vào năm 2000 lên 293 nghìn tỷ đồng ( khoảng13,1 tỷ đôla), tương đương 6,5% GDP vào năm 2016.
Kể từ năm 2000 cho đến nay, chính phủ Việt Nam liên tục thâm hụt ngân sách. Dự báo thâm hụt ngân sách cho năm 2017-2018 là khoảng 5,8% GDP. Doanh thu của Chính phủ đã tăng trong 15 năm qua, một phần do tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tăng trưởng này không thể theo kịp với chi tiêu của chính phủ.
Chi tiêu thường xuyên, bao gồm chi phí quản lý, tiền lương, an sinh xã hội, lương hưu, an ninh và quốc phòng là nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách. Theo thống kê của Bộ Tài chính, chi thường xuyên chiếm 66,3% tổng chi của chính phủ trong năm 2016, so với 18,7% và 15% đối với khoản thanh toán tiền lãi và đầu tư công.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng trên một lít xăng, mặc dù giá xăng tại Việt Nam đã quá cao so với thu nhập bình quân của người tiêu dùng và so với giá bán tại các nước Châu Á lân cận.
Việt Nam cũng nổi tiếng với các dự án đầu tư công đầy tai tiếng. Rất nhiều cây cầu đã bị sụp đổ ngay sau khi được khánh thành. Các con đường vừa được xây vài năm thì cần phải sửa chữa lớn. Bài viết này không thể kể hết các trường hợp như thế.
Lãng phí nguồn lực lớn xảy ra trong các dự án đầu tư công, nhưng vẫn chưa có quan chức nào quy trách nhiệm gây thiệt hại. Tham nhũng lan rộng trong các dự án này là lý do chính cho sự thất bại của họ.
Việc tăng thuế không phải là giải pháp cho sự quản lý thiếu hiệu quả và lãng phí của chính phủ ở Việt Nam. Sử dụng vốn vay và đầu tư một cách khôn ngoan là cách tốt nhất để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong thời gian dài. Những biện pháp này rất quan trọng nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) vừa loan báo đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết nợ công thông qua một bản ghi nhớ về hợp tác trong tương lai, sau chuyến đi "vận động" của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào giữa tháng 9.
Trang CafeF nói rất có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt nợ công ở Việt Nam, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là khái niệm về nợ công của Việt Nam hiện nay "còn xa lạ với thông lệ quốc tế".
Tờ báo này còn nói rằng Việt nam có khái niệm "riêng" nên số liệu về nợ công ở Việt Nam thường thiếu thống nhất, đồng thời việc đặt ra khái niệm riêng của Việt Nam về nợ công để có chỉ tiêu nợ công/GDP "đẹp" là không hợp lý và không cần thiết.
Hơn nữa, với khái niệm về nợ công "không giống ai" trong công tác quản lý nợ công, Việt Nam sẽ là "một mình một chợ" và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi thực trạng về nợ công không được đánh giá đúng.
Vào lúc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra, một tướng lãnh cao cấp của Giải phóng Quân Trung Quốc đã gửi tín hiệu hòa giải với Hà Nội sau khi quan hệ hai nước xấu đi với những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung (Ảnh chụp màn hình SCMP)
Tại một sự kiện giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung mới đây, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ẫn lời nói với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng hai nước "cần nhìn về đại cục, củng cố lòng tin lẫn nhau và luôn làm sâu sắc thêm liên lạc thực tế".
"Quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội Việt Nam để kiểm soát đúng đắn khác biệt giữa hai nước và tiếp thêm năng lượng cho quan hệ song phương phát triển," ông Phạm được Tân Hoa Xã dẫn lời nói.
Sự kiện giao lưu quốc phòng hai ngày này diễn ra tại vùng biên giới giữa tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Lãnh đạo quốc phòng hai nước đã thị sát các cuộc diễn tập chống khủng bố và tuần tra của lực lượng biên phòng hai bên.
Hồi tháng Sáu, tướng Phạm Trường Long đột ngột hủy tham gia sự kiện giao lưu quốc phòng này và cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau khi Hà Nội từ chối ngưng khoan thăm dò khí đốt tại vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc.
Việt Nam sau đó đã ngưng khoan thăm dò tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), một số nguồn tin cho là vì sức ép của Bắc Kinh. Trung Quốc đã dọa sẽ dùng vũ lực để tấn công một số thực thể đang nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam trên Biển Đông.
Tại một hội nghị quy tụ ngoại trưởng các nước ASEAN sau đó ở Philippines, Hà Nội tiếp tục làm cho Trung Quốc tức giận khi tìm cách đưa vào tuyên bố chung nội dung phản đối Trung Quốc lấp đất đắp đảo trên Biển Đông.
Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được tờ SCMP dẫn lời, nhận định rằng sự hiện diện của ông Phạm tại sự kiện giao lưu biên giới này là "một cử chỉ thiện chí" của Bắc Kinh đối với Việt Nam.
"Thông thường thì Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự", ông Hứa giải thích, "tuy nhiên ông Phạm đã quyết định chủ trì sự kiện này sau khi hủy sự kiện này một vài tháng trước đây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn tiếp tục trân trọng quan hệ với Việt Nam".
Tờ báo này nói chuyến đi Hà Nội của ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là nhân vật xếp hàng thứ năm trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, hồi tuần trước cũng được thực hiện trong tinh thần hòa giải với Việt Nam.
Ông Lưu đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Lưu được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Trọng rằng hai nước Việt-Trung "chia sẻ cùng vận mệnh" và hai nước "phải sát cánh để hỗ trợ lẫn nhau".
Giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định rằng chuyến thăm của ông Lưu Vân Sơn phản ánh mối quan hệ tổng thể giữa hai nước, nhất là giữa hai đảng cộng sản cầm quyền. Ông Hứa nói các chuyến thăm gần đây cho thấy hai nước đang cố gắng xây dựng lòng tin.
Trung Quốc sắp sửa tổ chức Đại hội Đảng vào tháng sau – sự kiện chính trị quan trọng nhất ở nước này diễn ra năm năm một lần – trong khi Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào tháng 11.
"Không nước nào muốn những sự kiện chính trị quan trọng này bị xáo trộn. Đó là lý do tại sao hai nước đang tìm cách đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương," ông Hứa nói.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 26/9, bà Trương Thị Ngọc Anh, phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã được ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc, và là nhân vật xếp hàng thứ tư trong bộ máy lãnh đạo, nghênh tiếp ở Bắc Kinh. Ông Du được dẫn lời nói với bà Ngọc Anh rằng sẽ nỗ lực xử lý khác biệt để củng cố mối quan hệ với Việt Nam.
Cũng trong nỗ lực duy trì môi trường khu vực trước Đại hội Đảng, Trung Quốc kêu gọi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã đến thăm Bắc Kinh tuần trước, giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN.
Hai ngư dân Việt Nam thiệt mạng trong khi năm người khác bị bắt sau khi họ bị phát hiện đánh bắt cá ngoài khơi tây bắc Philippines, dẫn tới một cuộc đuổi bắt ban đêm, và tàu của Việt Nam đã đâm vào tàu hải quân của Philippines, khiến lực lượng này buộc phải nổ súng.
Một con tàu của hải quân Philippines.
AP dẫn lời các quan chức Philippines cho biết như vậy hôm 24/9, đồng thời cho hay rằng năm người Việt cùng với thi thể của hai ngư dân tử vong đã được trao cho lực lượng cảnh sát Philippines sau khi vụ việc xảy ra sớm 23/9 ở ngoài khơi thị trấn Bolinao ở tỉnh Pangasinan ở khu vực tây bắc.
Một quan chức Philippines còn nói với hãng tin Mỹ này rằng vụ việc xảy ra gần bờ biển của Philippines, chứ không phải trong vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, AP nhận định rằng vụ chết người này cho thấy sự nguy hiểm của các vùng lãnh hải chồng lấn nhau.
Tàu cá Việt Nam bị Indonesia cho nổ tung sau khi bị bắt vì đánh bắt trái phép.
Quan chức Philippines được trích lời nói rằng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa rõ ngay liệu hai người Việt thiệt mạng vì bị bắn trọng thương hay vì các nguyên nhân khác.
Vụ việc xảy ra sau khi tàu hải quân Philippines phát hiện sáu tàu cá Việt Nam sử dụng "đèn siêu sáng" đánh cá, một hình thức bắt cá vốn bị cấm theo luật Philippines.
Theo AP, đại sứ quán Việt Nam ở Philippines chưa hồi đáp ngay trước yêu cầu bình luận của hãng này.
Trong những năm trở lại đây, không chỉ Philippines, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.
Trao đổi với VOA Việt ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải "dạt" khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc.
Đại diện Việt Nam hôm 22/9 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi "kiềm chế" ở Biển Đông.
Ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2016.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng "Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng các nước ASEAN ứng phó với các thách thức chung".
"Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý", ông nói tiếp.
Ngoài Biển Đông, theo tin từ Liên Hiệp Quốc, ông Minh cũng nhắc tới sự tin tưởng của Việt Nam vào "vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết hoà bình các tranh chấp".
Đại diện chính phủ Việt Nam còn kêu gọi "cần có những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm ngăn ngừa các xung đột, xây dựng lòng tin và giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, kể cả các xung đột, tranh chấp ở Trung Đông, Châu Phi và kêu gọi phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên", đồng thời nói rằng "việc bao vây cấm vận đơn phương Cuba là không phù hợp và phải được dỡ bỏ ngay".
Ông Minh lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu với ngôn từ mạnh, trong đó ông cũng nhắc tới Biển Đông.
"Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]", ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình".
Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên như Bắc Hàn và các thỏa thuận thương mại đa phương bị cáo buộc đã lấy đi việc làm của người Mỹ, theo giới quan sát.
21 bang bị tin tặc nhắm mục tiêu trong cuộc bầu cử 2016 (VOA, 24/09/2017)
Chính phủ liên bang hôm thứ Sáu nói với các viên chức bầu cử ở 21 bang rằng tin tặc đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống bầu cử của họ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái.
Tư liệu - Cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ở thành phố Medina, bang Ohio, ngày 8 tháng 11, 2016.
Thông báo này được đưa ra gần một năm sau khi các quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ lần đầu tiên nói rằng các bang đã bị nhắm mục tiêu bởi những tin tặc có thể có dính líu tới Nga. Hãng tin AP loan tin các bang bị nhắm mục tiêu bao gồm một số bang chiến trường chính trị quan trọng như Florida, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin
Vì thông báo của Bộ An ninh Nội địa không nêu tên các bang này, AP cho biết họ đã liên lạc với văn phòng bầu cử của tất cả các bang và xác định đó là Alabama, Alaska, Arizona, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Illinois, Iowa, Maryland, Minnesota, North Dakota, Oklahoma, Oregon, Texas và Washington, ngoài năm bang chiến trường kể trên.
Bị nhắm mục tiêu không có nghĩa là dữ liệu cử tri nhạy cảm đã bị thao túng hoặc kết quả đã bị thay đổi. Một tin tặc nhắm mục tiêu vào một hệ thống mà không xâm nhập cũng giống như một tên trộm đi rảo quanh một căn nhà để tìm cửa và cửa sổ chưa khóa, AP giải thích.
Mặc dù vậy, quy mô rộng lớn của những nỗ lực này và thời gian trì hoãn cả năm trong thông báo từ Bộ An ninh Nội địa khơi lên lo ngại nơi các quan chức bầu cử và các nhà lập pháp.
Đối với nhiều bang, các cuộc gọi vào ngày thứ Sáu là sự xác nhận chính thức đầu tiên về việc liệu bang của họ có nằm trong danh sách hay không - dù các quan chức bầu cử cấp bang khắp cả nước suốt nhiều tháng qua đã kêu gọi chính phủ liên bang chia sẻ thông tin về bất kỳ vụ tấn công tin tặc nào, cũng như các nghị sĩ Quốc hội.
"Một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được là Bộ An ninh Nội địa đã mất hơn một năm để thông báo cho văn phòng của chúng tôi về việc Nga dò tìm các hệ thống của chúng tôi, bất chấp những yêu cầu cung cấp thông tin của chúng tôi", Bộ trưởng Sự vụ Bang California Alex Padilla, người theo Đảng Dân chủ, nói trong một thông cáo. "Tập tục ém giữ những thông tin quan trọng không cho các viên chức bầu cử biết gây tổn hại cho sự an ninh của các cuộc bầu cử và nền dân chủ của chúng ta".
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mark Warner của bang Virginia, thành viên Đảng Dân chủ cao cấp trong một ủy ban đang điều tra sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử năm ngoái, từ nhiều tháng qua đã hối thúc Bộ An ninh Nội tiết lộ tên của các bang bị nhắm mục tiêu. Ông nói các bang cần những thông tin như vậy trong thời gian thực để họ có thể tăng cường các biện pháp phòng vệ trên mạng.
"Chúng ta phải làm tốt hơn trong tương lai", ông nói.
Bộ An ninh Nội địa nói họ nhận thức rằng các quan chức cấp bang và cấp địa phương nên được thông báo về những rủi ro không gian mạng đối với cơ sở hạ tầng bầu cử của họ.
"Chúng tôi đang làm việc với họ để tinh chỉnh các quy trình của chúng tôi để chia sẻ những thông tin này đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc điều tra và tính bảo mật của các chủ sở hữu hệ thống", Bộ nói trong một thông cáo.
Chính phủ không nói ai đứng đằng sau các nỗ lực tấn công tin tặc hoặc cung cấp chi tiết về những gì được tìm kiếm. Nhưng các quan chức bầu cử ở một số bang nói rằng những nỗ lực này liên quan đến Nga.
********************
Facebook sẽ giao cho Quốc hội Mỹ các quảng cáo chính trị của Nga (VOA, 23/09/2017)
Facebook nói họ sẽ chia sẻ với các nhà điều tra Quốc hội 3.000 quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội này mà đã bị phát hiện có liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Chia sẻ trên mạng Facebook - Ảnh minh họa
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đưa ra thông báo này hôm thứ Năm, nhắc lại sự hợp tác của công ty của ông với các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và các ủy ban Quốc hội.
Ông Zuckerberg trước đó đã phải đối mặt với chỉ trích vì đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn những người bị gọi là "phần tử xấu" sử dụng Facebook để thao túng hoặc gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Cuộc điều tra của Facebook cho thấy một hoạt động được tổ chức ở Nga đã chi 100.000 đôla cho các quảng cáo tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nga đã phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào.
*********************
Mỹ dùng thông tin khách quan đối phó thông tin sai lệch của Nga
Với mong muốn "đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’", nhà báo-nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa cho ra đời cuốn sách "Chính Trị Bình Dân". Tác phẩm được giới trí thức hoạt động xã hội đánh giá cao về cả nội dung, phong cách viết và mức độ cần thiết của nó trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
Bìa sách Chính Trị Bình Dân của tác giả Phạm Đoan Trang.
Blogger Phạm Lê Vương Các nhận định : "[Sách] Chính trị mà Việt Nam xuất bản sau năm 1975 phần lớn là viết về quan điểm của Đảng Cộng sản và dành cho các đảng viên. Còn xuất bản sách về chính trị thì hoàn toàn vắng bóng. Chính vì vậy, tôi đánh giá đây là một tác phẩm rất quan trọng. Nó mở ra một lối cho chính trị đi vào tầng lớp bình dân. Ai cũng có thể tiếp cận nó qua những câu chuyện bình dân và thực tế. Đây là một tác phẩm rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại".
Nhà báo Đoan Trang được biết đến qua nhiều các bài viết và hoạt động cỗ vũ dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như loạt bài viết về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tham gia biểu tình chống Trung Quốc và gần đây là thảm họa môi trường Formosa.
Bà thường bị chính quyền canh giữ cẩn mật trong những thời điểm được cho là "nhạy cảm".
Chia sẻ trên trang Facebook, bà Trang cho biết : "Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện. Ở một nơi khác, sếp của họ, ngồi phòng lạnh, đang chỉ đạo họ theo dõi "đối tượng" chặt chẽ, nghiên cứu thói quen, lịch làm việc hàng ngày, đường đi lối lại vào nhà và cách bài trí đồ đạc trong nhà… Đã có những ngày mà, nếu không có cây đàn guitar luôn đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên.".
"Chính Trị Bình Dân" được viết trong những ngày như thế, khi bà Đoan Trang "bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen", trích Facebook Phạm Đoan Trang.
Năm 2015, sau khi nhận hoàn thành khóa học theo học bổng tại Mỹ, nhà báo Đoan Trang đã chọn trở về Việt Nam, điều mà bà cho VOA biết là "một quyết định khó khăn, dằn vặt", để thay đổi xã hội "bất thường" Việt Nam "trở thành một xã hội bình thường".
Giới thiệu về cuốn sách, nhà báo Đoan Trang viết : "Người Việt lại có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra.
Với niềm tin sai lệch ấy, định kiến ấy, chúng ta tiếp tục xa lánh chính trị, không hiểu gì về chính trị và để mặc đất nước, xã hội cũng như cộng đồng cho một thiểu số lãnh đạo tùy ý vận hành, quyết định.
Nhưng thật ra, chính trị đâu có khó hiểu đến thế. Cũng như nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình".
Nội dung của "Chính Trị Bình Dân", theo giới thiệu của nhà báo Đoan Trang, là một cuốn sách nhập môn về những kiến thức căn bản về chính trị mà Đoan Trang đã "cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam".
"Chính nhờ sự dí dỏm và nhẹ nhàng, những vấn đề chính trị rất khô khan dưới ngòi bút của Đoan Trang trở thành gần gũi. Khi đọc, người đọc sẽ cảm nhận mình là một bộ phận ở trong đó. Chẳng hạn, Đoan Trang nêu ra vấn đề mà nhiều người đang rất quan tâm hiện nay như việc thu phí ở BOT. Điều này khiến cho người đọc cảm nhận mình là người trong cuộc, chứ không phải là người ngoài cuộc", blogger Phạm Lê Vương Các nhận xét với VOA.
Chỉ trong vài ngày đầu ra mắt, cuốn "Chính Trị Bình Dân" đã được nhiều trí thức hoạt động ở Việt Nam đánh giá cao và giới thiệu rộng rãi qua các kênh truyền thông xã hội.
Luật sư Lê Công Định nhận xét trên trang Facebook cá nhân "Đây là quyển sách quan trọng và nền tảng về chính trị cho mọi người, nhất là giới trẻ".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự ở Việt Nam, nói cuốn sách đáp ứng tốt một nhu cầu của xã hội Việt Nam, nơi mà mức độ hiểu biết về chính trị, dân chủ của người dân cần phải được nâng cao.
"Theo tôi, những người hoạt động một cách chuyên nghiệp thì hiểu biết của họ về chính trị và dân chủ nói chung là tốt. Còn dân chúng nói chung cũng rất khó nói, tôi nghĩ là sự hiểu biết đó chắc là chưa được kỹ lắm và cần phải nâng cao sự hiểu biết của người dân lên hơn nữa", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.
Blogger Phạm Lê Vương Các đánh giá cuốn "Chính Trị Bình Dân" không chỉ đề cập đến những vấn đề "nhạy cảm", mà còn "đánh trực diện vào hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam" nên "rủi ro" là điều khó tránh khỏi đối với tác giả cuốn sách. Blogger, cũng là nhà hoạt động nghiên cứu về Luật, nói :
"Về mặt pháp lý, theo nguyên tắc, cuốn sách được xuất bản tại Hoa Kỳ nên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Hoa Kỳ, chứ không thể nói sách xuất bản tại Hoa Kỳ mà pháp luật Việt Nam lại có thể can thiệp vào. Tuy nhiên về mặt chính trị, chính quyền có thể lấy một lý do A, B, C, D nào đó để trả đũa cho việc Đoan Trang xuất bản cuốn sách này".
Tác phẩm dày 502 trang của nhà báo Đoan Trang hiện đang được bán trên Amazon với giá 20 đôla. Theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nếu cuốn sách được cô đọng ngắn gọn hơn, bán với giá rẻ hơn và được phân phối qua nhiều kênh gần gũi hơn thì chắc chắn sẽ tiếp cận được nhiều hơn tới giới "bình dân", đối tượng mà cuốn sách nhắm đến.
Tuy nhiên, nhà báo Đoan Trang nói bà sẽ "rất vui được tặng sách" cho sinh viên và nếu độc giả gặp khó khăn với công an, an ninh vì cuốn sách, bà "sẵn sàng trao đổi họ trên tư cách tác giả với độc giả".
"Tác giả không sợ thì các bạn chẳng có gì phải ngại cả", bà Trang khẳng định trên Facebook.