Quan ngại về sự cần thiết phải kiềm hãm sức mạnh áp đảo của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ và Nhật Bản có thể mở các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, hoặc bán vũ khí cho các đối thủ của Bắc Kinh tiếp theo sau hai buổi họp song phương cấp cao trong tháng này.
Binh sĩ hải quân của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JMSDF) lên hàng không mẫu hạm Izumo chở máy bay trực thăng, tham gia tập trận ở Biển Đông, gần Singapore, ngày 22/6/2017. Reuters/Nobuhiro Kubo.
Theo các chuyên gia, Ấn Độ và Nhật Bản có thể bán hoặc cho không vũ khí cho các nước tranh giành chủ quyền với Bắc Kinh như Việt Nam, để các nước này có thể xây dựng một lực lượng phòng thủ hùng mạnh hơn chống lại Bắc Kinh. Nhật Bản có thể sử dụng lực lượng tuần duyên hoặc tàu hải quân để tuần tiễu Biển Đông và qua đó, chứng tỏ rằng Biển Đông vẫn mở rộng cho tàu bè quốc tế qua lại, bất chấp tuyên bố của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sở hữu tới 90% diện tích Biển Đông.
Các nhà phân tích nói Ấn Độ có thể tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu hỏa và khí đốt dưới biển.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington (CSIS), nói :
"Dehli và Tokyo trong thời gian qua đều tăng cường các nỗ lực nhằm xây dựng khả năng quân sự của các nước trong khu vực. Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc cung cấp tàu tuần tiễu và huấn luyện các quốc gia Đông Nam Á, trong khi Ấn Độ bán vũ khí và huấn luyện cho hải quân Việt Nam".
Hai cuộc họp cấp cao trong một tuần
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp vị tương nhiệm Narendra Modi ở Ấn Độ trong hai ngày 13 và 14/9 để thảo luận việc "củng cố hợp tác an ninh hàng hải", theo một thông báo của Bộ Ngoại giao tại Tokyo.
Hôm thứ Hai, Ngoại Trưởng của hai nước đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để bàn về quyền tự do hàng hải và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Giới phân tích tin rằng chủ đề của các cuộc đàm đạo trong cả hai buổi họp nhắm vào Trung Quốc, kể cả sự bành trướng của Bắc Kinh từ năm 2010 tới nay trong vùng biển tranh chấp.
Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng hai nước đã chứng kiến với thái độ lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh quân sự hùng hậu nhất tại Châu Á. Bất chấp cuộc họp với ông Tillerson ở New York, chính phủ Mỹ được cho là chỉ chú trọng tới việc quân sự hóa của Triều Tiên.
Cấp vũ khí cho các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc
Nhật Bản và Ấn Độ có thể bán thêm vũ khí cho 4 nước Đông Nam Á có vùng biển chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Nhật Bản hồi tháng Giêng năm nay ra dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tặng Việt Nam 6 tàu tuần duyên để giúp Hà nội tăng cường khả năng hàng hải.
Từ những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã 3 lần chạm trán với tàu Trung Quốc. Hồi tháng 8 năm ngoái, Nhật Bản bắt đầu bán cho Philippines 10 tàu tuần duyên qua một thỏa thuận cho vay với lãi xuất ưu đãi.
Ấn Độ đã thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mà nước này cùng phát triển với Nga, và nhiều tên lửa khác nữa, đã khiến cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc tố cáo Ấn Độ là gây rối.
Ấn Độ hồi tháng 9/2016, đề nghị một gói tín dụng quốc phòng mới trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để mua thiết bị quốc phòng, kể cả các tàu tuần tiễu.
Điều tàu đi tuần trên các vùng biển tranh chấp
Nhật Bản có thể thách thức Trung Quốc bằng các cuộc tuần tiễu "không ầm ĩ" trên Biển Đông, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore
Vào tháng 5, Nhật Bản phái tàu chiến chở máy bay trực thăng Izumo ra Biển Đông, ghé thăm các bến cảng ở Đông Nam Á trên đường tới dự cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định :
"Điều mà họ làm là điều một chiếc tàu tới Vịnh Aden, và trên đường trở về, họ ‘kiểu như’ tuần tra Biển Đông, đồng thời ghé thăm các bến cảng Việt Nam,…Tuy nhiên họ không cố ý hoạch định bất kỳ chương trình tự do hàng hải nào trên Biển Đông vì lo ngại có thể khiêu khích Trung Quốc.
Tiến sĩ Hiệp nói thêm :
"Nhưng trong tương lai thì tôi không chắc, bởi vì rõ ràng là Nhật Bản cũng chú ý quan tâm và tìm cách kiềm hãm các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các cuộc tuần tra sẽ cho thấy rằng biển, với nguồn thủy sản vô cùng phong phú, vẫn mở cho các nước khác bất chấp Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của tuyến hàng hải nằm ở bờ biển phía nam Trung Quốc.
Trung Quốc đã củng cố quyền kiểm soát và gây giận dữ cho các nước khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên vùng biển tranh chấp, khi nước này lắp đất xây các đảo nhân tạo có khả năng đón nhận máy bay chiến đấu và có trang bị các hệ thống radar.
Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại một phần hoặc toàn phần Biển Đông, cạnh tranh với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, một think tank của Đài Loan, nói Ấn Độ và Nhật Bản có thể hợp tác để thực hiện các cuộc tuần tra chung, sử dụng tàu tuần tra ven biển.
Ông Yang nói thêm : "Có lẽ hai nước này sẽ tăng các hoạt động chung để chứng minh rằng Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác chặt chẽ với nhau để buộc các nước trong khu vực phải hành xử theo đúng quy định của luật pháp quốc tế trên Biển Đông và trong khu vực.
Sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia còn lại đã tiến thêm một bước tới gần một thỏa thuận toàn diện, làm dấy lên hy vọng rằng các nước lớn có thể duy trì thương mại tự do, bất chấp chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của Hoa Kỳ, một nhà thương thuyết cho biết hôm thứ Sáu 22/9.
Quanh cảnh sau một phiên họp 11 nước TPP, Hà Nội, Việt Nam, 21/5/2017
Hiệp định TPP nguyên thủy gồm 12 nước thành viên nhắm mục đích cắt giảm các rào cản thương mại cho một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á.
Tổng thống Trump sau khi nhậm chức hồi tháng Giêng năm nay, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP để theo đuổi ưu tiên bảo vệ việc làm cho người Mỹ, khiến tương lai của hiệp định trở nên bấp bênh.
Các nhà thương thuyết tụ tập tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong hai ngày để bàn về những phần trong thỏa thuận nguyên thủy mà họ muốn tạm gác sang trong nhất thời, trong một cố gắng nhằm cứu vãn viễn kiến đầy cao vọng về một khối thương mại tự do mà thoạt tiên có sự tham gia của Hoa Kỳ.
11 nước thành viên đồng ý gặp lại nhau ở Nhật Bản trong tháng tới nhằm đi đến một thỏa thuận tổng quát vào tháng 11 tới đây tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Khu vực Á Châu -Thái Bình Dương dự kiến tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Trưởng đoàn thương thuyết Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto, là người chủ trì cuộc họp hai ngày. Ông nói với các nhà báo :
"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ có ý nghĩa. Một cuộc họp cấp Bộ trưởng của các nước TPP có phần chắc sẽ diễn ra bên lề hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Tất cả mọi người đều chứng tỏ họ đã tận lực làm việc để bảo đảm kết quả tốt nhất có thể".
Nhật Bản muốn cổ vũ cho thương mại tự do bằng cách tiếp tục hoàn tất Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương cho 11 nước còn lại, gọi tắt là TPP 11- để chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong khi vẫn hy vọng là rốt cuộc, Washington sẽ tái xét chính sách thương mại "Nước Mỹ Trên Hết" của ông Trump.
Ông Umemoto giải thích :
"Ý tưởng căn bản là chúng tôi muốn Hoa Kỳ trở lại trong thời hạn sớm nhất, điều đó có nghĩa là hiệp định TPP ban đầu phải được phê chuẩn".
Ông nói các nước còn lại đang thảo luận nên tạm đóng băng những phần nào của hiệp định để thông qua hiệp định TPP-11 -không có Hoa Kỳ, cho tới lúc người Mỹ trở lại với TPP.
Mặc dù 11 nước còn lại đều lên tiếng duy trì cam kết với Hiệp định TPP, việc thi hành thỏa thuận nối kết 11 nước có tổng GDP lên tới 12,4 ngàn tỉ USD có lúc đã dậm chân tại chỗ, gây lo sợ rằng một số nước khác có thể theo chân Hoa Kỳ, rút ra khỏi TPP.
Tại một buổi họp ở Sydney vào cuối tháng 8 vừa rồi, Việt Nam đề nghị thay đổi các quyền của người lao động, và các điều khoản liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (IP) trong văn bản hiệp định nguyên thủy.
Đề nghị của Việt Nam, gác sang một bên các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới các dữ kiện dược phẩm, có nhiều triển vọng được ủng hộ rộng rãi, giữa lúc các giới chức Nhật và New Zealand đã ra dấu hiệu sẽ hậu thuẫn những thay đổi này.
Các nhà thương thuyết còn phải quyết định nên phê chuẩn hiệp định như thế nào. Hiệp định nguyên thủy đòi hỏi là muốn được phê chuẩn, ít nhất phải có 6 nước tham gia, mà gộp chung lại GDP của các nước này phải đạt 85% tổng GDP tất cả các nước thành viên.
Quy định đó khó có thể thực hiện sau khi Hoa Kỳ rút lui, và do đó phải sửa đổi quy định này.
Một thỏa thuận thương mại tự do mà Nhật Bản ký kết với Liên hiệp Châu Âu hồi tháng 7, sau 4 năm thương lượng, khơi lên niềm hy vọng rằng những khó khăn kỹ thuật vây quanh TPP 11 rốt cuộc có thể được giải quyết.
Cộng đồng người Việt ở Đức nói họ cần được các cơ quan nhà nước Đức bảo vệ và yêu cầu chính quyền liên bang ngăn cản những vụ bắt cóc tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ngoại trưởng Đức miêu tả là giống như trong phim thời chiến tranh lạnh.
Tòa Đại sứ Việt Nam tại Bẻlin - Germany Vietnam
Trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, một diễn đàn của người Việt ở Đức có tên gọi "Việt Nam 21" nói "cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay cảm thấy bất an vì các hoạt động của tình báo Việt Nam" và kêu gọi chính phủ liên bang có các biện pháp để bảo vệ họ.
"Đây là một vấn đề tế nhị nên tôi nghĩ nhân viên của Bộ Ngoại giao cũng phải suy nghĩ trước khi trả lời".
Tiến sỹ Dương Hồng Ân, Diễn đàn Việt Nam 21
Theo bức thư thì nỗi lo sợ đặc biệt tăng cao từ khi ông Hồ Ngọc Thắng, một nhân viên của Văn Phòng Liên Bang Đức về Di trú và Người Tị Nạn, bị cáo buộc là hoạt động tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội, ông bị nghi là lợi dụng công việc với chính phủ Đức để do thám hay theo dõi đồng hương.
"Cộng đồng Việt Nam tại Đức cảm thấy rất bất ổn, thấy bị theo dõi qua hoạt động của các điệp viện tình báo Việt Nam", Tiến sĩ Dương Hồng Ân, điều hợp viên của Diễn đàn Việt Nam 21, nói với VOA. "Và nhất là khi mới đây một người Việt Nam làm việc tại một cơ quan liên bang của Đức – người đó cũng có thể đã theo dõi vì họ có thể biết nhiều về cá nhân người Việt ở Đức".
Ông Hồ Ngọc Thắng, từng làm cho sở Di trú và Tị nạn của Bộ Nội vụ Đức, bị buộc thôi việc gần đây trong khi báo chí Đức đưa tin nghi ngờ về vai trò của người đàn ông 64 tuổi này trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Ông Thắng, 64 tuổi, bị sở di trú và tị nạn trực thuộc Bộ nội vụ liên bang Đức buộc phải thôi việc vào đầu tháng 9, vì những status của ông trên Facebook cá nhân về mối quan hệ Việt-Đức trong khi nhiều tờ báo Đức nêu lên những ngờ vực về vai trò của ông Thắng trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong cộng đồng hơn 130.000 người Việt ở Đức, những người có tư tưởng chỉ trích chế độ cầm quyền ở Việt Nam, "bất kể là người xuất khẩu lao động trước đây, cựu thuyền nhân, doanh nhân hay sinh viên, đều cảm thấy lo sợ bị bắt cóc hoặc bị hăm dọa", theo Diễn đàn Việt Nam 21 – một tổ chức kêu gọi một nền dân chủ pháp trị ở Việt Nam. Tổ chức này nói trong bức thư gửi đến ngoại trưởng Đức hôm 30/8 rằng "hơn bao giờ hết người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, và cả người Đức gốc Việt, rất cần sự bảo vệ của các cơ quan nhà nước Đức".
Tiến sĩ Ân, người đã sống ở Đức hơn 30 năm, cho VOA biết ngoại trưởng Gabriel chưa phản hồi về bức thư nhưng trước đây diễn đàn đã nhận được những phản hồi từ Bộ Ngoại giao Đức, yêu cầu sự quan tâm của chính phủ Đức đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và những vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông.
Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong khi Việt Nam nói cựu lãnh đạo ngành dầu khí tự nguyện trở về Việt Nam đầu thú.
"Đây là một vấn đề tế nhị nên tôi nghĩ nhân viên của Bộ Ngoại giao cũng phải suy nghĩ trước khi trả lời".
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hôm 23/7 ở Berlin, theo cáo buộc của chính phủ Đức, đã làm cho mối quan hệ song phương giữa 2 nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đức yêu cầu Việt Nam cho phép cựu lãnh đạo ngành dầu khí quay trở lại Đức, trong khi Việt Nam nhất quyết cho rằng ông Thanh đã tình nguyện về đầu thú. Ông sẽ bị xét xử về cáo buộc "làm thất thoát tài sản nhà nước" lên tới gần 3.300 tỷ đồng.
Với hình ảnh chiếc xe dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn nhiều vết máu sau khi cảnh sát điều tra Đức trả lại cho chủ nhân, khiến người Việt lo sợ hơn bao giờ hết, theo nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin.
"Với cáo buộc rõ ràng của phía Đức rằng đại sứ quán Việt Nam tham gia và tổ chức việc này thì đương nhiên người ta lo ngại", nhà báo Khoa nói với VOA. "Vì một cơ quan đại diện cho họ lại làm việc đó nên họ rất lo ngại. Quả thực bà con rất lo ngại nhất là những người có tiếng nói phản biện, khác với quan điểm của Đảng Cộng sản trong nước".
Ông Khoa cho biết bản thân ông nghi ngờ mình đang bị mạng lưới mật vụ Việt Nam theo dõi sau khi đăng nhiều bài viết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cũng theo nhà báo này, cộng đồng người Việt trở nên "dè dặt" trong việc tham gia và ủng hộ các hoạt động tại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.
"Bây giờ nếu mà tham gia họ lại bị dính dáng vào nơi mà phía Đức coi là chỗ có hoạt động bất hợp pháp. Đương nhiên là những người làm ăn kinh doanh bên này họ không muốn tham gia vào vị họ không muốn bị dây dưa vào chuyện như vậy, đặc biệt là vấn đề điều tra của cảnh sát Đức".
Viện công tố Liên bang Đức khẳng định Trịnh Xuân Thanh được đưa vào trụ sở sứ quán Việt Nam tại Berlin trước khi bị đưa về Việt Nam, và một nhân viên tòa đại sứ Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Đức vì vụ việc này.
Theo Bộ Ngoại giao Đức thì Việt Nam đã tiếp xúc với phía Đức để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng sau vụ bắt cóc. Nhưng hiện tại cảnh sát Đức vẫn tiếp tục điều tra vụ bắt cóc mà Đức gọi là một hành động "vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức" giữa lúc quốc hội Đức đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 24 tháng này.
Theo nhà báo Khoa, dù thế nào đi nữa thì chính phủ Đức cũng sẽ không để cho công dân nước họ bị đe dọa hay bắt cóc.
Số trẻ em Việt Nam trở thành những món hàng bị các tổ chức buôn người đưa sang Edinburgh, thủ đô của Scotland, làm nô lệ tăng cao kỷ lục.
Trang mạng scotsman.com hôm 18/9 có bài tường thuật rằng cảnh sát Edinburgh đã phát hiện 16 trẻ vị thành niên Việt lang thang tại phi trường hoặc trên các đường phố của thủ đô Edinburgh xứ Scotland.
Trang mạng scotsman.com hôm 18/9 tường thuật rằng trong 18 tháng qua, cảnh sát Edinburgh đã phát hiện 16 trẻ vị thành niên Việt lang thang tại phi trường hoặc trên các đường phố của thủ đô Edinburgh xứ Scotland, tăng gấp đôi con số những trẻ em đang được chính quyền thành phố này chăm sóc.
Bàn tin đăng trên trang Scotsman.com dẫn các nguồn tin cho biết các nạn nhân đã bị các băng đảng buôn sang Châu Âu qua ngã nước Nga, để làm việc trong các nông trại trồng cần sa và các tiệm nail.
Nghị viên tại Hội đồng Thành phố địa phương, ông Gordon Munro, cho biết là phân nửa những đứa trẻ bơ vơ, không có người lớn đi kèm, đến từ một khu vực, và đó là điều mà thành phố Edinburgh chưa từng chứng kiến trước đây.
Ông chất vấn : "Những đứa trẻ này đã đến trên những chuyến bay nào ? Các em xuất phát từ đâu ? Ai là những kẻ đã móc nối đưa các nạn nhân tới Edinburgh, và tại sao lại chọn Edinburgh ?"
Con số 16 trẻ em mới phát hiện đã nâng tổng số những trẻ em nước ngoài đang được chính quyền thành phố chăm lo lên tới 33 người, làm thành phố tốn kém hơn 1 triệu đôla một năm. Nghị viên Munro kêu gọi sự hợp tác liên cơ quan để giải quyết vấn đề. Ông nói theo ông, chính phủ Anh cũng phải hợp tác, vì những đứa trẻ này là nạn nhân của các tổ chức buôn người từ nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, chuyên về dân tộc học, từng giảng dạy tại Đại học Paris 7, nói với VOA-Việt ngữ :
"Số người ở bên Anh trồng cần sa mà sống bất hợp pháp rất là nhiều, cũng vài ngàn người, người ta không kiểm soát được, rất là đông. Vị thành niên không bị bắt, thành ra những người trung gian, những người chỉ mối, họ có cả một đường dây để bảo vệ lẫn nhau".
Hồi tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách đã lùng soát hơn 280 tiệm nail ở các thành phố Edingburgh, London và Cardiff, dẫn đến việc bắt giữ 97 người.
Vẫn theo nguồn tin này thì hồi tháng 9 năm ngoái, thành viên của các băng đảng tội phạm Hong Chuong Dang, 44 tuổi, đã bị tống giam 1 năm tù về tội buôn người để làm việc trong tiệm nail Las Vegas của ông ta ở thị trấn Bathgate, Scotland.
Tin này được loan đi trong bối cảnh nạn buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu làm "nô lệ" đã gây nên làn sóng căm phẫn trong công luận quốc tế. Tuần trước, Ủy viên chống Nô lệ của nước Anh, ông Kevin Hyland, lên tiếng báo động về nguy cơ những người Việt nhập cư bất hợp pháp, mà phân nửa là trẻ vị thành niên, bị buộc làm việc như những kẻ "nô lệ thời hiện đại" trong các tiệm nail và các trại trồng cần sa ở Anh.
Nguồn : Scotland.com, vnexpress
Trung Quốc sẽ sửa đổi hiến chương Đảng tại Đại hội 19 ? (VOA, 19/09/2017)
Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc dự kiến sẽ sửa đổi hiến chương tại kỳ đại hội Đảng 19 diễn ra vào tháng tới, Reuters dẫn nguồn truyền thông trong nước ngày 18/9 cho biết trong một chỉ dấu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hệ tư tưởng chủ đạo của ông được vinh danh trong hiến chương.
Dự thảo sửa đổi hiến chương dự kiến sẽ được đệ trình tại phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 11/10/2017.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ gần 5 năm trước, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực, với những động thái như đứng đầu một nhóm lãnh đạo cải cách kinh tế và tự phong làm tổng tư lệnh quân đội. Mặc dù với tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình đã nắm trong tay quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
Bộ Chính trị, một trong những cơ quan quyền lực nhất của đảng, đã đưa ra dự thảo sửa đổi hiến chương, trong đó có "các quan điểm lý luận chính và tư tưởng chiến lược quan trọng". Dự thảo này sẽ được đưa ra bàn thảo vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới, theo Tân Hoa Xã.
Mặc dù Tân Hoa Xã không tường thuật chi tiết về việc này, nhưng một trong những mục tiêu sửa đổi chính có thể là liệu học thuyết mang tên ông Tập Cận Bình có được ghi vào hiến chương, ngang tầm với các lãnh đạo đảng đã lập ra nước Trung Quốc cộng sản, chẳng hạn như Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình hay không.
Những người tiền nhiệm gần đây của Tập Cận Bình như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã từng sửa đổi hiến chương đảng để đưa vào những tư tưởng chủ đạo của họ, nhưng không trực tiếp gắn tên mình vào.
Giang Trạch Dân có "Thuyết ba đại diện", còn Hồ Cẩm Đào có "Khoa học phát triển quan".
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố đẩy học thuyết "Tứ toàn" của Tập Cận Bình lên nhưng chưa rõ hiến chương sửa đổi sẽ đưa tư tưởng nào của ông Tập vào.
"Tứ toàn" nói về việc Trung Quốc phải nỗ lực "toàn diện" để xây dựng một xã hội thịnh vượng và tăng cường cải cách, pháp quyền và kỷ luật đảng.
"Việc sửa đổi hiến chương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 dựa trên tình hình và nhiệm vụ mới, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc và xây dựng Đảng", Reuters trích nguồn từ Tân Hoa Xã.
"Sửa đổi cần bao gồm các lý luận quan trọng và các ý tưởng chiến lược được trình bày trong một báo cáo" ngay vào lúc bắt đầu Đại hội Đảng, khai mạc ngày 18/10.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, hiến chương sửa đổi phải đại diện cho sự "Hán hóa" mới nhất của chủ nghĩa Marx, khái niệm quản trị mới và "những kinh nghiệm mới trong việc củng cố và tăng cường lãnh đạo Đảng, và trong sự quản lý chặt chẽ của Đảng".
Dự thảo sửa đổi sẽ được đệ trình vào ngày 11/10 tại phiên họp toàn thể của đảng. Đây là cuộc họp quy mô nhỏ với khoảng 200 lãnh đạo cấp cao nhất để thông qua lần cuối chương trình nghị sự của Đại hội.
*******************
Dảng cộng sản Trung Quốc sắp đưa tư tưởng Tập vào điều lệ đảng ? (VOA, 19/09/2017)
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội 5 năm một lần vào tháng tới, các nhà phân tích chính trị sẽ đều theo dõi một điều quan trọng, đó là tên ông Tập Cận Bình.
Ảnh tư liệu - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đương kim lãnh đạo Trung Quốc là một trong những nhân vật quyền lực nhất mà quốc gia này đã có trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích cho rằng tầm vóc của ông có thể được nâng cao hơn nữa nếu tên của ông được ghi vào điều lệ đảng.
Nếu điều đó diễn ra, ông Tập có thể sánh ngang hàng các vị khai quốc công thần của đảng như các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.
Tối 18/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng trong đại hội vào tháng sau, đảng sẽ đưa lý luận quan trọng và tư tưởng chiến lược được vạch ra trong hội nghị vào điều lệ đảng. Đại hội khai mạc ngày 18/10.
Vẫn chưa rõ "Tư tưởng Tập" hay tên của ông sẽ có thể được đưa vào điều lệ ra sao, nhưng một số người đã hình dung được khái quát về những thay đổi.
Dương Giới Hoàng, giám đốc một trung tâm nghiên của trường Đại học Minh Truyền ở Đài Loan, nói sẽ quá ngạo mạn nếu dùng tên "Tư tưởng Tập" và điều đó thể hiện không tôn trọng ông Mao. Còn nếu gọi là lý luận (giống như Lý luận Đặng Tiểu Bình) lại quá bó hẹp, vì ông Tập xử lý nhiều lĩnh vực hơn như văn hoá, các chính sách phát triển quân sự và Đài Loan, so với ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Dương nói : "Tư tưởng của ông Tập thực ra là kết hợp của cả tư tưởng ông Mao và ông Đặng. Sẽ không có tư tưởng Tập nếu không có việc ông Mao Hán hóa Chủ nghĩa Mác hay việc ông Đặng Tiểu Bình khởi động cải tổ, mở cửa thị trường".
David Kelly, giám đốc nghiên cứu thuộc China Policy, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, cho rằng vì ông Tập kiểm soát mọi cơ quan chính phủ, giới truyền thông và tuyên truyền, ông có thể sử dụng bất cứ nhan đề nào theo ý ông.
Ông Kelly nói : "Vì ông ấy có thể, nên ông ấy sẽ tự đưa mình trở thành chủ nhân của tư tưởng Tập, và sau đó ông sẽ pha trộn một số yếu tố trong nước, rất có thể dưới tiêu đề là tạo dựng một xã hội thịnh vượng hợp lý, thúc đẩy chính sách đối ngoại bao gồm Vành đai và Con đường, nhưng có lẽ sẽ sử dụng thuật ngữ là Giải pháp Trung Quốc".
Ông Kelly nói thêm rằng Trung Quốc đã không hành xử như một cường quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào, nhưng đã làm như vậy khi dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Một số người nói rằng công thức đó thật vô nghĩa và chủ yếu nhằm để tô vẽ quyền lực.
Nhà bình luận chính trị Paul Lin nói rằng việc đưa tư tưởng vào điều lệ của đảng không có gì khác ngoài những lời trống rỗng.
Một bộ phim đầu tay của một đạo diễn độc lập đã được bình chọn để đại diện cho điện ảnh Việt Nam tại Oscar 2018 mặc dù không đoạt giải Cánh Diều Vàng 2017 trong nước.
Cha Cõng Con sẽ đại diện cho Việt Nam tham tham dự giải thưởng điện điện ảnh của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Mỹ. Tuy nhiên quyết định của Cục Điện ảnh đã gây ra tranh cãi trong công chúng và cả giới làm phim.
Theo tiết lộ từ Hội đồng bình chọn phim dự giải Oscar 2018 của Cục Điện Ảnh qua các báo trong nước, Cha Cõng Con, "một bộ phim kiểu nhà nước bằng tiền túi" của đạo diễn Lương Đình Dũng đã đạt điểm cao nhất trong số 3 phim lọt vào vòng cuối cùng.
Một trong 2 đối thủ nặng ký bị đánh bại là Đảo Của Dân Ngụ Cư, cũng là một bộ phim đầu tay của Hồng Ánh đã đoạt nhiều giải quốc tế trong năm nay gồm giải đặc biệt tại Liên hoan phim Á-Âu.
Mặc dù Cha Cõng Con được đánh giá là một phim có tính nghệ thuật và đầy tính nhân văn nhưng một số người, kể cả đạo diễn và công chúng đã tỏ ra thất vọng khi biết thông tin Đảo Của Dân Ngụ Cư không được chọn tham dự vòng loại hạng mục Phim nước ngoài hay nhất của Oscar.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho VOA biết Cha Cõng Con đã gây tranh cãi trong công chúng từ trước khi được chọn dự thi giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.
"Phim này khi ra rạp có lượng khán giả không đông lắm. Phim có gây tranh cãi khi dự thi giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam trong đó phim này không đoạt giải cao và đạo diễn có phản ứng và điều đó có tạo ra tranh cãi".
Băng rôn quảng cáo phim Cha Cõng Con tại một rạp phim ở Việt Nam. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, bộ phim mang tính nghệ thuật này không được nhiều khán giả xem tại rạp khi mới ra mắt.
Sau Lễ trao giải Cánh Diều Vàng vào tháng 4 vừa qua, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại Bằng khen vì cho rằng ban giám khảo đánh giá chưa đúng mức về bộ phim mà ông đã ấp ủ thực hiện trong 10 năm.
Nói với Thể Thao & Văn Hóa, đạo diễn của Cha Cõng Con cho biết bộ phim được quay trong 3 tháng với hơn 1 năm làm hậu kỳ và có kinh phí gần 18 tỷ đồng.
Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính đạo diễn viết từ năm 1995, theo Tuổi Trẻ, và kể về một cậu bé sống ở vùng cao với những ước mơ rất ngây ngô của tuổi thơ nhưng không may bị mắc căn bệnh ung thư máu và được cha cậu đưa xuống thành phố để mong thoát khỏi bệnh.
Cũng giống như Lương Đình Dũng, Hồng Ánh đã thai nghén bộ phim của cô trong 10 năm và Đảo Của Dân Ngụ Cư cũng được làm bằng kinh phí độc lập. Gần đây nhất bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Brisbane ở Úc.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người có bộ phim đầu tiên của Việt Nam được gửi tranh giải Oscar năm 2003 – Vua Bãi Rác, cho rằng nếu Đảo Của Dân Ngụ Cư được chọn lần này sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tại Oscar hơn.
"Phim của Hồng Ánh là một đẳng cấp nghề nghiệp cao và cũng có tính nhân văn cao nhưng hiểu sao lại không được chọn. Nếu như chọn phim của Hồng Ánh có thể sẽ được đồng thuận hơn trong dư luận và trong giới nghề nghiệp".
Đạo diễn này cho biết Cha Cõng Con, mặc dù không có dấu vết phim thị trường "theo nghĩa dập khuôn, sản xuất hàng loạt" nhưng còn nhiều bất cập và khiếm khuyết. Ông nói bộ phim còn có những hạn chế về "tiết tấu cũng như cách kể chuyện" và tính nghệ thuật của bộ phim không làm ông thấy thỏa mãn.
Bình luận về bộ phim này, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm trên trang Facebook cá nhân cũng cho rằng "Cha Cõng Con thành công nửa phần đầu và thất bại nửa phần sau, đặc biệt là về việc xử lý bối cảnh, không gian văn hóa để tạo nên những biểu tượng và ẩn dụ về đô thị hay giấc mơ".
Bình luận về quyết định của Cục Điện ảnh, một bạn đọc của Zing News có tên Bao Quoc Nguyen Ngoc cho rằng đây là một quyết định "sai lầm" vì "Đảo Cư Ngụ áp đảo hơn, giải thưởng quốc tế cũng có. Không như Cha Cõng Con chỉ là được chú ý. Kết quả thất vọng".
Việt Nam đã nhiều lần gửi phim dự tranh vòng sơ loại Oscar kể từ năm 2003. Gần đây nhất, phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh đại diện Việt Nam dự Oscar 2017 nhưng không lọt được vào vòng cuối.
Gần đây đã có những đạo diễn Việt Nam, như Lương Đình Dũng và Hồng Ánh, làm những bộ phim nghệ thuật được chiếu tại những liên hoan phim lớn, theo nhận định của đạo diễn Phan Đăng Di của Bi, Đừng Sợ. Tuy nhiên đạo diễn trẻ này cho rằng những bộ phim của Việt Nam mới chỉ hợp với "gu" của Châu Âu.
"Việt Nam, cũng như nhiều nước Đông Nam Á, còn chưa đáp ứng được ‘gu’ của Oscar là những phim dựa trên một kịch bản rất chắc chắn và được số đông thích thú". Đạo diễn 41 tuổi nói Oscar là giải thưởng dựa vào số đông bởi phim càng mang khả năng chinh phục nhiều người, càng dễ hiểu và làm nhiều người thích thì cơ hội được giải càng cao.
Mùi Đu Đủ Xanh là phim duy nhất có yếu tố Việt Nam – câu chuyện về Việt Nam và diễn viên Việt Nam – lọt vào vòng cuối cùng của Oscar. Tuy nhiên bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng từng đoạt giải của liên hoan phim Cannes tham dự với tư cách là phim Pháp.
Tân Hoa Xã hôm 13/9 đưa tin ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu thăm chính thức Việt Nam và Campuchia từ 18 đến 21/9.
Ông Lưu Vân Sơn, quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, ở Bắc Kinh (4/2017)
Tin cho hay chuyến thăm được thực hiện sau khi ông Lưu nhận lời mời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia. Bản tin Tân Hoa Xã không nói mục đích và nghị trình của chuyến thăm.
Theo thông tin trên báo chí Việt Nam, lần gần đây nhất ông Lưu chủ trì một cuộc gặp với các đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam là hồi tháng 4 năm nay.
Hôm 12/4, tại Bắc Kinh, ông Lưu tiếp một đoàn của báo Nhân Dân do ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu.
Tại buổi tiếp, ông Lưu nhấn mạnh với ông Thuận Hữu nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc và báo Nhân Dân của Việt Nam là "bộ phận quan trọng trong hợp tác hai đảng". Ông Lưu nói thêm hai bên cần thúc đẩy trao đổi đoàn và giao lưu sâu rộng giữa hai tờ báo nói riêng, báo chí hai nước nói chung "góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển".
Tường thuật của báo Nhân Dân cho hay ông Thuận Hữu bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác, tổ chức cho phóng viên hai nước tham quan, tìm hiểu các địa phương "nhằm tuyên truyền sâu rộng, tích cực về thành tựu phát triển của mỗi nước, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển".
Trước đó, hồi cuối năm 2016, ông Lưu Vân Sơn đã tiếp tại Bắc Kinh một đoàn đại biểu khác của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, ông Phạm Minh Chính khẳng định "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc".
Đáp lại, ông Lưu bày tỏ "mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối chiến lược, đẩy mạnh giao lưu nhân văn, kiểm soát tốt bất đồng, nhằm thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới".
Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong gần 3 thập niên trở lại đây. Hai nước gần đây gia tăng những phát biểu chính thức đối chọi nhau về vấn đề này, ít nhất ở cấp người phát ngôn bộ ngoại giao.
Một cuộc nghiên cứu do Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Di Dân Quốc tế cùng thực hiện kết luạn rằng có tới 3/4 trẻ nhỏ và thiếu niên tị nạn hay di dân tìm cách tới Châu Âu bị ngược đãi, bóc lột sức lao động và trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Ảnh chụp hôm 21/4/2016 nhiều thiếu niên không có người lớn đi kèm đến từ Ai Cập ngồi bên bờ sông Tiber sau một cuộc phỏng vấn của hãng tin AP ở Fiumicino, cách Roma 30 km. (Ảnh AP/Andrew Medichini)
Cuộc khảo sát dưa trên 20.000 cuộc phỏng vấn, 11.000 là với trẻ nhỏ tị nạn và di dân, miêu tả chi tiết những hành động ngược đãi và vi phạm nhân quyền ở mức độ vô cùng tệ hại mà thành phần di dân trẻ tuổi phải chịu đựng.
Cuộc khảo sát kết luận rằng trẻ nhỏ và thanh thiếu niên di dân đi theo dường Địa Trung Hải có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động và trở thành nạn nhân của các hoạt động buôn người.
Người phát ngôn của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, bà Sarah Crowe, nói với VOA rằng những người tị nạn đi theo đường Địa Trung Hải chủ yếu là những thanh thiếu niên Châu Phi đã băng qua sa mạc Sahara từ Côte D’Ivoire , Gambia, Nigeria và các nước Tây Phi khác.
Bà Crowe nói :
"Dựa trên kết quả cuộc khảo sát, chúng tôi đi tới kết luận rằng những người trẻ tuổi thuộc thành phần ít học đến từ vùng phía Nam sa mạc Sahara là thành phần gặp nguy cơ bị khai thác sức lao động cao nhất. Các em bị đánh đập, bị kỳ thị trên mỗi chặng đường, nhưng tệ hại nhất là ở Libya".
Theo phúc trình này, đa số người di dân và tị nạn đi ngang qua Libya trở thành nạn nhân của tình trạng vô luật lệ, con mồi của các lực lượng dân quân và những kẻ tội phạm. Người phát ngôn của Tổ chức Di Dân Quốc tế, ông Leonard Doyle, nói những người trẻ, tuổi từ 14 tới 24, phải trả cho những kẻ đưa người lậu người một khoản tiền từ 1000 tới 5000 USD để được tham gia cuộc hành trình đầy hiểm nguy. Ông Doyle phát biểu :
"Họ tự nguyện ra đi. Họ trả tiền để tham gia cuộc hành trình. Nhưng họ không nhận thức được là mình đang bước vào một cái bẫy, trong đó họ bị bóc lột sức lao động- một cách vô cùng thảm hại. Phụ nữ bị buộc hành nghề mãi dâm, hoặc bán cho người khác để làm nô lệ. Các thiếu niên thì bị ngược đãi, bóc lột thậm tệ".
Phúc trình này kêu gọi việc thiết lập những lộ trình an toàn hơn, bình thường hơn cho những người trẻ tuổi đang trên đường tị nạn. Theo phúc trình này thì các dịch vụ phải được tăng cường để bảo vệ trẻ nhỏ di dân và tị nạn, hoặc là từ các nước xuất phát, trung chuyển, hay điểm đến.
Cuộc khảo sát này nói thêm rằng không nên giam giữ những đứa trẻ trên đường tị nạn hoặc di dân, và cần tìm ra những biện pháp thay thế, để tránh, hoặc giảm bớt nguy cơ những người trẻ tuổi bị ngược đãi.
Lisa Schlein
Ngày này 16 năm trước, một cậu bé gốc Việt 4 tuổi vĩnh viễn xa rời người bố ruột của mình, khi ông Nguyễn Ngọc Khang, kỹ sư điện làm việc cho Trung tâm Tư lệnh Hải quân tại Ngũ Giác Đài, nằm trong số 184 nạn nhân thiệt mạng vì một trong những chiếc máy bay khủng bố lao vào tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Em Nguyễn Hồ Ngọc An tại cuộc phỏng vấn ở studio đài VOA ngày 11/9/2017
Cậu bé Nguyễn Hồ Ngọc An lớn lên từ những mất mát đó hiện là sinh viên năm 3 của trường đại học nổi tiếng George Mason, ôm ấp ước mơ bảo vệ an ninh cho nước Mỹ.
Trà Mi : Chào An. Lúc mọi việc xảy ra, em đang ở đâu ? Cảm giác thế nào khi biết tin bố mất ?
Ngọc An : Lúc đó em đang học mẫu giáo. Hôm đó, bố chở em đi học nhưng ông lại đến đón em về. Mấy hôm sau em thắc mắc không biết bố đi đâu, sao không về nhà. Tới khi các giới chức Ngũ Giác Đài chính thức báo tin bố em mất, em lúc đó dù không hiểu lý do sao bố không về nữa, nhưng thấy hoang mang và buồn lắm. Trong 16 năm qua kể từ ngày 11/9/2001, em đã vượt qua sự mất mát đó bằng cả sự can đảm, tinh thần hy sinh, sức mạnh tinh thần để trưởng thành không có sự dìu dắt của bố.
Nguyễn Hồ Ngọc An trong đám tang của bố
Trà Mi : Sau khi hiểu được nguyên cớ cướp đi sinh mạng bố mình, em có suy nghĩ gì về sự mất mát của gia đình em và của nước Mỹ ?
Ngọc An : Em nghĩ chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa để mở ra những mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là giữa nước Mỹ với khu vực Trung Đông vì chúng ta không muốn thấy những điều tương tự như vụ khủng bố 911 đó xảy ra ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác nữa. Điều hết sức quan trọng là phải có tinh thần nhân đạo, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, quan tâm đến nhau và tôn trọng lẫn nhau, và có một cái nhìn toàn thế giới.
Em An đang đọc trang liệt kê tiểu sử của bố, kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang, trong nhà nguyện tại Đài tưởng niệm nạn nhân 911 ở Ngũ Giác Đài
Trà Mi : Là thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt, em sẽ góp phần thế nào để sự mất mát của gia đình em nói riêng, và của nước Mỹ nói chung, vì biến cố 911 không là vô nghĩa ?
Ngọc An : Hàng ngàn người đã bị cướp mạng sống trong ngày khủng bố 911 đó, là công dân trong một xã hội tự do như Mỹ này, em nghĩ điều hết sức quan trọng là mình phải tôn trọng và cư xử tử tế tất cả mọi sắc dân và phải có tinh thần cống hiến, đóng góp lại cho cộng đồng xung quanh, phải cư xử làm sao để duy trì xã hội này theo đúng những gì tốt đẹp nhất của nó.
Nguyễn Hồ Ngọc An trước khuôn viên Ngũ Giác Đài sau vụ tấn công khủng bố 911
Trà Mi : Em đang là sinh viên năm 3 sắp ra trường, ngành học của em, nghề nghiệp tương lai của em có hướng tới mục đích đó không ?
Ngọc An : Dạ có, em tin là ngành công nghệ thông tin em đang học tại trường đại học George Mason sẽ giúp em theo đuổi con đường đóng góp và xây dựng nước Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Theo đuổi con đường sự nghiệp này, em sẽ có thể góp phần giúp nước Mỹ ngăn chặn được các cuộc tấn công, không chỉ là các cuộc tấn công khủng bố trên thực tế mà còn là các cuộc tấn công an ninh mạng, nhất là khi thế giới đang ngày càng trở nên gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua mạng internet và thông qua các dữ liệu. Hàng ngày, có rất nhiều các cuộc tấn công như thế muốn gây hại đến an ninh của nước Mỹ, cho nên ngành an ninh mạng hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do em rất quan tâm tới ngành này.
Em nghĩ chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Hiện nay với sự trỗi dậy của IS và al-Qaeda, chúng ta còn phải nỗ lực ngoại giao nhiều hơn nữa, xem lại các mối quan hệ với khu vực Trung Đông giữa bối cảnh căng thẳng dâng cao, nhưng quan trọng hơn là giáo dục mọi người về lịch sử một cách khác quan sẽ giúp mọi người tự nhận thức được làm thế nào để tránh để tái diễn các cuộc tấn công khủng bố như 911.
Trà Mi : Cảm ơn An rất nhiều về buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Ngọc An : Em cảm ơn chị.
Trà Mi thực hiện
Vài ngày qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tranh cãi gay gắt về việc một quỹ của con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng góp tiền xây dựng một ngôi trường miền núi.
Hình ảnh ngôi trường Lũng Luông trên trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng.
Ngôi trường liên quan đến cuộc tranh cãi là trường tiểu học Lũng Luông ở tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 kilomet về phía bắc.
Trường đã khai trương đầu tháng 9 năm ngoái. Trước khi được xây dựng, nơi được gọi là trường thực tế chỉ có 4 cái lán "ọp ẹp" cho học sinh và giáo viên, theo báo chí trong nước.
Báo chí hồi mùa thua năm ngoái cho hay, trường Lũng Luông mới là kết quả của nỗ lực vận động đóng góp từ thiện do những nhân vật nổi tiếng thực hiện. Đóng vai trò chủ chốt là giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu nhà báo truyền hình Trần Đăng Tuấn.
Tin cho hay trường mới trông như một "bông hoa nổi bật giữa núi rừng", có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em. Khi đó, tin không nói rõ ai là nhà tài trợ chính cho khoản tiền 6 tỷ đồng xây trường.
Tranh cãi dường như đã nổi lên sau khi hôm 9/9 vừa rồi, trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng đăng một bức ảnh về việc khai trương trường Lũng Luông. Chú thích ảnh ghi "Ngày này 1 năm về trước của Phoenix Foundation - Quỹ Phượng Hoàng".
Trong ảnh, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và giáo sư Ngô Bảo Châu cùng hai người khác gỡ tấm băng che một tấm biển màu đồng. Một phần nội dung tấm biển cho hay nhà tài trợ chính cho trường Tiểu học Lũng Luông là "Quỹ Phượng Hoàng, Thành phố Hồ Chí Minh".
Bức ảnh đăng trên trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng.
Quỹ Phượng Hoàng được thành lập tháng 5/2011, và một phần sứ mệnh của quỹ là "hỗ trợ địa phương trùng tu hoặc xây dựng những trường học xuống cấp hoặc thiếu kém", theo trang Facebook của quỹ, với hình đại diện là ảnh chụp trường Lũng Luông từ trên cao.
Sau khi bức ảnh xuất hiện, nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Ông Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết : "Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác 1 đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại dăm vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không ?".
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết : "Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân".
Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.
Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ ông có cái nhìn "đơn giản" về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.
Ông viết thêm về những người có vai trò chính : "Ba người làm việc này bao gồm cô [Nguyễn Thanh] Phượng là người cho tiền, anh [Trần Đăng] Tuấn là người quản lý, anh [kiến trúc sư Hoàng Thúc] Hào thiết kế và thi công. Tôi chỉ có công mời ba người kia đi ăn tối".
Vị giáo sư toán – người đã được chính phủ Việt Nam thời ông Dũng làm thủ tướng vinh danh sau khi đoạt một giải quốc tế lớn về toán học – tỏ ý phiền lòng vì sự việc theo cách nhìn của ông "đơn giản là tốt" song đã trở thành "chuyện để ầm ĩ soi mói".
Kết thúc ý kiến trên trang cá nhân, giáo sư Châu dùng cụm từ "những chuyện thị phi lăng nhăng kia" để nói đến những tranh cãi đã diễn ra.
Đã có nghìn 12 nghìn lượt like (thích) và rất nhiều ý kiến ủng hộ cho việc làm của vị giáo sư, thể hiện trực tiếp trong trang của ông hoặc trên trang của những người sử dụng Facebook có nhiều ảnh hưởng khác ở Việt Nam.
Một status (ý kiến bày tỏ tâm trạng) của nhà báo nữ Bạch Hoàn nói cô ủng hộ và kính trọng giáo sư Châu liên quan đến trường Lũng Luông nhận được hơn 9 nghìn lượt like và các phản ứng khác.
VOA cố gắng liên lạc với các ông Ngô Bảo Châu, Trần Đăng Tuấn và Quỹ Phượng Hoàng để lắng nghe ý kiến trực tiếp nhưng không nhận được hồi âm.
Một tiến sĩ thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam nói với VOA những phản ứng trái chiều nhau về khoản tài trợ của Quỹ Phượng Hoàng cho các hoạt động thiện nguyện là "trường hợp rất thú vị".
Đề nghị không nêu tên, vị tiến sĩ nói rằng bản thân vị này cũng chưa thể quyết định nên đứng về bên ủng hộ hay bên phản đối. Vị này nhận định những trường hợp tương tự sẽ còn xảy ra ở Việt Nam trong tương lai.
Theo tiến sĩ, về mặt đạo đức, ở mức độ nhất định, có thể so sánh trường hợp Quỹ Phượng Hoàng với việc các công ty thuốc lá tài trợ cho các dự án nghiên cứu ung thư hoặc các chiến dịch vận động về sức khỏe. Từ đó, mỗi người tự đưa ra quyết định có hay không ủng hộ những nguồn tiền bị xem là "không sạch" dùng cho các dự án từ thiện.