Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng quan

Trong thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều thông tin và hình ảnh cho thấy cuộc sống khó khăn của nông dân và ngư dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vì giữa mùa lũ mà đồng ruộng khô cạn và nhiều nơi đã bị nước biển xâm nhập.

dbscl1

Hình minh họa. Tàu chở cát trên sông Mekong ở Cần Thơ hôm 16/12/2018 - Reuters

Nguyên do một phần vì thời tiết nhưng tình trạng nguy hại khác thường này phần lớn là hậu quả của chuỗi đập thủy điện do Trung Quốc xây cất ở thượng lưu, và Lào ở trung lưu, sông Mekong (hầu hết do Trung Quốc tài trợ). Lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng chuỗi đập này để kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn nguồn cá và phù sa do thiên nhiên cung cấp cho năm quốc gia ở hạ lưu Mekong là Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-bốt và Việt Nam. Nền kinh tế nông nghiệp của những quốc gia này, đặc biệt là Việt Nam, bắt buộc phải tùy thuộc vào quyết định điều hành lượng nước được xả từ các đập thủy điện ở Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ và khống chế toàn vùng Đông Nam Á. Như nhận định mới đây của tác giả David Hutt : "Trung Quốc hiện có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm áp lực có thể được sử dụng để phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của các nước ở hạ nguồn và tạo sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng lợi thế này để đe dọa các nước Đông Nam Á phải nể sợ hay dọa trừng phạt nước nào chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc, gồm cả vấn đề Biển Đông hay các kế hoạch trong khu vực về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" [1].

Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ (được coi là thủ đô miền Tây) và 12 tỉnh : Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Với tổng diện tích khoảng 41.000 km² và tổng số dân 20 triệu, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích nhưng hơn 19% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% so với 6,8%). Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước ; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% tổng sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước [2]. Sông Mekong chảy vào Việt Nam chia thành 2 sông Tiền Giang, Hậu Giang rồi tỏa ra thành 9 nhánh đổ ra biển qua 9 cửa : Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề. Chín nhánh sông của Mekong như 9 con rồng uốn lượn, nên ở Việt Nam sông Mekong được đặt tên là sông Cửu Long. Qua nhiều năm tháng, hai cửa sông Ba Lai và Ba Thắc (Bassac) bị bùn đất bồi lấp và biến mất. Do đó, sông Cửu Long hiện chỉ còn 7 cửa đổ ra biển.

dbscl2

Bản đồ sông Mekong và các đập thủy điện Lê Xuân Khoa

Việt Nam là nước ở cuối nguồn sông Mekong nên phải chịu ảnh hưởng tổng hợp nặng nề nhất trong số các quốc gia miền hạ lưu, vì khi hoạt động sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị hủy hoại thì nguồn lợi kinh tế của cả nước phải lãnh hậu quả trầm trọng. Cứ xem những con số trên đây về nông sản và thủy sản cùng với số lượng xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long thì đủ thấy mức phá hoại của Trung Quốc đối với tương lai không xa của Việt Nam sẽ ghê gớm đến thế nào. Các chuyên gia kinh tế và môi trường trong và ngoài nước đã nhiều lần lên tiếng báo động về tương lai đen tối của Đồng bằng sông Cửu Long và kêu gọi giải quyết các nguy cơ trước mắt và lâu dài, không riêng cho Việt Nam mà cho cả bốn nước liên quan khác là Myanmar, Thái lan, Lào và Cam-bốt.

Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Mekong ở Bangkok ngày 1/8 vừa qua, trong chiến lược ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã khởi động lại dự án "Sáng kiến vùng Hạ lưu Mekong" (Lower Mekong Initiative – LMI) do cựu ngoại trưởng Hillary Clinton thiết lập năm 2009 chú trọng vào mục tiêu giúp các nước miền hạ lưu phát triển bền vững trước những hành động hiếp đáp và chia rẽ của Trung Quốc. Sở dĩ phải có thêm sáng kiến LMI vì Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) đã tỏ ra bất lực trước thái độ lấn át của Trung Quốc. Cho đến gần đây, các giám đốc điều hành của MRC thường phải chiều theo ý muốn của lãnh đạo Bắc Kinh và tham vọng của Lào là trở thành "bình điện của Đông Nam Á", như vậy rất có hại cho nhân dân các nước hội viên. Bộ trưởng Pompeo nhấn mạnh đến việc duy trì và phát triển quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và các nước trong nhóm LMI và loan báo một số sáng kiến mới, như dự án Nhật-Mỹ về Quan hệ Đối tác Điện lực Mekong (Japan-U.S. Mekong Power Partnership – JUMP) và dự án tài trợ cho các nước LMI ngăn chặn các tội ác xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy, hoạt động phi pháp vùng Tam giác Vàng, buôn bán phụ nữ và lao động.

Quan trọng hơn hết là vào cuối năm nay, Hoa Kỳ sẽ tổ chức một hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quản lý minh bạch các dòng sông xuyên biên giới, chù yếu là sông Mekong. Ông Mike Pompeo cũng cho hay là tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng Mười Một ở Bangkok, Hoa Kỳ sẽ trình bày những sáng kiến mới nhằm giúp các quốc gia LMI về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật số. Hoa Kỳ cũng sẽ cùng với Cộng hòa Hàn quốc tài trợ cho một dự án chụp hình từ vệ tinh để thẩm định các mô hình lụt lội và hạn hán của dòng sông Mekong. Trong khi đó, các nước trong nhóm LMI cũng sẽ cùng nhau chia sẻ các dữ kiện về nguồn nước Mekong và một chương trình mới trong chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS (Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Strategy) do Thái Lan đề nghị. Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ chiến lược này.

Sau hết, ngoại trưởng Pompeo đánh giá việc Việt Nam giữ vai trò chủ tịch của ASEAN năm 2020 là một cơ may tối hảo để công cuộc hợp tác Mekong tiếp tục tiến xa hơn, trong đó đề tài họp thường niên cấp bộ trưởng các nước LMI sẽ được tập trung, có tính chiến lược và hiệu quả hơn. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ mãi mãi là người bạn của các nước trong nhóm LMI (không có gì bảo đảm nhưng đang rất có lợi cho Việt Nam, Thái, Lào, Cam-bốt cần được sử dụng tối đa). Một tín hiệu tốt mới đây là Cam-bốt đã quyết định hủy bỏ dự án xây cất hai con đập thủy điện Sambor và Stung Treng.

Mặc dù có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, khả năng các nước miền hạ lưu Mekong có thể thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc vẫn là một thách thức rất lớn, đặc biệt đối với Việt Nam, vừa là một nước nhỏ ở sát nách Trung Quốc vừa ở vào vị trí chiến lược quan trọng mà Trung Quốc cần phải chiếm đoạt để thực hiện quyền kiểm soát toàn khu vực. Vì những lý do trên, Việt Nam cần phải có một chiến lược khôn ngoan và một kế hoạch toàn diện, vừa vận dụng được nguồn nội lực mạnh mẽ của dân tộc vừa lôi cuốn được sự ủng hộ cần thiết của Hoa Kỳ và các nước quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của Việt Nam, nhằm ngăn chặn Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng trong khu vực và tham vọng bá chủ toàn cầu. Cho đến nay, vì sợ Trung Quốc và vì lợi ích nhóm, chính phủ Việt Nam chưa làm được việc này.

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long

Các nước miền hạ lưu Mekong bắt đầu nếm đòn ức hiếp của Trung Quốc đúng vào dịp Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) ra đời vào tháng 4/1995 thay thế cho Ủy ban Mekong (Mekong Committee) bị tê liệt 20 năm vì sự thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, Lào và Cam-bốt năm 1975. Khi đó, để ăn mừng sự hóa thân của Mekong Committee và sự ra đời bản Thỏa hiệp 1995, MRC tổ chức một chuyến du hành trên sông Mekong từ Thái Lan qua Việt Nam. Chẳng may giữa đường tàu bị mắc cạn vì Trung Quốc đang chuyển nước Mekong vào hồ chứa của đập thủy điện Mạn Loan (Manwan) thuộc tỉnh Vân Nam.

MRC gồm sáu nước ở ven sông Mekong nhưng chỉ có 4 nước là hội viên chính thức gồm Thái, Lào, Cam-bốt và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar chỉ tham gia với tư cách đối tác đối thoại (dialogue partner) của MRC và tùy tiện ứng xử không có điều kiện ràng buộc. Hậu quả của hành động ngăn chặn nguồn nước Mekong của Trung Quốc là hai trận "hạn hán thế kỷ" xảy ra cho ba nước Thái Lan, Cam-bốt và Việt Nam vào tháng 4/2016 và tháng 7/2019.

Tác giả Ngô Thế Vinh cho thấy ở Bắc Thái Lan, đồng ruộng khô cháy, khúc sông Mekong trơ đáy với cá chết. Biển Hồ ở Cam-pu-chia luôn luôn dư nước mà nay có nhiều ghe thuyền mắc cạn, và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam "cũng đang chịu ‘những cơn đau thắt ngực’ do trái tim Biển Hồ bị thiếu nước trầm trọng" [3]. Tin tức và hình ảnh trên báo chí trong nước cũng báo động về tinh trạng khô cạn hay ngập mặn của đồng ruộng và các nhánh sông Cửu Long, nạn đất lún hay sạt lở làm mất kế mưu sinh của hàng triệu nông, ngư dân ở nhiều tỉnh như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang [4]. Chắc chắn trong những năm sắp tới, các nước miền hạ lưu Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn phải khốn đốn nhiều hơn nữa. Mới ít ngày trước đây, báo New York Times cho hay trong lúc Biển Hồ còn đang bị nguy cơ thiếu nước thì Trung Quốc lại cho xây thêm một đập thủy điện trên nhánh sông Mekong ở Lat Thahae thuộc Bắc Lào, phá hủy hàng chục ngôi làng gồm nhà ở, trường học, chùa chiền, đuổi dân chúng ở ven sông lui vào rừng dựng nhà lá sinh sống xa bờ [5].

dbscl3

Hình minh họa. Những căn nhà dọc sông Mekong ở thành phố Cần Thơ Reuters

Kỹ sư Phạm Phan Long, chuyên gia ngành môi trường, cho hay phát hiện mới nhất về tốc độ chìm của Đồng bằng sông Cửu Long được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8/2019 bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hòa Lan, cho thấy rằng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo những dữ liệu trước kia,) đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới. Như vậy, nhu cầu đối phó với ô nhiễm, sụt lún và xâm mặn vào an ninh nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long vào lúc này quả là khẩn cấp [6].

Ở trên có nêu vấn đề Việt Nam cần phải có một chiến lược khôn ngoan và một kế hoạch toàn diện về đối nội và đối ngoại để có thể tự bảo vệ và cùng với quốc tế ngăn chặn Trung Quốc thực hiện tham vọng làm chủ Biển Đông Nam Á và thống trị toàn cầu. Vấn đề là liệu chính phủ Việt Nam có đủ bản lãnh biến thử thách thành cơ hội để thực hiện sứ mệnh lịch sử trước nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dòng giống Việt hay không.

Thực tế đau buồn là trong gần tròn ba mươi năm qua, kể từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990, các tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đã phục tùng Trung Quốc và ức hiếp chính dân mình đến độ đã bị nhân dân đưa lên bia miệng là "hèn với giặc, ác với dân". Chỉ đến gần đây, đầu tháng 7/2019, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi một đoàn tàu hải giám và dân quân xâm nhập vùng biển Bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và là nơi tập trung nhiều nhất các lô dầu khí của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao mới lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, yêu cầu "chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam ; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".

Đây là lần đầu tiên Việt Nam nêu đích danh Trung Quốc để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, trái với quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong khi tỏ rõ ý muốn dựa vào Hoa Kỳ để thoát khỏi vòng lệ thuộc Trung Quốc, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngăn cấm và đàn áp nhân dân chống chính sách xâm lược của Bắc Kinh. Tình trạng oái oăm và nghịch lý đó không thể kéo dài. Giới lãnh đạo Đảng và chính phủ ở Việt Nam đang cực kỳ lúng túng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, cụ thể là : chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của liên minh "Bộ Tứ" (Mỹ-Úc-Nhật-Ấn) trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan vì hòn đảo này có xu hướng độc lập, và những cuộc biểu tình lên tới hai triệu dân ở Hong Kong đòi quyền tự chủ sau ba tháng đã khiến chính quyền thân Trung Quốc bắt đầu phải nhượng bộ nhưng cuộc tranh đấu của tuổi trẻ vẫn còn tiếp tục.

Chuyến đi Mỹ sắp tới, nếu có, của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có thể nâng quan hệ Việt-Mỹ từ "đối tác toàn diện" sang "đối tác chiến lược" nhưng để đổi lấy quyết định gần Mỹ xa Trung, Tổng-Chủ Trọng sẽ yêu cầu Tổng Thống Trump xác nhận "tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau" như đã công bố trong bản Tuyên bố chung của hai nước sau hai cuộc gặp Obama-Sang năm 2013 và Obama-Trọng năm 2015. Nói cách khác, Nguyễn Phú Trọng sẽ dựa vào sự xác nhận của Tổng thống Trump để tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị theo mô hình Trung Quốc.

Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc thứ 13 vào đầu năm 2021, dù những thành phần yêu nước và cấp tiến, trong và ngoài Đảng, có khả năng và điều kiện thuận lợi để xoay chuyển tình thế sang hướng "thoát Trung" và lộ trình dân chủ hóa hay không, công cuộc cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là một nhu cầu cấp bách không thể trì hoãn. Việt Nam không thể chờ đợi cho đến khi "nước đến chân mới nhảy", thậm chí tác giả Ngô Thế Vinh đã dùng ẩn dụ boiling frog syndrome để ví Việt Nam với trường hợp con ếch bị đem bỏ vào một nồi nước lạnh rồi đun nóng lên dần. Con ếch không có một phản ứng nào cho đến khi bị nấu chín.

dbscl4

Hình minh họa. Những người đàn ông ngồi bên những căn nhà đổ sụp vì lở đất bên dòng Mekong ở thành phố Cần Thơ Reuters

Đó là lý do cần phải có kế hoạch Cứun nguy Đồng bằng sông Cửu Long thúc giục nhân dân thức tỉnh và hành động tự cứu thay vì thờ ơ, vô cảm, hay chỉ lên tiếng than phiền hay báo động. Hơn ba năm trước, tôi đã viết bài kêu gọi phát động chiến dịch cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy nhân dân áp lực chính quyền phải quyết liệt chống lại những mưu toan ác độc của Trung Quốc [7]. Vì thiếu điều kiện khả thi ở trong nước, "chiến dịch" đã không thể trở thành hiện thực. Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc trong nước và quốc tế, trong khi chờ đợi tình thế biến chuyển thuận lợi, kế hoạch Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người dân bằng những chương trình thực tế, khả thi, chú trọng vào những hoạt động cứu trợ xã hội, những giải pháp kỹ thuật và những cuộc vận động quốc tế.

Như vậy, Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gồm ba chương trình hoạt động chính :

1. Cứu trợ xã hội : giúp đỡ nông, ngư dân bằng việc hỗ trợ tài chính, vật liệu hay hướng dẫn nghề nghiệp để họ có thể vượt qua hay giảm bớt những khó khăn kinh tế do thiên tai và các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra, huy động sự tham gia của mọi giới, nhất là sự đóng góp của giới doanh nghiệp giàu có và sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia trí thức mọi ngành.

2. Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật : các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác nghiên cứu, tìm kiếm những kỹ thuật canh tác mới như nuôi tôm và thủy sản nước lợ, những sáng kiến làm giảm bớt hậu quả của hạn hán như ngăn nước biển xâm nhập ruộng và xây nhà máy lọc nước mặn thành nước ngọt, khai thác sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời có lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường, khiến cho việc xây thêm đập thủy điện không còn cần thiết.

3. Vận động quốc tế : kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các nước có lợi ích trong khu vực, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, ngoài việc hỗ trợ các chương trình nhân đạo và phát triển cho các nước miền hạ lưu sông Mekong, đặc biệt chú trọng vào mục tiêu chung là mạnh mẽ yêu cầu và áp lực Trung Quốc từ bỏ độc quyền quản lý nguồn nước Mekong và đối xử công bằng với các nước ở hạ lưu phù hợp với luật lệ xuyên quốc gia và bang giao quốc tế.

Thực hiện ba loại chương trinh trên đây, về mặt tinh thần, đều là trách nhiệm của chính phủ, nhưng cho đến nay, do lợi ích nhóm, chính phủ đã không mấy quan tâm đến các hoạt động khẩn cấp này. Đã đến lúc chính phủ phải thiết lập kế hoạch toàn diện, qui mô, kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác của tư nhân, phối hợp với các chương trình của các tổ chức phi chính phủ, các ngành chuyên môn ở đại học, các chuyên gia quốc tế về sông nước và môi trường, đẩy mạnh các hoạt động điều hợp và đối thoại với Trung Quốc của Ủy hội sông Mekong (MRC) và hợp tác chặt chẽ với Sáng kiến vùng Hạ lưu Mekong (LMI) do Hoa Kỳ hỗ trợ. Đây là hình thức phối hợp đối tác công tư (public private partnertship, PPP) đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia đang phát triển. Sự tham gia của các chương trình tư nhân vào Dự án Cứu nguy Đồng bằng Sông Cửu Long, dù hạn chế và nhỏ bé hơn của chính phủ, cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho những hoạt động hiện hữu hay bổ túc cho những hoạt động còn thiếu sót của các cơ quan hữu trách để có thể đem lại kết quả mong đợi. Đặc biệt loại chương trình thứ hai (giải pháp kỹ thuật) và thứ ba (vận động quốc tế) cần phải có sự tham gia của trí thức, chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc. Trong những năm gần đây, nhiều nhân tài trong và ngoài nước đã tìm đến nhau trao đổi thông tin và ý kiến về những vấn đề phát triển bền vững nhưng chưa có cơ hội hợp tác trong những công trình nghiên cứu hay thực nghiệm cụ thể.

Tính khả thi của việc thực hiện Dự án

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long, được quan niệm như một phần nhỏ nhưng rất quan trọng trong chiến lược quốc gia mà mục tiêu tối hậu là bảo vệ độc lập, toàn vẹn chủ quyền trên đất và trên biển, chống lại mưu toan của Trung Quốc chiếm đoạt Việt Nam làm căn cứ chiến lược để thống lĩnh Biển Đông và kiểm soát toàn khu vực.

Tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án có mục đích không chỉ cứu vãn nền kinh tế nông, ngư nghiệp ở 13 tỉnh miền Tây Nam phần mà luôn cả nguồn lợi xuất cảng quan trọng của cả nước. Nhưng ngay cả khi giới hạn trong một khu vực, Dự án cũng chỉ đóng góp chứ không thay thế cho một kế hoạch toàn diện cần phải có của chính phủ, nhất là dưới một chế độ độc tài toàn trị mà cái gì cũng "đã có Đảng và Nhà nước lo". Như vậy, trước khi nói chuyện thực hiện hãy bàn về tính khả thi của Dự án ở Việt Nam. Ai sẽ thiết lập và điều hành dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long ? Dự án có vượt quá khả năng và phương tiện thực hiện của khu vực tư hay không ? Các hoạt động của dự án có thể bị chính quyền ngăn cấm hoặc sách nhiễu hay không ?

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long được trình bày như một kêu gọi đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của đất nước mà bất cứ công dân hay tổ chức dân sự nào ở trong hay ngoài nước (tạm gọi chung là tổ chức phi chính phủ, hay NGO) cũng có thể thực hiện độc lập một phần hay nhiều chương trình của dự án, hoặc hợp tác với các chương trình của chính phủ trên bình diện địa phương, vùng miền hay toàn quốc, tùy theo khả năng chuyên môn và tài chính của mỗi tổ chức. Mỗi NGO hay mỗi nhóm NGO sẽ phụ trách một hay nhiều chương trình chọn lựa thích hợp. Theo cách phân công tự nhiên thì những NGO làm từ thiện sẽ phụ trách những chương trình hoạt động loại 1, những hội khoa học kỹ thuật sẽ nhận các chương trình loại 2, và các nhóm vận động về chính sách và giải pháp chính trị/ngoại giao sẽ chú trọng vào các hoạt động loại 3.

dbscl5

Hình minh họa. Hình chụp vào ngày 8/3/2016 : 2 người đàn o ong quăn lưới bắt cá cạnh một kênh ngăn nước mặn ở Long Phú, Sóc Trăng AFP

Để giảm bớt chi phí và gia tăng hiệu quả của Dự án, các tổ chức dân sự nên kết hợp thành nhóm NGO thỏa thuận với nhau trong việc phân chia công tác và chi phí. Những nhóm NGO như vậy sẽ dễ gây qũy hoạt động từ các nhà hảo tâm và các nguồn tài trợ công hay tư ở trong hay ngoài nước. Sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các nhóm hoạt động, nhất là giữa các nhóm nghiên cứu (loại 2) và vận động (loại 3), cũng rất cần thiết vì thành tích của Dự án sẽ được biết đến nhiều hơn và có ảnh hưởng lớn hơn. Cả ba loại chương trình đều quan trọng nhưng thực tế là các hoạt động loại 3 (Vận động các chính phủ, quốc hội, tổ chức quốc tế, dư luận công chúng…) quan trọng nhất vì đây là tiếng nói của nhân dân, nếu được các nhà làm chính sách quốc gia và quốc tế lắng nghe thì sẽ dẫn đến những giải pháp có lợi ích thật sự cho sự tồn tại và phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, của Việt Nam và các nước miền hạ lưu sông Mekong. Vì cần có thông tin và dữ kiện từ tất cả các nhóm tham gia Dự án và nhờ những cách tiếp cận và quan hệ làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, quốc nội và quốc tế, nhóm Vận động cũng đương nhiên thích hợp với nhiệm vụ cập nhật định kỳ các hoạt động của Dự án và làm các bản phúc trình tổng kết. Vì là tiếng nói chung của nhân dân và liên lạc với tất cả các chương trình của Dự án, các hoạt động loại 3 cần được tập trung và được đảm nhận bởi một tổ chức có khả năng và kinh nghiệm lâu năm về vận động và thông tin, liên lac.

Từ trên 30 năm qua, chính phủ Việt Nam đã đón nhận hàng nghìn chương trình nhân đạo và phát triển của các NGO quốc tế kể cả những tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ cũng đã chấp thuận sự hợp tác về chuyên môn giữa các nhà khoa học và chuyên gia trong và ngoài nước, do đó sẽ không có gì phải lo ngại về những đóng góp của các NGO, hỗ trợ và bổ sung cho những chương trình cứu trợ nông, ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long mà chính phủ không thể cung cấp đầy đủ. Đối với những nỗ lực vận động quốc tế nhằm "thuyết phục" Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế trong việc xử lý nguồn nước Mekong đối với các quốc gia miền hạ lưu, chính phủ và nhân dân Việt Nam tất nhiên phải cùng chung quan điểm, vì vậy chính phủ không có lý do gây khó khăn cho những giải pháp bảo vệ sự sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long và lợi ích của đất nước.

Sự kiện gần đây chính phủ đã tỏ ra cứng rắn trước hành vi trái phép của Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một tín hiệu thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn của Dự án. Chính phủ chỉ cần tiến thêm một bước cụ thể là kiện Trung Quốc trước Tòa án Quốc tế là hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của toàn dân và sự mong đợi của quốc tế. Trước hành động ức hiếp quá đáng của Trung Quốc thậm chí ngăn cấm Việt Nam thi hành hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty ngoại quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã đến lúc lãnh đạo Việt Nam phải dứt khoát không cho phép Trung Quốc tiếp tục chính sách "tầm ăn dâu" hay "salami slicing" (cắt lát salami) lần lần chiếm đoạt hết nguồn lợi sinh tử của Việt Nam. Trong khi đó, những cuộc vận động bảo vệ nguồn nước Mekong của các giới nhân dân Việt Nam sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ cho những đòi hỏi chính đáng của chính phủ.

Vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt hải ngoại, dù số đông đã lập nghiệp và mang quốc tịch nước ngoài, nhưng do những quan hệ về chủng tộc, vån hóa và lịch sử với quê hương nguồn cội, vẫn thấy có nghĩa vụ đóng góp cho những nỗ lực bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Nhiều chuyên gia ở các nước tiền tiến có thể hợp tác tích cực với các đồng nghiệp ở trong nước trong việc tìm kiếm các giải pháp cải thiện kỹ thuật canh tác giúp cho nông dân có thể tiếp tục sản xuất lúa gạo và thủy sản, hoặc sử dụng năng lượng gió hay năng lượng mặt trời thay cho thủy điện hay điện than để tránh ô nhiễm môi trường.

Tin tức mới nhất cho biết ngày 18/10 vừa qua, Pháp đã khánh thành nhà máy Năng lượng mặt trời nổi (Floating Solar) đầu tiên lớn nhất Châu Âu, không những cung cấp đủ năng lượng cho trên 4.000 hộ gia đình, mà còn giúp giảm hơn 1.000 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường [8]. Từ nhiều tháng qua, Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch Quỹ sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation -- VEF) tìm giải pháp thay thủy điện, đã bỏ công nghiên cứu việc thiết lập Hệ thống Năng lượng mặt trời nổi có dự trữ (Floating Solar-with-Storage System - FSS) trên hồ Nam Ngum (một phụ lưu sông Mekong) với số lượng điện năng GWh ngang với sức sản xuất của ba con đập thủy điện Pak Lay, Pak Beng và Luang Prabang mà chính phủ Lào đang chuẩn bị tiến hành, với giá KWh thấp hơn. Hệ thống FSS này đang được hoàn chỉnh và sẽ được đệ nạp cho các cơ quan thẩm quyền Lào và quốc tế xem xét trong những ngày sắp tới. Tiếp theo đó sẽ là đề nghị áp dụng hệ thống FSS cho Cam-bốt và Việt Nam.

dbscl6

Hình minh họa. Một phụ nữ ngồi nhìn những con thuyền đi qua tại Pak Beng trên dòng Mekong ở Lào AFP

Trí thức người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, có nhiều khả năng và cơ hội vận động với chính phủ, quốc hội và các cơ quan quốc tế có ảnh hưởng tới việc thiết lập các chính sách thuận lợi cho Việt Nam thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh. Sự hợp tác giữa bên trong và bên ngoài như vậy rất hợp với chức phận tự nhiên của mỗi bên là trong nước chủ động, bên ngoài hỗ trợ.

Riêng về mặt vận động quốc tế thì cộng đồng ở nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi hơn người trong nước. Gần 10 năm trước đây, tôi đã trình bày khá đầy đủ khả năng này trong bài "Trước hiểm họa Trung Quốc : Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại" trên trang mạng Talawas (02/07/2010) và Boxitvn (05/07/2010). Môt số chi tiết trong bài có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thời cuộc hiện nay, nhưng nội dung cơ bản của kế hoạch không có gì thay đổi. Để khỏi lập lại dài dòng, dưới đây là đường link dẫn đến bài đó trên Boxitvn.net với lời giới thiệu của nhà báo Hoàng Hưng : http://www.boxitvn.net/bai/7041

Kết luận

Dự án Cứu nguy Đồng Bằng sông Cửu Long cho thấy rõ đời sống của 20 triệu dân ở 13 tỉnh ven sông và nguồn lợi kinh tế của cả nước đang bị hãm hại trước mắt và có nguy cơ bị hủy diệt trong lâu dài bởi chuỗi đập thủy điện mà Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây ở thượng nguồn và một số đập khác ở hạ nguồn, đặc biệt là những con đập của Lào rốt cuộc cũng do Trung Quốc giúp xây cất và kiểm soát. Đây là mối đe dọa quá lớn cho sự sống còn của đất nước nằm trong đại chiến lược của Trung Quốc là chiếm đọat Việt Nam làm bàn đạp thống lĩnh Biển Đông và toàn thể khu vực. Trong khi chờ đợi chính phủ xây dựng kế hoạch tổng thể cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long với sự đóng góp của chuyên gia nước ngoài và nguồn vốn quốc tế, những nỗ lực đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt và lâu dài cần phải được thực hiện gấp.

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long không thuộc quyền sở hữu, điều hành hay kiểm soát của một cá nhân hay tổ chức nào. Dự án này chỉ là một ý kiến, một đề nghị trình bày công khai, mong được nhiều người tán thành, bổ sung và thực hiện tùy theo phạm vi khả năng của cá nhân hay nhóm để góp phần bảo vệ đất nước mà không làm cho chính quyền phải lo ngại. Tuy nhiên, vì chủ đích của Dự án là bảo vệ sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn lợl kinh tế của đất nước, công tác vận động để có được tiếng nói chung của nhân dân và sự ủng hộ của quốc tế cần phải có sự phối hợp và hành động đồng bộ hơn là hành động đơn lẻ. Trong trường hợp này, phương thức phối hợp giữa các đối tác công và tư (PPP) như đã nói đến ở một đoạn trên lại càng có hiệu quả hơn.

Vì phải liên lạc với các nhóm thực hiện chương trình của dự án để thâu thập thông tin và dữ ,kiện, đồng thời qua những cách tiếp cận và quan hệ làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, nhóm Vận động cũng đương nhiên thích hợp với nhiệm vụ cập nhật định kỳ các hoạt động của Dự án và làm các bản phúc trình tổng kết. Nhiệm vụ này nên được một tổ chức có khả năng và kinh nghiệm về vận động đảm nhận. Đây không phải là công việc lãnh đạo hay điều hành dự án mà chỉ là công việc liên lạc với các chương trình, tổng hợp thông tin và cổ động cho dự án. Nhiệm vụ này chỉ cần giao cho một vài người phụ trách, cung cấp thông tin và dữ kiện cho các chuyên gia vận động, với một bản tin định kỳ hay một trang web, nếu cần. Điều này tránh được tình trạng lạm dụng quyền hành và tranh giành lãnh đạo có thể xảy ra giữa các tổ chức cộng đồng hay xã hội dân sự.

Cách tổ chức, phân công và phối hợp theo hàng ngang như vậy cho thấy những cá nhân và tổ chức tham gia thực hiện chương trình cũng là chủ của một phần dự án, vừa thể hiện được tinh thần bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh (healthy competition) trong một "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (những mục tiêu mà chính phủ đã nêu lên từ nhiều năm qua), vừa thu hút được sự ủng hộ cần thiết của quốc tế. Điều đó sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sẽ khiến cho Trung Quốc phải chùn bước xâm lấn và chiếm đoạt phi pháp. Các chương trình có thể thực hiện bất cứ lúc nào và cần được chia sẻ thông tin bằng mọi phương tiện sẵn có. Mong rằng không lâu sẽ có một tổ chức được đề cử hay tình nguyện đảm nhận công việc thu thập thông tin từ các chương trình hoạt động của dự án được đúc kết trên một Bản Tin (Newsletter) để phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước.

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là tới phiên Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN, tức là có thêm lợi thế quốc tế để đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ có thêm thẩm quyền trong những cuộc đàm phán với Trung Quốc về những vấn đề chủ quyền, an ninh, hợp tác và phát triển, không chỉ riêng các nước ASEAN mà bao gồm tất cả các nước liên quan đến Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông của Việt Nam. Riêng về vấn đề lợi ích của các quốc gia miền hạ lưu sông Mekong, chủ tịch ASEAN cũng có trách nhiệm hỗ trợ cho Ủy hội MRC trong những cuộc đối thoại với Trung Quốc về quản lý nguồn nước Mekong trên cơ sở luật lệ xuyên quốc gia, đồng thời cũng hỗ trợ các sáng kiến của Hoa Kỳ và đồng minh giúp đỡ các nước hạ lưu sông Mekong bảo vệ kinh tế và môi trường trước những tác hại do chính sách kiểm soát nguồn nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc. Tân Giám đốc Văn phòng MRC, Tiến sĩ An Pich Hatda, dù chưa làm việc được một năm đã tỏ ra sốt sắng thực hiện lợi ích của các quốc gia hội viên qua quyết định của chính phủ Cam-bốt đình chỉ dự án xây hai con đập Sambor và Stung Treng, tránh gây thêm nguy hại cho Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hi vọng Tiến sĩ Hatda có thể góp phần tích cực vào những nỗ lực của Hội đồng Chỉ đạo của MRC trong việc thuyết phục Trung Quốc xử lý nguồn nước Mekong một cách công bằng và thiện chí hơn đối với các nước ở hạ nguồn.

Dự án Cứu nguy Ðồng Bằng sông Cửu Long là một thử thách và cũng là một cơ hội cho cả chính phủ và nhân dân trước trách nhiệm lịch sử. Tuy nhiên, vì chính phủ có đầy đủ quyền hành và phương tiện nên việc thực hiện toàn bộ kế hoạch là trách nhiệm chính của chính phủ với sự đóng góp của các tổ chức tư nhân. Nếu chính phủ thực tâm muốn bảo vệ sự tồn tại của Đồng Bằng Sông Cửu Long và nguồn lợi kinh tế nông ngư nghiệp quan trọng nhất của đất nước thì việc thực hiện Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long như đã trình bày trên đây là một cơ hội không có lần thứ hai để lấy được hậu thuẫn của nhân dân và sự ủng hộ của quốc tế. Trước tiên, chính phủ cần rút Petro Vietnam Power Corporation ra khỏi vai trò chủ đầu tư dự án xây đập thủy điện Luang Prabang lớn nhất của Lào trên dòng chính sông Mekong vì hiển nhiên là con đập này sẽ phá hoại Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn nữa. Đã đến lúc các lãnh đạo cần chứng tỏ quyết tâm từ bỏ lợi ích nhóm và đoạn tuyệt mọi quan hệ lệ thuộc Trung Quốc như những điều kiện tiên quyết (sine qua non) để thành công.

Có lãnh đạo sáng suốt nào lại bỏ lỡ cơ hội cứu nước thuận lợi này để bị nhân dân và lịch sử kết án muôn đời về tội bán nước và hãm hại dân tộc ?

Lê Xuân Khoa

Nguồn : RFA, 22/10/2019

Một số bài và hình ảnh liên quan :

1. https://vnexpress.net/longform/ha-nguon-mekong-trong-con-khat-vo-tan-cua-bac-kinh-3945579.html

2. https://www.voatiengviet.com/a/mekong-tran-han-han-lich-su-ha-luu/5013842.html

3. https://baotiengdan.com/2019/08/23/viet-nam-that-thu-chien-luoc-tren-dia-ban-song-mekong/

4. https://www.project-syndicate.org/commentary/china-dams-mekong-basin-exacerbate-drought-by-brahma-chellaney-2019-08

5. https://tuoitre.vn/dong-bang-song-cuu-long-kho-can-trong-han-man-tram-nam-1068949.htm

6. "Nguy cơ chiến tranh nước gia tăng trên sông Mê Kông," bản dịch của Đỗ Tùng, danlambaovn.blogspot.com


[1] David Hutt, "Water war risk rising on the Mekong", Asia Times, Oct. 16, 2019. Xem bản dịch toàn bài của Dân Làm Báo trong mục Bài liên quan (số 6) ở trang cuối bài này. Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, Trung Quốc chỉ góp có 40% lưu lượng sông vào mùa khô và trung bình 16% cho cả năm. Như vậy, họ chỉ dùng vũ khí này hiệu quả khi có hạn lụt vì khi đó họ mới vận hành các hồ đóng hay xả để gây xáo trộn và làm hạn hán hay lũ lụt khốc liệt hơn và cũng chỉ ảnh hưởng Thái Lan và Lào là chính. Năm 2016, khi Trung Quốc xả nước cứu hạn, Việt Nam không cảm nhận được kết quả. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc liên minh với các đập ở Lào (mà họ kiểm soát) để chặn nước Mekong vào mùa khô hoặc xả nước bừa bãi vào mùa lũ thì cả Cam-bốt và Việt Nam đều chết dưới chân họ.

[2] Những con số về nông sản, thủy sản và số lượng xuất khẩu được dẫn từ Wikipedia.

[3] Ngô Thế Vinh, "Việt Nam thất thủ chiến lược trên địa bàn sông Cửu Long," báo Tiếng Dân, 25.8.2019.

[4] Xem mục Bản Tin trên báo Tiếng Dân, ngày 17.8 và 23.8.2019.

[5] https://www.nytimes.com/2019/10/12/world/asia/mekong-river-dams-china.html

[6] Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt chuẩn bị chuyến đi Hòa Lan vào tháng Sáu 2008 để tìm hiểu lợi ích việc xây đê ngăn nước biển, nhưng chưa kịp đi thì mất. Khi đó, các chuyên gia của Hội Sinh Thái Việt (Viet Ecology Foundation -- VEF) ở California cũng đã soạn thảo xong một concept paper mấy chục trang về việc xây một "đê chiến lược" vừa bảo vệ vừa phát triển Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng chuyển cho nhóm nghiên cứu của ông Kiệt.

[7] Lê Xuân Khoa, "Cần phát động chiến dịch Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long", Bauxite Việt Nam, 16/3/2016.

[8] https://vietnambiz.vn/phap-khanh-thanh-nha-may-nang-luong-mat-troi-noi-lon-nhat-chau-au-20191019141501195.htm

Published in Diễn đàn

Hệ thống hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long : đang chờ có tổng bí thư là người miền Nam ?

Trải từ đời thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cả hai ông đều là dân Nam bộ, song hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ạch đụi phát triển !

caotoc0

Cả nước có 740 km đường cao tốc nhưng Đồng bằng sông Cửu Long nối với trung tâm lớn nhất nước là Sài Gòn và miền Đông Nam bộ chỉ có 40 km đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương

Thời gian qua, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư nhiều công trình giao thông mới, bộ mặt giao thông của vùng được cải thiện ; tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng đường bộ, đường thủy, cảng hàng không, cảng biển ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa được đầu tư đồng bộ là trở lực rất lớn cho sự phát triển trong thời gian tới. Lớn nhất là nút thắt của trục giao thông chính - cao tốc Sài Gòn đi Cần Thơ, tuyến N2 (kết nối trung tâm vùng) và tuyến quốc lộ 60 (duyên hải phía Đông).

Những điểm nghẽn

Điểm nghẽn giao thông cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long thật gần, như ở ngay cạnh Sài Gòn đấy thôi, nhưng từ Cần Thơ đi Sài Gòn chưa đầy 200 cây số mà tốn tới 3-4 giờ, thử hỏi làm sao nhà đầu tư không nản lòng khi tìm đến đây ?

Từ Sài Gòn về Đồng bằng sông Cửu Long, có 3 cách đi : theo quốc lộ (QL) 62 xuyên vùng Đồng Tháp Mười ; hoặc theo QL 1 và QL 50 cũng tụ về ngã ba Trung Lương. Chiều ngược lại, từ Sóc Trăng, theo QL 60 đi Trà Vinh, Bến Tre đến Tiền Giang cũng phải qua điểm giao Trung Lương. Còn nếu theo QL 80 từ Kiên Giang lên, hoặc theo QL 1… cũng đều cùng đích ‘hội tụ’ là ngã ba Trung Lương.

Ngoài điểm nghẽn ngã ba Trung Lương đang chờ giải quyết, thì còn 2 nút thắt khác : Tuyến N2 từ ngã ba Chơn Thành của tỉnh Bình Phước đến mũi Cà Mau, có tổng đầu tư gần 26.000 tỷ đồng, gồm 2 cụm dự án chính : cụm 1 là cầu Cao Lãnh và một đoạn tuyến tới Vàm Cống, vốn đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng ; cụm 2 từ Vàm Cống đến tỉnh Kiên Giang với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, phải triển khai các dự án nâng cấp QL 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ và QL 1. 

Nút thắt thứ 3 là tuyến nối QL 1 tại Sóc Trăng theo QL 60 qua Trà Vinh - Bến Tre, rút ngắn được quãng đường 70km từ Cà Mau đi Sài Gòn. Tuyến này đang cần phải làm sớm cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2 để giải quyết thực trạng kẹt xe như hiện nay.

Cảng biển chờ đợi mở rộng

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cảng Năm Căn là một trong những cảng được đầu tư từ năm 1995, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000 - 12.000 tấn. Khi được xây dựng, cảng này được xác định là một trong những hệ thống cảng biển thương mại quốc tế. Tuy nhiên, từ ngày có cảng đến nay, hiệu quả không như mong đợi. Luồng tàu ra vào cửa Bồ Đề cạn nên loại tàu có trọng tải lớn không ra vào được cảng Năm Căn.

Hiện nay, cảng Năm Căn đã xuống cấp, tàu có trọng tải lớn không thể cập cảng được. Trong khi đó, hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Cà Mau như thủy sản, phân bón, gỗ… phải vận chuyển lên các cảng tại Sài Gòn và vùng lân cận. Riêng mặt hàng thủy sản, mỗi năm tỉnh Cà Mau xuất khẩu trên 1 tỷ USD nhưng chưa một lần xuất qua cảng Năm Căn. Việc vận chuyển hàng hóa lên các cảng tuyến trên làm phát sinh chi phí, giá thành tăng cao, giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải làm vì không có chọn lựa nào khác.

Hệ thống cảng biển trong vùng thuộc nhóm cảng số 6, với 7 cảng biển là Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Năm Căn, Kiên Giang, với tổng công suất 20,7 triệu tấn/năm ; tổng lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng này đạt 19,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khá cao 26,26%, cao hơn cả nước 12,1%, thế nhưng chỉ có cụm cảng Cái Cui của Cần Thơ là có thể đón tàu 20.000 DWT.

Ngoài ra hiện luồng Quan Chánh Bố đã thông nhưng chỉ là luồng một chiều, nghĩa là có một tàu vào luồng thì tàu khác phải nằm chờ. Với quy định vận tốc tối đa khi lưu thông qua luồng là 7km/giờ thì thời gian tàu chạy qua luồng mất đến khoảng 7 giờ. Các hãng tàu nước ngoài phải tốn chi phí rất lớn từ 8.000 - 10.000USD/ngày, nên nếu phải mất nhiều thời gian chờ đợi thì lợi nhuận sẽ bị sụt giảm, đó là chưa kể khi phương tiện ra vào nhộn nhịp hơn thì luồng Quan Chánh Bố sẽ khó đáp ứng và chắc chắn sẽ xảy ra ùn tắc.

Trước sao, giờ vẫn vậy !

Không riêng cảng biển, mà đường thủy cũng đang chờ đợi được đầu tư mở mang. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long từ xa xưa đã tận dụng thế sông mà đi lại, vận chuyển hàng hóa. Với lợi thế rất lớn, nhưng giao thông thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long ‘trước sao giờ vẫn vậy’. Những tuyến huyết mạch như kênh Chợ Lách, Chợ Gạo thường xuyên bồi lắng, tàu bè đông đúc, lưu thông rất hạn chế. 

Theo Sở Giao thông và vận tải tỉnh Tiền Giang, tuyến kênh Chợ Gạo dài khoảng 28km, gồm rạch Kỳ Hôn, Chợ Gạo và rạch Lá, trong vòng 5 năm trở lại đây phát triển đột biến về lưu lượng và tải trọng. Mỗi ngày có khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng 200 - 1.000DWT lưu thông, ngày cao điểm lên tới 1.800 lượt. Vì thế, tuyến đường thủy độc đạo nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đang thực hiện bị chậm tiến độ, gây không ít khó khăn cho phương tiện lưu thông.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, giá vận chuyển đường thủy rẻ 9 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, an toàn nhất và ít ô nhiễm môi trường. Thế nhưng hiệu quả của vận tải thủy nội địa thời gian qua tại Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng.

Đâu là lý do ?

Trong một trả lời với đài RFA, dưới giác độ là nhà quan sát chính trị, ông Phạm Chí Dũng – một người con của đất Đồng Tháp, cho rằng các yếu tố gọi là vùng - miền hoặc trung ương - địa phương đã chi phối, dẫn đến sự mất cân đối trong chính sách phân bổ đầu tư phát triển hạ tầng ở Nam Bộ. Trung ương phải hơn địa phương, Hà Nội vẫn coi các tỉnh ở miền Bắc phải hơn các tỉnh ở khu vực miền Nam, cho nên mức độ đầu tư ở miền Bắc, thậm chí miền Trung, cao hơn miền Nam.

Lý do tiếp theo, đó là những nhóm lợi ích ở trung ương có mối quan hệ mật thiết, gần gũi và hiệu quả hơn các nhóm lợi ích ở miền Nam, thành thử dành được nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở từ vốn ngân sách và ODA nhiều hơn, từ đó dẫn tới tình trạng hạ tầng cơ sở miền Bắc và miền Trung được đầu tư và phát triển hơn ở miền Nam là như vậy.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 06/04/2019

Published in Diễn đàn

"Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời"

(Ca dao Nam bộ)

Nghịch lý chồng nghịch lý

Dù nhiều người đã nói rồi nhưng thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại cái nghịch lý đã, đang và sẽ còn diễn ra ở vùng đất cực Nam này của Tổ quốc, đó là : Đồng bằng sông Cửu Long tuy được xem là cái "xương sống" cho nền kinh tế nông nghiệp của cả nước nhưng lại là khu vực ít được Nhà nước quan tâm, đầu tư nhất so với các vùng miền khác về tất cả mọi phương diện. Tất cả những chuyện này không phải tìm đâu xa mà đã được thừa nhận ngay trong các văn bản báo cáo của nhiều cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu mỗi khi diễn ra cuộc hội nghị, hội thảo nào đó.

dbscl1

Điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội ở Đồng bằng sông Cửu long

Hay như mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trong khi nêu quan điểm của mình về vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải nhất là các dự án đường sắt trên cả nước đã cho thấy rõ hơn cái nghịch lý về vấn đề này ở khu vực miền Tây Nam bộ bằng những con số rất cụ thể :

"Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40 548 km2 và dân số 18,5 triệu người. Tăng trưởng GDP của Miền Tây Nam bộ cao hơn bình quân cả nước. Vậy mà hiện nay miền Tây Nam bộ không có tuyến đường sắt nào. 74 năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1 mét đường sắt ở Miền Tây Nam bộ. Trong khi đó, Miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội. Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.

Như vậy, nhìn tổng quát giao thông và vận tải Miền Tây Bắc và Đông Bắc vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất. Cấp thiết bậc nhất là tuyến Hồ Chí Minh – Hà Nội và Miền Tây Nam bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc, Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc" [1].

Những nghịch lý trên rõ ràng ai cũng biết nhưng có một nghịch lý còn lớn hơn nữa đã làm cho Đồng bằng sông Cửu Long ngày một tụt hậu và kiệt quệ hơn mà không phải ai cũng đủ chân thành và dũng khí để nói ra. Trước khi gọi tên cái nghịch lý này là gì xin được nhắc lại hai sự kiện nhỏ dưới đây :

Năm 2009, Đồng bằng sông Cửu Long có diễn ra một cuộc thi Thơ do Hội liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Cần Thơ tổ chức. Năm ấy, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn bài thơ "Trăng nghẹn" của tác giả Hoài Tường Phong để trao giải nhất. Nhưng sau đó, dưới sức ép của "những người có trách nhiệm", Ban tổ chức cuộc thi sau đó đã quyết định "bẽ kèo" vào phút 90+1. Nghĩa là rút lại không trao giải nhất cho bài thơ với lý do tác giả Hoài Tường Phong đã "phản ánh" một sự thật về cái nghịch lý của vùng đất và con người nơi đây bằng mấy câu thơ mộc mạc, chân chất đến trần trụi :

"Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa"

Đó là chuyện xảy ra cách nay đúng 10 năm, còn gần đây nhất, liên quan đến sự kiện báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng, người ta lại tìm thấy ở đó một trong những nguyên nhân chính là do Báo Tuổi trẻ Online trước đó đã cả gan và vượt rào đăng bài viết "Sao trong quy hoạch không thấy cao tốc cho miền Tây" ngày 26/5/2017. Bài viết này bị các nhà chức trách rằng có nội dung mang tính kỳ thị vùng miền dễ "gây mất đoàn kết dân tộc" [2].

Hai câu chuyện, hai sự kiện tuy nhỏ nhưng lại chất chứa trong đó một sự thật rất xót xa. Hay nói khác đi đây chính là cái nghịch lý chồng nghịch lý mà người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang phải oằn lưng gánh chịu. Cái nghịch lý về sự dối trá, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo nhưng lúc nào cũng "cả vú lấp miệng em", không dám thừa nhận của "những người có trách nhiệm" trong bộ máy lãnh đạo quốc gia mỗi khi nghĩ về Đồng bằng sông Cửu Long.

"Hội nghị Diên Hồng" hay là chuyện "cha chung không ai khóc"

Sau khi được chỉ định làm Thủ tướng chính phủ (ngày 07/04/2016) thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức bắt tay vào việc với một khí thế hừng hực thường thấy của những kẻ mới ngồi vào "ngôi vua". Để nhanh chóng thích nghi và ghi dấu ấn trước quốc dân đồng bào ông cũng cho bày binh bố trận khắp nơi. Cái khẩu hiệu "Chính phủ kiến tạo và phục vụ" ngay lập tức được giới truyền thông tung hô hết ga. Không dừng lại ở đó, mỗi khi đến địa phương nào đó làm việc, ông cũng không bao giờ quên gửi một "thông điệp" với một công thức rất đặc trưng và có một không ai : "X, Y, Z...+ phải là đầu tàu/thủ phủ/đi đầu... của cả vùng/cả nước".

dbscl2

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và địa phương tại phiên khai mạc “Hội nghị Diên Hồng”.

Tuy vậy, cũng phải mất một năm sau người đứng đầu Chính phủ mới bắt đầu triển khai nhiệm vụ "kiến tạo và phục vụ" người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng một bản Nghị quyết (số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu") và một Hội nghị chính thức diễn ra trong hai ngày 26, 27/09/2017 tại thành phố Cần Thơ.

Và để chuẩn bị cho phiên điều hành chính thức của mình, trước đó ông Thủ tướng cùng đoàn tùy tùng đã có chuyến "tiền trạm" đi mây về gió bằng trực thăng để thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ Cần Thơ đến Cà Mau. Còn nhớ, lúc nhìn thấy hình ảnh ngài Thủ tướng trên tay là tấm bản đồ còn ánh mắt thì nhìn đâm chiêu qua cửa sổ máy bay được các cơ quan báo chí đăng tải, một người bạn của tôi lúc ấy đã nhắn tin nói rằng : 

"Nhìn ông Thủ tưởng ngồi trên trực thăng tao xúc động và thương ổng quá ! Ông ấy tận tụy thế kia mà sao những đứa tham mưu lại không trang bị cho ổng một cái ống nhòm để ổng nhìn cho rõ, cho hợp cảnh và chụp hình cho đẹp hơn. Khoảng cách từ trực thăng với đất liền xa như thế mà chỉ nhìn bằng mắt thường thì liệu có thấy được gì không ? Thêm nữa, không biết ông ấy có phân biệt và nhìn ra được những vùng đất với cái tỉ lệ ghi trên tấm bản đồ không khi mà nó vốn khác xa so với trên thực địa" ?

Nhưng thôi đó là những chuyện bên lề. Vì như một thông lệ hiển nhiên và tất yếu về vô số các cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương ở xứ sở này (có lẽ trừ hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim vừa mới diễn ra ở Hà Nội là thất bại vì Trump bỏ về sớm và không ký kèo gì với Kim), hội nghị năm 2017 cũng diễn ra rất thành công và tốt đẹp. Mà không thành công sao được khi mà cái hội nghị ấy được các cơ quan báo đài lúc bấy giờ gọi là "Hội nghị Diên Hồng cho Đồng bằng sông Cửu Long" với gần 500 đại biểu trong và ngoài nước đến tham dự rất khí thế và hoành tráng. Tuy vậy, chỉ có điều là sau một năm tổng kết và nhìn lại thì hỡi ơi, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ ngày 21/11/2018 tất cả các nội dung trong bản Nghị quyết đều "vẫn chỉ nằm trên giấy" [3].

Hóa ra sau một năm tổ chức "Hội Nghị Diên Hồng", các chuyên gia, các nhà quản lý trong cuộc hội thảo (lại hội thảo) với tên gọi"Một năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu" (do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Thời Báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 14/12/2018) mới té ngửa ra rằng suốt một năm qua vì không có ban điều hành để điều phối chung nên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chẳng biết phải làm gì ? [4].

Hóa ra, tất cả lại là do "lắm sãi không ai đóng cửa chùa", "cha chung không ai khóc", Đồng bằng sông Cửu Long vì thế, từ chỗ là đứa con rơi, cha mẹ không thừa nhận đến khi được nhận lại rồi thì tình yêu thương giờ đây chẳng qua cũng chỉ là mấy lời vỗ về rất chiếu lệ và giả trá !

"Đi Bình Dương bán nước tương"

Những năm gần đây, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong câu nói cửa miệng khi bàn về chuyện làm ăn thường bảo nhau rằng chắc chuyến này "đi Bình dương bán nước tương" quá. Câu nói với vần điệu nhịp nhàng mới nghe có vẻ vui tai và buồn cười này nhưng lại phản ánh một sự thật xót xa và đau lòng : một bộ phận người dân Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thật sự đang rất kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần.

xuat-khau-lao-dong-nhat-ban-tai-bnh-duong

Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động Nhật Bản tại Bình Dương diễn ra mạnh mẽ. Không chỉ là cơ hội để thoát nghèo, tìm hướng đi mới mà còn là cơ hội tìm việc làm tốt sau khi về nước.

Đi "Bình Dương bán nước tương" thực ra là rời bỏ làng quê, ruộng đồng, vườn tược để lao vào cuộc mưu sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp với đồng lương còm cỏi và tạm bợ nhưng đầy may rủi và bất trắc. Và với nhiều người nhiều người, dù biết là may rủi nhưng đó lại là sự chọn lựa và lối thoát duy nhất. Bởi dù sao "đi Bình Dương bán nước tương" vẫn thiết thực và "dễ thở" hơn là phải bám trụ lại quê nhà trong cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói khi "được giá mất mùa" lúc "được mùa mất giá"...

Ngay sau Tết nguyên đán năm nay, chúng ta đã tận mắt chứng kiến một cuộc đại di cư của người dân Đồng bằng sông Cửu Long đi "Bình Dương bán nước tương" mà báo chí đã phản ánh qua sự kiện kẹt xe rất khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử trên quốc lộ 1A – tuyến đường và cửa ngỏ duy nhất kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

dbscl4

Trở lại Sài Gòn sau Tết, người dân Miền Tây như "hóa điên" vì kẹt xe

Thật sự không biết khi chứng kiến những hình ảnh về sự vất vả cũng sự nhẫn nhịn, chịu đựng của người vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế, ông Nguyễn Xuân Phúc và "Chính phủ kiến tạo và phục vụ" của ông có suy nghĩ hay động lòng chút nào không ? Bởi còn gì tệ hại và xót xa hơn khi những cư dân của một vùng đất trù phú và giàu có nhất nước giờ đây đã phải tay bồng tay bế, tay xách nách mang, đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, giành nhau từng centimet trên một con đường duy nhất để đi tìm miếng bỏ vào mồm ?

Nghị quyết để làm gì nếu nó mãi mãi vẫn chỉ là những con chữ vô hồn và các cuộc hội nghị, hội thảo thì kinh phí tổ chức cũng lấy từ tiền đóng thuế của những người dân lam lũ và ít học nơi đây ?

Thay lời kết

Trong câu chuyện bên lề "Hội nghị Diên Hồng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, người của bạn tôi sau đó còn nói với tôi rằng : 

"Ông Dũng là người miền Tây mà hai nhiệm kỳ Thủ tướng vẫn không đếm xỉa ngó ngàng gì vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cũng thôi, không nên quá kỳ vọng làm gì với cái Nghị quyết này của ông Phúc. Nói ra thì bảo là kỳ thị, phân biệt vùng miền, gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc nhưng hãy thử nghĩ lại xem có phải cái tư duy và sự kỳ thị, phân biệt vùng miền ấy vốn đã ăn sâu vào máu của chính những người lãnh đạo cao nhất của đất nước này suốt 40 năm qua không ?

Chỉ khi nào những người lãnh đạo cao nhất ở đất nước này biết thành tâm sám hối và cúi đầu xin lỗi về sự chậm trễ và kỳ thị của họ với người dân nơi đây thì Đồng bằng sông Cửu Long mới có hi vọng cất cánh, mới không còn bị coi là "vùng trũng" về giáo dục và văn hóa. Và nếu vẫn giữ cách nghĩ cùng cách làm như hiện nay thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tàn lụi trước khi khí hậu kịp biến đổi hay bị nhấn chìm vì nước biển dâng !".

Cần Thơ, 21/03/2019

Quý Hạo Nhiên

Nguồn : viet-studies, 21/03/2019

----------

Nguồn tham khảo :

[1] https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1572168409583250

[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dinh-ban-3-thang-bao-tuoi-tre-online-1301723.tpo

[3] https://tuoitre.vn/mien-tay-da-lam-duoc-gi-sau-hoi-nghi-dien-hong-201811210945073.htm

[4] https://tuoitre.vn/de-nghi-lap-ban-dieu-phoi-phat-trien-vung-dong-bang-song-cuu-long-20181214151751468.htm

Published in Diễn đàn

Gần như toàn b đng bng sông Cu Long Vit Nam - mt khu vc giúp nuôi sng khong 200 triu người - s chìm dưới nước đến năm 2100 vi tc đ din biến hin thi, mt nghiên cu mi d đoán.

scl1

Đồng bng sông Cu Long, nơi sinh cư ca gn 18 triu người và sn xut mt na sn lượng lương thc ca Vit Nam, đang st lún do khai thác nước ngm quá mc.

Vùng đồng bng này, nơi sinh cư ca gn 18 triu người và sn xut mt na sn lượng lương thc ca Vit Nam, đang đi mt vi cuc khng hong nhân đo tim tàng này phn ln là do vic khai thác nước ngm quá mc đang khiến đt st lún trong khi mc nước bin đng thi đang dâng lên, nghiên cu nhn thấy.

Các nhà nghiên cứu ti Đi hc Utrecht Hà Lan đã to ra mt mô hình s rng khp toàn vùng đng bng đ theo dõi tác đng ca vic khai thác nước ngm trong 25 năm qua và s dng nó làm cơ s cho các d đoán trong tương lai.

Khi kết hp vi tc đ gia tăng của mc nước bin do biến đi khí hu, h nhn thy rng dù có hành đng gì được thc hin đi chăng na, vùng đng bng trũng thp rng ln s b mt - mc dù nhng thay đi trong vic s dng đt có th cu vãn mt s khu vc khác.

"Kết qu cho thy khi khai thác nước ngm được cho phép tăng liên tc như trong nhng thp niên qua, st lún do khai thác có th nhn chìm gn như toàn b đng bng sông Cu Long", h kết lun.

Philip Minderhoud, một nhà nghiên cu các h thng dưới mt đt và nước ngm tại Đại hc Utrecht và là người đng đu nghiên cu này, cho biết khai thác nước ngm là mt trong nhng yếu t quan trng nht trong mt lot các yếu t khiến đng bng st lún trung bình khong mt centimét mi năm.

"Đồng bng s chng kiến rt nhiu thay đổi trong nhng thp niên ti", ông nói.

Việc Vit Nam chuyn sang nn kinh tế th trường vào năm 1986 đã kéo theo vic khai thác nước ngm t t mc gn như bng không 30 năm trước cho ti 2,5 triu lít hin đang b rút khi tng nước ngm ca đng bng mỗi ngày.

Ông giải thích nước mt đi làm gim áp lc trong cu trúc đa cht bên dưới, khiến đng bng lún xung.

"Tất nhiên người dân sng đng bng có th phát trin được trong nhiu thp niên qua mt phn là do h có ngun nước ngm này như mt ngun nước ngt min phí", ông nói. "Đó s là mt thách thc ln bi vì hoc là bn tăng tc s st lún hoc là bn không có gì đ ung và tưới cho hoa màu ca mình".

Ông nói mực nước bin đng thi đang tăng vi tc đ khong 3 mm đến 4 mm mi năm.

Trọng lượng của nhng cu trúc nhân to xây trên đng bng, dòng chy trm tích t thượng ngun suy gim và đ nén t nhiên cũng là nhng yếu t góp phn làm mt đt đng bng, ông nói.

"Nhưng khai thác nước ngm là nguyên nhân duy nht mà con người thc s có th thay đổi mt cách tích cc nếu mun mc đ st lún", ông cho biết.

Dù việc nâng nhà và đường sá được thc hin khéo léo hơn đ ng phó vi vn đ này, song tác đng ca nó đi vi nông nghip là không th tránh khi và nghiêm trng, ông nói thêm.

scl2

Các nhà nghiên cứu nói tr phi có hành đng quyết lit, phn ln đng bng sông Cửu Long s chìm dưới nước đến năm 2100.

Việt Nam là nước xut khu go ln th hai trên thế gii và 95 phn trăm sn lượng đó được sn xut đng bng sông Cu Long, nơi cũng chiếm 60 phn trăm lượng cá xut khu ca c nước.

Bùi Chi Bửu, c vn ca chính phủ Vit Nam v sn xut lúa go và là cu vin trưởng Vin Khoa hc Kĩ thut Nông nghip min Nam, cho biết tác đng kinh tế ca vic mt đt vn chưa rõ ràng.

"Chúng tôi lo lắng v tương lai. Tài nguyên nước ngt, nó có nghĩa là ngun nước t nhiên đến t sông Mekong vào mùa khô là không n", ông nói.

Năm 2016, Việt Nam thit hi hơn 1,6 t đôla do lũ lt và hn hán hy hoi ít nht 300 triu tn go vùng đng bng, ông nói.

Chín nhánh của sông Mekong bi đáp phù sa cho vùng đt màu m và phì nhiêu này khi chúng đ bin khp mt khu vc có din tích khong 40.000 km vuông.

Chín nhánh đó giờ ch còn by, ông Bu nói. "Nhưng trong tương lai có l chúng tôi còn bn hoc năm, tôi không biết".

Mất đi lượng trm tích được b sung t nhiên là mt yếu t h trng khác góp phn làm đng bng st lún.

Các đập trên thượng ngun sông Mekong, có chiu dài hơn 4.000 km bt ngun t cao nguyên Tây Tng Trung Quc ri chy qua Lào và Campuchia trước khi tuôn qua vùng đng bng, đã dn ti vic mt đi khong 40 phn trăm dòng chy trm tích, ông nói.

Đồng bằng sụt lún là một vấn đề rất lớn.

Marc Goichot, chuyên gia WWF-Tiu vùng Sông Mekong M rng

Một nghiên cu năm 2018 ca y ban Sông Mekong cho thấy 97 phn trăm dòng chy trm tích đến đng bng s b mt đến năm 2040 nếu tt c các con đp d đnh xây trên sông Mekong và các ph lưu ca nó được xúc tiến.

Ông Bửu nói các bin pháp chính sách ng phó vi nhiu thế lc làm xói mòn đng bng, có thể bao gm đê và ca x nước, đang được son tho.

Phạm Văn Hùng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoch và Điu tra Tài nguyên Nước min Nam, người đóng góp vào nghiên cu này, nói mt s hn chế đi vi vic khai thác nước ngm đã được chính ph ban hành hồi gn đây.

Hàng chục triu tn cát cũng đang được khai thác hàng năm t sông Mekong, bao gm c đng bng sông Cu Long, và vic này càng làm vn đ trm trng hơn, Marc Goichot, chuyên gia đc trách v nước thuc chương trình Tiu vùng Sông Mekong Mở rng ca WWF, nói.

Tất c các thế lc này đã tác đng đến trng thái cân bng đng vn b sung cho vùng đng bng này mt cách t nhiên.

"Điều rõ ràng là tt c các thế lc đó đu đang góp phn đưa ti mt vn đ", ông nói. "Đng bng st lún là mt vấn đ rt ln".

David Boyle

Nguồn : VOA, 17/02/2019

Published in Diễn đàn

Mất cân đối trong đầu tư phát triển Vùng Miền

Thanh Trúc, RFA, 15/02/2019

Sau sự kiện quốc lộ chính từ Đông và Tây Nam Bộ lên Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh bị tắc nghẽn do lượng người đổ về quá tải, trong khi đó lại có cảnh người dân trải chiếu nhậu ngay trên đường cao tốc ở ngoài bắc, công luận đã thắc mắc vì sao cơ sở hạ tầng ở Nam Bộ, điển hình các trục giao thông quan trọng, không được đầu tư phát triển thỏa đáng như ở miền Bắc.

miennam1

Nông dân chăn vịt trên đồng lúa ở huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, Việt Nam ngày 16 tháng 1 năm 2007. AP

Đây là câu hỏi này đọc được trên các báo mạng trong nước mà mới nhất là bài có tựa đề Nói thẳng đầu Xuân với tác giả tự xưng "một người con Nam Bộ, quê quán Bắc Bộ", viết rằng khúc ruột của miền Nam tức Quốc lộ 1 của các tỉnh Nam Bộ sao mà chật hẹp khốn khổ, thậm chí nhiều đoạn tỉnh lộ quá kém so với các tuyến đường thênh thang của miền Bắc.

Số liệu tác giả nêu trong bài viết cho thấy Nam Bộ, gồm hai tiểu vùng Đông và Tây Nam Bộ với 19 tỉnh thành và 34 triệu người, là vùng kinh tế trọng điểm có tiềm năng và có mức tăng trưởng GDP hơn 12,6% so với tầm 7% cả nước, cống hiến 60% sản lượng công nghiệp, chưa kể 40% giá trị GDP là phần đóng góp từ Nam Bộ và 70% giá trị xuất khẩu của đất nước.

Tại sao lại có sự mất cân đối trong đầu tư trầm trọng giữa Bắc, Trung và Nam tới như vậy, là nguyên văn câu hỏi trong bài. "Người con Nam Bộ quê quán Bắc Bộ" này cho rằng nếu cứ vắt sức nộp ngân sách mãi mà không được tập trung tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì liệu con gà Nam Bộ có còn đẻ trứng vàng mãi nữa hay không.

Không phải lần đầu tiên mà từ trước những câu hỏi tương tự về sự mất cân đối trong việc phân bổ phát triển cơ sở hạ tầng giựa Bắc, Trung Nam từng được báo chí trong nước trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến.

Trao đổi cùng đài Á Châu Tự Do, ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, cho biết :

Tôi đồng ý với những ý kiến trên báo mà tôi đã đọc, đó là hiện tượng mất cân đối phải sửa chữa. Tôi biết tiềm lực của miền Nam, của Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, đầu tư không thỏa đáng như vậy sẽ hạn chế sự phát triển. Ý kiến mất cân đối rất đúng, và nếu đúng như nhận xét đó thì phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư cho Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển các công trình, các con đường huyết mạch cũng nằm chung trong xây dựng cơ sở. Nếu các con đường huyết mạch không tốt thì lưu thông sẽ đình trệ. Nói chung ở nước mình tam quyền phân lập không rõ, có phân quyền nhưng mà do đảng lãnh đạo hết. phải có điều kiện tổng quát để phát triển đất nước cho cân đối mới được.

miennam2

Sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa - Ảnh minh họa

Các yếu tố gọi là vùng- miền hoặc trung ương-địa phương đã chi phối, dẫn đến sự mất cân đối trong chính sách phân bổ đầu tư phát triển hạ tầng ở Nam Bộ, là phân tích của nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng :

Trung ương phải hơn địa phương, Hà Nội vẫn coi các tỉnh ở miền Bắc phải hơn các tỉnh ở khu vực miền Nam, cho nên mức độ đầu tư ở miền Bắc, thậm chí miền Trung, cao hơn miền Nam.

Lý do thứ ba, những nhóm lợi ích ở trung ương có mối quan hệ mật thiết, gần gũi và hiệu quả hơn các nhóm lợi ích ở miền Nam, thành thử dành được nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở từ vốn ngân sách và ODA nhiều hơn, từ đó dẫn tới tình trạng hạ tầng cơ sở miền Bắc và miền Trung được đầu tư và phát triển hơn ở miền Nam là như vậy.

Mất cân đối trong đầu tư phát triển hạ tầng giữa Bắc Bộ và Nam Bộ đến từ chính sách phân bổ ngân sách bất hợp lý, là nhận xét của ông Nguyễn Văn Mỹ, công ty du lịch lữ hành Lửa Việt ở Sài Gòn.

Trong bài viết tựa đề Cần sự công bằng trong thu nộp và chi ngân sách đăng trên các báo trong nước, tác giả Nguyễn Văn Mỹ căn cứ trên số liệu của Tổng Cục Thống Kê để viết như sau :

Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 nếu thu được 100 đồng thì chỉ được giữ lại 18 đồng để chi cho đủ thứ, chưa kể chuyện bị thất thoát hoặc sử dụng không đúng. Ngân sách để lại ít ỏi như vậy thì có thể đầu tư được gì cho hạ tầng hay cho phúc lợi xã hội.

Được biết chỉ tiêu nộp ngân sách mà trung ương giao cho thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là trên 347 ngàn tỷ đồng. Năm 2018 chỉ tiêu này tăng lên gần 10%. Như vậy mỗi ngày thành phố phải thu được 1.032 tỷ đồng tiền thuế, mỗi giờ phải thu được 43 tỷ và mỗi phút là 717 triệu đồng bất kể buổi tối hay ngày nghỉ. Năm 2019, chỉ tiêu giao nộp ngân sách về trung ương tăng thêm thành 400 ngàn tỷ đồng nhưng tỷ lệ được giữ lại thì càng giảm :

Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh là ông Phan Nguyễn Như Khuê có từng nói thẳng với Bộ Tài Chính là các anh đối xử với thành phố như là con bò sữa. Tôi thì tôi bảo rằng thật ra bò muốn có sữa thì phải được chăm sóc được bồi dưỡng, còn cứ tận thu như hiện nay thì có khi nó không có sữa đâu, có khi nó chết queo thì không biết lấy gì mà thu nữa..

Trong tất cảc tỉnh thành hiện nay, trích nộp nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh tới 82% tiền thu được. Hà Nội ít hơn với 65%, Bình Dương 64%. Đà Nẵng miền Trung được trích lại 32% trong lúc tỉnh miền núi như Vĩnh Phúc lại được trích tới 47% và tỉnh Hải Dương chỉ đóng góp 2% thôi. Bên cạnh đó, 47 tỉnh còn lại, được cho là làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, còn được trung ương hỗ trợ ngân sách. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, điều phi lý hơn nữa nữa là các tỉnh làm bao nhiêu xài bấy nhiêu và được hỗ trợ đó thì cơ ngơi của các cơ quan văn phòng rất to lớn, bộ máy nhân sự thì rất cồng kềnh.

Về phần Nam Bộ, đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Mỹ nói :

Người ta thường kháo nhau ngoài Bắc thừa đường mà thiếu xe, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thì ngược lại thừa xe mà thiếu đường, nói lên việc mất cân đối giữa đầu tư cho các vùng. Có thể vì là thủ đô thì Hà Nội được ưu tiên hơn, đặc biệt trong lãnh vực hạ tầng và giao thông vận tải, nhiều cầu lớn được xây dựng, nhiều đường cao tốc và cầu cống được phát triển rất tốt.

Còn trong Nam, đặc biệt vùng Đông Nam Bô, đường sá phát triển không tương xứng. Riêng miền Tây, mật độ xe cộ trên Quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây là nhiều nhất và gần như đó là độc đạo. Thậm chí khi cây cầu Long An bị xà lan tông hư không đi được thì lúc đó Bộ Giao thông và vận tải mới hốt hoảng lập tức làm ngay cái cầu một bên. Trước đây nếu nhỡ có chuyện gì mà cầu hỏng là không đi được. Chuyện kẹt xe liên tục từ miền Tây về thành phố ngày Tết ngày lễ là hồi chuông cảnh báo. Hiện nay theo tôi biết Trung ương đang đầu tư vào việc phát triển hệ thống đường Hồ Chí Minh song song với đường Quốc lộ 1 nhưng mà phải khẩn trương hơn. Vấn đề hiện nay là phải tập trung hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tóm lại, phản ảnh từ các bài viết trên mạng cũng như qua báo giới đã cho thấy để khắc phục tình trạng mất cân đối trong phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cần hoạch định chính sách hợp lý, có tầm nhìn thiết thực, tương xứng với khả năng và tiềm lực của Nam Bộ, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa trù phú và nguồn nông sản dồi dào của cả nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 15/02/2019

*******************

Thiếu hụt lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Trúc, RFA, 13/02/2019

Bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vùng trọng điểm của lúa gạo, nông sản, thủy sản trên cả nước, nay tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn mà nhà nông, doanh nghiệp chế biến thủy sản và các công ty sản xuất nông phẩm tại các nơi như Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu… phải đương đầu bao năm qua.

miennam3

Thu hoạch lúa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long AFP

Báo Tiền Phong thì dẫn lời một nông dân ở Sóc Trăng rằng làng quê của ông bây giờ gần như toàn người già và trẻ con thôi, còn thanh niên trai tráng đều bỏ lên Bình Dương để làm công nhân trong các hãng xưởng trên đó.

Thiếu hụt lao động là một trong những thực tế chung khi một nước nông nghiệp chuyển sang giai đoạn công nghiệp, và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi tiến trình công nghiệp hóa này, là nhận định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nông nghiệp, hiện tại là viện trưởng Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn :

Trong sản xuất nông nghiệp khi phát triển lên thì máy móc cũng tăng lên nên nó đẩy bớt lao động ra, và khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cũng đồng ý rằng tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, viếc máy móc thay thế sức người càng ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề cho khu vực :

Đúng là lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động. Có thể nói sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng cơ giới hóa là phần lớn, hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa, người nông dân không tham gia bao nhiêu trong việc sản xuất lúa. Còn các công việc khác, thí dụ trồng mía người ta cũng trồng bằng máy, chỉ còn một số ít trồng bằng tay thôi. Tới lúc thu hoạch cũng bằng máy, nếu thu hoạch bằng tay thì rất đắt tiền. Ngay cây lúa cũng vậy nữa, người nông dân không thể nào có đủ tiền để trả cho công nhân. Đây là sự thật đang xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long của mình.

Như vậy sau Đồng bằng Bắc Bộ, đến lượt Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nhiều. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn phân tích :

Trong tất cả các vùng sinh thái ở Việt Nam thì chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long là tăng trưởng âm về mặt lao động, tức là số người chuyển ra khỏi vùng nhiều hơn số người đẻ ra hoặc đi đến. Cái này vừa đúng theo qui luật nhưng mà mặt khác thì nó cũng thể hiện một điều là ở Đồng bằng sông Cửu Long thì cơ hội về sản xuất phi nông nghiệp, về công nghiệp… là không có nhiều, cho nên sức hút về giá lao động đã kéo người lao động trẻ ra khỏi vùng. Đó là lý do khiến lao động nông nghiệp rất khó khăn để có đủ người lao động. Ngay cả những đô thị như Cần Thơ chẳng hạn cũng là tình trạng phổ biến.

Chuyện bỏ quê lên tỉnh kiếm sống khiến là nhiều cặp vợ chồng phải gởi con trẻ lại cho cha mẹ để đi làm ăn xa, các cháu thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ trong lúc tuổi còn quá nhỏ. Mặt khác, mức lương cao trên thành phố có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người trẻ không kiếm được việc làm ở nông thôn. Giáo sư Võ Tòng Xuân :

Các doanh nghiệp thủy sản, đóng giày, may mặc, thường thu hút một lượng lớn lao động tương đối lớn, nhưng mà sau khi nghĩ Tết rồi thì số người trở lại không đủ, nhiều doanh nghiệp bị thiếu lao động bởi vì người ta có thể tìm được việc làm khác có thu nhập cao hơn. Sau đợt Tết này nhiều công ty đã có trường hợp phải tăng mức lương cho công nhân lên để người lao động có thể trụ lại làm việc với họ. Tôi nghĩ khuynh hướng này cũng giống như bên Thái Lan, Singapore hoặc Trung Quốc. Bây giờ mấy chỗ đó đâu phải là chỗ lao động rẻ nữa đâu.

miennam4

Những xóm nhà lưa thưa ở vùng biên giới An Giang - RFA

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn của Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn, đề nghị cách khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân bổ lao động ở nông thôn và thành thị :

Năm nay, ngày mùng Năm mùng Sáu Tết, lúc các doanh nghiệp quay lại làm việc thì đường từ Cần Thơ lên Sài Gòn tắc nghẽn hàng chục tiếng đồng hồ, cho thấy mức độ di chuyển của lao động lên là khủng khiếp.

Để ngăn chặn tình trạng này thì có một cách làm mà một số nước một số nền kinh tế đã làm và đã khá thành công như trường hợp Đài Loan, và gần đây ở giai đoạn cuối của công nghiệp hóa thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng áp dụng, tức là đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, nhất là đường xá rồi là điện và đặc biệt là đào tạo nghề. Làm được như thế thì điều kiện đầu tư ở nông thôn trở nên thuận lợi không kém gì ở đô thị, các nhà máy sẽ chuyển về nông thôn, các khu công nghiệp sẽ đưa về nông thôn, nhất là những vùng đồng bằng có nhiều lao động.

Tiếp đấy, các đô thị lớn cũng giảm bớt các chức năng không cần thiết, ví dụ các trường đại học, các bệnh viện lớn. thậm chí các khu đô thị vệ tình được giãn về nông thôn. Nhờ thế cho nên điều kiện sống ở nông thôn và cơ hội việc làm ở nông thôn xuất hiện nhiều. Trong trường hợp đấy người dân nông thôn có thể không làm nông nghiệp nữa nhưng cũng không phải di chuyển lên thành phố. Đây là một trong những mô hình mà gần đây người ta gọi là ‘tăng trưởng bao trùm" .

Cách làm như thế rất tốt và có lẽ là cách duy nhất, tiến sĩ Đặng Kim Sơn khẳng định, để vừa giảm tải cho các thành phố lớn vừa không rút rỗng nông thôn đi, không để lại nông thôn chỉ toàn người già và trẻ em như hiện nay ở Việt Nam và đắc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Với câu hỏi Việt Nam đã nỗ lực đến mức nào để tiếp cận và tiến hành mô hình khắc phục mà tiến sĩ Đặng Kim Sơn gọi là mô hình tăng trưởng bao trùm, viện trưởng Viện Nghiên cứu Thể chế và thị trường nông thôn trả lời :

Ở Việt Nam các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân đã nhìn thấy. Tuy nhiên cách của chúng ta trong thời gian qua nhiều khi vẫn còn tiếp cận theo cách cũ, tức là thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn bằng thuế thu ngân sách khá mạnh ở những vùng tăng trưởng cao, sau đó phân bổ trở lại cho những vùng nông thôn tăng trưởng thấp, để một mặt là xóa đói giảm nghèo, mặt khác là giản bớt chênh lêch thu nhập giữa đô thị với nông thôn nhằm giữ chân người lao động ở lại với nông thôn.

Thế nhưng cách làm này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn bởi cách làm vừa qua tập trung quá nhiều vào đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ của đô thị :

Chiến lược đó vô hình chung đã tạo sức hút về mặt thị trường, tạo điều kiện rất thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Đặc biệt đầu tư nước ngoài tập trung vào hai trục tăng trưởng lớn của đất nước là chung quanh thành phố Hà Nội và chung quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Chính mô hình tăng trưởng như vậy đã tạo điều kiện để hút tài nguyên ra khỏi hai vùng đồng bằng lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng Đồng bằng sông Hồng trong chừng mực nào đấy là còn gần các khu công nghiệp, gần với các khu đô thị, trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn là bị rút rỗng để chuyển về Đông Nam Bộ và quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Khắc phục không hiệu quả khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị rút rỗng lao động dần đi như hiện nay :

Nếu thực sự muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề chênh lêch về bố trí dân cư, chênh lệch về phân bổ lao động, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, thì cách tốt nhất để khắc phục là phải phát triển cơ sở hạ tầng ở hai vùng đồng bằng.

Đồng bằng sông Cửu Long mà cả Tây Nguyên vốn có lợi thế rất mạnh về và Tây Nguyên là hai nơi có lợi thế rất mạnh về phát triển nông nghiệp thì phải đưa về đây các ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần phục vụ cho nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản.

Đây là giải pháp căn cơ nhất để có việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn ngay tại chỗ. Nói một cách khác, đây chính là mô hình tăng trưởng vừa vững bền vừa bao trùm mà trong thời gian tới Việt Nam chắc chắn phải tính đến như kết luận mà Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nêu ra.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/02/2019

Published in Diễn đàn

Hậu quả hạn hán, sạt lở từ Đồng bằng sông Cửu Long : sự thiếu ý chí chính trị từ Bắc Kinh đến Campuchia, Lào (VNTB, 18/01/2019)

Trong cuốn sách "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" của Ngô Thế Vinh lần tái bản kỳ 2, trong lời nói đầu - tác giả đề cập đến hiện trạng "những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam trên một vùng địa chấn không ổn định" mà Trung Quốc vẫn không ngừng xây, và một kế hoặc khác không kém phần táo bạo của Bắc Kinh là "dự án Cải thiện Thủy lộ thượng nguồn sông Mekong". Tác giả nhấn mạnh mối tương quan giữa Biển Đông và dòng sống Mekong, chính là "mối đe dọa như một ám ảnh lịch sử, do tham vọng bành trướng không ngưng nghỉ của nước lớn Trung Quốc".

vn1

Sạt lở đe dọa tương lai Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh : TTO

Thực tiễn đã cho thấy, vào năm 2016, hạn hán lớn đã xảy ra ở hạ nguồn sông Mekong, trong đó bao gồm cả Đồng bằng sông cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long) của Việt Nam. Nguồn cơn của đợt hạn hán nghiêm trọng chính là việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, và hiện tượng này cũng đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.

Cần nhớ, Đồng bằng sông Cửu Long chính là vựa lúa, vựa cá lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng không dừng lại hạn hán, mà giờ đây, Đồng bằng sông Cửu Long còn đối diện với sự sụp lở từ cát làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người.

Trong một bài viết của VOV vào tháng 7.2017, đã trích dẫn ý kiến của một chủ cơ sở xay xát gạo bị sạt lở ở huyện Phong Điền (Tp. Cần Thơ), theo đó : Trước đây, khu vực này không thấy sạt lở. Mới đây thôi mới thấy sụp rất là nhanh, giống như mình lấy cục đá chọi xuống nước rồi mất tiêu.

Sự lo lắng của người dân đã cho thấy, những dự báo của tác giả Ngô Thế Vinh với Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng trở nên sắc nét.

Một bài báo của Asahi gần đây cũng đã diễn tả thảm trạng từ tác động thượng nguồn đến hạ nguồn sông Mekong thông qua trường hợp của bà Tà Thị Kim Anh (Mỏ Cày, Bến Tre), người mà chỉ qua một đêm, một nửa gia sản đã bị nhấn chìm xuống dòng sông vì sụp lở cát.

"Nhà bếp, phòng giặt ủi, phòng ngủ đã biến mất", bà Kim Anh cho biết.

Theo các chuyên gia, việc thoải mái xây dựng đập thượng nguồn và khai thác quá mức lòng sông của sông MeKong đang khiến vùng đất tại hạ nguồn bị sụp lún ở mức 2cm/năm.

Không chỉ Việt Nam, mà Campuchia, Lào... cũng đang phải vật lộn trước tốc độ xói mòn đến từ tác động của dòng sông, xuất phát từ trầm tích đã bị loại bỏ bởi đập thủy điện ở thượng nguồn sông khu vực Campuchia, Lào, Trung Quốc. Ngoài ra đến từ nhu cầu khai thác cát phục vụ cho xây dựng.

"Vấn đề đây không phải là vấn đề thiếu nước, đó là thiếu trầm tích", ông Dương Văn Ni, chuyên gia về sông Mê Kông thuộc Đại học Quản lý Tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Cần Thơ cho biết.

Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là nơi có lượng phù sa bồi đắp lớn, nhưng đó có vẻ đã là quá khứ, bởi hiện nay, dòng sông trong vắt.

"Không còn trầm tích từ thượng nguồn, lòng sông sâu hơn, dòng chảy mạnh hơn, ăn mòn nhanh hơn, và sụp lở,…" – đây là những gì mà Asahi khái quát.

Hệ quả đang tiếp tục diễn ra, nhưng cơn khát về điện chưa bao giờ dừng lại, bởi các dự án thủy điện vẫn đang tiếp tục. Đầu tháng 1/2019, Thủ tướng Campuchia Hun Sen - người mà vào tháng 4/2016 từng bày tỏ lo ngại về sự hạn hán và xâm nhập mặn do mực nước sông Mekong xuống thấp, người từng kêu gọi Trung Quốc tiếp tục xả nước xuống hạ nguồn sông Mekong, thì giờ đây lại là người bảo trợ cho một đập thủy điện trị giá 816 triệu USD tại tỉnh Stung Treng, gần biên giới với Lào, và được xây dựng bởi các công ty từ Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam.

Đập là dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và nó sẽ gia tăng tác động mạnh đến nghề cá, đa dạng sinh học vùng hạ nguồn Mekong.

vn2

Hạn hán tại Bến Tre. Ảnh : Tạp chí cộng sản

Còn tại thượng nguồn, chính quyền Bắc Kinh vẫn tìm cách bảo vệ các con đập – vốn là nguyên nhân gây ra đợt hạn hán nặng vào năm 2016 bằng quan điểm, "hoàn toàn tuân thủ đúng pháp luật".

Nhưng thủy điện chưa phải là câu chuyện cuối cùng của tình trạng sạt lở, bởi tại hạ lưu, những tên trộm khai thác trái phép cát, thường vào ban đêm đã đẩy vấn đề đi xa hơn.

Pianyh Deetes, nhóm chiến dịch Sông quốc tế, người đã làm việc trên sông Mê Kông trong hai thập kỷ, cho biết, sự thiếu ý chí chính trị giữa các quốc gia có chung dòng sông đã khiến vấn đề trở nên bế tắc.

Và những gì đã và đang diễn ra tại Campuchia, với Thủ tướng Hunsen, người có những tuyên bố và hành động trái ngược đã cho thấy điều đó.

Tình trạng "cha chung không ai khóc" này sẽ tác động tiêu cực đến những quốc gia ở cuối dòng Mekong như Việt Nam. Nếu Việt Nam không coi Mekong tương tự như vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, thì khủng hoảng lương thực (khiến hàng triệu người ly hương), gây ra tác động đến nền kinh tế - chính trị sẽ đến với Việt Nam không xa.

Hoa Nghi

*******************

Hiệp định thương mại : Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường chiếm gần 50% GDP toàn cầu (via, 18/01/2019)

Việc Vit Nam chính thc bước vào hip đnh thương mi Đi tác xuyên Thái Bình Dương ca 11 nước trong tun qua và sau đó s là mt hip đnh vi Liên Hiệp Châu Âu s giúp cho đt nước ph thuc vào xut khu này tiếp cn vi th trường phi thuế quan có tng tr giá 45% GDP ca toàn thế gii – mt cú hích ln nht cho nn kinh tế Vit Nam k t khi gia nhp T chc Thương mi Thế gii (WTO).

vn3

Công nhân làm việc ti mt nhà máy may Bc Giang, gn Hà Ni. Ngành may mặc và dày giép của Vit Nam được cho là s thu li ln t các hip đnh thương mi t do.

Quốc hi Vit Nam phê chun hip đnh Đi tác Toàn din và Tiến b xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11 va qua và có hiu lc t ngày 14/1, đ hưởng li thuế nhp khu thp sang các th trường ln như Canada và Nht Bn. Hip đnh, mà Washington đã rút lui đu năm 2017, chiếm 13,5% nn kinh tế thế gii, tương đương khong 10 nghìn t USD.

Các quốc gia khác tham gia hip đnh đang trong quá trình phê chun tha thun. Ngoài Vit Nam, sáu quc gia khác đã phê chuẩn TPP-11, mang li mt t l cao trong vic thc thi đy đ. Vit Nam cũng đang ch Liên Hiệp Châu Âu, khi chiếm 21,8% GDP thế gii, đ phê chun mt tha thun thương mi t do mà hai bên đã đàm phán trong năm 2015. EU d kiến s phê chun trong năm nay.

Hai thỏa thun này kết hp vi nhau s thúc đy xut khu, nn kinh tế phát trin nhanh ca Vit Nam và thúc đy tăng trưởng ca tng lp trung lưu, theo hai nhà phân tích cho biết.

Họ nói rng các tha thun cũng s làm cho Vit Nam hp dnn đi vi các nhà đu tư nước ngoài cho dù h có th vn chn Trung Quc làm nơi đt nhà máy trong khi Vit Nam cn phi cng rn hơn trong vn đ s hu trí tu và lao đng đ tông trng các tha thun trên.

"Việt Nam s được hưởng mc thuế tương đi thấp hơn mt s th trường xut khu mà h tham gia cnh tranh", Lut sư Frederick Burke ca công ty lut Baker McKenzie ti thành ph H Chí Minh cho biết. "Tht khó đ nói điu gì s ln hơn WTO, đó thc s là mt mi li ln. Nhưng (trong năm 2018) chúng tôi đã có nguồn đu tư trc tiếp nước ngoài tương đương vi lượng mà chúng tôi có trong năm gia nhp WTO".

Đột phá TPP

Việt Nam được coi là mt trong nhng nước hưởng li nhiu nht t CPTPP vì nn kinh tế đang phát trin và giá tr xut khu vượt quá 200 tỷ USD trong năm 2017. Các quc gia thành viên khác ca hip đnh s là nhng nhà nhp khu ròng hàng hóa do Vit Nam sn xut.

Kể t năm 1986, nn kinh tế ca đt nước tng b chiến tranh tàn phá này đã tiến b da vào vic đu tư nước ngoài đến các nhà máy sản xut hàng xut khu t hàng may mc cho ti hàng đin t tiêu dùng. Vit Nam gia nhp WTO vào năm 2008, và điu này mang li cho Vit Nam các quyn thương mi tương t như 164 thành viên khác.

Adam McCarty, kinh tế gia trưởng ca Mekong Economics Hà Ni, cho biết hàng hóa được sn xut có giá tr thp như giày dép s tr nên r hơn đ vn chuyn đến các quc gia đi tác quan trng Thái Bình Dương như Úc.

Các nước Châu Âu và vành đai Thái Bình Dương mun có các tha thun thương mi vi Vit Nam để h có th bán hàng nhp khu nhiu hơn cho tng lp trung lưu đang ln mnh. Tp đoàn Tư vn Boston d báo tng lp trung lưu Vit Nam s chiếm 1/3 trong s 93 triu dân vào năm ti.

Thương mi EU-Vit Nam đã tăng gp bn ln trong thp k qua và tha thun thương mi gia hai bên có th giúp tăng GDP Vit Nam thêm 15%, Ngh vin Châu Âu cho biết trong mt tuyên b. Cho đến nay, tha thun EU-Vit Nam vn chưa được phê chun vì "nhng lo ngi v th tc phê chun chính xác" nhưng vi hy vng s có được nhng cái gt đu cui cùng trong năm nay.

Quan hệ đi tác xuyên Thái Bình Dương cho phép người Vit Nam được d dàng vào 10 quc gia thành viên khác cho các mc đích liên quan đến kinh doanh.

Tuân thủ các yêu cu

Là một thành viên ca hip đnh đi tác xuyên Thái Bình Dương, Vit Nam phi cho phép thành lp các công đoàn đc lp, chun hóa các quy tc thu mua ca chính ph đ các công ty t các quc gia hp tác khác có th đu thu và đy mnh thc thi quyn s hu trí tu. Các chuyên gia nói rng Vit Nam chưa đt được điu đó.

Carl Thayer, giáo sư danh d ti Đi hc New South Wales, t Canberra nói rng : "Vì Vit Nam đã ký và gi đây nó đã được phê chun ti Quc hi, TPP, đi vi nhng người mun thúc đy ci cách, là mt chiếc gy đ thúc đy nhng người khác phi hành đng đ tiến hành ci cách, và nói vi h rng chúng ta phi đáp ng các tiêu chun quc tế đó".

Các giới chc Hà Ni mun tuân th đ Vit Nam có được nhng li ích ln hơn t hip đnh thương mi Thái Bình Dương, theo Nguyn Trung, trưởng khoa quan h quc tế ti Đi hc Khoa hc Xã hi và Nhân văn H Chí Minh. "H mun có được mt đng lc mi cho nn kinh tế ca Vit Nam và TPP là mt trong nhng gii pháp".

Tuân thủ các yêu cu phi thuế quan, đc bit là s hu trí tu, s làm cho Việt Nam khác bit vi Trung Quc – nơi được coi là "công xưởng ca thế gii", theo kinh tế gia McCarty.

Việt Nam hin đã ni bt hơn Trung Quc vì chi phí lao đng thp hơn, đc bit là đi vi các nhà đu tư t các nn kinh tế phát trin Châu Á. Trung Quc cũng thiếu các công đoàn đc lp và đang cht vt vi vic thc thi quyn s hu trí tu, mt đim nhấn trong s tranh chp rng ln hơn v thương mi gia Trung Quc và M bao trùm sut c năm 2018.

"Các điều khon và điu kin thành viên làm cho Trung Quc không thy hp dn đ mun tr thành thành viên" ca hip đnh đi tác xuyên Thái Bình Dương, kinh tế gia McCarty nói. "Rt nhiu điu trong đó liên quan đến quyn s hu trí tu và có tt c nhng điu ông Trump đang yêu cu h làm vào lúc này. Nó cũng gm nhng quyn v lao đng. TPP yêu cu có các công đoàn mc nghip đoàn, mt điu mà Trung Quc không thể tham gia".

Ralph Jennings

***************

Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông (VOA, 18/01/2019)

Phó Thủ tướng-B trưởng Ngoi giao Phm Bình Minh va đưa ra quan đim ca Vit Nam v vn đ Bin Đông, trong đó, ông tha nhn Vit Nam s là nước chu nh hưởng ln nht nếu xy ra xung đt trong khu vc.

vn4

Bộ trưởng Ngoi giao Vit Nam Phm Bình Minh (phi) tiếp B trưởng Ngoi giao Trung Quc Vương Ngh ti Hà Ni ngày 1/4/2018.

Phát biểu ca ông Phm Bình Minh được đưa ra vi báo giới trong nước sau khi các lãnh đo Vit Nam va kết thúc cuc hi đàm mi nht vi phía Trung Quc v vn đ biên gii trên b và trên bin hi đu tun này.

"Các nước quan tâm và có nhiu hot đng quân s din tp ti khu vc này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. Bin Đông là mi quan tâm chung, không được tiến hành các hot đng có th dn đến s c, gây xung đt trong khu vc. Vit Nam là nước s chu nh hưởng ln nht nếu xy ra xung đt trên Bin Đông", báo Dân Trí dn li B trưởng Ngoi giao của Vit Nam nói hôm 15/1.

Ông Phạm Bình Minh cho biết thêm rng Hà Ni đang c gng duy trì s cân bng gia Hoa Kỳ và Trung Quc vào thi đim cnh tranh ngày càng tăng gia hai cường quc thế gii.

"Không chỉ Vit Nam, mà nhiu nước khác s phi xem xét làm thế nào đ điu hướng tình hình", Viet Nam News dn li ông Phm Bình Minh.

Ngoài ra, người đng đu B Ngoi giao Vit Nam cũng bày t s tht vng v tiến trình chm chp ca B Quy tc ng x trên Bin Đông (COC).

Hồi tháng 8, Trung Quc và Hiệp hi các quc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thng nht mt d tho văn bn đàm phán và hy vng s kết thúc các cuc đàm phán v COC vào năm 2021. Tuy nhiên, theo li ông Phm Bình Minh, tiến trình này chm hơn so vi d kiến.

Published in Việt Nam

Khánh Hòa : Khách du lịch Trung Quốc ở lại lao động không phép (RFA, 07/11/2018)

Giới chức tỉnh Khánh Hòa mới đây cho biết tỉnh này thời gian qua đã phát hiện nhiều khách Trung Quốc đến lao động bất hợp pháp.

satlo1 - Copie

Du khách Trung Quốc tại Nha Trang - Photo : RFA

Báo người Lao Động hôm 7/11 trích thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện 314 người nước ngoài, phần đông là Trung quốc, nhập cảnh du lịch nhưng sau đó ở lại lao động không phép. Các cơ quan chức năng tỉnh này đã phạt hành chính 227 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng do các vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, cũng theo báo Người Lao Động, người dân địa phương phàn nàn khách du lịch Trung Quốc tràn ngập đường phố nhưng nhiều người không có ý thức, để lại hình ảnh phản cảm.

Theo thống kê của tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm, hơn 1,4 triệu khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa, tăng hơn 56% sơ với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 66% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Trung bình mỗi khách Trung Quốc lưu trú ở Nha Trang từ 4 đến 5 ngày.

https://youtu.be/Wn7nFutuVPk

******************

Khách Âu, Mỹ đến Hội An, Huế giảm vì khách Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh (RFA, 07/11/2018)

Lượng khách Âu Mỹ đến Huế và Hội An thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm xuống trong khi lượng khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc tăng mạnh.

satlo2 - Copie

Khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh 13/5/2018. Courtesy FB

Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 6/11 trích lời ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hội An cho biết các thị trường Âu, Mỹ vốn được coi là những thị trường truyền thống của Hội An trong mùa từ tháng 10 đến tháng 3 nhưng đã bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Ông Lanh cho biết, khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó lại tăng đáng kể, có đôi lúc chiếm từ 70 đến 80% lượng khách quốc tế.

Báo cáo của Phòng Văn hóa thông tin Hội An cho biết, năm 2017 thành phố này đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế luôn chiếm 70 đến 75%.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Lữ hành Indochina Unique Tourist được Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời cho biết việc sụt giảm khách từ Âu, Mỹ, Úc đến các khách sạn ở Hội An là do khách Trung Quốc và Hàn Quốc đã phủ kín phố cổ Hội An. Ông Thủy cho biết Huế cũng bị ảnh hưởng tương tự.

Nguyên nhân khiến lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Huế và Hội An tăng cao được cho là do ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đến miền Trung và ngược lại.

Bên cạnh đó, nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại, Hội An cũng được coi là nguyên nhân khiến khách Âu Mỹ bớt mặn mà với Hội An.

****************

30 triệu người tại ĐBSCL sẽ mất nhà nếu nước biển dâng 1m (RFA, 07/11/2018)

Ít nhất 30 triệu người tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ mất nhà cửa, đất đai, sinh kế nếu mực nước biển dâng lên 1m.

satlo3 - Copie

Hình minh họa. Lũ lụt ở tỉnh Long An, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (13/10/2011) - AP

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo ‘Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu’ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 7/11.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án ‘Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó thiên tại tại ĐBSCL’ do Tổ chức Bánh mì Thế giới (BFDW), Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an ninh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.

Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế từ trước đó, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là 1 trong 25 thành phố nằm trong các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, tức là thuộc vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có độ cao thấp hơn 10 m trên mực nước biển.

Một báo cáo được công bố vào hồi năm ngoái của các nhà khoa học quốc tế cho biết, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 20 đến 20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 cm vào năm 2100.

*****************

Xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở miền Trung diễn ra nghiêm trọng (RFA, 07/11/2018)

Tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng.

satlo4 - Copie

Vùng biển Bình Thuận, Mũi Né chụp 14/1/2016. AFP

Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ hôm 7/11.

Báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến tháng 7/2018, dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km.

Khu vực được nói bị xói lở nghiêm trọng tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Nguyên nhân của tình trạng xói lở được các chuyên gia đánh giá là do tác nhân sóng, thủy triều và dòng chảy. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ con người như đắp đập ngăn song, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ, quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn, hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, khai thác sa khoáng làm vật liệu xây dựng.

Tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông được nhận định đang diễn ra phức tạp với tổng cộng 40 điểm, trong đó có 24 điểm được đề nghị xử lý khẩn cấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nhấn mạnh 60% GDP của Việt Nam là từ các tỉnh, thành phố có biển nên cần phải bảo vệ biển và môi trường biển.

Nhắc đến thực trạng chỉ định các nhà thầu không biết làm mà đút tiền vào túi cá nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp rằng ‘tham nhũng trong những dự án chống thiên tai là tội ác.’

Published in Việt Nam

Gửi Nhóm Bn Cu Long và 18 triu Cư dân đồng bằng sông Cửu Long

"Bây giờ chính sách phát trin thy li ca Vit Nam phi được chuyn đi theo s chuyn hướng ca nông nghip, không th theo mc tiêu cũ đ tiếp tc tăng sn lượng lúa thông qua thâm canh nông nghip mà phi theo mc tiêu ci thin sinh kế ca nông dân thông qua đa dạng hỏa cây trng và canh tác tng hp. Nhưng rt tiếc các nhóm li ích vn bám mc tiêu đu tiên đòi hi phi xây dng h thng thy li quy mô ln, xây dng cng đp ngăn mn, đào kênh dn nước ngt quí hiếm t Sông Hu xa tít đ tiếp tc bắt dân trồng lúa, như D án sông Cái Ln – Cái Bé. Nhóm li ích luôn có thế lc mnh, đ được duyt d án thì h mi có ăn, mc k dân trng lúa c nghèo".

(Trao đổi cá nhân gia giáo sư Võ Tòng Xuân và Ngô Thế Vinh, qua mt eMail ngày 16/09/2018)

*****************

Đi tìm các giải pháp phi công trình cho đồng bằng sông Cửu Long

Gửi Nhóm Bn Cu Long và 18 triu cư dân đồng bằng sông Cửu Long

cai2

Hình trên và dưới : Phi cnh tng th Cng Cái Ln, Cng Cái Bé, được mnh danh là Công trình Thế K

H thng vĩnh cu cng ngăn mn sông Cái Lớn - Cái Bé, nếu thc hin, theo ý kiến ca các chuyên gia đc lp thì không nhng rt tn kém (hơn 3 ngàn t đng) và không cn thiết, li có nhiu ri ro tim n, hủy hoi rng rãi c mt h sinh thái mong manh ca đồng bằng sông Cửu Long.

cai3

Mt d án t B Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoàn toàn đi ngược vi tinh thn Ngh Quyết 120/NQ-CP ca Chính ph v phát triển bn vng đồng bằng sông Cửu Long thích ng vi biến đi khí hu do Thủ tướng Nguyn Xuân Phúc ký ban hành ngày 17/11/2017 trong đó nhấn mạnh nguyên tắc : "thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên" (1, 2).

Những công trình thất bại ở đồng bằng sông Cửu Long : có bài học nào được rút ra hay ai nhận trách nhiệm ?

T hơn hai thp niên, người viết đã không ngng lên tiếng v mi nguy cơ trên toàn h sinh thái lưu vc Sông Mekong do nhng con đp khng l Vân Nam ca Trung Quc, ti chui 9 con đp thủy đin dòng chính ca Lào, ri ti 2 d án đp ca Cambodia : ngoài nhng hu qu ri lon v dòng chy, mt nước nơi các h cha và quan trng nht là mt ngun cát ngun phù sa, dn ti mt tiến trình đo ngược khiến mt đồng bằng sông Cửu Long đang dn tan rã. Đng bng đang tan rã theo các b sông và st l dc theo duyên hi Bin Đông.

Với nhng mi hỏa t thượng ngun, thc tế cho thy Vit Nam đã không th làm gì được. Tuy là mt quc gia cui ngun, Vit Nam đã không th ngăn cn được mt d án thủy đin phía thượng ngun lưu vc Mekong nào c, đó là chưa k Vit Nam còn thúc đy quá trình y thông qua việc xây dng nhà máy thủy đin Lào và Cambodia và gn đây nht là mua đin t Lào. K t ngày Ngoi trưởng Vit Nam Nguyn Mnh Cm phm phi mt sai lm chiến lược khi đt bút ký Hip đnh U hi Sông Mekong (Mekong River Commission) năm 1995 t b quyn ph quyết (veto) vn đã có trong Hip ước U Ban Sông Mekong (Mekong River Committee) năm 1957 t thi Vit Nam Cng Hoà.

Và mọi người chc vn không quên s kin nguyên Th tướng Nguyn Tn Dũng đã phi kêu gi Trung Quc x nước t đp thủy đin Cnh Hồng (Jinhong Dam Vân Nam) đ cu hn cho đồng bằng sông Cửu Long trong nhng ngày cui tháng 03 năm 2016.

Nhưng còn phi k ti nhng công trình phát trin t hủy (self-destructive development) ngay nơi đồng bằng sông Cửu Long trong bn thp niên qua vi nhng h lu tích lu tác hi nghiêm trọng trên tài nguyên và s sng còn ca c mt vùng Châu th cui ngun Sông Mekong. Đin hình có th k, t sau 1975 :

- Xây đê đắp đp chn lũ h thng đê bao đ m rng khu làm lúa ba v làm mt 2 túi nước thiên nhiên khu T Giác Long Xuyên và vùng trũng Đồng Tháp Mười.

- Xây h thng cng đp chn mn phá v nhp đp thiên nhiên ca h sinh thái đồng bằng sông Cửu Long đin hình là 2 d án ln : Ngt hỏa Bán Đo Cà Mau và Công trình Cng đp Ba Lai.

Ngọt hỏa bán đảo Cà Mau : một điển hình hối tiếc

Công trình Qun L - Phng Hip, ngt hỏa Bán đo Cà Mau được khi công t đu thp niên 1990 vi vn 1,400 t đng vay t Ngân hàng Thế gii (World Bank). Trong sut giai đon 1990 đến năm 2000, hàng trăm cng đp, đê bin, đê sông ngăn mn, gi ngt đã được rng rãi đu tư. Theo tính toán – trên lý thuyết ca ngành thy li thuc B Nông nghiệp và phát triển nông thôn, h thng đưa nước ngt t Sông Hu v Bán đo Cà Mau s cung cp nước tưới, ch yếu trng lúa, cho 70,000 ha đt ca tnh Bc Liêu, 50,000 ha đt ca Cà Mau và 66,000 ha đt ca Kiên Giang

cai4

Bản đồ h thng sông và kênh rch chng cht nơi vùng Châu th đồng bằng sông Cửu Long [Ngun : Amir Hosseinpour (ZEF), trích dn bi Simon, 2014] (6)

cai5

Bản đ Quy hoch thy li vùng Nam Bán Đo Cà Mau (6)

Với nhng hu qu là :

V khía cnh công trình, do các cng ngăn mn đã gây cn tr giao thông trên sông rch nên phi làm thêm nhng công trình khác như âu thuyn Tắc Th, được xây t năm 2001 ti ngã ba sông Ông Đc - Cái Tàu - sông Trm, thuc hai huyn Thi Bình và U Minh, Cà Mau vi kinh phí gn 80 t đng na. Công trình này do Công ty cổ phần Tư vn xây dựng Thy li II thiết kế và xây dng. Âu thuyn Tc Th [Hình 4] sau khi hoàn thành năm 2006, đã chứng t không nhng là vô dng, mà còn gây thêm cn tr giao thông. Cho đến nay, hu như không ai chu trách nhim v kế hoch tht bi và đu tư lãng phí này (6).

cai6

Âu thuyền Tc Th do Công ty cổ phần Tư vn xây dựng Thy li II thiết kế và xây dng t 2001 ti ngã ba sông Ông Đc - Cái Tàu - sông Trẹm, Cà Mau, vi kinh phí gn 80 t đng nhưng sau khi hoàn thành năm 2006, đã chng t là vô dng, mà còn gây thêm cn tr giao thông. [photo by Nguyn Kiến Quc] (6)

Về khía cnh h sinh thái, do dòng chy sông rch thường xuyên b chn li bi các cng, nên s kết ni hu cơ gia h sinh thái sông-bin vi thy triu t bin là hoàn toàn b trit tiêu trong thi gian cng b đóng. Và khi m cng, ô nhim tích lu li theo dòng nước lan tỏa hủy dit sinh cnh và ngun thủy sn nơi ca sông và vùng cn duyên.

Phía trong cống không còn hin tượng nước ln, nước ròng mi ngày, hoc nước rong nước kém cho chu kỳ rm mi na tháng. Khi chưa có cng đp, thy triu trong sông rạch vùng Bán đo Cà Mau tuy không đu nhưng có khi biên đ cao đến gn 2 mét. Do các cng đóng sut mùa khô, nên khúc sông bên trong tr thành h nước tù đng khiến tình trng ô nhim gia tăng. Rác rưởi t ngun phế thi gia cư, cng thêm vi các đc chất phục v trng lúa như thuc tr sâu, thuc dit c và phân bón hỏa hc tràn xung tích t dày đc [Hình 5].

cai7

nhng nơi dòng sông không chy, đồng bằng sông Cửu Long dày đc ô nhim và sinh cnh thì đang chết dn. [photo by Ngô Thế Vinh 12/2017]

cai8

Theo Nhóm Nghiên cứu Mekong t Đại học Cn Thơ (6), h thng các cng chn mn làm mt ngun năng lượng dòng chy nước ngt t phía thượng ngun (mũi tên màu xanh) và năng lượng thủy triu đem dòng nước mn t bin vào (mũi tên màu đ) khiến môi trường t nhiên của đồng bằng sông Cửu Long không còn được ty ra hàng ngày (con nước ln- con nước ròng), hàng tháng (con nước rong- con nước kém), và hàng năm (mùa nước ni- mùa nước cn) như trước kia. H qu là hàm lượng oxy hỏa tan (DO) trong nước rt thp khiến sông rch mt c khả năng t làm sch ngun nước bng cơ chế oxy hóa. [Hình 6]

Hậu qu ô nhim là nước trong các sông rch đi sang màu đen, bc mùi hôi thi do các cht hu cơ phân hy ; và ngun nước trong các vùng thy li không còn s dng được cho mc đích ăn ung, k cả sinh hot tm git hàng ngày. Người dân nay phi sng bng nước ngt bơm t nhng giếng ngm, ngun nước ngm này cũng ngày mt h thp và có nơi cư dân đã phi khoan đến đ sâu 80 – 120 mét đ ti được ngun nước ngt. Nhu cu khai thác tng nước ngm để ly nước ngt quá ln đang làm gia tăng tc đ st lún đt đồng bằng sông Cửu Long nhanh gp nhiu ln hơn nước bin dâng. (6)

cai9

Nhờ năng lượng dòng chy nước ngt t phía thượng ngun (mũi tên màu xanh) và năng lượng dòng nước mn t bin (mũi tên màu đ) mà môi trường t nhiên ca đồng bằng sông Cửu Long được ty ra hàng ngày (con nước ln-ròng), hàng tháng (con nước rong-kém), và hàng năm (mùa nước ni-cn). Ngun nước này cũng giúp cho nước chy được trong các kênh rch vì đa hình đồng bằng sông Cửu Long quá bng phng. (6) Nhng cng đp ngăn mn ca B Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang "khai t"dòng chy và nhp đp /Mekong Delta Pulse ca h sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.

Về khía cnh tài nguyên, nguồn thy sn cũng là ngun cht đm/ protein quan trng trong mi ba ăn vi tô cá chén cơm ca cư dân đồng bằng sông Cửu Long b sút gim nghiêm trng : các loài cá trng ca nước chy có nguy cơ b tiêu dit do dòng sông b chn bi các cng đp, ch còn li các loài cá đen nước tù ca ao hnhư cá lóc, cá trê, cá rô phi... Đây là hu qu tt yếu khi mà h sinh thái sông ngòi (riverine environment) đã b chuyn sang h sinh thái ao h (lacustrine environment) (Nguyn Hu Thin, 2018).

Do môi trường nước cc kỳ ô nhim, li thêm, lc bình phát trin tràn lan ph kín c mt thoáng sông rch khiến ghe tàu đi li rt khó khăn nên nhiu nơi người dân đã phi phun thuc dit c trên lp lc bình nhm khai quang thủy l khiến nước sông càng ô nhim thêm na ; [Hình 7] và do thiếu ngun cht đm t tôm cá và các loài thủy sn khác đã nh hưởng ti sc khe cng đng, tr em có nguy cơ b suy dinh dưỡng.

cai10

Những gi lc bình ph kín sông rch do nước tù đng phía trong các cng chn khiến ghe tàu đi li khó khăn, nhiu nơi người dân đã phi dùng thuc dit c đ khai quang lc bình nhm to li đi khiến nước sông li càng thêm ô nhiễm. Lc bình còn ngăn cn ánh sáng và không khí rt cn thiết cho s sng còn ca các loài thủy sinh. [photo by Ngô Thế Vinh 12/2017]

Các loại cây quen sng vùng nước l, đin hình như cây da nước, hư hi và chết do vùng nước l b ngt hoá. Nói chung, toàn thể tính đa dng ca h sinh thái khu vc quy hoch b xung cp và b hủy hoi nghiêm trng.

Về phương din xã hi, nhng nơi có cng đp chn dòng, do vic canh tác tr nên khó khăn, chi phí cao mà li nhun sút gim, cng thêm môi trường nước b ô nhim, là mt trong nhng lý do khiến tình trng di dân ngày càng ph biến và nhiu người đã b đng rung đi tìm kế mưu sinh các khu công nghip bên ngoài đồng bằng sông Cửu Long hoc trên thành ph (6). Trong hai thp niên qua đã có ngót 2 triu cư dân đồng bằng sông Cửu Long phải ri b quê hương vn được coi là "vùng mt ngt" vi go trng nước trong tôm cá đy đng thìnay phi ra đi tìm kế sinh nhai. Trong nghch cnh đó thì ph n và tr em là b nhiu tn thương nht.

Cuối cùng, sau năm 2000 Chính quyền phi nhượng b đ cho các tnh trong vùng d án chuyn đi 450.000 ha đt trng lúa sang vùng nuôi tôm, cũng có nghĩa là bước sa sai đ đưa vùng đt này tr v đim xut phát, tr li h sinh thái t nhiên ca hai mùa mn ngt. 

Không chỉ
có vy, ngoài s lãng phí 1.400 t đng, D án Ngt hỏa Bán đo Cà Mau, cho dù có sa sai nhưng vn còn đ li nhng tn tht v môi trường t nhiên và ngun tài nguyên và càng làm cho đt nước càng nghèo thêm. Các mc tiêu chính ca d án Ngọt hỏa Bán đảo Cà Mau gn như hoàn toàn tht bi.

Cống đập Ba Lai : thêm một hối tiếc nữa

Sau tht bi ca công trình Ngt Hỏa Bán đo Cà Mau, tưởng như đã là mt bài hc, nhưng vn tiếp theo d án Cng đp Ba Lai, thêm mt bài hc không hc (unlearned lesson) vẫn phát xut t B Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Được khi công tháng 02/2000, công trình chn ngang ca sông Ba Lai t xã Thnh Tr kéo sang xã Tân Xuân. Kinh phí ban đu lên ti hơn 66 t VND. Trên lý thuyết – như t bao gi vn trên lý thuyết, cng đp Ba Lai có chức năng : ngăn mn, gi ngt cho 115.000 hecta đt, cp nước ngt sinh hot cho hơn 600.000 dân cư Thành ph Bến Tre và các huyn Ba Tri, Ging Trôm, Bình Đi, Châu Thành ; cùng kết hp vi phát trin giao thông thủy b và ci to môi trường sinh thái vùng dự án [sic].

Hai năm sau, từ tháng 04/2002 cng đp Ba Lai bt đu được đưa vào hot đng, được vinh danh lúc đó là công trình thủy li ln nht đồng bằng sông Cửu Long. Và t đây, ca sông Ba Lai, mt trong 8 ca ca Cu Long chính thc b ngăn li [Hình 9].

Cho tới nay, cống đp Ba Lai đã vn hành được hơn 16 năm [2002-2018], hiu qu công trình cng đp Ba Lai y ra sao ? Nhng cng ngăn mn Ba Lai đã không đt mc đích vì còn chng cht nhng ca sông kinh rch khác không có cng ngăn đã tp hu chuyn nước mn vào bên trong hệ thng cng đp đã xây. Và đ ch còn nghe nhng li ta than ca cư dân đa phương, bi thế dân gian tnh Bến Tre mi có câu :

Ba Lai là cái cửa mình

Trung ương đem lp dân tình ngn ngơ

cai11

Từ ngày có cng đp Ba Lai, ca sông Ba Lai nhánh th 8 b B Nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng li. Ca Ba Thc đã b bi lp t c trăm năm nay, và hin gi Cu Long Giang nay ch còn 7 nhánh : Tht Long. [photo by Lê Quỳnh, báo Người Đô Th]


Sông Ba Lai ngừ
ng chy. Thay vì biến sông Ba Lai thành h nước ngt thì cư dân Bến Tre phi sng vi nước sông Ba Lai mn hơn trước kia nht là vào mùa khô. Hậu qu là tnh Bến Tre thiếu nước ngt, người dân sng trong tình trng thiếu nước ngt kinh niên, phi mua nước ngt cho nhu cu gia dng có khi phi tr ti 100.000 đng/mét khi [Tui Tr online 22/02/2016].

Giải thích ca Chính quyn v "hiu qu ngược" ca công trình cng đp Ba Lai như hin nay là đ li do thiếu vn đ làm nhiu công trình khác tiếp theo, đó là phi xây thêm cng đp và c âu thuyn trên hai con sông Giao Hỏa và Cht Sy nơi vn tiếp tc đem nước mn t sông Ca Đi đổ vào "h nước ngt Ba Lai".

Qua kinh nghiệm 16 năm vn hành ca h thng cng đp Ba Lai, đ thy rng dù tn hàng bao nhiêu t đng, c vi quyết tâm mù quáng can thip thô bo khp khing vào thiên nhiên,làm cng ngăn mn nhưng nước sông rch bên trong vẫn không th dùng được cho sinh hot, nhng công trình như thế còn khiến nước bên trong b ô nhim nghiêm trng hơn vì tù đng do dòng sông không chy. 

Xây dng cng đp Ba Lai không nhng đã rt tn kém, nhưng khi phát hin sai lm thì vic phá b, làm sạch môi trường và chuyn đi sinh hot ca cư dân cũng không th mau chóng và không phi là d dàng.

Địa bàn môi trường không phi như mt bàn c đ d dàng xỏa đi bày li. Mt câu hi được đt ra : vi nhng tác hi do cng đp Ba Lai gây ra, ai - B Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay Bộ Tài nguyên và môi trường, hay chính ph trung ương s nhn trách nhim vi phong cách "đem con b ch" như hin nay ?

Hai bài học đt giá. T bài hc tht bi ca Công trình Ngt hỏa Bán đo Cà Mau tiếp theo tht bi khác ca công trình Cống đập Chn mn Ba Lai, nhiu nhà khỏa hc và gii hot đng môi trường như mt "think tank" đã không ngng lên tiếng cnh báo rng : nếu không có mt đánh giá môi trường chiến lược cho toàn đồng bằng sông Cửu Long mà ch đơn gin nhm gii quyết tình hình mn ngt cho tng vùng, rồi lp ngay quy hoch xây dng xây mt lot h thng cng đp ch đ ngăn mn nơi các ca sông ln là phá v c mt h sinh thái mong manh đã có đó t ngàn năm và hu qu s khôn lường.Phát trin vi nhng bước không bn vng (unsustainable development) như trên đã và đang làm thay đi din mo, gây tn thương trên toàn h sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và khiến các ngun tài nguyên thiên nhiên c nghèo dn đi.

Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé : thêm một "công trình thế kỷ" đầy hoài nghi

Dự án Thy li Cái Ln-Cái Bé (sông Cái Lớn - Cái Bé) được đ xut t năm 2011 vi ch trương trên lý thuyết như mt công trình nhm ng phó vi nước bin dâng và biến đi khí hu và cũng đ duy trì đt trng lúa bo đm an ninh lương thc và xut khu, theo quy hoch thủy lợi tng th cho đồng bằng sông Cửu Long đã được nguyên Thủ tướng Nguyn Tn Dũng phê duyt ngày 19/04/2016.

cai12

Bn báo cáo Đánh giá Tác đng môi trường (Tác động môi trường), D án H thống thủy li Sông Cái Ln – Cái Bé [ngun : Tác động môi trường tr. 83].

cai13

Vùng d án sông Cái Lớn - Cái Bé (vùng màu hng) trong lưu vc đồng bằng sông Cửu Long (1) [ngun : Tác động môi trường tr. 83].

Dự án Thy li sông Cái Lớn - Cái Bé Giai đon 1 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyt ngày 17/04/2017 da theo t trình ca B Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Toàn b công vic son tho d án, nghiên cu kh thi cho đến lp báo cáo Tác động môi trường đu nm trong mt "chu trình khép kín" / behind close door thuc quyn kim soát ca B Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà không cho thấy có mt t chc, cá nhân đc lp nào tham gia. Ch đu tư d án là Ban Qun lý đu tư và Xây dng Thủy li 10 thuc B Nông nghiệp và phát triển nông thôn. T đơn v tư vn lp báo cáo d án là Liên danh Vin Khỏa hc Thủy li Vit Nam – Vin Quy hoch Thủy li Min Nam – Công ty cổ phn Tư vn Xây dng Thủy li 2 ri đến cơ quan lp báo cáo Tác động môi trường là Vin K thut Bin thuc Quy hoch Thủy li Vit Nam, tt c đ là nhng đơn v trc thuc qun ý hành chính ca B Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoc B Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quyn ra ch đo trc tiếp. Điu này có nghĩa các chuyên gia đc lp, t chc xã hi dân s và cư dân không được tham vn và có tiếng nói nào vào quyết đnh ca d án.

Dự án h thng thy li sông Cái Lớn - Cái Bé vi đa bàn ch yếu vùng Bán đo Cà Mau, được gii hn bi : phía bc là kênh Cái Sắn ; phía nam và đông nam là kênh Qun L - Phng Hip ; phía đông bc là sông Hu và phía tây là Vnh Thái Lan. Tng din tích vùng d án là : 909,248 ha,trên đa bàn ca 6 tnh/thành ph : Hu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bc Liêu và Thành phố Cn Thơ.

Theo báo cáo Tác động môi trường (dày 487 trang) thì mục tiêu (trên lý thuyết) ca d án H Thng Thủy Li sông Cái Lớn - Cái Bé giai đon 1 là :

- Kim soát mn, gii quyết mâu thun gia vùng nuôi trng thy sn ven bin và vùng sn xut nông nghip ca các tnh : Kiên Giang, Hu Giang và tỉnh Bc Liêu thuc lưu vc sông Cái Ln - Cái Bé. Đng thi, góp phn phát trin thy sn n đnh vùng ven bin ca tnh Kiên Giang ;

- Ch đng ng phó vi biến đi khí hu, nước bin dâng, to ngun nước ngt cho vùng ven bin đ gii quyết tình trng thiếu nước ngt vào mùa khô, phòng chng cháy rng, đc bit trong nhng năm hn hán, góp phn phát trin kinh tế xã hi n đnh ;

- Tăng cường kh năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua ci to đt phèn ;

- Kết hp phát trin giao thông thy, b trong vùng d án.

Quy mô dự án h thng thy li sông Cái Lớn - Cái Bé (giai đon 1) gm các hng mc công trình :

- Cm công trình cng Cái Ln - Cái Bé, tuyến đê ni 2 cng và ni vi quc l 63 và các cng dưới tuyến đê. tuyến kênh ni 2 sông Cái Ln và sông Cái Bé.

- No vét kênh Thốt Nốt và kênh KH6, sa cha cng, âu Tc Th ; cm công trình b đông kênh Chc Băng và sông Trm ; cng Lương Thế Trân ; cng Ông Đc ; Cng Xo Rô ; cng Ngn Tc Th và trm bơm Tc Th.

Dự kiến tng vn đu tư cho d án (Giai đon 1) là 3.309,5 t đng (tương đươngkhong 150 triu M kim).

Tác động môi trường sông Cái Lớn - Cái Bé : "Đề nghị chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện phsap gây ô nhiễm ?

- Báo cáo Tác động môi trường H thng thy li sông Cái Lớn - Cái Bé giai đon 1, do Vin K thut bin trc thc Vin Khỏa hc Thủy li Vit Nam (2018), mt cơ quan trc thuc B Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được ghi là mt Báo cáo chưa được thm đnh, phê duyt.

Với mt bn báo cáo Tác động môi trường được ghi là chưa được thm đnh, phê duyt thì đã có ngay mt s nhn đnh khái quát t gii chuyên gia trong nước cũng như hi ngoi cho rng :

- Tác động môi trường dù với b dày ngót 500 trang nhưng rt lan man nhiu s kin còn thiếu sót và không minh bch do b chi phi bi quan đim ca ch đu tư/nhóm li ích, và ch đ nhm bin minh cho s cp thiết ca d án, nên l rõ nhược đim là thiếu tính khỏa hc khách quan, thiếu tính thuyết phc và chưa thc tế

- Mc 01.1.2. S cn thiết phi đu tư d án ch nói chung chung mà thiếu dn chng thc tế hin trng mn-ngt hin nay trong vùng d án đã gây tn tht kinh tế xã hi c th ra sao mà nay phi đi phó và thiếu một tm nhìn chiến lược nht là trong bi cnh nhng "công trình thế k" trước đó đã tht s tht bi như đã dn chng trong phn đu ca bài viết này. Cách viết báo cáo như vy là nhm đ d dàng thông qua cho ch đu tư ch không phi mang tính d báo, cảnh báo đ đưa ra gii pháp gim thiu hoc thay thế t mt con toán so sánh được mt có sc thuyết phc.

- Tác động môi trường, ngoài tính toán rt sơ lược chi phí cho công trình, nhưng không thy có đ cp chi phí hot đng và bo qun, không có ngân qu d trù phòng thiệt hi ri ro. 

- Tác động môi trường không có thm đnh li hi tăng hay gim cho dân bao nhiêu, cho chính quyn bao nhiêu so vi hin trng, và cũng không rà xét các phương án nào khác đ biết đây có là l trình ti ưu tht không ? 

- Phn quan trng nht ca Tác động môi trường là các biện pháp phòng nga, gim thiu ô nhim thì viết rt chung chung chưa đến 3 trang trong các mc 4.1.3.2. Vi nhng gii pháp chung chung như thế, vic áp dng thc hin trong thc tế có ai đm bo hiu qu.

- Với mt d án thủy li có thi gian vn hành tối thiu 50 năm, có khi đến c trăm năm nhưng Tác động môi trường li tp trung ch yếu vào phân tích tác đng ca giai đon chun b và xây dng d án mà li viết sơ sài tác đngca vic vn hành h thng thủy li sông Cái Lớn - Cái Bé sau khi xây dng xong. Quan trng nht Tác động môi trường này li viết rt sơ sài nhng phn ni dung rt cơ bn và quan trng như đánh giá tác đng môi trường nước khi vn hành cng trong các mc 4.1.3.3.4, phn gim thiu tác đng trên môi trường nước, gim thiu ti tài nguyên sinh thái… Vi s sơ sài chung chung như vậy thì không biết s trin khai thc hin thế nào trong thc tế.

Một điu đáng lưu ý là t trang 451 ti trang 456, báo cáo Tác động môi trường liên tc lp đi lp li mt ý quan trng, được cho là ý kiến ca 8 trên trên tng s 39 UBND xã trong phn tham vn cng đng : "đề ngh Ch d án thc hin nghiêm túc bin pháp gây ô nhim" [sic]. Báo cáo Tác động môi trường không đưa ra các văn bn gc trích dn ý kiến chung này, nhưng có th hiu ý kiến "đ ngh Ch d án thc hin nghiêm túc bin pháp gây ô nhim" theo hai hướng :

- Đơn v tư vn lp Tác động môi trường không phân bit được "bin pháp gây ô nhim" và "bin pháp kim soát ô nhim" là hai khái nim hoàn toàn đi nghch nhau. Đây là nhng khái nim sơ đng nht ca nhng hc sinh khi hc v khỏa hc môi trường, l nào nhng đơn v tư vn hàng đu trực thuc B Nông nghiệp và phát triển nông thôn vi mt đi ngũ hùng hu gm c nhng v phó giáo sư, tiến sĩ, thc sĩ, k sư, c nhân li không phân bit được hai khái nim sơ đng y đ đưa vo báo cáo ? Không phi không phân bit được mà là cc kỳ cu th khi viết và đc báo cáo đến đ vô tri.

- Đơn v tư vn lp Tác động môi trường c tình "nhét ch vào ming" các UBND xã đ h đưa ra ý kiến "đ ngh Ch d án thc hin nghiêm túc bin pháp gây ô nhim" và kết qu là có 8 xã trên 39 xã được tham vn đng ý vi tư vn, kết qu là nguyên văn được ghi vào giy trng mc đen Tác động môi trường, nếu đúng như vy thì đây là mt s thiếu trung thc, lp l mà xã hi không th nào chp nhn được. Không nhng không trung thc mà là vô trách nhim mt cách thô bo.

Dù với lý do nào, trong mt bn báo cáo Tác động môi trường vi "đ nghị Ch d án thc hin nghiêm túc bin pháp gây ô nhim"vn có đó khiến người ta không khi nghi ng v hu ý ca nhng người lp báo cáo, ca ch đu tư và c nhng người phê duyt đu tư d án y. Nhìn chung, mc tham vn cng đng viết rt sơ sài nhưng lại đ l sai sót nghiêm trng và gn như vô nghĩa thay vì tìm kiếm ý kiến phn bin đa chiu ca cng đng cư dân vùng d án ngõ hu làm do d án tt hơn lên.

Theo ý kiến các chuyên gia thì : "Tt c nhng kch bn d báo trong chương 3 ca báo cáo Tác động môi trường hoàn toàn mang tính lý thuyết, không vin dn bt kỳ mt công trình đin hình thành công nào ti Vit Nam và thế gii. Nghiên cu báo cáo Tác động môi trường cho thy rng nhóm tư vn đã b qua nhng bài hc nhãn tin v s tht bi đy hi tiếc và không th đo ngược v mặt tự nhiên ca nhng công trình thủy li trước như d án Ngt hỏa Bán đo Cà Mau và Công trình Cng đp Ba Lai đã được đ cp trên. Do vy, có th kết lun rng nhng đánh giá ca báo cáo Tác động môi trường đưa ra không có bin pháp nga tránh vết xe đưa đng bng thêm trầm mình vào ô nhim, không đ cơ s khỏa hc và không th tin cy.

Với mt báo cáo Tác động môi trường còn nhiu thiếu sót như thế thì không th quyết đnh gì c đ khi công mt "Công trình Thế k" có kh năng hủy hoi c mt h sinh thái mong manh không ch ca bán đo Cà Mau và trên toàn h sinh thái ca đồng bằng sông Cửu Long, nh hưởng trc tiếp trên đi sng sn xut sinh kế ca hàng triu cư dân trong vùng quy hoch, trong khi còn bao nhiêu vn đ k thut chưa có gii pháp rt ráo. 

Mt h sinh thái khi đã b hủy hoi thì rt khó sửa cha và không th đo ngược.

cai14

đ d án h thng cng đp chn mn trên Sông Cái Lớn- Sông Cái Bé, s tác đng trên 1/4 din tích toàn đồng bằng sông Cửu Long và nh hưởng ti đi sng hàng triu cư dân trong vùng. [ngun : Ánh Sáng và Cuc Sng]

Những chuyên gia độc lập nói gì về sông Cái Lớn - Cái Bé ?

Để có mt cái nhìn thc tế nht v d án sông Cái Lớn - Cái Bé, tác giả bài viết này tìm đến nhng chuyên gia nông hc, môi trường hc, sinh thái hc ca đồng bằng sông Cửu Long. H là nhng chuyên gia không nhng được ghi nhn trong nước mà còn trên bình din quc tế vì nhng đóng góp cho khỏa hc và cuc sng. Quan trng hơn hết, đa s h những cư dân sinh ra và ln lên t đồng bằng sông Cửu Long, cuc sng ca h gn lin vi vùng đt này khiến h am hiu đồng bằng sông Cửu Long như đường ch tay ca chính h.

Ý kiến giáo sư Võ Tòng Xuân :

Phát biểu của giáo sư Võ Tòng Xuân ngày 16/09/2018 qua một email trao đổi cá nhân

Ngô Thế Vinh viết : Tôi và nhóm Bn Cu Long bên này đang rt quan tâm ti D án Cái Ln Cái Bé mà tôi nh là trước đây, theo giáo sư Võ Tòng Xuân và các nhà nghiên cu đc lp, thì nhng d án chn mn s phá v đi dòng chy t nhiên vn có, gây ra nhiu h ly khôn lường, nht là v môi trường... Trong tình thân, đ ngh Anh Xuân đưa ra mt nhn đnh có tính cp nht (Up to Date) và chi tiết hơn (more specific) v d án Cái Ln Cái Bé đ tôi có th quote mt tiếng nói có uy tín và rt có trng lượng trong mt bài đang viết, trong khi mà các nhóm lợi ích đang khuynh loát tiếng nói ca nhng nhà khỏa hc chân chính...

Giáo sư Võ Tòng Xuân trả lời : Tôi biết anh rt tâm tư mi khi nói đến đồng bằng sông Cửu Long. Qua 40 năm tôi mi đt thêm mt thng li v mt Khỏa hc và Kiến to xã hi bng mt xoay chuyển chính sách nhà nước, nhưng phi nói ngay rng, đây mi ch là bước đu được Th Tướng chp thun đưa vào ngh quyết, nhưng phi cn mt thi gian na mi có thay đi tht s, các B, Ban, Ngành mi chp hành ch trương. Cho nên tôi xin trình bày vi anh một cách tóm tt như thế này :

Từ khi Th tướng Nguyn Xuân Phúc nht trí vi đ ngh mà tôi đã tng nêu 28 năm nay sau khi Vit Nam tr li v trí nhóm 3 quc gia xut khu go ln nht thế gii, Ngh Quyết 120 NQ-CP ca Chính ph đã được ban hành vào tháng 11/2017. Đây là một ngh quyết lch s ca nông nghip đồng bằng sông Cửu Long, vì nó g trói người nông dân thoát khi vòng kim cô phi sn xut lúa muôn đi đ cho cán b nhà nước hoàn thành ch tiêu pháp lnh v sn lượng lúa, mc k nông dân phi chu giá r bèo của sn phm thng dư quá ln này. Bây gi chính sách phát trin thy li ca Vit Nam phi được chuyn đi theo s chuyn hướng ca nông nghip, không th theo mc tiêu cũ đ tiếp tc tăng sn lượng lúa thông qua thâm canh nông nghip mà phi theo mc tiêu cải thin sinh kế ca nông dân thông qua đa dng hỏa cây trng và canh tác tng hp. 

Nh
ưng rt tiếc các nhóm li ích vn bám mc tiêu đu tiên đòi hi phi xây dng h thng thy li quy mô ln, xây dng cng đp ngăn mn, đào kênh dn nước ngt quí hiếm t sông Hu xa tít đ tiếp tc bt dân trng lúa, như D án sông Cái Ln – Cái Bé (sông Cái Lớn - Cái Bé). Nhóm li ích luôn có thế lc mnh, đ được duyt d án thì h mi có ăn, mc k dân trng lúa c nghèo.

Các nhà khỏa học chân chính đã đưa ý kiến đ ngh dng d án sông Cái Lớn - Cái Bé, với nhng lp lun bác b các lý do cn phi thc hin d án. Nhưng lý do quan trng mà các nhà phn bin nói rt ít là dưới ánh sáng ca NQ120 ca Chánh ph, lương thc không còn là mc tiêu chính mà nhà nước đã bt buc mi người thc hin bng mi giá bt k tn phí. Thi thế bây gi không như trước na. Chúng ta dư tha quá nhiu lúa go. Vi k thut lúa go ca chúng ta ngày nay, ch trong vòng 3 tháng là chúng ta có gt v lúa mi. Ti sao nhng người trong nhóm li ích ch nghĩ là phi ngăn mặn đ có th tiếp tc trng lúa mà không thy nhng người chuyên trng lúa c 40 năm nay vn kh vì li tc t lúa quá thp ? Nhóm li tc này mun nhng người trng lúa ca nước ta chu nghèo kh vĩnh vin hay sao ?

Nhng người ch ch trương trng lúa-lúa-lúa qu là nhng người không biết cách làm ăn gì khác ngoài cây lúa. H càng ch trương ch trng lương thc càng bc l s yếu kém trình đ hc thc ca h. Hãy tưởng tượng nếu Malaixia hoc Singapo ch ch trương sn xut lương thc thì chc h không đng hàng đu quc gia giàu có nht ASEAN. Hoc xa xa bên kia tri tây, nếu Thy Sĩ cũng ch trương t túc lương thc thì chc h không bao gi đng đu bng các quc gia giàu có ca Châu Âu.

Mặt khác, các chuyên gia thủy li nước ta dư sc biến nhng cơ s vt cht thy li hin có ca vùng ngp sâu ca đồng bằng sông Cửu Long cho cây trng phi lúa, đc bit là nuôi trng thy sn nước l ven bin vùng. Quí v không nên chy theo đuôi các nhà qun lý ch biết có cây lúa, mà nên giúp dân có điều kin sn xut cây trng khác, hoc vt nuôi có giá tr cao, đ h sm làm giàu. Vn đ kế tiếp là gn kết vi các doanh nghip tài gii, có đu ra n đnh đ tiêu th sn phm ca nông dân.

[Hết trích dn trao đi cá nhân giữa giáo sư Võ Tòng Xuân và Ngô Thế Vinh, qua mt eMail 16/09/2018]

Tưởng cũng cn nên nói thêm : Giáo sư Võ Tòng Xuân được biết đến như mt nhà nông hc sut mt đi lăn ln vi cây lúa nơi đồng bằng sông Cửu Long t trước 1975 cho ti nay, ông được các nhà nông hc Tây phương gi tên là Dr. Rice (tiến sĩ Lúa go), do công lao hướng dn nông dân Min Tây phát trin đi trà cây lúa Thn Nông HYV (High Yield Variety) trên khp đồng bằng sông Cửu Long, đưa Vit Nam lên hàng th hai xut cng go [ch sau Thái Lan] đi khp thế gii. Nhưng cũng chính ông, từ 28 năm nay đã rt can đm và thc thi yêu cu chuyn đi canh tác, g trói người nông dân thoát khi vòng kim cô phi sn xut lúa muôn đi vi giá r bèo do thng dư quá ln này. Ông là mt trong nhng tiếng nói uy tín và rt có trng lượng cho s ra đời ca Ngh Quyết 120 NQ-CP ca Chính ph đã được ban hành vào tháng 11/2017.

Ý kiến giáo sư Nguyn Ngc Trân : 

Là một thành viên lâu năm Hi đng Chính sách Khỏa hc và Công ngh quc gia qua nhiu nhim kỳ chính ph, ông là người Min Tây được sinh ra trên một cù lao nm gia sông Tin huyn Ch Mi tnh An Giang, ông có nhng công trình nghiên cu v sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long qua nhng "Điu tra Cơ bn Tng hp vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Đối vi vi công trình sông Cái Lớn - Cái Bé, giáo sư Nguyn Ngc Trân nêu câu hi : 

"Chúng ta đã trin khai dự án ngt hỏa bán đo Cà Mau, d án cng đp Ba Lai Bến Tre đến nay ti sao không thành công ? Trước khi trin khai các d án mi phi tr li câu hi vì sao các d án cũ không thành công". Nhưng vn không có câu tr li t B Nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Giáo sư Nguyễn Ngc Trân nhn đnh : "thiếu nước ngt ch là hin tượng, phi tìm nguyên nhân đúng thì mi có gii pháp đúng". 

"Chúng ta đang sng trên mt vùng mà h sinh thái rt đa dng nhưng chúng ta đang đơn gin nó. T rt nhiu sn vt t nhiên chúng ta gom li ch còn cây lúa và con tôm. Ta đang nghèo hỏa môi trường và h sinh thái ca chúng ta. Da trên tinh thn Ngh quyết 120, tôi cho rng cn cân nhc tht k, khách quan và khỏa hc. Nên có hi tho v bin pháp phi công trình trước khi đưa ra quyết đnh cho một gii pháp công trình".

N
i dung ca báo cáo ch yếu là đánh giá tác đng lên môi trường ca vic chun b và trin khai thc hin d án. Còn nhng chương khác hu hết là t "ct và dán" (copy & paste) t các báo cáo Nghiên cu kh thi.
Tron
g khi đó, chúng tôi chờ đi báo cáo đánh giá tác đng lên môi trường nếu d án hoàn thành và đi vào vn hành. Bi có như vy vic thm đnh d án (báo cáo Nghiên cứu khả thi) mi mang đy đ ý nghĩa trước khi d án được phê duyt đ thc hin. 

Vn theo quan đim ca giáo sư Nguyễn Ngc Trân :

"Không nên đp đp đ ngăn mn, l. Cn có nhìn nhn đúng đn đ tránh nhng quan nim sai lm v tác đng ca biến đi khí hu, dn đến vic đnh hướng các bin pháp ng phó không phù hp và không hiu qu. C th, đây là d án v thy lợi trên sông Cái Lớn và Cái Bé rt d gây ô nhim môi trường cho c vùng đồng bằng sông Cửu Long do không có s trao đi dòng chy vi bên ngoài. Các tnh vùng ven bin cũng nên xem nước mn, l là mt dng ngun tài nguyên li thế và không nên đp đp đ ngăn li" (3).

Ý kiến tiến sĩ Lê Anh Tun, Phó Vin trưởng Vin Nghiên cu Biến đi Khí hu, Đại học Cn Thơ : 

"Đáng tiếc thay, hàng chc năm gn đây, vi tư duy đy mnh sn xut lương thc, ch yếu là lúa, không coi nước mn cũng là tài nguyên nên đã hình thành nhiu d án "nghch thiên" nhưp đp chn dòng", "ngăn mn gi ngt". Hàng ngàn t đng đ ra đ làm các công trình bê tông như cng, đp, kè cc nhm chn dòng sông ngay trước ca bin… Các dòng sông b đóng kín sau mùa mưa đ gi li nước ngt khiến thy triu t bin không vào ni đng được : nhiu mng cây rng ven bin b suy kit mà chết dn, st l ven biển gia tăng. Còn phía trong đng thì dòng sông biến thành các h cha, nước b cm tù khiến nhanh chóng b ô nhim, hôi thi. Lc bình và nhiu loi to lc phát trin, ghe tàu đi li rt khó khăn, chm chp và tn kém. Nhiu nơi nông dân buc phi dùng thuốc đc hỏa hc đ tiêu dit lc bình khiến ô nhim sông rch thêm trm trng…

Nhiu bài hc thc tế cho thy, t ngàn đi nay, thiên nhiên đã vn to cho sông nước, đt đai, cây trng, con người nhng mi ràng buc hài hỏa và quan h có tính hu cơ. Việc đưa công trình làm đo ln quy lut ca to hỏa có th to ra mt s li nhun nào đó, mang tính ngn hn nhưng v dài hn, cái hi v môi trường, sinh thái, xã hi ngày càng ln và dn dn vượt cao hơn cái li, khi đó kinh tế nông nghip cũng dn dần xuống dc"… (4).

Ý kiến tiến sĩ Dương Văn Ni, người có hơn 30 năm kinh nghim ging dy Khỏa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên ĐH Cn Thơ

Phát biểu ti hi ngh v d án Thủy li sông Cái Lớn - Cái Bé giai đon 1 t chc Kiên Giang ngày 07/09/2018, tiến sĩ Dương Văn Ni cho rng đi vi vùng Bán đo Cà Mau, hai sn phm ch lc ca vùng là lúa và tôm, nhưng đây li là hai đi tượng mâu thun vi nhau v ngun nước. "Con tôm cn đ mn trên 4 phn ngàn, còn cây lúa dưới 4 phn ngàn. Nước thi rung tôm làm chết lúa và nước thi ruộng lúa có nhiu thuc sâu cũng làm chết con tôm", ông dn chng.

Theo tiến sĩ Dương Văn Ni, vào năm 1990, ông mang mt b ging lúa cao sn ca Vin nghiên cu lúa quc tế (IRRI) trình din ti huyn Đm Dơi (Cà Mau). Lúc đó, người dân, chính quyn rt hào hng chuyện đào kênh đp đê đ gi ngt. Thế nhưng, 4 năm sau, chính nhng người dân đi đp đê đó li đi phá đê đ nuôi tôm.

"Tôi nói đ thy cái vn đ khu vc này thiếu đa dng cây trng vt nuôi, ch không phi mâu thun mn ngt", ông cho biết.

"Nếu không nhìn ra vấn đ ca vùng là thiếu đa dng cây trng vt nuôi, thì vùng này s mãi loay hoay vi các công trình. Khi đó, chính quyn đa phương vi trách nhim được nhà nước giao gi gìn công trình xã hi s xem người dân như nhng người phá hoi, trong khi người dân nhìn chính quyn như là người cn tr cơ hi làm giàu ca h (4). 

Ý kiến Thạc sĩ Nguyn Hu Thin, người sinh ra và ln lên t đồng bằng sông Cửu Long, tt nghip Đại học Wisconsin Hỏa Kỳ, chuyên gia đc lp v sinh thái

Với nhiu năm trăn tr vi h sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, phát biểu ti bui tham vn ý kiến chuyên gia v xây dng d án thy li sông Cái Lớn - Cái Bé được t chc ti Thành phố Cn Thơ ngày 28/05/2018, ông Nguyn Hu Thin đã nhn mnh rng, vic đu tư xây dng h thng thy li này là không cn thiết.

Phân tích 4 lun đim trong bản báo cáo đánh giá tác đng môi trường Tác động môi trường ca D án sông Cái Lớn - Cái Bé, ông Thin khng đnh là tính cn thiết và cp bách phi đu tư d án sông Cái Lớn - Cái Bé là không có tính thuyết phc, vn theo ông Thin : 

Lun đim (1) được nêu ra xut phát tình trng khô hn ca mùa khô năm 2016. Thế nhưng, theo ông Thin, đây là mt s kin cc đoan 90 năm mi có mt ln, không phi là xu hướng chung ca đồng bằng sông Cửu Long, nên không th căn c vào yếu t cc đoan đó đ khng đnh cn thiết phi đu tư d án nêu trên.

Lun đim (2) được vin dn là nguy cơ nước bin dâng. Ông Thin cho rng, đây là lun đim thiếu căn c, không đúng vi thc tế ca đồng bằng sông Cửu Long, tc kh năng nước bin dâng đến năm 2100 ch khong 53 cm, ch không phi là 1 mét như nhng kch bn được đưa ra trước đó.

"Vì vy, đng ly chuyn nước bin dâng đ hù da", ông nói và cho biết st lún đt mi là vn đ đáng lo hơn do s dng nước ngm vì sông ngòi b hy hoi, trong khi lượng phân bón, thuc tr sâu s dng quá nhiu cho nn nông nghip và do đp đp.

Lun đim (3) được đưa ra để xây dựng h thng thy li Cái Ln - Cái Bé khi nói đồng bằng sông Cửu Long gánh trng trách đm bo an ninh lương thc, theo ông Thin là không đúng vì nói năm khô hn 2016 nói rng an ninh lương thc b đe da, nhưng năm đó Vit Nam vn xut khu hơn 4,8 triu tn go, còn dư c chc triu tn lúa, thì rõ ràng an ninh lương thc không h b đe da.

Lun đim (4) được đưa ra khi nói nguy cơ cn kit ngun nước ngt đồng bằng sông Cửu Long do tác đng ca thượng ngun. Ông Thin cho rng đp thy đin không làm hết nước, mà ch có tác đng đến phù sa và thy sn.

Cũng theo ông Thin, vic xây dng h thng thy li Cái Ln - Cái Bé có th đy quy hoch tích hp ca B Kế hoch và đu tư rơi vào thế "tht th chiến lược" nhm hướng ti phát trin theo hướng "thun thiên", theo tinh thần Ngh quyết 120 ca Chính ph v phát trin bn vng đồng bằng sông Cửu Long thích ng biến đi khí hu (7).

Ý kiến kỹ sư Phm Phan Long, kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Engineer) từ Viet Ecology Foundation 

Chúng tôi chia sẻ vi dân cư đồng bằng sông Cửu Long và c nước mi quan ngi ca chúng tôi v d án Thy li ngăn mn trên sông Cái Lớn và Cái Bé vi li kêu gi lp tc hủy b hay ít nht ngng ngay d án này đ có thi gian đánh giá thn trng hơn, rút kinh nghim t nhng công trình thủy litn kém đy hi tiếc trước đây đã liên tiếp gây ra thm trng trên đng bng này.Những công trình trước cũng đu có nhng mc đích viết ra hay như thế nhưng toàn tht bi sau nhng thành qu nht thi. 

Công trình ngt hỏa bán đo Cà Mau đã gây tranh chp gay gt ngt mn và phi phá b. Công trình cng ngăn mn Ba Lai đã không ngt hỏa mà khiến sông Ba Lai ngưng chy biến thành h, tích lũy ô nhim và nước còn mn hơn xưa. Công trình đê bao Đng Tháp Mười, T Giác Long Xuyên không nhng làm cho hai lòng cho b tù đng ô nhim mà còn làm mt hai vùng trũng cha nước ngt thiên nhiên hng năm cung cp bù đp nước ngt cho đng bng trong mùa khô.

Những công trình đó khiến đng bng cho dù vn bao ph bng mt nước mênh mông nhưng không còn nước sch có th sinh hot hay canh tác được. Dân phi tn dng ngun nước ngm khiến đt lún nhanh gấp chc ln bin dâng do biến đi khí hu. Nhng kinh nghim xót xa này không h được B Nông nghiệp và phát triển nông thôn rút ta, rõ ràng vn nn ln trên toàn đng bng hin nay là ô nhim ngun nước chính vì các công trình thy li hoch đnh phi lý đã gây ra. Ô nhim phi được xem là vn nn ln mà mi công trình phi phi bo đm không cho xy ra. Công trình Cái Ln Cái Bé s đy đồng bằng sông Cửu Long lao sâu hơn vào ao tù thm trng ô nhim không khác nhng công trình thủy hi trước đây nhưng vi mt quy mô ln hơn.

Một ln na, chúng tôi kêu gọi lp tc hủy b d án này và thay vì tranh chp vi thiên nhiên nhiên vi các công trình ct sông ngăn bin, hãy khiêm nhường tìm nhng li gii thun thiên nhiên, tìm bn vng tim n trong cân bng sinh thái, tương tác t nhiên gia sông vi bin, vì người có th thích nghi sng vi lũ, phèn, ngt, l hay mn nhưng không th sng vi ô nhim. Chúng tôi cho rng nếu chưa kim soát ô nhim phc hi phm cht ngun nước và sa li các công trình trước thì không có lý do gì đu tư đ chuc thêm thm trạng chưa yên.

Nói không với dự án sông Cái Lớn - Cái Bé

Đ thay kết lun, mt ln na người viết gi ti Thủ tướng Nguyn Xuân Phúc, B trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyn Xuân Cường, vn câu trích dn và cũng là bài hc đu tiên ca mt sinh viên vào hc Y khỏa : Trước hết là không gây hi (Primum Non Nocere/First do no harm). Mi kế hoch vi vã, thiếu thi gian cho mt đánh giá tác đng môi trường có tính khách quan, vi tn phí hàng ngàn t đng có th gây hi cho toàn h sinh thái vn đã quá mong manh ca mt vùng Châu thổ mà trước đây đã tng được đánh giá là phong phú và giàu có nht trên hành tinh này.

Như mt nhc nh và nhn mnh, người viết ghi nhn li nơi đây mt đ ngh c th vi Th Tướng chánh ph kiến to Nguyn Xuân Phúc : hãy cho ngưng ngay D án xây hệ thng cng đp Sông Cái Ln - Sông Cái Bé, hãy dùng ngân sách 3.300 t d trù cho d án đ thành lp ngay mt nhóm nghiên cu Tác động môi trường đc lp [có th bao gm c các chuyên gia Hỏa Lan, h đã có kinh nghim và có công ln thc hin mt s chương trình kho sát cơ bn cho đồng bằng sông Cửu Long], đ đi tìm và phác tho các gii pháp phi công trình (non-structural adaptation measures) đ thích nghi và chung sng mt cách ti ưu vi c ba vùng sinh thái : ngt-l-mn ca đồng bằng sông Cửu Long trong bi cnh din tiến ca Biến đi Khí hu toàn cầu. Đó mi đích thc là tinh thần Nghị quyết 120 về đồng bằng sông Cửu Long [17/11/2017] trong đó Thủ tướng Chính ph đã nhấn mạnh theo nguyên tắc : "thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên" (2).

Hướng tới những biện pháp phi công trình

Trong 40 năm qua, nhiu bin pháp công trình (structural measures) ln đã được đem ra th nghim trên khp đồng bằng sông Cửu Long như : đp đê ngăn lũ, xây dng đê kè đ gim sóng hay chuyn hướng dòng chy, xây dng h thng cng chăn mn… Đã chng tỏ mt điu : không th dùng nhng bin pháp thô bo can thip vào thiên nhiên, li ích nếu có thì rt ngn hn trong khi hu qu tác hi thì lâu dài, rt khó sa cha trên toàn h sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nhng bài hc tht bi y, các nhà khỏa hc môi trường đã khiêm tốn hơn khi chn các gii pháp chung sng vi m thiên nhiên (mother nature) vn bao dung nhưng cũng vô cùng khc nghit. 

Trước nhng nan đ, mn ngt, thay đi khí hu, nước bin dâng không phi bây gi mi có nơi đồng bằng sông Cửu Long mà nhiu ít đã cót thu hoang sơ, và con người t bao giđã biết thích nghi sng hài hỏa vi thiên nhiên, dn dà nếp sng y đã to ra mt nn văn hỏa sông nước, ngay c khi mà nn khỏa hc k thut phát trin, gii pháp chng lim thiên nhiên (mother nature) vn là mt chn la thiếu khôn ngoan và không cân sc, do đó đã đến lúc các nhà khỏa hc môi trường thc thi đã có khuynh hướng đi tìm các "bin pháp phi công trình" chung sng và thích nghi vi thiên nhiên là ch yếu. 

Thế nào là các bin pháp phi công trình (non-structural adaptation measures) : đó là không chọn xây nhng công trình ln c đnh vĩnh cu đ đi phó vi mt h sinh thái không ngng chuyn đng : tính c đnh ca các công trình đã chng t li thi trong mt môi trường sng không ngng đi thay. Và trong sut lịch s phát trin ca đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân và ngư dân vn đã biết sng thích nghi đ vn tn ti và phát trin mà không gây ô nhim tn hi cho môi sinh và vt kitngun tài nguyên thiên nhiên.

Những ví d

- chưa có nha khí tượng, nhưng qua kinh nghiệm tích luỹ, người nông dân đã biết d báo thi tiết, nng mưa khá chính xác và hiu qu ;

- chưa có nha đa cht, nhưng h đã biết đánh giá các vùng th nhưỡng, đ chn đúng loi cây trng, không ch có cây lúa h biết đa canh đ gi màu cho đt ;

- chưa có nha thủy văn, h đã biết chn ging, nuôi trng thủy sn phù hp sinh cnh : mn ngt l theo vùng.

Vi hin trng môi trường suy thoái trm trng như hin nay, điu mà nhà nước cn quan tâm giúp h :

- giúp h được sng tr li vi mt môi trường không ô nhim đang đu đc h như hin nay : m ca các cng đp cho các dòng sông được chy ;

- vi sông chy và thủy triu là nhng đng lc làm thanh sch và ty ra môi trường tích lu như hin nay ;

- vi các nhà máy xây dng và hot đng ven sông như nhà máy giy Lee & Man, các nhà máy điện than đa phn t Trung Quốc phi được giám sát cht ch v x lý các ngun nước và cht thi ;

- nâng cao ý thc cng đng v bo v môi trường : to cho h các tin dng gia cư ti thiu như nhà v sinh, nơi x lý rác thay vì thi hết xung sông như hin nay ;

- v tng th, nên có quy hoch các khu cư dân hp lý, thiết lp qu d phòng như mt hình thc bo him ca nhà nước đ tài tr khi cư dân b thit hi trong giai đon thay đi khí hu cc đoan như thi đim 2016 ;

- vi mt môi trường dn dà được ty ra thanh sch, ngun nước lênh láng tr li s dng được, gim nhu cu khai thác tng nước ngm, gim đ st lún mười ln nhanh hơn nước bin dâng như hin nay. ;

- phc hi nn văn minh "nhng chiếc lu", khuyến khích dân chúng d tr ngun nước mưa nước ung dùng cho mùa khô hn ;

- mt chng mc nào đó, chúng ta ch đng kim soát và c chp nhn phn nào tn tht do biến đi khí hu nhưng phi biết nói không nhng công trình tn kém và mang tính t hủy hoi như hin nay.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn t Đại học Cần Thơ đã nói rt rõ v "Gii pháp phi công trình" trong s dng tài nguyên đồng bằng sông Cửu Long vi nhn mnh là cn din dch khéo léo linh hot : đó là nhng phương cách "mm" nh ưu đim chi phí r, d thc hin, thiên v bo v, ci thin môi trường, thun thiên, bảo tn tính đa dng sinh hc, mc du phi tn nhiu thi gian mi thy hiu qu ca nó.

Tìm ra các sinh kế tương thích vi h sinh thái và điu kin t nhiên : ví d mùa mưa trng lúa, mùa nng nuôi tôm, nuôi cá nước mn, nước l, t chc du lch sinh thái - tìm hiểu văn hỏa bn đa, phát trin khai thác, chế biến các li thế cây, con tng vùng min (như trng sen, chế biến sen, dt la t si sen, ... hoc mt s loi cây ưu thế), phát trin năng lượng tái to...

Ưu tiên "phi công trình" không có nghĩa là bài bác "công trình" mà cần có s phi hp hài hòa, ch phát trin công trình khi nào tht s cn thiết, nên nghĩ làm các công trình nh trước khi có nhng cân nhc công trình ln hơn.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuc Đại học Cn Thơ đã chn khu vc lúa-sen-cá-du lch sinh thái ở Đng Tháp như mt đin hình v gii pháp "phi công trình", vi minh hỏa rt d hiu vi người nông dân : 

cai15

Vẫn những dự án sai lầm từ hệ thống

n 40 năm sau 1975, như mt chui sai lm t h thng, nhà nước cộng sản Việt Nam đã thiết lp vi vã nhiu d án trng đim rt tn kém vi tham vng nhm "ci to" đồng bằng sông Cửu Long, đa phn là can thip thô bo gây tác hi trên h sinh thái mong manh ca c mt vùng Châu th. Do tính cục b, thiếu sót trong Đánh giá Tác đng Môi trường Chiến lược (SEA - Strategic Environment Assessment) ca toàn đồng bằng sông Cửu Long, ch vi nhng "nghiên cu mnh danh là khỏa hc" nhưng theo phong cách : làm nhanh ăn nhanh ; ch yếu b chi phi bi các nhóm lợi ích các chủ đu tư, ri đem chính mng sng và kế sinh nhai người dân ra đánh bc, bt chp ý kiến ca h, đng thi trn áp các phn bin và gt b mi khuyến cáo ca các chuyên gia kinh nghim có thm quyn. 

Nh
ưng vn không thiếu nhng nhà hot đng môi sinh độc lp can đm và bn b ct lên tiếng nói ca lương tri. H hướng ti mc tiêu ti hu là bo v c mt vùng Châu th vi 18 triu cư dân, nhm gim thiu nhng tác hi lâu dài trên ngun tài nguyên ca đt nước và ca các thế h tương lai. 

Vi Dự án sông Cái Lớn - Cái Bé được mnh danh là "công trình thế k", các chuyên gia đc lp đã lên tiếng cn l ri, nói chung là tình hình khá bi quan : do cái xung lc (momentum) ca D án sông Cái Lớn - Cái Bé quá ln, nhóm li ích và gii ch đu tư thì quá mnh rt khó mà dng li được. Nhưng cũng chính đây mi là bước th thách gia "nói và làm" ca Chính ph Kiến to Nguyn Xuân Phúc. Và nếu như D án sông Cái Lớn - Cái Bé vn c tiến hành, thì Ngh quyết 120/NQ/CP ca Chính ph v phát trin bn vng đồng bằng sông Cửu Long thích ng vi biến đi khí hu do Thủ tướng Nguyn Xuân Phúc ban hành ngày 17/11/2017 hoàn toàn rơi vào thế "tht th chiến lược" – nói theo ngôn t rt tượng hình ca nhà nghiên cu môi trường đc lp Nguyn Hu Thin.

California 30/09/2018

Ngô Thế Vinh

Nguồn : VOA, 03/10/2018

Tham khảo :

(1) D án H thng Thủy li Cái Ln – Cái Bé Giai đoạn 1. Đa đim xây dng tnh Kiên Giang. Báo cáo đánh giá tác đng môi trường. B Nông Nghip và Phát trin Nông thôn (Bn báo cáo chưa hoàn thin, chưa được thm đnh phê duyt).

(2) Đồng bằng sông Cửu Long và Nhng bước phát trin t hủy hoi 1975-2018, Ngô Thế Vinh, Vit Ecology Foundation 04/2018 (http://vietecology.org/Article/Article/299)

(3) Dự án thy li Cái Ln - Cái Bé Kiên Giang : Đng làm mt đi li thế tài nguyên, Người Lao Động, Đ04/06/18 (https://baomoi.com/du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-o-kien-giang-dung-lam-mat-di-loi-the-tai-nguyen/c/26277343.epi)

(4) Lại cãi nhau vi D án Thủy li Cái Ln - Cái Bé. Trung Chánh, Thi báo Kinh tế Sài Gòn Online, 07/09/2018 (https://www.thesaigontimes.vn/278260/lai-cai-nhau-voi-dai-du-an-thuy-loi-cai-lon--cai-be.html)


(5) Xin đừ
ng bóp c Đt và Nước, Lê Anh Tun, Đi hc Cn Thơ, SaigonTimes 14/09/2018 (https://www.thesaigontimes.vn/278468/xin-dung-bop-co-dat-va-nuoc-.html)


(6) Đánh giá các H
thng ngăn mn vùng ven biên Châu th Cu Long & D án Thủy Li sông Cái Ln – Cái Bé (Bản tho ngày 06/9/2018) Nhóm nghiên cu : Lê Anh Tun, Nguyn Hu Thin, Dương Văn Ni, Nguyn Hng Tín, Đng Kiu Nhân (http://vietecology.org/Article/Article/314)

(7) Dự án Cái Ln-Cái Bé : Lý do Không th Phê duyt. giáo sư Nguyn Ngc Trân, Đt Vit Din đàn Trí thức 12/09/2018  (http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-cai-lon-cai-be-ly-do-khong-the-phe-duyet-3365429/)

(8) Chuyên gia : Không cần thiết phi xây dng d án thy li Cái Ln - Cái Bé, Thi báo Kinh tế Saigon Online, Trung Chánh 28/05/2018 (https://www.thesaigontimes.vn/273170/chuyen-gia-khong-can-thiet-phai-xay-dung-du-an-thuy-loi-cai-lon--cai-be-.html)


(9) Dự
án thy li Cái Ln - Cái Bé : Quá nhiu lo ngi, Nguyn Hu Thin, Báo Đt Mi (http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-thuy-loi-cai-lon--cai-be-qua-nhieu-lo-ngai-3365385/)

Published in Văn hóa

Mekong : Dự án đập thủy điện Sambor tiêu diệt nguồn cá ở Việt Nam (RFI, 18/05/2018)

Một dự án đập thủy điện của Cam Bốt do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong sẽ tác động đến giao thông, đến nguồn cá ở hạ nguồn và sẽ gây căng thẳng với Việt Nam. Trên đây là nội dung kết quả nghiên cứu của Viện Bảo Vệ Môi Trường Natural Heritage Institut do chính Phnom Penh yêu cầu, nhưng chính quyền Cam Bốt lại giữ im lặng.

mekong1

Bản đồ vị trí của dự án đập Sambor, Cam Bốt - Ảnh : @nhi.org

Bản tin của AP ngày 18/05/2018 cho biết một kết quả nghiên cứu về hậu quả của dự án đập thủy điện lớn nhất trên dòng sông Mekong vừa được đăng trên trang mạng của Viện Bảo Vệ Môi Trường Natural Heritage Institut, Hoa Kỳ, sau ba năm nghiên cứu và sáu tháng sau khi cung cấp cho chính phủ Cam Bốt.

Theo bản nghiên cứu này, hồ thủy điện với diện tích 620 cây số vuông sẽ "có lợi cho Cam Bốt về điện lực, nhưng làm cho Việt Nam thiệt hại nặng nề, vì ngăn chận nguồn cá từ biển Hồ đổ xuống, gây khó khăn cho lưu thông trên sông Tiền và sông Hậu".

Chưa hết, đập thủy điện do China Southern Power Grig Co, một công ty Trung Quốc thiết kế, sẽ làm giảm lưu lượng nước và phù sa ở hạ nguồn. Hệ quả là ruộng đồng ở Châu thổ sông Cửu long, vựa lúa của Việt Nam không những sẽ thiếu phù sa mầu mỡ bồi đắp, mà còn bị nước mặn từ biển xâm thực thêm.

Nguy cơ hàng chục triệu dân Việt Nam bị đe dọa mất nguồn lương thực, sẽ gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước láng giềng, theo Natural Heritage Institut.

Các chuyên gia tác giả bản báo cáo đề nghị Cam Bốt chọn một địa điểm khác, trên một nhánh sông khác, nhưng theo AP, chính quyền Phnom Penh, với quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, không trả lời cho dù nhận được yêu cầu từ tháng 12 năm 2017.

Bảy đập thủy điện khác của Trung Quốc xây trên thượng nguồn, trong lãnh thổ của Hoa lục, đã làm giảm phân nửa lượng phù sa của sông Mekong chảy qua năm nước Đông Nam Á.

Tú Anh

*********************

Mỹ khuyến cáo việc Campuchia xây đập trên sông Mekong do Trung Quốc hỗ trợ (VOA, 18/05/2018)

Một nghiên cu ca M cho thy đp thy đin Sambor ca Campuchia do Trung Quc h tr s hy diệt các loài hn sn trên sông Mekong. Các chuyên gia M ra khuyến cáo dng d án này nhưng chính quyn Campuchia vn im hơn lng tiếng.

mekong2

Sông Mekong đoạn đi qua Sambor Campuchia.

Hãng tin AP hôm 17/5 dẫn phúc trình ca Vin Di sn Thiên nhiên (NHI) có tr s ti Hoa Kỳ cho biết d án đp Sambor dù mang lại li ích ln v đin cho Campuchia nhưng cũng góp phn phá hu môi trường sng ca các loài thy sn trên dòng Mekong, nơi sinh kế ca hàng triu người dân.

Các chuyên gia NHI cảnh báo đp Sambor s tr thành rào cn ngăn chn s di cư ca cá t Biển H ca Campuchia, đng thi ngăn chn trm tích chy xung vùng h lưu, nơi đt nông nghip đng bng b phá hy do xâm nhp mn t nước bin.

Đập Sambor s chn lung cá t Bin H, mt chi lưu quan trng ca sông Mekong, trong khi dòng sông này đm bo an ninh lương thc cho khong 60 triu người Campuchia, Lào, Thái Lan và Vit Nam.

Thêm vào đó, khoảng 80 con cá heo nước ngt đang có nguy cơ tuyt chng sông Mekong có th b chết vì các khu vc mà chúng s dng đ trú n vào mùa khô s b lp đy do đập Sambor b ngăn gây ra s tích t ca trm tích.

Đập thy đin Sambor được Công ty Lưới đin Nam Trung Quc thiết kế, trong đó có mt h cha rng 620 km vuông, khi hoàn thành s là con đp ln nht tng được xây dng trên sông Mekong, vượt qua đp Xayaburi ở Lào, vn b các nhà môi trường phn đi trong nhiu năm qua.

Các chuyên gia NHI đã gửi báo cáo cho chính quyn Campuchia vào năm ngoái, trong đó đ xut ngưng d án này và xây nhà máy đin năng lượng mt tri đ thay thế thy đin, nhưng phía Campuchia chẳng h có phn ng gì.

Báo The Guardian của Anh nói các chuyên gia M nhn đnh d án Sambor tnh Kratie thuc Campuchia là mt v trí "ti t nht đ xây thy đin" vì có tác hi quá ln đi vi môi trường hoang dã.

Tờ Guardian dn li Th trưởng Bộ Năng lượng Campuchia Ith Praing nói : "Đây là mt vn đ nhy cm và còn quá sm đ công b thông tin v d án Sambor".

Ông Praing cho biết s không có quyết đnh nào được đưa ra trước cuc bu c tháng 7 ti. Nếu d án được thông qua, nhà thu Trung Quốc Hydrolancang International Energy Company có nhiu kh năng được chn thc hin d án thy đin Sambor.

**********************

Báo cáo của Mỹ về dự án đập Sambor ở Campuchia bị giấu nhẹm ? (Tuổi Trẻ, 17/05/2018)

Đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Sambor do Trung Quốc chống lưng tại Campuchia cho thấy con đập lớn nhất nước này sẽ giết chết sông Mekong theo đúng nghĩa đen.

mekong3

Đập Hạ Sesan 2 ở Campuchia khi còn trong quá trình xây dựng. Đập này hiện đã vận hành - Ảnh : GUARDIAN

Theo báo Guardian của Anh, tác động khủng khiếp trên được cảnh báo trong một báo cáo mật do Chính phủ Campuchia thuê tư vấn thực hiện.

Phnom Penh đã được bàn giao toàn bộ tài liệu nghiên cứu 3 năm từ Viện Di sản quốc gia - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn của Mỹ hồi năm ngoái, nhưng vì lý do nào đó đến nay chưa công bố dù nhiều tổ chức dân sự đã lên tiếng kêu gọi.

Theo những tài liệu tờ báo Anh tiếp cận được, các chuyên gia Mỹ nhận định dự án Sambor ở tỉnh Kratie thuộc Campuchia là một vị trí "tồi tệ nhất để xây thủy điện" vì tác động của nó đối với môi trường hoang dã quá lớn.

Đập Sambor sẽ chặn luồng cá từ hồ Tonle Sap (Biển Hồ), một chi lưu quan trọng của sông Mekong, trong khi dòng sông này đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 60 triệu người Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Việc Phnom Penh "ém" báo cáo làm dấy lên lo ngại Campuchia vẫn sẽ tiến hành xây đập Sambor mặc cho dự báo ảm đạm đối với số phận loài cá heo nước ngọt sông Mekong và một trong những luồng di cư cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Để hoàn thành dự án thủy điện này, người Trung Quốc đề xuất xây một con đập bê tông rộng đến 18km, cao 33m chắn ngang sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Kratie để tạo thành một hồ chứa nước khổng lồ dài 82km.

"Bên cạnh mối đe dọa đối với cá heo Irrawaddy và nghề cá, sinh kế và dinh dưỡng của các cộng đồng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng, đẩy nhanh hơn tình trạng sụt lún tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt nam" - ông Marc Goichot, chuyên gia về nguồn nước của tổ chức WWF, nhận định về đập Sambor.

mekong4

An ninh lương thực của 60 triệu người sống dọc sông Mekong bị đập Sambor đe dọa - Ảnh: GUARDIAN

Trong phần kết luận, báo cáo của Mỹ viết : "Một con đập tại vị trí này có thể giết chết dòng sông, trừ khi được định vị lại, thiết kế và vận hành một cách bền vững. Sambor là vị trí tồi tệ nhất để xây một đập nước lớn".

Tờ Guardian dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Campuchia Ith Praing : "Đây là một vấn đề nhạy cảm và còn quá sớm để công bố thông tin về dự án Sambor".

Ông Praing cho biết sẽ không có quyết định nào được đưa ra trước cuộc bầu cử tháng 7 tới. Nếu dự được thông qua, nhà thầu Trung Quốc Hydrolancang International Energy Company có khả năng được chọn thực hiện dự án Sambor.

Hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác, hành động để sông Mekong mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực”

Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC-Mekong River Commission) lần thứ 3 tổ chức tại Campuchia với chủ đề "Một Mekong, một tinh thần chung" vào đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay, lưu vực sông Mekong phải đối mặt với những thách thức lớn với hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng.

Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển và sụt lún đất… đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân.

"Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Ủy hội MRC tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.

Phúc Long

Published in Châu Á

Gửi Nhóm bn Cu Long
để
tưởng nh Mai Chng
điêu khắ
c gia tượng đài Bông Lúa 1970

dbscl13

Điêu khắc gia Mai Chng đng bên công trình tượng đài Bông Lúa thc hin bng đng lá, cao hơn 16 m đang xây ct tại tnh Long Xuyên đng bng sông Cu Long ; toàn cnh pho tượng Bông Lúa ti Công viên Trưng Vương tnh Long Xuyên 1970 [ngun : sưu tp Dương Văn Chung, Thatsonchaudoc.com]

Primum Non Nocere

Trước hết không gây hi

dbscl2

Đồng bng sông Cu Long với b bin ngày đêm b st l và sói mòn. [photo by Phm Phan Long & Ngô Thế Vinh]

Tới Cửa Trần Đề mút cuối Sông Hậu

Từ con Kênh Vĩnh Tế biên gii Vit Miên ti Ca Trn Đ, có th nói chúng tôi đã đi gn sut chiu dài con Sông Hu.

Nguy cơ ri lon dòng chy h lưu là có tht và có th nhìn t thượng ngun. Nhìn v Phương Bc, t hơn hai thp niên qua, người viết không ngng báo đng v nhng mi nguy cơ tích lũy không th đo ngược t phía thượng ngun do nn phá trng nhng khu rng mưa nhit đi (rainforest), ri nhng khu rng lũ (flooded forest) quanh Bin H, ti kế hoch phá đá phá các ghnh thác (Mekong rapids blasting project) khai thông m rng dòng sông Mekong đ cho tàu bè ca Trung Quc vn chuyn hàng hóa tràn xung các quốc gia h lưu, cùng vi nh hưởng lâu dài là nhng con đp bc thm khng l Vân Nam, tiếp đến là chui 12 d án đp dòng chính h lưu Lào và Cam Bt vi hu qu gây ri lon dòng chy, mt ngun cát ngun phù sa nơi các h cha, vi thi gian có th đưa ti mt tiến trình đo ngược, mt đng bng sông Cu Long còn non tr có th t t tan rã.

Trung Quốc đang khống chế không ch Bin Đông mà còn trên toàn lưu vc sông Mekong, Vit Nam là mt quc gia cui ngun, gii cm quyn Việt Nam thì l thuc v chính tr vào Trung Quc và do đó hoàn toàn b đng. Cho dù Vit Nam thnh thong có lên tiếng phn đi yếu t nhưng thực tế không có chiến lược gì c th và hu như không làm được gì đ bo v s sng còn ca hơn 17 triu cư dân đng bng sông Cu Long và cũng là va lúa ca c nước. Đó là mt s tht.

Quá trình tự hủy xy ra ngay ti đng bng sông Cu Long. Lòng sông không ngng b no vét đ ly cát. Diện tích rng tràm rng đước tiếp tc b phá và thu hp. Khai thác vô hn các tng nước ngm. Thêm vào đó là nhng d án trng đim ca nhà nước được c suý là đ"cải to" đồng bng sông Cu Long từ sau 1975, nhưng đã gây tác hi nhiu hơn. Đó là nhng hủy hoi mang tính tích lũy.

dbscl4

600 km bờ sông các tnh Min Tây đang b st l ; hình trái, Sông Hu tnh An Giang vi nhiu khúc b sông b st l do nhiu yếu t nhân tai : mt lượng phù sa do h cha nơi nhng con đp thủy đin thượng ngun, nn phá rừng, no vét lòng sông khp nơi đ khai thác cát. [photo by AX, VnExpress 15/05/2017]

Hậu qu nhãn tin là b sông, b bin không ngng b st l, đt lún nhanh hơn bin dâng, nn nhim mn trm trng hơn và rõ ràng là ngun tài nguyên thiên nhiên ca c mt vùng đt mi vn được ưu đãi thì nay c nghèo dn đi. Kết lun d dàng nhất để rũ b mi trách nhim là đ li cho Mẹ thiên nhiên, cho Biến đi khí hnhưng không th không k ti mt chui hu qu tích lũy ca nhng yếu t nhân tai, do chính con người gây ra vi s th đng ca gii cm quyn.

Dọc b bin đng bng sông Cu Long cũng ngày đêm âm thm b xói mòn (beach erosion) ; so vi st l ven sông, tình trng st l ven bin trm trng hơn nhiu. Mt dãy nhà b đ sp xung sông được báo chí và dân chúng quan tâm nhiu hơn nng st l ven bin là mt cái chết chm và rt âm thm

Qua Cù lao Dung

Gần ti Bin Đông, gp Cù lao Dung, Sông Hu chia làm hai nhánh : hu ngn chy ra ca Trn Đ (trước đây còn có tên gi là Trn Di) thuc tnh Sóc Trăng ; t ngn chy ra cửa Đnh An thuc tnh Trà Vinh. gia hai ca Trn Đ và Đnh An là ca Ba Thc rt nh đã b phù sa vùi lp t trăm năm trước.

Cu Long chín ca : 9, thc tế ch có Bát Long : 8, nay thêm ca Ba Lai ca Sông Tin b bNông nghiệp và phát trin nông thôn xây cống đp chn mn bít kín, ch còn là Tht Long : 7.

dbscl8

Cửu Long chín Ca hai Dòng, nay ch còn by Ca : Sông Hu ba ca nay còn hai : (1) ca Trn Đ, (2) ca Đnh An, ca Ba Thc (Bassac) đã b lp. Sông Tiền sáu ca nay còn năm : (3) ca Cung Hu, (4) ca C Chiên, (5) ca Hàm Luông (ca Ba Lai đã b đp đp làm cng chn mn t năm 2000), (6) ca Đi, (7) ca Tiu. [ngun : bn đ Dragon-CTU vi ghi chú ca Ngô Thế Vinh, CLCD BĐDS p.360]

Cù Lao Dung là một trong nhng cù lao ln trên Sông Hu, nm gia 2 tnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Cù Lao Dung là một huyn thuc tnh Sóc Trăng, diện tích 24.944 hecta vi dân s khong 63.000 người [62.931 người theo thng kê 2009]. Phía Đông và Bc giáp tnh Trà Vinh ; phía Tây giáp huyn Long Phú tnh Sóc Trăng ; phía Nam giáp Biển Đông. [Hình 5b]

dbscl9

Cù lao Dung chia Sông Hậu ra làm hai nhánh : nhánh hu ngn chy ra ca Trn Đ, nhánh t ngn chy ra ca Đnh An. [nguồn : Wikipedia, thêm ghi chú ca người viết].

Nếu t bn đ Google bung ra, chúng ta s thy có rt nhiu cù lao ln nh trên hai con Sông Tin và Sông Hu. Nói chung, đt cù lao là do phù sa bi đp nên phì nhiêu, rất thích hp cho các loi cây trái. Cư dân sng trên đt cù lao, qua nhiu thế h, được thiên nhiên ưu đãi phi nói sung túc nếu không mun nói là giàu có.

Do là một cù lao rt ln và tri dài trên Sông Hu, na cui Cù lao Dung tiếp cn vi Bin Đông nên được hưởng c hai chế đ thủy văn và thủy sn nước mn và nước ngt theo mùa.

Qua kênh Quan Chánh Bố

Kênh Quan Chánh Bố nguyên là mt kênh đào thuc huyn Duyên Hi tnh Trà Vinh. Mt đu kênh ni vi Sông Hu xã Đnh An (Trà Cú). Con kênh chy dc theo ranh gii huyn Duyên Hi và Trà Cú phía bc Quc l 53, và đ ra Bin Đông. Nguyên thủy, con Kênh Quan Chánh B được đào t thế k 19 [thi gian 1837 - 1838] đ dn nước t Sông Hu vào ra mn vùng đng ly Láng St, công trình đào kênh thi đó do Quan Chánh B Trn Trung Tiên đm trách.

Sang thập niên đu ca thế k 21, [năm 2009], Bộ Giao thông vận tải dưới thi b trưởng H Nghĩa Dũng, người Đà Nng (nhim kỳ 06/2006 - 08/2011) trin khai mt d án no vét con Kênh Quan Chánh B nhm to mt thủy l t bin đi vào Sông Hu ti giang cng Cn Thơ thay cho luồng đi qua ca Định An, vin lý do cửa Đnh An bị nhiu phù sa bi đp khiến các con tàu trng ti ln có nguy cơ mc cn khi đi vào Sông Hu [sic].

dbscl10

Dự án luồng Kênh Quan Chánh B vi mc đu tư ban đu lên ti 9,781 t đng, t ngày đi vào giai đon vn hành th nghim đang là ngun cơn thng kh ca cư dân đang sng hai bên b con kênh. [ngun : tài liu ca B Giao thông vận tải]

Với kế hoch m rng và vét sâu theo sut chiu dài 19,2 km con Kênh Quan Chánh B tính t ch ni vi Sông Hu đến xã Long Khánh ; đng thi, khai m thêm mt khúc kênh mi có tên gi là Kênh Tt dài 8,2 km được ni phn cui đon m rng con Kênh Quan Chánh Bố qua xã Đông Hi thông ra ti bin và thêm đon kênh bin dài 7 km. Nếu k c đon Sông Hu dài 12,1 km luồng Kênh Quan Chánh B có tng chiu dài là 46,5 km.

Dự án luồng Kênh Quan Chánh B vi mc đu tư ban đu lên ti 9.781 t đng, được khoe đây là "con kênh đào Panama của Vit Nam", một so sánh rt khiên cưỡng. Kênh Panama có tm vóc thế gii và là mt con kênh chiến lược ct ngang eo đt Panama Trung M ni lin hai bin ln là Đi Tây Dương vi Thái Bình Dương, thay vì phi vòng qua Mũi Sừng (Cape Horn) đim cc nam ca Nam M, vi rút ngn hơn na khong cách đường bin, như tàu bè đi t New York ch phi vượt qua 9.500 km đ ti San Francisco thay vì 22.500 km nếu không qua kênh đào Panama.

Cũng giống như các d án trng đim khác nơi đng bng sông Cu Long, phi nói là d án luồng Kênh Quan Chánh B được hình thành khá vi vã, c vi nhng ý kiến bt đng (4) nhưng vn cho khi công t cui năm 2009. Như t bao gi, đa s các d án chưa có đ thi gian nghiên cu đ có được cơ s khoa hc, tho luận và đánh giá mt cách khách quan, và nhất là thiếu minh bch ; đã thế khi đi vào thc hin d án luồng Kênh Quan Chánh B li không có được hình thc đu thu công khai theo lut đnh, mà là ch đnh nhà thu thuc các nhóm li ích.

Tiêu tn ngân sách hàng nhiều ngàn t đng ch vi mc tiêu đơn gin và cui cùng là tìm được mt đường tàu bin trng ti ln ra vào đng bng sông Cu Long mà không quan tâm gì ttính bền vng v môi trường, đến hiu qu kinh tế, và nht là sự an toàn cho người dân. Nạn nhân không ai khácn vn nhng người "dân đen" được đưa ra làm th nghim. Và, những cuc th nghim c ni tiếp nhau, dù hiu qu thì chưa thy rõ nhưng hu qu thì hu như ai cũng thy.

Tưởng cũng nên có mt ghi chú bên l, B trưởng H Nghĩa Dũng sau nhim kỳ 5 năm B Giao thông vận tải cho ti lúc ngh hưu vào tháng 8/2011 khi đó công trình con Kênh Quan Chánh B còn d dang và cũng theo báo chí l phi trong nước, đ chun b trước v hưu, khi còn ti nhim chính ông H Nghĩa Dũng cũng đã ch đnh mt nhà đu tư cho mộdự án ln khác : Xây đường hm Đèo C để ri sau đó không ai khác hơn là chính ông tham gia vào Hi đng qun tr Công ty c phn đu tư Đèo C. Bước chun b này đã tng gây tai tiếng, b chính báo chí trong nước gi đây là "hành đng lót " đng thi là "một tin l xu". Ông b trưởng H Nghĩa Dũng còn được nh ti vi thành tích đ xut xây dng đường st cao tc Bc Nam dài 1.570 km vi kinh phí 55 t USD, may mà sau đó d án đã b Quc hi khóa XII biu quyết bác b.

Công trình Kênh Quan Chánh Bố sau đó được tiếp tc qua thi B trưởng kế nhim Đinh La Thăng, người Nam Đnh (nhim kỳ 03/2011 - 08/2016) vi mt tiu s rt dày : trước khi v b Giao thông vận tải, ông đã là Ch tch Hi đng Du khí Quc gia Việt Nam (2008-2011), Ch tch Hi đng qun trị Dầu khí Quc gia Việt Nam (2005-2008), Ch tch Hi đng qun tr Tng Công ty Sông Đà (2001-2003) ; và nay 2018 thì đang b dính vào vòng lao lý do "c ý làm sai trái quy đnh nhà nước gây hu qu nghiêm trng khi ông gi chc Ch tch Hi đng Du khí Quc gia Việt Nam".

Và rồi sau 7 năm khi công [2009 - 2016], công trình luồng Kênh Quan Chánh B được hoàn thành vào đu năm 2016 ; vi thành tích là nhng con s : Kênh Quan Chánh B nay có th tiếp nhn các tàu bin ln 20.000 tn gim ti và 10.000 tn đy ti vào Sông Hậu (Wikipedia).

Và chỉ mt năm đi vào hot đng vi không ít h lu, theo báo Đt Vit [ngày 10/04/2017], B Giao thông vận tải li tính thay thếPhà Kênh Tắt bằng mt đường hm chui qua Kênh Tt, khiến dư lun hết sc băn khoăn.

dbscl11

Kênh Tắt là đon kênh đào mi ni đon cuối con Kênh Quan Chánh B thông ra bin. [photo by Ngô Thế Vinh]

Đ ni hai b Kênh Tt trên QL 53 d tính ban đu là Cu Kênh Tt ; sau đó cu được thay thế bng Phà Kênh Tt, ch mi mt năm Phà Kênh Tt đi vào hot đng, B Giao thông vận tải li tính thay thế bng Đường Hm Chui qua Kênh Tt vi d tính tn phí lên ti 10.319,2 t đng... khiến Giáo sư Nguyn Ngc Trân, người theo dõi d án luồng Kênh Quan Chánh B t giai đon đu tiên đã phi vô cùng ngc nhiên vì ch đu tư thay đi phương án như thay áo cho dù phi chi hàng ngàn t đng ngân sách nhà nước.

Giáo sư Nguyễn Ngc Trân [người gc người Min Tây, sinh ra trên mt cù lao gia Sông Tin, huyn Ch Mi tnh An Giang, là thành viên lâu năm Hi đng Chính sách Khoa hc và Công ngh Quc gia, cơ quan tư vn ca Th tướng Chính ph t 1992] phi lên tiếng :

"Điều gây ngc nhiên đến khó có th tưởng tượng là thông báo trong Trang đa phương ca v Th trưởng, nguyên Cc trưởng Cc Hàng hi, rng Th tướng chính ph có ch trương giao cho B Giao thông vận tải nghiên cu làm hm qua Kênh Tắt đ tránh cho người dân không phi qua phà đng thi đm bo an toàn cho luồng tàu bin. Đ làm vic này, Trang đa phương cho thông tin s cn thêm 50 ha đt, và trên 3.000 t đng. D kiến s trin khai vào cui năm nay".

Gây ngạc nhiên vì phương án đầu tiên ni hai b Kênh Tt trên QL 53 là Cầu Kênh Tt. Qua quá trình triển khai d án, phương án cu đã được thay thế bng Phà Kênh Tắt. Phà này mới được đưa vào hot đng t ngày 20/01/2016, ngày thông luồng Kênh Tt. Như vy, ch sau mt năm đi vào hot đng, B Giao thông vận tải li tính thay thế Phà Kênh Tt bng mHầm Chui qua Kênh Tt. Và thay đổi này không phi là duy nht.

Khi được cho trin khai (công văn số 123/TTg-CN ngày 22/01/2007) tng mc đu tư ca d án là 3,148.5 t đng. Mười tháng sau, tng mc đu tư ca d án được B Giao thông vận tải duyt ti Quyết đnh s 3744/QĐ-BGiao thông vận tải ngày 30/11/2007 tăng t 3.148,5 lên 10.319,2 t đng, nghĩa là gp 3.28 lần. Bi vì khi lượng no vét luồng t 22 triu m3 tăng lên 28,1 triu m3 ; kè dc tuyến luồng 35,94 km thay vì 27,57 km ; gii phóng mt bng 1.406,47 ha thay vì 300 ha ; thay đi mái dc no vét do nn đt yếu ; thay đi đê chn cát thành đê chn sóng ; kết hợp đê chn sóng ca d án luồng vi d án cng bin Trà Vinh…

Ngạc nhiên vì ch đu tư thay đi phương án… ging như thay áo, cho dù phi chi hàng ngàn t đng ngân sách nhà nước cho nhng thay đi đó. Cử tri, nhng người đóng thuế cho ngân sách, có quyền đặt câu hi v tính nghiêm túc ca d án ! Khó có th tưởng tượng vì chi ngân sách hàng ngàn t đng sao mà d dàng đến thế ! Đó là chưa nói đến hiu qu kinh tế, tác đng lên môi trường t nhiên và xã hi. Liu ln này vi phương án hm chui ri cũng s làm như các ln trước ?" [sic] hết trích dn (2).

Không lâu sau đó, theo VTV.VN [16/11/2017] cơ quan truyn hình nhà nước đã li phi lên tiếng báo đng (3) :

Tàu biển hàng chc nghìn tn lưu thông qua Kênh Quan Chánh B, tnh Trà Vinh gây sóng lớn đe da tính mạng, làm thit hi tài sn khiến người dân nơi đây vô cùng lo s. tháng 1/2016, luồng tàu biển vào Sông Hu chính thc được thông luồng, đáp ng cho tàu bin có ti trng 10.000 tn ch đy hàng và 20.000 tn vơi hàng lưu thông. luồng tàu vào Sông Hu có đon đi qua Kênh Quan Chánh B ca các huyn Trà Cú và Duyên Hi, tnh Trà Vinh.

T ngày thông luồng đến nay, hàng trăm hộ dân ở hai xã Long Vĩnh và Đôn Xuân sng ven Kênh Quan Chánh B luôn sng trong cnh thp thm, lo lng. Nguyên nhân là do tàu bin đã nhiu ln gây sóng ln, làm thit hi tài sn và đe da đến tính mng người dân. Người dân cho biết, hin tượng sóng tràn vào nhà xảy ra rt nhiu ln. Theo bà Đặng Th Cúc (huyn Duyên Hi, tnh Trà Vinh), cháu ngoi ca bà đã tng b sóng ln do tàu bin gây ra cun trôi xung con lch trước nhà, rt may cháu được phát hin và cu kp thi. Sau tai nn kinh hoàng đó, đ bo vệ các cháu, gia đình bà đã phi làm hàng rào lưới trước nhà. Vết so trên chân bà Kim Th Tiến vn chưa lành hn, hu qu sau mt ln bà bo v chiếc ghe ca gia đình tránh b sóng đánh v. Đến nay, bà Dương Th Phượng vn chưa hết b ám nh khi nhc li câu chuyện tàu bin gây sóng ln đánh nát mt chiếc xung và ghe cào. Ngoài ra, mt lượng hi sn ln đã b tht thoát khiến gia đình bà b tht thoát khong 100 triu đng.

Người dân cho biết, các tàu này hot đng không thường xuyên mà cách 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, điều nguy him là các tàu bin gây sóng cao t 3-4 m nhưng ít khi bm còi khi qua khu vc đông dân cư và có th chy vào bt c gi nào trong ngày, k c ban đêm... [sic].

Rồi ti báo Đi Đoàn Kết [04/07/2017], cho biết có tình trng st l hai bên bờ con kênh, đòi hỏi thêm kinh phí ng phó được đ xut lên đến 1,600 t đng n(1).

Sau khi chuyến tàu Đông Thiên Phú Diamond ti trng hơn 4.000 tn đi vào ngày 7/7, có nhiu tàu ti trng ln khác như tàu Tân Cng Glory ch container ti trng gn 9.000 tấn vào Sông Hậu mt chuyến/ tun. Cui tháng 11, chuyến tàu Vinalines Unity ti trng trên 20 nghìn tn ch hàng nh cũng hai ln vào Kênh Tt an toàn đ cp cng trên Sông Hu. Nhưng theo ngun tin t công ty Hi Vn Ship, thì dù đang trong giai đoạn th nghim [sic] nhưng đến nay đã có 14 chuyến tàu t bin đi qua Kênh Tt đến Kênh Quan Chánh B đ vào Sông Hu.

Ông Võ Minh Tiến, Giám đc Cng v Hàng hi Cn Thơ cho biết, do đang trong quá trình khai thác thử nghi[sic] nên đơn v phi phi hợp với lực lượng biên phòng, chính quyn đa phương thường xuyên t chc tun tra, thanh thi luồng lch đ đm bo cho các chuyến tàu ra vào an toàn. Đến thi đim này, d án luồng cho tàu biển trng ti ln vào Sông Hậu đã đáp ng được các yêu cu k thut, đm bo an toàn cho tàu thuyn ti trng ln ra vào.

Hải vận (Ship)

Điều đang lưu ý là ông Giám đc Cng v Hàng hi Cn Thơchỉ quan tâm ti bo đm an toàn cho tàu bin trng ti ln ra vào Sông Hu, mà li không đ cp gì ti an toàn và sinh mng ca chính nhng người dân ngày đêm sng lo âu thp thm ven kênh.

dbscl12

Tàu 7.000 tấn lưu thông t bin qua Kênh Quan Chánh B vào Sông Hu. [ngun : báo Đi Đoàn Kết 04/07/2017]

Với nhng h ly ni cm t khi luồng Kênh Quan Chánh B t khi đi vào vận hành, cũng vn Giáo sư Nguyn Ngc Trân đã phi kiến ngh thng thn đi vDự án luồng Sông Hu qua Kênh Tt và Kênh Quan Chánh B cn được Quc hi giám sát, đặc bit là vic thc hin giám sát nhng vn đ liên quan đến luồng Quan Chánh B. Bi vì, các luồng t nhiên như Đnh An thì ngày càng nông trong khi luồng qua Kênh Quan Chánh B còn phi no vét nhiu và chưa biết đ n đnh ra sao.

Còn Tiến sĩ Lê Kế Lâm mong mun, B Giao thông vận tải trong quá trình thc hiDự án cn có cơ s cho các nhà khoa học nghiên cu, tho lun và đánh giá mt cách khách quan chính xác. Và, B Giao thông vận tải nên t chc phn bin đi vi D án này, nht là phn bin ca các t chc tư vn, ca các hi. Ngay c khi la chn t chc tư vn phn bin theo hình thc đu thu công khai theo luật đnh, ch không th ch đnh thu. Mục tiêu cui cùng là tìm được mt luồng tàu bin ra vào đng bng sông Cu Long mt cách kinh tế, an toàn, bn vng v môi trường, không ph lòng mong mi ca người dân.

Tưởng cũng nên nói thêm, Tiến sĩ Lê Kế Lâm nguyên Thiếu tướng Hi quân tương đương Phó Đô đc, hin là ch tch Hi Khoa hc k thut và kinh tế bin Thành phố Hồ Chí Minh nhim kỳ 2014-2019, Tiến sĩ Lê Kế Lâm được nhiu người biết đến qua s kin Hi Khoa học kỹ thuật mà ông là Ch tch đã can đm công khai lên tiếng phn đi mnh m Trung Quốc trong v giàn khoan Hi Dương 981 (Đại Đoàn Kết, 04/07/2017, Lê Anh).

V giá tr kinh tế ca d án Kênh Quan Chánh B cho tàu trong ti ln t Bin Đông đi vào Sông Hu đ ti giang cng Cn Thơ, cho đến nay vn chưa có câu tr li và vn đang gây rt nhiu tranh cãi. Hiu qu kinh tế ca luồng Kênh Quan Chánh B chưa thy đâu nhưng đã gây ra nhiu hu qu tiêu cc.

Những dự án sai lầm từ hệ thống

Từ sau 1975, như mt chui sai lm t h thng, nhà nước đã thiết lp vi vã nhiu d án trng đim nhm "ci to" đng bng sông Cu Long, đa phn là can thiệp thô bo gây tác hi trên h sinh thái mong manh ca c mt vùng Châu th, do thiếu sót trong Đánh giá Chiến lược tác đng môi trường tác động môi trường [SEA-Strategic Environment Assessment], với nhng "nghiên cu mnh danh là khoa hc" nhưng theo phong cách : làm nhanh ăn nhanh ; rồi đem chính mng sng và kế sinh nhai người dân ra th nghim, khi mà người dân đã b tước đot t do và quyn t v. Đây hn là điu không th nào được chp nhn trong mt quc gia có dân ch.

Có thể nói đa s các quy trình SEA là ngu to do thiếu minh bch và trách nhim khi mà :

1. Mâu thuẫn li ích. Báo cáo SEA do chính ch đu tư chn nhóm tư vn, tr chi phí cho họ và đương nhiên toán tư vn phi viết báo cáo bin h ti đa cho d án và che đy ti đa các tác đng xu cho ch đu tư. Nhng c vn có lương tâm trách nhim s t chi không tham d vào nhng hp đng có hi cho uy tín lâu dài ca h. H qu là các báo cáo SEA cho các dự án Vit Nam s không th tin cy đ đưa ti quyết đnh.

2. Thiếu minh bch khoa hc. Báo cáo SEA không được công b rng rãi trên truyn thông báo chí, mà là đc ân dành cho nhng viên chc trong b máy cm quyn tham vn vi nhau và người dân mun tìm hiu thì phi mò mm trong bóng ti và khi có ý kiến phn đi thì h và c gia đình có th b hăm dọa và c đàn áp tù đy.

3. Hội đng thm đnh báo cáo SEA không có s tham s ca các chuyên gia khoa hc đc lp và xã hi dân s. Đôi khi các nhà khoa học y còn b mo danh là tác gi ca bn báo cáo đ che chn cho ch thu, la c nhà cm quyn và không ai phi chu mt s chế tài hay trng pht nào. H thng SEA b ô nhim c hai phía ch thu và ủy ban duyt xét.

4. Những cơ quan quản lý phát trin cơ s h tng như Việt Nam Food, EViệt Nam, PViệt Nam, Vinacomin... là nhng tp đoàn chu s chi phi và khng chế bi các nhóm li ích. H liên kết nhau đ ra nhng công trình quy mô đ to cơ hi sinh li, mt th văn hóa tham nhũng đã thành n nếp c nước đu biết mà vn phi im lng chu đng.

5. Sau khi dự án đi vào vn hành, h thng quan trc vi phm ô nhim hot đng không hiu qu và không có báo cáo rng rãi. Mt ví d, theo điu tra riêng cHội Sinh Thái Vit (Viet Ecology Foundation) thì ngay cả thông tin ch s cht lượng không khí (Air Quality Index) cũng b chính cơ quan cm quyn c ý t sa đi đ né tránh trách nhim, to nhng thông tin sai lc và đánh lc hướng dư lun.

6. Một th chế to ra và dung dưỡng các nhóm li ích như thế sẽ không có ch cho nhân tài tham gia nếu h không chp nhn t b ý thc trách nhim và tiếng nói ca lương tri. Vn có nhng trí thc chân chính trong nước t chi tham gia vào gung máy nhưng khi cn h vn can đm lên tiếng phn bin c vi cái giá phi tr nhm gim thiu nhng tác hi lâu dài trên ngun tài nguyên đt nước ca các thế h tương lai.

Nguyên lý bất di bt dch là : Trước hết là không gây hi (Primum Non Nocere), vẫn c mãi là bài hc v lòng, là kim ch nam cho các b trưởng, v trưởng các ngành trước khi khi công bt c mt d án nào trên đng bng sông Cu Long. Thế nhưng trong thc tế chưa có mt chng c nào cho thy các v y hành đng theo nguyên lý căn bn trên.

Có thể lit kê ngay nhng d án chính đã và đang gây tác hi và tn thương lâu dài cho đồng bng sông Cu Long như :

- Dự án đê bao chng lũ [B Nông nghip, phát trin nông thôn] với nhng đê bao ngăn lũ ch đ có thêm đt làm lúa cao sn 3 v, vt kit đt đai, li không có ngun phù sa, nước tù đng tích lũy ô nhim đng thi làm gim lượng nước vào hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và khu T Giác Long Xuyên như ngun d tr cho toàn đng bng sông Cu Long trong Mùa Khô.

- Dự án cng đp chn mn [B Nông nghip & Phát trin Nông thôn] ngăn chặn dòng chy t nhiên biến nhng con sông khỏe mnh thành ao h tù đng, xóa đi một nền văn hóa nước l (brackish water( và gây ri lon dây chuyn trên toàn nhp đp (Mekong Pulse) ca h sinh thái đng bng sông Cu Long.

- Dự án 14 nhà máy nhit đin than [B Công Thương] biến đng bng sông Cu Long là bãi tiếp nhn các nhà máy nhit đin phế thi chy than t Trung Quốc vi hu qu tàn phá môi trường đt đai, ngun nước và không khí vi sc khỏe ca người dân không h được quan tâm ti nếu không mun nói là b hy sinh.

- Dự án Nhà máy Giy Lee & Man [B Tài nguyên và môi trường] gây ô nhiễm nghiêm trng vì ngun nước thải vi đ loi hóa cht được chính B Tài nguyên và môi trường cp phép cho x thi ra Sông Hu đang giết chết dòng sông, ri còn phi k ti bi khói đc hi, mùi hôi thi, tiếng n t nhà máy ngày đêm bào mòn sc khỏe ca người dân.

- Dự án Kênh Quan Chánh B [B Giao thông vận tải], với tn kém hàng nhiu ngàn t đng ch đ cho my tàu trng ti ln t Bin đi vào Sông Hu đ ti giang cng Cn Thơ gây bao khn kh cho người dân khi mà giá tr kinh tế ca d án kênh Quan Chánh B, cho đến nay vn chưa có câu tr li và vẫn đang gây rt nhiu tranh cãi gay gt.

Danh sách trên vẫn chưa đy đ. Trong thc tế còn nhiu d án nh cp đa phương đã và đang được trin khai nhưng không có nhng nghiên cu làm cơ s và cũng chng có đánh giá tác hi môi trường t các chuyên gia độc lp.

y vy mà cho đến nay vn có nhng người trong gii cm quyn và giới khoa hc thuc qun lý ca nhà cm quyn cho rằng h đã thành công trong vic nâng cao sn lượng nông nghip qua các công trình thủy li và "ém phèn" được xem là "thành công ngoạn mc". Tht ngc nhiên, mt thành tu ln như vy mà không h có bt c mt công b khoa hc nào trên các din đàn khoa hc quc tế ! Tuy nhiên, đi vi nhng người sng và làm vic đng bng sông Cu Long thì nhng thành tu đó ch là trên giy. Nhng "ngôi sao" khoa học hình như xut hin nhiu trên h thng truyn thông ca Nhà nước hơn là trên din đàn khoa hc nghiêm chnh.

Giáo sư Nguyễn Văn Tun, mt nhà khoa hc có nhiu tri nghim trong nước và qua nhiu năm quan sát min quê đng bng sông Cu Long cho rng : "Sự tht là mt s không nh trong gii khoa hc Vit Nam làm nghiên cu không theo chun mc quc tế, kết qu không được công b, nên chng ai biết thc hư ra sao. Báo chí trong nước và ngay c B trưởng B Khoa hc và công ngh cũng tha nhn rng nhiu 'công trình' của h thường nm trong hc t, ch ít khi nào được công b. Ngay c khi được công b thì du hi ln vn lơ lng trên nhng s liu h báo cáo".

Cũng Giáo sư Nguyễn Văn Tun, nhn đnh : "[…] còn quá sớm đ quy nhng công trng - nếu có - cho gii khoa học. Tôi quan sát min quê tôi thì thy s tht là nhng thành tu v tăng năng sut trng trt và lúa là do người nông dân xoay x. Nông dân t th nghim cho đến khi đt được kết qu tt (kiu trial-and-error). H có th không biết nhng nguyên tc thí nghiệm hay ngu nhiên hoá, h có th không rành tính toán như các k sư & tiến sĩ, nhưng qua trial-and-error, h có th lai ging và to ging mi, chế to máy gt lúa, máy cy lúa, máy hút lc bình, v.v. Gii khoa hc chng giúp gì cho h trong các sáng kiến đó. Người nông dân thiếu ch đ nói đó là công trng ca h, và thay vào đó có nhng người mang mác 'tiến sĩ' giành công trng cho mình. Ai cũng biết tác nhân làm nghèo làm kh nông dân min Tây là cái tp đoàn lương thc có tng hành dinh nm ngoài… Hà Nội".

Vit Nam, người ta có câu khuyên các nhà qun lý và khoa hc quc doanh : đng làm gì hết, ngi yên đó đ dân nuôi, vì h làm là hư hng.

Trong thực tế min nào (Nam, Trung, Bc) cũng đu có nhng hin tài vi c nhân cách, h như nhng cánh sen giữa bùn ly và nhà cm quyn đã không có mt chính sách chiêu hin đãi sĩ khiến ngun cht xám y không được trng dng ; đ ri nhng tài năng y hoc b mai mt hoc h phi chn con đường b đt nước ra đi.

Và cũng không phải là quá kht khe khi dân gian nhắc tkhái niệm "gii khoa hc quc doanh" theo cái nghĩa xấu nht : đó là mt tp đoàn đi lt khoa bng b mua chuc, chèn ép nhng người có thc tài, h cu kết vi nhau, mai phc trong các b các ngành Vit Nam và nghim nghiên tr thành công c, tệ hơn na h tr thành mt dàn kèn dư lun viên bênh vc vô điu kin c nhng sai trái cho mt gung máy chuyên chính ch biết vơ vét và chia chác quyn li. Và nn nhân không ai khác hơn chính là đám dân đen câm nín và tiếng kêu than ca h nếu có cũng không được lng nghe.

Thay lời kết : Con đường vòng 43 năm

Bây giờ, chúng tôi đang đng mút cui con Sông Hu, nhìn tng đt sóng v vn còn màu nâu nht ca phù sa nơi ca sông tri rng đ chan hòa vào bin c ; bao nhiêu cm xúc tràn v, như mflashback, chợt nh li hơn mt ln qua Long Xuyên, nơi có tượng đài Bông Lúa Con Gái của Mai Chng, mt c tri và cũng là mt tên tui ln trong lãnh vc điêu khc ca Min Nam.

Sau 30 tháng 4, 1975, cùng với chiến dch đt sách, Tượng đài Bông Lúa y đã b phá sp, qu không phi là m"điềm lành" cho tương lai nn Văn Minh Lúa Go và c hu vn ca toàn vùng sông nước Cu Long.

Người dân Vit Nam, và hơn 17 triu cư dân đng bng sông Cu Long nói riêng đang thm mơ ước gì ? Mơ được tr li vi mt nn giáo dc nhân bn đã có t 43 năm trước. Mơ được sng tr li vi mt Min Tây trù phú vi go trng nước trong, cây trái trĩu cành và tôm cá đy đng. Thi hoàng kim y đã qua ri, sau 43 năm "ci to", mt đng bng sông Cu Long vi ngun tài nguyên thiên nhiên không những đã nghèo đi, người dân còn phi chng kiến nhng dòng sông đang chết, phm cht cuc sng (quality of life) ca h sa sút, họ phi sng ngày đêm trong ni bt an vi đt, nước, không khí ngày càng thêm ô nhim. Và cũng dễ hiểu ti sao đã có ngót 2 triu cư dân đng bng sông Cu Long b làng xóm ra đi. Cuc t nn môi sinh y không có du hiu suy gim.

Và cũng đã hơn mt ln, trong các bài viết, người viết đã nêu rõ quan đim : "môi sinh và dân chủ phi là mt b đôi không th tách ri".

Đồng bng sông Cu Long, tháng 12/2017

California 04/2018
Ngô Thế Vinh

Nguồn : VOA, 30/04/2018

Tham khảo :

1/ Luồng Quan Chánh B trước nguy cơ st l. Vic no vét luồng Quan Chánh B được d báo s tiêu tn chi phí ln trong nhiu năm, báo Đi Đoàn Kết,  04/07/2017

2/ Để không phi tiếp tc theo lao, Giáo sư Nguyn Ngc Trân, báo Đt Vit, Th Hai 10/04/2017 

3/ Người dân Trà Vinh sng thp thm cnh luồng tàu bin, Dip Phong-Phú Cường, VTV9, 16/11/2017 

4/ Giới trí thc và quan chc bàn v luồng tàu Bin vào đng bng sông Cu Long. Kinh Tế Bin Việt Nam, 29/01/2012 

5/ Cống đp chn mn gây ri lon h sinh thái và nhng cái giá phải tr. Ngô Thế Vinh. Viet Ecology Foundation. 12/2017 

6/ Cửu Long cn dòng, Bin Đông dy sóng. Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Ngh 2000. Mekong Dòng Sông Nghn Mch. Ngô Thế Vinh, Nhà xuất bản Văn Ngh 2006.

Published in Văn hóa