Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 09 novembre 2017 13:47

Damrey, Phan Anh và lụt miền Trung

Bão Damrey càn quét Phú Yên, Khánh Hòa, gây thiệt hại, tang thương không kể xiết. MC Phan Anh làm giám khảo cuộc thi hoa hậu và đưa ra lời phát biểu, đại khái "có ngừng cuộc thi hoa hậu thì thay đổi được gì ? Nhà này có đám ma, nhà kia có đám cưới thì bớt vui đi một chút chứ dừng mới hài lòng hả bạn ?...".

hoahau1

Cơn bão Damrey đã gây nhiều thiệt hại lớn về người lẫn tài sản cho Việt Nam

Sau bão, miền Trung lụt từ Huế đến Quảng Ngãi, số người chết, đến nay chưa thống kê đầy đủ (bởi một số nơi vẫn còn bị chia cắt do ngập nặng) đã lên 38 người. Cả ba trường hợp này tưởng như không có gì liên quan nhau, nhưng thực tế, nó cho thấy một hiện tượng : Vô Cảm Tập Thể.

Vì sao tôi gọi ba trường hợp này là Vô Cảm Tập Thể, vì bão Damrey có liên quan gì đến vô cảm, Phan Anh có liên quan gì đến vô cảm tập thể và người chết do lũ lụt thì liên quan gì đến vô cảm tập thể ?

Có đó, vấn đề thiên tai thì đương nhiên khó mà lường được hết hậu quả của nó và chuyện chết chóc, tang thương là khó tránh khỏi, bão Damrey cũng vậy. Nhưng thái độ cũng như cách hành xử giữa người với người sau thiên tai mới là vấn đề đáng nói. Ở đây, tôi muốn nói đến tính vô cảm tập thể của không chỉ riêng một nhóm người gồm ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ 2017 ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Mà tính vô cảm nằm trong cơ quan chủ quản, cả một tập thể các hội, đoàn từ Hội Nông Dân đến Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh, rồi Chủ tịch, Bí thư, Phó Chủ tịch, Giám đốc trung tâm văn hóa và thể thao Khánh Hòa… Thậm chí ông Thủ tướng Việt Nam, ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước, ông Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin và thể thao Việt Nam, bà Kim Ngân Chủ tịch quốc hội cùng hàng loạt các quan chức có thẩm quyền đều vô cảm.

Bởi : Lẽ nào các ông, các bà không nhìn thấy thiên tai ? Lẽ nào các vị không có thông tin gì về cuộc thi hoa hậu ? Tại sao nhìn thấy đồng bào bị thiên tai, bị chết chóc, tang thương, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy thảm họa và đau buồn mà vẫn có một cuộc thi ba vòng ưỡn ẹo, đèn màu sặc sỡ ngay cái nơi tiếng khóc chưa kịp nguôi, nỗi đau còn uất nghẹn… Quí vị chẳng hề lên tiếng yêu cầu dừng cuộc thi hoặc giả dời cuộc thi sang thời điểm khác ?

Tại sao các chân dài, những người ngoài việc thi nhan sắc còn thi về tài năng và độ thông minh lại có thể im lặng đồng lõa với cuộc thi này ? Và đặc biệt, MC Phan Anh (người đã cầm số tiền khủng trên hai mươi tỉ đồng của những nhà hảo tâm để đi cứu trợ…) đã có phát biểu hết sức vô cảm và thiếu tình người như vậy là do đâu ?

hoahau2

MC Phan Anh (phải) làm giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017

Tất cả, chung qui cũng vì xã hội Việt Nam, suy cho cùng, một bộ phận không nhỏ những kẻ có quyền, có thế lực hoặc có tiếng vang đã sống và tồn tại bằng chính bản chất vô cảm của họ thông qua những pha diễn sâu, lấy nước mắt của đồng loại để được việc bản thân. Thử nghĩ, với cơ chế hiện tại, việc xây dựng một thủy điện hay xây dựng trạm BOT dựa vào yếu tối nào ?

Xin thưa là xây dựng thủy điện và xây dựng trạm BOT hoàn toàn không dựa vào khả năng, tài lực của bản thân mà dựa vào mối quan hệ với giới quan chức, dựa vào cái dù bên trên. Muốn xây dựng một thủy điện, tại Việt Nam, không cần bỏ ra đồng vốn nào vẫn có thủy điện. Việc đầu tiên là cần một mối quan hệ quyền lực thật tốt, sau đó mua một giấy phép kinh doanh, thành lập công ty với vốn điều lệ và vốn pháp định (cũng ảo nốt). Và vẽ ra dự án thủy điện. Dự án đã được duyệt là xem như có thủy điện mà không cần tốn đồng nào.

Bởi mục tiêu đầu tiên của "nhà đầu tư thủy điện" là khai thác rừng lòng hồ. Với trữ lượng gỗ khai thác được cũng đủ để ôm một khối tiền để xây nền móng, khởi công, sau đó kéo dài quá trình xây dựng, kêu rêu thiếu vốn, xin đi vay, bán cổ phần non để huy động vốn. Cuối cùng, khi thủy điện xây xong thì bán điện. Xem như tay không bắt được cọp trong hang. BOT cũng vậy, dựa vào mối quan hệ phe nhóm mà xin "làm nhà đầu tư". Đường thì chẳng làm bao nhiêu mà chặn ngay cửa ngõ, nơi chẳng hề có đồng đầu tư nào rót vào để thu tiền người dân. Thử hỏi, có bao nhiêu trạm BOT trên đất nước này không thuộc phe nhóm con ông cháu cha, thế lực đỏ ? Chắc chắn là không có bất kỳ trạm BOT nào không đính đến thế lực đỏ, con ông cháu cha !

Nói như vậy để thấy rằng từ trạm BOT cho đến thủy điện không mang lại bất kỳ mối lợi nào cho nhân dân ngoài nỗi khổ, hậu quả khó lường, thậm chí tai ương chết chóc. Nhưng mỗi khi xả lũ, gây ngập úng, hư hại tài sản của người dân, rồi gây chết người, có bao giờ thủy điện đứng ra đền bù hay xin lỗi người dân ? Có bao giờ nhà nước, chính phủ đứng ra làm trọng tài, yêu cầu thủy điện phải giải quyết thỏa đáng, phải có thái độ hối cải và đền bù hợp lý cho dân ? Không, hoàn toàn không có điều này !

Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện lũ lụt do nhân họa và thủy điện phủi tay đứng nhìn, sau đó ném vài thùng mì tôm gọi là cứu trợ với câu chuyện Phan Anh kêu gọi cứu trợ, sử dụng tiền cứu trợ bất minh, sai mục đích rồi sau đó nghiễm nhiên tham gia ban giám khảo cuộc thi hoa hậu ngay cái nơi chết chóc thiên tai, tang tóc đau khổ, khi dư luận lên tiếng thì lại có những phát biểu vừa ngu ngốc vừa vô cảm… Là vì tất cả những sự việc này có mối liên đới trong một tập thể vô cảm có quyền lực.

Thử đặt câu hỏi : Tại sao Phan Anh nghiễm nhiên kêu gọi người trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền hàng chục tỉ đồng mà an ninh không đụng đến anh ta trong lúc những nhà hoạt động xã hội khác kêu gọi không được bao nhiêu thì lại bị theo dõi, bị gây khó khăn ? Câu trả lời cho đến giờ phút này đã rất rõ : Vì Phan Anh làm từ thiện theo mục tiêu của nhóm quyền lực đỏ, nó ngược hoàn toàn với các nhà hoạt động xã hội khác về mục tiêu.

Nếu như mục tiêu của các nhà hoạt động xã hội là giúp cho người dân thoát khỏi kiếp nạn do thủy điện gây ra và giúp người dân tự làm sáng tỏ vấn đề do đâu mình bị thiệt hại, mất mát, mình cần phải được đền bù ra sao… Thì Phan Anh làm theo một hướng khác. Trong lúc miền Trung bị nhiễm độc biển, bị lũ lụt, Phan Anh kêu gọi "giúp mỗi gia đình 500 ngàn đồng và một ký mắm ruốc, gạo thì đã có chính phủ lo…". Lời kêu gọi này khác nào khuyến khích người dân dùng hải sản ?

Và rõ ràng cú vận động từ thiện của Phan Anh, sau đó là vở kịch "đấu tố truyền hình" giữa Phan Anh và Tạ Bích Loan đã nhanh chóng tập trung mọi sự chú ý cũng như thiện cảm của người dân vùng lũ vào Phan Anh. Kết quả là Phan Anh trở thành ngôi sao từ thiện và là một tuyên truyền viên hot nhất của chế độ, của các nhóm lợi ích. Cuối cùng, người dân vùng lũ bị đánh lạc hướng bởi Phan Anh. Người ta quan tâm đến suất quà từ thiện do Phan Anh mang lại hơn là quan tâm đến vấn đề vì sao mình lại thiệt hại, mất mát. Các cuộc trò chuyện, bàn luận giữa các nạn nhân lũ lụt xoay quanh chuyện Phan Anh đã cho bao nhiêu, làm gì, bị đấu tố ra sao… Tâm lý chờ đợi quà từ thiện cũng lan tỏa khắp nơi.

Thử đặt một câu hỏi : Liệu có khi nào trong hàng chục tỉ đồng mà Phan Anh nhận được từ các nhà hảo tâm kia thực ra là khoản tiền trám miệng dân của các nhóm thủy điện ? Thay vì đền bù hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại, chỉ cần xây dựng nên một "Phan Anh từ thiện" và mượn tay anh ta để nhét khéo, trét miệng người bị nạn để rồi mọi chuyện sẽ chìm xuồng, êm xuôi ?

Đặt ra những câu hỏi như vậy để khỏi phải ngạc nhiên tại sao Phan Anh là một "nhà từ thiện lớn" mà lại có những phát biểu vừa ngu xuẩn vừa vô cảm với thiên tai đồng loại như vậy. Bởi từ sâu xa, đã có những kịch bản dàn dựng hết sức chi tiết và kĩ lưỡng. Một màn kịch đầy nước mắt của bầy linh cẩu dành cho những con cừu non mang tên Nhân Dân trên phông nền vô cảm tập thể !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 09/11/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Tuần qua tại Việt Nam, ngoài chuyện tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng được nhiều giới quan tâm, chuyện đồng Bitcoin bị cấm lưu hành tại Việt Nam và lời đồn thổi sắp có đổi tiền tại Việt Nam cũng là một trong các thông tin gây sóng dư luận. Như vậy, vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam không cho dùng đồng Bitcoin ? Và khả năng đổi tiền có thật hay không ?

bitcoin1

Hình ảnh đồng Bitcoin và đồng đô la Mỹ được chiếu trên màn hình khi các đại biểu lắng nghe các diễn giả tại Hội nghị Interpol Quốc tế tổ chức ở Singapore hôm 4/7/2017. AFP

Ở vấn đề thứ nhất, vì sao Bitcoin không được dùng tại Việt Nam ? Điều này không khó hiểu, bởi chỉ trong vòng chưa đầy mười lăm năm, kể từ khi đồng đô la Mỹ xuất hiện trên thị trường Việt Nam một cách rộng rãi thì tuy bản thân đồng đô la không hề có cuộc cạnh tranh nào với đồng Hồ Chí Minh nhưng đồng Hồ Chí Minh ngày càng rớt giá và khả năng tích lũy bằng đồng Hồ Chí Minh nhét ống tre, cất trong tủ, ký gởi ngân hàng đều bị thay thế bằng việc tích lũy vàng và đô la. Điều này nhanh chóng đẩy chính phủ xuống chỗ không còn uy tín trong nhân dân.

Cũng xin nhấn mạnh là ở đây, đồng đô la Mỹ phát triển một cách bình thường trong rổ tiền tệ quốc tế, thậm chí có phần tuột dốc trong giai đoạn 2009 – 2010 khi nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng. Nhưng tại Việt Nam, nó vẫn đủ khả năng "dìm hàng" đồng Hồ Chí Minh. Vì sao ?

Vì bản thân đồng Hồ Chí Minh (còn gọi là Việt Nam đồng) là một đồng tiền độc tài. Sự độc tài của nó nằm ở sự liên tục rớt giá một cách có chủ ý. Và mỗi lần đồng Hồ Chí Minh rớt giá là một lần đảng và chính phủ cộng sản Việt Nam tự xóa bỏ một đống nợ đối với nhân dân. Ví dụ, những năm đầu sau 30 tháng 4 năm 1975, đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa là đồng tiền có định giá quốc tế, chính quyền cộng sản Việt Nam đã cho đổi với tỉ lệ 1 đồng Hồ Chí Minh lúc đó lấy 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa. Nghĩa là một đồng Hồ Chí Minh tương đương 1 đô la Mỹ. Với số lượng tiền thu về, khi mà ngân hàng Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn hữu dụng ở một số quốc gia, nhà nước cộng sản có thể thương lượng, đổi chác, mang về một số tư bản không hề nhỏ.

Và để có một đồng Hồ Chí Minh, người ta mất ít nhất một chỉ vàng. Nhưng đến năm 1985, thêm một lần đổi tiền mới, tỉ lệ 10 đồng cũ ăn 1 đồng mới. Sau khi đổi tiền, nếu hoán đổi ra vàng, trước đây người ta bán 1 lượng vàng để có chừng 10 đồng, sau vài năm, 10 đồng mua chưa được một chỉ vàng. Cứ như vậy, đến thời điểm hiện tại, tờ bạc mệnh giá lớn nhất là 500,000 đồng chưa mua được 1/6 chỉ vàng. Giả sử lúc mới đổi tiền, người ta bán hàng chục lượng vàng để gởi tiết kiệm, mua công trái, trái phiếu chính phủ, thì hiện tại, số tiền cả lãi lẫn gốc của công trái, trái phiếu cũng chừng 500,000 đồng và mua chưa được 1/6 chỉ vàng. Cũng xin nói thêm, điểm cuối mà vàng trong nhân dân phải về chính là cái nơi phát hành tờ giấy bạc, không ai khác ngoài kho bạc nhà nước và ngân hàng nhà nước.

Chỉ bằng một động tác đơn giản, thả rông đồng tiền trượt giá, chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam đã quỵt được hàng khối nợ với nhân dân. Bởi bản chất của tiền tệ là nhà nước nợ nhân dân, nhà nước in ra một tờ giấy nợ gọi là tiền và áp đặt người dân phải dùng tờ giấy nợ đó để trao đổi, giao thương. Để có tờ giấy nợ đó, người dân phải bỏ ra tài sản từ vàng bạc đến heo gà, trâu bò… và cả sức lao động. Nhưng muốn xóa nợ, nhà nước chỉ cần thu hẹp giá trị của nó lại là xong. Chính vì bản chất quỵt nợ của dân mà ngân hàng và kho bạc nhà nước rất sợ những đồng tiền mang giá trị phổ quát. Đồng Bitcoin là một ví dụ.

Bởi một khi các trường học, xí nghiệp, công sở chấp nhận dùng đồng Bitcoin để thanh toán, điều đó cũng đồng nghĩa với các luồng thanh khoản tự linh động và nới rộng biên độ, thanh khoản Việt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn của thanh khoản quốc tế, ngân hàng nhà nước và kho bạc nhà nước không còn giữ được vai trò độc quyền quản lý (mà có muốn quản lý cũng không được nữa), trở thành cơ quan đổi tiền lẻ để mua bán trên thị thị trường nhỏ lẻ. Ví dụ như người ta đổi từ Bitcoin hay USD ra tiền Việt để mua cá ngoài chợ, mua con vịt, con gà ở quê. Hệ quả của việc này là nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ đánh mất quyền lực độc tài. Bởi một khi không làm chủ, khộng kiểm soát và điều tiết được dòng chảy tiền tệ thì chắc chắn sẽ rất khó để nắm vững quyền lực chính trị.

Nhìn thì đơn giản như vậy nhưng thực tế, đồng Bitcoin và đồng USD đang lấy dần quyền lực độc tài của đảng cộng sản. Chính vì thấy được điều này nên nhà nước cộng sản Việt Nam buộc phải cấm cửa tuyệt đối đồng Bitcoin như họ từng cấm tư nhân mua bán, trao đổi đồng USD cách đây vài năm. Nhưng có một sai lầm mà đảng cộng sản, chính phủ cộng sản mắc phải, đó là thay vì đổi mới bản thân, đổi mới cơ chế để đuổi kịp dòng chảy thời đại thì người ta lại đắp đập, ngăn dòng chảy thời đại để nó ngưng tụ trong cái ao cơ chế của họ. Liệu họ đắp đập, ngăn dòng chảy này được bao lâu ? Và khi đập bị vỡ thì họ sẽ ứng xử như thế nào ? Thật khó để đoán định được hậu quả của hành vi này !

Và cuộc chơi này, rất có thể đảng và chính phủ cộng sản sẽ thua nếu họ tiếp tục chọn cách chơi đắp đập, ngăn chặn trong khi còn nhiều cách chơi khác vừa có lợi cho đảng, chính phủ cộng sản lại vừa có lợi, tạo lực đẩy cho dân tộc. Chặn đồng Bitcoin là một lựa chọn sai lầm mà Thống đốc ngân hàng Việt Nam cùng với bộ sậu của ông ta đã quyết định bởi không nghĩ ra được cách gì hay hơn. Và giả sử tiếp tục chọn đổi tiền, thì không ai khác, chính đội ngũ các chuyên gia của chính quyền cộng sản đã phản phé, đã đánh úp chủ nhân của họ. Nhưng mọi việc cũng còn quá sớm để đoán định bất kỳ chuyện gì.

Nhưng có một thực tế mà Đảng cộng sản Việt Nam đang mắc phải, đó là quá trình phát triển đất nước, phát triển sức mạnh của đảng lại gắn liền với quá trình trương nở những kẻ ăn hại. Thường thì những kẻ ăn hại bao giờ cũng tỏ ra năng nỗ, nhiệt tình, trung thành, vì cái chung… Họ tìm cách thể hiện mọi cái tốt để chờ thời cơ. Khi thời cơ đến, họ sẵn sàng đánh úp và trở cờ, miễn sao có lợi nhất cho họ. Và những biểu hiện đấu tố, hung hăng của các đội cờ đỏ, dư luận viên trong lúc nhà nước ra sức kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc hoặc những chuyên gia cổ xúy độc quyền, độc tài tiền tệ trong lúc nhà nước, chính phủ đang cố gắng bước vào sân chơi thương mại khu vực và quốc tế… Đó không phải là lũ ăn hại của đảng, của chính phủ thì chẳng biết gọi chúng là gì ? !

Rất tiếc là đám ăn hại này lại đang lớn mạnh đến mức có thể tấn công vào hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam bằng những mũi dùi kinh tế chính trị có bọc kẹo đường "bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ". Và những viên kẹo cũng đang ngấm dần vào cơ thể đảng, nhà nước cộng sản. Điều này hoàn toàn bất lợi cho quốc gia, dân tộc. Bởi một khi chúng đủ lớn mạnh và lật đổ chế độ, sẽ có một loại độc tài mới, gian manh và độc ác gấp nhiều lần những gì đang nhìn thấy, đang có.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 30/10/2017

Published in Diễn đàn

Quyền lực chính trị cũng giống như con đập tích nước, nếu người ta xây đập càng cao, chứa nước càng nhiều nhưng bản vẽ và chất liệu để xây đập quá kém, dẫn đến tức nước, vỡ đập, tai họa sẽ khó mà lường.

coluat0

Quyền lực chính trị giống như con đập tích nước, nếu chất liệu xây đập quá kém sẽ dẫn đến tức nước, vỡ đập, tai họa sẽ khó mà lường. Ảnh minh họa (News.cn)

Tình trạng quyền lực chính trị Việt Nam là tình trạng của một con đập chứa nước quá đầy nhưng thân đập lại quá yếu, chẳng biết nó sẽ thành trái bom nước giờ nào. Sở dĩ có chuyện này là do khả năng hiểu biết pháp luật của đại bộ phận người Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, mặc dù đang sống trong thế kỉ 21 nhưng người ta lại hành xử, đối đãi với nhau dựa trên tinh thần cổ luật.

Nói người Việt quen dùng cổ luật không phải là không có cơ sở. Nhưng người Việt quen dùng cổ luật như thế nào ? Và nó có liên quan gì đến nạn tham nhũng của giới quan chức cũng như nạn độc tài, toàn trị ?

Ở vấn đề thứ nhất, người Việt quen dùng luật cổ. Điều này rất dễ nhận biết và hết sức khôi hài ở chỗ mặc dù hệ thống luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một hệ thống luật đã quá lạc hậu, thiếu khoa học, có nhiều kẽ hở và nhiều dấu chấm lửng. Đó là chưa muốn nói hệ thống tư tưởng chi phối hệ thống luật này cũng đã bị vứt sọt rác nhân loại từ rất lâu. Nhưng nghiệt nỗi, với một hệ thống luật cũ kĩ, lạc hậu như vậy mà với người dân, nó vẫn hết sức mới mẽ, lạ lẫm, thậm chí nói ra nghe như từ trên trời rơi xuống.

Chỉ riêng bộ luật dân sự, đây là bộ luật phổ biến và ai cũng cần phải biết, phải nắm những qui định cơ bản của nó. Nhưng hỏi một trăm người, e rằng chín mươi chín người không biết và vẫn đang sử dụng luật nhà Nguyễn trong ứng xử gia đình, họ hàng, bà con. Điều này rất dễ thấy trong quan niệm con trai mới là con của mình, con gái là con nhà người ta, rồi trưởng nam, đức tôn… Mọi thứ quyền lợi, ưu đãi trong một gia đình, cha mẹ đều dành cho con trai nhiều hơn con gái, ngay cả việc sinh đẻ cũng chọn đẻ con trai, đẻ ra con gái thì cứ như gia đình sắp vỡ không bằng. Rồi thêm chuyện ông Trưởng tộc quyết định mọi chuyện, phải tôn vinh dòng tộc, phải làm gì đó để dòng tộc được sáng mặt với xã hội…

Tất cả những quan niệm và hành xử trên, nếu nhìn theo góc độ dòng tộc, hiếu để hay nhìn qua lăng kính Khổng Giáo thì thấy nó hay. Nhưng kỳ thực, đây là thứ quan niệm lạc hậu và làm hỏng xã hội nặng nề mà người ta không nhìn thấy. Một khi coi trọng con trai, xem thường con gái thì nhất định phải có tình trạng gia trưởng, đàn ông là ông trời trong gia đình, một khi quá xem trọng dòng tộc, nghĩ quá nhiều đến dòng tộc thì xã hội sẽ có chuyện gia đình trị, tộc trị, những người không phải là thành viên trong gia đình, dòng tộc thì cho dù có giỏi giang, có năng lực cũng bị xếp ra ngoài hệ thống.

Một khi tính gia trưởng còn tồn tại, tính gia đình trị, tộc trị còn tồn tại thì nhất định sẽ dẫn đến hệ quả bành trướng xã hội, dẫn đến tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ. Và chuyện Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nông Đức Mạnh… Và hàng loạt quan chức trung ương Cộng sản sống như ông vua, dòng họ, gia đình họ như hoàng tộc, nhà thờ tộc của họ còn lớn hơn cả lăng mộ vua chúa ngày xưa cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi người ta đã khéo vận dụng gia đình trị, tộc trị vào xã hội và biến nó thành một điều hiển nhiên.

Gia trưởng, gia đình trị, tộc trị trở thành đương nhiên trong xã hội, tính phong kiến nhuộm màu sắc xã hội mặc dù đã bước sang giữa thế kỉ 21 bởi vì cái nếp gia trưởng, nếp suy nghĩ của đại bộ phận người Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn luật nhà Nguyễn, vẫn còn xem chuyện đức tôn, trưởng nam, sự bề thế của dòng tộc là tiêu chí, mục tiêu phấn đấu trong xã hội. Bởi chính cái nếp nghĩ vừa lạc hậu vừa cổ hủ này có mặt khắp mọi nơi nên người ta dễ dàng chấp nhận và hành xử theo lối phong kiến.

Điều này giải thích vì sao Phạm Sĩ Quí, một quan chức cấp tỉnh, chỉ mới là Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường đã dám sống như một ông vua, tráo trở, lươn lẹo, đạp qua dư luận… Bởi ông ta thừa biết cái quyền lực dòng tộc của mình là hợp lý trong nếp nghĩ, trong sự cam chịu và mặc nhiên thừa nhận của đại bộ phận nhân dân, bởi nhân dân biết ông ta tham nhũng là phạm luật nhưng đứng trên góc độ gia đình trị và tộc trị thì Phạm Sĩ Quí lại có cái "danh dự" của kẻ làm cho dòng tộc mát mặt, thể hiện sự bề thế của dòng tộc.

Nói cho cùng, mối nguy của dân tộc luôn đến từ hai chiều, từ phía nhân dân và từ phía quan chức, đảng cầm quyền. Bởi nếu như nhân dân chịu khó, chịu đọc, chịu lấy bớt tiền mua rượu gạo, mua bia hơi để mua sách báo, mua cuốn luật về đọc, để cải thiện bớt tư duy, giảm bớt lạc hậu và đừng thả mặc cho số phận thì chắc rằng những kẻ làm quan cũng không đến nỗi tác oai tác quái như hiện tại. Đám quan lại nắm quyền bao giờ cũng muốn nhân dân là một lũ ngốc, lạc hậu, hũ nút, bởi dân càng mụ mị bao nhiêu, kẻ cầm quyền càng dễ sai bảo và củng cố thế lực bấy nhiêu.

Hiện tại, có thể nói rằng quyền lực của giới quan chức Cộng sản Việt Nam cũng mạnh như một con đập báo động đỏ, nghĩa là nước đã tràn đê, tích tụ quá nhiều. Mà kẻ xây đập, tích tụ nước không ai khác ngoài nhân dân. Nhân dân đã xây con đập quyền lực Cộng sản bằng những viên gạch thuế, những mẻ bê tông công trái, những ngày công xã hội chủ nghĩa thụ động và nhiều viên gạch, vữa hồ khác. Nhưng cái bản thiết kế của con đập lại thiếu những cây trụ bê tông dân chủ, nhân quyền, tính đa nguyên, tính cởi mở chính trị, tính nhân bản… Và nhân dân vẫn cứ xây miệt mài, xây mà quên mất mình đang xây, bởi việc xây dựng này đã bị cưỡng bức, đánh tráo với nhịp điệu sống thường nhật.

Chính vì nhiệt tình xây, miệt mài xây nhưng lại không có thiết kế, không có kết cấu vững chãi nên con đập quyền lực Cộng sản tích tụ rất lớn mà lại không có khả năng chịu lực để tránh vỡ. Và vô hình trung, nhân dân đã tự xây dựng một quả bom nước treo lơ lửng trên sinh mệnh của mình. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe này là vì cho đến bây giờ, số đông, rất đông người Việt Nam vẫn tư duy về gia đình, xã hội theo lối phong kiến, vẫn ứng xử theo cung cách gia trưởng, gia đình trị, tộc trị. Từ chỗ những tế bào gia đình lan ra cơ thể xã hội, một cơ thể sống ở thế kỉ 21 nhưng tư duy và hành xử vẫn còn ở thế kỉ 19.

Vì nếp gia trưởng đã ăn mòn nên người ta dễ dàng chấp nhận gia trưởng, chấp nhận gia đình trị, dẫn đến dễ dàng chấp nhận làng trị, xã trị, huyện trị, tỉnh trị và cuối cùng là trung ương trị, đảng trị, độc tài, độc đoán. Bởi điều này phù hợp với vô thức tập thể của một dân tộc. Và một khi người Việt không thay đổi tư duy, không đuổi bắt kịp nhân loại chí ít về mặt hiểu biết pháp luật, nhân quyền, tự do, công ước quốc tế về quyền con người… Thì hệ quả tất yếu là sự cam chịu tập thể, là hàng hàng lớp lớp các Phạm Sĩ Quí khác sẽ ung dung hưởng lạc trên mồ hôi, xương máu của đại bộ phận dân đen.

Mọi thứ nên trở lại và bắt đầu bằng tư duy về pháp luật, đừng để mọi thứ đang chạy trong thế kỉ 21 mà nếp nghĩ, quan niệm về xã hội vẫn còn đậm chất cổ luật. Bởi cái giá phải trả cho điều này không hề nhỏ !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 24/10/2017

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 19 octobre 2017 22:29

Những cái chết thương tâm !

Phải nói rằng (dù lạnh lùng !) Việt Nam đã trải qua hơn nửa thế kỉ lịch sử với những cái chết thương tâm và vô lý. Đất nước này chưa bao giờ thuyên giảm những cái chết phi lý. Trước 30 tháng 4 năm 1975, những cái chết "bất đắc kỳ tử" do bom nổ, đạn lạc chiến tranh. Sau 30 tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh đã im tiếng súng, những tưởng rằng đất nước sẽ giảm thiểu, thậm chí chấm dứt những cái chết thương tâm và phi lý. Nhưng không, có vẻ như cái chết thương tâm ngày càng gia tăng tại Việt Nam !

chet1

Hà Nội : một thanh niên 17 tuổi chết sau 2 tháng ở trại tạm giam - Ảnh minh họa

Những cái chết thương tâm mà tôi muốn nói đến là những cái chết gì ? Và do đâu người dân Việt Nam phải gánh chịu sự tan thương, mất mát này ?

Thưa, đó là chết trong đồn công an một cách mờ ám ; Chết bởi ngồi nhậu, đùng một cái bị trúng đòn, ngã lăn ra trọng thương rồi chết mà không biết vì sao mình chết ; Chết vì đến bệnh viện, uống nhầm thuốc giả ; Chết vì tai nạn giao thông mặc dù đi đứng cẩn thận, đúng luật ; Chết vì lũ quét, vì xả đập… Chết lúc đang ngủ, chết lúc bụng đói, chết lúc đang ăn cơm, chết lúc đang đi học về… Và cả chết dần chết mòn bởi thực phẩm chứa chất độc hại ngấm vào cơ thể từng phút, từng giờ, từng tháng, từng năm… Những cái chết đau thương và bi cảm ấy vẫn cứ quấn lấy đất nước này, dân tộc này.

Vì sao ? Vì sao khi đất nước không có tiếng súng chiến tranh mà con người lại chết quá nhiều, chết đau thương, chết nhiều hơn cả thời súng nổ, đạn bay ? Bởi vì đất nước này chỉ mới ngưng tiếng súng chiến tranh nhưng tâm hồn chiến tranh, tư duy chiến tranh và tập khí chiến tranh vẫn chưa bao giờ ngưng.

Nói rằng tâm hồn chiến tranh, tư duy chiến tranh và tập khí chiến tranh vẫn chưa bao giờ ngưng bởi vì người ta vẫn chưa bao giờ thôi nghi kị nhau, chưa bao giờ thôi ném cái xấu, cái tệ về phía đối phương và chưa bao giờ giải trừ cái ranh giới bạn – thù. Đất nước đã xóa bỏ lằn ranh địa lý Nam - Bắc ở vĩ tuyến 17 nhưng lại có một vĩ tuyến 17 khác đã hằn sâu trong ký ức tập thể của dân tộc Việt Nam ! Người ta vẫn nhìn nhau một cách đầy phân biệt và có phần miệt thị với khái niệm "dân Bắc – dân Nam", người ta chưa bao giờ thôi nghĩ đến chuyện "con ngụy – con ta". Và đáng sợ nhất là chủ nghĩa xét lý lịch vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên.

Bởi tư duy phân biệt "phe ta – phe địch" nên mọi quyền lợi, trách nhiệm và cả bổn phận với quốc gia, dân tộc cũng được chia thành "của phe ta và của phe địch". Mọi quyết sách có ảnh hưởng đến dân tộc, quốc gia đều bị qui về "quyền lợi của ta, quyền lợi của đảng". Và không dừng ở đó, người ta tự kỉ rằng dân tộc là đảng, đảng là dân tộc và mọi lợi ích dân tộc đều thể hiện trên lợi ích của đảng, của nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân, giềng mối dẫn đến tình trạng phe nhóm cát cứ càng ngày càng nhiều, càng mạnh thêm và tha hồ tác oai tác quái, phá nát đất nước như vùng đất phi chính phủ, phi nhà nước hiện nay !

Khi các nhóm lợi ích "phe ta" đủ mạnh, đủ chân rết để hình thành cái bẫy lợi ích mà trong đó, bất kì kẻ nào đã nếm miếng mồi của họ đều rơi vào tình cảnh hoặc là tất cả cùng sống, hoặc là chết chùm thì hệ quả của nó sẽ là một quốc gia mà trong đó, những kẻ bất chấp sẽ nắm quyền, sẽ đạp lên lợi ích của những người không có quyền lực để củng cố sức mạnh phe nhóm, để cùng hưởng lợi lộc. Và lợi lộc sẽ thuộc về "phe ta", những ai không phải của phe ta thì chết sống mặc bây, đã có hàng trăm kịch bản chia sẻ, từ thiện, cứu trợ bày sẵn, khi cần thiết sẽ dùng.

Chưa bao giờ cái câu cửa miệng trong dân gian rằng "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết" lại ứng với Việt Nam như hiện nay. Thân phận của người dân hiện tại cũng chỉ ngang ngửa với ruồi muỗi và sức mạnh của các nhóm lịch ích là sức mạnh của trâu bò, của thứ bản năng tranh ăn tranh thua, không cần biết đến nhân văn, nhân bản, chỉ cần lợi ích nhóm càng cao, nhóm càng phình to, càng bành trướng thì càng tốt. Cái tâm lý đầy ích kỉ của các nhóm lợi ích cũng như cái tâm lý đầy thủ phận, cam chịu của đại bộ phận nhân dân đã nhanh chóng đẩy dân tộc, đất nước đến một thứ căn tính thủ phận, ích kỉ và đội trên đạp dưới, sống chết mặc bây…

Và chỉ cần bước ra đường, tham gia giao thông không thôi, người ta cũng dễ dàng phân biệt đâu là con nhà quan chức, đâu là thứ dân. Con nhà quan chức có thể đi nghênh ngang, đi trái luật, không cần đội nón bảo hiểm (nếu đi xe máy), vượt làn không cần xin đường, thậm chí vượt đèn đỏ ngay trước mặt cảnh sát giao thông vẫn không hề hấn gì.

Nhưng hạng thứ dân thì khác, chỉ cần đi xe máy ra đường thì có thể đối mặt với vô vàn khó khăn, có thể bị cảnh sát giao thông thổi còi, kêu lại "xin ổ bánh mì" mặc dù không hề bị lỗi nào. Đáng sợ hơn cả là nếu như con nhà quan va chạm với thứ dân, gây ra cái chết cho thứ dân trên đường, thì phần thiệt, phần sai bao giờ cũng thuộc về thứ dân, phần đúng, hợp lý bao giờ cũng thuộc về con nhà quan. Điều này như một tập quán của Việt Nam thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Nhưng đáng sợ nhất, chỉ có những kẻ con nhà quyền thế mới dám đứng ra tổ chức những đường dây buôn bán ma túy lớn, bởi họ có đường ra khi va vấp pháp luật. Cũng như các nhóm lợi ích tha hồ phá rừng, tha hồ xây dựng thủy điện, thậm chí tay không đầu tư xây dựng thủy điện (chỉ cần có mối quan hệ tốt trong hệ thống đảng, người ta sẽ dễ dàng xây dựng một dự án thủy điện, thuê pháp nhân có vốn điều lệ, vốn pháp định đứng tên bình phong để thông qua dự án và bắt đầu khai thác gỗ rừng dưới danh nghĩa rừng lòng hồ. Và khai thác gỗ đủ vốn, người ta xây dựng thủy điện, xem như không mất đồng vốn nào mà vẫn có thủy điện, điều này lý giải tại sao tất cả các thủy điện Việt Nam lại nằm ngay khu vực có trữ lượng gỗ quí nhất và khi thủy điện mọc lên thì trữ lượng gỗ quí mất đi hoàn toàn).

Và khi tư duy con người trở nên hoặc là cam chịu, thủ phận hoặc là đạp qua mọi thứ, bất chấp để làm giàu, để trục lợi và củng cố quyền lực, chắn chắn rằng những cái chết thương tâm mà số đông thứ dân phải gánh chịu từ hậu quả làm giàu, trục lợi một cách bất chấp của các nhóm lợi ích là khó tránh khỏi. Và hàng trăm cái chết do xả lũ ở Hòa Bình, những cái chết lạnh, chết đói, chết co ro đầy thương tâm của dân nghèo trôi trong lũ, với một số lượng người chết quá khủng khiếp như vậy mà nhà nước vẫn bình chân như vại, thủy điện chẳng cần tỏ ra hối tiếc, chẳng cần phải xin lỗi nhân dân và chuyện thủy điện đền bù cho nhân dân là chuyện không tưởng… !

Bởi nhân dân đã tự làm quen với cái chết chậm của đời mình bằng cách cam chịu và có phần ích kỉ, xem chuyện người khác không phải là chuyện của mình, chép miệng, xuýt xoa trước nỗi đau của người khác nhưng chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Bởi nhà nước, đảng cầm quyền đã lún quá sâu và hệ thống lợi ích nhóm và kẹt cứng trong đám bùng nhùng này nên chẳng thể làm được gì khác !

Và đáng sợ nhất là khi những cái chết thương tâm vẫn diễn ra hằng ngày trên đất nước, chết nhiều gấp đôi, gấp ba lần so với chiến tranh mà người ta vẫn cố tự ru ngủ mình bằng niềm tin bình yên, niềm tin thắng lợi và niềm tin có tiến bộ. Chính cái tâm lý tự ru ngủ này đã đẩy dân tộc này đến những cái chết thương tâm và nó càng ngày càng bội phát bởi Mẹ Thiên Nhiên không còn muốn che chở con người, bởi con người tự ném thuốc độc vào nhau và bởi cổ máy chính trị Việt Nam đã bị méo mó, biến dạng thành một nhóm lợi ích khủng, đạp lên trên sinh mạng dân tộc, sinh mệnh quốc gia. Thật buồn cho những cái chết của những người dân và cái chết của một dân tộc !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 19/10/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 11 octobre 2017 14:42

Nhạo báng tôn giáo từ bao giờ ?

"Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có "người mẫu" nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể…" (trích từ RFA).

nhao0

Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo

Vấn đề nhạo báng tôn giáo có từ bao giờ ? Thiết nghĩ lúc này cũng nên có câu hỏi như vậy và ai là kẻ nhạo báng tôn giáo nặng nề nhất ? Bởi những câu hỏi này làm rõ hơn vấn đề tự do tôn giáo cũng như nó cho thấy tầm mức văn hóa của người Việt đang ở đâu trong thế giới văn minh này.

Ở câu hỏi thứ nhất : Tôn giáo bị nhạo báng từ bao giờ ? Đương nhiên câu hỏi đã được khuôn giới trong địa hạt tôn giáo Việt Nam, nó không thể lan man ra tôn giáo khu vực hay quốc tế được. Và sự thật là tôn giáo tại Việt Nam luôn bị nhạo báng hoặc lợi dụng từ thời phong kiến cho đến thời kỳ độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Nếu như thời phong kiến, cảm thấy tôn giáo nào có lợi cho sự tồn vong của triều đại, người ta sẽ tìm cách biến tôn giáo đó thành quốc giáo và phổ biến, áp đặt nó trên toàn cõi, bất kì tôn giáo nào khác với "quốc giáo" đều bị đàn áp, chèn ép và tẩy chay. Điều này cho thấy khi người ta thiết lập một hệ thống quốc giáo cũng đồng nghĩa với một thứ tôn giáo độc tài, cực đoan, độc đoán, chuyên quyền đã phủ màu lên đời sống nhân dân. Và người dân không có tự do tôn giáo, không có quyền lựa chọn cho đức tin. Cũng trong chế độ phong kiến, khi thấy tôn giáo không có lợi cho chính trị, người ta sẵn sàng nhạo báng, đàn áp tôn giáo, vua chúa sẵn sàng róc mía trên đầu sư hay bêu đầu cha xứ.

Đến thời độc tài cộng sản xã hội chủ nghĩa, mọi chuyện có phần tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Những tôn giáo nào không có lợi cho nhà độc tài, họ tìm mọi cách để tiêu diệt, xóa dấu, những tôn giáo nào có thể lợi dụng được, họ tìm cách đầu tư, ủng hộ, cổ xúy và quốc doanh hóa tôn giáo đó để biến nó thành một phần trong hệ thống tuyên truyền của họ. Tình trạng các sư quốc doanh hoặc một số cha xứ quốc doanh sẵn sàng rêu rao như một cái loa phường về tính ưu việt của chế độ cộng sản xã hội chủ nghĩa là một bằng chứng đáng xấu hổ về việc tôn giáo bị chính trị lợi dụng.

Với chính trị, tôn giáo mãi mãi là một phương tiện để truyền bá tư tưởng của kẻ tự xem mình là chính thống, mãi mãi là vậy, sẽ không bao giờ có tự do tôn giáo ở nhà nước phong kiến và cộng sản độc tài. Ngay cả những quốc gia dân chủ giả cầy, tôn giáo cũng bị lợi dụng ráo riết bởi đảng thắng thế, đảng cai trị. Bởi tự do tôn giáo chỉ xảy ra khi nào nó không bị thổi hơi chính trị vào bên trong. Nhưng tại Việt Nam, tìm ra tự do tôn giáo chẳng khác nào tìm kim đáy biển. Bởi tôn giáo tại Việt Nam đã bị chính trị hóa bằng những giáo hội, giáo đoàn do nhà nước quản lý và cai trị. Mọi phát biểu của các cao niên,chức sắc tôn giáo đều bị kiểm duyệt bởi cơ quan tuyên giáo nhà nước. Vậy thì làm sao có tự do tôn giáo ? Vấn đề là tôn giáo bị lợi dụng như thế nào và bị nhạo báng ra sao ?

Nói về nhạo báng, xúc phạm tôn giáo, câu chuyện các thanh niên ở Hà Nội chơi trò diễn thời trang gắn biểu tượng tôn giáo vào những vùng nhạy cảm chỉ là chuyện mới nhất, nổi cộm và có tính "xã hội hóa" nhất so với rất rất nhiều chuyện nhạo báng tôn giáo. Ví dụ dễ thấy nhất trong nhạo báng tôn giáo, có lẽ là việc đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt nó vào vị trí ngang với các đấng giáo chủ trong các tôn giáo, treo hình ông này ngang với hình của các đấng giáo chủ ngay tại các cơ sở tôn giáo. Đây mới là sự nhạo báng đáng sợ nhất. Bởi không thể nào biến một ông Cộng sản từng có nhiều tội lỗi trong cải cách ruộng đất, đấu tố… thành một ông Phật và xếp ông ta ngồi ngang với bậc giáo chủ tôn giáo. Đó là chuyện không những xúc phạm, nhạo báng tôn giáo mà còn là sự phỉ báng công khai đối với tôn giáo. Nhưng người ta vẫn làm đấy thôi. Mà không ai làm ngoài những người có chức sắc trong tôn giáo.

Như vậy, nếu nói về những kẻ nhạo báng tôn giao thì có vẻ như chính những chức sắc tôn giáo nhà nước cũng như sự mượn tay, lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền của người cộng sản là những kẻ nhạo báng tôn giáo mạnh nhất. Và việc nhạo báng này được làm trong một chiến lược ngầm có tên tảng băng trôi, vừa nổi 30% để người ta đủ nhìn thấy một phần, vừa giấu 70% ý đồ chính trị và biến tôn giáo thành con tốt chính trị phía bên dưới.

Việc các thanh niên Hà Nội tổ chức thời trang nhạo báng Thiên Chúa Giáo hay một số tay cờ đỏ, dư luận viên công kích các tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo Thống Nhất, Ki Tô, Tin Lành… đều chỉ là phần nổi, phần 30% chính sách mượn tay tôn giáo đã được xã hội hóa, được công khai. Và đương nhiên bàn tay đạo diễn những trò này mới đáng sợ, chứ những người trẻ bồng bột hay những người trẻ ham vui, những người trẻ hăng hái và manh động đã thực hiện một vai nào đó trong trò chơi mượn tay tôn giáo… Suy cho cùng, họ chỉ là con tốt, là nạn nhân của một cuộc chơi lớn và là nạn nhân của chính tính cách, số phận của họ.

Có thể nói rằng câu chuyện làm bức xúc mấy ngày nay về việc thời trang mạo phạm, nhạo báng tôn giáo chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một tiến trình dài lợi dụng, nhạo báng và đập bỏ tôn giáo tại Việt Nam. Bởi đừng bao giờ ngây thơ tin rằng Việt Nam cộng sản xã hội chủ nghĩa có tự do tôn giáo. Tôn giáo chỉ tự do thực sự khi không có bất kì tôn giáo nào được chọn làm quốc giáo và không có bất kì đảng phái chính trị nào xem mình là vĩ đại, tồn tại mãi mãi, sống mãi để rồi mượn hoạt động tôn giáo phục vụ tuyên truyền như một loại thuốc trường sinh.

Không, người ta đã lợi dụng và nhạo báng tôn giáo ngay từ trứng nước, bởi ngay cả ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản như Karl Marx cũng chỉ xem "tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại". Không hơn không kém !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 11/10/2017

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 29 septembre 2017 09:46

Tính hai mặt của từ thiện

Bởi mặt đất thì bao la, lồi lõm và chênh vênh, bởi địa cầu cũng là một sinh thể bay lơ lững trong vũ trụ như một hạt bụi, nên con người đứng trên mặt địa cầu cũng chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi và cô đơn, nên người ta cảm được cái đau của mình và của người, mà san sẻ, chìa tay ra giúp đỡ nhau. Nhưng cũng bởi thân phận con người quá nhỏ nhoi, dễ tổn thương và dễ quị ngã, nên cũng mau chóng sa chân lún sâu vào chính nỗi đau hay thân phận của mình.

tuthien1

Thân phận người dân trở nên nhược tiểu, suy nghĩ của họ bị quanh quẩn trong miếng ăn thụ động thì lấy đâu ra sáng tạo hay phẩm hạnh, danh dự ?!

Sự chia sẻ giữa con người và con người dưới cái tên nghe rất ư đẹp và lành tính là Từ Thiện luôn cần tồn tại nhưng đồng thời cũng có mặt trái của nó, khiến cho con người vốn nhỏ bé càng trở nên nhỏ bé hơn. Vì sao ?

Vì nếu như việc từ thiện chỉ đến rồi đi như một tiếng nấc của tâm hồn, khi bạn thấy ai đó đau khổ, thiếu trước hụt sau, tâm hồn bạn nấc lên một tiếng đau và bạn không ngần ngại, không suy nghĩ gì nhiều, bạn cảm thấy mình phải chia sẻ. Và bằng sự ân cần, tôn trọng, thậm chí kính cẩn trước nỗi đau, nỗi ngặt nghèo của người khác, bạn chia sẻ với người đó, hoàn cảnh đó. Thậm chí, bạn kêu gọi bằng hữu, thân quyến giúp đỡ người đó và khi mọi việc tạm ổn, câu chuyện từ thiện của bạn cũng chấm dứt.

Bởi bạn tôn trọng người đã nhận giúp, bạn xem họ là một người đồng đẳng, bạn không thể tiếp tục giúp và tự xem mình là một ân nhân cũng như để người khác tôn kính mình như một ân nhân hay một "vị cứu thế", một "bồ tát". Bởi một khi người nhận từ thiện cúi xuống, tự xem họ là người chịu ơn và bạn là một ân nhân, một bề trên, mọi việc đã bắt đầu đi ngược chiều.

Tôi là người tương tác việc từ thiện không ít, có những lúc tôi cũng rớt nước mắt mặc dù tôi là đàn ông, và có những lúc tôi thở dài bởi vô hình trung, việc từ thiện của tôi và ai đó đã giết chết một vài số phận. Mà đáng sợ nhất là tôi nhận ra hầu hết việc từ thiện triền miên, kéo dài chỉ diễn ra ở những nước độc tài, những quốc gia mà chỉ số tham nhũng cao ngất và chính phủ tự cho phép họ làm từ thiện.

Bạn cũng có thể lập luận rằng bởi vì quốc gia đó nghèo khổ, có chính phủ tồi tệ nên người dân đói khổ, bạn cần phải đồng hành với người nghèo, và việc chính phủ đồng hành với người nghèo là tốt đẹp. Không ! Bạn đã mắc sai lầm vì suy nghĩ này, bởi giữa kiểu làm việc bòn rút tài sản quốc gia, vắt cùng vơ tận đề rồi ném ra vài đồng cho người nghèo trên danh nghĩa hỗ trợ, cho không hay nói cách khác là từ thiện với kiểu làm việc hết lòng vì người dân, vì sự công bằng và thanh sạch trong xã hội, vì một quốc gia cường thịnh, nhà nhà đều đầy đủ cơm áo và sống văn minh, hiểu biết… Thì các nhà cầm quyền độc tài đã chọn hướng thứ nhất.

Họ vắt đến tận cùng tài nguyên quốc gia vào túi riêng, thậm chí vắt cả mồ hôi, xương máu của người dân thông qua những đợt tăng thuế. Để rồi sau đó, những người dân suốt đời quần quật trong lam lũ, đầu tắt mặt tối, chẳng có cơ hội để hiểu biết tình cờ nhận được những đồng tài trợ, từ thiện, hỗ trợ… của chính phủ, họ lại thấy mang ơn chính phủ và tin rằng mình đã sống trong một chính phủ tuyệt vời, biết lo cho dân.

Sau cái đói và khó khăn triền miên, nhận được một ít tiền (nhưng đối với người nghèo là quá lớn), có thể mua một thứ gì đó để ăn cho đã thèm, họ cảm thấy chính phủ, nhà nước quá tốt đẹp, quá vĩ đại, nhờ chính phủ, nhà nước mà họ có được bữa no, bữa ngon… Chính cái nếp nghĩ đầy bi thảm của những người trải quá quá nhiều thảm khổ này cộng hưởng mà tạo nên một sinh quyến nặng nề, u ám và bất lực. Một chính phủ tốt phải bằng mọi giá tạo điều kiện để người dân có cơ hội mà lao động, sáng tạo và hưởng thụ. Ngược lại, một chính phủ xấu xa sẽ thâu tóm mọi thứ để rồi thi thoảng ném cho một chút để trét miệng, người ta sẽ lún dần vào thân phận nhược tiểu…

Và có một thực tế khác là hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều các nhà hoạt động từ thiện, họ làm việc say sưa, hết mình, không vụ lợi (trừ một số kẻ lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, quảng cáo thương hiệu hoặc kiếm ăn). Nhưng có vẻ như thật sự khó khăn cho cả người làm từ thiện và người nhận từ thiện. Cái khó khăn nằm ở chỗ người làm từ thiện cũng phải thỏa hiệp và chạy đua với chính phủ trong việc làm từ thiện.

Cho dù họ không nói ra hoặc không nhìn thấy nhưng rõ ràng, họ phải làm từ thiện hợp pháp. Nhưng bản thân hai chữ Từ Thiện không thể là phi pháp thì làm sao lại phải đặt nó vào tình huống hợp pháp hay không ? Và việc làm từ thiện song hành với những gói tài trợi rót từ chính phủ, nhà nước đến một bộ phận dân cư nào đó nhanh chóng đẩy bộ phận dân cư đó đến chỗ thụ động nhận sự ban cho của người khác và có khi lại phát triển theo hướng thụ động chờ từ thiện, giữ cái nghèo để chờ từ thiện.

Vì sao ? Vì khi mà mọi cơ hội để kiếm sống bị đóng chặt, người nông dân liên tục bị nhân họa khi mùa màng của họ bị các thủy điện xả đập gây hư hại, heo gà trâu bò bị chết, tài sản bị trôi… Sự mất mất mát quá lớn. Khi mà ngư dân không còn biển để đánh bắt, ra khơi thì bị Trung Quốc bắn giết, cướp bóc, vào bờ thì biển không còn cá để đánh bắt, mà có bắt được thì hải sản cũng đã nhiễm độc, cơ hội sống, tồn tại bị bít lối. Khi mà các dân tộc thiểu số sống từ đời này sang đời khác giữa đại ngàn nhưng đến cây củi họ cũng không được phép lấy, đất không có để canh tác, gỗ rừng quí hiếm lọt vào túi giới chức. Khi mà người lao động Việt Nam bị rẻ rúng như con vật lấy thịt ở ngay trong nước và nước khác… Thì liệu người thấp cổ bé miệng sẽ sống ra sao ?

Lúc này, gói quà từ thiện, đồng tiền từ thiện sẽ giống như sự cứu rỗi ngắn ngủi. Và người dân lại tiếp tục chờ đời những sự cứu rỗi tiếp theo, họ phải so đo giữa việc cố gắng, lao động cật lực để mua cái bàn, cái giường, cái tủ, chịu đói để mua sắm của bản thân có khi lại không bằng ai đó đói kém, không biết làm gì mà lại được người khác cho cả cái nhà ! Bởi thân phận đã bị đẩy xuống bước đường cùng, người ta không đủ tỉnh táo để suy nghĩ về danh dự của đồng tiền kiếm được mà không cần so sánh với đồng tiền được cho !

Hơn nữa, trong xã hội mà những kẻ được người lao động cho rằng có danh dự, mẫu mực là giới quan chức lại là kẻ dùng những đồng tiền dơ bẩn nhất và chẳng có chút danh dự nào. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy người ta không còn nhớ danh dự là gì, miễn sao có tiền, bởi tiền mang lại quyền, kể cả cái quyền áp chết và lấy mất danh dự của người khác. Nếu tiền được cho mà nhiều hơn tiền phải làm ra thì tại sao phải làm ? Điều này lý giải tại sao có nhiều người, nhiều gia đình nhận từ thiện từ năm này sang năm khác mà vẫn nghèo khổ và có nhiều người làm từ thiện từ năm này sang năm khác bỗng dưng trở thành kẻ hợm hĩnh, lố lăng.

Dù sao, lòng tốt, tình yêu thương giữa người với người là cần thiết, là không thể mất. Và nếu thực tâm từ thiện, thì bạn nên nghĩ đến việc đừng lấy hay mua của ai đó một miếng đất, một cái chén cổ, một cái cây gỗ quí với giá rẻ mạt, bán ra với giá cao ngất để rồi mang đến cho người ta vài đồng trong khối tiền kiếm được, người ta lại phải mang ơn bạn. Từ thiện kiểu này là một thứ từ thiện đánh tráo khái niệm và tàn nhẫn, chẳng đúng bản chất của từ thiện. Nhưng chính phủ đã làm vậy và nhiều người trong chúng ta cũng đã làm như vậy !

Cũng như chính phủ không cần phải tài trợ cho người đồng bào thiểu số, mà hãy trả rừng cho họ, trả gỗ quí trong rừng lại cho họ, bắt tất cả những quan chức lạm dụng gỗ quí và dạy cho người thiểu số hiểu được giá trị của rừng cũng như cách ứng xử với rừng hợp pháp, hợp tự nhiên thì họ cần gì vài đồng lẻ của chính phủ rót tới ? Với ngư dân hay mọi thành phần trong xã hội cũng vậy thôi, họ cần cây cần câu, kĩ thuật câu hơn là những con cá vụn của ai đó ban cho sau khi đã lấy mất cần câu của họ.

Một đất nước mà hoạt động từ thiện càng nhiều thì tâm tính con người càng trở nên ủy mị, cải lương và thân phận người dân trở nên nhược tiểu, nhỏ nhoi bởi suy nghĩ của họ bị quanh quẩn trong miếng ăn thụ động thì lấy đâu ra sáng tạo hay phẩm hạnh, danh dự ?!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/09/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 25 septembre 2017 15:19

Trường và chợ

Thời xưa, muốn cho các thế hệ học trò được chuyên tâm học hành, nhân cách phát triển tốt, ông bà chúng ta đã tìm cách xây dựng trường ở những nơi thanh vắng, xa người kẻ chợ và tránh tiếng thị phi. Nhờ vậy mà đã có một thời, nhân cách kẻ sĩ người Việt cao vời, đáng kính.

hoc1

Thời xưa, muốn cho các thế hệ học trò được chuyên tâm học hành, nhân cách phát triển tốt

Còn ngày nay, chợ ở ngay trong trường, ngay trong ban giám hiệu, hội đồng giáo viên, hội đồng phụ huynh, thậm chí ở ngay trong tâm hồn thầy giáo và học trò. Thử nghĩ, với nếp kẻ chợ in đậm dấu ấn nhà trường như vậy thì tương lai Việt Nam sẽ về đâu ?

hoc2

Tại thành phố Hồ chí Minh, giáo viên dạy thêm sai quy định có thể sẽ bị đuổi việc (Ảnh : infonet.vn).

Ở vấn đề chợ trong trường, dễ thấy nhất, có lẽ hằng năm, từ các khoản phí mà cha mẹ học sinh phải gồng lưng để đóng, cho dù có kêu thấu trời xanh thì cũng phải đóng. Để rồi cách sử dụng, phân chia chi tiêu các khoản này ra sao, chi tiêu như thế nào, cha mẹ học sinh và các học sinh hoàn toàn mù tịt. Thêm nữa, hằng năm, cứ mùa tựu trường cũng là mùa chạy đua đấu giá căng tin ở các trường. Muốn đầu giá thành công, chủ căng tin phải chung chi cho hiệu trưởng, ban giám hiệu, để sau đó, khi thắng thầu, người ta lại è cổ học sinh ra để chặt chém. Chỉ mới nhìn qua thôi cũng đã thấy không khí chợ búa đầy trong các trường.

Và phải nói đến ban giám hiệu, những con người mang tiếng là tấm gương, là lãnh đạo ở các trường, họ đã làm được gì ? Tư cách nhà giáo của họ đến đâu ? Câu trả lời là họ chẳng làm được gì để cho nhân cách phẩm hạnh hay đạo đức học sinh được tốt hơn. Và mong sao họ đừng làm thì tốt hơn. Bởi càng làm, họ càng gây tai họa. Thử nghĩ, để có cái ghế hiệu trưởng, người ta đã phải tốn kém bao nhiêu tiền đút lót cho cấp trên ? Và họ đã lấy tiền lại như thế nào ngoài việc nhận đút lót, hối lộ của các sinh viên mới ra trường để được vào dạy trong trường mà họ quản lý. Muốn đi dạy, phải có trên 100 triệu đồng, điều này như một chân lý thời đại mà các sinh viên sư phạm phải thuộc nằm lòng. Đó là chưa muốn nói đến các vụ hiệu trưởng đưa nữ sinh vào đường dây bán dâm, giáo viên phải đổi tình dục với hiệu trưởng để lấy biên chế.

Chuyện nhục nhã mà các hiệu trưởng và giáo viên tạo ra đã làm cho môi trường giáo dục Việt Nam trở nên bẩn thiểu hơn bao giờ hết và thậm chí nó còn bẩn thỉu hơn cả cái chợ. Bởi ở chợ, người ta mua bán sòng phẵng, đôi bên ngã giá, thấy hợp lý thì mua, bán, có thứ gì hư hỏng, ôi thiu, người ta mang ra chỗ đổ rác để vứt vào đó. Nó khác xa cách mua bán của quí thầy, quí cô, các thầy cô mua bán khi đôi bên đều tìm cách gài thế hay để bẫy với nhau, đến khi không còn mua bán với nhau được nữa thì ném thẳng rác vào mặt nhau, thậm chí để rác vung vẫy khắp nơi, làm cho môi trường giáo dục trở thành cái bãi rác.

Trong mối quan hệ giữa giáo viên với hiện trưởng, hiệu trưởng với giáo viên, giáo viên với giáo viên và giáo viên với học sinh, cho dù có tô hồng cách gì, có lãng mạn hóa kiểu gì đi nữa vẫn cho ra kết quả là mua và bán, không hơn không kém, sinh quyển giáo dục thực chất là sinh quyển chợ búa. Giáo viên với giáo viên thì không kèn cựa, tranh nhau từng tiết dạy, đến khi họp hội đồng nhà trường thì chưa có phiên họp nào mỗ xẻ về chuyên môn, sáng tạo mà chỉ tranh cãi quanh quẩn chuyện đồng lương, đồng dạy phù đạo, tiết dạy phân chia không đồng đều… Chẳng có gì hơn.

Mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, không thiếu trường hợp thầy giáo gạ tình nữ sinh đổi điểm, không thiếu trường hợp cô giáo dụ dỗ nam sinh làm phi công trẻ, rồi thêm chuyện dạy thêm, dạy kèm, giáo viên cố tình ém bài trong giờ dạy chính khóa, nói nam tào bắc đẩu cho hết giờ hoặc la rầy học sinh, cáu gắt với học sinh cho xong tiết, đến khi tiết học khép lại thì học sinh rối mù đầu óc bởi một trận la không đâu vào đâu hoặc câu chuyện vô bổ, thậm chí nhảm nhí… Kết cục, học sinh phải tìm cách này hoặc cách nọ đến nhà giáo viên để học thêm, để chấp nhận trả tiền cho giáo viên. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh còn tệ hơn cả chợ búa. Bởi chợ búa người ta mua bán thật thà hoặc chí ít giữ tinh thần thật thà và sòng phẵng dù là hình thức để mua bán. Còn đằng này, mối quan hệ mua bán cái chữ giữa giáo viên và học sinh nghe ra còn tệ hơn so với mua bán chợ búa, đây là thứ quan hệ bên bán ép bên mua, có không muốn mua cũng phải mua !

Người ta nói cha nó lú có chú nó khôn, khi mà mối quan hệ trong giáo dục trở nên tệ hại, người ta vẫn hi vọng vào hội động phụ huynh, bởi đây là hội của cha mẹ học sinh, qua đó, hội sẽ phản ảnh với nhà trường về nguyện vọng của con em mình trong học tập, trau dồi đạo đức hay qua hội, những quyền lợi tối thiết của con em. Nhưng không, hội phụ huynh học sinh trong cơ chế hiện tại là một thứ gánh nặng chi phí cho phụ huynh học sinh. Họ không làm được bất kì trò trống gì cho nên hình ngoài việc đầu năm, ngoài khoản chi phí từ phía nhà trường yêu cầu, phụ huynh học sinh phải gánh thêm một khoản phí hoạt động hội. Hiện tại, học sinh miền núi phải đóng thấp nhất là 50 ngàn đồng trên mỗi em để hoạt động hội, học sinh đồng bằng, thôn quê thì mức đóng thấp nhất từ 100 ngàn đồng, học sinh thành phố có nơi 500 ngàn đồng, có nơi vài triệu đồng.

Số tiền mà cha mẹ học sinh phải đóng này để làm gì ? Để sau khi họp hành qua loa chiếu lệ thì cả hội kéo nhau ra quán, ra nhà hàng ăn nhậu, hát hò… Vô hình trung, hội phụ huynh học sinh trở thành một cái ung nhọt khác gắn lên cơ thể nền giáo dục vốn đã rệu rã, hôi thối. Hội không làm được gì cả ngoài việc các chủ tịch hội toa rập với hiệu trưởng nhà trường để thông qua các khoản phí, yêu cầu học sinh đóng một cách mờ ám để rồi ăn chia tỉ lệ.

Thử nghĩ một nền giáo dục mà ở đó, tính chợ búa cao đến mức ngộp thở như vậy thì nền giáo dục Việt Nam sẽ đi đến đâu ? Thật tâm mà nói, với cơ chế như hiện tại, nền giáo dục Việt Nam chỉ có một lối đi duy nhất, đó là chui xuống hố rác. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tuyệt vọng, hết đường cứu. Vấn đề là các ông chỉ cần rút bớt thứ quyền lực đỏ chi phối trong ngành giáo dục ra thì câu chuyện sẽ tốt hơn. Bởi ngay từ đầu, tính đảng đã chi phối quá nặng trong giáo dục, đến khi nó phát triển thành cô hồn các đảng thì các ông, các bà mới giật mình, kêu oai oải. Lúc đó kêu cũng vậy thôi ! Hiện tại, nên thay Bộ trưởng giáo dục trước tiên, bởi Phùng Xuân Nhạ càng lúc càng tỏ ra bất tài và không có khả năng sư phạm. Nếu không thay Nhạ thì đừng mơ chuyện khác !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 25/09/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
samedi, 16 septembre 2017 22:29

Một lộ trình tâm lý đáng sợ !

Chúng ta, nói chính xác hơn là người dân Việt Nam đã hoàn toàn đánh mất khả năng cảnh giác cũng như đề kháng trước cái ác, cái xấu. Bởi cái ác, cái xấu đã được chính thống hóa suốt nhiều chục năm nay và nó luôn luôn được ưu tiên trong hành xử của nhà nước, đảng Cộng sản đối với người dân bằng những lộ trình tâm lý.

lotrinh1

Đây là một công đoạn trong lộ trình tâm lý, mà đích đến của nó là vàng trong dân.

Những lộ trình tâm lý làm tê liệt mọi khả năng phản kháng, càng lúc càng tinh vi. Câu chuyện Đoàn Ngọc Hải xuống đường dành vỉa hè với nhân dân nhân danh nhân dân và cả nước dành vỉa hè với nhân dân trên danh nghĩa "dành cho nhân dân", sau đó là có những đội bắt chó, gọi là trật tự trị an chó do nhà nước tổ chức. Thực ra, đây là một công đoạn trong lộ trình tâm lý, mà đích đến của nó là vàng trong dân.

Cái lộ trình tâm lý này không phải chỉ diễn ra trong lần này mà nó vốn diễn đi diễn lại, người dân hình như không nhận ra hoặc mơ hồ nhận ra mà không dám nói. Bởi nó là đòn phép tâm lý, là lộ trình nên một khi đã dính phải lộ trình của nó thì mọi chuyện trở nên bất lực, mất khả năng đề kháng hoặc kháng cự một cách yếu ớt.

Những ngày mới thành lập đảng Cộng sản đã khởi động lộ trình bằng tuần lễ gạo, gọi là "hủ gạo nuôi quân", mỗi gia đình phải nhín một phần gạo khi nấu cơm để bỏ hủ, chiều đến hoặc cuối tuần thì người của đảng đến thu hoạch gạo. Đương nhiên không có nhà nào dám để hủ trống, bởi người dân hiểu được mức độ trừng phạt phía sau những chiếc hủ trống kia. Và đương nhiên có những bài học về sự trừng phạt này để "làm gương" cho nhân dân.

Và nhân dân cũng không hay biết, không ngờ được rằng hủ gạo nuôi quân chỉ là khởi động của một lộ trình, để người dân tập quen với tâm lý giao nộp, cống nộp cho đảng. Ít ai biết được đằng sau những hủ gạo nuôi quân là một cuộc tập dượt tâm lý để nhân dân quen và liệt kháng với sự mất mát. Sự liệt kháng này lặm vào vô thức, người ta vừa sợ trừng phạt, vừa chấp nhận mất đi một phần ăn (thời đó chuyện ăn uống hết sức khó khăn, mất một phần ăn đau còn hơn cả bị đánh) để được tồn tại dưới "ánh sáng của đảng".

Và mục tiêu cuối cùng là khi khả năng đề kháng trong nhân dân xuống mức thấp nhất, một cuộc trưng thu vàng, tài sản của nhân dân để sung vào tập thể, để nuôi quân trên toàn miền Bắc dưới danh nghĩa xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Lúc này, hầu như chỉ nghe tiếng kêu than đau đớn của nhân dân nhưng hiếm thấy sự phản kháng, dường như không có sự phản kháng bởi nó bị dập tắt một cách công khai trong sự cam chịu và có chút gì đó thỏa mãn theo kiểu "tao mất thì mày cũng mất, tao mất ít thì mày mất nhiều, mèo nào hơn mưỡu nào !".

Chiêu bài lập lộ trình tâm lý vẫn chưa bao giờ cũ trong chính sách cầm quyền của đảng Cộng sản, mỗi khi cần thiết "huy động" vốn trong nhân dân, họ lại thiết lập một lộ trình tâm lý. Lần này, lộ trình tâm lý có vẻ tinh vi hơn những lần trước, bởi thời đại toàn cầu, những trăn trở về dân chủ, dân quyền trong nhân dân đã mạnh hơn, nếu không tinh đảng Cộng sản sẽ khó mà thành công trên lộ trình của họ. Dẹp vỉa hè, có thể nói đó là bước khởi đầu khá thuận lợi trong lộ trình tâm lý nhằm giảm thiểu tính đề kháng trong nhân dân.

Không phải Đoàn Ngọc Hải hoặc cán bộ đầu ngành ở các tỉnh ngu ngốc đến độ không có cách nào để lấy lại vỉa hè bị lấn chiếm một cách êm thắm nhất, bởi hiếm có chế độ chính trị nào giỏi công tác dân vận, giỏi tuyên truyền hơn chế độ Cộng sản. Họ chỉ cần dùng hàng triệu cái loa phường, hàng triệu cây bút của chế độ và hàng triệu tuyên truyền viên của họ trong vòng một tuần để "vận động, kêu gọi, cảnh báo và thông báo các biện pháp chế tài một cách hợp tình hợp lý", sau đó các đội trật tự đi tác nghiệp, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Chuyện bắt chó cũng vậy, họ có thể dùng biện pháp tuyên truyền trong vài ngày là xong. Nhưng họ đã không chọn phương án này và cố tình làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm. Vì sao ?

Trước nhất, phải xem lại thái độ của Đoàn Ngọc Hải cũng như hầu hết các cuộc đập phá vỉa hè trên toàn quốc, sau đó xét cách làm của đội bắt chó nhà nước. Họ có chung một hành trạng là làm quá mức cho phép. Đoàn Ngọc Hải không những đi lấy lại vỉa hè mà cố tình đập bỏ cả bốt gác của ngân hàng, đập bỏ cả tam cấp của New World và cả tam cấp hành lang một bảo tàng ở quận 1. Ở các tỉnh khác cũng vậy, các đội dọn vỉa hè tha hồ đập phá theo kiểu ruồng hơn là vãng hồi trật tự đô thị. Sau đó, các đội bắt chó nhà nước cũng gặp chó là bắt theo kiểu chụp giật. Cả hai, dẹp vỉa hè và bắt chó đều làm cho nhân dân cuốn quýt, vội vả cất bàn ghế, dẹp mái quay, nhốt chó… để khỏi bị mất tài sản.

Cái tâm lý cuốn nhanh, cất nhanh không thì bị tịch thu, bị phạt diễn ra đều khắp, nó không giống với tâm lý của một người tự chủ, tự biết mình nên làm gì cho phù hợp với guồng máy hoạt động của một xã hội biết tôn trọng con người, có lòng yêu thương và có pháp luật thực sự, biết bảo vệ quyền con người. Ở đây, một kiểu tâm lý cuống quýt và trốn chạy của nhân dân xuất hiện trở lại sau thời gian tạm ngủ quên. Và người ta không kịp suy nghĩ ai đúng ai sai, cứ thấy đoàn nhà nước đến là lo chạy, lo nhốt chó, không dám nói lẽ phải, không dám đấu lý. Bởi có nói cũng không ai nghe, có nói cũng chẳng ai bảo vệ mình, thậm chí còn bị đánh đập.

Và thử tưởng tượng khi cả một cộng đồng dân cứ đứng trơ mắt nhìn các đoàn nhà nước làm việc sai trái, không rõ trắng đen, không đúng qui trình pháp luật và nhân danh tập thể (theo kiểu Đoàn Ngọc Hải tuyên bố "tôi làm là vì sáu triệu dân thành phố") và nếu có người dân nào phản ứng thì người chung quanh không cần biết đúng sai, cũng chỉ đứng nhìn vì trong sâu thẳm tâm lý của họ có sự sợ hải, mặc kệ nó. Bởi họ nghĩ rằng chuyện không liên quan đến bản thân họ, vả lại tịch thu cái bàn, cái ghế hay bắt con chó thì cũng chẳng đến nỗi đói khổ, mất trắng. Chính vì kiểu suy nghĩ này mà người ta không bao giờ hoặc hiếm hoi có hành động đồng cảm hay bảo vệ cái đúng, cái lý đang bị lẻ loi trước các đoàn cường quyền.

Về lâu về dài, cái tâm lý ai mất gì, bị bắt chó hay bị thu bàn ghế cũng không đến nỗi chết đói và cũng không phải chuyện của mình sẽ thành một phản ứng thường ngày trong xã hội. Đến mức này, nhà nước sẽ dễ dàng tịch thu nhà cửa hay vàng bạc của một gia đình nào đó bằng cách dùng lực lượng quân đội, công an, dân phòng phong tỏa, cách ly, sau đó trưng thu, mà thực chất là cướp trên danh nghĩa chính thống/chính nghĩa) trước hàng ngàn, hàng chục ngàn con mắt thờ ơ, bàng quan của nhưng người dân chưa đến lượt. Và cứ như vậy, cách ly, phong tỏa, làm từng gia đình, từng gia đình theo kiểu tằm ăn dâu.

Cuối cùng, muốn huy động bao nhiêu vàng hay tài sản trong nhân dân mà không được. Cướp xong, lấy xong lại cấp cho một cái giấy chứng nhận mượn tạm trên danh nghĩa xây dựng quốc gia, dân tộc. Những nhà khác thấy vậy thì co cụm, lại lo giấu diếm, coi như xong, chẳng ai đứng ra đấu tranh bảo vệ cho ai bởi tất cả đã rớt vào lộ trình tâm lý của nhà cầm quyền, đã bị tê liệt khả năng đề kháng trước cái sai, cái xấu. Và sự tê liệt này được an ủi bằng một cuộc cướp chính thống/chính nghĩa hóa từ phía nhà nước, xem như đó cũng là một kiểu ném cho một chai thuốc đỏ sau khi làm cho bị thương tập thể !

Hiện tại, nếu xâu chuỗi hành vi đầy tính hồng vệ binh của Đoàn Ngọc Hải cũng như hàng loạt các đội dẹp vỉa hè ở các tỉnh, rồi hành vi bắt chó cứ như cướp giật giữa thành phố của các đội bắt chó nhà nước, sau đó xét lại quá trình lấy tài sản của dân mà nhà nước Cộng sản đã từng làm trong lịch sử cũng như động thái kêu gọi vàng trong dân, thành lập hợp tác xã kiểu mới bằng những con người bất hảo (thậm chí mất dạy như Võ Kim Cự) trong hệ thống đảng Cộng sản thì thấy ngay mục tiêu sắp tới của họ là gì !

Có một luật chơi rất rõ, nếu anh thờ ơ trước bất công của người khác thì người khác sẽ bất công trước thờ ơ của anh. Nếu anh chấp nhận và cam chịu sự vô lý thì anh sẽ là kẻ nhận chịu sự vô lý nặng nhất. Và nếu người Việt Nam tiếp tục chấp nhận kiểu làm của Đoàn Ngọc Hải cũng như đám bắt chó nhà nước mà không có phản ứng hợp lý, cái giá phải trả không phải là nhỏ. Bởi ở đây, phản ứng đóng vai trò tỉnh thức và cộng hưởng lẽ phải. Quốc gia, dân tộc chỉ tồn tại khi lẽ phải còn hiện hữu !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 16/09/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 06 septembre 2017 15:56

Vì sao người Việt kém yêu nước ?

Người Việt mê nhậu, người Việt ham bóng đá, người Việt thừa thời gian để ngồi quán cà phê từ sáng tới chiều, người Việt thích tiểu tiện ngoài đường, người Việt thích trộm cắp ở siêu thị nước ngoài, người Việt không yêu nước… bla, bla… Tất cả những nhận xét trên đây về người Việt, có vẻ như không sai ! Vì sao ? Và tại sao một đất nước tự xem mình có đến bốn ngàn năm văn hiến lại ra nông nỗi như vậy ?

yeunuoc1

Tại sao một đất nước tự xem mình có đến bốn ngàn năm văn hiến lại ra nông nỗi như vậy ?

Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao người Việt lại trở nên xấu xí trong con mắt người nước ngoài và người Việt bỗng dưng không yêu nước ? Để trả lời câu hỏi này, thử xem lại người Việt trước đây chừng 150 năm trở lại có những tính xấu xí này không ?

Và câu trả lời là từ 150 trở lại thời Việt Nam Cộng Hòa, đã có rất nhiều người Việt đi ra nước ngoài để làm ăn, học hành, họ chỉ để lại những hình ảnh đẹp và chí ít cũng học được một món nào đó của thế giới tiến bộ để mang về Việt Nam. Cụ Phạm Phú Thứ không học được kĩ thuật làm xe đạp nước là gì ? Cụ Phan Châu Trinh không học được tư tưởng canh tân để tổng hợp thành hệ thống tư tưởng cho Việt Nam là gì ? Và còn rất nhiều thanh niên, trí thức Việt Nam sang nước ngoài để học, làm việc hay buôn bán, làm ăn, lại những dấu ấn đẹp trên xứ người. Câu chuyện ăn cắp ở xứ người chỉ mới xuất hiện trong thời đại cộng sản xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thời gian gần đây.

Câu chuyện trộm cắp này xảy ra song hành với tính khí thay đổi một cách dị hợm của số đông người Việt như hôi của người bị nạn, mê nhậu, ham mê bóng đá, thừa thời gian để ngồi quán cà phê từ sáng tới chiều, thích tiểu tiện ngoài đường, không yêu nước… Sở dĩ có mối tương trùng kỳ quái như vậy là vì các lý do : Người Việt đã sống quá lâu trong khuôn khổ độc tài, toàn trị ; Người Việt đã bị giam hãm trong một bầu khí quyển sắt máu và tàn bạo ; Người Việt đã bị tịch thu mọi thứ quyền và ; Quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm, lương tri, nếu bị tước đoạt quyền lợi, sau đó tước đoạt cả trách nhiệm thì lương tri sẽ bị méo mó.

Và vấn để đáng bàn ở đây lại nằm ở chỗ tại sao người Việt trở nên dửng dưng với hiện tình đất nước ? Giữa những đổ đốn và thói dửng dưng, không yêu nước có quan hệ gì với nhau ?

Thực ra, người Việt vẫn chưa bao giờ xấu xa như người ta nhìn thấy hiện nay, và người Việt cũng không dửng dưng với chính sự với mức như đang thấy. Vấn đề nằm ở chỗ người Việt đã phải đấu tranh sinh tồn ngay trong gia đình với những chiêu trò đấu tố của đảng cầm quyền, để rồi tiếp theo đó là sống dấm dúi, giấu cái ăn, giấu cái mặc và giấu mọi thứ có được do mồ hôi, nước mắt làm ra để phòng tránh bị đảng cộng sản cướp trắng bằng chiêu bài trưng thu, sáp nhập tập thể. Và thói quen dấm dúi, cạnh khóe, đội trên đạp dưới không phải là bản chất nhưng theo thời gian mà hình thành để thích nghi, tồn tại.

Bên cạnh đó, một hệ thống giáo dục tồi với hàng trăm vấn đề cặn bã, dốt nát ẩn náu bên trong cũng như quan niệm giáo dục cũ kĩ, thiếu triết lý giáo dục dẫn đến thiếu tri chất giáo dục và kéo theo hệ quả hàng nhiều thế hệ phải mắc kẹt trong sự tụt hậu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, hiếm có người may mắn thoát ra khỏi tình trạng này. Và những gì nó để lại, chúng ta đang nhìn thấy.

Thử nghĩ bạn đang sống trong một đất nước mà mở miệng nói cũng có thể bị vạ, tài sản làm từ mồ hôi, nước mắt của bản thân và của cả gia tộc cũng có thể bị nhà cầm quyền tìm cách này hay cớ khác mà trưng thu, nhũng nhiễu, khi thấy đất nước lâm nguy, bày tỏ thái độ chống ngoại xâm bằng biểu tình thì bị đánh đập, bị nhốt tù… Mọi quyền được ăn được nói được gói được mở bị giới hạn đến mức tối thiểu. Mọi quyền lợi và trách nhiệm cũng bị lấy mất vì đất nước không có dân chủ, thì bạn sẽ làm được gì ?

Câu hỏi của người trẻ đưa ra, người già đặt lại đều rơi vào bế tắc. Bởi một khi mọi quyền lợi, trách nhiệm công dân đều bị thâu tóm bởi một nhóm cầm quyền, người dân không được tham dự, tham gia bất kì hoạt động chính trị nào nếu chưa có định hướng của đảng cầm quyền, thì liệu người ta có còn giữ được lương tri, phẩm chất yêu nước của mình ?

Điều này hoàn toàn khó và sẽ không thể xảy ra. Bởi người ta đã bị cắt mất quyền yêu nước, thậm chí quyền yêu thương cũng bị giới hạn tối đa do yếu tố lý lịch, xét gốc. Cũng đã từng có nhiều nhóm trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên quyết vượt qua mọi rào cản để đấu tranh, để biểu tình, phát động kêu gọi lòng yêu nước. Nhưng tiếng nói của họ rơi vào thinh lặng và họ bị cô lập.

Trong tình hình hiện nay, rất có thể xảy ra tình trạng Trung Cộng tấn công Việt Nam và sẽ không có người yêu nước nào cất lên tiếng nói của mình nữa. Họ không nói bởi vì họ hết yêu nước mà vì họ hết tin vào chế độ cộng sản. Bởi dù sao, danh nghĩa quốc gia cũng được nhìn nhận bằng hệ thống nhà nước trên phương diện quốc tế. Người ta liên lạc với quốc gia nào đó thông qua hệ thống nhà nước của quốc gia này. Yêu nước cũng là yêu cả hệ thống nhà nước.

Với một hệ thống nhà nước độc tài, toàn trị và dối trá như đang có, Việt Nam chắc chắn sẽ không còn người yêu nước. Nhưng điều này không hẳn xấu, sự dửng dưng hiện tại manh nha và huông đúc một cuộc cách mạng trong một sớm một chiều. Người ta buộc phải thay đổi hệ thống nhà nước để phục hồi và bảo lưu tình yêu dành cho quốc gia. Bởi đây là điêuì cần thiết.

Bởi nhà nuốc chỉ là phần rất nhỏ, mang tính chất đại diện của một quốc gia. Tình yêu dành cho quê hương, đất nước là một đại thể. Người ta không dễ gì đánh đổi đại thể đ0ể chấp nhận một thứ tiểu thể ngược qui luật. Có lẽ cũng chính vì điều này mà đảng cộng sản luôn cố gắng đồng nhất họ với dân tộc, quốc gia. Điều này cho thấy họ đã nhận thức được sự nguy hiểm đang rình rập họ và cũng cho thấy sự thoái trào, tan rã của họ là chuyện không thể tránh.

Hiện nay, tìm một người yêu nước sẽ rất khó, bởi họ chẳng dại gì biểu lộ điều đó. Nhưng tìm những nhân tố hình thành cách mạng thì có vẻ như không còn là chuyện bí mật, khó nói như trước đây. Bởi nhân tố cách mạng nằm ngay trong thái độ dửng dưng, không cần bày tỏ lòng yêu nước và không còn tin tưởng gì vào hệ thống cầm quyền cũng như sự phản tư đi từ trong bếp ra tới chợ, trường học, bệnh viện và (có thể) cả trong các quân nhân.

Và hơn hết, kinh nghiệm lịch sử cho thấy bất kì nhà nước pohong kiến nào, dấu hiệu trước khi sụp đổ của họ là sự quay lưng của họ đối với nhân dân và sự dửng dưng của nhân dân dành cho họ. Thời nhà Nguyễn, người dân đã đứng xem lính nhà Nguyễn và quân Pháp đánh nhau như xem đá banh. Thời bây giờ cũng chẳng khác chi mấy một khi nhân dân chẳng còn tin vào nhà nước, đảng cầm quyền. Nhưng có một điểm khác biệt rất cơ bản là thời này, người ta có thể động viên, rút con em của mình ra khỏi quân ngũ nếu thấy cần thiết và thời cơ đến.

Đảng cộng sản Việt Nam, có thể họ còn tồn tại rất lâu, bởi cho dù sau này Việt Nam có đầy đủ dân chủ đa nguyên thì cơ hội tồn tại của họ cũng còn rất mạnh. Vấn đề là họ tồn tại để làm gì trước pháp đình dân tộc ? Và họ tồn tại thêm được bao lâu. Bởi họ đã làm thất lạc chút niềm tin cuối cùng mà dân tộc Việt nam dành cho họ thông qua lòng yêu nước !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 06/09/20147 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa ?

Câu trả lời là Không ! Bởi họ chưa bao giờ đủ tư cách để thừa nhận hay bác bỏ điều này. Có hàng ngàn lý do và dấu hiệu để nhận biết điều này. Nhưng vấn đề cốt lõi mà tôi muốn nói ở đây chính là Cấp độ văn hóa của thể chế chính trị cộng sản ; Tính chính danh của kẻ thừa nhận/công nhận và ghi chú ; Hệ quả của việc công nhận hay không công nhận này là gì ?

tau1

Bộ Lịch sử Việt Nam do các nhà sử học của Viện khoa học lịch sử Việt Nam hiện tại biên soạn, họ đã vứt bỏ hai chữ Ngụy và thay thế vào đó bằng chữ Việt Nam Cộng Hòa. 

Chuyện công nhận, thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới xuất hiện trong vài ngày gần đây, khi bộ Lịch sử Việt Nam do các nhà sử học của Viện khoa học lịch sử Việt Nam hiện tại biên soạn, họ đã vứt bỏ hai chữ Ngụy và thay thế vào đó bằng chữ Việt Nam Cộng Hòa. Mới nhìn, có vẻ như đây là sự thay đổi lớn về quan hệ giữa hai thể chế cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa. Hay nói cách khác rằng đây là một sự công nhận. Nhưng thực tế, bản chất của việt thay đổi chữ này không phải là công nhận hay không công nhận.

Bởi chữ Ngụy không do quốc tế hay báo giới quốc tế viết nên, nó cũng không do nhân dân viết nên hoặc giả do người Việt Nam Cộng Hòa viết nên mà do chính những người cộng sản viết nên, ép buộc nhân dân phải dùng nó trong suốt quá trình học tập, lao động, tồn tại... Có một thời gian dài, nếu người dân dung chữ Việt Nam Cộng Hòa mà không dùng chữ Ngụy thì gặp rắc rối to. Không thiếu những người bị hạch hẹ, bị đánh gãy răng do cùng chữ Việt Nam Cộng Hòa mà không dùng chữ Ngụy.

Như vậy, suy cho cùng là chữ Ngụy do người cộng sản nhào nặn ra, đến khi họ cảm thấy không thể dùng được nữa thì vứt đi, dùng chữ khác. Và chẳng có sự công nhận hay không công nhận ở đây thông qua động thái đổi chữ của người cộng sản !

Bởi chuyện công nhận chỉ xảy ra khi người ta xin anh công nhận hoặc chí ít người ta cũng bắn tiếng để yêu cầu anh công nhận. Đằng này hoàn toàn không có động thái đó từ những người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Và trên hết là cái điều gọi là công nhận của nhà nước cộng sản cũng chỉ dừng ở chỗ trước đây anh dùng cả một hệ thống tuyên truyền để gọi/áp đặt người ta vào chỗ Ngụy, giờ anh thấy làm chuyện đó tào lao, không bổ ích, anh bỏ nó đi. Như vậy, nếu có thái độ nghiêm túc thì cần phải có thêm một hành vi đúng đắn, thể hiện sự tử tế của chế độ : Công khai xin lỗi những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa vì bấy lâu nay đảng, nhà nước đã mạ lị, xúc phạm họ.

Thái độ nghiêm túc của một chính thể không thể là sự đánh tráo khái niệm, tuyệt nhiên không thể. Không thể bảo với một người nào đó, cho dù nó là đứa trẻ rằng tao gọi mày là thằng Trộm mặc dù tên của mày là Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng/ Phúc/ Quang/ Ngân gì đó. Và sau đó dùng quyền lực bắt người ta phải gọi thằng Hùng, con Ngân... này là Trộm. Cuối cùng, thấy việc mình làm đã quá đà, vô đạo đức, thiếu tư cách làm người thì quay trở lại tuyên bố nó tên Phúc/ Quang/ Ngân/ Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng chứ không phải tên Trộm như bấy lâu nay ! Thực ra việc này chỉ cho thấy anh vẫn chưa chạm được tới ngưỡng của người có văn hóa và anh tự huyễn hoặc bản thân.

Vì anh có công nhận hay không công nhận thì tên của nó vẫn cứ là Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng/ Phúc/ Quang/ Ngân... Cái tên này do cha mẹ đặt và khai sinh cho nó từ lúc mới đẻ, nó không thể vì chuyện anh áp đặt mà biến thành cái tên khác. Hơn nữa bản chất của nó không phải là trộm, cái tên Trộm là do anh áp đặt lên nó không thể làm thay đổi bản chất, gốc gác của nó được. Nó chỉ cho thấy thâm tâm của anh mờ ám, đen tối và thiếu liêm sỉ. Đơn giản là vậy, đừng bao giờ sai lầm nói rằng nhà nước Việt Nam đang công nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa bằng cách thay đổi chữ nghĩa trong các cuốn sử của họ. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với không biết gì cả về lịch sử, chính trị và văn hóa.

Đó chỉ mới là yếu tố thứ nhất, vấn đề thứ hai là tính chính danh của người áp đặt. Cũng nên xem lại tính chính danh của nhà nước cộng sản, hãy xem nó từ chi tiết nhỏ nhất : Tự Do bầu cử. Thử hỏi trong chín chục triệu dân Việt Nam, có mấy người được quyền đề cử, ứng cử ? Và thử xem xét lại trong chín chục triệu dân này, có mấy người biết chính xác về nhân vật mình phải bầu ? Và hơn hết là thử hỏi trong chín chục triệu dân Việt Nam, có mấy người được phép từ chối bầu cử mà không bị ép chế, hỏi han, hạch sách ? Rồi có bao nhiêu điểm bỏ phiếu, không chạy theo chỉ tiêu, thi đua, đánh tráo phiếu gọi là "không hợp lệ" và kết quả bầu cử có được kiểm tra nghiêm túc ? 

Một khi tất cả những câu hỏi này không được trả lời thỏa đáng thì chắc chắn là nhà nước tồn tại, hoạt động nhưng không chính danh. Mà một khi tư cách tồn tại của anh không chính danh thì anh lấy tư cách gì để xem xét, công nhận người khác ? !
Và thực sự, sau khi đã loại bỏ mọi cái vỏ ngôn từ nhằm mị người như công nhận, thừa nhận, xác nhận... Thì mục đích chính của người cộng sản lần này là gì ? Người ta đã đưa ra khá nhiều giả thuyết, cho rằng vì tính chính danh của Việt Nam Cộng Hòa trong vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, nhà nước cộng sản Việt Nam buộc phải công nhận nhằm tranh đấu cho việc lấy lại biển đảo. Chuyện này nghe ra quá mơ hồ và chẳng có giá trị gì. Bởi muốn tranh đấu để lấy lại biển đảo, chỉ công nhận không thôi thì chưa đủ mà phải chính nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đứng ra kiện mới có gái trị pháp lý. Như vậy liệu người cộng sản có muốn điều này ? Hoặc có chấp nhận để Việt Nam Cộng Hòa quay trở lại nhằm giữ toàn vẹn lãnh thổ ? Chắc chắn là không ! 

Giả sử cho rằng, người cộng sản sẽ đại diện cho chế độ cũ để kiện lấy lại Hoàng Sa – Trường Sa, chuyện này nghe ra quá buồn cười bởi muốn thừa kế, đại diện thì anh phải làm tròn trách nhiệm kẻ đến sau, kẻ thừa kế. Anh đã ném vài thế hệ bên thua cuộc vào đen tối, vào hố sâu cùng quẫn, cướp bóc của người ta một cách trắng trợn thì lấy tư cách gì để đại diện ? Ai cho phép anh đại diện ? Chuyện này càng khó !

Chỉ có một khả năng duy nhất, có sức thuyết phục hơn hết là sau động thái tổ chức truy bắt những kẻ đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người dân Đức tổ chức biểu tình kêu gọi chính phủ Việt Nam trả Trịnh Xuân Thanh, nhà nước Việt Nam quá bẽ mặt và thấy rằng mối nguy mất thuộc cấp đang mỗi ngày thêm cao. Trước đây mọi sự chưa rõ ràng, giờ trắng đen đã rõ : Đảng viên cộng sản gộc, tội phạm của đảng vẫn có chỗ dung thân trên đất phương Tây. Như vậy, những ngòi nổ âm ỉ bấy lâu nay trong nội bộ đảng sẽ bùng nổ trong một sớm một chiều khi họ cảm thấy có "đầu ra".

Và thử nghĩ với 5 triệu người Việt ở hải ngoại, họ hầu hết thành đạt và ổn định, cộng thêm với hàng loạt đảng viên có nguy cơ bỏ ra nước ngoài, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ mạnh hẳn lên và họ sẽ có những cuộc hòa giải, hòa hợp trên đất khách sau "tiền lệ" Trịnh Xuân Thanh. Trong khi đó, ngân sách quốc gia ngày càng trống rỗng, người Việt hải ngoại muốn bảo lãnh người thân hoặc tìm cách đưa người thân ra nước ngoài theo diện du lịch, lao động (mặc dù rất ngắn hạn và mơ hồ) nhiều hơn là gởi tiền về giúp như trước đây. Lượng kiều hối từ hải ngoại đổ vào Việt Nam đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2017 đến nay. Điều này khiến cho kẻ lâu nay huênh hoang phải giật mình nhìn lại. Nói là công nhận này khác, thực ra là đang cố dấm dúi để sửa sai và lấy lòng người đã bị mình ám hại.

Nhưng lấy lòng được tới đâu và người ta có chịu im lặng tha thứ, xem như không có chuyện gì hay không lại là chuyện khác. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ thành khẩn, chân thành của kẻ biết mình sai và biết hối cải !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 25/08/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn