Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 30 janvier 2018 23:57

Thấy gì qua bóng đá U23 Châu Á ?

Giải U23 Châu Á khép lại với cúp vàng thuộc về Uzbekistan, huy chương bạc thuộc về Việt Nam trong sự tiếc nuối của hàng triệu người hâm mộ. Nhiều từ ngữ "vuột mất", "không may mắn", "các anh hùng"… được dùng với tầng suất cao để nói về các cầu thủ U23 Việt Nam cũng như nói về chức á quân của họ trong mùa giải.

u231

Hàng triệu người xuống đường, đi bão (thêm một khái niệm mới trong tiếng Việt) sau khi trận cầu diễn ra và sau đó một ngày, người ta vẫn tiếp tục đi bão, hô to "Việt Nam vô địch".

Các báo trong nước tha hồ ca ngợi đội tuyển Việt Nam, nhiều bài viết còn "gáy" rằng đẳng cấp U23 Việt Nam đã bước vào hàng bóng đá quốc tế. Cùng với sự gáy này là nhiều pha nhảy cầu, tự tử (nhưng may mắn có người kịp cứu) vì kết quả bóng đá.

Nhiều băng rôn, biểu ngữ thể hiện sự vô văn hóa đã căng lên và được phổ biến trên mạng xã hội, có tính mạ lị, chửi bới đội tuyển và một số cầu thủ U23 UZB.

Nhiều người xem giải trận chung kết U23 Châu Á là một cái Tết sớm của Việt Nam, thậm chí còn lãng mạn hơn khi nói rằng trận cầu này đã kết nối mọi con tim trong và ngoài nước, nó như một giềng mối hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Về phía chính phủ Việt Nam, họ đã cho hãng VietJet Air cung cấp một chuyên cơ chở đội tuyển U23 Việt Nam về nước. Trong đó, điều đáng nói là hãng VJA đã cho các cô người mẫu mặc bikini tha hồ õng ẹo trình diễn trước các cầu thủ trẻ. Hình ảnh này nhanh chóng tạo thành cơn sóng phản đối trong người hâm mộ.

Chưa dừng ở đây, tuyển U23 VN phải chịu đói, chịu lạnh sau một loạt trận đấu dài hơi, mệt mỏi để vào lăng báo công với Hồ Chủ Tịch, sau đó ngồi xe buýt ra sân Mỹ Đình, tiếp tục ngồi nghe ông Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin Việt Nam đọc một bài diễn văn dài dòng, hoa mỹ đến tận 10 giờ đêm.

Trong khi đó, đội tuyển U23 UZB cũng về nước trên một chuyên cơ, họ được bố trí ngồi nghế hạng thương gia trong không khí yên tĩnh, các cầu thủ mặc quần tây đen, áo sơ mi dài tay trắng, đeo cravat đen, nhìn hết sức lịch lãm và đẹp.

Các báo, đài và người hâm mộ UZB cũng tránh được tình trạng gáy đến khản cổ, tránh được tình trạng bão ngoài đường, hay nói cách khác là UZB tránh được tình trạng ốp đồng tập thể trong và sau mỗi trận đấu, cho dù kết quả, đội tuyển quốc gia của họ vô địch Châu Á, họ vẫn bình thản, không hề có dấu hiệu ốp đồng tập thể như Việt Nam.

Vì sao lại có chuyện trái ngược này ? Và những gì đã diễn ra, xảy ra tại Việt Nam cho thấy điều gì ?

Có thể trả lời nhanh, gọn rằng tầm mức văn hóa của Việt Nam còn quá thấp, điều này không thể chối bỏ mà phải nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cho văn minh, văn hóa hơn !

Và, dù nói như thế nào đi nữa thì nói cho cùng, người Việt Nam quá buồn, quá thiếu thốn, quá mất tự do. Một khi không còn niềm hạnh phúc nào khác, người ta ký thác hi vọng và hạnh phúc vào một thứ gì đó mơ hồ, không có giá trị thật. Một khi quá cô đơn và mất tự do, người ta sẽ gào thét thành bão mỗi khi có cơ hội an toàn. Điều này hoàn toàn ứng với người Việt Nam.

Ở khía cạnh thứ nhất, tầm mức văn hóa Việt Nam còn quá thấp, ở đây tôi không nói đến khía cạnh văn hóa, sự hiểu biết cũng như khả năng ứng xử hay suy tư của từng cá nhân mà tôi muốn nói đến cái gọi là "văn hóa vĩ mô". Bất kì một quốc gia nào cũng có văn hóa vĩ mô, nó được điều tiết bởi hệ thống cầm quyền thông qua cơ quan văn hóa. Có nghĩa là nếu như nhà cầm quyền UZB cũng cổ xúy, cũng tụng ca, cũng bốc thơm chiến thắng của các tuyển thủ quốc gia họ cỡ như Việt Nam thì chắc chắn, hiệu ứng đám đông của UZB cũng sẽ xảy ra, và sự cố ốp đồng tập thể của họ cũng diễn ra.

Nhưng không, UZB đã chọn một phông văn hóa khác, điềm đạm, không ồn ào. Đương nhiên, nếu người dân không hưởng ứng, không sẵn sàng bão thì nhà nước, báo chí có vẫy quạt ba tiêu cỡ nào cũng không bao giờ thành gió. Ở đây, một vấn đề khác, nó cũng không hoàn toàn thuộc về phông văn hóa cá nhân mà bị tác động bởi các chính sách vĩ mô về văn hóa, kinh tế, chính trị.

Một quốc gia mà xung năng tràn ra đường của người dân quá cao mỗi khi có lễ hội, bóng đá, thì việc đầu tiên cần phải xem lại chính sách văn hóa, kinh tế, chính trị mà người dân quốc gia đó đang thụ đắc hoặc gánh chịu.

Khi con người không còn niềm vui nào khác, không còn quyền tự do nào khác, không còn hạnh phúc nào khác, thì người ta sẽ dễ dàng ký thác niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi đau vào bàn nhậu và sân bóng đá và thơ. Bởi chỉ có ở bàn nhậu và làm thơ, người ta mới đủ "dũng khí" để nói những gì mình muốn nói và xả mọi ưu phiền, bực dọc, ức chế vào hơi men. Chỉ có ở sân bóng đá, nơi mà hàng triệu người trực tiếp hoặc gián tiếp tranh giành lấy một quả cầu tròn, mọi nỗ lực và xung năng được ký thác vào đó.

Việt Nam là một cường quốc nhậu, đúng, Việt Nam là một cường quốc thơ, đúng, Việt Nam là một cường quốc bóng đá, đúng ! Tất cả ba cường quốc trên đây đều đúng với Việt Nam. Mặc dù là cường quốc nhậu nhưng hiếm có người Việt Nam nào đủ tửu lượng để thử thách với các tửu thủ phương Tây, hoặc gần hơn là Lào, Thái Lan. Mặc dù là cường quốc thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ nhưng các nhà thơ Việt Nam vẫn không được bạn đọc thế giới biết đến là bao. Mặc dù là cường quốc bóng đá, từ trẻ em cho đến người già sẵn sàng hò hét, lăn xả vì bóng đá nhưng nền bóng đá Việt Nam cũng luôn ở mức lẹt đẹt, cố lắm thì mới hi vọng vươn tới đằng cấp Châu Á !

Vì sao lại có chuyện tréo ngoe như vậy ? Vì cái động cơ lớn nhất để tiến đến một cường quốc không phải là động cơ nội tại của mỗi con người trong nhân dân mà là sự dắt mũi của hệ thống cầm quyền. Nhậu, làm thơ và đá banh như một cửa thoát cho mọi xung năng dân tộc.

Một quốc gia có truyền thống yêu văn chương, yêu hòa bình, yêu sự tiến bộ, nó được đánh giá không phải bởi số đông người cầm bút mà bởi giá trị suy tư, hàm lượng tri thức cũng như giá trị phát sáng trong các tác phẩm từ quốc gia đó. Không phải người Pháp, người Nhật, người Mỹ hay người Nga nào cũng biết làm thơ hoặc thích làm thơ, nhưng nền văn học của các quốc gia này vẫn là đỉnh cao nhân loại.

Không phải người Tây Ban Nha, người Anh, người Bồ Đào Nha, người Nga, người Đức, người Brazil, người Thụy Điển nào cũng mê mẩn trái bóng, cũng sẵn sàng ào ào xuống đường mỗi khi đội tuyển quốc gia của họ chiến thắng nhưng các quốc gia này vẫn là cường quốc bóng đá.

Và rượu cũng vậy, tại các quốc gia được xem là cường quốc rượu bia như Pháp, Đan Mạch, Hà Lan… Nguồn tư bản mang về từ việc sản xuất rượu, bia của họ luôn ở mức khổng lồ, nhưng không vì vậy mà người dân của họ ai cũng mê rượu, ai cũng nhậu be bét.

Bởi hầu hết người dân của các quốc gia tiến bộ có quá nhiều vấn đề để quan tâm và quá nhiều thứ khác mang lại hạnh phúc cho họ hơn là rượu bia, làm thơ và bóng đá. Một chế độ phúc lợi xã hội tốt, một nền giáo dục tốt, một nền an ninh bảo vệ người dân tốt, có sở hữu nhà đất và không phải lo toan khi đụng đến đất đai, một nền y tế tử tế, một nền văn học không mang tính tuyên truyền, một nền văn hóa cởi mở… Chỉ chừng đó yếu tố, người dân có thể làm những gì người ta cảm thấy cần làm, muốn làm như biểu tình phản đối chính sách công bất cập, tìm hiểu về âm nhạc, tìm hiểu về văn chương một cách thấu đáo và đa chiều… Có một ngàn lẻ một cơ hội hạnh phúc đối với người dân các quốc gia tiến bộ và bóng đá, thơ hay nhậu chỉ là một trong một ngàn lẻ một cơ hội đó.

Ngược lại, ở Việt Nam, dường như mọi thứ cơ hội cho người dân giống như các quốc gia tiến bộ đều không có, bạn chỉ cần ra đường biểu tình vì môi trường cũng có thể bị tù mọt gông. Bạn chỉ cần phát biểu chống lãnh tụ Cộng sản, mạng sống bạn bị đe dọa. Bạn chỉ cần chơi với những người hoạt động xã hội dân sự, bạn rơi vào đích ngắm của an ninh… Và cơ hội duy nhất để bạn không bị nguy hiểm là làm thơ, nếu làm thơ ca ngợi chế độ, bạn sẽ có lộc, nếu làm thơ ưu thời mẫn thế mà bạn biết giấu nỗi lòng vào con dế, con lợn, con bò hay cái cây, cánh đồng, đám mây… thì bạn tạm an toàn.

Ngoài ra, bạn có thể ký thác mọi ẩn ức, xung năng và đau khổ vào sự hò hét cổ vũ bóng đá trên danh nghĩa cổ vũ cho "màu cờ sắc áo" hoặc bạn ném nó ra bàn nhậu một cách bâng quơ như những Lưu Linh đầy hiền triết thời hiện đại. Và bạn có quyền la hét, có quyền cởi áo quần (nhưng không được quấn cờ vào chỗ kín !) đi long nhong ngoài đường mỗi khi "bão" sau trận cầu đội nhà.

Tất cả những cánh cửa hạnh phúc cho người Việt Nam đều nằm quanh quẩn trong bóng đá, làm thơ và nhậu. Điều này như như một hạnh phúc không thể chối bỏ của người Việt Nam. Và với đà này, cũng đừng đòi hỏi gì nhiều thêm về phông văn hóa của người Việt mà chỉ cần dừng ngang ở mức này là may mắn lắm rồi. Muốn thay đổi phông văn hóa của người Việt không hề khó, bởi căn tính người Việt là một căn tính tốt. Chỉ cần có một khuôn văn hóa vĩ mô không phải như hiện tại thì mọi chuyện sẽ khác xa ! Nói vậy để đừng quá tuyệt vọng nếu chúng ta có những đường hướng cách mạng và những đám đông hò hét, cổ vũ cho đội bóng chuyển sang hò hét, cổ vũ cho sự tiến bộ và tự do. Hoàn toàn không khó !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 28/01/2018 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 22 janvier 2018 23:48

Nhìn lại "cuộc chiến vỉa hè"

Đầu năm 2018, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức vì "không giữ lời hứa lấy lại được vỉa hè". Trước đó, từ đầu năm 2017, một cuộc chiến lấy lại vỉa hè theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của nó đã được châm ngòi tại quận 1, thành phố Sài Gòn, sau đó lan rộng trên toàn quốc. Và sau một năm dài, đâu lại vào đó, sự việc có khuynh hướng đi vào bế tắc, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức như là một sự giữ thể diện, kéo theo nhiều lời tung hô hoặc dè bĩu cũng như nhiều bài phân tích xã hội học về cuộc chiến này. Nhưng, dường như chưa có ai chạm vào được bản chất của nó : Một cuộc chiến giữa nhà giàu và nhà nghèo, giữa quan chức và dân đen. Một cuộc chiến bị đánh tráo khái niệm.

viahe1

Giành lại vỉa hè : một cuộc chiến giữa nhà giàu và nhà nghèo, giữa quan chức và dân đen.

Vì sao nói đây là một cuộc chiến giữa nhà giàu và nhà nghèo, giữa quan chức và dân đen trong khi làm sạch vỉa hè là một câu chuyện bắt buộc phải có của các quốc gia tiến bộ và vỉa hè là một gương mặt khác của nền văn hóa quốc gia đó ?

Vì lẽ, bản chất của cuộc chiến giành vỉa hè tại Việt Nam không có mọi yếu tố và không đặt ra được những tiêu chí của một hệ thống hành chính ổn định, tiến bộ dành cho an sinh xã hội. Thậm chí nó mang những dấu hiệu của hồng vệ binh, độc đoán (thậm chí độc ác), chuyên quyền và lợi ích nhóm.

Ở khía cạnh chính sách an sinh xã hội, câu chuyện lấy lại vỉa hè tại Việt Nam không những không có một chính sách hợp lý cho người nghèo buôn thúng bán mẹt, không có điều tra xã hội học, không có đề án, chiến lược được nghiên cứu kĩ lưỡng dành cho những người bám vỉa hè tồn tại mà chỉ đập và đập, dẹp và dẹp. Điều này không những gây ra sự bất mãn trong nhân dân mà còn lấy đi toàn bộ sinh kế của người nghèo. Và không riêng gì Đoàn Ngọc Hải mắc phải sai lầm này mà cả nước, hầu như nơi nào cũng đụng chạm đến đời sống của nhân dân khi đụng đến vỉa hè.

Không cần nói đâu xa, nhìn lại những "cuộc chiến" ổn định vỉa hè của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Họ đã rất thành công và kinh nghiệm ổn định xã hội, ổn định vỉa hè, hỗ trợ cho kinh tế vỉa hè của họ hoàn toàn không bí mật, nó là một kho tàng mở, chỉ cần nghiên cứu, học hỏi không thôi cũng đã có thể áp dụng. Nhưng ở đây, dường như nhà cầm quyền quên mất phần ổn định dân sinh, họ chỉ nghĩ đến việc phải lấy lại cho được vỉa hè vì một động cơ khác, khi đời sống Việt Nam đã chính thức phân cực : Giàu – Nghèo ; Quan chức – Thường Dân.

Thử quan sát hầu hết các vỉa hè từ Hà Nội vào Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ… Dường như nơi đâu cũng đang diễn ra một cuộc chiến giành vỉa hè giữa giới nhà giàu, quan chức và những người dân đầu tắt mặt tối, lây lất kiếm sống vỉa hè. Có một qui luật, thêm một chiếc xe hơi, thêm một hội chơi chim, thêm một hội cây cảnh, thêm một quán hạng sang, thêm một cái cổng nhà giàu, nhà quan mở ra trong thành phố… Thì chắc chắn thêm nhiều quang gánh, xe bán hàng rong, nhiều chiếc xe ba gác, nhiều quán cà phê, quán xôi, quán bún, quán phở… vỉa hè phải bị dẹp.

Đây là một cuộc chiến chứ không phải là một sách lược ổn định xã hội. Bởi một sách lược ổn định xã hội, ngay từ đầu, nhà quản lý bắt buộc phải có một chính sách dành cho đời sống những người bám vỉa hè để tồn tại. Khi có đầu ra cho họ, nghĩa là có mặt bằng để họ tiếp tục buôn bán mà không bị mất đi khoản lợi tức thường nhật, khoản lợi tức này không bị bóp nhỏ lại vì thiếu người mua như trước, vì khu vực mua bán mới không hợp lý… Thì sau đó nhà quản lý mới nghĩ đến chuyện lấy lại vỉa hè và ổn định mỹ quan đường phố.

Ở đây, nhìn lại 365 ngày dẹp vỉa hè tại Việt Nam, cái mà người ta cảm nhận được là những đống ngổn ngang bị đập vỡ, người bán hàng rong chạy tan tác, vỉa hè càng trở thêm nham nhở vì những đống gạch vụn, việc di chuyển trên vỉa hè lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn, đời sống người nghèo bám vỉa hè càng trở nên khốn đốn… Dường như xã hội ngày càng trở nên thê thảm hơn khi cái vỉa hè trở thành mối đe dọa với bất kì ai sống dựa vào vỉa hè !

Những người buôn thúng bán mẹt ở Sài Gòn, Hà Nội, tuy khác giọng nói, khác phong tục, tập quán, nhưng họ đều có chung nhận định mà tôi cho rằng họ đã suy nghĩ, đau đớn cho thân phận thấp cổ bé miệng của mình lắm khi nói ra điều này "Chúng tôi sống dựa vào vỉa hè đã nhiều năm, nhiều đời nữa kia. Con cái học hành, người già mua viên thuốc đều dựa vào chúng tôi. Giờ nhà nước dẹp chúng tôi không thương tiếc, chúng tôi phải bán lén lút, nếu nhỡ công an gặp thì thu hàng hóa, phạt trên trăm ngàn, coi như chúng tôi mất trắng một tuần chợ, có người bị tịch thu xe bán hàng thì mất trắng… Sao không phạt những ông quan, ông nhà giàu để lồng chim, chậu cảnh ra vỉa hè tắm nắng mà phạt chúng tôi ?".

Mọi chuyện có thể nói dối, có thể nhân danh, nhưng sự thật phơi bày thì khó mà qua mắt nhân dân, khu nhà hàng được ưu ái ở quận 1, Sài Gòn, vi phạm vỉa hè nhưng không ai dám đụng tới là của bố vợ Đoàn Ngọc Hải, điều này cũng do nhân dân phát hiện ; Những cái lồng chim, chậu cảnh của nhà giàu, nhà quan chức mang ra để đầy vỉa hè Hà Nội sau khi nhà quản lý dẹp tất cả những gánh hàng rong, điều này cũng do nhân dân phát hiện.

Và một khi mọi sách lược hay quyết sách, quyết định không mang tính nhân dân, không vì nhân dân, thậm chí vì thỏa mãn những nhu cầu của nhóm lợi ích thì sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức, nhìn từ bề mặt, có thể ai đó nghĩ rằng đó là hành động có khẩu khí, còn giữ chút liêm sĩ trong bối cảnh quan chức hư hỏng từ trên xuống dưới, không còn tính liêm sĩ và từ tế… Nhưng thực chất, nó thể hiện sự "được ăn cả ngã về không" của Đoàn Ngọc Hải cũng như nhiều quan chức khác tại Việt Nam hiện nay. Nếu ông ta không nộp đơn từ chức thì trước sau gì cũng bị nhân dân coi không ra gì, đồng giới, đồng liêu hất cẳng vì thế lực không còn.

Nên nhớ, Hải chỉ quậy mạnh khi Thăng còn làm bí thư thành ủy Sài Gòn, Và Hải nộp đơn sau khi Thăng bị bắt. Xâu chuỗi những cái mốc này lại cũng dễ dàng nhận ra thứ gì nằm đằng sau gương mặt lúc nào cũng sưng sỉa và giọng điệu đầy hách dịch khi Đoàn Ngọc Hải "vi hành". Và điều này cũng cho thấy rằng cuộc chiến vỉa hè của nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ mãi mãi thất bại cho dù họ có dọn sạch vỉa hè không còn một cọng cỏ. Bởi từ sâu thẳm của cuộc chiến này không mang động cơ ổn định xã hội, đảm bảo dân sinh mà nó chỉ phục vụ lợi ích nhóm.

Sau một năm, nhìn lại cuộc chiến vỉa hè, một cuộc chiến rầm rộ từ Bắc chí Nam, điều mà người ta dễ nhận thấy nhất là những người buôn thúng bán mẹt bị xô dạt, đời sống vốn nghèo khổ càng thêm khốn khó, sinh kế bị chiếm mất. Thay vào đó là những cái lồng chim, những chậu cảnh, những con chó kiểng nhà quan có thêm chỗ để đi dạo, để rong chơi… Bên cạnh đó là những đống xà bần tức tưởi của nhiều gia đình, nhiều công trình vẫn còn vương vất.

Tôi muốn nhấn mạnh, dẹp vỉa hè là cần thiết. Nhưng nó phải có mục đích chính đáng là phục vụ dân sinh và đảm bảo an sinh xã hội. Nếu chỉ dẹp cho thoáng vỉa hè mà người nghèo bị xô dạt, nhà quan thì không dám dẹp và vỉa hè rộng thoáng chỉ để nhà quan, nhà giàu đi dạo, để xe, để cây cảnh, chim cảnh… Thì tốt nhất là nên dẹp ngay cái ý tưởng "dẹp vỉa hè" bệnh hoạn ấy đi !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 22/01/2018 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 15 janvier 2018 21:58

Cuối năm nghĩ về lễ bỏ mả

Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch, đây là thời gian diễn ra lễ bỏ mả của người dân tộc thiểu số ở phía Tây Việt Nam. Dường như mọi dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn ra tận Đông Bắc, Tây Bắc đều có tục bỏ mả. Có thể nói rằng tục bỏ mả như một thông điệp sống và là triết lý nhân sinh của người thiểu số. Nó cởi trói cho người sống và nhắc nhớ họ về những giá trị đạo đức, tâm linh và trách nhiệm của một con người.

boma1

Bà con buôn làng đánh cồng chiêng trong lễ bỏ mả.

Điều này khác hẳn với dân tộc Kinh (chính xác là dân tộc Việt, bởi khái niệm Kinh là ám chỉ của người Mường và người H’Mong về người Việt – sống gần kinh kỳ, hành xử kinh dị, giảo hoạt kinh hồn… Lâu ngày chết danh, dẫn đến ngộ nhận đáng sợ về dân tộc). Người Kinh, đặc biệt người Kinh càng về sau càng không những không biết bỏ mả mà con ôm mả, bơm thuốc tái sinh cho mả. Quả thật là… Kinh.

Cũng xin nói thêm về lễ bỏ mả của người thiểu số, thường thì các gia đình, khi người thân qua đời, người sống gói gém mọi thứ mà người qua đời từng dùng, mang theo đặt bên cạnh mộ của người đó. Đương nhiên tính thật thà của người thiểu số giúp cho họ tự tin mang cả vàng của người đã khuất ra đặt bên cạnh mộ. Nhưng sau này, kể từ thời người Kinh tràn lan các vùng rừng núi, dường như tục mang vàng đặt bên cạnh mộ của người thiểu số không còn.

Sau ba năm, nếu như gia đình có người khuất núi (chết) có tiền dư dả thì (trùng với thời gian mãn tang của người Kinh) họ sẽ có một mâm lễ cúng người khuất núi và cầu nguyện cho người khuất núi được siêu thoát. Cũng từ sau lễ cúng bỏ mả trở đi, người sống không còn mang thức ăn ra mả cúng người chết thường xuyên như trước nữa. Điều này như một thông điệp về sự tử tế và tính tự do cần thiết của người sống.

Với người Kinh, đặc biệt người Kinh thời cộng sản xã hội chủ nghĩa, nghe ra có vẻ như người sống không những không bỏ mả mà còn buộc mả. Khái niệm siêu thoát, chuyển hóa năng lượng cho người chết nghe ra có vẻ người sống trong gia đình hay phe nhóm càng quyền lực thì cơ hội siêu thoát càng khó. Hay nói cách khác, càng giàu, càng quyền lực người ta càng đối xử kinh dị với người chết.

Theo Tử thư Tây tạng, những người chết, thực ra đó không phải là mất đi vĩnh viễn mà là chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Nếu như người sống là sự tích hợp và tương tác năng lượng thông qua giao tiếp vật chất, giao tiếp tinh thần thì với người chết, năng lượng của họ chuyển sang dạng sóng, gọi nôm na là linh hồn. Và linh hồn, hay sóng chỉ đủ mạnh một khi vật chất được chuyển hóa hoàn toàn, nghĩa là phần cốt nhục được phân hủy toàn triệt.

Chính vì quan niệm như vậy nên người Tây Tạng, người Ấn Độ thường chọn hỏa táng, thủy táng hoặc điểu táng. Bởi các kiểu táng này giúp cho vật chất được tiêu hủy nhanh nhất, người chết nhanh siêu thoát nhất. Ngược lại, chế độ phong kiến Trung Hoa, kể từ thời Tần Thủy Hoàng, với tham vọng trường sinh bất lão hoặc tái sinh sau ngàn năm, việc luyện đan để trường sinh và khi có mối hoài nghi về thuật trường sinh, ông ta nghĩ đến kế hoạch tái sinh sau ngàn năm bằng cách xây lăng mộ thật vững chắc, làm quan tài thật tốt và nghĩ đến việc ướp xác (nhưng người tính không bằng trời tính, xác của ông trương sình trên đường đi, hôi thối bay khắp nơi. Lính thị vệ phải chở mấy xe mắm trước xác ông để đánh lạc hướng, để người dân tin rằng ông còn sống…) với hi vọng đến một chu kỳ, kỉ nguyên nào đó, lại được tái sinh để nắm quyền lực.

Chính vì nếp suy nghĩ đầy tham vọng và ấu trĩ này, dường như các vua thời phong kiến Trung Hoa và các vua phong kiến có ảnh hưởng Trung Hoa đều không có khái niệm siêu thoát, luôn cố gắng xây lăng tẩm, đền đài càng cao, càng to, nắp quan tài càng kín, gỗ càng quí càng tốt. Vô hình trung, nếp suy nghĩ ấu trĩ này lại thành một thứ tập quán lây lan trong dân gian. Những gia đình quan lại, thậm chí thường dân, nếu có tiền thì tìm mọi cách để đóng quan tài cho người thân thật tốt. Thậm chí nhiều ông, bà trọc phú còn tự chọn gỗ tốt để đóng quan tài cho bản thân lúc còn sống.

Gỗ huỳnh đàn, gỗ cẩm lai, gỗ trắc, gỗ thủy tùng, gỗ đàn hương, gỗ hoàng đàn tuyết liên… Những thứ gỗ được xem là quí nhất bởi nó có khả năng tồn tại dưới lòng đất hàng ngàn năm mà không mục rã là thứ gỗ mà giới trọc phú, giới quyền lực đang sưu tầm cho việc xây dựng, không ngoại trừ cho việc đóng quan tài. Xin nói thêm, có ba loại gỗ là hoàng đàn tuyết liên, huỳnh đàn và thủy tùng, hiện nay giá bán trên thị trường từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng trên mỗi ký lô. Một khối gỗ huỳnh đàn nặng dao động từ 1 tấn đến 1,2 tấn, giá từ 10 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng. 10 tỉ cho gỗ ‘đầu cánh cổ’ tức gỗ nhánh cành lẻ tẻ, gỗ qui cách có giá cao dần đến 50 triệu đồng mỗi ký, nếu khối càng lớn thì tiền càng cao.

Nói về giá gỗ cao đến mức kinh hồn bạt vía như vậy để thấy một khi có tiền, có quyền lực, người ta coi trọng cái quan tài đến chừng nào. Và nói xa hơn hơn chút, lăng mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội. Nếu tính ra, để giữ cho được cái xác của ông tồn tại, số tiền người ta bỏ ra cho đến thời điểm bây giờ, có vẻ như lớn cũng chẳng kém so với tiền nợ công Việt Nam.

Đó cũng là một thuật trường sinh của người cộng sản, và họ không có ý niệm về siêu thoát. Đáng sợ hơn là thuật trường sinh này cố làm cho một người đã chết hơn nửa thế kỉ phải cứ tươi cười, hồng hào, rạng rỡ để "tiếp khách" mỗi ngày. Những đoàn tham quan đến thăm "lăng Bác" là ai ? Là những "con cháu Bác Hồ", họ yêu quí, cuồng tín ông, đến xếp hàng đi vòng vòng quanh chiếc quan tài thủy tinh được cẩu lên, hạ xuống mỗi ngày vài lần để cho người ta vào nhìn ông.

Một cái chết mà trải qua gần một thế kỉ, thân xác vẫn phải dằn vặt, xê dịch, lui tới, lên xuống, lấy ra rửa ráy, vệ sinh rồi lại bỏ vào hòm… Thật sự, không thể tả nổi sự dằn vặt, đau đớn này nếu xét trên góc độ siêu thoát, năng lượng, theo cái nhìn của Tử Thư Tây Tạng. Và lạ ở chỗ, người Trung Hoa và người Việt Nam đều có quan niệm "âm siêu dương thới", nhưng lại chẳng bao giờ chịu để cho "âm siêu".

Và nếu quan niệm âm siêu dương thới là đúng, thì có vẻ như hệ thống cộng sản trên thế giới sụp đổ cũng có lý do riêng của nó về mặt tâm linh. Bởi hiếm có quốc gia cộng sản nào mà không có thuật ướp xác, thuật trường sinh xác lãnh tụ. Hiện tại, chỉ có Bắc Hàn và Việt Nam vẫn còn là trường hợp đặc biệt theo cách nhìn này. Chế độ cộng sản ở hai quốc gia này còn mạnh, còn gắt máu. Nhưng mạnh và gắt máu đến bao giờ thì không rõ.

Nhưng dẫu sao thì dân tộc Triều Tiên cũng may mắn hơn rất nhiều so với dân tộc Việt Nam. Bởi thuật trường sinh xác lãnh tụ chỉ diễn ra ở một nửa đất nước Triều Tiên, ở phía Bắc sông Hàn. Nó khác xa với Việt Nam, sau nửa thế kỉ nhuộm đỏ màu cộng sản trên toàn cõi Việt Nam, thuật trường sinh lãnh tụ cũng như thói quen ôm mả đã ảnh hưởng không nhỏ đến tập tục người miền Nam.

Hiện tại, không khó khăn chút nào để tìm ra những gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục, vài chục tỉ đồng để sắm quan tài gỗ quí, gỗ bất hoại và xây mộ như lăng tẩm, đền đài cho người thân ở miền Nam Việt Nam. Đó cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc khi xét về tâm linh và quan niệm tự do. Bởi những người tự nguyện ôm lấy ngôi mộ, cố tình làm cho những thứ đang phân hủy trở thành vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của người sống thì làm sao có thể nghĩ đến siêu thoát hay tự do ?.

Tự do, đôi khi không cần nhìn đâu xa, mà chỉ cần nhìn vào những ngôi mộ. Người dân tộc thiểu số vẫn xây mộ đẹp, vẫn trang hoàn cho ngôi mộ của người thân, của tộc trưởng, tù trưởng. Nhưng họ biết "bỏ mộ" để đi tiếp con đường của người sống, và họ thực sự tự do cho dù nghèo đói. Ngược lại, người Kinh thời cộng sản xã hội chủ nghĩa không những không biết "bỏ mộ" mà còn khư khư ôm lấy ngôi mộ, biến nó thành bất tử trong sự nghiệp, tương lai của người sống. Điều này cho thấy tương lai đã nhuộm màu xác chết và tự do mang hình một cổ mộ.

Đến bao giờ người Việt mới thực sự có tự do ? Đến bao giờ ông cha, tổ tiên người Việt mới được siêu thoát ? Đến bao giờ dân tộc này thôi nhược tiểu ? Đến bao giờ dân tộc được lành mạnh ? Những câu hỏi này, trong lúc này, nếu tôi mang ra quán cà phê, hỏi mà không nhìn trước ngó sau, có khi bị đánh te tua đến mức về nhà mẹ cũng nhìn không ra.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 15/01/2018

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Thành phố Sài Gòn, nơi mệnh danh hòn ngọc viễn đông một thuở, có thể nói rằng hiện tại, điều dễ nhận thấy nhất nơi đây là nạn kẹt xe và ngập lụt, buổi sáng đi ra đường, cảm giác như mình đang đi trong một tổ mối và mỗi người là một con mối thợ, trôi lăn theo nhịp chảy của Sài Gòn. Nạn kẹt xe, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình và kinh tế của thành phố. Giải quyết nạn kẹt xe, dường như chính quyền Sài Gòn bất lực. Nhưng thiết nghĩ, với biện pháp dưới đây, có thể hi vọng Sài Gòn hết kẹt xe ?

ketxe1

Giải quyết nạn kẹt xe, dường như chính quyền Sài Gòn bất lực.

Cũng xin nói thêm, trước đây, thành phố Hà Nội giải quyết kẹt xe bằng cách nâng giờ làm việc từ 7g30 sáng lên 8g30 và giờ nghỉ trễ đi một giờ. Thậm chí áp dụng trên cả nước. Điều này gây phản ứng mạnh trong nhân dân và nhanh chóng thất bại. Bởi kiểu tư duy bao cấp vẫn còn quá nặng trong đầu của người nghĩ ra ý tưởng này, thậm chí đó là một kiểu chuyên chế, áp đặt phi khoa học.

Ở đây, tôi muốn nói đến kế hoạch "dân Sài Gòn cùng chung tay giải quyết nạn kẹt xe". Kế hoạch này đơn giản nhưng phải đạt được sự đồng thuận từ phía nhân dân. Điều này không dễ mà cũng không khó, đơn giản là ngay từ đầu nó phải đảm bảo công bằng, không có tính áp đặt và nó dân chủ. Muốn dân Sài Gòn chung tay giải quyết kẹt xe, phải thực hiện kế hoạch "cùng chia giờ làm".

Hiện tại, với dân số trên 15 triệu dân nếu tính luôn cả các lao động từ các tỉnh khác đến tá túc làm việc, Sài Gòn thực sự bức bách, ngột ngạt và bế tắc về nạn kẹt xe. Nhưng nếu chia giờ làm việc có tính luân phiên thì nạn kẹt xe sẽ giảm, thậm chí sẽ biến mất nếu như ngành giao thông Sài Gòn làm việc có khoa học hơn.

Ở khía cạnh chia giờ làm việc. Tất cả các cơ quan, công xưởng tại Sài Gòn phải tuân thủ một qui định chung, đó là chia mỗi tháng thành ba múi giờ làm việc khác nhau, gồm 10 ngày cho múi giờ 7g30 đi làm, 10 ngày cho múi giờ 8g30 đi làm và 10 ngày cho múi 9g30 đi làm. Giờ kết thúc ngày làm việc cũng nâng tỉ lệ với giờ đi làm. Và chia thành từng nhóm, nghĩa là người quản lý đô thị phải nghiên cứu, chia thành từng nhóm công việc, nhóm cơ quan, phân bổ múi giờ và bắt buộc nhóm công việc, cơ quan, công xưởng, bệnh viện, trường học… tuân thủ.

Một khi tất cả các cơ quan trong hệ thống kinh tế Sài Gòn tuân thủ luật chơi này, thì chí ít, trong một giờ đồng hồ, sẽ có gần 70% người lao động không cần tất tả chạy ngoài đường cho kịp giờ mà chỉ có những người của ca làm việc đó đi ra đường hoặc các bà đi chợ, xe bus, khách du lịch, người bỏ mối hàng… Mà tất cả những bà đi chợ, người bỏ mối hàng, ông xe ôm hay bà đi chợ không bao giờ là đối tượng làm kẹt xe ở Sài Gòn.

Sài Gòn chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm, giờ công nhân, công chức, học sinh, sinh viên tan tầm. Trường hợp này, nếu chia lại múi giờ đến nơi và giờ trở về cho các nhóm công việc, cơ quan thì lượng người lưu thông sẽ giảm đi 70%, nạn kẹt xe sẽ giảm đáng kể. Còn cách làm như thế nào, chia làm sao cho hợp lý và không xảy ra chuyện bất công hay bất cập, cái này thuộc về trách nhiệm của người quản lý, họ bắt buộc phải làm được điều này, nếu không làm được thì nên từ chức, nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, vấn đề chia thời lượng đèn giao thông tại Sài Gòn cũng là chuyện đáng bàn. Giả sử có hai ngã tư liền kề, cách nhau chưa đầy 500 mét, mà ở ngã tư này thì để đèn đỏ 45s, ngã tư kia thì đèn đỏ 25s, chắc chắn đoạn đường đó phải bị kẹt xe. Bởi bên chờ 45s thì ùn ứ xe, đến khi đi qua cho hết 45s xanh thì bên ngã tư kế tiếp đã hết giờ xanh, chuyển sang đỏ ở 20s sau rồi mới xanh trở lại. Ùn tức, tắt nghẽn sẽ xảy ra.

Nhưng thành phố Sài Gòn hiện tại có những cụm ngã tư chia thời lượng đèn xanh đèn đỏ rất khôi hài, ngành giao thông nên xem lại, chia cho có khoa học hơn. Quan sát thành phố Sài Gòn, có không dưới 10 cụm ngã tư đèn xanh đèn đỏ bị chia thời gian kiểu này. Và tất cả những cụm ngã tư chia thời gian như vậy đều là đầu mối của kẹt xe.

Nạn ngập lụt, cũng không phải khó xử lý, nhưng tôi sẽ nêu ở một bài viết khác. Vấn đề hiện tại, nhà quản lý Sài Gòn phải có một biện khoa học, nghiêm túc và triệt để nhằm giải quyết kẹt xe. Phải chia như thế nào để lúc 6h30 đến 7g30, chỉ có 33,3% người lao động, công chức ra đường đến cơ quan, sau đó một giờ đồng hồ, sẽ có tiếp 33,3% công chức, người lao động đến cơ quan làm việc, và sau đó một giờ đồng hồ nữa, lại có 33,3% công chức, người lao động ra đường làm việc.

Giờ kết thúc công việc cũng theo tỉ lệ này. Và điều này hoàn toàn không khó để làm, có thể làm một cách nhịp nhàng, hợp lý và được lòng dân nếu như nhà quản lý đủ năng lực và tâm huyết để làm. Tôi khẳng định một lần nữa là việc giải quyết nạn kẹt xe tại thành phố Sài Gòn không khó một chút nào, chỉ thiếu những nhà quản lý thực sự có tâm huyết và năng lực để giải quyết chuyện này.

Và điều này cũng không làm ảnh hưởng đến nhịp sống của người dân, khi đi vào qui cũ, người dân lại cảm thấy thoải mái bởi không bị mắc kẹt giữa đám đông khói bụi và tiếng ồn. Tiếng ồn trong thành phố cũng giảm đáng kể. Các học sinh, sinh viên và trẻ em đến trường cũng sẽ thấy thuận lợi, rất thuận lợi nữa là khác. Vấn đề cốt lõi vẫn là một kế hoạch thực sự nghiêm túc và khoa học. Tôi khẳng định lại là kế hoạch này không phức tạp, không tốn kém.

Thậm chí khi đi vào nhịp ổn định, kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của Sài Gòn cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Bởi tình trạng đi làm lúc 6h mà đến cơ quan lúc 10h do kẹt xe không còn xảy ra, hoặc người đi cấp cứu cũng không còn quá nguy hiểm tính mạng khi bị kẹt xe. Nhìn chung, chỉ cần chia múi giờ, chia khối cơ quan một cách khoa học, tâm huyết và đừng bao giờ nghỉ đến chuyện chấm mút, tham ô hay móc ngoặt trong kế hoạch này, Sài Gòn sẽ thành công trong việc giải quyết nạn kẹt xe.

Tôi đi dạo một vòng thành phố Sài Gòn, điều tôi nhìn thấy là thành phố này vẫn rất năng động, thân thiện, gần gũi và đầy sinh khí. Nhưng rõ ràng nó thiếu hẳn những nhà quản lý tâm huyết, biết suy nghĩ cho nhân dân và cho một thành phố tốt đẹp trong tương lai. Từ xây dựng đến giải quyết ngập lụt đều có vấn đề, thành phố này cần có một chiến lược tổng thể để giải quyết các bất cập và phát triển. Nếu giữ nguyên tình trạng hiện tại, sẽ chẳng bao lâu nữa Sài Gòn sẽ thành một thành phố chết vì nạn bội thực dân số, bội thực vấn nạn và chậm phát triển.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 07/01/2018 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Chuyện này không phải mới, nhưng cách làm của nhà cầm quyền cộng sản trong thời gian gần đây khiến cho người ta phải đặt câu hỏi về vị trí khá mới mẻ của nhà lãnh đạo cộng sản : Họ đang tự đặt mình vào tư thế một đảng khấu ? Vị trí lãnh đạo quốc gia của người cộng sản đã hoàn toàn mất ?

cam1

 Hang đá Giáng Sinh

Sở dĩ tôi phải đặt ra những câu hỏi này vì hiện tại, những nhà nước cộng sản còn tồn tại sau biến cố sụp đổ toàn diện của hàng loạt nhà nước cộng sản Đông Âu, sự mất dấu của khối SEV, họ được đặt trong vị trí Tân cộng sản, một loại cộng sản mới, thức thời hơn với những chính sách cởi mở và gần với thế giới tiến bộ hơn so với sự độc tài, chuyên chế có phần man rợ, u tối của những nhà nước cộng sản đã chết. 

Chí ít, sau năm 1990, cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba cũng có những bước tiến về mặt kinh tế, đối ngoại và đối nội. Điều này đã giúp cho họ có được những thành tựu đáng kể về việc củng cố sức mạnh đảng phái trong thời đại mới, khi mà nhu cầu về dân chủ, dân quyền trong một sinh quyển xã hội dân sự ngày càng mạnh lên. Nhưng…

Thay vì tiếp tục bước thêm một bậc trên tam cấp tiến bộ, những người Tân cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc lại bị chi phối bởi tập khí cộng sản thâm căn đế cố của họ. Họ lại quay trở lại thời kì độc tài, toàn trị gắt gao nhất bằng cách dùng gọng kiềm bạo lực cũng như thủ đoạn chính trị để bóp chết mọi thứ chung quanh họ. Thậm chí những gì được xem là cơ bản, tối thiết của người dân, họ cũng sẵn sàng bóp ngạt và triệt tiêu.

Cấm các hoạt động tôn giáo, đập phá hang đá Giáng Sinh, cấm treo cờ tôn giáo, gây hấn với nhà chùa, nhà thờ, nhà dòng và tạo ra một hệ thống tôn giáo quốc doanh… Có thể nói đây là những bước thụt lùi đáng sợ về tư duy lãnh đạo của người cộng sản. Vì sao ?

Vì điều này vô hình trung làm lộ bản chất đảng khấu thay vì bản chất nhà lãnh đạo quốc gia của đảng cộng sản. Một nhà lãnh đạo quốc gia phải là một nhà tổ chức được hệ thống nhà nước tiến bộ, nếu tổ chức được hệ thống nhà nước tối ưu thì càng tốt. Mà với một nhà nước tiến bộ, một nhà nước tối ưu thì vấn đề tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhiều yêu cầu tự do khác phải được đặt lên hàng đầu.

Vì sao nhà nước tiến bộ và nhà nước tối ưu phải đặt các yêu cầu tự do lên hàng đầu ? Vì với tư cách một nhà quản lý vĩ mô, có đủ khả năng bảo vệ và đảm bảo an sinh cho nhân dân, việc thỏa mãn các nhu cầu này như một câu trả lời về tầm bao quát, năng lực tổ chức, che chở, và tính khoa học, tính nhân văn của nhà nước đó. Rất tiếc, các nhà nước cộng sản mặc dù đã có những cố gắng trong phát triển kinh tế nhưng về mặt bản chất, khi thoát được cơn khủng hoảng sụp đổ có tính xâu chuỗi của lịch sử, họ quay ngay trở lại bản chất gốc của họ.

Một thứ bản chất độc đoán, độc tài và sợ hãi. Độc đoán, độc tài bởi sợ hãi. Dường như nhà nước cộng sản thiếu các yếu tố rất căn bản để trở thành nhà quản lý tiến bộ, đó là tính nhân văn, tôn trọng sự thật và sự tự tin.

Vì thiếu tính nhân văn nên hầu hết mọi hoạt động của nhà quản lý cộng sản đều không được lòng dân, bởi sự tồn tại và phát triển của chế độ luôn là gánh nặng trên đôi vai nhân dân.

Vì phải léo hánh, lạn lách, lươn lẹo để tồn tại và phát triển trong một tâm thế đi ngược với xu hướng tiến bộ nên sự thật luôn là một thứ gì đó có hại cho người cộng sản trong quá trình quản lý, lãnh đạo đất nước. Chính vì phải tồn tại ngược qui luật nên nhà quản lý cộng sản luôn sợ sự thật, và tự do báo chí, tự do ngôn luận là kẻ thù của nhà quản lý cộng sản.

Một khi không được lòng dân, không tôn trọng sự thật thì thiếu tự tin là một hệ lụy tất yếu của nhà cầm quyền cộng sản. Với một tâm thế thiếu tự tin trong lãnh đạo, người cộng sản sẽ sợ hãi, hoài nghi và có cái nhìn cừu thù với bất kỳ tổ chức, nhóm xã hội hay tôn giáo nào có tiếng nói lan tỏa, có độ bao phủ về uy tín hoặc tâm linh.

Và chính vì thiếu tự tin mà nhà lãnh đạo cộng sản rất lo sợ trước bất kì hoạt động nào có tính thu hút của các tôn giáo, các nhóm, các tổ chức trong xã hội. Cấm các sinh hoạt văn hóa tôn giáo là một trong những động thái nhằm ngăn chặn sự phát triển và chặn đứng bất kì mối nguy nào từ phía bị ngăn chặn. Sâu xa hơn, nó cũng cho thấy đây là một động thái có tính cạnh tranh và đố kị, chất chứa mặc cảm, tự ti của một đảng khấu không có đủ uy tín và năng lực quản lý.

Và một khi tự đặt mình vào vị trí của một đảng khấu, thao túng, độc đoán, chuyên chế, độc tài và tham lam… Thì hẳn nhiên vị trí của một nhà lãnh đạo, một nhà tổ chức quản lý quốc gia đã hoàn toàn mất. Đây là sự bất lợi vô cùng lớn cho sự tồn tại của đảng cộng sản. Nếu như hành vi này xảy ra trước năm 1990, nghĩa là trước thời gian sụp đổ của hệ thống cộng sản xã hội chủ nghĩa trên thế giới, khi mọi thông tin còn bị giới hạn và xã hội dân sự chưa có tính phổ quát như hiện tại… thì đảng cộng sản còn có thể hi vọng xoay xở, tiếp tục phát triển bằng các thao tác mị dân thêm một thời gian nữa.

Nhưng với hiện tại, khi mọi thứ đã phát triển, thế giới internet đã giúp cho đại bộ phận người dân có thể cập nhật thông tin đa chiều và nhận thức của người dân cũng phát triển đáng kể. Dù có cố gắng chối bỏ hoặc đánh tráo khái niệm kiểu gì thì đảng cộng sản cũng tự nhìn thấy được sự khủng hoảng và mối nguy sụp đổ của họ. Bởi ngay trong lựa chọn độc tài, toàn trị, bóp ngạt tôn giáo và lấy cấm đoán làm kim chỉ nam quyền lực cũng đã chạm phải ngòi nổ phản kháng trong nhân dân.

Và trên phương diện chính trị, một khi chọn tư thế đảng khấu để đối đầu và cấm đoán mọi hoạt động của các tổ chức xã hội, các nhóm và các tôn giáo trong nhân dân… Thì đảng cộng sản đã không còn cách nào khác, chấp nhận để lộ thân phận của một đảng khấu, không đủ sức mạnh bao quát và dung nạp của một nhà tổ chức lãnh đạo quốc gia. Điều này gây ra hệ lụy không hề nhỏ cho tương lai quốc gia.

Bởi với người dân các quốc gia cộng sản, thay vì có một nhà nước với đầy đủ tư cách nhà lãnh đạo quốc gia thì họ phải gánh trên vai một gánh nặng đảng khấu cùng hàng loạt sự chèn ép và bất công do đảng khấu đó gây ra. Nguy cơ nội chiến, nội loạn và đất nước đi đến bế tắt là chắc chắn xảy ra.

Rất tiếc, sau nhiều năm gắng gượng và có nhiều thay đổi để phát triển kinh tế, nhà cầm quyền cộng sản ở các nước cộng sản xã hội chủ nghĩa, mà nổi trội là Trung Quốc và Việt Nam lại chọn tư thế của một đảng khấu để tự đẩy mình vào cuộc "đá cá lăn dưa" với giang hồ. Mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là cấm kị tôn giáo, triệt tiêu tiến bộ và chấp nhận đánh đổi vận mệnh quốc gia bằng sự tồn tại của đảng, của tổ chức. Một đất nước mà nhà lãnh đạo rơi vào trạng huống đảng khấu thì còn lâu lắm mới bình yên để phát triển, thật là buồn khi nghĩ đến điều này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/12/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 15 décembre 2017 08:34

Chúng ta đang rơi vào bẫy li gián !

Khi nói về, nghĩ về dân tộc, quốc gia, người ta nghĩ đến những người cùng chung ngôn ngữ, chung dòng máu, chung màu da, chung biên giới địa lý và chung cả những thăng trầm sử lịch. Người Việt có quá nhiều cái chung, và cái chung nào cũng nhuộm thắm màu máu và mặn chát nước mắt.

codo1

Người Việt có quá nhiều cái chung, và cái chung nào cũng nhuộm thắm màu máu và mặn chát nước mắt.

Cái chung của người Việt trải qua hàng ngàn năm nô lệ giặc Tàu, hàng trăm năm đô hộ giặc Tây, hàng chục năm nội chiến từng ngày và hàng triệu giờ li tán, điêu linh.

Cái chung của người Việt là chiếc bàn thờ của người mẹ mất chồng, mất con, trên bàn thờ không có khoảng cách ngăn chia những tấm hình, của "thằng Hai Cộng Sản" ngồi chung với tấm hình "thằng Ba Cộng Hòa", ở giữa là ông chồng lính Khố Xanh, khói hương nghi ngút lòng mẹ. Mẹ không có ranh giới nào trong tình yêu thương dành cho chồng con của mẹ, tình yêu thương vẫn vẹn đầy như chính nước mắt mẹ đã rớt khi ôm xác chồng, tìm xác con.

Cái chung của người Việt là trong ngày Tết, ông Năm tập kết rủ thằng Tư cháu trai Việt Kiều cùng ra thắp nhang mộ gia tiên. Trước cỏ xanh vi vút và khói hương trầm kha, mọi ranh giới, biên kiến đều xóa tan theo mây khói, trả con người về với tình tự quê hương, đất nước, dòng họ, nỗi đau chiến tranh, nỗi lòng người đi kẻ ở.

Cái chung của người Việt Nam ở chỗ hàng triệu người Việt hải ngoại ứa nước mắt khi xem truyền hình, thấy bà con nơi quê hương phải gồng lưng đón từng trận mưa bão, nhà cửa tan hoang, màn trời chiếu đất. Từng đồng tích cóp, dành dụm được mang ra gửi về Việt Nam để giúp đỡ người dân vùng thiên tai. Mọi thứ vĩ tuyến Nam - Bắc đều được xóa tan trong phút chốc. Những Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị bão lụt, bà con Việt Kiều đã không tiếc bất kì điều gì để quyên góp, giúp đỡ, chia sẻ.

Cái chung của người Việt là nỗi đau, là mất mát, là căm phẫn trước cái ác, cái xấu, trước những ai đó đan tâm bán rẻ quốc gia, dân tộc cho ngoại bang. Và dù ở bất kì phương trời nào, đã là người Việt với nhau, người ta đều đau đớn khi biết tin biển đảo Việt Nam đã mất, người Việt đang điêu linh trước hiểm họa phương Bắc.

Đây là những cái chung mà kẻ xâm lăng luôn rất sợ, bởi cái chung này như một bức tường đồng, tường thép che chắn cho đất nước, ngăn cản bất kì kẻ ngoại bang nào muốn xâm lăng Việt Nam.

Và kẻ thù Việt Nam, khi rắp tâm biến Việt Nam thành một thứ tân thuộc địa của họ, việc đầu tiên là họ phải phá vỡ bức tường này bằng mọi giá. Li Gián ! Đây là chiêu bài mà kẻ thù đang áp dụng triệt để trên đất nước Việt Nam.

Một Hội Nghị Thành Đô, khẳng định rằng đất nước đã bị bán đứng cho Trung Quốc mà người đưa tin cho đến bây giờ vẫn không rõ nguồn gốc, những người trong cuộc cũng không chứng minh được gì và những trang báo đã đưa tin về Hội Nghị Thành Đô thì lại chẳng có bất cứ một bằng chứng nào về tính xác thực của nó ! Nó chỉ làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm, xấu đi và lòng người hoang mang.

Cách hành xử đầy tính kích động, chia rẽ Nam - Bắc vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí trong thời gian gần đây, khái niệm "dân Nam – dân Bắc" xuất hiện ngày càng dày đặc. Phân biệt người yêu nước và kẻ phản động cũng là một cách li gián, làm cho dân tộc Việt Nam trở thành những mảnh rời rạc, nhạt nhẽo, vô hồn.

Đặc biệt, có một chi tiết mà không hiểu sao các nhà quản lý, lãnh đạo Việt Nam vẫn không hề nhận ra (hay cố tình bỏ lơ ?!), đó là các đội cờ đỏ và dư luận viên. Họ luôn là những kẻ châm ngòi nổ, khiêu khích và làm cho mọi thứ trở nên rối rắm với luận điệu "ngụy quân, ngụy quyền, kẻ thù của dân tộc, kẻ phản quốc…" ám chỉ vào giới hoạt động dân chủ, xã hội dân sự cũng như chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Bởi nếu như không có họ đào bới, la hét, làm cho to chuyện thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, thậm chí êm đẹp hơn, không có tính mâu thuẫn. Nhưng những cú chọc khoáy của các dư luận viên cũng như lời lẽ hằn học của họ đã khiến cho mọi chuyện trở nên dữ dội và căng thẳng hơn. Vô hình trung, mọi chuyện trở thành đối lập, tạo ra một ranh giới quá lớn giữa người Việt trẻ với nhau.

Tất cả những gì có tính khích bác, tạo mâu thuẫn, hằn học và cay cú đều dẫn đến tình trạng đất nước càng lúc càng suy yếu bởi lòng người phân li. Tôi không tin rằng những người lãnh đạo cộng sản đã nghĩ ra trò này, bởi ở cấp trung ương, họ không đủ thời giờ và dài tay để thành lập ra những đội cờ đỏ, dư luận viên suốt ngày đi gây sự với giới hoạt động dân chủ và tạo ra hình ảnh xấu xí, thô thiển cho đất nước như vậy !

Rõ ràng, đã có một bàn tay gián điệp nào đó nhúng vào, thành lập nên đội cờ đỏ, đội dư luận viên để phục vụ cho mục đích li gián của họ. Bởi giả sử Đảng cộng sản không chấp nhận giới hoạt động xã hội dân sự thì với hệ thống an ninh của họ cũng đủ sức để đàn áp, bắt bớ, nhốt tù… Hà cớ gì họ phải thành lập thêm một đội cờ đỏ hay dư luận viên để đưa ra công luận quốc tế hình ảnh những kẻ gây gỗ, chửi mắng, hồ đồ nhân danh Đảng cộng sản ?!

Tất cả các hoạt động của hội cờ đỏ và dư luận viên đều đi đến mục đích làm cho đất nước, dân tộc trở nên phân li, căng thẳng và cừu thù. Bàn tay nào đã làm điều này ?

Gần đây nhất, tại Bình Dương, xuất hiện một kẻ đòi cầm cọc tiền "ném vào mặt dân miền Nam !". Tôi nghĩ, ngành an ninh Việt Nam phải làm cho tới nơi tới chốn chuyện này, tìm cho rõ nhân thân cũng như các hoạt động của kẻ đòi ném tiền. Bởi với hành động trên, theo luật hiện hành thì kẻ đó chỉ bị phạt hành chính, nộp tiền rồi ra về. Nhưng thực ra đó là hành động của kẻ gián điệp hoặc chí ít nó cũng là hệ quả của sự nhồi sọ do các gián điệp thực hiện.

Hành vi tưởng đơn giản, có tính quá khích này có thể châm ngòi nổ cho những hiềm khích, phân biệt không đáng có giữa Nam - Bắc, giữa Cộng Hòa - Cộng Sản và nhiều mối nguy phân rẽ, li gián khác. Bởi sau sự xúc phạm của người đòi ném tiền vào mặt dân miền Nam sẽ là hàng loạt những nhận xét đầy cay cú về dân miền Bắc.

Điều này chẳng biết sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng nó làm cho dân tộc Việt Nam đã nhược tiểu càng thêm yếu đuối, mối nguy nội chiến trong tâm hồn người dân miền Nam - miền Bắc có vẻ như đang đến gần ! Và kẻ thù rắp tâm xâm lược Việt Nam chỉ mong mỏi có ngần ấy, bởi đây là thời cơ tốt nhất cho họ !

Hơn bao giờ hết, đến lúc này, tất cả người Việt cần phải rũ bỏ khái niệm Nam - Bắc, rũ bỏ phân biệt Cộng Sản - Cộng Hòa, rũ bỏ luận điệu chia cách Việt Kiều - Việt Cộng. Và thêm nữa, phải giải tán ngay cái hội cờ đỏ, dư luận viên chỉ suốt ngày gây căng thẳng, khích bác, đẩy người khác vào chỗ thù địch, gây tốn kém nặng nề cho ngân sách nhà nước, tài sản quốc dân.

Bởi, đã đến lúc chúng ta bắt tay bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi ý định li gián dân tộc đều làm cho đất nước thêm nghèo nàn, lạc hậu về cả vật chất và tinh thần. Chúng ta hãy nghĩ đến tương lai đất nước, hãy nghĩ đến con em chúng ta, hãy nghĩ đến nỗi đau của con cháu của chúng ta vì những hậu quả do lòng ích kỉ, tính tự mãn và tinh thần thù thắng của chúng ta để lại.

Chúng ta đừng bao giờ mạnh miệng nói mình yêu nước, yêu dân tộc khi chưa biết tha thứ, chưa biết yêu thương, chưa biết trắc ẩn và chưa thấy được hậu quả của lòng ích kỉ chúng ta để lại cho con cháu chúng ta lớn chừng nào, nguy hại chừng nào !

Vì chúng ta là người Việt Nam, đã trải qua biết bao đau thương sử lịch, nên chúng ta cần tựa lưng vào nhau, trao cho nhau hơi ấm đồng loại, trao cho nhau lòng cảm thông, trao cho nhau mối lân mẫn tình người và trao cho nhau sức mạnh kết nối tương lai, để làm gì ư ? Để tặng tương lai tốt đẹp cho con cháu chúng ta như một thứ hồi môn đáng kính !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 15/12/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Tôi đặt đề từ như vậy nghe rất trái khoáy và chói tai, nhưng đó là sự thật, đa số người Việt cuồng si cộng sản. Và người Việt cho đến hiện tại vẫn không chạm tới hạnh phúc được bởi số đông cuồng si cộng sản.

cs1

Đó là sự thật, đa số người Việt cuồng si cộng sản

Vì sao ?

Vì đôi khi cuộc hôn ước giữa nhân dân và đảng cầm quyền giống như một cuộc hôn phối của một đôi vợ chồng. Và dù muốn hay không thì nhân dân vẫn đứng ở vai trò người vợ, người mẹ, còn nhà cầm quyền nắm vai trò người chồng, gia trưởng. Phép so sánh này rất khập khiểng nhưng lại rất hợp lý trong bối cảnh Việt Nam.

Một cặp vợ chồng hạnh phúc, điều đơn giản nhất là người chồng giữ danh dự, giữ lời và mọi lời thề hẹn trước khi tiến đến hôn nhân vẫn nguyên vẹn sau khi kết hôn, sinh con, đẻ cái. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được hạnh phúc, bởi hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu, lòng tự trọng và danh dự. Nếu một trong hai người để tình yêu nguội lạnh, đánh mất lòng tự trọng và xem rẻ danh dự của mình và đối phương thì không còn là tình yêu, hạnh phúc nữa mà là sự chịu đựng hoặc sự cuồng si.

Tôi đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng mà ở họ, đôi khi người vợ bị đối xử như một ô sin, thậm chí dưới mức một ô sin, người chồng bê tha, nát rượu, đánh đập vợ, cờ bạc, hút chích… Nói chung là mọi cái xấu anh chồng đều có đủ nhưng người vợ vẫn chịu đựng, chịu đựng đến độ thù hận trong lòng nhưng bên ngoài vẫn cứ chấp nhận thân phận người vợ tôi đòi.

Nhìn kĩ hơn, hầu hết các cô vợ chấp nhận thân phận này đều bị chung một căn bệnh : sợ tương lai. Nghĩa là tay chồng xấu xa mọi bề nhưng hắn lại có một thứ rất được, đó là tài sản và khả năng tình dục. Tài sản của hắn đủ lớn và bí mật để cô vợ đâm ra lo sợ khi ra đi, khả năng tình dục hắn đủ mạnh, thậm chí bạo động để khiến cho cô vợ trở thành một con nghiện của hắn.

Đây là bi kịch mà đôi khi cô vợ lại tự huyễn hoặc rằng mình hạnh phúc, mình có nhà cao cửa rộng của chồng làm cho, mình có người chồng giúp mình giải tỏa những ẩn ức sau những bạo hành và đòn roi… Một kiểu cuồng si bệnh hoạn. Và ở đây không thể nào có hạnh phúc hay tình yêu. Nhưng người ta vẫn nhầm tưởng hoặc cố dối mình để tồn tại, vì người ta sợ tương lai, sợ thay đổi, sợ những thứ mình chưa quen nhìn, chưa gặp…

Và sự thù hận, căm ghét, đau khổ vẫn âm ỉ cháy bên trong, cháy cho đến khi nào nó đủ sức bùng vỡ thì lại có chuyện vợ giết chồng, vợ đầu độc chồng, vợ cắt của quí của chồng… Có một ngàn lẻ một chuyện đau lòng khi người vợ phản ứng tức thời, hết chịu đựng được. Nhưng tất cả các hệ lụy mà người vợ chịu đựng, cam chịu đều không mang tới kết quả tốt đẹp nào, thậm chí nguy hại cho cả đôi bên.

Trong mối quan hệ giữa nhân dân với chế độ cầm quyền, có vẻ như số đông người Việt chấp nhận thân phận của cô vợ chịu đựng trước đảng độc tài. Mặc dù Đảng cộng sản bội ước, để cho những đảng viên tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, coi dân như cỏ rác… tha hồ tác oai tác quái, nhưng số đông nhân dân vẫn cam chịu, thậm chí vẫn xu phụ, chờ đợi một điều gì đó. Một kiểu chờ đợi của người vợ tôi đòi cố nịnh chồng, cố chiều ý chồng mặc dù đằng sau sự chiều chuộng này là cả một trời cay đắng và căm phẫn.

Thử đặt câu hỏi : Có bao nhiêu dư luận viên, bao nhiêu thành viên đội cờ đỏ, thậm chí bao nhiêu nhân viên an ninh cộng sản có thể không chửi thề nếu như sau ba tháng, họ không nhận được đồng lương nào và họ không còn nhận được quyền lợi nào từ phía Đảng cộng sản ? Tôi dám nói là may mắn lắm thì một ngàn người, còn được vài người không phản ứng hoặc không buộc miệng chửi thề, hoặc không rút súng bắn thẳng vào cái nơi họ phục vụ ! Đó là sự thật !

Ngay cả một dư luận viên gạo cội và hết mực yêu đảng, sẵn sàng hiến thân cho đảng như Trần Nhật Quang, nhiều khi tôi thử đặt câu hỏi nếu như trong vòng ba tháng, vì một lý do nào đó, ông Quang không nhận được đồng lương nào, không còn hưởng những ân sủng của đảng, liệu lòng trung thành của ông còn bao nhiêu phần trăm ? Thật là khó nói !

cs2

Nếu như trong vòng ba tháng, vì một lý do nào đó, ông Quang không nhận được đồng lương nào, không còn hưởng những ân sủng của đảng, liệu lòng trung thành của ông còn bao nhiêu phần trăm ?

Đó là những ví dụ chỉ những thành phần con cưng của đảng, những đứa con trung thành của đảng. Với số đông nhân dân không tên tuổi, những người từng đóng từng đồng thuế, đong từng lon gạo, ki cóp từng đồng trong ống tre để mua công trái xây dựng đất nước thì sự cuồng si cộng sản của họ có phần thụ động, họ không muốn cuồng si rồi cũng phải cuồng si. Bởi họ sợ tương lai.

Cái tương lai nếu không chấp nhận sự tồn tại, sự độc đoán, độc tài của Đảng cộng sản thì phải ngồi tù, phải bị xếp vào hàng phản động, cái tương lai mờ mịt khi bị nhà cầm quyền vùi dập… Dường như ai cũng sợ tương lai.

Sở dĩ người ta sợ tương lai một cách kéo dài, lê thê như vậy cũng có lý do của nó. Điều đó có hai yếu tố cốt lõi, vấn đề quyền sở hữu và nhân quyền tại Việt Nam là chuyện đã rồi, mặc dù không có quyền sở hữu thứ tài sản quan trọng nhất là đất đai, không có nhân quyền, nhưng người ta vẫn cứ bị nhà cầm quyền ma mị bằng thứ lập luận rằng Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước dân chủ và Việt Nam có thừa nhân quyền nên không cần nhân quyền của phương Tây.

Nó cũng giống như một cô vợ về nhà chồng, cô vẫn phải thực hiện mọi sứ mệnh của người vợ, người mẹ nhưng luôn bị nhà chồng ép chế bởi đơn giản mọi thứ đã có sẵn trước khi cô làm dâu. Nếu lỡ có đổ vỡ, chia ly thì cô đi ra trắng tay vì mọi thứ thuộc về nhà chồng. Đây là một kiểu đối xử khốn nạn nhất mà anh chồng đã dành cho cô. Nó cũng giống như đảng cầm quyền đã khéo léo tước hết mọi thứ quyền của người dân, người ta phải cam phận, cuồng si để khỏi phải đối mặt với tương lai đen.

Đương nhiên mỗi câu chuyện mỗi khác nhau về mặt bản chất. Nhưng rõ ràng, cái đích đến, thân phận của người Việt, nói cho cùng, một con số không nhỏ đã cam chịu và cuồng si Đảng cộng sản này suốt nhiều chục năm. Và cái trạng thái cách mạng của người Việt có hơi hướm giống với trạng thái của người vợ hết chịu nổi ông chồng thì nổi loạn, giết chồng hoặc cắt của quí hoặc có một hành vi nào đó mang tính trả thù, man rợ hơn là tỉnh táo suy xét thiệt hơn khi chưa quá muộn màng để đưa ra quyết định li hôn, để giải thoát cho bản thân lúc chưa quá muộn.

Đáng sợ nhất của Việt Nam nằm ở chỗ những cuộc cách mạng dù chỉ mới manh nha hay phôi thai thôi đã thấy hơi hướm của thù hận và trừng phạt nhiều hơn là bao dung và hướng đến tiến bộ, hướng đến cái chung của quốc gia, dân tộc !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 12/12/82017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Có thể nói rằng sau gần 50 năm nắm quyền lãnh đạo toàn đất nước Việt Nam, chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam gặp tình huống khó xử như hiện nay. Và đáng sợ hơn cho họ là họ đang gặp thế chân vạc ngoại giao, một trong những thế khó phá nhất của người độc tài bởi họ cũng là một trong những phần tử nằm trong thế chân vạc này.

domino2

Đảng cộng sản Việt Nam đang gặp thế chân vạc ngoại giao, một trong những thế khó phá nhất của người độc tài bởi họ cũng là một trong những phần tử nằm trong thế chân vạc này.

Thế chân vạc ngoại giao gồm nhiều thành tố nhưng trong đó, ba yếu tố quan trọng : Đối ngoại Hoa Kỳ ; Đối ngoại Trung Quốc và ; Sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam làm nên thế chân vạc này, và nó không phải là một chân vạc vững chãi mà là một loại chân vạc không đồng chất, các chân vạc có thể trụ không nổi và đổ sầm, dẫn đến đổ vạc, đổ bể mọi thứ…

Có một thực tế dễ nhìn thấy nhất là nếu Đảng cộng sản Việt Nam chọn Hoa Kỳ thì bất cứ giá nào cũng phải có sự chuyển hóa dân chủ ; Nếu chọn Trung Quốc thì giữ được đảng cộng sản nhưng không phải là hệ thống cầm quyền hiện tại. Và sự tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam trong lúc này theo nghĩa lãnh đạo độc tài bị xáo động hơn bao giờ hết.

Nếu Việt Nam chọn Hoa Kỳ làm đối tác quan trọng nhất, thì chắc chắn một điều là Việt Nam sẽ có thêm hai đồng minh quan trọng trong khu vực Châu Á gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là hai cầu nối mạnh và thông thoáng nhất để Đảng cộng sản Việt Nam tiếp cận với nền dân chủ đích thực, để đi đến kinh tế tư bản và chuyển hóa, chia đều quyền lực lãnh đạo trong sự giám sát, điều tiết hợp lý nhằm tránh nội loạn và tránh lật đổ chính quyền, dẫn đến hỗn loạn, khủng hoảng khu vực.

Đương nhiên, lựa chọn đối tác Hoa Kỳ, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không mất quyền lực lãnh đạo bởi họ đã có hàng loạt các thái tử đỏ để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử cần thiết. Hơn nữa, tiềm lực kinh tế của người cộng sản không nhỏ chút nào trong các cuộc tranh cử. Hiện tại là thời cơ tốt nhất để họ hợp thức hóa tính chính danh của họ bằng một cuộc bầu cử tự do. Trong đó, sự thay đổi tên đảng hoặc thiết lập một loại Tân cộng sản bằng một cái tên khác không phải là điều nằm ngoài dự tính của người cộng sản.

Với lựa chọn đối tác Hoa Kỳ, người cộng sản không mất đi sự giàu có sẵn có nhưng sẽ mất đi khả năng độc tài, bưng bít thông tin và con cháu họ phải chấp nhận một luật chơi mới có tính minh bạch hơn, khó tham nhũng hơn.

Ngược lại, nếu chọn Trung Quốc làm đối tác, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt sau ba năm chuyển giao. Bởi lẽ, mộng bá chủ thế giới, mà đích ngắm đầu tiên là thâu tóm Việt Nam vốn là giấc mộng chưa bao giờ nguôi của Trung Hoa Đại Hán.

Vì hiện tại, vấn đề nội loạn, thanh trừng phe nhóm chính trị và đại bộ phận nhân dân nghèo khổ tại đất nước được xem là cường quốc thứ nhì thế giới này đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Đề cao chủ nghĩa dân tộc, hứa hẹn kinh tế bằng những cuộc chinh phạt các nước nhỏ vốn là chiêu bài chính trị của nhà nước Trung Quốc nhằm giảm nhiệt trong nước.

Một khi nắm được Việt Nam trong tay, đương nhiên, cộng sản Trung Quốc sẽ ổn định vùng đất mới và bắt tay vào công cuộc thanh trừng mới nhằm thống nhất Tân Trung Hoa. Chiêu bài chống tham nhũng vốn là sở trường của người Trung Quốc. Hơn ai hết, các quan hệ kinh tế Việt – Trung đã giúp cho đảng cộng sản Trung Quốc nắm khá nhiều bằng chứng tham nhũng của giới chức cộng sản Việt Nam.

Khi thời cơ đến, họ sẽ dùng chiêu bài chống tham nhũng để loại bỏ toàn bộ hệ thống thái thú người Việt và thay thế bằng hệ thống quan lại người Hoa. Đến lúc đó, Việt Nam mới chính thức thuộc về Trung Hoa. Bởi thanh trừng bằng chiêu bài chống tham nhũng là cách mị dân tốt nhất để người dân mơ hồ tin rằng Trung Hoa đại lục xứng đáng để mình làm công dân.

Và đây là điều không thể tránh khỏi khi Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc, quân đội, an ninh Việt Nam vốn dĩ là "trung với đảng, phục vụ đảng, còn đảng còn mình" sẽ trở thành thuộc cấp của an ninh, quân đội Trung Quốc. Lúc đó, dù trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có cố cựa quậy kiểu gì cũng không thoát được vòng kim cô trung ương cộng sản Trung Quốc.

Chơi với Trung Quốc thì duy trì được chế độ cộng sản độc tài nhưng phải chấp nhận mất trắng quyền cầm trịch. Chơi với Hoa Kỳ thì cũng sẽ mất độc tài và tự chuyển hóa bằng mọi giá, thậm chí phải thay đổi tên gọi để giữ chân trong lãnh đạo quốc gia là điều không thể tránh. Có lẽ đây là bài toán khó cho sự tồn vong của đảng cộng sản, nó khó đến mức người cầm đầu đảng cộng sản có thể bị đột quị, tai biến bất kì giờ nào khi nghĩ đến quyền độc tài của cộng sản Việt Nam trong tương lai !

Hiện nay, các thành phần dân tộc Việt Nam hướng về phía dân chủ Hoa Kỳ đã hiện rõ, có thể nói rằng con số hướng về phía dân chủ Hoa Kỳ quá lớn, quá áp đảo ! Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam mặc dù bị đàn áp, bắt bớ nhưng hiệu ứng của họ trong nhân dân lại quá mạnh. Từ biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường, biểu tình bằng tiền lẻ qua BOT… Tất cả đều nhằm đánh xé tấm màn bí mật tham nhũng và lợi ích nhóm, bán đứng tổ quốc, bạch hóa mọi thứ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ bắt đầu siết chặt thuế quan cũng như một số thứ có liên quan đến Trung Quốc núp danh nghĩa Việt Nam. Và một khi Hoa Kỳ siết chặt thuế quan, sẽ dẫn đến hiệu ứng domino trong khối kinh tế phương Tây vì họ chẳng dại gì không siết thuế với thứ hàng Trung Quốc giả danh Việt Nam. Nếu không siết thuế, hóa ra họ phải hứng thứ hàng Trung Quốc mà Hoa Kỳ đã bỏ đi.

Với nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, bất kì đòn siết chặt thuế quan nào của các nền kinh tế lớn cũng đều dẫn đến khủng hoảng cho kinh tế Việt Nam và đặc biệt là khủng hoảng của đảng cộng sản. Trong khi đó, khả năng huy động vốn từ nhân dân của đảng cộng sản hiện nay là con số zero tròn trĩnh. Họ chỉ còn một cách là tiếp tục nâng thuế để tồn tại. Nhưng nâng thuế là con dao hai lưỡi, nó nhanh chóng đẩy nhân dân đến chỗ bất mãn, thậm chí thù hận đảng cầm quyền.

Có thể nói rằng, hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trong thế chân vạc mà nếu lựa chọn vì quốc gia, dân tộc thịnh vượng thì Hoa Kỳ sẽ là đối tác sâu rộng. Nhưng người cộng sản buộc phải tự chuyển hóa để đuổi kịp tiến trình phát triển thế giới.

Nếu chọn Trung Quốc, họ sẽ giữ được đảng cộng sản nhưng lúc đó không phải là Đảng cộng sản Việt Nam nữa. Quyền lực độc tài của họ hoàn toàn bị lấy đi bởi hệ thống trung ương lớn hơn. Ở hướng này, tính quốc tế cộng sản nghe ra có vẻ khả thể ! Nghiệt nổi, cộng sản Việt Nam lún quá sâu vào cái bẫy của cộng sản Trung Quốc nên muốn thoát ra được hệ thống quan thầy Trung Quốc là cả một vấn đề sống còn.

Làm sao để giữ đảng độc tài ? Làm sao để phát triển và chuyển hóa ? Làm sao để thoát Trung vì chơi với Trung Cộng là đang tự ăn thịt bản thân, đang chết chậm, chết từ từ… ? Chọn dân tộc, quốc gia tiến bộ hay chọn quốc tế cộng sản ? Tất cả những câu hỏi này có thể khiến cho người lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam vỡ mạch máu não, lăn đùng ra, giật tay giật chân, trào bọt mép bất kì giờ nào ! Vì muốn giữ độc tài lãnh đạo thì nhìn đâu cũng thấy cửa tử !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 07/12/2017

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Một chế độ chính trị mạnh hay yếu được biểu hiện qua 3 khả năng cơ bản : Khả năng cung cấp dịch vụ an sinh thiết yếu ; Khả năng bảo tín an ninh tiền tệ và bí mật an ninh tiền tệ cho nhân dân ; Khả năng ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong quốc gia.

tamgiac1

Chỉ cần một trong ba cạnh co giãn thì quốc gia sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng xấu đi

Ba khả năng này là một tam giác đều không thể xê dịch, chỉ cần một trong ba cạnh co giãn thì dẫn đến tam giác này không còn là tam giác đều và quốc gia sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng xấu đi. Nếu mất một trong ba cạnh, quốc gia tự tan rã. Mà chỗ tan rã đầu tiên chính là chế độ chính trị đang ngự trị trên quốc gia đó.

Bài học của Libya, Venezuela… Khi nhà cầm quyền không còn đủ khả năng tồn tại và các thế lực khác trong xã hội nổi lên lật đổ, hệ thống ngân hàng đình trệ rồi tan rã, vỡ nợ, nội loạn và tội phạm, thậm chí những nhóm khủng bố, cướp bóc tha hồ tác oai tác quái… Có lẽ cũng đủ để nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhìn thấy và rút kinh nghiệm, tìm kiếm một chiến lược hợp lý hơn trong quá trình nắm quyền.

Hiện tại, dẫu biết rằng ngân sách đã trống rỗng vì nạn tham nhũng, rút ruột và kê khống… Nhưng nếu lựa chọn huy động vốn theo kiểu huy động vốn trong nhân dân với hàng chục lý lẽ mị dân mà Lê Minh Hưng, Thống đốc ngân hàng vừa nêu trong cuộc họp quốc hội là một sai lầm quá lớn. Nó vừa sỉ nhục đảng cầm quyền vừa không tưởng, và nếu cố chấp, lại càng nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ chế độ. Vì sao?

Vì một chế độ chính trị có đủ uy tín, hoạt động tốt, sẽ rất hiếm khi chế độ đó phải huy động vốn trong nhân dân. Huy động vốn trong nhân dân là một kiểu chơi tự tử. Trước 30 tháng 4 năm 1975, cụ thể là những năm từ 1973 đến 1975, khi Mỹ chính thức chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, chế độ chính trị này cũng đã huy động vốn trong nhân dân với cái tên Quĩ Dạo/Dự Phòng (còn gọi là Quĩ Quốc Phòng), Lâm Tín Cục (có người đọc là Lâm Tín Cuộc). Và với cách kêu gọi đầy vẻ hấp dẫn, rất nhiều người, trong đó có cả gia đình tôi đã gửi gần như 70% gia tài để vừa đầu tư sinh lãi, vừa góp công xây dựng đất nước.

Và cái giá mà gia đình tôi phải trả vì tin vào nhà nước không nhỏ chút nào. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ 70% gia tài của gia đình tôi trôi theo mây khói, chẳng biết tìm ai để hỏi. Rồi sau 1975, từ chuyện chính quyền mới loan tin “vàng sau này sẽ dùng làm đai cuốc” cho đến trưng thu tài sản, đánh tư bản, gia đình tôi (dù không phải là một gia đình tư bản nổi bật) nhưng cũng tan nát, rơi vào lầm than nghèo khổ. Rồi đến lượt những gia đình khác chung quanh gia đình tôi, họ cũng kha khá, để được yên thân và tìm cơ hội sống trong chính thể mới, họ đã mua công trái, mua trái phiếu (mà vụ trái phiếu, công trái này lại xảy ra rất mạnh trong giới thân Cộng sản chứ không riêng gì “cựu tư bản”).

Đến nay, trái phiếu, công trái của nhà nước hiện hành có được giá trị gì? Nó hoàn toàn vô nghĩa bởi người ta bán một lượng vàng để mua một tờ tín chấp nhà nước để rồi mấy chục năm sau, không biết mang nó đến chỗ nào, cơ quan nào để đòi tiền và nếu đòi được, cũng chỉ mua chừng hai ổ bánh mì thịt hoặc một bát phở. Thử nghĩ, các ông, các bà chính phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã xây dựng uy tín mình cao cỡ nào? Xin thưa là uy tín của chế độ không cao khỏi miệng bát phở! Và sâu xa hơn, chính phủ và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã làm gì với tiền của nhân dân? Câu trả lời là các ông, các bà đã xé nát tiền, tài sản của nhân dân bằng cách tạo ra những dàn thiên tài tham nhũng, móc ngoặc, thụt két ngân hàng và làm chuyện mờ ám!

Nhưng chưa dừng ở đó, sau quá trình dài gần 20 năm, kinh tế Việt Nam tương đối phát triển, ngành ngân hàng cũng phình nở, nhiều gia đình ký thác tiền ngân hàng thay vì sắm vàng, sắm đô la dự trữ. Và đến khi ngân hàng quỵt tiền của khách hàng hoặc vỡ nợ, những quan chức quản lý nhà nước chỉ phát biểu xem như đó là chuyện đương nhiên, thậm chí có nhiều trí thức còn cho rằng “gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là đầu tư, đã đầu tư thì phải rủi ro”, có ông lại nói “phải rủi ro như vậy để người dân bỏ thói quen ham lãi từ tiền gửi ngân hàng…”. Nhìn chung, chưa tính đến chuyện lạm phát, chỉ riêng chuyện uy tín của hệ thống các ngân hàng Việt Nam, có thể nói rằng, sau gần nửa thế kỉ, các vị đã thực hiện được gần một nửa di nguyện của Hồ Chủ Tịch.

Đó là di nguyện “Không có gì quí hơn độc lập”, và các vị đã thực hiện được cái nửa “không có gì”, từ khả năng làm kinh tế đến uy tín và khả năng đảm bảo các dịch vụ an sinh tối thiểu cũng như khả năng bảo tín tích trữ trong nhân dân, các vì hoàn toàn “không có gì”! Và hiện tại, chọn huy động vàng và đô la trong nhân dân là một lựa chọn điên rồ nhất, chẳng khác nào con nghiện xì ke về đục tiền của cha mẹ mẹ để tiêm chích. Vì sao tôi nói vậy?

Vì chính các vị đã lập luận rằng tiền do nhân dân tự tích lũy không an toàn (mặc dù các vị không có bất kì cơ sở dẫn chứng nào cho thấy khi các vị giữ nó sẽ an toàn nhưng...!), do vậy phải huy động để nhà nước làm cho nó sinh lãi. Thử hỏi, vàng của người ta làm lụng vất vả, tích cóp từng đồng, ăn nhín uống nhịn và sống thật lành mạnh, hợp lý mới dư ra được mà bản thân người ta giữ không an toàn… Thì liệu gom nó về một hệ thống đầy sâu bọ tham nhũng, luôn để đồng tiền lạm phát và quản lý bất minh như hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện tại thì an toàn chắc?!

Và trong tình trạng ngân sách thâm thủng vì tham nhũng, chi tiêu không kiểm soát, nợ công chất ngất như vậy, tại sao quí vị lại dám đi gom cái “không an toàn” trong nhân dân về thành một “khối không an toàn”? Và hơn nữa, lịch sử đã chứng minh, bất kì chế độ nào có ý định gom vàng tích trữ của nhân dân đều cho thấy dấu hiệu suy tàn của nó. Nó suy tàn bởi khả năng tự điều tiết, tự phát triển thông qua giao thương đối ngoại và thuế của nó đã mất, điều này cũng giống một thằng thanh niên khỏe mạnh, là chủ chốt, là lao động chính trong gia đình lại quay về hục hặc, làm khó với cha mẹ để lấy cho được tiền dự trữ trong nhà đi nhậu nhẹt, chích choác.

Bởi vàng dự trữ trong nhân dân là một loại bí mật quốc gia vô cùng quan trọng mà một nhà nước tỉnh táo và khôn khéo sẽ không bao giờ đụng đến, nhân dân tích lũy càng nhiều thì quốc gia đó càng mạnh. Bởi đó là nguồn điều tiết kinh tế trên thị trường tự do khi khả năng điều tiết kinh tế của nhà nước bị mất phương hướng hoặc đứt thắng. Và đó cũng là nguồn dự trữ quốc gia dành cho những tình huống thiên tai, chiến tranh.

Khi có thiên tai, không đợi nhà nước phải cứu trợ, nhân dân tự điều tiết hậu quả bằng cách bán vàng dự trữ để tái xây dựng. Đây là chuyện phổ biến ở Việt Nam. Khi có chiến tranh, chính nguồn vàng trong nhân dân sẽ cứu quân đội, cứu nguy quốc gia. Chính vì lẽ này, những quốc gia ổn định và phát triển không bao giờ nhắm đến nguồn vàng trong nhân dân.

Và đáng sợ hơn là nếu qui ra tiền, 500 tấn vàng (mà nhà nước định huy động từ dân) hiện tại, giá trị của nó tương đương 22 tỉ USD, cộng với 10 tỉ USD là 32 tỉ USD. Dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020. Lúc đó, nợ công Việt Nam đã vượt quá 100 tỉ USD, con số hiện tại của nợ công là 94,6 tỉ USD. Liệu huy động vàng và đô la của cả một quốc gia mà vẫn chưa đủ trả 30% nợ công thì ích gì?

Với cả trăm tỉ USD vay nước ngoài, rồi hàng chục, hàng trăm tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài, rồi hàng trăm tỉ USD tiền thuế của nhân dân mà hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng lụn bại, ngân khố quốc gia ngày càng trống rỗng, thì 32 tỉ USD huy động từ nhân dân chỉ đủ cho hệ thống nhà nước, chính phủ giải vã (chích một mũi xì ke trong lúc nghiện) trong phút chốc. Chẳng thể nào cứu được bất cứ thứ gì.

Thiết nghĩ, đảng Cộng sản, nhà nước, chính phủ Cộng sản phải bằng mọi giá giải ảo ngay tức khắc, phải phá tan đi sự hoài nghi và bất mãn trong nhân dân khi các vị bàn tới bàn lui chuyện móc vàng, móc tiền trong tủ của dân. Bởi hiện tại, đảng Cộng sản đã mất quá nhiều uy tín.

Mà tiếp tục chọn mất uy tín để lấy được một khoản tiền chẳng cứu được bất kỳ chuyện gì cho chế độ thì nên dừng ngay. Việc đảng Cộng sản Việt Nam dừng kế hoạch “huy động” vàng và USD trong nhân dân có ý nghĩa giống như một thanh niên bị lún nghiện ngập, chích choác, chợt tỉnh ngộ và chống chọi với cơn nghiện (cụ thể, cơn nghiện của chế độ Cộng sản hiện nay là nghiện tham nhũng), đứng dậy để làm ăn, để cứu bản thân và gia đình vì chỉ có duy nhất con đường này mới cứu anh ta và giúp anh ta tồn tại có ý nghĩa trong gia đình, xã hội. Hỏi ông Lê Minh Hưng, liệu ông dám khẳng định là ông giữ chức được tới năm 2020 hay không? Ngay cả cái chức của ông cũng bất ổn, thì ông đừng lên những kế hoạch bất ổn nữa! Bởi nó vô nghĩa!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 18/11/2017 (VietTuSaiGon's blog

Published in Diễn đàn
lundi, 13 novembre 2017 00:01

Giới hạn của tự do

Tôi là người luôn tìm kiếm, ủng hộ và cổ xúy cho tự do. Bởi tôi chưa bao giờ nhìn thấy tự do trên đất nước tôi. Bởi tự do trên đất nước tôi là tự do vứt rác ra đường mà không sợ ai hỏi, tự do đứng đái vỉa hè mà không sợ ai phán xét hay hỏi han, tự do văng tục khắp mọi nơi mà không sợ mình bị đánh giá thấp… Đó là những thứ tự do có được của một người Việt.

tudo1

Tự do trên đất nước tôi là tự do vứt rác ra đường mà không sợ ai hỏi

Nhưng liệu có phải tự do là những thứ đó ? Và gần đây, ca sĩ Mai Khôi bày tỏ quyền tự do phát biểu của cô bằng một tấm bảng giơ ra đón Tổng thống Donald Trump với nội dung "Trump, tôi đái vào mặt ông" viết bằng tiếng Anh. Hành động của cô gây bão dư luận, có người ủng hộ, có người phản bác. Điều này khiến tôi đặt lại vấn đề về khái niệm Tự Do và hỏi liệu hành động tự do bày tỏ của Mai Khôi đúng hay sai, có hợp lý ?

tudo0

Một người tôn trọng tự do thì không thể áp đặt người khác phải tự do theo cách mà mình xem rằng đó là tự do

Ở khía cạnh thứ nhất, tự do là gì ? Có thể nói rằng tự do là một khái niệm rất rộng và rất hẹp. Rộng bởi nội hàm của nó hàm chứa cả yếu tính của con người và vạn vật. Một người tôn trọng tự do thì không thể xiềng xích con vật nuôi của mình theo ý muốn nó luôn bên cạnh mình hoặc nhốt chim trời vào lồng để nó làm đẹp cho khuôn viên gia đình. Sâu xa hơn, một người tôn trọng tự do thì không thể áp đặt người khác phải tự do theo cách mà mình xem rằng đó là tự do. Và tự do cũng là một khái niệm hẹp, nó bị khuôn giới bởi chính trị, văn hóa, đạo đức xã hội, tôn giáo. Ở một quốc gia này, ăn thịt lợn là điều tốt, ăn thịt chó là sai với tôn giáo thì ở một quốc gia khác, ăn thịt chó là điều tốt và ngược lại. Anh không thể tự do ăn thịt lợn trong quốc gia xem lợn là vật thiêng và cũng không thể mở quán thịt chó trước cổng chùa.

Đương nhiên những ví dụ này có phần khập khiễng và không thuyết phục. Nhưng tôi nói vậy để nhấn mạnh rằng một khi có chính trị, có tôn giáo, có đạo đức xã hội và đặc biệt là có pháp luật thì khái niệm Tự Do của con người được định nghĩa và thực hành trong các giới trong phạm vi những thứ vừa nói. Đó là tính hẹp của tự do, con người thì ước mơ thiên hình vạn trạng, thậm chí muốn nhấc cả trái đất lên. Nhưng giới hạn sức mạnh và giới hạn qui ước đồng loại không cho phép anh làm những điều đó.

Cũng giống như anh ước mơ đất nước có tự do, có độc lập, có đa nguyên đa đảng, anh đấu tranh cho điều đó và chấp nhận mọi sự nguy hiểm của bản thân. Điều đó hoàn toàn cao quí và hợp lý. Nhưng nếu anh nói với ai đó rằng "Tại sao tôi đấu tranh mà anh không đấu tranh ? Anh là kẻ hèn, kẻ dốt, kẻ thỏa hiệp, kẻ không có não… Anh phải đấu tranh cho tự do giống như tôi…" thì ngay lập tức, tự do của bản thân anh và của người tiếp nhận những câu hỏi của anh đã bị xúc phạm.

Tự do của bản thân anh bị xúc phạm bởi anh không hiểu gì về quyền tự do, không có sức mạnh thực thụ của quyền tự do nên mới cần đến người cộng hưởng, cần đến đám đông cùng làm việc giống như anh. Một người thực sự có sức mạnh tự do, họ có thể đón nhận những tư tưởng cùng chiều, bắt tay người đồng cảm, nhưng chắc chắc họ không vịn vào đám đông hay vịn tay người đồng hành. Một khi anh cần vịn vào ai đó để mà đi, điều này chỉ chứng tỏ anh chưa có đủ sức mạnh của tự do. Và điều này càng đáng sợ hơn khi anh xúc phạm ai đó vì họ không "tự do" giống anh !

Nói như vậy để đặt lại vấn đề về hành vi của Mai Khôi khi đón Tổng thống Donald Trump. Vì sao Mai Khôi đã phản ứng như đã thấy ? Theo một hướng dư luận, bởi Tổng thống Trump từng hứa lúc tranh cử rằng khi làm Tổng thống, ông sẽ dẹp ngay độc tài ; Bởi ông không ngó ngàng gì đến những bất công, những vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền Việt Nam đang hành xử với giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam ; Bởi gia đình ông đã bỏ lơ những nhà đấu tranh như Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga… Chính vì vậy, Mai Khôi bày tỏ chính kiến bằng hành động "đe dọa" đái vào mặt Donald Trump.

Cũng có hướng dư luận coi thường Mai Khôi và thậm chí mắng nhiếc cô ca sĩ này bởi cô hành động "vô văn hóa", "ăn mắm cái làm chính trị", "khoe chỗ đái"… Thiết nghĩ, luồng dư luận này đã trực tiếp động chạm đến quyền tự do bày tỏ của Mai Khôi nên không cần bàn luận gì thêm. Vấn đề là hành động của Mai Khôi có hợp lý, đúng lúc hay không ? Và Mai Khôi đã đúng hay sai khi đưa ra quyết định bày tỏ chính kiến khi Hà Nội đón ông Trump ?

Về khía cạnh đấu tranh cho tự do, nhân quyền và độc lập dân tộc, đa nguyên đa đảng, có vẻ như Mai Khôi đã sai khi quyết định đón ông Trump bằng cách vừa nêu. Bởi lẽ, Trump hứa sẽ đập bỏ độc tài nhưng mà độc tài ở đâu ? Vì hiện tại, ngay trong các nước tư bản tiến bộ vẫn sót lại những ông chủ tập đoàn hành xử hết sức độc tài với người lao động, Mỹ cũng không ngoại lệ. Vậy lời hứa của ông Trump có nhắm vào Việt Nam ? Và dẹp bỏ độc tài Cộng sản của Việt Nam hoặc đứng về phía các nhà đấu tranh để bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam có phải là trách nhiệm của Tổng thống Trump ?

Ông Trump làm Tổng thống Mỹ, ông có trách nhiệm bảo vệ tự do cho nhà đấu tranh chống độc tài ? Ông có trách nhiệm kêu gọi nhà nước độc tài phải thả các tù nhân lương tâm ? Ông có trách nhiệm phải dẹp bỏ các nhà nước độc tài trên thế giới, trong đó có Việt Nam ? Tôi nghĩ là không, chúng ta đã hiểu nhầm bản chất của nước Mỹ và Tổng thống Mỹ. Trách nhiệm của Tổng thống Mỹ là mang lại đời sống ấm no, phát triển, tự do và độc lập cho Mỹ quốc. Những quốc gia nào muốn quan hệ giao thương kinh tế, chính trị, văn hóa với Mỹ phải đảm bảo một số điều kiện về tự do, dân chủ, nhân quyền theo tiêu chí của Mỹ. Và một Tổng thống thông minh phải nhìn thấy sự thay đổi trục thế giới để điều chỉnh kịp thời để có những sách lược phù hợp mà phát triển đất nước, xa hơn thì phát triển khu vực và phát triển thế giới.

Có thể Trump đã sai khi không can thiệp, kêu gọi thả các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của ông. Nhưng cũng không có bất cứ cam kết hay trách nhiệm bắt buộc nào rằng đã là Tổng thống Mỹ thì phải lên tiếng kêu gọi thả các nhà đấu tranh chống độc tài tại Việt Nam khi sang Việt Nam. Bởi quyền tự do của mỗi người phải do chính những người ấy mang lại cho họ. Chúng ta có quyền và trách nhiệm đấu tranh cho tự do của bản thân và dân tộc. Nhưng không thể gắn cái quyền và trách nhiệm ấy lên người khác. Vả lại ông Trump đâu phải là "cha già dân tộc" để mang lại tự do, độc lập cho Việt Nam ? !

Muốn có tự do, độc lập và chủ quyền cho quốc gia, không ai ngoài chính những người dân của quốc gia ấy phải tự đấu tranh, tự tìm lấy điều đó. Mai Khôi phản ứng thô thiển như vậy với Trump, nhìn bên ngoài thì có vẻ như đây là điều tốt, một cô gái Việt dám đứng lên bày tỏ chính kiến bởi ông Trump không bảo vệ những người đồng chí hướng của cô ấy. Nhưng kì thực, cô đã phạm phải ba sai lầm căn bản : Cô cho thế giới nhìn thấy một hình ảnh không đẹp của người Việt ; Cô cho thế giới nhìn thấy sự bất lực, cầu cạnh vào bên ngoài và thiếu độc lập nội tại của giới đấu tranh ; Cô cho thế giới nhìn thấy sự non nớt về chính trị của bản thân một người đấu tranh như cô.

Hình ảnh cô dọa đái vào mặt Tổng thống Trump khi ông sang thăm Việt Nam, dù đứng trên góc độ nào cũng cho thấy nó vô văn hóa. Hơn nữa, cô trưng tấm bản đó khi cô mặc bộ áo dài Việt Nam, hình ảnh biểu trưng của người phụ nữ Việt. Thật đáng sợ cho ông Trum khi thăm Việt Nam bị một phụ nữ Việt dọa đái vào mặt ! Và có một điều mà cô không nhìn thấy, ông Trump thực hiện kết nối rất nhiều hợp đồng kinh tế Mỹ - Việt. Điều này hứa hẹn tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Một quốc gia mà GDP bình quân đầu người mỗi năm còn dưới mức 5000USD thì khó mà chạm đến dân chủ, tự do, bởi người ta mãi loay hoay trong chuyện ăn, mặc, ở, thì làm sao mà nghĩ cho xa được.

Bằng chứng là mọi cuộc đấu tranh, xuống đường trong vài năm gần đây bị dập tắt ngay lập tức khi đường tiếp viện bị cắt và nhà cầm quyền đe dọa đụng chạm đến kinh tế, nhân mạng của người đấu tranh. Mọi cuộc thay đổi chuyển sang dân chủ của các quốc gia thiếu sức mạnh kinh tế chỉ làm cho chính họ thêm nghèo khổ, nội loạn và tốn kém của Mỹ một lượng tư bản không nhỏ nhưng sự việc chẳng đến đâu !

Đương nhiên, đấu tranh cho tự do, độc lập thì không thể viện vào giàu nghèo. Nhưng để tránh tình trạng hôm nay người ta chống Cộng sản, ngày mai Cộng sản ném cho một cục tiền thì quay sang bênh vực Cộng sản, hôm nay chống Tàu, mai Tàu nó sang cưới con gái, chị gái/em gái, cho tiền xây nhà, đi nhà hàng, sắm veston thì lại quay ra chửi "bọn phản động" và khen Tàu… thì mỗi người dân phải có đủ khả năng tài lực. Bởi Lý luôn đi đôi với Tài, đấu tranh là một cuộc Lý Tài. Cứ có Lý mà thiếu Tài thì đừng mơ gì xa !

Sự non nớt của cô nằm ở chỗ cô là người kêu gọi tự do, hành động tự do. Nhưng cô xúc phạm ông Trump khi chưa nhìn thấy bất kì tín hiệu gì trong nước cờ của ông. Không chừng, cô lại làm cho ông Trump có ấn tượng xấu về giới đấu tranh Việt Nam và ông gác lại mọi dự tính cho giới dân chủ Việt Nam. Nói chung, hành vi của Mai Khôi, đứng trên góc độ nào vẫn nhìn thấy cô tự làm mình nổi tiếng bằng hành vi trẻ trâu nhiều hơn là hành vi của một trí thức dân chủ !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 13/12/2017 (vietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn