Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/02/2018

Ở Việt Nam : quan muốn làm gì thì làm

Tổng hợp

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, gỗ chạy về nhà quan CaliToday, 02/02/2018)

Những cánh rừng ở Tây Nguyên biến mất, các loại gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm, không còn được thấy trong những cánh rừng tưởng chừng như bạt ngàn. Lạ lùng thay, các loại gỗ quý ấy lại dễ dàng được nhìn thấy trong những căn biệt phủ được xây toàn bằng gỗ ở nhà các quan chức, chỉ có điều chúng không còn xanh tươi, mà trở thành những bộ bàn ghế, vật trang trí.

Ea Súp-một huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk nằm giáp biên giới với Campuchia. Báo chí trong nước cho rằng, chính vì huyện nghèo nên người dân ở đây chiếm đất, phá rừng để khai thác gỗ. Từ đó, những cánh rừng nguyên sinh với các loại gỗ quý dần dần biến mất trong sự bất lực của chính quyền địa phương. Cho dù vào tháng 10/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ cộng sản Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa rừng, vậy nhưng gỗ quý vẫn tiếp tục bị khai thác và chạy về nhà quan để xây dựng nên những tòa nhà nguy nga, bề thế.

quan1

Ngôi biệt phủ của ông Trần Ngọc Quang. Ảnh : Internet

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/2/2017 dẫn lời từ một lãnh đạo Huyện ủy Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết đã chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm tiến hành điều tra, xác minh tài sản của các đảng viên, cán bộ ở địa phương, trong số đó có nhà của ông Trần Ngọc Quang-cựu chủ tịch huyện Ea Súp.

Ông Trần Ngọc Quang về hưu từ năm 2016. Người dân ở đây không nhớ gì đến những việc mà ông đã làm cho họ. Cái mà họ nhớ đến là căn biệt phủ rộng thênh thang được làm hoàn toàn từ các loại gỗ quý hiếm. Dân trong vùng gọi là "phủ ông Quang".

Phủ ông Quang được xây dựng và đến ở từ cách đây vài năm. Căn nhà nằm bên bờ kênh chính Tây, xung quanh nhà đều được bao bọc bởi các tường rào cao và kiên cố. Theo báo Tuổi Trẻ cho biết :

"Đoạn đường từ nhà ông Quang đổ ra tỉnh lộ 1 dài khoảng 500m được tráng bê-tông sạch sẽ, trong khi nhiều kilomet từ nhà ông Quang vào xã Ea Bung (huyện Ea Súp) vẫn là đường đất, bụi mịt mờ". Những ai đã từng sinh sống hoặc đã đến Tây Nguyên mới thấy được cái thảm cảnh của các con đường đất. Mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Tuy nhiên, con đường đến nhà ông Trần Ngọc Quang lại được làm bê-tông sạch đẹp. Điều lạ lùng là con đường chỉ được làm tới nhà ông Quang, đoạn còn lại chỉ toàn đường đất.

quan2

Trong căn biệt phủ vẫn đang làm dở dang của ông Nguyễn Văn Quyến. Ảnh : Internet

Một cán bộ ở đây cho hay, kinh phí làm đường là do nguồn vốn nông thôn mới của xã Ua Bung làm chủ đầu tư, do hết tiền nên chỉ làm đến được nhà ông Quang, chờ đến khi nào có tiền mới làm tiếp.

Trong một lần trao đổi với các phóng viên, ông Trần Ngọc Quang cho hay, để làm được căn biệt phủ bề thế này, ông phải mất công thuê các thợ rành nghề từ miền Trung lên và phải làm ròng rã ba năm trời mới xong. Ngay giữa nhà ông Quang là một bộ bàn ghế rất to. Ông cho biết, chỉ riêng bộ bàn ghế không thôi đã là 1 tỷ đồng. Các phóng viên hỏi, vì sao bộ bàn ghế quá to lớn nhưng chỉ giá 1 tỷ, ông cho biết là do ông mua gỗ từ trước.

Ông Trần Ngọc Quang không chỉ sở hữu căn biệt thự nguy nga, tráng lệ được làm từ gỗ quý, mà ông còn sở hữu rất nhiều bất động sản giá trị khác. Ngay tại cổng chợ Ea Súp, gia đình ông sở hữu căn nhà 2 tầng với chiều rộng gần 10m ; ông còn sở hữu cây xăng Phương Bông, gần ngay căn biệt phủ của mình.

Ở huyện nghèo Ea Súp không chỉ căn biệt phủ của ông Quang mới được làm từ gỗ quý, mà rất nhiều cán bộ khác cũng xây nhà từ gỗ rừng. Nhà ông Nguyễn Xuân Tự-cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế Ea Súp cũng chẳng thua gì nhà ông Quang. Hay như nhà của ông Nguyễn Văn Quyến-Trưởng phòng sản xuất bảo vệ rừng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm lâm nghiệp Đắk Lắk. Trên con đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Ea Súp có rất nhiều tòa nhà được xây dựng bằng gỗ, nhưng bề thế và nguy nga nhất vẫn là nhà của ông Quyến. Chỉ đếm sơ sơ trong căn nhà của ông Quyến có đến 64 cây rừng cổ thụ, khởi công xây dựng từ năm 2015 cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Huyện Ea Súp là nơi có vườn quốc gia Yok Đôn, đây là khu rừng đã bị khai thác đến tan nát từ nhiều năm nay. Thay vì phải bảo vệ rừng, chống lại bọn lâm tặc thì những người như ông Trần Ngọc Quang, Nguyễn Xuân Tự, Nguyễn Văn Quyến hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tàn phá những cánh rừng nguyên sinh này.

Người Quan Sát

*******************

Cáp treo Sơn Đoòng ảnh hướng thế nào tới thiên nhiên ? (RFA, 01/02/2018)

Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao phản đối thông tin cho rằng tập đoàn FLC đang âm thầm khảo sát xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Mặc dù ngay sau đó, đại diện ban quản lý vườn Quốc gia này đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, nhưng nhiều người dân và cả các chuyên gia khoa học môi trường vẫn lên tiếng yêu cầu không cho xây cáp treo tại hang hang Sơn Đoòng.

quan3

Hình ảnh một góc của hang Sơn Đoòng. Ảnh chụp màn hình từ một bài báo trên trang Kenh14.vn

Thông tin về chủ trương xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng thực ra đã được đề cập cách đây mấy năm về trước. Lúc đó, vì gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân nên Chính phủ đã không phê duyệt dự án này.

Thời gian gần đây, khi mạng xã hội loan tin rằng dự án này hiện vẫn đang được khảo sát để tiến tới xây dựng cáp treo tại Sơn Đoòng, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình đã lên tiếng với báo chí rằng không có chuyện làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng mà chỉ có dự án làm cáp treo vào đến hang Én, mà hai hang này cách nhau đến 3,5 cây số.

Bất chấp lời giải thích đến từ cơ quan chức năng, hiện đã có hơn 143 ngàn chữ ký trực tuyến phản đối dự án này.

Một bạn trẻ tên Nguyễn Ngọc Xanh đã tham gia vào chương trình Cứu Sơn Đoòng (Save Son Doong) cho RFA biết lý do bạn phản đối dự án cáp treo tại đây :

Sau khi xem những clip đó và đọc báo thì em biết rằng hệ sinh thái Sơn Đoòng là hệ sinh thái mù (động thực vật không được tiếp xúc với ánh sáng) . Cho nên nếu con người vào với lượng người nhiều thì khí CO2 thở ra và ánh sáng mình mang vào hang sẽ giết chết hệ sinh thái ở trong đó. Hơn nữa, để khám phá thiên nhiên thì đi bộ vẫn là một trải nghiêm tốt hơn so với đi bằng cáp treo. Nếu mọi người muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong hang thì cũng có thể sử dụng phương tiện khác chẳng hạn như nhìn bằng kính thực tế ảo.

Một người làm nghề hướng dẫn viên du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cho chúng tôi biết là hiện tại chưa có dự án cáp treo nào đang được tiến hành tại hang Sơn Đoòng mà chỉ có một nhóm người đến khảo sát suốt một thời gian dài. Anh chia sẻ quan điểm về việc xây dựng cáp treo tại đây :

Thực ra với cáp treo của Phong Nha Kẻ Bàng thì mình cũng rất đồng ý thôi, nhưng đừng có gây tổn hại về mặt di sản. Phong Nha Kẻ Bàng rất rộng. Hiện tại mình thấy dư luận đang nghiêng về cáp treo ở hang Sơn Đoòng nhưng thực ra Quảng Bình không làm cáp vào hang Sơn Đoòng mà ở một số nơi khác trong Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO cấp phép thì mình đồng ý làm ở những chỗ đó để phát triển kinh tế địa phương.

Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng nếu giả sử tương lai Chính phủ cho tiến hành xây cáp treo tại đây thì anh có đồng tình hay không, người hướng dẫn viên lâu năm này khẳng định :

Nếu tương lai xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng thì mình cũng là người phản đối. Nhưng làm ở một số địa điểm khác ở Phong Nha – Kẻ Bàng thì mình đồng ý. Vì nếu làm cáp treo ở Sơn Đoong sẽ ảnh hưởng đến môi trường ở đây. Vì Sơn Đoòng là di sản của thế giới nên hiện tại mình nên giữ nó ở đó và chỉ phát triển ở rìa xung quanh thôi thì được.

Vào tháng 7 năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, viết tắt UNESCO đã đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng và cho đến nay khuyến cáo đó vẫn còn hiệu lực.

Trong phần nhận định về Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trong đó có hang Sơn Đoòng, UNESCO nêu rõ các yếu tố tác động đến di sản như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xâm phạm rừng, khai thác gỗ trái phép, sự giảm sút và biến mất của một số động thực vật.

UNESCO cũng thẳng thắn nêu ra rằng chính quyền địa phương và trung ương đều thiếu kế hoạch quản lý khách du lịch, thiếu cảnh báo về tác động của khách du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí trong đó có dự án cáp treo vào hang động Sơn Đoòng.

RFA đã liên hệ với UNESCO trụ sở Hà Nội và được ông Giám đốc Michael Croft cho biết :

Vấn đề xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng đã được đề cập đến tại Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Krakow, Ba Lan vào tháng 7 năm 2017. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng họ không hề có ý định xây dựng hệ thống cáp treo tại hang Sơn Đoòng và cũng không có ý định cung cấp bất cứ phương tiện nào để tiếp cận hang này.

Tháng 8 năm 2017, trong một buổi họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho xây cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng có yêu cầu làm đúng quy trình để không ảnh hưởng đến kỳ quan nơi đây. Không thấy ông Phúc đề cập cụ thể có cho phép hay không việc xây cáp treo tới hang Sơn Đoòng.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi về mối quan ngại với thiên nhiên, môi trường nếu xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng với ông Nguyễn Huỳnh Thuật, là thạc sĩ môi trường quốc tế và phát triển công đồng Đại Học Nông Nghiệp Và Công Nghệ Tokyo, Nhật Bản. Ông cho biết :

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nếu mình làm cáp treo vào động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến núi đá vôi. Đợt ông Obama sang Việt Nam, ông ấy nói rằng nếu chỉ có mấy cây số như vậy thì ông ấy cũng sẵn sàng đi bộ chứ không đi cáp. Khi hệ sinh thái núi đá vui bị phá hủy nó sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khác, với thiên nhiên, con người ở đó. Đặc biệt, những hồ nhỏ trên núi đá vôi cũng là một hệ sinh thái rất đặc trưng với các loài đặc biệt sống trong đó. Nếu mình làm cáp treo sẽ liên quan đến rất nhiều thứ như tiếng ồn, bụi, rồi những hóa thạch và đá vôi rơi rụng từ trên cao xuống sẽ phá hủy hệ sinh thái dưới thấp. Những loài nguy cấp sẽ bị mất mát rất lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng Sơn Đoòng không những là di sản của Việt Nam mà còn của cả thế giới, vì vậy cả thế giới cùng với UNESCO và lương tri nhân loại phải có trách nhiệm bảo tồn.

Còn Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Trình, Viện trưởng Viện Bảo vệ Môi trường và Phát triển Bền vững lại nói rằng ông chưa thể khẳng định có đồng tình hay phản đối dự án cáp treo ở Sơn Đoòng bởi vì chưa có đủ thông tin. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra cái nhìn chung :

Bây giờ để nói đồng tình hay phản đối thì chưa có cơ sở vì chưa có một nghiên cứu nào về chuyện đó. Nhưng nếu xét thuần túy về quan điểm bảo tồn thiên nhiên thì cái gì động chạm đến thiên nhiên cũng không nên. Các cáp treo khác mà tôi biết như Hoàng Liên Sơn, hay cáp treo trong các vườn quốc gia thì theo ý kiến tôi không nên làm bởi vì mình phải bảo tồn thiên nhiên.

Quan điểm chung về bảo tồn thiên nhiên là nếu làm trong vùng lõi core zone thì không nên bởi vì theo quy định của Việt Nam và UNESCO thì những gì nằm trong vùng lõi thì không nên làm mà chỉ nên thăm quan, học hỏi để nghiên cứu khoa học thôi.

Nói chung về tác động của việc xây cáp treo đến cảnh quan, PGS Lê Trình cho biết :

Bản thân cáp treo tác động ít nhưng những tác động gián tiếp thí dụ như khi có cáp treo mỗi ngày hàng ngàn người đến du lịch thì sẽ gây ô nhiễm môi trường, ồn ào, rồi có khi thay đổi cảnh quan. Và người ta cũng dễ dàng xâm phạm các khu bào tồn hơn, ảnh hưởng đến sinh thú,…

RFA cũng đã liên lạc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để biết thêm thông tin. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về dự án cáp treo ở Sơn Đoòng, Phó Giám đốc ông Đinh Huy Chí cho biết ngắn gọn :

Đã làm gì đâu [xây cáp treo] ! Chưa làm gì mà !

Sau đó ông Chí từ chối bình luận thêm với lý do bận chuẩn bị họp.

Hang Sơn Đoòng được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang này là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam. Năm 2014, tờ Thời báo New York xếp hạng Sơn Đoòng vào vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa danh mọi người nên ghé thăm.

Từ năm 2015 đến 2017, các tuyến du lịch vào Sơn Đoòng được tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác bằng hình thức đi bộ thám hiểm xuyên rừng. Mỗi năm Sơn Đoòng chỉ đón số lượng khách giới hạn từ 500-600 khách. Năm 2017, đơn vị lữ hành được phép khai thác đã đưa khoảng hơn 600 người vào kỳ quan có một không hai này.

Quay lại trang chủ
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)