Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2024

Hà Nội truy cùng diệt tận bất cứ ai tình nghi chống chính quyền

RFA tổng hợp

Chính phủ Hà Nội truy triệt để những tiếng nói phản biện

RFA, 03/01/2024

"Chính quyền bắt hết "cá" lớn rồi, giờ đến "cá nhỏ" thì họ bắt nốt", một nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết.

truydiet1

Các thành viên No-U Hà Nội, một nhóm chống đường Lười bò Trung Quốc - Reuters

Truy cùng, diệt tận

Ngày càng nhiều các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam bị các cơ quan chức năng bắt giữ và thậm chí kết án nặng, khiến những người còn lại (có liên quan ít nhiều hoặc từng liên quan) trở nên "kín tiếng và im ắng hơn".

Tuy vậy, trong vòng sáu tháng trở lại đây, qua tìm hiểu của RFA, không ít nhà hoạt động trong nước đã bị an ninh mời làm việc - theo nhiều cách khác nhau, như gởi giấy mời lên đồn công an, ép buộc đi uống cà phê với an ninh hay thậm chí là bị công an xông thẳng vào nhà bắt giữ như trường hợp của nhà hoạt động Phan Vân Bách, cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV mà RFA đã loan tin trong hai ngày qua (2 và 3/1/2024). 

Ba nhà hoạt động hiện đang ở trong nước, yêu cầu chỉ nêu tên viết tắt vì lý do an toàn, xác nhận với RFA rằng họ bị mời làm việc nhiều lần trong những tháng gần đây. Những người này nói rằng họ bị an ninh hạch hỏi về các hoạt động chính trị, nhân quyền từ cách đây đã vài năm trước.

Ông L, ở Hà Nội cho biết, trong nửa cuối năm 2023, ông bị mời làm việc hai lần :

"Năm ngoái là nó mời hết lượt. Tôi từ chối nhiều quá nhưng họ vẫn đòi gặp thì tôi phải chịu gặp ở quán cà phê.

Nó nói rằng những người có tiếng tăm là nó bắt hết rồi. Nó cũng nói thẳng là giờ đến những con cá nhỏ khác. Dọa xong thì nó chơi đòn tâm lý, khuyên tôi nên nghĩ tới gia đình, vợ con.

Nói thật là tôi cũng ngưng hẳn rồi, giờ mà tôi bị tóm thì gia đình tan nát hết".

Ông L, cũng cho biết thêm rằng ngoài ông, hầu hết những người từng lên tiếng trước tình hình chính trị, xã hội đều bị an ninh "mời" làm việc :

"Còn lại những ai mà nó điểm mặt là hay lên mạng viết bài hay tham gia các hoạt động là nó mời lên hết.

Những người làm YouTube thì bị bắt ngưng làm, nếu không thì nó sẽ bắt.

Có người mời mãi không được là nó xộc luôn vào nhà".

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cũng căng thẳng không kém. Ông H, cho RFA biết mặc dù đã rất cẩn thận, kín tiếng và không tham gia các hoạt động dân chủ, nhân quyền hay chỉ trích lãnh đạo trên mạng từ hai, ba năm qua, nhưng ông vẫn bị Công an mời làm việc :

"Tôi bị mời làm việc ba lần.

Nó trao đổi, hạch hỏi về những chuyện ngày xưa mình đã làm. Thứ hai là nó cố bắt mình phải chứng minh Facebook đó là của mình, hỏi về những hình ảnh, clip và phóng sự nước ngoài làm về mình.

Nó răn đe bây giờ hồ sơ là đầy đủ rồi, cho đi (tù - PV) lúc nào là chuyện của nó.

Tôi nghe nói giờ đang có chiến dịch bắt hết những người từng có các hoạt động đấu tranh ngày trước, dù bây giờ họ còn hoạt động hay không".

Ông B, một người hoạt động nhân quyền cũng đang ở Thành phố Hồ Chí Minh lấy ví dụ vụ việc ông Phan Văn Bách vừa bị bắt hôm 29/12 vừa qua :

"Mấy năm nay Bách ngưng để kiếm miếng cơm manh áo nhưng mà tụi nó có tha đâu.

Nhiều khi mọi người sẽ thấy hụt hẫng là vì sao mình đã dừng lại rồi mà vẫn bị bắt, mấy anh em lên tiếng giờ đã im lặng rồi cũng bị bụp.

Nhưng từ nay sắp tới những gương mặt gạo cội sẽ bị bắt nữa".

Xóa bỏ triệt để phong trào dân chủ ở Việt Nam

Nhận định về tình trạng này, cô Minh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền cho biết :

"Tôi nghĩ hiện tại họ (an ninh Việt Nam-PV) không phân biệt ai còn hoạt động hay đã ngừng hoạt động đâu. Có lẽ mục đích của chính quyền qua việc này là :

Thứ nhất là đe dọa và cảnh cáo những người còn hoạt động để họ ngừng những công việc họ đang làm. Chiến lược này có hiệu quả vì FredHub mới đây đã tuyên bố giải thể để đảm bảo an toàn cho cộng sự.

Tất cả những nhà hoạt động nổi bật ở Việt Nam đều đã bị bắt hết hoặc đã ra nước ngoài sinh sống nên chính quyền mời những người còn lại lên làm việc để thu thập thông tin và lậán mới rồi bắt những người mới. Mục đích là xóa bỏ triệt để phong trào dân chủ và hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam".

Ông Nguyễn Tiến Trung, người bị chính quyền Hà Nội truy lùng suốt trong năm 2023 và đã đến Đức tị nạn vào hồi tháng 12 vừa qua, thì cho rằng, lý do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "truy cùng diệt tận" đối lập dân chủ trong nước là vì tình hình thế giới đang biến động dữ dội và có thể ảnh hưởng, tạo biến động đến Việt Nam bất kì lúc nào :

"Nhà cầm quyền sợ khi có biến động và có lực lượng dân chủ lãnh đạo thì người dân sẽ vùng lên thiết lập chế độ dân chủ, từ bỏ chế độ độc đảng toàn trị.

Các siêu cường đang đối đầu nhau dữ dội, từ Ukraine đến Đài Loan. Điểm nóng Đài Loan và Trường Sa bộc phát sẽ khiến chính trị Việt Nam biến động. Giá lương thực, dầu hoả từ chiến tranh ở Ukraine cũng vậy.

Bản thân đảng cộng sản cướp chính quyền được là nhờ vào thế chiến thứ hai kết thúc và có khoảng trống quyền lực trong nước. Cho nên nhà cầm quyền sẽ tiêu diệt hết mọi mầm mống lãnh đạo dân chủ để không có đối lập lãnh đạo, dẫn dắt người dân xây dựng chế độ dân chủ thành công".

Nguồn : RFA, 03/01/2024

***************************

Công an Hà Nội thông báo tạm giam ba tháng đối với cựu thành viên CHTV Phan Vân Bách

RFA, 03/01/2023

facebook1

Ông Phan Vân Bách và Thông báo tạm giam - Facebook Phan Vân Bách (RFA edited)

Cơ quan An ninh Điều tra của Công an thành phố Hà Nội có thông báo bắt tạm giam hơn ba tháng đối với nhà hoạt động Phan Vân Bách nhưng không nói ông bị điều tra theo cáo buộc gì.

Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, là cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV (Chấn Hưng TV) trên nền tảng YouTube chuyên đưa tin về dân oan và nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước. Ông bị công an bắt giữ vào sáng ngày 29/12/2023 mà không có sự chứng kiến của người thân.

Theo Thông báo tạm giam gửi cho gia đình ngày 03/01, thời hạn tạm giam được tính từ ngày 29/12/2023 đến ngày 04/04/2024.

Như chúng tôi đã thông tin, ông Bách bị công an bắt giữ và khám nhà trong lúc gia đình đi vắng, và khi bị đưa đi, ông đã gửi lại chìa khoá cho viên công an khu vực.

Vợ ông, tên thật là Nguyễn Thị Yêu (hay còn gọi là Nguyễn Thị Liễu) chỉ biết tin vào buổi tối hôm đó khi đi làm về. Trong mấy ngày sau, bà có lên Công an thành phố Hà Nội (trụ sở chính ở số 89, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) để hỏi thông tin về ông nhưng phía công an không cung cấp, chỉ nói để lại số điện thoại để phía công an liên lạc sau.

Ngày 03/01, bà lại đến trụ sở trên để hỏi tung tích của chồng và nhận được Thông báo tạm giam. Bà thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều ngày 03/01 :

"Sáng nay tôi lên cơ quan công an ở 89 Trần Hưng Đạo và được đồng chí (điều tra viên- PV) thụ lý việc của anh Bách đưa cho tôi giấy thông báo và nói là anh Bách sẽ bị tạm giam trong ba tháng.

Anh ý có nói là anh Bách hiện đang bị giam ở Trại tạm giam số 1 ở Phúc Diễn và mai tôi có thể gửi đồ cho anh ấy".

Bà Yêu cho biết, người điều tra viên đưa Thông báo tạm giam và nói nhanh về nguyên nhân chồng bà bị bắt giữ nhưng do bối rối nên bà không nhớ được nội dung cụ thể. Sau đó, bà gọi điện  thoại để hỏi lại nhưng điều tra viên này từ chối tiết lộ, viện lý do "không thể trao đổi qua điện thoại".

Phóng viên có gọi điện cho điều tra viên tên Tường thụ lý vụ án của ông Phan Vân Bách nhưng người này yêu cầu phóng viên đến gặp trực tiếp để được cung cấp thông tin.

Theo Điều 173 của Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo luật, thông báo tạm giam gửi cho gia đình phải có thông tin về cáo buộc đối với người bị bắt giữ.

Luật sư Tuấn nhận định với RFA rằng, căn cứ vào văn bản công an gửi cho gia đình ông Bách thì có nhiều khả năng ông bị bắt và điều tra theo cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, tuy không loại trừ khả năng bị cáo buộc với tội danh khác là "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của bộ luật này.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước" có mức án từ năm năm đến 20 năm tù giam, thậm chí là tử hình, trong khi tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" có mức án cao nhất là bảy năm tù giam.

Ông Bách tham gia phong trào biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông từ năm 2011, phong trào cây xanh năm 2015 và biểu tình chống Formosa gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.

Ông cũng lên tiếng phản đối đàn áp người bất đồng chính kiến, và ủng hộ dân oan trên Facebook, và tham gia đòi người khi có nhà hoạt động bị câu lưu.

Từ năm 2017, ông tham gia kênh YouTube CHTV, một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi tù nhân lương tâm Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ba thành viên của nhóm là các ông Vũ Quang Thuận, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), và Lê Trọng Hùng bị kết án từ 5 năm đến 8 năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước".

Cuối năm 2018, ông vào thăm một số bạn bè và người hoạt động ở Tây Nguyên, bị an ninh đánh đập và trục xuất về Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, ông tuyên bố rời CHTV, nơi ông thường lên sóng để chỉ trích chế độ độc đảng ở Hà Nội và cá nhân ông Hồ Chí Minh.

Trong nhiều năm gần đây, ông tập trung làm kinh tế, có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động theo thông tin từ Facebook cá nhân.

***************************

Công an tạm giữ cựu thành viên của kênh YouTube CHTV nhiều ngày, gia đình không được thông báo

RFA, 02/01/2024

Công an thành phố Hà Nội tạm giữ ông Phan Vân Bách, cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV (Chấn Hưng TV) chuyên về dân oan, sang ngày thứ năm nhưng không thông báo cho gia đình.

facebook2

Ông Phan Vân Bách - Fb Phan Vân Bách

Ông Bách, sinh năm 1975, bị công an thành phố Hà Nội đến tận nhà riêng ở phường Trung Tự, quận Đống Đa ngày 29/12 để đưa ông đi.

Bà Nguyễn Thị Liễu, vợ của ông Bách, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết ngày đó chỉ có ông Bách ở nhà, và khi bị đưa đi, ông đưa lại chìa khóa nhà cho cảnh sát khu vực để chuyển lại cho gia đình. Công an cũng khám xét nhà nhưng không thu giữ được gì, bà Liễu nghe thông tin từ phía viên cảnh sát khu vực.

Bà Liễu thuật lại trong ngày 02/01 :

"Hôm đấy anh ấy bị như thế tôi không có nhà và cả nhà không ai có ở nhà cả. Công an khu vực chỉ nói là anh ấy được công an thành phố mời lên để làm việc. Đến mai (ngày hôm sau- PV) tôi lên trên đấy hỏi về tình hình thì người ta bảo là chị cứ để lại số điện thoại rồi cơ quan sẽ gọi".

Tuy nhiên, đã năm ngày chồng bà bị bắt giữ mà phía công an vẫn chưa có thông báo gì cho gia đình. Trong mấy ngày qua, bà đã lên Công an thành phố nhiều lần để hỏi nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời như trên.

Bà lo lắng cho tình trạng của chồng, tuy nhiên vì không biết được các hoạt động của chồng nên bà không thể đoán ra lý do chồng bị tạm giữ :

"Giờ không biết là anh ở đâu ! Ngày trước thì có một vài lần người ta cũng triệu tập anh ấy lên đấy để làm việc nhưng mà xong thì chỉ có khoảng trong ngày là anh về thôi nhưng mà lần này đến nay là ngày thứ năm rồi".

Phóng viên gọi điện nhiều lần vào số điện thoại di động của cảnh sát khu vực tên Chung để xác minh thông tin bà Liễu kể lại nhưng người này không nghe máy. Phóng viên gọi điện cho đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội nhưng người trực ban nói không biết thông tin về vụ tạm giữ ông Bách.

Ông Bách tham gia phong trào biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông từ năm 2011, phong trào cây xanh năm 2015 và biểu tình chống Formosa gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.

Ông cũng lên tiếng nói phản đối đàn áp người bất đồng chính kiến, và ủng hộ dân oan trên Facebook, và tham gia đòi người khi có nhà hoạt động bị câu lưu.

Từ năm 2017, ông tham gia kênh Youtube CHTV, một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi tù nhân lương tâm Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thành viên của kênh này còn có Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), Lê Trọng Hùng, Vũ Mạnh Tuấn (Anton Tuấn), và Nam Phương (tức Trần Thị Yến).

Cả ba người thuộc kênh TV này là ông Thuận, ông Dũng và ông Hùng đều đang bị cầm tù về tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước".

Ông Tuấn, người hiện đang ở thành phố Nha Trang, cho biết hoạt động của ông Bách trong CHTV từ năm 2017 đến khi rời nhóm năm 2019 :

"Bách chả có một cái chủ đề nào riêng cả, cao hứng lên thì nói, đa số nói xoáy những cái xấu những cái tồi tệ của chế độ, của xã hội. Sau đó, Bách tuyên bố là rời khỏi CHTV".

Ông Tuấn cho biết bản thân ông cũng bị triệu tập lên đồn công an và bị tra khảo về CHTV nhưng được về nhà ngay trong ngày.

Cuối tháng 12 năm 2018, khi vào Lâm Đồng thăm một số bạn bè và người hoạt động ở đây, ông Bách đã bị an ninh địa phương đánh gây thương tích, và buộc ông trở về Hà Nội, theo nhà hoạt động Phạm Thế Lực.

Trong nhiều năm gần đây, ông Bách tập trung làm kinh tế. Theo trang Facebook cá nhân, ông cộng tác với một công ty đưa người đi xuất khẩu lao động ở một số quốc gia.

Trong nhiều năm qua, an ninh ở một số địa phương bắt giữ người hoạt động để tra khảo nhiều ngày rồi mới công bố lệnh bắt giữ và cáo buộc. Trường hợp gần đây xảy ra với thầy giáo dạy thực dưỡng Dương Tuấn Ngọc ở Lâm Đồng và cựu quản trị viên trang "Nhật Ký Yêu Nước" Phan Tất Thành ở thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 7 năm ngoái. Hiện hai người đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Cũng có trường hợp bị công an tra khảo trong nhiều ngày nhưng sau đó được trả tự do, như trường hợp của nhà hoạt động Lê Xuân Diệu (tức Diệu Lê) ở Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8/2023.

Nguồn : RFA, 02/01/2024

**********************

Công an nói cựu quản trị viên Fanpage "Nhật Ký Yêu Nước" từ chối luật sư, gia đình phản bác

RFA, 02/01/2024

Cơ quan An ninh Điều tra của Công an thành phố Hồ Chí Minh nói nhà hoạt động Phan Tất Thành, người được cho là cựu quản trị viên của Fanpage có nội dung cổ võ các giá trị dân chủ và tự do mang tên "Nhật Ký Yêu Nước", từ chối tham vấn luật sư nhưng gia đình khẳng định điều ngược lại.

facebook3

Nhà hoạt động Phan Tất Thành - Facebook Black Aaron

Ông Phan Tất Thành, 38 tuổi, bị Công an thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ từ ngày 8/7/2023 rồi sau đó bị bắt giữ với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự từ ngày 13/7. Hiện ông đang bị giam trong thời gian điều tra ở Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu của công an thành phố.

Ông Phan Tất Chí, bố của nhà hoạt động, cho biết ngay sau khi con trai ông bị bắt, gia đình đã ký hợp đồng bào chữa với luật sư Trần Đình Dũng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Vào cuối tháng 12/2023, luật sư Dũng đã đến cơ quan công an để làm thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Thành, tuy nhiên, phía công an từ chối. Ông Chí thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) :

"Tuần trước luật sư xúc tiến làm thủ tục xin tiếp xúc với Thành. Hai ngày sau công an an ninh điều tra thông báo với luật sư là em Thành từ chối gặp tiếp xúc luật sư, không cần luật sư".

Ông Chí cho rằng thông tin công an đưa ra không đúng với những điều mà gia đình nhận được từ con ông. Ông khẳng định :

"Điều này nó hoàn toàn trái ngược 100% với ý nguyện của Thành từ trại tạm giam. Thành thông tin về cho gia đình yêu cầu phải có luật sư thì nó mới làm việc với bên điều tra".

Ông cho biết luật sư Dũng yêu cầu văn bản từ chối luật sư với chữ ký của ông Thành, nhưng phía công an không đáp ứng. Luật sư cũng đã nộp đơn kiến nghị lên cơ quan công an đề nghị cho gặp ông Thành để xác nhận việc nhà hoạt động này không muốn sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, tuy nhiên, phía công an chưa phản hồi.

Phóng viên gọi điện cho luật sư Trần Đình Dũng và được ông khẳng định thông tin ông Chí cung cấp là đúng. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết thêm chi tiết.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong nhiều vụ án thuộc chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự, như Điều 117- Tuyên truyền chống Nhà nước, Điều 109- Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thậm chí cả Điều 331- Lợi dụng quyền tự do dân chủ không thuộc chương này, cơ quan an ninh điều tra thường thuyết phục, thậm chí ép buộc người hoạt động không thuê luật sư.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho nhiều người hoạt động, cho RFA biết ông không hề ngạc nhiên về thông tin ông Phan Tất Thành từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra "vì lẽ việc này xảy ra rất phổ biển trong các vụ án chính trị".

Ông nói với RFA trong tin nhắn :

"Trước hết phải hiểu việc từ chối này chưa bao giờ xuất phát từ ý chí của họ. Trong hoàn cảnh bị bắt giam, luật sư như cái phao cứu sinh của họ, ít nhất về phương diện tinh thần. Đồng thời, còn giúp quá trình điều tra được thực hiện công bằng, đúng pháp luật, ngăn ngừa tình trạng nghi can bị điều tra viên tra tấn, dùng nhục hình. Cho nên, việc từ chối chẳng khác nào tự sát".

Ông cho biết trong các trường hợp từ chối luật sư, khi ông tiếp xúc với họ thì họ đều cho biết bị cơ quan an ninh điều tra ép buộc từ chối luật sư, với lý do thường nghe là : Có luật sư thì án sẽ nặng nề hơn.

"Điều này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng hình sự vì đã xâm phạm vào quyền bào chữa của người bị khởi tố, mà còn xâm phạm đến việc hành nghề của giới luật sư.

Thực tế, dù phần bào chữa của luật sư trong các vụ án chính trị không được tòa án và công tố lưu ý, vì họ (chính quyền- PV) đã có bản án trước khi xét xử. Thế nhưng, cơ quan an ninh điều tra vẫn tìm cách ngăn cản luật sư tham gia vụ án, vì lẽ, hầu hết quá trình điều tra vụ án đều có tình trạng vi phạm tố tụng như tra tấn, dùng nhục hình để dụ cung, ép cung nghi can. Nếu có sự hiện diện của luật sư, thì họ sẽ không thể thực hiện điều đó để điều tra, kết thúc vụ án theo ý muốn của họ được".

Gia hạn thời gian điều tra

Ông Thành bị Cơ quan An ninh Điều tra bắt đi "làm việc" từ ngày 05/7 nhưng lệnh khởi tố và bắt tạm giam ghi từ ngày 13/7/2023 cho tới ngày 09/11/2023.

Ông Chí cho RFA biết, vào ngày 10/11/2023 ông lên Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu để hỏi thông tin về con trai của mình thì được phía công an cho biết đã gia hạn tạm giam thêm ba tháng.

"Ngày 10/11, tôi lên tôi gửi quà thăm nuôi cho Thành và tôi hỏi thì bên công an điều tra họ trả lời họ bảo là đã ký cái quyết định gia hạn (tạm giam- PV) tới ngày 07/2/2024".

Theo thống kê của RFA, ông Thành là một trong hơn 20 nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, và Facebookers bị bắt năm 2023, bốn trong số này bị tống giam với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước".

Theo nhiều người hoạt động ở phía Nam, Phan Tất Thành, biệt danh là Black Aaron, thường xuất hiện trong các bình luận và tin tức của trang Fanpage Nhật Ký Yêu Nước.

Năm 2010, ông từng đi sang Thái Lan và biểu tình một mình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok khi mà mọi cuộc biểu tình trong nước lúc đó đều bị bắt bớ, ngăn chặn. 

Một số nhà hoạt động cho biết trong nhiều năm gần đây, ông Thành đã dừng mọi hoạt động xã hội và tập trung vào công việc chuyên môn về hậu cần (logistics).

Nguồn : RFA, 01/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)