Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/01/2020

Việt Nam đối phó virus Corona như thế nào ?

Tổng hợp

Công an xử phạt Facebookers loan tin virus Corona có đúng luật ? (RFA, 30/01/2020)

Những ngày gần đây, báo trong nước liên tục loan tải thông tin một số Facebookers bị mời làm việc và phải đóng phạt do đăng trên tài khoản mạng xã hội những thông tin về dịch bệnh coronavirus đang lây lan mạnh mẽ.

doipho1

Hình minh họa. Nhân viên y tế đứng cạnh quầy ở khu vực cách ly tại Viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020 - AFP

Báo trong nước vào ngày 30/1 loan tin dẫn nguồn từ công an thành phố Hải Phòng cho biết đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Vũ Thị N.T với lý do đã đăng tải thông tin sai sự thật về số người nhiễm virus Corona ở địa phương.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 29/1 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại các tỉnh thành phía nam, Công an thành phố Phan Thiết vào ngày 28/1 cũng đã triệu tập một phụ nữ tên Nguyễn Thị Liên Dung, 33 tuổi, cư ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do đăng tin có 6 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện An Phước.

Cùng ngày, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời anh Trần Văn Tùng đến để chất vấn về thông tin mà anh Tùng đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus. Đến ngày 30/1, anh Tùng bị phạt hành chính 15 triệu về cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật :

"Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. Còn về phương diện xã hội thì với bệnh dịch nguy hiểm như Corona có thể gây chết người, ảnh hưởng đến rất nhiều mặt đối với một quốc gia, xã hội thì nếu có việc nói khống, nói quá lên thật ra mang yếu tố rất tích cực, giúp người dân để tâm, để ý sâu sắc hơn đối với bệnh dịch này. Sự để tâm của họ có thể giúp cho số đông người dân sa vào hoàn cảnh mà họ lây nhiễm và vô tình không biết".

Còn Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng lại cho rằng đây là một kịch bản được chính phủ Hà Nội đưa ra đưa ra để cảnh cáo người khác vì hiện nay trên mạng xã hội lan tràn tin có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng những người đăng tải vẫn không bị chính quyền đụng đến.

Viết trên Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang – cựu phóng viên báo Pháp luật, hiện đang làm Biên tập Luật Khoa tạp chí đưa ra nghi vấn khi gần như tất cả những người bị bắt đều có chung phản ứng theo công thức :

"Quá trình điều tra, biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra".

Theo bà Đoan Trang, đây là văn phong của công an khi trả lời phỏng vấn và đã được báo trong nước đưa nguyên nội dung vào bài.

Với kinh nghiệm bản thân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng việc ‘thú tội’ này nằm trong một kịch bản hoàn toàn quen thuộc :

"Đối với những người bất đồng chính kiến hoặc những người làm việc với công an trên đồn công an, cả bản thân tôi cũng đã trải qua, họ dùng những thủ thuật lấy cung, ép cung, có thể không tra tấn nhưng bằng những hình thức khác như không cho nghỉ ngơi, bằng những câu hỏi làm mình không còn sự tỉnh táo và sẵn sàng chấp nhận hết tất cả những điều họ viết như nhận tội, xin lỗi, cải chính thông tin, thậm chí có những người tù lương tâm phải lên tivi nhận tội. Người ta bị ép buộc trong tình trạng tâm lý không bình thường, theo tôi những người tuyên bố trong đồn công an với áp lực như thế đều không có giá trị".

Phát biểu, trao đổi với báo chí trong nước, các lãnh đạo nhà nước Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân nên cẩn thận thông tin từ thế lực thù địch, phản động như trong công điện Bộ Công an gửi Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được báo Vietnamnet trích dẫn :

"Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân ; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự".

Nhiều người bày tỏ thắc mắc, tại sao các vị lãnh đạo không chỉ đơn thuần nhắc nhở người dân cẩn thận trước những thông tin giả về dịch bệnh do virus Corona gây ra mà phải nhắc đến thế lực thù địch, phản động ?

Nhận xét về hành động này của những người đứng đầu bộ máy nhà nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng chính quyền đang đặt lệch chức năng quản lý, xây dựng nhà nước của mình :

"Dường như những quan chức phát biểu như vậy họ chỉ nghĩ đến khía cạnh chính trị hơn sự an toàn cho người dân. Với bệnh dịch nguy hiểm như vậy lẽ ra nên có những khuyến cáo cho người dân về việc phòng tránh hoặc có những chính sách để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân hơn là đi nhăm nhăm nhằm chế tài, hạn chế người dân nói về bệnh dịch".

Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định đây là thái độ không thể chấp nhận được trong lúc này. Ông giải thích :

"Có bài học ngay ở Trung Quốc, một chế độ nổi tiếng về bưng bít thông tin thời gian gần đây cũng phải công bố những thông tin kể cả từ người dân, nhà báo độc lập và cả trên mạng xã hội. Ta thấy rằng chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng y tế rất kém, các bệnh viện khi chưa có dịch bệnh bùng phát đã quá tải 2, 3 người bệnh một giường, nếu không có thông tin minh bạch, thậm chí có thể nguy cơ lây lan trong thực tế phải cảnh báo người dân cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa nhưng đây lại ngược lại. Họ chính trị hóa tất cả mọi vấn đề trong xã hội hoặc tất cả những gì họ nghĩ rằng ảnh hưởng tới quyền lực của họ thì họ coi đấy là những thế lực thù địch".

Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng đưa ra một nhận xét về mặt tích cực khi truyền thông trong nước vào ngày 30/1 loan tải thông tin cho biết Việt Nam xác nhận có thêm 3 bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Trong đó, 1 người Thanh Hóa đang điều trị ở bệnh viện địa phương, 2 người ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Như vậy, cộng với 2 trường hợp người Trung Quốc xác nhận nhiễm virus nCoV trước đó, Việt Nam tính đến nay có tổng cộng 5 trường hợp dương tính với virus Corona. Trong số này 1 trường hợp đã được chữa khỏi.

Hiện dịch nCoV đã xuất hiện ở 18 quốc gia với tổng số người mắc tăng mỗi ngày lên đến 7.819 người. Được biết, dịch nCoV có khả năng lây lan nhanh và chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị. Do đó, theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể sắp tới toàn dân Việt Nam phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Nguồn : RFA, 30/01/2020

********************

Phạt một Facebooker 15 triệu đồng với lý do loan tin sai về dịch virus Corona (RFA, 30/01/2020)

Anh Trần Văn Tùng, 22 tuổi, bị Công an Vũng Tàu phạt 15 triệu đồng với cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.

doipho2

Anh Trần Văn Tùng tại cơ quan Công an Vũng Tàu. Photo : Thanh niên

Quyết định vừa nêu do thượng tá Võ Tài Quốc, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký ngày 30/1, xử phạt anh Trần Văn Tùng với lý do được nêu là ‘Cung cấp thông tin sai sự thật’ khi anh viết trên facebook rằng "tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu có hai người Trung Quốc nghi nhiễm virus corona" kèm hình ảnh khoa cấp cứu của bệnh viện này.

Anh Tùng tường trình lý do anh đưa tin lên facebook là do tối 27/1, khi đưa bạn vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu, anh được bảo vệ bệnh viện yêu cầu mua khẩu trang vì "có người Trung Quốc nghi dính virus corona đang điều trị ở bệnh viện".

Vào ngày 28/1, Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mời anh Trần Văn Tùng ngụ tại Tp Vũng Tàu đến để chất vấn về thông tin mà người này đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus được điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, Thành phố Vũng Tàu.

Theo tin mà người này đưa là có hai người Trung Quốc bị nghi nhiễm corona virus được điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi. Chỉ sau khi đăng vài phút, post của tài khoản Trần Văn Tùng nhận được hơn 400 bình luận và 600 lượt chia sẻ.

Tin nói lãnh đạo Bệnh Viện Lê Lợi trình báo với Cơ quan An ninh Điều tra Tp Vũng Tàu yêu cầu làm rõ vì theo bệnh viện này thì chưa có trường hợp nào nghi nhiễm nCoV được đưa đến điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi tính đến thời điểm ngày 27/1.

Vào hôm 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật liên quan virus corona tại Việt Nam.

*******************

Corona truyền nhiễm mạnh hơn SRAS /SARS (Từ Thức, 29/01/2020)

Con số người bị nhiễm virus ở Tàu đã vượt số người bị lây bệnh trong gần 2 năm SRAS hoành hành, 2002-2003. Số tử vong : 132 người.

doipho1

Sáng thứ Tư, 29/1, Bắc kinh cho hay số người bị nhiễm virus, 5974, đã vượt con số 5327 của SRAS ( tiếng Anh SARS ). Chỉ sau một đêm đã có thêm 1400 người bị lây virus

Trên khắp thế giới, với 8096 trường hợp, SRAS đã làm thiệt mạng 774 người.

Tạm kết luận :

- Coronavirus lan truyền mạnh, nhanh hơn SRAS, trái với những quả quyết của các quan chức VN
-Corona tương đối ít nguy hiểm hơn : số tử vong với SRAS gần 10%, với corona 2019 : từ 3 tới 5%.

Cố nhiên phải dè dặt vì đây chỉ là giai đoạn đầu của virus 2019, và những con số đều do Bắc kinh cung cấp.

Theo các y sĩ Trung Hoa, thời gian từ khi nhiễm virus tới khi phát bệnh ( période d’incubation ), với corona 19, cũng lâu hơn : có thể tới 2 tuần lễ. Virus có thể tuyền nhiễm trong thời gian này, mặc dầu chưa có triệu chứng gì nơi người bệnh. Vì vậy, việc đeo khẩu trang rất cần thiết, đặc biệt khi tiếp xúc với những người tới từ nước Tàu.

Đó cũng là điểm khác biệt với SRAS, trong khi SRAS (hay SARS-CoV ) cũng là một loại coranovirus, và về cấu trúc, hai virus giống nhau tới 80%

Virus Úc

Các khoa học gia Úc cho hay đã thành công trong việc tái tạo một coranovirus trong phòng thí nghiệm.

Điều đó không có nghĩa là sẽ có vaccin (thuốc chủng ngừa) trong những ngày tới, vì từ lúc thực hiện được một phiên bản của virus, tới khi sản xấu vaccin hữu hiệu, phải cần nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm.

Trong khi chờ đợi vaccin, đây là một bước tiến cực kỳ quan trọng, nhất là trong việc chẩn bệnh, tìm ra người bi nhiễm virus một cách chính xác, nhanh chóng.

Các y sĩ Úc đã tái tạo virus từ một bệnh nhân, lần đầu ngoài Trung Hoa. Họ cũng sẽ cung cấp virus tái tạo cho các phòng thí nghiệm khác, để việc nghiên cứu tiến nhanh hơn.

Đó là một thái độ khoa học, khác hẳn thái độ của người Tàu

Trung Hoa đã phát triển một phiên bản virus trong phòng thí nghiệm, nhưng không cung cấp virus cho nước ngoài, chỉ công bố kết quả của nghiên cứu, hay chấp nhận các chuyên viên ngoại quốc tới cộng tác với họ.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguy cấp tới đâu, người Tàu vẫn là người Tàu, Cộng sản vẫn hành động kiểu cộng sản.

Từ Thức

******************

Việt Nam ứng phó với dịch coronavirus : nói và làm phải song hành ! (RFA, 29/01/2020)

Quyết liệt phòng, chống dịch coronavirus

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động Bộ Y tế đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, vào chiều ngày 28/1 cho biết tình hình dịch nCoV tại Việt Nam đang ở cấp độ 1, tức là có ca bệnh xâm nhập và ngành y tế sẵn sàng ứng phó với cấp độ 2, tức có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và cũng đã có phương án cho cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh.

doipho2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (đeo kính, ở giữa) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh virus corona, ngày 28/01/20. Courtesy : Ảnh chụp màn hình VTV24

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý với Bộ Y tế rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn là hàng ngàn người bị nhiễm nCoV.

Cùng trong ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch nCoV, yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc". Theo Chỉ thị số 05 mới ban hành, trước mắt cần phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với dịch bệnh nCoV và Bộ Y tế phải báo cáo hàng ngày.

Trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Y tế chuẩn bị thành lập 40 đội cơ động phụ trách các công việc liên quan điều trị bệnh dịch nCoV và kể từ ngày 29/1, Bộ Y tế được yêu cầu phải hoàn thiện, cập nhật các phương án, kịch bản đối với dịch bệnh này trong từng tình huống cụ thể.

Một trong những biện pháp quan trọng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đề nghị là tạm thời không cấp thị thực (visa) du lịch cho du khách Trung Quốc đến từ vùng dịch bệnh, ngoại trừ có trường hợp khẩn cấp.

Quan ngại của chuyên gia y tế

Đài RFA ghi nhận mặc dù truyền thông trong nước luôn cập nhật tin tức liên quan diễn biến dịch bệnh nCoV tại Việt Nam cũng như thông tin từ phía Chính phủ Hà Nội trong việc ứng phó với dịch bệnh ; tuy nhiên không ít các chuyên viên trong ngành y tế cho rằng họ nhận thấy những biện pháp mà phía Chính phủ chỉ đạo không chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả cao.

Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do :

"Tôi nghĩ rằng những điều họ nói cũng đúng hết thôi, nhưng vấn đề là trên thực tế họ có làm đúng như thế không ? Ví dụ như nói là không cấp visa cho khách Trung Quốc, mà theo tôi được biết là một số tỉnh biên giới với Trung Quốc đâu có cần visa mà vẫn vào được nước mình, như Quảng Ninh chẳng hạn. Cho nên trên thực tế, kiểm soát cửa khẩu, kiểm soát người đến từ vùng có dịch mà bây giờ Trung Quốc có 30/31tỉnh, tức là tỉnh nào cũng có dịch cả rồi thì trên thực tế nói đúng ra là phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Họ đã không nói điều này và chỉ nói kiểm soát, mà kiểm soát có nhiều cách, có nhiều mức độ khác nhau nên không thể biết được trên thực tế điều gì diễn ra".

Bác sĩ Đinh Đức Long nhấn mạnh rằng những biện pháp về xử lý chống cúm trong ngành y được nêu ra trong phòng, chống dịch bệnh nCoV thì theo ghi nhận của ông đã thành phát đồ và do đó quy trình không có gì mới. Bác sĩ Đinh Đức Long khẳng định quan trọng là phòng, chống dịch bệnh nCoV trong thực tế như thế nào.

Trong khi đó, một bác sĩ không muốn nêu tên bày tỏ sự lo ngại khi Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phải là người có chuyên môn trong ngành y. Vị bác sĩ này lý giải :

"Nói về ông Đam trong sự kiện dịch này mà do ông Đam phụ trách thì lại càng kém. Bởi vì ông không hiểu về lĩnh vực chuyên môn trong y tế thì làm sao ông biết được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào mà ông tư vấn cho chính phủ ? Ví dụ như một người bộ trưởng mà người ta có hiểu biết về chuyên môn và người ta quan sát tình hình thông tin về mức độ tử vong và tỷ lệ lây lan diễn biến từng ngày như thế nào rồi đọc tài liệu nước ngoài…thì mới có tư vấn cho chính phủ được. Nhưng ông Đam không có chuyên môn và lại phải nhờ qua các cấp dưới thì đó là một quá trình tam sao thất bản".

Dư luận lo ngại

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV, diễn ra hôm 28/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hai bệnh nhân cha con người Trung Quốc bị nhiễm nCoV điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì người con đã âm tính với virus corona mới và tình hình sức khỏe của người cha tiến triển tích cực. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn cho biết thêm rằng các trường hợp khác nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, xét nghiệm đều có sức khỏe ổn định và tốt lên.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tuyên bố tại cuộc họp chiều ngày 28/1 rằng những kết quả này cho thấy ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV.

Thế nhưng, lướt qua trang fanpage của báo giới nhà nước và mạng xã hội, Đài RFA nhận thấy thông tin lạc quan do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cung cấp không giúp trấn an cho người dân trong nước. Đối nghịch lại, bản tin được đăng tải trên Báo Thanh Niên Online vào ngày 26/1 có tựa đề "Vi rút Vũ Hán làm lộ điểm yếu trong quản trị nhà nước Trung Quốc : cấp dưới sợ phạt, giấu lỗi" thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bản tin của Báo Thanh Niên Online dẫn lời của các chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền địa phương ở Trung Quốc tìm cách che đậy, thiếu thông tin liên lạc với chính quyền trung ương Bắc Kinh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh nCoV bị nghiêm trọng cho cả Trung Quốc và thế giới những ngày qua.

Để tìm lời giải đáp cho thắc mắc của những người quan tâm liệu rằng Việt Nam có thể bị rơi vào tình trạng tương tự như thế hay không, vị bác sĩ ẩn danh, từng làm việc trong quân y cho RFA biết :

"Từ xưa đến nay là Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế luôn luôn tìm cách cố gắng giấu dịch. Bởi vì người ta cứ lấy lý do là ảnh hưởng đến chuyện giao thương, kinh tế…Theo thể chế của Việt Nam thì Bộ Y tế không được phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng dịch mà phải là thủ tướng. Ở cấp tỉnh là chủ tịch tỉnh, chứ không phải giám đốc sở y tế. Trên cấp bộ, cấp trung ương là phải thủ tướng mà thủ tướng có khi còn phải thông qua Bộ Chính trị".

Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long nêu lên quan điểm của ông :

"Tôi nghĩ nói chung ở các chế độ Cộng sản thì họ hay giấu thông tin bất lợi. Đấy là điều phổ biến. Bệnh thành tích, bệnh che giấu những gì đang xảy ra thì là chuyện bình thường trong các nhà nước Cộng sản. Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh nCoV thì vẫn chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận rằng họ có che giấu hay không.

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của họ thì phải làm. Nhưng như theo tôi đã nói là làm thế nào để kiểm chứng được ? Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, mấy hôm trước có khách sạn không nhận khách Trung Quốc thì Giám đốc Sở Du lịch là bà Trương Thị Hồng Hạnh cùng với công an đến tận nơi để gây áp lực. Điều đấy thứ nhất là sai thẩm quyền. Thứ hai nữa là gián tiếp tiếp tay cho chuyện lan tỏa bệnh dịch nếu như có. Trong khi các nước khác như Triều Tiên hay Mông Cổ đóng cửa biên giới rồi. Còn Việt Nam mình thì một ngày có 260 chuyến bay từ Trung Quốc sang. Sau khi có dịch rồi vẫn thế.

Mới đây ông Thủ tướng nói là hạn chế, không đánh đổi lợi ích kinh tế với sức khỏe người dân. Họ nói thế nhưng các biện pháp như tôi vừa nêu là có đóng cửa biên giới không, hay chỉ là không cấp visa ? Không cấp visa thì nguời Trung Quốc vẫn cứ vào Việt Nam".

Truyền thông quốc nội loan tin tính đến ngày 29/1, Việt Nam có 64 trường hợp nghi nhiễm nCoV với dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch. Trong số này có 39 người được cách ly. Ngoài ra, Việt Nam còn có 56 trường hợp khác không có dấu hiệu sốt, ho nhưng được theo dõi vì có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus nCoV.

Trong số những người dân tại Việt Nam Đài RFA tiếp xúc được, đa số là phụ huynh chia sẻ rằng họ đang rất lo sợ con em mình có nguy cơ bị lây nhiễm virus nCoV khi hàng triệu học sinh trở lại trường sau mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý.

*********************

Gần 650.000 khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1/2020 (RFA, 29/01/2020)

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 năm 2020 được ghi nhận là 644.700 lượt người, tăng 72,6% so với tháng tháng trước đó.

doipho3

Ảnh minh họa : Nhóm du khách quốc tế tới Hội An, Việt Nam. AFP

Truyền thông trong nước, vào ngày 29/1 dẫn nguồn Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết số liệu vừa nêu.

Cụ thể, Việt Nam trong tháng 1/2020 đón số lượng khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay, đạt 1.994/100 lượt người, tăng 16,6% so với tháng trước và tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ Châu Á đạt 1.543.900 lượt người, chiếm đến 77,4% tổng số khách quốc tế.

Riêng lượng du khách đến từ Trung Quốc là cao nhất, đạt gần 650 ngàn người. Tuy nhiên, theo số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, thuộc Công an thành phố Hà Nội cho thấy du khách Trung Quốc du lịch đến thủ đô Hà Nội trong tháng 1/2020 giảm đáng kể ở mức 20%.

Số liệu thống kê còn cho thấy đã có 1.663 lượt khách du lịch Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc. Đồng thời, một số công ty du lịch tại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ khách nước ngoài hủy tour du lịch ở Việt Nam khoảng 20%, chủ yếu là du khách Trung Quốc. Các tour bị hủy được nói kéo dài đến tháng 4/2020.

Tổng cục Du lịch cho biết các tour bị hủy xuất phát từ lo ngại lây nhiễm virus Corona mới (nCoV).

Truyền thông quốc nội, vào ngày 28/1 loan tin ba tỉnh tại Việt Nam gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lào Cai chính thức thông báo ngưng đón khách Trung Quốc, cũng như tạm dừng đưa khách Việt Nam đến vùng dịch và ngược lại.

*****************

Virus corona : Nhiều điểm du lịch Việt Nam ngưng đón khách Trung Quốc (RFI, 29/01/2020)

Tại Việt Nam hôm nay 29/01/2020 ngoài hai cha con người Trung Quốc được xác nhận bị nhiễm virus corona mới, ở bệnh viện Đà Nẵng hiện còn 28 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đang được theo dõi. Đa số các doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc ở Khánh Hòa đã tạm ngừng hoạt động từ hôm qua.

VIETNAM-HEALTH/

Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (phải) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hai người Trung Quốc nhiễm virus corona. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. Thanh Chung/VNA via Reuters

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt cho biết thêm về tình hình :

Virus corona đang phát triển rất là chóng mặt, có vẻ rất khó kiểm soát. Việt Nam là nước gần gũi không chỉ về địa lý mà còn về chính trị cho nên ngoài Trung Quốc ra, chắc chắn Việt Nam phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vì lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam chiếm đến 30%. Ngoài khách du lịch, còn rất đông những người Trung Quốc làm ăn ở đây nữa, cho nên biến động này sẽ hơi căng.

Các tour du lịch có khách Trung Quốc hiện nay gần như đã hủy hết. Trước đây Tổng cục Du lịch bảo không cấm người Việt đi du lịch, nhưng Trung Quốc cấm người dân của họ sang nước khác, nên đây có thể nói là quả bom tấn về kinh tế.

So với trước đây vào năm 2003, Trung Quốc thiệt hại ước tính 50 tỉ đô la, nhưng tôi nghĩ rằng kỳ này con số sẽ cao hơn vì dịch bộc phát nhanh hơn, và liên quan tới du lịch ngay đầu năm mới luôn.

Hiện nay ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, các trung tâm du lịch lớn đã có chủ trương đóng cửa khẩu. Cửa khẩu Lào Cai đã chính thức đóng cửa, còn các cửa khẩu khác chắc là cũng nay mai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói không thể vì một ít đồng tiền thu được – mà cũng chưa chắc là tiền thu được có thể bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe sau này.

Hiện nay lượng khách Trung Quốc giảm sút vì một số đường bay không hoạt động nữa, chẳng hạn từ Vũ Hán. Đường bay bị cắt giảm nên khách cũng ít hơn. Việt Nam cũng rất chủ động trong việc đề phòng bệnh lây lan : giám sát thân nhiệt, cách ly những người có biểu hiện…cho nên về mặt này thì vẫn đang trong tầm kiểm soát, không đến nỗi nào.

Thứ hai, trong một đất nước còn khó khăn thì đòi hỏi nghiêm ngặt về phòng chống cũng không thể như các nước Châu Âu được. Người Việt vẫn tương đối lạc quan, họ đeo khẩu trang đi tham quan khắp nơi.

Người Trung Quốc chưa bị phân biệt đối xử hoặc tẩy chay gì cả, các nơi vẫn tiếp nhận khách Trung Quốc bình thường. Chỉ duy nhất một trường hợp ở Đà Nẵng, có một khách sạn cương quyết không nhận khách Trung Quốc, chính quyền thuyết phục cũng không được. Họ trả lời rằng nếu khách Trung Quốc tới đây lỡ lây bệnh, phải đóng cửa luôn thì thiệt hại đó ai chịu, nên họ chấp nhận không nhận đoàn khách đó mặc dù đã đặt cọc tiền từ trước rồi. Việc này là cá biệt thôi.

Cho nên tình hình năm 2020, cái Tết Canh Tý mở đầu bằng quả bom tấn virus, thất thu của ngành du lịch rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng choáng váng. Nhưng đây là khó khăn chung, mình phải chấp nhận đối mặt, và hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ tìm được cách khắc phục.

Thụy My

********************

Virus corona : Trường hợp lây từ người sang người đầu tiên ở Việt Nam ? (RFI, 29/01/2020)

Trong một bức thư ngỏ được đăng trên một tờ báo y khoa của Anh Quốc hôm qua, 28/01/2020, một nhóm bác sĩ Việt Nam thông báo có thể là tại Việt Nam đã có trường hợp đầu tiên lây từ người sang người của virus corona gây bệnh viêm phổi cấp tính.

doipho5

Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt hành khách trong một chuyến bay từ thành phố Trường Sa (Changsha), Hồ Nam, đến Thượng Hải, ngày 25/01/2020. Reuters/David Stanway

Các tác giả của bức thư gởi cho tờ New England Journal of Medecine, gồm 9 bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn và của Viện Pasteur Sài Gòn, nêu trường hợp của hai cha con người Trung Quốc được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/01/2020. Người đàn ông 65 tuổi, vốn bị tiểu đường type 2, huyết áp cao, và từng bị ung thư phổi, đã nhập viện do bị mệt và bị sốt từ ngày 17/01, tức là 4 ngày sau khi cùng với vợ từ thành phố Vũ Hán đến Hà Nội, vào lúc mà dịch virus corona mới đã bùng phát. Tình trạng sức khỏe của ông này đã được cải thiện từ ngày 26/01 và người vợ thì không có triệu chứng nào của bệnh viêm phổi cấp tính.

Người con 27 tuổi của họ, sống tại tỉnh Long An, chưa bao giờ đặt chân đến Vũ Hán, và cũng chưa tiếp xúc với người nào từ vùng này. Đến ngày 17/01, anh này gặp cha ở Nha Trang và ngủ chung phòng khách sạn với bố mẹ trong 3 ngày, thì đến ngày 20/01 bị khô cổ họng và bị sốt, và qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona. Khi nhập viện cùng với bố ở bệnh viện Chợ Rẫy, anh cũng đã được cách ly để theo dõi và điều trị. Hôm qua, theo báo chí trong nước, đại diện của bệnh viện Chợ Rẫy thông báo là bệnh nhân này đã "được chữa khỏi", tức là cho kết quả âm tính với virus corona. Người bố thì vẫn bị cách ly.

Rất có thể là người cha đã lây virus corona cho người con. Thế nhưng việc xét nghiệm để xác định việc truyền virus từ cha sang con đã không được thực hiện. Theo nhóm bác sĩ Việt Nam nói trên, trường hợp đầu tiên bên ngoài Trung Quốc có người trong cùng gia đình bị lây nhiễm làm tăng thêm mối quan ngại về khả năng của virus corona lây từ người sang người.

Gia đình bệnh nhân Trung Quốc nói trên đã đi du lịch đến 4 thành phố của Việt Nam, bằng máy bay, xe lửa, taxi. Theo nhóm bác sĩ gởi thư cho New England Journal of Medecine, người ta đã xác định được 28 người có tiếp xúc gần với họ, nhưng chưa có một ai phát triển các triệu chứng bị nhiễm virus corona.

Theo thông báo của bộ Y Tế hôm qua, hiện giờ chưa có ca nhiễm virus corona nào khác, nhưng có 63 ca bị nghi nhiễm bệnh do trước đây có đi đến vùng có dịch ở Trung Quốc. Trong số này, 25 ca đã được loại trừ nhiễm virus corona, 38 ca còn lại vẫn được theo dõi cách ly.

Thanh Phương

*****************

Virus corona : Hơn 4.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam hiện giờ ở đâu ? (RFI, 29/01/2020)

Trong thời gian từ 30/12/2019 đến 22/01/2020, tức là 2 ngày trước khi Vũ Hán – ổ dịch bệnh virus corona – bị cách ly, gần 100 ngàn du khách, chủ yếu là người Trung Quốc, đã đi máy bay từ thành phố này đến Hoa Kỳ, Châu Âu, và đặc biệt là Châu Á, trong đó có Việt Nam.

doipho6

Du khách từ Trung Quốc tới làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 29/01/2020 Yonhap via Reuters

Vào lúc một số nước phương Tây bắt đầu có những biện pháp cần thiết để đưa các công dân của mình từ Vũ Hán về nước, dịch bệnh lan nhanh và đặc biệt là lây nhiễm từ người sang người, thì có một câu hỏi ám ảnh các chuyên gia và giới khoa học : Người dân Vũ Hán đã đi đâu trước khi thành phố này bị cách ly và hiện giờ họ ở đâu ?

Theo lời thị trưởng thành phố này, tính cho đến ngày 26/01, thì có chính xác 4096 cư dân Vũ Hán đi du lịch ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng người từ Vũ Hán đi máy bay ra nước ngoài trong những tuần qua cao hơn rất nhiều.

Báo Pháp Les Echos cho biết, trang thông tin Trung Quốc Đệ Nhất Tài Kinh (Ycai) đã phân tích các dữ liệu chính thức để xác định số du khách đã mua vé và giữ chỗ trên các tuyến bay quốc tế đi từ sân bay Vũ Hán ra nước ngoài, trong giai đoạn từ 30/12/2019 đến 22/01/2020 và nơi đến của những người này.

Theo trang thông tin này, có tất cả 101 520 người đã rời Vũ Hán trong giai đoạn nói trên. Trong danh sách 20 sân bay nước ngoài đón người từ Vũ Hán đến nhiều nhất, đứng đầu là Thái Lan với khoảng 26 700 du khách (Bangkok, Don Mueang và Phuket). Đứng hàng thứ hai là Nhật Bản 18 008 (Tokyo, Osaka, Nagoya). Tiếp theo là Singapore và Incheon Hàn Quốc, lần lượt là 10680 và 6430. Việt Nam đứng hàng thứ 10, với 4130 du khách Vũ Hán đã vào Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý nên thận trọng khi xử lý các số liệu này, vì không rõ số du khách Vũ Hán đã hồi hương trong ba tuần lễ đầu 2020 và không có thông tin chính xác về nơi đến cuối cùng của họ. Ví dụ, đối với những người bay tới San Francisco Hoa Kỳ, thì có nhiều khả năng họ ở lại cùng gia đình vì cộng đồng người Hoa tại đây khá đông. Trong khi đó, Dubai, Istanbul, Luân Đôn, Singapore chưa chắc là đích đến cuối cùng của nhiều người khác.

Điều đáng lo ngại là nếu như cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh của từng nước biết được du khách từ đâu đến (máy bay xuất phát từ đâu hoặc quá cảnh tại những nơi nào…) nhưng khó có thể biết được là những người này đã xuất cảnh chưa. Đây cũng là câu hỏi đối với hơn 4000 du khách Vũ Hán nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh.

Đức Tâm

*********************

Hơn 6 ngàn người nhiễm virus corona mới trên thế giới, 64 ca nghi nhiễm ở Việt Nam (RFA, 29/01/2020)

Trên toàn thế giới tính đến trưa ngày 29/1/2020 theo giờ Việt Nam đã có 6.056 trường hợp được xác nhận nhiễm virus viêm phổi Corona mới trong đó có 132 người chết.

doipho7

Hình minh họa. Hành khách đeo khẩu trang ở sân ga tàu ở Bắc Kinh hôm 29/1/2020 - AFP

Số người nhiễm được xác nhận tăng từ 4400 trường hợp lên 6056 trường hợp chỉ sau 1 đêm.

Theo CNN, ít nhất 5974 người nhiễm virus Corona được báo cáo ở Trung Quốc, vượt lên hẳn số trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi cấp SARS ở nước này hồi năm 2003 (5327 người).

Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc cũng xuất hiện ca nhiễm virus Corona Vũ Hán đầu tiên khiến chính quyền ở đây tuyên bố đóng cửa vô thời hạn mọi địa điểm du lịch.

Ở Việt Nam có hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona Vũ Hán ở bệnh viện Chợ Rẫy - Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên hôm 28-1, bác sĩ ở đây xác nhận một người đã âm tính với nCoV.

Truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 29 tháng 1 loan tin tính đến cùng ngày Việt Nam có 64 trường hợp nghi nhiễm nCoV với dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch. Trong số này có 39 người được cách ly.

Ngoài ra Việt Nam còn có 56 trường hợp khác không có dấu hiệu sốt, ho nhưng được theo dõi vì có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus nCoV.

Tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tăng cường giám sát chặt các bệnh nhân đang cách ly, phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch nếu phát hiện ca mắc mới. Đó là các địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Kiên Giang.

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông báo tính đến ngày 29 tháng 1, có 24 trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây nên trên địa bàn thành phố này đã được xuất viện. Còn 28 trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi.

Cơ quan chức năng y tế tại khu vực Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 1 cũng thông báo hai trường hợp nghi nghiễm nCoV tại khu vực này đã có kết quả xét nghiệm, cho thấy cả hai chỉ bị viêm phổi do vi khuẩn gây nên chứ không phải do virus corona nCoV.

Bộ Công an Việt Nam vào ngày 29 tháng 1 tiếp tục có công điện gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ này về việc tăng cường công tác chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây nên.

Bộ Công an Việt Nam cho rằng một số đối tượng bị gán là phản động, chống đối ở cả trong và ngoài Việt Nam sẽ lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCov gây nên để đăng tải, phát tán lên mạng xã hội thông tin mà Bộ Công an Việt Nam nói là không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan dịch bệnh tại Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)