Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 11 février 2024 23:23

Sự ồn ào và khoảng lặng

Thường lệ, bữa cơm đầu năm mùng 1 ở nhà tôi sẽ là buổi tụ tập, gặp gỡ của các gia đình. Nhà tôi là chuẩn của một gia đình gốc Bắc - bữa cơm nhanh chóng trở nên sôi nổi và ồn ào khi cánh đàn ông nói về chuyện đảng cộng sản và nạn tham nhũng ở Việt Nam. 

vietnam1

Mâm ngũ quả và mâm cơm ngày Tết được chuẩn bị dâng lên ban thờ tổ tiên. Ảnh minh họa 

Mỗi người đều nói ra ý kiến của mình cốt để tranh cãi và khẳng định quan điểm của mình. Mọi người đều khẳng định mình đúng và dù cương quyết hay mềm dẻo, cũng đều cố gắng thuyết phục người khác tin vào quan điểm của mình và phủ quyết quan điểm của người khác. Ồn ào bởi âm lượng giọng nói và hỗn loạn bởi những trường ý kiến - đó là cách mà tôi chọn để tóm tắt về buổi "tranh luận" ở nhà tôi. Khoảng lặng duy nhất đến từ tôi. Tôi là một mảng màu im lặng vì nhìn những điều này, tôi liên tưởng đến chính đất nước chúng ta.

Dân tộc chúng ta cũng như vậy. Chúng ta ồn ào, hỗn loạn, không có một trật tự. Chúng ta tuy đông nhưng sức mạnh và giá trị lại khiêm tốn trên thế giới. Một người Việt Nam làm việc bằng ba người Nhật, nhưng ba người Việt Nam mới bằng một người Nhật. Chúng ta thoải mái vứt rác, tàn hại môi trường. Chúng ta vô tư sử dụng "đất nước". Ý niệm gắn bó với đất nước rất thiếu vắng trong tâm hồn người Việt. Người Việt chúng ta không có một ưu tư nào với việc sinh hoạt và sống trong một hệ thống, tổ chức.

Có lẽ vì thế mà khi bất đồng, chúng ta cứ mãi hỗn loạn và ồn ào - ở quy mô vừa thì tranh cãi mạt sát và ở một quy mô lớn hơn, khi ngôn từ không còn là công cụ có thể giải quyết, chúng ta không còn cần nhu cầu cùng sống chung nữa. Kết quả là ai cũng thấy, cuộc huynh đệ tương tàn hai miền Nam Bắc đã giết chết hơn 2 triệu người Việt Nam. Chúng ta trở thành quân cờ trong tay những dân tộc "có văn hóa tổ chức". Rồi thì, chúng ta tụt hậu ở phía sau.

vietnam2

Chúng ta tuy đông nhưng sức mạnh và giá trị lại khiêm tốn trên thế giới. Ảnh minh họa 

Tại sao Việt Nam lại là Việt Nam của hôm nay ?

Câu hỏi này thật khó trả lời. Chính tôi cũng đau đáu với điều này. Đáp án cho một câu hỏi phức tạp chắc chắn là một đáp án không hề giản dị. Nó là một phương trình phải chứa nhiều ẩn.

Một trong những điều "ẩn" đó mà tôi đưa ra với các bạn hôm nay là, chúng ta không có một văn hóa tổ chức. Đảng cộng sản đã giành được quyền lực trong cuộc chiến quyền lực bởi vì họ là tổ chức duy nhất thật sự có tổ chức - dù là lý tưởng của họ là lý tưởng lỗi thời và sai lầm. Việt Nam Cộng Hòa văn minh cũng đã thất thủ trước một đảng cộng sản Việt Nam "cộc kệch, bần nông" nhưng rất có tổ chức.

Văn hóa tổ chức cũng là một cách gọi khác của khả năng cùng chung sống và mộng ước về một tương lai chung. Nỗ lực để sống cùng nhau và tạo nên một tương lai chung sẽ là một sự cố gắng - một nỗ lực to lớn nhất mà chúng ta sẽ phải làm nó nếu chúng ta còn muốn Việt Nam là một điều gì đó đáng kể trên thế giới.

Một bản nhạc hay không phải nằm ở những nốt nhạc bay cao ồn ào mà nằm ở những khoảng lặng. Những khoảng lặng đó cần thiết để mỗi nốt nhạc trầm ngâm trong sự suy xét để rồi tất cả chúng sẽ cùng làm nên một bản nhạc đầy màu sắc, nơi mà mỗi nốt nhạc dù cao hay thấp thì cũng đều được khẳng định rõ vai trò của nó : là một phần không thể thiếu đối với bản nhạc và bản nhạc tuyệt hảo thì cũng không thể thiếu chúng.

vietnam0

Nỗ lực để sống cùng nhau và tạo nên một tương lai chung sẽ là một sự cố gắng - Ảnh minh họa 

Điều mà tôi nói hôm nay không hề mới. Đảng cộng sản đã vô tình hàm ý đến trong các khẩu hiệu "đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết - thành công thành công đại thành công". Có thể có nhiều điều để ngẫm nghĩ, nhưng đó cũng là một trong những lý tưởng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi theo đuổi: một đất nước Việt Nam mới nơi mà mọi phẩm giá của con người được tôn trọng, mọi mâu thuẫn được hòa giải, mọi khác biệt đều có thể chung sống và tương lai của mỗi cá nhân cũng là một khuôn mặt của tương lai đất nước.

Thanh Chân

(11/02/2024)

Published in Quan điểm

Tiếp nối một năm 2022 đầy biến động của thế giới, Việt Nam bước vào năm 2023 nhiều thử thách không những do tình hình thế giới mà còn do chính quyền đã thể hiện rằng họ không hề có một sự chuẩn bị hay giải pháp nào cho đất nước. Điểm lại tình hình của năm 2023, một năm với những sự kiện mà qua đó chúng ta có thể đoán định được tình hình Việt Nam trong thời gian sắp tới.

vietnam1

Việt Nam bước vào năm 2023 nhiều thử thách không những do tình hình thế giới mà còn do chính quyền không hề có một sự chuẩn bị hay giải pháp nào cho đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng được chọn làm chủ tịch nước

Những ngày đầu năm 2023 dư luận xôn xao với việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị buộc thôi chức chủ tịch nước vào ngày 17/1 -chỉ cách 5 ngày trước tết nguyên đán- vì vậy mà ông đã không được đọc lá thư chúc tết như mọi năm. Vụ việc này đáng chú ý vì một mặt, đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước đã bị buộc phải từ chức và mặt khác, ông Phúc được xác định liên quan đến đại án Việt Á gây bức xúc dư luận. Sự việc này có tính chất nghiêm trọng vì đảng cộng sản -đảng của người cộng sản chỉ với 5 triệu đảng viên- đã tự lấy quyết định cách chức chủ tịch nước, một chức vụ là nguyên thủ của một quốc gia. Chức danh chủ tịch nước dù từ trước đến nay ai cũng biết là do đảng cộng sản chỉ định nhưng qua đây đảng cộng sản đã thể hiện họ coi thường thể diện quốc gia và không xem người dân ra gì !

vietnam2

Việc ông Trọng chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức Chủ tịch nước là quyết định dọn đường cho ông Thưởng kiêm nhiệm chức Tổng bí thư đảng.

Trái với sự ồn ào của vụ việc cách chức ông Phúc, sự kiện đảng cộng sản chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức chủ tịch nước ngày 2/3/2023 dù gây bất ngờ ít nhiều nhưng dư luận có vẻ thờ ơ hơn. Tính bất ngờ ở đây là so với nhiều ứng viên khác cho vị trí lãnh đạo nhà nước, ông Thưởng tỏ ra mờ nhạt hơn và là một người của bộ máy đảng, chưa hề công tác trong bộ máy nhà nước. Cả cuộc đời hoạt động của ông Thưởng từ khi đi học đại học cho đến khi công tác trong đảng chỉ biết đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy vậy, quyết định chọn ông Võ Văn Thưởng -người mang hình ảnh giáo điều- vào vị trí này có tính logic trong chọn lựa hướng đi của đảng cộng sản. 

Như phân tích và nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên qua nhiều bài viết, Đảng cộng sản Việt Nam từ lâu đã chọn bắt chước mô hình Trung Quốc như một bí quyết cho sự tồn vong của chế độ. Họ rập khuôn chế độ cộng sản Trung Quốc về nhiều mặt từ mô hình kinh tế cho đến tổ chức bộ máy chính quyền, việc "nhất thể hóa" chức danh lãnh đạo đảng và lãnh đạo nhà nước là một trong số đó. Việc ông Trọng chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức chủ tịch nước là quyết định dọn đường cho ông Thưởng kiêm nhiệm chức tổng bí thư đảng. Với quyết định này, ông Trọng và những người thủ cựu trong đảng cộng sản đã hé lộ ý định của họ là quyết tâm duy trì quyền lực đến cùng. Chúng ta cần nhìn nhận rõ lựa chọn này của đảng cộng sản để tránh những ảo tưởng về một chính quyền tự đổi mới và dân chủ hóa. Dầu vậy, quyết tâm của đảng cộng sản qua chọn lựa ông Võ Văn Thưởng là một chuyện, còn họ có thể có tương lai với phương án này hay không thì vẫn là một dấu hỏi lớn. 

Khủng hoảng kinh tế lan rộng

Chính quyền thông báo mức tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 là 5,05%, một con số thấp hơn mục tiêu đề ra của họ là 6,5%, tuy vậy nếu nhìn vào nhiều góc độ, chúng ta đều sẽ thấy ngay cả con số 5,05% cũng không thực tế. 

vietnam3

Ngành xây dựng chiếm gần 30% GDP đang khủng hoảng nặng.

Theo Tổng cục thống kê công bố thì thu thuế thu nhập cả năm 2023 giảm 6% ; ngoại thương giảm 6,9% (trong đó xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9%) ; tổng xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 8%, tổng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 4,3% ; doanh số ôtô giảm 25%. Ngoài ra, ngành xây dựng chiếm gần 30% GDP đang khủng hoảng nặng. Với tình trạng khó khăn của cả người dân và doanh nghiệp ở mọi khu vực thể hiện qua sự sụt giảm ở những chỉ số như trên thì rất có khả năng GDP tăng trưởng âm chứ khó có chuyện tăng trưởng, huống hồ là ở mức 5%. 

Ngay từ đầu năm 2023, một tình trạng dù đã diễn ra từ trước đó nhưng dần trở nên nổi bật trong năm 2023 là làn sóng thất nghiệp gia tăng ở nhiều ngành nghề, trong đó đáng chú ý là các ngành đóng góp nhiều cho GDP như dệt may, bất động sản và xây dựng, công nghệ và ngành dịch vụ. Sự ế ẩm của các mặt bằng kinh doanh và khu nhà trọ ở các khu công nghiệp không phải chỉ mới có trong năm nay, tình trạng này không những được các báo trong nước đăng tin mà người dân, thông qua các mạng xã hội cũng đã đăng nhiều hình ảnh và các video với những nhận định mô tả là "chưa bao giờ thấy". Năm vừa qua cũng chứng kiến lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của người dân lẫn doanh nghiệp đạt mức cao kỷ lục bất chấp mức lãi suất tiền gửi thấp nhất lịch sử. Điều này nói lên tâm lý bi quan của người dân và sự bế tắc của các doanh nghiệp. Tình trạng khủng hoảng trên thực tế đã không thể che giấu.

Điều tệ hại nhất vẫn chưa dừng lại ở đó. Một con số quan trọng vừa được chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt -nguyên vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc- công bố là tỷ lệ nợ của khối các doanh nghiệp phi tài chính lên tới 237% GDP vào cuối năm 2020. Đối với các nước phát triển, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp phi tài chính không được vượt quá 85% GDP, ở các nước có mức thu nhập trung bình thế giới khoảng hơn 10.000 đô-la/năm không được vượt quá 65% GDP, còn những nước nghèo như Việt Nam thì không được quá 50%. Như vậy khối nợ của khu vực doanh nghiệp phi tài chính của Việt Nam đã vượt gần 5 lần mức báo động đỏ, năm nay đã là 2024 và tỷ lệ nợ này chỉ có thể tăng lên. Tình trạng nợ cho thấy kinh tế Việt Nam không những đã khủng hoảng mà là đang khủng hoảng rất nặng.

Năm 2024 và những năm sắp tới sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đối với đất nước, chúng ta sẽ rất đau lòng khi phải chứng kiến những tình cảnh cùng cực của người dân sẽ lan rộng nhanh chóng. 

Nội bộ đảng mất kiểm soát

Nếu như trước đây thỉnh thoảng mới có một vài tin quan chức bị khởi tố hoặc bắt giam thì trong năm 2023, tin tức quan chức bị thanh trừng đã trở nên quen thuộc. Có những giai đoạn việc bắt giam diễn ra hàng ngày, không những là các đảng viên đương chức mà những cán bộ đã về hưu cũng không thoát được. Đã có hai ủy viên bộ chính trị, hai phó thủ tướng, nhiều ủy viên trung ương đảng với rất nhiều người là bộ trưởng hay bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật hoặc khởi tố bắt giam. Không khó để hình dung ra bầu không khí ngột ngạt đang bao trùm trong nội bộ đảng, người đương chức thì không dám làm mà người đã về hưu cũng không ngủ ngon.

vietnam4

Không khó để hình dung ra bầu không khí ngột ngạt đang bao trùm trong nội bộ đảng : ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 34, kết luận về những vi phạm của Ban cán sự Đảng bộ Công thương và các tổ chức đảng, đảng viên. (Ảnh : Đăng Khoa)

Các hội nghị Trung ương quan trọng trong năm 2023 đều hoàn toàn bế tắc và không đạt được kết quả quan trọng nào. Hội nghị Trung ương 7 được xem là "đại hội giữa nhiệm kỳ" đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ quy hoạch nhân sự lãnh đạo đảng cho Đại hội đảng khóa 14 vào năm 2026. Một tổ chức đảng vốn đã mất hết lý tưởng từ lâu, nay còn mất thêm cả ý chí nên Ban chấp hành trung ương đảng đã hoàn toàn mất kiểm soát. Tình trạng này được thể hiện qua thất bại của hội nghị Trung ương 7 để rồi qua hội nghị Trung ương 8, bộ chính trị phải lấy quyết định từ bỏ "dân chủ trong nội bộ đảng" trong Ban chấp hành trung ương nhằm thực thi quyền chỉ định các cấp lãnh đạo. Quyết định này sẽ tập trung quyền lực vào tay chỉ vài người trong Bộ chính trị và gạt qua một bên toàn bộ phần còn lại là hàng trăm ủy viên Trung ương, mâu thuẫn và bất mãn vì vậy sẽ chỉ gia tăng thêm. Ngay chính những người ít ỏi còn lại có quyền quyết định mọi việc trong Bộ chính trị thì sự thống nhất cũng không thể có trong tình cảnh rối bời hiện nay. Khủng hoảng nội bộ đảng cộng sản chưa bao giờ nghiêm trọng đến như vậy, giai đoạn cho những biến cố khiến đảng tan rã đã đến.

Ngoại giao sôi động bất thường

Truyền thông nhà nước trong năm qua đưa tin rất nhiều về các hoạt động ngoại giao của chính quyền. Tổng cộng trong năm 2023, đã có 22 chuyến đi của lãnh đạo cấp cao đến thăm các nước và 28 đợt tiếp đón lãnh đạo các nước đến Việt Nam, ngoài ra còn hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn và hội nghị đa phương khác. Điểm đáng chú ý của các chuyến đi này là chính quyền ra sức hiện diện ở các diễn đàn lớn và thúc đẩy nâng cấp quan hệ với các nước dân chủ, trong đó nổi bật là nỗ lực nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản. Tần suất ngoại giao này được đảng cộng sản mô tả như là tiềm lực, vị thế và uy tín đang lên của Việt Nam, không những vậy còn được ông Trọng nhấn mạnh thêm với chính sách đã được tuyên truyền trước đó là chính sách "ngoại giao cây tre". 

vietnam5

Chính sách "ngoại giao cây tre" được ông Trọng và đảng cộng sản mô tả như là tiềm lực.

Có một điều mà chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn là các nước dân chủ không hạn chế việc nâng cấp quan hệ với VIệt Nam, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước chỉ như một hành động mở rộng thêm cánh cửa hợp tác còn thực chất hợp tác tới đâu còn phụ thuộc vào ý chí của mỗi bên. Sự thật thì hoạt động ngoại giao bất thường trong năm 2023 không phải như những gì đảng cộng sản tô vẽ mà trái lại, chứng tỏ chính quyền đang rất hốt hoảng vì gặp nhiều khó khăn hơn những gì chúng ta thấy. Nếu tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam đang đi lên thì với tần suất ngoại giao dày đặc hơn mọi năm như vậy thì các chỉ số kinh tế phải tăng trưởng chứ không suy giảm như nhận định ở phần trên, đặc biệt là ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Lý do cho sự hốt hoảng này là vì kinh tế đang khủng hoảng nặng mà một trong những nguyên nhân chính là ngoại thương -ở mức hơn 200% GDP- đang sụt giảm, trong đó các thị trường quan trọng giảm mạnh như Mỹ (giảm 11%) và EU (giảm 5%).

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều năm cảnh báo về sự phụ thuộc vào ngoại thương ở mức cao gấp 2 lần GDP sẽ khiến nước ta mất tự chủ về kinh tế và sẽ bị phụ thuộc nặng vào bối cảnh bên ngoài. Mất tự chủ về kinh tế hiện nay cũng là mất chủ quyền. Chính quyền cộng sản đã không ý thức được điều đó, không những vậy họ còn lấy những quyết định khiến khối các nước dân chủ -chiếm 65% kinh tế thế giới- mất cảm tình, qua đó làm mất đi những cơ hội đầu tư lớn từ họ. Tai hại hơn, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không giấu diếm quyết định lệ thuộc vào Trung Quốc và gia tăng đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến ở trong nước. Chúng ta sẽ chờ đợi trong thời gian tới hoạt động ngoại giao của chính quyền sẽ vẫn nhộn nhịp nhưng hiệu quả hợp tác với khối các nước dân chủ sẽ tiếp tục giảm đi. 

Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ

Sau khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ ngày 10/09/2023, tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10 và 11 tháng 9 để tiến hành nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến viếng thăm này là sự kiện rất được chờ đợi của chính quyền Việt Nam mà chính ông Joe Biden cũng đã tiết lộ trước đó rằng phía lãnh đạo Việt Nam đã chủ động gọi điện đề cập muốn nâng cấp quan hệ. Điều này là không bình thường đối với lịch sử mở rộng mối quan hệ Việt-Mỹ.

vietnam6

Về phía Mỹ, họ sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác nhưng càng ngày họ càng thấy quan hệ với Việt Nam ở mức độ nào cũng được, không quan trọng lắm.

Cho đến nay, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước không bao giờ có sự dè dặt của Mỹ. Nếu nhìn lại quan hệ Việt Nam và Mỹ thì sự dè dặt, thận trọng luôn đến từ phía chính quyền cộng sản Việt Nam chứ không phải đến từ Mỹ. Sự dè dặt của chính quyền Việt Nam trong những lần trước đó là do họ chịu sự giám sát và nhận chỉ thị từ phía Trung Quốc trong các quyết định đối ngoại quan trọng. Như vậy, qua lần chủ động nâng cấp quan hệ với Mỹ lần này từ mức "đối tác toàn diện" lên mức cao nhất là "đối tác chiến lược toàn diện" đã cho thấy Việt Nam đang gặp khủng hoảng lớn, rất cần hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Về phía Mỹ, họ sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác nhưng càng ngày họ càng thấy quan hệ với Việt Nam ở mức độ nào cũng được, không quan trọng lắm. Thái độ hờ hững này của Mỹ có một ý nghĩa là nước Mỹ không cho rằng quan hệ với Việt Nam là tối cần thiết mà ngược lại Việt Nam phải nhượng bộ và nếu muốn thoát khỏi khó khăn phải chủ động sáp lại gần hơn với Mỹ. 

Bối cảnh của sự kiện nâng cấp quan hệ với Mỹ lần này, như vậy, đã phơi bày hậu quả của tình trạng lệ thuộc quá đáng vào ngoại thương của kinh tế Việt Nam. Chính quyền cộng sản đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ cần nhượng bộ để hợp tác với các nước dân chủ nhưng cũng vẫn lệ thuộc Trung Quốc và đàn áp đối lập trong nước để duy trì chế độ. Điều này vừa vô lý vừa không thể thực hiện vì Trung Quốc đang suy yếu và các nước dân chủ đã có quyết định dứt khoát đối với các chế độ độc tài.

Chuyến thăm của Tập Cận Bình

Đây là sự kiện được chính quyền cộng sản Việt Nam nêu bật trong thành tích ngoại giao và đánh giá cao về hiệu quả hợp tác thông quan 36 văn kiện được hai bên ký kết. Nhưng sự kiện này có đúng là một thành tích ngoại giao nổi bật và các văn kiện đã ký kết có đúng thật đã mang đến hiệu quả hợp tác cho cả hai bên không ?

vietnam7

Mục tiêu chuyến đi của Tập Cận Bình qua Việt Nam giữa tháng 12 vừa rồi là ngăn Việt Nam rời xa quỹ đạo ảnh hưởng của mình.

Liên tục trong những năm qua, nhất là năm 2023, Trung Quốc đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện từ kinh tế, xã hội, môi trường cho đến chính trị. Tình hình Trung Quốc nói chung đang rất hỗn loạn, chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đang rất chao đảo. Trung Quốc là một đế quốc và vì vậy khi gặp khó khăn sẽ co cụm lại và mất dần khả năng can thiệp ra bên ngoài, dù là gây hấn hay giúp đỡ các nước chư hầu. Trong tình trạng của Trung Quốc hiện nay, chuyến đi của Tập Cận Bình qua Việt Nam giữa tháng 12 vừa rồi là chuyến đi trong tâm thế của một đế quốc đang gặp khủng hoảng và mục tiêu không gì hơn là ngăn Việt Nam rời xa quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Có thể nói đây là cơ hội tốt để Việt Nam dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và không những vậy, còn là dịp để chúng ta có những đòi hỏi chính đáng về chủ quyền biển đảo mà bấy lâu nay Trung Quốc đã dùng sức mạnh để áp đặt.

Tuy vậy với 36 văn kiện đã ký kết, chính quyền cộng sản tỏ ra khiếp nhược trước Trung Quốc và hành xử thiển cận ngoài sức tưởng tượng. Những văn kiện này đã cho thấy chính quyền Việt Nam không những hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc ở nhiều cấp độ mà còn chấp nhận thực thi những thỏa thuận đưa quyền lợi nhiều hơn về cho phía Trung Quốc. Không những vậy, hai đảng còn cùng nhau lấy thái độ công khai chống dân chủ và nhân quyền. Nghiêm trọng nhất là quyết định cùng nhau "xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" mà phía Trung Quốc gọi là "cộng đồng chung vận mệnh". Hành động này là một khẳng định của chính quyền cộng sản Việt Nam về ý định gắn chặt tương lai của chế độ cộng vào Trung Quốc. Không biết chính quyền có ý thức được không nhưng họ đang gắn chặt tương lai của họ vào một chính quyền Trung Quốc cũng đang lung lay và không có một tương lai nào khác ngoài sự sụp đổ. 

Một tình trạng cần nhìn rõ

Với một đất nước vốn dĩ đã kiệt quệ về mọi mặt, những gì đã qua của năm 2023 đối với Việt Nam là hệ quả của một thập niên 2020 khởi đầu với nhiều biến cố lớn từ Covid-19 cho đến cuộc chiến Nga-Ukraine, đưa thế giới vào một khúc quanh lịch sử lớn. Đứng trước những thách thức to lớn đó, chính quyền cộng sản đã không ý thức được những tác động ghê gớm của bối cảnh bên ngoài lên tình hình đất nước và cũng không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào để đối phó. Ngược lại họ còn huênh hoang tự đắc và làm trầm trọng thêm những vấn đề khủng hoảng qua những quyết định tăm tối của mình. Bên cạnh đó, tình trạng nội bộ xâu xé đến mức "một mất một còn" cũng đã khiến đảng cộng sản không còn tâm trí để tạo vỏ bọc gần dân nữa mà đã bộc lộ ra như một lực lượng chiếm đóng vô tổ quốc. Đảng cộng sản đã thành công trong việc khiến người dân không còn quan tâm đến đất nước và bây giờ cũng không còn quan tâm đến họ nữa. Tình trạng này đã thể hiện rõ sự đoạn tuyệt giữa đảng cộng sản và người dân Việt Nam, một tình trạng đánh dấu cho một sự thay đổi lớn đã bắt đầu. 

vietnam8

Chúng ta phải cố gắng có dân chủ sớm nhất để có cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng bởi vì nạn nhân chính của những khổ đau đang chờ đợi phía trước sẽ là tuyệt đại đa số người dân, đặc biệt là những người cùng khổ. 

Trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, có lẽ điểm chung duy nhất giữa chính quyền cộng sản và những người đấu tranh cho dân chủ như chúng ta là không muốn cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhưng đáng buồn tình hình đã rất nguy ngập. Chúng ta phải cố gắng có dân chủ sớm nhất để có cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng -cả về kinh tế lẫn chính trị- bởi vì nạn nhân chính của những khổ đau đang chờ đợi phía trước sẽ là tuyệt đại đa số người dân, đặc biệt là những người cùng khổ. 

Kỷ Nguyên

(08/02/2024)

Published in Quan điểm

Tình trạng tê liệt chính trị có thể làm quá trình phát triển chậm lại

giau1

Sinh hoạt của dân cư hai bên bờ sông Thị Nghè, Sài Gòn - Ảnh minh họa

Một cơn hoảng loạn thoáng chốc nhưng bộc lộ nhiều điều xảy ra ở Việt Nam trong tháng này. Ngày 12/1, nhà lãnh đạo 79 tuổi Nguyễn Phú Trọng đã không gặp Tổng thống Indonesia trong chuyến công du Việt Nam. Tên ông Trọng bị xóa khỏi lịch trình chính thức mà không có lời giải thích. Dân chúng đồn rằng ông đã chết. Trong suốt ba ngày, các tiệm phở sôi sục với những lời đồn đoán về người kế nhiệm ông. Liệu đó sẽ là một kẻ tham nhũng ? Hay thân Trung Quốc hơn ? Đảng cộng sản cầm quyền, một nhóm bí mật, không tiết lộ gì cả. 

Sau đó, vào ngày 15/1, các phương tiện truyền thông chính thức đăng hình ông Trọng có vẻ yếu ớt đang tham dự một phiên họp buồn tẻ của Quốc hội ở Hà Nội, như thể để hét lên "Tôi chưa chết !" giống như nạn nhân của bệnh dịch hạch trong một bộ phim hài Monty Python. Công chúng có thể không bao giờ biết được liệu bệnh tật hay điều gì khác đã khiến Tổng bí thư biến mất. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi sự vắng mặt của ông có thể làm hỏng cuộc gặp với một nhà lãnh đạo thế giới. Hiện này, nước nào cũng muốn trở thành bạn của Việt Nam.

Điều này một phần là vì lý do địa chính trị. Việt Nam, một quốc gia có 100 triệu dân, nằm ở giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến cả hai siêu cường phải ve vãn Việt Nam. Năm 2023, đây là quốc gia duy nhất đón cả Joe Biden và Tập Cận Bình trong các chuyến thăm cấp nhà nước. Vào tháng 9, họ đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên "đối tác chiến lược toàn diện", ngang hàng với Nga và Trung Quốc.

Mặc dù đảng cầm quyền của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng người Việt Nam bình thường vẫn hết sức nghi ngờ người hàng xóm khổng lồ và thích bắt nạt. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông thuộc về Việt Nam ; tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân và tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Một cuộc thăm dò của Asian Barometer cho thấy chỉ 25% người Việt Nam thích Trung Quốc, trong khi 85% thích Mỹ. Chính quyền Biden, mong muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, đã cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần duyên để bảo vệ vùng biển của mình. Mỹ đề nghị giúp đỡ nhiều hơn nhưng Việt Nam loại trừ khả năng liên minh chính thức.

Tầm quan trọng về địa chính trị ngày càng tăng của quốc gia này dựa trên thành tích kinh tế mạnh mẽ cũng như vị trí địa lý. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa vào giữa những năm 1980, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ bằng một nửa Kenya. Nhờ các chính sách thực dụng và ngày càng ủng hộ doanh nghiệp, GDP đã tăng gấp sáu lần lên 3.700 USD/đầu người. Tham vọng của Chính phủ đưa Việt Nam trở thành nước giàu vào năm 2045 là có cơ sở. Về mặt kinh tế, có lẽ Việt Nam chưa bao giờ có được một môi trường toàn cầu thuận lợi hơn.

Địa chính trị đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, khi Mỹ tìm cách tách khỏi Trung Quốc và các công ty tư nhân các nước cảm nhận được rằng gió đã đổi chiều. Hầu hết các nhà sản xuất không thể đơn giản rút khỏi Trung Quốc. Nhưng để giảm bớt chi phí do các rào cản thương mại gây ra, họ có thể phòng ngừa bằng cách sản xuất hàng hóa ở nơi khác (chiến lược "Trung Quốc + 1"). Nhiều quốc gia cũng hy vọng sẽ giảm bớt khả năng bị các chính sách tùy tiện ở Trung Quốc ảnh hưởng — ký ức về các đợt cách ly do Covid ở Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. "Đại dịch… cho thấy chúng tôi quá tập trung ở Trung Quốc," một nhà sản xuất nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang phương Tây đang chuyển sản xuất sang Việt Nam. Các thương hiệu như Samsung và Apple đang sản xuất các thiết bị ở đó. Các nhà cung cấp, bao gồm cả các nhà cung cấp Trung Quốc, đang tập trung xung quanh hai công ty này. Ông chủ một công ty điện tử cho biết : "Khách hàng của chúng tôi nhất quyết đòi chúng tôi chuyển đến Việt Nam" vì lý do địa chính trị. "Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó vì chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng lên và giới trẻ Trung Quốc không còn muốn làm việc trong các nhà máy nữa". Trong ba quý đầu năm 2023, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trên GDP lớn gấp đôi Indonesia, Philippines hoặc Thái Lan, theo tính toán của Ngân hàng CLSA (xem biểu đồ).

giau2

IMF nhận định nếu thế giới tiếp tục bị chia cắt thành các khối thương mại đối thủ, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Với tỷ lệ linh kiện Trung Quốc cao trong nhiều sản phẩm được dán nhãn "Made in Vietnam", không rõ Mỹ thực sự đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Nhưng cho đến nay thay đổi này vẫn có lợi cho Việt Nam.

Tăng trưởng GDP rất không ổn định : sụt giảm trong thời kỳ đại dịch, tăng trở lại 8% vào năm 2022, giảm xuống 4,7% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng và dự kiến sẽ phục hồi lên 5,8% trong năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở vị trí thuận lợi để tiếp tục thu hút đầu tư, Tony Nafte của CLSA lập luận. Quốc gia này cởi mở hơn với thương mại so với các nước Đông Nam Á khác. Thương mại vào năm 2022 tương đương với mức đáng kinh ngạc là 186% GDP, so với 45% ở Indonesia, 72% ở Philippines và 134% ở Thái Lan.

Lực lượng công nhân sản xuất trẻ, dồi dào của Việt Nam rất siêng năng, có trình độ học vấn khá cao và chi phí chỉ bằng một nửa so với công nhân ở các vùng ven biển Trung Quốc. Một ông chủ nhà máy nói rằng Việt Nam, không giống như Indonesia và Philippines, không có chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Việt Nam cung cấp những ưu đãi béo bở cho các nhà đầu tư nước ngoài, cả công khai (giảm thuế, đất giá rẻ) lẫn ngấm ngầm (công nhân công nghệ cao nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid). Và mặc dù là một quốc gia độc đảng như Trung Quốc nhưng lại thân thiện hơn. Người nước ngoài ở Bắc Kinh phàn nàn về bầu không khí sợ hãi ; những người ở Việt Nam có vẻ thoải mái.

Tuy nhiên, đất nước này đang gặp phải một vấn đề chính trị lớn : chính phủ bị tê liệt vì tình trạng thiếu quyết đoán. Ông Trọng phải từ chức vào năm 2026. Nỗi lo sợ về lời đồn ông Trọng chết nhắc nhở rằng người kế vị ông vẫn chưa rõ ràng. Không biết lấy lòng ai trong vài năm tới, các quan chức ngần ngại đưa ra những quyết định quan trọng.

Công cuộc "đốt lò" để trấn áp tham nhũng do ông Trọng khởi xướng, đã khiến quan chức càng lo lắng hơn. Hàng trăm người đã bị bắt ; năm ngoái chủ tịch nước (người đứng thứ ba trong hệ thống chính trị) đã phải từ chức. Các quan chức cấp thấp hơn đã miễn cưỡng phê duyệt các dự án lớn vì sợ bị truy tố. Trong kỳ thay đổi nhân sự sắp tới, bất kỳ một vụ bê bối nào cũng có thể hủy hoại sự nghiệp của họ, hoặc tệ hơn. Nhiều người kết luận rằng không làm gì hết là an toàn nhất.

Hãy xem về lĩnh vực năng lượng. Việt Nam đã làm rất tốt việc kết nối lưới điện đến các hộ gia đình (gần 100% dân cư nông thôn có điện, tăng từ 14% năm 1993). Nhưng khi ngành công nghiệp phát triển thì nhu cầu về điện cũng tăng theo. Ông chủ một hãng sản xuất cho biết nguồn cung nặng lượng có thể không đáng tin cậy : việc cắt điện năm ngoái rất "khủng khiếp".

Và các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng muốn nói với khách hàng và cổ đông rằng họ sử dụng năng lượng sạch. Về điều này, Việt Nam đang gặp khó khăn. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào than đá, khiến không khí ở Hà Nội tệ hơn Thượng Hải. Nỗ lực lắp đặt pin mặt trời nhiều hơn đã giúp ích được đôi chút, nhưng lời hứa đạt mức phát thải khí carbonic bằng 0 vào năm 2050 có vẻ viển vông trừ khi họ tận dụng được gió từ bờ biển dài 3.000 km.

Điều đó có thể xảy ra, nhưng phải cần nhiều thời gian. Giám đốc một công ty năng lượng gió phàn nàn rằng quy trình cấp phép khảo sát đáy biển để tìm những địa điểm thích hợp "cực kỳ chậm" do cán bộ phải rất cẩn thận khi ra quyết định. Ông thở dài : không có khung pháp lý cho việc lắp đặt tua-bin hoặc bán điện lên lưới. Các bộ liên quan hầu như không trao đổi với nhau, mọi việc đều phải thông qua nhà cung cấp điện quốc doanh EVN luôn lừ đừ như ông từ vào đền. Các nhà bảo vệ môi trường phàn nàn rằng các nhóm lợi ích (tức các ông lớn đã đầu tư vào điện than) đang cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này. Một số nhà bảo vệ môi trường đã bị bỏ tù vì tội "gian lận thuế".

Một số đảng viên, chẳng hạn như thủ tướng Phạm Minh Chính, hiểu Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đồng bằng sông Mê Kông, phần lớn miền Tây Nam Việt Nam, sẽ bị nhấn chìm khi mực nước biển đang dâng cao, có nghĩa là biển cuối cùng có thể nuốt chửng khu vực này.

Các quan chức thực dụng lập luận rằng nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc công nghiệp thì nên đặt cược vào công nghệ sạch của tương lai chứ không phải công nghệ bẩn mà khắp nơi trên thế giới đang cố gắng loại bỏ. Do đó, chính phủ ngầm ủng hộ VinFast, công ty sản xuất xe điện đầy tham vọng nhưng tập đoàn tư nhân lớn nhất nước này đang thua lỗ. Nhưng nếu Việt Nam muốn đáp ứng các cam kết về khí hậu hoặc chuẩn bị cho một thế giới ấm hơn thì cần cải cách nhanh hơn.

Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại và môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng nên các nhà hoạch định chính sách cần phải theo kịp. Đôi khi, họ không làm được như vậy. Ví dụ, chính sách giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã trở nên kém hấp dẫn hơn kể từ khi OECD, câu lạc bộ các nước giàu, đồng ý áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Một giám đốc nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, các công ty đa quốc gia đóng thuế ít hoặc không đóng gì ở Việt Nam có thể phải chịu mức phí cao hơn ở những nơi khác.

Ông cho rằng thay vì đề nghị giảm thuế, chính phủ nên đơn giản hóa các quy định. Bruno Jaspaert, người đứng đầu Deep C, một khu công nghiệp ở thành phố Hải Phòng, đồng tình : "Cơ hội là rất lớn nhưng tệ quan liêu là vấn đề lớn nhất". Luật lệ thường mâu thuẫn nhau ; một số dự án cần được hàng chục bộ phê duyệt. Cần nhiều cơ sở hạ tầng hơn. Giao thông công cộng còn kém nên giao thông ở các thành phố lớn còn chậm.

Dù bị trấn áp nhưng tham nhũng vẫn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một doanh nhân nước ngoài phàn nàn về việc phải tuân theo hai bộ luật : luật chính thức, chẳng hạn như nộp thuế và đảm bảo luật phòng cháy chữa cháy, và luật không chính thức, chẳng hạn như trả tiền cho quan chức địa phương để không bị họ bóp cổ bằng các cuộc kiểm tra.

Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng nghèo đói trầm trọng đến mức thịnh vượng khiêm tốn chỉ trong một thế hệ. Nhưng quốc gia này cần phải tiếp tục cải cách. Những cơn gió địa chính trị có thể thay đổi. Các quốc gia khác có thể trở nên cạnh tranh hơn. Theo một ước tính, Việt Nam đang già đi nhanh chóng : dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm sau năm 2038. Và người dân Việt có thể chán đảng cầm quyền nếu mức sống không tiếp tục tăng nhanh. Chính quyền cũng như lãnh đạo đều không trường tồn.

The Economist

Nguyên tác : Few countries are better placed than Vietnam to get rich, 23/01/2024

Anh Khoa dịch

Nguồn : VNTB, 28/01/2024

Published in Diễn đàn

Vì sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư chủ trì lễ đón tổng thống Mỹ ?

Trường Sơn, RFA, 11/09/2023

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam vào ngày 10 tháng 9. Đây là chuyến thăm mang tầm vóc rất lớn đối với cả hai quốc gia, bởi nhân dịp này hai nước đã chính thức nâng tầm mối quan hệ ngoại giao lên mức Chiến lược Toàn diện, cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam 

daidien1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tại lễ đón ở Hà Nội ngày 10/9/2023. AFP

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý đó là mặc dù chuyến thăm trên được thông báo ở cấp nhà nước, nhưng người chủ trì việc tiếp đón tổng thống Mỹ lại không phải là Chủ tịch nước – người trên danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Thay vào đó, người đứng ngang hàng với ông Joe Biden trên bục duyệt đội danh dự trước phủ chủ tịch chính lại là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Từ trước tới nay thì việc đón tiếp người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ mỗi khi tới thăm Việt Nam vẫn được thực hiện bởi Chủ tịch nước, để đảm bảo nguyên tắc của hiến pháp về vai trò của Chủ tịch nước, vốn là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. 

Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, vốn là một đảng chính trị do vậy trên danh nghĩa thì ông Trọng không có tư cách nguyên thủ quốc gia. Thế nên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng người đứng đầu đảng chứ không phải Chủ tịch nước, đứng ra chủ trì sự kiện cấp nhà nước này ? 

daidien2

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (phải) tại tiệc trưa ngày 11/9/2023. AFP

Dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nền chính trị Việt Nam

Trên thực tế thì đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, mới là bên chủ trì chuyến thăm của tống thống Hoa Kỳ tới Việt Nam. 

Hồi tháng 3 năm nay, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm cấp cao với tổng thống Joe Biden, qua đây người đứng đầu Đảng cộng sản đã mời tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam. 

Sau đó, hồi tháng 7 vừa rồi, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, người đứng đầu bộ phận phụ trách lĩnh vực đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam, đã tới Hoa Kỳ. Đây là chuyến đi được cho là để chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống Biden tới Việt Nam. Và cũng chính ông này là người đã xuất hiện sân bay Nội Bài hôm 10 tháng 9 để nghênh đón tổng thống Mỹ. 

Việc các quan chức của Đảng tham gia trực tiếp và đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Việt Nam, theo giới chuyên gia, là dấu hiệu cho thấy sự kiểm soát "tuyệt đối" của Đảng đối với nền chính trị Việt Nam. 

Trao đổi với đài Á Châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, học giả khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho biết nhận định của ông : 

"Thực tế mà nói thì từ năm 2016, và đặc biệt là từ năm 2021 trở lại đây thì rõ ràng vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị là quá mạnh. Chúng ta nhìn vào thực tế trong bộ chính trị thì thấy việc phân quyền theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể không còn rõ ràng như trước nữa. Mà trên thực tế là vai trò lãnh đạo và vai trò hạt nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá rất là cao. Và gần như là có vai trò tuyệt đối trong hệ thống". 

Theo truyền thống, Đảng cộng sản Việt Nam theo đuổi mô hình lãnh đạo tập thể, biểu tượng là việc quyền lực được chia đều cho bốn quan chức cao nhất, hay còn gọi là tứ trụ gồm Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch nước. 

Tuy nhiên trong thập niên gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nổi lên là vị lãnh đạo nắm nhiều quyền lực nhất trong nhóm tứ trụ, bằng chứng rõ ràng nhất là việc ông đã nắm giữ vị trí đứng đầu đảng đến nhiệm kỳ thứ 3 mặc dù đã quá tuổi quy định. 

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và là người quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng sự kiện này còn đặt câu hỏi liệu đây có phải nỗ lực xây dựng di sản của vị Tổng bí thư, ông nói : 

"Diễn giải điều này một cách xa hơn thì có thể hỏi rằng liệu đây có phải là nỗ lực để lại di sản của ông Nguyễn Phú Trọng ? Thông qua sự kiện này ông ấy có thể tuyên bố rằng tôi không những đã tiêu diệt tham nhũng, mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi vì dù sao thì công chúng ở Việt Nam vẫn ủng hộ việc xích lại với Hoa Kỳ". 

Chiến thắng chung của Đảng cộng sản

Ở Việt Nam thì Hoa Kỳ bấy lâu nay vẫn được coi là nước lãnh đạo của thế giới phương tây, và chủ nghĩa tư bản. Vốn đối lập với mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

Đảng cộng sản cũng thường xuyên cảnh báo người dân về nguy cơ xảy ra diễn biến hòa bình hoặc cách mạng màu, mà nguyên nhân là sự can thiệp của nước ngoài thông qua điều mà nhà nước gọi là "chiêu bài dân chủ và nhân quyền". Không cần nêu đích danh nhưng ai cũng ngầm hiểu Hoa Kỳ là con ngáo ộp đằng sau mối hoạ mất chế độ ở Việt Nam. 

Với việc tổng thống Hoa Kỳ giờ đây đứng ngang hàng với Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam trong một sự kiện cấp nhà nước, hơn nữa, phía Mỹ lại cam kết tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam. Rõ ràng đây là một chiến thắng vang đội của chế độ hiện hành trong việc khẳng định tính chính danh của minh. 

Nhận định về khía cạnh này, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, cho biết quan điểm của ông : 

"Việc ông Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thì nó có hàm ý là Mỹ tôn trọng hoàn toàn thế chế chính trị của Việt Nam, và muốn hợp tác dựa trên mối quan hệ đấy, dựa trên niềm tin đấy giữa hai thể chế chính trị với nhau. 

Thứ hai là nó cũng cho thấy Mỹ nhìn nhận ra vài trò cốt cát của Đảng cộng sản trong việc đưa ra tất cả các quyết định chính sách, từ chính sách ngoại giao cho tới chính sách kinh tế. 

Tất nhiên đối với Việt Nam thì đây là một chiến thắng rất lớn về mặt chính trị vì nó cho thấy nước Mỹ thừa nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong nhà nước Việt Nam. Và họ không có vấn đề gì khi thừa nhận điều đó. Với Hà Nội thì đây là chiến thắng chính trị rất lớn". 

Trước đây, rào cản lớn nhất đối với Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn được cho là nằm ở vấn đề nhân quyền, khi Mỹ là nước luôn yêu cầu chính quyền Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền trong nước, và không ngại ngần chỉ trích những vụ bắt bớ và đàn áp giới bất đồng chính quyền. 

Tuy nhiên, ở lần thăm Việt Nam của tổng thống Biden, nhân quyền đã không còn là ưu tiên trong thứ tự các vấn đề bang giao giữa hai quốc gia nữa. Trên thực tế, trong bản tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước thì nhân quyền được đề cập áp chót, và một cách chung chung. 

Sự vắng bóng của chủ đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này đã được báo giới nêu ra trong buổi họp báo của tổng thống Biden tại Hà Nội, trước câu hỏi liệu Hoa Kỳ có đang bất chấp vấn đề nhân quyền để theo đuổi mục tiêu chiến lược, ông Biden cho biết đã nêu vấn đề này (nhân quyền) đối với những lãnh đạo Việt Nam mà ông gặp. 

Theo giáo sư Carlyle Thayer thì điều này sẽ giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết phục đội ngũ đảng viên của ông tin tưởng vào đường lối xích lại với Hoa Kỳ mà không phải lo lắng về an ninh chế độ : 

"Ông Trọng có thể nói với bất cứ ai trong hệ thống mà vẫn còn đang lo ngại và có thiên hướng tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để đối phó với áp lực thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa, rằng, từ nay có thể yên tâm. Hai nước đã giải quyết xong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản". 

daidien3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hội đàm cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 11/9/2023. AFP

Không trái với nguyên tắc của Hiến pháp

Tuy đứng ra mời và chủ trì lễ đón tổng thống Hoa Kỳ, và cũng là người tuyên bố việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng theo các chuyên gia thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không làm trái với nguyên tắc của hiến pháp. 

Lý do là vì Hoa Kỳ và Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra tuyên bố chính trị, vốn không có ràng buộc pháp lý. 

Nói thêm về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho hay : 

"Việc tuyên bố này không phải là một hiệp ước, nó chỉ là một tuyên bố, nên tính ràng buộc không cao. Cho nên kể cả việc ông Tổng bí thư, tức là người thực chất là lãnh đạo Việt Nam, bắt tay với tổng thống Mỹ, người thực chất là lãnh đạo của Mỹ, thì việc đó về mặt nguyên tắc không có vấn đề gì cả. Hai bên ngầm hiểu với nhau ai là người nắm quyền lực thực tế của cả hai nước, và họ bắt tay với nhau là vì điều đó".

Đồng tình với ý kiến trên, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký bất cứ hiệp định nào, mà mới chỉ đưa ra tuyên bố không ràng buộc, nên việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng ra tiếp đón tổng thống Mỹ là không có vấn đề gì. 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 11/09/2023

*************************

Một mình tiếp tổng thống Mỹ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam

Thu Hằng, RFI, 11/09/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Việt Nam theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Chính ông Trọng là người chủ trì lễ đón chính thức nguyên thủ Mỹ, thay vì theo nghi thức ngoại giao, phải là chủ tịch nước Việt Nam, sau đó, ông dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đàm phán với nguyên thủ Hoa Kỳ, rồi họp báo chung với tổng thống Mỹ và ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện".

daidien4

Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chỉ xuất hiện với vai trò chủ trì tiệc chiêu đãi nguyên thủ Mỹ tối 10/09/2023. 

Tổng thống Mỹ công du Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng 

Báo chí Việt Nam cũng như các nhà lãnh đạo ngoại giao của hai nước đều nhấn mạnh đến vai trò của tổng bí thư đảng. Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, được VnExpress trích dẫn ngày 10/09, nhấn mạnh đến tính chất "rất đặc biệt" của chuyến công du "do đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam". Nói một cách khác, Việt Nam muốn khẳng định rằng Hoa Kỳ chấp nhận vai trò Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. 

Ngoài mối quan hệ được cải thiện trong "giai đoạn kiến tạo" kéo dài 10 năm kể từ khi hai nước ký thỏa thuận đối tác toàn diện, Hoa Kỳ và Việt Nam còn có chung mối lo ngại từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, coi Bắc Kinh là "đối thủ có hệ thống", trong khi Hà Nội, cùng với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, luôn phải dè chừng với mối đe dọa mất chủ quyền từ Trung Quốc. 

Có lẽ từ những nguy cơ và đe dọa tức thời này, chính quyền của tổng thống thuộc đảng Dân Chủ tỏ ra "uyển chuyển" hơn về "chế độ độc đảng" ở Việt Nam, trong khi vẫn luôn chỉ trích trường hợp Trung Quốc. Có thể thấy điều này qua phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, "chuyến thăm (của ông Biden) thể hiện Mỹ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam". 

Còn đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhắc đến mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo và "sự trân trọng mà chúng tôi (Mỹ) muốn thể hiện với tổng bí thư". Trên mạng X (tiền thân là Twitter) ngày 10/09, tổng thống Biden đăng ảnh ông và ông Trọng kèm chú thích : "Thật tuyệt vời khi được trò chuyện với ngài tổng bí thư". Những phát biểu này cũng ngầm khẳng định Hoa Kỳ không can thiệp chuyện nội bộ của Việt Nam liên quan đến vai trò của nhà lãnh đạo trên thực tế. 

Tổng bí thư Đảng thông báo nâng cấp quan hệ chiến lược với Mỹ 

Thông báo quan trọng nhất liên quan đến nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố với tổng thống Mỹ sau cuộc hội đàm ở Văn phòng Trung ương Đảng. Giới chuyên gia cho rằng sau nhiều năm do dự, cuối cùng Việt Nam cũng "mạo hiểm" đưa ra quyết định này nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng phải nhấn mạnh rằng quyết định này là do Đảng cộng sản Việt Nam, do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "bật đènh xanh" để biến cựu thù cách đây 50 năm thành một trong năm đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. 

Điểm thứ hai là "yếu tố Trung Quốc" trong quyết định mang tính bước ngoặt của Đảng cộng sản Việt Nam. Dù luôn giữ mối liên hệ về ý thức hệ với nước láng giềng khổng lồ nhưng Hà Nội cũng coi Trung Quốc là một "mối nguy hiểm" đối với an ninh của Việt Nam. Hãng tin Mỹ AP nhận định Trung Quốc không được nhắc đến trong suốt chuyến công du nhưng "thật khó để giải thích sự gắn kết này nếu không có ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh". 

Cuối cùng, Việt Nam cũng không "hùa" theo Trung Quốc coi Hoa Kỳ là "nhân tố gây bất ổn" trong khu vực mà ngược lại, theo nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trong bài phát biểu trước cuộc hội đàm song phương ngày 10/09, Mỹ là một đối tác để "trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế liên quan" "nhằm duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới". 

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 11/09/2023

Published in Diễn đàn

Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ : xoay chuyển chính sách để đối phó với Trung Quốc

RFA, 06/09/2023

Việt Nam đang được chú ý trên truyền thông quốc tế vì chuyến thăm ngày 10 tháng 9, 2023 sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Hai nước được cho là sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là "Đối tác chiến lược toàn diện". Theo Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute, bước đi này của Việt Nam tương tự như Mông Cổ và Ấn Độ vì cả ba nước Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ đều có một lịch sử đối ngoại khá giống nhau. 

vietnam1

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai tại Nhà Trắng, ngày 2 tháng 8, 2023, khi hai nước công bố nâng cấp quan hệ "Đối tác chiến lược". Reuters

Mông Cổ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ từ ngày 02 tháng 08, 2023. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Mông Cổ tập trung vào hợp tác kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, và tăng cường hợp tác an ninh. Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng có một kế hoạch hợp tác an ninh với Mông Cổ. Trả lời câu hỏi của RFA về việc kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Mông Cổ của Nhật Bản có liên quan đến quan hệ Mỹ-Mông Cổ hay không, Tiến sỹ Nagao Satoru khẳng định Nhật Bản và Hoa Kỳ có chung lợi ích trong nhiều mặt, trong đó có việc viện trợ cho Mông Cổ, do đó các bước đi này đều có liên quan với nhau. Tương tự như Mông Cổ, Việt Nam cũng là láng giềng của Trung Quốc, sắp sửa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và cũng được Nhật Bản đưa vào nhóm sáu nước nhận Viện trợ An ninh Chính thức năm 2024.

Tiến sĩ Nagao Satoru chỉ ra rằng việc tăng cường viện trợ cho Mông Cổ cũng là một hậu quả của cuộc chiến Ukraine. Nếu Nga không xâm lược Ukraine, có khả năng Mỹ - Nhật và Nga sẽ hợp tác chống Trung Quốc. Trong Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô, cả Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để kiềm chế Liên Xô từ những năm 1970. Một mô hình tương tự có thể xảy ra vào thời điểm ngày nay. Nếu có thể tổ chức được thế trận đó, Mông Cổ là một địa điểm quan trọng phía Bắc để kiềm chế Trung Quốc. Biên giới phía Bắc của Bắc Kinh bằng phẳng và xe tăng dễ dàng chạy tới Bắc Kinh. Đối với an ninh của Trung Quốc, đó có thể là khu vực bị hở sườn. 

Ngoài ra, Mông Cổ còn mong muốn được độc lập trước các cường quốc quá lớn : Nga và Trung Quốc. Do đó, hợp tác Nhật - Mỹ - Mông Cổ có thể giúp đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nagao, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, dưới sự hợp tác Nga-Trung hiện nay, nền ngoại giao của Mông Cổ bị bao vây bởi cả Nga và Trung Quốc. Mông Cổ khó thể thoát khỏi họ. Mông Cổ mong muốn thoát khỏi tình thế này để độc lập khỏi Nga và Trung Quốc nhưng quyền tự do của họ vẫn bị hạn chế.

Ngay cả trong tình huống hiện nay như vậy, Mông Cổ vẫn rất quan trọng. Ông Nagao Satoru so sánh tầm quan trọng của những nước "chơi với cả hai bên" trong các mối quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn : Trong Chiến tranh Lạnh, Pakistan có quan hệ ngoại giao chính thức với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, vào những năm 1970, Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc qua ngả Pakistan, bằng cách sử dụng máy bay của Tổng thống Pakistan để sắp xếp chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc. Tương tự như vậy, Mông Cổ có thể đóng vai trò là cầu nối khi nước này có quan hệ với cả hai bên. Và nước này cũng có thể làm cầu nối để Nhật - Mỹ đàm phán với Bắc Triều Tiên. Vì vai trò như vậy của Mông Cổ nên Nhật - Mỹ vẫn nhất quyết duy trì mối quan hệ với nước này.

Một số học giả cho rằng Việt Nam ngần ngại nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ vì Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Việt Nam cần cẩn thận để không chọc giận Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ đề nghị Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ năm 2011 nhưng phải đến năm 2023 mới được thăng cấp. 

Tuy nhiên, Mông Cổ là một quốc gia nhỏ với diện tích 1.564.116 km2, dân số chỉ 3,3 triệu người. người và GDP khoảng 17 tỷ USD. Mông Cổ là nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ. RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nagao Satoru rằng liệu động thái của Mông Cổ có chọc giận Trung Quốc và gây tổn hại đến an ninh của Mông Cổ ? Và các học giả có thể so sánh hai chính sách đối ngoại của Việt Nam và Mông Cổ như thế nào ? Ông Nagao Satoru nhận xét rằng động thái ngoại giao của Mông Cổ và Việt Nam, thậm chí có thể kể thêm cả Ấn Độ trong trường hợp này là giống nhau. Bởi vì Việt Nam, Mông Cổ và Ấn Độ đều có chung một hoàn cảnh, dù giữa họ vẫn có những điểm khác biệt cơ bản.

Tất cả các quốc gia này đều có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, trước đây cả ba nước đều chọn liên minh với Liên Xô. Đó là điểm giống nhau căn bản của họ. 

Thế rồi sau khi Liên Xô sụp đổ, họ phải đối mặt với một số vấn đề nan giải. Ông Nagao phân thích hai nghịch lý cơ bản mà họ phải giải quyết. 

Vấn đề nan giải thứ nhất là vừa không gây xung đột với Trung Quốc vừa phải né tránh sự cản trở của Trung Quốc không muốn họ tăng cường hợp tác với các đối tác mới. Khi họ hợp tác với các đối tác mới, những sự hợp tác này có thể đẩy Trung Quốc đi quá xa, làm tăng khả năng Trung Quốc gây hấn với ba nước này. Khi Ấn Độ ký kết hợp tác thương mại chính thức với Đài Loan năm 2019 thì sau đó Trung Quốc đã phát động một cuộc xung đột biên giới nhỏ với Ấn Độ. 

Vấn đề nan giải thứ hai liên quan đến Mỹ. Bởi vì mối quan hệ của cả Việt Nam, Ấn Độ và Mông Cổ với Mỹ trước đây không tốt nên họ ngần ngại trở thành đồng minh chính thức của Mỹ. Nhưng nếu họ không phải là đồng minh chính thức của Mỹ thì không có đảm bảo pháp lý nào rằng Mỹ sẽ giúp họ tự vệ.

Tiến sĩ Nagao chỉ ra là trong tình hình như vậy, cả ba nước này đã tiến hành các bước vận động ngoại giao rất thận trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn. Cả ba nước đều hợp tác cùng lúc với Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ. Cả 3 nước này đều lo lắng về hợp tác quân sự với Mỹ vì hợp tác quân sự có thể khiến Trung Quốc phản ứng. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác chậm mà chắc này chính là hợp tác mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn với các nước lâu nay đứng về phía Mỹ. Trong tình hình hiện nay, nếu có một quốc gia nào có thể giành chiến thắng nếu bị Trung Quốc xâm lược thì đó là Mỹ và các đồng minh. Vị chuyên gia về an ninh quốc tế ở Hudson Institute nhận xét rằng vì Mỹ có thể thắng nên Mỹ và các đồng minh có thể răn đe Trung Quốc, do đó, nếu Mông Cổ, Việt Nam và Ấn Độ muốn răn đe Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh từ xa, họ sẽ phải tăng cường hợp tác với Mỹ và các đồng minh.

Nguồn : RFA, 06/09/2023

**************************

Việt Nam sẽ hưởng lợi từ Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức của Nhật Bản ?

RFA, 05/09/2023

Trong cuộc họp báo hôm 8/8/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản năm 2023 đã chọn bốn nước là Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji. Nhưng sang năm 2024, sẽ có sáu nước nhận được viện trợ từ chương trình này, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ and Djibouti. 

vietnam2

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu trong hội thảo Bộ tứ tại New Delhi, Ấn Độ ngày 3/3/2023 (Ảnh minh họa) - Reuters

Trả lời câu hỏi của RFA về lý do Nhật Bản chọn 6 nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti để viện trợ an ninh vào năm 2024, Giáo sư Carlyle Thayer ở Đại học UNSW Canberra và Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute đều cho rằng tất cả đều do lợi ích an ninh của Nhật Bản gắn liền với các nước này. Giáo sư Carlyle Thayer nói an ninh của Nhật Bản đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, bao gồm các cuộc tập trận trên biển và trên không của nước này nhắm vào Đài Loan, sự xâm nhập liên tục của các tàu hải cảnh trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, và sự hợp tác giữa nước này và Nga. Ngoài ra, an ninh của Nhật Bản cũng bị đe dọa bởi các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ông Carlyle Thayer nhấn mạnh Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và có lợi ích sống còn gắn liền với sự an toàn và an ninh của các tuyến đường vận chuyển toàn cầu đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương. Và an ninh của Nhật Bản cũng bị đe dọa bởi nạn cướp biển ngoài khơi vùng Sừng Châu Phi.

Nhật Bản có lợi ích sống còn trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để cô lập nước này. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hỗ trợ các quốc gia chủ chốt trong vùng xây dựng năng lực để họ có thể hành động độc lập.

Nhật Bản cũng có lợi ích quốc gia quan trọng trong việc duy trì liên minh với Hoa Kỳ, vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ quân sự, mà đi đến cả những vấn đề khác, như thúc đẩy năng lực quản trị quốc gia tốt và phát huy giá trị dân chủ giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính những lo ngại về an ninh này mà Nhật Bản đang cố gắng giảm thiểu các nguy cơ bất ổn trong khu vực bằng cách cung cấp Viện trợ An ninh Chính thức cho Philippines, Việt Nam, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.

Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng Nhật Bản đã rất cẩn trọng nên họ mới chỉ khởi động Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) trong năm nay chứ không phải sớm hơn. Nhật Bản đã truyền đi thông điệp rõ ràng khi chọn 4 quốc gia để hỗ trợ trong năm 2023 (Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji), và sáu quốc gia trong năm 2024 (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti). Theo Tiến sĩ Nagao, thông điệp thứ nhất cần chú ý là tất cả các quốc gia nhận hỗ trợ đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là nơi Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, còn Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đang phải đối mặt với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines ngoài vấn đề bảo vệ an ninh trên Biển Đông còn được xem là chìa khóa hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng Đài Loan nếu nó xảy ra. Đó là lý do Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật đã tập trung vào Philippines trong cả năm 2023 và 2024. 

Đối với Fiji và Papua New Guinea, Tiến sĩ Nagao giải thích năm 2023, Chương trình OSA chọn Fiji còn năm 2024 chọn Papua New Guinea vì cả hai đều nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng. Giờ đây, Nhật Bản-Mỹ-Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, New Zealand và Đài Loan đang hợp tác với nhau để đẩy lùi ảnh hưởng về mặt tài chính của Trung Quốc.

Đối với trường hợp Bangladesh ở khu vực Nam Á và Djibouti Châu Phi, ông Nagao cho rằng cả hai nước này đều đang đối mặt với bẫy nợ của Trung Quốc. Nhật Bản đều đang cố gắng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại đây. Ở Bangladesh, trong cuộc cạnh tranh này, Nhật Bản đã giành chiến thắng với dự án cảng Matarbari trước dự án cảng Sonadia của Trung Quốc. Tuy nhiên, do Bangladesh nhập khẩu nhiều vũ khí trong đó có tàu ngầm từ Trung Quốc cho nên Nhật Bản và Ấn Độ vẫn lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Bangladesh. Ở Djibouti, Trung Quốc đã đầu tư hạ tầng và tạo ra một khoản nợ khổng lồ cho nước này. Sau đó Trung Quốc đã mở một căn cứ hải quân lớn. Trung Quốc đang mở rộng căn cứ hải quân này và bến cảng của nó sẽ đủ lớn cho tàu sân bay Trung Quốc trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nagao, Mông Cổ và Việt Nam là hai quốc gia sẽ được bổ sung vào danh sách nhận viện trợ trong năm 2024 của Chương trình OSA vì hai nước này có nhiều điểm chung. Giống như Việt Nam, Mông Cổ trước đây lệ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, gần đây Mông Cổ cũng muốn độc lập trước cả Nga và Trung Quốc, hai nước có chung đường biên giới rất dài. Vì vậy, Mông Cổ mời nhiều nước phương Tây tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trên đất của họ. Còn Việt Nam thì vừa là láng giềng của Trung Quốc, vừa chịu sự chi phối của Trung Quốc trong quan hệ thương mại và chịu sự cưỡng bách của nước này trên Biển Đông. 

Vấn đề thứ hai cần lưu ý, theo vị chuyên gia về an ninh quốc tế đến từ Hudson Institute, cả chín nước nhận viện trợ OSA của Nhật Bản năm 2023 và 2024 đều không phải là nước mạnh. OSA của Nhật Bản hiện tập trung hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn (không như Ấn Độ hay Úc, v.v.). Nhật Bản sẽ cung cấp radar, máy bay không người lái, hệ thống thông tin liên lạc và tàu tuần tra cho các nước này. Điều này có nghĩa là OSA của Nhật Bản ở mức độ khá vừa phải về mặt hỗ trợ quân sự, nếu so sánh với việc cung cấp tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu hải quân, xe tăng, v.v. Do đó, ảnh hưởng của Chương trình OSA Nhật Bản vẫn còn hạn chế. Đó là lý do tại sao OSA chọn các nước nhỏ không mua thiết bị quân sự quan trọng từ Nhật Bản để hỗ trợ. Vào năm 2023, quy mô của OSA là 2 tỷ yên. Vào năm 2024, nó sẽ là mức 5 tỷ yên. Điều này có nghĩa là số quốc gia có thể nhận OSA bị hạn chế. Nhưng trong tương lai, quy mô sẽ lớn hơn và số lượng quốc gia nhận hỗ trợ sẽ nhiều hơn. 

Tiến sĩ Nagao cho biết Nhật Bản sẽ thành lập cơ quan chịu trách nhiệm cho Chương trình OSA. Hiện nay, ODA (Viện trợ Phát triển Chính thức) đã có JICA là tổ chức chịu trách nhiệm. OSA (Viện trợ An ninh Chính thức) cũng cần một tổ chức tương tự như JICA nếu OSA sau này trở nên lớn hơn, còn bây giờ chỉ là sự khởi đầu. Nhưng một khi Nhật Bản thiết lập một tổ chức như vậy, nếu nó hoạt động tốt và quy mô ngân sách đủ lớn, Chương trình OSA sẽ có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi từ chương trình.

Nguồn : RFA, 05/06/2023

Published in Việt Nam

Tuần qua, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện ngoại giao liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế của Việt Nam. Từ 19 đến 21 tháng 5, Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước G7 ở Hiroshima. Nước này mời Việt Nam, với đại diện là Thủ tướng Phạm Minh Chính, là một trong những thành viên khách mời. Cùng lúc G7 họp thượng đỉnh ở Nhật, Trung Quốc họp thượng đỉnh với 5 quốc gia vùng Trung Á là Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, và Kazakhstan. 

sukien1

Tàu khảo sát Nga "Viện sĩ Oparin" hôm 23/5/2023 ở gần đảo Phú Quý, trong khu vực bể Cửu Long, một khu vực thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam - Marine Traffic / RFA

Cũng trong những ngày qua, các nhà quan sát thảo luận nhiều về chuyến thăm của ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đến Hà Nội vào ngày 21/5. Cùng thời điểm đó, tại Hiroshima, Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7. 

Cũng trong những ngày qua, các nhà quan sát thảo luận nhiều về chuyến thăm của ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đến Hà Nội vào ngày 21/5. Cùng thời điểm đó, tại Hiroshima, Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7. 

Vào ngày 23/5/2023, Bloomberg News cập nhật thông tin Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thăm Trung Quốc trong hai ngày 23-24 tháng 5, 2023. Như vậy, chuyến thăm này của Thủ tướng Nga đến Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đến Việt Nam chỉ một ngày. 

Như RFA đã đưa tin, Trung Quốc tung tàu khảo sát Xiang Yang Hong-10 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 7/5/2023 đến nay. Trong khu vực tàu khảo sát của Trung Quốc cố gắng xâm nhập, có cả khu vực Việt Nam và Nga đang hợp tác thăm dò khai thác dầu khí.

Hôm 17/5/2023, Nga đã điều tàu tàu nghiên cứu khoa học mang tên "Viện sĩ Oparin" cập cảng Nha Trang. Theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, con tàu này đã di chuyển dọc theo bờ biển Việt Nam tiến về phía nam, theo hướng vùng thăm dò khai thác dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn. 

Hãng Sputnik đưa tin Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi hội đàm với ông Medvedev hôm 22/5 : "Ngoài chuyến thăm của Ngài, chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của lãnh đạo nước Nga". Như vậy có khả năng ông Putin sắp sang thăm Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu làm việc tại ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore chia sẻ góc nhìn với RFA : 

"Hội nghị của Trung Quốc với các nước Trung Á diễn ra gần như đồng thời với Hội nghị G7. Tại Trung Á, từ thập niên 1990s có hai tổ chức của Nga và Trung Quốc gây ảnh hưởng ở hai lĩnh vực khác nhau : Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc sáng lập vốn chỉ tập trung chủ yếu vào hợp tác kinh tế, và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu thì tập trung vào vấn đề an ninh. Nhưng trong hội nghị tại Tây An diễn ra đồng thời với hội nghị G7 lần này, Trung Quốc đề nghị mở rộng hoạt động sang lĩnh vực an ninh cho Trung Á, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. Có thể phán đoán là Trung Quốc đang muốn tận dụng sự sa sút của Nga do vướng vào cuộc chiến ở Ukraine để tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á hơn. 

Tuy vậy, tôi không nghĩ là Nga - Trung chia nhau ảnh hưởng ở Trung Á. Ở đây, Nga có lợi thế truyền thống và các chính quyền chuyên chế trong vùng vốn thân Nga hơn, mặc dù từ sau 2021 thì có vẻ thay đổi, đặc biệt là sau chính biến ở Kazakhstan". 

Giáo sư Zhiqun Zhu (Chu Chí Quần) ở Đại học Bucknell, Mỹ, nói trên AFP rằng hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima tập trung vào chiến lược đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trên thế giới, còn hội nghị thượng đỉnh của Trung Quốc với các nước Trung Á là một cách để ông Tập "định vị mình là một nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu". 

Đối với chuyến thăm Việt Nam của ông Medvedev diễn ra trong khi Trung Quốc họp thượng đỉnh với các nước Trung Á và đưa tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng "chuyến thăm của ông Medvedev sang Việt Nam chắc hẳn phải có lịch trình lâu rồi, nên tôi không cho đây chỉ là động thái phản ứng cho hành động của Trung Quốc hiện nay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có khả năng cao đây là chuyến thăm chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống V. Putin. Nga có thể đang muốn chứng minh là họ không bị cô lập về ngoại giao". 

Về chuyến thăm của ông Medvedev sang Việt Nam, các bản tin trên truyền thông Nhà nước  chỉ trình bày những nội dung hội đàm quen thuộc. RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu làm việc tại ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore, rằng chắc hẳn chuyến thăm này của ông Dmitry Medvedev không chỉ nhằm trao đổi những vấn đề chung chung trong quan hệ hai nước như vậy mà có thể có những ý nghĩa quan trọng hơn hay không. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét :

"Ngoài những gì báo Nga và báo Việt Nam đã nêu, chắc hẳn còn các chủ đề cụ thể về các mối quan tâm an ninh mà Nga và Việt nam cùng quan tâm được bàn thảo trong các cuộc gặp của ông Medvedev ở Hà Nội. An ninh, an toàn cho các điểm khai thác dầu - khí liên doanh Nga-Việt ở biển Đông là một hàm ý".

Về những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, cả ở những lợi ích trước mắt lẫn lợi ích chiến lược của cả Việt Nam và Nga là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông trong khi Trung Quốc liên tục gây hấn, và quan hệ quốc phòng hai nước trong bối cảnh Nga bị suy yếu vì cuộc chiến Ukraine, TS Hà Hoàng Hợp cho rằng "hợp tác dầu khí Việt Nga ở biển Đông sẽ không có thay đổi, bất chấp Trung Quốc gây hấn mạnh hơn trước. Còn về quan hệ quốc phòng thì Việt Nam đã giảm mua sắm quốc phòng với Nga từ năm 2016, và từ đó đến nay không có chiều hướng tăng".

Hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với Việt Nam trong mối quan hệ với Nga là dầu khí và quốc phòng, còn đối với kinh tế, theo TS Hà Hoàng Hợp, "thương mại Việt-Nga giảm từ hơn sáu tỷ USD xuống múc xấp xỉ 4 tỷ, tức là rất nhỏ. Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí, nên càng ít phụ thuộc vào nguồn Nga. Điều chắc chắn Việt Nam và Nga vẫn duy trì ổn định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". 

Do lợi ích của Việt Nam trong các mối quan hệ Việt Nga khoanh vùng chủ yếu trong hợp tác dầu khí và quân sự, và ở cả hai lĩnh vực này, Việt Nam đều đang có những bước đi quyết đoán bao gồm đa dạng hóa nguồn vũ khí ngay từ trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine, cho nên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, "nếu nước Nga suy yếu, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Châu Âu và Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ rơi vào những khó khăn lớn hơn mức hiện nay, trong quan hệ với Trung Quốc".

Nguồn : RFA, 23/05/2023

Published in Việt Nam
mardi, 06 décembre 2022 10:41

Việt Nam giữa hai lằn đạn

Người dân Nam Bộ thường phê bình kẻ nói một đường làm một nẻo là "xạo ke". Sau ngày 30/04/1975, Đảng cộng sản thu đất nước về một mối, nhưng không làm như đã hứa khiến dân Nam Bộ lại phải gọi Nhà nước xã hội chủ nghĩa là "xạo hết chỗ nói".

giua1

Việt Nam có lợi gì khi "ngoài mặt thì không chọn bên", nhưng "trong lòng thì không dám bỏ Nga" ?

Câu nói này nhắc người miền Bắc nhớ tới lời nhạo báng của thời trước năm 1954 như "nói dối như Vẹm", hay "nói láo như Việt Minh", sau này trong Nam gọi là Việt Cộng để chỉ chung đội ngũ những người đi theo cộng sản.

Nhắc lại câu chuyện dân gian này không phải để chế giễu mà để chứng minh người cộng sản Việt Nam vẫn nói một đường, làm một nẻo nên bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn.

Bằng chứng, về ngoại giao, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu lên chính sách đối ngoại : "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh".

Nhưng trong hành động, Việt Nam đã làm theo Trung Quốc hầu như mọi việc. Rõ ràng nhất trong vụ Nga xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022.

Trước tiên, phía cộng sản Việt Nam không gọi cuộc hành quân của Nga "xâm lược" Ukraine mà gọi đó là "chiến dịch quân sự". Việt Nam cũng nói theo Nga rằng Moscow phải hành động vì Ukraine có ý gia nhập khối quân sự NATO (North Atlantic Organization, Liên phòng Bắc Đại Tây Dương), mở đường cho NATO, do Hoa Kỳ lãnh đạo, đe dọa an ninh Nga.

Sau đó, trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc lần thứ nhất ngày 3/3/2022, một Nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt cuộc xâm lăng và phải rút quân ngay lập tức được 141 nước ủng hộ, 5 phiếu chống (Nga và Bắc Hàn) và 35 nước bỏ "phiếu trắng", trong đó có Bangladesh, China, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Laos, Mongolia, Pakistan, Sri Lanka, Tajikistan, Việt Nam.

Trong khi đó, có 14 quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương đã không những ủng hộ Nghị quyết mà còn bảo trợ Nghị quyết này gồm : Australia, Cambodia, Fiji, Japan, Kiribati, the Marshall Islands, Micronesia, New Zealand, Palau, Papua New Guinea, South Korea, Samoa, Singapore, and Timor-Leste.

Việt Nam đã không có can đảm tự quyết định là phiếu của mình như Cambodia (Kampuchea). Một nước mà Việt Nam coi như "đàn em" trong vùng Đông Dương.

Trong cuộc bỏ phiếu lần hai nhằm trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 7/4/2022, Việt Nam đã bỏ phiếu "chống", cùng với Nga, Trung Quốc, Cuba, North Korea, Iran và Syria.

Lần bỏ phiếu thứ ba diễn ra ngày 12/10/2022 chống việc Nga "sát nhập" 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, sau cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Một lần nữa Việt Nam đi theo Trung Quốc bỏ "phiếu trắng", trong khi Camboadia (Kampuchea) và Myanmar (Miến Điện) theo đa số bỏ "phiếu chống"

Như vậy, thêm lần nữa, Việt Nam đã tự "trát tro vào mặt" trước hành động can đảm của Campuchia và Miến Điện, hai nước nhỏ trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á)

Biện giải

Trước thái độ "theo voi Trung Quốc ăn bã mía" tại Liên Hiệp Quốc, vị trí chính trị của Việt Nam đã bị mỉa mai là không có lập trường, không tự chủ và tự làm mất úy tín.

Vì vậy, Việt Nam đã phản ứng : "Đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình. Ngày 1/3, phát biểu khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh rằng : "Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Âu và thế giới nói chung".

Sau đó, tại họp báo thường kỳ ngày 6/10/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng ca tiếp : "Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".

Đến phiên họp của Liên Hiệp Quốc ngày 12/10, ông Đặng Hoàng Giang, lại hợp xướng : "Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong đó, có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".

Ăn nói rõ ràng như thế mà tại sao phải né tránh không dám lên án Nga như Campuchia và Miến Điện đã làm mà phải cúi đầu làm theo Trung Quốc ?

Lý do vì Việt Nam có quan hệ ngoại giao và chịu ơn lâu đời với Nga, nước đã cưu mang, giúp súng đạn và lương thực trong suốt 30 năm miền Bắc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Ukraine và Việt Nam cộng sản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, sau khi Ukraine tách khỏi Liên bang Xô viết và tuyên bố độc lập.

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì Ukraine là "nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam. Ukraine đã đóng một vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội"

Vậy mà khi Ukraine bị Nga xâm lăng, tàn sát dân lành, Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn "đứng giữa", nhưng thực tế đã vô ơn bạc nghĩa, phản bội lại sự giúp đỡ của nhân dân Ukraine.

Vậy Việt Nam có lợi gì khi "ngoài mặt thì không chọn bên", nhưng "trong lòng thì không dám bỏ Nga" ?

Thứ nhất, Nga là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam trong chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, và trong giai đoạn hiện nay để đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

"Theo SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute ), vũ khí mua của Nga trong những năm gần đây bao gồm 6 tàu ngầm Kilo-class, 4 tàu hộ tống Gepard-class, 36 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, hai khẩu đội tên lửa tự hành phòng thủ bờ biển K-300P Bastion. Vũ khí của Nga chiếm 7,4 tỷ USD trong tổng kinh phí 9,07 tỷ USD (giai đoạn 1995-2021). Trong giai đoạn 1995-2014, vũ khí Nga chiếm 90% nhập khẩu, nhưng trong giai đoạn 2015-2021 đã giảm còn 68,4%. Số còn lại, Việt Nam nhập của Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%), Mỹ (3%), Hà Lan (2,4%)" (Nguyễn Quang Dy, Nghiên cứu Quốc tế).

Tuy nhiên, trong tương lai xa, nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vẫn tiếp tục và thiết bị của máy tầu Gepard-class bị hư hỏng thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì, theo chuyên gia Nguyễn Quang Dy, "đầu máy chiến hạm Gepard (vốn được sản xuất tại Ukraine) nay không còn nữa".

Thứ hai, Nga là nước hợp tác tìm kiếm và khai thác dầu khí lớn nhất với Việt Nam ở Biển Đông và tại Nga.

Theo thống kê của Tạp chí Năng lượng Việt Nam thì Vietsovpetro, thành lập năm 1981, kết hợp giữa PetroVietnam và Công ty Xô Viết Zarubezhneft, đã "góp phần quyết định trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam".

Tiếp theo là sự có mặt của "Rosneft", chuyên thăm dò và khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên thềm lục địa của Việt Nam.

Từ năm 2000, theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, "Công ty Gazprom của Nga - doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên đã hoạt động tại Việt Nam, hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác trong vùng thềm lục địa phía Bắc, Trung và Nam Việt Nam.

Cùng thời gian này, Trung Quốc liên tục đe dọa Tập đoàn dâu khí BP (The British Petroleum Company), khiến BP phải rút lui. Ngược lại Nga đã làm ngơ trước thái độ của Trung Quốc và tiếp tục hợp tác với Việt Nam.

Đến năm 2013, Tập đoàn Dầu mỏ Nga "Rosneft" đã tham gia thăm dò và khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên hai khối của thềm lục địa ở phía Nam của Việt Nam.

Vào tháng 12/2009, Gazprom và PVN đã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn "Gazpromviet" với cổ phần của Gazprom là 51% và của PVN là 49% để phát triển các dự án dầu khí ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba. Năm 2012, Công ty này bắt đầu khai thác mỏ dầu và khí ngưng tụ Nagumanovskoye ở vùng Orenburg và mỏ khí, khí ngưng tụ Severo-Purovskoye ở Khu tự trị Yamalo-Nenets. Vào tháng 11/2014, Gazpromneft và PVN đã thỏa thuận về hợp tác khai thác mỏ dầu Dolginsky trên thềm Bắc Cực của Nga - ở Biển Pechora.

Ngoài lĩnh vực vũ khí, Việt Nam và Nga đã ký Hiệp định ngày 07/3/1987 về hợp tác xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam (Đà Nẵng) Trung tâm nghiên cứu khoa học và thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam – Liên Xô (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt – Xô).

Thực tế là thử nghiệm các loại vũ khí được chế tạo tại Việt Nam để sử dụng ở vùng nhiệt đới. Vì vậy, Trung tâm này được quy định "phục vụ thiết thực nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước, phấn đấu xây dựng Trung tâm thành cơ sở khoa học-công nghệ uy tín, có một số lĩnh vực trình độ khu vực và thế giới" (Tài liệu Quốc phòng Việt Nam).

Ai giúp Việt Nam ở Biển Đông ?

Với mức độ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nga lớn như thế, liệu Nga có sẵn sàng đứng về phía Việt Nam khi bị Trung Quốc tấn công ở Biển Đông ?

Câu hỏi này nhắc ta nhớ lại lập trường của Nga khi Trung Quốc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam năm 1979. Khi đó, Mạc Tư Khoa đã ra tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt xâm lăng "ngay lập tức", nhưng không có bất cứ hành động nào khi cuộc chiến này kéo dài đến năm 1990, trước khi Trung Quốc và Việt Nam nối lại bang giao năm 1992.

Do đó, mối đe dọa chiếm đất, giành biển tiềm ẩn của Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn còn đó vì Hải quân Trung Quốc vẫn duy trì tuần tra và đe dọa ngư dân Việt Nam đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau cuộc tấn công ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã chiếm vĩnh viễn 7 đảo chiến lược và một số bãi đá gồm Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi. Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, khi ấy do Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam kiểm soát.

Trung Quốc đã tái tạo và xây dựng nhiều căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và dàn Radar kiểm soát không trung và lãnh hải tại khu vực chiếm đóng bảo vệ bởi Quân Trung Quốc.

Phía Việt Nam duy trì kiểm soát tại 21 vị trí, kể cả Trường Sa lớn và Trường Sa Đông.

Hoa Kỳ, tuy có bang giao với Việt Nam nhưng không có Hiệp định hỗ trợ quốc phòng cho nhau nên Hoa Kỳ không có "nghĩa vụ đương nhiên" yểm trợ Việt Nam khi bị nước ngoài tấn công.

Trường hợp này khác với mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Phi Luật Tân cũng như giữa Mỹ và Đài Loan.

Hoa Kỳ không có bang giao chính thức với Đài Loan nhưng quan hệ đôi bên vẫn khắng khít hơn bao giờ hết. Bảo vệ quyền ngoại giao của Mỹ ở Đài Loan do Viện nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đài Loan (the American Institute in Taiwan-AIT). Đại diện cho Đài Loan ở Hoa Kỳ là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa, đặt trụ sở ở Washington D.C. (Taipei Economic and Cultural Representative Office in the United States-TECRO).

Về phương diện quốc phòng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một Nghị quyết giúp Đài Loan duy trì quyền tự vệ, đồng thời cam kết sẵn sàng dùng vũ lực để chống lại những mưu toan làm rối loạn an ninh,kinh tế và xã hội của Đài Loan (1).

Quốc phòng 4 không

Song song với chính sách ngoại giao được gọi là "độc lập", Việt Nam cũng tuyên bố theo đuổi chính sách Quốc phòng "bốn không" gồm :

1. Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự ;

2. Không liên kết với nước này để chống nước kia ;

3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;

4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam giải thích thêm : "Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế ; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược". 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng dè dặt phòng thủ khi nói : "Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế".

"Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt ; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình.

Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác ; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam" (báo Tuần Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông, ngày 17/09/2021).

Nói "ngoại giao" như thế không khó, chỉ khó là khi xẩy ra chiến tranh. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có lịch sử chiến tranh dài hàng nghìn năm. Hai cuộc chiến biên giới (1979) và Trường Sa năm 1988 là bằng chứng hận thù giữa hai nước vẫn chưa tan, vì hai bên vẫn "bằng mặt nhưng không bằng lòng" trên nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2022, vẫn phải tươi cười để cam kết với Lãnh tụ Trung Hoa, Tập Cận Bình rằng : "Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh" ; hay : "Kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Trong khi đó, Dân Quân biển của Trung Quốc, có võ trang và tầu Hải quân hộ tống, vẫn tiếp tục đánh cá để giành chủ quyền ở Biển Đông. Không có dấu hiệu Hải quân Việt Nam đã xua đuổi thành công các tầu đánh cá của Trung Quốc khi chúng xâm nhập vùng biển của Việt Nam.

Như vậy thì Việt Nam có lợi gì khi chọn chính sách "khôn lỏi" như "không chọn bên" để cầu may !

Phạm Trần

(06/12/2022)

(1) Consistent with the Taiwan Relations Act, the United States makes available defense articles and services as necessary to enable Taiwan to maintain a sufficient self-defense capability -– and maintains our capacity to resist any resort to force or other forms of coercion that would jeopardize the security, or the social or economic system, of Taiwan (Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ).

Published in Diễn đàn

"Ti sao c đến cui năm là th đô lát đá va hè ? Không hiu được !"...

latda1

"Hôm kia, hôm kìa, đin thoi ting ting tin nhn t Tng đài Mt trn "Vì người nghèo - không đ ai b b li phía sau" - Hình minh ha.

Tun này, World Cup 2022 din ra Qatar là ch đ chính trên mng xã hi Vit ng. Thiên h bàn lun sôi ni v nhng vn đ có liên quan đến quc gia đăng cai, v các đi tuyn tham gia World Cup 2022, v kết qu mt s trn cu nm ngoài d đoán, v cá đ và chuyn thng cuc - thua cuc...

Tuy cuc sng không ch có World Cup nhưng vì thu hút được s chú ý ca nhiu người, nhiu gii, World Cup đã làm nhiu vn đ liên quan đến đi sng, dân sinh tr thành nht nhòa. Chng hn rt ít người bn tâm đến nhng chuyn như Bnh vin K Trung ương ch còn 4/7 máy x tr.

Vì có 3/7 máy x tr b hư, dù đi ngũ nhân viên y tế ca Bnh vin K Trung ương làm vic ct lc vi cường đ 24/7 nhưng vn còn hàng ngàn bnh nhân ung thư không được x tr đúng theo phác đ điu tr. Chuyn này đng nghĩa vi hiu qu điu tr ung thư gim. H s đau đn nhiu hơn và chết sm hơn.

Mun khc phc tình trng đó, Bnh vin K Trung ương cn được cung cp thêm khong mười máy x tr na. Mi máy chng 170 t nhưng không viên chc hu trách nào nghĩ đến chuyn cn phi đáp ng nhu cu này(1). Bnh vin K Trung ương Hà Ni và cũng ti Hà Ni, chính quyn th đô đang cho cy đá lát va hè lên đ làm li.

World Cup khiến rt ít người đ ý và thc mc như Đào Tun :Ti sao c đến cui năm là th đô lát đá va hè ? Không hiu được ! 255 tuyến ph lát đá ca th đô c đến cui năm là lát li, không ph này thì ph kia. Nguyên do là đá vĩnh cu, có đ bn 70 năm nhưng được by by bn chín ngày thì nát be bét. Đoàn Kim tra ca S Xây dng va phát hin đng tri là đá látva hè hóa ra là gi đá, giá thành r hơn đá t nhiên 1/5 ln. Còn lp va, có nơi mng như t giy. Nếu có ai đó hi v mùa thu Hà Ni, anh s nói th đô không ch có Xuân- H- Thu- Đông mà còn có mùa lát đá va hè na. Mùa đó trùng vi mùa "thu" (2).

Tr li vi chuyn Bnh vin K Trung ương thiếu máy x tr nên hàng ngàn bnh nhân coi như xong, đa s công chúng dường như không bn tâm đến vic, hôm nay chưa phi vào bnh vin thì cũng s phi vào đó mt ngày trong tương lai đ chính mình hoc thân nhân được khám và cha bnh. Ngay c khi nơi đến không phi là Bnh vin K Trung ương thì cũng s là các bnh vin khác vn cũng đang trong tình trng thiếu đ th (dược phm, vt dng y tế, thiết b y tế...) như Bnh vin K Trung ương. World Cup rõ ràng là thú v nhưng nếu không bn tâm, chng l s có đi tuyn nào đó giúp gii quyết nhng trn đu không có trng tài kiu như Bnh vin K vi đá lát va hè ?

***

Tun trước, hàng chc ngàn người t nhiu nơi Vit Nam tìm đến Bình Dương làm công nhân đã dt díu nhau v quê vì mt vic. Hàng trăm ngàn người khác chưa mt vic nhưng không đ gi làm, thu nhp tt gim vì công ty nơi h làm vic không tìm được đơn đt hàng. Tun này, con s công nhân mt vic hoc b ct gi làm vic nhng nơi khác trên toàn quc đã xp x c triu người. Mt vài cơ quan truyn thông trong h thng truyn thông chính thc bt đu k nhng câu chuyn tuy là ca mt s công nhân nhưng cũng là thc trng ca hàng triu công nhân hàng triu gia đình khác, không được tr giúp nên phi cm c bng cách ch ăn mi ngày mt ba(3)...

Tin xu vn còn tiếp tc đ xung dn dp như mưa rào mùa h : Thêm 20.000 công nhân ca PouYuen (mt doanh nghip có nhà máy ta lc ti qun Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) s phi ngh luân phiên t đu tháng 12 năm nay đến cui tháng 2 năm ti(4). Làm sao hàng triu con người hàng triu gia đình có th cm c khi mt vic làm, mt thu nhp, gim thu nhp nhưng chính sách h tr ch có trên TV. Đt dch Covid-19 va qua, riêng ti Thành phố Hồ Chí Minh có 133.000 công nhân thuc din đương nhiên được h tr nhưng đến gi này, chưa ai được nhn đng nào t gói h tr tr giá 26.000 t đng(6). Vài triu con người ca hàng triu gia đình trong nhóm này s sng ra sao ?

Rt nhiu người ch chú ý đến nhng trái bóng đang lăn World Cup, rt ít người bn tâm đến điu va đ cp dù nó s to ra tác đng hoc trc tiếp, hoc gián tiếp đến chính h. Không có nhiu người nhn ra và so sánh như Lê Huyn Ái M : Hôm kia, hôm kìa, đin thoi ting ting tin nhn t Tng đài Mt trn "Vì người nghèo - không đ ai b b li phía sau" như mi năm, mi nơi "kêu gi các t chc, cá nhân hãy chung tay ng h giúp đ người nghèo bng cách chuyn khon…". Nói gì thì mi năm, đng sau "mt trn" ca toàn dân chim s đóng góp gi là thì chính yếu vn t ngun vn đng các doanh nghip đi bàng. Đ c, V T P, Nô Va, Hát Đê…, hàng chc t, trăm t, ngun y phân b cho cao, trung xung đến cơ s, cũng giúp thit cho dân nghèo tht. Nay, te tua t t chc đến cá nhân, người khó, người ngt, người nghèo riết thành ngang hàng, chng ai còn phi b "b li phía sau".Ri ly ai giúp ai, ai chuyn khon cho ai ? Khó quá, b qua(7) !..

Trân Văn

Nguồn : VOA, 25/11/2022

Chú thích

(1) https://laodong.vn/y-te/hang-nghin-benh-nhan-ung-thu-bi-anh-huong-suc-khoe-nghiem-trong-vi-benh-vien-thieu-thiet-bi-1119152.ldo

(2) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02JJuw5ksjmygq569WjhGW2NavJEoBfHgssGJm5DiMTZ74Re3RJJMNx48syMAmk1sql&id=100000377739045&mibextid=Nif5oz

(3) https://vnexpress.net/cuoc-song-chat-vat-cua-cong-nhan-bi-cat-giam-cuoi-nam-4536263.html

(4) https://nld.com.vn/cong-doan/cong-ty-tnhh-pouyuen-viet-nam-20000-cong-nhan-phai-giam-gio-lam-20221121202628395.htm

(5) https://nld.com.vn/cong-doan/cong-ty-tnhh-pouyuen-viet-nam-20000-cong-nhan-phai-giam-gio-lam-20221121202628395.htm

(6) https://vnexpress.net/133-000-lao-dong-cho-tien-ho-tro-ngung-viec-4538579.html

(7) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02KUBntbnuemQRJf3Pb3WasQS8qSaeak299dp5EtV5PGCX9RCF8DQnJA6AWnMLCswEl&id=100059773306018&mibextid=Nif5oz

Published in Diễn đàn

"…Một người già trong công viên, một người điên trong thành phố…", những lời trong bài hát "Ca khúc da vàng" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn đúng cho đến nay tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

tamthan1

Cổng chính của bệnh viện Tâm Thần Thành phố Hồ Chí MinhTid tại địa chỉ 766, Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 có vẻ ngoài cũ kỹ, xấu xí và bề bộn, tạo cảm giác tiêu cực cho người bệnh khi đến đây - Ảnh chụp ngày 13/10/2022

Thi thoảng, tôi vẫn gặp số người lang thang trên đường phố Sài Gòn với bộ mặt hoang dại và trang phục rách rưới. Thế nhưng dạo này khi tôi thường xuyên đi bộ trong công viên, tôi bỗng thấy nhiều người trông có vẻ bình thường nhưng lại có những hành vi bất bình thường.

Họ ăn mặc chỉnh tề, ngồi lặng lẽ một mình trên băng ghế, cười một mình, nói chuyện một mình, gật gật đầu một mình, lắc đầu một mình, nhìn xa xăm vô hồn, hay phun nước bọt liên tục… nhưng không phải họ đang nghe điện thoại hoặc đang nhìn màn hình.

Tôi tự trị bệnh vì chữa bệnh hoài không hết

Không phải vô cớ mà tôi quan sát hành vi của người xung quanh. Theo hướng dẫn của sách Dialectical behavior therapy (tạm dịch "Liệu pháp hành vi biện chứng) – quan sát hành vi của người xung quanh là một trong những liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioural) tập trung vào khả năng chịu đựng và điều chỉnh cảm xúc, sẽ giúp người bệnh rối loạn cảm xúc sao lãng những vấn đề của chính mình, tức là giúp tôi tạm quên những ám ảnh để trở về hiện tại mà nhà Phật gọi là chánh niệm.

Ở Việt Nam không bán sách này và tôi mua nó ở Barnes Noble bookstore tại tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) để góp phần tự trị bệnh.

Tôi đi bác sĩ tâm lý từ đời bác sĩ cha bắt đầu năm 2002 đến đời con của ông bác sĩ ấy cho đến nay nhưng bệnh vẫn không khỏi, dù 20 năm đã trôi qua.

Thời bác sĩ cha, tiền khám một lần là 50 ngàn đồng, tiền thuốc một tháng khoảng 500 ngàn đồng. Bác sĩ hỏi tôi triệu chứng trong vòng 5 – 10 phút và kê toa cho thuốc uống một tháng. Bác sĩ ngồi khám bên ngoài, còn vợ ông ngồi trong buồng đưa thuốc và lấy tiền qua ô cửa nhỏ. Khi nào tôi uống hết thuốc thì quay lại tái khám.

Vì thuốc chống rối loạn cảm xúc có những tác dụng phụ không mong muốn nên tôi đã thử vài lần bỏ không uống thuốc và không tái khám, nhưng rồi triệu chứng của căn bệnh quay lại. Và cứ thế hết thời thanh xuân mà bệnh rối loạn cảm xúc vẫn đeo bám tôi.

Cách đây mấy năm, bác sĩ cha về hưu, và "tre già măng mọc". Bác sĩ con cơi nới phòng khám cho rộng hơn vì bệnh nhân càng ngày càng đông, kể cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em. Bác sĩ con phải thuê thêm nhiều nhân viên giúp việc.

Phòng khám tư của bác sĩ bắt đầu hoạt động từ 5 giờ chiều, từ thứ 2 đến thứ 7, còn ban ngày bác sĩ con đi làm ở bệnh viện. Vẫn kiểu chồng khám, vợ ngồi trong buồng bán thuốc đưa ra cho bệnh nhân thông qua một ô cửa. Tiền khám một lần 200 ngàn đồng, tiền thuốc 2 tuần khoảng 500 ngàn. Mỗi lần khám vẫn chỉ kéo dài 5 – 10 phút, vì người chờ quá đông. Ai bị nặng sắp tự tử đến nơi thì được bác sĩ khám lâu hơn. Cứ hai tuần tôi lại phải tái khám.

Thời gian trôi qua mà bệnh của tôi không hề trôi đi. Triệu chứng hiện nay là tôi thường mất ngủ mỗi tối, nếu ngủ được thì gặp ác mộng, ói thường xuyên, dễ cáu gắt, sợ người lạ, hoài nghi, khó khăn trong giao tiếp, blackout (mất trí nhớ tạm thời). Mặt khác, nhờ có thuốc, một số triệu chứng cũng thuyên giảm như hội chứng kích thích ruột, mất hơi thở, đau đầu. Điều tệ hơn là hiện tại tôi không thể đến văn phòng làm việc mỗi ngày như trước.

Tôi cũng thử tìm vị bác sĩ tâm lý khác, nhưng tình hình chẳng khá hơn nên sau cùng tôi tiếp tục đến phòng mạch tư của vị bác sĩ con. Bên cạnh việc uống thuốc, tôi tự giải tỏa tâm trí bằng cách đọc sách, nghe nhạc, chụp ảnh và đi bộ khoảng vài cây số mỗi ngày.

100.000 dân Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần - thấp nhất thế giới

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại cuộc họp chiều 10/10/2022, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết : "Hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Ở trẻ em các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần".

Số liệu của bệnh viện Tâm Thần Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2021 (thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh) đến 1/9/2022 cho thấy số lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm từ thể nhẹ đến trung bình, nặng đều tăng. Trong đó, số bệnh nhân bị trầm cảm trung bình tăng 36%, trầm cảm nặng tăng 31%. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 600-1.000 người đến khám về các bệnh lý tâm thần, nhiều nhất là rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm, các rối loạn loạn thần hoặc rối loạn giấc ngủ...

Số bệnh nhân bị bệnh lý tâm thần gia tăng, nhưng bác sĩ điều trị tâm thần ở Việt Nam lại hiếm. Trên bài báo "Khát bác sĩ tâm thần ở Việt Nam" của VnExpress ngày 25/3/2012, Phó Giáo sư Trần Hữu Bình – cựu Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết : "Tỷ lệ bác sĩ chuyên ngành tâm thần ở Việt Nam chỉ 1 trên 100.000 dân. Có tỉnh chỉ có một y sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân, không có bác sĩ".

Cũng trong bài báo này, ông La Đức Cương - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội) nhẩm tính : "Mục tiêu Việt Nam nâng số bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân lên là 2, như vậy còn thiếu 800. Tính ra một năm đào tạo được 100, như vậy phải cần 8 năm cộng với 6 năm đào tạo trong trường, ít nhất 14 năm nữa mới đạt được tỷ lệ này. Chưa kể có cán bộ nghỉ hưu, nếu không có đề án đào tạo riêng thì chắc lâu mới thực hiện được".

Một bài báo khác trên VnExpress ngày 16/2/2022 lấy số liệu từ năm 2014 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, theo đó tỷ lệ bác sĩ tâm thần ở Việt Nam chỉ là 0.91/100.000 dân, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Trước thực tế người bị rối loạn tâm thần ngày càng nhiều, nhất là sau hai năm đại dịch, từ ngày 3/1/2022, bệnh viện Tâm Thần Thành phố Hồ Chí Minh có đường dây nóng tư vấn về bệnh lý tâm thần và từ cuối tháng 7/2022, Sài Gòn thiết lập thêm đường dây cấp cứu trầm cảm.

Một người bạn khuyên tôi nên gọi các đường dây này để xin tư vấn về bệnh. Tôi chẳng dại gì nghe theo vì sợ số điện thoại của mình sẽ bị lưu lại trên hệ thống dữ liệu quốc gia (vì khi mua SIM ở nhà mạng ai cũng phải kê khai thông tin cá nhân) và lo lắng mình sẽ bị phiền phức sau này. Ở Việt Nam, điều gì cũng có thể xảy ra.

Báo Tuổi Trẻ ngày 5/8/2022 có bài "Hơn 1 tuần triển khai, 'cấp cứu trầm cảm' cấp cứu thành công 3 người rối loạn tâm thần", trong đó có đoạn "Tất cả các trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình "cấp cứu trầm cảm" đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú…". Điều đó có nghĩa là nếu bạn "không ổn định" và không có thân nhân bảo lãnh, bạn sẽ bị nhốt vào bệnh viện Tâm Thần không biết đến bao giờ.

Phí tư vấn tâm lý tư giá "trên trời"

Giống như tôi, những người mắc các triệu chứng về tâm thần mà tôi biết rất ngán đến bệnh viện Tâm Thần Thành phố Hồ Chí Minh mà thường đến khám tại các phòng mạch tư hoặc bệnh viện tư. Xem đánh giá trên Google thì đa số bệnh nhân đều phàn nàn về dịch vụ khám chữa bệnh ở bệnh viện Tâm Thần (2.5/5 điểm)

Theo trang chuyên về dịch vụ y tế Docosan phí tư vấn tâm lý bác sĩ tư ở Sài Gòn hiện dao động từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng cho 60 phút. Cá biệt, có nơi tư vấn tâm lý lấy giá từ 900 ngàn – 6 triệu đồng.

Một người bạn nước ngoài của tôi phủ nhận giá 300 ngàn đồng cho 60 phút tư vấn, vì gia đình người bạn của ông có một đứa con mắc bệnh tự kỷ, mỗi lần đi tư vấn ở Sài Gòn mất 100 USD mà chỉ được 60 phút, muốn đăng ký thêm giờ cũng không được. Sau vài tháng tư vấn bác sĩ tâm lý ở Sài Gòn, bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển nên gia đình bạn của ông đành chuyển sang Malaysia làm việc và trị bệnh cho con. Ở Malaysia, bác sĩ tư vấn tâm lý nhận 100 USD cho 6 tiếng đồng hồ và một tuần bệnh nhân được gặp bác sĩ 4 lần. Sau vài tháng, con của người bạn của ông đã có thể chơi cùng những đứa trẻ khác.

Tóm lại, một khi bạn sống ở Việt Nam thì bạn phải là "siêu nhân", nếu không bạn phải giàu (giàu lắm) để có điều kiện sang nước ngoài trị bệnh nếu chẳng may bạn mắc bệnh khó trị giống như tôi.

Tidoo Nguyễn

Nguồn : BBC, 17/10/2022

Tác gi Tidoo Nguyễn hin đang sng Thành phố Hồ Chí Minh.

Published in Diễn đàn

Trong cuộc viếng thăm quê hương sau 43 năm xa cách tôi có vài nhận xét tóm tắt sau đây.

Máy bay ghé Bangkok trước khi đến Sài Gòn. Nhà ga Bangkok huy hoàng bao nhiêu thì Tân Sơn Nhất thê thảm bấy nhiêu.

Quang cảnh hai thành phố khác hẳn nhau

ntk1

Ga phi trường Bangkok

Bangkok ngăn nắp, sạch sẽ, xe gắn máy không nằm trên lề đường, vỉa hè ít khi bị chiếm để bày hàng. Nếu bị chiếm, bộ hành vẫn còn chỗ di chuyển thoải mái. Phố xá không đông nghịt người nhờ hệ thống tàu điện ngầm rất hiện đại.

ntk2

Hai cao ốc ở đường Đồng Khởi

Sài Gòn khác hẳn : vỉa hè bị mọi người tự tiện chiếm để phơi bày la liệt hàng hóa. Xe gắn máy cũng để đầy trên đó. Tôi có cảm tưởng như thiên hạ đi vài bước cũng trèo lên xe gắn máy vì không thấy nhiều người đi bộ. Trên lòng đường đặc nghẹt đủ thứ loại xe chen lấn, không theo một quy luật nào cả. Lưu thông tắc nghẽn, vận chuyển hết sức chậm. Nói chung quang cảnh vô cùng lộn xộn. Hiện tượng ấy phản ảnh rõ ràng cách sinh hoạt của xã hội.

Vũng Tàu Nha Trang rất phát triển

ntk3

Một nhà hàng ở Vũng Tàu

ntk4

Bãi biển Nha Trang

Một vài nhận xét khác

- Chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân : không thay đổi.

- Đường Nguyễn Huệ : giữa hai làn xe là một quảng trường thênh thang sạch sẽ kéo dài từ trụ sở Ủy ban nhân dân (tòa Đô Chánh cũ) đến bến Bạch Đằng.

- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : rất nhiều cao ốc lớn và cao hơn khách sạn Caravelle.

- Trường kiến trúc : dày đặc, hiện đại hơn xưa rất nhiều.

- Hồ Con Rùa : không còn "đồng tiền" trên chóp tượng đài.

- Ở Sài Gòn tôi không thấy cyclo nữa, ở Hà Nội thì vẫn còn.

Hà Nội phát triển hơn Sài Gòn

Cao ốc nhiều và lớn hơn. Gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ hơn Sài Gòn.

ntk5

Hà Nội nhìn từ phòng ăn ở thượng từng một khách sạn

Trên đường đi Vũng Tàu từ Sài Gòn cũng như đi Bắc Ninh từ Hà Nội tôi không thấy nhà tranh. Tôi nghe nói phải đi đến gần biên giới Campuchia mới thấy. Ở ngoài Bắc, ngay thôn quê có rất nhiều khu nhà chọc trời nhìn thấy xa xa từ đường cao tốc, có lẽ đó là trung tâm các huyện lỵ.

Tôi có cảm tưởng chính quyền cộng sản dành ưu tiên phát triển vật chất cho miền Bắc.

Một điểm rất lạ : Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều hơn Việt Nam. Nhưng nhìn từ đường cao tốc tôi thấy Thái Lan ít ruộng lúa hơn ở Việt Nam.

ntk6

Một cảnh ruộng ở Thái Lan

Những nhận xét trên có thể không chính xác lắm vì đó chỉ là nhận xét nhanh từ bên ngoài.

Bussy Saint Georges ngày 12 tháng 9 năm 2022

Nguyễn Trọng Kha

************************

Sau đây là bài viết bổ sung của giáo sư kiến trúc sư 

Nguyễn Ngọc Sơn, 28/09/2022

Về một vài nhận xét của Thầy sau chuyến thăm Việt Nam vừa rồi thì con xin nối thêm vài thông tin.

- Chợ Bến Thành : Đúng là chợ Bến Thành không đổi, chỉ có xung quanh chợ thay đổi.

ntk7

Chợ Bến Thành mái đỏ bên trái. Cao ốc Spirit of Saigon đang được xây cất phía đối diện. Trung tâm metro cũng tương tự tại đầu công viên 23/9.

- Đường Nguyễn Huệ : Đúng là đường Nguyễn Huệ cũ đã thay đổi. Nay làn xe chạy 2 bên, giữa là quảng trường dài (có người gọi là phố đi bộ) kéo từ tòa Đô chánh cũ (Ủy ban Nhân dân ngày nay) đến bến Bạch Đằng. Vào dịp Tết Nguyên Đán thì nơi đây trở thành đường hoa. Một số dịp khác thì tập trung rất đông người như tổ chức sự kiện hoặc coi đá bóng.

ntk8

Đoạn trước tòa Đô chánh cũ ngày nay. Đường hoa dịp Tết Nguyên Đán.

ntk9

Đông người coi đá bóng qua các màn hình lớn.

- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : Đúng là rất nhiều cao ốc, cao hơn khách sạn Caravelle trước đây rất nhiều.

ntk10

Hình nhìn từ Bến Bạch Đằng nhìn ngược vào thành phố. Đường chính giữa hình là đường Đồng Khởi (Tự Do cũ). Đường bên trái hình là đường Nguyễn Huệ. Góc bên phải hình là công trường Mê Linh nay vẫn còn tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay.

- Trường Kiến Trúc : Tòa nhà cao nhất trường Kiến Trúc vẫn là tòa nhà xây cất năm 1970-1972 từ đồ án của Kiến trúc sư Trương Văn Long có sự hỗ trợ của Thầy Phạm Văn Thâng. Các dãy nhà thấp mái dốc thời Pháp không còn, thay vào đó là các khối nhà bê tông cao lớn hơn (nhưng vẫn thấp hơn tòa nhà 1970-1972).

Tổng thể Đại học Kiến Trúc trên đường Pasteur ngày nay. Ngoài cơ sở này, ngay nay Đại học Kiến Trúc còn có thêm các cơ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng xưa) gần trường hiện tại, Thủ Đức, Cần Thơ, Đà Lạt vì quy mô mở rộng và nhiều ngành (Thầy Trần Phong Lưu có viết trong bài dấu chân kỷ niệm).

- Hồ Con Rùa : Đúng là không còn đồng tiền trên đỉnh. Tương lai có thể sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ cho khu vực này.

ntk11

Hồ Con Rùa năm 1967.

ntk12

Hồ Con Rùa ngày nay, có sự thay đổi ở đỉnh tháp.

ntk13

Đỉnh tháp Hồ Con Rùa ngày nay.

Kính thơ,

(Nguyễn Ngọc) Sơn

(28/09/2022)

Published in Văn hóa
Trang 1 đến 7