Donald Trump toàn quyền với thiên hà MAGA sau chiến thắng
Theo La Croix ngày 13/11/2024, cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Tổng thống tân cử Donald Trump đến phát biểu trong hội nghị của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ngày 13/11/2024. AP - Alex Brandon
Từ "bức tường tuyệt vời" đến "cuộc trục xuất vĩ đại"
Le Monde nhận xét, vừa đắc cử, ông Donald Trump đã nhanh chóng chỉ định các nhân vật trong nội các, liên lạc với lãnh đạo các nước… cứ như là ông Joe Biden không hiện diện. Trọng tâm là vấn đề di dân để thực hiện lời hứa "Cuộc trục xuất quy mô nhất lịch sử", qua việc bổ nhiệm ông Tom Homan phụ trách về biên giới - một chức vụ không cần Thượng Viện phê chuẩn.
Ước tính hiện có 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, đang đóng góp vào nền kinh tế. Ê-kíp của Trump muốn giải quyết theo nhiều cấp độ khác nhau, mục tiêu đầu tiên là những người từng bị kết án hình sự. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nói rằng số người này vào đất Mỹ dưới thời Biden. Nhưng thật ra đây là con số cộng dồn từ nhiều thập niên, trong đó có nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Le Figaro cũng thấy rằng "Cuộc trục xuất vĩ đại" chuẩn bị thay thế cho "Bức tường tuyệt vời", nhắc đến một nhân vật nữa là Stephen Miller, người chống đối nhập cư bất hợp pháp lẫn hợp pháp. Là tác giả những bài diễn văn nẩy lửa nhất của ông Trump, Miller còn ủng hộ những biện pháp như cấm nhập cảnh người từ các nước Hồi Giáo, tách rời trẻ em với cha mẹ để làm di dân thối chí. Miller là người tư duy, còn Sa hoàng biên giới Homan là người hành động - đã từng được chính quyền Obama khen thưởng vì trục xuất một lượng lớn di dân, cao hơn cả trong nhiệm kỳ Trump sau đó.
Đại thắng, Trump hầu như nắm trọn quyền hành
La Croix lưu ý, ông Donald Trump hầu như nắm trọn quyền lực trong tay. Một loạt ngôi sao may mắn đã chiếu mệnh cho ông : sau khi đắc cử ngày 05/11, cựu tổng thống chiếm được Thượng Viện và chuẩn bị kiểm soát cả Hạ Viện. Tại Hoa Kỳ, người ta gọi đó là "trifecta" - thắng cả ba. Ngoài ra, 6 trong số 9 thẩm phán Tối cao Pháp viện là do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, ít nhất đến 2026, khi bầu cử giữa kỳ.
Trump có thể thoải mái chỉ định nội các, bổ nhiệm những viên chức cao cấp, thẩm phán liên bang, người đứng đầu các cơ quan liên bang... vì Thượng Viện - cơ quan phê chuẩn - hầu hết thuộc Cộng Hòa. Nhà báo Sébastien Natroll chuyên về hệ thống tư pháp Mỹ giải thích : "Nhìn chung, đó là những người thần phục Donald Trump, ít độc lập hơn". Tiến sĩ Alexis Pichard, đại học Paris Nanterre nhắc nhở, hồi năm 2016 Donald Trump đã nắm được Hạ Viện nhưng không có đa số ở Tối cao Pháp viện. Nếu muốn thông qua một dự luật, lá chắn Hiến Pháp chính là định chế này.
Hiện Tối cao Pháp viện có 9 thẩm phán, chỉ có 3 người do phe Dân Chủ bổ nhiệm. Số 6 thẩm phán còn lại, có 4 người sẽ 70 tuổi hoặc hơn vào cuối tháng Giêng 2025, và dường như Clarence Thomas (76 tuổi) cùng với Samuel Alito (74 tuổi), hai thẩm phán "MAGA" nhất có ý định từ chức và Trump có thể chỉ định hai người mới. Phía Dân Chủ, một số kêu gọi nữ thẩm phán Sonia Sotomayor 70 tuổi nên từ nhiệm trước tháng Giêng 2025 để tổng thống Joe Biden tìm người thay thế. Trump có thể bổ nhiệm thêm hai thẩm phán, cộng với số trong nhiệm kỳ trước là năm. Đây là điều chưa từng thấy kể từ thời Eisenhower trong thập niên 50.
Tuy vậy, giữ chức vụ trọn đời ở Tối cao Pháp viện, các thẩm phán này hoàn toàn độc lập, không nhất thiết phải trung thành với ông chủ Nhà Trắng đã bổ nhiệm họ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã có lần than phiền. Sébastien Natroll cho rằng các thẩm phán vốn tôn trọng sâu sắc Hiến Pháp nên không thể có việc để cho tổng thống tùy nghi làm luật. Bên cạnh đó, hệ thống song song giữa Nhà nước liên bang và 50 bang bảo đảm sự độc lập của các bang về những phương diện như y tế, cảnh sát. Trump tuy có quyền hành lớn, nhưng bị giới hạn ở các bang.
Thiên hà MAGA
Tên tuổi một số nhân vật khác được cho là thành viên nội các mới của Donald Trump cũng được các báo tập trung mổ xẻ. Được chú ý nhiều nhất là tỉ phú Elon Musk, được Donald Trump giao phụ trách cắt giảm ngân sách liên bang hiện lên đến 6.500 tỉ đô la, theo tổng thống tân cử.
Le Figaro cho biết Marco Rubio, thượng nghị sĩ bang Florida, được dự báo sẽ là ngoại trưởng, là người nắm rõ vấn đề đối ngoại. Từng là đối thủ của Donald Trump trong bầu cử sơ bộ năm 2016, ông Rubio, có cha là người Cuba nhập cư, đã xích lại gần với ông Trump và thậm chí nằm trong số ứng cử viên phó tổng thống tiềm năng. Rubio, thành viên ủy ban đối ngoại Thượng Viện, ủng hộ nhiệt thành Israel, cứng rắn với Trung Quốc, Iran, Venezuela và Cuba. Tuy không mấy thích Nga, ông không ủng hộ Ukraine, dù không chống đối.
Elise Stefanik, 40 tuổi, sẽ trở thành đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, vị trí thứ nhì trong ngành ngoại giao. Bà từng chống lại nạn bài Do Thái trong các trường đại học. Việc bổ nhiệm Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia là đặc biệt nhất. Cựu đại tá lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, bốn lần được tặng thưởng huy chương Bronze Star, ông Waltz từng chỉ huy các đơn vị trong chiến dịch Iraq và Afghanistan, giữ vai trò ở Lầu Năm Góc thời ông Bush, cố vấn chống khủng bố cho phó tổng thống Dick Cheney. Và nay trở thành một trong những cố vấn thân cận của Donald Trump – một nhân vật hành động mà Trump đã hoài công tìm kiếm trong nhiệm kỳ trước.
La Croix nhận xét, năm 2017, những trợ tá của nhà tỉ phú vừa bước vào Nhà Trắng không phải là người của Donald Trump, nhưng nay khác hẳn. Cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "mặt trời" tóc vàng, gồm nhiều "hành tinh" có tính chất khác biệt nhưng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa, "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Đức : Mô hình kinh tế thời Merkel hoàn toàn lung lay
Tại Châu Âu, Le Figaro cho biết "Mô hình kinh tế Đức có nguy cơ sụp đổ". Sau bốn năm thịnh vượng chưa từng thấy, Đức lại đang trở thành con bệnh của Châu Âu. Sau khi tăng trưởng âm 0,3% năm ngoái, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đức lại giảm tiếp 0,2% năm 2024. Hai năm suy thoái này nhắc lại những kỷ niệm buồn của Berlin với những phí tổn sau khi nước Đức thống nhất, tính cạnh tranh giảm sút. Những liều thuốc đắng nhưng hiệu quả được đưa ra : tự do hóa thị trường lao động, xem xét lại hệ thống bảo hiểm xã hội... Cú sốc nước Đức hôm nay có thể so sánh với thách thức trong những năm 2000.
Tất cả những trụ cột của mô hình thời Merkel đều lung lay. Trước hết là thế ưu việt của kỹ nghệ xe hơi bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội nhờ đi bước trước về công nghệ xe điện. Hãng xe lớn nhất là Volkswagen đã phải đóng cửa nhiều nhà máy và sa thải mấy chục ngàn công nhân, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua. Tác giả Wolfgang Münchau viết : "Khi kỹ nghệ xe hơi bắt đầu sa sút, cả nước sẽ đi xuống theo". Quyết định được thông báo cách đây vài ngày của tập đoàn Mỹ Wolfspeed, ngưng dự án lập một nhà máy lớn về chất bán dẫn ở vùng Sarre, hợp tác với công ty Đức ZF, làm tình hình càng u ám, lại thêm Donald Trump dọa áp thuế 10% đến 20%.
Ngay sau chiến thắng của tổng thống Mỹ thứ 47, Moritz Schularick, viện trưởng Viện Kinh tế IfW, tuyên bố đó là "khởi đầu cho thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức", vì Berlin chưa chuẩn bị đối phó với khủng hoảng nội tình lẫn thách thức kinh tế, chính trị và an ninh từ bên ngoài. Từ hai chục năm qua vẫn lệ thuộc vào khí đốt Nga, Đức phải vội vã chỉnh đốn lại sau cuộc xâm lăng Ukraine, và nay nhập số lượng lớn khí hóa lỏng của Mỹ, hướng về năng lượng tái tạo. Nước Đức phải trả cái giá vô cùng đắt cho 16 năm không đầu tư dưới thời Angela Merkel.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, kỹ thuật số, trong đó có việc phủ sóng 5G, chậm trễ. Một số công ty dự định dịch chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ. Dù nhiều doanh nghiệp đòi hỏi hỗ trợ tăng trưởng và đa số nhà kinh tế muốn giảm nhẹ các quy định, cánh hữu và phe chủ trương tự do vẫn khăng khăng giữ nguyên kỷ luật ngân sách, gây ra sự sụp đổ liên minh cầm quyền. Hồi tháng 2/2002, thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi Zeitenwende, "thay đổi một kỷ nguyên". Gần 50 biện pháp hỗ trợ nền kinh tế (đơn giản hóa thủ tục, giảm thuế...) được loan báo, nhưng rất ít biện pháp biến thành luật.
COP29 : Nhà độc tài Azerbaijan đánh bóng hình ảnh
Trong hồ sơ khí hậu, Le Monde nhận định "Baku muốn đánh bóng hình ảnh với COP29". Thêm một lần nữa, một quốc gia dầu lửa là Azerbaijan trở thành nước chủ nhà của hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Nhà độc tài Ilham Aliev không tìm kiếm sự chuyển đổi xanh, mà là sự tôn trọng trên trường quốc tế. Bàn bạc về phương cách đấu tranh chống biến đổi khí hậu tại một đất nước mà tổng thống ca ngợi dầu lửa là "quà tặng của Thượng Đế", và 92% xuất khẩu dựa vào năng lượng hóa thạch có vẻ khá ngược ngạo, nhất là Azerbaijan không coi chuyển đổi xanh là ưu tiên.
Ông Aliev biện minh : "Không có năng lượng hóa thạch, thế giới không thể phát triển, ít nhất là trong tương lai gần". Tái đắc cử hồi tháng 2 đến lần thứ năm với 92% số phiếu trong một cuộc bầu cử đầy dấu hiệu gian lận, Ilham Aliev từ 2003 đã nối ngôi cha Gueidar Aliev, người lãnh đạo từ thời còn là nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Vợ ông, Mehriban Alieva, là phó tổng thống từ 2017.
Những nhà báo can đảm tố cáo tham nhũng đã bị tống vào tù. Azerbaijan đứng 164/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới. Tuy vậy tỉ lệ được lòng dân của Aliev tăng lên từ khi chiếm được Thượng Karabakh khiến 100.000 người Armenia phải di tản trong hoảng loạn. Song song với việc "xanh hóa" bất ngờ Baku, nơi những đường dành riêng cho xe đạp xuất hiện vào lúc gần đến hội nghị COP, đàn áp gia tăng những tháng gần đây với việc bắt giữ 30 nhà đối lập, nhà báo, nghiệp đoàn viên. Không còn một tổ chức bảo vệ môi trường độc lập nào tại Azerbaijan.
Tổng thống Emmanuel Macron không đến dự COP29, do quan hệ đôi bên đã xấu đi vì Pháp ủng hộ Armenia, và vụ ám sát một người tị nạn chính trị Azerbaijan mới đây trên đất Pháp. Liên Hiệp Châu Âu dù coi khí hậu là ưu tiên lại hiện diện một cách khiêm tốn : chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vắng mặt ; còn thủ tướng Olaf Scholz hủy chuyến đi vì bầu cử trước hạn ở Đức. Được biết Châu Âu vẫn lệ thuộc vào khí đốt của Azerbaijan và khí hóa lỏng của Nga. Hiện nay Azerbaijan không có cơ chế nào hiệu quả để cảnh báo về các vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm từ kỹ nghệ dầu khí. Đấu tranh chống biến đổi khí hậu không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của xã hội dân sự, đây phải là thông điệp mà các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao họp ở Baku trao cho ông Aliev.
Thụy My
Những lựa chọn nhân sự cho Nhà Trắng thể hiện gì về chính quyền Trump 2.0 ?
Anthony Zurcher, BBC, 13/11/2024
Một tuần sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, những nền móng về nhiệm kỳ tổng thống mới của ông đã bắt đầu hình thành.
Ông Trump đã chọn nữ dân biểu Elise Stefanik, người từng chỉ trích Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc
Tổng thống đắc cử đã công bố gần chục nhân sự được bổ nhiệm, những bước đầu tiên để hoàn thiện đội ngũ nhân viên tại Nhà Trắng và các bộ quan trọng trong chính phủ.
Ông Trump cũng đưa ra bình luận với giới truyền thông và trên mạng xã hội, nêu bật những ưu tiên của mình khi nhậm chức vào tháng 1/2025, đặc biệt tập trung vào chính sách nhập cư và đối ngoại.
Sau một khởi đầu đôi khi hỗn loạn trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đang đặt nền móng cho chính quyền sắp tới với một kế hoạch được xác định rõ ràng hơn – và một đội ngũ nhân sự để sẵn sàng thực hiện kế hoạch đó.
Sau đây là những gì chúng ta đã biết cho đến nay.
Một đội ngũ cứng rắn về nhập cư đã sẵn sàng
Một số cuộc bổ nhiệm mới được ông Trump công bố cho thấy lời hứa của ứng viên Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử về việc trục xuất hàng triệu người di cư đang sống tại Mỹ mà không có giấy tờ không phải chỉ là hô hào.
Stephen Miller, cố vấn thân cận và là người viết diễn văn của ông Trump kể từ năm 2015, là lựa chọn của ông cho vị trí phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách. Ông Miller có thể sẽ định hình các kế hoạch trục xuất hàng loạt - và cắt giảm cả những đối tượng không có giấy tờ lẫn nhập cư hợp pháp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cố vấn Miller đã tham gia vào việc phát triển một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhất của chính quyền.
Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã ủng hộ chính sách của ông Trump về việc tách các gia đình không có giấy tờ bị giữ tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Giờ đây, ông trở lại với một vai trò thậm chí còn lớn hơn, với tư cách là "sa hoàng nhập cư" của ông Trump.
"Tôi sẽ điều hành lực lượng trục xuất lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến", ông Homan phát biểu tại một hội nghị bảo thủ vào tháng 7/2024.
Những người chỉ trích đã cảnh báo rằng kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Trump có thể tiêu tốn hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News tuần trước, tổng thống đắc cử cho biết chi phí không phải là vấn đề.
"Những kẻ đã giết chóc, những trùm buôn lậu ma túy hủy hoại các quốc gia, và giờ đây chúng sẽ phải quay trở lại những quốc gia đó vì chúng không ở lại đây [nước Mỹ]", ông nói. "Không có cái giá nào cả".
Ông Thomas Homan được ông Trump chọn làm người trấn thủ biên giới Mỹ
Diều hâu' chống Trung Quốc lên ngôi
Nhiều người bảo thủ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế thống trị toàn cầu liên tục của Mỹ, cả về kinh tế và quân sự. Trong khi ông Trump tỏ ra thận trọng hơn, giới hạn hầu hết các lời chỉ trích của mình về Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, ông đang lấp đầy đội phụ trách chính sách đối ngoại của mình bằng những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ.
Tổng thống đắc cử đã chọn Dân biểu liên bang Mike Waltz của bang Florida, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, làm cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí phụ trách chính sách đối ngoại quan trọng trong Nhà Trắng. Ông Waltz đã nói rằng Mỹ đang trong "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc, và là một trong những thành viên đầu tiên trong Quốc hội kêu gọi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Vào tháng 10/2024, Dân biểu Elise Stefanik, người mới được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã cáo buộc Trung Quốc "can thiệp bầu cử một cách trắng trợn và ác ý" trong bối cảnh có báo cáo rằng tin tặc được Trung Quốc hậu thuẫn đã cố gắng thu thập thông tin từ điện thoại của cựu tổng thống.
Trong khi ông Trump vẫn chưa chính thức nêu tên người được ông chọn làm ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio - một người cứng rắn với Trung Quốc khác - dường như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao. Năm 2020, ông Rubio đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt sau khi ông thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh do đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc thường không suôn sẻ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong bối cảnh xảy ra tranh chấp thương mại và đại dịch Covid. Chính quyền Biden, dù giữ nguyên nhiều mức thuế đối với Trung Quốc từ thời ông Trump và áp đặt một số mức thuế mới, chỉ phần nào xoa dịu được tình hình. Có vẻ như chính quyền Trump sắp tới sẽ tiếp tục công việc mà nhiệm kì trước đã bỏ dở.
Ông Trump và ông Rubio tại Bắc Carolina ngày 4/11/2014
Elon Musk và Robert F Kennedy Jr thành lập nội các bóng tối
Trong khi danh sách những người được ông Trump bổ nhiệm vào các vị trí chính trị ngày càng dài, vẫn còn một nhóm khác dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng cực kỳ lớn.
Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã thường xuyên hiện diện tại trụ sở chuyển giao quyền lực của ông Trump, dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. Theo thông tin trên truyền thông, ông Musk đang tư vấn cho tổng thống đắc cử về những người được đề cử vào nội các và thậm chí đã tham gia cuộc nói chuyện giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước.
Vào đêm bầu cử 5/11, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ giao cho ông Musk làm việc với doanh nhân công nghệ và cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy trong một "Bộ Chính phủ Hiệu quả" có nhiệm vụ xác định các khoản cắt giảm ngân sách mới.
Ông Musk thường xuyên đưa ra quan điểm chính trị của mình trên nền tảng truyền thông xã hội X do ông sở hữu, bao gồm cả việc ủng hộ Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott cho vị trí lãnh đạo phe đa số tiếp theo của Thượng viện.
Ủy ban hành động chính trị của tỷ phú Elon Musk đã chi khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và ông hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực của nhóm này nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của tổng thống đắc cử và hỗ trợ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Trong khi đó, vẫn chưa biết Robert F. Kennedy Jr, một nhân vật chủ chốt khác, sẽ đóng vai trò gì. Ông Trump đã nói rằng ông có kế hoạch trao cho cựu đảng viên Dân chủ và người hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Covid-19 một vai trò trong việc đưa nước Mỹ trở lại "khỏe mạnh". Ông Kennedy Jr là người đã từ bỏ chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ độc lập để chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
"Ông ấy [Robert F. Kennedy Jr] muốn làm một số việc và chúng tôi sẽ để ông ấy làm", ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng bầu cử của mình.
Ưu tiên quyền lực của tổng thống hơn Quốc hội
Trong khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức, Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện và vẫn có thể giành được Hạ viện, mặc dù với tỷ lệ sít sao. Tuy nhiên, những hành động đầu tiên của tổng thống đắc cử cho thấy ông quan tâm nhiều hơn đến việc thực thi quyền lực tổng thống của mình hơn là làm việc với nhánh lập pháp.
Tuần trước, ông đã đăng trên mạng xã hội rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều "cuộc bổ nhiệm trong kì nghỉ" hơn - cho phép ông lấp đầy các vị trí hành chính hàng đầu mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi Quốc hội không họp. Cách làm này sẽ củng cố quyền lực của tổng thống bằng cách làm suy yếu vai trò hiến định của Thượng viện là "tham vấn và chấp thuận" đối với những người được bổ nhiệm chính trị.
Trong khi đó, tổng thống đắc cử vẫn tiếp tục làm suy yếu thế đa số mỏng đó của quốc hội. Các thượng nghị sĩ chuyển sang các vai trò hành chính có thể nhanh chóng được thay thế bằng cách bổ nhiệm thống đốc từ tiểu bang quê hương của họ. Nhưng bất kỳ vị trí nào còn trống tại Hạ viện - chẳng hạn như những vị trí do các dân biểu Elise Stefanik và Mike Waltz để lại - đều yêu cầu phải tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt có thể mất nhiều tháng để lên lịch.
Một số cố vấn của ông Trump, bao gồm cả tỷ phú Musk, đã cảnh báo rằng tổng thống đắc cử có thể gây nguy hiểm cho chương trình nghị sự lập pháp của mình nếu ông lấy đi quá nhiều đảng viên Cộng hòa từ Quốc hội.
Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, công tác lập pháp tại Quốc hội cũng cần thời gian, nỗ lực và sự thỏa hiệp. Hành động hành pháp, chẳng hạn như tăng cường thực thi luật nhập cư mới, có thể được thực hiện chỉ bằng một chữ ký của tổng thống.
Hành động của ông Trump cho thấy ông tập trung nhiều hơn vào hành pháp, ít nhất là vào thời điểm này.
Ghế của bà Elise Stefanik tại Hạ viện cần được lấp đầy
Ban thưởng những người trung thành
Ông Trump mới chỉ bắt đầu lấp đầy hàng ngàn vị trí sẽ mở ra với chính quyền tổng thống mới, chưa kể các viên chức cấp cao mà ông đã nói sẽ thay thế.
Năm 2016, với tư cách là một người mới bước chân vào chính trị, ông phải dựa vào nhiều đảng viên Cộng hòa cho các vai trò quan trọng. Lần này, ông có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng với thành tích đã được chứng minh trong việc ủng hộ ông, và sau tám năm, những người trung thành với ông Trump là những thành phần chính của Đảng Cộng hòa.
Ngày 12/11, ông Trump đã bổ nhiệm Thống đốc bang Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa, và người dẫn chương trình của Fox News kiêm tác giả bảo thủ Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai đều là những người bảo vệ ông Trump quyết liệt ngay từ đầu.
Những người khác, như ông Rubio và bà Stefanik, ban đầu là những người chỉ trích Trump trong lần đầu tiên ông tranh cử tổng thống, nhưng giờ đây họ đã dành nhiều năm để chứng minh rằng những lời chỉ trích gay gắt đó đã là quá khứ.
Tuy nhiên, Marco Rubio, người từng tranh cử tổng thống đối đầu với ông Trump vào năm 2016, vẫn có thể có tham vọng vào Nhà Trắng. Ông Trump thường không hài lòng với những người được bổ nhiệm có vẻ thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, và ngay cả những mối quan hệ tốt nhất cũng có thể trở nên xấu đi.
Ông Trump có thể đang đặt nặng lòng trung thành với các thông báo ban đầu về nhân sự của mình, nhưng áp lực của việc điều hành cuối cùng sẽ cho thấy liệu bốn năm thứ hai tại nhiệm của ông có khác với lần đầu tiên hay không.
Anthony Zurcher
Nguồn : BBC, 13/11/2024
***************************
Mỹ : Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt cho chính quyền mới
Anh Vũ, RFI, 12/11/2024
Tổng thống đắc cử Donald Trump khẩn trương chọn lựa nhân sự cho chính quyền mới, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/01/2025. Những ngày qua, nhiều nguồn thạo tin đã tiết lộ với báo chí những cái tên được ông Trump nhắm tới cho các vị trí quan trọng, như Ngoại Giao và An Ninh Quốc Gia. Đó là những nhân vật trung thành với ông Trump và có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vận động cử tri cùng Donald Trump ở Allentown, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 29/10/2024. Reuters - Brendan McDermid
Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết chi tiết :
Giống như trong lĩnh vực nhập cư, Donald Trump tìm trong số những người trung thành để giao các vị trí chủ chốt ở lĩnh vực đối ngoại. Là người từng chạy đua chức phó tổng thống, nhưng ở chặng cuối bị JD Vance vượt lên, thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida có thể được nắm chức ngoại trưởng, nhật báo New York Times dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử cho biết.
à con của một gia đình nhập cư từ Cuba, Marco Rubio được biết đến là một người có quan điểm cứng rắn đối với các chế độ độc tài nói chung và nhất là chống Trung Quốc. Là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng Viện, ban đầu ông không đồng quan điểm với tổng thống đắc cử về chiến tranh Ukraine cũng như về việc cần phải gây sức ép với Kiev để chấm dứt chiến tranh, nhưng cuối cùng ông đã thích ứng.
Ông cũng đồng quan điểm với lãnh đạo của mình về vấn đề chi phí quốc phòng của Châu Âu, theo đó Châu Âu phải tự lo cho mình là chính.
Với vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Donald Trump có vẻ như đã chọn một nhân vật diều hâu khác, một dân biểu của Florida, Mike Waltz. Nhân vật này cũng nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Mike Waltz là cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, từng nhiều lần được điều đến Afghanistan, Trung Đông và Châu Phi. Ông cũng đã nhiều lần được tặng thưởng huân huy chương cho quân nhân dũng cảm.
Cùng với việc tuyển chọn nhân sự, tổng thống đắc cử Mỹ muốn chính quyền mới được thành lập nhanh chóng, không có sự cản trở. Donald Trump hôm Chủ nhật đã yêu cầu Thượng Viện miễn thủ tục phê chuẩn, việc bổ nhiệm các quan chức cao nhất trong chính quyền tương lai của ông. Một điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống bổ nhiệm mà không cần sự chấp thuận của Thượng Viện khi Thượng Viện không họp. Nhưng quy định hiếm khi được áp dụng, vì các thượng nghị sĩ thường sắp xếp họp vào thời điểm đề cử và do đó thực hiện quyền kiểm soát của họ đối với cơ quan hành pháp.
Anh Vũ
Nội dung chương trình thảo luận với ông Nguyễn Gia Kiểng :
- Chủ trương của bà Harris : Thế hệ lãnh đạo mới trẻ hướng về tương lai t ạo đoàn kết quốc gia, không quay trở lại quá khứ ;
- Người Mỹ chưa chấp nhận một phụ nữ làm tổng thống, hơn nữa lại là một người da màu ; kết quả của bầu cử đã cho thấy điều nầy .
Nguồn : Người Việt Channel, 07/11/2024
Donald Trump, người kiến tạo hòa bình ?
Chiến thắng đưa ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump quay lại với Nhà Trắng là mối quan tâm chính của các tuần báo.
Ông Donald Trump tại Palm Beach Convention Center, trụ sở vận động của đảng Cộng Hòa ở Florida trong buổi tối chờ đợi kết quả bầu cử 06/11/2024. Nay tổng thống thứ 45 đã trở thành tổng thống Mỹ thứ 47. AP - Julia Demaree Nikhinson
Le Point ra số đặc biệt với ảnh Donald Trump và xa hơn phía sau là Elon Musk trên trang bìa, chạy tít "Cách mạng", cùng tựa nhỏ "Trump, Musk và trật tự thế giới mới". The Economist đưa chân dung tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ với câu "Chào mừng đến với thế giới của Trump". Courrier International nhấn mạnh đến "Quyền lực Trump" : báo chí Anh Mỹ chờ đợi một nhiệm kỳ hai sôi sục trong một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. L’Express lo lắng cho nạn nhân cuộc xâm lược của Vladimir Putin với dòng tựa "Bầu cử Mỹ : Giờ của sự thật cho Ukraine". Chỉ riêng Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho "Sức khỏe tinh thần".
Quyền lực chi phối thế giới nay thuộc về Donald Trump
The Economist nhận định, chiến thắng vang dội của Donald Trump sẽ làm rung chuyển mọi thứ. Sau khi đánh bại bà Kamala Harris, tổng thống thứ 45 trở thành tổng thống thứ 47. Sự kiện ông Trump là người đầu tiên làm được điều này, kể từ khi tổng thống Grover Cleveland đã rời khỏi quyền lực rồi trở lại Phòng Bầu dục năm 1892, chưa đủ để nói lên kỳ tích của ông. Donald Trump đã xác định một kỷ nguyên chính trị mới cho nước Mỹ và cho thế giới.
Lần đầu tiên kể từ ba cuộc bầu cử tổng thống trước, Trump giành được phiếu phổ thông, chiếm được số đại cử tri đông đảo tại các bang chiến địa. Cả 50 bang nước Mỹ đều ngả sang hữu. Cho dù Trump hai lần ra tòa, thất bại năm 2020, bị khởi tố bốn vụ, bị kết án hình sự, chưa kể một viên đạn phớt qua tai khi tranh cử… Đây là sự quay lại chính trường ấn tượng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một lần nữa mọi thăm dò đều bị sai, đã đánh giá thấp Donald Trump như kỳ trước.
Bà Harris kém xa thành tích của ông Biden lần trước trên mọi phương diện. Thay vì lật đổ ở Texas - giấc mơ viển vông lâu đời của đảng Dân Chủ, bà Harris đã thua 14 điểm. Ở một số tiểu bang mà bà được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng vang dội, Harris chỉ hơn được chưa đến mười điểm, bao gồm Illinois, New Jersey và Virginia. Tuy thắng tại New York, vượt 11 điểm, nhưng đây lại là thành tích tệ nhất của Dân Chủ tại tiểu bang này kể từ năm 1988. Nếu nghĩ rằng Donald Trump quá thô lỗ hoặc bất tài để trở thành tổng thống, thì nên tự hỏi tại sao đối với rất nhiều người Mỹ, đảng Dân Chủ lại có vẻ tệ hơn ?
Những sai lầm của Đảng Dân Chủ
Le Monde cuối tuần nói thêm về sự quá lố của văn hóa "woke" tại các trường đại học hay trong nghệ thuật, và vừa phải lãnh một cái tát khi tách rời khỏi một nước Mỹ đang hữu khuynh. "Chúng tôi đã đi quá xa" - nhiều nghệ sĩ Mỹ tại triển lãm Paris Photo nhìn nhận. Tuy họ vẫn chống kỳ thị, nhưng chủng tộc và phái tính đã bao trùm lên sáng tạo và nghiên cứu khoa học xã hội.
"Woke" thống trị đến nỗi Evergreen State College ở bang Washington lập ra "Ngày không người da trắng", hôm đó cả giảng viên lẫn học sinh da trắng bị đuổi khỏi trường "để cảm nhận tình cảnh của người thiểu số". Các phim của Studios Disney phải thêm vào những nhân vật da đen, Mỹ la-tinh, đồng tính nam và nữ.
The Economist cho rằng Đảng Dân Chủ sẽ phải rút kinh nghiệm về rất nhiều sai lầm. Cử tri không tha thứ cho việc lạm phát tăng cao từ mùa hè 2021. Chính quyền Biden đã cổ vũ cho một quan điểm văn hóa khác biệt với đa số người Mỹ, đặc biệt về vấn đề giới tính. Và nhất là mọi người đều tức giận trước sự bất lực trong việc ngăn cản di dân bất hợp pháp vượt qua biên giới phía nam. Biden đã xóa bỏ những rào cản của Trump đối với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, mà không đưa ra giải pháp thay thế nào, nên 4 triệu di dân đã vượt qua biên giới, so với chưa đến 1 triệu người dưới thời ông Trump.
Bên cạnh đó, phe Dân Chủ còn cố gắng khỏa lấp tình trạng sức khỏe sa sút của ông Biden, cho đến khi không còn giấu được nữa, và đến lúc đó họ không còn thời gian tìm được một nhân tài có thể đánh bại Trump. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Hồi 2016, nhiều người tự an ủi rằng Trump chỉ là một sự cố trong lịch sử, nhưng họ đã lầm. MAGA là một phong trào đã phá vỡ chủ nghĩa quốc tế thân thiện ngự trị Nhà Trắng trong 70 năm qua.
"Cuộc cách mạng" Trump
Le Point cũng nhận định đây là cú sốc toàn cầu. Trump không phải là một sự bất thường của lịch sử, mà là một tổng thống của thời đại hiện nay. Cùng với đồng minh Elon Musk, ông có thể vẽ lại trật tự thế giới mới. Trong chiến dịch tranh cử, ông không màu mè, không đóng vai "nhân dân" mà vẫn giữ nguyên phong cách thường lệ. Trump dùng những từ ngữ đơn giản. Hình ảnh một ứng cử viên mặt đầy máu nhưng đứng dậy giơ cao nắm đấm "Fight, fight, fight" ngay hôm sau đã xuất hiện trên áo thun của những người ủng hộ.
Sự thoát nạn kỳ diệu đã đưa Trump bước vào huyền thoại của các tổng thống Mỹ đã sống sót sau một vụ ám sát, mà gần đây nhất là Ronald Reagan năm 1981, hình mẫu mà Trump muốn noi theo. Trong bài phát biểu hôm chiến thắng, Donald Trump nói lời cảm ơn Thượng Đế đã che chở ông để "cứu vãn đất nước và tái lập tầm vóc vĩ đại của nước Mỹ". Trump quay lại Nhà Trắng một cách vẻ vang với Quốc hội trong tay, và ở Tối cao Pháp viện thì các thẩm phán do ông bổ nhiệm chiếm đa số.
Nhà chính trị học Francis Fukuyama lo lắng : "Các định chế Mỹ vững chắc, nhưng lần này Trump muốn thay đổi", và điều này là nguy hiểm. Chuyên gia Yascha Mounk cho rằng nhiệm kỳ thứ nhất chỉ là "lời nói đầu" của một cuốn sách, kỷ nguyên Trump thực sự chỉ mới bắt đầu. Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud ghi nhận những fan của Trump sẵn sàng theo ông "đến tận địa ngục". Còn bà Kamala Harris không thành công trong việc làm quên đi hình ảnh một ứng cử viên thay thế.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ của cặp Obama đến rất trễ tràng. Joe Biden sau khi giao cho phó tổng thống những nhiệm vụ khó khăn, đến phút chót mới chịu giao lại vị trí ứng cử viên Dân Chủ. Và sau đó lại còn vụng về nói muốn "đá vào mông" các cử tri của Trump, khiến Harris vất vả chữa cháy. Từ lâu Donald Trump vẫn ám ảnh phe Dân Chủ, họ muốn coi nhiệm kỳ đầu của Trump chỉ là một cơn ác mộng như sự kiện ngày 11 tháng 9. Trong diễn văn nhậm chức năm 2021, Joe Biden không dẫn tên người tiền nhiệm. Một số kênh truyền hình cắt đi cảnh Trump xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "Home alone" (Ở nhà một mình). Nhưng theo Le Point, tập 2 chỉ mới bắt đầu.
Donald Trump nhiệm kỳ 2 sẽ thay đổi những gì ?
Trump phá hủy trật tự cũ, thì những gì sẽ thay thế ? Theo The Economist, thay vì tự do mậu dịch, ông sẽ quay lại với chính sách con buôn, với thuế quan, và có thể dành những ưu ái đặc biệt cho phe mình như Elon Musk, người giàu nhất thế giới. Rút kinh nghiệm về nhiệm kỳ đầu, ê-kíp của ông đã cố gắng để những nhân vật có thể can ngăn Trump không được bổ nhiệm. Trump sẽ trục xuất hàng loạt di dân, tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc, cắt giảm ngân sách về môi trường, ân xá cho chính mình và những người bị kết án về vụ bạo động ở đồi Capitol. Nhiều vấn đề còn tùy thuộc vào đội ngũ cố vấn xung quanh ông.
The Economist cho rằng Trump có thể đạt được thỏa thuận với Vladimir Putin về Ukraine mà không phải kết thúc chiến tranh bằng việc xe tăng Nga tiến vào Kiev. Trump cũng có thể gây áp lực lên Iran và răn đe Trung Quốc không dùng vũ lực thống trị Châu Á. Nhưng nếu chỉ là lời đe dọa, tính cách bất định của ông có thể thúc đẩy sự hiếu chiến của Trung Quốc và Nga. Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Châu Âu, do không an tâm, phải lo tự vệ. Nếu không đủ vũ khí quy ước, họ có thể bắt chước Anh và Pháp, tìm cách sở hữu vũ khí nguyên tử.
Các nhà độc tài được cổ vũ : tại Brazil, Jair Bolsonaro được bầu lên hai năm sau chiến thắng của Trump năm 2016. Tại Pháp, Marine Le Pen có nhiều khả năng trở thành tổng thống năm 2027. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy đã mất sức sau 2020 nay hồi phục. Cuộc cách mạng "Trumpist" khiến chủ nghĩa dân túy đang trên đà phát triển, mà đảng Dân Chủ vẫn chưa đưa ra được công thức nào để ngăn chặn.
Hoa Kỳ không thể theo chủ nghĩa biệt lập lâu dài
Ông Trump rõ ràng là một nhân vật có thể làm biến đổi nền chính trị nước Mỹ. Ông đã định hình lại hoàn toàn phe bảo thủ của Hoa Kỳ, biến thành dân tộc chủ nghĩa, trọng thương, phúc lợi và chủ nghĩa biệt lập. Hiến pháp Hoa Kỳ có thể giới hạn ông Trump chỉ được tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng không hạn chế được việc truyền bá chủ trương của ông.
cho rằng cần phải có thời gian để hiểu hết ý nghĩa sự chiến thắng của ông Trump.
Hoa Kỳ vẫn là cường quốc vượt trội. Tuy dân chủ sa sút, nền kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, ít nhất là cho đến hiện tại. Hoa Kỳ thống trị về trí thông minh nhân tạo, giàu có và sức mạnh của quân đội là vô song, tuy Giải phóng quân Trung Quốc đang cố đuổi theo. Tuy nhiên nếu không có cách lãnh đạo sáng suốt, thế giới sẽ thuộc về những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé mà không sợ hậu quả. Các nạn nhân của họ, không thể quay sang Hoa Kỳ để được trợ giúp, sẽ phải thỏa hiệp hoặc đầu hàng. Các sáng kiến toàn cầu, từ giải quyết biến đổi khí hậu đến kiểm soát vũ khí trở nên khó khăn hơn.
Ông Trump chắc chắn sẽ đáp trả rằng đây là vấn đề của thế giới, không phải của nước Mỹ. Dưới thời ông, người Mỹ có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không phải gánh nặng trách nhiệm can thiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, hai trận đại chiến thế giới và sự sụp đổ thảm khốc của kinh tế trong thập niên 30 cho thấy nước Mỹ không thể tự cho phép điều này. Trong một thời gian, có thể là nhiều năm, nước Mỹ có thể vẫn yên ổn nhưng cuối cùng không thể an nhiên tự tại với một thế giới hỗn loạn.
Zelensky trước thực tế màu xám
L’Express quan tâm đến "Volodymyr Zelensky, giờ của sự thật". Kiệt lực sau một ngàn ngày chiến tranh khốc liệt, tổng thống Ukraine còn phải chịu đựng áp lực của các đồng minh để ngồi vào bàn đàm phán. Những đặc sứ đã có mặt, trong vòng bí mật hoàn toàn.
Thomas Greminger, cựu tổng thư ký Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE), nay phụ trách Geneva Centre for Security Policy, cho biết có những cuộc gặp không chính thức với các chuyên gia và đôi khi với quan chức, khi cảm thấy đã chín muồi để đối thoại. Số khác ở Genève, Istanbul, Doha cũng nỗ lực tương tự.
Trong hậu trường, đó là vấn đề lằn ranh đỏ của đôi bên, thủ tục cho một cuộc ngưng bắn trong tương lai, bảo đảm an ninh cho Ukraine và quan hệ sau này với Moskva. Washington cho rằng trước sau gì cũng phải kết thúc cuộc chiến này, phía Kiev cũng mệt mỏi, còn ở Châu Âu một số tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Phải chăng 2025 là năm dành cho ngoại giao ? Tuy nhiên những tác nhân chính sẽ phải đi đến quyết định.
Những tuần lễ gần đây Volodymyr Zelensky đã đi một vòng các thủ đô phương Tây để trình bày "kế hoạch chiến thắng". Putin thì vẫn giữ các mục tiêu tối đa : phi quân sự hóa Ukraine ; "phi quốc xã hóa", và chiếm một phần lãnh thổ nước này, tóm lại là buộc Kiev đầu hàng. Trên chiến trường, quân Nga tuy thiệt hại nặng nề nhưng vẫn tiến được.
Khó có khả năng Trump bán đứng Ukraine
L’Express nhận thấy tại Ukraine, một số điều cấm kỵ bắt đầu được bỏ qua. Theo thăm dò hồi tháng 5, 45% người Ukraine muốn rằng thà mất một ít đất mà vẫn giữ được chủ quyền, và tự do chọn lựa đồng minh. Dân biểu Yehor Chernev cay đắng nói : "Chúng tôi phải chọn giữa khả năng tệ hại với phương án xấu nhất". Phía Putin cũng có dấu hiệu lung lay, việc phải đưa ba sư đoàn từ Kherson sang giữ Kursk, chưa kể hàng ngàn lính Bắc Triều Tiên cho thấy điều này.
Về kinh tế, thời gian cũng không đứng về phía tổng thống Nga. Kremlin đã phải bán bớt vàng, tăng thuế… và thu nhập từ dầu khí ngày càng giảm. Chính quyền đã phải tận dụng quỹ dự phòng quốc gia và sẽ còn phải dùng nhiều hơn vì Nga không còn đi vay được trên thị trường tài chánh quốc tế. Và cuối cùng, Putin hiểu rằng không thể đạt được tất cả chỉ bằng sức mạnh của hỏa tiễn. Cuộc xâm lăng của Nha khiến khiến Mỹ phải đưa hỏa tiễn tầm xa đến Đức vào năm 2026 ; dù có chiếm được Ukraine Nga cũng không thoát được sự đe dọa của NATO.
The Economist cho rằng khó có khả năng ông Trump bán đứng Ukraine, nhất là vì ý kiến trong chính đảng Cộng Hòa. Ông chắc chắn không muốn trở thành nguyên nhân thất bại của Ukraine, tuy nhiên Trump có thể đòi hỏi một sự có đi có lại, chẳng hạn được khai thác tài nguyên.
Hòa bình nào cho Trung Đông ?
Le Point đặt câu hỏi "Donald Trump, người kiến tạo hòa bình ?". Nếu Ukraine có thể coi là quốc gia chịu thiệt thòi qua việc ông Donald Trump đắc cử, Israel là nước được lợi. Sự quay lại của ông Trump chắp cánh cho Benyamin Netanyahou. Vẫn luôn theo đuổi cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố đã gây ra vụ thảm sát ngày 07/10/2023, thủ tướng Israel có thể trông cậy vào tổng thống Mỹ thứ 47 để được hỗ trợ về chính trị và quân sự mạnh mẽ hơn cả Biden.
Người Israel không quên rằng chính phủ Trump (2017-2021) đã có một loạt quyết định ưu ái cho Nhà nước Do Thái : nhìn nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan, di chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel-Aviv sang Jerusalem, từ chối coi việc người Do Thái định cư tại West Bank (Cisjordanie) là bất hợp pháp. Thỏa thuận Abraham do Donald Trump bảo trợ là hiệp ước đầu tiên giữa Israel và các quốc gia Ả rập từ một phần tư thế kỷ.
Ngược với Barack Obama và Joe Biden, Donald Trump không ngần ngại dùng vũ lực tấn công Iran và các đồng minh. Ông ra lệnh bắn một loạt hỏa tiễn vào Syria năm 2017, sau khi nhà độc tài Bachar Al-Assad một lần nữa dùng vũ khí hóa học đánh vào phe nổi dậy. Và năm 2020, Trump tiêu diệt luôn tướng Iran Qassem Soleimani, kiến trúc sư mạng lưới khủng bố của các giáo chủ. Khi quay lại Phòng Bầu dục, Trump có thể tiếp tục gây áp lực tối đa lên Tehran ; nhất là theo tình báo Mỹ, Iran đã tìm cách ám sát ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Liệu Netanyahou được thể sẽ mạnh tay hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo ? Tài năng của Donald Trump để đạt được những "deal" cho hòa bình sẽ nhanh chóng bị thử thách.
Thụy My
Chính giới Nga dè dặt về khả năng Trump chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ
Tuần qua, chủ đề thời sự thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế nhất là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 với kết quả là ông Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ứng viên của đảng Cộng Hòa, tái đắc cử. Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tiếng Việt tuần này tập trung vào phản ứng của chính quyền Đài Bắc, Bắc Kinh, Moskva và Warszawa về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Mặt nạ hình tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump tại một cửa hiệu đồ lưu niệm tại Saint-Petersbourg, Nga, ngày 06/11/2024. AP - Dmitri Lovetsky
1. Đài Loan :
Chính giới mong quan hệ với Mỹ ổn định, doanh nghiệp tính đến các phương án dự phòng
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức là một trong những chính trị gia quốc tế sớm chúc mừng ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của nước Mỹ trong tuần qua. Đài Bắc mong đợi quan hệ chính trị với Hoa Kỳ ổn định dưới thời tổng thống Donald Trump, nhưng giới doanh nghiệp phải tính đến các phương án dự phòng cho sự bất ổn.
Từ Đài Bắc, ngày 07/11 thông tín viên Nguyễn Giang gửi về bài tường trình :
"Đăng lời chúc trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hy vọng quan hệ Mỹ-Đài tiếp tục là "quan hệ đối tác dựa trên quyền lợi chung, giá trị cùng chia sẻ, tạo nền tảng cho ổn định trong khu vực".
Sang ngày thứ Tư (06/11), giờ Đài Loan, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền ở Đài Loan, bà Hàn Oánh, cũng thay mặt đảng này chúc mừng ông Trump thắng cử. Tuy thế, đảng Dân Tiến cũng cảm ơn tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, và phó tổng thống Kamala Harris đã thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài thời gian qua.
Bà Hàn Oánh nhấn mạnh rằng sự ủng hộ cho Đài Loan đến từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ và điều đó sẽ không vì bầu cử mà thay đổi.
"Đài Loan và Hoa Kỳ chia sẻ niềm tin vào các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền và có quyền lợi chung trong việc duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy kinh tế thịnh vượng", văn phòng đảng Dân Tiến cho biết.
Cùng thời gian, hai đảng đối lập Đài Loan cũng chúc mừng ông Trump. Chẳng hạn, chủ tịch Quốc Dân Đảng, Chu Lập Luân (Eric Chu), hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục như nhiệm kỳ trước của ông (2016-2020) là làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột, và hỗ trợ hòa bình, ổn định.
Thế nhưng, ngay khi có tin ông Trump sẽ thắng cử, các doanh nghiệp Đài Loan đã phải đánh giá các rủi ro có thể tới từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung tăng độ nóng tới đây, nếu ông Trump thực hiện các lời hứa tranh cử là đánh thuế nhập khẩu rất cao vào hàng hóa Trung Quốc.
Chẳng hạn công ty Advantech Co., Ltd., chuyên về tự động hóa phục vụ ngành chế xuất, nói họ đã có cơ sở tại Mỹ, nhưng có thể cần xem xét chấp nhận dán nhãn hàng là "Sản xuất tại Hoa Kỳ" (Made in the USA), chứ không chỉ ghi là "Sản xuất tại Đài Loan, lắp ráp ở Mỹ". Thậm chí, các nhà máy của họ ở Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản đang làm ăn tốt nhưng có thể cần phải chuyển sang Mỹ hoặc Mexico, theo trang CNA ở Đài Loan.
Một công ty khác của Đài Loan là Catcher Technology thì đã tuyên bố mở nhà máy ở Thái Lan. Trước đó, công ty Wistron NeWeb Corporation chuyên làm linh kiện cho Starlinks của tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ nhiệt thành cho ông Trump, nói họ đã chuyển thêm sản xuất sang Việt Nam.
Cùng lúc, nhiều công ty công nghệ Đài Loan tin rằng bám sát thị trường Mỹ sẽ đem lại cho họ cơ hội lớn vì các chính sách của đảng Cộng Hòa thời Trump sẽ tạo điều kiện tốt cho dòng vốn di chuyển.
Cổ phiếu của đại tập đoàn bán dẫn Đài Loan, TSMC, đã tăng giá cùng cổ phiếu công nghệ Mỹ ngay sau khi có tin Trump thắng cử.
Bám chặt vào Hoa Kỳ cả về chính trị và kinh tế là cách Đài Loan duy trì vị thế của mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà các quyết định sắp tới của tổng thống Donald Trump có thể gây gián đoạn mậu dịch với Trung Quốc.
Và để làm vậy, doanh nghiệp Đài Loan sẽ chấp nhận giá thành sản xuất tại Mỹ, chi phí vận tải tăng, thậm chí nếu cần họ sẽ phải bỏ thị trường Trung Quốc, để tồn tại và phát triển thời Trump".
Donald Trump thắng cử, động lực thúc đẩy Bắc Kinh phát triển kinh tế mạnh hơn
Theo Lynn Song, kinh tế gia của ngân hàng ING, được AFP trích dẫn ngày 08/11, dường như kỳ họp Quốc Hội của Trung Quốc ban đầu dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, đã bị dời lại đến tuần diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ 2024 để các nhà ra quyết sách có thể kịp thời phản ứng nếu ông Donald Trump tái đắc cử.
Kinh tế gia của ngân hàng ING nhận định nếu ứng viên đảng Cộng Hòa Mỹ thắng cử, Bắc Kinh rất có thể phải có một kế hoạch thúc đẩy kinh tế lớn hơn.
Qi Wang của công ty UOB Kay Hian Wealth Management thì cho rằng việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng "không hẳn là một điều xấu đối với Trung Quốc, vì có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kích thích lớn hơn".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm về phản ứng của Trung Quốc trước thắng lợi của Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 :
"Mối quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là lợi ích chung của hai nước và đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, lịch sử đã cho thấy rằng Bắc Kinh và Washington sẽ thua nếu đối đầu trực tiếp.
Do đó, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đôi bên tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác theo hướng cùng có lợi. Theo ông, đối thoại là điều thiết yếu để giải quyết những bất đồng giữa hai cường quốc.
Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể thay đổi quan hệ Trung - Mỹ vốn đã căng thẳng do các chủ đề như Đài Loan, thương mại, nhân quyền cũng như sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có khả năng tác động đến 500 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu.
Các chính sách này có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc, hiện giờ đang dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã chuẩn bị tốt hơn. Một kế hoạch thúc đẩy kinh tế quy mô lớn, dự kiến được công bố sau kỳ họp Quốc Hội hiện đang diễn ra, có thể thể hiện nhiều tham vọng hơn dự kiến do tác động của kết quả bầu cử tổng thống Mỹ".
2. Ukraine
Giới bình luận Nga dè dặt trước lời hứa của Donald Trump chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ
Cũng như lãnh đạo Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngay từ trước khi chủ nhân điện Kremlin đưa ra tuyên bố nói trên, ông Donald Trump cũng đã khẳng định "hai bên sẽ nói chuyện với nhau".
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng viên đảng Cộng Hòa đã tuyên bố nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ khiến chiến tranh Ukraine chấm dứt chỉ trong vòng 20 giờ, làm dấy lên nhiều lo ngại cho những ai ủng hộ Ukraine, nhất là vì ông Trump được cho là vẫn duy trì các cuộc điện đàm với tổng thống Nga Putin sau khi ông đã rời Nhà Trắng hồi năm 2020, thậm chí cả sau khi Putin điều quân xâm lược Ukraine.
Vậy chính giới Nga tỏ thái độ thế nào khi Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trở lại Nhà Trắng trên cương vị tổng thống thứ 47 của Mỹ ?
Từ Moskva, thông tín viên Hoàng Dung gửi về bài tường trình :
Donald Trump đắc cử, công luận Ba Lan chờ đợi chính sách trên thực tế của tân chính quyền Mỹ
Ba Lan, một nước chống chính quyền Nga của Putin mạnh mẽ, và ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống quân Nga xâm lăng, những ngày qua cũng hồi hộp ngóng kết quả bầu cử Mỹ bởi chính sách của chính quyền mới của Mỹ sẽ tác động nhiều đến NATO, hay châu Âu, nhưng trên hết là về chiến tranh Ukraine ngay sát cạnh Ba Lan, trong khi Warszawa luôn cảnh giác với chính quyền Putin.
Thùy Dương tổng hợp
Sau bốn năm kiên trì theo đuổi, cuối cùng Donald Trump và đảng Cộng hòa đã chiến thắng, một cách trọn vẹn. Bạn có thể thích hay không thích người đàn ông này, nhưng phải công nhận một điều rằng ông là một người bản lĩnh và kiên trì theo đuổi những ước mơ của mình. Nếu có một bài học đáng để học từ ông đó là đừng bao giờ bỏ cuộc, điều mà ông hay nói.
Donald Trump là một người bản lĩnh và kiên trì theo đuổi những ước mơ của mình.
Cuộc chiến Ukraine
Một trong những chính sách quan trọng mà Donald Trump đề cập khi tranh cử đó là sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ.
Cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga là một cuộc chiến tranh sẽ không thể kết thúc nếu Mỹ và phương Tây không muốn nó kết thúc. Tại sao ? Tại vì Nga không thể thua. Nga có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Không một nước nào có thể đem quân tiến chiếm Moscow nếu không muốn nhận những tên lửa cùng những đầu đạt hạt nhân. Một cuộc tấn công Moscow sẽ chỉ đưa đến chỗ cả hai cùng chết. Việc tiếp tục chiến tranh như hiện tại mà phía sau Ukraine là Mỹ và Châu Âu và phía sau Nga là các nước Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên sẽ không có hồi kết. Không ai muốn Chiến tranh Thế giới lần thứ 3 diễn ra, bởi vì một cuộc chiến như vậy diễn ra nó chỉ đem đến hủy diệt toàn bộ. Và trước khi bất cứ một lãnh đạo dân chủ nào quyết định tham gia một cuộc chiến như vậy, chắc chắn họ sẽ bị áp lực từ chức bởi sự xuống đường của công chúng.
Một cuộc chiến bất phân thắng bại theo nghĩa một nước không thể tiến chiếm nước còn lại thì tốt nhất nó nên kết thúc sớm. Cả Ukraine và Nga đều đã kiệt quệ. Nga không thể tiến thêm và Ukraine cũng không thể phản kích để đoạt lại một cách đáng kể những vùng bị chiếm.
Mỹ cũng không thể tiếp tục ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống Nga mãi mãi. Một phần là chi phí cuộc chiến. Mỹ muốn dành nguồn lực của mình cho cuộc chạy đua với Trung Quốc, nước bị Mỹ xem là đối thủ khó khăn nhất. Phần còn lại là vì Donald Trump muốn bắt tay với Nga để tách Nga ra khỏi Trung Quốc, giống như cái cách mà năm xưa chính quyền Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc để tách Trung Quốc ra khỏi khối liên minh cộng sản với Liên Xô. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Donald Trump đã cố gắng vuốt ve Nga bất chấp việc bị phe tự do chỉ trích rằng mình đi đêm với Nga để đổi lại Nga đã giữ thế bất động trong suốt nhiệm kỳ của mình. Thậm chí ở khu vực Trung Đông, quân Mỹ và quân Nga đã thỏa thuận tránh chạm trán nhau trong khi quân Mỹ tiến hành việc tiêu diệt quân khủng bố ISIS.
Khi đưa ra thông điệp rằng mình sẽ kết thúc cuộc chiến trong vòng 24 giờ. Donald Trump chính thức gửi thông điệp đến người dân Ukraine và giới lãnh đạo Châu Âu. Thông điệp này nói với dân Ukraine rằng các bạn phải chiến đấu mạnh mẽ nhất có thể, và phải chấp nhận những đánh đổi để có hòa bình, cuộc chiến rồi sẽ phải kết thúc. Thông điệp này cũng sẽ nhắn tới giới lãnh đạo Châu Âu rằng tình hình ở cửa ngõ nhà các bạn. Các bạn phải có tránh nhiệm gánh vác nhiều hơn để giải quyết tình trạng này, giải quyết nó để có sự ổn định lâu dài.
Giới chính trị gia Ukraine có vẻ hiểu được rằng thời khắc hòa bình sẽ phải tới, và một thông điệp mà chính giới Ukraine đưa ra thông qua tổng thống Zelensky đó là hoặc Ukraine có quyền sở đắc vũ khí nguyên tử hoặc là được phép tham gia NATO.
Quyền sở đắc vũ khí nguyên tử khó có thể được các nước trong NATO chấp nhận. Bởi việc sở hữu vũ khí nguyên tử đã trở thành một đặc quyền của những cường quốc. Một khi mà nước nào cũng sở hữu vũ khí nguyên tử thì đặc quyền của các cường quốc không còn nữa. Các cường quốc không muốn mất đi đặc quyền răn đe của mình.
Việc tham gia NATO ngay lúc này, khi chiến sự còn đang diễn ra là một điều không thể. Việc Ukraine tham gia NATO ngay lúc chiến sự diễn ra đồng nghĩa với việc NATO sẽ chính thức tham chiến vì có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh. Điều đó sẽ bắt đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ 3.
Một lựa chọn chiến lược cho Ukraine đó là Ukraine và Nga sẽ ký một hiệp ước hòa bình và ngay sau đó Ukraine sẽ chính thức tham gia vào NATO.
Nhưng trước khi ký hiệp ước này, Ukraine và Nga buộc phải đồng ý về một sự phân định lãnh thổ. Một giải pháp khả dĩ đó là Ukraine sẽ đổi vùng đất Kursk thuộc Nga mà Ukraine chiếm được gần đây để đổi lại một phần vùng bị Nga chiếm.
Vấn đề là Nga không muốn có sự hiện diện của NATO ở Ukraine. Nga muốn một Ukraine bị xé toạc, có quân đội nhỏ, bị cô lập, và không tham gia một liên minh nào. Ukraine, nói một cách ngắn gọn, phải đóng vai trò như một vùng đệm không tạo ra một sự hiểm nguy nào cho Nga và không bao giờ có khả năng chiếm lại những vùng lãnh thổ bị mất.
Hai yêu sách, một của Nga và một của Ukraine, vẫn còn quá xa nhau, và để có thể ép Nga ngồi xuống bàn đàm phán Ukraine buộc phải có những vũ khí hữu hiệu hơn có khả năng đe dọa hoặc có khả năng thay đổi tạo ra ưu thế chiến trường trong một vài tháng tới. Điều rất khó là mùa đông đang đến và chính quyền Joe Biden sẽ không có thay đổi chính sách trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ.
Chính sách kinh tế
Chính sách kinh tế của Donald Trump là một sự tiếp nối các chính sách trợ cung mà ông đã cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ trước.
Ông muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay xuống mức 15%, ngang với mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Và như vậy, nó sẽ giảm bớt động lực để các công ty đem công việc ra nước ngoài để lách thuế.
Để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách khi giảm thuế, Donald Trump đề xuất hai biện pháp để bổ sung.
Thứ nhất là cắt giảm chi ngân sách ở những lĩnh vực không cần thiết. Dự kiến, Elon Musk sẽ đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm rà soát cắt giảm những cơ quan không cần thiết.
Và thứ hai là đánh thuế quan (tariff) lên hàng nhập khẩu. Với các nước ông dự định đánh thuế 10-20%, và riêng Trung Quốc mức thuế hàng nhập khẩu sẽ tăng lên 60%.
Việc tăng thuế quan 10-20% lên hàng hóa ở các nước khác nhau sẽ dẫn đến một sự điều chỉnh mà ở đó các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và những nhà sản xuất ở các nước buộc phải gánh chịu phần lớn khoản thuế này. Các nhà sản xuất buộc phải giảm giá bán và các nhà nhập khẩu buộc phải giảm lợi nhuận để có thể giữ giá thành hoặc tăng chút ít nếu muốn không mất thị phần.
Với Trung Quốc, thuế quan đã được đề xuất từ nhiệm kỳ trước của Donald Trump mà ở đó các mặt hàng xe điện, bán dẫn, điện mặt trời chịu thuế quan là 25% và các mặt hàng khác đã chịu mức thuế quan từ 0-7,5%. Sang tới thời Biden, mức thuế quan đã tăng lên 100% cho xe điện, bán dẫn và pin năng lượng mặt trời là 50%, và mở rộng ra một loạt các mặt hàng khác chịu thuế quan 25%. Việc Donald Trump nâng mức thuế chung lên 60% sẽ giúp đem lại ngân sách quốc gia và bào mòn lợi nhuận của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Nhưng quan trọng hơn, việc nâng thuế lên 60% trong khi duy trì mức thuế 10-20% ở các nước khác nó sẽ khuyến khích các công ty hiện ở Trung Quốc buộc phải chuyển toàn bộ hoặc một phần các hoạt động sản xuất của mình sang các nước khác để tránh thuế. Việc chuyển các công ty đi khỏi Trung Quốc sẽ kích hoạt một sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ gia tăng mức thất nghiệp hiện có ở Trung Quốc vốn đã ở mức báo động. Mức thất nghiệp trong giới trẻ của Trung Quốc hiện đã ở mức xấp xỉ 20%.
Việc gia tăng mức thất nghiệp của Trung Quốc đến lượt nó sẽ làm giảm sức mua của nền kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất dư thừa (overcapacity) mà Trung Quốc đang đối mặt — tức tình trạng hàng hóa sản xuất ra không bán hết được.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, Donald Trump cũng đề xuất sắp xếp lại các khung thuế để đơn giản hệ thống thuế, tăng hạn mức tín dụng cho trẻ em để khuyến khích sinh sản, và cắt giảm các quy định.
Việc cắt giảm các quy định sẽ mở đường cho một sự bùng nổ các hoạt động thâu tóm trong doanh nghiệp. Một khi các hoạt động thâu tóm nở rộ, và thị trường đem lại lợi nhuận, tiền tệ sẽ chảy ngược vào Hoa Kỳ và sẽ nâng giá đồng đô la lên.
Khi đồng đô la tăng giá so với những đồng tiền khác, nó sẽ giúp bù đắp một phần ảnh hưởng cho các mức thuế quan mà Hoa Kỳ sẽ áp đặt.
Chính sách năng lượng mà Donald Trump đề xuất và thực thi trong nhiệm kỳ đầu sẽ được tiếp tục. Mục tiêu là đưa Hoa Kỳ trở thành một nước dẫn đầu thế giới trong sản xuất dầu khí và giúp đưa giá dầu khí xuống thấp. Việc Hoa Kỳ trở thành một tay chơi hàng đầu trên thị trường này còn giúp Hoa Kỳ có thêm đòn bẩy trong việc khuất phục Nga và các nước Trung Đông theo các yêu sách của mình.
Trục xuất người nhập cư lậu
Kể từ khi Joe Biden cầm quyền, hơn 10 triệu người đã nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, so với 2,4 triệu người dưới thời Donald Trump, theo một báo cáo của BBC.
Không ai biết con số chính xác rằng có bao nhiêu người nhập cư lậu hiện ở Hoa Kỳ. Người ta ước đoán rằng con số này nằm trong khoảng 10 triệu tới 30 triệu người, tức từ 3% đến gần 10% dân số.
Khi một quốc gia không thể kiểm soát được số người ra vào và định cư trên nước mình, nó không còn là một quốc gia nữa mà nó đã trở thành một thiên hạ. Nhiều người biện minh rằng những người nhập cư lậu này là cần thiết vì họ lãnh những công việc mà người bản xứ không làm. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một chính quyền nếu thấy thiếu lao động, họ có thể có chương trình thuê lao động ngắn hạn để các công ty có thể lựa chọn lao động cho mình và nhiều nước khác nhau đã có chương trình này. Một trong những nhiệm vụ của một chính quyền là bảo đảm rằng những người sống trên lãnh thổ của họ có quyền cư trú hợp pháp để nhận những sự trợ giúp hợp pháp từ chính quyền.
Việc không thể kiểm soát được lãnh thổ của mình đã dẫn đến một hệ luỵ là những người nhập cư lậu bỏ tiền ra mua các suất dẫn đường để được di cư lậu vào Hoa Kỳ. Những băng đảng làm công việc dẫn đường này đã thu lợi lớn, và sau đó họ dùng số tiền kiếm được để mua sắm vũ khí. Khi họ có vũ khí và tiền, họ tiếp tục chiêu dụ thành viên và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phạm pháp khác nhau từ buôn á phiện cho tới tống tiền. Hậu quả là trong vòng 4 năm gần đây, tình hình Nam Mỹ cực kỳ bất ổn. Đứng trước sự đông đảo có vũ trang của các băng đảng, một số chính quyền buộc phải thỏa hiệp và không đụng đến họ. Một số thành phố nằm dưới sự khống chế hoàn toàn của họ. Đó là những nơi mà người ngoài được khuyến cáo không nên vào. Nam Mỹ được xem như là một sân sau của Hoa Kỳ. Sự hoạt động mạnh mẽ của các băng nhóm khác nhau đến lượt nó đã giúp tuồn một lượng lớn ma tuý vào Hoa Kỳ và tàn phá giới trẻ. Cho nên giữa nhập cư lậu, tội phạm có tổ chức, và ma tuý có một sự liên quan chặt chẽ với nhau. Có lẽ hiểu sự liên quan này nên những mục tiêu trên đã nằm trong chương trình hành động của Donald Trump.
Việc thi hành trục xuất người nhập cư lậu sẽ gửi ra một thông điệp rằng những người mới đừng nên trả tiền cho các băng đảng để nhập cư lậu vào Mỹ làm gì, nó chỉ mất tiền vì họ sẽ nhanh chóng bị trục xuất. Khi người di cư lậu biết rằng họ sẽ chỉ mất tiền thì họ sẽ không đi nữa và các băng đảng sẽ không có tiền. Không có tiền thì các băng đảng sẽ không thể mua vũ khí và mở rộng hoạt động của mình. Đánh vào hậu cần là một cách đánh hiệu quả. Một kinh nghiệm thành công mà nhiều người có lẽ đã quên đó là trong cuộc chiến chống lại ISIS lúc đó đang phát triển nhanh chóng ở Trung Đông, chính quyền Donald Trump đã tấn công vào các giếng dầu của họ khi biết rằng nguồn thu từ bán dầu là nguồn tài chính dồi dào giúp chi trả cho việc tuyển mộ thêm các tay súng. Hậu quả là chỉ trong một thời gian ngắn ISIS đã bị tan rã vì thành viên không thể tham gia nếu không có tiền.
Dân chủ hóa
Nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden mở đầu bằng một thất bại ngoại giao thảm hại. Afghanistan, một nhà nước dân chủ đang được xây dựng của một đất nước hơn 40 triệu người mà Hoa Kỳ đã dành khoảng hai ngàn tỉ đô la tài trợ và xây dựng trong 20 năm đã nhanh chóng sụp đổ ngay khi lính Mỹ rút lui. Việc áp đặt một chế độ dân chủ từ trên xuống đã hoàn toàn thất bại trong trường hợp này.
Sự sụp đổ nhanh chóng một nhà nước dân chủ mà không có một sự kháng cự nào chỉ chứng tỏ một điều rằng người dân không muốn giữ gìn thể chế này.
Điều đó chỉ có thể lý giải rằng trong suốt chiều dài của đất nước, người dân Afghanistan đã quen với các văn hóa địa phương và làm việc xoay quanh các bộ lạc và các thủ lĩnh. Việc không có sự hỗ trợ của người dân và các tổ chức cộng đồng cơ sở đã khiến cho nhà nước dân chủ không thể nào hoạt động được.
Bài học từ sự thất bại của Afghanistan quá mới, và có lẽ không có một tổng thống Mỹ nào sắp tới đây có ý định áp đặt một thể chế dân chủ lên đầu một dân tộc.
Tiến trình dân chủ ở một nước nó phải diễn ra từ cơ sở mà ở đó các đảng phái phải nhận được sự ủng hộ của người dân cho một tiến trình thay đổi. Hoa Kỳ và các nước văn minh khác chỉ có thể hỗ trợ tiếng nói, áp lực, và kinh nghiệm của mình cho một sự chuyển giao hòa bình.
Trong suốt dòng lịch sử, những chuyển đổi chế độ chính trị ở Việt Nam thường diễn ra vào lúc chế độ chính trị mà Việt Nam dựa vào suy yếu hoặc sụp đổ. Việt Nam chỉ ngã về phương Tây khi nhà Thanh suy yếu, và sau đó chế độ cộng sản chỉ chấp nhận khuất phục Trung Quốc khi Liên Xô sụp đổ.
Trung Quốc đang khủng hoảng nặng. Chính sách áp thuế quan và những hạn chế trong tiếp cận công nghệ cao của chính quyền Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc ngày càng khó khăn. Chính sách ngoại giao cây tre mà ở đó Việt Nam dựa vào cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để hưởng lợi sẽ bắt đầu lung lay. Ngoại giao cây tre chỉ có thể thực hiện được khi mà sự xung đột giữa hai đối tác chưa lớn. Một cách giản dị, làm sao hai đối tác có thể tin tưởng Việt Nam một cách hoàn toàn để có thể chia sẻ thông tin, công nghệ hay các hợp tác chiến lược nếu biết rằng những chia sẻ này cũng có thể bị chuyển cho bên còn lại ?
Giới lãnh đạo Việt Nam từ từ rồi sẽ nhận ra việc giao thương và trao đổi với phương Tây sẽ đem lại thịnh vượng cho dân tộc. Nhiều người đã bỏ phiếu bằng chân. Một bằng chứng rõ nhất đó là con cháu giới lãnh đạo đều được gửi đi Âu Mỹ để học tập và định cư chứ chẳng còn mấy ai gửi con cháu đi các nước độc tài để học tập nếu họ có cơ hội.
Việc Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, khuyến khích châu Âu tự chủ về quốc phòng, và tái phối trí sự hiện diện lớn hơn ở Châu Á chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo Việt Nam tự tin hơn để thắt chặt quan hệ và tiến tới những cải cách.
Nhưng như đã nói, tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam nó phải bắt đầu bởi sự hiện diện của các tổ chức trong cộng đồng.
Nguyễn Huy Vũ
(07/11/2024)
Tổng thống đắc cử đã thay đổi căn bản các chuẩn mực và ý thức hệ của nền chính trị Mỹ.
Donald Trump sẽ đi vào lịch sử như một vị tổng thống thực sự làm nên lịch sử. Đó không phải là một phán đoán đạo đức, nhưng đơn giản là sự thừa nhận về quy mô thành tựu của ông trong việc tái thiết hoàn toàn nền chính trị Mỹ.
Giống như Franklin Roosevelt hay Ronald Reagan, Trump không chỉ đơn thuần giành chiến thắng trong lần tái tranh cử. Ông còn mang đến những thay đổi cơ bản về chính sách, ý thức hệ, và bối cảnh chính trị. Thật không may, ông cũng mang đến một thay đổi sâu sắc trong các chuẩn mực chính trị, bằng cách tung hô các thuyết âm mưu và từ chối chấp nhận rằng mình đã thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Lời cáo buộc rằng Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ hóa ra không phải là lập luận thuyết phục mà Đảng Dân chủ mong đợi. Có lẽ là vì người Mỹ đơn giản là không tin vào lập luận này. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy thực sự có nhu cầu về một lãnh đạo cứng rắn hơn ở Mỹ.
Một cuộc thăm dò của Viện Pew được thực hiện vào đầu năm nay cho thấy 32% người Mỹ tin rằng việc có một nhà lãnh đạo cứng rắn có thể điều hành mà không bị ràng buộc bởi tòa án hoặc cơ quan lập pháp là một ý tưởng hay. Một cuộc thăm dò khác, được thực hiện vào năm ngoái, cho thấy 38% người Mỹ và 48% đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo sẵn sàng "phá vỡ một số quy tắc nếu đó là điều cần thiết để đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo".
Bản năng chính trị mách bảo Trump – rằng nhiều người Mỹ có thể muốn một nhà lãnh đạo cứng rắn – cũng thúc đẩy ông tách biệt mình khỏi quan điểm chính thống của Đảng Cộng hòa và phe Reagan trong nhiều thập kỷ về nhiều vấn đề, từ thương mại tự do đến bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới. Trước khi Trump xuất hiện, người ta vẫn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là một gánh nặng bầu cử – chỉ được những kẻ thua cuộc lập dị như Pat Buchanan ủng hộ. Trump, người nói rằng thuế quan là từ yêu thích của ông, đã chứng minh rằng người dân Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận các chính sách bảo hộ. Bằng chứng về thành công của ông trong việc đảo ngược nhiều thập kỷ chính thống là chính quyền Biden đã không bãi bỏ thuế quan của Trump.
Trump cũng đã phá vỡ quan hệ với những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, vốn tôn thờ ký ức của Reagan và ủng hộ việc thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, điều này cũng chứng tỏ là một lời kêu gọi chính trị khôn ngoan. Các nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng những khu vực của đất nước có thương vong quân sự cao hơn mức trung bình có nhiều khả năng ủng hộ Trump hơn đáng kể.
Dưới thời chính quyền George W. Bush, người ta thường cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ mất đi sự ủng hộ của cử tri gốc Tây Ban Nha nếu họ tỏ ra quá thù địch với vấn đề nhập cư. Và Trump đã chứng minh rằng điều này không đúng.
Ý thức hệ của Trump, theo một số khía cạnh, là sự đảo ngược chủ nghĩa Reagan. Trong khi Reagan kêu gọi thương mại tự do và đối đầu với Liên Xô, thì Trump lại ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và hòa giải với nước Nga của Vladimir Putin. Sự lạc quan tươi sáng của Reagan về Mỹ trái ngược với sự bi quan ảm đạm của Trump về sự suy tàn của nước Mỹ. Và trong khi Reagan thường cư xử đúng mực và lịch sự, thì Trump lại có phần thô bạo và đe dọa.
Chính sách kiểu Reagan duy nhất mà Trump luôn ủng hộ là cam kết giảm thuế và bãi bỏ các quy định. Không phải ngẫu nhiên mà đây lại là yếu tố của chủ nghĩa Reagan được các ông trùm công nghệ và tài chính tài trợ cho các chiến dịch chính trị coi trọng nhất.
Từ tuyên bố đầu tiên của mình khi ra tranh cử vào năm 2015, Trump đã thách thức các chuẩn mực về hành vi chính trị theo những cách dẫn đến các dự đoán sai lầm rằng sự nghiệp chính trị của ông sẽ sớm kết thúc. Ông chỉ trích và bắt nạt những đảng viên Cộng hòa khác, chế giễu người khuyết tật, đưa ra những bình luận thô tục về phụ nữ, và cố gắng lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng không có điều gì trong số đó đủ để chấm dứt sự nghiệp của ông. Trên thực tế, những bình luận đập tan những điều cấm kỵ của Trump còn có thể có lợi cho ông.
Trong tám năm qua, Trump đã tiếp quản Đảng Cộng hòa Vĩ đại – như cách mà những người Cộng hòa thích tự gọi mình – và biến nó thành một công cụ cá nhân. Những nhân vật Cộng hòa không thể chịu đựng các chính sách hoặc phong cách của ông – như Mitt Romney, Paul Ryan, và Liz Cheney – đã rời khỏi chính trường hoặc bị gạt ra ngoài lề. Trong khi đó, những đảng viên khác từng phản đối ông đã phải xin lỗi. J.D. Vance, người sẽ là phó tổng thống của Trump, từng tweet rằng, "Những người theo Đạo Thiên Chúa, mọi người đang nhìn chằm chằm vào chúng ta khi chúng ta phải xin lỗi vì người đàn ông này. Xin Chúa giúp chúng ta". Thế rồi, ông đã xin lỗi – không phải với Chúa, mà là với Trump.
Chiến thắng của Trump trước Kamala Harris sẽ được xem là bằng chứng cho thấy chương trình nghị sự MAGA của ông không chỉ được Đảng Cộng hòa mà cả nước Mỹ chấp nhận. Những người ủng hộ ông có thể sẽ yêu cầu nhanh chóng triển khai toàn bộ các chính sách MAGA – cho dù đó là trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế, hay thanh trừng "nhà nước ngầm".
Tuy nhiên, trong khi thành công chính trị của Trump là không thể phủ nhận, sẽ là một sai lầm nếu diễn giải quá mức uy quyền của ông. Hiện tại, có một tâm trạng chung chống lại lãnh đạo đương nhiệm mạnh mẽ trên khắp phương Tây khi cử tri phải vật lộn với lạm phát, nhập cư, và thay đổi văn hóa. Tâm trạng chống lại lãnh đạo đương nhiệm đó đã khiến Đảng Bảo thủ không còn nắm quyền ở Anh, Emmanuel Macron mất thế đa số ở Pháp, và bây giờ là sự sụp đổ của chính phủ Đức. Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp mà đảng đương nhiệm để mất phiếu bầu.
Những cử tri Mỹ thất vọng giờ đây đã đặt niềm tin vào một nhà lãnh đạo tự xưng là cứng rắn. Trong bốn năm tới, họ sẽ khám phá ra liệu Trump có phải là câu trả lời cho lời cầu nguyện của họ, hay chỉ là một cơn ác mộng biết đi.
Gideon Rachman
Nguyên tác : "Trump and the lure of strongman leadership", Financial Times, 07/11/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/11/2024
Cựu tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11/2024, trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Trở lại Nhà Trắng, Donald Trump sẽ xử lý thế nào các cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện nay, từ Ukraine, Cận Đông cho đến Đài Loan ? Donald Trump có thể sẽ bỏ rơi một số đồng minh, hay buộc họ phải "trả phí" để có sự hậu thuẫn từ Mỹ ?
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, ngày 6/11/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN
Nguyên nhân thất bại của Kamala Harris
Theo kết quả kiểm phiếu được AP cập nhật đến sáng 07/11/2024, lúc 11 giờ, giờ Paris, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã có được sự ủng hộ của 295 đại cử tri, bỏ xa đối thủ đảng Dân Chủ, phó tổng thống sắp mãn nhiệm Kamala Harris, chỉ được 226 phiếu.
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà báo Phạm Trần từ Washington trước hết nhận định về kết quả cuộc bỏ phiếu :
Phạm Trần : "Kết quả không có gì ngạc nhiên. Thứ nhất, khi tranh cử, Kamala Harris đã được nhiều nữ cử tri hưởng ứng và hứa bỏ phiếu cho bà. Thứ hai là những người di dân, thiểu số. Bởi vì bà Harris là người gốc di dân, thiểu số, rồi lại là người da mầu. Đây là những yếu tố có thể hội đủ số phiếu cử tri.
Nhưng ngược lại, bà Harris không có được lá phiếu ủng hộ của giới trẻ và đàn ông của nước Mỹ. Những người này đã dồn phiếu cho ông Trump. Trong khi đó giới nữ da trắng, một phần ủng hộ bà Harris nhưng phần lớn vẫn nghiêng về phía đảng Cộng Hòa. Do vậy ông Trump đã có nhiều lợi điểm thắng thế trong cuộc bỏ phiếu vừa qua".
Theo hãng tin Reuters, bất chấp những hứa hẹn bảo vệ việc làm cho giới công nhân công đoàn, bà Kamala Harris đã không nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Nghiệp đoàn IBT (International Brotherhood of Teamsters), vốn ủng hộ nhiệt tình đảng Dân Chủ từ năm 1996. Giới lãnh đạo nghiệp đoàn nêu rõ một trong những thất bại của chiến dịch vận động tranh cử của Kamala Harris : Bà không có khả năng thuyết phục tầng lớp cử tri công nhân, vốn dĩ lo lắng về tình trạng lạm phát và tình hình kinh tế.
Nhưng không chỉ có thế. Theo quan sát nhà báo Phạm Trần, những người bỏ phiếu cho Donald Trump còn ủng hộ ý kiến "Make America Great Again" mà nhà tỷ phú Mỹ không ngừng hô hào từ suốt 8 năm qua.
Phạm Trần : "Trong chương trình tranh cử, Kamala Harris tuyên bố, thứ nhất, sẽ có các biện pháp hạ giá tất cả các loại nhu yếu phẩm. Thứ hai là giảm thuế. Điểm thứ ba là sẽ nghiên cứu một chính sách di dân. Cuộc bầu cử vừa qua đúng là có những vấn đề về kinh tế, có vấn đề di dân, nhưng thêm vào đó, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy là người dân Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề dân chủ, vấn đề sức mạnh của đất nước, và do vậy, những thành phần cử tri đó đã nghiêng về phía ông Trump.
Kinh nghiệm từ cuộc bầu cử năm 2016, năm ông Trump đắc cử lần đầu, cho thấy ông ấy có chính sách quốc phòng mạnh, có chính sách kinh tế mạnh và muốn bảo vệ quyền lợi của người dân Mỹ, thay vì phân phối tài nguyên của nước Mỹ để cho các nước khác có thể nhờ vào đó làm giàu, ví dụ như Trung Quốc, đối với ông Trump, quốc gia có cùng chung đường lối về vấn đề kinh tế hay phát triển, hay mậu dịch. Do vậy, người dân Mỹ ủng hộ chính sách này. Nếu nói là bảo thủ thì hơi quá đáng, nhưng thực sự người dân Mỹ ủng hộ ý kiến phải làm cho nước Mỹ cường thịnh trước đã, rồi mới lo đến các nước khác".
Ukraine : Viễn cảnh bị bỏ rơi hay bị ép nhượng thổ
Về đối ngoại, trong quá trình vận động tranh cử, Donald Trump từng tuyên bố, "sẽ chấm dứt tất cả các cuộc khủng hoảng quốc tế mà chính quyền hiện tại đã tạo ra, kể cả cuộc chiến tranh khủng khiếp giữa Nga và Ukraine, có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống". Nhà tỷ phú Mỹ khẳng định rằng ông có khả năng chấm dứt các xung đột trên thế giới chỉ bằng "một cú điện thoại".
Trong suốt thời gian vận động tranh cử, Donald Trump không ngừng đả kích sự hậu thuẫn quân sự và tài chính mạnh mẽ mà chính quyền Biden dành cho Ukraine, tính đến hôm nay đã lên đến 85 tỷ euro, theo thống kê từ Viện Kiel của Đức.
Kiev toát mồ hôi hột khi người đứng liên danh với Donald Trump, J.D. Vance, hồi tháng Chín năm nay, trong một podcast đăng trên Youtube có tựa đề "Shawn Ryan Show" mô tả việc hình thành một vùng "phi quân sự hóa" trên lãnh thổ Ukraine dọc theo đường chiến tuyến, "sẽ được củng cố mạnh mẽ để Nga không thể xâm chiếm Ukraine". Theo Franceinfo, điều này cũng có thể được hiểu là "hãy để cho Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được, vào thời điểm đề xuất đàm phán".
Ngoài ra, đoạn video của ông Vance khẳng định kế hoạch "hòa bình" của ông Trump còn bao gồm cả việc cấm Ukraine gia nhập NATO hoặc các "thể chế đồng minh khác", theo như yêu cầu từ Vladimir Putin. Và đi xa hơn nữa là Mỹ sẽ đình chỉ hoặc ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự. Về hồ sơ này, nhà báo Phạm Trần giải thích thêm :
Phạm Trần : "Đây là điều đáng quan tâm. Khi tranh cử, Donald Trump đã nói rõ là nếu đắc cử, ông sẽ không tiếp tục viện trợ vũ khí, đạn dược cho Ukraine nữa. Ông nói rằng nước Mỹ không có quyền lợi gì ở Ukraine. Đây là điểm khiến nhiều thành phần ở nước Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ, dân biểu Quốc hội, nhất là bên phía đảng Dân Chủ, không hài lòng. Bởi vì, dù sao đi nữa, Hoa Kỳ cũng đứng đầu thế giới tự do, đi đầu về bảo vệ nhân quyền và sức mạnh của Châu Âu.
Nếu Donald Trump bỏ rơi Ukraine, thì Châu Âu rất lo ngại, bởi vì bên cạnh Ukraine là Ba Lan và nhiều nước khác nữa có nguy cơ bị tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục xua quân chiếm đóng. Và nếu Mỹ không can thiệp, Mỹ không muốn bảo vệ, thì tình hình thế giới sẽ biến loạn và có nhiều nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khác ở Châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Điều đáng quan tâm là liệu ông Trump có thi hành những cam kết trong cuộc vận động tranh cử hay không ? Hay là ông ấy sẽ phải nhượng bộ ? Tôi tin rằng trong trường hợp của Ukraine và về tình hình an ninh của Châu Âu cũng như là an ninh ở Trung Đông, các nước Châu Phi, thì ông Trump không có khả năng để vượt qua quyền hạn của Quốc hội, vượt qua ý muốn của người dân, để mà bỏ rơi Ukraine, bởi vì an ninh của Châu Âu cũng là an ninh của nước Mỹ".
Đài Loan phải trả phí bảo vệ cho Mỹ ?
Tại Châu Á, các nước đồng minh cũng phập phồng lo âu. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Đài Loan. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã làm cho mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc thêm gần gũi, trước sự thất vọng của Bắc Kinh, vốn dĩ xem Đài Loan là một phần lãnh thổ. Franceinfo nhắc lại, vào năm 2017, ngay khi vừa nhậm chức, Donald Trump đã có cuộc nói chuyện với tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Thái Anh Văn. Cử chỉ chưa từng có này đã gây ra sự cố ngoại giao với Trung Quốc.
Kể từ đó, Hoa Kỳ là "đồng minh hùng mạnh nhất và là bên cung cấp vũ khí chính" cho hòn đảo. Washington tuyên bố chính sách "mơ hồ chiến lược" : Không công nhận Đài Loan, cũng không ủng hộ ý tưởng độc lập chính thức và phản đối bất kỳ hình thức thống nhất nào bằng vũ lực. Trong năm 2024, Hoa Kỳ còn thông qua gói hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Loan.
Nhưng các phát biểu của Donald Trump khi tranh cử khiến giới quan sát dự đoán có sự thay đổi về quan điểm, vì ông cho rằng "Đài Loan nên trả tiền để Mỹ bảo vệ họ". Quan hệ Mỹ - Trung dưới nhiệm kỳ hai của Donald Trump sẽ ra sao ? Tình hình eo biển Đài Loan sẽ diễn tiến như thế nào ? Phạm Trần đưa ra một số nhận định :
Phạm Trần : "Theo kinh nghiệm nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump rất cứng rắn với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ví dụ như hàng giả hay như việc Trung Quốc trợ giá để đánh bại hàng hóa của Mỹ. Nhưng về mặt chính trị, Donald Trump vẫn giữ các mối liên lạc chặt chẽ với chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng và các lãnh đạo khác của Trung Quốc nói chung.
Về vấn đề an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, lập trường của ông Trump tuy cứng rắn, nhưng ông có những mối quan hệ khá đặc biệt với Bắc Triều Tiên và với Nga. Điều đáng quan tâm ở đây là vai trò của Mỹ trong khu vực : Liệu nước Mỹ của Donald Trump có bảo vệ Đài Loan khi Trung Quốc tấn công hòn đảo này ? Đây là điều chưa ai có thể biết được.
Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử các đời tổng thống Mỹ cho thấy eo biển Đài Loan vẫn do Hoa Kỳ tuần dương hàng ngày và có hạm đội số 7 tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương luôn giám sát, bảo vệ đảo Đài Loan. Tất cả tầu bè đi lại hay các hạm đội Trung Quốc đi qua eo biển để xuống vùng Biển Đông đều được lực lượng hải quân Hoa Kỳ theo dõi.
Quả thật, chuyện tương lai không ai biết được sẽ diễn ra như thế nào, và có thể gây nguy hiểm cho tình hình an ninh Châu Á – Thái Bình Dương hay không ? Nhưng ông Donald Trump hay bất cứ một vị tổng thống nào cũng phải đặt quyền lợi của nước Mỹ, quyền lợi các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, lên hàng đầu.
Thế nên, nỗi lo ông Trump bắt tay với Trung Quốc để cho nước này tự do hoành hành, tự do chiếm các biển đảo của các nước ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với vùng Biển Đông, tôi không tin là sẽ xảy ra !"
Báo Pháp Le Figaro ngày 06/11/2024, cho biết trong đêm ngày bỏ phiếu 05/11, lực lượng Không gian Mỹ đã cho bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa "Minuteman III", có thể mang đầu đạn hạt nhân từ căn cứ Vendenberg ở bờ Tây Thái Bình Dương nước Mỹ. Vì sao Hoa Kỳ lại chọn đúng ngày bầu cử để thử nghiệm vũ khí là điều khiến giới quan sát thắc mắc.
Tờ báo Pháp thiên hữu này nhắc lại cuộc thử nghiệm này diễn ra trong bối cảnh Nga vừa xem xét lại học thuyết hạt nhân (26/09/2024), Bắc Triều Tiên cách nay vài ngày bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, cũng như căng thẳng gia tăng nghiêm trọng giữa hai cường quốc hạt nhân tại Trung Đông là Israel và Iran. Một lời cảnh cáo ngầm cho các đối thủ lớn của Mỹ và đồng minh của Mỹ chăng ?
RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần từ Washington.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 08/11/2024
Viễn cảnh thế giới dưới thời Donald Trump
Việc cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vẫn là chủ đề được các tờ báo Pháp số ra hôm nay, 08/11/2024, quan tâm nhiều nhất. Các báo không ngừng đặt câu hỏi về tương lai của Châu Âu, Châu Á, của chính nước Mỹ và của cả thế giới sẽ ra sao trong bốn năm tới.
Trang nhất các tờ báo đưa tin về tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Hình ảnh tại Luân Đôn, Anh, ngày 07/11/2024. AP - Kirsty Wigglesworth
Châu Âu toát mồ hôi lạnh
Cả bốn nhật báo lớn của Pháp gồm Le Monde, Le Figaro, Libération và La Croix đều đưa ra nhận định về viễn cảnh Châu Âu với cái nhìn không mấy khả quan. Có thể tóm gọn những mối lo của Liên Âu trong ba vấn đề chính, bao gồm quốc phòng, thuế quan và nội bộ phân cực.
Trước hết với vấn đề phòng thủ Châu Âu, theo tờ La Croix, tân tổng thống đã nhiều lần chỉ trích các nước Châu Âu cũng như các đồng minh NATO khác không chịu dành đủ 2% GDP cho quốc phòng dù họ đã cam kết như vậy tại thượng đỉnh NATO năm 2014 và theo Trump điều này đã buộc Washington phải chịu phần lớn chi phí. Và trong các chiến dịch tranh cử của mình năm nay, Trump lại đe dọa trong trường hợp Nga xâm lược, Mỹ sẽ không bảo hộ cho các nước không đóng góp đủ theo những gì họ đã cam kết.
Những lời đe dọa này của ông chủ Nhà Trắng cùng nỗi lo sợ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine đã khiến Châu Âu hơn bao giờ hết cảm thấy bị thúc ép phải đầu tư mạnh tay cho quốc phòng. "Châu Âu phải khẩn trương tự chịu trách nhiệm cho an ninh của mình", lãnh đạo ngoại giao Ba Lan, Radoslaw Sikorski, tuyên bố hôm thứ Tư, 06/11, trong khi hai bộ trưởng quốc phòng Đức và Pháp đã gặp nhau tại Paris vào cuối ngày để thảo luận về những thách thức mà Châu Âu sẽ phải đối mặt tới đây và tìm kiếm giải pháp. Vào cuối cuộc họp, hai bộ trưởng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "tiếp tục tái vũ trang" và "tự chủ trong các vấn đề an ninh và quốc phòng".
Đây cũng là giải pháp hữu hiệu cho tình hình an ninh sau này của Châu Âu, theo lời nhà nghiên cứu Alexandre de Hoop Scheffer, chuyên gia trong lĩnh vực địa chính trị tại tổ chức German Marshall Fund, được Le Monde trích dẫn. Theo ông, thay vì "mua" sự bảo vệ của Mỹ bằng việc chi trả cho các hiệp định song phương, Châu Âu cần phải xem xét một cách tiếp cận phối hợp bằng cách tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của chính mình. Đây là ưu tiên hàng đầu, vì EU không còn có thể thuê Hoa Kỳ bảo hộ cho mình nữa.
Không chỉ có quốc phòng, kinh tế cũng là một vấn đề đáng lo ngại khác mà Liên Hiệp Châu Âu phải đối mặt do cơn bão mang tên Trump. Le Monde trích lời kinh tế gia Nizard, thuộc công ty bảo hiểm quốc tế Coface, cho biết : "Đương nhiên Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính, nhưng điều này không có gì mới. Mặt khác, về phía các đối tác truyền thống, bao gồm cả Châu Âu, nền kinh tế có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất" nếu Trump thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ áp thuế 10 thậm chí là 20% với hàng hóa nhập khẩu. Hơn nữa, Châu Âu có thể cũng sẽ phải chịu các hệ quả gián tiếp khác từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nếu Trump áp thuế 60% với hàng hóa đến từ Trung Quốc, rõ ràng là Bắc Kinh sẽ phải tìm một thị trường khác để đổ tất cả số hàng sản xuất dư thừa của mình và Châu Âu hẳn sẽ là nơi Trung Quốc nhắm tới. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp Châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng đến từ hàng giá rẻ của Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể cũng sẽ giảm, kéo theo đó là việc xuất khẩu của Châu Âu, đặc biệt là Đức, sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng sẽ sụt giảm.
Và cuối cùng, một vấn đề không thể không kể tới đó là sự chia rẽ trong chính các thành viên Liên Âu. EU đang loay hoay tìm cách thống nhất lại một nội bộ đã bị phân cực sâu sắc, đặc biệt thể hiện rõ sau màn tái xuất với "đầy những hăm dọa" của Trump, là nhận định từ nhật báo La Croix. Bài viết được mở đầu bằng hàng loạt tính từ như "chán nản", "tuyệt vọng", "khủng khiếp" và thậm chí là "rùng rợn" để miêu tả bầu không khí u ám trong phiên họp Hội Đồng Châu Âu diễn ra hôm qua, 07/11 tại Hungary. Mục tiêu hàng đầu hiện nay của 27 nước là thông qua "Tuyên bố Budapest" về các hồ sơ như củng cố thị trường nội địa, hoàn thiện liên minh thị trường vốn hay tự chủ về mặt năng lượng, v.v. Tuy nhiên đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng và các thành viên có thể sẽ tiếp tục phải tranh cãi rất lâu để có thể tìm được tiếng nói chung, nhất là khi mà một số nước như Hungary hay Ý lại có lập trường khác biệt. Tổng thống Hungary Viktor Orban và thủ tướng Ý Giorgia Meloni được coi là những đồng minh cùng chí hướng với Trump và giữ mối quan hệ thân thiết với vị tân tổng thống. Nhà nghiên cứu Agathe Demarais bày tỏ lo ngại rằng : "Không loại trừ khả năng Trump sẽ sử dụng điều này để chia rẽ Châu Âu, chẳng hạn như bằng cách áp dụng thuế hải quan thấp hơn đối với hàng hóa đến từ Hungary và Ý".
Nga nửa mừng nửa lo
Nhật báo Le Monde nhận định việc Trump quay trở lại Nhà Trắng là một tin tuyệt vời cho tổng thống Nga Vladimir Putin vì tân tổng thống thứ 47 đã hứa sẽ không cho Kiev "một xu" nào nữa và ông sẽ chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine "trong vòng 24 giờ". Nhưng ta đều biết, việc chấm dứt này sẽ khiến người dân Ukraine, những người đã sống và chiến đấu trong suốt hơn 2 năm qua, phải nhượng lại 20-25% lãnh thổ của mình cho quân Nga. Đồng thời, theo Le Monde, với tình thế đó, Moskva sẽ tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các nước Liên Xô cũ như Georgia (Gruzia) hay Moldova và thậm chí tính đến việc xâm lược một nước vùng Baltic vì Le Figaro nhận định, Nga sẽ tận dụng cơ hội khi Mỹ không mấy mặn mà với tình hình ở lục địa già và cho rằng việc phòng thủ của Châu Âu sẽ là "chuyện của riêng Châu Âu".
Mặt khác, theo chuyên gia Alexandre Baunov tại viện nghiên cứu Carnegie được Le Figaro trích dẫn, thì đây không hoàn toàn là tin tốt với Putin vì "nếu Trump đề xuất được các điều khoản ngừng bắn, thì các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ không phải là những người duy nhất đau đầu. Những đề xuất cụ thể cũng sẽ đẩy Putin vào thế rất khó khăn." Theo ông, tổng thống Nga "không muốn một giải pháp hòa bình hay công bằng" vì Moskva đã bình phục sau những đòn trừng phạt kinh tế, lấy lại được niềm tin về quân sự. Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh tiêu hao này, "thời gian đang đứng về phía Nga", càng kéo dài thì Moskva lại càng chiếm ưu thế.
Trung Quốc đau đầu với cuộc chiến thương mại mới
Vậy còn với Trung Quốc thì sao ? Tin tức vị tỷ phú tái đắc cử khiến cho Bắc Kinh phần nào lo lắng vì họ sẽ phải đối mặt với cơn bão mang tên Trump một lần nữa. Le Monde nhắc lại rằng trước đó, khi trả lời phỏng vấn, tổng thống tương lai đã không ít lần đe dọa sẽ áp thuế hải quan 60% đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Ngân hàng UBS ước tính một biện pháp như vậy có thể làm giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. So với năm 2018, Bắc Kinh tin rằng mình đã có kinh nghiệm và được trang bị tốt hơn để đối phó với chiến tranh thương mại với Mỹ, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận rằng nước này sẽ bị hao tổn nhiều hơn nếu cuộc chiến này xảy ra lần nữa vì tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ cao gần gấp 3 lần so với những gì mà Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên cuộc chiến này còn phụ thuộc nhiều vào đội ngũ chính trị mà Trump sẽ thành lập trong thời gian tới. Bắc Kinh có thể sẽ phải đau đầu hơn nếu những cái tên như Robert Lighthizer, người đã kiến tạo cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trước đó, hay cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn kịch liệt phê phán sự tồn tại của đảng cộng sản, tham gia vào hàng ngũ này. Tuy nhiên theo Le Monde, nếu đó là Elon Musk, vị tỷ phú có công lớn góp phần vào chiến thắng của Trump, thì có thể tình thế sẽ không quá tăm tối cho Bắc Kinh, nhất là khi mà thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/3 doanh thu của Tesla và hãng này cũng xây dựng một nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải. Nhưng theo Le Figaro, dù ca ngợi Elon Musk là thiên tài, Donald Trump sẽ không để ông chủ tập đoàn Tesla có tên chính thức trong nội các. Nhưng rõ ràng là điều này không cấm cản Musk chiếm vị trí trung tâm trong chính quyền mới, và chính tân tổng thống cũng đã hứa sẽ để Elon Musk đứng đầu một uỷ ban đặc biệt chuyên trách về vấn đề tối ưu hóa bộ máy chính quyền của Hoa Kỳ.
Tương lai nào cho nước Mỹ ?
Việc Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đương nhiên gây ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất tới người dân Mỹ. Đầu tiên có thể kể tới các vấn đề sinh thái sẽ bị xem nhẹ. Le Monde ghi nhận những nhà hoạt động vì môi trường không giấu nổi sự lo lắng cực độ sau khi xem kết quả bầu cử tổng thống. Với họ, đó là một "đòn giáng mạnh", "một ngày đen tối", "một bước thụt lùi cho khí hậu và nền văn minh nhân loại", v.v. Donald Trump từng gọi các cảnh báo về biến đổi khí hậu là "một trong những trò lừa bịp lớn nhất mọi thời đại" để có cớ bãi bỏ hơn một trăm tiêu chuẩn môi trường được ban hành dưới thời Barack Obama và đưa Mỹ ra khỏi hiệp định Paris. Hơn nữa vẫn theo Le Monde, nhận được tiền tài trợ từ các tập đoàn dầu mỏ, Trump đã tuyên bố sẽ hồi sinh ồ ạt hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Theo chuyên gia Frances Colon, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiến bộ Hoa Kỳ, thì với việc Trump tái đắc cử, nước Mỹ "sẽ không thể thực hiện các biện pháp bổ sung cần thiết cũng như không thể duy trì tất cả các biện pháp hiện có" về việc giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó nhật báo công giáo La Croix thì đề cập đến vấn đề quyền của phụ nữ sẽ bị đe dọa thế nào trong 4 năm tới tại Mỹ. Theo giảng viên Claire Delahaye tại trường Gustave-Eiffel, nghiên cứu trong lĩnh vực phân biệt giới tại Hoa Kỳ, thì Donald Trump là một nhân vật bài nữ quyền. Chiến dịch của ông tôn vinh cái gọi là nam tính bá quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến quyền lực của đàn ông đối với phụ nữ hoặc đối với những người đàn ông khác bị coi là thấp kém hơn họ. Hơn nữa, việc Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng còn tạo ra rào cản lớn với các quyền phá thai của phụ nữ tại Mỹ. Vẫn theo chuyên gia Delahaye, vấn đề này được Trump sử dụng như một cơ hội chính trị để vận động những người Cơ đốc giáo bầu cho mình.
Dù đa số các báo Pháp mang theo cái nhìn khá tiêu cực trước viễn cảnh mà nước Mỹ sắp phải trải qua, nhưng không có nghĩa là ta nên bỏ qua những chấm sáng tích cực mà Trump mang tới, đặc biệt là về vấn đề kinh tế. Theo nhật báo tài chính Les Echos, việc vị tỷ phú quay trở lại Nhà Trắng sẽ thổi một làn gió tích cực cho các ngân hàng Mỹ. Chuyên gia kinh tế Benoit Valleaux nhấn mạnh các ngân hàng có thể được hưởng lợi từ việc kinh tế đất nước tăng trưởng cũng như được Trump nới lỏng các quy định trong lĩnh vực này.
Minh Phương