Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

18/01/2024

2. Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?

Cao Tuấn

Phần thứ hai

Cuộc chiến tại Ukraine nhìn trong chính trị của "thế chân vạc"

 

Như đã nói ở Phần thứ nhất, để hiểu đầy đủ chiến tranh Nga-Ukraine, cần phải đặt nó trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của 3 đại cường quốc là Mỹ, Tàu, Nga. Vậy, cái bối cảnh ấy gồm những điểm đáng lưu ý nào ?

 

uk1

Nga không phải là siêu cường nhưng "siêu" về những thứ khác. Ảnh minh họa : Người dân Ukraine đi trên đoạn đường tràn ngập xác chiến xa và xe quân sự Nga bị phá hủy ở Bucha ngày 6/4/2022. Ảnh : Chris McGrath / Getty images

"Siêu" nhưng không "siêu"

Mỹ, Tàu, Nga là 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vượt xa các nước khác. Mỹ là siêu cường. Tàu là siêu cường. Hai nước mạnh gần như toàn diện. Nga không phải là siêu cường nhưng Nga "siêu" về kho vũ khí nguyên tử lợi hại ; "siêu" về sản xuất và xuất cảng các loại vũ khí chiến tranh ; "siêu" về kỹ thuật thám hiểm không gian ; "siêu" về lãnh thổ rộng gần gấp đôi toàn thể Châu Âu ; "siêu" về năng lượng dầu hỏa và khí đốt ; "siêu" về tài nguyên thiên nhiên - vàng, bạc, sắt, đồng, chì, kẽm, uranium, than đá, đất, nước ; "siêu" vì là đang là quốc gia Châu Âu "hung hăng" nhất trên lục địa này ; "siêu" về hào quang là hậu thân của Liên Xô - có đạo lục quân mạnh nhất trong thế chiến 2, đã đánh bại đế quốc Nhật và nhất là đánh bại Đức Quốc Xã ; "siêu" về vị thế là một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mặt khác, Nga chỉ có 144 triệu dân so với 335 triệu của Mỹ, 1.420 triệu của Tàu. Tổng sản lượng GDP chỉ bằng 7% của Mỹ và 10% của Tàu tính theo hối suất chính thức (cao hơn một chút nếu tính theo mãi lực). Kinh tế của Nga trì trệ vì năng suất yếu, dân số giảm sút mỗi năm, sinh suất thấp hơn tử suất. Mức sống vào loại thấp nhất ở Châu Âu. Với những giới hạn này, Nga không có (vì không thể có) tham vọng làm bá chủ hay đệ nhất siêu cường như Mỹ hay Tàu mà Nga còn khó tiếp tục đứng độc lập trong thế chân vạc như hiện tại.

"Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo" không phải là độc quyền chiến lược của Tập Cận Bình

Trong tương lai, Nga có thể "phải" chọn ký hiệp ước chính thức làm đồng minh chiến lược của Tàu giúp Tàu lật đổ Mỹ và lên ngôi đệ nhất siêu cường với "rất nhiều quyền lợi" và "tột đỉnh vinh quang".

Nếu Mỹ chấp nhận thỏa mãn một số đòi hỏi tối thiểu của Nga, Nga cũng có thể chọn làm đồng minh chiến lược của Mỹ giúp Mỹ chặn không cho Tàu vươn lên nữa, đồng nghĩa giúp Mỹ duy trì nguyên trạng "Pax Americana". "Trong chính trị quốc tế không có bạn muôn đời, không có kể thù muôn kiếp mà chỉ có quyền lợi của quốc gia" và quyền lợi của… lãnh tụ !

Nếu Nga ký hiệp ước đồng minh quân sự dứt khoát đứng hẳn về một bên, Tàu hay Mỹ, thế giới sẽ không còn "chân vạc", chỉ có "lưỡng cực". Thế "lưỡng cực" có thể dẫn đến "nhất cực" nếu liên minh Tàu-Nga thắng Mỹ hoặc liên minh Mỹ-Nga buộc Tàu phải chịu bó tay. 

Lẽ tất nhiên, Nga sẽ cố duy trì "thế chân vạc" - cho đến khi không thể duy trì được nữa - để có "triều đình riêng một góc trời" và để khỏi rơi vào tình cảnh khốn quẫn "chồn, thỏ hết, chó săn chết" hay "được chim bẻ ná, được cá quăng nơm".

uk2

"Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo" không phải là độc quyền chiến lược của Tập Cận Bình . Ảnh minh họa : Thế chân vạc của 3 đại cường quân sự

"Diện" và "Điểm"

Mặc dù bị Tàu thách thức và cạnh tranh rất mạnh, Mỹ vẫn còn là đệ nhất siêu cường của thế giới. Cả Châu Âu và Châu Á đều cực kỳ quan trọng cho vị thế này của Mỹ. "Mất" Châu nào trước cũng làm Mỹ suy sụp. Suy sụp rất nhanh vì "mất" Châu này sẽ nhất thiết làm "mất" luôn cả Châu kia. 

Tại Châu Âu, đối thủ chính của Nga là Mỹ và đối thủ chính của Mỹ là Nga. Tuy nhiên Nga tự biết không đủ sức nên chiến lược của Nga không nhằm "hất" Mỹ khỏi Châu Âu. Nga chỉ đang tranh một chỗ đứng mà Nga nghĩ mình "xứng đáng" tại lục địa này. Sự khuấy động có phần hung hãn của Nga ở Châu Âu cũng không nhằm phục hồi Đế quốc cộng sản Xô Viết, một mục tiêu đã lỗi thời và vượt quá tầm tay, mà là những động thái của sách lược lấy "công" làm "thủ" trong tình cảnh "bất tiến, tắc thoái" của Nga - sau khi Liên Xô tan vỡ. Nước Nga hay Liên bang Nga, một mảnh vỡ lớn còn lại của Liên Xô, nếu không thật cứng cả đối nội và đối ngoại cũng sẽ vỡ thêm lần nữa thành những mảnh nhỏ hơn. Đó là nguy cơ có thật đối với Nga dù nhìn khách quan hay nhìn theo quan điểm của Putin. Tuy nhiên, cứng quá sẽ gặp phản ứng. Như "gieo gió thì gặt bão" - như nước Nga đang gặp "bão" ở Ukraine. Như chỗ đứng "xứng đáng" mà Nga muốn áp đặt tại Châu Âu đã và đang bị những đối thủ của Nga chống lại.

Tại Châu Á, đối thủ chính của Mỹ là Tàu và đối thủ chính của Tàu là Mỹ. Khác với Nga, Tàu có tham vọng vĩ đại hơn rất nhiều. Tàu ở thế công không phải thế thủ. Mặc dù bề ngoài mục tiêu của Tàu có vẻ khiêm tốn và chính đáng : "thâu hồi Đài Loan để giải quyết chuyện tranh chấp nội bộ nước Tàu, chấm dứt nội chiến, thống nhất tổ quốc". Tuy nhiên ai cũng thấy kết quả sẽ không dừng ở đấy. Một khi Đài Loan và Hoa lục hợp nhất thành một khối, thế trận ở Châu Á hoàn toàn đảo lộn. Vô cùng lợi cho Tàu. Vô cùng hại cho Mỹ.

Sự quan trọng của Đài Loan không chỉ là một hải đảo 36 ngàn cây số vuông, 24 triệu dân, thịnh vượng, tiên tiến mà còn ở vị trí chiến lược nằm án ngữ hải đạo huyết mạch nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vị trí chiến lược này của Đài Loan có giá trị được nhân lên gấp nhiều lần sau khi Tàu đã hoàn tất việc độc chiếm và quân sự hóa gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp sự phản đối vô vọng của Mỹ, đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới.

Đài Loan giống như một hàng không mẫu hạm khổng lồ, không bao giờ chìm, lợi hại gấp mấy chục lần tất cả các hàng không mẫu hạm của Mỹ gộp lại. 

"Mất" Đài Loan, sẽ đặt Nhật và Nam Hàn - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Châu Á, nơi Mỹ có căn cứ quân sự - trong tình trạng bị uy hiếp nghiêm trọng.

Con đường giao thương tiếp tế sinh tử trên biển cho 2 nước này có thể bị Tàu phong tỏa bất cứ lúc nào, cắt đứt dễ dàng như trở bàn tay. Thiếu dầu, thiếu khí đốt, thiếu phân bón, thiếu thực phẩm, thiếu gạo, thiếu nguyên liệu… gần 180 triệu người Nhật, người Hàn lúc ấy sẽ phải chọn giữa chết rét, chết đói và kéo cờ trắng. 

Mất Đài Loan là Mỹ mất Đông Bắc Á. Sự hiện diện vốn đã yếu ớt của Mỹ ở Đông Nam Á cũng cáo chung rất sớm.

Lấy Đài Loan như vậy, đối với Tàu, không phải chỉ để thống nhất tổ quốc như tuyên truyền và kích động người dân mà chủ yếu là nhằm trục xuất Mỹ ra khỏi Châu Á rồi thừa thắng xông lên thay thế Mỹ làm đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới.

Nói một cách khác, trên toàn thế giới, Tàu là địch thủ chính của Mỹ, không phải Nga. Thách đố lớn nhất của Mỹ nằm ở Châu Á, không phải Châu Âu. Đối với Mỹ, trận đấu Đài Loan ở Châu Á phải coi là "điểm", chiến trường Ukraine ở Châu Âu chỉ nên coi là "diện".

uk3

Sự quan trọng của Đài Loan không chỉ là một hải đảo 36 ngàn cây số vuông, 24 triệu dân, thịnh vượng, tiên tiến mà còn ở vị trí chiến lược nằm án ngữ hải đạo huyết mạch nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Địa Lợi là then chốt

Đương đầu với Tàu trên toàn cầu, Mỹ, nói chung, có một số lợi thế - nhiều đồng minh, nhiều căn cứ, nhiều hàng không mẫu hạm (tầu sân bay), nhiều bom nguyên tử và TẠM THỜI có thể in tiền đô la xài khắp thế giới, v.v. - nên vẫn được coi là siêu cường số 1, nhưng riêng ở Đông Á (gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á) thì Mỹ lại ở thế yếu vì không thể tập trung đủ lực lượng quân sự để đối phó với một địch thủ rất mạnh và có chiến lược tận dụng yếu tố ĐỊA LỢI, tức là "gần nhà" với khả năng huy động nhân, vật lực gần như vô giới hạn. Đài Loan là đấu trường tại một vùng địa lợi do Tàu chủ động chọn lựa vì tầm quan trọng chiến lược để, nếu thắng, sẽ mở ra một cuộc diện hoàn toàn mới có lợi cho Tàu. Nếu thắng, Tàu sẽ ở trong "thế chẻ tre" như Nhật sau trận Pearl Harbour, như Liên Xô sau Stalingrad.

Mỹ có thừa đầu đạn hạt nhân, thừa bom nguyên tử để tiêu diệt toàn bộ nước Tàu 19 lần. Tàu chỉ có đủ hạt nhân, nguyên tử đủ để tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ một lần. Nhưng 19 lần hay một lần, trong trường hợp này, khác nhau thế nào ? Ưu thế mà không hẳn là ưu thế.

Đồng minh trong "bộ tứ Kim Cương" (QUAD) của Mỹ chỉ có Nhật và Úc là "đáng tin cậy" còn Ấn Độ thì "khả nghi". Đáng tiếc, Nhật, Úc đều không phải là cường quốc quân sự. Nhật ngày nay không phải Nhật trong thế chiến thứ hai, cả về tinh thần lẫn sự chuẩn bị chiến tranh. Ấn Độ có vũ khí nguyên tử tạm đủ cho mục đích "gián chỉ" nhưng trong chiến tranh quy ước Ấn Độ ở dưới thấp, Tàu ở trên cao (Tây Tạng) nên Ấn Độ sợ chiến tranh với Tàu hơn là Tàu sợ chiến tranh với Ấn Độ. Đại quân của Ấn Độ vừa không có kinh nghiệm vừa không có khả năng "vạn lý trường chinh" vượt Hy Mã Lạp Sơn tiến vào sâu vào đất Tàu. Thêm nữa, người Ấn, theo đạo Bà La Môn, tin vào nhân quả, luân hồi không thích đánh nhau, chưa kể Tàu đã chuẩn bị sẵn cho Pakistan ngáng chân Ấn Độ. Khi "hữu sự", nhiều phần là Ấn Độ giữ thái độ "vô can".

Khối AUKUS (Australia-UK-US) phảng phất lá bài chủng tộc Anglo-Saxon nhưng New Zealand, Canada lại chọn đứng ngoài. AUKUS vừa trùng hợp với các tổ chức đồng minh khác của Mỹ vừa gây thêm chia rẽ nội bộ các nước đồng minh nên sẽ không có nhiều tác dụng. Trường hợp Pháp mới đây phản đối Úc hủy bỏ hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm của Pháp để mua tầu ngầm nguyên tử do Anh, Mỹ phối hợp cung cấp là một thí dụ.

Các nước Anh, Pháp, Đức nói riêng, các nước NATO Châu Âu nói chung cũng không có trọng lượng đáng kể ở vùng Đông Á. Chỉ đoàn kết miệng với Mỹ trong việc đối phó với sự bành trướng của Tàu. Khác Mỹ, vì lý do lịch sử, địa lý, tương quan lực lượng và cả thành kiến, các nước này cảm thấy mối nguy Nga gần gũi và hiển nhiên hơn mối nguy Tàu, chưa kể bị Tàu dùng tiền hay các lợi ích kinh tế để mua chuộc và phân hóa. Chiến thuật "đi đêm" hay "đối tác song phương" với từng nước Châu Âu xem ra khá hiệu quả với Tàu.

Kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan… cho thấy Mỹ, trên lý thuyết, có khá nhiều đồng minh nhưng thực tế là Mỹ luôn luôn phải đảm đương 90% hay 95% gánh nặng của các cuộc chiến tranh mà Mỹ dẫn đầu.

Nếu xung đột quân sự Mỹ - Tàu bùng nổ lần này, Mỹ cũng chỉ có thể trông cậy vào… Mỹ, khó có thể trông cậy vào các ông "thợ vịn" đồng minh - bất kể Âu hay Á.

Như vậy vấn đề là Mỹ còn đủ mạnh hay không ? Nhất là một nửa nước Mỹ lại cầu mong nửa kia bị thua kẻ thù của nước Mỹ cho… bõ ghét hoặc cho "phe ta" thừa dịp "mượn gió bẻ măng" lên nắm chính quyền.

Ai "thượng phong" và ai "hạ phong" ?

Nếu chiến tranh quy ước xẩy ra ở Đông Á, hỏa lực của Tàu, sau nhiều năm "canh tân", "hiện đại hóa", "thao quang dưỡng hối", có thể không kém gì Mỹ hoặc giả sử còn kém hơn Mỹ một chút về phẩm chất nhưng lại hơn hẳn Mỹ về số lượng trong đấu trường Đông Á.

Mỹ, từ lâu, được xem là có ưu thế về Hải quân và Không quân nhưng Lục quân không địch lại bộ binh đông như kiến của Tàu. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) Mỹ và 15 nước đồng minh như Anh, Pháp, Canada, Turkey, Netherland, Australia, Thái Lan, Phi Luật Tân, Bỉ, Hy Lạp… đã kinh nghiệm xương máu về chiến thuật "biển người" của Tàu. Sau 3 năm chinh chiến, chính Mỹ đã chủ động đề nghị ngưng bắn để thương thuyết chứ không phải nước Tàu "khố rách áo ôm" của những ngày xa xưa ấy. 

Tàu mất một triệu quân chẳng hề hấn gì, Mỹ mất 100 ngàn quân thì Tổng thống Mỹ bay chức. Trong chiến tranh, Dân chủ thất thế trước Độc tài ở điểm chiến lược này.

Nếu bây giờ chiến tranh Mỹ-Tàu bùng nổ và mở rộng thì ngay cả (giả sử) các nước Đông Nam Á đều chọn đứng về phía Mỹ, Mỹ cũng chỉ có thể miễn cưỡng bảo vệ được các quốc gia hải đảo như Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei nhưng chỉ có thể chống mắt đứng nhìn quân Tàu tràn ngập 7 nước Đông Nam Á còn lại là Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Lào, Cao Miên. Các nước này đều quá yếu so với Tàu về mọi phương diện và là một cái gánh quá nặng cho Mỹ cưu mang. Đông Nam Á, nơi cư trú của hơn 40 triệu "Hoa kiều hải ngoại" đang kiểm soát 80% kinh tế toàn vùng, đúng là sân sau của Tàu trong khi cách xa Mỹ nửa vòng trái đất. Tàu có thể đưa 3 triệu quân đến chiến trường trong vòng một tháng, Mỹ cần 2 năm. Nước xa không cứu được lửa gần !

10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải quân, Không quân với Tàu chắc chắn Mỹ thắng, bây giờ thì không chắc chắn nữa, nhất là đụng độ trong vùng tranh chấp Đài Loan nơi Mỹ đã mất hết các căn cứ quân sự lân cận trong vùng như Cam Ranh, Long Bình, Pattaya, Utapao, Clark, Subic Bay… sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lực lượng đồn trú của Mỹ tại Nhật và Nam Hàn không đủ để đối phó với thế trận của Tàu ngoài ra chính những căn cứ này cũng có thể bị uy hiếp vì nằm trong tầm tác xạ hỏa tiễn tầm trung của Tàu. 

uk4

10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải quân, Không quân với Tàu chắc chắn Mỹ thắng - Ảnh minh họa : Sơ đồ căn cứ quân sự Mỹ bao quanh Tàu vòng đai 1 và vòng đai 2

Tàu đã quân sự hóa Biển Đông với một tốc độ chóng mặt, công khai, chẳng còn thấy cần cải chính khi bị tố cáo – lấp biển làm thêm đảo nhân tạo, xây phi trường cho chiến đấu cơ, lập vùng nhận dạng phòng không, thiết lập các dàn hỏa tiễn, đối hạm, phòng không, các căn cứ hải quân, căn cứ tầu ngầm, cơ sở quân sự, hành chánh đủ loại, tuần tiễu, tuần tra đêm ngày, trên trời dưới nước… phối hợp các căn cứ này với các căn cứ ở đảo Hải Nam, các căn cứ trên đất liền dọc duyên hải Trung Hoa suốt từ Mãn Châu xuống Quảng Đông làm thành một hệ thống quân sự chặt chẽ, chằng chịt, liên hoàn. Một thế trận lợi hại cho cuộc thư hùng quyết định ai sẽ là đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới đã được Đảng cộng sản Tàu chuẩn bị cẩn thận trong mấy chục năm, từ thuở "ẩn mình chờ thời" cho đến khi "đối thủ biết được ý định thực của ta thì đã muộn".

Mang lực lượng từ xa đến, đối với Mỹ, có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn vì thiếu căn cứ, Mỹ phải trông cậy chủ yếu vào hơn chục hàng không mẫu hạm. Nhưng dù tối tân đến đâu các Tàu sân bay này cũng có kích thước quá lớn và di chuyển quá chậm nên dễ làm mục tiêu cho các loại tên lửa đạn đạo, hỏa tiễn di chuyển bằng vận tốc âm thanh, hướng dẫn bằng radar hay vệ tinh và gắn khối chất nổ khổng lồ. Chẳng hạn như các loại hỏa tiễn Đông Phong DF-21, DF-26 của Tàu có tầm bắn xa hàng ngàn cây số đã được trình diễn trong cuộc diễn binh vĩ đại ở Bắc Kinh năm 2015. Câu hỏi quan trọng là : Tàu đã sản xuất được bao nhiêu hỏa tiễn như thế ? Và độ chính xác thế nào ? Nếu Mỹ không biết hay chưa biết thì Mỹ có định mang các hàng không mẫu hạm trị giá từ 10 đến 20 tỉ đô la đến eo biển Đài Loan để thử sức với những hỏa tiễn của Tàu chỉ có giá một vài triệu hay không ?

Nếu không, làm sao bảo vệ Đài Loan và các đồng minh trong vùng ? 

Lực lượng hỏa tiễn đối không và đối hạm cùng các dàn cao xạ dầy đặc của Tàu đợi B52 của Mỹ xuất hiện còn được phối hợp với 2, 3 ngàn phi cơ xung kích sẵn sàng cất cánh từ các phi trường gần biển kể cả những phi trường tân lập trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và phối hợp cả với những đội tầu ngầm quanh quẩn trong vùng…

Sự bố trí quân sự của Tàu tại Biển Đông và miền duyên hải Trung Hoa nói chung chuẩn bị cho cả 2 trường hợp. 

Trường hợp 1 (tối hảo) không cần bắn một phát súng : Mỹ thấy thế trận quân sự của Tàu bầy ra Mỹ không phá nổi, đành phải rút lực lượng, có ký giấy hay không. "Bất chiến tự nhiên thành" của Tôn Tử !

Trường hợp 2 : Chiến tranh bùng nổ, Tàu thắng, Mỹ triệt thoái quân sự khỏi Châu Á, có ký giấy hay không. 

Dĩ nhiên đối với Tàu Trường hợp 1 tốt hơn hẳn, không sứt mẻ, lại không bị rủi ro chiến tranh nguyên tử và có thể nó chính là phương án mà Tàu đang thực hiện "chậm rãi nhưng chắc chắn" để "bức hàng" cả Đài Loan và Mỹ.

Mỹ tất nhiên cũng rất muốn "bất chiến tự nhiên thành" giống như Tàu – "Win Without Fighting" hay "ta không cần đánh mà người chịu khuất" - nhưng Mỹ bị giới hạn và bất lợi rất nhiều mặt nên ngay cả một thế trận "trung bình", "coi được" mà các chiến lược gia của Mỹ đang cố gắng sắp xếp một cách lúng túng như "QUAD", như "AUKUS", như "Five eyes" để đối phó với thế trận của Tàu có thể cũng không hiện thực - trừ khi có một "sáng kiến chiến lược" với tầm cỡ… "Kissinger bí mật đi Tàu năm 1971" thì mới mong Tập Cận Bình phải chịu bó tay.

Cao Tuấn

(02/04/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Tuấn
Read 1930 times

5 comments

  • Comment Link Bùi Quang Lưu mercredi, 26 avril 2023 11:56 posted by Bùi Quang Lưu

    Bình luận của tôi là để bày tỏ cảm nghĩ đối với các bài viết của tác giả Cao Tuấn, có sự so sánh với các tác giả khác trong đó có nhắc đến ông Nguyễn Gia Kiểng (NGK), vì thế mới có sự hơi lạc đề! Đã lỡ lạc đề thì cũng nên nói thêm cho rõ : Chuyện nhầm lẫn mà tôi đề cập đến không phải là trong TỔ QUỐC ĂN NĂN mà là trong một bài viết gần đây của ông NGK trên thongluan-rdp.org. Tôi không nhớ rõ lắm nội dung của bài này, vã chăng chức năng tìm bài viết của thongluan-rdp.org không tốt lắm nên tôi chưa tìm ra. Tôi có bình luận ngay tại bài này và có đề nghị ông NGK đích thân trả lời. Rất tiếc là bình luận của tôi đã không được đăng!
    Ông Hồ có đọc TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN hay không thì tôi không biết, có điều lý do ông Hồ vui mừng khi đọc LUẬN CƯƠNG VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ THUỘC ĐỊA của Lénine là vì lúc bấy giờ nhìn kết quả của các cuộc kháng chiến chống thực dân đã thất bại và theo phân tích của ông Hồ thì muốn thành công trong việc giành độc lập dân tộc thì phải cần sự giúp đỡ của một cường quốc khác. Trong bài luận cương đó Lénine chủ trương nước Nga Xô viết sẽ giúp đỡ các dân tộc thuộc địa thoát khỏi ách thống trị của các đế quốc thực dân. Ông Hồ vui mừng vì tìm thấy câu trả lời cho vấn đề bế tắc bấy lâu nay. Sau này ông Hồ có nói là : Quốc tế Hai, Quốc tế Ba hay Quốc tế Hai rưỡi cũng được, Quốc tế nào bênh vực các dân tộc thuộc địa thì ông ủng hộ. Thành thử nhầm lẫn giữa hai văn kiện đó là có sự khác biệt rất lớn trong việc mô tả con người ông Hồ! Tôi nghĩ một người tầm cỡ lý thuyết gia, tư tưởng gia như ông Nguyễn Gia Kiểng không nên phạm sai lầm như vậy. Còn tác giả cho rằng ông Hồ “binh bất yểm trá” thì làm chính trị ai mà chẳng thế, với lại ông Hồ làm gì được gặp Roosevelt? Sau này ông có viết thư cho Truman kêu gọi Mỹ ủng hộ độc lập của VN nhưng không được trả lời và có lẽ thư của ông cũng không được đọc?
    Trước đây tôi không thấy ông NGK thiên kiến một chiều, chống cộng đơn thuần. Chỉ sau này thôi, có lẽ từ khi TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN bị phân hóa? Thí dụ ông cũng viết nhiều bài về chiến tranh Ukraine, trong đó toàn thấy ông đổ hết xấu xa và tội lỗi lên đầu Putine và nước Nga, thậm chí ông gọi là “tên côn đồ Putine”. Như vậy có phải là thiên kiến một chiều không?
    Tác giả Cao Tuấn thì theo nhận định của tôi có quan điểm khá gần với Giáo Sư John Mearsheimer. Cựu ngoại trưởng Kissinger cũng từng nói là ông không tán đồng ý kiến cho rằng Putine muốn lấy lại những gì Liên bang Xô viết đã mất từ năm 1989. Ngay cả Giáo Hoàng Francis cũng cho rằng cuộc chiến Ukraine kéo dài là do toan tính của nhiều cường quốc chứ không phải chỉ do nước Nga, trước đó Giáo hoàng cũng nhận xét Nato muốn kết nạp Ukraine là đến sủa ngay trước cửa nước Nga, làm sao Nga chịu được? Các vị ấy chắc không ai cho rằng họ “thân Nga”?
    Tôi thấy trao đổi như thế cũng tạm đủ rồi. Tôi không muốn làm mất thì giờ của tác giả Cao Tuấn. Tôi mong là tác giả dành thì giờ để viết thêm nhiều bài. Mỗi lần vào thongluan-rdp.org tôi đều chú ý tìm đọc bài của ông.

  • Comment Link Cao Tuấn mardi, 25 avril 2023 05:55 posted by Cao Tuấn

    Tôi không nghĩ ông Nguyễn Gia Kiểng và THDCĐN “thiên kiến một chiều, chống cộng đơn thuần”. Họ tranh đấu chống mọi thứ độc tài - độc tài cá nhân, độc tài đảng trị, độc tài tả phái, độc tài hữu phái, họ muốn xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên, thượng tôn luật pháp, thực hiện một xã hội công bằng , nhân ái, anh em tìm lại…Họ rất bền bỉ, năm này qua năm khác. Nếu không có niềm tin thành thực thì đã bỏ cuộc lâu rồi.

    Về “những nhầm lẫn nghiêm trọng” trong tác phẩm của ông Kiểng, xin mạn phép đề nghị ông Lưu viết hẳn một bài phê bình đầy đủ có dẫn chứng để tác giả trả lời. Tôi cũng đọc Tổ Quốc Ăn Năn đã lâu nên không nhớ chi tiết, chỉ nhớ đại thể. Tôi nhìn thấy thiện chí, thông điệp của của người viết. Tôi thấy ông Kiểng có cùng “khảo hướng” với ông Bá Dương trong tác phẩm “Người Trung Quốc Xấu Xí” - viết mạnh, gây xúc động để động viên đồng bào của mình làm tốt hơn cho chính bản thân, cho xã hội, cho dân tộc. Một quyển sách mấy trăm trang, nhiều chi tiết, khó tránh được có chỗ nhầm lẫn. Tuy nhiên, với người này, một nhầm lẫn nào đó là nghiêm trọng, với người khác thì không đáng kể. Tôi không nhớ ông Kiểng viết ông Hồ vui mừng trong trường hợp nào - đọc Lenine (thì vui mừng nhiều) hay đọc Marx (thì vui mừng ít) - nhưng điều này có làm ông Hồ thay đổi gì đâu. Ông Hồ vẫn là ông Hồ - một nhân vật thuộc loại “binh bất yếm trá”, không bao giờ nổi tiếng vì sự thành thật. Với Roosevelt ông nói ông là “người quốc gia yêu nước 100%”, với Stalin ông là “người cộng sản trung kiên cũng 100%”…

    Tôi xin lỗi đã miên man đi quá xa mà quên rằng chúng ta đang ở trong đề tài chiến tranh Nga-Ukraine. Có lẽ nên bàn về sự lãnh đạo của THDCĐN trong một trường hợp khác cho “đúng người, đúng việc”.

  • Comment Link Bùi Quang Lưu dimanche, 23 avril 2023 02:23 posted by Bùi Quang Lưu

    Đối với ông Nguyễn Gia Kiểng thì trước đây tôi cũng có phần mến mộ. Tôi đã đọc hết cuốn TỔ QUỐC ĂN NĂN từ lâu và nhiều bài khác của ông. Nhưng gần đây tôi cảm thấy thất vọng vì các bài ông viết có vẻ thiên kiếng một chiều, chống cộng dơn thuần và có những nhầm lẫn nghiêm trọng như viết là ông Hồ vui mừng khi đọc TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN. Theo chỗ tôi biết thì văn kiện mà ông Hồ đọc và vui mừng là LUẬN CƯƠNG VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ THUỘC ĐỊA của Lénine. Tôi nói thế có gì sai không? Nếu có thì giờ và hứng thú thì xin tác giả Cao Tuấn cho ý kiến!

  • Comment Link Cao Tuấn mardi, 18 avril 2023 22:51 posted by Cao Tuấn

    Tôi quả thực không dám nhận lời khen của ông Bùi Quang Lưu. Chỉ nghĩ gì viết nấy, nếu trật nhiều hơn trúng thì buồn, trúng nhiều hơn trật thì mừng. Ngoài ra, xin được góp ý thêm:
    * Theo tôi biết thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không theo “lãnh tụ chế”. Ông Nguyễn Gia Kiểng có chức vụ chính thức “vác ngà voi” là “Thường Trực Ban Lãnh Đạo”. Vác ngà voi rất vất vả không mấy người chịu nổi vậy mà Ông chịu vác từ lúc còn rất trẻ đến lúc rất già. Chỉ riêng điều này thôi, tôi cũng thấy là đáng phục.
    * Còn đáng nể hơn nữa, dưới “lãnh đạo vác ngà voi” ấy, Tập Hợp rất nghiêm chỉnh thực thi Dân Chủ Đa Nguyên : “Trong Tập Hợp không có những ý kiến cấm nêu ra và cũng không có những đề tài cấm bàn đến” và mở rộng nguyên tắc này cho tất cả mọi người, kể cả người Cộng Sản. Miễn là “đối thoại” đàng hoàng, đứng đắn. Nếu ông Võ Văn Thưởng quả thực muốn đối thoại như ông tuyên bố lúc còn làm Trưởng Ban Tuyên Giáo của đảng CSVN thì Ông sẽ rất được hoan nghênh trên Thông Luận, cơ quan Ngôn Luận của THDCĐN. Tất nhiên, Thông Luận cũng dành không gian để ông Bùi Quang Lưu phát biểu ý kiến đầy đủ bất kể Ông thuộc khuynh hướng tư tưởng nào. Ông cứ việc nói thẳng và nói hết. Không ai kiểm duyệt ai cả.
    *Trong khi người khác muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, ông Kiểng phải thận trọng hơn vì Ông ở vị trí “Thường Trực Ban Lãnh Đạo”. Đường xa, người khác có thể mất kiên nhẫn, có thể nản lòng nhưng Ông phải làm người giữ lửa : Dân Chủ Tự Do sẽ thắng, Độc Tài Chuyên Chế sẽ bại. Ông Kiểng “giữ lửa” với niềm tin của chính ông. Nếu Ông không làm, thì ai làm?

  • Comment Link Bùi Quang Lưu jeudi, 06 avril 2023 11:08 posted by Bùi Quang Lưu

    Tôi thấy tác giả Cao Tuấn là người duy nhất trong thongluan-rdp có kiến thức sâu rộng và cái nhìn toàn diện, không thiên lệch về tình hình thế giới.
    Còn các tác giả khác thì toàn chỉ thấy 2 màu trắng đen, kể cả và nhất là ông Thủ lĩnh Nguyễn Gia Kiểng. Những bài của các vị này chưa đọc đã biết nội dung : phe ta dân chủ tự do chắc chắn sẽ thắng, phe địch chuyên chế độc tài chắc chắn sẽ thua!
    Vậy tác giả Cao Tuấn có vẻ là người đa nguyên duy nhất trong site này?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)