Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/07/2017

Donald Trump sang Châu Âu trong thế yếu

Tổng hợp

Tổng thống Mỹ mở chuyến công du Châu Âu lần thứ hai (RFI, 05/07/2017)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay, 05/07/2017, lên đường đi công du Châu Âu lần thứ hai, với chặng đầu tiên là Ba Lan, sau đó là Đức, nơi mà ông sẽ lần đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Hambourg.

g201

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên phi cơ Air Force One, sân bay Morristown, New Jersey, 03/06/2017. REUTERS/Yuri Gripas

Chiếc chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Trump đáp xuống Warsawa vào tối nay và theo dự kiến ngày mai ông sẽ gặp tổng thống Andrzej Duda, rồi đọc một bài diễn văn quan trọng tại thủ đô nước này để trình bày về quan hệ giữa Mỹ với Châu Âu.

Sau khi họp với các lãnh đạo Ba Lan và Croatia tại Warsawa ngày mai, ông Donald Trump sẽ đến Hambourg để họp song phương với thủ tướng Đức Angela Merkel. Thứ Sáu, 07/07, nguyên thủ Mỹ lần đầu tiên gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, một cuộc gặp được chờ đợi từ lâu.

Bên lề thượng đỉnh nhóm G20, diễn ra trong hai ngày 7 và 8/07, tổng thống Mỹ cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với các lãnh đạo Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Mêhicô, Singapore và Indonesia.

Trọng tâm các cuộc hội đàm giữa tổng thống Trump với các lãnh đạo khác, đặc biệt là với tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hambourg, sẽ là Bắc Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng bắn thử một tên lửa liên lục địa hôm qua. Riêng với tổng thống Putin, ông Trump sẽ đề cập đến hai hồ sơ Syria và Ukraina.

Thanh Phương

*****************

Nguyên thủ, lãnh đạo các nước lên đường dự thượng đỉnh G20 (RFA, 05/07/2017)

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ bắt đầu vào thứ sáu, 7/7/2017, tới đây tại thành phố Hamburg nước Đức.

g202

Ảnh phản đối có hình ông Trump (trái), ông Putin (phải), và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Erdogan (giữa), trước một ngôi nhà tại Hamburg, Đức. 5/7/2017. Dòng chữ tiếng Đức ghi : Cảnh sát khắp nơi, nhưng không có công lý. AFP

Nhiều vấn đề hóc búa sẽ được bàn luận tại kỳ họp này như là vấn đề thử nghiệm vũ khí của Bắc Hàn, vấn đề biến đổi khí hậu, và chuyện tranh chấp thương mại toàn cầu.

Mỹ đang đổ lỗi cho Đức và Trung Quốc trong việc thâm thụt cán cân mậu dịch với hai nước này.

Trong lúc đó thì Châu Âu đang lo ngại áp lực từ nước Nga đang muốn tái khẳng định vị trí siêu cường thế giới của Liên Xô thời chiến tranh lạnh.

Bên Châu Á thì Trung Quốc cũng đang mạnh mẽ vươn lên thách thức quyền lực của Hoa Kỳ và phương Tây tại Châu Á.

Nhưng đỉnh điểm của thượng đỉnh G20 lần này sẽ là cuộc giáp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ, ông Donald Trump và ông Vladimir Putin. Cuộc gặp này diễn ra giữa lúc tại Mỹ đang có cuộc điều tra cáo buộc là ông Donald Trump đã nhận sự giúp đỡ của các tin tặc Nga trong lần thắng cử tổng thống vừa qua.

20 ngàn cảnh sát sẽ được triển khai để giữ gìn an ninh trật tự. Bên cạnh đó các nhóm hoạt động chống chủ nghĩa tư bản cũng ráo riết hoạt động với khẩu hiệu G20, chào mừng đến địa ngục.

G20 gồm có các 7 quốc gia đã công nghiệp hóa là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Ý, Canada, những quốc gia mới nổi là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia, Hàn Quốc, Nam Phi, Ả Rập Saudi, Mexico, Úc, và Cộng đồng Châu Âu.

Ông thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham gia thượng đỉnh G20 kỳ này ở Đức.

********************

Nhiều trở ngại chờ đón Trump trong chuyến công du Châu Âu lần thứ hai (RFI, 05/07/2017)

g203

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các binh sĩ Hoa Kỳ, căn cứ không quân Sigonella, Sicilia, Ý, 27/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst

Hôm 05/07/2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến công du thứ hai của ông đến Châu Âu, sau chuyến đi đầu tiên đến lục địa này vào tháng 5 vừa qua. Chuyến đi đầu tiên đó đã cho thấy vẫn có sự nghi kỵ giữa hai bờ Đại Tây Dương, cho nên trong chuyến công du lần này, tổng thống Trump sẽ phải cố gắng xóa tan sự nghi kỵ đó.

Khi phát biểu công khai, các lãnh đạo Châu Âu đều khẳng định quan hệ Mỹ-Âu là "không gì lay chuyển" và mang tính "thiết yếu". Nhưng khi nói chuyện riêng, ai cũng lo lắng, không biết mối quan hệ này sẽ đi về đâu trong 4 năm hoặc 8 năm ông Donald Trump ở Nhà Trắng.

Tại Ba Lan, chắc là tổng thống Mỹ sẽ được giới lãnh đạo nước này đón tiếp rất nồng nhiệt, vì chính phủ bảo thủ của Warsawa có chính sách gần giống với chính sách của ông Trump. Theo nhà phân tích Piotr Buras, thuộc Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Đối Ngoại, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, sau chuyến đi tệ hại đến Bruxelles (dự thượng đỉnh NATO) và Taormina (dự thượng đỉnh G7), "những hình ảnh tươi cười với các lãnh đạo Châu Âu và những đám đông hưởng ứng nhiệt liệt bài diễn văn của ông có thể sẽ giúp cải thiện hình ảnh của ông".

Đáp lại sự đón tiếp nồng nhiệt của các lãnh đạo Ba Lan, tổng thống Trump sẽ bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ, đề cập đến việc triển khai lực lượng Mỹ tại nước này và việc cung cấp khí đốt hóa lỏng của Mỹ cho Ba Lan, bắt đầu từ tháng 6. Đối với Nhà Trắng, việc cung cấp khí đốt là một biện pháp để giảm bớt khả năng của Nga dùng nhiên liệu như là công cụ gây áp lực lên Ba Lan.

Cho dù Warsawa là chặng dễ dàng nhất, chặng này không hẳn là không có những trở ngại đối với một vị tổng thống thường có những phát biểu và hành vi chẳng mang tính ngoại giao chút nào. Ba Lan sẽ chăm chú nghe tổng thống Trump nói gì về cam kết của ông bảo đảm an ninh Châu Âu.

Cũng như nhiều nước láng giềng, Ba Lan vẫn xem NATO và quy định tương trợ phòng thủ của khối này là yếu tố răn đe mạnh mẽ trước mối đe dọa từ nước Nga. Mặc dù tổng thống Trump tuyên bố ông vẫn gắn bó với nguyên tắc "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", ông vẫn liên tục chỉ trích các đồng minh Châu Âu là dành quá ít tiền cho ngân sách quốc phòng.

Các nước Châu Âu khác thì sẽ đặc biệt chú ý đến thái độ của tổng thống Mỹ đối với các lãnh đạo của đảng cầm quyền Luật Pháp và Công Lý, bị phe đối lập Ba Lan tố cáo là đang làm suy yếu Nhà nước pháp quyền và xem thường các giá trị của Châu Âu. Bruxelles hiện cũng đang tiến hành một thủ tục pháp lý với Warsawa, vì Ba Lan từ chối đón tiếp người tị nạn. Nếu ủng hộ lập trường của chính phủ Ba Lan, tổng thống Trump có thể sẽ bị chỉ trích là gây bất hòa ở Châu Âu, như tổng thống George W. Bush đã từng gây bất hòa trong thời gian chiến tranh Iraq.

Cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Putin là một thách thức khác đối với ông Trump, vào lúc mà nhiều nhân vật thân cận với ông đang bị điều tra trong nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái. Chính các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đã kết luận rằng Matxcơva đã tìm cách gây ảnh hưởng lên cử tri Mỹ để ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử tổng thống.

Ngay cả cái bắt tay giữa nhà tỷ phú New York với chủ nhân điện Kremlin kiêm võ sĩ nhu đạo cũng sẽ được báo chí chăm chú quan sát, ghi hình, bàn tán và không chừng sẽ phản tác dụng đối với ông.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)