Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/08/2023

Biển Baltic đang trở thành nhược điểm trong chiến lược đối phó với NATO của Nga

RFI tiếng Việt

Nga phải thị uy tránh để Biển Baltic biến thành "ao nhà" của NATO. Vào lúc đang tập trung nỗ lực quân sự trên mặt trận Ukraine, Moskva thông báo bắt đầu cuộc tập trận Ocean Shield - Lá Chắn Đại Dương - từ hôm 02/08/2023, huy động 30 tàu chiến, 20 tàu tiếp liệu, 30 máy bay và khoảng 6.000 quân nhân cho 200 bài tập quân sự vì "nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia". Biển Baltic phải chăng đã là "mặt trận mới" giữa Nga và NATO ?

baltic1

Các tàu chiến của NATO neo đậu tại Tallinn, Estonia, ngày 03/06/2023. AP - Sergei Grits

Nga càng lúc càng cảm thấy bị "bao vây" ở Biển Baltic, một vùng biển gần như khép kín, tấp nập tàu bè qua lại, với trạm trung chuyển thiết yếu về năng lượng cho khu vực từ Bắc đến Đông Âu. Phần Lan vừa gia nhập NATO còn Thụy Điển thì sắp chính thức được kết nạp vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Trong bối cảnh căng thẳng vì chiến tranh Ukraine hiện nay, Nga lại càng có nhiều lý do để thị uy ở Biển Baltic.

Đầu tiên hết là thế cô lập của Nga : Khác hẳn với thời kỳ Liên Xô trước kia, Ba Lan, cũng như ba quốc gia trong vùng Baltic, Estonia, Litva và Latvia ngày này không còn nằm trong quỹ đạo của Moskva. Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức) đã bị khai tử từ khi nước Đức thống nhất. Điện Kremlin giờ đây cũng không còn có thể trông cậy vào "thế trung lập" của hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan. Nga chỉ còn có một cửa ngõ ra Biển Baltic là Kaliningrad, hơn 15.000 cây số vuông và khoảng 1 triệu dân.

Lý do thứ hai, là từ tháng 2/2022 khi đưa quân xâm chiếm Ukraine các mối liên hệ về kinh tế gắn kết Moskva với các đối tác phương Tây - kể cả các nước Đông Âu, đã mai một dần khi mà từ Ba Lan đến Latvia, từ Đức đến Hà Lan đều đã từng bước "cai nghiện" dầu khí của các tập đoàn Nga. Các nước Bắc Âu đồng thời đẩy mạnh các "nhà máy" điện gió ở ngoài khơi. Đường ống dẫn khí đốt của Nga Nord Stream 1 và 2 gần như bị "tê liệt" hoàn toàn. Các thành viên NATO đã liên tục tăng cường các hoạt động giám sát vì lý do an ninh, đề phòng "nguy cơ các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hoại". Từ trước khi được chính thức kết nạp vào NATO, vì lý do an ninh quốc gia, Thụy Điển đã tăng cường đáng kể lực lượng hải quân…

Tất cả những yếu tố đó càng khiếm Moskva "khó chịu". Không chỉ có thế. Khi nhìn vào bản đồ người ta nhận thấy ngay là trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO, Kaliningrad, Saint Petersburg và Murmansk - ba trong số 7 hải cảng lớn nhất của Nga rất dễ bị tê liệt.

Một vài tháng nữa khi mà Stockholm tham gia Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đảo Gotland của Thụy Điển nằm giữa Biển Baltic, lại càng trở nên "lợi hại"  bởi vì "kiểm soát được đảo này là kiểm soát được hai hành lang giao thông đường biển và đường hàng không" xuất phát từ Nga. Hơn thế nữa "những lợi thế từ trước đến nay mà Moskva có được nhờ làm chủ Kaliningrad sẽ không còn tồn tại" như ghi nhận của nhà nghiên cứu Eoin McNamara, Viện Đối ngoại Phần Lan.

Theo ông Esben Salling Larsen, thuộc bộ chỉ huy liên quân Đan Mạch, "Nga đương nhiên vẫn có thể đe dọa các trục liên lạc" của phương Tây nhưng nhờ làm chủ đảo Gotland của Thụy Điển, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ có thêm "rất nhiều phương tiện để can thiệp trong khu vực này" và nhất là trong trường hợp cần "cứu viện các nước trong vùng Baltic".

Cuối cùng, thêm một yếu tố khác mà các nhà quân sự ở Moskva đã trông thấy, đó là một khi gia nhập NATO, chiến lược phòng thủ của các thành viên trong liên minh cũng đã thay đổi. Đan Mạch chẳng hạn không còn chỉ tập trung phòng thủ ở biên giới phía Nam, mà Copenhagen đã ý thức được rằng, an ninh quốc gia sẽ được tăng cường nhờ các chiến dịch quân sự "ở hải ngoại" qua các cuộc can thiệp từ ở Afghanistan đến Iraq. 

Giáo sư Hakan Edstrom trường quân sự Thụy Điển, đã nhắc lại rằng, gần đây Đan Mạch đã điều quân sang hỗ trợ các nước trong vùng Baltic. Phần Lan, quốc gia có đường biên giới rất dài với nước Nga tự đặt mình vào thế một quốc gia "trung gian" nhận viện trợ quân sự. Theo vị giáo sư này, Thụy Điển rồi đây cũng sẽ đi theo con đường đó. 

Từ khi Liên Xô sụp đổ, đã có lúc Biển Baltic - từng được coi là một vùng đặc quyền của Moskva - trở thành một vùng biển của "Hòa Bình" khi nhiều nước trong vùng tưởng chừng Nga không còn là một mối đe dọa. Bản thân Thụy Điển đã giảm thiểu các khả năng phòng thủ. Nhưng từ khi Nga đưa quân xâm chiếm Georgia năm 2008 và nhất là khi chiếm đoạt bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 thì Stockholm đã "giật mình" và thay đổi chiến lược. 

Nếu như giới quan sát cho rằng, không hay ho gì khi biến Biển Baltic thành vùng biển của NATO - và các quyền tự do hàng hải ở khu vực này cần phải được bảo đảm cho tất cả các bên, nhưng chỉ nội việc tất cả các quốc gia bao quanh Biển Baltic đều là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng đủ để Nga "cảnh giác cao độ" và đó là cái giá mà Moskva phải trả khi đưa quân xâm chiếm Ukraine. 

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 143 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)