Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/08/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine : Các dân biểu thân Nga vẫn an nhiên tự tại

RFI tiếng Việt

Lộ mặt thật sau cuộc xâm lăng, các dân biểu Ukraine thân Nga vẫn an nhiên tự tại

Le Figaro ngày 02/08/2022 nói về cuộc sống hiện nay của những dân biểu Ukraine thân Nga. Sau khi quân Nga tràn sang, một số chạy sang phía kẻ thù, số khác vẫn ở lại Quốc hội.

thannga1

Ảnh tư liệu : Tài phiệt Ukraine Viktor Medvedchuk (giữa), lãnh đạo đảng OPZJ phát biểu tại trụ sở sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Kiev ngày 21/07/2019. AP - Efrem Lukatsky

Những nhân vật hy vọng có chân trong chính quyền bù nhìn

Trên một đại lộ nhộn nhịp ở trung tâm Kiev, khó thể tìm được trụ sở của đảng "Nền tảng đối lập – Vì cuộc sống" (OPZJ), một tòa nhà không bảng hiệu. Khi nhà báo Pháp hỏi đường, một người láng giềng đã trả lời : "Những kẻ đó lẽ ra đã phải vào tù". Phải nói rằng đảng thân Nga không được mấy cảm tình tại Ukraine, với những nhân vật được cho là sẽ lên làm lãnh đạo một chính phủ ngụy quyền – trong tính toán của Kremlin chiếm được Kiev chỉ trong ba ngày.

Vào thời điểm trước cuộc xâm lăng, các đảng thân Nga là lực lượng đối lập thứ nhì trong Rada (Quốc hội Ukraine) với 44/423 dân biểu. Ngay trước khi những quả bom Nga rơi đầy xuống các thành phố Ukraine tháng 2/2022, họ vẫn không ngừng kêu gọi thương lượng và tổng tuyển cử. Nhưng chỉ trong một đêm, tất cả đã đảo lộn. Dân chúng nhìn Moskva bằng cặp mắt khác, kể cả tại miền đông nói tiếng Nga. Hội đồng An ninh Quốc gia cho ngưng hoạt động tất cả lực lượng chính trị có liên quan đến Nga, và tháng 6/2022 một đạo luật chính thức cấm hoạt động.

Dân biểu thân Nga kêu gọi thả bom nguyên tử xuống Kiev

Mỗi một người trong số 44 dân biểu thân Nga trên đây có cuộc sống khác nhau trong chiến tranh, khoảng 12 người rời Ukraine trước khi quân Nga tràn sang. Dân biểu Ilya Kiva một ngày trước cuộc xâm lăng đã loan báo trong một video bằng tiếng Nga "Nhân dân Ukraine cần được giải phóng". Nay đã bị tước tư cách dân biểu và bị truy nã, ông ta sống thoải mái trong một thành phố dành riêng cho giới tinh hoa ở gần Moskva, hoặc ở Tây Ban Nha, di chuyển bằng xe địa hình chống đạn. Từ một phòng tập thể thao hay sân golf, Kiva gởi đi những video đả kích Ukraine, thậm chí kêu gọi thả bom nguyên tử xuống Kiev.

Dù nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm ra khỏi nước, nhưng những dân biểu khác kín tiếng hơn vẫn đang sống ở nước ngoài, như Serhiy Lyovoshkin, Vadym Stolar, Ihor Abramovich. Tờ báo Ukrainska Pravda gọi đó là "tiểu đoàn Monaco" - những chính khách và doanh nhân Ukraine sống lưu vong một cách đế vương ở vùng Côte d’Azur (Pháp). Tháng 6/2022, tờ Nice Matin còn thuật lại vụ một người trong số này đã dùng chất nổ để đào hồ bơi trong biệt thự ở Cap Ferrat.

Lợi dụng dân chủ để phá hoại dân chủ

Nhưng không phải ai cũng gặp may. Tài phiệt Viktor Medvedchuk, chủ tịch đảng đã chạy trốn được trong những điều kiện mờ ám tháng 3/2022 dù bị quản thúc vì "phản quốc", rồi bị tình báo Ukraine bắt lại được vào tháng 4/2022. Sau nhiều tháng thương lượng, người cha đỡ đầu của con gái Putin đã được trao đổi lấy các chiến binh Azov ở Mariupol,

Tổng cộng trong số 19 dân biểu đã bị bãi miễn có 11 người của OPZJ, số khác vẫn giữ nguyên tư cách dù ở nước ngoài. Hơn phân nửa dân chúng muốn tước quyền tất cả những đại biểu này, nhưng các điều kiện ở Ukraine rất nghiêm ngặt : chỉ khi nào dân biểu mất tích, qua đời, bỏ quốc tịch hay có lệnh của tòa án. Nhà phân tích Oleksandr Salizhenko của tổ chức Chesno chuyên về minh bạch chính trị cho biết : "Trong thời gian chờ phiên tòa, có thể lên đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu, dân biểu vẫn có được mọi quyền lực liên quan đến vai trò của mình, được dự họp và biết được các bí mật Nhà nước…".

Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko nói : "Điều này chứng tỏ Ukraine là một quốc gia dân chủ, nhưng lại đặt ra vấn đề về an ninh". Cơ quan Chesno đã tổ chức một cuộc triển lãm trên mạng, tập hợp những truyền đơn, áp-phích tuyên truyền của nhiều đảng phái thân Nga kể từ 1991. Triển lãm này cho thấy "Trong suốt nhiều năm dài, những thông điệp của họ không hề khác với tuyên truyền của quân đội thù địch đã tràn sang Ukraine hôm 24/02/2022".

Tình báo phương Tây chiêu mộ người Nga 

Về phía phương Tây, Le Figaro cho biết các cơ quan tình báo đang tìm cách tuyển dụng những người Nga phản chiến.Trong một môi trường mà sự bí mật không chỉ là quy định mà còn là nỗi ám ảnh, Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 tuần trước tại Praha đã đề nghị người Nga hợp tác với tình báo phương Tây, trở thành nguồn cung cấp tin hoặc gián điệp đôi. Trước hết đây là một hoạt động truyền thông, nhưng theo một người thông thạo lãnh vực này, thì "Những điệp vụ hoàn hảo nhất đều là kết quả của những vụ đào thoát".

Ông Richard Moore nói : "Ngày nay, nhiều người Nga kinh hoàng nhìn thấy những người lính nước mình tàn phá một đất nước anh em. Trong tâm khảm, họ hiểu rằng những luận điệu của Putin là dối trá". Ông khẳng định cánh cửa luôn mở rộng để chào đón họ, bảo đảm tính bí mật và chuyên nghiệp, nhằm "chấm dứt đổ máu". Giám đốc CIA William Burns cũng cho rằng tâm trạng bất bình hiện nay là "cơ hội chỉ đến một lần trong một thế hệ".

Tình báo Mỹ đưa ra những thông điệp bằng tiếng Nga trên mạng xã hội và nhất là Telegram vốn được người Nga ưa chuộng, để giải thích cách liên lạc với CIA thông qua dark web. Một video đăng trên YouTube khơi dậy lòng ái quốc của người Nga, thuyết phục rằng họ không phản bội tổ quốc khi cung cấp thông tin về bộ máy quân sự của Vladimir Putin. Tuy các chuyên gia về tình báo nghi ngờ kết quả của chiến dịch này, nhưng ít nhất đã gây hoang mang cho Moskva.

Dacha, nơi dân Nga tạm lánh không khí chiến tranh

Trên lãnh vực xã hội, trong loạt bài mùa hè, Le Figaro nói về "Dacha, nơi trú ẩn muôn năm của người Nga". Với Covid và nay là chiến tranh ở Ukraine, hơn bao giờ hết nhiều người Nga coi đây là nơi tạm lánh những vấn đề thời sự căng thẳng.

Theo Viện thăm dò VTsIOM, một phần ba dân Nga sở hữu một căn nhà ở quê hoặc một mảnh đất. Sau Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) do thiếu thốn thực phẩm, chính quyền quyết định cấp cho dân những mảnh đất nhỏ để tự cung tự cấp vì Nhà nước không lo nổi. Quyền sở hữu đất vẫn thuộc về chế độ cộng sản, không được cất nhà, chỉ cho phép một nhà kho nhỏ để dụng cụ. Khi Liên Xô sụp đổ, đất được tư hữu hóa, những khu vườn nho nhỏ trở thành nhà nghỉ.

Mùa hè này, 30% dân Nga dự định đi nghỉ ở dacha, tỉ lệ cao nhất từ 20 năm qua ; để tiết kiệm, do khó ra nước ngoài và cũng để tránh không khí nặng nề ở thành phố. Tờ báo kể ra trường hợp của Vania và Katia một cặp vợ chồng hưu trí từ Moskva về. Tuy đã tẩy chay các kênh truyền hình do Kremlin kiểm soát, họ vẫn không tránh khỏi những người láng giềng luôn tin vào tuyên truyền.

Hôm thì một người hàng xóm khẳng định tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine đã bị thương nặng, hôm thì người khác cam đoan Mỹ đã tung những con muỗi nhiễm độc đến chích lính Nga… Họ than thở: "Một số tiền khổng lồ đã được đổ ra để tuyên truyền. Nhưng chúng tôi tin rằng Nga sẽ thất bại : không thể một mình chống lại cả thế giới".

Ảnh hưởng ở Châu Phi giảm: Pháp đánh giá sai sự lũng đoạn của Moskva

Còn tại Châu Phi, "Sự giảm sút ảnh hưởng của Pháp và phương Tây khiến Nga hưởng lợi" - theo Le Figaro. Sáu ngày sau vụ đảo chánh ở Niger, hôm qua các công dân Pháp ở Niamey nhận được tin nhắn SMS của Đại sứ quán Pháp thông báo chiến dịch di tản bằng hàng không sẽ được tiến hành lập tức.

Sau khi rút khỏi Mali, Trung Phi và Burkina Faso, âm thầm tái lập ảnh hưởng tại Niger, Paris ngỡ rằng đã chận được "nạn dịch" nổi dậy ở Châu Phi nói tiếng Pháp. Nhưng giờ đây Pháp lại mất đồng minh chính trong khu vực là tổng thống Bazoum của Niger, chứng tỏ thuyết domino phiên bản Nga đang tiếp tục. Niger không chỉ là điểm tựa của chiến dịch chống khủng bố ở Sahel, mà còn là nhân tố chiến lược trong cuộc chiến đấu chống quân thánh chiến – mang tính quyết định cho tương lai của vùng Sahel và Libya, và cần thiết để ngăn chặn luồng di dân bất hợp pháp vào Châu Âu.

Cũng như trong vụ xâm lăng Ukraine, sai lầm của Pháp là không đánh giá đúng mức ảnh hưởng Nga. Cùng với việc can thiệp quân sự vào Georgia, Ukraine và Syria, bành trướng sang Trung Đông, Kremlin còn kích hoạt những kênh thao túng thời Liên Xô ở Châu Phi, đầu tư ồ ạt cho quyền lực mềm và tuyên truyền. Hơn nữa Kremlin còn "bảo hiểm nhân thọ" cho các chế độ độc tài Châu Phi bị người dân chống đối.

Giải pháp nào cho sự hiện diện quân sự và chính trị của Pháp tại Niger và các nơi khác ? Paris không thể đứng về phía phe đảo chánh, nhưng nếu rút đi sẽ tạo lỗ hổng an ninh cho Châu Âu. IFRI nêu ra nghịch lý : vào lúc ảnh hưởng xuống thấp, Paris lại càng bị chỉ trích ở Châu Phi và cho rằng Pháp không rút ra được bài học từ Libya, Iraq và Afghanistan.

Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, hạn chế xuất kim loại hiếm để trả đũa Mỹ

Nhìn sang Châu Á, Les Echos chú ý đến việc Bắc Kinh tung ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh kinh tế. Kế hoạch mới chưa được công bố chi tiết, nhưng nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở, lãnh vực văn hóa, du lịch đang rất đáng thất vọng, và "tiêu thụ xanh". Các công ty tư nhân được tạo điều kiện vay tiền, được hứa giao đất xây dựng ; nới lỏng cho lãnh vực công nghệ sau hai năm bị siết chặt. Trước mắt, đây là một làn gió mát, nhưng về lâu về dài những thách thức căn bản như dân số và sự lệ thuộc vào nhu cầu thế giới khiến hy vọng tăng trưởng mạnh khó thành sự thực.

Le Figaro quan tâm đến việc "Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm". Trong khi phương Tây muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh bèn đẩy họ vào chân tường bằng cách áp đặt giới hạn xuất khẩu những kim loại tối cần cho kỹ nghệ. Kể từ hôm qua 01/08, các nhà xuất khẩu gallium và germanium của Trung Quốc phải có được giấy phép ghi rõ nơi đến cuối cùng và việc sử dụng những kim loại này. Trung Quốc chiếm đến 94% sản lượng gallium toàn cầu, hiện diện trong các bảng vi mạch, đèn LED, tấm quang điện ; và 83% germanium dùng cho cáp quang và hồng ngoại - Những công nghệ quan trọng cho kỹ nghệ xanh và vũ khí. Đây là một sự ăn miếng trả miếng trong "chiến tranh chip bán dẫn" với Hoa Kỳ, nhưng chỉ gây thiệt hại nhẹ cho Washington vì nhu cầu của Mỹ thấp, còn Châu Âu lại bị kẹt vào gọng kềm.

Dấu hiệu đáng khích lệ ở Miến Điện

Tại Đông Nam Á, Le Monde, Les Echos  La Croix cùng chú ý đến việc bà Aung San Suu Kyi hôm qua được tập đoàn quân sự Miến Điện ân xá một phần. Bị kết án 33 năm tù vì 19 tội danh, cựu lãnh đạo Miến Điện 78 tuổi chỉ được giảm 6 năm tù và 5 tội danh. Một nhà báo Miến Điện nhận định, trước áp lực quốc tế, tập đoàn quân sự cố làm một "cử chỉ đẹp". Lowy Institute cho rằng tuy chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là kết quả đáng chú ý về mặt vận động ngoại giao, trong bối cảnh phong trào kháng chiến càng lúc càng tỏ ra cương quyết hơn.

Botox và "Zoom boom"

Covid kết thúc, doanh số các nhà bào chế sút giảm, nhưng nhà sản xuất Botox thì ngược lại. Từ khi phong tỏa, nhu cầu dùng Botox bùng nổ khi người ta phát hiện những nếp nhăn trên mặt khi sử dụng ứng dụng Zoom để làm việc từ xa. Thu nhập của công ty dược AbbVie (Mỹ) - với chi nhánh Allergan kiểm soát thương hiệu Botox - tăng vọt, trong đó Hoa Kỳ chiếm phân nửa thị trường thế giới. Nhờ hiệu ứng "Zoom boom", doanh số bán Botox sáu tháng đầu năm nay lên đến 2,8 tỉ đô la.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 133 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)