Những con số thống kê mà Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới đây vừa phổ biến cho thấy rằng Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017 thay thế vị trí mà Hoa Kỳ đã chiếm giữ trong 15 năm vừa qua. Điều này xác nhận sự tin tưởng của nhiều người rằng Trung Quốc không những ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngoại thương của Việt Nam mà còn cả đến nội thương vì Việt Nam là một nước nhỏ so với nước láng giềngTrung Quốc về dân số, diện tích và kinh tế. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn đúng như vậy.
VND và USD - Hình minh họa.
Thương mại về hàng hóa
Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991 sau cuộc chiến biên giới 1979, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988 và Hội Nghị Thành Đô 1990. Từ đó buôn bán giữa hai nước đã gia tăng nhanh chóng từ 692 triệu Mỹ Kim vào năm 1995 lên đến 66 tỉ Mỹ kim vào 2015 là năm mà hiện nay có đủ số thống kê nhất. Trong vài năm đầu, trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam vượt trị giá hàng nhập cảng từ Trung Quốc trung bình vào khoảng 41 triệu Mỹ kim hàng năm. Tuy nhiên sáu năm sau cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đối với Trung Quốc đã trở nên thiếu hụt, từ 189 triệu Mỹ kim vào 2001 lên tới 32,9 tỉ Mỹ kim vào 2015, tăng 174 lần, không kể số lượng hàng hóa trao đổi bất hợp pháp qua các vùng biên giới đặc biệt là những nơi gần các thành phố Mống Cái và Lạng Sơn.
Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc nguyên liệu cho kỹ nghệ may mặc (sợi và vải), dụng cụ truyền thông và âm thanh, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, máy móc và dụng cụ công nghiệp, sắt và thép, quần áo và phụ tùng, máy điện và dụng cụ trong nhà, máy phát điện, xe cộ và những máy móc chế tạo riêng cho những ngành công nghiệp đặc biệt.
Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và dụng cụ trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bần và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép.
Ở mức độ vi mô, tình trạng Việt Nam buôn bán với Trung Quốc xem ra còn tăm tối hơn. Vào khoảng 70-80% vật liệu cho ngành dệt vải, may quần áo, làm giầy dép, bộ phận cho công nghệ điện tử và kỹ sư nhập cảng từ Trung Quốc. Những công nhiệp này sẽ gặp khó khăn lớn lao trong trường hợp hàng cung cấp bị gián đoạn bất ngờ. Ngoài ra, Việt Nam chỉ có thể hưởng được thuế nhập cảng ưu đãi khi ít nhất 30% vật liệu dùng để chế tạo hàng xuất cảng của Việt Nam phải được sản xuất ở trong nước hoặc tại các nước trong khối theo hiệp định thương mại.
Những con số ở trên cho thấy Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc nhưng không cho thấy toàn bộ tình trạng thương mại giữa hai nước. Nhìn từ góc cạnh toàn cầu, người ta sẽ thấy một bức tranh khác. Thật vậy, theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam trị giá tổng số hàng hóa buôn bán của Việt Nam với thế giới là 327,8 tỉ Mỹ kim vào 2015. Trong đó, số lượng hàng hóa buôn bán với Trung Quốc chiếm 20,1%, so với 12,8 % đối với Hiệp Hội Các nước Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN), 12,6% đối với Hoa Kỳ, 12,6% đối với Hiệp Hội Âu Châu (European Union), 11,1% đối với Nam Hàn và 8,6% đối với Nhật. Ô. Lương Hoàng Thái, Vụ Trưởng Vụ Chính Sách Thương Mại Đa Biên thuộc Bộ Công Thương Việt Nam góp ý nhân có tin Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ 2017 “chúng tôi muốn gia tăng xuất khẩu đến nhiều nước khác, chứ không chỉ Trung Quốc.”
Việt Nam buôn bán hàng hóa nhiều nhất với Trung Quốc vì hai lý do. Thứ nhất, hàng Trung Quốc rẻ vì chất lượng thấp, nhưng lại hợp với túi tiền của người Việt. Thứ hai, hai nước ở sát cạnh nhau. Về thương mại hàng hóa Trung Quốc là một đối tác quan trọng nhưng không ngự trị Việt Nam. Về lãnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng vậy như người ta sẽ thấy sau đây.
Những nguồn tài trợ
Tính đến 31-12-2016, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã được đăng ký và thuộc những dự án đang hoạt động là 293,7 tỉ Mỹ kim. Phần của Trung Quốc chỉ chiếm 3,6%, hơn con số của Hoa Kỳ là 3,5%. Nam Hàn đầu tư đáng kể ở Việt Nam với 50,5 tỉ Mỹ kim (17,2%). Tiếp theo là Nhật với 42,4 tỉ USD (14,4%), Singapore với 38,3 tỉ USD (13%), Đài Loan với 31,9 tỉ USD (10,9%) và Hồng Kông 17 tỉ USD (5,8%). Trung Quốc có 1.562 dự án đầu tư trực tiếp, chiếm 6,9% của tổng số 22.594 dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc chỉ giữ vai trò rất khiêm nhường trong lãnh vực đầu tư nước ngoài.
Theo số thống kê của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), Việt Nam đã nhận được tổng số tiền đã được giải ngân 5,5 tỉ USD trong chương trình Trợ Giúp Phát Triển Chính Thức (Official Development Assistance - ODA) trong khoảng thời gian 2000-2016. Đây là một chương trình tài trợ với lãi suất thấp và điều kiện dễ dãi cho những nước nghèo. Quốc gia đóng góp vốn nhiều nhất là Nhật Bản. Tiếp theo là Nam Hàn, Pháp, Đức, Anh, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Canada, và Hoa Kỳ.
Theo Trung Tâm AidData Phát Triển Chính Sách (AidData for Development Policy), một cơ quan nghiên cứu tại Đại Học William & Mary, Việt Nam chỉ nhận được 4,3 tỉ USD, tiền tài trợ từ Trung Quốc trong những năm 2000-2013 trong đó có 350 triệu USD là tiền ODA. Số tiền còn lại là phần cho vay với lãi xuất và điều kiện bình thường. Do đó, phần của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng dưới 5% trong tổng số nợ nước ngoài 91,2 tỉ USD của Việt Nam tính đến 31-12-2016. Trong khi đó, Trung Quốc cho các nước Á Châu khác vay tiền ODA nhiều hơn trong cùng một thời gian : Campuchia 8,7 tỉ USD, Nam Dương 9.3 tỉ USD, Lào 12 tỉ USD và Thái Lan 15 tỉ USD. Miến Điện, một nước bướng bỉnh, chỉ nhận được 2 tỉ USD nhưng vẫn còn lớn hơn phần dành cho Việt Nam.
Ô. Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng Tài Chánh của Việt Nam, tường trình với Quốc Hội cách đây ít lâu rằng “Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều. Trong đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% quy mô giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trung Quốc có hai nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào hai tập đoàn và công ty, nhưng không có gì đáng lo ngại, vì đây đều là những nhà đầu tư dài hạn”.
Đầu tư công cộng
Điều mà Việt Nam phải lo ngại là những công ty của Trung Quốc đã dễ dàng thắng những dự án đầu tư công cộng của Việt Nam qua thủ tục đấu thầu. Những công ty Trung Quốc đã trúng thầu và đã thực hiện 90% hợp đồng về xây cất, kỹ thuật và chương trình thu mua của nhà nước liên quan đến những nhà máy nhiệt điện, dùng nhân công và vật liệu của Trung Quốc. Tương tự như vậy, 23 trong số 24 nhà máy xi măng của Việt Nam do các nhà thầu Trung Quốc xây. Tình trạng này làm cho người Việt tức giận.
Ô. Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institute for Southeast Asian Studies) nói rằng “Có hai lý do chính khiến cho những nhà thầu kỹ thuật Trung Quốc thắng lợi lớn tại Việt Nam. Thứ nhất là khi cho vay vốn ưu đãi các nhà thầu Trung Quốc đặt một số điều kiện. Thứ hai là các nhà thầu Trung Quốc áp dụng những chiến thuật kinh doanh uyển chuyển.” Tuy nhiên cần phải kể đến lý do thứ ba là giá đấu thầu của những công ty Trung Quốc khá thấp so với những giá thầu của những công ty khác. Những điều kiện để được vay vốn ưu đãi thường là Việt Nam phải dùng nhà thầu Trung Quốc, kỹ thuật, đồ trang bị, và dịch vụ của Trung Quốc.
Ông Đặng Ngọc Tùng, một đại biểu Quốc Hội, đã chất vấn Bộ Tài Chánh Việt Nam rằng “vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không hoàn thành hợp đồng đúng hạn, chất lượng các công trình không bảo đảm, giá thành các công trình thường tăng cao hơn dự kiến, không sử dụng nhân công Việt Nam, song có tới 90% dự án phát triển nguồn điện và 80% dự án phát triển hạ tầng giao thông vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc ?”.
Nhiều thắc mắc tương tư như trên đã từng được báo chí, các cuộc hội thảo và các hội nghị thường xuyên mang ra bàn cãi, nhưng chưa được nhà nước Việt Nam trả lời. Có một vài lý do gây ra tình trạng đấu thầu bừa bãi này theo những ý kiến thâu thập từ các bài báo phổ biến trên Internet. Thứ nhất là các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan cấp phép cho các dự án đã không hoàn tất trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các dự án. Thứ hai, các nhà thầu Trung Quốc hối lộ những cơ quan quản lý dự án để được bao che. Do đó chính người Việt Nam làm hại chính đất nước của họ.
Những giải pháp khả thi
Việt Nam tham dự vào những hiệp định thương mại quốc tế giúp đa phương hóa thị trường và giúp bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Thương Mại Song Phương với Hoa Kỳ (Bilateral Trade Agreement – BTA) vào 2001. Ngoài ra, Việt Nam còn gia nhập hiệp định thương mại song phương với một số quốc gia khác : Nhật (2008), Chile (2012) và Nam Hàn (2015). Về phương diện đa phương, Việt Nam đã gia nhập ASEAN Free Trade Area (AFTA) vào 1992, Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization – WTO) vào 2007, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) vào 2015 và Hiệp Định Thương Mại Tự Do Âu Á (Eurasian Economic Union Free Trade Agreement – EAEU FTA) vào 2017. Việt Nam hi vọng hiệp ước Thương Mai Tự Do đa phương giữa Liên Hiệp Âu Châu - Việt Nam (European Union – Vietnam Free Trade Agreement – EUV-FTA) sẽ sớm được phê chuẩn. Việt Nam cũng đang chờ đợi để hưởng những lợi ích của hiệp ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện và Lũy Tiến (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP).
Trong một nền kinh tế thế giới mở, tất cả những quốc gia đều phụ thuộc lẫn vào nhau. Việt Nam không nên và sẽ không bao giờ trở nên hoàn toàn độc lập với Trung Quốc và ngược lại bởi vì hai nước ở sát cạnh nhau và Trung Quốc có một nền kinh tế lớn thư hai trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể thâu hẹp cán cân thương mại thiếu hụt với Trung Quốc bằng cách cải tổ môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng để phát triển công nghiệp cao. Rất tiếc rằng gần đây Luật An Ninh Mạng được Quốc Hội thông qua và những cuộc biểu tình lớn tại nhiều thành phố từ Bắc vào Nam chống lại luật này và dự luật Đặc Khu Kinh Tế đã làm cho môi trường kinh doanh giao động, không phục vu cho mục tiêu này.
Áp lực của nợ công và ngân sách thiếu hụt gia tăng trong những năm vừa qua, ngoại trừ 2017 có triệu chứng thuyên giảm, chính phủ Việt Nam đã đặc biệt cố gắng thi hành một số biện pháp để cải tổ những công ty quốc doanh thua lỗ hay yếu kém. Nếu việc này thành công sẽ giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Người ta còn nhớ rằng chương trình cải thiện những công ty quốc doanh đã được bắt đầu bàn tới khoảng 20 năm trước đây, nhưng chưa bao giờ được xúc tiến một cách nghiêm chỉnh vì lợi ích của các phe nhóm trong chánh quyền. Cải tổ có nghĩa là một số viên chức sẽ mất việc làm và quyền lợi.
Tới lúc này chánh quyền không còn lựa chọn nào khác. Tư nhân hóa hoặc giải thể những công ty quốc doanh thua lỗ, thu nhỏ bộ máy của Đảng cộng sản Việt Nam và bộ máy cai trị cồng kềnh của chính phủ là những điều bắt buộc. Bán đất cho ngoại bang, một giải pháp cứu vãn cấp thời cho ngân sách và nợ công, không phải là một giải pháp có thể lựa chọn bởi vì nó sẽ đổ thêm dầu vào lửa, tạo thêm rối loạn, và “sẽ đốt cháy những người cộng sản ở Hà Nội” như tờ báo The Economist nhận định.
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : VOA, 23/7/2018
Tham khảo
1. BBC, “Tiền Chính Phủ Trung Quốc Tới Việt Nam Bao Nhiêu ?” October 12, 2017.
2. BBC, “Vén Màn Bí Mật ‘Tiền Viện Trợ’ Trung Quốc,” October 11, 2017.
3. IMF, “Vietnam – Selected Issues,” July 2018.
4. IMF, “Vietnam – 2018 Article IV Consultation – Country Report No. 18/215,” July 2018.
5. Nguyen Dieu Tu Uyen, “China Overtakes U.S. as Top Export Market in one More Nation,” Bloomberg News, April 18, 2018.
6. Nguyễn Quốc Khải, “Kinh tế Việt Nam : Làm sao để Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc ?” 4/7/2014.
7. The Economist, “Vietnam and China : Through a border darkly,” August 16, 2014.
8. Voice of Vietnam, “Trung Quốc Trở Thanh Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam,” 19/4/2018.
9. Voice of Vietnam, “Economist Warns of Vietnam’s Over Dependence on China, “May 3, 2015.
Do vị trí địa dư, Việt Nam ở vào hoàn cảnh khó khăn trước sự bành trướng không che giấu của Trung Quốc. Thế rồi, trong cảnh ngộ đó, có thể nào mà mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại mở ra một cơ hội khác cho kinh tế Việt Nam hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tiếp về sự kiện này….
Xưỡng sản xuất thép tư nhân ở Đông Anh, Việt Nam - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên tới cao điểm vào tuần qua khi Chỉnh quyền Donald Trump dọa sẽ tăng thuế nhập nội trên một lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ đô la và phía Bắc Kinh đòi khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới. Thưa ông, trong khung cảnh căng thẳng này, Việt Nam có hy vọng gì và sẽ gặp rủi ro như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, nói về bối cảnh thì phía Hoa Kỳ xác định lại phạm trù tự do thương mại là phải thật sự tự do, công bằng, hai chiều và cân đối, nôm na là phải “có đi có lại”, chứ không gây bất lợi quá đáng cho kinh tế Mỹ.
Thứ hai, Chính quyền Donald Trump đòi áp dụng quy luật đó cho mọi bạn hàng, kể cả đồng minh chiến lược về an ninh như các nước Âu Châu hay Nhật Bản. Mục tiêu là để giảm số nhập siêu và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bị thiệt hại trong tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chưa chắc là mục tiêu đó lại khiến các doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư từ một thị trường có nhân công tương đối rẻ, như thị trường Trung Quốc, qua một thị trường khác như thị trường Việt Nam.
Thứ ba là chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nay đã đan kết chằng chịt qua nhiều quốc gia và phí tổn nhân công quá cao tại Hoa Kỳ khiến doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vào các phương tiện sản xuất tự động như người máy robots hơn là vào ngành chế biến thâm dụng nhân công. Vì các nền kinh tế công nghiệp hóa cũng theo chiều hướng tương tự cho nên chưa chắc là kinh tế Việt Nam đã thừa hưởng kết quả khả quan hơn từ một trận chiến mậu dịch xuất phát tại Hoa Kỳ. Đấy là bối cảnh chung.
Nguyên Lam : Thưa ông, đấy là bối cảnh chung, còn riêng với Trung Quốc thì sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Riêng với Trung Quốc, Chính quyền Trump chủ trương đối phó toàn diện, về an ninh lẫn kinh tế, nhằm chặn đà bành trướng và gây áp lực cho xứ này từ bỏ thói giao dịch bất chính và đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ.
Đã vậy, mục tiêu đa diện của Mỹ còn là đẩy lui khả năng can thiệp của Bắc Kinh vào các nền kinh tế khác. Dù Chính quyền Trump làm như dàn trận với mọi bạn hàng thì các đồng minh của Mỹ tại Âu Châu hay Á Châu, như Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và thậm chí Úc cũng thấy sức bành trướng của Trung Quốc vào các khu vực sử dụng công nghệ cao nên lặng lẽ vận động theo xu hướng của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn tranh thủ bạn hàng như Liên Âu hay cả Nhật Bản để thoát vòng kiềm tỏa của Hoa Kỳ. Vì thế, khung cảnh chung là những vận động ngấm ngầm và phối hợp phức tạp chứ không đơn thuần là một trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa mà truyền thông cứ tường thuật ở bề mặt.
Nguyên Lam : Giữa khung cảnh rắc rối đó, ông nghĩ rằng Việt Nam nên xoay trở ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đáng lẽ Việt Nam phải sớm thấy ra sự xoay chuyển của Trung Quốc là sẽ từ bỏ vai trò công xưởng toàn cầu vì nhân công của họ hết còn rẻ như trước, rồi họ nhắm vào trình độ sản xuất có kỹ thuật và giá trị cao hơn. Từ dăm năm trước, diễn đàn của chúng ta đã nói đến chiều hướng ấy như một cơ hội cho kinh tế Việt Nam.
Đáng tiếc là Việt Nam đã lỡ cơ hội đó, lại đi vào chiến lược công nghiệp hóa tệ hại là ăn cơm thừa canh cặn của xứ láng giềng với thiết bị phế thải lỗi thời có năng suất thấp và mức hủy hoại môi sinh cao. Hậu quả là Việt Nam không chỉ nhập khẩu nạn ô nhiễm mà còn nhập khẩu nguyên vật liệu, thậm chí lao động từ Trung Quốc để tái chế biến với giá trị đóng góp thấp nhằm xuất khẩu ra ngoài nhờ có nhân công rẻ hơn. Biến thép rẻ của Tầu thành thép ta để giúp Trung Quốc vượt qua hạn ngạch của các nước là sự khôn ngoan tai hại. Ngày nay, khi thấy đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng, Việt Nam vội mừng là sẽ thay thế vai trò của Trung Quốc nhưng rốt cuộc thì chỉ làm giầu cho nhà đầu tư ngoại quốc trên lưng của công nhân Việt Nam. Có lẽ lãnh đạo Việt Nam nên rà soát lại sách lược phát triển và chiến lược công nghiệp hóa của mình,
Nguyên Lam : Ông có quá bi quan hay không, vì người ta thấy các nước Đông Nam Á đều tự chuẩn bị cho một tình huống mới vì hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương đang lâm vào một trận chiến mậu dịch ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ các nước không chỉ tự chuẩn bị về kinh tế mà còn về an ninh vì sự đe dọa của Trung Quốc. Có lẽ lãnh đạo Việt Nam cũng đang có nỗi phân vân tương tự dù chẳng nói ra vì sợ làm Bắc Kinh phật ý sau khi họ đã gây sức ép trên các dàn khoan của Việt Nam ở ngoài biển! Trong khi đó, ta không quên kế hoạch hội nhập kinh tế tại vùng biên giới giữa hai nước về tư bản, thiết bị và nhân công. Kế hoạch mậu biên đó có lợi cho Trung Quốc vì dán nhãn Việt Nam lên sản phẩm của Quảng Đông, Quảng Tây để bán ra ngoài…. Một trong những chọn lựa có ý nghĩa vào lúc này là từ bỏ kế hoạch mậu biên đó.
Khách quan mà nói, người ta cứ bảo Việt Nam có một số lợi thế, nhưng ta nên nhìn cả hai mặt của một sự việc. Thí dụ như nhân công rẻ hơn Trung Quốc, có thể bằng phân nửa nhân công tại các tỉnh Đông Nam của Tầu, nhưng ta cần so sánh với năng suất. Thí dụ kia là Việt Nam đã ký Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và năm nay, Hiệp ước TPP sẽ được áp dụng, nhưng hiệp ước đó quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa khiến Việt Nam sẽ khó nhập nhằng như trước. Thí dụ thứ ba là Việt Nam cũng hy vọng hoàn tất hiệp ước tự do thương mại với khối Liên Âu, nhưng các nước Âu Châu đều biết vai trò trung gian của Việt Nam là làm trạm trung chuyển hàng hóa của Tầu dưới thương hiệu chế tạo tại Việt Nam. Sau cùng là trong khi các nước có thể tìm nơi đầu tư rẻ hơn Trung Quốc và ngó vào Việt Nam thì lại giật mình vì dự luật Đặc khu Tự trị và thất vọng vì nạn đàn áp những ai phản đối dự luật này, mặc dù hiện tượng phản đối Trung Quốc đã bùng nổ tại Malaysia, Pakistan hay Sri Lanka, v.v…
Nguyên Lam : Nếu nhìn trên toàn cảnh thì ông không mấy lạc quan, nhưng chẳng lẽ Việt Nam không thể làm gì để vừa tránh hậu quả xấu vừa khai thác cơ hội mới hay sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, các nước Đông Nam Á đều có viễn kiến khi tự chuẩn bị làm nơi thay thế thị trường Trung Quốc khi xứ này bước lên trình độ sản xuất cao hơn và trước khi bùng nổ mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Là một quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đứng về phe nào trong mâu thuẫn đó? Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đang nêu câu hỏi tương tự mà chưa thống nhất ý kiến về sự chọn lựa mà cũng chẳng nghe theo ý người dân.
Nhìn trong ngắn hạn, với triển vọng tăng trưởng cao làm Hoa Kỳ nâng lãi suất, đồng Mỹ kim sẽ lên giá. Ngược lại đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ sụt giá khiến hàng hóa của họ trở thành rẻ hơn và dễ xuất khẩu hơn. Việt Nam không nên e ngại tác động ngắn hạn đó mà nhìn sâu hơn vào toàn cảnh. Bắc Kinh không chỉ muốn có bạn hàng hay đối tác cho Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ mà còn muốn răn đe và trừng phạt doanh nhiệp của các quốc gia đối thủ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, Úc, v.v…. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp này càng cần bãi đáp khác cho an toàn. Việt Nam có thể là bãi đáp ấy cho giới đầu tư, nhưng có an toàn hay không thì tùy vào lãnh đạo của xứ này. Chúng ta trở lại chuyện hạ tầng cơ sở vật chất và nhất là hạ tầng cơ sở vô hình như luật lệ và cả giáo dục đào tạo là điều mình đã nói quá nhiều lần.
Nguyên Lam : Vì thời lượng của chương trình này có hạn, Nguyên Lam xin được đề nghị ông nêu ra một số kết luận cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì truyền thông báo chí cứ tập trung vào thời sự ngắn hạn, tôi có khuynh hướng trình bày bối cảnh sâu xa lâu dài hơn, rồi từ xa mà luận tới gần. Trong trận đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, mậu dịch chỉ là một phần thôi.
Rút kinh nhiệm chua xót của Việt Nam trong lịch sử cận đại, Việt Nam không nên giữ vai trò ủy nhiệm, hoặc là công cụ cho một trận đánh của các cường quốc. Hoàn cảnh lệ thuộc vào Trung Quốc ngày nay xuất phát từ sự chọn lựa tai hại đó.
Ngày nay, một trận đấu khác đang tái diễn mà mậu dịch chỉ là một phần thì ta nên nhìn lại xem quyền lợi của mình nằm ở đâu, trên ngọn hay dưới gốc? Ngọn là tập đoàn lãnh đạo, gốc là người dân. Đáng lẽ, cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” phải nhắm vào gốc là đa số người dân ở dưới lại chỉ nhằm giải quyết yêu cầu của thiểu số trên đỉnh, cho nên Việt Nam vẫn sao chép mô hình “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc”. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng hay giải trừ vai trò của quân đội trong kinh doanh tại Việt Nam chỉ là một phiên bản nhợt nhạt của Trung Quốc mà thôi, và các nước đều thấy ra điều ấy!
Nói về tương lai, việc Việt Nam rón rén bước gần về phía Hoa Kỳ chưa đủ sức thuyết phục doanh giới Mỹ mà chỉ gây thêm phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh trong khi kinh tế lại đạt xuất siêu với Mỹ và bị nhập siêu với Tầu mà chẳng học được gì từ công nghệ cao cấp của nước Mỹ hay từ các nước tiên tiến khác.
Trận chiến mậu dịch đang manh nha có thể là một cơ hội sửa sai hay đổi mới. Cụ thể là nên giảm mức xuất siêu với Hoa Kỳ bằng cách mua thêm võ khí của Mỹ để hiện đại hóa quân đội, tức là bớt mua của Liên bang Nga. Dù võ khí Mỹ đắt hơn thì quyết định mang tính chất biểu trưng đó vẫn là một thông điệp ý nghĩa cho cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nghiên cứu lại sách lược phát triển và chiến lược công nghiệp hóa mà không dựa theo Trung Quốc. Đây mới là cơ hội thoát khỏi vòng kiềm tỏa tai hại của Bắc Kinh khi hàng loạt quốc gia cũng đều nghi ngờ sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguồn : RFA, 19/07/2018
Biến động gần đây tại Việt Nam khiến dư luận khắp nơi quan tâm đến tình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào một nước láng giềng có tham vọng bành trướng là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu hơn vào hiện tượng lệ thuộc đó…
Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tạm hoãn việc Quốc hội biểu quyết Dự luật về ba Đặc khu Tự trị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, người ta vẫn lo ngại về tình trạng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một quốc gia láng giềng không che giấu tham vọng của họ là Trung Quốc. Theo dõi chuyện đó, Nguyên Lam thấy là cách nay đúng bốn năm, cũng vào đầu Tháng Bảy năm 2014, ông nói đến một khái niệm ít ai để ý là tính chất "công cụ" của nền kinh tế Việt Nam cho Trung Quốc. Bây giờ, Ban Việt ngữ xin yêu cầu ông phân tích lại chuyện này cho rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khởi đi từ phạm trù kinh doanh khi chi nhánh của một tập đoàn bảo hiểm hay ngân hàng trở thành công cụ cho doanh nghiệp mẹ - gọi theo Anh ngữ là "captive company" - tôi trình bày tính chất công cụ qua nhiều lớp của một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nhà nước, nhà nước lệ thuộc vào một đảng độc quyền và các đảng viên cán bộ.
Chuyện tai hại không chỉ là các nhóm lợi ích chòng chéo làm kinh tế đi theo định hướng lệch lạc mà là khi đảng độc quyền đó lại lệ thuộc vào một đảng độc quyền khác của một quốc gia láng giềng. Khi ấy, nói về "nền kinh tế công cụ", tôi dự báo điều có thể xảy ra và quả thật là đang xảy ra.
Bây giờ, ta nên nhìn lại và phân tích sâu xa hơn vào nguyên nhân để thấy ra tương lai dĩ nhiên là đáng lo ngại cho Việt Nam.
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từ những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì tiết mục chuyên đề của chúng ta tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tôi xin miễn nói về các nguyên nhân chính trị thuộc về lịch sử của hai đảng Cộng sản láng giềng đã có quan hệ gần như huyết thống hay mẹ con.
Nói riêng về kinh tế, sau khi đổi mới, Việt Nam đã có cơ hội vượt thoát mà sau lại trôi về chốn cũ là cứ lệ thuộc vào Trung Quốc, từ tư tưởng, thể chế đến sách lược kinh tế, nên tình trạng công cụ càng được củng cố. Tôi xin khởi đi từ đó….
Lãnh đạo Việt Nam vẫn sống trong không gian hai chiều Nam-Bắc, làm gì cũng nhìn lên phương Bắc mà chẳng thấy ra nhiều hướng khác của thế giới, và tai hại nhất là không thấy tương lai của xứ sở là trí tuệ của người dân qua giáo dục và đào tạo. Đấy mới là tài nguyên đích thực, không nên đo ở số lượng tiến sĩ giấy.
Khi nhìn ra thế giới thì họ không học hỏi mà chỉ muốn dân lao động đem sức lực hơn trí tuệ làm gia công cho ngoại quốc nhờ ưu thế nhất thời là lương rẻ để xuất khẩu ra ngoài. Giới đầu tư kế cận, tại Trung Quốc, sẵn sàng nhảy vào đó, họ góp vốn bằng thiết bị và công nghệ lỗi thời vì năng suất kém mà ô nhiễm cao. Và họ nống giá cho ta ôm về những kỹ thuật giết người, trước hết là giết dân mình. Việt Nam có vài chục dự án thuộc loại tự sát đó.
Thứ hai, tính chất công cụ của nền kinh tế là một xoáy ốc kỳ lạ như các con búp bê rỗng ruột của Nga mà cốt lõi là đảng lồng trong nhà nước và thân tộc. Vì đảng quy định qua Hiến pháp rằng "đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân" mà lại "do nhà nước thống nhất quản lý", đảng viên cán bộ lấy đất của dân với giá bèo để làm giàu cho họ trong thế liên doanh tai hại ấy. Từ đó mới có các nhóm lợi ích với chủ trương tiến hành sách lược công nghiệp tội nghiệp, trong khi giới đầu tư Trung Quốc được ưu đãi để chiếm vị trí chiến lược nhất về an ninh trên lãnh thổ Việt Nam. Giới chuyên gia quốc tế chỉ thấy sai lầm của sách lược sử dụng đòn bẩy là đầu tư nước ngoài, chuyên gia Trung Quốc thì nhìn xa hơn và biết khai thác thể chế tham ô của Việt Nam cho quyền lợi của họ.
Nguyên Lam : Như vậy, thưa ông, phải chăng sai lầm khởi đi từ chiến lược phát triển kinh tế do lãnh đạo Việt Nam đề ra khi tìm đòn bẩy là đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư của Trung Quốc lại dùng ngay đòn bẩy đó cho quyền lợi của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam có "chiến lược phát triển" mà mới chỉ học chiến lược tăng trưởng, chứ phát triển đòi hỏi phẩm chất là cái mà Việt Nam chưa hề có và cũng chẳng học được gì của xứ khác.
Theo dõi các thống kê, dù chưa khả tín lắm, ai cũng thấy đầu tư ngoại quốc ăn lời lớn nhờ nhân công của ta và sẽ rút chạy qua nơi nào có nhân công rẻ hơn, hoặc có công nghệ sản xuất cao hơn, là điều đang xảy ra ! Thí dụ như khi người máy tự động trong ngành dệt sợ may mặc xuất hiện nhiều hơn, trường hợp SewBots đã thấy, thì Việt Nam sẽ tắt thở. Đó là chuyện chung, khi Việt Nam để kinh tế quá lệ thuộc vào nước ngoài qua xuất nhập khẩu, với một tỷ lệ nguy hại như tự sát.
Riêng về Trung Quốc thì đấy là sự tàn sát. Doanh nghiệp ngoại quốc, như Mỹ, Nhật, Nam Hàn hay Đài Loan, v.v… còn có tiêu chuẩn phải ít nhiều tuân thủ về môi sinh hay lao động. Doanh nghiệp Trung Quốc thì không, và có biệt tài xuất khẩu ô nhiễm sau khi đã tàn phá lãnh thổ của họ. Nhà thầu của họ vào Việt Nam như bậc thầy vì đặc tính công cụ chính trị ở trên, lại có tư thế là nhà băng cho vay với điều kiện dễ dãi và dễ chia chác, để thực hiện dự án hạ tầng, nguyên vật liệu và năng lượng.
Môi sinh bị ô nhiễm vì xài công nghệ phế thải thì dân Việt Nam ráng chịu, như chúng ta thấy tại Tây Nguyên hay Hà Tĩnh và qua vài chục dự án khác. Quen chửi Chính quyền Donald Trump của Hoa Kỳ trong mâu thuẫn với Bắc Kinh, mấy ai thấy là 90% lượng thép Việt Nam bán cho Mỹ lại là thép dư dôi của Trung Quốc được biến hóa thành sản phẩm của Việt Nam ? Khi Việt Nam bị Mỹ áp thuế nhập nội thì đấy cũng là cái tội từ Hà Nội lồng tới Bắc Kinh !
Nguyên Lam : Ông nhắc đến tai họa của Trung Quốc tại Tây Nguyên của Việt Nam thì có lẽ nhiều thính giả của chúng ta đã quên hoặc ít biết tới. Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ai khuyên Việt Nam trở thành một đại gia về thép trong khi xứ này chẳng có quặng sắt là nguồn tài nguyên lớn như Úc hay Brazil ? Đặc tính công cụ cho Bắc Kinh có thể trả lời câu hỏi đó !
Việt Nam sản xuất thép thì cần quặng, cần điện và cần đầu tư với quy mô lớn quá sức mình. Nhưng có Trung Quốc thì mọi sự trở thành dễ dàng : công nghệ khai thác quặng sắt và nhà máy điện chạy bằng than với nhược điểm gây ô nhiễm là những gì họ cung cấp. Còn chuyện lỗ lã hay môi trường sinh sống bị hủy diệt thì đấy là vấn đề của Việt Nam. Vì Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có tai họa tại Tây Nguyên từ mấy năm trước mà còn mắc nạn tại Hà Tĩnh với mỏ Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển.
Nguyên Lam : Thưa ông, nhiều quốc gia đang phát triển cũng có thể gặp bài toán đó, Việt Nam có thể nào thoát được không ? Là một chuyên gia tư vấn, ông thấy Việt Nam cần làm những gì để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều quốc gia đã gặp bài toán đó với Trung Quốc, như Sri Lanka, Pakistan, Miến Điện hay Malaysia, nhưng người dân có thể lên tiếng phản đối, người dân Việt Nam thì bị đàn áp cũng vì cái lý do công cụ ghê tởm đó.
Nhìn rộng ra ngoài, ta thấy các nước đi sau đều học các nước tiên tiến nhưng phải có ý thức độc lập và tự cường. Ý thức đó bắt đầu từ giáo dục rối đến đào tạo để nâng trình độ khoa học kỹ thuật cho người dân, trước tiên là ở cấp trung tiểu học để đa số đều có hiểu biết tối thiểu về đất nước và thế giới. Bước kể tiếp, thuộc thế hệ có trách nhiệm là dám bung ra ngoài để học hỏi kiến năng, là kiến thức và khả năng thực hiện. Trăm năm qua, Việt Nam chưa giải quyết xong bài toán đó thì lao vào chiến tranh và tàn phá. Ngày nay, ai có nhiệm vụ về kinh tế và kế hoạch cần đi học và đi mua công nghệ hay thuật lý của thiên hạ hoặc thuê chuyên gia ngoại quốc làm tư vấn cho mình. Mục tiêu là trong một thời hạn nhất định thì phải có sản phẩm của mình với giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao hơn.
Các nước Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đều trải qua giai đoạn học hỏi đó và trong chừng mực nhất định đều tìm cách bảo vệ thị trường chủ yếu và công nghệ non yếu của họ, nhưng thành công vì tôn trọng thị trường, xây dựng dân chủ và nhất là để tư doanh giữ thế quyết định trong khi nhà nước đảm nhiệm chức năng phối hợp và yểm trợ nhưng thường xuyên bị kiểm tra. Trung Quốc và Việt Nam thì thiếu các điều kiện cơ bản trên, duy trì chế độ độc đảng, quy chế phi thị trường, và thế chủ đạo của hệ thống quốc doanh trên đầu tư doanh, cho nên họ chỉ ăn cắp lẫn nhau và vì vậy mà thiếu bền vững. Đây là ta chưa nói đến chuyện mắc nợ !
Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một ý kiến là các nước Đông Á đã thành công như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan đều cũng tìm cách bảo vệ các khu vực non yếu lúc ban đầu. Ông giải thích thêm về chuyện ấy được không vì nó có vẻ tương tự như Trung Quốc và Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thương mại thế giới thật ra muôn hình vạn trạng và bị nhiều yếu tố chi phối chứ không đồng hạng và đơn giản như lý thuyết về tự do mậu dịch, là điều được coi là lý tưởng kể từ sau Thế chiến II. Thực tế thì xứ nào - kể cả các nước công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật - cũng có một số khu vực được bảo vệ theo lý luận bảo hộ mâu dịch vì lý do kinh tế chính trị ở bên trong.
Nói về các nước Đông Á đi sau, họ cũng trải qua giai đoạn học hỏi và tiếp thu công nghệ mới, trước đó chưa có, để có được những sản phẩm nội địa. Bước đầu thì phải giúp các sản phẩm đó thành công trong thị trường nội địa, tới độ từ chối đầu tư nước ngoài vào các thị trường non yếu này. Bước kế tiếp mới là mở rộng thị trường ra ngoài qua cạnh tranh để có phần thị trường cao hơn và muốn vậy thì phải tuân thủ quy luật cạnh tranh của các nước khác. Tiến trình tiếp cận đó xảy ra một cách thường trực và phức tạp nên cần thương thuyết và hiệp ước. Then chốt ở đây là học công nghệ mới để có sản phẩm với giá trị kinh tế cao hơn.
Các nước thành công đều có giáo dục, đào tạo và đại học có đẳng cấp để biết tiếp thu công nghệ thay vì dùng bắp thịt làm ra các mặt hàng của thiên hạ với giá rẻ cho dễ xuất khẩu. Sau đó các nước không gian lận, ăn cắp hay ăn cướp, để thụ đắc công nghệ mới như Trung Quốc, là điều nay đã thành mười mươi rõ ràng khi bị Hoa Kỳ và Liên Âu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Khác biệt nữa là sau khi có công nghệ mới, Trung Quốc tìm cách cải tiến và cải tiến được, còn Việt Nam thì không. Cho nên Việt Nam nhặt lại công nghệ lỗi thời của xứ láng giềng trong thân phận công cụ bị lệ thuộc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu muốn thoát Tầu thì Việt Nam cần sửa từ cái đầu, về chính trị là ra khỏi nạn độc đảng, và về văn hóa là làm một cuộc cách mạng thật về giáo dục.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đau lòng này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 02/07/2018
TPP không có Hoa Kỳ (RFA, 06/03/2018)
Mười một quốc gia tham gia Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt theo tiếng Anh TPP, vào ngày thứ năm 8 tháng 3 này sẽ ký kết một thỏa thuận được chỉnh sửa.
Bộ trưởng thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách kinh tế tài chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi tại APEC 2017, Đà Nẵng. AP
AFP loan tin cho biết thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến Bộ và Toàn Diện- CPTPP nhắm đến việc cắt giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên và tăng cường mậu dịch để phát triển.
AFP dẫn phát biểu của thương thuyết gia trưởng Chi lê, Felipe Lopeandia, là những nước tham gia CPTPP sẽ không bị tác động bởi quyết định của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP.
Theo thương thuyết gia trưởng của Chi lê trong đàm phán CPTPP thì việc ký thỏa thuận được chỉnh sửa của 11 quốc gia sẽ gửi một tín hiệu chính trị đến toàn thế giới và cả Hoa Kỳ rằng đó là một thỏa thuận toàn cầu.
Tin cho biết trong thỏa thuận CPTPP sắp được ký kết có 20 điều khoản được ngưng lại hay thay đổi. Hầu hết đều là những điều khoản liên quan quyền sỡ hữu sản phẩm trí tuệ mà phía Hoa Kỳ đưa vào TPP trước đây.
11 quốc gia ký CPTPP đại diện cho thị trường 500 triệu người, lớn hơn thị trường Liên hiệp Châu Âu. Các nước tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
******************
Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển quan hệ thương mại (RFA, 06/03/2018)
Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mạng báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhân sự kiện mang tên Gặp gỡ Hoa Kỳ diễn ra tại Đà Nẵng vào chiều ngày 5/3.
Ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngaynay.vn
Là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức từ năm 2016, Gặp gỡ Hoa Kỳ năm nay có chủ đề "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" với 4 phiên : Triển vọng thương mại - đầu tư Việt Nam Hoa Kỳ giai đoạn 2018-2020 ; thành phố thông minh ; khởi nghiệp - Start Up ; giáo dục và lực lượng lao động.
Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và coi Hoa Kỳ là một đối tác hàng đầu, đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của Hoa Kỳ, và các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hai nền kinh tế Việt Nam- Hoa Kỳ mang tính chất bổ sung cho nhau, hai bên duy trì sinh hoạt đầu tư ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục. Xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng rất nhanh và cao nhất hiện nay so với thị trường Đông Nam Á.
Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để tiếp tục cải cách, đổi mới tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư và hợp tác, trong đó chú trọng việc đầu tư hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp, đối tác, địa phương Hoa Kỳ. Đây cũng là một trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam- Hoa Kỳ được xác lập từ năm 2013.
Về phía Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink tin tưởng rằng những giải pháp của doanh nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ hữu ích cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hoa Kỳ cũng mong muốn các địa phương Việt Nam giới thiệu tiềm năng và có những nỗ lực, kêu gọi, xúc tiến để doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến đầu tư tại đây.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị Gặp gỡ Hoa Kỳ, Công Ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ cùng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao về hợp tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Theo đó, chương trình sẽ được giảng dạy bởi các chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng các đối tác khác tại Việt Nam. Chương trình hợp tác dự kiến kéo dài trong 3 năm và được tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Andy Mukherjee - cây bút bình luận về kinh tế và tài chính của Bloomberg - trong một bài báo gần đây có tựa đề "(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa", đã tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn thán phục về "hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến" (Bài "Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc", VOA tiếng Việt 29/11/2017).
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Cùng thời gian trên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc báo cáo ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền và ra Quốc hội về chỉ số tăng trưởng GDP quốc gia lên đến 7,46% vào quý 3 năm 2017, để "quyết tâm" đạt GDP bình quân 2017 là 6,7%, đưa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gấp hơn hai lần nước Mỹ, gấp 3 lần Châu Âu và vào nhóm cao nhất thế giới, cùng nhiều chỉ số khác mà ông Phúc tự hào là "thành tích kinh tế"…
Nhưng sự thật về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam có đúng như những gì mà Andy Mukherjee mô tả và phân tích ?
"Thị trường cờ bạc" chẳng tác động gì đến nền kinh tế !
Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán đã tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên gần 1.000 điểm vào đầu tháng 12 cùng năm, nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, thậm chí còn có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.
Nhưng có thật VN-Index là đặc trưng cho sức khỏe của cả nền kinh tế Việt Nam như các kênh báo đảng và kênh báo chính phủ thường khoe mẽ và Bloomberg thán phục ?
Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ hàng chục năm qua - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã cho rằng không phải bây giờ mà suốt từ năm 2007, VN-Index hoàn toàn không phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh nội địa mà nó dựa vào cổ phiếu của một nhóm gồm vài ba công ty rất lớn. Do đó, VN-Index hiện nay chưa đủ phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Vậy vì sao không phản ánh nội lực kinh tế mà VN-Index vẫn "lên" quá dễ dàng ?
"Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế" - ông Đinh Thế Hiển lý giải.
Đáng chú ý, quan điểm của ông Đinh Thế Hiển không phải là cá biệt trong giới chuyên gia tài chính và chứng khoán ở Việt Nam. Từ trước đến nay và đặc biệt càng về sau này, bất chấp lối tuyên giáo một chiều và cưỡng ép về "thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế", ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, đây chỉ là một thị trường cờ bạc, một thị trường mà "tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến từ túi kẻ này sang túi kẻ khác", trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế.
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp - đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.
Tiền từ đâu ra ?
Chứng khoán không thể tăng nếu không có tiền. Tiền bơm vào càng mạnh, chứng khoán càng bay cao. Tiền từ đâu ra ?
Khác hẳn với những đợt tăng trước, năm nay không có gói kích thích nào từ chính phủ.
Nhưng vào giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc đã "chỉ đạo quyết liệt" về việc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra lưu thông, nâng cao mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017 lên từ 19 đến 21% - một động thái rất dễ được hiểu là "tăng tín dụng tức tăng GDP và tăng thành tích". Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng phải tung vào thị trường tín dụng và tài chính một con số khổng lồ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong bối cảnh ngân hàng thừa mứa tiền đồng - một hệ quả rất có thể khởi nguyên từ cơ chế in tiền ồ ạt trong hàng chục năm trước mà đã khiến Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không ít lần phải khuyến cáo "Việt Nam không nên in quá nhiều tiền".
Ngân hàng lại chính là "tay to" của thị trường chứng khoán, để một khi ngân hàng câu kết với giới đại gia các ngành khác thì VN-Index mới có thể "thăng hoa" - tương tự chỉ số GDP bay cao đến 7,46% của Thủ tướng Phúc.
Nhưng hậu quả của chuyện "bay cao" trên là lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức thủ tướng vào giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận xã hội và giới chuyên gia và kể cả Quốc hội bật lên mối nghi ngờ nặng nề về những kết quả "thành tích điều hành kinh tế" do ông báo cáo trong kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2017.
"Giả số liệu"
Nghi ngờ lớn nhất đối với Thủ tướng Phúc tập trung vào kết quả "tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017".
Không ít dư luận còn cho rằng số liệu trên là giả.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, có một bài phân tích trên trang báo điện tử Vietnamnet và mát mẻ : "chưa năm nào có sự cải thiện tăng trưởng từ quý I đến quý III như năm nay". Nhờ vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm lên tới 6,4%.
Tiến sĩ Thành cũng giễu cợt : "Với dự kiến quý IV/2017 có tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa, có lẽ không cần đợi đến số liệu thực tế vào cuối năm, Chính phủ đã có thể báo cáo ngay với Quốc hội là mục tiêu tăng trưởng 6,7% của 2017 sẽ đạt được".
Một trong những phản biện chi tiết được Tiến sĩ Thành đề cập về "đóng góp lớn cho con số đẹp này là sự tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến – chế tạo (lên tới 12,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ)", là "điện chỉ tăng 8,3% làm sao công nghiệp chế biến chế tạo tăng được 11 – 12% ?". Vì theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, kinh nghiệm các năm cho thấy khi GDP tăng 6 – 6,5%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11 – 12% thì sản lượng điện tăng 11 – 12%. Nhưng trong 9 tháng năm 2017, trong khi GDP tăng 6,4% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 12,8% thì điện chỉ tăng có 8,3%…
Trong khi đó, có chuyên gia tính toán rằng chỉ cần làm vài phép tính đơn giản sẽ thấy ngay GDP Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 3%.
Trước đó tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, Chủ tịch quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi : "Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3% ? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn ?…".
Với kết quả "tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017" để "đạt tăng trưởng bình quân năm 2017 là 6,7%", có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ thủ tướng mà còn ứng cử viên tổng bí thư.
Tuy nhiên, ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước khi bị "rớt đài" tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bị các đối thủ chính trị đả kích mạnh về thói huênh hoang thành tích nhưng rất thiếu cơ sở khoa học. Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc cũng có thể phải đối mặt với những đối thủ chính trị không ưa gì ông và luôn biết cách khai thác điểm yếu của ông, nhất là căn bệnh "giả số liệu".
Còn "xử lý nợ xấu" ?
Tại hai kỳ họp quốc hội vào tháng 5 - 6 năm 2017 và 10 - 11 năm 2017, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là "cục máu đông" được công bố : 600.000 tỷ đồng.
Nhưng về thực chất và cộng với khoảng 300.000 tỷ đồng mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua - trên thực tế là mua trên giấy chứ không phải bằng "tiền tươi thóc thật" - số nợ xấu hiện thời lên đến khoảng 900.000 tỷ đồng.
Sau 6 năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu đại hội 12 của đảng cầm quyền, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh.
Ngay cả việc chấp nhận con số 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc : sau hơn ba năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng "đúng quy trình" : từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.
Cho tới tận giờ đây và kể cả sau khi Quốc hội ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, hậu quả chôn vốn vẫn còn quá lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mới chỉ kịp thoái khoảng hơn 50% vốn bị "ngâm, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa biết làm sao để thu hồi được nợ vay từ các con nợ "tiềm năng" của mình. Theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc.
Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện.
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải "đội nón ra đi", và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Bất kỳ ai cũng có thể đặt một câu hỏi phản biện với Thủ tướng Phúc và Ngân hàng nhà nước : nợ xấu có nguồn gốc chủ yếu từ ngân hàng, và nếu công tác xử lý nợ xấu thật sự đạt được hiệu quả như báo cáo của Chính phủ thì tại sao vào tháng 11/2017, Chính phủ lại phải ban hành chính sách "thí điểm phá sản ngân hàng", mà thực chất có đến 30% trong số hơn 30 ngân hàng thương mại không còn cách nào khác phải bị cho phá sản - theo giới chuyên gia ?
Đó là chưa kể quốc nạn nợ công. Cho đến nay, chính phủ và các bộ ngành ở Việt Nam vẫn chỉ thừa nhận nợ công "sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP". Nhưng từ năm 2011 đến nay, đã xuất hiện không ít phân tích và đánh giá của giới chuyên gia phản biện độc lập về thực trạng nợ công lên đến hàng trăm % GDP.
Vào đầu năm 2017, một chuyên gia phản biện độc lập là Tiến Sĩ Vũ Quang Việt - người có thâm niên lâu năm là vụ trưởng vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc - đã tính toán rằng nợ công quốc gia Việt Nam phải lên đến 210% GDP, tức đến khoảng 450 tỷ USD.
Nợ công, nợ xấu, phá sản ngân hàng lại là những tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam lẫn chính thể độc đảng.
Bloomberg và Ngân hàng thế giới có động cơ gì ?
Những năm gần đây, Bloomberg và Ngân hàng thế giới (WB) là hai tổ chức thỉnh thoảng có những báo cáo và bài viết hoặc công nhận những số liệu cơ bản về kinh tế trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam, hoặc có vẻ ca ngợi "thành tích điều hành kinh tế" của chính phủ này.
Nhưng hậu quả nào đã và sẽ xảy ra nếu họ - những tổ chức có uy tín trên thế giới - đưa ra những phân tích và nhận định chỉ dựa trên bề mặt mà thiếu chiều sâu, vừa không thực tế vừa sai lệch với tình cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp mà vẫn chưa hoặc còn lâu mới ngóc đầu lên được ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/12/2017
Trẻ sơ sinh tử vong đồng loạt ở Bắc Ninh là ‘do nhiễm khuẩn’ (VOA, 22/11/2017)
Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là nguyên nhân khiến cho bốn trẻ sơ sinh tử vong đồng loạt ở tỉnh Bắc Ninh, theo kết luận ban đầu của Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh được công bố vào chiều ngày 21/11, báo chí trong nước đưa tin.
111111111111111111
Trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh (Ảnh chụp màn hình từ VnExpress)
Kết luận ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự dựa trên kết quả giám định pháp y cũng cho thấy bốn trẻ tử vong là do ‘sốc nhiễm khuẩn’, theo báo mạng VnExpress.
Bốn bé sơ sinh này, được cho đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và mang bệnh bẩm sinh, đã tử vong vào sáng ngày 20/11 tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, sau khi được chăm sóc trong lồng ấp và được cho thở máy.
Vụ việc đã khiến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải về Bắc Ninh thị sát tình hình và có buổi làm việc với giới hữu trách Y tế của tỉnh này trong ngày 21/11. Một Hội đồng Chuyên môn bao gồm các bác sỹ Nhi và Sản khoa đầu ngành cùng với giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đã được thành lập để điều tra về vụ việc.
Ngoài 4 trẻ đã tử vong, 7 trẻ khác ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cũng đã được xác địch bị nhiễm trùng huyết và đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngay chiều tối 20/11 cùng với bốn trẻ khác cũng đang được điều trị tại bệnh viện này.
Theo công bố của bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, tại buổi họp báo chiều ngày 21/11, thì bốn trẻ tử vong này "đã nhiễm khuẩn sau 3-5 ngày điều trị tại bệnh viện" và "Nguyên nhân nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện".
Hiện kíp trực trong ngày 20/11 đã bị Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đình chỉ để tường trình và phục vụ điều tra còn buồng cách ly bé sơ sinh tại đây cũng đã bị đóng cửa để khử khuẩn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận đây là một vụ việc ‘bất bình thường’ vì bốn bé sơ sinh chết ‘trong cùng một ngày, cùng một khoa’.
Trao đổi với VOA, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người từng là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nói rằng "nhiễm khuẩn bệnh viện cũng có thể có".
"Có những loại vị trùng thường xuyên có trong bệnh viện. Trẻ non tháng là rất dễ nhiễm bệnh, dễ chết", bà giải thích, "Có một thắc mắc là tại sao các bé cùng tử vong trong một buổi sáng".
"Cũng có khả năng là các cháu đã bị nhiễm trùng dài ngày rồi nhưng không được điều trị đúng mức đến mức các cháu yếu quá và bị chết cùng một lúc", bà nói thêm.
Bà Phượng cũng nhận định rằng nếu để xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn thì lỗi là "ở bệnh viện".
"Lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phải có trách nhiệm", bà nói. "Có tai biến nghiêm trọng như vậy thì là lỗi hệ thống chứ không phải lỗi cá nhân".
Tuy nhiên bà cũng mong dư luận đừng quá khắt khe đối với những người làm ngành y ở Việt Nam.
"Đã làm trong ngành Y khoa thì không ai muốn bệnh nhân mình bị tai biến. Đây là điều mình phải thông cảm cho người làm trong ngành".
Bà nói rằng bên Mỹ cũng có những sơ suất trong ngành y làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Bà nói thêm:
"Xin dư luận đừng quá sức buộc tội những người làm trong ngành. Ngành y tế Việt Nam cũng phải nói là làm việc rất nặng nhọc. Cứ mỗi lần xảy ra tai biến như thế thì cả xã hội lên án".
"Nếu áp lực nặng nề quá thì chắc là ngành y ai cũng ngán ngẩm lắm (không dám vào)".
*************************
‘Thuế tài sản để ngăn đầu cơ là chệch hướng’ (VOA, 21/11/2017)
Dư luận Việt Nam đang phản ứng xôn xao, không tích cực đối với đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh về thu thuế tài sản. Một chuyên gia ngành tài nguyên-môi trường nói nếu mục đích thu thuế là để ngăn đầu cơ, việc đó không đi đúng hướng.
22222222222222222222
Thành phố Hồ Chí Minh muốn có cơ chế đặc thù để phát triển
Thành phố đóng vai trò trung tâm kinh tế của Việt Nam hồi tuần trước đề xuất với Quốc hội về thí điểm đánh thuế tài sản. Đây là một phần trong một đề án lớn hơn về trao "cơ chế, chính sách đặc thù" để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Theo phân cấp thẩm quyền trong hệ thống chính trị Việt Nam, luật về thuế phải do Quốc hội thông qua. Tin cho hay tại Quốc hội hôm 14/11, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cơ quan thẩm tra đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, nói "Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất".
Tường thuật của báo chí trong nước cho hay trong một cuộc gặp với các phóng viên bên hành lang Quốc hội hôm 20/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến giải thích rằng chính sách đánh thuế tài sản sẽ giúp "chống hành vi đầu cơ đất đai".
"Việc đánh thuế tài sản chủ yếu là chống đầu cơ chứ không phải Nhà nước tận thu", ông nhấn mạnh, theo tin trên VnExpress.
Thuế suất với đất phi nông nghiệp ở Việt Nam hiện là 0,03%, thấp hơn rất nhiều so với mức 1% ở Mỹ và cũng thấp hơn nhiều nước khác.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với VOA rằng áp dụng thuế suất cao hơn đối với đất đai hay bất động sản là cơ hội để tăng thu ngân sách nhằm phát triển hạ tầng. Nhưng nếu đánh thuế chỉ để ngăn đầu cơ, theo ông, điều đó là việc làm chệch hướng :
"Nói rằng đánh vào để ngăn chặn đầu cơ, tôi cho rằng mục tiêu nó chưa đúng với cái chúng ta phải làm đối với thuế đánh vào bất động sản. Bởi vì mục tiêu đầu tiên của thuế đánh vào bất động sản là có kinh phí để nâng cấp hạ tầng, nâng cấp đô thị. Cái đó mới là chính".
Sau khi đề án được nêu ra, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA-HochiminhCity Real Estate Asociation) đã ra văn bản kiến nghị Quốc hội chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản ở thành phố tại thời điểm hiện nay. Hiệp hội nói thời điểm phù hợp để áp sắc thuế này là sau năm 2020.
Hiệp hội cũng cảnh báo việc đánh thuế cao hơn so với mức hiện nay có thể dẫn đến hệ quả là giá nhà, đất tại đô thị lớn nhất đất nước sẽ leo thang, ở mức độ nhất định sẽ làm chi phí cuộc sống đắt đỏ hơn đối với nhiều người. Giáo sư Võ đồng ý với cảnh báo của HoREA :
"Việc tăng thu thuế đối với đánh vào nhà sẽ làm hỏng nhiều chính sách về phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Việt Nam".
Trong kiến nghị, HoREA viết thêm rằng việc đánh thuế tài sản cũng nên áp dụng đồng thời trên cả nước, chứ không chỉ thí điểm ở riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Theo hiệp hội, sức cạnh tranh chung của thành phố có thể bị giảm đi nếu thành phố thực hiện sắc thuế mới trong khi các tỉnh, thành khác thì chưa.
Thành phố Hồ Chí Minh đang vận động Quốc hội trao cho một quy chế "đặc thù" với lập luận rằng thành phố đứng đầu Việt Nam về kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, cũng như chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.
********************
‘Lạc quan’ về kinh tế Việt Nam đẩy điểm chứng khoán tăng cao (VOA, 21/11/2017)
Chỉ số chứng khoán Việt Nam Việt Nam-Index đạt mức trên 900 điểm liên tiếp trong hai ngày nay, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
33333333333333
Một nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán ở Hà Nội (ảnh tư liệu)
Khi thị trường đóng cửa hôm 21/11, chỉ số Việt Nam-Index đạt 918,3 điểm. Mức này cao hơn 14,75 điểm, hay 1,63%, so với 903,55 điểm của ngày 20/11. Lần gần nhất chỉ số này trên 900 điểm là tháng 8/2007.
Hãng tin Bloomberg hôm 21/11 nói chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 10% trong tháng 11, phần nào nhờ các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào gia tăng sự hiện diện của họ trong nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á.
Các cổ phiếu đắt giá của hãng sữa Vinamilk, tập đoàn Vingroup, tập đoàn FPT, công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn Sabeco và một số hãng khác đã tạo động lực tăng lớn nhất cho thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, một chuyên gia tài chính, ngân hàng, nói với VOA rằng ngoài tác động của các nhà đầu tư ngoại, thị trường tăng do có niềm lạc quan của nhiều người về nền kinh tế Việt Nam.
Ông Hiếu nói các biểu hiện tốt của nền kinh tế bao gồm GDP nhiều khả năng đạt mức tăng 6,5 đến 6,7%, tỷ giá ổn định, tương tự như vậy đối với các thị trường bất động sản, vàng và ngân hàng.
"Tất cả những thị trường như thế đã có sự ổn định từ đầu năm và tạo ra sự lạc quan cho nền kinh tế tại thời điểm này".
Bản tin của Bloomberg nói cổ phiếu của hãng bán lẻ Vincom Retail thuộc tập đoàn Vingroup đã tăng vọt 26% kể từ khi lên sàn hôm 6/11 vì nhiều người mua săn lùng cổ phiếu này. Tiếp đến, thị trường có thêm cú hích khi tập đoàn Jardine Matheson ở Hong Kong tuần trước tăng cổ phần trong hãng Vinamilk lên 10% và tuyên bố vẫn quan tâm mua thêm cổ phần.
Với con mắt chuyên gia, tiến sĩ Hiếu bình luận những sự kiện này có mối quan hệ hỗ tương giữa việc chỉ số chứng khoán tăng điểm và giá trị tài sản của các công ty quan trọng tăng thêm, và không phải là yếu tố giúp thị trường tăng bền vững :
"Cái tăng điểm qua sự hưng phấn của thị trường, qua những sự kiện, hoặc là do những cổ phiếu dẫn đầu mang tính hưng phấn và tăng điểm, thì cái tăng điểm đó có thể chỉ là có tính giai đoạn. Cái tăng điểm đó là do giá được định theo cung cầu trên thị trường. Chứ về thực chất, nó không phải là cái tăng giá trị từ nội lực của nền kinh tế".
Chuyên gia kinh tế này nói rằng tin tức về chỉ số chứng khoán đạt trên 900 điểm trong những ngày này là "một dấu hiệu tốt", và theo ông, "chúng ta nên lạc quan và mừng trong thận trọng".
Vì sao Việt Nam chịu tác động lớn nhất trong xung đột Triều Tiên ? (VOA, 05/10/2017)
Moody’s dự báo nếu xảy ra xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên, tác động của nó sẽ rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, thông qua tương tác với nền kinh tế Hàn Quốc.
Hàng may mặc là một trong những lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh nếu xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên.
Trong báo cáo vừa công bố hôm 3/10, tổ chức đánh giá tín nhiệm nổi tiếng Moody's nói Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những quốc gia bên ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tín nhiệm quốc gia nếu xảy ra xung đột. Nguy cơ này đang ngày càng tăng cao cùng với những lời lẽ đe dọa gay gắt từ các bên liên quan trong xung đột.
Theo báo cáo, cứ 10% sụt giảm GDP của Hàn Quốc sẽ kéo theo khoảng 0,7%-1,0% sụt giảm GDP của Việt Nam.
Chuyên gia Anushka Shah của Trung tâm Dịch vụ Đầu tư Moody’s tại Singapore cho VOA biết báo cáo đã xem xét đến nhiều yếu tố để đưa ra kết luận trên, bao gồm trong 3 khía cạnh quan trọng : Sức mạnh kinh tế, sức mạnh tài chính và độ nhạy cảm đối với rủi ro.
Giảm xuất khẩu
Cụ thể, lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xung đột là xuất khẩu của Việt Nam. Bà Anushka Shah nói : "Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu phi hàng hóa nhiều nhất vào Hàn Quốc, chiếm tới gần 6% GDP. Đây rõ ràng là yếu tố trực tiếp có thể làm giảm tiêu thụ nội địa cũng như đầu tư".
Báo cáo của Moody’s cũng chỉ ra rằng trang thiết bị, máy móc điện tử chiếm tới hơn 1/3 xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, kế đó là quần áo và các vật liệu cho quần áo (chiếm 14%).
"Khi chúng tôi xem xét về xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam, lĩnh vực máy móc điện tử, trang thiết bị là rất quan trọng. Tiếp đến là quần áo và các mặt hàng trung gian như các sản phẩm công nghệ thông tin là những lĩnh vực chính sẽ chịu tác động nặng", theo bà Anushka Shah.
Một yếu tố khác, kinh tế Việt Nam tương tác với nhiều quốc gia có liên quan trong xung đột như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, dẫn đến nguy cơ chịu tác động bất lợi từ những tổn thất kinh tế của các nước này. Theo báo cáo, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chiếm khoảng 19% GDP của Việt Nam, vào Trung Quốc chiếm khoảng 11% và vào Nhật chiếm khoảng 7% GDP.
Gián đoạn cung ứng
Việc gián đoạn cung ứng của Hàn Quốc sẽ có tác động xấu lên kinh tế Việt Nam. Báo cáo của Moody’s nói Việt Nam là quốc gia "dễ tổn thương nhất" đối với bất kỳ sự gián đoạn cung ứng toàn cầu nào từ Hàn Quốc.
Có đến 20% sản phẩm trung gian của Việt Nam được nhập từ Hàn Quốc. Báo cáo dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, sản phẩm công nghệ thông tin và linh kiện là những sản phẩm chủ yếu mà Việt Nam nhập vào từ Hàn Quốc. Nếu bị gián đoạn nguồn cung ứng, Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động thứ cấp đối với thương mại và sản xuất nội địa.
Sụt giảm FDI
Chuyên gia của Moody’s nói nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm từ Hàn Quốc cũng sẽ có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, vốn dựa khá nhiều vào nguồn vốn này.
"FDI rất quan trọng đối với Việt Nam khi đánh giá về độ tín nhiệm. Cho đến nay, FDI của Việt Nam khá mạnh. Nhưng có đến 25% FDI đến từ Hàn Quốc nên nếu có xung đột xảy ra, chắc chắc đây sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng".
Theo bà Anuska Shah, sở dĩ Việt Nam chịu tác động nặng nhất vì giới hạn về "sức mạnh tài chính". Bà giải thích : "Hồng Kông, Singapore, Đài Loan cũng đều chịu tác động vì họ có nhiều tương tác với các bên. Nhưng họ lại có độ tín nhiệm cao hơn Việt Nam bởi vì họ có được vùng đệm tài chính lớn, điều mà Việt Nam không có. Chẳng hạn về mặt tài chính, Việt Nam gần như không có tốc độ tài chính vì nợ công quá lớn. Vì vậy, tôi cho rằng khả năng về chính sách để có thể đối phó với xung đột là rất giới hạn".
Năm 2016, tổng nợ của chính phủ Việt Nam chiếm đến 52,6% GDP. Đặc biệt, với mức nợ công chiếm đến 63,5% GDP, báo cáo của Moody’s nói các nhà làm chính sách của Việt Nam sẽ phải đối diện với "những thử thách đáng kể" trong việc hoạch định một kế hoạch "giảm xóc" và đối phó với cú sốc kinh tế khi xảy ra xung đột.
Khánh An
********************
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu nổ ra xung đột Triều Tiên (RFI, 04/10/2017)
Nếu căng thẳng về hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang và cuối cùng dẫn đến xung đột trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ riêng Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, mà cả một số nước khác cũng bị tác động lây, nặng nhất là Việt Nam và Nhật Bản. Đó là dự báo mà công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra ngày 03/10/2017. Ngân Hàng Thế Giới hôm 04/10 cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Samsung dự định sẽ tuyển dụng thêm 60.000 công nhân tại Việt Nam trong năm 2017
Theo Moody’s, nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, nạn nhân đầu tiên dĩ nhiên sẽ là Hàn Quốc, nhưng một số quốc gia khác cũng sẽ bị tác động dây chuyền, trong đó có Việt Nam. Đơn giản chỉ là vì nhiều tập đoàn của miền nam Triều Tiên như Samsung hay LG đã đưa Việt Nam vào dây chuyền sản xuất của họ, qua việc xây nhiều nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh và hàng điện tử tại Việt Nam, lợi dụng giá nhân công còn rất thấp.
Riêng tập đoàn Samsung hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, đóng góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. "Ông lớn" này mà "sổ mũi" thì kinh tế Việt Nam cũng bị "hắt hơi" lây. Chẳng hạn như năm 2016, do sự cố Galaxy Note 7 mà tập đoàn Samsung đã bị thiệt hại nặng và kinh tế Việt Nam lúc đó cũng đã bị sụt giảm theo. Năm 2017, phần lớn cũng nhờ Samsung khởi sắc trở lại mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 ước tính đạt được đến 7,46%.
Theo lời ông Martin Petch, đặc trách về tín dụng của Moody’s, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất nếu dây chuyền sản xuất toàn cầu bị rối loạn do sản xuất ở Hàn Quốc bị ngưng trệ hay suy giảm. Hiện giờ, khoảng 20% hàng hóa bán thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam là từ Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc cũng chiếm hơn 5% tổng sản phẩm nội địa GDP.
Cũng theo lời ông Petch, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ đối đầu với những thách thức to lớn trong việc đề ra và thi hành các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để đối phó với khủng hoảng. Ông báo động là rủi ro cao hơn dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến các hệ số tín nhiệm của Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân Hàng Thế Giới, ngày 04/10, vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương. Báo cáo đưa ra dự báo khả quan là mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ đạt 6,4% năm 2017, một phần là nhờ tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn là dự báo ban đầu.
Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể tác động đến viễn cảnh tích cực đó, mà hàng đầu là mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có thể leo thang thành xung đột vũ trang, gây rối loạn trao đổi mậu dịch và kinh tế. Đây là lần đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới nhấn mạnh như thế đến Bình Nhưỡng và các mối đe dọa địa chính trị trong một báo cáo kinh tế quan trọng.
Tại Jakarta ngày 03/10, bộ trưởng Tài Chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng đã bày tỏ quan ngại về tác động của khủng hoảng Bắc Triều Tiên đến nền kinh tế của các nước ASEAN. Bà Indarwati cho rằng những yếu tố giúp cho các nước Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, chẳng hạn sức mua ngày càng tăng của thành phần trung lưu, có thể sẽ "thay đổi hoàn toàn" do những nguy cơ về an ninh và địa chính trị.
*********************
Việt Nam và Nhật Bản 'ảnh hưởng nặng' nếu có chiến tranh Triều Tiên (BBC, 03/10/2017)
Xung đột quân sự nổ ra tại bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, theo đánh giá của Công ty Dịch vụ Đầu tư Moody's (Singapore), thuộc tập đoàn Moody's.
Xung đột quân sự nổ ra tại bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam
Trong một báo cáo mới nhất về tình hình đầu tư quốc tế xuất bản hôm thứ Ba, Moody's cho biết Việt Nam và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất về tín dụng nếu có xung đột tại bán đảo Triều Tiên, và nguy cơ này đang tăng cao cùng những tuyên bố của các bên liên quan.
"Một cuộc xung đột xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tín dụng lớn nhất tới Hàn Quốc. Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là những quốc gia có nguy cơ cao nhất", báo cáo cho biết.
Moody's nói rằng đối với những quốc gia có khả năng sẽ đóng vai trò chủ đạo nếu có xung đột xảy ra, Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Đối với Mỹ, việc tăng mạnh ngân sách cho quân sự gây áp lực lên tình hình tài khóa. Ngược lại, tăng trưởng của Nhật Bản có khả năng chậm lại một cách đáng kể, ảnh hưởng xấu tới kế hoạch bình ổn dài hạn các khoản nợ công.
Với Việt Nam, việc giảm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu hồ sơ tín dụng của quốc gia này.
"Với tình trạng nợ công sẵn có (chiếm 52,6% GDP năm 2016), chính phủ Việt Nam có thể khó đối phó cú sốc kinh tế mà không làm suy yếu tình hình tài khóa hiện tại", báo cáo cho biết.
Báo Việt Nam (VnExpress 07/2016) cho hay từ 2004 đến 2016 có 75 nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và con số này tiếp tục tăng.
Báo cáo này của Moody's tập trung vào các ảnh hưởng tín dụng từ xung đột, căng thẳng kéo dài. Đối với trường hợp căng thẳng chỉ diễn ra ngắn hạn, mức độ ảnh hưởng tới các quốc gia trên thế giới sẽ không đáng kể.
Bên cạnh đó, nếu xung đột tại bán đảo Triều Tiên dẫn đến việc chuyển dần vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi với rủi ro cao, các nguy cơ và rủi ro thanh khoản cũng sẽ tăng. Việc các quốc gia chịu ảnh hưởng ở mức nào theo đó sẽ phụ thuộc vào thời gian diễn ra xung đột và thời điểm các khoản nợ đến kì hạn.
Kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động mạnh bởi xung đột Bắc Hàn (RFA, 03/10/2047)
Việt Nam nằm trong số những nước ở Châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu có một xung đột về quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Đó là kết luận được công ty chuyên đánh giá về tính dụng quốc tế Moody’s Investor Service đưa ra trong báo cáo mới được công bố hôm 3/10.
Hình minh họa. Màn hìnhchứng khoán tại một công ty giao dịch ở Hà Nội nháy đỏ cho thấy giá cổ phiếu xuống thấp. AFP
Trong báo cáo có tựa tạm dịch là ‘Chủ quyền – Toàn cầu, Việt Nam và Nhật Bản là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về tín dụng khi có một xung đột tiềm tàng ở bán đảo Triều Tiên’, Moody’s cho rằng những sự không chắc chắn về khả năng một cuộc xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên đang lên cao cùng với những lời nói đao to búa lớn.
Báo cáo nhận định một xung đột sẽ có ảnh hưởng mạnh lên Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc bị ảnh hưởng hạn chế hơn.
Xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mất xuất khẩu vào Nam Hàn và gián đoạn về đường dây cung cấp sẽ làm yếu đi hồ sơ tín dụng của Việt nam.
Theo đánh giá của Moody’s, với gánh nặng nợ hiện nay, chính phủ Việt Nam sẽ không có đủ vùng đệm để tránh sốc cho nền kinh tế khi sức mạnh tài chính suy yếu.
Với tình trạng đàn áp dân chủ nhân quyền gia tăng, Việt Nam có thể sẽ phải trả giá bằng nền kinh tế, một tác giả đưa ra nhận định trên Bloomberg hôm 25/8.
Sự thiếu dân chủ của Việt Nam có thể sẽ phải trả giá bằng kinh tế, một nhà báo nhận định
Nhà báo Ilaria Maria Sala chuyên về Trung Quốc và Châu Á nhận định nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 2,3%.
Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế phát triển, chính trị của Việt Nam đã trở nên khắt khe hơn. Ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến bị kết án nặng hơn.
Tác giả cho rằng những sự đàn áp này đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế vốn đã rất khó khăn để đạt được của Việt Nam.
Và có thể chế độ cộng sản cầm quyền sẽ bắt đầu để ý đến điều này.
'Thiếu dân chủ sẽ phải trả giá bằng kinh tế'
Chỉ trong năm nay, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - "Mẹ Nấm" - bị tuyên án 10 năm tù vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước".
Trần Thị Nga, một nhà bất đồng chính kiến khác, cũng chịu chín năm tù với cùng tội danh trên.
Năm ngoái, blogger Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên án 5 năm tù giam vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, được trả tự do vào tháng Năm năm nay.
Mặc dù tất cả những trường hợp này đều bị các nhóm nhân quyền lên tiếng chỉ trích, nhưng có ít dấu hiệu cho thấy chế độ cộng sản cầm quyền có ý định thuyên giảm các vụ bắt giữ.
Bà Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước cộng sản Việt Nam, theo điều 88 Bộ luật Hình sự
Tuy nhiên, tác giả cho rằng nghi vấn bắt cóc cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh có thể là một bước ngoặt.
Khi quan chức Đức còn đang xem xét đơn xin tị nạn của ông Thanh thì ông bị bắt cóc ở Berlin bởi tình báo Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức.
Vụ việc này có thể gây nguy hiểm cho một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU).
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, thương mại giữa hai bên tăng từ 10 tỷ đôla lên hơn 48 tỷ đôla.
Thỏa thuận thương mại được đề xuất sẽ cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm từ hàng dệt may, giày dép đến hải sản cho Việt Nam - một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu - tiếp cận thị trường với hơn 500 triệu người. Ước tính thỏa thuận sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên khoảng 2,7% mỗi năm.
Việt Nam còn phụ thuốc rất lớn vào xuất khẩu, làm mích lòng nước lớn liệu có lợi ?
Ngay cả trước khi có nghi vấn bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một số quốc gia EU đã tranh cãi rằng thỏa thuận thương mại này chỉ nên được phê chuẩn với điều kiện Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Việc khiến nền kinh tế mạnh nhất EU nổi giận bằng cách tiến hành bắt giữ trái phép ngay trên lãnh thổ của nước này không hề giúp cải thiện tình hình. Các chiến thuật như vậy cũng có thể cản trở đầu tư, tác giả ghi nhận thêm.
Những đối thủ canh trạnh vốn đầu tư nước ngoài - như Indonesia và Philippines - là các nền dân chủ. Hai quốc gia này tất nhiên cũng có vấn đề riêng.
Nhưng các nghiên cứu cho thấy các thể chế dân chủ có thể làm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam có thể gia tăng đáng kể FDI bằng cách mở rộng nền dân chủ, nhà báo Sala nhận định.
Việc đàn áp thêm, nói cách khác, sẽ là một bất lợi trong cạnh tranh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, gồm các chuyên gia kinh tế được hy vọng sẽ giúp Thủ tướng đưa ra các quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn cho đất nước.
Donald Trump - Ảnh minh họa
Đây là điều đáng mừng và tôi với tư cách là một luật sư cũng đưa ra khuyến nghị chính sách cho Thủ tướng như sau.
Bài học của Tổng thống Trump
Trong cuốn sách 'Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ' được phát hành trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã trình bày một ý đó là :
'Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh'.
Ông Trump nêu bí quyết này với hy vọng sẽ trở thành Tổng thống và khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ.
Đây có lẽ cũng là lời khuyên thích hợp dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay, trong bối cảnh mà Thủ tướng Phúc cũng đang tìm cách phát triển nền kinh tế đất nước qua việc tìm kiếm lời tư vấn từ các chuyên gia.
Vậy thì ở Việt Nam hiện nay có vấn đề gì 'ẩn tàng' cần được nhìn ra, để có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ? Tôi xin gợi ý như sau.
Một hộ gia đình ở tỉnh Nam Định nhờ tôi tư vấn một việc, đó là gia đình ông từ vài năm trước xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp. Nhưng mới đây chính quyền xã, huyện đã cưỡng chế phá dỡ với lý do xây dựng trái phép, mà không chỉ nhà ông còn có sáu hộ gia đình khác cũng bị phá dỡ vì lý do tương tự.
Canh tác nông nghiệp - Ảnh minh họa
Một dịp khác làm việc tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một địa phương thuần nông nghiệp, trong lúc làm việc, tài liệu của ông chủ tịch xã cho tôi biết danh sách của mấy chục hộ dân nằm trong diện thanh tra xử lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
Một lần về làm việc tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tôi được người dân cho biết, khắp vùng xung quanh đó trước kia là đất lúa hoặc hoang hóa, nay được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Song mới đây chính quyền huyện Phù Cừ cũng lại tiến hành xử lý cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, từng đàn lợn gà mất đi nơi nuôi nhốt, hoặc phải bán tống bán tháo với giá rẻ.
Tàn dư của kinh tế kế hoạch
Tôi thấy thật vô lý, vì đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm ?
Lý do cấm thường cho rằng vì không xin phép hoặc vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, đây là vấn đề rất sai trái bất cập.
Chúng ta biết rằng đất đai là phương tiện sản xuất quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam khoảng 60% đến 70% dân số sống ở nông thôn dựa vào nông nghiệp. Việc giải phóng sức lao động sản xuất để tăng hiệu quả canh tác, qua việc cho phép người dân được tự lựa chọn hình thức mục đích sử dụng đất theo cách hiệu quả nhất, là rất quan trọng.
Cấm đoán người dân chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế quyền của người dân với các lý do quy hoạch, kế hoạch trong khi chất lượng và tính khoa học của các vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì thế nào ?
Có thể hình dung là sự lười nhác quan liêu xa rời thực tiễn khiến cho các chính sách quy hoạch và kế hoạch kém chất lượng khoa học, thay vì tạo động lực thì lại là rào cản trói buộc người dân.
Không đặt ra những tiêu chí khoa học nghiêm ngặt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch nhưng Luật đất đai phản ánh ý chí của các ban ngành lại rất coi trọng hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch, thể hiện uy quyền của nhà nước đối với đất đai. Bằng chứng là luật đất đai năm 2013 tuy chỉ có 212 điều luật nhưng đã sử dụng đến 208 lần từ 'kế hoạch sử dụng đất' và 71 lần từ 'quy hoạch sử dụng đất'.
Đây là hệ quả còn rơi rớt lại từ quan niệm nhận thức về nền kinh tế kế hoạch hóa và công hữu hóa tư liệu sản xuất theo kiểu nhà nước phân vùng và chỉ đạo ai sản xuất cái gì, gò ép các nguồn lực kinh tế trong đó có đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu, vào khuôn khổ theo kế hoạch chung.
Mặc dù kiểu làm kinh tế theo kế hoạch hóa đã được thực tế chứng minh là thất bại trong việc tạo ra hiệu quả nhưng tàn dư của nó vẫn còn, nhất là trong vấn đề sử dụng đất.
Điều này thể hiện ở việc nhà nước đã cho phép tiến hành tư nhân hóa mọi thứ, trừ đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu nên về nguyên tắc việc sử dụng vẫn theo những kế hoạch.
Sinh hoạt kinh tế Việt Nam - Ảnh minh họa
Những vấn đề quy hoạch, kế hoạch được thiết lập bởi nhiều cơ quan từ trung ương xuống địa phương mỗi năm, được thực hiện với tư duy dễ dãi giản đơn, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, nên đang là rào cản trói buộc người dân.
Đây là vấn đề đang nổi cộm rộng khắp hiện nay khi người dân do những thôi thúc về kinh tế gia đình đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi trói buộc của pháp luật bất cập, để rồi lại bị quy cho là làm sai và bị cưỡng chế phá bỏ.
Nỗi chán chường Việt Nam
Việc quản trị quốc gia chẳng hề đơn giản như Tổng thống Trump đã phát biểu rằng vấn đề chỉ đơn giản là nhìn ra được những điều ẩn tàng. Ở Việt Nam nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ tác hại nhưng lại không được nắm bắt giải quyết.
Trước đây tôi đã viết bài "Việt Nam : Chính sách đất đai khiến dân phải sống nghèo ?" để phản ánh những bất cập trong quản lý sử dụng đất, và mới đây báo chí lại đưa tin sự việc xảy ra ở Quảng Nam, quê nhà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền thành phố Tam Kỳ đã cưỡng chế phá dỡ khu chuồng trại xây dựng trái phép của một gia đình và tạm giữ 10 con heo.
Không biết khi báo chí đưa tin những sự việc này có giúp Thủ tướng và bộ tham mưu của ông nhận ra được vấn đề 'ẩn tàng' trong chính sách phát triển quốc gia hay không.
Vấn đề tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất hiện nay nếu được tháo gỡ sẽ là điểm khởi phát cho phát triển kinh tế nông thôn và phát triển kinh tế đất nước.
Việc thực hiện sẽ được thuận lợi vì hiện tại cả nước đã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập cơ cấu đồng đất lớn tập trung, giúp thuận lợi cho việc gia tăng hiệu quả canh tác. Cho nên để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh theo lời khuyên của Tổng thống Trump - chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên nhìn ra và tháo gỡ vấn đề đã không còn gì là 'ẩn tàng' này.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 07/08/2017
Từ việc "giải cứu thịt lợn" đến đề xuất "giải cứu giáo viên"
Vào năm 2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục - Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình ! Công nhân, viên chức nhà nước, ai đi làm cũng phải có đồng lương đủ sống, nói theo câu nói thời thượng, lương không đủ sống, không lẽ "cạp đất mà ăn !" Đã 11 năm trôi qua, ông Nguyễn thiện Nhân đã vào Sài Gòn, nắm chức Bí thư Thành Ủy Sài Gòn, nhưng lương giáo viên giờ này cũng chỉ đủ để cầm hơi qua ngày.
Chờ việc. (Nguyễn Đình Hà)
Từ việc "giải cứu thịt lợn" đến đề xuất "giải cứu giáo viên"
Vào năm 2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục - Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình ! Công nhân, viên chức nhà nước, ai đi làm cũng phải có đồng lương đủ sống, nói theo câu nói thời thượng, lương không đủ sống, không lẽ "cạp đất mà ăn !" Đã 11 năm trôi qua, ông Nguyễn thiện Nhân đã vào Sài Gòn, nắm chức Bí thư Thành Ủy Sài Gòn, nhưng lương giáo viên giờ này cũng chỉ đủ để cầm hơi qua ngày.
Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam cần đề xuất, thay vì lấy tiền từ các dự án hoang tưởng, như tượng đài Hồ Chí Minh, các cổng chào hào nhoáng, có tính cách phô trương, thì ông Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại Học FPT, có một đề xuất khá "lạnh người" là bắt phụ huynh đóng thêm 100.000 VND, ngoài khoảng 10 thứ phí tổn mà lâu nay phụ huynh học sinh đã phải "oằn lưng" ra chịu vì tương lai con em.
Quỹ này được mang tên là "Quỹ giải cứu giáo viên", hoặc "Quỹ Khuyến Dạy", thực chất là góp tiền để trả thêm lương cho giáo viên, nhưng được lý luận là để "nâng cao chất lượng giáo dục !".
Một ví dụ như trường trung học cơ sở Nam Thành Công Hà Nội, số thu trên mỗi đầu em học sinh lên đến 4 triệu đồng, một học kỳ. Con số 100.000 VND này thực chất là tiền lương trả thêm cho giáo viên, không khác ngày xưa con em học trường tư thục phải đóng tiền trường hàng tháng.
Hiện nay đồng lương của giáo viên công lập thấp nhất là 1,3 triệu đồng, sau 10 năm thâm niên được 3,5 triệu đồng/tháng thì làm sao cho đủ sống.
Ông cho rằng, cần "giải cứu" ngay giáo viên các trường tiểu học công lập vì đó là tương lai của 7,7 triệu học sinh tiểu học công lập.
Từ đây giáo viên vào lớp sẽ mặc cảm chính các em học sinh đang đóng tiền để nuôi mình. Chuyện lương tiền là chuyện của nhà nước chứ không phải trách nhiệm của phụ huynh học sinh, "giải cứu giáo viên" như đề nghị của ông tiến sĩ, thì ai "giải cứu phụ huynh ?" đang lo trăm thứ tiền để cho con được ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Về phía giáo viên, hầu hết không tán thành "đề xuất" khi còn chút liêm sĩ. Một giáo viên trường Tiểu Học Ngô Gia Tự (Hà Nội) đã nói : "Chúng tôi không phải ăn mày trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh". Một giáo viên khác tại Sài Gòn, cho hay cá nhân ông không đồng tình việc lập quỹ để "giải cứu giáo viên" như "giải cứu dưa hấu", "giải cứu thị lợn" rớt giá !
Chúng ta cũng đã biết chuyện "giải cứu" khi một nhóm sinh viên Sài Gòn tình nguyện vay tiền mua 20 tấn dưa với giá cao gấp 6 lần so với thương lái, để "giải cứu dưa hấu" cho nông dân Quảng Ngãi. Ở Hà Nội thì có phong trào "giải cứu thịt lợn"để giúp nông da bị thịt heo rớt giá vì sự chèn ép của thị trường thịt lợn Trung Quốc. Việc chênh lệnh của cung- cầu trên thị trường là do đường lối chủ trương của chính phủ (do đảng dắt đường), về sản xuất, xuất nhập cảng, vì sao phải "giải cứu ?" Chính quyền cho rằng chia sẻ khó khăn là truyền thống của người Việt, và "giải cứu thịt lợn" đang trở thành phong trào lan rộng khắp xã hội, có ý nghĩa nhân văn (!)…".
Theo đường lối và huấn thị của Hồ Chí Minh (Thanh Hóa 4-1947) thì "giải pháp cơ bản của thực hành dân chủ và tạo sự đồng thuận đoàn kết trong nhân dân là giải pháp "nhân dân và chính phủ cùng làm !" Ông Hồ cũng nói thêm : "Không phải chính phủ bỏ ra 10, 15 triệu để mở lò máy, làm cái này cái khác. Phải đem sức dân, tài dân, của dân để làm cho dân !"
Phải đem sức dân, tài dân, của dân… để làm cho dân vậy thì đảng và chính phủ ở đâu ?
Trong khi đảng, bộ chính trị cai trị đất nước, ngoài xương máu nhân dân đóng góp cho đảng thắng lợi và cầm quyền, dân còn lo toan trăm thứ thuế, mỗi việc đều kêu dân đóng góp. Làm đường, thuỷ lợi, xây cầu… là việc của chính phủ lấy từ tiền thuế của dân, nếu dân đã đóng thuế rồi mà việc gì cũng kêu gọi dân đóng góp, dưới danh nghĩa mỹ miều "cùng làm" (nhân dân và nhà nước cùng làm.) Nhưng khổ nỗi "nhà nước và nhân dân cùng làm" nhưng nhà nước ở vị trí chủ đạo, ở vị thế quyết định.
Một số hộ dân tại phường Bắc Hà (Hà Tĩnh) phản ánh tới báo chí trong nước về việc phường kêu gọi dân ủng hộ thiện nguyện, nhưng lại "ra giá" tối thiểu 500 ngàn đồng.
Chuyện lo cho thương binh liệt sĩ là việc của nhà nước, sao Hà Nội lại kêu dân đóng tiền để sửa chữa, nâng cấp nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, hay xây nhà tình nghĩa ? Quảng nam kêu gọi dân đóng tiền để xây nhà văn hoá. Cao Bằng bắt dân đóng tiền "xoá đói giảm nghèo" tức là bắt dân ăn lại cái đuôi của dân, chứ chính quyền không móc hầu bao của mình. Một quận ở Dak Lắc kêu dân đóng góp tiền để chào mừng 30 năm ngày thành lập quận. Hải Phòng đã có lần kêu dân đóng góp để xây dựng công trình "nhạc nước" cả chục tỷ…
Việt Nam bây giờ đã có phong trào "giải cứu" vĩa hè, "giải cứu" thịt lợn ế hàng, đến "giải cứu" món dưa đỏ thặng dư, chưa biết may mai còn đến món hàng ế ẩm nào nữa. Bây giờ lương giáo viên không đủ sống, cần "giải cứu" lại có đề xuất móc túi cha mẹ học sinh. Nay mai sẽ đến lượt bệnh nhân phải "giải cứu" bác sĩ, y tá ; nhân dân xử dụng giao thông "giải cứu" công an đứng đường ; nhân viên, cán bộ "giải cứu" thủ trưởng.
Việt Nam hiện nay có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan là nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam, ai là người "giải cứu" cho Việt Nam.
Chẳng may đảng lâm bệnh, thì toàn dân phải hiệp đồng mà "giải cứu" đảng.
Và một ngày kia, tất cả phải cùng đồng lòng đứng dậy để "giải cứu" cho quê hương.
Huy Phương
Nguồn : VOA, 06/06/2017