Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Để vùng đất Cần Giờ ‘cất cánh’ sau mấy chục năm ngủ quên, cần cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang) hay Vân Đồn (Quảng Ninh).

cangio1

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ chụp vào ngày 07-08-2019. Ảnh : M.Trí.

Đó là ý kiến của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu trong một đề xuất với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đào Hồng Tuyển được biết đến là ‘chúa đảo Tuần Châu’. Ông khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi rời quân ngũ từ cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1979.

Theo ông Tuyển thì để phát triển Cần Giờ, thì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần đề xuất chính phủ cho cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh). Ông Tuyển nói rằng hơn chục ki lô mét bờ biển có thể xây dựng hệ thống bến cảng du thuyền để làm Đại hội du thuyền quốc tế như ở Singapore, Thái Lan.

Tránh dùng cụm từ ‘đặc khu’ đang được cho là ‘nhạy cảm chính trị’, ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, tán đồng ý kiến của ông Đào Hồng Tuyển, và cho rằng phải có cơ chế chính sách riêng cho Cần Giờ từ tài chính, đầu tư, phát triển ngành nghề.

Câu hỏi đặt ra : Cần Giờ cần ‘cơ chế mềm’ như Phú Quốc, như Vân Đồn để làm gì ?

Ông Ngô Văn Dị (Năm Dị), hiện là Vạn trưởng Vạn lạch Cần Thạnh, cựu Quận trưởng Quận Cần Giờ, tỉnh Gia Định trước năm 1975, cho biết ở đất đai ven biển thị trấn Cần Thạnh, phần lớn đã được tập đoàn Vingroup sở hữu. "Họ mua lại đất đai của dân và chính quyền cũng duyệt quy hoạch dự án của họ. Trong thời gian chờ đợi thực hiện dự án, họ vẫn để nguyên cho người xứ này làm ăn mua bán…". Ông Năm Dị cho biết.

Sống ở Cần Giờ, ở biển, không làm nghề biển thì làm gì ? Thế nhưng dạo này việc đánh bắt ngày càng kém do nguồn lợi thủy sản sút giảm. "Hơn chục năm nay nuôi nghêu ở Cần Giờ gần như thất bại thảm hại, vì chuyện xả thải của nhà máy Vedan từ sông Thị Vải khiến vùng biển qua 3 xã Cần Thạnh, Thạnh An và Long Hòa của Cần Giờ gần như không thể khai thác các nguồn lợi thủy sản như trước…". Ông Nguyễn Văn Tới, cư dân Cần Giờ chia sẻ.

Trao đổi tiếp về câu chuyện quy hoạch Cần Giờ liệu có cần hướng đến kiểu ‘đặc khu’ như Phú Quốc, ý kiến từ một số cựu thanh niên xung phong nông trường Đỗ Hòa thời Cần Giờ có tên Duyên Hải, cho rằng cần tránh vết đổ như hồi duy ý chí quy hoạch trồng dừa ở đất phèn Đỗ Hòa thập niên 80 thế kỷ trước. 

"Rừng ngập mặn cần giờ là một quần thể bao gồm các loại động, thực vật trên cạn và thủy sinh. Được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn. Nằm cách cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn hơn 50 cây số. Rừng ngập mặn cần giờ là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á. Nếu lại như Phú Quốc phát triển những khu nhà trùng điệp, thì tương lai Cần Giờ sẽ bị ngập lụt hệt Phú Quốc hổm rày !". Ông Phụng – người từng mệnh danh ‘vua kể chuyện ma’ của nông trường Đỗ Hòa, nhận định.

Các khu nhà trùng điệp ở Phú Quốc mà ông Phụng nói đến, với dân bất động sản, gọi đó là những dự án Condotel - căn hộ khách sạn được xây dựng trong các khu được quy hoạch dành cho du lịch nghỉ dưỡng.

"Cần Giờ sẽ là một cái bẫy tài chính nếu như lại cho phát triển những dự án Condotel như tại Phú Quốc. Hiện tại đang có lời mời gọi kiểu, nếu phân khúc biệt thự cần số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về bài toán tài chính, thì Condotel là một giải pháp đầu tư hợp lý giúp nhiều người có thể tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Với mức giá chỉ tương đương với căn hộ thông thường nhưng vẫn mang lại lợi ích đầu tư như dòng biệt thự nghỉ dưỡng, sản phẩm căn hộ khách sạn Condotel là lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư.

Chỉ cần ra Phú Quốc ở những ngày này sẽ thấy ‘đảo ngọc’ đã thành ‘đảo ngập’, và vô số dự án Condotel chôn vốn…". Ông Phụng nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Nghiệp – Cử nhân Sinh học của trường Đại học Khoa học và Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, bức xúc rằng dường như cho đến nay các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chiêu trò ‘lobby’ với những nhà hoạch định chính sách, khiến những quan chức này ‘quên mất’ lý thuyết hồi còn học trên giảng đường là trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, thì kiểu rừng ngập mặn như Cần Giờ sẽ góp phần giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biến. Ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. 

"UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới. UNESCO cũng công nhận khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, gồm có các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Như vậy, rõ ràng là trước mắt ở Phú Quốc đang đánh mất dần các giá trị hệ sinh thái này qua việc phát triển ồ ạt những dự án bất động sản. Cần Giờ bị hủy hoại từ xả thải của Vedan, và những gợi ý kiểu như vị chúa đảo Tuần Châu… Cần phải hiểu là khi trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, các nước phải tuân thủ các hiệp ước, công ước và các cam kết quốc tế mà Chính phủ đã ký". Bà Nguyễn Thị Nghiệp bức xúc lên tiếng.

Có thể là một so sánh dạng ‘nói quá’, nhưng không phải không có lý khi trên cộng đồng mạng xã hội ví von : "Nếu để người cộng sản quản lý sa mạc Sahara, thì trong vài năm chúng ta sẽ thiếu cát" (!?).

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 12/08/2019

Published in Diễn đàn

Ngày Chủ nhật 14/7 đã trôi qua lặng lẽ tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Không có một cuộc biểu tình nào của người dân để sẻ chia với người lính hải quân Việt Nam đang đối mặt với giặc Trung Quốc ở bãi Tư Chính.

khong1

Vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Về mặt hành chánh, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sở dĩ không có biểu tình, vì theo nhà báo Trần Đình Thu, "nếu còn tồn tại chủ nghĩa xã hội thì đừng bao giờ nói đến chuyện chống Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa lắm. Chỉ nói đến chuyện chống Trung Quốc, khi nào Việt Nam trở thành một nước dân chủ đa đảng, ký các hiệp ước đồng minh với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…".

Luật sư Nguyễn Thanh Bình chua chát không kém : "Có lẽ nên xóa kỷ luật một số tướng tá bên bộ Quốc phòng và mấy vị đô đốc, tướng lĩnh của bộ tư lệnh hải quân. Thôi thà để nó tham nhũng còn hơn là để tổ quốc bị xâm lăng... Tin trên làm nức lòng đám quan chức tham nhũng. Họ được ngoại bang bảo kê chăng ? Đám chính trị gia công tử, xa-lông với đám quan chức xôi thịt có vẻ rất khoái và có vẻ đang mong đợi những gì đó đặc lợi, đặc quyền…".

Bản tin trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (1), cho biết (tóm lược) : Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát. 

Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111. 

Ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), trong một tin nhắn Twitter  vào sáng sớm hôm chủ nhật 14/7 (giờ Sài Gòn) cho biết như vậy kèm ảnh chụp màn hình theo dõi.

"Và bây giờ chúng tôi đã xác nhận sự tham gia của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong hoạt động hộ tống. Đó Qi Qiongsanshayu 00114, một chiếc tàu lớn thuộc sở hữu của đơn vị thành phố Sansha [Tam Sa]. Có lẽ đây không phải là tàu dân quân biển duy nhất (2).

Trong một diễn biến khác, theo tờ Tin Tức của Thông Tấn xã Việt Nam (3), vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Các bản tin tương tự ở RFA, BBC, RFI chủ yếu dẫn lại nguồn kèm dự báo (4), cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây, và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.

Tuy nhiên tính đến Chủ nhật 14/7, hệ thống báo chí quốc doanh không khai thác thông tin này. Có chăng chỉ là kiểu tường thuật ẩn dụ :

"Đó có lẽ là đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể lính Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này... Qua điện thoại, cả hai gia đình đã thống nhất tổ chức lễ cưới vào ngày 12 và 13/7 này. Để kịp về cưới vợ, chú rể đã xin phép đơn vị cho về phép 10 ngày. Cô dâu Ly Na nói đúng ra chú rể đã có mặt ở nhà từ ba ngày trước ngày cưới. Nhưng gần ngày về thì thời tiết không thuận lợi. Tàu không cập được để về đúng ngày. Cả nhà phải động viên nhau chấp nhận đám cưới không có chú rể. Cũng không có ảnh cưới. Không cắt bánh. Không rót rượu. Và không có luôn việc trao nhẫn cưới cho nhau" (5).

Mạng xã hội cũng chưa thấy bất kỳ lời kêu gọi nào về những cuộc tuần hành biểu thị lòng dân trước đe dọa về những đụng chạm có thể bằng vũ trang của quân đội hai quốc gia.

Vài hôm trước đó, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công du ở Trung Quốc, cũng chưa rõ bà có lên tiếng nói gì về vấn đề này với Tập Cận Bình.

Có ý kiến phân tích, các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần qua đã mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này hồi năm 1992, Trung Quốc đã từng ký giấy phép cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ Creston hoạt động. 

Vụ này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa. Tuy nhiên nghe đâu thời hạn hợp đồng giữa Trung Quốc với phía công ty Mỹ vẫn còn, nay, thăm dò thềm lục địa của Việt Nam là nằm trong hoạch định tái khởi động lại hợp đồng ấy.

Lập luận trên có cái lý, vì hôm thứ sáu, 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng [scmp, nguồn đã dẫn] cho biết thêm. "Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan", người phát ngôn này nói.

Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 27/6 tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã phát đi thông báo mời thầu 8 lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Vị trí các lô dầu khí này trùng với lộ trình thăm dò của Haiyang Dizhi 8, từ lô 130 đến lô 156.

Nhắc lại : Tòa án Trọng tài thường trực PCA đã phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trong một bản án tuyên ngày 12/07/2016, điều này có nghĩa Trung Quốc không có quyền gì đối với tài nguyên biển thuộc EEZ của quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều đó dẫn đến thỏa thuận vào năm 1992 của Trung Quốc với công ty khai thác dầu khí của Mỹ, hiện tại là ‘vô hiệu’.

Có một nội dung ít được báo chí cũng như mạng xã hội khai thác trong chuyến công du của Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại Trung Quốc vừa kết thúc vào cuối tuần qua, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm công việc ‘tiền trạm’ cho sắp tới đây sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hai bộ chính trị Trung Quốc và Việt Nam tại Hà Nội.

Bàn luận bên lề, một số luật sư ở Sài Gòn dự báo từ chuyến công du Bắc Kinh của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khả năng sắp tới đây nếu có chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là người đứng đầu quốc gia, thì nếu ông Nguyễn Phú Trọng trở ngại vì sức khỏe, thì người thay thế chính là Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đứng về mặt Luật hiến Pháp, mà người Mỹ vốn quen với nền pháp trị, hay viện dẫn các nguyên tắc và diễn tiến hiến định, thì bà Ngân là người cao nhất nước, vì bà là Chủ tịch Quốc hội, mà Hiến pháp Việt Nam gọi là cơ quan quyền lực tối cao. 

5 năm trước, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại 22 tỉnh thành của Việt Nam trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa. Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. 

Hiện tại thì họa xâm lăng cận kề, song xem ra người dân thực sự đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, khi họ không còn sục sôi kêu gọi xuống đường tuần hành ủng hộ người lính hải quân, không còn muốn tố cáo, lên án với cộng đồng quốc tế về chuyện Trung Quốc bá đạo dẫm đạp lên luật pháp quốc tế.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 15/07/2019

(1) http://bit.ly/2YR83T9

(2) @KennedyMaritime @AndrewSErickson" : "And now we have confirmed China maritime militia involvement in the escort operation. That’s Qiongsanshayu 00114, a big boat owned by the Sansha City unit. Probably not alone out there.

(3) http://bit.ly/2Y7FELc

(4) https://www.scmp.com

(5) Báo Tuổi Trẻ, phát hành tối 13/7 

Published in Diễn đàn

Khởi tố ông trùm bất động sản Lê Thanh Thản về mội tội nhẹ hều là "Lừa dối khách hàng" thật ra chỉ là cái cớ, rồi sẽ có hàng loạt tội khác, hàng loạt người khác và quan chức có liên quan. Đại gia điếu cày Mường Thanh bị khởi tố chẳng có gì là oan cả. Cái thiếu, nếu có, chỉ là những ai đã chống lưng, đã gật đầu, nhắm mắt để cho ông ấy làm bậy mà thôi.

lua1

Tranh biếm họa

Đảng cộng sản Việt Nam ‘xí gạt’ cả… thế giới thì sao (!?)

Về mặt tuyên truyền, những lập luận sau đây được ra rả trên nhiều diễn đàn tuyên giáo Đảng : Hiến pháp Việt Năm năm 2013 gồm 36 điều quy định trực tiếp về quyền con người. Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người để phù hợp với Hiến pháp. Việc chủ động, tích cực tham gia, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, cũng như những nỗ lực nội luật hóa, đảm bảo việc thực thi quyền con người của Việt Nam, thể hiện cam kết cao của Chính phủ trong việc bảo vệ những quyền và lợi ích cơ bản đó của người dân.

Sự thật có đúng như vậy ?

Từ chuyện về tội ‘lừa dối’ của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, có người cắc cớ : thế Đảng cộng sản Việt Nam có lừa dối dân chúng không ? Nếu câu trả lời là ‘không’, thì Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình, người được mệnh danh ‘vua chả giò’ ở xứ Hà Lan, tại sao lại dốc hết vốn liếng để về Việt Nam làm ăn rồi phải ngậm đắng nuốt cay ăn quả đắng mất trắng của cải ?. Đã vậy, khi thoát cảnh tù tội, ông buộc lòng phải cất công đi kiện và kiện thắng chính phủ Việt Nam ở tòa quốc tế.

Nếu câu trả lời là ‘không’, thì phải giải thích thế nào khi người dân oan Thủ Thiêm đã kêu gào công lý, thậm chí cả ‘nợ máu – trả máu’ suốt hơn hai mươi năm qua ?

Nếu câu trả lời là ‘không’, thì vì sao chính quyền lại thô bạo đàn áp những người biểu tình phản đối giặc Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà đầu tư Formosa Hà Tĩnh hủy diệt môi trường…, bởi ở đây là nhân danh quyền Hiến định về ‘tự do ngôn luận, biểu tình, tự do hội họp’. 

Biểu tình là quyền chính trị của công dân được Hiến pháp quy định, thế nhưng khi người dân biểu tình là bị công an bắt giữ với đủ mọi hăm he. Nếu Điều 4 của Hiến pháp về quyền của Đảng là có thật, thì rõ ràng trong trường hợp cụ thể này, Đảng đã lừa dối dân chúng qua cụm từ cửa miệng : "Đã có Đảng và Nhà nước lo".

Ở Việt Nam từ sau tháng tư, 1975, bên cạnh những tuần hành, mít tinh inh ỏi kèn trống cờ xí tung hô ngợi ca Đảng, thì nếu có biểu tình xảy ra, nguyên cớ đưa đến đều liên quan đến chủ quyền. Đất đai, công thổ quốc gia là thành quả gìn giữ, hy sinh của hàng triệu người Việt trong quá trình đi mở cõi, chống ngoại xâm, giờ không thể trở thành món béo bở cho cuộc đổi chác nào đó giữa các phe nhóm chính trị Hà Nội – Bắc Kinh. 

Gần đây người dân còn biểu tình về những luật lệ được Đảng và Nhà nước ‘đẻ’ ra nhằm để trấn áp những tiếng nói phản biện. Môi trường sống đang bị nhà đầu tư Trung Quốc hủy diệt qua các dự án nhiệt điện than, luyện cán thép…, cũng là lý do của biểu tình. 

Sợ nói dối, nói hay mà không làm

Trong một dịp trao đổi với báo chí quanh chuyện thực hiện theo "Di chúc Hồ Chí Minh", ông Đoàn Duy Thành, người từng giữ chức vụ bí thư Thành ủy Hải Phòng, bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nói rằng : "Có nội dung rất sâu sắc trong Di chúc Hồ Chí Minh mà tôi tâm đắc nhất, đó là xây dựng Đảng như thế nào. Bác rất sợ lời nói dối, nhất là những cán bộ chủ chốt mà nói không thật thì tạo ra bao kẻ nói dối.

Ngay con phố trước cửa nhà tôi, nhiều người dân vẫn hay ta thán nhiều cán bộ nói hay mà không làm, nói dối nhiều quá. Đừng có lừa dối nữa, người ta chán lừa dối lắm rồi (...) Người ta tham nhũng thì người ta bao che nhau, có ai chịu nói. Lãnh đạo đã chia nhau lợi lộc rồi. Tôi chết thì anh cũng chết, như vậy làm sao kéo nhau ra sự thật được. Một số người liêm khiết, thẳng thắn thì bị trừng trị bằng cách tống ra ngoài. Hiện trạng này đã rõ ràng mấy chục năm nay, bao che lẫn nhau, nếu anh này bới anh kia thì anh kia sẽ bới lại anh này. Lợi ích cá nhân và lợi ích của nhau cả…".

Xem ra khi câu "Đã có Đảng và Nhà nước lo" là từ cửa miệng của nhóm lợi ích như nhận xét của ông Đoàn Duy Thành, thì chắc chắn toàn lời lừa dối dân chúng.

Tin rằng nhân dân sẽ sung sướng lắm, khi mỗi lần bị cắt điện, mất điện, điện lên giá là lập tức sẽ có đại diện của Đảng và Nhà nước – như bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chẳng hạn, đứng ra dõng dạc tuyên bố hãy yên tâm vì "đã có Đảng và Nhà nước lo" (!?). 

Còn các bà nội trợ chắc cũng không thấy chút xíu phiền lòng nào, mỗi khi có ‘Đảng và Nhà nước lo’ làm sao cho mỗi lần họ đi chợ không còn bận tâm chuyện hàng giá cứ cao ngất ngưỡng bởi cõng quá nhiều thứ thuế má, chi phí có tên như BOT lẫn không tên từ nhũng nhiễu, và cả hàng gian, hàng giả nữa chứ. Ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình sẽ đường hoàng vỗ ngực là hãy để "Đảng và Nhà nước lo" cho mâm cơm ấy của người dân (!?).

Cũng chưa từng thấy ai nói rằng "Đã có Đảng và Nhà nước lo" khi các thế lực tội phạm hoành hành cuộc sống của nhân dân, càng không thấy ai hô hào ‘Đảng và Nhà nước lo’ khi Trung Quốc ‘mượn đường’ Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thay lời kết

Việt Nam đang trong thời gian chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền. Các lãnh đạo đương nhiệm, các ứng viên cho tương lai của nhiệm kỳ sắp tới sẽ thuyết phục chính mình, rằng họ đang có ‘những lời nói dối cao quý’ vì lợi ích của những người đi theo họ, nhưng sự thật là họ chỉ đơn thuần nói dối vì sự thuận lợi chính trị hay mục đích cá nhân cho cuộc tranh giành quyền lực độc đảng. 

Điều đó càng khiến thêm cẩn trọng khi xem xét bản chất những đánh đổi giữa mục đích và phương tiện, mà các nhà lãnh đạo đó đưa ra trở nên quan trọng hơn trong một kiểu dân chủ độc đảng. Có những tình huống trong đó người ta sẽ cho phép một nhà lãnh đạo chính trị nói dối, nhưng những trường hợp như vậy nên được hạn chế và cần có sự giám sát chặt chẽ từ dân chúng, từ những nhà quan sát chính trị độc lập.

Nói theo ngôn ngữ võ hiệp kỳ tình trong tiểu thuyết Kim Dung, thì rất nhiều khi Đảng giống như nhân vật Đông Phương Bất Bại của Tiếu Ngạo Giang Hồ, chẳng có cao thủ nào dám đụng tới. Tiếc là trong bộ luật hình sự đến nay vẫn chưa có điều khoản liên quan chuyện Đảng đã ‘xí gạt’ dân chúng xứ Việt - và cả thế giới nữa (!) như kể ở trên.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 13/07/2019

Published in Diễn đàn

Với tình trạng sức khỏe như đồn đoán, nếu không thể hồi phục như trước, nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘tự giác’ rời chính trường. Đây cũng là một phần nội dung của Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019.

npt1

Chỉ thị 35-CT/TW

Gừng càng già càng cay ?

"Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành" được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 30/5/2019, với 23 trang giấy khổ A4 ; và được phát hành qua bản sao lục số 117-SL/ĐUK do Chánh Văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, ông Đinh Xuân Tùng ký ngày 07/6/2019 (1).

Theo chỉ thị nói trên thì các ứng viên phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn chung nêu tại Quy định số 89 ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa 12, trong đó tiêu chuẩn thứ 5 là "Về sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm : đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định ; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý".

Ở Quy định số 89 ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị khóa 12 không ghi thế nào là đủ sức khỏe, do đó Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019 rất chu đáo khi đính kèm Phụ lục I "Tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025", ghi : "Năm là, đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ (theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền trong thời gian không quá 6 tháng đến thời điểm giới thiệu nhân sự) ; bảo đảm tuổi theo quy định".

Trên thực tế thì hiện nay tình trạng sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra sao, vẫn chưa được sự xác nhận công khai từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Trong bối cảnh đó, dường như đúng như câu ‘gừng càng già càng cay’, nhằm giảm thiểu chuyện ‘đâm bị thóc – chọc bị gạo’ quanh vấn đề sức khỏe, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Chỉ thị 35-CT/TW đã đưa ra mệnh lệnh "chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên Internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự" (2).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn lo ngại chính nội bộ Đảng của ông sẽ tranh giành, đấu đá cho những chiếc ghế nhân sự quyền lực mà ông gọi là "phần tử cơ hội chính trị, bất mãn", nên đưa ra yêu cầu thứ 5 là "phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn".

Dòi từ trong xương dòi ra

Trở lại vấn đề sức khỏe của cán bộ Trung ương. Chiều hôm 24/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao huân chương Độc lập hạng nhất tặng ông Nguyễn Quốc Triệu, hiện là Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Ông Phúc phát biểu rằng "mong ông Triệu luôn sống vui khoẻ, lạc quan ; luôn là tấm gương, điểm tựa cho con cháu phát huy truyền thống gia đình, có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước, luôn hướng về Tổ quốc, cộng đồng xã hội, phục vụ tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cao cấp".

Thẩm quyền ký tặng Huân chương Độc lập hạng nhất thuộc Chủ tịch nước. Như vậy, với việc nhận huân chương này, nhiều khả năng sắp tới đây sẽ có người khác ngồi vào chiếc ghế Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Liệu khi ấy tình trạng sức khỏe của ‘cán bộ Trung ương’ sẽ được minh bạch hơn cho việc chọn lựa nhân sự theo yêu cầu của Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019 ?

Trong trường hợp nếu ông Nguyễn Quốc Triệu vì lẽ gì đó buộc phải ‘cáo lão hồi hưu’, cho thấy để ngừa nguy cơ ‘dòi trong xương dòi ra’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra răn đe :

"Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng ; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút ; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh ; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm ; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân ; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao" (3).

Một thách thức đặt ra : nếu như báo chí tiếp tục là kênh phát ngôn theo định hướng của Tuyên giáo Đảng, thì làm sao thực hiện được chức năng đấu tranh chống tham nhũng trong chính nội bộ Đảng như mong muốn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? Vụ việc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, vụ cướp phá tài sản nhà ở và đất đai khu vườn rau Lộc Hưng là ví dụ. Tương tự, có phải vì lợi ích nhóm nên nhiều quan chức của Đảng đang ra sức bênh vực cho nhà đầu tư Trung Quốc trong dự án cao tốc Bắc – Nam ?... Chuyện lửa 'củi - lò' cứ chập chờn cũng là một thách thức về tham nhũng, về 'lợi ích nhóm' trong bối cảnh tiếp tục là độc Đảng toàn trị. 

Nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp, thì "thanh trừng môn hộ" như ý Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn sẽ gây sóng gió trên chốn giang hồ trong suốt thời gian chờ đợi đến ngày ‘luận kiếm Hoa Sơn’.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 26/06/2019

(1) http://bit.ly/31T2O7i

(2) Trích phần I "Yêu cầu", điều 4, Chỉ thị 35-CT/TW

(3) Trích phần II, điều 3.1, Chỉ thị 35-CT/TW

******************

Đọc thêm :

Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/05/2019

Ban chấp hành trung ương                         Đảng Cộng sản Việt Nam

Số 35-CT/TW                                     Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2019

CHỈ THỊ

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 - 2020 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực ; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng ; vai trò, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế và lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng lên. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta ; thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội XII của Đảng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp theo những yêu cầu và nội dung sau đây :

I- YÊU CẦU

1. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển ; phát huy dân chủ đi đối với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương ; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu ; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Thông qua đại hội đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

2. Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên. Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.

3. Công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý ; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

4. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch ; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể ; chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên Internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.

5. Đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên phải là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, đại diện cho trí tuệ của đảng bộ, có khả năng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự thành công của đại hội.

6. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng ; đồng thời, phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn.

II- NỘI DUNG

1. Nội dung đại hội đảng bộ các cấp

Đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung sau : (1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 ; (2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp ; (3) Bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 ; (4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Những nơi có khó khăn liên quan đến công tác nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì tiến hành đại hội với 3 nội dung, chưa bầu cấp ủy khóa mới.

2. Chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận

- Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu :

+ Báo cáo chính trị của đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế ; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại..., nhất là việc thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã xác định ; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực tế ; đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn.

+ Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng ; đánh giá đúng, khách quan, trung thực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua ; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân ; đồng thời, phải cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe nhiều chiều để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.

- Việc xây dựng, đóng góp ý kiến vào văn kiện :

+ Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương chuẩn bị tốt và có kế hoạch công bố dự thảo các văn kiện đại hội và báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với tình hình thực tế để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.

+ Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện tại đại hội, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động (gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị) để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận ; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh "qua loa", hình thức ; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng.

3. Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy

3.1. Tiêu chuẩn cấp ủy viên

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị này để cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu ở cấp mình (Phụ lục I).

Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng ; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút ; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh ; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm ; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân ; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

3.2. Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Cấp cơ sở tháng 4/2020 ; cấp huyện và tương đương tháng 6/2020 ; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2020. Thời điểm tính tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tháng 5/2021. Thời điểm tính tuổi tham gia các chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.

Dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3.3. Độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ. Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy ở mỗi cấp và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tại thời điểm bầu cử (nêu tại Điểm 3.2) (Phụ lục 2). Riêng đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét, trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

3.4. Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy

(1) Cơ cấu cấp ủy :

- Cơ bản bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng ; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn ; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy ; đồng thời, thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu ban thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ.

- Kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương và ngành có cơ cấu cấp ủy viên, nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên điều động người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị từ nơi khác đến hoặc xem xét bổ sung sau đại hội.

- Cơ bản thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện. Mỗi đồng chí thường trực cấp ủy cấp tỉnh không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh chủ chốt : Bí thư, phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương ; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện ; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.

- Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên ; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới ; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.

- Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy.

- Vào đầu nhiệm kỳ, nơi nào chưa chuẩn bị đủ số lượng, cơ cấu thì phải khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ sung, thay thế trong nhiệm kỳ bảo đảm đủ cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định.

- Cơ cấu cấp ủy, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và việc đổi mới cấp ủy trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và một số đơn vị đặc thù sẽ có hướng dẫn riêng.

(2) Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy :

- Quy định số lượng cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ các cấp ; đồng thời, thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII (Phụ lục 3).

- Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện và tình hình đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng cấp ủy viên ; cấp ủy khóa mới quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy trên cơ sở quy định khung của cấp có thẩm quyền.

3.5. Quy trình nhân sự cấp ủy

- Cơ bản thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị, hướng dẫn của cấp ủy có thẩm quyền và được cụ thể hóa cho 2 đối tượng : (1) Nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy ; (2) Nhân sự tái cử cấp ủy (Phụ lục 4).

- Cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy. Đại hội đảng bộ các cấp thực hiện thẩm tra tư cách đại biểu theo quy định, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo thẩm tra, xác minh, kết luận trước khi tiến hành đại hội đối với những nơi có vấn đề phức tạp, nhất là mất đoàn kết nội bộ hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

- Phân công công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy khóa mới theo quy định.

3.6. Thực hiện bầu cử trong đại hội

- Việc bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy, Ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng.

- Thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao ; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

- Thực hiện đại hội lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử vào ban chấp hành đảng bộ khóa mới, trừ những nơi trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Kết quả giới thiệu của đại hội để cấp ủy khóa mới tham khảo khi bầu bí thư cấp ủy. Trường hợp giới thiệu của đại hội khác với phương án nhân sự được duyệt thì báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trước khi bầu bí thư cấp ủy.

4. Cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên

- Việc xác định cơ cấu, số lượng đại biểu đại hội đảng bộ các cấp thực hiện theo hướng : Giữ nguyên số lượng đại biểu ở khối địa phương như một số nhiệm kỳ gần đây ; đồng thời, đổi mới cách phân bổ để bảo đảm hợp lý thành phần, cơ cấu, giới tính, dân tộc ; tăng số lượng đại biểu ở các ngành, lĩnh vực quan trọng để có từ 1 đến 2 đại biểu (không tính đại biểu đương nhiên) để nâng cao chất lượng thảo luận, phản biện, đóng góp ý kiến khi quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương. Căn cứ nguyên tắc này, cấp ủy triệu tập đại hội quyết định phân bổ đại biểu dự đại hội với số lượng cụ thể như sau : (1) Đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đảng bộ Công an Trung ương từ 300 đến 350 đại biểu ; Đảng bộ thành phố Hà Nội không quá 500 đại biểu ; các đảng bộ : Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa và Đảng bộ Quân đội không quá 450 đại biểu ; Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương từ 250 đến 300 đại biểu ; (2) Đại hội đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương không quá 300 đại biểu ; (3) Đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên ; có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu. Trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu có khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì tổ chức đại hội đại biểu.

- Việc bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên phải căn cứ vào Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp về số lượng, cơ cấu đại biểu đại hội đảng bộ các cấp.

- Đại hội đảng bộ các cấp được bầu một số đại biểu dự khuyết để thay thế đại biểu chính thức vắng mặt ; số lượng do đại hội quyết định.

5. Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp

- Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày ; bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày ; hoàn thành trước ngày 31/8/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2020.

- Thời gian họp trù bị đại hội cấp huyện và tương đương trở lên không quá 1/2 ngày. Thời gian tổ chức đại hội điểm đối với đảng bộ cấp cơ sở vào đầu quý I/2020 ; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II/2020 ; đối với đảng bộ trực thuộc Trung ương vào đầu quý III/2020.

6. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau đại hội

- Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, phân công cấp ủy viên khóa mới ngay sau đại hội theo đúng phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Cùng với việc phân công cấp ủy viên khóa mới, cấp ủy các cấp cần tiến hành sắp xếp, bố trí, kịp thời thực hiện chế độ, chính sách và làm tốt công tác tư tưởng đối với các đồng chí cấp ủy viên không tái cử theo quy định của Đảng và Nhà nước.

- Đối với những đồng chí ở cấp tỉnh, cấp huyện không tái cử, nhưng còn thời gian công tác từ 24 tháng đến dưới 30 tháng mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu còn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khoẻ và có nguyện vọng công tác thì xem xét, bố trí công việc phù hợp (trừ các đồng chí có nguyện vọng nghỉ hưu sớm). Những đồng chí còn dưới 24 tháng mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu địa phương, cơ quan, đơn vị có khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp thì cơ bản giữ nguyên chế độ và làm tốt công tác tư tưởng, động viên nghỉ công tác, chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Những đồng chí có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì giải quyết chế độ, chính sách kịp thời theo quy định của Chính phủ. Cán bộ ở cấp xã thực hiện theo Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và quy định của Chính phủ.

- Về thời điểm thôi giữ chức vụ lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước có cơ cấu cấp ủy nhưng không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện như sau :

+ Cấp tỉnh : Các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu sau đại hội hoặc còn tuổi công tác nhưng không tham gia cấp ủy (trừ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII) thì cho thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo nêu trên ngay sau đại hội hoặc vào phiên họp thường kỳ gần nhất của Hội đồng nhân dân sau đại hội. Riêng đối với các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, nếu nhân sự được chuẩn bị thay thế chưa là đại biểu Hội đồng nhân dân thì để đồng chí đương nhiệm liên tục giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.

+ Cấp huyện, cấp xã : Giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tình hình cụ thể để quy định không trái với nguyên tắc nêu trên.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy tổ chức quán triệt Chỉ thị và xây dựng kế hoạch thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung Chỉ thị đề ra ; lãnh đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, đồng thời lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân ; gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020.

2. Các cấp ủy thành lập các tiểu ban giúp việc chuẩn bị và tổ chức đại hội ; phân công ủy viên thường vụ, cấp ủy viên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đảng bộ cấp dưới ; tổ chức đại hội điểm ở các cấp để rút kinh nghiệm ; chủ động nắm tình hình, kịp thời có biện pháp xử lý, tháo gỡ đối với các đảng bộ có khó khăn hoặc có vấn đề phức tạp nảy sinh.

Ban thường vụ cấp ủy cấp dưới báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp việc chuẩn bị văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy, khi được cấp trên đồng ý mới tiến hành đại hội. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về dự thảo các văn kiện, xét duyệt đề án nhân sự cấp ủy trực thuộc Trung ương và phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự, chỉ đạo, kiểm tra việc chuẩn bị và tổ chức đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương.

3. Sau đại hội, cấp ủy khóa mới tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội ; báo cáo cấp ủy cấp trên chuẩn y kết quả bầu cử cấp ủy ; tiến hành kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời chuẩn bị nhận sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, nhân sự lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định. Xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, phân công công tác đối với cấp ủy viên và thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, nghiêm túc đối với các đồng chí không tái cử theo quy định.

4. Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử.

5. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng Trung ương có liên quan hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Các ban đảng Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp ; tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

T/M Bộ Chính trị

Tổng bí thư

Nguyễn Phú Trọng

PHỤ LỤC 1

TIÊU CHUẨN CẤP ỦY VIÊN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII)

1. Tiêu chuẩn chung nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII

(1) Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc và nhân dân ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân ; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

(2) Có phẩm chất đạo đức trong sáng ; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị ; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc ; không tham vọng quyền lực, không háo danh ; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm ; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

(3) Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học ; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn ; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ. Có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; có thành tích, kết quả công tác nổi trội ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công ; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ. Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo ; có kinh nghiệm thực tiễn ; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

(4) Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước ; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.

(5) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ (theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền trong thời gian không quá 6 tháng đến thời điểm giới thiệu nhân sự) ; bảo đảm tuổi theo quy định.

2. Tiêu chuẩn cụ thể

(1) Tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp tỉnh (bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) : Thực hiện theo Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị ; các đồng chí được giới thiệu để bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt thì phải bảo đảm tiêu chuẩn của tất cả chức danh dự kiến đảm nhiệm.

(2) Tiêu chuẩn ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở : Căn cứ vào tiêu chuẩn chung (nêu tại Mục 1) và yêu cầu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ đại hội 2020 - 2025, ban thường vụ cấp ủy quy định bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

PHỤ LỤC 2

ĐỘ TUỔI CẤP ỦY VIÊN NHIỆM KỲ 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII)

1. Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy

1.1. Đối với cấp tỉnh : ít nhất nam sinh từ tháng 9/1965 và nữ sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam).

1.2. Đối với cấp huyện : ít nhất nam sinh từ tháng 6/1965, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây.

1.3. Đối với cấp xã : Thực hiện theo Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

2. Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy

2.1. Đối với cấp tỉnh : Nam sinh từ tháng 3/1963 và nữ sinh từ tháng 3/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như nam). Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 : Nam sinh từ tháng 9/1963 và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam). Riêng đối với các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

2.2. Đối với cấp huyện : Nam sinh từ tháng 12/1962 và nữ sinh từ tháng 12/1967 trở lại đây. Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 : Nam sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây.

2.3. Đối với lực lượng vũ trang : Độ tuổi tham gia cấp ủy căn cứ vào độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam ; các đồng chí tham gia cấp ủy địa phương thực hiện theo quy định chung về độ tuổi tham gia cấp ủy các cấp theo Chỉ thị của Bộ Chính trị ; các đồng chí tham gia cấp ủy trong đảng bộ Quân đội, Công an, tuổi tái cử phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm), trường hợp đặc biệt còn tuổi công tác từ 1 năm (12 tháng) đến dưới 30 tháng phải là các đồng chí có năng lực, đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ, uy tín cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.

Theo tinh thần này, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương hướng dẫn cụ thể về độ tuổi cấp ủy viên ở các đảng bộ trực thuộc.

2.4. Các đồng chí bí thư đảng ủy là chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị) hoặc tổng giám đốc và phó bí thư chuyên trách công tác đảng ở các tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng thương mại nhà nước (hoặc nhà nước có cổ phần chi phối) còn tuổi công tác từ 1 năm (12 tháng)trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, sức khoẻ, tín nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý, thì có thể xem xét tiếp tục tham gia cấp ủy trong doanh nghiệp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ đặc điểm, tình hình của địa phương và quy định nêu trên để hướng dẫn tuổi tham gia cấp ủy đối với cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc tỉnh, thành phố và các loại hình doanh nghiệp khác.

PHỤ LỤC 3

SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU CẤP ỦY VIÊN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, PHÓ BÍ THƯ CẤP ỦY CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII)

I- SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU CẤP ỦY VIÊN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG NHIỆM KỲ 2020 - 2025

1. Số lượng

Thống nhất chủ trương thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Căn cứ vào chủ trương nêu trên, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xác định cụ thể số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Cơ cấu

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương, đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ để xác định cơ cấu cấp ủy cho phù hợp.

II- SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU BAN THƯỜNG VỤ, PHÓ BÍ THƯ CẤP ỦY CẤP TỈNH VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG NHIỆM KỲ 2020 - 2025

1. Ban thường vụ

1.1. Số lượng

- Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An không quá 17 đồng chí.

- Các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương từ 13 đến 15 đồng chí.

1.2. Định hướng cơ cấu

Bí thư, phó bí thư ; chủ tịch và 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân ; chủ tịch và 1 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân ; chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy và trưởng các ban : Tổ chức, tuyên giáo, dân vận, nội chính ; chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (ở những nơi chưa thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc) ; chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an ; người đứng đầu cấp ủy một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp ủy.

2. Phó bí thư

- Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không quá 3 đồng chí.

- Các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương không quá 2 đồng chí.

* Lưu ý : số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, phó bí thư được tăng thêm để luân chuyển, đào tạo theo quy hoạch của Trung ương không tính vào số lượng cấp ủy nêu tại Chỉ thị của Bộ Chính trị ; việc giới thiệu và bầu cử đối với số cán bộ được tăng thêm hiện đang công tác ở địa phương vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

III- SỐ LƯỢNG ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, PHÓ BÍ THƯ CẤP ỦY CẤP HUYỆN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG NHIỆM KỲ 2020 - 2025

1. Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

- Số lượng ủy viên ban thường vụ từ 9 đến 11 đồng chí. Đối với những nơi có số lượng đảng viên lớn hoặc tính chất nhiệm vụ, địa bàn phức tạp số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 13 đồng chí.

- Số lượng phó bí thư 2 đồng chí.

2. Đối với các đảng bộ trực thuộc đảng ủy khối ở Trung ương

Số lượng ủy viên ban thường vụ từ 9 đến 11 đồng chí, phó bí thư từ 1 đến 2 đồng chí.

3. Đối với đảng bộ khối cơ quan tỉnh, thành phố và đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở khác(các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối)

Số lượng ủy viên ban thường vụ từ 7 đến 9 đồng chí, phó bí thư từ 1 đến 2 đồng chí.

IV- CẤP CƠ SỞ

1. Đối với đảng bộ xã, phường, thị trấn

- Số lượng cấp ủy viên không quá 15 đồng chí ; số lượng phó bí thư từ 1 đến 2 đồng chí.

- Cơ cấu cấp ủy gồm : Cán bộ, công chức cấp xã đang công tác (theo số lượng quy định của Chính phủ) và những người không là cán bộ, công chức cấp xã (người hoạt động không chuyên trách, cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ...), do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh căn cứ vào quy định chung và tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương để hướng dẫn cho phù hợp.

2. Những đảng bộ cơ sở thuộc loại hình khác

- Số lượng cấp ủy viên cơ bản thực hiện như ở nhiệm kỳ 2015 - 2020.

- Cơ cấu cấp ủy do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh căn cứ vào quy định chung và tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương để hướng dẫn cho phù hợp.

V- ĐẢNG BỘ QUÂN ĐỘI, CÔNG AN

Đảng bộ Quân đội, Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.

PHỤ LỤC 4

QUY TRÌNH VÀ HỒ SƠ NHÂN SỰ CẤP ỦY CẤP TỈNH NHIỆM KỲ 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII)

I- QUY TRÌNH NHÂN SỰ

1. Đối với các đồng chí tái cử cấp ủy

(1) Bước 1 : Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 1)

Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng được Bộ Chính trị quy định và phương hướng công tác nhân sự được cấp ủy thông qua ; trên cơ sở danh sách các đồng chí cấp ủy đương nhiệm, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, đánh giá từng trường hợp và xem xét, thông qua danh sách cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, phó bí thư, bí thư cấp ủy đương nhiệm đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở hội nghị cán bộ chủ chốt.

(2) Bước 2 : Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến giới thiệu (bằng phiếu kín) theo danh sách nhân sự tái cử đã được ban thường vụ cấp ủy xem xét, thông qua ở bước 1 (hội nghị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt).

- Thành phần :

+ Ở các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương là các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ ; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ; trưởng các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh ; bí thư các đảng bộ trực thuộc, chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

+ Ở đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ ; trưởng, phó các ban và tương đương ; bí thư, phó bí thư các đảng bộ trực thuộc và trưởng các đoàn thể của đảng ủy khối.

(3) Bước 3 : Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 1)

Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín).

(4) Bước 4 : Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 2)

Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 3 và kết quả khảo sát nhân sự (nếu có) ; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, bỏ phiếu thông qua danh sách nhân sự tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 để trình hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 2).

Về nội dung khảo sát nhân sự : Ban thường vụ cấp ủy và tiểu ban nhân sự nếu xét thấy cần thiết thì tiến hành khảo sát, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống và uy tín ; năng lực, thành tích và sản phẩm công tác nổi trội đối với nhân sự (đã được giới thiệu ở bước 3) tại nơi công tác, cơ quan liên quan và cấp ủy cơ sở nơi cư trú.

(5) Bước 5 : Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 2).

- Trình tự thực hiện :

+ Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị.

+ Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có).

+ Tập thể ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín).

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn : Nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập ở các bước (riêng bước 2 tính trên số đại biểu có mặt) ; kết quả kiểm phiếu được công bố tại các hội nghị.

2. Đối với nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy

(1) Bước 1 : Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 1)

Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng được Bộ Chính trị quy định và phương hướng công tác nhân sự được cấp ủy thông qua ; trên cơ sở danh sách quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tổ chức chính trị - xã hội (theo nhiệm kỳ của từng tổ chức) ; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp và xem xét, thông qua danh sách dự kiến những nhân sự trong quy hoạch đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo cấp ủy theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở hội nghị cán bộ chủ chốt.

(2) Bước 2 : Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến giới thiệu (bằng phiếu kín) theo danh sách nhân sự đã được hội nghị ban thường vụ cấp ủy xem xét, thông qua ở bước 1 (hội nghị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt).

- Thành phần :

+ Ở các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương là các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ ; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ; trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh ; bí thư các đảng bộ trực thuộc, chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

+ Ở đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ ; trưởng, phó các ban và tương đương ; bí thư, phó bí thư các đảng bộ trực thuộc và trưởng các đoàn thể của đảng ủy khối.

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn :

- Mỗi thành viên được giới thiệu không quá cơ cấu, số lượng chức danh theo quy định1 và xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong danh sách đã được hội nghị ban thường vụ cấp ủy thông qua ở bước 1 hoặc có thể giới thiệu nhân sự khác nhưng phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

- Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý từ 30% tổng số đại biểu có mặt trở lên và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định (tính cả số dư từ 10 - 15% so với tổng số cấp ủy viên được phân bổ theo quy định). Trường hợp cuối danh sách giới thiệu có nhiều người có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì đưa tất cả các đồng chí được giới thiệu vào danh sách để giới thiệu ở bước sau.

(3) Bước 3 : Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 1)

Căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện được Bộ Chính trị phân bổ và phương hướng công tác nhân sự được cấp ủy thông qua ; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín).

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn :

- Mỗi thành viên được giới thiệu không quá cơ cấu, số lượng chức danh theo quy định và xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong danh sách đã được hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu ở bước 2 hoặc có thể giới thiệu nhân sự khác nhưng phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

- Nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu có mặt và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định (tính cả số dư từ 10 - 15% so với tổng số cấp ủy viên được phân bổ theo quy định). Trường hợp cuối danh sách giới thiệu có nhiều người có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì đưa tất cả các đồng chí được giới thiệu vào danh sách để giới thiệu ở bước sau.

(4) Bước 4 : Tiến hành khảo sát nhân sự và tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 2)

Ban thường vụ cấp ủy và tiểu ban nhân sự tiến hành khảo sát, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống và uy tín ; năng lực, thành tích và sản phẩm công tác nổi trội đối với nhân sự được giới thiệu ở bước 3 tại nơi công tác, cơ quan liên quan và cấp ủy cơ sở nơi cư trú (căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị, ban thường vụ cấp ủy và tiểu ban nhân sự xác định nhân sự và phương pháp tiến hành khảo sát cụ thể).

Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 3 và kết quả khảo sát nhân sự (nếu có), ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, bỏ phiếu thông qua danh sách nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới để lấy ý kiến giới thiệu ở hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 2).

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn :

- Mỗi thành viên được giới thiệu không quá cơ cấu, số lượng chức danh theo quy định và xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong danh sách đã được hội nghị ban chấp hành giới thiệu ở bước 3.

- Nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định (tính cả số dư từ 10 - 15% so với tổng số cấp ủy viên được phân bổ theo quy định). Trường hợp cuối danh sách giới thiệu có nhiều người có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì đưa tất cả các đồng chí được giới thiệu vào danh sách để giới thiệu ở bước sau.

(5) Bước 5 : Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 2)

Trình tự thực hiện :

+ Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị.

+ Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có).

+ Tập thể ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín).

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn :

- Mỗi thành viên được giới thiệu không quá cơ cấu, số lượng chức danh theo quy định và xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong danh sách đã được hội nghị ban thường vụ cấp ủy thông qua ở bước 4.

- Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định (tính cả số dư từ 10 - 15% so với tổng số cấp ủy viên được phân bổ theo quy định). Trường hợp có hai người trở lên cùng có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì lựa chọn nhân sự do người đứng đầu cấp ủy giới thiệu (kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị).

II- DANH MỤC HỒ SƠ NHÂN SỰ (thống nhất khổ giấy A4 và sắp xếp theo thứ tự sau) :

1. Tờ trình.

2. Bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu (kèm theo Biên bản kiểm phiếu ở các bước).

3. Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2C/TCTW) do cá nhân tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận ; có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 6 tháng.

4. Bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất ; có nhận xét, đánh giá của chi bộ và xác nhận của đảng ủy cơ quan nơi cán bộ công tác.

5. Nhận xét, đánh giá của ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoặc của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về : (1) Phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ ; (2) Năng lực công tác và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất ; (3) Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy chế nêu gương ; (4) Uy tín và triển vọng phát triển.

6. Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình cán bộ.

7. Kết luận của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương về tiêu chuẩn chính trị theo Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị khóa XII.

8. Bản kê khai tài sản thu nhập theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-TTCP , ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ (ký xác nhận và ghi rõ họ tên vào từng trang).

9. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ,... (có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền).

10. Bản sao giấy khai sinh (hợp lệ) ; trường hợp giấy khai sinh không bảo đảm theo quy định thì gửi bản sao lý lịch đảng viên gốc có xác nhận của cấp ủy có thẩm quyền.

11. Kết luận tình trạng sức khoẻ của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; đối với cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương phải có Giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ sở y tế có thẩm quyền (trong thời hạn 6 tháng).

Các cấp ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc nhận xét, đánh giá, đề xuất, giới thiệu, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được giới thiệu và một số nội dung liên quan khác theo quy định.


1 Ví dụ : Tổng số cấp ủy viên được phân bổ theo quy định là 50 người ; số tái cử đủ tiêu chuẩn, điều kiện được thông qua là 20 người ; số lượng được giới thiệu còn lại không quá 37 người (tính theo số dư từ 10 - 15%) ;đối với số lượng ủy viên ban thường vụ cấp ủy cũng tính tương tự như cấp vậy.

Riêng đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội thì giới thiệu 1 người cho 1 chức danh.

Published in Diễn đàn

Bất chấp các văn bản yêu cầu tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn từ khước thực hiện trách nhiệm công vụ được quy định ở Luật Tiếp công dân 2013.

tiep1

Công văn của Thanh tra chính phủ.

Mặc kệ Thanh tra Chính phủ…

"Công văn 1644 ngày 6/6/2019 của Ban tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ do Trưởng ban Nguyễn Hồng Điệp ký gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của bà con Vườn rau Lộc Hưng. Đây là văn bản thứ 3 của Thanh tra Chính phủ đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.

Hồ sơ vụ việc "Vườn rau Lộc Hưng" cho biết nhiều hộ dân ở khu phường 6, quận Tân Bình, còn gọi với tên quen thuộc là "Vườn rau Lộc Hưng" đã có đơn tố giác tội phạm gửi Công an Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2019, yêu cầu khởi tố việc phá nhà, huỷ hoại tài sản của công dân trị giá đến gần 100 tỷ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền phường sở tại vào các ngày 4-1 và 8-1-2019 tại khu Vườn rau Lộc Hưng, trong khi không có quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật. 

Vụ việc này được so sánh giống như vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng ở 7 năm về trước, các cơ quan pháp luật ở Hải Phòng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử một loạt quan chức địa phương vì phá nhà của gia đình Đoàn Văn Vươn ngoài phạm vi của một quyết định cưỡng chế, với tội danh huỷ hoại tài sản của công dân. 

Thế nhưng đến nay cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác của nhiều người dân Lộc Hưng, dù vụ việc đã rõ, mạng xã hội, báo chí quốc tế và một số báo đều đăng những cảnh huỷ hoại này. Các luật sư và người dân đều có yêu cầu gặp lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh theo Luật Tiếp công dân, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. 

Theo quy định của Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh/ thành phố trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất một lần mỗi tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong một tháng, và Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất một ngày trong một tuần (mỗi tháng 4 lần). 

Thế nhưng nếu các vị quan đầu tỉnh như Nguyễn Thành Phong không chịu tiếp công dân như luật định, liệu ai sẽ trị ông ? 

Chỉ có 48% 'quan đầu tỉnh' chịu tiếp công dân mà thôi !

Một báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội cho biết, qua giám sát, khảo sát trực tiếp tại 12 địa phương và xem xét qua báo cáo của 63 UBND tỉnh, thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Đoàn giám sát nhận thấy, tiếp công dân của người đứng đầu UBND các cấp tại 12 địa phương mà Đoàn đến giám sát đều chưa thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân. 

Việc tổng hợp số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân chỉ đạt 48%, cấp huyện đạt 72%, trong khi đó cấp xã chỉ đạt 24%. Sở dĩ các 'quan đầu tỉnh' ít chịu ngồi tiếp công dân mà không sợ bị kỷ luật vì khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân, thì cũng được tính là tiếp dân của lãnh đạo UBND tỉnh. 

Một điều hiển nhiên là khi giao cho cấp phó tiếp thì cấp phó sẽ lại hứa, sẽ ghi nhận, báo cáo lại với Chủ tịch, và Chủ tịch sẽ trả lời sau. 

Với Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Quyết định số 2977/QĐ-UBND về "Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Tiếp công dân Thành phố trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố". Tuy nhiên chỉ có, "Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tiếp công dân Thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này". Nguyên dàn lãnh đạo từ Chủ tịch đến Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh coi như không liên quan đến trách nhiệm tiếp công dân.

Quyết định số 2977/QĐ-UBND được ông Nguyễn Thành Phong ký ban hành ngày 9/6/2016 có nội dung xem ra nhằm để vô hiệu hóa Quyết định số 2578/QĐ-UBND, về "Quy chế tiếp công dân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố", do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân ký ban hành ngày 18/05/2013.

Ở Quyết định số 2578/QĐ-UBND, tại Điều 4 ghi rằng định kỳ hàng tháng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP thực hiện tiếp công dân ít nhất một ngày, không kể trường hợp tiếp công dân đột xuất tại Văn phòng Tiếp công dân thành phố.

Điều 5 quy định "Văn phòng Tiếp công dân thành phố tiếp nhận đơn đăng ký gặp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong các trường hợp : 1. Có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. 2. Những vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị nếu không xem xét, giải quyết kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội".

Ở Quyết định số 2977/QĐ-UBND thì nội dung như yêu cầu của Điều 5 không còn nữa. 

Cần xử lý về trách nhiệm của ông Nguyễn Thiện Nhân

Liên quan vấn đề không thực hiện việc tiếp công dân của ông Nguyễn Thành Phong, còn có trách nhiệm của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bộ Chính trị có ban hành Quy định số 11-QĐi/TW, "quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân". Theo đó, "Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân ; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước" (Điều 2).

Trách nhiệm cụ thể của ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, như sau : Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. (Trích Điều 3, Quy định số 11-QĐi/TW).

Như vậy mặc dù đến nay hồ sơ vụ việc "Vườn rau Lộc Hưng" chưa thể hiện văn bản yêu cầu gặp gỡ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, song trên cương vị là người đứng đầu cấp ủy, ông Nguyễn Thiện Nhân phải chỉ đạo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, và ông Lê Đông Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Công an Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp công dân trong vụ việc "Vườn rau Lộc Hưng".

"Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau :

a) Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

b) Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội". Ông Trần Quốc Vượng, thay mặt Bộ Chính trị, đã đưa ra quy định đó ở Quy định số 11-QĐi/TW.

Xem ra ông Nguyễn Thiện Nhân đang nguy cơ sẽ là ‘củi ướt’ bị đe dọa ‘đút lò’.

Nếu có một khởi kiện hành chính…

Trong cụ thể vụ việc "Vườn rau Lộc Hưng" hay vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, cho thấy các quan chức chính quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cố tình vi phạm Luật Tố tụng hành chính.

"Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật". (Điều 3.3, Luật Tố tụng hành chính).

Thế nhưng những diễn biến suốt thời gian vừa qua đã cho thấy mang luật pháp ra cho yêu cầu hành xử về quyền sở hữu tài sản đất đai, thì "Công lý" chỉ là tên gọi của một anh hề xứ Bắc.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 08/06/2019

Published in Diễn đàn

Thay vì dùng từ ‘nữ quân nhân’, lại dùng ‘chiến sĩ gái’. Chỉ cần gọi "Bộ Giáo dục", thay vì "Bộ Giáo dục và Đào tạo" với hai vế ‘giáo dục – đào tạo’ đầy khó hiểu. Ngay cả việc buộc phải viết hoa cụm từ "Thành phố Hồ Chí Minh" trong các văn bản hành chánh, báo chí… cũng cho thấy vi phạm ngữ pháp rất rõ, bởi thành phố này có tên là Hồ Chí Minh, tương tự như thành phố Huế, thành phố Cần Thơ, thành phố Rạch Giá, thành phố Cà Mau hay thành phố Châu Đốc. 

tiengviet1

"Trạm thu giá", "Trạm thu tiền" từng được đề xuất thay cho "Trạm thu phí"

Với thói quen sử dụng tùy tiện, bất chấp ngữ pháp tiếng Việt của chính quyền, đã đưa đến một hệ lụy là có thể xảy ra những cách hiểu sai lệch, dẫn tới cách hành xử pháp luật bị vi phạm. "Trạm thu giá", "Trạm thu tiền" từng được đề xuất thay cho "Trạm thu phí" mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra ở thời gian qua là ví dụ.

Trước câu hỏi của báo Tuổi Trẻ : "Trong báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả kiểm tra thực hiện quyết định 648 về tăng giá điện, Bộ Công thương kiến nghị "xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện", ông có thể nói rõ hơn ?", ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng việc Bộ Công thương đề nghị xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc giá điện đang bị gây hiểu lầm.

"Nguyên văn câu viết đó là : Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện… "có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".

Do thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công thương thường xuyên tổng hợp thông tin phản biện từ công chúng, người dân, trên phương tiện truyền thông báo chí và mạng xã hội, tiếp thu tất cả mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, các thông tin phản hồi chính xác để đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả nhiệm vụ của ngành công thương". Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trả lời như vậy trên báo Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 23/05/2019.

Theo bài báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận, "Đúng là sau khi có ý kiến và phản biện của người dân và cơ quan truyền thông, Bộ Công thương nhận thấy rằng cách diễn đạt kể trên trong văn bản có thể gây hiểu lầm cho dư luận.

Dư luận có thể hiểu lầm rằng Bộ Công thương đánh đồng những phản biện tích cực, đó có thể là trái chiều với quan điểm, chính sách của bộ nhưng vẫn là những ý kiến phản biện rất đáng được hoan nghênh và cần tiếp thu, với những thông tin cố ý bịa đặt, làm sai lệch thông tin gây hoang mang trong dư luận".

Báo cáo gửi thủ tướng mà ông Hoàng Quốc Vượng nói ở trên, có người ký gửi là bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Giả dụ chấp nhận giải thích của thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, câu hỏi đặt ra là năng lực đọc, hiểu văn bản pháp quy bằng tiếng Việt của cá nhân bộ trưởng Bộ Công thương đến đâu ? Có phải ông Trần Tuấn Anh cũng ‘hiểu trong đầu’ giống hệt như lời biện giải với báo chí của thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ?

Phần tiểu sử lãnh đạo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cho biết như sau (tóm tắt) : Tháng 01/1988 - 4/1994 : Chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tháng 4/1994 - 6/1999 : Chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 6/1999 - 6/2000 : Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp. Tháng 6/2000 - 5/2008 : Phó Vụ trưởng, rồi Quyền Vụ trưởng, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao ; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ). Tháng 5/2008 - 8/2010 : Thành ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. 

Tháng 8/2010 - 01/2016 : Ủy viên ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 01/2016 – 4/2016 : Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Từ tháng 4/2016 : Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trên trang web Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh [http://www.iuh.edu.vn/] cho biết giữ chức danh Hiệu trưởng của trường giai đoạn 15/8/2011 - 11/9/2013 là ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ Công thương kiêm nhiệm.

Với các chức danh được Đảng tín nhiệm giao phó, không thể nói rằng ông Trần Tuấn Anh là một người có hạn chế về việc hiểu, việc diễn đạt ý tưởng bằng văn bản tiếng Việt.

Trở lại với yêu cầu "xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện" mà bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký văn bản gửi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rõ ràng ở đây không hề mang tầng ngữ nghĩa như biện minh sau đó với báo chí của thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng. Dư luận có quyền tiếp tục hoài nghi về sự khuất tất, về những bao biện che đậy quanh giá điện của Bộ Công thương.

Ngoài ra, để tránh việc tiếp tục xảy ra những cách hiểu trái ngược nhau trên cùng một văn bản hành chánh, văn bản pháp quy, cần thiết kiểm tra lại trình độ học vấn thực sự của quan chức trong bộ máy cầm quyền độc đảng toàn trị.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 25/05/2019

******************

Lời xin lỗi của quan chức : chủ yếu là hình thức, thiếu thành tâm (RFA, 24/05/2019)

Truyền thông trong nước ngày 23/5 loan tin cho biết Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội đã gửi thư xin lỗi tới các phụ huynh và học sinh các trường tiểu học cũng như trung học cơ sở trong địa bàn quận. Trước đó, trong buổi lễ trao thưởng cho học sinh giỏi, các em được thưởng những gói quà đẹp nhưng chỉ có tờ giấy A4 màu xanh bên trong. Phía phụ huynh đã bức xúc trước sự việc này và lan truyền thông tin rộng rãi trên mạng.

tiengviet2

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Hình minh hoạ - Photo : RFA

Cũng trong ngày 23/5, báo trong nước cho biết Bộ Công Thương cũng đã phản hồi thông tin đề nghị ‘xử lý người góp ý kiến việc tăng giá điện’ gặp nhiều phản đối từ phía người dân thời gian gần đây.

Theo đó thì Bộ khẳng định không kiến nghị như vậy, đây chỉ là ‘lỗi diễn đạt’, phía Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ muốn đề nghị ‘chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội’.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch công ty Điện lực EVN, Đại biểu Quốc hội, trong phiên họp Quốc hội ngày 22/5 với phát biểu ‘trong số 27 triệu người dùng điện, chỉ có 19 trường hợp phản ánh lên báo chí và mạng xã hội, nghĩa là không phải số nhiều’. Lời phát biểu này nhanh chóng được người dùng mạng xã hội chia sẻ, nhắn tin chất vấn ông Thành và cả những người trong gia đình ông Thành. Sau đó ông phải lên tiếng công khai xin lỗi cho biết mình nói đùa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, sự việc những nhà lãnh đạo trực tiếp xin lỗi dân chỉ xảy ra trong thời gian gần đây :

"Cách đây khoảng 10 năm, chuyện cán bộ xin lỗi dân rất hiếm, từ khi tinh thần dân chủ được phát huy, tôi thấy câu xin lỗi xuất hiện ngày càng nhiều, và trở thành câu cửa miệng, kiểu hứa để đấy, xin lỗi rồi không sửa lỗi, những lời xin lỗi như dao chém đá".

Cùng suy nghĩ với Luật sư Hậu, từ Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết :

"Lời xin lỗi này chỉ là đối phó thôi, không phải chân thật vì bản chất của họ là đe dọa, khủng bố được người dân thì khủng bố, khi không được nữa, người dân phản ứng dữ dội thì bấy giờ mới rút lui bằng cách khác".

tiengviet3

Thư xin lỗi của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội. Internet

Còn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người làm trong ngành giáo dục hơn 30 năm và cũng là nhà hoạt động dân sự, lại cho rằng :

"Quan chức Việt Nam thì tất cả, có lẽ trừ cụ Hồ thời Cải cách ruộng đất thì cụ xin lỗi và khóc có lẽ là thật, chứ còn sau này tất cả họ xin lỗi chỉ là hình thức thôi, giả dối bởi vì xin lỗi nhưng họ không sửa chữa, không chuộc lỗi, không tạ lỗi, không thay đổi gì hết. Họ làm rất láo sau đó bị sức ép của dư luận thì họ mới nói một câu để xin lỗi. Đó là cách đối phó chứ thật tâm họ không hề có mặc cảm gì cả mà họ luôn luôn chối bỏ".

Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, việc xin lỗi là văn hóa đạo đức của con người. Ông cho rằng xin lỗi là phải tự người có lỗi nhận thấy họ sai thì trong lương tâm mới ân hận rồi xin lỗi một cách thành tâm. Nếu làm tổn thất người khác, không chỉ xin lỗi mà còn phải chuộc lỗi, tạ lỗi. Chỉ như thế mới có thể làm cho người bị hại tha thứ, đồng thời chính người gây ra lỗi đó mới có thể thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, mới thấy lòng mình nhẹ nhõm và có thể được tha thứ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng lãnh đạo ‘xin lỗi nhưng chưa tạ lỗi, chuộc lỗi’ lại thường xuyên xảy ra, trong đó điển hình nhất là vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các quan chức lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh liên tục gặp gỡ, lắng nghe những giãi bày của các cử tri, nhưng sau hơn 20 năm, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Giải thích vì sao lại có chuyện xin lỗi hình thức cho xong, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng :

"Quan niệm của quan chức cộng sản rất lạ, luôn nói vì dân, do dân, phục vụ dân nhưng họ độc tài, biết dân không làm gì được mới thành thói quen quan liêu, độc đoán, khinh dân, khi nào bị sức ép quá thì họ xin lỗi qua loa, đâu vào đấy, không thay đổi được bản chất bởi vì họ bao che cho nhau, không sao cả. Chưa thấy người nào ăn năn hối lỗi về lỗi lầm đối với nhân dân".

Do đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, lời xin lỗi chỉ có giá trị khi người lãnh đạo biết nhận khuyết điểm, biết xin lỗi trước dân và có lộ trình khắc phục lỗi rõ ràng.

"Câu xin lỗi và mong được thông cảm của những người đứng đầu theo tôi nghĩ ai sẽ là người thông cảm cho người dân. Tôi thấy rằng phải biến lời xin lỗi đó bằng hành động thì người ta mới thấy là đúng với nghĩa đó".

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, việc sửa đổi, khắc phục sau mỗi lần quan chức công khai xin lỗi dường như rất khó xảy ra ở Việt Nam :

"Lâu nay ở Việt Nam muốn sửa đổi điều gì về mặt chính sách, về mặt pháp lý thì nó cực kỳ khó, có những việc rành rành ra rồi nhưng mà hàng năm, thậm chí hàng chục năm không sửa đâu. Do đó tôi không tin lời xin lỗi của các vị quan chức kia là thành tâm và họ sẽ sửa đâu, họ sẽ mặc kệ. Ở Việt Nam chúng tôi lâu nay rất thất vọng vì những mong muốn thay đổi, chỉ ra những lỗi sai của quan chức nhưng họ không sửa chữa gì cả, những lời nói của họ chỉ sáo rỗng, nói ra chỉ để đấy".

Published in Diễn đàn

Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung nói rằng Hoa Sơn luận kiếm là một sự kiện đặc biệt trong võ lâm đương thời. Trong đó những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt.

bct01

Bộ ba Nguyễn Phú Trọng - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh (2015) - Ảnh minh họa  

Hôm 29/3, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã triệu hồi các nguyên lão về hưu để chuẩn bị cho đại hội toàn giáo lần thứ 13 sẽ diễn ra trong 2 năm nữa. Một ngày sau đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, bí thư Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020. Một trong những vấn đề thảo luận trong hội nghị lần này là kết quả thực hiện Kết luận số 21 - KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. 

Xem ra kỳ Hoa Sơn luận kiếm ở 2 năm sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhiều màu sắc của phe nhóm, của vây cánh ; và liệu tất cả có tiếp tục quy về một mối minh chủ võ lâm hay không vẫn là chuyện còn phụ thuộc vào những quân cờ di động ở Tòa Bạch Ốc.

Nói như ngôn ngữ võ hiệp kỳ tình, nếu Trump đại đế ngồi tiếp thì sách lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có đẩy nhanh hơn không ? Nếu Trump ra đi thì ảnh hưởng gì ? Bên cạnh đó, liệu Tập thiên tử có trị vì nữa hay cần thay thế vì lý do sức khoẻ ? Nếu Tập thiên tử thoái vị thì đường lối trên chốn giang hồ của bang phái này trỗi dậy có chậm lại hay mềm mại hơn không ?

Thiên hạ ngũ tuyệt đang nhắm đến ở kỳ luận kiếm Hoa Sơn vào năm 2021 tại Hà Nội đang là những gương mặt quen thuộc : Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm ; và còn ai nữa ?

Mặc dù cùng ngồi hàng đầu với người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh, song tấm hình chụp ông Nguyễn Phú Trọng bắt tay từ phía sau hàng ghế với hai nguyên lão hồi hưu Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng hôm "Ban Bí thư TW Đảng gặp mặt cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu" tại trụ sở trung ương đảng, mang đến nhiều cảm xúc cho độc giả. Dường như những vụ củi lò suốt thời gian dài vừa qua, mà gần nhất là lệnh bắt công tử của cựu vương gia Trần Bắc Hà (vương gia này hiện không rõ tung tích nên lệnh bắt mới dừng ở chuyện đánh tiếng cho báo chí đưa tin !), đã không làm nao núng nguyên lão Nguyễn Tấn Dũng. Phóng viên Trí Dũng của Thông tấn xã là tác giả của khoảnh khắc đó, và tất cả các báo đều chọn mua tấm hình ấy cho trang báo của mình. 

Một số nhà báo mê truyện kiếm hiệp ở Sài Gòn nói rằng lúc nhìn tấm hình bộ ba "Dũng – Trọng – Mạnh" đó, tự dưng họ liên tưởng tới mối tình của Quận chúa Mông Cổ Triệu Minh với Trương Vô Kỵ trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký. Việc Trương Vô Kỵ cuối cùng đã lựa chọn và đi theo Triệu Minh, bỏ rơi ba người đẹp khác là Chu Chỉ Nhược, Tiểu Chiêu và Ân Ly là điều khá ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng Trương Vô Kỵ là một kẻ trai lơ, bạc bẽo có trái tim tổ ong. Mặt khác Triệu Minh là một cô gái quá thông minh, đã dùng mưu ma chước quỷ để giành lấy Trương Vô Kỵ từ tay Chu Chỉ Nhược. Nếu Triệu Minh không phá ngang đám cưới, thì Chu Chỉ Nhược mới chính là vợ của họ Trương…

Ai biết được trong chuyến ngao du Mỹ quốc sắp tới đây, giáo chủ họ Nguyễn của Hà Nội lại lựa chọn đi theo Trump đại đế. Bởi Trump cũng như Triệu Minh, rất tự tin, và cũng rất có khí phách giang hồ. Nàng Triệu Minh tự đặt ra cho mình nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả là thu phục những bậc anh hùng cái thế trong giới võ lâm giang hồ nhà Hán khi đó, thu phục hoặc ép họ phải hàng phục nhà Nguyên (Mông Cổ) khi đó đang xâm lược đô hộ Trung Quốc của Trương Vô Kỵ… Giờ chỉ cần thay cụm từ ‘giang hồ nhà Hán’ bằng ‘chủ nghĩa cộng sản’, sẽ thấy ngay Trump đại đế khí phách chẳng thua kém…

Giang hồ vốn hiểm ác, và khi giang hồ nhân danh cộng sản thì hiểm ác có lẽ còn gấp bội phần khó đoán. Diễn biến hiện tại cho thấy kỳ Hoa Sơn luận kiếm ở hai năm tới đây chắc hẳn sẽ rất hấp dẫn với nhiều đồn đoán về cái gọi là ‘mật ước Thành Đô’ – nguyên cớ đang giúp Trung Quốc được Hà Nội nhăm nhe chọn làm nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam...

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 31/03/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 07 mars 2019 21:20

Chiến tranh đang đến gần ?

Nếu hiểu chiến tranh là để hủy diệt nhằm thôn tính đất đai, tài nguyên, thì xứ mình vẫn chiến tranh suốt mấy mươi năm quá đó chứ. Giặc là ai à ? Trung Quốc đó. Họ cướp tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Họ gieo rắc cái chết dần mòn trong dân chúng do ô nhiễm bởi công nghệ lạc hậu từ phương Bắc thi nhau trút vào Việt Nam. Và họ cũng từng dùng súng đạn để xâm lược Việt Nam...

chientranh1

Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông 6/3/2019

Chiều ngày 5/3, nhiều bản tin trên báo chí Việt Nam bắt đầu nhuốm mùi thuốc súng, khi diễn tả lại một bản tin nước ngoài nói rằng lính Trung Quốc dưới màu áo dân sự là ngư dân, đã vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines khai thác ngư trường. Phía Trung Quốc cấm mọi tàu cá của các quốc gia khác bén mảng ở đảo Thị Tứ.

Trong một diễn biến khác, báo chí Việt Nam cũng rút tít đầy mạnh mẽ "Đài Loan tuyên bố 'sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào'" trong bản tin được trích dẫn từ Reuters, mà bản tin gốc tiếng Anh vốn có tít rất hiền lành : "Rise in China's defense budget to outpace economic growth target". 

"Trung Quốc đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, do đó chúng tôi luôn phải thận trọng" - ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh trong ngày 5/3 khi được hỏi về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

"Chúng tôi không ngán chiến tranh và sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào" - hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan khẳng định [*].

Ba năm về trước, trong bản tin phát hành nội bộ đầu tháng 1 năm 2016 của nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo với sự giảm tốc ngày càng rõ rệt của kinh tế Trung Quốc, quốc gia này có thể "xuất khẩu khủng hoảng" sang các nước khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.

Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tiền tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử (dĩ nhiên là gia công) với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD.

Phía nhóm nghiên cứu của Vietcombank đã viết trong báo cáo của mình, khuyến cáo rằng cần theo dõi sát sao những rủi ro từ Trung Quốc. Tuy nhiên tính từ đó đến nay, dường như Trung Quốc đã ‘khống chế’ phần lớn các hoạt động kinh tế, bao gồm lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ cần mới đây họ cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lập tức giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm hại.

Trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 cảnh báo về chuyện làm ăn giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Có thể tóm tắt như sau : 

Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.

Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc. 

Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.

Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.

Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng. 

Vốn vay ODA Trung Quốc tại Việt Nam thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay) ; Hàn Quốc (0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu) hay Ấn Độ (1,75%/ năm). Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%. Đối với vay thương mại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, phải vay vốn Trung Quốc với mức lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm.

Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ít nhất 5 vấn đề sau đây cần phải được các quan chức 'chóp bu' lưu ý để làm tốt trọng trách của mình : 

Một, hãy quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án lớn ; 

Hai, nên chú trọng vòng đời vận hành của các dự án, hơn là chăm chăm vào chi phí bỏ thầu thấp của Trung Quốc ; 

Ba, tránh việc trở thành con nợ chung thân của Trung Quốc với các điều khoản vay nặng nề như lâu nay ; 

Bốn, hãy vì tương lai giống nòi để chú trọng vấn đề môi trường ; 

Năm, ‘giọt máu đào hơn ao nước lã’, hãy đảm bảo sinh kế của người dân tại những nơi có dự án Trung Quốc.

Tuy nhiên đến nay phía những nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn thờ ơ các nội dung cảnh báo đó. Người ta chưa thấy báo chí đăng tải một phát biểu nào về mối nguy Bắc thuộc đang hiện diện tại Việt Nam từ các quan chức hàng VIP ấy.

Giả dụ thần Kim Quy là có thật, hôm nào đó vì ngộp thở quá do hồ Gươm ô nhiễm, Kim Quy trồi lên thoi thóp rồi nói rằng : "Giặc không còn sau lưng nữa, mà đang chung giường với bệ hạ đó !"…

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 07/03/2019

Chú thích :

[*] https://www.reuters.com/article/us-china-parliament-defence/rise-in-chinas-defense-budget-to-outpace-economic-growth-target-idUSKCN1QM03Y

Published in Diễn đàn
mercredi, 27 février 2019 22:18

Làng báo rối ren…

Hậu trường báo chí ở Sài Gòn, nói hơi quá một chút, dường chừng có gì đó như một thế giới ngầm kiểu Năm Cam - Nguyễn Việt Thành hồi trước.

langbao0

Những gì còn lại sau vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng - Ảnh minh họa 

"Anh có thắc mắc vì sao một tờ báo đánh rất đậm đà vụ đất đai Thủ Thiêm, nhưng lại chọn im lặng vụ vườn rau Lộc Hưng ?". Một đồng nghiệp từng là ‘chánh văn phòng’ ở tờ báo điện tử vừa bị đình bản 3 tháng, hỏi đố người viết như vậy.

Dĩ nhiên đây là dạng ‘câu hỏi tu từ’, vì vị giữ chức vụ đại diện tờ báo có trụ sở hoành tráng trên đường Nguyễn Biểu (Sài Gòn), đồng thời cũng là tổng thư ký tòa soạn, vốn mật thiết đến nhiều đại gia trong ngành bất động sản, lẫn sản xuất công nghiệp. Có ít nhất hai quan chức cấp cao nhất (một vị đã rời chính trường từ đầu tháng 4/2016) trong bộ máy chính phủ, được đồn đoán là ‘ủng hộ’ nhóm nhà báo của vị tổng thư ký tòa soạn đó.

Trước Tết Kỷ Hợi, ông tổng thư ký ấy đã chọn vui xuân ở xứ Cờ Hoa cùng vợ và 2 con. Đơn giản là cả gia đình vị đó đều có thẻ xanh tại Mỹ. Chuyện sản xuất báo giấy được điều hành trực tuyến, phát hành suông sẽ mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng gì từ vụ phiên bản điện tử nhận ‘án đóng cửa’ 3 tháng. 

Tuy nhiên nhiều nhà báo kỳ cựu ở tờ này, nghe nói cũng đang dợm chân chờ đợi xem gió theo chiều nào từ kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều ; nhất là về đồn đoán cuộc ‘gặp gỡ xã giao’ bên lề thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Nếu lại xảy ra đe dọa từ ‘một lệnh bắt’ còn treo lơ lững ở đâu đó như từng xảy ra với vị tổng thư ký tòa soạn của họ, thì họ sẽ lại lên đường sang xứ người để làm báo – vì nghe đâu từ hai năm trước, vị tổng thư ký đó đã có trong tay một nhượng quyền ấn phẩm báo chí tại Hoa Kỳ.

Một nhà báo nữa cũng ‘đề huề thẻ xanh’ cả gia đình tại Mỹ, nghe đâu cũng đang ngóng chờ thời tiết chính trị ở Hà Nội sẽ chuyển mùa ra sao. Số là vốn liếng mà nhà báo này dốc sức vào canh bạc theo mô hình tập đoàn truyền thông từ năm 2006, qua chuyện ‘tận dụng’ thương hiệu cùng tài lực sẳn có ở tờ báo mà vị này làm tổng biên tập kéo dài những 20 năm, mới vừa rồi khá bất ngờ là tờ báo đó quyết định thoái toàn bộ số cổ phần đã đầu tư vào tập đoàn do vị cựu tổng biên tập này sáng lập.

Ông cựu tổng biên tập kể trên cũng chẳng thiệt thòi gì, khi phần ‘tiền tươi – thóc thật’ 300 tỷ bạc trong tập đoàn này đang được một ông trùm bất động sản rót vào. Thế lực chính trị của ông cựu tổng biên tập đó hiện vẫn còn đáng nể. Nghe đâu dịp Tết vừa rồi, đích thân ngài Thủ tướng đã điện thoại chúc xuân, và trò chuyện riêng tư với đồng hương xứ Quảng là vị nhà báo – doanh nhân từng giữ chức vụ tổng biên tập lâu nhất trong làng báo Việt Nam.

Điểm chung của hai nhà báo được nhắc ở trên là họ vẫn đang tiếp tục vận hành các ấn phẩm báo chí hoàn toàn tư nhân, kiểu ‘nhượng quyền điều hành’. Những bài báo ‘định hướng’ ở đây, phần lớn là nhằm ‘triệt hạ’, hoặc ‘ngợi ca’ ai đó để phục vụ cho những hợp đồng làm ăn, dọn đường cho những áp phe ghế quan chức – kiểu như tướng Cao Ngọc Oánh từng bị đánh tơi bời trước đây hồi chuẩn bị cơ cấu nhân sự ở bộ công an.

Thật, giả khó lường ở làng báo Sài Gòn hôm nay.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 27/02/2019

Published in Diễn đàn

Sáng Chủ nhật 17/02/2019, một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Nhiều người cho rằng chuyện ‘di dời’ chiếc lư hương sang bên kia đường là nhằm mục đích phá buổi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược 17/02/1979.

chidao2

Một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn.

Chiều ngày thứ bảy 16/2, người viết có mặt ở khu tượng Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng, không hề thấy cảnh giăng dây sửa chữa gì cả tại đây. Như vậy phía công ty dịch vụ môi trường không thể viện cớ ‘chọn ngày nghỉ để đường vắng’ cho việc sửa chữa, tu bổ khoản công viên nhỏ xíu quanh tượng đài.

Trong tâm thức người miền Nam thường rất kỵ chuyện dời bàn thờ ông bà, nhất là vẫn còn trong tháng Giêng. Người miền Nam quan niệm động mồ động mả tổ tiên sẽ khiến con cháu làm ăn thất bại, không ngóc đầu lên nổi, do vậy cũng không thấy tục cải táng ở đất Nam bộ. Chiếc lư hương là vật tượng trưng cho phần linh thiêng trên bàn thờ. 

Tết Mậu Tuất 2018 ở khu Lăng Ông Bà Chiểu, mấy chiếc lư bằng xi măng phía trước chánh điện đã được thay bằng ba chiếc lư bằng đồng rất lớn. Những người quản lý nơi đây cho biết đây là lư đồng cúng tế của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, kèm yêu cầu không gắn danh tính người phụng cúng. Lễ khai ấn Lăng Ông Bà Chiểu năm đó, theo lịch ban đầu sẽ có mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên ngày hôm ấy chỉ có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. 

Ông chủ tịch đã thấp nhang, khấn vái với vẻ ngoài đầy thành kính và… khiêm cung. Cánh an ninh ‘bỏ nhỏ’ với nhóm phóng viên truyền hình, với lời rất nhẹ nhàng, rằng ‘anh Tư nói xin đừng ghi hình ảnh’. Sau nghi thức cúng tế và làm lễ khai ấn, ông chủ tịch cùng đoàn tùy tùng rời Lăng trong lặng lẽ. 

Trước đó vài năm, ở chùa Vĩnh Nghiêm cũng có chiếc lư đồng lớn do ông Trần Đại Quang phụng cúng. Bảng khắc tên danh tánh này sau đó được tháo gỡ.

chidao1

Nhắc những chuyện cũ để thấy rằng có lẽ tâm thức của những quan chức từ cấp trung ương tới thành phố, họ đều tin vào một đấng bề trên phù trợ. Chiếc lư đồng phụng cúng là một sự thể hiện mà họ muốnn được bề trên đó ghi nhận tấm lòng thành ‘đầy vật chất’ đó. Gọi là ‘đầy vật chất’, vì giá gia công đúc đồng thô hiện là 500 ngàn đồng/ ký lô. Một chiếc lư nặng phải đến đơn vị gần cả tấn, và còn đòi hỏi tay nghề nghệ nhân chạm khắc.

Sinh tiền, chắc chắn ông Trần Đại Quang rất hiểu ý nghĩa của chiếc lư phụng cúng chùa Vĩnh Nghiêm. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không khác gì, nhưng có phần ‘giấu mình’ hơn. Ông Nguyễn Thành Phong cẩn kính trước bàn thờ vị danh tướng nổi tiếng cứng rắn với mọi tham nhũng, với ‘quân pháp bất vị thân’ của đất Gia Định, chắc hẳn ông Phong cũng ước muốn được cái dũng khí lẫm liệt ấy.

Vậy thì vì sao cả hai vị lãnh đạo cao nhất, nhì của Thành phố Hồ Chí Minh lại bỗng nhiên nhụt chí và công khai với bàn dân thiên hạ là họ đang sợ Trung Quốc ? Phải chăng thời cơ chưa thuận tiện, vì trong bộ máy công quyền ở Sài Gòn đã bị cài cắm quá nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang từ thời đế chế Lê Thanh Hải ?

Bài viết này muốn chia sẻ góc nhìn tâm linh từ chuyện chiếc lư nơi bàn thờ tổ tiên. Chắc chắn những ai đã đạp đổ bàn thờ ông bà, sẽ muôn đời bị nguyền rủa.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 17/02/2019

Published in Diễn đàn