Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/01/2024

Lý giải vụ bắt ông Nguyễn Công Khế

Trà My - Diễm Thi

Đấu đá quyền lực lãnh đạo cấp cao để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia ?

Trà My, Thoibao.de, 24/01/2024

Sự kiện Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt giam 2 cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông, vì các sai phạm liên quan đến khu đất 151- 155 Bến Vân Đồn, quận 4, là một sự kiện chấn động. Đến mức, "nó có thể dập tắt tin tức về sức khỏe của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – ngay lập tức".

lygiai1

Việc bắt Nguyễn Công Khế liên quan đến một "Kế hoạch báo thù của đàn em cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ?

Nguyễn Công Khế được đánh giá là nhân vật "vua biết mặt, chúa biết tên", là một nhân vật đình đám trong làng truyền thông báo chí Việt Nam. Ông Khế có mối quan hệ đặc biệt với các lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quyền lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ đầu những năm 2.000 cho đến nay.

Đám tang của cụ Lê Thị Liễu – mẹ Nguyễn Công Khế – được đánh giá : "Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế !".

Theo giới thạo tin, việc bắt Nguyễn Công Khế với lý do sai phạm liên quan đến khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn chỉ là cái cớ. Có những đồn đoán cho rằng, có thế lực chính trị muốn bắt Khế, để khai thác thông tin và tìm cách khống chế quyền lực của phe miền Nam. Thông qua Khế, họ có thể moi ra những thông tin có giá trị, và từ đó khống chế các chính trị gia phía Nam.

Bởi Khế là một mắt xích trung tâm quan trọng của phe quyền lực ở đây. Khế có mối quan hệ với Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay giới lãnh đạo ở Sài Gòn cũng như các tỉnh phía Nam. Nhưng điều này từ trước đến nay cũng chỉ là tin đồn.

Tuy nhiên mới đây, báo Tiếng Dân online có loạt bài viết của tác giả Thu Hà, với tiêu đề "Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết". Bài viết đã cho thấy, việc bắt Nguyễn Công Khế liên quan đến một "Kế hoạch báo thù của đàn em cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".

Bài viết của nhà báo Thu Hà đã cho người ta thấy, cơ quan An ninh của Bộ Công an đã bền bỉ trong suốt hơn 15 năm, với 2 lần bắt hụt ông Khế vì nhiều lý do khác nhau. Song cuối cùng – ông Khế – dù trải qua hai lần thoát chết trước đó, thì :

"Lần thứ ba, "bất quá tam", chiều 16/1/2024, Nguyễn Công Khế mạt vận, đành tra tay vào còng, chấm hết một thời huy hoàng và "ngạo nghễ"".

Trước đây, trong giới lãnh đạo cấp cao có sự bất đồng giữa Tổng Trọng và Ba Dũng. Mối bất hòa "không đội trời chung" này đã khiến ông Trọng phải bắt tay với ông Trương Tấn Sang, để chống lại Thủ tướng Dũng.

Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng lần thứ 12 (2016), với sự thất bại của Thủ tướng Dũng trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng bí thư, ông Ba Dũng đã trở về làm người tử tế. Khi đó, người ta nghĩ rằng, cuộc chiến Ba – Tư giữa Tư Sang và Ba Dũng đã rơi vào dĩ vãng, nhất là khi có tin đồn, cựu Thủ tướng Dũng đã có những thỏa thuận ngầm với Tổng bí thư Trọng.

Đó là lý do vì sao, 2 con trai của ông Ba Dũng là Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết vẫn tiếp tục thăng tiến.

Vào năm 2015, trong loạt bài "Ba – Tư đại chiến" của tác giả Trềnh A Sáng, đăng trên trang website DCVonline, đã tiết lộ nhiều bí mật. Tác giả Trềnh A Sáng cho biết, "Bài này không nói về một cuộc chiến tranh nào đó ở xứ Persia (Ba Tư) mà bàn về những màn đấu đá liên miên giữa hai lãnh đạo nằm trong bộ tứ trụ của Việt Nam : Ba Dũng và Tư Sang".

Tác giả đã chỉ rõ : "Vũ khí của Tư Sang – đám báo chí tay sai lề phải – đến giờ phút này đã không còn sử dụng được nữa. Một bộ phận bị lực lượng công an của Ba Dũng khống chế, như Tâm Chánh ở Sài Gòn Tiếp Thị ; Công Huynh ở Tiền Phong ; một bộ phận khác thì lui về với phương sách an toàn là bạn".

Tác giả Trềnh A Sáng đã phơi bày những màn đấu đá hậu trường của các thế lực tối cao trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, cùng các đối tượng được lôi kéo vào để phục vụ cho những cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các cá nhân và phe phái trong Đảng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những nhận định về bản chất của những màn đấu đá này, cũng như có hay không sự tác động đến đại cuộc.

Một câu hỏi đặt ra là, "Người dân Việt Nam được gì trong các cuộc đấu đá ở thượng tầng, như cuộc đấu Trọng Lú – Ba Dũng, hay cuộc chiến Ba Dũng – Tư Sang ?"

lygiai2

Về mặt con người, Tư Sang không chắc tốt hơn hay xấu hơn Ba Dũng. Nhưng cái cơ chế chính trị này buộc họ phải xấu như nhau.

Theo tác giả Trềnh A Sáng, trong các cuộc đấu ấy, bất luận Ba Dũng hay Tư Sang thắng, thì chính trị Việt Nam vẫn không vì thế mà tốt lên. Tư Sang có tốt hơn Ba Dũng ? Và khi Tư Sang lãnh đạo thì đất nước có tốt hơn hay không ? Việt Nam sẽ cứng hơn với Trung Quốc hay sao ?

Câu trả lời chắc chắn là không. Về mặt con người, Tư Sang không chắc tốt hơn hay xấu hơn Ba Dũng. Nhưng cái cơ chế chính trị này buộc họ phải xấu như nhau.

Việc Tư Sang và Ba Dũng kèn cựa, chơi đòn đánh dưới thắt lưng, cũng chỉ để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia. Một khi đến lúc cần thỏa hiệp, thì họ sẽ lại ngồi vào bàn cùng nhau. Chiếc bánh quyền lực sẽ lại được ăn chia theo tỉ lệ thỏa thuận mới.

Nhưng dù bất luận tỉ lệ nào, như nhà thơ Nguyễn Duy từng nói, "Bên nào thắng thì nhân dân đều bại", và người dân luôn không có phần ở đó.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 24/01/2024

*************************

Ông Nguyễn Công Khế ôm bằng khen "Chiến sĩ thi đua" tự ký : "chuyện thường ngày ở huyện" !

Diễm Thi, RFA, 24/01/2024

Giữa tháng 1/2024, ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên bị bắt về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Sau khi ông Khế bị bắt, mạng xã hội lan truyền bức ảnh ông cầm khung hình bằng khen "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2014" do Tổng giám đốc Nguyễn Công Khế ký tặng. Nghĩa là ông Khế tự ký tặng bằng khen cho chính mình.

lygiai3

Ông Nguyễn Công Khế cầm khung hình bằng khen "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2014" do Tổng giám đốc Nguyễn Công Khế ký tặng.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người từng có nhiều năm làm trong cơ quan nhà nước nhận định, bức hình phản ánh bản chất chế độ háo danh, nói láo và ngụy trang bằng vẻ đạo đức giả. Ông phân tích thêm :

"Nhiều năm làm việc ở Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thì tôi thấy, người lao động nói chung người ta chỉ quan tâm tới món tiền thưởng, còn tờ giấy khen thì nó không có giá trị gì đâu. Thông thường, những người có chức vụ thì luật bất thành văn, mặc nhiên họ là những Chiến sĩ thi đua cho mỗi kỳ khen thưởng cuối năm. Nhưng khi nhìn bức ảnh Nguyễn Công Khế, thú thật là tôi bất ngờ, vì một người có thể nói là chức cao và tiếng tăm vang lừng cỡ ông Khế mà lại cần danh hiệu Chiến sĩ thi đua sao ?

Có lẽ ổng cần chứng minh rằng ổng cũng lao động ‘thúi móng tay’ như nhiều quan chức cộng sản khác để khỏa lấp những khoản thu nhập khổng lồ hoặc những cơ ngơi to lớn. Hình ảnh ông Khế tự ký tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho chính mình nó không thoát khỏi câu tục ngữ "mèo khen mèo dài đuôi" rất lố bịch và sống sượng".

Một nhà quan sát ở Hà Nội cho rằng, chuyện này không lạ ở Việt Nam :

"Chuyện thủ trưởng cơ quan ký giấy khen hay bằng khen cho mình là chuyện thường xuyên ở Việt Nam vì họ không muốn cấp phó ký giấy khen cho mình. Nhìn nó rất bôi bác. Đừng giành công với lính của mình. Không có cấp dưới, không có người thừa hành, không có đội ngũ tập thể để chung tay hoàn thành công việc thì 10 ông sếp cũng không thể nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được. Chuyện tự khen thưởng, chuyện tự tâng bốc mình là một vấn nạn ở Việt Nam từ trước đến nay, và nó trở thành trò cười cho thiên hạ.

Việc bức hình được lấy ra công khai sau nhiều năm nằm trong ngăn kéo của ai đó cho thấy đây là một sự trả thù ; là ân đền oán trả với Khế".

Câu chuyện tự mình ký giấy khen tặng mình nhắc nhở dư luận về câu chuyện tương tự liên quan đến ông Hồ Chí Minh với cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch". Đây được coi là một quyển tiểu sử Hồ Chí Minh của tác giả Trần Dân Tiên. Tác phẩm được xuất bản tại Pháp và Trung Quốc bằng tiếng Trung và tiếng Pháp trước khi được xuất bản tại Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm duy nhất đã được biết của tác giả này.

Một số người, trong đó có cố Đại tá Bùi Tín khẳng định, Trần Dân Tiên là bút danh của ông Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tín nói với RFA vào năm 2007 :

"Điều này tôi biết từ khi còn ở trong nước. Năm 1990 khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Hồ Chí Minh thì chính Viện sử học Việt Nam, chính trên báo Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch Hồ Chí Minh" là do chính ông Hồ viết ra. Cái đó có phải là do ai bịa ra đâu, mà đã chính thức đựơc chế độ cộng sản ở Hà Nội công nhận cơ mà !"

Ngoài chuyện bị dư luận chê cười vì thói háo danh, sự xuất hiện bức ảnh ông Nguyễn Công Khế cầm tấm bằng khen "Chiến sĩ thi đua" xuất hiện sau khi ông Khế đã bị bắt giam được nhận định là "chiêu hạ bệ" nhau của đồng nghiệp ông Khế. Facebooker Trường An viết trên danh khoản cá nhân của mình hai ngày sau khi ông Khế bị bắt. RFA đã được cho phép đăng :

"Mấy hôm nay hình ảnh anh Khế ký giấy khen tặng anh Khế tràn ngập cõi mạng. Lạ một điều là, giấy khen anh ký tặng cho mình năm 2014, hình ảnh anh nhận giấy khen chỉ được báo Thanh Niên chụp và lưu giữ. Thế mà mãi đến khi anh bị công an còng tay, thì hình ảnh ấy mới được tung ra sau gần chục năm ẩn mình trong computer tòa soạn.

Xem ra đồng nghiệp, đồng chí gì gì đó thì đồng chí này cũng sẵn sàng tung chiêu hạ bệ nhau khi đồng chí kia thất thế. Đưa hình ảnh ra trong lúc này là cú đá bồi chí mạng ! Nó tố cáo người ký giấy khen mình là một nhân cách thối nát, trơ trẽn và vô liêm sỉ. Và, người đồng chí hay đồng nghiệp tung ảnh ra trong lúc này là cách đánh dưới thắt lưng hèn hạ. Nhân cách cũng vô sỉ không khác trên là mấy. Tại sao khi Nguyễn Công Khế còn tại vị thì tấm hình ấy không được tung ra ? Toàn một lũ cơ hội !"

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông :

"Những loại hình ảnh này tưởng như vô hại nhưng không phải. Những bức hình như vậy chỉ nội bộ họ có. Khi ông Khế bị bắt tạm giam thì đây là một cơ hội cho những người trước đây có tư thù cá nhân ; có ganh ăn tức ở thì đây là dịp để họ bôi nhọ Nguyễn Công Khế. Đó là sản phẩm phái sinh của đạo đức người cộng sản Việt Nam".

Chuyện bằng khen, huân chương của các quan chức từng bị công chúng dèm pha khi các ông phải hầu tòa. Đơn cử, trước phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào tháng 7/2022, ông Chung thông qua luật sư của mình gửi gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương, bệnh án... để tòa làm căn cứ giảm nhẹ tội.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 24/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Diễm Thi
Read 225 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)