Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/12/2023

Cuộc chiến tại Ukraine giậm chân tại chỗ, Nga Mỹ đấu võ miệng

Nhiều tác giả

Điện Kremlin cáo buộc Biden "bôi nhọ" Nga để giành thêm ngân sách cho Ukraine

Minh Anh, RFI, 08/12/2023

Điện Kremlin ngày 07/12/2023, cáo buộc tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách "bôi nhọ" Nga nhằm thuyết phục Quốc Hội chấp thuận tiếp tục viện trợ cho Ukraine. một hành động mà Moskva ví như là "đốt tiền" nộp thuế của người dân. 

uk1

Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitry Peskov tại Moskva, ngày 10/10/2023. AP - Sergei Bobylev

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng việc tổng thống Biden nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, là một điều vô ích và chỉ sẽ kéo dài cuộc chiến mà Nga khẳng định họ phải thắng để bảo vệ an ninh đất nước. 

Ông Peskov lấy làm tiếc là giới lãnh đạo Mỹ "tiếp tục thói quen sử dụng Nga như là một công cụ trong các vấn đề đối nội", "bôi nhọ" nước Nga "một cách trắng trợn", "thao túng các dân biểu và thượng nghị sĩ nhằm tiếp tục đốt tiền nộp thuế của người dân trong lò lửa chiến tranh Ukraine".

Giám đốc tình báo của Nga, ông Serguei Naryshkin, hôm qua cảnh cáo Hoa Kỳ rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ biến cuộc xung đột này thành một "Việt Nam thứ hai", và sẽ ám ảnh nước Mỹ trong nhiều năm tới. 

Theo Reuters, chính quyền Nga có những lời lẽ gay gắt vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư 06/12 khẩn khoản kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng Hòa thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine, khi cảnh báo rằng thắng lợi của Nga đối với Ukraine sẽ tạo động lực thúc đẩy Moskva tấn công các đồng minh của NATO và có thể lôi kéo Mỹ vào một cuộc chiến. 

Minh Anh

************************

Viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu cuộc chiến

Minh Anh, RFI, 08/12/2023

Một viện nghiên cứu của Đức báo động : viện trợ quân sự tài chính, nhân đạo của phương Tây dành cho Ukraine, đã xuống tới mức thấp nhất kể từ tháng 02/2022, khi Nga xâm lược Ukraine.

uk2

Đầu đạn 155 ly được Mỹ viện trợ cho Ukraine hồi đầu cuộc chiến. Căn cứ không quân Mỹ Dover, ngày 29/04/2022. AP - Alex Brandon

Cho đến nay, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu là những nguồn chi viện chính yếu cho Ukraine.Tuy nhiên nguồn hỗ trợ này đang là chủ đề tranh cãi chính trị gay gắt tại Mỹ, cản trở nghiêm trọng việc đưa ra nhiều cam kết mới. 

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, được công bố hôm qua, 07/12/2023, tính từ đầu cuộc chiến, các nước đồng minh của Ukraine và nhiều tổ chức quốc tế lớn (Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế…) đã cam kết viện trợ cho Ukraine gần 255 tỷ euro, trong đó 182 tỷ cho ngắn hạn (đã được cấp hay trong sắp tới). Những cam kết này bao gồm 141 tỷ euro chi viện tài chính, gần 16 tỷ cho nhân đạo và 98 tỷ viện trợ quân sự. 

Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, nhà nghiên cứu Pietro Bomprezzi, thuộc Viện Kiel giải thích : 

"Chúng tôi nhận thấy viện trợ cho Ukraine đã giảm mạnh, nhất là nếu chúng ta so sánh giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay với cùng thời kỳ này năm 2022. Những cam kết viện trợ mới đã sụt giảm đến 87% trong vòng một năm. Xu hướng giảm này, chúng tôi đã nhận thấy từ tháng 11/2022. Trong số 41 nước tài trợ được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của chúng tôi, duy chỉ có một nửa trong số này đã đưa ra các cam kết mới về viện trợ trong ba tháng gần đây nhất. 

Trong số những nước đưa ra cam kết, chúng tôi nhận thấy chủ yếu là Đức và các nước Bắc Âu. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở là viện trợ của Mỹ được dự trù dành cho Ukraine, từ trước tới nay rất quan trọng, đang bị đình hoãn do những căng thẳng chính trị. Vì vậy, hiện tại chủ yếu một số nước Châu Âu vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine". 

Minh Anh

**************************

Trưởng tình báo Ngoại vụ Nga đe dọa Ukraine sẽ là "Việt Nam thứ hai"

RFA, 08/12/2023

Trưởng Tình báo Ngoại vụ Nga vào ngày 7/12 lên tiếng dọa rằng ủng hộ của Phương Tây trong cuộc chiến Ukraine sẽ biến cuộc xung đột này thành "một Việt Nam thứ hai" từng ám ảnh Washington trong nhiều năm.

uk3

Ông Sergei Naryshkin, Trưởng Cơ quan Tình báo Ngoại vụ Nga (SVR) tại một cuộc họp ở Moscow hôm 16/10/2023 - AFP

Reuters loan tin trong cùng ngày, dẫn đe dọa của ông Sergei Naryshkin, Trưởng Cơ quan Tình báo Ngoại vụ Nga (SVR), đưa ra trong bài viết đăng trên tạp chí của SVR.

Ông này cho rằng "Ukraine sẽ biến thành một ‘lỗ đen’ thu hút thêm ngày càng nhiều nguồn lực và con người. Cuối cùng Hoa Kỳ sẽ rơi vào nguy cơ tạo nên một ‘Việt Nam thứ hai’ để rồi các chính phủ mới tại Nhà Trắng sẽ phải đối phó với nó".

Vào đầu năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine tiến hành cuộc chiến giết hại hàng trăm ngàn người và đưa đến cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và Phương Tây trong sáu thập niên qua.

Phương Tây đã cấp cho Ukraine hơn 246 tỷ USD dưới dạng tài trợ và giá trị vũ khí.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dù cảnh báo cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây có thể đưa đến một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba ; tuy nhiên ông vẫn luôn loại trừ khả năng đưa quân đội Mỹ đến Ukraine tham chiến như trong cuộc chiến Việt Nam trước đây.

Vào ngày 6/12, Tổng thống Biden thuộc đảng Dân Chủ, trong kêu gọi phía đảng Cộng Hòa cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, đưa ra nhận định rằng nếu ông Putin chiếm được Ukraine, ông ta sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục tấn công các đồng minh Khối NATO.

Reuters nhắc lại Chiến tranh Việt Nam thực chất là cuộc xung đột Chiến tranh lạnh Đông- Tây. Hoa Kỳ đưa quân đến chiến đấu cùng với quân đội Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam để chống lại miền Bắc do hai nước cộng sản Nga và Trung Quốc hỗ trợ.

Nguồn : RFA, 08/12/2023

**************************

Thượng Viện Mỹ chặn khoản viện trợ cho Ukraine và Israel

Thùy Dương, RFI, 07/12/2023

Thượng Viện Mỹ hôm qua 06/12/2023 đã không thông qua khoản viện trợ 106 tỉ đô la, trong đó có quỹ viện trợ cho Ukraine và Israel, như mong muốn của tổng thống Joe Biden.

uk4

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 06/12/2023. Reuters – Kevin Lamarque

Theo AFP, phe Cộng hòa đòi chính quyền Biden phải nhượng bộ đáng kể về chính sách nhập cư ở biên giới với Mexico thì mới ủng hộ việc thông qua dự thảo ngân sách, cho dù nhiều thượng nghị sĩ bảo thủ vẫn ủng hộ Ukraine.

Việc ngân sách 106 tỉ không được Nghị Viện thông qua đã gây thêm thất vọng cho chính quyền Biden bởi trước đó vài giờ, trong một diễn văn rất long trọng, tổng thống Biden đã kêu gọi Hạ Viện thông qua khoản ngân sách này. Ông Biden khi đó đã cảnh báo là nếu không thì đây sẽ là "món quà đẹp đẽ nhất" dành tặng cho tổng thống Nga Putin, và nếu xâm lược được Ukraine, Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở đó mà có thể sẽ tấn công vào một nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, buộc Mỹ tham chiến và "các binh sĩ Mỹ sẽ phải chiến đấu chống quân Nga". Tổng thống Mỹ Biden nhất mạnh điều này hiện chưa xảy ra và chắc chắn Washington không muốn nó xảy ra.

Tạm thời, hôm qua Washington thông báo một khoản viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu đô la cho Kiev, trích từ kho dự trữ của chính quyền Mỹ, gồm các trang thiết bị phòng không, tên lửa và đạn pháo. Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev.

Thùy Dương

***************************

Thượng viện Mỹ chặn viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine và tiền giúp Israel cùng Gaza

Bernd Debusmann Jr, BBC, 07/12/2023

Các thành viên Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ đã chặn việc thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine sau khi không đạt được những yêu cầu buộc chính quyền siết chặt kiểm soát biên giới Hoa Kỳ mà họ mong muốn.

uk5

Tổng thống Biden đã phê phán các Thượng nghị sĩ Cộng hòa

Gói viện trợ 110 tỷ USD bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, cũng như ngân khoản dành cho Israel và viện trợ cho Gaza.

Đảng Cộng hòa nhấn mạnh rằng bất kỳ viện trợ nào cho Ukraine đều gắn liền với các cải cách sâu rộng về nhập cư và tị nạn của Mỹ.

Nhà Trắng cảnh báo rằng nguồn tài trợ của Mỹ dành cho Ukraine có thể sớm cạn kiệt.

Các thượng nghị sĩ đã bỏ 51 phiếu chống và 49 phiếu ủng hộ, trong khi về thủ tục thì cần tối thiểu 60 phiếu thuận để dự luật được đưa ra thảo luận.

Cuộc bỏ phiếu khiến tương lai viện trợ cho Ukraine trở nên mờ mịt và cũng khiến các nhà lập pháp phải quay trở lại bàn đàm phán vài ngày nữa là Quốc hội Mỹ dự kiến nghỉ đông.

Toàn bộ thượng nghị sĩ Cộng hòa đều bỏ phiếu chống, cùng với Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, người trước đó đã bày tỏ sự e ngại rằng dự luật này bao gồm hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.

"Tôi không tin rằng chúng ta nên phân bổ hơn 10 tỷ USD để chính phủ Netanyahu cực đoan cánh hữu tiếp tục cách triển khai quân sự hiện tại", ông Sanders nói, đề cập đến chiến dịch đang diễn ra của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở dải Gaza, khiến hàng ngàn thường dân thiệt mạng.

Ông Sanders, người đã chỉ trích ông Netanyahu trong một thời gian dài, nói thêm : "Những gì chính phủ Netanyahu đang làm là vô đạo đức, vi phạm luật pháp quốc tế và Mỹ không nên đồng lõa với những hành động đó".

Trước đó vào ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông "sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp đáng kể về vấn đề biên giới" để dự luật viện trợ được thông qua.

"Việc này không thể chờ được nữa", ông Biden nói và cho biết thêm rằng "Đảng Cộng hòa trong Quốc hội sẵn sàng trao cho Putin món quà lớn nhất mà ông ta có thể hy vọng".

Cũng trong ngày 6/12, chính quyền Biden đã công bố khoản hỗ trợ an ninh mới trị giá 175 triệu USD cho Ukraine từ nguồn tài trợ đã được phê duyệt. Gói này bao gồm đạn dược, tên lửa và đạn pháo, cũng như "thiết bị bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí.

Những lo ngại về tương lai của gói viện trợ trị giá 110 tỷ USD đã gia tăng vào ngày 5/12 sau khi cuộc họp ngắn dành cho các nhà lập pháp nhằm tăng cường hỗ trợ cho các quỹ mới đã thất bại một cách kịch tính.

Các thượng nghị sĩ hét vào mặt nhau về an ninh biên giới và ít nhất một tá đảng viên Đảng Cộng hòa đã đi ra khỏi phòng họp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã hủy cuộc họp cấp cao trực tuyến với các nhà lập pháp về "vấn đề phút chót", Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết hôm 5/12 nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Gói này đã bao gồm các điều khoản về an ninh biên giới, nhưng yêu cầu của Đảng Cộng hòa về những thay đổi bổ sung đối với các quy định về tị nạn của Mỹ đã khiến các cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ trở nên phức tạp. Trong khi các thành viên của đảng hoàn toàn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, một số người lại tìm cách sử dụng vấn đề này như một cách giải quyết những lo ngại đang gia tăng trong nước về biên giới phía nam Hoa Kỳ.

Trước cuộc bỏ phiếu thất bại để đưa gói viện trợ ra thảo luận, ông Schumer đã đưa ra lời kêu gọi đầy xúc động tới các đồng nghiệp của mình tại Thượng viện, nói với họ rằng cuộc bỏ phiếu là một "thời điểm lịch sử" quan trọng và họ nên "xông lên bảo vệ nền dân chủ" ở Ukraine.

"Bạn có thể chắc chắn rằng Vladimir Putin đang theo dõi sát sao," ông nói.

uk6

Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine

Dự luật của Thượng viện cần chín phiếu của Đảng Cộng hòa để thông qua - một ngưỡng cuối cùng là quá cao. Một số đảng viên Đảng Dân chủ bày tỏ sự thất vọng với các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của họ.

"Binh sĩ Ukraine đang ở tuyến đầu đấu tranh cho dân chủ", Elizabeth Warren, đảng viên Đảng Dân chủ Massachusetts, nói với các phóng viên. "Đây là về vấn đề tự do".

Một số Thượng nghị sĩ nói rằng dù sẽ có nhiều cuộc đàm phán hơn nhưng vẫn chưa rõ liệu có thể đạt được bước tiến nào trước khi Quốc hội nghỉ đông vào tuần tới hay không.

Về phần mình, ông Schumer nói "chúng tôi sẽ xem" khi được hỏi liệu ông có tin các Thượng nghị sĩ có thể đạt được thỏa thuận trước kỳ nghỉ hay không, mặc dù ông tin rằng ông Biden đã đưa ra một "kế hoạch tốt và mạnh".

Một trong những đảng viên Cộng hòa phản đối gói viện trợ này, Lindsey Graham của bàn South Carolina, cho biết ông không tin rằng sẽ có bất kỳ giải pháp nào có thể thực hiện được trong khoảng thời gian đó.

Theo ông Graham, ông Biden cuối cùng sẽ phải đàm phán nhiều hơn, đồng thời cho biết "điều đó sẽ cần đến sự lãnh đạo của ông ấy nếu không chúng ta sẽ mắc kẹt".

"Họ biết chúng tôi muốn gì," ông nói. "Tôi hy vọng chúng tôi có thể đưa vấn đề biên giới ra dự thảo".

Ngay cả khi được Thượng viện thông qua, gói viện trợ này vẫn sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn ở Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson hôm 5/12 cho biết ông đã nói với Thượng viện rằng ông không thể thông qua bất kỳ khoản viện trợ nào cho Ukraine nếu không bao gồm các biện pháp an ninh biên giới quan trọng.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Quốc hội đã phê duyệt hơn 110 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, hầu hết trong số đó đã được gửi đi.

Trong một lá thư gửi ông Johnson được công bố đầu tuần này, giám đốc ngân sách Nhà Trắng, Shalanda Young nói rằng Mỹ sẽ không thể cung cấp thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine "vào cuối năm nay" nếu không có hành động của Quốc hội.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ coi viện trợ của Mỹ là rất quan trọng đối với khả năng của lực lượng nước này chống lại quân Nga và tái chiếm lãnh thổ bị chiếm đóng.

uk7

Hôm 5/12, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, nói tại US Institute of Peace (Viện Hòa bình Hoa Kỳ) rằng việc không đảm bảo được thêm viện trợ của Mỹ sẽ đồng nghĩa với "khả năng rất cao" rằng cuộc chiến sẽ thất bại và sẽ " không thể tiếp tục giải phóng" các khu vực do Nga chiếm đóng.

Ở Ukraine, triển vọng mờ mịt về viện trợ bổ sung đã khiến tâm trạng một số bộ phận người dân trở nên u ám.

Tetyana, một cư dân Kyiv có con trai chiến đấu ở tuyến đầu, nói với BBC tuần này: "Tất nhiên là chúng tôi cần sự hỗ trợ, chúng tôi đang bảo vệ toàn bộ châu Âu". "Chúng tôi cần thêm vũ khí vì con cái của chúng tôi đang chết dần chết mòn".

(Jessica Parker đưa tin bổ sung từ Kyiv)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thùy Dương, Bernd Debusmann Jr, Jessica Parker , RFA tiếng Việt
Read 175 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)