Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/01/2019

Ai phải xấu hổ khi người trong nước bỏ trốn ra nước ngoài ?

Quang Nguyên

Tôi đã đỏ mặt ngay khi mới đọc đầu đề bài viết "Chân dung 152 người Việt xấu xí" của Dương Thu, Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser., trên báo Người Đưa Tin nói về chuyện 152 người Viêt đã trốn lại Đài Loan tìm kế sinh nhai trong một chuyến du lịch.

ai1

Chọn Đài Loan đi xuất khẩu lao động - Ảnh minh họa.

Bài viết vỏn vẹn hơn 400 từ, Dương Thu không đưa ra được ‘chân dung’ nào của một trong 152 người trốn chạy, mà tác giả chỉ lên giọng trách cứ họ là những người "bước thụt lùi về nhân cách kèm theo những rắc rối khó có thể gỡ trong ngày một ngày hai với các cơ quan quản lý Nhà nước", và thấy xấu hổ về ‘những con người xấu xí’ này. Nhiều tờ báo trong nước sống nhờ trợ cấp, làm theo chỉ đạo của chính phủ và một số quan chức, như dân biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng có tiếng nói tương tự. 

Những người này giả đi du lịch, trốn lại nước ngoài thật sư có phải là những người xấu xí, đáng xấu hổ ? Nếu không phải họ thì ai là kẻ xấu xa đáng bị lên án khi để người dân phải trốn ra nước ngoài mưu sinh ?

Hẳn nhiều người biết từ tháng 4/2018, đám dân di cư khoảng 7.000 người, gồm cả phụ nữ mang theo con nhỏ, tụ tập ở Honduras đã đi bộ vượt qua Guatemala, Mexico đang áp sát biên giới Mỹ đòi được vào nước này để kiếm việc làm, được sinh sống và con cái họ có thể đến trường, hưởng sự giáo dục tốt hơn. Việc họ đi bộ qua các quốc gia với những đôi dép đứt quai, bụng đói, ngủ lay lứt trên lề đường không những là vấn đề nhức nhối cho chính phủ các nước, các thành phố họ qua mà tác động rất lớn đến chính phủ Mỹ và gây chia rẽ trong nhân dân. Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa vì bất đồng với quốc hội về việc kinh phí xây tường dọc biên giới Mỹ Mễ ngăn chặn di dân.

Người ta cố tìm hiểu lý do bỏ quê hương ra đi của người dân Honduras. Các nhà chính trị các nước liên quan đến người di dân đổ lỗi cho nhau để xảy ra tình trang tệ hại này, báo chí và người dân bình thường cũng lên tiếng, nhưng không hề nghe thấy ai buông lời chê trách, gọi họ là những người xấu xí, đáng xấu hổ, thiếu tư cách công dân, làm mất uy tín quốc gia.., họa chăng chỉ yêu cầu họ tôn trọng pháp luật để có thể nhập cư một cách hợp pháp, hoặc nhân đạo như chính phủ Mexico mời họ dừng chân lại, cung cấp việc làm cho họ. Tổng thống Trump, người trực ngôn và nóng tánh, người chịu áp lực nặng nhất về đám đông di dân này cũng không hề thốt lên một lời tiêu cực nào đối với họ. Mọi người biết lỗi không phải do những con người cùng khổ, những người đã phải rời quê hương ra đi trong điều kiên khó khăn, ngặt nghèo. Trên đường đi họ đã phải trông cậy vào sự giúp đỡ của người xa lạ. Lòng nhân đạo, sự đồng cảm, và cái nhìn sáng suốt về hoàn cảnh của những người phải dứt bỏ tổ quốc ra đi không cho phép người có lương tri chê trách đám đông này.

Một người đi đôi dép lê đứt quai, vừa nhận mấy chai nước từ người hảo tâm cho qua cơn khát, nói với phóng viên CNN : Chính phủ đã lấy hết đất của chúng tôi, chúng tôi không còn ruộng đất, Tôi phải trốn sang Mỹ tìm việc làm, có tiền gửi về nuôi 8 đứa con ở nhà. Đó là chân dung phác họa ông Carlos Gomez một trong số người lê chân trốn chạy khỏi quê hương để tìm ‘đất hứa’. Số phận 152 con người Việt Nam dứt bỏ gia đình trốn đi sẽ phải chấp nhận những công việc đắng cay ở xứ người thực ra còn tồi tê hơn những con người khốn khổ này. 

Những Carlos Gomez ở Việt Nam không thiếu. Không ai đếm được số người dân oan bị chiếm đất chiếm nhà, nhức nhối như những vụ Dương Nội, Đồng Tâm Mỹ Đức,Thủ Thiêm, và còn hàng trăm hàng ngàn các vụ khác. Nhiều ngươi Việt Nam trốn chạy khỏi nước cũng nói câu tương tợ ông Gomez.

Thảm cảnh của dân Việt

Từ cuộc di cư vĩ đại của hơn 800 ngàn người Bắc vào Nam sau hiệp định Geneve chia cắt Việt Nam thành hai quốc gia, cho đến cuộc vượt biên vô cùng thảm khốc của hàng triệu người cả hai miền Bắc Nam sau khi Cộng sản ‘giải phóng’ miền Nam Việt Nam làm rung động trái tim mọi người trên toàn thế giới là thảm cảnh của dân Việt.

Thảm cảnh này đến nay vẫn còn tiếp diễn và càng ngày càng diễn ra dưới các hình thức khác khó biết được. Hình như mỗi ngày đều có người trốn khỏi Việt Nam. Họ lén lút đi, lén lút ở lại các quốc gia họ đến. Người đi lao động hợp tác, du lịch, sinh viên, các quan chức, đảng viên cộng sản trốn lại nước ngoài, những người thường gọi là Thuyền nhân vượt biển tỵ nạn, Boat People, vẫn trốn đến Úc, hàng ngàn, hàng chục ngàn người vượt qua những đoạn đường xuyên quốc gia, xuyên lục địa nhập cư lậu các nước vùng Đông Nam Á, các nước thuộc Âu Châu, đặc biệt là Anh quốc cho thấy thảm cảnh trốn chạy ra khỏi nước của người dân Việt vẫn tiếp diễn. Điều đó chứng tỏ lòng tin vào Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam của dân Việt Nam không có, hoặc, nếu đã có trong một vài người nào đó, đang tan tành ra mây khói.

Người dân không tin, hoặc không còn tin, và kinh sợ chế độ cộng sản. Nhiều lần Việt Nam bị quân xâm lăng tràn vào chiếm đất, nhưng lịch sử không hề ghi nhận người Việt trốn chạy Tàu, Tây, Nhật ra khỏi nước như hai cuộc trốn chạy vĩ đại đầy máu và nước mắt trước quân đội nhân dân của mình năm 1954 và năm 1975.

Kể từ ngày các trại tỵ nạn cho thuyền nhân Việt Nam bị đóng cửa, các cuộc trốn chạy khỏi tổ quốc thân yêu vẫn tiếp diễn, tinh vi hơn, zic zac hơn và nhiều động cơ (1) khác nhau thúc đẩy họ phải ra đi hơn.

Động cơ thúc đẩy trốn chạy khỏi nước

Từ những cuộc trốn chạy hoảng loạn khi cộng sản chiếm đóng các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa, cho đến hàng triệu phải vượt biển, hàng chục ngàn người phải bỏ thây "nuôi cá" (nuôi cá, nuôi má, hay má nuôi) mà chính quyền quy vào tội phản quốc, chống đối chính quyền, chạy theo giặc, thèm cơm thừa sữa cặn của đế quốc, các cuộc trốn chạy sau này của người dân càng ngày càng trở nên bình tĩnh, mưu mẹo và kín đáo hơn, gồm nhiều thành phần hơn, do nhiều động cơ hơn.

Động cơ chính trị, không kể nhiều người đã bị bắt, đưa ra tòa, tù đầy ; hàng trăm người bị chính quyền Việt Nam gán ghép cho đủ thứ tội chính trị, nhẹ là tuyện truyền nói xấu, cho đến âm mưu lật đổ chính quyền, họ bị truy nã phải tìm đường chạy trốn, lưu vong. Những người này vẫn trong tầm ngắm của công an Việt Nam. Họ có thể bị bắt tại các nước họ đang lánh nạn và đưa về Việt Nam, ra tòa, bị tù.

Động cơ Tôn giáo, người Kinh, người Thượng, người dân tộc Mông đã phải bỏ trốn vì bị phân biệt đối xử tôn giáo. Và họ đang lây lất trong các vùng rừng núi Miến Điện, Lào, Thái Lan (2) "Tôi nhớ Việt Nam lắm" (Quang Nguyên)

Động cơ kinh tế, nhóm chạy trốn ra nuốc ngoài về động cơ kinh tế này có thể chia thành 2 nhóm hoàn toàn khác nhau, gồm nhóm đói ăn, thiếu mặc và nhóm dư ăn, dư mặc.

Đối với nhóm đói ăn, họ ra đi vất vả bằng nhiều ngã đường, nhiều phương tiện, phương cách, nhưng không cách nào không tốn kém, khó khăn và tủi nhục. Đó là những người phải đi lao động hợp tác, giả du lịch, trốn theo bọn buôn người. Biết bao nhiêu người đã phải chết trong các xe bít bùng, xe container kín bưng không có không khí để thở, bị tai nạn, bệnh tật chết dọc đường. Biết bao thanh thiếu niên, nam nữ 15, 16 tuổi bị hãm hại, bị bán làm đĩ, điếm, lạm dụng tình dục ngay bởi bọn dẫn đường, bị đẩy vào làm trong các nhà xưởng trồng ma túy để trả nợ...

Đối với nhóm dư mặc, gồm thành phần cán bộ đảng viên, đại gia đã ra khỏi nước, hoặc chân trong chân ngoài, chân ngoài dài hơn chân trong, nghe rục rịch là cao bay xa chạy, Nhóm này có thể day mặt chỉ tên ra được, hầu hết là loại miêng nói trung thành với đảng, nhiều kẻ là loại hạt giống đỏ. Trong số này gồm cả nhưng kẻ phạm pháp, những cây củi phe phái bị đối thủ nhắm đưa vào lò.

Ngoài những nhóm người vừa kể, còn rất nhiếu người bỏ nước ra ngoài sinh sống vì họ rùng mình, sởn gai ốc trước các tệ nạn xảy ra trong xã hội, phải đưa con cái chạy khỏi Việt Nam, tránh mắc, hoặc chừa nghiện ngập ma túy, để không phải học trong mội trường giáo dục xuống cấp, nhà trường đầy tội phạm, gian dối, bạo hành. Họ không còn chút hy vọng cho họ, hay con cái họ thăng tiến trong xã hội bất công, đầy tham nhũng, tư do bị bóp nghẹt, lòng nhân ái không còn nữa.

Ác tâm sinh ác ý, ác ngữ, ác cử

Hòa vào dàn đồng ca của Dương Thu, báo chí ăn tiền của nhà nước lên án, mạ ly 152 người trốn lại Đài Loan, dân biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng những người "bốc hơi’ khi vào Đài Loan đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của con người và đất nước.., làm nhục quốc thế. Họ làm nhục quốc thể hay chính chính phủ đang điều hành quốc gia một cách tồi tệ khiến người dân hiền lương phải trốn, tự hay bị mắc lừa chui đầu vào mạng lưới buôn người (3) (Phóng sự đài truyền hình France Television/France 2 Đường dây buôn phụ nữ Việt sang Trung Quốc) để tìm kế sinh nhai, tìm một cuộc sống khả dĩ tốt hơn, tìm môi trường tự do, không tham nhũng, không bị đàn áp, là kẻ phải nhận chịu tiếng làm nhục quốc thể ? 

Ngoài các vùng bị kiểm soát bởi bọn khủng bố IS, bọn phiến loạn, hoặc bọn cầm quyền quốc gia tồi tệ, độc tài, có quốc gia tự do nào người dân lũ lượt trốn ra nước ngoài trong một thời gian dài hầu như bất tận, hàng loạt đông đến chục, hàng trăm, hàng ngàn, trăm ngàn, hàng triệu không ? Ông dân biểu này còn nói, những người theo chân du lịch để trốn ra nước ngoài là những người không có ý thức công dân. Theo ông trốn ra nước ngoài thế nào mới là cách của một người công dân có ý thức ? Có phải học trốn theo cách của các quan chức trong đảng, trong chính phủ đem được cả vợ con, tài sản thậm chí cả người giúp việc gia đình theo ? Hay đi theo bọn buôn người mà chính phủ dung dưỡng, hoặc bó tay trước bọn này. 

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhắm mắt trước ‘chân dung’một số người trong 152 bị bắt lại ; những con người mang dáng dấp nông dân nhọc nhằn, nhỏ bé choắt cheo, nghèo nàn trong các bộ quần áo rẻ tiền cố làm ra vẻ tươm tất khi ‘đi du lich’, những người có thể đã phải bán tài sản, cầm cố đất đai, vay nợ nặng lãi, sẽ phải vắt sức lao động bán lấy tiền trả nợ, chuôc lại nhà cửa, ruộng đất, để nuôi cha mẹ, vợ con đang thiếu thốn ở quê nhà ? Là đại biểu của dân, ông không thấy lương tâm cắn rứt sao ? Ông không thấy trách nhiệm của ông và của các dân biểu trong quốc hội phải lên tiếng cho mọi người thấy sự sai lầm của chế độ, sự bất lực, bất tài của chánh quyền, dẫn đến bất công, tha hóa xã hội đã khiến người dân phải tha hương cầu thực sao.

Trong các thảm cảnh trốn chạy của người dân, chính phủ cộng sản Việt Nam đều lên tiếng chỉ trích họ. 800 ngàn người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 bị phỉ báng là theo giặc, thích ăn bơ thừa sũa cặn. Cùng kỳ đó, với hơn chục ngàn người cộng sản miền Nam tập kết ra Bắc, chính quyền hay báo chí Việt Nam Cộng Hòa không có một lời nào phạm đến danh dự của họ.

Sau tháng 4/1975 hàng trăm ngàn người lũ lượt vượt biên, thuyền họ bị dánh đắm, tàu thuyền vượt biên vô tình đi qua Bạch Long Vĩ bị phát hiện, bị bắn tiêu diệt không để xót một sinh mạng nào. Người bị bắt lại thì bị cầm tù, tịch thu tài sản, tống đi khu Kinh Tế Mới. Người trốn thoát bị bôi nhọ danh dự đến thảm hại, bị cáo buộc là phản quốc, ôm chân đế quốc, tham bơ thừa sữa cặn.

Người Việt bỏ trốn ra nước ngoài sau này nếu không bị chính quyền tóm lại, không vươn tay dánh vói theo được, thì coi như bị bỏ rơi không còn gì đáng quan tâm. Hàng ngàn người dân tộc thiểu số Mông bị chính quyền Việt Nam tròng vào cổ tội ra đi thành lập Vương quốc Mông nhằm lật đổ chính quyên Việt Nam. Hàng ngàn đồng bào Thượng bị chụp ngay cái mũ phiến quân Fulro (2)

Vào tháng 9 năm 2018, chính quyền Thái Lan ruồng bố bắt giam cả ngàn người Việt đang trốn trên đất này, chính quyền Việt Nam hoàn toàn dửng dưng, không một lời can thiệp, không một tiếng chia sẻ với đau đớn của đồng bào mình, trong khi nhiều quốc gia khác đã lên tiếng bênh vực họ, nhiều tổ chức NGO của người Việt hải ngoại và thế giới phải vận động hết sức mình, nhiều cá nhân bỏ tiền túi hoặc ra sức quyên góp, để có thể bảo lãnh cho đồng bào mình thoát cảnh giam cầm càng sớm càng tốt, thậm chí giúp họ có thể được định cư tại nước thứ ba (4).

Để kết luận, đáng trách, đáng xấu hổ, làm nhục quốc thể không phải là những người phải bỏ quê hương trốn chạy, mà chính là các cây viết ác tâm, ác ngữ sản phẩm của chế độ tàn ác. Đáng trách, đáng xấu hổ, làm nhục quốc thể chính là các chính phủ bất tài, hay vừa bất tài lại theo đuổi các thể chế lạc hậu, bọn phiến loạn, các tổ chức khủng bố thực thi các chính sách hà khắc, ngu ngốc, cưỡng chế dân cách này cách khác khiến họ không còn lựa chọn con đường nào khác để sống khá hơn, để có việc làm, có thể nuôi dưỡng con cái, cho chúng được hưởng một nền giáo dục khá hơn ngoài sự trốn chạy khỏi tổ quốc của họ.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 02/01/2019

Tham khảo :

https://www.nguoiduatin.vn/chan-dung-152-nguoi-viet-xau-xi-a416389.html

https://baomoi.com/152-nguoi-loi-dung-du-lich-de-bo-tron-o-dai-loan-la-lam-nhuc-quoc-the/c/29140033.epi

(1) Những ngươi vượt biên bị bắt lại thường bỉ cán bộ chấp pháp hỏi :" Động cơ nào thúc đẩy (anh, chị) trốn đi". Dân miền Nam không hiểu từ ngữ cách mạng, trả lời : "Dạ, tui đi động cơ Cô Le, 6 máy".

(2) https://www.youtube.com/watch?v=h5PeGvENBVI&t=42s

https://www.youtube.com/watch?v=Tx7a3ynmGwg&t=48s

https://www.youtube.com/watch?v=MCIJtW87bVo&t=142s

https://www.youtube.com/watch?v=6KIII06k6vs&t=56s

(3) https://www.facebook.com/tood.lee.9/videos/10216431513853759/UzpfSTEyOTU3MTU5NTI6MTAyMTMxNDI2MjQ0MjIzMTM/

Phóng sự đài truyền hình France Television/France 2 Đường dây buôn phụ nữ Việt sang Trung Quốc.

(4) http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1410-2018-11-19-17-10-19.html

Quay lại trang chủ
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)