Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/09/2023

Điểm báo Pháp - Cơn sốt"thanh trừng ở Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Dấu hiệu của "một cơn sốt" thanh trừng ở thượng tầng Nhà nước ?

Tình hình di dân ở Châu Âu, tình trạng nhân khẩu học đáng báo động cả ở Nga lẫn Pháp là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm vào hôm nay 29/09/2023.

thanhtrung1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 28/09/2023. AP - Andy Wong

Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về vô số vấn đề Trung Quốc phải đối mặt. Trong đế chế của Tập Cận Bình, khi một bộ trưởng "biến mất", thì đó không phải là điều lành. Nhưng khi lãnh đạo của cả hai bộ then chốt – ngoại giao và quốc phòng – lần lượt biến mất trong 2 tháng qua, thì đó là dấu hiệu của "một cơn sốt" và của việc thanh trừng lẫn nhau ở mọi cấp độ, thậm chí là thượng tầng Nhà nước.

Hồi đầu tháng 9, một nhân vật đình đám khác bị quản thúc tại gia, đó là tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), người sáng lập và ông chủ tập đoàn Evergrande – cổ phiếu của tập đoàn này đã bị tạm dừng giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông sau khi tập đoàn rơi vào khủng hoảng. Và Evergrande không phải là tập đoàn duy nhất rơi vào hoàn cảnh này.

Sau khi đầu tư mạnh vào ngành xây dựng để hỗ trợ tăng trưởng, Trung Quốc đã ngưng mọi hoạt động sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và bong bóng bất động sản bị vỡ. Kết quả là Evergrande đang chìm trong khoản nợ 307 tỷ euro và dường như không có dấu hiệu cải thiện nào. Bị "tổn thương nặng nề" sau một thời gian dài do bị phong tỏa trong thời kỳ Covid-19 và lo lắng về một tương lai khá u ám, người dân giờ đây đang hạn chế tiêu dùng và quay sang tiết kiệm nhiều hơn. Điều này không khuyến khích các đối tác nước ngoài đầu tư vào Hoa lục.

Nói tóm lại, nền kinh tế thứ hai thế giới đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và đây không phải là điều lành cho phần còn lại của thế giới, vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng rất lớn về khí hậu và năng lượng. Vì vậy, chủ nghĩa độc tài không mang lại lợi ích gì. Trong trường hợp của Trung Quốc, các mệnh lệnh do chế độ ban hành đã dẫn đến sự sụp đổ về nhân khẩu học và khiến nhà chức trách đưa ra những biện pháp phòng chống dịch gây ra nhiều tai hại cho người dân và doanh nghiệp. Nhật báo thiên tả kết luận rằng giờ đây, Trung Quốc đã đánh mất niềm tin, vốn là điều tối quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế. Từ lâu được xem là động cơ tăng trưởng toàn cầu, Trung Quốc giờ đây đã trở thành quả bom hẹn giờ.

Vấn đề di dân – thách thức đối với tình đoàn kết của Liên Âu

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nói về sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu (EU) được thể hiện rất rõ khi các nước chia sẻ quỹ ngân sách, nhưng khi nói đến việc chia sẻ gánh nặng thì sự bất hòa sẽ ngay lập tức xuất hiện. Do vậy, nhật báo thiên hữu không ngạc nhiên trước "sự hỗn loạn" đang ngự trị ở biên giới ngoài Liên Âu, còn biên giới nội bộ thì thường xuyên bị đóng vì lý do an ninh. Kể từ năm 2015, Pháp đã tiến hành sàng lọc dòng người di dân đến từ Ý, quốc gia vẫn đang chờ sự giúp đỡ của Liên Âu để tiếp nhận hàng nghìn di dân hiện diện ở Lampedusa. Ghi nhận mức tăng 80% lượng người đến từ phương Đông, Đức cũng đang tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới với Ba Lan, quốc gia vốn bài nhập cư, nhưng lại đang vướng vào bê bối cấp thị thực bất hợp pháp.

Khối Schengen, "thiên đường của tự do di chuyển" này được coi là một trong những thành tựu quý giá nhất trong quá trình xây dựng một khối Liên Âu, giờ đây, đang thực sự trở thành một "vấn nạn di dân". 8 năm sau làn sóng di dân lớn từ Syria, 3 năm sau khi Bruxelles đề xuất kế hoạch củng cố biên giới Liên Âu và thúc đẩy đoàn kết nội bộ, nhóm 27 dường như sắp đạt được thỏa thuận về việc giải quyết những tình huống khủng hoảng.

Nếu thỏa thuận được thông qua, Liên Âu sẽ có thể thắt chặt các điều kiện nhập cảnh khối này trong trường hợp có làn sóng di dân ồ ạt. Những thỏa thuận với các quốc gia mà di dân xuất phát, theo mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Tunisia, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sự hợp tác chống lại những kẻ buôn người. Chắc chắn đó không phải là một biện pháp giải quyết mọi vấn đề, nhưng đó là một tiến bộ không nhỏ. Sau nhiều năm tranh cãi về tình trạng nhập cư không kiểm soát, Châu Âu mới nhận ra rằng họ cần phải đồng lòng trong việc giải quyết vấn đề cốt yếu : chia sẻ gánh nặng sẽ đơn giản hơn khi các nước quyết định giảm nhẹ nó.

Châu Âu lo sợ việc Robert Fico trở lại làm thủ tướng Slovakia

Về khía cạnh chính trị, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết nói về việc Châu Âu đang hết sức lo lắng khi đứng trước viễn cảnh cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra vào ngày mai. Cùng với Viktor Orban, ông Fico có thể kết hợp thành "bộ đôi hủy diệt" ở Châu Âu. Giống như thủ tướng Hungary, Robert Fico tỏ ra gần gũi với Moskva một cách đáng báo động, quy trách nhiệm cho chính Kiev về cuộc chiến ở Ukraine và không ngần ngại chỉ trích những người thuộc giới LGBT.

Viễn cảnh Robert Fico trở lại Hội Đồng Châu Âu sau cuộc bỏ phiếu ngày mai khiến các lãnh đạo Liên Âu phải toát mồ hôi lạnh. Robert Fico, người đã lãnh đạo chính phủ Slovakia từ năm 2006 đến năm 2010 và một lần nữa từ năm 2012 đến năm 2018, đang trở nên cực đoan hơn bao giờ hết trong những tháng gần đây.

Nga đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học

Vẫn tại Châu Âu, trang nhất của tờ Le Monde quan tâm đến việc Nga đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân khẩu học, hệ quả của chiến tranh Ukraine. Khi tiến hành một cuộc chiến có nguy cơ kéo dài, vấn đề nhân khẩu học cùng với nền kinh tế đang trở thành những yếu tố quyết định về khả năng cầm cự lâu dài của hai quốc gia tham chiến là Nga và Ukraine. Sau khi đánh cược vào một cuộc chiến chớp nhoáng trên chiến trường Ukraine, tổng thống Vladimir Putin cuối cùng đã phải tiến hành huy động lính dự bị ra chiến trường, điều làm lộ rõ những lỗ hổng to lớn về nhân khẩu học Nga.

Điều đáng kinh ngạc là chủ nhân điện Kremlin đã đặt vấn đề này làm trọng tâm trong các bài diễn văn và hành động của ông kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 1999. Ông đã nhắc lại điều đó trong bài phát biểu trước quốc dân vào năm 2020 : "Số phận của nước Nga phụ thuộc vào một điều : dân số hiện tại và trong tương lai".

Bất chấp tầm quan trọng của vấn đề này đối với chính quyền, dữ liệu nhân khẩu học của Nga vẫn rất mơ hồ và được coi như bí mật quốc gia – bao gồm cả dữ liệu dân số cơ bản của Nga. Cơ quan thống kê Rosstat, cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, đã ước tính con số này vào ngày 01/01/2023 là 146.447.424 người, một số liệu quá ít so với mong đợi của Vladimir Putin.

Số liệu của Rosstat bao gồm cả dân số của bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập hồi năm 2014 với gần 2,5 triệu người. Tuy nhiên, số liệu này không bao gồm dân số các khu vực Ukraine được sáp nhập vào tháng 09/2022 như Donetsk, Luhansk, Zaporijjia hay Kherson.

Tuy nhiên, theo Le Monde, bí mật được giữ kín nhất liên quan đến những tổn thất trong cuộc chiến ở Ukraine. Nga không đưa ra con số chính thức nào về số người chết kể từ tháng 09/2022, mặc dù ước tính đã có từ 40.000 đến 120.000 quân nhân thiệt mạng. Mặc dù vậy, số liệu này chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến nhân khẩu học của đất nước, nếu so sánh với hậu quả của Covid-19. Vào thời điểm đó, chính quyền đã tìm cách che giấu số người thiệt mạng trong đại dịch, nhưng tỷ lệ tử vọng của Nga đã thực sự vượt quá một triệu người trong giai đoạn 2019-2021.

Về lâu dài, tác động của chiến tranh sẽ đặc biệt được thấy rõ khi đàn ông trong độ tuổi sinh con phải rời bỏ quê hương. Vào tháng 7, theo số liệu của Rosstat, chỉ có 110.500 trẻ em được sinh ra ở Nga, tỷ lệ sinh nở thấp nhất trong tháng kể từ năm 1945. Tuổi thọ của người dân tăng đáng kể dưới thời ông Putin (đặc biệt nhờ tỷ lệ nghiện rượu giảm), nhưng điều này không đủ để ngăn chặn xu hướng này, và những cuộc di dời ồ ạt khỏi Nga vẫn là nguyên nhân chính thúc đẩy khủng hoảng nhân khẩu học.

Tỷ lệ sinh nở tại Pháp giảm xuống mức thấp nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến

Vẫn về vấn đề nhân khẩu học, Le Figaro dành trang nhất chú ý đến việc tỷ lệ sinh sản tại Pháp cũng giảm báo động. Năm 2023 sắp đến hồi kết và tỷ lệ sinh nở tại xứ lục lăng giảm 7% so với năm 2022. Con số này đang ở mức thấp nhất kể từ thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.

Trong tháng 8, trung bình mỗi ngày có 1.896 trẻ được sinh ra. Giảm 8% so với tháng 08/2022, theo số liệu tạm thời được Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE) công bố hôm qua. Cụ thể, tính đến thời điểm này trong năm nay, đã có "đã có ít hơn khoảng 35.000 ca sinh nở so với năm ngoái" tức "giảm 7,2%".

Chloé Tavan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và khảo sát nhân khẩu học của INSEE, dự đoán : "Nếu xu hướng này tiếp diễn, số ca sinh đẻ có thể không vượt quá mốc 700.000 vào năm 2023, một ngưỡng mang tính biểu tượng". Laurent Chalard, nhà địa lý học tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế Châu Âu, đồng tình với quan điểm này : "Đối với tỷ lệ sinh nở ở Pháp, đây hứa hẹn sẽ là năm có ít ca sinh nhất kể từ năm 1945". Năm ngoái, số trẻ được sinh ra đã giảm đáng kể với 726.000 ca, tức thấp hơn 2,2% so với năm 2021. Nhà nghiên cứu tại INSEE nói thêm rằng số lượng sinh nở đang ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Vậy tại sao người dân Pháp lại sinh ít con hơn và liệu xu hướng này có tiếp tục ? Chloé Tavan cho rằng các nhà nhân khẩu học cũng gặp khó khăn trong việc tìm ra một câu trả lời đồng nhất. Nhưng một số chuyên gia nhận định rằng có con là một quyết định có tính lâu dài, và do đó, phụ thuộc vào cách mọi người lên kế hoạch cho tương lai : việc làm, khả năng tài chính, nhà ở, bối cảnh khí hậu... chưa kể đến những yếu tố tế nhị khác. Chuyên gia Chalard nói thêm rằng cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng lạm phát trong những tháng gần đây dường như cũng đang làm gia tăng xu hướng này.

Ngoài ra, để trả lời câu hỏi tế nhị này, Hiệp hội Gia đình Công giáo (AFC) đã lấy kết quả của một cuộc khảo sát từ IFOP vào tháng 07/2023.

Le Figaro cho biết kết quả, xác nhận rằng hơn một phần ba (38%) những người dưới 50 tuổi đã từ bỏ việc sinh con đầu lòng hoặc đẻ thêm nếu họ đã là phụ huynh. Các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc và trông các bé là lý do lớn nhất khiến mọi người không sinh con, tiếp theo sau là những khó khăn về tài chính hoặc việc làm. Những câu trả lời này khẳng định tầm quan trọng của việc dung hòa giữa cuộc sống riêng tư và công việc.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)