Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên dường như đã thử nghiệm 2 tên lửa hành trình

Thanh Phương, RFI, 25/01/2022

Sáng 25/01/2022, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa dường như là tên lửa hành trình, theo thông báo của quân đội Hàn Quốc. Đây là vụ thử tên lửa thứ năm của Bình Nhưỡng trong tháng này bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế cũng như những lời kêu gọi nối lại đối thoại.

kju1

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin Bắc Triều Tiên thử tên lửa hành trình, qua truyền hình ở một nhà ga tàu điện tại Seoul, ngày 25/01/2022.  AP - Ahn Young-joon

Kể từ năm 2019 và từ sau thất bại của thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un, chưa bao giờ Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí nhiều như thế trong một tháng.

Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo, Bộ tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc viết : "Bắc Triều Tiên đã bắn hai vật thể nghi là tên lửa hành trình", nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trong chế độ trừng phạt hiện nay của Liên Hiệp Quốc, việc bắn thử các tên lửa hành trình không bị cấm. Lần cuối cùng Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa hành trình là vào tháng 9/2021. Từ nhiều tuần qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí để biểu dương sức mạnh của nước này và để gia tăng áp lực lên Hoa Kỳ.

Theo nhận định của AFP, vụ bắn thử tên lửa hôm nay dường như là một hành động nhằm khiêu khích chính quyền tổng thống Joe Biden, vốn đã đề nghị mở các cuộc đàm phán "không cần điều kiện tiên quyết" với Bắc Triều Tiên.

Hãng tin Pháp trích lời giáo sư Yang Moo Jin, Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nghi nhận : "Bắc Triều Tiên dường như muốn trắc nghiệm phản ứng của Washington bằng cách thể hiện sự hiện diện của họ trên trường quốc tế". Theo vị giáo sư này, khi bắn thử tên lửa hành trình, Bình Nhưỡng có thể thu hút sự chú ý của cả thế giới, chế nhạo Hoa Kỳ, mà không vi phạm các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Kể từ năm 2017, khi tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu cuộc đối thoại kéo dài 2 năm trước khi gặp thất bại, Bình Nhưỡng vẫn không thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, hoặc thử nghiệm hạt nhân. Nhưng vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã dọa sẽ tiến hành trở lại các cuộc thử nghiệm này, vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm.

Thanh Phương

**********************

Bắc Triều Tiên tuyên bố có thể tái lập các vụ thử nghiệm hạt nhân

Trọng Nghĩa, RFI, 20/01/2022

Chế độ Bình Nhưỡng ngày 20/01/2022 đã không loại trừ khả năng tái lập các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên dưới quyền chủ tọa của ông Kim Jong-un. Nhân cuộc họp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho biết ông đang chuẩn bị cho "một cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ. 

kju2

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un họp Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng, ngày 19/01/2022 via Reuters - KCNA

Theo KCNA, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên, thì cơ quan lãnh đạo cao nhất của nước này đã cho rằng : "Chính sách thù địch và mối đe dọa quân sự của Hoa Kỳ đã đến mức nguy hiểm không thể bỏ qua". Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động "đã ra lệnh (...) xem xét nhanh chóng vấn đề nối lại" tất cả các hoạt động đã tạm thời bị đình chỉ, ám chỉ rõ ràng đến các chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa. 

Trong cuộc họp do Kim Jong-un chủ trì, một báo cáo đã được trình bày phân tích các điều kiện trên bán đảo Triều Tiên và đề cập "phương hướng của các biện pháp phòng thủ chống lại Hoa Kỳ trong tương lai". Theo KCNA, "Hoa Kỳ đã vu khống đất nước của chúng ta và thực hiện hành động vô lý khi áp dụng hơn 20 biện pháp trừng phạt". 

Bình Nhưỡng đã không thực hiện bất kỳ vụ thử hạt nhân tên lửa đạn đạo tầm xa nào kể từ năm 2017 sau nỗ lực đối thoại với Hoa Kỳ. Ông Kim Jong-un từng gặp ba lần cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Nhưng kể từ thất bại vào năm 2019 của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội giữa hai nhà lãnh đạo, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Bắc Triều Tiên, nước có vũ khí hạt nhân đã từ chối mọi đề nghị đàm phán trong khi tiếp tục các thử nghiệm, kể cả tên lửa siêu thanh. 

Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên vì đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa từ đầu tháng Giêng năm 2022. 

Việc nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể diễn ra vào một thời điểm tế nhị đối với khu vực : Một cuộc bầu cử tổng thống được lên kế hoạch vào tháng 3 ở Hàn Quốc, và trước đó, vào thượng tuần Tháng 2, Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, sẽ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh. 

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức một năm trước, Bình Nhưỡng đã từ chối các đề xuất đối thoại khác nhau của chính quyền Mỹ. Đầu tuần này, Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng "các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn", đồng thời yêu cầu các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên đã phản đối. 

Chế độ Bắc Triều Tiên hơn bao giờ hết có ý định tăng cường khả năng quân sự của mình trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà đất nước này đang trải qua, trầm trọng thêm do các lệnh trừng phạt quốc tế và việc đóng cửa nghiêm ngặt biên giới kể từ năm 2020 để tự bảo vệ trước dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, gần đây, Bắc Triều Tiên đã nối lại thương mại với Trung Quốc. Cuối tuần trước, một chuyến tàu chở hàng từ Bắc Triều Tiên đã đến thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. 

Trọng Nghĩa

********************

Bắc Triều Tiên xác nhận thử tên lửa chiến thuật

Phan Minh, RFI, 18/01/2022

Bắc Triều Tiên hôm 18/01/2022 xác nhận đã phóng hai tên lửa chiến thuật dẫn đường vào ngày hôm qua để đánh giá và chọn lọc các tên lửa dẫn đường chiến thuật tầm ngắn đang được sản xuất và triển khai, cũng như xác minh độ chính xác của loại vũ khí này. 

kju3

Ảnh do Bắc Triều Tiên công bố về vụ bắn thử tên lửa chiến thuật dẫn đường, ngày 17/01/2022.  AP

Theo hãng thống tấn KCNA được AFP trích dẫn, hai tên lửa dẫn đường chiến thuật được phóng từ khu vực phía tây của Bắc Triều Tiên đã tấn công chính xác mục tiêu trên đảo ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Viện Khoa học Quốc phòng đã xác nhận độ chính xác, an toàn và hiệu quả trong hoạt động của hệ thống vũ khí đang sản xuất. 

 Vụ phóng tên lửa hôm qua là vụ thử thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ đầu năm sau 2 vụ phóng tên lửa siêu thanh hôm 5 và 11 tháng Giêng và vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa hôm 14/01. 

 Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những tuần gần đây đã bị cộng đồng quốc tế lên án và hôm qua, đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, Sung Kim, cùng với những đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc, đã một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên chấp thuận đề nghị "đối thoại" của Hoa Kỳ. 

Về phần mình, chính phủ Bắc Triều Tiên nói rằng các cuộc thử nghiệm là hợp pháp và nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ của đất nước. 

Phan Minh

********************

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ tư kể từ đầu năm

Phan Minh, RFI, 17/01/2022

Quân đội Hàn Quốc, hôm 17/01/2022, cho biết Bắc Triều Tiên có thể đã phóng 2 vật thể, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đây là vụ thử vũ khí thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ đầu năm. 

kju4

Người dân theo dõi vụ bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 17/01/2022.  AP - Lee Jin-man

Theo Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, dường như đây là hai "tên lửa đạn đạo tầm ngắn", đã được phóng từ một sân bay gần Bình Nhưỡng, sáng nay, lúc 9 giờ (giờ địa phương). Hai tên lửa đã bay được 380 km ở độ cao 42 km.

Bình Nhưỡng đã tăng tốc các cuộc thử nghiệm vũ khí trong những tuần gần đây. Chế độ Kim Jong-un đang tìm cách tăng cường khả năng quân sự trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề và từ chối đối thoại với Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng nhịp độ và sự đa dạng của các vụ thử cho thấy Bắc Triều Tiên đang cố gắng cải thiện công nghệ và khả năng tác chiến nhằm thực hiện các hành động bí mật, để các nước khác khó phát hiện ra các dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ phóng. Lãnh đạo Quốc phòng Nhật nhấn mạnh : "Vì an ninh của Nhật Bản và khu vực, không thể làm ngơ trước sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa của Bắc Triều Tiên".

Vụ thử tên lửa mới này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong khu vực, khi Hàn Quốc chuẩn bị bầu tổng thống vào tháng 3 tới và Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, chuẩn bị khai mạc Thế Vận Hội mùa đông vào đầu tháng Hai.

Ngày 5 và 11 tháng Giêng, Bắc Triều Tiên loan báo tiến hành hai vụ thử tên lửa siêu thanh. Ngày 15/01 vừa qua, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn. 

Phan Minh

*********************

Bắc Triều Tiên tuyên bố đã bắn hai tên lửa tầm ngắn từ xe lửa

Thanh Phương, RFI, 15/01/2022

Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm 15/01/2022, loan tin là nước này hôm qua đã bắn thử hai tên lửa tầm ngắn từ một bệ phóng gắn trên xe lửa, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

kju5

Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA công bố cùng xác nhận tên lửa siêu thanh phóng thử hôm 14/01/2022, từ một đoàn tàu hỏa.  AP

Theo bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, các tên lửa nói trên đã bay 432 km ở độ cao 36 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Hãng tin KCNA khẳng định vụ bắn thử tên lửa hôm qua đã "đạt tỷ lệ thành công cao". Cũng theo hãng tin chính thức này, các cuộc thảo luận đang được tiến hành để "thiết lập một hệ thống khai thác tên lửa bằng đường sắt trên toàn quốc".

Đây là vụ bắn tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2022, và vụ hôm qua diễn ra sau khi hôm thứ tư vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo ban hành các trừng phạt tài chính mới nhắm vào 5 công dân Bắc Triều Tiên, do trước đó Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử tên lửa được mô tả là tên lửa siêu thanh. Hoa Kỳ cho rằng vụ bắn thử tên lửa siêu thanh của Bắc Triều Tiên là một "mối đe dọa" đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng Bình Nhưỡng cáo buộc Washington "cố tình" làm cho tình hình xấu đi.

Đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang gặp bế tắc kể từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh vào năm 2019 giữa tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un.

Cũng sau các vụ bắn tên lửa nói trên, Mỹ cũng đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với một công dân Nga bị Washington cáo buộc là có liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã lên án các trừng phạt của Mỹ là "vô căn cứ". Phát ngôn viên này khẳng định Moskva vẫn "trung thành với những cam kết về không phổ biến hạt nhân".

Thanh Phương

********************

Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa

Phan Minh, RFI, 14/01/2022

Quân đội Hàn Quốc hôm 14/01/2022 cho biết, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa, nhưng chưa xác định được là loại gì. Đây là vụ phóng tên lửa thứ ba của Bình Nhưỡng trong vòng chưa đầy 10 ngày. 

kju6

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin về vụ thử tên lửa siêu thanh tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 11/1/2022.  via Reuters - KCNA

Theo chỉ huy bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, tên lửa được phóng về hướng đông bán đảo Triều Tiên. 

Còn Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết đã phát hiện vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên vào lúc 14h55 giờ địa phương và chưa xác định được là một hay nhiều tên lửa đạn đạo đã được phóng.

Một phát ngôn viên của lực lượng này nói với AFP là vẫn đang phân tích nơi tên lửa rơi và xác định xem đó là một hay nhiều vật thể.

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình phát triển vũ khí bị cấm của nước này, Bình Nhưỡng đã hai lần phóng tên lửa siêu thanh kể từ đầu năm nay, ngày 05 và 11 tháng Giêng. 

Cũng trong hôm nay, Bắc Triều Tiên đã đe dọa trả đũa Hoa Kỳ để đáp trả các lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt sau các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng. Chính phủ Bắc Triều Tiên nói rằng các cuộc thử nghiệm là hợp pháp và nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ của đất nước. 

Phan Minh

**********************

Bắc Triều Tiên lại xác nhận phóng thử thành công tên lửa siêu thanh

Thùy Dương, RFI, 06/01/2022

Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm 06/01/2022 khẳng định Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh trong ngày hôm qua 05/01. Như vậy, đây là lần thứ hai Bắc Triều Tiên khẳng định thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, lần đầu cách nay 3 tháng.

kju7

Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phổ biến khi xác nhận vụ thử tên lửa siêu thanh ngày 05/01/2022. AP

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn KCNA, theo đó BắcTriều Tiên đã bắn thử tên lửa siêu thanh. Tên lửa bay xa được 700km và đã nhắm chính xác mục tiêu. Vụ phóng thử đã cho phép kiểm tra hệ thống ống nhiên liệu được gắn từ trước vào tên lửa, hoạt động trong điều kiện thời tiết mùa đông. 

Hệ thống này cho phép bỏ hẳn giai đoạn nạp nhiên liệu của tên lửa ngay tại vị trí phóng. Đây vốn là giai đoạn cần thiết khi phóng các tên lửa thông thường sử dụng nhiên liệu hóa lỏng. Việc kéo dài quá trình nạp nhiên liệu có nguy cơ đối phương phát hiện ra địa điểm phóng tên lửa và tấn công phá hủy.

Cũng theo KCNA, điểm mới của tên lửa siêu thanh được thử nghiệm lần này là đầu tên lửa có khả năng di chuyển ngang trong 120 km sau khi tách khỏi bệ phóng để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không cho biết vận tốc tên lửa đạt được.

Xin nhắc lại truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên năm 2021 từng loan tin tên lửa siêu thanh là một trong những "ưu tiên hàng đầu" trong kế hoạch 5 năm của Bình Nhưỡng. Tên lửa siêu thanh nhanh hơn và cơ động hơn so với tên lửa thông thường, nên gây nhiều khó khăn hơn cho các hệ thống đánh chặn mà Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ đô la để phòng thủ. Tên lửa siêu thanh thường đạt tốc độ Mach 5, tức là cao gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Quốc tế kêu gọi Bắc Triều Tiên đối thoại

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada hôm qua đều lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định "vụ thử nghiệm vi phạm nhiều nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng hướng tới giải pháp ngoại giao. Cũng trong ngày hôm qua (theo giờ New York), tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi chế độ Kim Jong-un tái lập đối thoại "với các bên có liên quan".

Hướng tới giải pháp ngoại giao cũng là đề nghị của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hôm qua, tổng thống Moon Jae In đề nghị Bình Nhưỡng nỗ lực để đối thoại một cách nghiêm túc hơn. Còn bộ Thống nhất Hàn Quốc tái khẳng định lập trường tiếp tục các nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ liên Triều và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Trọng Nghĩa, Phan Minh, Thùy Dương
Published in Châu Á
dimanche, 19 décembre 2021 20:32

Bỏ súng xuống là thành Phật !

Hôm Thứ Sáu 17 tháng Mười Hai vừa qua đánh dấu đúng 10 năm lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il qua đời. Kim Jong-un, người con trai út của ông lên kế vị để cai trị quốc gia cộng sản được xem là bưng bít nhứt thế giới.

Khi lên kế vị, Kim Jong-un còn là một thanh niên chỉ mới 27 tuổi, chưa từng có bất cứ một kinh nghiệm nào về lãnh đạo. Ngoài bốn lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử, bắn hàng tá hỏa tiễn để đe dọa các nước láng giềng như Nhật Bản, Nam Hàn và ngay cả Hoa Kỳ, đưa đất nước vào tình trạng nghèo đói chưa từng thấy, thành tích nổi bật nhứt của nhà lãnh đạo này là những cuộc thanh trừng dã man xảy ra như cơm bữa.

kim0

Kim Jong-un đi giữa các tướng lãnh tung hô mình

Tham mưu trưởng quân đội, ông Ri Yong-ho, sau khi bị giải nhiệm đã bị Kim Jong-un ra lệnh xử tử dạo tháng Bảy năm 2012. Tháng Mười Hai năm 2013, người chồng của cô ông là ông Jang Song-thaek, một cố vấn tối cao trong chính phủ, đã bị đẩy ra khỏi bộ chính trị, đánh đập một cách tàn nhẫn và xử tử bằng súng cối. Dạo tháng 12 năm 2011, cả ông Ri lẫn ông Jang đều là 2 người đã từng đi bên cạnh Kim Jong-un trong suốt ba tiếng đồng đồ dưới cơn mưa tuyết để tiễn đưa cha ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cả hai người đều được xem là những người đã hướng dẫn nhà lãnh đạo trẻ trong việc điều hành đất nước.

Với Kim Jong-un, bất cứ ai cũng có thể là một đối thủ chính trị cần phải thanh trừng. Ngay cả người thân ruột thịt cũng không thoát khỏi. Đó là trường hợp ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với ông. Ông này đã bị ám sát tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai dạo tháng Hai năm 2017 : hai người phụ nữ, một Nam Dương và một Việt Nam, đã được thuê tạt nước có chứa khí độc VX vào mặt ông Nam.

Cái chết của ba ông Ri, Jang và Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ trong vô số những cuộc thanh trừng dưới tay Kim Jong-un. Dưới mắt nhà độc tài khát máu nhứt thế giới này, bất cứ ai cũng có thể là kẻ thù. Gần đây nhứt, Kim Jong-un đã ra lệnh triệt tiêu điều mà ông gọi là "mối ung thư xấu xa" của nền văn hóa Nam Hàn như được thể hiện qua nền nhạc K-Pop và đặc biệt là bộ phim truyện có tựa đề Squid Game (Trò chơi Con mực) được nhập lậu vào Bắc Hàn. Nhiều nguồn tin đã xác nhận : rất nhiều người bị bắt quả tang "xem hay phát tán bộ phim (Trò chơi Con mực) của Nam Hàn" đã bị xử tử.

Các cuộc xử tử, vốn thường diễn ra nơi công cộng, là "chuyện thường ngày ở huyện" dưới thời của Kim Il-sung và Kim Jong-il, tức ông nội và cha của Kim Jong-un. Nhưng sau khi Kim Jong-un lên cầm quyền, các cuộc xử tử ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Theo ông Ji Seung-ho, người đã đào thoát khỏi Bắc Hàn năm 2006 và hiện là dân biểu Quốc hội Nam Hàn, nhà lãnh đạo Bắc Hàn ra lệnh thanh trừng và xử tử hàng loạt là để "chứng tỏ quyền lực của mình" (1).

Tại sao Kim Jong-un đã trở thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới hiện nay ? Dĩ nhiên, nói như chính trị gia Anh nổi tiếng là ông John Dalberg-Acton (1834-1902), thường được gọi tắt là Lord Acton, "quyền lực dễ làm cho con người đồi bại và quyền lực tuyệt đối làm cho con người đồi bại một cách tuyệt đối". Kim Jong-un đã đồi bại và biến thành một dã thú vì muốn nắm quyền tuyệt đối trong tay. Nhưng không phải ngẫu nhiên hay trong một sớm một chiều mà người thanh niên này bỗng nhiên biến thành nhà độc tài khát máu nhứt thế giới. Mầm mống của sự độc ác và tàn bạo đã được cấy vào tâm hồn của ông ngay từ tuổi thơ.

Được cha mẹ gieo vào đầu ý tưởng mình là một "bán thần" (demigod), cậu bé Kim đã không ngừng giở thói bắt nạt với những đứa trẻ đồng lứa khác. Sợ cậu đến nỗi các em khác đã đặt cho cậu biệt danh là "nhà độc tài tí hon". Bảy tuổi cậu đã có thể cỡi xe gắn máy và lái xe hơi. Năm 11 tuổi, cậu con trời này đã mặc đồng phục của một tướng lãnh và lúc nào cũng mang bên hông một khẩu súng Colt 45. Là "con trời" và là tướng lãnh cho nên xung quanh cậu lúc nào cũng túc trực một đoàn tùy tùng để hầu hạ cậu 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Phòng "chơi" của cậu có nhiều đồ chơi hơn bất cứ cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ con nào ở Âu Châu. Những ngôi vườn xung quanh nhà cậu đầy những chuồng súc vật gồm có khỉ và gấu để cậu giải trí. Mang súng kè kè trong người cho nên cậu được cho là có thể bắn đúng mục tiêu cách cả trăm thước. Được trang bị tận răng như thế, cậu luôn luôn nghĩ rằng mình là một người đặc biệt. Tiệc sinh nhựt thứ 8 của cậu được tổ chức mà không có bất cứ một thiếu niên nào được mời tham dự. Trong bữa tiệc chỉ có các viên chức cấp cao trong chế độ mang hoa đến chúc mừng, cậu được cho mặc một bộ đồ "lớn" màu đen như một ông lớn thứ thiệt.

Được cưng chiều và chỉ phát triển những  tồi tệ nhứt trong nhân cách, cậu thiếu niên họ Kim lại càng bộc lộ những nét đốn mạt ấy trong suốt thời gian theo học tại một trường trung học quốc tế ở Thụy Sĩ.  Có lẽ do thành tích học hành kém cỏi chăng, cậu Kim chỉ biết lấn lướt bạn bè bằng tính nóng giận và cộc cằn của cậu, đặc biệt trên sân bóng rổ (2).

Người Pháp đã có lý để nói "Ai ăn cắp một cái trứng sẽ ăn cắp một con bò" (qui vole un oeuf volera un bœuf). Dĩ nhiên không phải mọi tuổi thơ bất hạnh đều dẫn đến tội ác. Nhưng cứ sự thường, nhỏ bị bỏ bê và không được dạy dỗ cho nên người thì lớn lên dễ trở thành người hư hỏng. Có lẽ Kim Jong-un là một trường hợp cụ thể nhứt cho thấy gương của bậc phụ huynh và người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và trưởng thành nhân cách của con cái. Trong triều đại của họ Kim tại Bắc Hàn, mầm mống của sự đồi bại và độc ác đã từ ông nội truyền xuống cho cha và từ cha sang con. Ánh sáng văn minh, nhân đạo và tình người của Thụy Sĩ, dù có mạnh đến đâu, cũng không đẩy lùi được bóng tối của tội ác đã lấp đầy tâm hồn thơ dại của cậu Kim Jong-un.

Hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong-un mang khẩu súng ngắn Colt 45 kè kè bên hông không thể không làm cho tôi liên tưởng đến những tấm thiệp Giáng Sinh vốn chỉ có ở Mỹ trong những ngày vừa qua. Hồi tháng trước, một thiếu niên 15 tuổi tại Thành phố Oxford, Tiểu bang Michigan đã dùng khẩu súng được người cha tặng nhân dịp Giáng Sinh để bắn hạ bốn em học sinh cùng trường và làm bị thương nhiều người khác. Vậy mà trong bối cảnh của cuộc thảm sát dã man ấy, dân biểu liên bang Thomas Massie, đại diện cho một đơn vị thuộc Tiểu bang Kentucky đã đưa lên mạng xã hội một tấm thiệp Giáng Sinh trong đó ông và vợ ông cùng với 5 người con, người nào cũng cầm súng giơ lên, miệng cười toe toét. Phía sau họ là cây thông giả, biểu tượng của sứ điệp Giáng Sinh. Kèm với tấm thiệp, ông Massie viết : "Ông Già Noel ơi, xin ông mang đến súng đạn" !

kim3

Tấm thiệp Giáng Sinh của gia đình dân biểu liên bang Thomas Massie

Tâm đầu ý hợp với ông Massie còn có một dân biểu nổi tiếng khác là bà Lauren Boebert, đại diện cho Tiểu bang Colorado. Trong tấm thiệp Giáng Sinh được bà Boebert gởi đi, người ta thấy bà đứng sau 4 cậu con trai thiếu niên, mỗi cậu cầm trong tay một khẩu súng (3).

kim2

Tấm thiệp Giáng Sinh của bà Boebert gởi đi

Tôi không nghĩ rằng những khẩu súng mà gia đình của hai vị dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa trên đây giương lên trong tấm thiệp Giáng Sinh là những "lòng súng nhân đạo cứu người lầm than" như nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã hát lên trong ca khúc "Anh đi chiến dịch". Trong bối cảnh sôi sục của cuộc tranh luận về súng đạn hiện nay tại Mỹ, nhứt là với những vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa, súng đạn trong tay người dân chỉ có thể là biểu tượng của đố kỵ và nhứt là hận thù mà thôi.  Và những nụ cười toe toét trong những tấm thiệp Giáng Sinh của hai dân biểu Massie và Boebert chắn chắn cũng không phải là những nụ cười nói lên niềm vui đích thực của Giáng Sinh.

Giáng Sinh thiết yếu là lễ của Bình An. Và Bình An không phải tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một cuộc chiến đấu cam go. Chiến đấu cam go không phải bằng súng đạn, mà chính là vứt bỏ súng đạn. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài viết có tựa đề "Thông điệp mùa Giáng Sinh : bỏ Mác Lê xuống là thành Phật" của nhà văn, thi sĩ Trần Mạnh Hảo trong nước (cf. Đàn Chim Việt info 10/12/2011). "Mác Lê" là tên  quen thuộc mà người Việt Nam thường dùng để gọi hai ông tổ của chủ nghĩa cộng sản là Các Mác và Lê Nin. "Mác" cũng là giáo mác và "lê" là lưỡi lê. Đây là hai thứ khí cụ biểu tượng của hận thù, chiến tranh và chết chóc. Đức Phật dạy chỉ cần bỏ gươm giáo xuống là thành Phật. Nhại lời Đức Phật, tác giả Trần Mạnh Hảo nhắn nhủ người cộng sản Việt Nam hãy buông bỏ "Mác Lê" của hận thù xuống mới hy vọng có được Bình An.

Ngày nay ai cũng nói đến sự xuống cấp thê thảm về đạo đức trong xã hội Việt Nam. Biểu hiện của sự xuống cấp đó là bạo động tràn lan trong xã hội. Ở bậc tiểu học, học sinh tập làm các phép tính cộng trừ nhân chia trên số xác chết và vũ khí tịch thu được của "Mỹ Ngụy", "kẻ thù" mà  trong một cuộc thi hoa hậu được tổ chức ngay trên lãnh thổ Mỹ người ta cũng dùng âm nhạc để rủa sả. Đừng hỏi tại sao bạo động vẫn là biểu hiện của sự xuống cấp hiện nay trong xã hội. Bao lâu "chông" và súng đạn của hận thù vẫn chưa bị bỏ xuống và nhân quyền chỉ được hiểu đơn thuần là miếng ăn như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tự hào dẫn giải trong chuyến công cán tại Âu Châu hồi cuối tháng Mười vừa qua (4), thì dĩ nhiên còn lâu Việt Nam mới thực sự có hòa bình.

Tôi không phải là một tín đồ Phật Giáo. Tôi không đi chùa. Tôi không ăn chay trường. Tôi không cúng giường và dĩ nhiên tôi còn nặng tham sân si. Nhưng nói như nhà văn Dương Thu Hương, tôi là "một phật tử theo cách thế riêng của tôi". Chính vì thế mà trong cuộc sống mỗi ngày tôi luôn cảm nhận được lời dạy của Đức Phật : "Bỏ gươm xuống là thành Phật". Là một tín hữu Kitô, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh năm nay, tôi lại nghe lời dạy của Đức Phật được vọng lại trong lời ca của các thiên sứ : "Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Nhìn lại hình ảnh của cậu thiếu niên 11 tuổi Kim Jong-un mang kè kè bên hông khẩu Colt-45 và xem những cánh thiệp Giáng Sinh với súng đạn và nụ cười toe toét vô cảm của một số dân biểu Mỹ, tôi nghe như Đức Phật lại dạy : "Bỏ súng xuống là thành phật".

Chu Văn

(19/12/2021)

Chú thích :

1. How Kim Jong-un became the World’s most bloodthirsty dictator, Daily Beast, 17/12/2021.

2. Kim Jong-un was dubbed "the little dictator" as childhood of excess groomed him for tyrannical rule, The Sun,  26/04/2020.

3. "Santa, bring ammo" : US congressman tweets Christmas pic of family holding guns, The Indianexpress, 7/12/2021.

4. Phạm Đình Trọng, Nhân quyền không phải là miếng ăn, Thông Luận, 11/12/2021.

Additional Info

  • Author Chu Văn
Published in Văn hóa

Bắc Triều Tiên đả kích Mỹ phản ứng "thái quá" sau vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa

Trọng Nghĩa, RFI, 21/10/2021

Chính quyền Bắc Triều Tiên vào hôm 21/10/2021 cho rằng Hoa Kỳ đã phản ứng thái quá với vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, đồng thời đặt nghi vấn về sự thành thật của Mỹ khi đề nghị đàm phán và tố cáo chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh - tiêu chuẩn kép" của Washington trong lĩnh vực phát triển vũ khí. 

tenlua1

Hình ảnh tên lửa Bắc Triều Tiên thử nghiệm được phóng lên từ tàu ngầm hôm 19/10/2021 do thông tấn xã KCNA công bố. AP

Theo hãng tin Anh Reuters, hãng thông tấn Nhà Nước Bắc Triều Tiên KCNA đã trích dẫn một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao cho rằng vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây chỉ là hoạt động bình thường của nước này nhằm thực hiện kế hoạch phòng thủ trung hạn và dài hạn và không nhằm vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Thế mà, theo phát ngôn viên này, Washington lại phản ứng bằng "những động thái rất khiêu khích" khi triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. 

Tại cuộc họp mở ra hôm qua, 20/10 theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, đã kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc, đồng thời chấp nhận các đề nghị đàm phán.

Đại diện Mỹ nhắc lại rằng Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng, và sẵn sàng đối thoại mà "không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào". 

Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên nói trên, thì chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh" mà Mỹ áp dụng cho vấn đề phát triển tên lửa khiến cho đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ không đáng tin.

Nhân vật này giải thích : "Chỉ trích Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vì đã phát triển và bắn thử một hệ thống vũ khí tương tự như hệ thống mà Mỹ sở hữu hoặc đang phát triển là một biểu hiện rõ ràng của tiêu chuẩn kép". 

Theo hãng tin Mỹ AP, nhân cuộc họp vào hôm qua của Hội Đồng Bảo An về tên lửa Bắc Triều Tiên, các đại diên của Hoa Kỳ và ba nước Liên Hiệp Châu Âu trong Hội Đồng Bảo An là Ireland, Estonia và Pháp đã lên án các cuộc thử nghiêm tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.

Theo các nước này, những tiến bộ kỹ thuật của Bình Nhưỡng cho thấy là cần phải tăng cường thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động kinh tế của Bắc Triều Tiên. 

Trọng Nghĩa

**********************

Không gian : Hàn Quốc phóng tên lửa vũ trụ tự chế tạo đầu tiên

Thanh Phương, RFI, 21/10/2021

Hôm 21/10/2021, Hàn Quốc đã phóng một tên lửa vũ trụ đầu tiên hoàn toàn được sản xuất trong nước, thể hiện quyết tâm của nước này tham gia vào công cuộc chinh phục vũ trụ.

tenlua2

Tên lửa KSLV-II NURI được phóng từ căn cứ không gian Naro tại Goheung, Hàn Quốc, ngày 21/10/2021 via Reuters - Yonhap News Agency

Tên lửa mang tên "Korean Satellite Launch Vehicle II", được mệnh danh "Nuri", có 3 tầng, được phóng từ bãi phóng Goheung, dự trù đưa lên quỹ đạo Trái đất một khối mô phỏng một vệ tinh nhân tạo nặng khoảng 1 tấn rưỡi, ở độ cao từ 600 đến 800 km. Vệ tinh mô phỏng đã tách khỏi tên lửa thành công, nhưng đã không thể được đặt lên quỹ đạo.

Ngành không gian Hàn Quốc đã mất khoảng 10 năm để chế tạo tên lửa này, với kinh phí 2.000 tỷ won (1,46 tỷ euro). Cho tới nay, chỉ mới có 6 quốc gia phóng thành công lên quỹ đạo một khối lượng hơn một tấn trên các tên lửa của họ.

Tuy là nền kinh tế đứng hàng thứ 12 thế giới và là một trong những quốc gia tiến xa nhất về mặt công nghệ, đồng thời là nhà xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, Hàn Quốc hiện vẫn còn lạc hậu so với nhiều nước khác về mặt chinh phục không gian.

Tại Châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều đã phát triển các chương trình không gian rất tân tiến. Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có khả năng phóng vệ tinh. Năm 2012, Bình Nhưỡng thông báo đã đưa lên quỹ đạo một vệ tinh nặng 300 kg, nhưng lúc đó các nước phương Tây tố cáo đây là một vụ thử tên lửa trá hình.

Trong khi đó, chương trình không gian của Hàn Quốc còn rất hạn chế : hai lần phóng đầu tiên vào năm 2009 và 2010, sử dụng công nghệ của Nga, đều thất bại. Mãi đến năm 2013, nước này mới phóng thành công một tên lửa, những vẫn là với các động cơ do Nga phát triển.

Theo hãng tin AFP, việc phóng tên lửa hôm nay chỉ là một bước trong chương trình không gian đầy tham vọng của Hàn Quốc, với mục tiêu mà tổng thống Moon Jae In đã đề ra vào tháng 3 : phóng một phi thuyền bay theo quỹ đạo Mặt trăng vào năm tới. Mục tiêu xa hơn của tổng thống Hàn Quốc đó là đáp một phi thuyền thăm dò lên Mặt trăng vào năm 2030.

Thanh Phương

*********************

Bắc Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo công nghệ cao

Anh Vũ, RFI, 20/10/2021

Hôm 20/10/2021, Bắc Triều Tiên chính thức xác nhận hôm trước đã thử tên lửa đạn đạo được chế tạo với "nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường", được bắn đi từ tàu ngầm. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập họp khẩn cấp trong ngày.

tenlua3

Khoảnh khắc quả tên lửa của Triều Tiên được khai hỏa từ tàu ngầm hôm 19/10/2021 via Reuters - KCNA

Theo AFP, truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên xác nhận vụ thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới được phóng đi từ tàu ngầm.

Quân đội Hàn Quốc hôm qua đã loan báo chi tiết Bắc Triều Tiên phóng ra biển một tên lửa đạn đạo chiến lược từ Sinpo, một địa phương ở phía đông Bắc Triều Tiên. Tên lửa đã bay được khoảng 590 km với độ cao tối đa khoảng 60 km.

Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, vũ khí mới thử nghiệm được trang bị "nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường" và tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm "8.24 Yongung", từng được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo cách đây 5 năm.

Năm 2016 và 2019, Bắc Triều Tiên từng thông báo đã tiến hành hai vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, nhưng khi đó bộ Quốc Phòng Mỹ và các chuyên gia cho rằng đó chỉ là từ những bệ phóng đặt chìm dưới biển. 

Nếu như thực sự tên lửa mới của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ một tàu ngầm đang hoạt động thì đây là một tiến bộ công nghệ lớn trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Như vậy, quân đội Bắc Triều Tiên đã có khả năng triển khai tên lửa một cách cơ động bên ngoài các căn cứ trong đất liền để tránh được những đòn tấn công phủ đầu.

Bắc Triều Tiên liên tiếp bắn thử các loại tên lửa trong lúc mà các đối thoại giữa Washington - Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí và hạt nhân của Bắc Triều Tiên bế tắc hoàn toàn.

Đầu tháng này, Bình Nhưỡng đã thông báo phóng thành công tên lửa siêu thanh tầm xa từ một đoàn tàu lửa.

Bắc Triều Tiên khẳng định cần có một kho vữ khí hiện đại để tự vệ trước khả năng bị Mỹ xâm lược.

Trước những căng thẳng nổi lên trở lại trên bán đảo Triều Tiên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khẩn vào chiều hôm nay (giờ New York) về Bắc Triều Tiên, theo đề nghị của Anh và Mỹ.

Bắc Triều Tiên vẫn đang bị hàng loạt các trừng phạt quốc tế vì vi phạm các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Hôm qua, Nhà Trắng đã ra thông cáo nhấn mạnh vụ bắn tên của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa, cần khẩn cấp đối thoại với Bình Nhưỡng. Washington cũng khẳng định lại cam kết "không lay chuyển" sẽ hỗ trợ vào bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cũng trong ngày hôm qua, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hàn Quốc đã họp khẩn và kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại.

Anh Vũ

***********************

Bắc Triều Tiên lại bắn thử tên lửa đạn đạo, dường như từ tàu ngầm

Thanh Phương, RFI, 19/10/2021

Hôm 19/10/2021, quân đội Hàn Quốc thông báo Bắc Triều Tiên vừa bắn thử một tên lửa đạn đạo, dường như là từ một tàu ngầm.Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được bắn đi từ khu vực thành phố cảng Sinpo về hướng vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.

tenlua4

Một hành khách xem vô tuyến đưa tin vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày 19/10/2021 tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc.  AFP - Anthony Wallace

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca gởi về bài tường trình :

"Việc hoàn thiện hệ thống vũ khí của chúng ta không phải là một trở ngại cho đối thoại. Đó là nội dung thông điệp mà Bắc Triều Tiên muốn nhắn gởi qua vụ bắn thử tên lửa đạn đạo mới này. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được phóng lên sáng nay từ khu vực thành phố cảng Sinpo dường như là một tên lửa chiến lược hải đối địa tầm ngắn, được bắn từ một tàu ngầm. Đây là một bước tiến mới, bởi vì cho tới nay Bình Nhưỡng chỉ mới phóng được tên lửa loại này từ một bệ phóng trên biển.

Đợt bắn thử tên lửa thứ năm tính từ tháng 9 diễn ra đúng vào ngày Seoul khai mạc triển lãm vũ khí và hàng không, không gian lớn nhất của Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên có lẽ bất bình về cuộc triển lãm này, nên các cơ quan truyền thông nhà nước sáng nay đã một lần nữa kêu gọi miền Nam chấm dứt "chính sách thù địch".

Cùng lúc đó, các lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản họp tại Seoul để bàn về khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng. Gần đây, Washington cho biết đã đưa ra những đề nghị cụ thể với chính quyền Bắc Triều Tiên để nối lại đối thoại. Qua vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, Bình Nhưỡng tiếp tục bình thường hóa các vụ thử nghiệm này, nhưng vẫn thúc đẩy Washington đưa ra các đề nghị tốt hơn, trước khi chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán".

Theo hãng tin AFP, sau cuộc bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm văn phòng phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo triệu tập một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, nhưng không nói rõ là bàn về vấn đề gì.

Về phần mình, tân thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho rằng vụ bắn thử tên lửa này là "rất đáng tiếc". Đợt thử mới diễn ra một ngày sau khi đại diện đặc biệt của tổng thống Joe Biden về Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim, lại ra lời kêu gọi đối thoại với Bình Nhưỡng, khẳng định một lần nữa là Washington không hề có ý định thù địch nào đối với Bắc Triều Tiên và sẵn sàng gặp các lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng mà không đặt điều kiện tiên quyết nào.

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thanh Phương, Anh Vũ
Published in Châu Á

Triều Tiên có thực sự sở hữu vũ khí siêu thanh ?

Truyền thông Triều Tiên trong tuần này đưa tin về một vụ thử nghiệm cái mà họ gọi là tên lửa siêu thanh.

Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời về công nghệ siêu thanh, cũng như khả năng thực sự của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại.

joekim1

Hình ảnh tên lửa được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên công bố trong tuần (Ảnh : KCNA)

Tên lửa siêu thanh là gì ?

Các tên lửa siêu thanh được định nghĩa là có khả năng đạt vận tốc lớn hơn ít nhất là 5 lần so với vận tốc của âm thanh – Mach 5, tức hơn 6.100 km/giờ. Ngoài vận tốc cao, chúng cũng có thể chuyển hướng trong lúc bay, điều này giúp chúng khó bị theo dõi hoặc đánh chặn hơn so với các tên lửa truyền thống.

Bằng cách cắt giảm được thời gian bay, chúng cũng giảm được khả năng phản kích của địch thủ. Tùy vào thiết kế mà chúng có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn truyền thống, và có khả năng làm thay đổi cán cân chiến lược giữa các nước.

Ai sở hữu chúng ?

Phần lớn đều cho rằng Nga đang đi tiên phong trong công nghệ siêu thanh, khi phát triển hàng loạt các vũ khí siêu thanh mới mà Tổng thống Vladimir Putin từng mô tả là "vô địch".

Tháng 7 năm nay, Nga thử nghiệm thành công Zircon, tên lửa siêu thanh phóng từ tàu có tốc độ cao gấp 7 lần vận tốc âm thanh. Trước đó, Nga cũng đã công bố phương tiện siêu thanh Avangard và tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm). Theo giới chức Nga, Avangard đã đạt được vận tốc lên tới 33.000 km/giờ trong các cuộc thử nghiệm.

Nhiều nước khác cũng đang muốn bắt kịp Nga : Mỹ đang chi hàng tỉ USD cho một số chương trình nghiên cứu, và trong tuần này tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không có vận tốc "lớn hơn Mach 5", được chế tạo bởi hãng Raytheon.

Trung Quốc cũng đã thử nghiệm nhiều phương tiện siêu thanh, theo Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ. Cơ quan này thêm rằng các hệ thống siêu thanh của Nga và Trung Quốc được thiết kế để lắp đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên chính xác là đang sở hữu thứ gì ?

Những chi tiết về tên lửa của Hwasong-8 của Triều Tiên vẫn được giữ kín.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên nói rằng cuộc thử nghiệm mới đây "đã xác nhận được khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa", "khả năng dẫn đường và các đặc tính bay của đầu đạn siêu thanh được tách ra", và động cơ. Vận tốc của tên lửa không được làm rõ, tuy nhiên KCNA nói rằng tên lửa sử dụng nhiên liệu dạng ống (ampoule), không cần phải tiếp nhiên liệu tại bãi phóng.

Các loại tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng thông thường không thể được vận chuyển cùng với chất nổ đẩy của nó, bởi rất dễ phát nổ. Bởi vậy mà các loại tên lửa này thường được tiếp nhiên liệu ngay trước khi được phóng, đây là một quy trình tiêu tốn thời gian, không khác gì tạo cơ hội cho địch thủ định vị và tiêu diệt.

Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có được xác nhận độc lập ?

Hàn Quốc đến nay vẫn chưa chính thức xác nhận về chủng loại tên lửa mà Triều tiên đã phóng thử nghiệm.

Washington và Seoul là đồng minh, và họ không ngừng tăng cường áp dụng công nghệ do thám để theo dõi mọi động thái của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc thường xuyên phát hiện và cung cấp thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, chỉ trong vòng vài phút sau khi chúng xảy ra.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại không thể theo dõi độ cao tối đa, tầm bắn của tên lửa Triều Tiên trong các cuộc thử nghiệm đó.

Nhiều hãng truyền thông dẫn lại các nguồn giấu tên nói rằng, tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm vừa qua đạt độ cao 60 km và bay được dưới 200 km, tuy nhiên vẫn không biết về chi tiết quan trọng nhất là vận tốc.

Trong một tuyên bố, quân đội Hàn Quốc đưa ra đánh giá rằng, tên lửa Triều Tiên "mới đang trong giai đoạn đầu phát triển và sẽ mất khá nhiều thời gian mới có thể triển khai", thêm rằng Hàn Quốc và Mỹ "đủ khả năng để phát hiện và đánh chặn nó".

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong khi đó, dù không dẫn nguồn tin nào nhưng nói rằng tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm đạt vận tốc Mach 3.

Sự khác biệt ở đây là gì ?

Một số chuyên gia cho rằng vũ khí siêu thanh có thể chỉ mang lại chút ít lợi thế, không nhiều như chúng ta nghĩ. Một bài phân tích đăng tải trên tạp chí Scientific American hồi tháng trước nói rằng vũ khí siêu thanh "không thể nào tạo nên một cuộc cách mạng được".

Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng từ cuộc thử nghiệm trong tuần này thực sự đi đến bước cuối cùng trong phát triển công nghệ siêu thanh, "vậy thì họ có thể gây ra mối đe dọa quân sự đáng kể" ; Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nhận định.

"Sẽ là hợp lý khi cho rằng Triều Tiên đang phát triển loại tên lửa này, để đối phó với Mỹ" – ông nói, thêm rằng tên lửa siêu thanh có thể giúp Triều Tiên có thêm "quân bài ngã giá" trong các cuộc đàm phán tương lai với Washington.

Vị chuyên gia thêm rằng, tên lửa được phóng thử nghiệm hôm thứ Ba trong tuần là tầm ngắn, nhưng Bình Nhưỡng sẽ tìm cách phát triển nó lên tầm trung hoặc tầm xa.

"Nếu được phát triển lên tầm xa, không quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, có thể đánh chặn được thứ tên lửa có tốc độ cao như vậy" – ông Cheong nói.

Huyền Chi

********************

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ

Thanh Phương, RFI, 30/09/2021

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ, cáo buộc tổng thống Joe Biden tiếp tục có những "hành vi thù địch" giống như những người tiền nhiệm. Washington đã bác bỏ ngay các cáo buộc này.

joekim2

Người dân Hàn Quốc theo dõi bài phát biểu trước Quốc Hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un qua truyền hình ở một nhà ga tàu Seoul, ngày 30/09/2021. AP - Ahn Young-J oon

Theo hãng tin AFP, hôm qua, 29/09/2021, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ không hề có "một ý định thù địch nào" đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên này nhắc lại : "Hoa Kỳ sẵn sàng gặp các lãnh đạo Bắc Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đáp ứng tích cực đề nghị của chúng tôi". Đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng đã được chính quyền Biden đưa ra trước đó nhiều lần.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có phản ứng như trên sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ chỉ "nhằm che đậy những hành động thù địch của họ và che đậy việc tiếp tục chính sách thù địch của các chính quyền tiền nhiệm".

Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong-un đã tuyên bố như trên trong một bài phát biểu dài trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Cũng trong bài phát biểu này, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cho rằng lời kêu gọi gần đây của tổng thống Hàn Quốc về việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là "quá sớm".

Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, trích dẫn KCNA, ông Kim Jong-un đã tuyên bố sẵn sàng tái lập đường dây "điện thoại đỏ" giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc vào tháng tới. Đường dây điện thoại này đã bị Bình Nhưỡng cắt vào tháng 8, chỉ vài ngày sau khi được nối lại lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, trong bối cảnh căng thẳng liên Triều. Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc đã hoan nghênh đề nghị nói trên của ông Kim Jong-un, nhưng không bình luận về những tuyên bố khác của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích quốc tế qua các vụ bắn thử các tên lửa. Hôm qua, Bình Nhưỡng thông báo là hôm thứ Ba vừa qua đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh. Hãng tin chính thức KCNA mô tả vụ bắn thử tên lửa này là "một bước tiến quan trọng về công nghệ" và có "một tầm quan trọng chiến lược lớn".

Sau vụ thử nghiệm nói trên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay sẽ họp khẩn về Bắc Triều Tiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc. Các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn cho biết đây sẽ là một cuộc họp kín, nhưng không nói rõ là Hội Đồng Bảo An có ra một tuyên bố chung hay không.

Thanh Phương

*********************

Bắc Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa siêu thanh

Anh Vũ, RFI, 29/09/2021

AFP dẫn nguồn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA hôm 29/09/2021, thông báo Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ lớn về công nghệ trong vụ bắn thử thành công tên lửa siêu thanh.

joekim3

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa. Ảnh ngày 28/09/2021.  Jung Yeon-je AFP

Hãng tin KCNA khẳng định thành công của vụ thử tên lửa hôm 28/09/2021 có "tầm quan trọng lớn về chiến lược" vào lúc Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng gấp bội khả năng quốc phòng của mình.

Tên lửa siêu thanh bay nhanh hơn rất nhiều lần so với các loại tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình thông thường mà Bắc Triều Tiên đã có. Hơn nữa theo các chuyên gia về vũ khí, tên lửa siêu thanh rất khó bị phát hiện và đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ.

Trong thông báo, KCNA cho biết vụ thử được tiến hành tại tỉnh Jagang, ở miền bắc Bắc Triều Tiên và "kết quả của các thử nghiệm đã cho thấy mọi tính năng kỹ thuật của tên lửa đều đáp ứng yêu cầu như thiết kế".

Vụ thử tên lửa siêu thanh có tên gọi Hwasong-8 lần này được một quan chức cấp cao của chế độ giám sát thực hiện, theo thông báo của Bình Nhưỡng. Nhật báo Rodong Sinmun của đảng Lao Động Triều Tiên còn đăng ảnh tên lửa đang được bắn lên lúc buổi sáng.

Theo AFP, quân đội Hàn Quốc đã thông báo có vụ bắn thử của miền Bắc ngay sau khi phát hiện. Nhưng có điều, không như thường lệ, Seoul không cho biết chi tiết độ cao và quãng đường bay của tên lửa.

Hôm nay (29/09), các chỉ huy liên quân tại Seoul khẳng định quân đội Mỹ và Hàn Quốc có đủ khả năng phát hiện và đánh chặn loại tên lửa siêu thanh.

Trong một thông cáo chung liên quân Mỹ-Hàn nhận định, "trên cơ sở đánh giá những tính năng như tốc độ bay thì đây là tên lửa vẫn trong giai đoạn sơ khởi, còn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai".

Trong tháng này, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ bắn thử, từ tên lửa hành trình tầm xa đến loại đạn đạo tầm ngắn, bất chấp lệnh cấm của quốc tế.

Theo ông Lim Eul Chul, giáo sư Viện nghiên cứu Viễn Đông, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng dùng việc phát triển vũ khí như là "cách để tạo cho mình một không gian hành động trong ngoại giao đồng thời cũng để tăng cương vị thế quân sự của mình".

Trong khi đó Hàn Quốc cũng không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Viễn cảnh giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.

Anh Vũ

*********************

Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa và khẳng định quyền thử nghiệm vũ khí

Thanh Phương, RFI, 28/09/2021

Quân đội Hàn Quốc cho biết là hôm nay, 28/09/2021, Bắc Triều Tiên dường như đã bắn một tên lửa tầm ngắn trên vùng biển. Chưa tới một tiếng sau đó, đại diện của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc khẳng định "quyền chính đáng" của Bắc Triều Tiên thử nghiệm các vũ khí.

joekim4

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp tại một ga tàu ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/09/2021. AP - Ahn Young-joon

Theo Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Hàn Quốc, tên lửa này đã được bắn từ tỉnh Jagang đến vùng biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Một phát ngôn viên của bộ quốc phòng Hàn Quốc, xin được miễn nêu tên, khẳng định với hãng tin AFP đây có thể là một tên lửa đạn đạo.

Đây là vụ bắn tên lửa thứ ba của Bình Nhưỡng chỉ trong tháng này. Vụ thứ nhất là bắn thử một tên lửa hành trình tầm xa, vụ thứ hai là bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Ngay sau vụ bắn thử hôm nay, Hội đồng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc đã họp khẩn và ra một thông cáo lấy làm tiếc là vụ bắn thử này diễn ra "vào lúc ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang ở vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm". Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã thông cáo lên án vụ bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình :

"Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi phóng một tên lửa mà theo chính quyền Nhật dường như là tên lửa đạn đạo, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã phát biểu tại Đại Hội Đồng. Ông Kim Song nhấn mạnh quyền "chính đáng" của Bắc Triều Tiên tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách thử nghiệm các vũ khí. Nhưng ông cũng yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và rút các tên lửa của họ ra khỏi miền nam bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Washington đã lên án vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên, cho rằng hành động này là một mối đe dọa đối với các nước trong khu vực cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

Thời điểm của vụ thử nghiệm mới này khiến người ta không khỏi thắc mắc. Mới hôm Chủ nhật, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un đã nêu lên khả năng hai miền tuyên bố chấm dứt chiến tranh và hai lãnh đạo sẽ gặp lại nhau. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng yêu cầu Seoul có sự "tôn trọng lẫn nhau" và chấm dứt chính sách "thù địch" đối với Bình Nhưỡng.

Chiến lược có vẻ mâu thuẫn ở bề ngoài này có thể được xem là một cách để gia tăng áp lực lên tổng thống Hàn Quốc vào lúc ông chỉ còn tại chức trong vài tháng nữa. Sau các cuộc họp thượng đỉnh liên tục vào đầu nhiệm kỳ của ông, tổng thống Moon Jae In đang cố khởi động lại đối thoại đã bị gián đoạn từ năm 2019".

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Huyền Chi, Thanh Phương, Anh Vũ
Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên phải chuẩn bị cho đối thoại lẫn đối đầu với Mỹ

Thanh Phương, RFI, 18/06/2021

Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un cho rằng Bắc Triều Tiên phải chuẩn bị cho khả năng đối thoại với Mỹ, cũng như là khả năng đối đầu với cường quốc số một thế giới.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong phiên họp Hội Nghị Toàn Thể lần thứ ba của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 8, Bình Nhưỡng, ngày 17/06/2021.  AFP - STR

Theo AFP hôm nay, 18/06/2021, trích dẫn hãng tin chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã tuyên bố như trên trong bài phát biểu tại hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên.

Đây là phản ứng đầu tiên của lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng về chính sách Bắc Triều Tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nguyên thủ Mỹ không loại trừ khả năng gặp ông Kim Jong-un, nhưng nhấn mạnh là chỉ gặp khi nào lãnh đạo Bắc Triều Tiên có những cam kết rõ ràng về hồ sơ hạt nhân. Đàm phán về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn bế tắc kể từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim Jong-un với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào năm 2019.

Sau khi hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng hôm 21/05/2021, tổng thống Mỹ đã nói rõ là ông "không có chút ảo tưởng" về việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Theo ông, đây là một mục tiêu "vô cùng khó khăn".

Từ năm 2006 đến nay, Bắc Triều Tiên đã bắn thử tên lửa 6 lần, nên đã hứng chịu nhiều trừng phạt do quốc tế ban hành. Cùng với việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc do tình hình đại dịch Covid-19, nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang kiệt quệ.

Gần đây, chính ông Kim Jong-un đã thừa nhận là tình hình khan hiếm lương thực ở Bắc Triều Tiên đang rất nghiêm trọng, hậu quả từ các trận lũ lụt tàn phá mùa màng. Nhưng thay vì nhân nhượng trên hồ sơ hạt nhân đổi lấy việc quốc tế dỡ bỏ bớt trừng phạt, lãnh đạo Bình Nhưỡng, qua tuyên bố hôm nay, dường như chuẩn bị nhiều hơn cho khả năng đối đầu với Hoa Kỳ.

Theo một báo cáo của các chuyên gia tình báo Mỹ được công bố vào tháng 4/2021, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tiến hành trở lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa năm nay để buộc chính quyền Biden trở lại bàn đàm phán.

Nhưng theo nhà phân tích Cheong Seong-Chang, Viện Sejong ở Hàn Quốc, được tờ The Telegraph trích dẫn, Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại đối thoại, nhưng sẽ không chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức. Nhà phân tích này dự báo Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận đề nghị tạm ngưng chương trình hạt nhân và cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nếu chính quyền Biden giảm nhẹ trừng phạt của Mỹ và tạm ngưng tập trận chung với Hàn Quốc.

Sau thượng đỉnh đầu tiên với đồng nhiệm Hàn Quốc, tổng thống Biden đã bổ nhiệm ông Sung Kim làm đại diện đặc biệt của Mỹ về Bắc Triều Tiên, như là một dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. Hôm qua, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo là ông Sung Kim sẽ đến Seoul ngày 19/06 để hội đàm với các đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thanh Phương

********************

Bắc Triều Tiên : Tình trạng sức khỏe của Kim Jong-un lại gây nhiều đồn đoán

Thanh Phương, RFI, 18/06/2021

Khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trở lại trước ống kính truyền hình để dự cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên trong tuần này, các nhà quan sát đã nhận thấy ông có sự thay đổi rõ rệt về "ngoại hình", gầy đi rất nhiều so với cách đây hơn một tháng.

kim2

Nhân diện mập mạp của Kim Kim Jong-un vào năm 2020 tại lễ khánh thành nhà máy ở Sunchon (2020) và nhân diện sút cân của Kim Kim Jong-un tại hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân cầm quyền (2021) - Ảnh Belga

Không chỉ để ý đến khuôn mặt không còn bầu bĩnh như trước, người ta còn săm soi chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trị giá hàng chục ngàn đô la mà ông Kim Jong-un đeo trên tay, hay đúng hơn là nhìn vào dây đồng hồ, để khẳng định là cổ tay của lãnh đạo Bắc Triều Tiên bớt tròn trĩnh hơn so với trước đây. 

Bình thường thì một người đang béo phì mà gầy đi thì có thể đó là một dấu hiệu tốt, cho thấy người đó đã theo một chế độ ăn uống lành mạnh hơn và vận động thể lực nhiều hơn. Nhưng đối với một người nổi tiếng là thích ăn đồ béo, nhất là fromage nhập từ Pháp, khoái uống rượu cognac và hút thuốc liên tục như ông Kim Jong-un, thì mọi thay đổi về sắc diện cũng có thể là dấu hiệu đáng ngại đối với một người chỉ mới 37 tuổi. 

Theo đánh giá của tiến sĩ Bong Young-shik, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, Đại học Yonsei, được trang ABC News của Úc trích dẫn, tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Bắc Triều Tiên có tính chất quyết định cho tương lai của quốc gia khép kín nhất thế giới này. Mà tình hình cả thế giới cũng phụ thuộc vào chuyện ông Kim Jong-un béo hay gầy, bởi vì ông nắm trong tay một kho vũ khí hạt nhân và tên lửa rất đáng sợ.

Thế mà ông Kim Jong-un được biết là đang mắc rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh gout. Vào năm 2014, ông Kim Jong-un đã từng mất dấu trong suốt 40 ngày, đến khi xuất hiện trở lại, lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải chống gậy để đi. 

Đến năm 2018, khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc ở biên giới hai miền Triều Tiên, giới báo chí quốc tế có mặt tại chỗ nhận thấy là ông thở rất khó. Theo trang ABC News của Úc, nhân cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un với tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019, các chuyên gia y tế của Hàn Quốc đã có dịp đến gần hơn để quan sát diện mạo của lãnh đạo Bắc Triều Tiên và đã đi đến "phán quyết" : người cháu nội của Kim Nhật Thành sống đến 52 tuổi là cùng !

Vào năm 2020, lại rộ lên những lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo họ Kim, khi ông im hơi lặng tiếng trong suốt 3 tuần. Có tin là lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng bệnh rất nặng, nhưng cũng có tin là ông chỉ lui vào một nơi an toàn để "né" virus gây bệnh Covid-19. Đến khi Kim Jong-un xuất hiện trở lại, người ta thấy ở cổ tay ông có một vết đỏ, cho thấy dường như ông vừa được phẫu thuật tim mạch. 

Bây giờ, các chuyên gia về Bắc Triều Tiên đang tranh cãi với nhau về việc ông Kim Jong-un gầy đi là do ông đang cố giảm cân, cải thiện sức khỏe, để có thể nắm quyền lâu dài, hay do ông mắc một căn bệnh nào khác. 

Những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Bắc Triều Tiên nổi lên vào lúc nước này đang đối đầu với những khó khăn kinh tế nặng nề do các biện pháp trừng phạt của quốc tế, cũng như do việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, để ngăn chặn dịch Covid-19. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà trong năm nay, ông Kim Jong-un đã họp Bộ Chính trị đến 3 lần, trong khi bình thường cơ quan này chỉ họp mỗi năm một lần. 

Bây giờ nếu Kim Jong-un có mệnh hệ gì thì rõ ràng là sẽ không có chuyện cha truyền con nối, vì con của ông còn quá nhỏ để thay bố lên cầm quyền. Như vậy bây giờ chỉ có cô em Kim Yo-jong là người duy nhất có thể thay Kim Jong-un. Trong thời gian gần đây, Kim Yo-jong đã nổi lên như là một người kế nhiệm tiềm tàng, thẳng thừng đả kích tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thậm chí đích thân ra lệnh cho nổ sập Văn phòng Liên lạc liên Triều năm 2020.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Bong Young-shik, với tâm lý gia trưởng, dân Bắc Triều Tiên khó mà chấp nhận một phụ nữ lên lãnh đạo đất nước. Bây giờ các nhà quan sát tình hình Bắc Triều Tiên đang chờ xem trong thời gian tới, Kim Jong-un có sẽ bổ nhiệm Kim Yo-jong một chức vụ nào mới, để đánh giá khả năng cô em thay anh lên cầm quyền là chắc chắn đến mức độ nào.

Thanh Phương

*********************

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un thừa nhận lương thực khan hiếm nghiêm trọng

Thanh Phương, RFI, 17/06/2021

Hôm 16/06/2021, phát biểu trước Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un đã thừa nhận là tình hình lương thực tại nước này rất "căng". Do đại dịch Covid-19, Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đối tác kinh tế chính của Bắc Triều Tiên, trong khi mùa màng bị hư hại nặng nề do các trận lũ lụt.

kim3

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8, Bình Nhưỡng. Ảnh KCNA công bố ngày 16/06/2021 via Reuters - KCNA

Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca gởi về bài tường trình :

"Cho dù tình trạng kinh tế bấp bênh của Bắc Triều Tiên là điều không cần phải bàn cãi, những tuyên bố ông Kim Jong-un vang lên như một lời cảnh báo. Theo hãng thông tấn chính thức, nhà độc tài khẳng định rằng giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực là ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Những khó khăn của ngành nông nghiệp Bắc Triều Tiên được giải thích là do những vụ mùa bị thất thu, hậu quả của ba cơn bão mùa hè năm ngoái. Sự sụt giảm trầm trọng về trao đổi thương mại với nước láng giềng Trung Quốc và các lệnh trừng phạt quốc tế càng khiến tình hình lương thực thêm nghiêm trọng.

Theo Asia Press, một trang mạng Nhật Bản có các nguồn tin từ Bắc Triều Tiên, mức giá của một vài mặt hàng đang tăng vọt. Giá ngô đắt hơn khoảng 2 lần so với cuối tháng 5, trong khi đó giá gạo trắng dường như đã tăng 66%. Hiện giờ, chưa có những dấu hiệu cụ thể cho thấy nước này có nguy cơ xảy ra nạn đói, nhưng tình hình khó khả quan hơn nếu không có những trợ giúp từ bên ngoài.

Vào lúc mà những dấu hiệu về việc nối lại trao đổi thương mại với Trung Quốc đã xuất hiện từ tháng 4, Kim Jong-un đã thể hiện ý định của ông trong cuộc họp : tiếp tục chống lại đại dịch bằng chính sách cô lập hầu như toàn bộ đất nước".

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Châu Á

Triu Tiên nói chính quyn Biden ‘sai lm’ khi ch trích v th phi đn

VOA, 27/03/2021

Triu Tiên ngày th By nói chính quyn ca Tng thng M Joe Biden đã có bước đi sai lm đu tiên và bc l "thái đ thù đch thâm căn c đế" khi ch trích v th phi đn t v ca nước này.

kim1

Hình nh lãnh t Triu Tiên Kim Jong-un và Tng thng M Joe Biden trên tivi trong mt chương trình tin tc ti Nhà Ga Đường st Suseo Seoul, Hàn Quc, ngày 26 tháng 3, 2021.

Triu Tiên ngày th Sáu cho biết h đã phóng mt loi phi đn đn đo tm ngn chiến thut mi. Ông Biden nói v th vi phm các ngh quyết ca Hi đng Bo an Liên Hip Quc nhưng ông vn đ ng kh năng giao tiếp ngoi giao vi Bình Nhưỡng, theo Reuters.

Ri Pyong Chol, Bí thư Ban chp hành Trung ương Đng Lao đng cm quyn ca Triu Tiên, nói cuc th nghim mang tính t v trước các mi đe da do Hàn Quc và M đ ra vi các cuc tp trn chung và vũ khí tiên tiến ca h.

"Chúng tôi bày t s e ngi sâu sc v vic nhà lãnh đo hành pháp Hoa K quy li cho v bn th thường xuyên, vic thc hin quyn t v ca nhà nước chúng tôi, là vi phm các ngh quyết ca Liên Hip Quc và công khai bc l thái đ thù đch thâm căn c đế ca ông y," ông Ri nói trong mt phát biu được hãng thông tn chính thc KCNA đăng ti.

Phát biu ca ông Biden là mt "s xâm phm không che đy đi vi quyn t v ca nhà nước chúng tôi và là mt s khiêu khích," ông nói, đng thi nói thêm rng Washington có th đi mt vi iu gì đó không tt" nếu tiếp tc đưa ra "nhng phát biu thiếu suy xét".

"Chúng tôi không h phát trin vũ khí đ thu hút s chú ý ca ai đó hoc nh hưởng đến chính sách ca người đó," ông Ri nói.

"Tôi nghĩ rng chính quyn mi ca Hoa K rõ ràng đã có bước đi sai lm đu tiên".

Ông cáo buc chính quyn Biden "tn dng mi cơ hi" đ khiêu khích Bình Nhưỡng bng cách mô t nước này là "mi đe da an ninh".

V th din ra ch vài ngày sau khi Ngoi trưởng M Antony Blinken tuyên b s n lc gii tr ht nhân Triu Tiên và ch trích nhng vi phm nhân quyn "có h thng và tràn lan" ca nước này trong chuyến thăm Seoul vi B trưởng Quc phòng Lloyd Austin.

Nhà Trng t chi bình lun v phát biu ca Triu Tiên, Reuters cho biết. B Ngoi giao M không hi đáp ngay lp tc yêu cu bình lun.

Khi được hi trước đó v v phóng và liu nó có nh hưởng đến quá trình thm duyt chính sách hay không, người phát ngôn ca B, Jalina Porter li lên án cuc th nghim là "gây mt n đnh".

"Các chương trình ht nhân và phi đn đn đo bt hp pháp ca Triu Tiên là mi đe da nghiêm trng đi vi hòa bình và an ninh quc tế," bà nói trong mt cuc hp báo thường k.

"Tôi hết sc nhn mnh rng tng thng và đi ngũ an ninh ca ông y đang tiếp tc thm đnh tình hình và mt trong nhng ưu tiên ln nht ca chúng tôi lúc này là bo đm rng chúng tôi thng nht vi các đng minh và đi tác ca chúng tôi".

********************

Bắc Triều Tiên lên án Hoa Kỳ "khiêu khích" và "can thiệp"

Anh Vũ, RFI, 27/03/2021

Theo hãng tin Anh Reuters, Bắc Triều Tiên vào hôm 27/03/2021, tuyên bố Joe Biden có thái độ "thâm thù""khiêu khích" và "can thiệp" vào quyền tự vệ của Bắc Triều Tiên, sau khi tổng thống Mỹ lên án Bình Nhưỡng thử tên lửa. Hôm qua, sau khi Bắc Triều Tiên xác nhận đã bắn thử tên lửa đạn đạo chiến thuật mới, tổng thống Biden đã tuyên bố vụ thử này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

kim2

Theo hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA, một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mới đã được phóng lên vào ngày 25 tháng 3 năm 2021. Ảnh chụp do KCNA công bố ngày 26 tháng 3 năm 2021 tại Bình Nhưỡng,  via Reuters - KCNA

Trong thông cáo, được hãng tin chính thức KCNA phổ biến hôm nay, ông Ri Pyong-chol, bí thư trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, đánh giá tổng thống Hoa Kỳ đã thể hiện trong tuyên bố của mình thái độ "thâm thù" đối với Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh cáo việc lặp lại các phát ngôn như vậy sẽ kéo theo "những hậu quả" không có lợi cho Washington.

Trong thông cáo, ông Ri tuyên bố : "Những đánh giá của tổng thống Mỹ là sự can thiệp trắng trợn vào quyền tự vệ của chúng ta và đó là sự khiêu khích" với Bắc Triều Tiên. 

Hôm 25/03, từ bờ đông đất nước, chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành bắn thử 2 tên lửa đời mới về hướng biển Nhật Bản có tầm bay khoảng 600 km. Vụ thử được truyền thông Bắc Triều Tiên đánh giá là thành công.

Ngay lập tức thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã phản ứng, khẳng định đó là các tên lửa đạn đạo, thuộc loại bị Liên Hiệp Quốc cấm và vụ thử là một đe dọa với Nhật Bản. Đồng thanh với thủ tướng Suga, tổng thống Joe Biden tuyên bố vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đồng thời hứa sẽ có biện pháp đáp trả nếu Bình Nhưỡng tiếp tục chọn leo thang căng thẳng.

Đáp lại trong thông cáo hôm nay, quan chức cao cấp của chế độ Bình Nhưỡng khẳng định Bắc Triều Tiên vẫn có ý định "tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự áp đảo".

Vụ thử tên lửa hôm thứ Năm vừa qua không chỉ làm dấy lên lo ngại của Washington và các đồng minh trong khu vực, mà các đồng minh Châu Âu của Mỹ cũng coi sự việc là nghiêm trọng. Hôm qua, các thành viên Châu Âu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn về hành động mới của Bắc Triều Tiên.

Bất chấp bị hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an trừng phạt về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bắc Triều Tiên trong những năm qua đã tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự của mình. Bắc Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân, trang bị được các loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, quan hệ Bắc Triều Tiên - Mỹ bề ngoài đã được cải thiện với hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim, nhưng cũng không giúp hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên có được tiến bộ nào.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt, RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên phô diễn tên lửa phóng từ tầu ngầm đời mới

Thu Hằng, RFI, 15/01/2021

Bắc Triều Tiên kết thúc Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao Động Triều Tiên với lễ diễu binh tối 14/01/2021 tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Kim Jong-un, vừa được bầu làm tổng bí thư, đã đọc diễn văn và chứng kiến những thành tựu công nghệ đạn đạo mới của Bắc Triều Tiên.

bachan1

Đại hội 8 Đảng Lao Động Tiều Tiên kết thúc bằng một màn trình diễn vũ khí mới tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh ngày 14/01/2021.  via Reuters-KCNA

Theo trang Yonhap, Bình Nhưỡng đang cố thể hiện sức mạnh với tân chính quyền Mỹ. Dẫn đầu lễ diễu hành là đoàn xe bọc thép, tiếp theo là nhiều loại tên lửa chiến lược và đoàn xe tăng. Nhiều chiến đấu cơ đã tạo thành hình số 8 trên bầu trời.

Nổi bật nhất là một tên lửa đạn đạo tối tân, được cơ quan thông tấn KCNA khẳng định là "mạnh nhất thế giới" để cho thấy Bắc Triều Tiên là một "cường quốc hạt nhân". Sau khi phân tích hình ảnh của KCNA, giới chuyên gia cho rằng đó có thể là tên lửa Pukguksong-5 (Bắc Cực Tinh-5). Đây là loại tên lửa tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn và phóng từ tầu ngầm (MSBS). Trước đó, tên lửa Bắc Cực Tinh-4, có khả năng mang nhiều đầu đạn, đã được giới thiệu trong cuộc diễu binh tháng 10/2020.

Vẫn theo giới chuyên gia, Bắc Triều Tiên hiện sở hữu ba loại tên lửa đạn đạo : Tên lửa hải đối địa (MSBS) Bắc Cực Tinh-3, phiên bản cải tiến của Bắc Cực Tinh-1, có tầm bắn ít nhất là 2.000 km. Còn tên lửa Bắc Cực Tinh-2 không phải là MSBS mà được bắn từ mặt đất.

Ngoài ra, một tên lửa tầm ngắn mới cũng được giới thiệu trong cuộc diễu binh. Đây có thể là phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23, có tầm bắn từ 400-600 km và giống với tên lửa Iskander của Nga,

Phía Hàn Quốc đang nghiên cứu hình ảnh của lễ diễu binh để phân tích và đánh giá kho vũ khí của Bắc Triều Tiên.

Thu Hằng

**********************

Kim Jong-un hứa hẹn tăng cường sức mạnh nguyên tử

Thụy My, RFI, 13/01/2021

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm nay 13/01/2021 trong bài diễn văn bế mạc Đại hội Đảng Lao Động cầm quyền, đã hứa hẹn tăng cường kho vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên.

kimjungun1

Lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm viếng Lăng Kim Nhật Thành (Cung kỷ niệm Kumsusan), Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 13/01/2021  via Reuters – KCNA

Hãng tin nhà nước KCNA dẫn tuyên bố của ông Kim Jong-un : "Khi ung cường khả năng răn đe về nguyên tử, chúng ta cần làm mọi cách để xây dựng bộ máy quân sự ung mạnh nhất".

Trong Đại hội kéo dài 8 ngày, dài gấp đôi so với Đại hội Đảng năm 2016, Kim Jong-un kịch liệt đả kích Hoa Kỳ, vào lúc chỉ còn một tuần nữa là ông Joe Biden sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ. Kim Jong-un coi Mỹ là "kẻ thù chính", là "trở ngại căn bản cho sự phát triển của cách mạng" Bắc Triều Tiên, tuy nhiên không nhắc đến tên ông Biden.

Kim Jong-un loan báo Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch đóng một tàu ngầm nguyên tử, một sự kiện sẽ làm thay đổi ván cờ chiến lược. Ông nêu ra một danh sách dài về chương trình vũ trang gồm đầu đạn nguyên tử siêu thanh, vệ tinh dọ thám quân sự, hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

Từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, chương trình vũ trang của Bắc Triều Tiên tiến rất nhanh với việc thử bom hạt nhân loại mạnh nhất và sở hữu các loại hỏa tiễn có thể bắn sang lãnh thổ Mỹ, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt.

KCNA cho biết bên cạnh lời hứa về sức mạnh nguyên tử, ông Kim Jong-un còn nhìn nhận những sai lầm trong quản lý kinh tế đất nước : "hầu như tất cả các lãnh vực" đều không đạt được mục tiêu đề ra, trong bối cảnh bị cấm vận và đại dịch Covid.

Tuần trước Kim Jong-un đã được "nhất trí" bầu làm tổng bí thư đảng Lao Động trong khi lâu nay giữ vai trò chủ tịch, một động thái được cho là nhằm củng cố quyền lực.

Đại hội đảng cũng có thể là dịp để Bình Nhưỡng tổ chức diễn binh. Quân đội Hàn Quốc cho biết đã phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ vào tối Chủ nhật 10/01, nhưng không thể xác định là diễn binh hay chỉ diễn tập. Cô em gái Kim Yo Jong của nhà lãnh đạo đã chế giễu chính quyền Hàn Quốc là "xuẩn ngốc".

AFP ghi nhận dường như vị trí của người phụ nữ quyền lực này đã bị sụt giảm, không còn là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, tuy vẫn là ủy viên trung ương đảng.

Thụy My

********************

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un nắm chức tổng bí thư Đảng để củng cố quyền lực

Thanh Hà, RFI, 11/01/2021

Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên "nhất trí" bầu lãnh tụ tối cao Kim Jong-un vào chức vụ "tổng bí thư", thay thế cho chức vụ "chủ tịch Đảng" mà ông nắm giữ từ năm 2016. Theo giới quan sát việc thay đổi chức danh nói trên nhằm "củng cố quyền lực" của ông Kim Jong-un.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, hàng đầu) tại Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2021.  via Reuters - KCNA

Truyền thông chính thức tại Bình Nhưỡng ngày 11/01/2021 cho biết "trong tiếng hoan hô nhiệt liệt", ông Kim Jong-un đã được toàn thể các đại biểu tham dự Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên, ngày hôm qua, 10/01, bầu làm tổng bí thư Đảng. Đây là một chức vụ mà thân phụ và ông nội của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng nắm giữ. Nhưng trong Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên hồi 2016 ông Kim Jong-un đã được chỉ định vào chức vụ "chủ tịch" đảng và không một ai nhắc tới chức vụ tổng bí thư.

Đại Hội 8 của Đảng Lao Động Triều Tiên họp trong 6 ngày kể từ 05/01/2021 trong bối cảnh quốc gia đông bắc Á này vẫn bị quốc tế trừng phạt, và đang bị cô lập hơn bao giờ hết do tác động của đại dịch Covid-19.

Hãng tin Pháp AFP ghi nhận " những khó khăn kinh tế chồng chất" đang thách thức chế độ Bắc Triều Tiên. Trong diễn văn ngày 06/01/2021, Kim Jong-un cam kết tăng cường khả năng phòng thủ cho dù Bắc Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân. Riêng về mặt kinh tế khác với thông lệ, ông Kim đã nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên không "hoàn thành mục đích trong hầu hết các lĩnh vực". Về đối ngoại, vào lúc tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đóng băng, lãnh đạo lãnh đạo Bình Nhưỡng đã khẳng định Mỹ là "kẻ thù chính" của chế độ.

Về việc Đảng Lao Động Triều Tiên tái lập chức vụ "tổng bí thư", theo một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quốc Tế về Bắc Triều Tiên, trụ sở tại Seoul, được AFP trích dẫn thì đây là "cách gián tiếp Bình Nhưỡng nhìn nhận những thay đổi đưa ra trong Đại Hội lần trước hồi năm 2016 đã không thực sự đem lại kết quả mong muốn". Là người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Ahn Chan Il cho rằng "Kim Jong-un từng muốn đưa ra một hình ảnh khác với hình ảnh của thân phụ và ông nội khi từ bỏ chức tổng bí thư để trở thành chủ tịch Đảng". Nhưng giờ đây trong hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Bình Nhưỡng đang cần nhắc nhở công luận rằng ông là sự tiếp nối của hai thế hệ lãnh đạo đi trước. 

Một chi tiết được giới phân tích chú ý đó là trong thành phần Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Triều Tiên, không có tên của bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong-un.

Thanh Hà

*********************

Kim Jong-un đón chào chiến thắng của Joe Biden bằng màn khiêu khích mới

Anh Vũ, RFI, 09/01/2021

Từ khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Bắc Triều Tiên vẫn kiềm chế thận trọng không tỏ thái độ về chiến thắng của Joe Biden. Hôm nay, 09/01/2021, KCNA hãng thông tấn chính thức của chế độ loan tin, tại Đại Hội lần thứ 8 đảng Lao Động Triều Tiên đang diễn ra, Kim Jong-un đã đánh giá Hoa Kỳ là "kẻ thù lớn của Bình Nhưỡng". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng khẳng định quyết tâm phát triển kho vũ khí hạt nhân, trong đó có việc đang hoàn tất đóng một tàu ngầm hạt nhân.

kim2

Lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8. Ảnh chụp tại Bình Nhưỡng ngày 06/01/2021  via Reuters - KCNA

Động thái của Bình Nhưỡng được giới quan sát cho là khiêu khích gây chú ý với chính quyền mới ở Washington. Thông tín viên Nicolas Rocca, tại Seoul tường trình :

Kim Jong-un chờ đến ngày thứ 4 của Đại Hội Đảng, diễn ra với rất ít hình ảnh được phổ biến ra bên ngoài, để gửi một thông điệp đến Hoa Kỳ. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên dọa tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân của đất nước, đánh giá rằng chính sách của Washington, "kẻ thủ lớn nhất của đất nước", sẽ không thay đổi bất kể ai là chủ nhân Nhà Trắng.

Theo nhà nghiên cứu Go Myung Hyun thuộc Viện Asan tại Seoul, thì rõ ràng Joe Biden không phải là cơ hội tích tốt cho Bình Nhưỡng. Ông nhận định, các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng "biết là cơ hội sẽ không đến từ Biden, ông ta còn có ưu tiên khác. Tôi cho rắng Biden muốn lờ đi để chờ vấn đề Bắc Triều Tiên trôi qua, nhưng chuyện sẽ không như vậy. Bắc Triều Tiên biết Hoa Kỳ sẽ chỉ chú ý đến họ khi họ gây ra chuyện".

Như để khiêu khích thêm, Bắc Triều Tiên bắt đầu chính sách ăn miếng trả miếng với Washington và quyết tâm phát triển kho vũ khí hạt nhân, trong đó đặc biệt loan báo đang hoàn thành công đoạn cuối đóng một tàu ngầm hạt nhân. Đó là một thông điệp rõ ràng với tân tổng thống Mỹ, người sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ đầy những việc liên quan đến chính trị nội bộ cũng như quốc tế.

Anh Vũ

********************

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un tuyên bố sẽ nâng cao năng lực quân sự

Mai Vân, RFI, 07/01/2021

Tại một đại hội hiếm hoi của đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un hôm qua 06/01/201 tuyên bố sẵn sàng tăng cường khả năng quân sự của đất nước để bảo vệ người dân. Lời khẳng định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ vẫn bế tắc.

kim3

Quang cảnh Đại hội lần thứ VIII của đảng Lao Động cầm quyền Bắc Triều Tiên, tại Bình Nhưỡng. Ảnh do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 06/01/2021  via Reuters - KCNA

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngày 11/01/2021, trích dẫn KCNA, hãng thống tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, cho biết tại Đại Hội Đảng, ông Kim Jong-un đã "làm rõ quyết tâm quan trọng là bảo vệ an ninh của đất nước, nhân dân và môi trường hòa bình của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng cách năng năng lực quốc phòng lên một cấp độ cao hơn nhiều". Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không có những lời lẽ khiêu khích hoặc nói về vũ khí hạt nhân hoặc khả năng răn đe hạt nhân.

Kể từ ngày 05/01 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức kỳ họp Đại Hội đảng Lao Động, lần đầu tiên sau gần 5 năm, một sự kiện mà theo giới quan sát, sẽ là dịp để Bình Nhưỡng tiết lộ các định hướng về kinh tế và đối ngoại trong bối cảnh các đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình chỉ.

Bắc Triều Tiên chuẩn bị duyệt binh

Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, theo nhóm nghiên cứu 38 North của Mỹ, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh trong khuôn khổ Đại Hội đảng Lao Động đang diễn ra.

Nhóm này đã công bố những bức ảnh vệ tinh về vùng ngoại ô Bình Nhưỡng được chụp vào ngày 31/12. Các hình ảnh cho thấy hơn 400 phương tiện lớn và một số lượng đáng kể các đội hình quân sự đang huấn luyện. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho biết cuộc duyệt binh sắp tới có thể có quy mô nhỏ hơn so với cuộc diễu binh được tổ chức vào tháng 10 để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng cầm quyền.

Hàn Quốc kêu gọi quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực hòa bình 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha, hôm nay, 07/01, kêu gọi quốc tế kiên định ủng hộ những nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Đảo Triều Tiên.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, bà Kang đã đưa ra nhận xét trong cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến của Sáng Kiến ​​Stockholm v Gii Tr Vũ khí Hạt Nhân và Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân, một diễn đàn đa phương về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mai Vân

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Anh Vũ, Mai Vân
Published in Châu Á

Ngày 05/01/2020, Bắc Triều Tiên khai mạc Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8 tại Bình Nhưỡng. Đây là kỳ Đại hội thứ 2 do lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì từ khi lên nắm quyền năm 2011. Trong diễn văn khai mạc, ông Kim Jong-un chỉ đề cập tình hình trong nước và không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về việc Hoa Kỳ có chính quyền mới hoặc hồ sơ Hàn Quốc.

kim0

Ảnh KCNA phát hành : Kim Jong-un phát biểu khai mạc Đại hội 8 đảng Lao Đông Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 06/01/20212021.  via Reuters - KCNA

Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tại Seoul cho biết :

Kim Jong-un thừa nhận một số "sai lầm" trong việc triển khai chiến lược 5 năm lần trước liên quan đến phát triển kinh tế. Quyết định đóng cửa biên giới với nước láng giềng Trung Quốc và cũng là đối tác kinh tế chính, cùng với những trận lụt lội cũng là những lý do giải thích cho việc quản lý yếu kém kinh niên nền kinh tế.

Thậm chí lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn đánh giá 5 năm vừa qua là chưa từng có và là những năm tháng tồi tệ nhất của đất nước. Vì thế, cơ chế "tự cung tự cấp" dường như vẫn là một mục tiêu đối với Bình Nhưỡng và được nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định trong bài diễn văn. Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh đến những thành công mà đảng Lao Động đã đạt được và cần phải đoàn kết.

Tuy nhiên, Đại hội lần này trước hết là kỳ họp quan trọng nhất của Đảng vì các định hướng chính trị cho 5 năm tới sẽ được quyết định. Nhưng đây cũng là cơ hội lựa chọn những thành phần ưu tú cho chế độ. Về chủ đề này, mọi ánh mắt hướng về Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong-un, nằm trong số các đại biểu chính thức được bầu ở Đại hội.

Hàng nghìn đại biểu của Đảng tham gia kỳ họp không đeo khẩu trang. Bắc Triều Tiên tiếp tục khẳng định không có trường hợp Covid-19 nào lọt qua biên giới. Kỳ họp sẽ tiếp tục trong những ngày tới và có thể kết thúc bằng một cuộc diễu binh. Đây cũng có thể là thông điệp gửi đến tân chủ nhân Nhà Trắng.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thu Hằng
Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un chỉ trích lãnh đạo kinh tế, xử tử hai người

Tú Anh, RFI, 30/11/2020

Hàng hóa tồn động ở hải cảng, cán bộ bị hành quyết, đó là những phản ứng "hoang tưởng" của chế độ Bình Nhưỡng nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế và y tế trong bối cảnh Bắc Triều Tiên sắp bầu lại Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì hội nghị mở rộng của bộ Chính Trị Đảng Lao Động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng . Ảnh không ghi ngày do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 29/11/2020  via Reuters - KCNA

Theo hãng thông tấn KCNA, được truyền thông Hàn Quốc trích dẫn, một cuộc họp do chủ tịch Bắc Triều Tiên chủ trì đã mở ra vào ngày 29/11/2020 tại trụ sở đảng Lao Động Triều Tiên, chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 8.

Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên cho biết, "các vấn đề quan trọng nhằm cải thiện vai trò lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực kinh tế, thực hiện các bài toán kinh tế trước mắt, nhiều quyết định quan trọng đã được thông qua dưới sự nhất trí của toàn bộ cán bộ tham dự cuộc họp".

Cũng theo KCNA, các cơ quan phụ trách về kinh tế bị chỉ trích mạnh mẽ vì chỉ hoạt động "một cách hình thức, chủ quan, không phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế". 

Trong bối cảnh này, báo Hàn Quốc Hankyoreh cho biết thêm, ông Kim Jong-un đã ra lệnh hành quyết một cán bộ lãnh đạo hối đoái hồi cuối tháng 10 với lý do là quan chức này đã làm cho đồng tiền Bắc Triều Tiên bị mất giá trầm trọng. Trước đó, vào tháng 8, một cán bộ cao cấp bị tử hình vì đã "vi phạm" lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vì sợ lây nhiễm siêu vi corona.

Theo tin tình báo, tuy Bình Nhưỡng khẳng định không có ca Covid-19 nào, nhưng họ lại sợ đến mức "ngưng chuyên chở hàng hải và cấm sản xuất muối", vì cho rằng siêu vi corona có thể lây lan qua nước biển. Hệ quả là 110 ngàn tấn gạo do Trung Quốc viện trợ đang tồn kho ở cảng Đại Liên.

Yonhap cho biết Seoul đang thương lượng với Liên Hiệp Quốc để nhận khoản viện trợ lương thực mà Bình Nhưỡng từ chối.

Theo dân biểu Ha Tae Keung, Bắc Triều Tiên gặp khó khăn kinh tế do ba nguyên do : thiên tai lũ lụt, đe dọa Covid và trừng phạt quốc tế. Trong quan hệ quốc tế, quan hệ Kim-Trump hết còn ích lợi cho Bình Nhưỡng. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn chưa chúc mừng Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ.

Tú Anh

************************

Bắc Triều Tiên lệnh cho phái bộ ở nước ngoài không được làm phật ý Mỹ

Mai Vân, RFI, 27/11/2020

Trích dẫn một số dân biểu Hàn Quốc, hãng tin Hàn Quốc Yonhap ngày 27/11/2020 cho biết là Bắc Triều Tiên gần đây đã ra lệnh cho các cơ quan đại diện của họ ở nước ngoài là không được làm mất lòng Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington đang trong tiến trình chuyển giao quyền lực, sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống.

kim2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.  Reuters

Theo Yonhap, thông tin trên đã được các quan chức của cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) tiết lộ trong một cuộc họp kín của Ủy Ban Tình Báo Quốc Hội. Theo hai nghị sĩ Kim Byung Kee và Ha Tae Keung đã tham dự cuộc họp, Bắc Triều Tiên cảnh cáo các đại sứ của họ rằng sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu có vấn đề với Mỹ, và phải "thận trọng tối đa trong lời nói". Ghi nhận trên được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Bắc Triều Tiên gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian gần đây, thể hiện qua việc giá hàng hóa tăng và các hoạt động công nghiệp giảm sút.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng tiết lộ rằng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có "những hành động phi lý". Bình Nhưỡng thậm chí đã đình chỉ việc đánh bắt cá và sản xuất muối, vì lo ngại nước biển có thể bị nhiễm Covid-19. Về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên không thừa nhận có ca lây nhiễm Covid-19 nào.

Các quan chức cũng cho biết Bình Nhưỡng đã tỏ thái độ lo âu trước nguy cơ các "thỏa thuận thân thiện" giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã trở nên "vô ích", sau thất bại của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử.

Theo tình báo Hàn Quốc, đã có dư luận ở Bắc Triều Tiên cho rằng Hoa Kỳ có thể quay trở lại chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đã được chính quyền Barack Obama chủ trương, với hy vọng vào khả năng một hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng-Washington. Cũng theo tình báo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên có thể dời ngày tổ chức Đại Hội Đảng Lao Động, dự trù vào đầu năm tới do Covid-19. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng đang có kế hoạch tổ chức một cuộc duyệt binh khác trong khoảng thời gian diễn ra đại hội, để phô diễn vũ khí của mình, khi lễ nhậm chức của ông Joe Biden sắp diễn ra.

Mai Vân

Published in Châu Á

Hàn Quốc đang theo dõi sát tình hình Bắc Hàn và nơi ở của lãnh đạo Kim Jong-un, theo lời Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 22/5.

kim1

Truyền thông Bắc Hàn đăng bức ảnh ông Kim Jong-un cắt băng khánh thành nhà máy phân bón hôm 1/5

Ông Kim Jong-un hôm 1/5 đã xuất hiện tại một buổi lễ sau khi biến mất khỏi các sự kiện trong 20 ngày.

Nhưng từ hôm đó, ông lại không xuất hiện tại Bắc Hàn, đến nay được ba tuần.

Yoh Sang-key, phát ngôn viên cho Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói : "Giới chức đang theo dõi kỹ".

"Hồi tháng Giêng ông ta cũng không xuất hiện trong 21 ngày, nên chúng tôi đang theo dõi tình hình về sự vắng mặt".

Sau khi có mặt ở buổi hòa nhạc tại Bình Nhưỡng ngày 25/1, ông Kim đã biến mất trong ba tuần cho đến khi truyền thông nhà nước nói ông đi thăm một lăng mộ ngày 16/2.

Lần vắng mặt lâu nhất của ông Kim Jong-un là tháng Chín 2014, khi ông biến mất suốt 40 ngày. Ông xuất hiện trở lại vào giữa tháng Mười, chống gậy.

Truyền thông nhà nước không bao giờ giải thích ông đã ở đâu. Nhưng cơ quan tình báo của Hàn Quốc cho biết ông có thể đã phẫu thuật mắt cá chân trái do có một u nang.

Suy đoán về sức khỏe của ông Kim bắt đầu sau khi ông bỏ lỡ lễ kỷ niệm sinh nhật của ông nội, người sáng lập nhà nước Kim Nhật Thành vào ngày 15/4.

Lễ kỷ niệm này là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch Bắc Hàn và ông Kim thường đánh dấu nó bằng cách đến thăm lăng mộ nơi ông nội ông nằm. Ông Kim chưa bao giờ bỏ lỡ sự kiện này.

Published in Châu Á