Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Kỹ sư Việt Nam chỉ cần ba tháng để "chuyển sang làm chip". Đó là phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam Vinasa và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, hôm 10/3/2024 được tờ Vietnamnet dẫn lời.

chip1

Biểu diễn vũ đạo tại nhà máy bán dẫn của Intel tại San Jose, California, Hoa Kỳ ngày 21/2/2024 - Reuters

Ông Truơng Gia Bình nói thêm "thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư phần mềm Việt có thể chuyển đổi sang làm chip trong vòng ba tháng, sau đó chia nhỏ việc ra để vừa học vừa làm".

Khó khả thi

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng của kỹ sư Việt Nam như lời ông Trương Gia Bình nói, Tiến sĩ Trọng Tống, chuyên gia cấp cao tại trụ sở chính của Intel, bang Oregon, Hoa Kỳ, giải đáp rằng điều đó là "khả thi" nhưng cần hiểu đúng mức độ phức tạp của vấn đề. Ông nói : 

"Tôi không rõ ông ấy lấy thông tin kỹ sư phần mềm nước ngoài cần 18 tháng để chuyển sang làm chip từ đâu. Do đó, tôi không chắc chắn thông tin này đúng hay không. 

Tôi chỉ xin nói từ thực tế tại Tập đoàn Intel. Tại Intel, sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành công nghệ tại Mỹ khi vào Intel thì cũng chỉ làm được ở vị trí rất thấp, nghĩa là vận hành máy móc. Cũng có thể đây là ý nghĩa mà ông Trương Gia Bình muốn nói. Tức là mọi thứ đã được làm xong, máy móc đã được chuyển giao, hệ thống đã được thiết lập hoàn chỉnh, thì sinh viên mới tốt nghiệp có thể vận hành được".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trọng Tống khẳng định vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành bán dẫn phức tạp hơn thế gấp nhiều lần. Ông phân tích thời gian cần thiết để các công ty hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn như Intel đào tạo nhân lực để đảm nhiệm ngay ở khâu thấp nhất trong quy trình sản xuất. Từ đó, ông khẳng định việc các kỹ sư phần mềm Việt Nam có thể chuyển sang làm chip chỉ sau ba tháng đào tạo thêm là "không thực tế". Ông nói tiếp :

"Những kỹ sư mới ra trường khi vào Intel thì cần phải được đào tạo thêm khoảng sáu tháng thì mới vận hành được máy móc. 

Gọi là "vận hành máy móc" nhưng thực ra họ chỉ vận hành được ở mức độ đơn giản. Họ vẫn cần phải có các chuyên gia giàu kinh nghiệm theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn, dù chỉ là vận hành đơn giản như bấm nút máy, quan sát nó hoạt động. 

Khi có vấn đề gì hỏng hóc thì họ có năng lực đọc hiểu những quy trình xử lý mà chúng tôi đã viết ra để xử lý. "Xử lý" ở đây chưa phải là sửa được máy mà chỉ là làm cho nó hoạt động trở lại, giống như máy computer bị treo thì khởi động lại". 

Tóm lại, TS. Trọng Tống nói kỹ sư ở Mỹ mới ra trường, cần đào tạo thêm sáu tháng thì mới được giao nhiệm vụ chạy máy đơn giản trong nhà máy sản xuất chip của Intel. Đó vẫn chưa phải là vận hành máy tự do mà vẫn cần có giám sát. Do đó, theo ông, nếu nói như ông Trương Gia Bình, kỹ sư phần mềm trên thế giới cần 18 tháng để chuyển sang làm chip thì điều đó quả là có khả thi. Nhưng "khả thi" ở đây phải hiểu như nghĩa ông trình bày ở trên. Để những kỹ sư đó đảm nhận được các công đoạn cao hơn thì chưa được. Ông khẳng định các kỹ sư đó cần ba đến năm năm được huấn luyện nữa để làm, nếu người đó giỏi. Ông nhận xét : 

"Tôi nghĩ câu nói của ông Trương Gia Bình kỹ sư phần mềm Việt Nam chỉ cần ba tháng đào tạo để chuyển sang làm chip còn xa so với thực tế. Thực tế thì kỹ sư Việt Nam mới tốt nghiệp, nếu giỏi, chúng tôi huấn luyện hằng năm trời mới vận hành được máy như tôi nói ở trên. Ở Intel Hoa Kỳ, ngay cả người có bằng tiến sĩ cũng có khi sau cả năm huấn luyện vẫn chưa được đụng vào máy nếu không giỏi. Có những người vào làm nhiều năm rồi vẫn chưa được, hoặc chỉ ở mức độ trung bình. Nhóm được coi là giỏi cũng không được nhiều. Lý do là hệ thống máy móc quá phức tạp, khổng lồ. Nó khổng lồ cả về độ phức tạp lẫn chiều sâu". 

"Thuyết âm mưu" ?

Lời nói của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam thuộc Hiệp hội Vinasa, xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam đang được nhận định là trở thành một "tay chơi" mới trên thế giới về công nghiệp bán dẫn. Bản thân ông Bình cũng nói "thế giới chọn chúng ta làm chip". Chính phủ Việt Nam hôm 4/3/2024 đề nghị Samsung hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn cho đến năm 2030. 

Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Quốc Trí, một nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập ở Hà Nội, cho rằng những công ty Việt Nam như FPT (tư nhân), Viettel (nhà nước) làm chip thì họ có khả năng sẽ hợp tác với Tập đoàn Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc. Ông khẳng định đây chỉ là một giả thuyết nghe hơi nhuốm chút màu "thuyết âm mưu" nhưng không phải là không có cơ sở. Bởi vì nếu nhìn vào cách tiếp cận của phần lớn doanh nghiệp công nghệ và sản xuất Việt Nam, từ BKAV, Vin Fast cho tới Viettel thì tình hình sẽ là như vậy.

Nguyên nhân là vì Trung Quốc có thể sản xuất với chi phí quá rẻ, do họ có lợi thế kinh tế nhờ quy mô (economics of scale), bên cạnh sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và thiết kế. Các doanh nghiệp Việt Nam, do đó, theo ông Nguyễn Quốc Trí, thường khó cạnh tranh lại. Cho nên hướng tiếp cận "dễ" và "lười biếng" nhất của một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ là là thuê Trung Quốc sản xuất rồi về dán nhãn Việt Nam để thương mại hóa. Ông nói tiếp : 

"Tôi được biết rằng thời gian qua, lãnh đạo của Huawei Việt Nam, các lãnh đạo ngành và doanh nghiệp Vietnam (bao gồm cả Viettel, FPT, VNPT...) liên tục sang Thẩm Quyến và Thượng Hải để thăm quan và trao đổi hợp tác với Huawei, chủ yếu về 5G và bán dẫn. Tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu họ tiếp tục lựa chọn cách tiếp cận đó, bởi ông thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu hay giao nhiệm vụ cho Viettel, FPT, VNPT... là cần phải trở thành đầu tàu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam".

Nguồn : RFA, 13/03/2024

Published in Việt Nam

Khi lên máy bay đến Mỹ vào mùa hè năm 1969, chàng trai Shih Chin-tay, 23 tuổi lại đang đi đến một thế giới khác.

taiwan1

Tiến sĩ Shih Chin-tay đã dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang sản xuất chip của Đài Loan vào những năm 1970

Lớn lên trong một làng chài, bao bọc xung quanh là những cánh đồng mía, ông học đại học tại thủ đô Đài Bắc, khi đó là một thành phố đầy bụi và những tòa chung cư xám xịt, cư dân thì hiếm có người mua được xe ô tô.

Rồi ông đến Đại học Princeton. Nước Mỹ khi đó vừa đưa được người lên Mặt Trăng và chế tạo được máy bay Boeing 747. Nền kinh tế của Mỹ có quy mô lớn hơn cả Liên Xô, Nhật Bản, Đức và Pháp gộp lại.

"Khi máy bay đáp xuống, tôi bị sốc", Tiến sĩ Shih, hiện nay 77 tuổi nói. "Tôi tự nghĩ : Đài Loan nghèo quá, tôi phải làm điều gì đó để giúp Đài Loan giàu có hơn".

Và ông ấy đã làm được. Tiến sĩ Shih và một nhóm các kỹ sư trẻ, tràn đầy hoài bão đã biến đổi hòn đảo vốn xuất khẩu mía và áo thun sang một trung tâm điện tử.

Ngày nay Đài Bắc trở nên giàu có và hiện đại. Những con tàu tốc độ cao chật cứng hành khách di chuyển dọc theo vùng ven biển ở phía tây ở hòn đảo này với tốc độ 350 km/h. Tòa nhà Đài Bắc 101 – cao nhất trên thế giới, là biểu tượng của sự thịnh vượng.

Và rất nhiều sự thịnh vượng đến từ một thiết bị nhỏ bé, chỉ khoảng bằng chiếc móng tay. Chất bán dẫn silicon - tấm wafer mỏng tang và được biết đến là chip – đóng vai trò trung tâm cho mọi công nghệ mà chúng ta sử dụng, từ những chiếc điện thoại iPhone cho đến máy bay.

Đài Loan hiện chiếm hơn một nửa số lượng chip được sản xuất cho cuộc sống của chúng ta. Tập đoàn sản xuất lớn nhất là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), công ty có giá trị lớn thứ chín trên thế giới.

Điều này khiến Đài Loan hầu như không thể thay thế được - và cũng dễ bị tổn thương. Trung Quốc, lo sợ sẽ bị cắt đứt khỏi lĩnh vực chip tiên tiến nhất thế giới, đã bỏ ra hàng tỷ USD nhằm soán ngôi của Đài Loan. Hay Trung Quốc có thể chiếm hòn đảo này, như những lời đe dọa được nhắc đến thường xuyên.

Thế nhưng con đường Đài Loan đến vị trí siêu sao sẽ không dễ dàng bị sao chép – hòn đảo này sở hữu một công thức bí mật, được chui rèn qua hàng thập kỷ đổ rất nhiều mồ hôi, công sức của các kỹ sư. Thêm nữa, quy trình sản xuất còn dựa trên một mạng lưới các mối gắn kết kinh tế mà cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang leo thang hiện nay đang muốn đảo ngược.

Từ đường đến silicon

Khi Tiến sĩ Shih đến Đại học Princeton, "nước Mỹ chỉ đang bắt đầu cuộc cách mạng chip bán dẫn", ông nói.

Chỉ mới một thập kỷ kể từ khi Robert Noyce chế tạo "một vi mạch tích hợp nguyên khối", đóng gói các thành phần điện tử thành một mảnh silicon mỏng duy nhất, phiên bản đầu tiên của microchip - khởi đầu cuộc cách mạng máy tính cá nhân.

Trong hai năm sau khi Tiến sĩ Shih tốt nghiệp, ông ấy đã thiết kế những chip bộ nhớ tại tập đoàn Burroughs, chỉ xếp thứ hai sau IBM vào thời điểm đó.

Vào thời điểm đó, Đài Loan đang tìm kiếm một ngành công nghiệp quốc gia mới, theo sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa, khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Silicon dường như là một khả năng – và Tiến sĩ Shih nghĩ ông ta có thể giúp đỡ : "Tôi nghĩ đã đến lúc quay trở về nhà".

Vào cuối những năm 1970, ông ấy đã gia nhập một đội ngũ các kỹ sư điện tử giỏi nhất tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu - Viện Nghiên cứu Công nghệ (Industrial Technology Research Institute) uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại nền kinh tế của hòn đảo này.

Công việc bắt đầu tại Tân Trúc, một thành phố nhỏ, miền nam Đài Bắc – ngày nay là một trung tâm điện tử toàn cầu, do các nhà máy khổng lồ sản xuất chip điện tử trên tấm bán dẫn của tập đoàn TSMC thống lĩnh. Những nhà máy sản xuất chip này, có diện tích cỡ vài sân bóng đá, là một vài nơi sạch nhất trên Trái Đất. Các chi tiết sản xuất tinh lọc nhất là một bí mật được canh gác kỹ lưỡng, và không được phép có camera bên ngoài nào thâm nhập.

Nhà máy mới nhất – gần 20 tỷ USD ở miền nam Đài Loan - sẽ sớm bắt đầu sản xuất những con chip kích cỡ ba nanomét được dùng cho các điện thoại iPhone thế hệ tiếp theo.

Tất cả những điều này vượt xa điều mà Tiến sĩ Shih và các đồng nghiệp tưởng tượng khi họ mở một nhà máy vận hành thử nghiệm vào những năm 1970. Họ hy vọng vì có công nghệ được cấp phép từ một công ty sản xuất điện tử lớn tại Mỹ - nhưng một điều khiến ai nấy đều ngỡ ngàng, nhà máy này đã vượt qua công ty mẹ của mình. Thật khó để giải thích lý do vì sao, và cho đến ngày nay, công thức chính xác cho thành công của Đài Loan vẫn còn là bí mật.

Những gì Tiến sĩ Shin nhớ lại thì bình thường hơn : "Năng suất tốt hơn nhà máy RCA với chi phí thấp hơn. Vì vậy, điều này mang đến cho chính phủ sự tự tin là chúng tôi có thể thật sự làm được chuyện gì đó".

Chính phủ Đài Loan cung cấp nguồn vốn khởi đầu – ban đầu cho tập đoàn United Micro-electronics Corporation, và sau đó vào năm 1987, cho TSMC, sau đó trở thành tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới.

taiwan2

Tiến sĩ Shih Chin-tay (thứ hai từ trái sang, ở hàng phía sau) cùng các kỹ sư khác vào năm 1977, không lâu sau khi trở về Đài Loan

Để vận hành tập đoàn này, họ đã tuyển dụng Morris Chang, một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa, và một quan chức điều hành tại gã khổng lồ điện tử của Mỹ, Texas Instruments. Đây là may mắn hoặc tài năng, hoặc cả hai – ngày nay, người đàn ông 93 tuổi này được biết là cha đẻ của ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan.

Vào khi đó, ông ấy nhận ra rằng việc theo các gã khổng lồ của Mỹ và Đài Loan theo chính trò chơi của họ đang là một tiền đề thất bại. Thay vào đó, TSMC sẽ chỉ sản xuất chip cho quốc gia khác và không tự thiết kế.

"Mô hình khuôn đúc này" không được nghe tới vào năm 1987, đã thay đổi bối cảnh của ngành công nghiệp này và dọn đường cho Đài Loan đi đầu trong lĩnh vực này.

Và thời điểm đã đến lúc 'chín muồi'. Một loạt những start-up mới như Apple, AMD, Qualcomm, Nvidia của Thung lũng Silicon – không có nguồn quỹ để xây dựng các nhà máy sản xuất chip của chính mình. Và họ gặp khó khăn trong việc tìm công ty sản xuất chip, một thành phần không thể thiếu được.

"Họ sẽ phải đi đến các công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu và hỏi liệu có nguồn lực dư thừa có thể sử dụng hay không", Tiến sĩ Shih nói. "Nhưng sau đó TSMC đến cùng".

Hiện những công ty sản xuất chip có thể hợp tác với các công ty Đài Loan, vốn không quan tâm đến việc đánh cắp những thiết kế của họ hoặc cạnh tranh với những công ty này.

"Luật số một ở TSMC là không cạnh tranh với khách hàng của bạn", Tiến sĩ Shih nói.

Công thức bí mật

Thế giới đã sản xuất hơn một ngàn tỷ chip mỗi năm. Một chiếc xe ô tô hiện đại có từ khoảng 1.500 đến 3.000 con chip.

Điện thoại iPhone 12 cũng được cho có khoảng 1.400 chip bán dẫn. Mức thiếu hụt vào năm 2022, do nhu cầu điện tử ngày càng gia tăng trong thời kỳ đại dịch, có sức tác động như nhau lên sản lượng bán máy giặt hay những chiếc xe BMW.

Thành công ngoạn mục của Đài Loan - một hòn đảo xuất khẩu hơn một nửa trong số hàng ngàn tỷ con chip trên toàn cầu, hầu hết là các loại tân tiến nhất – được tạo nên từ khả năng thành thạo công nghệ. Nói cách khác, ngành chế tạo của Đài Loan đạt hiệu quả không thể tin nổi.

Chế tạo những con chip silicon là rất tốn kém và tốn nhiều công sức. Bắt đầu với một thỏi lớn silicon cực tinh khiết được phát triển chỉ từ một mảnh thủy tinh duy nhất. Mỗi khối có thể mất vài ngày để tăng trưởng và có thể nặng lên đến 100 kg.

taiwan3

Ông Morris Chang đã giúp Đài Loan trở thành nhà máy sản xuất chip của thế giới

Sau khi một máy cắt kim cương cắt chúng thành những tấm mỏng, một chiếc máy sử dụng quang khắc những vi mạch nhỏ trên mỗi miếng silicon mỏng. Mỗi tấm silicon (wafer) có thể chứa đến hàng trăm bộ vi xử lý và hàng tỷ vi mạch.

Điều quan trọng cuối cùng là hiệu năng – khu vực mà mỗi tấm silicon mỏng có thể được sử dụng như một con chip. Vào những năm 1970, hiệu năng mà các công ty Mỹ có thể tạo ra chỉ là 10%, và tốt nhất là 50%. Trước những năm 1980, người Nhật đạt được mức trung bình là 60%. TSMC được cho đã vượt tất cả với hiệu năng là khoảng 80%.

Qua thời gian, các công ty sản xuất của Đài Loan đã có thể gắn thêm nhiều vi mạch vào một những tấm mỏng hơn. Sử dụng máy quang khắc bằng tia cực tím mới nhất, TSMC có thể ráp 100 tỷ vi mạch lên một bộ vi xử lý, hoặc hơn 100 triệu vi mạch trên mỗi milimét vuông.

Tại sao các công ty Đài Loan lại giỏi đến như vậy ? Không ai dường như biết chính xác lý do vì sao. Tiến sĩ Shih nghĩ điều này là đơn giản : "Chúng tôi có những cơ sở vật chất hoàn toàn mới, với trang thiết bị hiện đại nhất. Chúng tôi tuyển dụng những kỹ sư giỏi nhất. Thậm chí những người vận hành nhà máy đều có kỹ năng cao. Và chúng tôi không chỉ nhập khẩu công nghệ, chúng tôi lĩnh hội được các bài học từ những người thầy Mỹ và áp dụng sự cải tiến liên tục".

Và người thanh niên trẻ đã có vài năm làm việc tại một trong những công ty điện tử lớn nhất ở Đài Loan đồng ý : "Tôi nghĩ các công ty Đài Loan dở trong việc có được những đột phá lớn trong công nghệ. Nhưng họ rất giỏi trong việc sử dụng ý tưởng của ai đó và cải tiến nó tốt hơn. Điều này có thể được thực hiện thông qua quá trình thử và sai, liên tục cải tiến từ những điều nhỏ".

Điều này quan trọng bởi vì trong một công ty chất bán dẫn, máy móc cần phải liên tục được cải tiến. Sản xuất những microchip là về mặt kỹ thuật. Nhưng còn hơn thế. Một số người so sánh với chuyện nấu ăn - giống bữa tiệc cho giới sành ăn vậy. Cho hai bếp trưởng cùng công thức và nguyên liệu, đầu bếp giỏi hơn thì nấu ngon hơn.

Nói cách khác, Đài Loan có một công thức bí mật.

taiwan4

Trụ sở chính của tập đoàn TSMC tại Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan)

Nhưng một thanh niên, không muốn được nêu tên, hoặc tên công ty, cho biết những công ty Đài Loan có một lợi thế khác.

"So sánh với các kỹ sư phần mềm ở Mỹ, thậm chí tại các công ty tốt nhất tại đây, các kỹ sư lại bị trả lương khá tệ", anh cho biết. "Nhưng nếu so sánh với các ngành công nghiệp khác tại Đài Loan thì lương lại tốt. Vì thế, nếu bạn muốn làm việc cho một công ty điện tử tốt sau vài năm, bạn sẽ có thể vay tiền, mua xe. Bạn sẽ có thể kết hôn. Vì vậy ai nấy cũng đều tận dụng".

Anh ấy mô tả một tuần làm việc sáu ngày, bắt đầu mỗi ngày với cuộc họp lúc 07g30 và thường kéo dài đến tận 19g00. Anh cũng sẽ bị gọi vào các ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ nếu có vấn đề xảy ra ở nhà máy.

"Nếu có người không sẵn sàng làm việc thì công ty sẽ kết thúc. Bởi vì họ sẵn sàng chịu sự vất vả để các công ty có thể thành công".

Lá chắn silicon

Vào tháng 12/2022, TSMC đã tiến hành động thổ nhà máy trị giá 40 tỷ USD tại bang Arizona của Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá cao, xem đây là một dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất công nghệ cao đang quay trở lại lãnh thổ Mỹ.

Kể từ khi đó, các dòng tiêu đề tin tức trở nên ít rôm rả hơn.

Một tiêu đề như They Wouldn't Listen To Us : Inside Arizona's Troubled Chip Plant, (Họ Sẽ Không Lắng nghe Chúng ta : Bên trong Nhà máy có vấn đề ở Arizona)

Tiêu đề khác ghi ‘TSMC Struggles To Recruit Workers While Facing Pushback From Unions’ (TSMC Chật vật Tuyển dụng Công nhân Trong khi Đối phó trước Sự phản đối của Các nghiệp đoàn).

Sản xuất chip trước đó được cho sẽ bắt đầu vào năm sau. Hiện kế hoạch đã bị đẩy lùi sang năm 2025. Cựu Chủ tịch TSMC, Tiến sĩ Chang ngờ vực sâu sắc từ khi kế hoạch mới bắt đầu. Hồi năm ngoái, ông ấy đã mô tả mở rộng sản xuất chip tại Mỹ là "việc thực hiện tốn kém, hoang phí không hiệu quả" bởi vì sản xuất chip tại Mỹ sẽ tốn kém hơn 50% so với tại Đài Loan. Thế nhưng sức mạnh đã khiến lĩnh vực sản xuất chip của Đài Loan trở thành tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Washington muốn ngăn chặn Đài Loan cung cấp cho Trung Quốc các loại chip tiên tiến với lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng để tăng cường chương trình phát triển vũ khí và hiện đại hóa trí thông minh nhân tạo.

Sau khi Nga xâm lược Ukaine, khiến nguồn cung khí đốt sang Châu Âu bị sụt giảm, giới chính trị gia của Mỹ đã lo ngại về Đài Loan. Họ lo sợ rằng việc tập trung khổng lồ việc sản xuất con chip tối tân trên hòn đảo này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ dễ bị ‘bắt bài’ nếu xảy ra một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan. Nhưng các công ty Đài Loan lại thấy ít lợi thế kinh tế trong việc di dời hoạt động của nhà máy này ra khỏi đảo này. Họ đang rất lưỡng lự thực hiện điều này, vì áp lực chính trị.

Người dân Đài Loan phẫn nộ trước chuyện bản thân lại bị đổ lỗi cho thành công của chính mình – và Đài Loan nên tự nguyện làm suy yếu, điều mà nhiều người gọi là "lá chắn silicon", trong khi phần còn lại của thế giới còn chần chừ trong việc có đáng bảo vệ hòn đảo này và xã hội theo thể chế dân chủ trước cuộc tấn công từ Trung Quốc hay không.

taiwan5

Tòa nhà Đài Bắc 101, cao nhất trên thế giới, là biểu tượng của sự thịnh vượng

Tiến sĩ Shin nói những người đang ra sức tái cấu trúc một cách bắt buộc việc sản xuất chip toàn cầu, đã hiểu sai về sự thành công của Đài Loan.

"Nếu bạn nhìn vào lịch sử ngành chất bán dẫn, không một quốc gia nào thống trị ngành công nghiệp này", ông nói. "Đài Loan có thể thống trị lĩnh vực sản xuất. Nhưng có một chuỗi cung ứng rất dài và sự cải tiến từ mọi lĩnh vực trong ngành, giúp tạo nên sự phát triển trong ngành công nghệ này".

Rất nhiều nguồn silicon thô của thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc, mặc dù, hầu hết trong số này đều đi vào ngành năng lượng mặt trời. Đức và Nhật Bản đi đầu trong các chất hóa học cần thiết để sản xuất những tấm mỏng wafer.

Carl Zeiss, một công ty chuyên sản xuất những sản phẩm quang học của Đức nổi tiếng với chế tạo mắt kính và ống kính máy ảnh, đã sản xuất những thiết bị quang học được sử dụng trong các máy quang khắc được chế tạo bởi một ASML, công ty Hà Lan hàng đầu trong lĩnh vực này. Quá trình chế tạo đòi hỏi rất nhiều công sức cần có cho những thiết kế có nguồn gốc từ những công ty Mỹ hoặc Arm có trụ sở tại Anh.

Tiến sĩ Shih ngờ vực về chuyện Bắc Kinh có thể tái tạo chuỗi cung ứng này - từ vật liệu cho đến thiết kế, cho đến sản xuất tiên tiến – bên trong Trung Quốc.

"Nếu họ muốn tạo một mô hình khác biệt thì tôi chúc họ may mắn", ông nhún vai nói.

"Bởi vì nếu bạn thật sự muốn sự cải tiến, bạn cần mọi người cùng làm việc từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ là một công ty hay một quốc gia nào".

Ông ta cũng ngờ vực về chuyện tách biệt Trung Quốc như cách Mỹ đã và đang thực hiện.

"Tôi nghĩ đây có lẽ là một lỗi lớn", ông nói. "Khi tôi nhìn lại, tôi cảm thấy mình may mắn khi đã chứng kiến được sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Đài Loan và thời kỳ hoà bình kéo dài này. Hiện tôi chứng kiến xung đột ở các nơi khác trên thế giới, và tôi lo ngại chuyện này có thể xảy đến tại Châu Á".

"Tôi hy vọng mọi người trân trọng nỗ lực quý giá mà chúng tôi đã tạo dựng và đừng phá hủy nó".

Rupert Wingfield-Hayes

Nguồn : BBC, 17/12/2023

Published in Diễn đàn

Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu sang Mỹ

Lưu Quý, VnExpress, 09/05/2023

Lượng chip sản xuất từ Việt Nam chiếm hơn 10% chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ, với doanh số tăng gần 75% từ 2022 đến 2023.

chip1

Theo báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam do Bộ Thông tin và truyền thông công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.

Kết quả này tương tự báo cáo của Cục Thống kê Dân số Mỹ. Cụ thể, trong tháng 2, các đơn hàng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ đạt 4,86 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, chip có nguồn gốc từ Châu Á chiếm 83%.

Trong 10 thị trường Mỹ nhập khẩu nhiều nhất, Việt Nam là một trong sáu thị trường tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến 2/2023, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Philippines giảm.

Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.

Theo đánh giá của Bloomberg, cùng với việc đưa chuỗi sản xuất iPhone ra ngoài Trung Quốc, hành động giảm thị phần nhập khẩu chip từ Malaysia, vốn là một thành trì lâu năm về đóng gói chip, "cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của mình".

Ngoài Việt Nam, hai thị trường khác cũng tăng trưởng mạnh là Campuchia với gần 7 lần từ 20,8 triệu USD lên 166,3 triệu USD, trong khi Ấn Độ tăng 34 lần lên mức hơn 152 triệu USD vào tháng 2.

chip2

Lao động tại một nhà máy Intel ở Việt Nam. Ảnh : IPV

Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. Ví dụ, IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Đơn vị này mất hơn 10 năm, từ 2010 đến 2020, để cho ra đời hai tỷ đơn vị sản phẩm đầu tiên, nhưng cần chưa tới hai năm tiếp theo để tăng con số lên 3,5 tỷ sản phẩm vào cuối 2022.

Trong khi đó, việc tự sản xuất chip tại Việt Nam cũng bắt đầu đạt một số bước tiến. Giữa tháng 4, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất khẩu vào năm 2024-2025. Trước đó, tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Đầu tháng 4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.

Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Trả lời VnExpress năm ngoái, ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip".

Lưu Quý

**********************

Công nghiệp chip của Việt Nam vẫn chủ yếu là đóng gói và thử nghiệm

RFA, 09/05/2023

Báo Nhà nước Việt Nam hôm 9/5 đồng loạt đưa tin Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu vào Mỹ với doanh số tăng gần 75% từ năm 2022 đến 2023, chỉ sau Malaysia và Đài Loan.

chip3

Tấm wafer kích cỡ 12 inch được sử dụng trong vi mạch tại nhà máy TSMC ở Đài Loan (minh họa) - Reuters

Báo Nhà nước trích dẫn báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tuần qua cho biết, Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.

Cụ thể, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại xứ cờ hoa.

Ngoài Việt Nam, hai thị trường khác cũng có tăng trưởng mạnh là Campuchia – tăng gần bảy lần từ 20,8 triệu đô la lên 166,3 triệu đô la ; Ấn Độ tăng 34 lần lên mức hơn 152 triệu đô la vào tháng 2.

Một số tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam thời gian qua bao gồm Intel, Samsung, Synopsys. IPV – nhà máy chip của Intel tại Việt Nam - đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy việc phát triển sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam nằm trong chiến lược chuyển đổi số nền kinh tế. Một số những biện pháp hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất chip đã được Chính phủ giới thiệu bao gồm giảm tiền thuê đất, mặt nước, đặc biệt giảm đến 50% nếu thuê đất tại các khu công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn bị bỏ xa so với Đài Loan về đầu tư và công nghệ. Các nhà sản xuất chip ở việt Nam vẫn lệ thuộc vào vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn các nhà sản xuất ở Việt Nam mới chỉ giới hạn ở đóng gói chip và thử chip.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất khẩu vào năm 2024 – 2025. Trước đó, vào tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Published in Việt Nam