Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/10/2018

Hòa thượng Thích Quảng Độ đang ở đâu, Thủ Thiêm và những Nhà hát lớn

Tổng hợp

Dân biểu Alan Lowenthal yêu cầu Đại sứ Mỹ xác định tình trạng Tăng thống Thích Quảng Độ (Người Việt, 12/10/2018)

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal, ngày 12 tháng Mười, đã gửi một lá thư kêu gọi Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ thuộc Tăng thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để xác định tình trạng sức khỏe của ông.

quangdo1

Dân biểu Lowenthal và Tăng thống Thích Quảng Độ tại Việt Nam năm 2015. (Hình : Văn phòng Dân biểu liên bang Alan Lowenthal cung cấp)

Vị Tăng thống hiện thời 91 tuổi, đã 16 lần được đề cử Giải Nobel Hòa Bình và thường xuyên lên tiếng tranh đấu vì tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã bị mất liên lạc từ khi ông bị buộc phải rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện tại Sài Gòn gần một tháng trước đây.

Trong một lá thư gửi ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dân biểu Lowenthal đã giải thích như sau, "Tăng thống Thích Quảng Độ đã rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, và ông chỉ mang theo được ba bộ quần áo. Từ ngày 15 tháng Chín đến ngày 5 tháng Mười, Tăng thống Thích Quảng Độ đã như là người ‘vô gia cư’ và đã phải tá túc tại nhiều tự viện khác nhau khắp Sài Gòn".

Ngày 5 tháng Mười, vị tăng thống đã đi xe lửa về lại quê cũ của ông ở tỉnh Thái Bình, miền Bắc Việt Nam. Hiện tình sức khỏe ông vẫn còn chưa được rõ và người ta đã mất liên lạc với ông. "Tôi vô cùng lo lắng đến tình trạng hiện nay của Đức Tăng thống Thích Quảng Độ", Dân biểu Lowenthal bày tỏ lòng quan tâm.

Trong bốn thập niên qua, Tăng thống Thích Quảng Độ đã nhiều lần bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam cũng như theo dõi.

Là một vị lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng thống Thích Quảng Độ đã phải chịu sự đàn áp từ chính quyền cộng sản Việt Nam vì phản đối sự thành hình của "Giáo hội Phật Giáo Việt Nam" do nhà cầm quyền thành lập và kiểm soát.

Năm 2015, Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ Tăng thống Thích Quảng Độ trong chuyến đi chính thức đến Việt Nam của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ.

Vào tháng Tư, 2018, Dân biểu Lowenthal đã chính thức nhận "đỡ đầu" và tranh đấu cho vị tù nhân lương tâm Tăng thống Thích Quảng Độ qua chương trình "Defending Freedom Project" của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.

Trong đoạn kết lá thư, Dân biểu liên bang Alan Lowenthal đã yêu cầu Đại sứ Kritenbrink, "… cùng với phái đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm Tăng thống Thích Quảng Độ ở địa điểm quê cũ của ông càng sớm, càng tốt để có thể để xác định hiện trạng sức khỏe ông".

Vị dân biểu tiếp : "Tôi cũng mong muốn Đại sứ quán Hoa Kỳ thiết lập một đường dây liên lạc với vị Tăng thống trước những biến cố xảy ra gần đây".

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal đại diện cho các thành phố và khu vực bao gồm Westminster, Garden Grove, Midway City, Anaheim, Buena Park, Stanton, Cypress, Long Beach, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, và Rossmoor thuộc địa hạt 47, California. (ĐG)

****************

Cướp đất dân Thủ Thiêm, Việt Nam đề nghị xây nhà sàn và ao cá ông Hồ (Người Việt, 13/10/2018)

Trong bối cảnh Thủ Thiêm được coi là "thủ phủ dân oan mất đất", và những người dân ở đây phải đi khiếu kiện ròng rã hơn 20 năm trời mà chưa biết kết quả thế nào, thì chính quyền ở Sài Gòn lại tiếp tục công bố dự định xây nhà sàn và ao cá Hồ Chí Minh ở quảng trường tại Thủ Thiêm.

quangdo2

Hình đồ họa quảng trường ở Thủ Thiêm. (Hình : InfoNet)

Trước đó, chính quyền thành phố này còn muốn xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu USD nằm bên cạnh Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố trị giá 35 triệu USD nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm, mà theo báo Zing hôm 11 tháng Mười, 2018, mô tả là "Hiện tại lô đất này là vùng đầm lầy, cây cối mọc um tùm. Một phần diện tích là mặt hồ đầy rau muống".

Theo báo InfoNet, ngày 12 tháng Mười, Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch đề nghị cho ý kiến về quảng trường trung tâm tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Báo này cho hay, dự án quảng trường gồm các hạng mục "quảng trường, cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày hiện vật về Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá gắn liền với ông này".

Cũng cần nói thêm là ao cá ông Hồ tại Hà Nội gần như chỉ có công dụng là nơi để Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phô diễn màn cho cá ăn mỗi khi đón tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam.

quangdo3

Người dân Thủ Thiêm đã chịu đựng khổ cực hơn 20 năm theo dự án Thủ Thiêm. (Hình : Dân Việt)

Khu quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại Thủ Thiêm dự trù được xây dựng trên diện tích 27 hécta. Quảng trường được công bố là "lớn nhất Việt Nam", bởi vì từ trước đến nay thành phố này "chưa đầu tư xây dựng quảng trường phục vụ lợi ích xã hội mang tầm vóc lớn, xứng tầm là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước để phục vụ nhu cầu của nhân dân".

Không thấy các báo ở Việt Nam đề cập về kinh phí xây quảng trường và những công trình liên quan đến ông Hồ, nhưng chắc chắn những con số cho dự án này không thể dưới trăm triệu đô la từ tiền thuế của dân.

Hôm 13 tháng Mười, nhiều blogger đồng loạt bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về đề nghị nêu trên. Hầu hết ý kiến cho rằng nếu đã xây các công trình liên quan đến ông Hồ ở Thủ Thiêm thì cần xây thêm "chi nhánh" lăng mộ của ông này cho "trọn vẹn".

Ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội, đưa giải thích trên trang cá nhân : "Một giáo sư Harvard khả kính đã nói con đường phi kinh tế nhất được xây dựng tại Việt Nam nhưng không ai dám phản đối vì những người quyết định đã đặt tên cho nó là đường Hồ Chí Minh. Nay mấy ông chính quyền ở Sài Gòn lại xài chiêu này để che đậy tội ác họ đã gây ra ở Thủ Thiêm ? Còn mấy năm sau, dân đổi tên thì các vị ấy đã tút sang Canada rồi".

quangdo4

Bà Trần Thị Mỹ, một người dân Thủ Thiêm, đã nhiều năm liên tục đi khiếu kiện do những sai phạm của chính quyền ở Sài Gòn khi triển khai dự án này. (Hình : Một Thế Giới)

Trong một diễn biến khác, nhằm giảm bớt phần nào sự phẫn nộ của công luận trước việc vung tay chi hàng chục triệu đô la xây nhà hát trong lúc trẻ em không đủ chỗ nằm trong bệnh viện, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên báo Zing : "Bên cạnh việc xây nhà hát giao hưởng, thành phố cũng xây thêm ba bệnh viện ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Thủ Đức".

"Không phải vì đầu tư nhà hát mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ ủy ban vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như Sài Gòn đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện… Nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan", báo Zing dẫn lời ông Phong. (T.K.)

*******************

Nhiều nhà hát ở Hà Nội hoạt động cầm chừng, ‘chỉ mong được bao cấp mãi’ (Người Việt, 13/10/2018)

Được xây dựng quy mô, đa số nằm ở vị trí đẹp, thế nhưng nhiều nhà hát ở thành phố Hà Nội thưa vắng khán giả, phải cho thuê tổ chức sự kiện hoặc chờ bao cấp để tồn tại.

quangdo5

Nhà hát Chèo Việt Nam "chỉ mong được bao cấp mãi". (Hình : VnExpress)

Hôm 13 tháng Mười, 2018, báo Việt NamExpress cho biết Hà Nội hiện có khoảng 20 nhà hát do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Sở Văn Hóa-Thể Thao quản lý. Trừ Cung Văn Hóa Hữu Nghị có 1,200 ghế ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 đến hơn 800 chỗ.

Lâu đời nhất với hơn 107 năm là Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi luôn được giới nghệ sĩ xem là "thánh đường nghệ thuật". Khán phòng nhà hát cao ba tầng tổng cộng có 870 ghế ngồi.

Tuy mỗi tháng trung bình có khoảng tám chương trình đủ thể loại từ hòa nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, ballet đến lễ kỷ niệm, show quảng cáo… được tổ chức, nhưng theo bà Nguyễn Thu Phương, trưởng Phòng Tổ chức Biểu diễn, cho biết : "Thường chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế". Chính vì vậy, bà cho hay : "Là đơn vị tự chủ, nguồn thu chủ yếu của nhà hát từ tiền cho thuê rạp".

Để tăng thêm thu nhập, hồi đầu tháng Chín, 2017, nhà hát mở tour thăm viếng hai ngày trong tuần có bán vé. Tuy nhiên, hoạt động chỉ được ba tháng rồi dừng cho tới nay vì không có khách.

quangdo6

Nhà hát Lớn Hà Nội "chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế". (Hình : Việt NamExpress)

Từ nhiều năm nay, Rạp Hát Kim Mã của Đoàn Chèo Việt Nam thưa vắng khách. Sau thời gian tu sửa với kinh phí 24,6 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD), rạp hát hoạt động trở lại từ cuối năm 2009. Các buổi biểu diễn chèo được tổ chức định kỳ vào tối Thứ Sáu hằng tuần ở sân khấu 100 ghế ngồi.

"Nhiều buổi diễn chỉ có hai khách xem, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để diễn vì tôn trọng khán giả. Một năm được vài buổi kín ghế. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, bán vé như đi câu, ngày nhiều ngày ít. Vào mùa Hè, mùa du lịch, lượng vé bán rất ít. Diễn viên Nhà Hát Chèo Việt Nam vẫn phải thường xuyên đi diễn ở khắp nơi để kiếm sống", bà Vũ Hương Lan, quyền trưởng Ban Quản Lý Rạp Hát Kim Mã, cho biết.

Để không bị lạnh lẽo, Rạp Hát Kim Mã cho thuê rạp, làm nơi triển lãm ảnh. Ngay trong sân rạp hát có một quán cà phê rộng, mà theo bà Lan giải thích : "Hợp tác với quán này để bán vé và phục vụ trong lúc khán giả chờ đến giờ diễn".

Tương tự, Nhà Hát Múa Rối Việt Nam đang rất khó khăn. "Ở xa trung tâm nên khán giả có muốn đến cũng gặp khó. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ đón được khoảng 100 khách", bà Ngô Thanh Thủy, giám đốc nhà hát, nói.

Về nguồn thu bà Thủy chia sẻ, vì là "đơn vị sự nghiệp có thu" nên vẫn được Bộ Văn Hóa bao cấp lương, bảo hiểm…"Tôi chỉ mong được bao cấp thế này mãi, không phải tự chủ là mừng lắm rồi", bà Thủy bày tỏ.

quangdo7

Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ "nếu tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua". (Hình : VnExpress)

So với những nơi khác, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ khá hơn tất cả nhờ có địa điểm thuận lợi nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi tháng nơi này diễn ra 15-16 sự kiện.

Ngoài các chương trình của đơn vị chủ quản là Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam được xây dựng để bán vé, Trung tâm Âu Cơ cũng phải cho thuê rạp tổ chức sự kiện đủ thể loại từ chèo, tuồng, cải lương, kịch, múa rối cho đến hội nghị, trao giải thưởng, lễ kỷ niệm… Với khoảng 800 ghế, mỗi năm trung tâm đón gần 100.000 lượt khán giả.

Song, ông Phạm Huy Hoàng, trưởng Ban Quản lý Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, cho biết so với các đơn vị khác tuy nơi này "hoạt động có hiệu quả" nhưng cũng đang gặp khó.

Ông Hoàng thẳng thắn nói : "Công chúng hiện giờ chỉ mua vé xem chương trình của ngôi sao thời thượng. Nếu chúng tôi tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua".

"Hiện trung tâm không phải bù lỗ, tự chủ tài chính. Chỉ khi mua sắm trang thiết bị hoặc sửa chữa lớn chúng tôi mới làm dự án trình lên Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị cấp kinh phí", ông Hoàng cho biết và dự tính thời gian tới sẽ liên kết với các ngân hàng tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)