Sau một chuyến đi tìm công lý (RFA, 20/02/2017)
Trong hai ngày qua, các trang mạng xã hội nóng lên vì câu chuyện đi tìm công lý của các ngư dân Nghệ An bị đàn áp đổ máu và mọi đường đi tới đều bị cắt, buộc phải quay trở về. Và mọi chuyện dường như rơi vào bế tắc. Vấn đề bế tắc mà chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là chuyến đi của người dân Nghệ An vào Hà Tĩnh khởi kiện Formosa bế tắc mà chính công lý Việt Nam đang bế tắc. Vì sao ?
Nhiều giáo dân bị công an Nghệ An đánh đập dã man khi đi khiếu kiện hôm 14/2/2017. Courtesy of tintuchangngayonline.com
Công lý bị phủ bụi
Một nữ giáo dân trong đoàn khiếu kiện đã bị hành hung cho hay : "Tôi đi đường, khi đi đường tôi bị công an mặc áo vàng đánh đập tôi. Họ xúm bảy người lôi tôi vào xe tù và đánh tôi, dùng dùi cui đập vỡ nón bảo hiểm, đánh tôi toạc phần má nuốt nước miếng rất khó, họ vặn cánh tay tôi sưng to và dùng dùi cui dộng vào ngực. Họ nhủ là đập cho chết để khỏi đi kiện. Họ nói là nếu quay về thì họ thả xuống xe, chứ không về thì đóng cửa xe đập tiếp…".
Vị nữ giáo dân này yêu cầu chúng tôi công khai tên tuổi nhưng chúng tôi quyết định không nêu tên. Vị này chia sẻ thêm về niềm tin của mình vào công lý. Và vị này cũng định nghĩa thêm về công lý mà bà đang tin không phải là công lý của nhà nước hiện tại. Bởi công lý hiện tại đang bị phủ bụi bởi kiểu điều hành công an trị và lấy bạo lực làm kim chỉ Nam để đối phó với người dân. Đây là điều bà hoàn toàn không tin rằng sẽ có công lý.
Nhưng bà cũng khẳng định rằng công lý chỉ bị phủ bụi bởi một số ít người đang nắm quyền lực chứ không phải công lý không có. Bởi bà tin rằng khi đứng trên sự chính nghĩa của dân tộc, đứng trên quyền lợi chính đáng của người dân và vì sự tồn vong của môi trường Việt Nam thì nhất định công lý sẽ mỉm cười với bà cũng như những người đồng cảm với bà.
Vị này cho biết thêm là chưa bao giờ cảnh một đoàn người đi kiện trong ôn hòa lại bị chặn xe, nhà cầm quyền buộc nhà xe phải đơn phương cắt hợp đồng và khi đoàn khiếu kiện đi xe gắn máy thì tiếp tục bị chặn, đến khi đoàn người tiếp tục đi bộ thì bị tấn công, bị ném lựu đạn cay và những ai thoát ra được khỏi đám khói mù thì bị hốt lên xe, bị bắt… Cuối cùng, cả đoàn khiếu kiện mới hiểu ra rằng công lý không thuộc về những người đang chịu bất công mà thuộc về những kẻ có đủ khả năng sai khiến người khác bẻ gãy cán cân công lý.
Bà chua xót nói thêm rằng ở đây, một đoàn người Việt Nam, là nạn nhân đi khiếu kiện một tập đoàn kinh tế của Đài Loan vì tập đoàn này đã xả độc vào biển, làm hỏng môi sinh Việt Nam và đập nát sinh kế của họ. Những tưởng nhà nước sẽ tạo điều kiện để người dân đi khiếu kiện và câu chuyện đúng sai còn có tòa án giải quyết, cho ra kết quả cuối cùng.
Đằng này thì không, chính nhà cầm quyền đã đưa an ninh ra chặn khi đoàn người đi tìm công lý, tìm lẽ phải chưa kịp đến nơi. Như vậy, suy cho cùng, cái giá của đi tìm công lý, đi tìm lẽ phải trong hiện tại là bị đánh vỡ mặt, bị đàn áp không thương tiếc và bị xuyên tạc, bóp méo hình ảnh và thậm chí bị mạ lị không thương tiếc bởi báo chí nhà nước.
Ngọn lửa tìm công lý vẫn tiếp tục cháy
Một bạn trẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người đã tham gia đồng hành cùng đoàn người đi khởi kiện ở Nghệ An, chia sẻ : "Đi ra đến đó thì bị đuổi theo, dân đi kiện Formosa làm hại môi trường biển thì bị công an tỉnh lừa, họ bảo đi chung một xe, dồn mình lên một xe rồi sau đó đưa mình quay về, mình không quay về thì bị đánh đập, ngay cả Cha Thục cũng bị đánh đập tàn bạo..."..
Bạn trẻ này cho biết thêm là hiện tại, sự quay trở về của đoàn người khiếu kiện hoàn toàn không có biểu hiện sợ hãi hay bỏ cuộc. Mà bởi có nhiều người phải đi bệnh viện sau những cú đòn nặng nề nên buộc phải quay trở lại để dưỡng thương và cùng tựa vào nhau mạnh mẽ hơn.
Dường như chưa có đoàn khiếu kiện nào bị đánh đập dã man như chuyến đi khiếu kiện của bà con Nghệ An, ngay cả Linh Mục Nguyễn Đình Thục cũng bị đánh bầm dập, bị theo dõi ráo riết và bị nhà các đài truyền hình, báo chí nhà nước vu cho ngài tội khích động quần chúng nổi loạn. Chưa có nhà cầm quyền nào lại đối xử với dân oan theo cách này.
Hiện tại, hầu như đoàn người chỉ còn biết tin vào công lý, bản thân bạn trẻ này cũng chỉ biết tin vào công lý. Mặc dù công lý đã bị phủ bụi bởi kiểu hành động mang tính trù dập của nhà cầm quyền nhưng dường như ngọn lửa niềm tin vào công lý vẫn cháy trong mỗi người. Bởi công lý giống như ngọn lửa trước gió, gió càng mạnh thì lửa cháy càng lớn.
Đương nhiên, bạn trẻ này tỏ ra hết sức thất vọng với cách hành xử của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Bởi một khi thương dân, có trách nhiệm với nhân dân, với dân tộc và đất nước, sẽ không có ai chơi trò vùi dập một đoàn người đi tìm công lý bằng bạo lực, máu đổ và tiếng kêu đau, kêu oan thấu trời như vậy.
Bạn trẻ này cũng tỏ ra thất vọng với nền báo chí nhà nước hiện tại và không ngại gọi báo chí nhà nước đã loan tin trù dập, xuyên tạc và mạ lị linh mục Nguyễn Đình Thục là báo chí phổi bò. Bởi chỉ có báo chí phổi bò mới dám mạ lị người khác và dám ngồi xổm trên công lý, dám đứng che mặt tòa án để kết tội người khác tội khích động quần chúng. Bởi theo bạn trẻ này, Linh mục Nguyễn Đình Thục có tội hay không có tội, tội như thế nào phải do tòa án kết luận chứ không có bất kì cơ quan nào khác được phép phát ngôn về tội lỗi của ngài trong lúc tòa án chưa có bất kì bản án nào về tội đó.
Có thể nói rằng câu chuyện đoàn người đi tìm công lý từ Nghệ An, bị chặn ở cầu La Gi và quay trở về sau khi bị hành hung đến tả tơi là một câu chuyện về sự thất bại của công lý tại Việt Nam. Tiếp sau đó là những trò phát ngôn hết sức vi phạm pháp luật của các cơ quan ngôn luận nhà nước có liên quan đến sự vụ. Bởi đứng trên góc nhìn công lý, họ hoàn toàn không được phát ngôn áp đặt và vô căn cứ như đang có.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
**********************
Kể chuyện ở tù (RFA, 19/02/2017)
Đoàn Huy Chương (bên trái) nhận hoa chúc mừng từ Đỗ Thị Minh Hạnh, đại diện Phong Trào Lao động Việt, ngày 15/2/2017. Facebook Phong Trào Lao động Việt
Tình hình sau hai cánh cửa nhà tù dường như ít được người bên ngoài biết đến ; nhất là trại giam ở Việt Nam. Hai cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương và Bùi Thị Minh Hằng vừa mãn án kể lại một số điều mà họ phải trải qua trong tù.
Khủng bố, đày đọa
Truyền thông Nhà nước Việt Nam thường tuyên truyền trại giam là nơi giúp những người sai lầm rèn luyện để trở lại đường ngay, nẻo chính. Tuy nhiên theo lời của những tù nhân chính trị thì đó là nơi mà nhà cầm quyền đày đọa họ nhằm có thể triệt tiêu ý chí đấu tranh.
Cựu tù nhân Đoàn Huy Chương, người vừa mãn án 7 năm tù vì từng hoạt động giúp cho giới công nhân, cho biết tình trạng sử dụng tù thường phạm để cai quản tù chính trị :
"Họ không cho mang sách báo vô. Anh Bùi Giác Trung có đem một cuốn kinh Hòa Hảo thì nhà trại mới không cho mang vô. Họ bắt người trật tự tức là người thường phạm họ qua coi mình và họ bẻ tay anh Trung. Lúc đó mình rất là bức xúc".
Anh Bùi Giác Trung có đem một cuốn kinh Hòa Hảo thì Bà Bùi thị Minh Hằng, người bị 3 năm tù giam do công khai tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cũng như quảng bá về quyền con người, kể lại chuyện bà và một nhà hoạt động nữ trẻ khác là cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, ngoài những hành xử khắc nghiệt của quản giáo, còn phải chịu cảnh mà thường phái nữ khi ở bên ngoài đều sợ hải :
"Khi tôi bị tạm giam ở Đồng Tháp, tôi cho rằng đây là một sự cố tình khủng bố tinh thần. Họ thả rắn vào những phòng của tui và chị Thúy Quỳnh. Vài ngày lại xảy ra những chuyện như thế. Đứng trước bối cảnh như thế thì chúng tôi làm gì khi trong phòng chúng tôi chỉ có đôi giày, đôi dép chứ không có một vật dụng gì để chiến đấu với con vật nguy hiểm. Nhưng đến lúc tình huống rơi vào như thế thì tôi bắt buộc phải đánh con rắn này kể cả bằng tay không".
Vu oan
Anh Đoàn Huy Chương cho biết ngay trước khi mãn án tù, bản thân anh tiếp tục bị truy bức phải hứa hẹn những điều mà theo anh là không hợp lý :
"Trước khi thả về thì họ kêu lên nói như thế này : Về có liên lạc với mấy anh em không ? Có liên lạc với Hạnh không ? Tôi nói có chứ, tôi sẽ liên lạc. Rồi họ hỏi người ta cho tiền có lấy không ? Tôi nói lấy chứ. Mấy anh cho tôi tôi cũng lấy nữa. Rồi họ hỏi : anh lấy như vậy thì vi phạm pháp luật làm sao ? Tôi nói chuyện đó không có gì vi phạm pháp luật. Bởi vì nhà nước Việt Nam vẫn nhận tiền nước ngoài, vẫn kêu gọi kiều bào gửi tiền xây dựng quê hương đất nước thì chuyện cho tiền không có gì phạm pháp cả".
Cựu tù nhân Bùi thị Minh Hằng kể lại phương thức để có thể tồn tại trong thời gian ở tù :
"Cái ác không có gì đáng sợ. Mà sợ nhất là chúng ta lại đầu hàng và sợ cái ác. Khi chúng ta không sợ nó. Họ dọa dẫm chẳng hạn thì chúng ta cũng dậm chân lại dọa họ, họ có thể sẽ thay đổi thái độ. Khi họ tấn công chúng ta, chúng ta phải có động thái bảo vệ mình trước sự tấn công đó, hoặc là kêu gọi cộng đồng và phơi bày những cách hành xử đó. Tôi cho rằng như vậy sẽ có tác dụng ngăn chặn họ. Chính bản thân tôi đi theo con đường đó cho đến khi họ giam cầm tôi trong trại cũng thế. Tôi chiến thắng tất cả bằng lý lẽ, bằng luật pháp, và cả sự thuyết phục".
Nữ cựu tù Bùi thị Minh Hằng khẳng định rằng ngay trong xã hội Việt Nam hiện nay còn chưa có nhân quyền thì làm sao trong nhà tù có thể có được sự tôn trọng các quyền cơ bản của tù nhân.
Bà cho biết dù luôn sử dụng luật pháp của Việt Nam và những điểm trong công ước quốc tế mà Hà Nội ký kết để đấu tranh với quản giáo trong nhà tù ; thế nhưng theo bà tất cả đều bất chấp và câu trả lời của họ là làm theo chỉ thị của cấp trên.