Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/01/2017

Thương mại Việt Mỹ tiếp tục phát triển

RFA tiếng Việt

Thị trường Mỹ là thị trường rất quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đứng trước khả năng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ được chính phủ mới của Mỹ áp dụng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có bị ảnh hưởng xấu hay không ?

vietmy1

Giám đốc điều hành Vietjet, Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes, Ray Corner (phải) bắt tay với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong lễ ký kết mua 100 máy bay Boeing tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng không bi quan như vậy :

Trần Đình Thiên : Tôi nghĩ là không có ảnh hưởng xấu vì phân khúc thị trường của hàng hóa Việt Nam không nằm trong phần mà các công ty Mỹ muốn giành. Thành ra hàng Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu bình thường được.

Kính Hòa : Nhưng Việt Nam cũng có những mặt hàng không phải trong sản xuất công nghiệp mà là nông nghiệp và hải sản cạnh tranh với các nhà sản xuất và nông dân Mỹ ?

Trần Đình Thiên : Một số mặt hàng như cá da trơn vẫn nằm trong chuyện thưa kiện, và đó là sự đối nhau giữa lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải là một chiều. Và tôi cho là về lâu dài thì lợi ích của người tiêu dùng Mỹ vẫn nổi bật hơn và như thế thì Việt Nam có thể có khó khăn nhưng không có ảnh hưởng tiêu cực quá lớn.

Kính HòaCó thể là Mỹ sẽ đánh thuế lên các hàng hóa từ Mexico và một số nước khác. Những nước này sẽ tìm thị trường tiêu thụ khác. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam không ? Vì Việt Nam có những mặt hàng tương đương ?

Trần Đình Thiên : Trên nguyên tắc thì có thể ảnh hưởng, nhưng cụ thể thế nào thì phải phân tích từng thị trường, từng loại sản phẩm. Về nguyên tắc như thế nhưng nếu nói chung quá, khó nhận diện lắm.

Kính HòaÔng có thể cho biết một cách tổng quát là hiện nay Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng nào vào thị trường này ?

Trần Đình Thiên : Những mặt hàng liên quan đến nông sản thực phẩm hay là liên quan đến lao động lương thấp. Tuy nhiên điều lo lắng trong tương lai cho những mặt hàng lương thấp là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ làm đảo lộn rất nhanh, và Việt Nam phải tính đến tình huống này. Những mặt hàng liên quan đến lắp ráp, gọi là gia công, có thể chịu những tác động rất nhanh. Tôi cho rằng đây là điều Việt Nam phải sớm tính đến, và hiện nay Việt Nam đang thảo luận điều này, thảo luận tích cực. Tuy nhiên trước xu thế hiện nay thì câu chuyện rõ ràng là một vấn đề mới và rất lớn, cần phải có một thái độ cơ bản về nhận thức mới có thể giải quyết được.

Kính HòaÔng có thể giải thích thêm về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mà ông vừa nói ?

VIETNAM-US-POLITICS-ECONOMY-GLOBALISATION

Một chiếc xe tải rời khỏi cổng chính của nhà máy lắp ráp xe Ford tại tỉnh Hải Dương, Việt Nam hôm 11/1/2017. AFP photo

Trần Đình Thiên : Nó gắn với tự động hóa, rồi robot sẽ thay thế rất nhiều những lao động liên quan đến gia công, lao động lắp ráp, máy móc, robot sẽ thay thế rất là nhiều. Xưa nay phần việc này do lao động chân tay người ta làm nhiều, tới đây theo những xu hướng hiện đại thì quá trình này đang diễn ra rất nhanh, rất mạnh, và có thể rằng là những hoạt động gia công lắp ráp sẽ được làm ở thị trường tiêu thụ luôn, ví dụ như ở Mỹ chẳng hạn. Đó là một nguy cơ mà các nước đang phát triển bị mất việc làm.

Kính HòaHoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam có cơ chế thị trường. Sắp tới đây dưới sự điều hành của chính phủ ông Trump thì việc này sẽ tiếp tục được thương lượng ? Sẽ dễ dàng hay khó khăn hơn ?

Trần Đình Thiên : Tôi nghĩ là Việt Nam xác định rất rõ cái việc chưa được công nhận, hay không công nhận. Nếu chưa công nhận thì tất nhiên sẽ có khó khăn cho Việt Nam, nhưng cái quan trọng là Việt Nam phải tự mình trở thành một nền kinh tế thị trường thật, mà không cần phải đi xin một sự công nhận khi mà chưa đủ tiêu chuẩn. Đó mới là mục đích thực của Việt Nam, quan trọng là năng lực cạnh tranh.

Hiện nay Việt Nam đang cố gắng theo hướng này. Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu như được thị trường Mỹ, một thị trường quan trọng chiếm đến 20% lượng hàng xuất khẩu Việt Nam, công nhận sớm hơn, Việt Nam phấn đấu tốt hơn, có đủ tiêu chuẩn để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Chuyện thứ hai là chuyện TPP (tổ chức hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương) có vấn đề là Mỹ đã rời khỏi tổ chức này. Thì tôi nghĩ rằng cách tiếp cận song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ý tôi muốn nói là trước đây vào năm 2000 Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, việc đó đã tạo nên một sức đẩy rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc Mỹ rút khỏi TPP lại mở ra một cơ hội Việt Nam và Mỹ xúc tiến một cơ hội song phương có lợi cho cả hai.

Nếu làm được hiệp định tự do thương mại song phương Mỹ Việt Nam thì sẽ có sức đẩy mạnh có thể thay cho cái việc Mỹ rút ra khỏi TPP.

Kính HòaTương lai quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ so với quan hệ Việt Nam Trung Quốc, Việt Nam châu Âu, Việt Nam Nhật Bản, thì ông nghĩ rằng có phải là quan hệ thương mại với Hoa Kỳ vẫn phát triển hàng đầu không ?

Trần Đình Thiên : Tôi thấy rõ là Mỹ vẫn là thị trường đặc biệt đối với Việt Nam. Vấn đề có thể là tới đây Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu của Việt Nam mà còn là thị trường nhập khẩu của Việt Nam nữa, bởi vì nhập khẩu công nghệ, thiết bị từ Mỹ về lúc nào cũng là cái đích để nền kinh tế Việt Nam tốt hơn.

Hiện nay chủ yếu là Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhưng tới đây cân bằng thương mại sẽ vô cùng quan trọng. Và đấy là mục tiêu mà Việt Nam phải làm được. Chính đấy là khác biệt của thị trường Mỹ, so với thị trường EU, thị trường Trung Quốc, trong mối quan hệ với Việt Nam. Đấy là lựa chọn, tôi nghĩ là đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong tương lai, cân bằng cán cân thương mại Mỹ Việt Nam.

Kính HòaRất cám ơn ông dành thời gian cho đài Á châu tự do.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)