Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/04/2024

Việt Nam tuyên án tử hình cho một vụ tham ô tài sản

BBC tiếng Việt

Án tử hình bà Trương Mỹ Lan trong mắt người dân

RFA, 15/04/2024

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị án tử hình về tội "tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "đưa hối lộ" và 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt là tử hình. Bản án do Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hôm 11/4/2024 được báo chí trong và ngoài nước đưa tin với nhiều bình luận.

tuhinh1

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa - Photo : RFA

Ngoài bình luận của các tờ báo lớn trong nước và quốc tế, một số người dân cũng đưa ra những bình luận trên mạng xã hội. Nhà báo Lưu Trọng Văn viết trên facebook cá nhân của ông, RFA đã được phép trích đăng :

"Gã mong muốn Trương Mỹ Lan không phải chết khi đổi được những kẻ thực sự là tội đồ đứng đằng sau mọi sa ngã, mọi nhúng chàm của Trương Mỹ Lan phải ra tòa.

Người Sài Gòn không ai hả hê trước cái chết của Trương Mỹ Lan khi còn đó những tội đồ đã tạo nên một Trương Mỹ Lan để chúng vơ vét, cướp đoạt.

Chết là hết ư ?

Không ai tin tự dưng có một Trương Mỹ Lan có thể tung tác để chiếm đoạt hàng chục tỷ đô la một cách tênh tênh như thế cả chục năm trời.

Chết là hết ư ?

Chết là khép lại tất cả ư ?

Nếu vậy cái chết thật vô nghĩa vì nó đem lại thở phào nhẹ nhõm cho những kẻ tạo nên Trương Mỹ Lan.

Lẽ nào Trương Mỹ Lan trước máy chém lại có thể chấp nhận mình và cả gia đình mình tan hoang còn những kẻ thật sự tội đồ lại nhơn nhơn trên đống vàng ?

Chết là hết. Nhưng hy vọng khi máy chém chưa buông xuống, chưa… hết.

Chưa thể hết !"

Trao đổi với truyền thông nhà nước sau khi kết thúc phiên tòa, Luật sư Hoàng Trọng Giáp ở Hà Nội cho rằng, nhận án tử hình chưa phải dấu chấm hết cho bà Trương Mỹ Lan, bởi bà Lan hoàn toàn có thể được tòa cấp phúc thẩm giảm án, được Chủ tịch nước ân xá, nếu bà tích cực khắc phục hậu quả vụ án. Theo quy định pháp luật hiện hành, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Trương Mỹ Lan được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Bà Lan cũng được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 12/4.

Trao đổi với RFA về bản án của bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Kim ở Hà Nội cho rằng, không nhất thiết phải thi hành án tử hình đối với bà Lan. Ông phân tích :

"Vấn đề án tử hình bà Lan, quan điểm của tôi là không ủng hộ lắm án tử hình bởi đây là vấn đề nhân đạo không chỉ ở Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới đã bỏ án tử hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một đặc thù, là nền kinh tế đang trong giai đoạn có thể gọi là tư bản hoang dã, nên lòng tham của con người vượt qua tất cả các giới hạn cho phép. Do đó có thể giữ án tử hình, nhưng để thi hành án thì cần xem xét các biện pháp để làm tăng tính răn đe. Ví dụ tịch thu toàn bộ tài sản của bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn. Đây là án kinh tế thì tập trung vào kinh tế chứ không nên "dùng mạng đổi mạng".

Theo tôi, đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng ; số tiền hối lộ lên đến 5,2 triệu đô la cũng là số tiền cực kỳ nghiêm trọng cho nền kinh tế chứ không đơn giản. Theo quan điểm của tôi, đây là tội phạm hoạt động có tổ chức kéo dài nhiều năm, cho nên đây là một sự yếu kém rất lớn của tầng lớp lãnh đạo, đặc biệt trong ngành ngân hàng".

Chuyện nộp tiền khắc phục thiệt hại để được giảm án từng xảy ra với ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vào năm 2019. Tại phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Bắc Son bị viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình với lý do là người đứng đầu, chỉ đạo xuyên suốt, nhận hối lộ với số tiền lớn nhất… Tuy nhiên, trước khi tòa tuyên án một ngày, Hội đồng xét xử cho biết gia đình ông Son đã nộp lại toàn bộ số tiền 66 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại trong vụ án. Ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình.

Ông Nguyễn Kế ở Sài Gòn thì cho rằng, bà Lan sẽ kháng cáo. Và nếu không được giảm án thì có thể bà sẽ khai gì đó vào phút chót. Ông nói với RFA :

"Một mình bà Trương Mỹ Lan không thể làm mưa, làm gió, vượt qua bao nhiêu rào cản về quản lý để lũng đoạn SCB trong suốt hàng chục năm trời như thế. Chắc chắn đứng sau Trương Mỹ Lan phải có những "con cá mập" tạo điều kiện, tiếp tay tiếp sức. Thậm chí còn có những bộ phận tham mưu, tư vấn nữa. Nếu chỉ dừng tại đây và tuyên án tử hình mình bà Trương Mỹ Lan thì tôi thấy là có bỏ sót, bỏ lọt tội phạm. Phải truy đến cùng những người có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ. Còn nhiều quan chức khác nữa. Đã ăn đều thì phải chia đủ". 

Theo ông Kế, bà Trương Mỹ Lan không dễ gì chấp nhận cái chết mà không khai ra những "con cá mập" đứng đằng sau bà. Bà không để những con cá này thở phào nhẹ nhõm khi thấy bà bị thi hành án. 

Vụ án này khiến dư luận nhớ lại vụ án ma túy lớn vào thập niên 90 với người cầm đầu là một cán bộ tổng cục Cảnh sát tên Vũ Xuân Trường. 

Cái tên Vũ Xuân Trường bị tử tù Siêng Phênh khai ra vào sáng ngày 21/6/1996, khi chuẩn bị ra pháp trường. Bất ngờ trong giây phút cái chết kề cận, tử tù này đã khai thêm nhiều đồng phạm ở Hà Nội, Điện Biên, trong đó có Đại úy Vũ Xuân Trường - cán bộ của tổng cục Cảnh sát. Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình cùng một số đồng phạm vào năm 1998.

Nguồn : RFA, 15/04/2024

***************************

Vạn Thịnh Phát : Án tử hình bà Trương Mỹ Lan qua góc nhìn quốc tế

BBC, 13/04/2024

Là vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam, vụ Vạn Thịnh Phát và bản án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm.

vanthinhphat1

Vụ án Vạn Thịnh Phát gây chấn động Việt Nam, đồng thời thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bà Lan là một trong số ít nữ doanh nhân bị tuyên mức án tử hình về tội kinh tế trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Hiện tại, gia đình và luật sư của bà Lan cho biết với Reuters là sẽ kháng cáo. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, chưa có đơn kháng cáo gửi tới tòa.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng vụ xét xử thể hiện quy mô rộng lớn và sự hiệu quả của chiến dịch "đốt lò", cũng có những đánh giá khác.

Có sự bảo kê chính trị ?

Reuters đánh giá rằng vụ xét xử bà Trương Mỹ Lan là một kết quả đáng kể của chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tính tới nay, chiến dịch "đốt lò" đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao nhà nước và nhiều giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp lớn bị truy tố hoặc buộc phải từ chức.

Tuy nhiên, thực tế này chưa hẳn là bằng chứng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả.

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), thủ đô Hà Nội và trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh đều có mức kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là "trung bình thấp".

Trả lời tạp chí Time, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, đánh giá rằng phiên tòa của bà Lan là một ví dụ điển hình của chiến dịch chống tham nhũng, ngay cả trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, lại cho rằng :

"Tôi không nghĩ điều này sẽ gia tăng lòng tin vào bộ máy [của Việt Nam]. Đối với các doanh nghiệp, đây lại là một ví dụ nữa về việc quan chức đấu đá, về tham nhũng và về sự bất ổn của môi trường [Việt Nam]".

Theo Time, bà Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Quan sát vụ việc lần này, Time nhắc lại một sự từ năm 2020 - vụ kỷ luật hai ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, về những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bài viết cho rằng sự việc này là một phần của chiến dịch thanh trừng nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, một động thái âm thầm, kín đáo và không lọt vào tầm mắt của công chúng.

Time đánh giá rằng ông Hải và ông Quân rất có thể chính là những người đã hậu thuẫn cho sự thăng tiến của bà Lan và cũng là lý do tại sao bà Lan bị hạ bệ.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến tương đồng :

"Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải và đồng phạm không bị kỷ luật thêm vì tham gia vào các hoạt động gian lận và tham ô của Lan vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đó là trường hợp ‘im lặng là vàng’.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện đang tập trung vào các mạng lưới khu vực tư nhân của bà Lan để xóa bỏ những ảnh hưởng tàn dư của ông Lê Thành Hải và mạng lưới của ông ta, sức ảnh hưởng được cho là có khả năng chi phối tại thành phố lớn nhất Việt Nam [Thành phố Hồ Chí Minh]".

Giáo sư Thayer cho rằng mới chỉ có những quan chức cấp thấp bị đưa ra xét xử.

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, trả lời BBC News rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều thập kỷ.

Ông nhìn nhận những gì đang xảy ra là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.

"Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay".

"Từ trước cho đến năm 2016, Đảng cộng sản ở Hà Nội gần như đã để cho nhóm mafia gốc Hoa này tung hoành. Nhóm này dù tỏ ra bề ngoài tuân thủ chính quyền nhưng cùng lúc lại tìm cách bòn rút nguồn lực và của cải của thành phố để phục vụ lợi ích riêng".

Còn những tác động nào nữa ?

Theo AP News, quy mô của vụ án Vạn Thịnh Phát khiến giới phân tích đặt ra nhiều nghi vấn liệu các ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác có sai phạm tương tự hay không.

Họ đánh giá rằng điều này có thể làm giảm triển vọng kinh tế của Việt Nam và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Đặc biệt là khi Việt Nam đang cố gắng định vị mình là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề : Ước tính có khoảng 1.300 công ty bất động sản rút khỏi thị trường vào năm 2023. Các nhà phát triển bất động sản đã thực hiện chính sách hạ giá và tặng quà khuyến mãi bằng vàng để thu hút người mua nhưng không thay đổi được tình hình. Tuy nhiên, các nỗ lực ấy không có nhiều tác dụng.

Mặc dù giá cho thuê mặt bằng cửa hiệu đã giảm một phần ba tại Thành phố Hồ Chí Minh, số mặt bằng cho thuê còn trống tại khu vực trung tâm thành phố vẫn còn rất nhiều, theo AP.

Vụ án Vạn Thịnh Phát kéo theo một chuỗi công ty lớn, trong và cả ngoài hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bị ảnh hưởng. Do đó, tác động của nó đến nền kinh tế hẳn lớn hơn rất nhiều so với những con số được nêu trong hồ sơ vụ án.

Trước khi bà Lan bị tuyên án tử hình không lâu, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã bị miễn nhiệm chức vụ. Đây cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là một phần của chiến dịch "đốt lò".

Vụ xét xử bà Lan, vụ phế truất ông Thưởng và các màn bắt giữ liên miên trong chiến dịch đốt lò, theo giới quan sát, có thể tạo nên một không khí lo sợ và đề phòng. Từ đó, giới quan chức của chính quyền có thể sẽ trở nên chần chừ hơn trong việc ra quyết sách, dẫn đến trễ nải trong khu vực công.

Hiện đã một số doanh nghiệp phàn nàn về những "bế tắc quan liêu" do các nhà chức trách hiện quá sợ hãi mà không dám thực hiện công việc của họ, theo Time.

Ngày 12/4, CNN dẫn lời giáo sư Zachary Abuza :

"Đảng cộng sản Việt Nam muốn thể hiện rằng chiến dịch chống tham nhũng của họ đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, họ không thể che giấu sự thật rằng họ đã cố tình phớt lờ và cho phép việc hối lộ ồ ạt diễn ra".

Nguồn : BBC, 13/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)