Làm Chủ tịch nước là làm gì ?
Thuyên Hoa, RFA, 07/03/2023
Bọn xấu nói Chủ tịch nước chỉ là chức danh lễ tân, tức để đón khách, tiếp khách.. vân vân thế thôi. Ai làm chả được !
Tôi không tin. Đọc luật mới biết Chủ tịch nước có nhiều quyền to lắm quý vị.
"Do thế và hóa ra thế, làm Chủ tịch nước quả thật… cũng nhàn !" - Ảnh minh họa tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ trước Quốc hội trong Lễ nhậm chức. Ảnh : Phạm Thắng
Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân
Tôi tạm chia làm ba nhóm theo nội dung như sau :
Nhóm I liên quan đến việc ngoại giao và pháp luật :
Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đề nghị xem xét lại pháp lệnh (đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiếp đại sứ trình quốc thư, quyết định các vấn đề liên quan đến điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước như đàm phán, ký kết, trình Quốc hội phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt điều ước quốc tế đã tham gia. Tặng thưởng huân huy chương, các giải thưởng Nhà nước, quyết định cho nhập hoặc cho thôi quốc tịch, quyết định đặc xá, quyết định đại xá (căn cứ vào nghị quyết Quốc hội) ; công bố hoặc bãi bỏ tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên, tình trạng khẩn cấp.v.v
Nhóm II liên quan đến sắp xếp nhân sự :
Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi, phong hàm, cấp đại sứ của Việt Nam.Trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Phó Chánh án, Phó Viện trưởng, thẩm phán, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội.
Nhóm III liên quan đến quyền lực tối cao đối với lực lượng vũ trang nhân dân :
Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ;
Trong ba nhóm quyền lực này, có lẽ nhóm III là ít phô bày nhất nhưng là nắm giữ quyền lực mạnh mẽ nhất.
Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân nghĩa là chỉ huy, chỉ đạo toàn diện, điều hành trực tiếp, tuyệt đối với toàn bộ lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm quân đội, công an và dân quân tự vệ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch nước phải có những quyền mang tính trực tiếp, như tổ chức lực lượng, thực hiện các biện pháp xử lý…
Nhưng lấy gì để thực thi ?
Tuy vậy, nó cũng có thể chỉ có vẻ mạnh mẽ và quyền lực trên lý thuyết.
Cách đây mới chỉ bảy năm, vào năm 2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tiền nhiệm của tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trong Báo cáo nhiệm kỳ công tác trước Quốc hội rằng việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân tuy đã được quy định trong Hiến pháp nhưng thiếu cơ chế thực thi, chưa được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Chưa có quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc phòng an ninh và bộ phận giúp việc cho hội đồng.
Ối giời ơi thế là thế lào ?
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai sinh từ năm 1945, nay đã ngót nghét 80 năm, gần một thế kỷ tồn tại. Nhưng một điều quan trọng đến thế trong Hiến pháp cho đến nay vẫn cứ là luật trên giấy, là do nguyên nhân gì ?
Đã từng có dự thảo Luật Chủ tịch nước
Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu và báo cáo chỉ ra các hạn chế, bất cập và nhu cầu hoàn thiện pháp luật về hoạt động của Chủ tịch nước. Một số bất cập, hạn chế được tác giả Đỗ Tiến Dũng - Viện Nghiên cứu lập pháp chỉ ra như sau :
- Chưa có điều kiện, tiêu chuẩn ứng viên và giới hạn số nhiệm kỳ tối đa của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
- Chưa có biện pháp xử lý trường hợp khuyết đồng thời cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước.
- Chưa có luật quy định cụ thể quyền tham dự các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyền yêu cầu chính phủ họp về những vấn đề mà Chủ tịch nước thấy cần thiết.
- Về vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang và về bộ máy giúp việc, một số quy định lại mâu thuẫn với nhau. Ví dụ điều 91 Hiến pháp quy định Chủ tịch nước được ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhưng điều 70 lại nêu "Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước".
Năm 2011, Quốc hội khóa XIII đã đưa dự án Luật Chủ tịch nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nó được xếp thứ sáu trong 16 dự án luật thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị.
Về quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang, các nhà soạn thảo yêu cầu bổ sung quyền hạn của Chủ tịch nước.
Cụ thể, đối với quân đội, Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tư lệnh các quân khu, quân đoàn, binh đoàn, các quân, binh chủng. Đối với Công an, Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Tuy nhiên, cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Chủ tịch nước vẫn chưa được trình Quốc hội. Lý do là Quốc hội khóa này xem xét, quyết định đưa dự án này vào chương trình là đồng thời với việc xem xét quyết định sửa đổi bổ sung Hiến pháp và nhằm thế chế hóa quy định của Hiến pháp mới. Do đó, khi Hiến pháp chưa được thông qua thì chưa có cơ sở để xây dựng Luật Chủ tịch nước.
Một lý do khác là thời gian chuẩn bị trình dự án luật xấp xỉ hai năm, theo những người soạn thảo thì không đủ để hoàn thành. Do vậy, nhóm soạn thảo đã xin lùi thời hạn trình dự án luật vì không chuẩn bị kịp.
Đến Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) thì không có chủ thể nào đề xuất đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Và cho tới nay thì việc này im thin thít, lặn mất tăm.
Tuy nhiên, có lẽ có một lý do thực sự khác ẩn dưới việc dùng dằng nhiều năm không luật hóa các quyền của Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp.
"Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang"
Đó là nếu Chủ tịch nước có nhiều quyền hạn như Hiến pháp quy định thì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng sẽ như thế nào ?
Tháng 2/2019, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đăng một bài viết đáng chú ý trên báo Nhân Dân và Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng. Bài viết có nhan đề "Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang".
Trong bài viết dài hơn 3.000 từ, cụm "sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân" được nhắc lại nhiều lần, nhấn mạnh dưới nhiều cấp độ và giải thích, chứng minh theo nhiều cách. Tựu trung, ông Lê Khả Phiêu khẳng định đây là nguyên tắc bất biến, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.
"Sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối ; Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào. Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang trực tiếp, không thông qua một khâu, một tổ chức trung gian nào. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, trên mọi nhiệm vụ"- ông Phiêu viết.
Trong một đoạn khác, ông Phiêu nói cụ thể hơn : "Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương quyết định những vấn đề về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng (…).
Ở đoạn khác, ông Phiêu nhấn mạnh một lần nữa : "Chỉ đặt dưới sự lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang mới giữ vững bản chất của đội quân cách mạng, của dân do dân và vì dân (…). Do vậy, sự lãnh đạo lực lượng vũ trang của Đảng không thể phân chia cho bất kỳ ai hay lực lượng tổ chức chính trị nào khác".
Không còn gì rõ ràng hơn nữa !
Đến tháng 12 cùng năm, Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đăng tiếp một bài trên báo Quân khu 7 - cơ quan của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, tiếng nói của lực lượng vũ trang Quân khu. Nhan đề của bài viết chỉ khác với bài báo của ông Lê Khả Phiêu đúng một từ : "Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội".
Cụ thể hơn một mức so với bài viết của Tổng bí thư Đảng, tướng Hân viết : "Quyền lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào. Đảng lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực : chính trị, tư tưởng và tổ chức ; trên mọi nhiệm vụ : chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, lao động sản xuất ; trên các mặt công tác : quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của Quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng".
Đảng ủy Công an Trung ương (Tô Lâm) tặng tranh và hoa chúc mừng Quân ủy Trung ương (Phan Văn Giang).
Ngày 19/8/2022, ngày kỷ niệm thành lập Công an nhân dân Việt Nam, có một bài dài 2.500 chữ ký tên Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng đăng trên Báo Quân đội nhân dân.
Nhan đề của bài báo : "Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội".
Bài báo viết : "Về phương hướng trong thời gian tới, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ rõ "giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng (…)".
Sáng 19/12/2022, tại Hội nghị lần thứ 5 của Quân ủy Trung ương, trong phát biểu tổng kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng "yêu cầu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội".
***
Xin phép không liệt kê nữa ; cứ cụm từ này mà tìm, quý vị sẽ đọc được hàng chục phát biểu của các lãnh đạo quốc gia, tướng lĩnh cấp cao, bí thư đảng các địa phương, chỉ khác nhau đôi chút còn thì giống nhau toàn bộ về nội dung, với sự khẳng định chắc chắn, hoàn toàn.
Ô thế thì quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước ở đâu ?
Các đời tổng bí thư, rồi cả người lãnh đạo quân đội lẫn lãnh đạo công an đều thống nhất và kiên quyết rằng sự chỉ đạo, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân phải thuộc về Đảng.
Ô thế thì quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước nằm ở đâu ?
Thưa quý vị, nằm ở Hiến pháp, như trên đã nêu, chứ đâu !
Hiến pháp đã quy định rồi thì cứ an tâm.
Còn những gì Hiến pháp đã quy định nhưng chưa có luật để thực thi, hay là tại sao vẫn mãi chưa thể trình dự thảo Luật Chủ tịch nước vân vân… chúng ta có thể chờ thêm khoảng 100 năm nữa để ban soạn thảo chuẩn bị cho thật chín đều.
Từ đây đến đó, do thế và hóa ra thế, làm Chủ tịch nước quả thật… cũng nhàn !
Thuyên Hoa
Nguồn : RFA, 07/03/2023
Tham khảo :
http://mod.gov.vn/vn/noi-dung/sa-qlcddh/sa-qlcddh-cddh/0622e61c-a6e3-407a-a202-41263f1cdf0b
http://daidoanket.vn/chu-tich-nuoc-vuong-mac-trong-quyen-thong-linh-luc-luong-vu-trang-93466.html
https://hieuluat.vn/tin-tuc-phap-luat/chuc-nang-nhiem-vu-va-quyen-han-cua-chu-tich-nuoc-559-20415-article.html
************************
Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và những 'hạt giống đỏ'
BBC, 05/03/2023
Dư luận Việt Nam, trong những ngày gần đây, nhắc lại câu hỏi của các em học sinh đặt cho ban tư vấn tuyển sinh đại học ở tỉnh Nghệ An năm 2017, 'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư thì học trường nào ?'.
Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một hạt giống đỏ - Ảnh minh họa
Thời điểm đó, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo, cho rằng đây là câu hỏi hóc búa, theo tường thuật từ báo Tuổi Trẻ.
Tiến sĩ Công Hồng được trích dẫn nói với các học sinh trường đại học lớn nhất là "trường đời" và không có trường đại học nào đào tạo hai chức vụ này.
'Hạt giống đỏ'
Tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có học vấn và quá trình làm việc khá giống với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng có học hàm Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).
Trong khi đó, ông Võ Văn Thưởng tốt nghiệp ngành Triết học, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua tiểu sử, ông Thưởng chỉ thuần hoạt động trong Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sau khi ra trường.
Quá trình công tác của ông Trọng và ông Thưởng cũng hoàn toàn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 02/03, phóng viên Đông Nam Á Jonathan Head viết trên BBC News, "Đáng chú ý, ông Thưởng có sự nghiệp hoàn toàn trong đảng [Đảng cộng sản Việt Nam], và chuyên về chủ nghĩa Marx-Lenin".
Sau đó ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (từ tháng 8/2011), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (4/2014 đến tháng 01/2016), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (02/2016 đến tháng 01/2021) và Thường trực Ban Bí thư (01/2021 đến 3/2023).
Nhận định về chuyển biến nhân sự của Việt Nam với BBC News tiếng Việt, từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm cho rằng :
"Võ Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế biết tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo ngôn ngữ và tập quán chế độ.
"Võ Văn Thưởng dù biết mình bị "đặt đâu ngồi đó" vẫn vui vẻ tham dự cuộc chơi vì không muốn làm mất lòng ai. Ví dụ trường hợp Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng, có thể ví như ngây ngô và quỷ quyệt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại ngay, vì [Đảng] sợ sự thay đổi lớn", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm nói với BBC.
Kỹ trị hay đảng trị ?
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sẽ kỷ niệm 93 năm thành lập vào ngày 26/03 tới đây
Trong bài phát biểu vào tháng 12/2022, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, "Đội ngũ cán bộ Đoàn đông đảo, trẻ trung, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã và đang trở thành nguồn cán bộ kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp".
Ở Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được xem là "đội dự bị tin cậy của Đảng". Lực lượng đoàn viên học sinh được xem là nguồn để phát triển đảng viên mới.
Nhiều người trong lĩnh vực nhà nước ở Việt Nam đã và đang chọn con đường 'tiến thân' bằng Đoàn Thanh niên, cụ thể hoạt động đoàn thể tích cực thay vì học tập, nâng cao chuyên môn.
Nhân tố tích cực hay còn gọi là "quần chúng ưu tú" trong hoạt động Đoàn Thanh niên sẽ được bố trí học lớp cảm tình Đảng, viết bài thu hoạch sau lớp học, hoặc những lớp trung cấp hoặc cao cấp lý luận chính trị, từ đó được tiến hành kết nạp đảng và sinh hoạt đảng bộ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, sẽ chưa có một thế hệ kỹ trị cho Việt Nam trong vòng vài thập kỷ tới.
"Vì giới kỹ trị không thể làm chủ tình hình chính trị và ý hệ khi tự bản chất họ chỉ là chuyên gia, chờ chỉ đâu làm đó. Cái cần thiết để thay đổi là một thế hệ chính trị gia mới mang tham vọng quyền lực và nhiệt huyết cách mạng mới ngay trong lòng chế độ. Chuyện này là không thể có trong hoàn cảnh hiện nay - vì các lão thành biết điều này từ bản năng hệ thống".
Một số thế hệ tiếp nối các cựu lãnh đạo hàng đầu ở Việt Nam đang giữ chức vụ trong Đoàn Thanh niên, như ông Nguyễn Minh Triết, con trai út của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Minh Triết đã đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn (nhiệm kỳ 2022 - 2027).
Nhiều ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hiện cũng đi lên từ con đường Đoàn.
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sẽ kỷ niệm 92 năm thành lập vào ngày 26/03 tới đây.
"Chế độ này có cái trì lực (inertia) mạnh từ bối cảnh lịch sử khó khăn và đầy hãnh tiến, nên cái dư lực (momentum) sẽ còn tiếp tục cho đến khi tiêu thụ hết tinh thần sử tính từ 100 năm qua. Giống như Triều Nguyễn thế kỷ 19-20, chế độ này sẽ tồn tại by default [mặc định] cho đến khi có ngoại lực hay biến cố thế giới (ví dụ colonialism [chủ nghĩa thực dân]) làm nó sụp đổ", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm bình luận.
Nguồn : BBC, 05/03/2023