Tiếng nói phản biện : khó tồn tại
Liên tiếp mấy ngày qua, báo Thanh Niên có loạt bài mang tựa : "Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng" ; "Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng : Đấu tranh, tránh đâu ?" ; "Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng : Lãnh đạo phải biết nghe 'nói ngược'".
AFP
Các bài báo dẫn lại phát biểu của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương hồi tháng 7/2022 rằng : "Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực từ nội bộ tới nay vẫn là "thách thức lớn" ; song "đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng".
Bài báo cũng kể lại cuộc họp Bộ Chính trị do chính cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì đầu năm 2000. Tại cuộc họp, mọi người thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình về khuyết điểm của ông Phiêu trong xử lý một số công việc. Ông Lê Khả Phiêu đã tiếp thu một cách nghiêm túc và bình tĩnh đối với những góp ý đó.
Với trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Dương Văn An nói rằng : "Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục ; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện ; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý".
Nhiều người cho rằng, những tiếng nói góp ý, phê bình phải được coi là vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng, nhưng lại không được tiếp thu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, loạt bài viết trên báo Thanh Niên trên lại được cho là chỉ dấu của một sự dân chủ, xuất phát từ trong Đảng.
Trong thực tế, nhiều người đặt câu hỏi, liệu những tiếng nói đóng góp thẳng thắn của người dân hơi "khó nghe" thường hay bị cáo buộc là đi ngược đường lối của Đảng, Nhà nước, có được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp thu ? Và những người lên tiếng "đấu tranh" ấy có "tránh được" sự đối xử bất công hay họ sẽ được bảo vệ ?
Ông Liêu Thái, người hay có những tiếng nói phản biện về các vấn đề xã hội trên trang Facebook cá nhân, nêu nhận định với RFA :
"Trước đây khoảng 10 hay 20 năm, nếu mình nói điều gì đó mà ngược với đường hướng của nhà cầm quyền có thể bị công an kêu lên, về ‘không còn ăn cháo’. Bây giờ không đến nỗi khốc liệt như vậy. Người ta chỉ kêu lên đe nẹt cách này cách khác nhưng hông có nghĩa họ chịu nghe ‘nói ngược’ đâu. Tôi chỉ tin lãnh đạo chịu nghe nói ngược khi thực sự có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Có tự do báo chí và tự do ngôn luận thì người ta mới có cơ sở để ‘nói ngược’. ‘Nói ngược’ ở đây không phải là nói gì ghê gớm, mà chỉ là phản biện xã hội, là những ý kiến phản biện.
Nếu "nói ngược" mà người ta không thích thì người ta sẽ chụp cái mũ đảng phái chính trị, nói không đúng tinh thần của Đảng, của Nhà nước hay nhà lãnh đạo".
Theo ông Liêu Thái, khi có tự do báo chí thật sự thì sẽ có những tờ báo không thuộc hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản. Những tờ báo đó mới có thể đăng tải những phản biện hay những thông điệp của người dân đến Chính phủ.
Ai muốn nghe "nói ngược"
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên tòa hôm 6 tháng 2/2018. AFP
Lãnh đạo Việt Nam thường hay khẳng định Việt Nam có tự do báo chí, tự do ngôn luận và có cả dân chủ - nhân quyền. Nhưng ý nghĩa dân chủ hay nhân quyền được hiểu khác nhau. Chẳng hạn như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói : "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản". Còn với Thủ tướng Chính phủ hiện nay là ông Phạm Minh Chính, thì "Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc". Ông Chính đã nói như thế tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, diễn ra vào tháng 12 năm ngoái.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn, hiện đang ở Cộng hòa Séc cho rằng, một thể chế độc đảng, độc tài không bao giờ chấp nhận những ý kiến trái chiều, những phản biện xã hội :
"Theo tôi, ai mà tin vào những điều đó thì thật là ngây thơ. Những câu như "nói thẳng, nói thật, góp ý, những việc cần làm ngay…" tôi nghe từ lâu lắm rồi nên không còn niềm tin nữa. Họ nói chỉ để mà nói thế thôi. Nó chỉ là đồ trang sức. Thực chất một chế độ độc tài không bao giờ muốn nghe những lời phản biện, cho dù đó là những lời góp ý xây dựng chân thành.
Một là họ sẽ lờ đi không nghe, hai là họ có biện pháp xử lý theo kiểu họ cho đó là gây hoang mang, tiêu cực, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng… họ cứ quy chụp như thế. Không ngạc nhiên !"
Yêu cầu nói thẳng, nói thật từng được đặt ra trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, nhưng dường như chẳng ai dám nói thẳng, nói thật. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào sáng 4/11/2021 được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu từng thành viên đoàn giám sát phải có bản lĩnh, phải dám nói thẳng, nói thật thì mới có thể tổ chức giám sát đạt kết quả như mong muốn…
Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Ngọc Tuấn, muốn mọi người nói thẳng, nói thật thì phải có báo chí tự do :
"Nó phải thay đổi tận gốc. Phải có báo chí tự do. Báo chí tự do là ‘đệ tứ quyền lực’ sau hành pháp, lập pháp và tư pháp. Báo chí có sức mạnh kiểm soát những tiêu cực xã hội, thúc đẩy xã hội dân sự phát triển. Đó là một trong những kênh để họ lên tiếng, một cách như quân sư cho giới lãnh đạo. Bởi theo quan điểm của tôi, lãnh đạo ăn lương từ tiền thuế dân thì phải làm cho tốt. Làm không tốt thì dân mắng cho. Tệ nữa thì xuống để người khác lên làm".
Nhiều ý kiến cho rằng, để có những tiếng nói thẳng thắn từ cấp dưới, từ người dân thì sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu là rất quan trọng. Nghĩa là lãnh đạo phải biết nghe "nói ngược".
Nguồn : RFA, 19/10/2022