Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/01/2021

Điểm báo Pháp – Kinh tế Việt Nam thoát hiểm trong năm 2020

RFI tiếng Việt

Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn thoát hiểm dù gặp khó vì Covid-19

 

Báo chí Pháp ra ngày hôm nay 06/01/2021 dĩ nhiên rất chú ý đến vấn đề dịch Covid-19 tại Pháp và chiến dịch tiêm chủng Covid-19 mà chính quyền Pháp muốn tăng tốc. Tình hình một số nơi khác cũng được quan tâm từ Mỹ, Cận Đông đến Trung Quốc… Đặc biệt nhất là một bài viết trên Le Figaro về kinh tế Việt Nam năm 2020 mang tựa đề "Việt Nam vươn lên nhờ máy tính".

kinhte1

Tại Vũng Tàu (Việt Nam) ngày 31/12/2020. (AP Photo/Hau Dinh)  AP - Hau Dinh

Theo Le Figaro, trong năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới mặc dù do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng 7% vào năm 2019 đã bị giảm xuống còn 2,8%. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như đã xóa được tình trạng nghèo cùng cực từ 50% dân số năm 1990 xuống còn 2% ngày nay, và đang hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%.

Tờ báo Pháp cũng nêu bật sự kiện là dù vẫn duy trì "một chế độ cộng sản độc tài", Việt Nam đã mở cửa mạnh mẽ ra quốc tế bằng cách gia nhập nhiều cơ chế thương mại tự do. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận ký kết vào tháng 7 năm 2020 với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa Việt Nam và EU trong vòng 10 năm.

Thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam, theo Le Figaro, cũng đáng tự hào và đã khá thành công với không đầy 40 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 trên đất nước có đến 96 triệu dân. Đối với tờ báo Pháp, một loạt các biện pháp nhanh chóng được đưa ra, từ cách ly hàng loạt, truy vết lây nhiễm trên quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển, đã cho phép Việt Nam để cho các nhà máy mở cửa thường xuyên hơn và nhanh chóng đưa dân trở lại làm việc.

Khó khăn trong năm qua đối với Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may và điện thoại thông minh bị đình trệ do thiếu nhu cầu từ các nước lớn phương Tây, trong bối cảnh ngành du lịch sụp đổ như mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, theo nhật báo cảnh hữu Pháp, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã kháng cự tốt, đặc biệt là nhờ lĩnh vực máy tính. Ngoài ra, quốc gia này cũng hưởng lợi từ quan hệ buôn bán quan trọng với Trung Quốc, nước láng giềng lớn đã đặc biệt phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.

Anh Quốc tái phong tỏa lần thứ ba vì Covid biến thể

Hồ sơ Covid-19 đã ngự trị trên trang nhất hầu hết các tờ báo lớn, với những hàng tựa lớn chủ yếu liên quan đến chiến dịch tiêm chủng tại Pháp. Le Monde nêu sự kiện một cách trịnh trọng : "Tiêm chủng : Chính phủ (Pháp) buộc phải tăng tốc", còn Libération cũng nói cùng một ý nhưng với lời lẽ rất bình dân : "Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn". Nhật báo kinh tế Les Echos tất nhiên chú ý đến khía cạnh kinh tế và ghi nhận : "Vac-xin : thách thức công nghiệp".

Riêng nhật báo Le Figaro thì mở rộng tầm nhìn ra toàn Châu Âu, nhấn mạnh trong hàng tựa lớn trang nhất : "Nước Anh tái phong tỏa, Châu Âu lo lắng". Đối với tờ báo, biến thể mới của con virus gây Covid-19 là một nguyên nhân khiến cho số ca nhiễm tăng vọt đột ngột tại Anh. Trong lúc đó chính phủ Pháp đang tăng tốc độ tiêm chủng để đuổi kịp các láng giềng Anh, Đức.

Trong bài "Vương Quốc Anh bị phong tỏa lần thứ ba", tờ báo cánh hữu Pháp nhắc lại rằng thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt, với việc đóng cửa các trường học, trong bối cảnh các trường hợp lây nhiễm vì biến thể mới của virus tăng vọt.

Thủ tướng Anh như vậy đã phải nhanh chóng hành động. Để biện minh cho bước ngoặt mới này, ông Johnson đã đưa ra những con số đáng lo ngại. Sau khi nhắc lại rằng biến thể mới của con virus corona "dễ lây hơn từ 50 đến 70%", ông nhắc lại rằng gần 59.000 trường hợp mới đã được phát hiện trong 24 giờ qua. Tại các bệnh viện ở Anh, số bệnh nhân nhiễm virus - gần 27.000 người - đã "tăng gần một phần ba" trong một tuần và cao hơn 40% so với mức đỉnh của đợt đầu tiên.

Lần phong tỏa thứ ba này, theo Le Figaro, rất giống với lần trước hồi tháng Ba năm ngoái, với việc đóng cửa các trường học (ngoại trừ các nhà trẻ và mẫu giáo), người Anh chỉ được ra đường vì những lý do cần thiết, các môn thể thao ngoài trời bị cấm nhưng các cuộc thi đấu chuyên nghiệp như giải bóng đá Ngoại Hạng Anh vẫn được phép. Các doanh nghiệp không thiết yếu sẽ đóng cửa, kể cả các quán rượu và nhà hàng. Các hạn chế mới đối với du lịch quốc tế dự kiến ​​s được ban hành.

Vào tối thứ Hai, thủ tướng Anh cho biết các biện pháp sẽ kéo dài đến giữa tháng Hai, nhưng bộ trưởng quốc vụ Michael Gove cảnh báo vào thứ Ba rằng phong tỏa chưa thể được dỡ bỏ trước tháng Ba. Điều đáng nói, theo Le Figaro, là có đến 79% dân chúng Anh tán thành việc tái phong tỏa này.

Pháp nâng cao cảnh giác trước biến thể mới của virus

Tình hình tại Anh dĩ nhiên khiến Pháp lo ngại. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cố gắng trấn an, cho rằng mới có khoảng 10 ca thực thụ hay tình nghi được ghi nhận trên đất Pháp.

Giới chuyên gia dịch tễ tuy nhiên cảnh giác hơn trước nguy cơ biến thể từ Anh này có thể lây lan ở Pháp như cháy rừng. Theo ông Yazdan Yazdanpanah, thành viên Hội đồng Khoa học Pháp, "con số thực tế người nhiễm bệnh ở Pháp vì biến thể mới có lẽ quan trọng hơn số 10 đến 15 ca được nói đến, và những người mang theo con virus này thực sự hiện diện khắp nước.

Theo chuyên gia Yazdanpanah, dù chưa thấy hiện tượng lưu hành đáng kể của biến thể virus này tại Pháp, nhưng do đặc trưng lây lan rất nhanh của loại siêu vi này, nguy cơ bùng phát mạnh của dịch bệnh không thể loại trừ với hệ quả là làm bão hòa công suất các bệnh viện.

Pháp bị buộc phải tăng tốc tiêm chủng Covid

Về chiến dịch tiêm chủng tại Pháp, Le Monde chạy ngay trên trang nhất hàng tựa lớn "Tiêm chủng : Chính phủ (Pháp) bị buộc phải tăng tốc".

Tờ báo ghi nhận là chính phủ đã phải loan báo các biện pháp cải thiện vấn đề tiêm chủng trong bối cảnh đối lập càng lúc càng gia tăng đả kích sự chậm trễ của chiến dịch chích ngừa. Bản thân tổng thống Pháp Macron cũng phê phán dữ dội tính chất phức tạp của chiến dịch : "Hãy đơn giản hóa không thương tiếc. Và hãy thực sự tăng tốc đi!"

Những lời chỉ trích như đã có tác dụng. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã cam đoan rằng kể từ hôm nay, 06/01, nước Pháp sẽ có được 1 triệu liều vac-xin và mục tiêu nhắm tới cho đến cuối tuần sẽ tiêm chủng được 4.000 người mỗi ngày. Khoảng 100 "trung tâm" được trang bị thuốc chủng Covid-19 sẽ được thiết lập "ngoài phố", tức là không phải ở trong các bệnh viện hay cơ sở y tế, chăm sóc chuyên biệt.

Một yếu tố đáng ngại được Le Monde ghi nhận là Bộ Kinh tế Pháp và các doanh nghiệp đang sợ rằng việc khởi động chiến dịch tiêm chủng một cách chậm chạp sẽ đẩy xa khả năng triển vọng hồi phục kinh tế.

Làm sao chích nhanh hơn

Chiến dịch tiêm chủng tại Pháp cũng ngự trị trên trang nhất của nhật báo Libération với hàng tựa lớn rất bình dân : "Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn".

Theo Libération, sau một bước khởi động ì ạch của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, chính phủ Pháp sẽ phải làm như thế nào để bắt kịp chậm trễ ? Tờ báo liệt kê một loạt biện pháp từ giảm nhẹ quy trình hành chính, phân quyền cho các hội đồng địa phương cho đến lôi kéo giới dược sĩ tham gia chiến dịch, tái tạo các "sân tiêm chủng" đại trà…

Vac-xin chống Covid, một thách thức công nghiệp

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nói về vac-xin, nhưng dưới khía cạnh công nghiệp, với hàng tựa lớn trang nhất : "Vac-xin : thách thức công nghiệp".

Theo tờ báo, tại Châu Âu, áp lực đang gia tăng trên các chính quyền do việc các chiến dịch tiêm chủng đều diễn tiến chậm chạp. Trước sự mong đợi của mọi người, các viện bào chế đang làm hết sức mình để nâng cao năng lực sản xuất các loại vac-xin dựa trên công nghệ ARN thông tin.

Bên cạnh đó, một làn sóng vac xin dựa trên các công nghệ khác sắp được tung ra trong những tháng tới đây. Les Echos điểm qua khả năng sản xuất và giao hàng của các hãng dược phẩm.

Trung Quốc : Mã Vân "mất tích" sau khi bị thất sủng

Riêng về Trung Quốc, các báo Pháp tiếp tục chú ý đến sự kiện tỷ phú Trung Quốc Mã Vân bị "mất tích", một điều không hiếm đối với các nhân vật nổi tiếng trong chế độ cộng sản sau khi bị thất sủng.

Trên trang quốc tế của mình, nhật báo công giáo Pháp La Croix đã có một bài viết dài để mô tả chân dung của "Jack Ma (tức Mã Vân), nhà vô địch trong ngành kỹ thuật số Trung Quốc".

La Croix ghi nhận thực tế là người từng được xem là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, lại đang nằm trong tầm ngắm của chế độ Bắc Kinh cho dù tập đoàn lớn của ông đã giúp chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.

Là một lãnh đạo có tầm nhìn nhưng không chịu khép mình vào khuôn pháp, là doanh nhân giàu nhất Trung Quốc, Mã Vân hiện đang bị điều tra vì "lạm dụng tư thế thống trị". Tập đoàn Alibaba mà ông thành lập năm 1999 trong một căn hộ đơn sơ ở Hàng Châu, một thành phố phía nam Thượng Hải, với số vốn tương đương 50.000 euro, nay đã trở thành một kẻ khổng lồ của ngành thương mại điện tử Trung Quốc, với hơn 100.000 nhân viên và đang mở rộng hoạt động ra ngoài nước.

Không chỉ chuyên việc bán hàng qua mạng, Alibaba còn là nhà vô địch về lưu trữ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và game trực tuyến. Công ty con là Ant Group, thì quản lý hệ thống thanh toán di động, Alipay, được 730 triệu người Trung Quốc sử dụng hàng tháng, đồng thời phân phối các khoản cho vay tiêu dùng và bảo hiểm.

Đối với La Croix, Jack Ma đã có công đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại, nhưng phải chăng là ông đã đi quá xa ? Có thể là như vậy, nhưng điều chắc chắn, theo tờ báo Pháp là các lãnh đạo Trung Quốc đã thấy lo sợ trước con quái vật tài chính mà Ant Group đã trở nên trong mắt họ, đặc biệt là khi tập đoàn này đã có hoạt động cấp phát tín dụng trên mạng theo một cách mà chính quyền trung ương không kiểm soát được.

2020 và những mảnh đời cụ thể

Trái với các đồng nghiệp đã dành trang nhất cho hồ sơ Covid-19, nhật báo La Croix đã thu hút sự chú ý của độc giả trên một đề tài xã hội qua hàng tựa : "Năm 2020 đã thay đổi đời tôi như thể nào".

Đối với tờ báo đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã khiến cuộc sống của người dân Pháp bị đảo lộn, cho dù họ có bị mắc bệnh hay không. Để hiểu được mức độ của những chấn động, tờ báo công giáo đã mở diễn đàn cho 5 người mà các phóng viên của tờ báo đã gặp khi đi làm phóng sự, để họ cho biết cuộc khủng hoảng này đã thay đổi họ như thế nào.

Từ một hiệu trưởng trường trung học, cho đến một nhà sản xuất rượu nho, tất cả đều giải thích là dịch bệnh đã thay đổi những gì trong cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp hoặc xã hội của họ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)