Cảnh sát Úc bắt giữ 14 người Việt trồng cần sa bất hợp pháp
RFA, 26/10/2020
14 người Việt ở bang New South Wales, Australia vừa bị cảnh sát địa phương bắt giữ do trồng cần sa bất hợp pháp.
ABC, ngày 25/10/2020, loan tin về vụ cảnh sát bang New South Wales, Australia bắt giữ 14 người Việt trồng cần sa bất hợp pháp. Courtesy : Ảnh chụp màn hình abc.net.au
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 26/10, dẫn lời của ông John Watson, sĩ quan cao cấp thuộc Đội điều tra ma túy và vũ khí địa phương, cho biết vụ việc bắt giữ vừa nêu nằm trong một kế hoạch được lập ra hồi tháng 11/2019 để điều tra tình hình trồng và tiêu thụ cần sa tại bang New South Wales.
Tin cho biết cảnh sát đã đột nhập và khám xét 3 căn nhà ở Minimbah, Melinga và Moorland vào cuối tuần trước và đã tìm thấy hơn 13.300 cây cần sa, có giá trị ước tính đến 40 triệu USD.
Ông John Watson cho biết thêm rằng đã có 14 người Việt bị bắt giữ liên quan số lượng lớn cần sa được tìm thấy. Những người Việt bị bắt ở tuổi từ 22 đến 44 và tất cả họ được đưa về đồn cảnh sát Taree. 14 người Việt này bị truy tố với cáo buộc tội trồng, cung cấp cần sa, chất bị cấm và tham gia vào các nhóm tội phạm.
Ông John Watson nhấn mạnh rằng đây là vụ bắt giữ và tịch thu cần sa lớn nhất kể từ thập niên 1970 đến nay.
14 người Việt vừa bị cảnh sát bang New South Wales bắt giữ bao gồm thường trú nhân ở Úc, du học sinh và một số người cư trú bất hợp pháp.
Tòa án địa phương Taree từ chối cho bảo lãnh 14 người Việt vừa bị bắt và dự kiến sẽ mở phiên tòa xét xử họ vào tháng 1/2021.
*********************
"Cắt điện, cắt nước để cưỡng chế vi phạm hành chính là sai luật và không nhân văn"
RFA, 26/10/2020
Quốc hội tiếp tục tranh luận
Truyền thông Nhà nước Việt Nam tường thuật Quốc hội, vào ngày 22/10, tranh luận vấn đề có nên áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước để cưỡng chế vi phạm hành chính hay không.
Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà. RFA
Theo ghi nhận, Đại biểu quốc hội có hai luồng ý kiến rõ rệt là ủng hộ và phản đối. Điển hình như quan điểm của ông Bùi Quốc Phòng, Đại biểu quốc hội thuộc tỉnh Thái Bình, cho rằng cần phải bổ sung quy định cắt điện, cắt nước để đảm bảo trật tự, kỹ cương quản lý nhà nước. Ông Bùi Quốc Phòng nêu lên ví dụ về cá nhân hay tổ chức gây ô nhiễm môi trường và nếu như không cắt điện, cắt nước thì họ sẽ tiếp tục hành vi gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của cộng đồng.
Đại biểu đến từ Long An, bà Phan Thị Mỹ Dung trưng dẫn tình trạng nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian những năm qua xây dựng trái phép và dù chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công nhưng vẫn không có tác dụng. Do đó, bà Phan Thị Mỹ Dung cho rằng nếu không có giải pháp hữu hiệu buộc phải dừng ngay hoạt động, hành vi vi phạm vẫn tiếp tục. Cho nên biệp pháp ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước thì các hành vi vi phạm sẽ bị buộc phải dừng lại ngay.
Trong khi đó, đối với ý kiến phản đối thì Đại biểu Ma Thị Thúy, đại diện cử tri đoàn tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh việc cắt điện, nước là vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc xử phạt. Việc cung cấp dịch vụ điện, nước thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ do luật khác điều chỉnh. Bà Ma Thị Thúy kết luận rằng biện pháp cắt điện, cắt nước cho thấy sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước.
Vấn đề về đề xuất cắt điện, cắt nước để cưỡng chế vi phạm hành chính được Quốc hội Việt Nam tiếp tục tranh luận trong kỳ họp thứ 2. Trước đó, các Đại biểu quốc hội cũng tỏ rõ hai ý kiến trái ngược nhau. Không ít Đại biểu quốc hội qua các kỳ họp trong năm 2020 lên tiếng rằng biện pháp cắt điện, cắt nước để cưỡng chế vi phạm hành chính là "thể hiện sự bất lực" của chính quyền, chưa thuyết phục, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong Luật Dân sự và không thể hiện tính nhân văn.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng tại phiên họp Quốc hội ngày 22/10/2020. Courtesy : quochoi.vn
Đề xuất bị sai luật và không có tính nhân văn
Luật sư Đặng Dũng, từ thành phố Hồ Chí Minh khẳng định với RFA rằng đề xuất này là trái với Luật Dân sự.
"Khi người dân ký hợp đồng với cơ quan cung cấp điện hay nước thì không có điều khoản cắt điện, cắt nước của khách hàng khi người ta bị nhà nước sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chính. Thành ra dùng biện pháp cắt điện và nước để như là một cách gây áp lực đối với người dân thì cho nghĩ rằng không đúng luật. Kết luận của tôi là như vậy".
Đài RFA ghi nhận qua trang fanpage của báo giới chính thống, ý kiến của nhiều độc giả cho rằng việc áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước như thế là không đúng vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân và là quan hệ dân sự giữa nhà cung cấp với khách hàng.
Luật sư Đặng Dũng trình bày quan điểm của ông với RFA :
"Đúng như nhiều ý kiến trong dư luận nói rằng biện pháp đó là hình thức không có tính nhân văn chút nào hết, và thứ hai nữa là nó vi phạm pháp luật. Thành ra, tôi tin rằng cũng sẽ có những Đại biểu quốc hội thấy được tình hình như thế cho nên sẽ chưa có quyết định cuối cùng đâu ; mặc dù phe muốn sử dụng biện pháp đó đã đưa ra để tiếp tục thảo luận. Nếu như biện pháp đó được thực hiện thì sẽ có một loạt những biện pháp thay đổi những hợp đồng ký kết đối với các cơ quan cung cấp điện, nước và người dân cũng có thể kiện hành chính. Do đó, nhà nước áp dụng nhưng biện pháp thiếu nhân văn và vi phạm pháp luật như vậy thì chắc chắn họ phải cân nhắc kỹ lưỡng lắm. Bởi vì nếu không thì họ phải đối phó với rất nhiều vấn đề".
Trong khi các Đại biểu quốc hội vẫn đang tranh luận về đề xuất cắt điện và nước để cưỡng chế vi phạm hành chính thì trong thực tiễn đời sống, biện pháp này đã được chính quyền địa phương áp dụng.
Ông Cao Thăng Ca, một cư dân Thủ Thiêm kể lại với RFA :
"Khi có quyết định và thông báo cưỡng chế rồi thì chính quyền địa phương yêu cầu Công ty Điện lực và Công ty cấp nước tháp tùng đến cắt điện và cắt nước lúc họ tiến hành cưỡng chế. Tức là người dân còn hợp đồng và không vi phạm hợp đồng gì hết mà Công ty Điện lực và Công ty cấp nước của quận 2 tự động cắt điện, cắt nước của dân. Sau đó, hai công ty này đòi truy thu những tháng ngày người dân sử dụng mà họ chưa kịp thu thì người dân không đóng. Tại vì, họ vi phạm hợp đồng chứ người dân không vi phạm hợp đồng thì tại sao người dân phải đóng số tiền đó. Thí dụ như trường hợp của tôi thì họ xuống khu tạm cư và yêu cầu tôi phải đóng khoản tiền đó, nếu không thì họ cắt điện và nước tại khu tạm cư của tôi luôn. Tôi bảo với họ rằng tôi thách họ cắt điện và nước tại khu tạm cư tôi sống và tôi sẽ thưa họ ra tòa. Thế thì họ im luôn và không nói gì tới nữa".
Ông Cao Thăng Ca và những người dân Thủ Thiêm chia sẻ rằng nếu như đề xuất cắt điện, cắt nước được Quốc hội thông qua thì người dân Việt Nam càng khốn khó và khổ sở hơn, nhất là liên quan đến tranh chấp đất đai giữa chính quyền với dân chúng.
Còn giới luật sư, như luật sư Đặng Dũng quả quyết rằng biện pháp bị sai luật và không có tính nhân văn mà vẫn được thực thi thì trong tương lai giới luật sư trong nước sẽ phải giúp đỡ cho người dân về pháp lý liên quan biện pháp cưỡng chế mới này. Thế nhưng, quan trọng hơn hết là niềm tin của người dân đối với Nhà nước và Chính quyền Việt Nam càng bị lung lạc bởi một quy định như thế.
***********************
Lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề : bày thêm giấy phép ?
RFA, 26/10/2020
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, hôm 24/10 năm 2020 trình Quốc hội dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đáng chú ý là quy định : "Ngoài giấy phép lái xe, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải buộc phải có ‘Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải’ do Bộ Giao thông và vận tải cấp".
Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam vừa trình dự thảo quy định, ngoài bằng lái xe, người lái xe có kinh doanh vận tải buộc phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Giao hông- Vận tải cấp. Courtesy 8kbiz
"Gây khó cho người dân"
Là chủ một doanh nghiệp vận tải, cũng là một tài xế lái xe chở khách liên tỉnh, ông Võ Minh Đức hôm 26/10 cho RFA biết ý kiến của mình về quy định phải có ‘Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải’ này :
"Suy nghĩ đầu tiên của tôi về vấn đề này là họ hình như muốn thu tiền, muốn thu phí, họ đẻ ra nhiều thứ phí lắm... Bây giờ người ta có giấy phép lái xe, trường nghề dạy rồi, tự nhiên lại đẻ ra thêm giấy phép hành nghề nữa. Trong khi bọn tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng, có đóng thuế, có vào hợp tác xã... chứ đâu phải chạy lụi. Về cơ bản người hành nghề lái xe đã học nghề thì kiếm sống bằng nghề lái xe là bình thường. Tôi không hiểu vì sao mấy ổng lại đẻ ra giấy phép con đó. Cũng cái xe tải của bọn tôi, ai nhìn cũng biết là xe tải, nhưng họ lại bắt bọn tôi phải nộp phí để lấy 1 miếng giấy trên đó có ghi chữ ‘xe tải’ (!?)".
Ông Võ Minh Đức cho rằng, việc bắt nộp phí để lấy 1 miếng giấy in chữ ‘xe tải’ thì người dân ai cũng hiểu, chỉ nhằm mục đích thu tiền chứ không phải để phân biệt xe tải với xe khác. Ông nói tiếp :
"Vừa rồi họ cũng đã đẻ ra cái bảng số màu vàng là xe có kinh doanh vận tải hàng hóa hay hành khách. Trong khi trên xe kinh doanh đều có logo hợp tác xã, bây giờ tự nhiên bắt người ta đổi bảng số màu vàng để phân biệt là kinh doanh hay không kinh doanh. Trong giấy tờ hành chính cũng đã có đầy đủ yếu tố kinh doanh, nếu cảnh sát giao thông kiểm tra thì có đầy đủ để biết. Là một người dân thì tôi hiểu là họ muốn đẻ ra để thu phí, để gò người dân vào một khuôn mẫu theo ý của họ. Họ cứ nói cải cách hành chính, nhưng họ cứ đẻ ra những giấy phép con như thế để làm khó người dân".
Thêm giấy phép con
Theo dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải cũng quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải. Trong đó quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Như vậy, sau khi việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển sang Bộ Công an thì Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung thêm quy định về chứng chỉ hành nghề bên cạnh giấy phép lái xe.
Một tài xế taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 13/02/2020. Reuters
Với một trình tự quy định việc đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải, giới tài xế cho rằng chẳng khác nào Bộ Giao thông và vận tải vừa mất quyền cấp bằng lái đã tạo ra một ‘bằng lái’ khác !
Dưới góc nhìn của người hiểu biết về luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hôm 26/10 nói với RFA :
"Đây mới chỉ là một dự thảo của Luật giao thông đường bộ mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải vừa trình Quốc hội hôm 24/10 vừa qua. Trong đó quy định người có giấy phép lái xe ô tô, mà muốn hành nghề lái xe kinh doanh vận tải thì phải được đào tạo nghiệp vụ kinh doanh vận tải và phải được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Quy định chứng chỉ hành nghề này được Bộ Giao thông và vận tải bổ sung thêm khi nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Giao thông và vận tải sang Bộ công an".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết như vậy có hai luật... và việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được tách từ Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm an toàn giao thông do Bộ công an chủ trì cũng đang trình Quốc hội thông qua. Ông nói tiếp :
"Theo tôi, chúng ta cần cân nhắc quy định này, vì nếu bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh sẽ làm phát sinh thêm một giấy phép, cần phải nghiên cứu chỉnh lý để nó không trùng lắp giữa hai luật này, tránh gây phiền hà cho các tổ chức cá nhân tham gia giao thông, cũng bảo đảm tính khả thi của luật nếu được thông qua".
Theo ông Võ Minh Đức, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề lái xe còn nảy sinh thêm vấn đề đối với những người tận dụng xe của mình để tìm thêm thu nhập cho gia đình khi kinh tế khó khăn. Họ không phải người chuyên nghiệp kinh doanh vận tải, họ là công nhân, nhân viên hay viên chức làm công việc khác... rồi thứ bảy chủ nhật rảnh kiếm theo thu nhập bằng cách lái xe công nghệ... thì có phải quy định này đã làm khó cho người dân không ?
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 26/10, Ông Nguyễn Kế Quang, một kỹ sư xây dựng ở Quy Nhơn, Bình Định, nhận xét :
"Nếu cứ theo như anh Thể đề xuất thì vào một ngày đẹp trời nào đó, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ yêu cầu người có bằng tốt nghiệp trường/ngành sư phạm phải có chứng chỉ hành nghề dạy học mới được làm giáo viên ; Bộ y tế sẽ yêu cầu người có bằng tốt nghiệp trường y và đã làm bác sĩ, thì phải có chứng chỉ hành nghề y mới được chữa bệnh !
Theo ông Nguyễn Kế Quang, trong khi chính phủ ‘liêm chính, hành động, kiến tạo’ chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, dẹp bỏ nhiều loại giấy phép con thì nhiều ngành cứ nghĩ ra cách làm phiền công dân, tổ chức, doanh nghệp. Ông nói tiếp :
"Một khi công dân có một loại bằng cấp ở lĩnh vực nhất định nào đó (bằng lái xe chẳng hạn), nếu họ muốn thành lập doanh nghiệp để hành nghề thì đã có Luật doanh nghiệp điều chỉnh, sao lại phải đẻ thêm một loại giấy phép con như thế ?
Xã hội không ngừng phát triển thì trình độ các quan chức nhà nước phải không ngừng nâng lên để quản lý ngày càng tốt hơn. Không nên vì trình độ quản lý của mình không theo kịp sự phát triển của xã hội thì mình ‘kéo’ sự phát triển đó lùi lại cho phù hợp với trình độ của mình !"
Vào tháng 8/2019, Sở Giao thông và vận tải Hà Nội cũng đề xuất một dự thảo quy định : ‘Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp, hay còn gọi là thẻ hoạt động vận chuyển, do cơ quan có thẩm quyền cấp’.
Ngoài ra, tài xế xe ôm còn phải tuân thủ 4 điều kiện bắt buộc như : Giấy chứng nhận đăng ký xe ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề ; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa, khi tham gia hoạt động. Dư luận khi đó đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.