Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/07/2019

Vụ Bãi Tư Chính : Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn thường lệ

RFI tiếng Việt

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính (RFI, 25/07/2019)

Hà Nội hôm 25/07/2019 yêu cầu Trung Quốc "rút ngay lập tức" chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

vntq1

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh họp báo ngày 25/07/2019. Reuters/Kham

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay tuyên bố : "Việt Nam đã có nhiều biện pháp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, các lực lượng chức năng Việt Nam đã triển khai các biện pháp theo đúng pháp luật. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định : "Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".

Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua Hà Nội lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, và ngày càng tỏ ra kiên quyết hơn.

Giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ hôm nay 25/7 ghi nhận tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 vẫn tiếp tục hoạt động tại bãi Tư Chính, ngoài ra còn có thêm sự hiện diện của một tàu hải cảnh Trung Quốc 5.000 tấn mang số hiệu 3501.

Báo chí trong nước cho biết thêm, giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động tại lô 06.1 bể Nam Côn Sơn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam sẽ kéo dài hoạt động thêm một tháng rưỡi, đến hết ngày 15/9, thay vì rút đi vào ngày 30/7 như dự kiến. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đề nghị tàu bè cần di chuyển cách xa giàn khoan.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Cục Địa Chất Trung Quốc từ ngày 3/7 thăm dò tại khu vực bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Cũng theo CSIS, trước khi phát hiện được chiếc thăm dò tàu này, các tàu tuần duyên cỡ lớn trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc cũng đã lao thẳng vào giữa hai tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan Rosneft liên doanh với Nga tại lô 06.1 một cách nguy hiểm, nhằm đe dọa.

Cuối tuần rồi Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc và đội ngũ "dân quân biển" chấm dứt việc quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác tại Biển Đông. Bắc Kinh tố cáo Washington "vu khống".

Thụy My

****************

Chống Trung Quốc ở Biển Đông : Việt Nam làm gương cho Duterte ? (RFI, 25/07/2019)

Trong những ngày qua, thời sự Biển Đông nổi cộm với vụ Trung Quốc vào đầu tháng cho tàu vào khảo sát khu vực Bãi Tư Chính gần Trường Sa, đồng thời sách nhiễu tàu tiếp tế phục vụ cho một giàn khoan dầu cho Việt Nam. Đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã lập tức cho tàu chấp pháp của mình ra ngăn chặn, và đã công khai lên tiếng đòi Trung Quốc rút tàu đi.

vntq2

Một tầu hải cảnh Trung Quốc (trắng) gần một con tầu của cảnh sát biển Việt Nam tại Biển Đông, khoảng 210 km (130 hải lý) ngoài khơi Việt Nam, ngày 14/05/2014. Reuters / Nguyễn Minh

Trong lúc Việt Nam có phản ứng dứt khoát nhằm ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, Philippines, một nước Đông Nam Á khác mà vùng đặc quyền kinh tế (gần đây nhất là tại khu vực Bãi Cỏ Rong) bị Trung Quốc xâm phạm, lại không nói gì. Thậm chí, trong thông điệp gởi toàn quốc hôm 22/07/2019, tổng thống Duterte lại công khai nhắc lại quan điểm "chủ bại" của ông khi cho rằng Trung Quốc đã "chiếm hữu và kiểm soát" được Biển Đông rồi, sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại hùng hậu hơn Philippines gấp bội, vì thế không nên đụng với Bắc Kinh.

Trước hai cách phản ứng chống lại các hành động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thay vì có phản ứng khiếp nhược trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, Manila nên học tập cách ứng phó của Việt Nam.

Thói thường của Trung Quốc : Mềm nắn, rắn buông

Trong bài viết : "Malaysia và Việt Nam cho thấy là Philippines có thể kháng lại Trung Quốc - Malaysia, Vietnam show PH can stand up to China", tờ báo mạng Philippines Rappler ngày 23/07/2019 đã trích lời chuyên gia Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (CSIS) tại Washington, cho rằng : "Khi các nước có yêu sách chủ quyền (trên Biển Đông) chủ động vùng lên và không để mình bị hù dọa, trong đa số trường hợp, Bắc Kinh đều lùi bước, thay vì dùng võ lực".

Ghi nhận trước tiên của tờ Rappler là Malaysia và Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động dầu khí ở Biển Đông bất chấp các cuộc chạm trán căng thẳng với tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển của mình. Điều đó cho thấy là Philippines có thể chống lại các hoạt động xâm lược của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho thăm dò dầu khí ở Biển Đông (mà Manila đã cải tên thành Biển Tây Philippines).

Trả lời phỏng vấn của trang mạng Rappler, ông Poling nêu bật sự kiện là cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Malaysia với Trung Quốc hiện đang diễn ra gần các giàn khoan dầu nằm ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước Đông Nam Á.

Dù bị Trung Quốc sách nhiễu, giàn khoan Việt Nam vẫn hoạt động

Liên tưởng đến khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Philippines, được cho là có trữ lượng dầu khá lớn mà Manila rất muốn khai thác, chuyên gia Mỹ cho rằng nếu thúc đẩy việc thăm dò khu vực này mà không được phép của Trung Quốc, thì chắc chắc Philippines sẽ bị "những kiểu sách nhiễu tương tự".

Bãi Cỏ Rong là một khu vực ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hiện do Manila kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Diễn biến tình hình hiện nay giữa Malaysia và Việt Nam với Trung Quốc, theo ông Poling, có thể giúp cho Philippines một bài học : Đó là "trong cả hai trường hợp Malaysia và Việt Nam, hành vi quấy rối của Trung Quốc đã không thể ngăn các giàn khoan Malaysia và Việt Nam hoạt động".

Duterte cần học cách phản ứng cứng rắn của Aquino và Việt Nam

Nhận định về các hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Malaysia, giám đốc AMTI cho rằng điều đó cho thấy là chiến lược của Trung Quốc chỉ là sách nhiễu và hù dọa chứ không phải là dùng võ lực.

Trong chiều hướng đó, ông Poling khẳng định rằng nếu bị kháng cự, Bắc Kinh sẽ lùi bước. Chuyên gia Mỹ nhắc lại rằng vào năm 2014, thời tổng thống Aquino, chính quyền Philippines đã chống lại việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal, mà người Philippines gọi là Ayungin), và "đó là điều mà chính quyền Malaysia và Việt Nam đang làm".

Không chống lại Trung Quốc sẽ phải trả giá

Theo các nhà phân tích, nếu không làm gì để chống lại các hành vi sách nhiễu của Trung Quốc, Philippines tất nhiên sẽ phải trả giá.

Theo Rappler, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng gây chiến với Philippines nếu nước này khẳng định quyền của mình ở Biển Đông. Đối với các chuyên gia, đây là một lập luận sai lạc. Mặc dù vậy, ông Duterte tiếp tục nhắc lại các mối đe dọa về nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc mà Philippines chắc chắn sẽ bị thảm bại trong bài diễn văn gởi toàn quốc hôm 22 tháng 7 vừa qua.

Theo ông Poling, cho dù việc Philippines tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông hàm chứa một số rủi ro, nhưng Manila sẽ phải trả giá nặng nề hơn khi từ bỏ việc khẳng định các quyền hợp pháp của mình trong vùng biển của mình.

Chuyên gia Mỹ xác định nguyên văn như sau : "Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố thêm quan hệ liên minh với Hoa Kỳ, làm cho rõ rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến sự can thiệp của Mỹ, đồng thời bền bỉ khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt sẽ không có kết quả".

Lời kết luận của ông Poling rất rõ ràng khi ông nhắc đến cách đối phó của Việt Nam : "Người ta sẽ không bao giờ nghe thấy các quan chức Việt Nam công khai than thở rằng họ không thể khẳng định các quyền của nước họ, vì họ không thể chiến đấu chống lại Trung Quốc. Ngược lại là khác, người Việt Nam đã chiến đấu chống Trung Quốc, đồng thời cho rằng bản thân Trung Quốc cũng không muốn chiến tranh như mọi nước khác".

Biển Đông : Bắc Kinh không đối xử được với Hà Nội như với Philippines

Khác biệt trong đối sách Trung Quốc của Việt Nam và Philippines cũng đã được nhật báo Mỹ Forbes chú ý khi vừa xuất hiện những thông tin đầu tiên về vụ Việt Nam đưa tàu ra ngăn chặn tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính.

Trong bài viết ngày 13/07 mang tựa "Biển Đông : Bắc Kinh không thể đối xử với Việt Nam như là đối với Philippines - Beijing Shouldn't Treat Vietnam Like The Philippines", tờ báo Mỹ đã đăng ý kiến riêng của chuyên gia Panos Mourdoukoutas, công tác viên của Forbes.

Theo chuyên gia này, Bắc Kinh cũng muốn áp dụng chính sách chiêu dụ Hà Nội như đã thành công khi thuyết phục được ông Duterte "trở cờ", và lặng thinh nhìn Trung Quốc hoành hành tại vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Thế nhưng Bắc Kinh đã thất bại.

Theo ông Mourdoukoutas, liên quan đến tranh chấp Biển Đông, chính sách chiêu dụ của Bắc Kinh không thành công với Việt Nam, và Hà Nội không xem Bắc Kinh là một người "bạn", giống như cách mà Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ. Điều này đã được thấy khi Việt Nam triển khai lực lượng để đối đầu với tàu Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp với Hà Nội.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)