Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những người đứng đầu nhà nước Việt Nam là những người giàu mơ ước. Họ mơ ước Sài Gòn trở thành Paris, Hà Nội trở thành Singapore, Nha Trang trở thành Hawaii, Cần Thơ trở thành Venise… Và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mơ ước Việt Nam là bạn "của những người giỏi nhất". Liệu ước mơ này có trở thành sự thật ?

chim1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : "Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu".

"Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 ngày 13/9 (1).

Thủ tướng Phúc đã không đưa ra tiêu chí thế nào là người giỏi nhất khi mà người giỏi trộm cắp, người giỏi lừa đảo, người giỏi cờ bạc, người giỏi đâm chém, người giỏi chém gió... đều được hiểu là người tài giỏi. Nếu xác định "người giỏi nhất" theo tiêu chí là người có tài kinh doanh, người có nhiều ý tưởng, nhà quản trị và điều hành giỏi, chuyên gia giỏi, người có khả năng sáng tạo và phát minh…, liệu nhà nước Việt Nam có trở thành người bạn tốt của "những người giỏi nhất", hay nói cách khác, có thu hút được nhân tài của thế giới ? Hãy ngược dòng lịch sử !

Ngay sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã dùng nhiều giải pháp để lôi kéo đội ngũ trí thức đứng vào hàng ngũ của mình. Nhiều trí thức người Việt sống ở nước ngoài vốn không hiểu chủ nghĩa cộng sản đã nhanh chóng gia nhập, trong đó có những trí thức lừng danh như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo.

Ngoại trừ kỹ sư chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa có phần nào phát huy được phẩm chất kỹ thuật, đa phần các trí thức khác đều bị thui chột tài năng, và sống một cuộc sống đầy u uẩn. Triết gia Trần Đức Thảo là một thí dụ điển hình. Nhiều trí thức tài hoa đi theo Việt Minh cũng nhanh chóng bỏ ngũ, mà sự "dinh tê" (về thành phố, về vùng Pháp đóng) của nhạc sĩ Phạm Duy là một ví dụ sinh động. Có thể nói trong giai đoạn 1946-1953, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không thất bại nhưng cũng chẳng thành công trong việc thu hút nhân tài.

Mọi chuyện bắt đầu khác đi, hay nói cách khác, chính quyền Hà Nội kể từ ngày trở thành ông chủ của Hà Nội vào năm 1954 đã nhận thất bại trong việc chiêu dụ và giữ chân nhân tài.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đã có khoảng một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có gần 310.000 người được đưa đến miền Nam bởi Hải quân Hoa Kỳ, và 500.000 dân được đưa đến miền Nam bởi quân đội Pháp. Trong khi đó 14.000–45.000 cư dân và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Sự chênh lệnh về số lượng người lựa chọn di cư chắc chắn phản ánh một điều rằng, có sự chênh lệch về sự lựa chọn di cư của tầng lớp tinh hoa.

Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vào cuối năm 1954, cả miền Bắc có 1.800 sinh viên nhưng đã có 1.200 sinh viên lựa chọn di cư vào miền Nam. Đa phần các trí thức miền Bắc vốn yêu thích văn hóa Pháp cũng chọn con đường Nam tiến để tìm đến bến bờ mới. Có thể nói, kể từ năm 1955, miền Bắc chỉ có tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa có đặc tính tuân theo, thụ động, không phản biện và không có tư duy sáng tạo.

Cũng từ năm 1955 trở đi, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có hàng trăm trí thức và văn nghệ sĩ đã bị cầm tù, cải tạo, giam giữ do có những tiếng nói khác với tiếng nói của chính quyền. Trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền, giới trí thức và văn nghệ sĩ đành phải chôn mình vào sự cô đơn như những con ốc mượn hồn.

Không có tầng lớp trí thức đúng nghĩa, không có tầng lớp doanh nhân tinh hoa đúng nghĩa, trong suốt hàng chục năm trời miền Bắc đã không cho ra đời một sản phẩm có uy tín.

Còn ở miền Nam Việt Nam thì sao ? Có thể nói đó là nơi hội tụ tinh hoa Việt để làm nên những giá trị và thành tựu khá rực rỡ. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là minh chứng rõ nét. Vị giáo sư không gian này sinh ra ở Yên Bái nhưng đã lựa chọn miền Nam tự do làm quê hương chính. Ông được cả thế giới khoa học không gian biết đến và ngưỡng mộ khi thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền Apollo của NASA. Những lý thuyết của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền Con thoi trở về trái đất an toàn.

Có đội ngũ trí thức giỏi, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao dù ngập tràn binh lửa. Vào năm 1972, Sài Gòn chế tạo thành công máy bay huấn luyện quân sự hai chỗ ngồi mang tên Tiền Phong 001. Vào năm 1974, Sài Gòn cho xuất xưởng mẫu xe hơi La Dalat. Trước năm 1975, miền Nam có những thương hiệu và nhãn hàng nổi tiếng Châu Á như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos (sau đó đổi tên thành P/S và đã bán lại cho một hãng Mỹ), dầu gió Nhị Thiên Đường, sơn Đông Á, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gội Lan Hảo, kem đánh răng Dạ Lan….

Sau biến cố 30/4/1975, Việt Nam được thống nhất. Nhưng các chính sách tàn bạo và sai lầm của Hà Nội như chính sách cải tạo (thực chất là tù không án) đối với quân nhân và viên chức Việt Nam Cộng Hòa, chính sách cải tạo công thương nghiệp (thực chất là quốc hữu hóa), thay thế các chuyên gia giỏi bằng những người tầm thường trưởng thành từ rừng rú… đã nhanh chóng biến miền Nam thịnh vượng thành một miền Nam tan hoang.

Từ năm 1976 đến năm 1989, có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam, trong đó có tầng lớp tinh hoa nhất, đã bỏ nước ra đi để tìm đến bến bờ mới dù biết có thể phải bỏ mạng trên biển cả. Cuộc di cư đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại đã làm nảy sinh một từ vựng mới đau lòng : thuyền nhân. Trong thời gian đó, ở Việt Nam xuất hiện hai câu thơ khuyết danh tác giả nhói lòng : "Người tài thì đã vượt biên- ở lại một lũ vừa điên vừa khùng".

Sau khi Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam cũng thất bại trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài và giữ chân người giỏi trong nước. Cho dù được ưu đãi về các loại thuế và giá thuê đất, không có một hãng công nghệ nào đặt đại bản doanh hoặc cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hay khu công nghệ cao quận 9- Sài Gòn vẫn chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp trong nước, và những tay chơi nước ngoài có vị thế làng nhàng. Không có trường đại học danh tiếng nào của thế giới mở cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam, và dĩ nhiên là không có một đội ngũ giáo sư người nước ngoài ở sống, nghiên cứu và giảng dạy chuyên nghiệp ở Việt Nam. Các trí thức Việt kiều cũng không chọn Việt Nam là điểm đến để sống, lao động, sáng tạo và cống hiến.

Những giáo sư lừng danh như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn... cũng chọn con đường định cư ở nước ngoài để có điều kiện cống hiến cho khoa học và cho sự tiến bộ của nhân loại. Hiện tại, mỗi năm có hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam vẫn chọn con đường ở lại nước ngoài để có cơ hội tốt hơn. 100% người chiến thắng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở Úc đã ở lại Úc để làm việc. Họ hiểu, họ chỉ phát huy được năng lực và trí tuệ của mình ở một môi trường khác hẳn Việt Nam.

Việt Nam chưa bao giờ thu hút được người giỏi, người tài trong tất cả mọi lĩnh vực. Tại sao lại thế ? Có thể người giỏi của thế giới sợ hãi một Việt Nam có giao thông lộn xộn ? Có thể họ sợ Việt Nam có môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại ? Có thể là thế, nhưng chưa đủ.

Điều quan trọng nhất, những người giỏi, người tài cần có tự do tuyệt đối để thể hiện, để khẳng định mình và để sáng tạo. Nhưng ở Việt Nam, tự do là một món hàng xa xỉ. Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sáng tạo, tự do học thuật, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do xuất bản, tự do biểu diễn... những tiền đề nền móng cho sáng tạo. Không có sáng tạo, người giỏi, người tài không thể hiện được mình, và họ cùn mòn đi. Và dĩ nhiên, khi không có sáng tạo, đất nước sẽ không theo kịp bước tiến thần tốc của kỷ nguyên số, đất nước mãi mãi rơi vào bế tắc và đói nghèo.

Người tài giỏi bao giờ cũng tìm đến những xứ sở tự do, hay nói cách khác, môi trường tự do luôn có sức hấp dẫn với những người tài giỏi. Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Úc, New Zealand... luôn luôn là những đích đến của những người thông minh và tài giỏi.

Nếu "muốn làm bạn với những người giỏi nhất", Việt Nam phải xây dựng bằng được một thiết chế xã hội thật sự tự do và các khung pháp lý để bảo vệ tự do. Chim bao giờ cũng đến đậu ở những mảnh đất hiền lành, không bao giờ đậu ở những mảnh đất đầy rẫy cạm bẫy và cấm đoán.

Tam Don

Nguồn : VNTB, 24/09/2018

(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/wef-asean/phat-bieu/thu-tuong-viet-nam-muon-lam-ban-voi-nhung-nguoi-gioi-nhat-3808776.html

Published in Diễn đàn
lundi, 09 juillet 2018 07:28

Ai thực hiện hành vi khủng bố ?

Đâu là thực, đâu là hư trong vụ án khủng bố bằng quả nổ vào trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh ?

Những thông tin chọi nhau

Vào ngày 5/7, công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ đã phá án thành công vụ "khủng bố" bằng quả nổ vào công an phường 12, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 6 vừa qua. Theo đó, công an đã bắt 4 đối tượng khủng bố và 4 đối tượng bán thuốc nổ. Công an Việt Nam cho biết, những kẻ khủng bố đã thực hiện theo kế hoạch của tổ chức hải ngoại Triều đại Việt.

pha1

Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phá án thành công vụ "khủng bố" bằng quả nổ vào công an phường 12, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh

Theo RFA, ngay lập tức, ông Ngô Hùng, tổng tư lệnh tổ chức Triều đại Việt ở Hoa Kỳ đã lên tiếng xác nhận : "Đó là những chiến sĩ của Triều đại Việt, tôi yêu cầu tức khắc phải trả ngay những người đó !".

pha2

Thông tin trên cùng một trang tin, cùng một ngày nhưng 'chọi nhau'. Ảnh : VNTB

Cho dù công an thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về vụ khủng bố, cho dù ông Ngô Hùng đã lên tiếng, nhưng dư luận ở Việt Nam vẫn hoài nghi về bản chất của vụ án.

Trước tiên, công đồng mạng đã đặt câu hỏi, tại sao vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố camera an ninh của công an phường 12, quận Tân Bình lại không họat động ? Tại sao những kẻ khủng bố lại xin đi toilet trong công an phường 12, quận Tân Bình- một hành động chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này"- trước khi đặt bom và kích nổ ?

Nghi ngờ của cộng đồng mạng ở Việt Nam xuất phát từ những thông tin khác nhau mà chính công an thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho báo chí. Chỉ trong một ngày, tờ báo mạng của nhà nước vnexpress. net đã có hai thông tin khác nhau : "hai người chở nhau trên xe máy màu đen đã ném vật lạ vào trụ sở công an" (1), nhưng rồi lại thông tin rằng : "Hôm đó, Nam cùng đồng phạm giả làm người dân đến làm việc, xin đi nhờ vệ sinh bên trong trụ sở để đặt chất nổ. Vừa cài xong quả bom thứ hai thì bất ngờ phát nổ khiến quả kia nổ theo. Nam bỏ chạy nhưng vẫn bị mảnh vỡ gây thương tích ở mặt" (2).

Kỹ sư dầu khí đã về hưu Phạm Duy Hiển sống ở Vũng Tàu viết trên mạng xã hội : "Vì đã không tin nhiều thứ, tôi tin khủng bố là dàn dựng". Facebooker Nguyễn Quang Kế cho rằng : "Đây là màn kịch dàn dựng giấu đầu lòi đuôi".

Những chiêu thức thâm độc

Các chế độ độc tài toàn trị không chỉ thẳng tay đàn áp biểu tình, mà còn rất giỏi trong việc thực hiện các biện pháp phản biểu tình, phản tranh đấu. Phản biểu tình có hàng chục biện pháp. Biện pháp lâu đời nhất là cho người của công quyền, hoặc mua chuộc những thành phần bất hảo trà trộn vào đoàn người biểu tình để thực hiện các hành vi bạo lực như đập phá tài sản của nhà nước, đập phá tài sản của nhà dân, qua đó làm mất đi tính chính danh- tính chính nghĩa của các cuộc biểu tình.

Một biện pháp phản biểu tình- phản tranh đấu mà độc tài toàn trị thỉnh thoảng áp dụng là chủ động tổ chức các hành vi có tính khủng bố như ném bom vào các cơ quan công quyền để đồng nghĩa những người tranh đấu ôn hòa và bất bạo động với những kẻ khủng bố, qua đó tuyên truyền rằng những người tranh đấu ôn hòa chính là những kẻ khủng bố, thực hiện bạo lực. Đây là chiêu thức thâm độc và rất có hiệu quả của các chế độ độc tài, nhất là vào những thời kỳ mà công nghệ chưa được phổ cập đến tận người dân. Độc tài toàn trị chính là những nhà vô địch ẩn danh trong việc cài cắm người ra nước ngoài và tạo lập các tổ chức ngoại vi để dẫn dắt, dàn dựng và thực hiện các vụ "khủng bố" theo ý muốn của họ.

Nhưng, khi công nghệ đã phổ cập và tiến bộ vượt trội, người ta dễ dàng nhận ra những chiêu thức xưa cũ. Hình ảnh được trích xuất từ camera vụ khủng bố văn phòng công an phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn cho thấy, hai người đi xe máy đã mang cùng một loại giày( có thể gọi đây là giày đồng phục, hoặc là giày nhận diện), mà loại giày này thường được các lực lượng công quyền khoác áo thường dân mang trong những cuộc đàn áp biểu tình. Từ những hình ảnh chân thực và sống động này, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi : chính quyền đã chủ động thực hiện hành vi mang tính khủng bố để thực hiện mục đích phản biểu tình- phản tranh đấu ?

Khủng bố là một phương thức lựa chọn tồi tệ, vừa không có lợi cho bên bị khủng bố và cả bên khủng bố, gây nên sự hoảng loạn cho cuộc sống. Tệ hại hơn, hình thức đấu tranh bằng khủng bố sẽ có phần nào đó đánh đồng những người đấu tranh ôn hòa và bất bạo động với những kẻ khủng bố.

Tạo ra các sự kiện khủng bố để phản tranh đấu là phẩm chất của các lực lượng an ninh trong các chế độ độc tài. Họ dẫn dắt và tập hợp một nhóm người khờ khạo và cả tin, sau đó dàn dựng kế hoạch khủng bố cho nhóm người này thực hiện nhưng thương vong ở mức tối thiểu, và sau đó hốt gọn nhóm người này. Sẽ không có sự thật dưới đòn roi và tra tấn, những kẻ bị bắt sẽ khai theo hướng mà an ninh muốn. 

Nếu căn cứ vào những gì mà báo chí nhà nước loan tải, có thể nhận định ngay lập tức rằng : chứng cứ của vụ án khủng bố quá yếu và quá thiếu. Có thể phải mất thêm nhiều năm nữa, vụ án này mới được làm sáng tỏ đâu là thật, đâu là giả. Từ lâu, người ta đã không tin vào chính quyền này, thì người ta cũng có quyền nghi ngờ những uẩn khúc của vụ án này.

Tam Don

Nguồn : VNTB, 09/07/2018

(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/hanh-trinh-truy-bat-nhom-khung-bo-tru-so-cong-an-o-tp-hcm-3773383.html

(2) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/ke-khung-bo-dat-chat-no-trong-tru-so-cong-an-o-tp-hcm-nhu-the-nao-3773588.html.

Published in Diễn đàn
mercredi, 04 juillet 2018 07:51

Facebook, Minds hay cả hai ?

Với những người này, dù có một hay hai tài khoản mạng xã hội, họ vẫn là họ, vẫn kiên quyết thể hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt- quyền tự do đầu tiên để có những quyền tự do khác. Họ đã thấm đẫm triết lý sống : "Nếu không có tự do tư tưởng, con người chỉ là những cây sậy vô hồn", và họ sống để triết lý ấy trở thành hiện thực.

face1

Facebook sẽ bị chính quyền Việt Nam khuất phục như chính Yahoo đã bị chính quyền Trung Quốc khuất phục. Ảnh Internet

Những người thụ hưởng mạng xã hội ở Việt Nam đang tranh luận, và có ý kiến khác nhau về việc sử dụng mạng xã hội mới nổi MINDS. Dù ý kiến khác nhau, vẫn không phủ nhận một thực tế là : trong mấy ngày qua, rất nhiều người bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã tạo tài khoản ở mạng xã hội có tên MINDS.

Với nhiều người, mạng mới nổi Minds là biểu tượng của bảo mật, bảo vệ thông tin người dùng. Họ tin vào Minds như tin vào vị thần công lý. Dù gắn bó và thân thuộc với Facebook từ nhiều năm qua, nhưng họ thực sự phẫn nộ khi Facebook bắt tay với chính quyền Việt Nam để xóa đi nhiều tài khoản có lượng người theo dõi cao, nhiều bài viết có giá trị, nhiều video clip và hình ảnh có sức thuyết phục. Nhiều người còn quả quyết, với những gì đã diễn ra, Facebook sẽ bị chính quyền Việt Nam khuất phục như chính Yahoo đã bị chính quyền Trung Quốc khuất phục. Niềm tin của họ vào Facebook nhỏ dần đi, vợi dần đi. Từ Facebook, nhiều người đã di tản sang Minds, và họ coi đó là nơi an toàn để tự do ngôn luận, để bảo đảm quyền riêng tư của người dùng. Nhiều người dùng Minds cho biết, chợ Minds dù mới họp nhưng rất xôm tụ. 

face2

Facebook, Minds hay cả hai ?

Tuy nhiên, Minds không có niềm tin tuyệt đối của cộng đồng mạng, Minds vẫn bị nghi ngờ. Trên trang web của mình, Minds cho biết, cố vấn truyền thông của Minds là một người đến từ Việt Nam hiện sinh sống tại Mỹ : ông Nguyễn Anh Tuấn- người ghét quyền lực và ghét độc tài toàn trị, người từng đảm nhiệm chức vụ tổng biên tập báo mạng nhà nước Vietnamnet, người sáng lập và điều hành Boston Global Forum. Vào tháng 12/2015, Boston Global Forum đã vinh danh thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo có đóng góp vượt trội về hòa bình và an ninh thế giới, ở phạm vi trong nước và quốc tế. Sự hoài nghi ông Nguyễn Anh Tuấn, qua đó hoài nghi Minds là điều dễ hiểu.

Lựa chọn Minds, di tản sang Minds có sáng suốt không ? Cần phải khẳng định rằng, những người di tản đó đã có một chọn lựa đúng, bởi vì, lựa chọn cái gì, lựa chọn ai là quyền của mỗi người. Thêm một tài khoản mạng xã hội là thêm một vũ khí để chống chọi với độc tài.

Nhưng tại Việt Nam, nhiều người đấu tranh vì nhân quyền vẫn trung thành với Facebook. Tại Facebook, nhiều người vẫn kiên trì bám trụ thành lũy Facebook với quan điểm rằng, không ai có thể ngăn cấm họ, đàn áp họ vì họ đã lên tiếng chống lại bạo quyền, vì họ cho rằng, các tiện ích mà Facebook cung cấp cho người dùng ưu việt hơn nhiều so với các tiện ích của Minds. Cần phải khẳng định rằng, lựa chọn trung thành với Facebook cũng là một lựa chọn sáng suốt để lên tiếng, để chống lại bất công và cường quyền.Vì sao ? Không thể phủ nhận rằng, Facebook vẫn là mạng xã hội hấp dẫn hàng đầu thế giới trong nhiều năm nữa.

Nhiều người cho rằng, khi dòng người từ Facebook di tản sang Minds, dòng người đó thực chất đã đi tìm sự khu trú an toàn, dòng người đó đã đầu hàng độc tài toàn trị. Phán xét là quyền của mỗi người, cần phải được tôn trọng như chính tôn trọng tự do ngôn luận- tự do biểu đạt.Tại sao bạn lại nghi ngờ những người cùng chí hướng với mình mà không đặt niềm tin vào họ ? Tại sao bạn không đặt câu hỏi rằng, những người tìm đến mạng xã hội mới nổi Minds có phải là những người tìm đến một phương tiện công nghệ biểu đạt mới song hành cùng Facebook ? Có hai tài khoản mạng xã hội càng tốt chứ sao ! Tại sao bạn lại không tin rằng, Facebook và Minds sẽ là cặp bài trùng mà bất cứ chính thể độc tài nào cũng phải sợ hãi ?

Cộng đồng mạng xã hội đã rất có lý khi cho rằng, Facebook đã thỏa thuận và nhân nhượng với chính quyền Việt Nam để xóa bỏ nhiều tài khoản, báo cáo nhiều tài khoản, xóa nhiều trạng thái- hình ảnh và video clip. Từ bỏ Facebook để đến với Minds là hành động kêu gọi tẩy chay Facebook. "Tẩy chay hay không tẩy chay Facebook, quyền lựa chọn thuộc về mọi người, nhưng tại sao lại không chọn giải pháp lưỡng tiện là hai tài khoản mạng xã hội ?", một người dùng mạng xã hội lâu năm nói.

Theo khảo sát bỏ túi của người viết bài này, nhiều người dùng mạng xã hội vẫn kiên định với Facebook, dù có thể trong thời gian tới họ có thể dùng thêm Minds. Chỉ đến khi Facebook bị chính quyền Việt Nam khuất phục hoàn toàn, chỉ đến khi Facebook không còn một niềm tin, họ sẽ chính thức giã từ để chuyển hẳn đến ngôi nhà Minds. Với những người này, dù có một hay hai tài khoản mạng xã hội, họ vẫn là họ, vẫn kiên quyết thể hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt- quyền tự do đầu tiên để có những quyền tự do khác. Họ đã thấm đẫm triết lý sống : "Nếu không có tự do tư tưởng, con người chỉ là những cây sậy vô hồn", và họ sống để triết lý ấy trở thành hiện thực.

Tam Don

Nguồn : VNTB, 04/07/2018

Published in Diễn đàn

Trung Quốc có phải là cường quốc công nghệ và sáng tạo không, đó là câu hỏi đã được thế giới đặt ra trong 5-7 năm trước. Giới chuyên gia công nghệ thế giới đã không thẳng thắn trả lời, chỉ mỉm cười như hàm chỉ rằng, Trung Quốc chỉ đang ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Trong khi đó, tự bản thân Trung Quốc coi mình là cường quốc công nghệ của thế giới. 

tq1

Trung Quốc là cường quốc công nghệ - sáng tạo ? Ảnh minh họa.

Ru ngủ và tự huyễn hoặc mình

Cách đây vài trăm năm về trước, Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh, có một nền văn minh rực rỡ. Nền văn hóa Trung Quốc, cho dù được bao phủ bởi thuyết âm mưu và luận anh hùng, bởi ân oán và trả thù, bởi mưu đồ vương bá và tranh đoạt quyền lực liên miên và đẫm máu, vẫn là nền văn hóa sống động bậc nhất thế giới. Thời trung cổ, bốn phát minh vĩ đại nhất của nhân loại đều xuất phát từ Trung Quốc, đó là : trang giấy, thuốc súng, in ấn và la bàn. Bốn phát minh này đã giúp Trung Quốc lan tỏa quyền lực mềm của mình một cách thành công, chủ yếu sang Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhưng, Châu Âu với thời kỳ Phục Hưng kỳ diệu đã thực sự cất cánh về khoa học và học thuật trong một thời gian ngắn, và bỏ xa Trung Quốc trung thành với các tín điều của Khổng giáo. 

Hơn 40 năm mở cửa với những chính sách kinh tế thực dụng đã giúp Trung Quốc phát triển chóng mặt, Trung Quốc có những đóng góp gì về khoa học công nghệ, về công nghệ nguồn cho văn minh nhân loại ? 

Người Trung Quốc vốn bị huyễn hoặc về tầm vóc trí tuệ và văn hóa của mình trong quá khứ, và bị bưng bít thông tin nặng nề, bị đầu độc tuyên truyền quá nhiều, nên đã khẳng định rằng : trong thời hiện đại, Trung Quốc đã có bốn phát minh thay đổi thế giới, đó là : tàu cao tốc, thương mại điện tử, thanh toán di động và xe đạp công cộng dùng chung. Từ tháng 5/2017 đến nay, báo chí Trung Quốc luôn tuyên truyền về bốn phát minh đương đại vĩ đại của Trung Quốc, tạo nên làn sóng tự hào dân tộc lớn chưa từng có, tạo nên niềm tin mãnh liệt trong người dân Trung Quốc về sự cường thịnh trí tuệ của đất nước. 

Thế giới đã ngỡ ngàng trước sự ngộ nhận của Trung Quốc. Trên thực tế, tàu cao tốc có đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1964, thương mại điện tử có đầu tiên ở Anh vào năm 1979, thanh toán di động có đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1997, xe đạp công cộng chia sẻ có ở Hà Lan những năm chục năm trước và được Nhật Bản nâng cấp bằng phần mềm tìm kiếm dễ dàng từ 20 năm trước. 

Nhiều chuyên gia công nghệ đã dứt khoát khẳng định rằng, trong suốt 500 năm nay, Trung Quốc không có một phát minh, sáng kiến nào cống hiến cho quá trình phát triển của nhân loại. 

Tại sao Trung Quốc lại tự nhận mình là tác giả của bốn phát minh ấy ? Không có gì khó hiểu cả. Bất kỳ một chế độ độc tài toàn trị nào cũng tuyên truyền cho thần dân (không phải là công dân) của mình rằng, chế độ cầm quyền là ưu việt, đất nước phát triển và ổn định, để từ đó, các thần dân ngủ mê trong mộng mị và hoang tưởng. Khi vùi mình trong mộng mị và hoang tưởng, các thần dân sẽ không còn nhận thức được thật- giả, không đấu tranh để lật đổ một chế độ độc tài toàn trị thối tha. 

Sức mạnh của Bắc Kinh nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát

Nhiều người Việt Nam, và cả chính báo chí nhà nước đang ra sức ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc và bước tiến công nghệ vượt bậc của nước này. Không thể phủ nhận rằng, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh về kinh tế, đang tăng tốc trong việc ứng dụng công nghệ cao, nhưng cần phải khẳng định rằng : trong 40 năm qua Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia sáng tạo và làm chủ công nghệ. Sao chép đã trở thành thuộc tính của Trung Quốc. Chiếm đoạt công nghệ cao dưới nhiều hình thức đã trở thành bản tính của họ. Sao chép và chiếm đoạt không đem lại những sản phẩm tốt, trên thực tế chỉ đem lại những sản phẩm lỗi. 

Gần đây nhất, vào ngày 03/04/2018, tiêm kích F-7 của Myanmar do Trung Quốc sản xuất đã bị rơi khi đang bay, và phi công đã thiệt mạng. Nguyên nhân hoàn toàn thuộc về lỗi kỹ thuật, trong đó lỗi kỹ thuật đáng chú nhất là ghế phi công đã không kích hoạt dẫn đến cái chết của phi công. 

Trước đó, vào năm 2015, một máy bay quân sự không người lái của Nigeria do Trung Quốc sản xuất đã rơi ở bang Borno của Nigeria và đã gây bão mạng thế giới. Dĩ nhiên, cũng là lỗi kỹ thuật. 

Cũng vào năm 2015, Cameroon mua 04 máy bay trực thăng tấn công Harbin- Z9 của Trung Quốc, và 01 chiếc đã rơi( dĩ nhiên là do lỗi kỹ thuật) sau vài lần bay. Cameroon ngán ngẩm, đành để 3 chiếc còn lại làm cảnh, và ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Cũng vào năm 2015, Congo mua một lô xe bọc thép chống đạn từ Trung Quốc. Loại xe này uống xăng như uống nước khiến quân đội Congo sợ hãi. Và sau đó, trong một lần tuần tra, một chiếc xe bọc thép chống đạn loại này trúng mìn, kết quả là xe banh xác. Quân đội Congo đành phải cho lô xe nghỉ hưu ngoài ý muốn. 

Còn tàu sân bay Liêu Ninh có phải là biểu tượng công nghệ của Trung Quốc ? Chỉ đúng khi khẳng định rằng nó là sản phẩm của đua đòi và tập tành sĩ diện. Tàu Liêu Ninh có nguồn gốc là con tàu bỏ đi của hải quân Liên xô cũ, Trung Quốc hoán cải lại nó. Từ 50 năm trước, tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đã sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng tàu Liêu Ninh chỉ là máy thủy hàng hải đơn thuần do Ucraina sản xuất, phun khói mù mịt, tiêu tốn nhiên liệu khủng khiếp. Tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đều có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt từ hàng chục năm trước, nhưng tàu Liêu Ninh vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngọt được cung cấp từ các tàu hậu cần. Dĩ nhiên, nhiên liệu cũng được các tàu hậu cần cung cấp. Các công nghệ khác của tàu sân bay Liêu Ninh dĩ nhiên kém xa các công nghệ của tàu sân bay Hoa Kỳ. Vậy, sức mạnh của tàu sân bay Liêu Ninh nằm ở đâu ? Sức mạnh của nó nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát. 

tq2

Cho đến thời điểm năm 2018, cho dù sử dụng nhiều con chíp nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 80% con chíp, 20% con chíp do Trung Quốc sản xuất chỉ là những con chíp biết bò - Ảnh minh họa.

Cho đến thời điểm năm 2018, Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất bút bi, mặc dù đất nước này sản xuất 80% lượng bút bi của thế giới. Cho đến thời điểm năm 2018, dù là nước sản xuất điện thoại di động nhiều nhất, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu làm chủ công nghệ điện thoại di động. Cho đến thời điểm năm 2018, cho dù sử dụng nhiều con chíp nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 80% con chíp, 20% con chíp do Trung Quốc sản xuất chỉ là những con chíp biết bò. 

Thế giới có gì Trung Quốc có cái đó. Trung Quốc có tàu vũ trụ, có vệ tinh - biểu tượng của khoa học kỹ thuật cao ? Không, nó là biểu tượng của những khát vọng hơn là biểu tượng của sáng tạo và phát minh. 

Các nước láng giếng của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang tỏ ra khá lo lắng và e ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, nhưng họ không hề sợ hãi. Nhưng có lẽ Việt Nam không nằm trong số đó !

Tam Don

Nguồn : VNTB, 08/04/2018

Published in Diễn đàn

Xung quanh việc Việt Nam đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và thủy thủ đoàn đã diễn ra hai trạng thái hoàn toàn đối chọi nhau : ít quan chức Việt Nam khi đón tiếp và sự đón chào không trọng thị, trong khi đó, rất đông người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã hân hoan, hồ hởi đón chào. Và nữa, cộng đồng mạng xã hội như dậy sóng khi USS Carl Vinson xuất hiện. Tại sao lại thế ?

tham1

Đoàn Việt Nam ra đón USS Carl Vinson

Không trọng thị

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson không chỉ là biểu tượng sức mạnh và quyền uy trên biển của Hoa Kỳ mà còn là biểu tưởng của những quyền lực mềm đáng nể. Thành phố nổi di động này đã thực hiện nhiều công tác nhân đạo, cứu hộ cứu nạn ở nhiều quốc gia. Vào năm 2010, khi trận động đất kinh hoàng ở Haiti chỉ mới kết thúc, USS Carl Vinson đã trở thành lực lượng chính tham gia hỗ trợ cho các nạn nhân sau trận động đất. Hàng trăm lượt trực thăng được triển khai từ USS Carl Vinson để thực hiện công tác tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho các nạn nhân sau thảm họa. Năng lực kỳ diệu biến nước biển thành nước ngọt của USS Carl Vinson đã giúp hàng chục ngàn người dân Haiti thoát khỏi những cơn chết khát ghê rợn. Đối với người dân bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương- nơi trước đây USS Carl Vinson hoạt động, USS Carl Vinson là thần cứu hộ cứu nạn, là hy vọng về sự hồi sinh. Ghé thăm chính thức bất cứ hải cảng nào, USS Carl Vinson và thủy thủ đoàn đều được nhân dân và chính quyền tại chỗ chào đón nồng nhiệt và trọng thị.

Thế nhưng, chủ nhà phía Việt Nam, sau những nỗ lực mời mọc và chèo kéo hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ghé thăm, đã tỏ ra không hiếu khách và bất lịch sự khi ra đón thủy thủ đoàn USS Carl Vinson chỉ có quan chức cao cấp nhất là giám đốc Sở ngoại vụ Đà Nẵng, một thiếu tướng cục phó Cục đối ngoại Bộ quốc phòng, và mấy sĩ quan cấp tá làng nhàng. Trong cuộc đón tiếp, phía Mỹ có ngài đại sứ tại Việt Nam và Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương. Theo một cán bộ ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu hiện đang sống ở Hà Nội, lẽ ra phía chủ nhà Việt Nam phải có thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và nhiều sĩ quan cao cấp ra đón tiếp mới xứng tầm và thể hiện thái độ nồng hậu, trọng thị.

Với bản tính cao thượng và bao dung, người Mỹ đã không chấp nhặt đám trẻ trâu học đòi làm hiệp sĩ, nhưng người Việt Nam có quyền phán xét thái độ bất lịch sự của phía chủ nhà.

Tại sao phía chủ nhà chỉ trưng ra những quan chức phẩm hàm thấp kém khi đón tiếp ? Câu trả lời chỉ có thể là : họ không muốn làm Bắc Kinh nổi giận và bẽ mặt. Chính quyền Việt Nam vẫn thế, vẫn mãi đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn mãi cân bằng giữa hai mối quan hệ. Trong trường hợp này, thành ngữ dân gian Vừa Đéo Vừa Run đủ nói lên tất cả sự chọn lựa tồi tệ của phía chủ nhà khi đón tiếp.

Hình ảnh nào soi chiếu và làm sáng rõ cuộc đón tiếp lạnh nhạt này ?

Gần đây nhất chiến hạm hải quân nước nào ghé thăm Việt Nam ? Báo Quân đội nhân dân cho biết, lần gần nhất : "Sáng 25/11/2017, biên đội tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia gồm hai tàu KD Lekiu (số hiệu 30) và Gagah Samudera (số hiệu 271), với 27 sĩ quan và 226 thủy thủ, do Đại tá Hải quân Mohd Fadzli Kamal bin Mohd, Thuyền trưởng tàu KD Lekiu làm trưởng đoàn đã cập cảng Cát Lái, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh". Biên đội hai tàu chiến hạng ruồi này được đón chào như thế nào ? Tất nhiên là khá hoành tráng, và theo báo Quân đội nhân dân là :

"Dự lễ đón tàu có đại diện Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân), Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh". Đón biên đội hải quân Malaysia có đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đón đoàn hàng không mẫu hạm Carl Vinson không có đại Ủy ban nhân Thành phố Đà Nẵng.

Có bao nhiêu quan chức chụp ảnh chung với lãnh đạo nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ? Xin thưa, chỉ có ba người, hai người thuộc lĩnh vực dân sự và một người là quân nhân. Vậy có bao nhiêu quan chức Việt Nam chụp ảnh chung với lãnh đạo biên đội hải quân Malaysia ? Xin thưa, có rất nhiều, và hình ảnh này được lấy từ báo Quân đội nhân dân.

Rõ ràng, việc cử quan chức Việt Nam ra đón tiếp thủy thủ đoàn hàng không mẫu hạm Carl Vinson đã được phía Việt Nam tính toán chi li và cẩn thận với ý định tiết giảm nghi thức xã giao và ngoại giao nhằm bảo đảm phía Trung Quốc không giận dữ. Điều này khẳng định rằng : Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc ép chế, áp đặt trong các mối quan hệ ngoại giao, và chính quyền Việt Nam ngày càng nhu nhược, nhượng bộ trước Bắc Kinh.

Hân hoan chào đón

Một số báo mạng nhà nước tỏ rất nhạy bén trong việc thông tin về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng. Họ khai thác sự kiện ở rất nhiều tiểu sự kiện và khía cạnh có liên quan. Báo Tuổi Trẻ Thanh Niên online khai thác khía cạnh người dân Đà Nẵng hồi hộp, hân hoan chờ đợi và chào đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. Ngay từ sáng sớm ngày 05/3, Tuổi Trẻ Thanh Niên online đã cho đăng tải vô số hình ảnh người dân ở Đà Nẵng nóng lòng chào đón USS Carl Vinson từ rất nhiều vị trí. Đó không phải là sự hiếu kỳ, mà thật sự là chờ đợi và chờ đợi. Cái cách mà người dân ở Đà Nẵng vui đùa, tiếp xúc và biểu lộ sự trọng thị với các quân nhân Mỹ trên đường phố đã thể hiện điều đó.

Các thông tin và hình ảnh từ Tuổi Trẻ Thanh Niên online cho chúng ta biết và nhận thức được một điều quan trọng : người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung rất yêu mến và tôn trọng các quân nhân Mỹ nói riêng và nhân dân Mỹ nói chung.

Tại sao người Việt Nam yêu quý và tôn trọng người Mỹ, các giá trị Mỹ ? Thật đơn giản : đất nước Mỹ luôn tôn trọng nhân quyền, luôn trân quý và yêu chuộng tự do, có thiết chế dân chủ bền vững. Thật đơn giản : đó là miền đất của tự do - ngôi nhà của những người can đảm.

tham2

Ít quan chức Việt Nam khi đón tiếp và sự đón chào không trọng thị, trong khi đó, rất đông người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã hân hoan, hồ hởi đón chào

Giá trị nhân quyền và tôn trọng nhân quyền là giá trị cốt lõi, và đây là điều làm nên một nước Mỹ thịnh vượng, giàu mạnh và hạnh phúc. Nói về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền ở Mỹ, một tổng thống Mỹ đã nói : "Không phải nước Mỹ sinh ra nhân quyền, trên thực tế nhân quyền đã sản sinh ra nước Mỹ".

Mỹ là một quốc gia mà bất cứ ai cũng muốn đến đó, hoặc chỉ một lần, hoặc để sinh sống lâu dài.

Ở Việt Nam từ lâu đã xuất hiện yêu cầu chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng trở thành đồng minh/ đồng minh chiến lược với Mỹ, chứ không phải là đối tác thương mại thuần túy. Những hình ảnh người dân Đà Nẵng hân hoan chào đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là biểu hiện sinh động nhất của yêu cầu ấy, thúc giục ấy, mệnh lệnh ấy.

Chính quyền Việt Nam cần phải nhận thức được rằng : "Muốn giàu thì chơi với Mỹ- muốn làm đĩ thì đi với Tàu".

Tam Don

Nguồn : VNTB, 09/03/2018

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3