Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 5

Quang Nguyên

Kỳ V

Lào - Luk 52 km

 

Công việc ở Bangkok xong. Chúng tôi có thêm vài người đi chung, phải thay đổi kế hoạch không bay đến Viên Chan mà đi xe buýt đến Nong Khai để vào Lào, như thế mất hết một ngày, thời gian ở Lào phải rút ngắn. Nhưng Lào chính là nơi chúng tôi cần thời gian ở lại lâu hơn.

lao1

Cạn tiền, ngay cả xe buyt hạng VIP cũng không dám đi. Xe chở khách của Thái đồng loại với Việt Nam, nhưng đàng hoàng hơn nhiều. Chúng tôi được phát nước và hai hộp thức ăn. Một hộp mì ăn liền ‘không người lái’, một hộp bánh ngọt. Xe sạch sẽ, ghế ngồi thoải mái, không dồn khách, không đón khách dọc đường, không mở nhạc inh ỏi, tài xế không tán chuyện với lơ xe, với vợ, với bồ bịch qua phôn. Tệ nhất của đám xe buyt trục Nam Bắc bắt khách dọc đường nằm trên hai lối đi. Cả bọn chủ xe, tài xế, lơ xe Việt không tôn trọng khách, mà chính người khách cũng tự coi rẻ mình. Cái tâm lý này của người mình đến bao giờ mới thay đổi ?

Lần đầu đi xe buyt từ Bangkok lên Chieng Mai xe chạy suốt đêm chỉ ngừng ở một bến xe cho khách xuống nghỉ ngơi khoảng 20 phút. Lần này từ Bangkok đến Nong Khai, xe cũng chỉ dừng cho khách ăn trưa tại một tiệm xềnh xoàng, bán các thứ cơm, mì rẻ hơn ở Bangkok . Khác hẳn với tình trạng lái xe ở Việt Nam móc nối với chủ quán, ép khách vào ăn để hưởng lợi,

Chiếc xe không chạy nhanh như chúng tôi nghĩ, nó đến Udon Thani vừa đúng 10 giờ tối, giờ đóng của khẩu. Chúng tôi ngao ngán không biết tính sao. Bến xe chỉ còn vài tài xế tuk tuk chờ khách đến trễ, Gần chúng tôi là ba cậu trẻ dân Âu châu, da rám nắng trễ xe về Bangkok, bên cạnh mấy cái balô to đùng, chúng từ Moscow, Nga.

Bất ngờ một tiếng sét giáng xuống như súng lệnh, cơn bão ào ào đến, gió cuồn cuộn thổi thốc tung mái nhà ga, điện phụt tắt. Tìm một chỗ không bị mưa, tôi nằm gối đầu lên balo, kệ giông tố, nghỉ cho khỏe. May quá, trận bão qua nhanh, mưa bớt nặng hạt, ông bạn tôi thuê xe tuk tuk ra cửa khẩu. Chúng tôi 8 người dồn lên một chiếc xe chật cứng. Đoạn đường chưa đến 15 phút, tài xế chém 200 baht. 

Người bạn chờ chúng tôi bên kia biên giới cho biết anh sẽ ngủ lại trên xe đợi sáng. Chúng tôi ngồi trong nhà chờ sát ngay cổng hải quan. Có mấy chiếc võng của đám tài xế xe tuk tuk máng sẵn, tôi khoan khoái kéo một cái xuống nằm nghỉ, Ba người bạn tôi cũng đong đưa 3 chiếc võng ở ba phía. Số còn lại ngồi dựa góc.

Chuyện xảy ra dưới đây dù chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng tôi cũng gặt được một kinh nghiệm, từ nay sẽ không lãng mạn, vớ vẩn như lần này nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai tên ăn cướp đến trễ hơn một chút mà chỉ còn lại mình tôi ?

Ông bạn chúng tôi che cái dù mua ở BigC ngay gần nhà chờ đi tìm khách sạn. Một lúc lâu ông về, bảo chúng tôi kéo va ly, mang balô đi. Tôi nói tất cả đi đi, tôi muốn nằm ngủ võng ngoài trời đêm nay.

Trừ những lần ngủ võng khi đi cắm trại, và thời gian dài ở chiến trường đã qua từ rất lâu, tôi không có dịp nằm võng giữa trời đêm khuya.

Sau trận bão, trăng hòa lẫn ánh đèn đường, qua làn mưa lất phất trộn màu ánh sáng kỳ lạ. Bầy chim vỡ tổ lao xao, tiếng côn trùng, ếch nhái hòa bản nhạc loạn ly nao lòng. Quang cảnh ấy, tiếng nhạc ấy khiến tôi mơ màng trong sân khấu dát vàng vĩ đại của thiên nhiên huyền ảo. 

Chúng tôi định kéo nhau vào BigC chọn mỗi người một, hai gói mì, thì vừa lúc một chiếc xe pick-up truck đến đậu ngay trước nhà chờ. Tôi bảo một cậu ở lại trông đồ. 

Hai người đàn ông lực lưỡng, mặc áo không tay, phô hình xâm trổ từ chiếc xe truck đã ngồi trong nhà chờ. Chúng tôi trở lại chỗ mình, im lặng thưởng thức những ly mì nóng hổi, thơm phức. Một trong hai người lại gần tôi, giọng tiếng Anh trọ trẹ hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói từ Mỹ. Y gằn giọng hỏi có visa không ? Tôi giả vờ không nghe, không trả lời. Y gằn giọng hỏi đến câu thứ 3, tôi ngửng lên nhìn y hỏi lại : Anh là cảnh sát ? Y bảo không. Y hỏi tôi có passport không, tôi trả lời không phải chuyện của anh. Y cứ lằng nhằng hỏi, tôi lặng thinh ăn mì. Y bỏ tôi, trở lại chỗ ngồi trong góc, lấy ra một chai bia, tu ừng ực, trong túi ni-long của y mang theo còn 5,6 chai.

Tôi sực nhớ ra sự tàn ác của lũ cướp biển Thái Lan với các đồng bào vượt biên của tôi sau khi cộng sản tràn vào Nam. Chúng có dao, có súng, chúng cướp, hiếp, giết, bắt cóc đàn bà con gái của chúng tôi. Lần này chúng tôi giáp mặt với bọn cướp cạn dùng chai bia làm vũ khí, rất dễ gây thương tích, thậm chí giết người, dễ chối tội. Tên cướp thứ hai đứng lên. Sáu người bạn trẻ của chúng tôi đứng lên. Họ sẵng sàng. Hai tên cướp chắc chắn không lường được sự ra đòn khủng khiếp của các tay bẻ gãy sừng trâu của bạn chúng tôi, nhưng tôi cũng nhớ đến các đòn Mui Thái ghê rợn. Họ nhìn nhau. Tôi nghĩ sẽ có đổ máu. Ông bạn tôi và tôi vẫn lắc lư trên võng.

Một hai phút nặng nề trôi qua, chợt ông bạn tôi, người cao hơn tôi một cái đầu và nặng gần gấp đôi tôi đứng dây, quát to bằng tiếng Thái :

- Thôi, đủ rồi. Ông ra lệnh cho chúng tôi :

- Về khách sạn ngủ hết, không ai ở lại.

Tôi líu ríu nghe theo. Bọn trẻ đẩy tôi đi trước, kéo va ly của tôi theo sau. Trời lại đổ mưa. Đến khách sạn chúng tôi ướt hết.

Chỉ bước qua lằn ranh hai nước, một nguyên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Miến Điện, và một đang là cộng hoà xã hội chủ nghĩa Lào, độc đảng, theo chủ nghĩa Marx, đều thấy sự nghèo mạt so với nước tư bản Thái Lan. Viên Chan với những lá cờ Quốc gia và Búa liềm treo trước cửa mỗi nhà đã lâu không thay đổi, rách nát, bụi bặm như những tấm dẻ rách tả tơi.

Viên Chan không còn giữ được vẻ trầm mặc pha chút duyên dáng tây phương trước năm 75, mất cả mùi hương trầm từ các đền chùa cổ kính, chỉ còn tanh mùi của những thần tài bằng đá đứng trước các của hàng, ôm túi bạc với hai bàn tay bám đầy bụi. Các hàng cây xanh, rợp bóng ngày xưa biến đi gần hết, mọc lên nhửng căn nhà 5,3 từng nửa mùa, lố nhố, Họa may còn vài con phố giữ được vẻ sang trọng thời Tây thuộc địa. Đâu đâu cũng thấy dấu ấn phụ thuộc Tàu, Việt Nam. Người Tàu với các công trình xây dưng, các nhà máy, khách sạn, người Việt Nam với các ngân hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa vặt vãnh. Viên Chan không còn chất Lào như các cô bạn xinh đẹp, trắng muốt, duyên dáng yểu điệu hiền lành có tên họ dài thoòng ở Mỹ của tôi.

Tôi đi qua Viên Chan bâng khuâng buồn bã như ngang nhà người tình đơn sơ, mộc mạc, thơm mùi trầm hương đã bỏ đi lấy chồng. Người ta chỉ cho tôi thấy nước đập thủy điện Sepien Senamnoi vỡ hồi tháng 7 trước, vẫn ngập hồ ao nhỏ dọc đường dẫn dến Thành Phố 52. 

lao2

Luk 52 City đang trong trận mưa nặng hạt, bùn đỏ văng tung tóe, tôi nhớ đến các thành phố Tây nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột thời chiến tranh, với bùn đỏ, lính và đĩ, điếm. Thành phố 52 km không có lính, chỉ có nhiều người mặc áo rằn ri đi làm ruộng rẫy, nhưng người dân ở đây nói đĩ, điếm nhiều. Anh bạn lái xe cho chúng tôi, Vang Shử, thổ công của thành phố này, hất hàm chỉ hai người đàn bà ngồi đối diện trong quán ăn bảo, đĩ đó. 

Luk 52km không phải là thành phố du lịch cũng không có khu giải trí, loanh quanh thành phố chỉ vài chục quán hàng nhỏ. Vàng Shử bảo, thanh niên ở đây 70% nghiện hút, lười biếng. 1 phần 3 chồng của đàn bà ở đây nghiện ngập trốn lên Viên Chan trộm cắp, vợ ở nhà làm đĩ. Tôi không chắc chuyện anh nói đúng hay sai, chỉ buồn nhớ lại ngày sau 30/4.75 các quản giáo cộng sản vào Saigon lên lớp chúng tôi cũng giống như thế : "1/3 đàn bà Saigon của các anh làm đĩ". Chúng tôi đùa với nhau chua chat, nếu vợ tao, vợ mày, vợ nó ngồi với nhau, chắc chắn vợ nó làm đĩ. Nếu mẹ nó, vợ nó, con gái nó đi với nhau, một trong 3 người đang kiếm khách.

lao3

Chúng tôi đề nghị anh bạn lái xe dẫn chúng tôi đến ‘một quán đèn đỏ có gái bán hoa’. Người Mông cũng nói văn hoa trong chuyện này như người Kinh vậy. Chiều hôm đó, Vang Shử đưa chúng tôi đến một quán khá khang trang, vắng khách. Có 6 cô gái và một người đàn bà trung niên ngồi sẵn đó. Dù cạn tiền, chúng tôi cũng gọi món khá sang. Bọn trai trẻ ngồi sen kẽ giữa các cô gái, qua ánh đèn mờ tôi thấy vóc giáng rất trẻ của họ. Tôi ngồi bên cạnh một cô. Bạn tôi ngồi bên cạnh một cô. Tôi thấy hai người nói chuyện nho nhỏ với nhau.

Thức ăn dọn ra, các cô không uống bia. Họ có vẻ rụt rè không như bọn gái cùng nghề nơi khác. Các bạn trẻ của tôi lần đầu tiếp xúc với các cô gái loại này nên khá lúng túng. Bữa ăn có vẻ trầm trầm cho đến lúc ông bạn của tôi nói to bằng cả tiếng Việt, tiếng Mông :

- Chúng tôi đến đây để ăn chứ không phải để chơi, các con đều chỉ đáng tuổi con cháu chúng tôi, từ 13 đến 16 tuổi. Thôi ăn đi.

Bọn bạn trẻ của chúng tôi có vẻ thất vọng. Còn các cô gái thấy vui hơn, họ bắt đầu ăn như đã đói từ lâu. Ngạc nhiên nghe ông bạn tôi nói tuổi họ, tôi tò mò đến từng đứa hỏi tuổi. Quả thật, chúng từ 13 đến 16 tuổi. Tôi dội thêm xô nước lạnh vào đám bạn trẻ : 

- Đừng dính vào lũ nhóc vị thành niên này mà mọt gông.

Bọn trẻ sau một chút tiếc rẻ, bắt đầu nói chuyện vui vẻ, cười đùa, giống như các người bạn. 

lao4

Chúng từ 13 đến 16. Chúng không thoa son, trát phấn, mặt chúng còn lông măng, mắt mở to vừa lo sợ, vừa buồn bã. Không biết chúng đã phải bán thân bao nhiêu lần. Có thể từ lúc 12 tuổi chăng ?

Ăn xong, ông bạn tôi gọi tính tiền, ông bảo người chủ quán đầu trọc tếu, thân hình lực lưỡng, anh chị :

- Tôi trả thêm tiền cho mấy đứa nhỏ này tối nay cho anh. Tôi đưa chúng nó về.

Ông bảo tài xế đưa chúng về tận nhà chúng, chúng tôi phải chờ xe trở lại rất lâu. 

Tôi thấy ông bạn tôi một con người nhân hậu. 

Thành phố 52, có từ trước chiến tranh, nhưng chỉ phát triển cách đây chừng 30 năm. Rất đông người Mông Lào, Mông Việt và Việt Nam ở đây. Sau thất bại trong chiến tranh Việt Nam, người Mông Lào, trong vùng Xiêng Khoảng ảnh hưởng của tướng Vàng Pao, chạy tứ tán sang Thái Lan đi định cư hết ở nước khác. Nhiều người Mông theo cộng sản trong vùng Long Chinh bỏ Xiêng Khỏang đến thành phố này lập nghiệp. Người Mông Việt qua lập nghiệp ở đây không nhiều, họ tìm một khu vực dễ dàng kiếm sống.

Người Mông Lào đến Luk 52 phá rừng làm nương. Ruộng nương từ gần tỉnh lộ tiến dần ra xa, vào tới tận các chân núi. Nhờ các phương tiên chuyên chở cơ giới, họ có thể làm nương rất xa nhà. Họ cất lán tạm trên gò, trên ruộng, mang theo gạo, mắm muối sống vài tuần, một tháng không phải về nhà. Nhiều gia đình chịu khai hoang có đến hàng chục mẫu ruộng. Hệ thống dẫn nước tưới tiêu tốt giúp những mảnh ruông mạ mọc đều, bằng trang như cánh phản, nhưng cũng chỉ làm một mùa. Giá một mẫu tây ruộng ở đây khoảng từ 7 ngàn rưởi đến 8 ngàn đô la. Có người khẩn hoang, trồng cao su, thu hoạch khá cao và không cực nhọc như làm ruộng.

Tôi vào một số gia đình Mông Lào. Không thấy ai trong họ theo đạo Tin Lành. Họ cũng hình như không gắn bó lắm với tục lệ cũ. Họ giầu có hơn Mông Việt, hay người Việt. Gia đình Vang Shử ở căn nhà 4 tầng, sở hữu hai chiếc xe hơi, anh đưa chúng tôi đi bằng chiếc Toyota 7 chổ. 

Mông Việt mới sang nghèo hơn nhiều. Những người chúng tôi găp đều không có ruộng đất, họ chỉ mua được một miếng đất nhỏ tạm dựng căn nhà vừa chỗ cho cả gia đình, đi làm ruộng mướn, giúp việc trong các tiệm ăn, bán hàng. Tôi nghe họ nói thì việc gì cũng 50 Kip một ngày.

Người Việt từ Thanh Hóa. Huế, Saigon... tập trung buôn bán trong một cái chợ khá lớn cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho cả Luk 52. 

lao5

Người Việt chiếm phần khang trang nhất mặt tiền chợ bán dụng cụ điện máy,quần áo, đồ trang sức, đồ gia dụng nhập từ Thái Lan. Một cửa hàng có vốn khỏang từ 600 triệu đến 1 tỷ tiền Việt Nam,, như họ nói. Họ có visa ở lại Lào, đóng tiền cho địa phương mỗi 6 tháng. Họ than phiền đại sứ Việt Nam, ở Viên Chan không bao giờ để ý đến họ. Họ muốn vào quốc tịch Lào, nhưng không biết có đường dây nào chạy, mặc dù biết đúng giá 40 triệu đồng cho một gia đình. Tôi biết rõ dường dây chạy vào quốc tich Lào, và chắc chắn tôi làm được, nhưng đó không phải việc làm của tôi. Nếu tôi làm việc này, tôi có thể đút túi riêng vài trăm triệu vì có hàng vài chục gia đình Việt Nam, ở đây muốn nhập tịch. 

Phía sau chợ dành cho người Mông bản địa. Họ bán đủ thứ cho bữa cơm hàng ngày và các món ‘đặc sản’quái dị như chuột phơi khô, tổ ong đất...

lao6

Lần đầu tiên tôi biết lõi dây song mây có thể ăn được và bán khá đắt. Gần chợ có một số biệt thự đẹp đẽ, nhìn như bỏ hoang, có giá 35 đến 40 ngàn đô la. 

Tỉnh lộ là phố chính của Luk 52km, ‘đi dăm phút đã về chốn cũ’, vài quán cà phê, nhiều sạp bán đồ rèn sắt, cuốc xẻng, rựa cho người làm ruộng, đi rừng, và một dẫy cửa hàng bán các loại rễ cây, củ, quả, hoa lá làm thuốc, nhưng cũng có ngân hàng, một văn phòng Moneygram nhận, gửi tiền online, một văn phòng DHL nhận hàng từ ngoại quốc và chuyền hàng từ địa phương đi. Tôi thấy có người gửi cả trăm kg quần áo, mũ truyền thống của người Mông làm bằng tay qua Mỹ. Có nhiều quán bán thức ăn nấu sẵn, quay vịt, gà, heo ngoài đường giống như ở Việt Nam,. Tôi mua một nắm sôi, một miếng thịt heo đang quay trên lò than, người bán hàng chặt một miếng bằng bàn tay, cắt thành từng miếng vừa ăn, bỏ chung với sôi và một bịch nước chấm, tôi trả tiền bằng cách chìa tay cho cô đếm nắm tiền lẻ tôi có, đem về gess house mượn muỗng đĩa. Cô chủ nhỏ đang nướng tôm trên lò than cho bữa cơm gia đình hào phóng cho tôi 4 con tôm càng. Đĩa cơm của tôi trở thành sang trọng, có giá ít nhất 30 đô la ở một nhà hàng trung bình của Mỹ.

lao7

Người ta quy tội cho tướng Vàng Pao theo CIA Mỹ, đứng đầu đội quân chống cộng sản, lập ra đạo Vàng Chứ, người Mông Việt theo Tin Lành là theo đạo Vàng Chứ, theo Vàng Pao, trốn ra nước ngoài lập Vương Quốc Mông chống lại chính quyền Việt Nam,. Chúng tôi đến Luk 52 mong tìm dấu vết của vương quốc này, nhưng những người Mông Lào từ Long Chinh, Xiêng Khoảng theo cộng sản, đến đây lập nghiệp, cười ngất bảo chỉ có bọn hoang tưởng, bọn say rượu mới nghĩ ra chuyện này. Hỏi người Mông Việt, ho không hiểu chúng tôi nói chuyện gì.

Trên mảnh đất Luk 52km, dù là người Mông Lào, hay người Mông chạy tỵ nạn vì bị đàn áp tôn giáo, hay qua tìm sinh kế, hay người Việt bỏ quê thì tất cả đều chăm chút mưu sinh. Tôi thấy họ không đến nỗi bận rộn, có lẽ rồi dần cũng giống như cách sống buông lỏng của người Lào từ trước đến giờ, trên mảnh đất hiếu khách, thừa thãi gạo, ngô để mọi người đều có thể cùng nhau chung sống. Tôi lại càng không tìm thấy dấu vết của sự hận thù đế quốc Mỹ, hay âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam nào trong họ.

Chưa bỏ cuộc tại Lào, chúng tôi cố đi tìm Vương Quốc Mông ở nơi cộng đồng người Mông Việt bỏ quê cha đất tổ sang lập nghiệp, trên một vùng cao, sát chân núi.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 24/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)