Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/04/2018

Tủ sách Văn Học Việt Nam đương đại tại Pháp

Thùy Dương

Triển lãm sách Paris diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19/03/2018 tại trung tâm triển lãm Porte de Versailles. Đây là một sự kiện văn hóa lớn thường niên tại Pháp. Năm nay triển lãm quy tụ hơn 600 nhà xuất bản và có tới hơn 3.000 tác giả có mặt tại các gian trưng bày để giới thiệu sách và giao lưu với độc giả. Trong số các gian trưng bày, có gian hàng của nhà xuất bản Riveneuve, với Tủ Sách Văn học Việt Nam đương đại. Tủ sách ra đời từ năm 2012, và hiện đã có 15 đầu sách.

sach1

Nhà văn Đoàn Ánh Thuận (T), nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi (áo vàng) và các tác giả, dịch giả tham gia Tủ Sách Văn Học Việt Nam Đương Đại. Ảnh chụp tại gian trưng bày của nhà xuất bản Riveneuve, Triển lãm Sách Paris 2018, ngày 19/03/2018. RFI/Vietnam

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, ông Gilles Kraemer,giám đốc nhà xuất bản Riveneuve giới thiệu về tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp như sau :

"Tôi là giám đốc nhà xuất bản Riveneuve từ một năm rưỡi nay, khi tôi tiếp quản nhà xuất bản, Riveneuve đã có một số bộ sưu tập sách và tủ sách Văn học Việt Nam đương đại thể hiện đúng hướng mà tôi muốn dẫn dắt nhà xuất bản Riveneuve. Đây là một nhà xuất bản nhỏ, độc lập giới thiệu với độc giả Pháp các câu chuyện về thế giới và ngược lại kể cho thế giới nghe các câu chuyện về người Pháp.

Điều rất tuyệt vời mà tôi thấy trong công việc mà Đoàn Cầm Thi và các tác giả trong ê-kíp, nhất là Thuận và Khiêm (nhà văn Thuận và Đỗ Kh.), là họ kể các câu chuyện về Việt Nam, nhưng có liên hệ với nước Pháp. Họ giải thích cho người Pháp hiểu về Việt Nam đương đại thông qua dịch giả, cũng có khi họ viết bằng tiếng Pháp, như Khiêm. Tôi hy vọng rằng ở Việt Nam, họ cũng kể một chút về nước Pháp. Tôi hy vọng là có sự trao đổi theo cả hai hướng.

Tủ sách văn học Việt Nam đương đại ngày càng phong phú, giờđã có trên 15 tác phẩm. Cũng nhờ thế mà Riveneuve giờ được biết đến như một trong số rất ít, chỉ khoảng 3-4 nhà xuất bản, phát hành sách về Việt Nam tại Pháp. Điều này rất quan trọng vì Việt Nam và Pháp có một phần lịch sử chung.

Điều mà tôi hài lòng nhất về hướng làm tủ sách của Đoàn Cầm Thi là chúng tôi không khai thác mảng văn học tuyên truyền, hậu chiến hay tả khổ về cuộc sống của các thuyền nhân. Thay vào đó, chúng tôi đi theo một hướng khác : đó là văn học và cách biểu đạt đương đại tại Việt Nam của các thế hệ 30, 40, 50 tuổi. Đối với tôi, điều quan trọng là những thế hệ này được biết tới tại Pháp để tăng cường đối thoại giữa hai nước một cách sát thực, bớt sai lệch".

Theo giám đốc nhà xuất bản Riveneuve, nhờ có nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi, người sáng lập tủ sách Văn Học Việt Nam đương đại, mà công việc của ông thuận lợi hơn :

"Thực ra tôi rất may mắn vì nói chung thì mọi khó khăn đều do Đoàn Cầm Thi gánh vác. Đoàn Cầm Thi là người phụ trách, là linh hồn của tủ sách. Nhờ có cô ấy, chuyện chọn lựa sách dễ dàng hơn. Đương nhiên là chúng tôi có trao đổi với nhau, nhưng chính cô ấy là người đưa ý tưởng và cô ấy có liên hệ chặt chẽ với các tác giả. Nếu một tác giả tới Pháp, chẳng hạn anh Đỗ Khiêm, hay đối với một tác giả sinh sống luôn tại Pháp, chẳng hạn nhà văn Thuận, thì tôi có liên hệ trực tiếp với họ. Rất dễ dàng.

Với các tác giả khác thì không. Một số tác giả không nói tiếng Pháp, cũng không nói tiếng Anh. Vì thế tôi phải liên hệ với họ thông qua Đoàn Cầm Thi. Tôi hoàn toàn tin tưởng cô ấy. Mọi vấn đề khó khăn, phức tạp với các tác giả mà người xuất bản như tôi có thể gặp phải thì đều được Đoàn Cầm Thi giải quyết. Cô ấy làm rất tốt. Tôi chỉ lên kế hoạch, cho thiết kế trang bìa sao cho hấp dẫn, giới thiệu sách theo cách năng động nhất có thể. Rồi chúng tôi tìm cách quảng bá sách".

Rất tiếc là vì một vài lý do, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi, người sáng lập tủ sách không kịp trả lời phỏng vấn của RFI. Còn nhà văn Đoàn Ánh Thuận, một trong các tác giả của Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại đã có buổi trao đổi với phóng viên RFI tại Triển lãm sách Paris vào ngày 18/03/2018, bên quầy sách của nhà xuất bản Riveneuve :

Thùy Dương : RFI rất vui được trò chuyện với nhà văn Thuận tại Triển lãm Sách Paris 2018. Chị có thể cho độc giả, thính giả của đài RFI Việt ngữ biết là tới tham dự triển lãm và giao lưu với độc giả trong Triển lãm Sách Paris năm nay có những ai ?

Đoàn Ánh Thuận : Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại chỉ là một phần nhỏ của nhà xuất bản Riveneuve thôi. Hôm nay có tôi, có anh Đỗ Kh. từ Mỹ sang, có dịch giả Đoàn Cầm Thi, cũng là người thành lập Tủ sách này và dịch giả Yves Bouillé đã dịch "Tôi" và dịch cuốn "Song song" của Nguyễn Đình Giang.

Thùy Dương : Chị có thể giới thiệu một chút về Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại, về êkip và nhà xuất bản ?

Đoàn Ánh Thuận : Đầu tiên có thể nói về nhà xuất bản Riveneuve. Đây là một nhà xuất bản rất trẻ. Và có lẽ vì họ trẻ nên họ rất năng động. Họ không có nhiều tác giả nên họ chăm sóc tác giả rất kỹ. Chúng tôi có thể trao đổi trực tiếp với các biên tập viên rất dễ dàng và có thể đưa các ý kiến đóng góp, xây dựng rất thoải mái, không có sự ngăn cách gì giữa giám đốc và các tác giả.

Nói về tủ sách Văn học đương đại của chúng tôi thì có đến cuốn "Un avril bien tranquille à Saigon" của tôi là tác phẩm thứ 15 của Tủ sách. Theo tôi nhớ là Tủ sách bắt đầu từ năm 2012. Tác phẩm đầu tiên cũng là tác phẩm của tôi, "T. a disparu", tức là bản dịch của "T mất tích". Tủ sách cũng có cả của các nhà văn hải ngoại và các nhà văn Việt Nam ở trong nước, như là anh Nguyễn Bình Phương, anh Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Danh Lam và một vài tác giả nữa.

Thùy Dương : Các anh chị trong ê-kíp chọn sách để dịch và xuất bản theo những tiêu chí nào ?

Đoàn Ánh Thuận : Tôi không phải là người được quyền chọn lựa nhưng theo tôi hiểu, tiêu chí đầu tiên chắc chắn là phải hay, dù gì thì cũng phải là tác phẩm hay và độc đáo, bởi vì quan điểm chung của chúng tôi là phải giới thiệu một nền văn học khác, một nước Việt Nam khác, con người Việt Nam khác với những hình ảnh đã quá xói mòn trong mắt của độc giả Pháp.

Thùy Dương : Đối với chị khó khăn nào là lớn nhất trong quá trình xây dựng tủ sách ? Đó là chọn sách, dịch hay quảng bá ?

Đoàn Ánh Thuận : Tôi nghĩ là quá trình nào cũng khó khăn hết. Dịch thì tốn rất nhiều thời gian, có nhiều người Việt Nam giỏi tiếng Pháp nhưng ở mức độ dịch văn chương được thì rất khó. Bây giờ tìm được người dịch giỏi văn học Việt Nam sang tiếng Pháp khó vô cùng và mọi người cũng rất là bận. Nên tôi nghĩ là dịch là công việc khá là khó khăn, tốn nhiều thời gian. Chọn sách thì cũng khó, nhưng mà không phải khó lắm. Nền Văn học Việt Nam không phải nền văn học lớn, nhưng cũng có những tác giả đáng được dịch sang tiếng Pháp.

Nhưng tôi nghĩ là quá trình quảng bá ra là quá trình khó khăn nhất. Tại vì nước Pháp mỗi năm có khoảng 2000 đầu sách ra, và làm sao mình chen chân được vào đấy để cho người ta biết đến mình là một điều khó khăn vô cùng.

Các nước khác ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc hoặc Đại Hàn, không những họ có khả năng về mặt tài chính, họ được Sứ Quán, họ được bộ Văn Hóa của họ ủng hộ rất nhiều, nhưng đằng sau họ có cả một nền văn hóa. Ví dụ, bây giờ văn học Hàn Quốc rất lên ngôi, nhưng đằng sau họ, họ có điện ảnh, họ rất nổi, họ nổi trong nhiều lĩnh vực, mà họ còn có khó khăn nữa là…

Việt Nam, đến bây giờ, tuy là Việt Nam cũng không phải là con số 0 trong mắt người Pháp, nhưng người Pháp biết đến Việt Nam qua cái gì ? Người Pháp biết đến Việt Nam qua món nem, ẩm thực, vịnh Hạ Long, chứ hỏi một người Pháp biết gì về văn học Việt Nam rất là khó.

Chỉ có một số rất ít biết về văn học Việt Nam. Bạn thấy đấy, bạn đi trong này, bạn có thấy Việt kiều đâu. Bạn không thấy Việt kiều, người Việt Nam ở đây còn không chú ý đến văn học của mình nữa là, huống gì nói tới người Pháp.

Tôi vừa đi dự ngay bên này đây là salon phỏng vấn các nhà văn, các tác giả Nga, mà họ đông vô cùng. Nga kiều đến đông, đến ủng hộ, rồi đến mua sách, đến bắt tay, chào tác giả của họ đông vô cùng. Họ ủng hộ hết sức.

Tất nhiên là mình không thể sánh với văn học Nga, một nền văn học rất là lớn, nhưng mà nếu mình không làm, nếu không có ai giúp sức mình, chỉ có các nhà văn thôi, mà đối với các nhà văn, chuyện quảng bá là một công việc rất là khó, các nhà văn rất lúng túng trong chuyện này.

Tôi ngồi từ nãy đến giờ mà hình như chỉ có 1, 2 người Việt đi qua đây thôi và có đứng lại hỏi chúng tôi một chút. Đấy cũng là bạn bè chúng tôi, chúng tôi giới thiệu họ đến đây chứ còn hầu như chúng tôi không thấy người Việt nào. Tôi buồn vô cùng ! Những lần chúng tôi đi giới thiệu sách, đến các thành phố khác cũng thế, báo trước bao nhiêu lâu mà cũng không thấy có người Việt nào đến cả, chỉ có độc giả Pháp thôi. May mắn là chúng tôi còn có độc giả Pháp.

Dường như tham gia sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản sách tại Pháp hàng năm cũng chưa đủ để Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại được nhiều người Việt tại Pháp chú ý hơn, nhưng nhờ có Tủ sách mà nhà xuất bản trẻ Riveneuve được biết tới nhiều hơn. Giám đốc nhà xuất bản Riveneuve tỏ ra lạc quan :

"Tủ sách giờ đã có trên 15 cuốn. Chúng tôi bắt đầu có vị trí nhất định và xuất hiện khắp nơi. Chẳng hạn khi các tuần báo L’Express, Nouvel Observateur hay tạp chí Géo (tạp chí ảnh và du lịch) có hồ sơ về Việt Nam, họ cũng giới thiệu sách của nhà xuất bản chúng tôi. Hoặc trong các hiệu sách Gilbert Jeune, nếu có kệ sách về Châu Á và Việt Nam thì chắc chắn có sách của nhà xuất bản Riveneuve. Tôi rất hài lòng về điều này".

Hy vọng rằng với sự đóng góp nhiệt tình, tâm huyết của các nhà văn, và đặc biệt người sáng lập tủ sách, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi, Tủ Sách Văn Học Việt Nam đương đại sẽ tiếp tục phát triển mạnh, cùng với thời gian sẽ trở thành cây cầu nối vững chãi đưa Văn Học Việt Nam đến với độc giả Pháp.

Và hy vọng với sự quảng bá của nhà xuất bản Riveneuve, tủ sách Văn Học Việt Nam đương đại sẽ được biết đến nhiều hơn nữa tại Pháp, một trong những xứ sở hàng đầu về văn học - nghệ thuật trên thế giới.

Thùy Dương thực hiện

Nguồn : RFI, 20/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)