Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/08/2023

Sài Gòn sẽ xóa sổ 6 quận 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận ?

Thiên Hành

Chiều 3/8, đại diện Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các quận nói trên thuộc diện phải sắp xếp trong thời gian tới, do không đảm bảo về diện tích và dân số, nghĩa là diện tích quá nhỏ và dân số quá ít so với quy định.

111111111111111111111111

Sông Sài Gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh (minh họa) - AFP

Nói toẹt ra là xóa sổ các quận này, đem chia ra, đắp cho các quận khác, hoặc gom lại thành một hai vài quận to hơn.

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Đường Duy Tân xưa ở Sài Gòn (nay là Phạm Ngọc Thạch) chạy dài từ bến Bạch Đằng, qua nhà thờ Đức Bà, qua hồ Con rùa, chạy suốt tới đường Mayer/Hiền Vương/Võ Thị Sáu.

Con đường này hình thành từ cuối thế kỷ 19, do người Pháp xây dựng, và trải qua nhiều cái tên. Vào năm 1863, khi bắt đầu được xây dựng, nó có cái tên đơn giản là đường 16. Hai năm sau, Đề đốc La Grandière, từng giữ cương vị Thống đốc quân sự Nam Kỳ đổi tên đường 16 thành hai đoạn. Đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Norodom (đường Lê Duẩn ngày nay) mang tên đường Catinat. Đoạn còn lại là Catinat nối dài.

32 năm sau, vào năm 1897, đoạn nối dài lại được đổi thành đường Blanscubé, đoạn còn lại đổi thành đường Garcerie. Đó là tên của hai người Pháp, từng giữ những chức vụ quan trọng nhất trong Hội đồng thuộc địa.

Đến giữa thế kỷ 20, vào năm 1952, chính quyền Bảo Đại đổi đoạn từ Bạch Đằng đến Lê Duẩn (Garcerie) thành Duy Tân.

Ba năm sau nữa, vào 1955, sau 90 năm con đường bị chia thành hai đoạn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhập lại hai đoạn đường như cũ và gọi chung là Duy Tân.

Lại tròn 30 năm tiếp theo. Chế độ thay đổi. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đổi Duy Tân thành đường Phạm Ngọc Thạch.

Nhưng dù mang tên gì thì ngay từ khi bắt đầu hình thành, con đường này đã rợp bóng cây xanh suốt hơn trăm năm. Rồi nó vào thơ, vào nhạc, vào họa và khắc vào ký ức triệu triệu người với câu ca của nhạc sĩ Phạm Duy "Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát". Đường Duy Tân chạy qua Hồ Con Rùa, nơi một thời tuổi trẻ người ta từng "uống ly chanh đường, uống môi em ngọt", nơi từng viên gạch cũng chứa đầy hình ảnh hàng ngàn lứa học trò từng ngồi hóng gió, ăn quà vặt từ cả trăm xe quà rong đậu đầy quanh hồ và những con đường lân cận, ngắm cảnh ngựa xe dập dìu quanh phố.

Duy Quang (1986) - Trả Lại Em Yêu (Phạm Duy) - Nhạc Vàng Bất Hủ - Official Làng Văn (Radio)

Đường Duy Tân hay đường Phạm Ngọc Thạch chạy vắt qua hai quận : quận 1 và quận 3.

Từ Duy Tân chạy suốt vào trong, quận 3 đặc biệt nhiều con đường thẳng tắp nho nhỏ, đường nào cũng rợp bóng cổ thụ hàng trăm năm tuổi như Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Pasteur, Lê Quý Đôn… Vòm me xanh ngát, lá me bay đổ mỗi chiều như thơ như mộng. Nhiều tòa nhà cổ kính tuyệt đẹp nằm lấp ló trong khu vườn rộng lớn như Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, nhà thờ Tân Định màu hồng phấn với hai ngọn tháp nhọn viền ren trắng như tòa tháp trong cổ tích, chùa Vĩnh Nghiêm uy nghi đá xám, mái cổng ngói ngả màu nâu…

Quận 3 cũng nhiều khách sạn, nhiều quán cà phê đủ mọi style. "Ăn quận 5, nằm quận 3", câu vè xưa đã tóm tắt đủ.

2222222222222222222222

Một phụ nữ chụp hình trước Nhà hát Thành phố ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. AFP

Dân quận 4 quận 8

Từ quận 1 chạy hết bến Bạch Đằng, qua cầu Calmette, ngó sang tay trái là Bến Nhà Rồng, chạy một đỗi thấy con đường thắt lại và đông nghẹt, nhưng bên trái vẫn là vách tường chạy dài hút cao ngất của cảng Sài Gòn thì biết đã vô tới quận Tư. Quận Tư trước kia nhỏ hẹp, bụi bặm, nhà lụp sụp, ngõ hẻm quanh co khuất khúc và bám đầy bụi bẩn, quán ăn cũng xô bồ ồn ã. Bây giờ thì khác nhiều, chứ mới chỉ chừng hai chục năm trước đây, từ quận 1, quận 3 hay quận 10 (những quận nội thành lâu đời) mà chạy qua đây thì thấy ngay khác biệt rạch ròi. Mọi vật ở quận Tư dường như đẫm màu và đẫm mùi công nhân lao động nghèo.

"Dân quận Tư quận Tám đó !" - một thời câu này xem như xác nhận tính cách của đương sự. Quận 4 quận 8 trước kia là hai mảnh đất có tiếng giang hồ ở Sài Gòn. Vì có cảng lớn nên dân ở đây trước kia hầu hết là dân tứ chiếng, sống tạm bợ, không ít người mưu sinh bằng những nghề bán sức và cần sự liều lĩnh bất chấp.

Thời gian, khoa học kỹ thuật, sự phát triển kinh tế… ngày càng xóa nhòa mọi ranh giới trước kia vốn rất sắc nét. Quận 4 bây giờ cũng như các quận khác, nhà cửa ngày càng cao rộng sáng đẹp, cư dân cũng phong phú, đi làm nhiều nghề nghiệp chính đáng.

Quận 10 : chùa to, chè Thái, hoa đêm, chợ đêm

Nói tới quận 10 thì nghĩ ngay tới con đường 3/2 dài dằng dặc, hai bên san sát siêu thị, cửa tiệm rực rỡ sáng choang. Việt Nam quốc tự-ngôi chùa có tòa bảo tháp 13 tầng đẹp đẽ uy nghiêm sừng sững bên cạnh nhà hát Hòa Bình, khu du lịch Kỳ Hòa. Muốn mua đồ nội thất nhất quyết phải qua quận 10. Dạo một vòng đường Ngô Gia Tự với hàng trăm tiệm lớn nhỏ san sát nhau thì sắm đủ một cái nhà, giường tủ ghế bàn chăn nệm tỉ ti cái gì cũng có.

Chừng hơn 20 năm nay, đường Nguyễn Tri Phương định danh với những tiệm chè Thái, chiều chiều người dừng xe chờ mua kẹt cả khúc đường.

Chợ hoa đêm Hồ Thị Kỷ thì hồi trước nổi tiếng lắm. Từ khoảng nửa đêm, khu chợ sống dậy bừng sáng rực rỡ với hàng chục container siêu trường chở hoa tươi và lá kiểng về đổ hàng cho thương lái. Ai bảo thương hoa tiếc ngọc, qua chợ mà coi công nhân thẳng tay ném những thùng hoa to cỡ nửa cái giường đơn bọc kín bằng carton uỳnh uỵch từ trên xe xuống các xe trung chuyển nhỏ. Giờ chợ hoa Hồ Thị Kỷ vẫn còn nổi nhưng thua xa lắc so với phố ăn đêm với cả ngàn món ăn vặt hấp dẫn ngay trong những con hẻm luồn lách bên chợ. Vào cuối tuần thì ở đấy phải rẽ người ra mới có không khí để thở.

Quận 5, quận 11 : Chinatown của Sài Gòn

Quận 5 và quận 11 thuộc Chợ Lớn, China town của Sài Gòn.

Cũng những đường phố thẳng dài, có lề đường rộng, nhưng tới quận 5 dường như đều khác. Đập vào mắt là rất ít cảnh lấn lề đường buôn bán chen chúc ngổn ngang, bảng quảng cáo đặt gần ra tới mặt đường, lò than cháy đỏ ngang nhiên nấu giữa lề đường hay rác rưởi quăng đầy. Mạch máu và hơi thở của quận 5 là buôn bán kinh doanh, nhịp sống này dồn dập lồ lộ qua dòng người xe vận chuyển hàng hóa chạy rầm rập trên đường. Nhưng hai bên lề đường vẫn khá sạch sẽ ngăn nắp. Người buôn bán ở trong các cửa tiệm mặt tiền, người đi bộ vẫn có thể thảnh thơi đi trên lề đường chứ không xô bồ bát nháo như một số quận trung tâm khác.

Không gian khác, không khí cũng khác đi nhiều lắm. Trên các biển hiệu cửa tiệm, chữ Hoa song song với chữ Việt. Hầu như dưới góc tường mỗi ngôi nhà hay cửa tiệm đều có bàn thờ ông Địa với bài vị dài nhỏ màu đỏ nhũ vàng lấp lánh đặc trưng màu sắc cầu chúc may mắn. Càng vô sâu trong trung tâm Chợ Lớn, các hội quán, chùa, miễu lớn càng dày, to lớn và lâu năm. Xung quanh đó bao giờ cũng có trường học, chợ và bệnh viện-bốn loại công trình tiện ích công cộng thiết yếu nhất hình thành nên khu quần cư tập trung của người Hoa. Chiều chiều trước rất nhiều ngôi nhà, các thím xẩm với mái tóc cắt ngắn thả rèm mái trước mỏng và ngang bằng - hình như gọi là mái Hỉ Nhi, bưng ghế ra ngồi hóng mát. Nhiều thím sống cả đời ở Sài Gòn nhưng không nói rành tiếng Việt.

Hào Sĩ Phường (phiên âm tiếng Việt) của một khu phố lầu đặc trưng Hong Kong vẫn tồn tại ngay giữa quận 5, từng làm bối cảnh cho rất nhiều clip âm nhạc, bộ ảnh nghệ thuật và phim ngắn. Sáng sáng, tiếng lách cách của bàn mạt chược vang lên trong nhiều ngôi nhà làm nên khung cảnh, âm thanh và chất liệu rất đặc biệt của China town Sài Gòn.

Quận 5, 6 và 11 là ba quận có đông người Hoa sinh sống nhất. Cùng cái đông đúc tấp nập nhưng quận 5 chủ về kinh doanh nên sầm uất phồn hoa, còn quận 11 chủ về sản xuất thì mang nhiều màu lao động, dãi dầu hơn.

Phú Nhuận-San Francislong

Quận Phú Nhuận từ khi có khu Phan Xích Long ngăn nắp và khang trang, mà dân ưa giỡn Sài Gòn kêu bằng San Francislong thì tiên phong đặc biệt với các con đường mang tên loài hoa : Hoa Cau, Hoa Cúc, Hoa Hồng, Hoa Đào, Hoa Huệ, Hoa Lan, Hoa Mai, Hoa Phượng, Hoa Sứ… chứ không phải tên các vị có công với chế độ.

***

Yêu cầu sắp xếp, nói thẳng là xóa sổ các quận này, nhập vào các quận xung quanh hay gom lại thành quận mới vì lý do diện tích nhỏ + dân số dưới tiêu chuẩn, thì quá buồn cười.

Tư duy quản lý mang nông thôn trùm lên đô thị

Từ khi giành chính quyền về tay mình, chính quyền Việt Nam chỉ có độc một tư duy quản lý nông thôn. Cả đất nước chỉ duy nhất một loại tổ chức chính quyền nông thôn, với cấp tỉnh, dưới tỉnh là huyện, dưới huyện là xã. Họ bưng tư duy này qua áp cho đô thị, nên thành phố mới được xem là dạng tương đương của tỉnh, quận tương đương với huyện và phường tương đương với xã.

Nhưng, thành phố là đô thị. Nó khác hoàn toàn về mọi mặt với tỉnh.

Nói dễ hiểu, đô thị dù to lớn cách mấy thì vẫn là một chỉnh thể thuần nhất cao độ. Chúng ta không thấy thay đổi gì về giao thông, kiến trúc, địa hình… khi đi từ quận này sang quận khác. Do vậy, tư duy quản lý đô thị phải bao quát và thống nhất trong toàn thành phố, không thể cát cứ theo kiểu mỗi quận là một sứ quân.

Trong khi đó, vùng nông thôn thì mỗi một huyện, thậm chí mỗi một xã lại có thể có một đặc điểm địa hình, giao thông, dân cư, kinh tế, văn hóa… khác nhau. Trong cùng một tỉnh có huyện ven biển, nhưng cũng có huyện ở trên núi, lại có huyện vùng đất bằng chẳng hạn. Mỗi khu vực khác biệt như vậy cần có cách quản lý riêng phù hợp mới có thể phát triển.

Lần này mục đích các anh sắp xếp, hay cụ thể là sáp nhập, cắt tỉa để mỗi huyện (và cấp tương đương là quận) hay xã (tương đương là phường) đạt quy định tối thiểu về diện tích và dân số. Nghĩa là nếu mỗi tỉnh/thành phố là một cái bánh, trước nay tự nhiên và lịch sử đã chia ra nhiều phần gồm phần nhân, phần bột và phần rìa bánh, thì nay các anh nãnh đạo muốn cầm con dao cắt thành những ô bằng nhau chằn chặn, bất kể nhân hay bột hay rìa.

Bằng nhau chằn chặn để làm chi ?

Để phân chia tài chính, quy định xây trụ sở, tính tiêu chuẩn xe công, số cán bộ lãnh đạo trưởng và phó cho đều nhau, công bằng !

Mặt tốt (theo lý thuyết) là việc giảm số đơn vị hành chính sẽ làm giảm tất cả các khoản chi tiêu kể trên, đồng thời cũng giảm nhân sự.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì ở thành phố Thủ Đức, từ khi nhập ba quận trở lại thành một (trước kia từ một huyện Thủ Đức chia thành ba quận), công việc của người dân nhiều lĩnh vực bị ách tắc. Vì số dân, lượng việc vẫn như cũ, nhưng số công chức phục vụ cho nhu cầu của họ đã giảm rất nhiều. Bí quá, một số cơ quan đành đề nghị hợp đồng thêm người. Hay trước kia người dân chỉ cần đến trụ sở UBND quận là làm được giấy tờ thì nay phải chạy tít lên UBND thành phố, xa hơn rất nhiều. Nói túm lại, khắc nhập khắc xuất, chưa thấy gì tốt hơn ngoài việc thằng Bờm vác ngang cây tre đòi đi vào cổng cả.

Đương nhiên còn phải tính đến thói quen làm việc lững thững hoặc gợi tiền của không ít công chức, kiểu làm khó để người dân mệt mỏi và tốn thời gian nên tìm cách thuê trung gian hoặc lót tay để bánh xe quay cho trơn tru. Nhưng nếu chỉ giảm nhân sự một cách vật lý mà không tính đến đặc điểm dân cư cũng như cách thức vận hành chung của cả bộ máy thì chẳng mang lại giá trị gì. Thậm chí còn tạo cơ hội để chạy chọt.

Lớn hơn, mặt bất cập của tư duy quản lý nông thôn nửa vời áp dụng vào cho đô thị là sẽ tạo ra những đơn vị hành chính dở dở ương ương. Ví dụ Hà Nội thì các anh đòi sáp nhập quận Hoàn Kiếm, cũng vì lý do nó bé, dân ít hơn tiêu chuẩn 1 huyện (quận). Nhưng Hoàn Kiếm của Hà Nội chính là miếng thịt ba chỉ trong cái nhân của chiếc bánh chưng. Nó bé, nhưng bé hạt tiêu, với đậm đặc kiến trúc, lịch sử, văn hóa… dồn nén trong chỉ vài cây số vuông. Giờ, cắt nó ra làm mấy mảnh, chia cho mỗi quận kế bên vài mảnh thì y kiểu anh phú nông có cái ao giữa vườn đem cắt chia cho các con mỗi người đều có một cái cầu ao cho công bằng. Đúng tâm lý tiểu nông cào bằng, thô lỗ, ngây ngô và xin lỗi-tham lam nữa, đến chết cười.

Cũng như thế, nếu quận 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận bị xóa sổ để đắp cho quận 1, quận 6, quận 8, Bình Thạnh… vài đường phố, thì sự sáp nhập đó cũng vẫn chỉ có ý nghĩa với các cấp nãnh đạo, về số ghế, số xe, số trụ sở... Còn với người dân, Duy Tân/Phạm Ngọc Thạch vẫn chỉ là một con đường liên tục, không thể có việc đoạn quận 1 thì sơn đỏ hay nhiều cây, đoạn quận 3 thì sơn xanh và gọt trọc cho nó rõ ràng phạm vi.

Chợ Lớn với các quận 5, 6, 11 đặc trưng không gian dân tộc Hoa ở Việt Nam cũng không thể cắt ra chia đều theo kiểu hội quán Hà Chương thì chia cho quận 8, Hội quán Nghĩa An to hơn thì chia cho quận 1, ví dụ vậy.

Nên tôn trọng những gì đã được lịch sử và tự nhiên phân chia ổn định. Bởi việc phân chia sắp xếp lại với thực tế của Việt Nam lâu nay chỉ là thêm một cơ hội làm tiền người dân, mà dễ thấy nhất là phải bỏ tiền thay đổi hàng loạt giấy tờ hành chính, biển báo giao thông, bảng hiệu cửa hàng… v.v

Thay vì cố cắt một thực thể thống nhất thành nhiều miếng đều chằn chặn thì nên thay đổi quy định về tổ chức chính quyền. Như căn cứ theo nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế của công chức với các loại việc của người dân (về diện tích, dân số, mật độ, an ninh, tổng thu ngân sách, mức độ và cách thức phát triển kinh tế… ) để có những chỉ số chuẩn. Từ đó, quận to hay quận nhỏ, chỉ cần theo đó tính toán số công chức, diện tích trụ sở, kinh phí hoạt động… tương ứng.
Mà như vậy thì như đề nghị của các đời lãnh đạo trước của Thành phố Hồ Chí Minh, nên áp dụng chế độ thị trưởng cho thành phố. Vị thị trưởng với sự giúp sức của Hội đồng chính quyền thành phố sẽ đề ra các quyết sách chung áp dụng cho toàn thành phố, có ngoại lệ cho các khu vực tương đối khác biệt như các quận huyện ngoại thành chẳng hạn.

Chứ còn như hiện nay, với cái tư duy bưng mô hình nông thôn về trùm lên thành phố thì các nãnh đạo đổi mới, cải cách cái gì, người dân lại lo thon thót, tức đùng đùng cái đấy. Vì tốn tiền tốn của, tốn cả nước bọt để xả stress, chứ chả có tí lợi ích thiết thực nào.

Thiên Hành

Nguồn : RFA, 07/08/2023

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/tp-hcm-cac-quan-3-4-5-10-11-va-phu-nhuan-thuoc-dien-sap-xep-lai-20230803180224246.htm

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-35-2023-ubtvqh15-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-119230721135004887.htm

https://thoixua.vn/sai-gon-xua/lich-su-hinh-thanh-con-duong-duy-tan-xua-nay-la-duong-pham-ngoc-thach.html

https://thanhnien.vn/tphcm-co-6-quan-thuoc-dien-sap-nhap-trong-3-nam-toi-185230803220926631.htm

https://vietnamnet.vn/sap-nhap-huyen-xa-khong-con-cho-nuoc-den-chan-moi-nhay-2172334.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thiên Hành
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)