Bà Nguyễn Ngọc Yến, năm nay 83 tuổi, đến Mỹ vào năm 1984, ngoài việc lo cho con cháu bà còn theo học đại học và kết quả bà đậu hai bằng Master, một bằng về văn chương Pháp và một về giáo dục. Đến năm 1998 bà được Bộ Ngoại giao Mỹ nhận vào dạy tiếng Việt cho các giới chức Mỹ sắp được bổ nhiệm phục vụ tại tòa đại sứ hay các tòa lãnh sự Mỹ ở Việt Nam.
Bà Yến giải thích lý do tại sao bà soạn bộ sách dạy tiếng Việt này.
"Vì những người Mỹ nói ngọng quá và thấy tiếng Việt khó nên tôi cố tìm cách để họ có thể học một cách dễ dàng. Mò mò riết từ năm 1998, 1999, nhưng đến năm 2000 tôi có thể nắm vững tất cả những gì học viên kém cõi nhất, tôi đo được hết rồi và năm 2000 tôi bắt đầu viết bản thảo".
Bà Yến sau đó mang phương pháp mới của bà đến các trường dạy tiếng Việt trong vùng nhưng không ai áp dụng. Bà Yến nói :
"Tôi đề nghị dạy phương pháp của tôi không ai muốn hết, hoàn toàn ai cũng thủ cựu hết. Thành ra tôi chỉ biết lo tôi dạy. Thấy ai cần thì tôi dạy thôi".
Tuy nhiên vẫn có một số thầy cô giáo áp dụng phương pháp giảng dạy mới của bà Yến.
Bà Lý Kim Hà, cựu nhân viên sở xã hội quận Fairfax đã áp dụng phương pháp của bà Yến giải thích về phương pháp này :
"Ngày xưa khi mình học theo lối cũ, tức mình phải đọc theo vần a b c đ, nói theo tiếng Việt bây giờ là a bờ cờ gì đó còn phương pháp của cô Yến là có một cái bắt buộc phải học là thuộc lòng các nguyên âm như như a á à ả, e é è ẻ, i í ì ị vân vân. Cái đó phải học thuộc lòng. Ví dụ như chữ 'tua' không dọc tờ u nhưng đọc liền tu, rồi chữ a mình không có làm thành một âm chánh mà gần như thành một âm lặng tu a tu a là nó ra liền. Thành ra đối với những học trò như những người Mỹ khi học là họ hân hoan. Vì sao ? Vì họ học, họ nói, họ đọc được liền".
Cô Hà một giáo viên tiếng Việt khác áp dụng thành công phương pháp của bà Ngọc Yến để dạy cho người Mỹ và người Nhật học tiếng Việt nói rõ thêm :
"Cái đặc biệt của phương pháp của cô Yến có tên là 'đánh vần bằng phương pháp nhóm âm', gọi tắt là 'phương pháp nhóm âm' là điều căn bản đầu tiên khác với những phương pháp trước đây trong việc dạy tiếng Việt. Và mọi người chúng ta thường hay quan niệm tiếng Việt là tiếng đơn âm. Thực ra quan niệm như vậy làm cho việc dạy đánh vần rất khó khăn và khó nhớ, nhưng nếu quan niệm tiếng Việt đa âm tiết như tiếng Anh tiếng Pháp thì mình thấy nó dễ hơn. Khi mình nghĩ là đa âm tiết thì mình tách một chữ ra sau đó nhóm lại theo những âm khác nhau".
Cô Hà đưa ra ví dụ :
"Sau khi họ biết được các nguyên âm và các phụ âm thì mình cho họ ráp lại và cho bỏ dấu thì họ phải rành rẽ 6 dấu giọng trước là sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Ví dụ khi họ thấy chữ Việt thì có dấu chấm ở dưới là dấu nặng thì giọng phải đi xuống. Khi nhìn thấy chữ v và chữ i thì họ phải biết đọc là vi còn chữ ê thì họ cũng đã học rồi, chữ ê có dấu chấm họ phải đọc là ệ và chữ t ở đằng sau. Như vậy ráp lại họ sẽ đọc là việt"
Bà Yến cho biết là vào ngày 5 tháng 8 năm 2007, Đại học Xã hội và Nhân văn Sài-Gòn có tổ chức một cuộc hội thảo Khoa học Quốc tế tại Phan Rang với sự tham gia của những người dạy tiếng Việt ở hải ngoại để bàn về chuyện dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Tại Việt Nam bà gặp rất nhiều người về Việt Nam họp, thuyết trình về các phương pháp của họ. Bà nhận xét về những phương pháp này :
"Thực ra không có ai có phương pháp dạy nhanh như tôi hết, chỉ có cách dạy như thế nào thôi. Tất cả những người bên Việt Nam rất quý, họ nể lắm. Họ thấy chúng mình hơn họ nhiều".
Anh Hoàng Vi Kha, một thầy giáo tại trường Việt ngữ Thăng Long ở thành phố Falls Church, Bắc Virginia có nhận xét :
"Nói chung cách của cô đưa vào là một trong những phương pháp rất hữu ích cho những người lớn tuổi và những người không phải là người Việt Nam như người Mỹ có thể học rất nhanh và rất dễ".
Tuy nhiên theo anh Kha việc đánh giá phương pháp này còn phải có thời gian :
"Đồng ý theo cách đó hay không còn phải có sự bàn cải của những người trong ngành, phải áp dụng thử rồi tháng 7 tháng 8 này sẽ có một ngày để tất cả mọi người ngồi xuống góp ý và đưa ra những nhận xét".
Bà Yến cho biết trong tương lai bà viết thêm nữa để bổ túc cho bộ sách hiện nay :
"Có lẽ tôi sẽ viết nhiều cuốn sách về đàm thoại, những câu chuyện thường ngày chúng ta nói, để các em đã biết đọc rồi cứ theo đó học để nói chuyện".
Bà Yến quyết định số tiền khoảng 2.300 đô la sẽ được dùng để lập một quỹ tiếng Việt nhằm giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt hải ngoại
Người Việt tại hải ngoại lúc nào cũng mong muốn cho con cháu không quên tiếng mẹ đẻ nên ở nơi nào có người Việt là ở đó có các trường Việt Ngữ. Vào ngày Lễ Mẹ 14 tháng 5 vừa qua, tại thủ đô người Việt tị nạn ở California, giáo sư Trần Ngọc Ninh, nguyên Tổng trưởng giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa cũng đã ra mắt ba cuốn sách "Dạy Ðọc Dạy Viết Tiếng Việt", "Ngữ Vựng Tiếng Việt Ðầu Tiên Cho Tuổi 5 Năm-15 Năm", và "Ngữ Pháp Việt Nam" tại Viện Việt Học, Westminster. Ngoài ra nữ hướng đạo sinh Phạm Mê Linh cũng đã phát hành CD dạy các em học tiếng Việt có tên là 'học tiếng Việt qua bài hát.
Học giả Phạm Quỳnh từng nói : "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn". Và người Việt ở hải ngoại đã theo phương châm này để nỗ lực dạy tiếng Việt cho các em.
Hà Vũ
Nguồn : VOA, 07/06/2017