Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

THDCĐN

05/05/2021

Cơ sở tư tưởng - 1986 (Tài liệu học tập nội bộ)

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời giới thiệu : Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ra đời cuối năm 1982, do sự gặp gỡ của một nhóm trí thức cùng thao thức với đất nước và cùng chia sẻ một nhận định là phải thay đổi hẳn quan niệm hoạt động chính trị. Cuộc đấu tranh mới không thể là sự tiếp nối cuộc xung đột trước 1975 mà phải nhắm mục đích duy nhất là dân chủ hóa đất nước và, do đó, đòi hỏi một dự án chính trị mới, một thái độ mới, một cách suy nghĩ mới và những phương thức đấu tranh mới.

thdcdn3

Chim bồ câu tung cánh là biểu tượng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhóm này đã quyết định dành trọn hai năm để chỉ mổ xẻ mọi vấn đề của đất nước hầu đi đến những kết luận chung được đúc kết thành văn bản trước khi bắt đầu hoạt động thực sự. Năm 1984, họ hoàn tất tài liệu đó, được đặt tên là Cơ Sơ Tư Tưởng (*). Một số anh em tự cảm thấy không thể tiếp tục đi hết đường dài của cuộc đấu tranh giành dân chủ đã rút lui và trở thành những thân hữu, nhưng một số người càng ngày càng đông đảo đã đến tăng cường đội ngũ. Một tổ chức chính trị thực sự đã ra đời như là kết hợp của những người cùng theo đuổi một lý tưởng chung là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, bao dung và giàu mạnh, một nước Việt Nam mà những con người ngày hôm nay có thể chấp nhận và các thế hệ mai sau có thể tự hào. Tổ chức này chưa tự đặt tên cho mình vì hai lý do, một là các thành viên coi danh xưng là điều chưa cần thiết trong giai đoạn đầu mà mọi cố gắng nhắm vào việc phát hiện và tranh thủ một cách kín đáo những người thực sự có khả năng và tâm huyết, hai là vì ý muốn sáp nhập với các tổ chức khác để hình thành một tổ chức dân chủ có tầm vóc sau này.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

****************

coso1

 

CƠ SỞ TƯ TƯỞNG

(Tài liệu học tập)

 

Cơ_sở_tư_tưởng_1986.pdf

15.02.1986

cosotutuong-1

cosotutuong-2

Mục lục

Dn nhập : Hai nhiệm vụ lịch sử

Phần thứ nhất : Cơ bản đấu tranh chính trị ngày nay

1.1. Thế giới chúng ta đang sống

1.2. Các chủ nghĩa đã hết thời

1.3. Năm giai đoạn của tiến trình đấu tranh cách mạng

1.4. Bốn điều kiện cần đủ của một cuộc cách mạng

1.5. Một vài khôn ngoan đẳng của đấu tranh chính trị                                                         

Phần thứ hai : Những nhận định căn bản về bối cảnh Việt Nam

2.1. Đất nước Việt Nam là đất nước của những cộng đồng

2.2. Việt Nam phải thận hữu với Trung Quốc

2.3. Nước Việt Nam cần có một chủ nghĩa nước nhỏ

2.4. Phải ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của hận thù và chia rẽ

2.5. Đất nước đã thống nhất và sẽ thống nhất mãi mãi

2.6. Những thành phần dân tộc mới

2.7. Chủ nghĩa cộng sản đang ở cuối một giai đoạn đào thải, Đảng cộng sản Việt Nam đang rã hàng

2.8. Chiến tranh giải phóng là điều chẳng đặng đừng

2.9. Hoa Kỳ và Thế giới tự do

2.10. Ba thành tố của một chính nghĩa dân tộc mới

Phần thứ ba : Sách lược đấu tranh của người tỵ nạn

3.1. Đem lại một hy vọng cho dân tộc

3.2. Tổ chức đấu tranh

3.3. Xây dựng một tập hợp dân tộc mới

3.4. Bám sát tình hình trong nước, đẩy tung cánh cửa bưng bít của địch

3.5. Tạo dựng cơ sở kinh tài

3.6. Chuẩn bị một giải pháp thay đổi

3.7. Giành thắng lợi rõ rệt, hoàn toàn về mặt văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật

3.8. Xây dựng một cộng đồng người Việt tỵ nạn lành mạnh

Kết luận : Nước lã mà vã nên hồ

 

coso2

Dẫn nhập : Hai nhiệm vụ lịch sử

 

Đất nước Việt Nam ngày hôm naymột đất nước trong đó kẻ ăn độn canh giữ đày đọa kẻ ăn đói. Người nọ hận thù nghi kỵ người kia. Chỉ một thiểu số không đáng kể là thực sự hưởng thụ trong một thảm trạng cho dân tộc mà họ tạo ra và dồn hết sức lực để duy trì. Người Việt Nam nào cũng đau khổ, dù là ở trong hay ở ngoài bộ máy kìm kẹp. Giải phóng dân tộc đau khổ là nhiệm vụ lịch sử đầu tiên.

Chúng ta hiện nay là một trong những nước nghèo đói nhất trái đất với 60 triệu dân, sang thế kỷ 21 chúng ta sẽ có sấp sỉ 100 triệu dân và sẽ chịu một áp lực nhân mãn rất trầm trọng. Trong khi hầu hết loài người đang hăm hở thi đua hướng về tương lai thì chúng ta lại có một chính quyền quá sức vô lý. Chính quyền này không những hoàn toàn bất lực trong việc phát triển đất nước mà còn thẳng tay đập phá những gì rất ít ỏi mà đất nước còn có về vật chất cũng như về tinh thần, về nền móng xã hội cũng như về con người Việt Nam.

Với đà này sẽ có một lúc mà chúng ta đã quá thua kém các dân tộc khác đến độ không còn hy vọng bắt kịp họ nữa, các vấn đề đặt ra cho chúng ta đã quá trầm trọng đến mức không còn giải đáp. Lúc đó nước chúng ta sẽ bị vĩnh viễn gạch tên ra khỏi danh sách các dân tộc có thể có hạnh phúc. Nhiệm vụ thứ hai của chúng ta là Cứu nước khỏi thảm họa bị nghèo đói và thua kém vĩnh viễn. Đây là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách vì là một cuộc chạy đua với thời gian.

Tóm lại chúng ta muốn chấm dứt những đau khổ mà đồng bào cả nước đang phải chịu đựng và thay đổi dòng lịch sử đang rất bất lợi cho dân tộc.

Cuộc tranh đấu của chúng ta vì vậy phải vượt hẳn lên trên những thù hận, luyến tiếc quá khứ, những tham vọng cá nhân. Nó hoàn toàn được thúc đẩy bởi những tình cảm cao thượng. Nó hoàn toàn hướng về tương lai.

Chúng ta muốn thay đổi hướng đi của lịch sử và cái bối cảnh tồi kém hiện nay chứ không phải chỉ tranh giành hơn thua, chỉ muốn hoán vị kẻ thống trị và kẻ bị trị.

Hai nhiệm vụ Giải phóng dân tộc và Cứu nước buộc chúng ta phải tìm ra lập trường đấu tranh có khả năng trong hiện tại lôi kéo được toàn dân để sớm cô lập và dứt điểm bạo quyền, và trong tương lai động viên được tất cả mọi sinh lực quốc gia vào cuộc chạy đua với kim đồng hồ. Xóa bỏ hận thù như vậy không chỉ là một tình cảm cao thượng, nó cũng là một yêu cầu kỹ thuật.

Trước hiện tình đất nước, đấu tranh là bổn phận tự nhiên của tất cả những ai có lòng với nước.

Nhưng đấu tranh trước hết đòi hỏi chúng ta đồng ý với nhau trên một dự án chính trị cho tương lai, về những phương pháp đấu tranh phù hợp với bối cảnh đất nước và về những công tác trước mắt của tập thể người Việt tỵ nạn. Tập trung những điểm đồng ý đó là cơ sở tư tưởng chỉ đạo hành động.

Đó là căn bản đồng thuận (consensus) của một kết hợp mới.

Cơ sở tư tưởng – hay căn bản đồng thuận – này phải hội đủ ba yếu tố :

1. Nó phải tích cực, nghĩa là bao hàm những điều mà ta thấy là đúng và nên làm chứ không phải chỉ gồm những lời cáo buộc đối phương. Phủ nhận cái vô lý chưa đủ để chứng minh rằng ta có lý. Chống lại kẻ sai chưa phải là đúng. Cơ sở tư tưởng của ta do đó phải chứa đựng một dự án cho xã hội ngày mai. Nó phải đặt đúng những vấn đề trọng đại của đất nước và tìm ra được những hướng giải quyết cho từng vấn đề.

2. Nó phải được hiểu thật quán triệt, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Mọi người đều phải hiểu rõ và hiểu như nhau đến mức mà trước một biến cố mọi người đều phải có phản ứng tương tự. Phải quán triệt cơ sở tư tưởng đến độ mà hai cán bộ dù ở xa nhau và không có phương tiện liên lạc vẫn hiểu nhau và hành động ăn khớp với nhau, thì sự kết hợp mới có cơ may vượt được mọi thử thách để có thể tồn tại và tiến lên.

Nhiều tổ chức đấu tranh đã tan rã giữa cuộc vì trong lúc hành động người ta mới khám phá ra rằng thực ra mình không đồng ý với nhau như đã vội lầm tưởng lúc ban đầu.

3. Nó phải có khả năng lôi kéo được sự hưởng ứng sau cùng của đại khối dân tộc. Đó không thể là một lập trường thỏa mãn một thành phần dân tộc này và thiếu công bình với một thành phần dân tộc khác. Nó không thể ve vãn người này và gây sự bất bình nơi người khác. Mọi người đều phải tìm thấy hình ảnh và vai trò của mình trong cuộc đấu tranh hiện tại, cũng như trong dự án chính trị cho tương lai.

Chỉ có một cơ sở tư tưởng như vậy mới cho phép ta hy vọng ở thắng lợi sau cùng, bởi vì cuộc đấu tranh của ta là một cuộc đấu tranh vô cùng cam go. Ta muốn đánh bại cả một bộ máy kềm kẹp đồ sộ vào bậc nhất thế giới. Ta muốn đánh bại những thành kiến và tập quán sai lầm chồng chất từng thế kỷ nay. Ta muốn lay động một dân tộc đã kiệt quệ và chán chường. Nhưng ta chỉ có hai bàn tay không.

Nếu cơ sở tư tưởng của chúng ta không vững chắc, không vượt trội, không hơn hẳn, thì cuộc đấu tranh của ta cùng lắm chỉ là một cuộc đấu tranh lãng mạn, một phí tổn thời giờ và nghị lực vô ích.

 

coso3

Phần thứ nhất : Cơ bản của đấu tranh chính trị ngày nay

Đấu tranh chính trị là tranh chấp quyền lãnh đạo xã hội. Vậy điều kiện tiên quyết là phải nắm được hướng biến chuyển tất nhiên của xã hội. Nếu đấu tranh chính trị trên một đường lối đi ngược với tiến hóa thì chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát.

Nắm được hướng diễn tiến của lịch sử không đủ, mà còn phải đấu tranh có phương pháp. Có những qui luật đấu tranh chính trị đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc mà ta phải quán triệt trước khi đặt vấn đề đặc biệt của đất nước Việt Nam.

1.1.        Thế giới mà chúng ta đang sống

Thế giới đang trải qua một cuộc chuyển hóa (mutation) rất trầm trọng và rất mau chóng về cả phẩm lẫn lượng. Nhiều người quan sát với lối quan sát lịch sử truyền thống gọi thời đại chúng ta là kỷ nguyên văn minh điện tử. Như thế là chưa nhìn thấy nét đặc thù của thế giới hiện nay. Trước đây mỗi phát minh về khoa học kỹ thuật, hay một triết lý, uốn nắn thế giới trong một thời gian khá dài. Ngày nay thì khác hẳn, thế giới đã đi vào một cơn lốc mà vận tốc mỗi ngày một tăng. Không còn có một kỷ nguyên nào nữa. Không còn có một giai đoạn lắng dịu nào nữa.

Tuy nhiên trong vô số biến động ồ ạt đó ta vẫn có thể nhận ra được những nét đậm nhất của bộ mặt thế giới hôm nay và trong một tương lai khoảng chừng một hai thập niên.

Các nét đậm đó là :

1. Kinh tế trở thành mối quan tâm trọng đại nhất của mọi chính sách.

Có thể nói trong thế giới mà chúng ta đang sống làm chính trị có nghĩa là làm kinh tế. Người lãnh đạo chính trị không ít thì nhiều cũng phải là một chuyên viên kinh tế. Một hậu qủa khác của vai trò khống chế của kinh tế trong chính trị là sự cạnh tranh trở nên rất gay go. Tất cả các quốc gia đều phải dồn hết nhân vật lực vào cuộc chạy đua kinh tế. Các quốc gia đã có một ưu thế nào thì phải dốc toàn lực để duy trì hoặc nếu có thể tăng cường ưu thế của mình. Các nước thất thế thì phải dồn hết sức để bắt kịp và nếu có thể vượt qua các nước hơn mình. Không một phí phạm nào, không một sai lầm lại không bị chế tài tức khắc. Cạnh tranh kinh tế khốc liệt còn đưa đến tình trạng là các quốc gia không những phải tận dụng đến đồng bạc cuối cùng mình đang có mà còn phải huy động cả những gì mình có thể sẽ có qua các định chế tín dụng. Do đó sẽ không thể có hiện tượng nước giầu dư tiền giúp nước nghèo, hay giúp một lý tưởng quốc tế nào. Kỷ nguyên của ngoại viện ồ ạt bắt đầu chấm dứt. Các dân tộc nhược tiểu phải trông cậy trước hết ở nơi mình.

2. Các tiến bộ về vi điện tử

đưa tới một mức độ tự động hóa càng ngày càng cao, có triển vọng trở thành toàn diện. Tự động hóa không những là một biện pháp rẻ tiền để thay thế nhân công mà còn là một cưỡng chế kỹ thuật do sự cạnh tranh. Trong hầu hết tất cả mọi địa hạt về điện cơ, chỉ có người máy mới bảo đảm được phẩm chất cao và chắc chắn bởi vì người máy có khả năng lập đi lập lại được những động tác tinh vi mà chân tay không thể nào làm nổi.

Kết qủa thê thảm cho các nứơc chậm tiến là họ mất món võ khí lợi hại mà họ vẫn xử dụng từ xưa đến nay, đó là nhân công rẻ. Nhân công rẻ không còn là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới để lôi cuốn đầu tư không có không được từ các nước tiền tiến.

Các quốc gia chậm tiến chỉ còn lại một phương pháp để lôi cuốn đầu tư : đó là luật pháp giản dị, thuế khóa nhẹ nhàng. Thuế đã nhẹ thì ngân sách phải kém. Như thế muốn tiến lên được các nước nhược tiểu bắt buộc phải chấp nhận một guồng máy nhà nước nhẹ, trái ngược hẳn với cơ cấu tập trung nặng nề của các chế độ độc tài chuyên chế.

3. Những tiến bộ trong địa hạt thính thị (audiovisuel)

đã tăng cường một cách đột ngột khả năng truyền thông. Ở một địa điểm nào đó trên trái đất con người có khả năng để biết rất nhanh chóng những gì xẩy ra ở các nơi khác. Đối với các chế độ chuyên chế, đặc biệt là các chế độ cộng sản, đây là một sự kiện rất mới và rất nhức nhối. Mặt khác thì nhờ tiến bộ về điện tử, chiếc máy thu thanh không còn là một xa xỉ phẩm mà trở thành một vật dụng thông thường. Các chế độ chuyên chế bưng bít hoặc phải cấm máy thâu thanh, và như vậy tự đặt mình vào tư thế thù nghịch với nhân dân trong nước, hoặc phải chấp nhận để hệ thống bưng bít của họ bị phá vỡ. Hiện nay chưa một chế độ nào dám cấm máy thâu thanh. Họ đã phải chấp nhận một nhượng bộ rất nguy hiểm cho sự sống còn của họ. Và chiều hướng nhượng bộ lại mỗi ngày một lớn hơn, nhiều chính phủ cộng sản đã đi đến chỗ phải dung túng cả máy truyền hình có khả năng bắt được đài ngoại quốc. Đe dọa đối với thể chế của họ mỗi ngày thêm trầm trọng.

4. Các tiến bộ trọng đại, và mỗi ngày một gia tăng mạnh mẽ trong các địa hạt truyền thông, vận tải, giao thông và trao đổi văn hóa thương mại đã có tác dụng phối hợp là làm cho trái đất nhỏ lại và các quốc gia gần gũi và ràng buộc với nhau hơn. Ý niệm độc lập dân tộc hẹp hòi trở thành lỗi thời. Tất cả các dân tộc đều liên thuộc lẫn nhau. Bài toán mới của mỗi quốc gia không còn là giữ độc lập tuyệt đối mà là làm thế nào, trong sự liên thuộc bắt buộc đó, mưu tìm được quyền lợi tối đa cho dân tộc mình và giữ được nếp sống phù hợp với hồn tính của mình.

5. Tiến diễn của thế giới cận đại dành cho cá nhân một vị trí càng ngày càng lớn.

Hậu quả đầu tiên là sự tăng cường của các quyền tự do gây thêm một bối rối trầm trọng cho các chế độ chuyên chế.

Hậu quả thứ hai là sự sút giảm tương ứng của ý chí của các chính phủ. Họ không còn được tự do hành động theo tính toán của họ nữa mà phải luôn luôn theo sát nguyện vọng của các cá nhân, mà các nguyện vọng cá nhân đều rất hạn hẹp và ích kỷ. Do đó các nghĩa vụ quốc tế vô vụ lợi sẽ dần dần rời khỏi tầm tay của các chính phủ mà chuyển một phần quan trọng qua các hiệp hội tư nhân như các giáo hội, các phong trào bảo vệ môi sinh, các tổ chức từ thiện, dân quyền, văn hóa, v.v...

Hậu quả thứ ba là sự xác nhận bản ngã mỗi ngày một quyết liệt của các tập thể ít người. Một khi con người đã thấy địa vị của họ được bảo đảm rồi, họ bắt đầu đòi xác nhận luôn tập thể nguồn gốc của họ. Do đó ta thấy nổi dậy khắp nơi các cuộc đấu tranh đòi tự trị của các sắc tộc ít người xưa nay vẫn bị hòa tan trong cộng đồng quốc gia. Sự trỗi dậy nhiều khi rất cuồng nhiệt và bạo động. Chúng ta cần nhấn mạnh hậu quả thứ ba này, vì nó sẽ là một yếu tố rất quan trọng trong sinh hoạt của mọi quốc gia. Rất ít quốc gia nào có được một chủng tộc thuần nhất, cho nên quốc gia nào cũng sẽ phải đương đầu, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều, với sự trỗi dậy đòi "bản ngã" của các tập thể ít người. Không giải quyết ổn thỏa được vấn đề này thì không thể nào có được an sinh (paix sociale) và sẽ bị nội chiến hoặc xáo trộn thường trực, không thể dồn hết mọi sinh lực vào cuộc cạnh tranh kinh tế quyết định chỗ đứng của mỗi quốc gia trên thế giới.

6. Cá nhân được một chỗ đứng thoải mái hơn.

Các chính quyền bị trói buộc nặng nề hơn với các vấn đề cấp bách vì kinh tế đưa đến tình trạng thờ ơ với các cuộc chiến tranh giải phóng của các dân tộc khác. Thờ ơ vì ích kỷ cũng có và cũng vì nhân loại trở thành hiếu hòa hơn và không còn hăng say với những biện pháp dùng bạo lực. Dĩ nhiên là người ta vẫn dành nhiều thiện cảm cho một cuộc chiến tranh giải phóng chống ngoại xâm (Afghanistan) hơn là một cuộc nội chiến (Nicaragua). Nhưng nói chung là người ta không sẵn sàng ủng hộ đến mức phải thắt lưng buộc bụng cho một chính nghĩa của một dân tộc khác.

Những thiên anh hùng ca giải phóng không còn gợi được cảm hứng của loài người nữa.

7. Nét đậm cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là sự suy thoái của chủ nghĩa cộng sản.

Mới cách đây một thập niên, nếu là trí thức thì phải là trí thức Mác xít, nếu không thì không phải là người trí thức. Ngày hôm nay thì tình hình đảo ngược hẳn : hoặc là trí thức hoặc là Mác xít chứ không thể là cả hai cùng một lúc. Thay đổi thật là đột ngột và toàn diện.

Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn trong những trang sau, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể đưa ra lý do chính : đóng khung trong một mô thức cứng nhắc và quyết đoán, chủ nghĩa cộng sản đã không còn phù hợp được với các chuyển hóa vĩ đại của hơn một thập niên qua. Khác với các hệ thống tây phương đang phải chật vật trong cuộc chuyển hóa đó, hệ thống cộng sản Mác Lê nin đang già nua và cằn cỗi đi bên ngoài đường tiến hóa của loài người.

Thử thách đặt ra cho chủ nghĩa cộng sản thực là oan trái. Tất cả chứng minh rằng thời đại của các chủ nghĩa đã cáo chung. Các chế độ cộng sản không thể chấp nhận điều đó vì hậu quả hợp lý nhất sau đó là sẽ phải phủ nhận chính họ. Do đó họ phản kháng lại, nhưng là một phản kháng tuyệt vọng của kẻ ngoan cố. Càng ngoan cố biện luận thì kẻ vô lý lại càng chứng tỏ sự vô lý của mình.

Sự sụp đổ của một hệ thống nào cũng bắt đầu bằng sự sụp đổ về mặt tư tưởng. Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ về mặt tư tưởng trong thời gian một thập niên. Về mặt kinh tế kỹ thuật, họ cũng rất thua kém khối tư bản. Hiện tượng các cấp lãnh đạo già nua trong các chính thể cộng sản là một triệu chứng rất tiêu biểu của tình trạng thiếu khả năng để phù hợp với thời đại của các chủ nghĩa cộng sản.

1.2. Các chủ nghĩa đã hết thời

Cần phân biệt hai ý niệm rất khác nhau nhưng trong ngữ vựng Việt Nam lại được diễn tả bằng hai danh từ gần giống nhau và đôi khi đưa đến sự lẫn lộn : chủ nghĩa hay ý thức hệ (idéologie) và chủ thuyết (doctrine).

Chủ thuyết là nhận định cơ bản về một vấn đề trọng đại nào đó. Thí dụ như chủ thuyết Nixon về Đông Nam Á. Chủ thuyết gần giống như sách lược chỉ khác ở chỗ nó nặng về lý luận và chỉ đề cập một cách đại cương đến kế hoạch và phương tiện trong khi sách lược nặng về phương tiện, tổ chức và kế hoạch.

Chủ nghĩa thì khác hẳn. Bắt nguồn từ một quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, lịch sử, nó đưa ra một đề nghị tổng hợp về một kiểu mẫu xã hội. Chủ nghĩa cộng sản hay ý thức hệ Mác Lê-nin là một thí dụ.

Chúng ta cũng cần nhắc tới một lối dùng khác của từ ngữ chủ nghĩa, trong đó chủ nghĩa có nghĩa tương tự như thái độ, thí dụ như ta nói một người nào đó theo chủ nghĩa danh vọng là ta muốn nói tới thái độ của người ấy. Từ ngữ "chủ nghĩa nước nhỏ" mà ta sẽ gặp trong tài liệu cũng dùng theo nghĩa này.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cứu nước hiện nay nhiều người cho rằng trước hết phải tìm ra một ý thức hệ để đương đầu với ý thức hệ cộng sản. Trong mấy chục năm qua nhiều người đã mất rất nhiều trí lực mà không đạt tới được một kết quả nào. Chúng ta có nên tiếp tục con đường đó không ?

Phân tích cho kỹ thì không có gì sai một cách thê thảm bằng chủ trương đi tìm chủ nghĩa. Chúng ta cần chấm dứt vĩnh viễn những cố gắng vô vọng này để tập trung mọi cố gắng và suy tư vào những vấn đề thực sự. Tại sao ?

A.        Xét về mặt triết học và tư tưởng

1. Từ một thế kỷ nay, trên thế giới đã có nhiều nhà tư tưởng cố gắng tìm ra cho được một chủ nghĩa đối kháng với chủ nghĩa cộng sản. Họ đã không thành công. Như vậy phải chăng là chủ nghĩa cộng sản không thể phủ nhận được và quả là đỉnh cao của trí tuệ loài người như người cộng sản huênh hoang ? Nếu quả như vậy thì tại sao các nước theo chủ nghĩa cộng sản lại nghèo nàn, lạc hậu và thất nhân tâm như ngày hôm nay.

Hay là tại vì vấn đề đi tìm chủ nghĩa tự nó đã là một vấn đề đặt sai ngay từ đầu ?

2. Một chủ nghĩa là một giải pháp toàn bộ cho xã hội, giải thích tất cả, giải đáp tất cả. Nó là một đơn thể bất khả phân (un tout indivisible), người ta không thể chấp nhận điều này, phủ nhận điều kia v.v... Nếu như vậy thì không còn là chủ nghĩa nữa. Chủ nghĩa tự bản chất và do định nghĩa của nó là nhất nguyên. Nó tất nhiên đưa đến những hậu quả của nhất nguyên, nghĩa là chuyên chính, độc tài, bạo lực.

Nếu chúng ta, những người đa nguyên mà bản chất là sẵn sàng chấp nhận những người khác quan điểm, lại đi tìm một chủ nghĩa thì đúng là tìm cách để phủ nhận chính mình. Chống lại độc tài chuyên chế là chống lại mọi chủ nghĩa. Thực ra chúng ta chống lại chủ nghĩa nói chung trước khi chống cộng.

Nếu chúng ta chống lại chủ nghĩa cộng sản để rồi áp đặt một chủ nghĩa khác thì đúng là thay thế một sự chuyên chế này bằng một chuyên chế khác.

B.        Rời khỏi lý luận triết học mà nhìn vào thế giới mà chúng ta đang sống, ta sẽ thấy ngay cả nếu chúng ta chủ trương chuyên chế đi nữa thì vấn đề chủ nghĩa cũng đã lỗi thời.

Chủ nghĩa là một đề nghị tổ chức xã hội cho một giai đoạn văn minh nào đó. Chủ nghĩa quân chủ chuyên chế ra đời khi con người bắt đầu sống thành xã hội có tổ chức đòi hỏi phải có kẻ giữ trật tự. Chủ nghĩa tư bản tuyệt đối xuất hiện với sự phát minh ra máy móc đòi hỏi một cơ cấu sản xuất quy mô. Chủ nghĩa Mác Lê-nin đã xuất hiện như một phản kháng những thái quá của chủ nghĩa tư bản.

Nói chung thì mỗi chủ nghĩa hay một ý thức hệ tương ứng với một giai đoạn văn minh nào đó của xã hội con người. Rút từ những khám phá về khoa học, kỹ thuật, triết học của một giai đoạn, chủ nghĩa là một đề nghị tổ chức xã hội cho giai đoạn đó và chỉ có lý do tồn tại khi những dữ kiện căn bản của xã hội chưa thay đổi.

Nói khác đi, chủ nghĩa chỉ có chỗ đứng nếu thế giới biến chuyển một cách gián đoạn (discontinue), theo từng nấc, có những khám phá lớn gây ra những đảo lộn trọng đại, kế tiếp là một thời gian dài trong đó không có một đảo lộn đáng kể nào xẩy ra.

Kể từ nay sự chuyển hóa của thế giới đã hoàn toàn thay đổi nhịp độ. Những đảo lộn trọng đại dồn dập xẩy tới từng ngày và mỗi ngày với một vận tốc lớn hơn. Thế giới không còn biến chuyển theo từng giai đoạn, theo từng nấc thang nữa mà biến chuyển liên tục và dồn dập. Trong bối cảnh ấy, ngay khi người ta vừa làm được một tổng hợp để có thể xây dựng một chủ nghĩa thì tổng hợp ấy đã sai rồi.

C.        Đã không còn chủ nghĩa nữa thì nền tảng của hành động chính trị là gì ?

1. Trước hết là hành động chính trị phải được thể hiện trên một nền tảng gồm ba ý niệm căn bản của nó, cũng là ba giá trị đối với con người và xã hội, đó là tự do, dân chủ và phồn vinh.

2. Chung quanh ba giá trị đó, hành động chính trị lồng trong khuôn khổ các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Sứ mệnh của người làm chính trị là đem lại một nội dung văn hiến, xã hội và nhân bản cho các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn, đồng thời tu chính những tiên liệu dài hạn dưới ánh sáng của những sự kiện đã thực sự xẩy ra.

Tóm lại, tiên liệu và kế hoạch là linh hồn của chính trị từ nay trở đi. Phải chấm dứt mọi bàn cãi vô bổ về chủ nghĩa.

1.3. Năm giai đoạn của tiến trình đấu tranh cách mạng

Đấu tranh cách mạng là đấu tranh để thay đổi chính quyền và thay đổi những chọn lựa của xã hội. Cuộc đấu tranh của ta là một cuộc đấu tranh cách mạng, vì thế ta cần nhận định rõ tiến trình cần có để một cuộc cách mạng có cơ may thắng lợi.

Các cuộc đấu tranh cách mạng đã thành công trên thế giới từ trước đến nay tuy diễn ra trong những hoàn cảnh địa lý, lịch sử khác nhau (đấu tranh qua tuyển cử, biểu tình bạo động, đấu tranh võ trang, v.v...) nhưng đều theo một tiến trình duy nhất. Tiến trình này gồm năm giai đoạn.

1. Xây dựng cơ sở tư tưởng

Đấu tranh cách mạng bắt đầu với sự từ chối cách quản trị xã hội đang có. Nhưng nếu chỉ chống đối cái hiện có mà không vạch ra được cái nên có thì là làm loạn chứ không phải làm cách mạng. Biết mình muốn gì (tức là có một đề nghị hay một dự án chính trị) cũng chưa đủ, còn phải tìm ra những phương pháp đấu tranh đưa đến thắng lợi. Dự án chính trị và những phương pháp đấu tranh là cơ sở tư tưởng của cuộc đấu tranh.

Cơ sở tư tưởng chỉ có thể coi là thực sự có khi các cán bộ nòng cốt đã thấu hiểu, và thấu hiểu như nhau. Cơ sở tư tưởng chỉ có chiến đấu tính khi nó có sức hấp dẫn với đại đa số, nghĩa là nó thực sự phản ảnh được chân lý của thời đại (Soljenitsine nói một lập trường lẽ phải nặng hơn trái đất !). Cơ sở tư tưởng chỉ trở thành một sức mạnh khi nó được đa số biết đến và chấp nhận.

Xây dựng cơ sở tư tưởng là điều kiện tiên quyết vì mọi cuộc đấu tranh cách mạng trước khi chiếm được chính quyền đều phải thắng về tư tưởng.

2. Đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo

Phải có nhiều cán bộ giỏi và các cán bộ đó phải là một đội ngũ. Có nhiều cán bộ giỏi mà không biết nhau, không tin nhau, hay không nhất trí với nhau thì chưa phải là có đội ngũ lãnh đạo.

Mọi cuộc đấu tranh chính trị xét cho cùng đều là đấu tranh giữa hai đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Đào tạo cán bộ không nhất thiết là phải huấn luyện ra họ, mà cũng có thể là lôi kéo những người sẵn có khả năng đi theo một cơ sở tư tưởng, rồi bổ túc cho họ bằng những cố gắng học tập và những kinh nghiệm hành động.

3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện

Sau đó là giai đoạn kiểm điểm và quản lý phương tiện đấu tranh. Cơ sở kinh tài có thể là những cơ sở kinh doanh của tổ chức (rất ít), cũng có thể là những cơ sở kinh doanh của các thân hữu sẵn sàng đóng góp cho tổ chức, cũng có thể là sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên, cảm tình viên, quần chúng, cũng có thể là một nguồn ngoại viện. Điều quan trọng là tổ chức có thể tiên liệu và hoạch định được sự sẵn sàng (disponibilité) của các phương tiện.

4. Xây dựng cơ sở quần chúng

Trừ trường hợp đấu tranh trong một môi trường dân chủ và ở vào thời điểm mà tổ chức chưa đạt tầm vóc lớn, cán bộ lãnh đạo không trực tiếp liên hệ với quần chúng. Cơ sở quần chúng là gạch nối giữa tổ chức và đại chúng. Cơ sở quần chúng đóng góp về tài chính, tiếp nhận cán bộ đi lại công tác, quảng bá đường lối đấu tranh và cung cấp nhân lực cho cuộc đấu tranh. Số lượng và tầm quan trọng của các cơ sở quần chúng phải cân xứng với đội ngũ cán bộ nòng cốt.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chưa được mạnh, phương tiện chưa đủ mà có nhiều cơ sở quần chúng, thì các cơ sở này sẽ rời rạc, chán nản, rồi bỏ cuộc.

5. Vùng dậy ào ạt và nắm chính quyền

Có được bốn yếu tố trên thì tình hình đã chín mùi rồi, việc tiến lên nắm chính quyền là đỉnh cao của cuộc đấu tranh. Giai đoạn chót này có thể là vận động thắng lợi một cuộc tổng tuyển cử, hoặc biểu tình bạo động chiếm ngữ các cơ quan công quyền hoặc tổng công kích võ trang, tùy hoàn cảnh. Phương pháp để nắm chính quyền chỉ có thể được quyết định khi bốn giai đoạn đầu đã hoàn tất.

Năm giai đoạn phải đi theo thứ tự nhưng không nhất thiết là giai đoạn trước phải xong rồi mới đến giai đoạn sau. Các giai đoạn gối đầu lên nhau.

Sự phân biệt năm giai đoạn trên nhằm đưa ra một tiến trình cho phép rút tỉa ra những hành động phải có cho mỗi thời điểm. Nó có tác dụng hướng dẫn hành động. Tiến trình này đưa ra một điều kiện cần cho thắng lợi nhưng không phải là một điều kiện đủ. Nói một cách khác, đi ngược tiến trình này thì thất bại, nhưng đi theo đúng tiến trình chưa chắc đã thàng công. Thành công hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố định lượng của sự chuẩn bị (cán bộ lãnh đạo nhiều hay ít, giỏi hay không, cơ sở tư tưởng được quần chúng hưởng ứng đến mức nào, phương tiện dồi dào hay kém cỏi, v.v...) và cũng tùy thuộc những yếu tố khách quan : sức đề kháng của đối phương, tình hình quốc tế, v.v...).

Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu chiếm gần hết thời giờ và công lao của mọi cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sở tư tưởng mạnh và một đội ngũ cán bộ nòng cốt chừng vài chục người. Nhưng khi đã có rồi người ta có thể nắm được cả một dân tộc trong một vài năm !

Ở mỗi thời điểm tiến trình năm giai đoạn vừa nói cho ta biết ta đang ở giai đoạn nào và phải làm gì. Phân tích sau đây cho phép ta đánh giá được bối cảnh xã hội và giúp ta tập trung cố gắng vào những mục tiêu chiến lược của mỗi thời điểm.

1.4. Bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng

Lịch sử các cuộc thay đổi đã xẩy đến tại các nước và các thời cho ta thấy rằng một cuộc cách mạng (hiểu theo nghĩa thay đổi lãnh đạo và thay đổi chế độ) chắc chắn sẽ xẩy ra khi bốn điều kiện sau đây được hội đủ.

1. Mọi người trong nước đồng ý rằng chính quyền hiện có là xấu, bằng cách này hay cách khác nhất định phải thay đổi chế độ.

2. Đảng hay tập đoàn, hay giai cấp lãnh đạo mất khả năng tự vệ của một tập đoàn.

Điều kiện thứ hai này đáng được giải thích rõ rệt. Mọi tập thể có thể xem như một sinh vật tổng hợp mà sức khỏe là căn bản đồng thuận. Một tập thể mất khả năng tự vệ khi nó mất căn bản đồng thuận, do đó hành động của mỗi thành viên không còn ăn khớp và không còn tác dụng tăng cường và bảo vệ tập thể nữa. Các hành động của mỗi cá nhân chỉ còn là những hành động bình thường mà người ngoài tập thể hay chống tập thể cũng có thể làm. Ưu tư phục vụ tập thể không còn hiện diện trong hành động của mỗi cá nhân nữa. Hiện tượng mất bản năng tự vệ này có thể do những nguyên nhân sau đây :

         - Lý tưởng mà tập thể theo đuổi đã lỗi thời, không còn thuyết phục được các thành viên. Trong trường hợp này, nếu đoàn thể không thành công trong việc xét lại cơ sở tư tưởng của mình, chắc chắn "chất đoàn thể" sẽ biến mất dần dần, đoàn thể sẽ đi đến tan rã.

         - Tổ chức đoàn thể quá thối nát, sự hiện diện của các phần tử xấu quá áp đảo, khiến cho một số cá nhân trong đoàn thể dù vẫn cố tin ở lý tưởng cũng tự thấy bất lực. Đây là trường hợp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước khi sụp đổ. Tổ chức chính quyền quá thối nát, khiến cho một số người có khả năng và thiện chí thấy nước mất mà không sao cứu được.

3. Mọi người trong nước đạt tới thỏa thuận về một hình ảnh xã hội tương lai.

Khác với điều kiện thứ nhất có tính cách phủ nhận, điều kiện thứ ba này có tính cách xác nhận. Nhân dân không những chỉ muốn vứt bỏ chính quyền hiện hữu mà còn biết mình muốn cái gì để thay thế nó.

4. Có một tổ chức chống đối để mọi người hướng về làm điểm tập hợp cho nguyện vọng và ý chí đổi mới.

Hai điều kiện đầu nói lên sự suy tàn của chính quyền đang có. Hai điều kiện sau là hai yếu tố tích cực do các nguyện vọng và các cố gắng phục hưng tạo ra. Yếu tố thứ ba do các nhà nghiên cứu và các nhà tư tưởng thực hiện. Yếu tố thứ tư do những người làm chính trị tạo ra. Hai hạng người này khác nhau. Những nhà tư tưởng mở ra một chân trời mới, vạch ra một hướng đi, những nhà hành động sau đó mới tổ chức cuộc đấu tranh trên cơ sở tư tưởng đã trở thành căn bản đồng thuận của quốc dân. Điều quan trọng đặc biệt phải chú ý là điều kiện thứ ba chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ phát sinh ra điều kiện thứ tư. Trái lại nếu chưa có yếu tố thứ ba thì yếu tố thứ tư dù có xuất hiện cũng vô ích. Địch dù yếu nhưng nếu chỉ dựa trên sự bất mãn thì cũng không xong. Bất mãn không phải là một cơ sở tư tưởng đủ để chỉ đạo hành động.

Nhìn vào tình hình Việt Nam ngày nay ta thấy :

         - Điều kiện thứ nhất đã hoàn toàn thực hiện. Không những người dân mà cả đảng viên cộng sản cũng đều đồng ý là chế độ hiện thời là dở và đất nước đang suy thoái đi vì đường lối sai lầm và lãnh đạo kém cỏi. Mọi người đều muốn đổi mới.

         - Điều kiện thứ hai đã thực hiện gần xong. Chính thể cộng sản không những bị khủng hoảng về chủ nghĩa mà còn bị ung thối trong tổ chức. Về chủ nghĩa sự thất bại kinh tế xã hội liên tục trong bốn mươi năm cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã biến nhân dân Việt Nam thành một trong những dân tộc chán ngán chủ nghĩa Mác-Lê-nin nhất. Cán bộ cộng sản trong đại bộ phận đã chỉ đấu tranh trên lập trường dân tộc : độc lập và thống nhất. Họ cũng bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản như đại khối dân tộc. Sự áp đặt toàn bộ chủ nghĩa cộng sản mới bắt đầu kể từ năm 1975 và lại trùng hợp với một giai đoạn thất bại thê thảm nhất. Do đó chính họ cũng chán ngán chủ nghĩa như quần chúng ngoài đảng. Chủ nghĩa bị từ chối, tổ chức bị ung thối trầm trọng. Đảng cộng sản Việt Nam đã mất đi bản năng tự vệ của một đoàn thể. Ưu tư của mỗi đảng viên hoàn toàn không còn là làm thế nào cho đảng mạnh, mà chỉ còn là làm thế nào tìm được quyền lợi tối đa. Chủ nghĩa thực sự đang ngự trị trong đảng hiện nay là mạnh ai nấy sống, khôn sống dại chết.

         - Điều kiện thứ ba chưa thực hiện được. Chúng ta chưa đạt được tới một sự đồng thuận rộng rãi trong quốc dân về một hình ảnh xã hội trong tương lai vì lý do ta chưa thực sự dồn cố gắng vào việc xây dựng một cơ sở đồng thuận, và cũng chưa ý thức được sự cần thiết của cố gắng lớn lao đó. Ta vẫn còn giữ tập quán đi đường tắt, đốt giai đoạn, muốn hành động trước khi định rõ nội dung của hành động, muốn đoàn kết trước khi có một căn bản đồng thuận làm nền móng cho sự đoàn kết đó. Do đó những cố gắng hành động hoặc đã không có tác dụng nào, hoặc đã chỉ có một tác dụng giới hạn và nhất thời. Các vận động đoàn kết chỉ là những tập hợp chung quanh một vài cá nhân. Cần ý thức được sự trống rỗng tư tưởng để rồi từ bỏ một truyền thống lịch sử đã là nguyên nhân cho mọi hỗn loạn từ xưa tới nay. Ta chưa hề có các nhà tư tưởng trong suốt dòng lịch sử. Trong khi đó xét cho cùng các nhà tư tưởng mới thực sự là những người lãnh đạo xã hội. Người hành động chỉ quản lý xã hội và thi hành căn bản đồng thuận mà thôi.

         - Điều kiện thứ tư dĩ nhiên là chưa thực hiện được vì điều kiện thứ ba chưa có, cho nên mặc dầu đã tốn kém nhiều công sức, ta cũng chỉ mới có một vài tập hợp nhỏ, chung quanh một vài cá nhân. Lối kết hợp này dựa trên hy vọng tìm ra được một "nhân vật mầu nhiệm" (homme providentiel) để hội tụ tất cả, và các "lãnh tụ" của mỗi nhóm đều hy vọng rằng mình có thể là con người mầu nhiệm đó.

Hậu quả kỹ thuật của lối kết hợp này là nó gây chia rẽ và tranh chấp. Tổ chức nào cũng hy vọng là mình sẽ vượt lên trên, qui tụ và đào thải tất cả. Do đó đưa đến những xảo thuật tuyên truyền, những mánh khoé dành dật ảnh hưởng, những danh xưng đầy vẻ tự cao tự đại.

Việc tổ chức thành một mặt trận chung phải là thành quả của nhiều cố gắng riêng biệt qua nhiều giai đoạn mà giai đoạn đầu tiên là tạo dựng một cơ sở tư tưởng chỉ đạo cho cuộc đấu tranh. Mỗi nhóm, mỗi hội đoàn đều phải khiêm tốn tự coi mình là những viên đá xây dựng kết hợp sau cùng.

Không có cơ sở tư tưởng làm nền tảng, lại đi sai kỹ thuật tổ chức nên các tổ chức hiện nay thực sự không có tương lai.

1.5. Một vài khôn ngoan sơ đẳng của đấu tranh chính trị

Có những điều mà nói ra ai cũng biết nhưng khi hành động lại hay làm ngược hẳn lại. Ta có thể kể mười thí dụ sau đây :

1. Phải chủ trương một đường lối đấu tranh phù hợp với những phương tiện mà mình có

Có ít đánh theo ít, có nhiều đánh theo nhiều, từ ít làm ra nhiều, không có gì hết mà cứ đòi đánh bại bằng vũ lực một kẻ địch có cả triệu lính là một sự vô lý. Ngày trước các phong trào văn thân, cần vương, quốc dân đảng v.v... đã vì thế mà dọn đường cho Hồ Chí Minh. Ngày nay nhiều người đang dọn đường cho một kẻ có thể chỉ là tay sai cho một cường quốc (Mỹ hoặc Trung cộng chẳng hạn) bằng cách đề cao bất cứ ai xin được một số súng đạn, dù là không đáng kể, để chọc phá bạo quyền Hà-nội.

2. Phải đánh địch bằng những đòn làm cho địch thiệt hại chứ không phải những đòn mà ta lấy làm thích thú

Tâm lý tự nhiên của con người là khao khát sự vinh quang. Nhưng muốn đấu tranh chính trị thì phải đặt hiệu lực lên trên tự ái và tìm cách thu phục thiện cảm.

Thái độ "chúng tôi thua vì chúng tôi hiếu hòa, họ thắng vì họ man rợ và sắt máu" có lẽ có hiệu lực hơn là cố biện bạch rằng mình anh hùng. Hồ Quí Ly bất khuất mà làm mất nước. Câu Tiễn chịu nhục mà khôi phục được đất nước và diệt được kẻ thù. Trước cộng đồng quốc tế, ta nên xuất hiện như những nạn nhân đáng bênh vực của một bạo lực, hơn là một đám bại binh ngớ ngẩn cứ ngoan cố biện bạch rằng mình chưa thua trận.

Tất cả mọi hành động của kẻ làm cách mạng là phải hướng đến thắng lợi sau cùng. Cảm xúc, lòng tự ái phải được dẹp qua một bên.

3. Phải dựa vào chứ không chống lại sinh hoạt quần chúng

Sinh hoạt quần chúng không phải lúc nào cũng phù hợp với ước nguyện của ta, nhưng trừ một vài trường hợp rất hạn hữu, ta phải khai thác, phát triển những yếu tố có lợi cho ta và chịu đựng những điểm bất lợi chứ không nên ngăn cản sinh hoạt quần chúng.

Khi ta đã phù hợp được với sinh hoạt quần chúng và lợi dụng được sinh hoạt quần chúng rồi thì địch tất nhiên sẽ bối rối, vì đánh ta là chạm vào quyền lợi quần chúng. Như vậy địch càng đánh, ta càng đông.

Thí dụ : hiện nay người ngoài nước đều muốn về thăm gia đình ở Việt Nam, ta nên khai thác phong trào này để khuyến khích việc buôn bán trên thị trường tự do mà địch rất ghét, và để bắt liên lạc với bên nhà, thay vì bài xích làm cho quần chúng xa lánh ta và đẩy quần chúng về phía địch.

4. Phải dựa trên một lạc quan lịch sử

Ta có chính nghĩa, ta không sợ người của ta bị địch lôi kéo, trái lại ta vững tin có thể lôi kéo, thuyết phục được người ở phe địch theo ta. Khi đưa một người vào nòng cốt lãnh đạo thì nên lấy thái độ nghi lầm hơn tin lầm, trái lại khi kết nạp vào những bộ phận khác thà tin lầm còn hơn nghi lầm.

Đấu tranh mà sợ địch, hay không tin là mình cao tay hơn địch, hay không tin là mình có sức thu hút mạnh hơn địch là đã mang sẵn cái thất bại ở trong lòng.

5. Phải nắm rõ địch tình

Phần lớn các tổ chức đấu tranh hiện nay thấy địch là tránh xa. Dần dần sẽ bị tách rời khỏi thực tại, đó là điều tối kỵ. Ở ngoài chính quyền lâu quá có thể sẽ có lúc ta bị tách rời khỏi thực tế và không còn khả năng điều khiển việc nước. Không những không nên tránh địch mà trái lại nên len lỏi vào địch. Địch đang nắm chính quyền nên có phương tiện hiểu rõ thực tại hơn ta, đừng để cho địch vì thế mà thạo việc hơn ta.

6. Phải giết chết nhu cầu tự vệ của người phe địch

Đừng để cho họ nghĩ rằng nếu chế độ hiện thời đổ, họ sẽ bị, hoặc tiêu diệt, hoặc ngược đãi, hoặc thua kém. Nếu mọi người phe địch đều nghĩ rằng chế độ hiện thời mà đổ thì cuộc sống và nhân phẩm của họ sẽ khá hơn hiện nay là ta đã thắng được một đòn tâm lý quyết định.

7. Trong một cuộc chiến tranh người ta thường tạo ra nhiều kẻ thù hơn là diệt được kẻ thù

Một kẻ mặc đồng phục địch chưa chắc trong tâm hồn đã là địch, nhưng nếu anh em, bạn bè, đồng cảnh bị giết, kẻ đó rất có thể sẽ thành địch thật sự. Vì thế khi giết được một kẻ thù có thể là người ta đã tạo ra hai ba kẻ thù khác, mất một người có thể là được thêm nhiều người khác.

Nếu phải dùng đến võ trang thì chỉ được dùng ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đấu tranh, và phải chắc chắn rằng cuộc chiến tranh sẽ kết thúc mau chóng.

8. Phải chọn lựa đối đầu với địch ở những địa hạt mà địch yếu và dở, phải tránh sở trường của địch

Địch giỏi về quân sự, nhưng dở về quản lý kinh tế xã hội.

Địch giỏi về kỹ thuật cả vú lấp miệng em, lớn mồm xưng mình đại diện cho toàn dân, nếu ta cũng làm như vậy là bắt chước địch một cách ngớ ngẩn. Trái lại ta nên đối kháng lại bằng tinh thần tôn trọng người khác mà địch không có, và bằng những chương trình phát triển đất nước mà địch rất dở. Tinh thần dung nạp, cố gắng phát triển kinh tế, sự tôn trọng tự do, óc khách quan và khoa học là những địa hạt ta dễ thắng địch.

9. Lúc nào cũng phải giữ sự nhân nghĩa về ta

Mục đích dù đúng mà hành động trái với nhân nghĩa cũng là phi nghĩa. Lúc nào ta cũng phải có một bộ mặt hiền lành, lương thiện. Nếu có chiến tranh và đổ máu, mọi người phải đồng ý là lỗi hoàn toàn tại địch. Nguyễn Trãi, dù có chính nghĩa rõ ràng cũng đã phải biện bạch rằng chiến tranh là chuyện chẳng đặng đừng. Đó là một thái độ rất sáng suốt để thu phục lòng người.

10. Sức khỏe cần thiết hơn là sức vóc

Ai cũng biết như vậy, nhưng hầu hết những người đấu tranh chính trị đều làm ngược lại sự thực hiển nhiên đến độ ấu trĩ này. Đại đa số các đoàn thể đấu tranh chỉ chú trọng tìm kiếm số lượng với mục đích tranh dành hơn thua nhất thời để rồi cuối cùng bị ruỗng nát trong những thỏa hiệp dễ dãi, những kết nạp cẩu thả.

Sức khỏe của một tổ chức đấu tranh chính trị là sự đồng tâm nhất trí, kiến thức, trình độ dấn thân và sự gắn bó của đội ngũ nòng cốt. Sức vóc của nó là số đoàn viên và các cơ sở quần chúng. Điều lý tưởng là vừa có sức khỏe vừa có sức vóc, nhưng luôn luôn phải coi sức khỏe là thiết yếu, sức vóc là thứ yếu. Số lượng đoàn viên và cơ sở quần chúng phải nằm trong một tỷ lệ nào đó so với thực lực của đội ngũ cán bộ nòng cốt. Nếu đội ngũ cán bộ nòng cốt không đủ thì phải có can đảm mà tạm gác lại sự kết nạp cấp dưới và cấp quần chúng, nếu không tổ chức sẽ thành lỏng lẻo, uể oải và mất chiến đấu tính, sẽ chỉ như một người to xác nhưng bệnh hoạn.

coso4


Phần thứ hai : Những nhận định căn bản về bối cảnh Việt Nam

Phần thứ hai này là trọng tâm của đề cương cơ sở tư tưởng. Trong bước đầu chúng ta tạm giới hạn trong mười nhận định căn bản được đề nghị làm cơ sở đồng thuận tối thiểu đầu tiên. Dưới ánh sáng của những nghiên cứu và suy tư sẽ được tiếp tục, cơ sở đồng thuận đó sẽ mỗi ngày một nới rộng thêm và chi tiết hơn.

Những nhận định căn bản này là xương sống của dự án chính trị mà ta đề nghị cho đất nước sau này.

 

2.1. Đất nước Việt Nam là đất nước của những cộng đồng

Từ trước đến nay đất nước chúng ta vẫn được quan niệm và tổ chức như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và nhắm phục vụ người Kinh. Trong suốt dòng lịch sử, người Kinh chưa hề nhìn nhận một bổn phận hay một sự tôn trọng nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ biết dùng bạo lực để đàn áp.

Các sắc tộc ít người đã có mặt trên đất nước ta từ nghìn xưa là những người Việt Nam đầu tiên và phải được tôn trọng ngang hàng với người Kinh. Trong tương lai chúng ta không những phải bảo đảm cho họ các quyền lợi ngang hàng với người Kinh mà còn phải ưu ái họ hơn cộng động người Kinh để sửa chữa lại những sai lầm lịch sử trong quá khứ và để giúp họ tiến lên, bắt kịp trình độ của đại khối dân tộc.

Cộng đồng người gốc Hoa đã đóng góp vào việc khai phá miền Nam, cũng có quyền được đối xử một cách công bình, cho phép họ thực sự có khả năng trở thành những người Việt Nam hoàn toàn, và tất cả mọi quyền lợi và bổn phận.

Tinh thần tôn trọng các cộng đồng cũng phải được mở rộng ra với các cộng đồng tôn giáo, cộng đồng tư tưởng, các cộng đồng không thành hình thái do nếp sống khác biệt của từng địa phương mà có.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất hóa mà mưu tìm sự đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng dân tộc Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự thỏa thuận chia sẻ một tương lai chung.

Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các dân tộc ít người và các cộng đồng ít người. Nếu không có một chính sách cộng đồng ổn thỏa chúng ta sẽ luôn luôn bị lục đục nội bộ và sẽ không thể nào có được an bình xã hội không có không được để tập trung mọi cố gắng vào việc phát triển đất nước.

Trong tình trạng hiện nay, việc phát biểu một cách rõ ràng minh bạch một chính sách cộng đồng đứng đắn sẽ đem lại cho ta một thắng lợi chính trị rất quan trọng, giữa lúc bạo quyền cộng sản đang phải khốn đốn với sự chống đối của các sắc tộc ít người.

 

2.2. Việt Nam phải thân hữu với Trung Quốc

Dĩ nhiên là muốn có hòa bình thì bang giao tốt với mọi nước phải là quan tâm thường trực của chúng ta sau này, nhất là đối với những nước trong vùng. Nhưng ta phải quan tâm đặc biệt đối với Trung Quốc.

Trung Quốc có thể không ích lợi gì lắm cho ta trong cố gắng phát triển kinh tế. Cái mà ta cần là họ để ta yên. Trung Quốc là một khổng lồ nằm ngay cạnh ta lại có mặc cảm nước lớn so với các nước trong vùng. Họ có khả năng khuynh đảo (déstabiliser) ta bằng cách chứa chấp những phần tử chống đối, sử dụng các phần tử người Hoa ở Việt Nam và trong vùng vào việc bắt chẹt kinh tế. Sự hiện diện tại biên giới Việt Trung của nhiều sắc tộc ít người có nhiều quan hệ ngôn ngữ, tình cảm với Trung Quốc lại là một nhược điểm lớn của ta đối với Trung Quốc mà ta phải lưu ý đặc biệt.

Giao hảo tốt với Trung Quốc là điều kiện tối cần thiết cho ta. Ông cha ta đã hiểu điều đó nên luôn luôn cầu phong Trung Quốc để được yên thân, dù rằng sự cầu phong đó chỉ là hình thức để Trung Quốc khỏi mất mặt sau một thất bại quân sự.

Liên hệ tốt đẹp với các nước Lào, Kam-pu-chia và ASEAN cũng như với các cường quốc Thái Bình Dương, Nhật, Hoa Kỳ sẽ giúp ta giảm thiểu được sự ràng buộc cần thiết nhưng không mấy ích lợi này.

Hiện nay Trung Quốc là nước khó chịu nhất về sự hiện diện của chế độ chư hầu Liên Xô tại Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc lại ít bị lệ thuộc dư luận trong nước và dễ có khả năng hoạch định chính sách nhất nên Trung Quốc là cường quốc dễ giúp đỡ các cố gắng chống bạo quyền Hà Nội nhất. Ta nên đặc biệt lưu ý đến chỗ dựa có thể có đó. Nhưng ta đừng nên quên hai điều : một là mục đích của Trung Quốc là tấn công một chế độ chư hầu Liên Xô mà họ coi là vô ơn bạc nghĩa với họ chứ không phải để thấy một nước Việt Nam tự do dân chủ và phồn vinh, hai là trong lịch sử Việt Nam chưa có tiền lệ Trung Quốc giúp đỡ một phe để lật đổ chính quyền đang có mà không chụp lấy cơ hội để khống chế Việt Nam. Phải khai thác khả năng dựa vào Trung Quốc, nhưng phải khai thác với tất cả thận trọng, và phải rất tỉnh táo để phân biệt, trong số những tổ chức có liên hệ với Trung Quốc, những người đấu tranh thực sự và những bọn Việt gian kinh doanh kháng chiến.

 

2.3. Nước Việt Nam cần có một chủ nghĩa nước nhỏ

Chủ nghĩa nước nhỏ (chữ chủ nghĩa hiểu theo nghĩa thực dụng là cách hành xử, chứ không phải theo nghĩa ý thức hệ) nhắm được yên thân để dồn mọi cố gắng vào việc phát triển đất nước.

Ta sẽ không có một nghĩa vụ quốc tế nào hết. Ta không có nhiệm vụ phát huy chủ nghĩa xã hội mà cũng không phải là chiến sĩ tiền phong của thế giới tự do, ta chỉ vì ta và chỉ biết có ta. Ta quá yếu và quá nghèo để có thể làm lương tâm thế giới.

Ta sẽ không tranh giành một vinh quang nào trên thế giới, sẽ không có lập trường trong sự xung đột giữa hai nước khác. Ta sẽ giao hảo với bất cứ quốc gia nào, dù theo thể chế nào, nếu sự giao hảo đó có ích lợi cụ thể cho ta. Hiểu như vậy thì giao thiệp với Liên Xô hoàn toàn vô ích. Ta sẽ không có nhiều phái đoàn ngoại giao và cũng sẽ không có những phái đoàn đông người tốn kém vô ích. Mọi bang giao của ta chỉ nhắm hai mục đích : được yên thân và được những quyền lợi về kinh tế.

Ta cũng sẽ chỉ đầu tư vào những nghiên cứu có ích lợi thực dụng. Việc thúc đẩy khoa học cơ bản tiến lên là nhiệm vụ của các nước đã tiến bộ và giầu mạnh.

Ta cũng sẽ không tốn kém để khoe khoang nền văn hiến của ta với cộng đồng thế giới mà đặt tất cả cố gắng văn hóa của ta vào việc xây dựng con người Việt Nam và tâm hồn Việt Nam.

 

2.4. Phải ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của hận thù và chia rẽ

Dân tộc ta tuy không xuất sắc nhưng cũng không phải là không thông minh. Tài nguyên của ta tuy ít, song cũng không đến nỗi quá nghèo. Địa thế của ta tương đối thuận lợi. Vậy mà ta không tiến lên được vì ta luôn luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn của hận thù, chia rẽ, xung đột. Chưa bao giờ ta tập trung được mọi cố gắng để đưa đất nước tiến lên.

Lịch sử ta ít có gương đùm bọc và tha thứ (trừ việc HƯNG ĐẠO VƯƠNG quên thù nhà, NGUYỄN TRÃI đốt danh sách tội phạm, nhưng NGUYỄN TRÃI và HƯNG ĐẠO VƯƠNG lại chính là hai con người vĩ đại nhất của lịch sử ta).

Trong suốt dòng lịch sử của ta, kẻ thắng tàn sát, hành hạ, thóa mạ kẻ thua, còn kẻ thua thì thù oán, mưu phục thù, phá hoại. Kết quả là đất nước ta luôn luôn mâu thuẫn và chia rẽ. Vì thế mà ta không vươn lên được và cứ cằn cỗi mãi trong cái tồi kém.

Ta phải bẻ gẫy cái vòng oan nghiệt đó. Kẻ thắng có biết khiêm nhường cúi xuống nâng kẻ thua dậy và nhận mình là dở hơn thì kẻ thua mới bỏ được cái lòng thù hận. Sự nghèo nàn của ta trong suốt dòng lịch sử về mặt tư tưởng chính trị đã là nguyên nhân của những thái độ huênh hoang đắc chí, hằn học, hận thù.

Từ nay chúng ta phải vượt lên trên. Thắng hay bại cũng chỉ là phụ thuộc, đất nước và dân tộc mới là chính.

Chìa khóa khai thông giúp ta ra khỏi cái vòng luẩn quẩn tồi tệ đó có thể là sự khẳng định quan niệm sau đây :

"Mọi người đều có quyền yêu nước theo ý của mình và đều có nhiệm vụ để cho người khác yêu nước theo ý họ".

Nói một cách khác phải chấm dứt quan niệm "Được làm vua, thua làm giặc". Được cũng không phải có độc quyền chiếm giữ đất nước, mà thua cũng không phải là mất quyền tham dự vào việc nước. Được cũng như thua đều vẫn là người Việt với quyền lợi và bổn phận như nhau. Được thua chỉ là chuyện nhất thời, đất nước mới là vĩnh cửu.

 

2.5. Đất nước đã thống nhất và sẽ thống nhất mãi mãi

Một trang sử đã lật qua kể từ ngày 30/4/1975.

Đất nước đã thống nhất. Đó là một điều hay cho dân tộc mà ta không nên đặt lại nữa. Quốc tế sẽ không có thiện cảm và đồng bào trong nước cũng sẽ không hưởng ứng một cuộc đấu tranh nếu nó nhắm đưa đất nước trở lại tình trạng chia cắt.

Vì thế cuộc đấu tranh hiện nay không thể là sự kéo dài của cuộc xung đột Nam Bắc trước năm 1975. Nó phải là cuộc đấu tranh của toàn dân nhằm đem lại một chế độ mới và một bộ mặt mới cho cả nước.

Nhiều người tuy cũng ý thức được rằng đất nước đã thống nhất và sẽ thống nhất mãi mãi, nhưng lại không rút ra được kết luận đúng đắn. Theo họ thì bây giờ "phe cộng sản" đã nắm cả nước, thì "phe quốc gia" phải phản công đánh bại cộng sản trên cả nước và nắm chính quyền trên cả nước. Thái độ này chỉ là sự từ chối thất bại 1975 cộng thêm với sự lạc quan vô căn cứ cho rằng có thể chuyển bại thành thắng. Đây chưa phải là thái độ quay lưng lại quá khứ và thẳng thắn nhìn về tương lai.

Lập trường thẳng thắn hướng về tương lai không đặt vấn đề miền Nam, miền Bắc, không phân biệt "phe quốc gia", "phe cộng sản". Lập trường ấy chủ trương một đấu tranh của nhân dân cả nước để thay thế một chính quyền bất tài và bạo ngược đang kéo dân tộc xuống vực thẳm. Mọi người, mọi khuynh hướng chính trị đều có bổn phận và có quyền đóng góp trên căn bản tuyệt đối bình đẳng vào sự nghiệp Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước. Cuộc đấu tranh vì vậy không thể chỉ dựa vào thành phần chống cộng. Lối quản trị đất nước hiện nay, ngay cả người thích chủ nghĩa xã hội cũng phải lên án vì nó một thách đố đối với trí tuệ và lương tri con người.

Chúng ta phải phân biệt hai cuộc đấu tranh tuy có thể gần giống nhau trên thực tế nhưng rất khác nhau về bản chất. Đó là đấu tranh chống cộng và đấu tranh Cứu Nước.

Đấu tranh chống cộng là của những người phủ nhận chủ nghĩa cộng sản. Sự thất bại thê thảm của đảng Cộng sản trong việc điều khiển đất nước đã biến hầu hết mọi người Việt Nam thành đối nghịch với chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Những người chống cộng rất có thể là đa số. Tuy nhiên họ không phải là toàn dân.

Đấu tranh Cứu Nước mới chính là của toàn dân. Người chống chủ nghĩa cộng sản chống lại chính quyền hiện nay là tự nhiên, nhưng ngay người thích chủ nghĩa cộng sản cũng phải thấy chính quyền hiện nay là xằng bậy. Chính nghĩa của cuộc đấu tranh Cứu Nước vượt hẳn lên trên ý thức hệ, bao gồm mọi thành phần dân tộc.

Cuộc đấu tranh của ta là đấu tranh Cứu Nước, chứ không phải đấu tranh chống cộng.

Ta phải nhấn mạnh điều này, để tránh mọi ngộ nhận, nhất là hiện nay sự ngộ nhận rất dễ dàng, và rất dễ cho địch khai thác vì thành phần chủ lực của ta trong giai đoạn đầu gồm phần lớn những người của phe quốc gia cũ.

 

2.6. Những thành phần dân tộc mới

Sau ngày 30/4/1975, đất nước quy về một mối, nhân dân khắp cả nước gặp gỡ và pha trộn vào nhau buộc ta phải có cái nhìn mới về sự phân phối các thành phần dân tộc.

Thành phần đầu sỏ tham ô của chính quyền Sài Gòn đã thất bại nhục nhã và đã bị đào thải.

Đất nước chỉ còn lại ba thành phần chính trị :

1. Thành phần bịp bợm là bọn đầu sỏ chính quyền Hà Nội. Ta hy vọng rằng trong số người cầm đầu chính quyền Hà Nội cũng có một số người ý thức được thảm trạng dân tộc, những người này chắc chắn phải được tôn trọng, nhưng nói chung tập đoàn cầm quyền hiện nay là một bọn bịp bợm, tham quyền cố vị, già nua, lỗi thời, bất lực và xảo trá. Bọn người này, trong đại bộ phận, cần phải đào thải.

2. Thành phần bị lừa gồm đại bộ phận những người đã tin tưởng vào Đảng Lao Động Việt Nam và đang rất thất vọng trước hiện trạng đất nước. Họ đang mong đợi một hướng đi khác cho dân tộc. Họ là thành phần thiệt thòi nhiều nhất. Họ đã hy sinh rất lớn để rồi khám phá ra rằng những hy sinh ấy không những không đem lại lợi ích gì cho họ mà còn gây tác hại cho dân tộc.

3. Thành phần bị thua gồm đại bộ phận phe quốc gia trước đây. Trong cơ bản họ là những người yêu nước và quả cảm, nhưng giới lãnh đạo của họ đã quá sức tồi tệ. Họ đã thảm bại, giờ đây phải biệt xứ, quằn quại trong các lao tù, hay bị mất quyền công dân trong chính đất nước họ.

Cả hai thành phần bị lừa và bị thua đều đang đấu tranh đòi đổi mới. Họ phải ý thức rằng họ đều ở trong một thành phần lớn hơn : thành phần nạn nhân. Cuộc đấu tranh Cứu Nước chỉ có thể thành công nếu hai thành phần này bắt tay nhau trong một tập hợp dân tộc mới.

Chừng nào họ còn chưa vượt lên được những mặc cảm, những quán lực (inertie) của quá khứ thì bọn đầu sỏ vẫn còn xử dụng được chính họ để kềm kẹp họ. Chúng dùng thành phần bị lừa để đàn áp thành phần bị thua, dùng thành phần bị thua để đe dọa thành phần bị chúng lừa gạt.

Trong tập hợp dân tộc mới này, không một thành phần nào được coi là mình tự nhiên có vai trò lãnh đạo. Kẻ đã thua bại thì không còn tư thế nào để cho mình là giỏi, kẻ đã bị lừa cũng không thể tự coi mình là sáng suốt.

Tập hợp dân tộc mới phải được xây dựng trên tinh thần tuyệt đối bình đẳng. Lãnh đạo cuộc đấu tranh Cứu Nước sẽ do những người có khả năng xuất phát từ cả hai thành phần.

2.7. Chủ nghĩa cộng sản đang ở cuối một giai đoạn đào thải. Đảng cộng sản Việt Nam đang rã hàng

Sau gần một thế kỷ tranh cãi, chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã tự đào thải về mặt tư tưởng. Giới trí thức đã đoạn tuyệt với nó. Không một triết gia, một tác phẩm nào bênh vực nó nữa.

Thất bại về kinh tế, phá sản về văn hóa nghệ thuật, chủ nghĩa cộng sản chỉ còn được duy trì bằng bạp lực và khủng bố. Trái với một thập niên trước, các nước Tây phương không còn bị bối rối vì những phong trào thiên cộng ở trong xứ nữa, từ đây họ có thể lấy một thái độ dứt khoát và quả quyết với khối Xô-viết. Đó là một thay đổi có tầm quan trọng chiến lược rất lớn. Trong khi đó các dấu hiệu rạn nứt bắt đầu xuất hiện mỗi ngày một rõ rệt trong khối cộng sản. Tuy đến nay chưa có tiền lệ một nước đã hoàn toàn bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản lại thoát ra được, nhưng đã có những điều kiện thuận lợi cho khả năng đó. Khối cộng sản Đông Âu tuy chưa tan nhưng đã mất đi rất nhiều sự bền chắc và ăn khớp.

Tại Tiệp-khắc, Ba-lan, Hung-ga-ri, chủ nghĩa cộng sản đã chỉ được cứu nguy nhờ sự giáp ranh với Liên Xô. Đó không phải là trường hợp của Việt Nam.

Tại Việt Nam Đảng cộng sản Việt Nam thừa hưởng một di sản nhân sự quá kém cỏi do chính họ tạo ra. Nhu cầu của cuộc chiến quá dài mà họ chủ trương đã khiến họ chỉ tạo ra và thăng tiến những phần tử tăm tối, chỉ biết phục tùng. Kết quả là sau ba mươi năm những phần tử dốt nát và thiển cận đã hiện diện một cách áp đảo ở tất cả các giai tầng của đảng. Nhân sự đã kém, sự phân phối trách nhiệm và vai trò lại vô lý khiến cho đảng không ra khỏi cái tồi tàn. Những người có khả năng sửa sai thì hoặc không nhìn thấy vấn đề hoặc không muốn. Những người thấy vấn đề thì lại không có quyền lực. Trong bối cảnh nhân sự như vậy giả sử có một vài lãnh đạo cao cấp có ý chí sửa sai thì họ cũng đành bó tay.

Nhược điểm khác của Đảng cộng sản Việt Nam là để lãnh đạo cuộc chiến tranh đến thắng lợi, họ đã phải chấp nhận một nhượng bộ rất cơ bản trong quá khứ : đó là tránh né cuộc tranh cãi về ý thức hệ để chỉ nhấn mạnh vào lòng yêu nước trong các chiêu bài "chống thực dân Pháp, dành độc lập" và "chống Mỹ cứu nước". Vì vậy mà chủ nghĩa cộng sản không hề ăn rễ trong xã hội Việt Nam, kể cả miền Bắc. Sau ngày 30/4/1975 nhân dân cả nước đã bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản mà chưa bao giờ họ tuyên bố chấp nhận.

Những tuyên truyền bịp bợm của người cộng sản về sự đói khổ của miền Nam cần được giải phóng lại quay lại chống họ từ ngày đất nước thống nhất. Điều đặc biệt bất hạnh cho họ là những thất bại thê thảm về mặt an sinh xã hội lại trùng hợp với một giai đoạn mà cả thế giới đều rầm rộ tiến lên, trong đó không có thất bại nào có thể tha thứ được.

Bị cô lập và thù ghét trong cộng đồng quốc tế, nhân sự tồi tàn và tham nhũng, bị cả nước (kể cả đảng viên) chán ghét, lại dựa trên một chủ nghĩa đang đào thải, Đảng cộng sản Việt Nam không có lối thoát.

Một chế độ bị đa số dân chúng chán ghét thì nhất định phải sụp đổ. Đó là qui luật bất di bất dịch. Thế nhưng một số người cho rằng đảng cộng sản không theo qui luật ấy. Những người này cần được cảnh tỉnh khỏi sự sai lầm tai hại này. Một chế độ cộng sản cũng phải chịu qui luật này mà thôi. Quả là một bệnh tâm thần mà ta phải chữa chạy nếu ta coi cộng sản không phải chịu những qui luật thông thường của chính trị.

Bệnh tâm thần này ở đâu mà ra ?

1. Bị tác hại bởi tuyên truyền chống cộng sơ đẳng của chính quyền miền Nam trước đây, cho rằng cộng sản hoàn toàn không có chính nghĩa. Tin như vậy cho nên người ta suy luận rằng trước đây cộng sản không phải vì có chính nghĩa mà thắng thì giờ đây họ cũng không phải vì không có chính nghĩa mà phải sụp đổ. Sự thực thì trong quá khứ phe cộng sản đã có chính nghĩa. Họ là sự tiếp nối của truyền thống đấu tranh dành độc lập, trong khi các chính quyền quốc gia là sự duy trì và tiếp nối của bộ máy thực dân. Họ hướng tới tiêu diệt một giai cấp ăn trên ngồi trước, vọng ngoại, mất gốc hiện diện một cách hùng hậu trong thượng tầng xã hội phe quốc gia, họ đã thăng tiến được một số đông người mà nếu không có phong trào cộng sản có lẽ vẫn còn bị hắt hủi và chà đạp, họ hướng tới thống nhất đất nước trong khi các chính quyền quốc gia chỉ muốn kéo dài tình trạng chia cắt v.v...

Nói tóm lại, trong giai đoạn vừa qua đất nước đã bị đặt trước một số vấn đề cần phải giải quyết và đảng Cộng sản đã xuất hiện dưới con mắt của nhiều người như một giải đáp. Do đó họ đã huy động được những đóng góp và những hy sinh, đã vượt được mọi thử thách.

Ngày nay tình hình đã đổi hẳn. Đất nước đang ở trước những vấn đề mới : xóa bỏ hận thù, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đưa đất nước vào quỹ đạo tiến bộ, v.v... Trước những vấn đề ấy, đảng cộng sản không những không phải là một giải pháp mà còn là một chướng ngại. Đảng cộng sản đã mất vai trò lịch sử. Nó đã mất chính nghĩa và không còn lý do tồn tại. Những con khủng long cũng đã phải bị diệt chủng khi môi trường sinh sống trở thành không thích hợp thì Đảng cộng sản Việt Nam hy vọng gì tồn tại được trong một bối cảnh mới hoàn toàn bất lợi.

2. Bị giao động quá mạnh về thất bại 1975, nhiều người cho cộng sản là "gian ác thực đấy nhưng vô địch". Căn bệnh thứ hai này tuy đã thuyên giảm rất nhiều nhưng vẫn cần được chữa chạy để có thể khỏi hẳn. Cách hay nhất là tạo ra nhiều cơ hội tiếp xúc với cộng sản, để nhìn rõ con người và tổ chức họ. Từ đó chúng ta sẽ khám phá ra sự thường kém của họ mà hết sợ và thêm lòng tự tin.

Thực ra về tổ chức cũng như về sách lược, người cộng sản không hay ho gì. Họ đã thắng được chỉ vì đã có những người đủ tin tưởng vào chính nghĩa của họ trong giai đoạn vừa qua để chấp nhận tất cả. Chính những người này đã là sức mạnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ngày nay họ không tìm ra những người sẵn sàng hy sinh cho đảng cộng sản nữa.

Bài xích đảng cộng sản một cách bất công với họ khiến ta không giải thích được thắng lợi của họ rồi không nhìn ra được thất bại không tránh khỏi của họ. Ghét cộng sản quá mà xa lánh họ khiến ta mãi mãi sợ họ mà không có lòng tin ở thắng lợi sau cùng của ta. Đấu tranh mà mang sẵn cái thất bại ở trong lòng thì hy vọng gì thắng lợi được ?

 

2.8. Chiến tranh giải phóng là điều chẳng đặng đừng

Có một sai lầm rất lan tràn cho rằng phải phát động một cuộc chiến tranh giải phóng ngay từ bây giờ, không có giải pháp nào khác. Phải trường kỳ kháng chiến từ du kích, tới trận địa chiến, sau cùng là tổng tấn công.

Trước hết ta phải tự trấn tĩnh mà nhận định rằng chiến tranh, nói đúng ra là nội chiến, là một điều hết sức nghiêm trọng có thể làm chết hàng trăm ngàn người và tàn phá đất nước. Nếu phải lấy quyết định phát động một cuộc chiến tranh thì đó là một quyết định hết sức bi thảm mà chỉ có một kết hợp quốc dân thật rộng rãi mới có quyền quyết định.

Ta hiện nay không có phương tiện để phát động một cuộc chiến tranh dù là giới hạn và không một cường quốc nào sẵn sàng cung cấp phương tiện cho ta một cách đầy đủ và đều đặn. Nếu ta cứ phát động thì sẽ thất bại làm thiệt hại sinh mạng những phần tử nhiệt thành và làm nản lòng quần chúng.

Nhân dân ta, mặt khác, còn quá mệt mỏi sau hơn ba mươi năm máu lửa. Vì vậy mà dù cả nước đều ao ước có một sự thay đổi chính thể nhưng ít ai sẵn lòng hy sinh xương máu. Không nên lầm ý dân và sức dân, nguyện vọng và khả năng. Dù có phải chọn lựa giải pháp chiến tranh đi nữa, ta cũng còn phải đợi sự mệt mỏi này qua đi đã. Sau đó cũng phải ý thức rằng muốn cho dân chúng đóng góp xương máu thì phải có một dự án chính trị xứng đáng để họ hy sinh và cho họ thấy có hy vọng thành công.

Hơn nữa, biên giới Việt Nam chưa mở, đường tiếp liệu chưa có. Đường biển không thể coi là đường tiếp liệu được. Một cuộc chiến tranh giải phóng chỉ có thể đặt ra một cách nghiêm chỉnh khi một phần quan trọng của Lào và Kam-pu-chia đã được giải phóng. Lúc đó chiến tranh giải phóng có phát động được hay không còn tùy thuộc vào những người cầm quyền tại hai nước này. Việc họ có thỏa thuận cho lực lượng kháng chiến Việt Nam mượn lãnh thổ để làm sào huyệt trong giai đoạn đầu hay không có tầm quan trọng quyết định.

Tóm lại kháng chiến võ trang chưa thể đặt ra lúc này. Vấn đề sẽ đặt ra như thế nào thì ngay bây giờ ta chưa thể tiên liệu vì còn quá nhiều ẩn số không tùy thuộc ta. Vấn đề thực sự của ta là ráo riết chuẩn bị tinh thần, nhân sự và vật chất để ở trong tư thế sẵn sàng hành động trước mọi tình huống.

Sau cùng, lập trường chủ chiến hấp tấp bỏ qua một khả năng quan trọng của cuộc đấu tranh Cứu Nước. Sự kiện đó là rất có thể chế độ cộng sản sẽ bị sụp đổ từ bên trong do chính những người cộng sản thức tỉnh chủ trương. Rất có thể là những phần tử tiến bộ ngay trong đảng sẽ đấu tranh loại trừ đám đầu sỏ mù quáng để tìm một hướng đi mới cho đất nước. Ta phải rất chăm chú theo dõi từng dấu hiệu của chuyển động này và luôn luôn sẵn sàng tiếp tay cho họ. Cho đến giờ phút này bất trắc (éventualité) này vẫn là giải pháp có nhiều triển vọng xẩy ra nhất và tốt đẹp nhất cho đất nước.

Trong hiện tại thay vì cổ võ cho một cuộc chiến tranh mà ta chưa có mảy may phương tiện để cáng đáng, ta nên tập trung cố gắng vào việc chuẩn bị một dự án chính trị cho mai sau và kích thích sự rạn nứt từ ngay bên trong bộ máy bạo quyền bằng cách không ngừng đưa ra những đề nghị hợp tình hợp lý.

Ta đừng nên quên rằng hiện nay ta có một ưu thế rất quan trọng của kẻ không còn gì để mất : đó là sự tự do hoàn toàn để phát biểu và đề nghị. Ta phải sử dụng tối đa ưu thế đó để giành hẳn chính nghĩa về ta và để gây mâu thuẫn ngay trong hàng ngũ địch.

 

2.9. Hoa Kỳ và Thế giới tự do

Dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận một sự thực phũ phàng là Hoa Kỳ và Thế giới Tự do nói chung sẽ không can thiệp vào Việt Nam ít nhất trong một thập niên nữa.

Thất bại tại Việt Nam đối với Hoa Kỳ vẫn còn là một vết thương chưa lành. Không những không có vấn đề Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, mà còn có tình trạng vì vết thương Việt Nam mà Hoa Kỳ không dám can thiệp tại các nơi khác ngay cả khi quyền lợi của họ bị đe dọa.

Sự phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ giúp cho Hoa Kỳ lấy lại tự tin để có một chính sách can thiệp bạo dạn hơn tại các nơi khác nhưng ngày Hoa Kỳ lấy lại được hoàn toàn tự tin để phục thù tại Việt Nam có lẽ không bao giờ có. Việt Nam là một trang sử mà Hoa Kỳ không muốn đọc lại. Hơn nữa, sự phục hồi kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ dựa trên một chính sách thâm thủng ngân quỹ trầm trọng cho nên nó không thể đi đôi với một chính sách ngoại chi ào ạt. Nét đặc thù của sức mạnh kinh tế mới của Hoa Kỳ là kinh tế tuy mạnh nhưng chính phủ lại luôn luôn thiếu tiền.

Các nước khác trong phe Thế giới Tự do thì đều đã công nhận chính quyền cộng sản. Họ không những không có ý đồ và khả năng để mưu tìm sự thay đổi chế độ tại Việt Nam mà chắc chắn còn nhân danh công pháp quốc tế lên án bất cứ cường quốc nào can thiệp vào Việt Nam.

Do đó chúng ta không thể trông chờ ở sự tiếp tay của Hoa Kỳ và Thế giới Tự do trong cuộc đấu tranh chống bạo quyền.

Trong tình huống này, coi cuộc chiến đấu của ta là nằm trong khuôn khổ cuộc xung đột giữa Thế giới Tự do và Cộng sản là một điều hết sức ngớ ngẩn. Chúng ta phải coi đó là một cuộc đấu tranh của một dân tộc, chống lại chính quyền bất lực của mình.

Chúng ta càng không nên hy vọng vào Hoa Kỳ nếu chúng ta nhận định về chiến lược toàn cầu mới của Hoa Kỳ.

Hiện nay Hoa Kỳ đã ý thức được rõ ràng sự suy sụp về tư tưởng và sự yếu kém về kinh tế của các nước khối Liên Xô. Họ không cần lo ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nữa, trừ khi là sự xâm lược xẩy ra ngay tại lục địa châu Mỹ. Đã tin tưởng vào sự thất bại sau cùng của khối xô viết, ưu tư của Hoa Kỳ một mặt là tạo điều kiện để sự sụp đổ ấy sớm xẩy ra, một mặt khác tránh đụng độ trực tiếp với Liên Xô với nguy cơ có thể có một cuộc thế chiến vừa tàn khốc vừa vô ích vì họ đã tin rằng không cần chiến tranh hệ thống Liên Xô cũng sẽ suy sụp.

Đối với các chư hầu, Liên Xô không đe dọa đến an ninh của họ, Hoa Kỳ có khuynh hướng ve vãn lôi kéo chứ không tấn công. Việt Nam là một chư hầu Liên Xô loại này.

Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho một trường hợp có thể sẽ xẩy ra là Hoa Kỳ sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với chế độ cộng sản Việt Nam.

Sự kiện này sẽ khai tử chủ trương "giải phóng võ trang" nhưng sẽ rất thuận lợi cho chủ trương đấu tranh chính trị. Bang giao với Hoa Kỳ và với các nước tư bản khác chắc chắn sẽ buộc chính quyền cộng sản Việt Nam dần dần chấp thuận những nhượng bộ về ý thức hệ tạo điều kiện cho một sinh hoạt chính trị mới, trong đó ta có thể thắng được nếu có một dự án chính trị hấp dẫn và một đội ngũ cán bộ đáng tin cậy.

Việt Nam không cùng một bối cảnh với các nước cộng sản Đông Âu, không nằm tiếp giáp với Liên Xô, không bị ràng buộc bởi một thỏa hiệp kiểu Yalta, và cũng không có giá trị sinh tử đối với an ninh của Liên Xô như các nước Đông Âu, Đảng cộng sản Việt Nam cũng không quán triệt vấn đề chủ nghĩa, nên chuyển biến tại Việt Nam, trong trường hợp có sự đi lại với Tây phương sẽ rất khác những gì ta đã thấy tại Đông Âu.

Nhận định như vậy nên vấn đề của chúng ta không phải là cố gắng ngăn cản các nước Tư bản bang giao với Việt Nam, điều mà chúng ta làm không được. Vấn đề của ta là làm thế nào để những sự hợp tác ấy phải đi đôi với những nhượng bộ chính trị tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chính trị của ta.

 

2.10. Ba thành tố của một chính nghĩa dân tộc mới

Kết hợp đại khối dân tộc vào cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước là điều ta phải làm cho bằng được.

Nhưng nhân dân Việt Nam đã quá mệt mỏi sau nhiều năm chiến tranh và đã quá thất vọng sau những hy sinh vô ích. Họ đã bị lường gạt quá nhiều nên lại dễ có khuynh hướng ngờ vực tất cả. Ta chỉ có thể lôi kéo được sự hưởng ứng của họ nếu ta thực sự đem lại được cho họ một hy vọng ở một chính nghĩa dân tộc mới.

Vì thế trong bối cảnh tâm lý của người Việt ngày nay, chính nghĩa này gồm ba yếu tố không thể tách rời.

1. Một dự án chính trị có giá trị

Dự án chính trị này đặt ra những vấn đề trọng đại của đất nước, và đề nghị những phương hướng để giải quyết. Nó cho thấy một hình ảnh xã hội Việt Nam ngày mai.

Chỉ có dự án chính trị này mới quyết định ta có chính nghĩa hay không. Chúng ta sẽ phải đầu tư nhiều khảo cứu, quan sát và suy tư vào một dự án tổ chức xã hội tương lai phù hợp nhất cho đất nước. Chúng ta bắt đầu bằng cách trước hết nâng cao trình độ cuộc tranh luận giữa ta và bạo quyền. Chúng ta không nên phí phạm quá nhiều thì giờ với những cãi cọ chỉ nhằm lên án bạo quyền. Trái lại, nên nghiêm chỉnh đặt ra những vấn đề lớn của đất nước, bình tĩnh vạch ra sự sai lầm của chính quyền hiện thời và trang trọng đề nghị những giải pháp hợp tình hợp lý. Có như thế ta mới dần dần phủ nhận được địch và xây dựng chính nghĩa của ta. Ta phải dành thắng lợi dứt khoát về tư tưởng để dành hẳn chính nghĩa dân tộc về ta.

2. Một nhân sự đáng tin cậy

Hiện nay phong trào chống đối nói chung thiếu người có trình độ cao. Nhân tài ta không phải không có. Ta có rất nhiều người có khả năng trong cộng đồng tỵ nạn nhưng họ không tham gia cuộc đấu tranh vì ngôn ngữ và môi trường đấu tranh hiện nay làm cho họ nản. Cần phải lôi kéo và thuyết phục những người này hưởng ứng công cuộc đấu tranh Cứu Nước.

Một đội ngũ lãnh đạo đáng tin cậy cũng quan trọng không kém một dự án chính trị đứng đắn. Một dự án chính trị dù hay tới đâu cũng cần có những người lành mạnh và có khả năng để làm hậu thuẫn cho nó. Không có những con người lành sạch, nó chỉ là một chiêu bài bịp bợm. Thiếu những người có khả năng nó chỉ có thể là một nghĩa trang của những ước mơ. Nhân sự của đội ngũ lãnh đạo cũng cần phải nói lên được tính chất hoàn toàn mới của cuộc đấu tranh Cứu Nước và phải phản ảnh một tập hợp dân tộc mới.

Những phong trào đấu tranh mà đội ngũ cán bộ chỉ gồm những người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, hoặc chỉ gồm những người cộng sản ly khai đều không phản ảnh được tập hợp dân tộc mới và có thể coi như vô vọng ngay từ đầu.

Một phong trào đấu tranh mà đại bộ phận lãnh đạo là những người mà công chúng đã biết tới, như là những người đã giữ những chức vụ quan trọng trước đây, dù ở phe nào, và đã không làm được gì đáng kể trong quá khứ cũng sẽ không hy vọng gì được nhân dân hỗ trợ.

Tuy ta không gạt bỏ một thành phần dân tộc nào, không tiên quyết loại trừ một cá nhân nào, nhưng ta cũng phải khách quan mà nhận định rằng đại bộ phận đội ngũ lãnh đạo phải là những khuôn mặt mới.

3. Những phương pháp đấu tranh đứng đắn

Chính qua phương pháp đấu tranh mà một mục tiêu chính trị cuối cùng được phơi bầy và đánh giá. Phương pháp đấu tranh của ta vì vậy phải xứng đáng với lý tưởng mà ta theo đuổi.

Các chế độ cộng sản đã là thảm kịch của chủ nghĩa Mác-xít, một chủ nghĩa thực ra mang nhiều tình cảm quảng đại nhưng đã vì được thực hiện bằng những biện pháp thô bạo mà trở thành một tai họa cho nhiều dân tộc.

Trong hiện trạng của cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước, chúng ta lại càng phải đặc biệt thận trọng trong việc chọn lựa các phương tiện và biện pháp đấu tranh. Để đương đầu với bạo quyền Hà-nội ta chỉ có một vũ khí duy nhất là chính nghĩa. Do đó ta phải giữ cho chính nghĩa của ta thật trong sáng. Mọi phương tiện và mọi biện pháp hành động có thể làm cho chính nghĩa của ta trở thành đáng ngờ vực đều phải được thẳng thắn gạt bỏ, vì một khi chính nghĩa đã không được vững vàng, trong sáng thì cuộc đấu tranh của ta trở thành vô vọng ngay từ đầu.

coso5

Phần thứ ba : Sách lược đấu tranh của người tỵ nạn

Đối diện và đương đầu hàng ngày với bạo quyền là người trong nước. Chịu đựng những hy sinh lớn lao là những người trong nước. Sức va chạm sau cùng đưa đến thay đổi chế độ cũng sẽ do người trong nước.

Nhưng ở giai đoạn hiện thời, khi mà một mặt trận chung chưa có, khi mà một ngôn ngữ đấu tranh chung chưa tìm ra được và một dự án chính trị cho tương lai chưa vạch ra được thì chính tập thể lưu vong mới là chủ lực. Cần phải nhận định như vậy để gạt bỏ một thái độ khiêm tốn gian trá cho rằng ở ngoài chẳng làm được gì, để rồi lấy đó làm lý cớ để đào nhiệm.

Người trong nước bị cắt đứt với những biến chuyển của thế giới, không thể có một cái nhìn chính xác về tương lai. Họ thấy rõ ràng những gì xẩy ra chung quanh họ, nhưng lại không có một cái nhìn toàn bộ vì luôn luôn bị bưng bít. Tình trạng luôn luôn bị truy lùng săn đuổi lại không cho phép họ trao đổi một cách sôi nổi, rộng rãi. Họ luôn luôn phải vô cùng kín đáo và dè dặt trong việc kết hợp nhóm này với nhóm kia.

Do đó lãnh đạo về đường lối đấu tranh là công việc của người ở ngoài nước. Tạo ra một tụ điểm để các nhóm lẻ tẻ, nghi kỵ và không biết nhau ở trong nước cùng hướng về một mục tiêu, cùng hoạt động đồng bộ là công việc của người ở ngoài nước.

 

3.1. Đem lại một hy vọng cho dân tộc

Hiện nay sự thù ghét và chán ngán bạo quyền đã lên rất cao. Thế nhưng sự chống đối bạo quyền lại rất yếu ớt và lẻ tẻ.

Người ta hoặc liều lĩnh vượt biên trong những điều kiện thật hiểm nghèo, hoặc phế bỏ khả năng của mình bằng cách phủ nhận tất cả trong một sự thụ động hoàn toàn, hoặc thở dài mà hợp tác với bạo quyền để mưu sinh.

Sự chống đối không mạnh được vì không có một hy vọng thắng lợi.

Người ta chỉ có thể hy sinh nếu thấy sự hy sinh đó đem lại một cái gì ích lợi. Sự hy sinh chỉ có nghĩa nếu để bù lại người ta có quyền hy vọng trong trường hợp may mắn thắng lợi sẽ có một phần thưởng, ít ra là tinh thần, xứng đáng với rủi ro.

Do đó người Việt Nam sẽ chỉ xả thân tranh đấu chống lại bạo quyền khi nào một Mặt Trận Cứu Nước được hoàn thành, chứng tỏ cho họ thấy là có hy vọng thắng lợi, và hứa hẹn một xã hội ngày mai tốt đẹp, lành mạnh.

Như vậy hy vọng mà người ở ngoài nước cần đem đến cho dân tộc là :

1. Một dự án chính trị hợp tình hợp lý đối chiếu với những điều kiện lịch sử, có thể có sức thu phục mọi người, về nguyện vọng và về tính khả thi của nó.

2. Một dạng tổ chức nào đó cho thấy đã có sự phối hợp hành động trên qui mô lớn, nếu chưa đạt được một mặt trận chung.

 

3.2. Tổ chức đấu tranh

Sự kết hợp một mặt trận chung chỉ đạo cuộc đấu tranh là một việc hiển nhiên phải có. Nhưng ta phải tránh hai sự ngộ nhận mà từ trước đến nay, hầu như mọi người đều mắc phải.

         - Đoàn kết là một tiến trình cần có những giai đoạn với những khoảng thời gian tương ứng, chứ không thể đột nhiên mà có. Chính vì tưởng rằng đoàn kết có thể đột nhiên mà có mà nhiều người đã mất rất nhiều thì giờ tìm kiếm những xảo thuật với hy vọng đoàn kết được tất cả mọi người.

         - Đoàn kết là một vấn đề của phương pháp và kỹ thuật chứ không phải là một vấn đề của ý chí mà thôi. Nếu không thì tại sao mọi người đều ao ước có đoàn kết mà bao năm qua chúng ta vẫn chưa có đoàn kết ?

3.2.1. Tiến trình của đoàn kết là trước hết đồng ý về đường lối và phương pháp, rồi hoạt động ăn khớp với nhau, sau đó quen biết và làm việc chung với nhau, cuối cùng là đi đến một cơ chế chung.

3.2.2. Phương pháp và kỹ thuật đoàn kết có ba trọng điểm sau đây.

3.2.2.1. Về nền tảng :

Đoàn kết trên một cơ sở tư tưởng chứ không chung quanh một lãnh tụ.

Chủ trương đoàn kết chung quanh một lãnh tụ đã quá lỗi thời. Không ai có khả năng thu hút mọi người và chỉ đạo mọi người cả. Những người muốn làm lãnh tụ chỉ làm cho người ta ghét và mất hy vọng đóng góp vào sự nghiệp chung. Trái lại cơ sở tư tưởng nếu đã được chấp nhận với đầy đủ hiểu biết là một lý do khiến mọi người luôn luôn nhắm tới cùng một mục đích, và hành động ăn khớp với nhau.

3.2.2.2. Về lãnh đạo :

Luôn luôn có tính cách phối hợp hơn là chỉ huy, tản quyền chứ không tập trung, tạm thời chứ không vĩnh viễn, kín đáo chứ không phô trương.

Nói một cách khá, nếu chưa cần thì thôi, chỉ cần liên hệ tốt với nhau là đủ, nếu cần thì các tổ chức thành viên chỉ định ra một số người có trách nhiệm phối hợp hành động. Số người này chịu trách nhiệm trước các tổ chức thành viên, có một vai trò giới hạn trong một thời gian nhất định. Họ làm công tác phối hợp chứ không chỉ huy. Các tổ chức thành viên vẫn tự do hành động theo kế hoạch riêng của họ. Vì dựa trên một cơ sở tư tưởng chung nên không lo ngại các tổ chức thành viên sẽ mâu thuẫn hoặc xung đột nặng với nhau.

3.2.2.3. Về hình thức :

Đoàn kết qua sự liên kết và phối hợp các tổ chức đang có và sẽ có chứ không phải qua sự huỷ thể của các hội đoàn trong một cơ chế duy nhất.

Có rất nhiều lý do bắt buộc ta phải dùng hình thức này.

         - Nếu một tổ chức A có quyền kêu gọi (hay có thái độ như kêu gọi) mọi tổ chức khác giải thể để gia nhập vào tổ chức này, thì tổ chức B cũng có quyền ấy. Kết quả là đưa đến tình trạng mọi người đòi giải tán lẫn nhau, gây xung khắc và chia rẽ.

         - Giả sử có thể thống nhất được mọi người trong một tổ chức duy nhất cũng không nên làm vì :

                 * Khó khăn về tài chánh cần thiết để điều hành một tổ chức trải rộng khắp thế giới.

                 * Một phân bộ dầu sao đi nữa cũng không hiếu động bằng một tổ chức độc lập, và cũng ít sáng kiến hơn.

             * Phân tán lực lượng là một điều cần thiết giúp ta ngụy trang được thực lực, giấu được cơ quan đầu não, khiến địch không biết đâu mà đánh.

                * Khi đường lối đấu tranh cần được tu chỉnh cho hợp với tình thế, một tổ chức lớn khó uyển chuyển hơn một tập hợp những tổ chức nhỏ.

             * Thái độ đối với địch, cũng như đối với chính quyền các nước tiếp cư cần phải được thay đổi về hình thức theo địa phương, điều mà một tổ chức duy nhất không làm được.

              * Cách chống địch phải đa dạng, có tổ chức buôn bán giao dịch với địch, có tổ chức chống kịch liệt, có tổ chức đấu tranh văn hóa, tư tưởng. Có tổ chức chuyên về nhân quyền, có tổ chức hoạt động trong các đảng xã hội, có tổ chức thân với phái hữu, v.v...

         - Về mặt kỹ thuật, việc tổ chức một cơ chế duy nhất không thể thực hiện được. Lý do là vì thế giới mà ta đang sống đang chuyển hóa rất mau chóng, và với những vận tốc khác nhau. Tập thể lưu vong chúng ta sống rải rác trên nhiều nước với những mô thức xã hội khác nhau. Ngay khi ta vừa hình thành xong một cơ chế thì có thể là cơ chế đã sai rồi : có người đã phải thay đổi chỗ ở vì lý do nghề nghiệp hay điều kiện hoạt động ở một quốc gia nào đó đã thay đổi đột ngột, v.v...

    

3.3. Xây dựng một tập hợp dân tộc mới

Từ sau ngày 30/4/1975, đất nước đã thống nhất, đồng bào hai miền Nam Bắc đã gặp gỡ và trao đổi với nhau, Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại hoàn toàn trong việc quản lý đất nước và để lộ bộ mặt xảo trá, bất lực, tham nhũng và ác độc thì sự phân phối của các thành phần dân tộc đã hoàn toàn thay đổi.

Không còn người Nam, người Bắc, người quốc gia, người cộng sản, tất cả đã pha trộn. Đất nước ta ngày nay chỉ còn có ba loại người, loại người bịp bợm, loại người thua bại và loại người bị lừa. Bọn bịp bợm là bọn đầu sỏ cầm quyền tại Hà Nội hiện nay. Những người thua gồm đại bộ phận quân nhân, công tư chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những người bị lừa là đại bộ phận nhân dân, quân đội, đảng viên trong chế độ cộng sản đã bị gạt gẫm chiến đấu và hy sinh cho bọn đầu sỏ Hà Nội, tưởng rằng sẽ đem lại Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, để rồi vỡ mộng thấy Lệ thuộc, Kềm kẹp và Đói khổ. Người bị thua cũng như người bị lừa đều là nạn nhân của sự bịp bợm. Họ là đại bộ phận dân tộc và là những người Việt Nam chân chính. Sứ mạng lịch sử của họ là phải tin tưởng nhau, thương yêu nhau, bắt tay nhau để cứu nước và cứu mình.

Đó là căn bản của một tập hợp dân tộc mới.

Trong một tập hợp dân tộc mới không có ai chiêu hồi ai, không có ai được quyền tự đặt mình vào địa vị xá tội cho người khác, không ai phải quy thuận ai. Tất cả đều bình đẳng, mọi người đều là anh em ruột thịt.

Đồng bào trong nước đã nhìn khá rõ, nhưng sự hiện diện đồ sộ của bộ máy công an tình báo của bạo quyền đã khiến người ta lo sợ, dè dặt không dám mở rộng tâm tình với người khác dù biết rằng chỉ có một phần ngàn rủi ro đang đối diện với một tên tình báo. Dù vậy, sự cảm thông đã rất mạnh mẽ.

Trái lại tâm lý ở hải ngoại lại rất trì trệ. Đáng lẽ người ngoài nước không bị đe dọa về an ninh có thể xúc tiến mạnh mẽ sự hình thành của tập hợp dân tộc này thì phần đông lại lợi dụng sự an ninh cá nhân để thả lỏng những tình cảm hằn học, tự tôn vô lý.

Hiện nay các tổ chức đấu tranh lưu vong chỉ tập hợp có một thành phần, đó là thành phần thua trận trước đây. Tập hợp này cùng lắm chỉ có thể đưa đến một cuộc nội chiến đẫm máu và vô ích nếu cứ nhất định coi mình là tụ điểm sau cùng của sự nghiệp cứu nước.

Đành rằng trong thực tại, đại bộ phận chúng ta là thành phần Miền Nam thua trận, nhưng nếu chúng ta quả thực muốn giải phóng đất nước, chúng ta phải hướng về tập hợp dân tộc mới này.

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng chúng ta không phải là những tàn dư của chính quyền Sài Gòn trước đây. Chúng ta không phải là những kẻ bại trận năm 1975, mà là những kẻ thắng trận của ngày mai. Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải là sự kéo dài cuộc chiến trước đây mà là một cuộc đấu tranh hoàn toàn mới của toàn dân Việt Nam nhằm đánh đổ một chính quyền độc ác bất lực và tìm ra một hướng đi khác cho dân tộc.

Với sự phá sản của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta có quyền dựa trên một lạc quan lịch sử, coi tất cả đều là anh em, hay sẽ là anh em. Sự kiện lịch sử ngày hôm nay là ai cũng ghét bọn đầu sỏ Hà Nội, ai cũng muốn thay đổi. Chúng ta không được để cho sự nghi kỵ ngờ vực chế ngự chúng ta. Chúng ta không những phải hoan nghênh những người đã từ bỏ bạo quyền mà còn phải thân thiện với cả những người còn ở trong guồng máy bạo quyền vì hầu hết họ cũng chống bạo quyền như ta.

Chúng ta không được lầm lẫn một vấn đề kỹ thuật và một vấn đề nguyên tắc. Vấn đề nguyên tắc là ta phải kết hợp mọi thành phần dân tộc. Điều này không thể được đặt lại. Vấn đề kỹ thuật là làm thế nào tránh được sự xâm nhập phá hoại của tình báo bạo quyền. Đó là một vấn đề quan trọng mà ta phải hết sức thận trọng để đối phó. Nhưng không phải vì thế mà ta đi đến thái độ xa lánh tất cả những ai đã dính líu với chế độ cộng sản. Sự xâm nhập của địch là một vấn đề kỹ thuật, cần được giải đáp một cách kỹ thuật. Chính sách cởi mở của ta có thể đem lại cho ta những thiệt hại, nhưng là một sự bắt buộc. Nếu ta chỉ đóng kín cuộc đấu tranh trong những người thuần túy chống cộng từ trước đến nay thì chắc chắn ta sẽ thất bại. Vả lại ta phải lưu ý hai yếu tố.

1. Cộng sản đã nắm chính quyền từ hơn mười năm qua, vài năm nữa thế hệ trẻ miềnNam sẽ hoàn toàn trưởng thành trong chế độ cộng sản. Còn anh em miền Bắc thì tất cả đều đã từ chế độ mà lớn lên. Vậy thì ta sẽ từ chối hết dân tộc hay sao ?

2. Nếu chính quyền cộng sản có muốn xâm nhập các tổ chức đấu tranh (và chắc chắn là có), họ sẽ không dùng những người có quá khứ đáng nghi ngờ đối với ta, mà thường thường là những phần tử mà ta không ngờ được.

Sau cùng để thực hiện tập hợp dân tộc mới, ta không nên lầm lẫn hai cuộc đấu tranh khác nhau về bản chất :

         - Trước hết là cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước, mà tất cả mọi người Việt Nam đều phải hưởng ứng, vì không còn ai có thể tin rằng bạo quyền Hà Nội có thể mưu tìm được hạnh phúc cho dân và đưa đất nước đến chỗ giầu mạnh, kể cả người cộng sản.

         - Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản là cuộc đấu tranh của một số người, rất có thể là đa số, nhưng không phải là cuộc đấu tranh của toàn dân.

Cuộc đấu tranh của ta là cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước.

 

3.4. Bám sát tình hình trong nước, đẩy tung cánh cửa bưng bít của địch

Mối đe dọa trầm trọng nhất của các tổ chức đấu tranh hải ngoại là dần dần bị cắt đứt với thực tại trong nước. Tình trạng này đã bắt đầu rồi với các tổ chức gồm phần lớn những người đã ra nước ngoài trước hoặc ngay sau ngày 30/4/1975. Sự kiện bị cắt đứt với thực trạng quốc nội khiến họ nhận định lệch lạc về quần chúng, đánh giá sai về ưu khuyết điểm của bạo quyền, nhận thức lầm lạc về những gì ta có thể làm. Do đó mà chủ trương một đường lối đấu tranh sai và những phương pháp sai.

Bám sát thực trạng trong nước là điều tối quan trọng. Tình hình trong nước không phải là ai sẽ thay ai trong chức vụ này, địa vị nọ, cơ quan này sát nhập vào cơ quan kia, phái đoàn này sang nước nọ v.v. Bám sát thực tại trong nước là nắm vững được sức khỏe của guồng máy bạo quyền, những gì bạo quyền có khả năng làm, những gì chúng không đủ sức làm, tâm lý cán bộ đảng viên ra sao, quần chúng sinh sống thế nào, có thể di chuyển, tụ tập đến mức độ nào, nói chung là nhìn rõ mọi sinh hoạt trong nước.

Các biện pháp thông thường là qua liên lạc thư tín gia đình, bạn hữu và qua báo chí, sách vở, kể cả báo chí sách vở của cộng sản. Một phương tiện khác là qua đồng bào mới sang, nhưng quan sát của họ thường quá tiểu tiết, có khi quá phiến diện vì họ không phải là quan sát viên chuyên môn.

Cần đặc biệt lưu ý tới các bà con được chính quyền cộng sản cho về thăm nhà. Nếu được móc nối và có một căn bản chính trị vững thì họ là những đài quan sát vô cùng quý báu. Những người này chỉ thân thiện với địch ở ngoài mặt để được đi lại. Nhiều người thực sự thích cộng sản, sau khi về thăm nhà cũng trở thành thù nghịch. Vì thế ta nên khuyến khích và cổ võ cho việc về thăm nhà chứ không nên bài xích. Ta phải tận dụng đường dây liên lạc này. Khích bác và tẩy chay bà con về nước là một hành động sai về cơ bản và vụng về về chiến lược. Trái lại ta nên khuyến khích sự đi lại với quốc nội và biến nó thành thuận lợi cho ta.

Một đường dây khác là những thân hữu tây phương, vì nghề nghiệp (ngoại giao, chuyên môn, báo chí) thường có dịp thăm viếng Việt Nam. Những người này thường hay có những tiếp xúc ở mức độ cao.

Sau đó chính ta cũng nên có những tổ chức giao thiệp trực tiếp với bạo quyền. Các tổ chức này, bề trong thì cùng lập trường tranh đấu giải phóng dân tộc và cứu nước, nhưng bề ngoài phải có một bộ mặt hoặc thân thiện với địch, hoặc thuần túy thương mại. Các cơ sở này chắc chắn sẽ gặp phải sự bài xích của những người chống cộng sơ đẳng. Nhưng đó là cái giá mà ta phải trả.

Ngoài ra là hệ thống bí mật trong nước của ta, đã có hoặc sẽ được xây dựng ra. Nguyên tắc là ta phải dựa vào một lạc quan lịch sử, cho rằng ta có sức hấp dẫn mạnh hơn địch và mọi sự tiếp xúc chỉ có tác dụng hoặc làm địch bối rối, hoặc kéo người phe địch về ta, hoặc ly gián địch. Địch đã mất hết chính nghĩa và sức quyến rũ nên ta có quyền có lạc quan lịch sử đó.

Sự từ chối giao thiệp với địch là một tâm trạng nhát sợ và chủ bại dù được ngụy trang bằng một thái độ cứng rắn. Đấu tranh bao giờ cũng là một sự trao đổi. Chiến tranh cũng là một sự trao đổi về thiệt hại. Ta không sợ thiệt hại nếu địch tổn thất nhiều hơn ta. Ta cũng không nên sợ địch có lợi nếu ta có lợi nhiều hơn địch.

Tẩy chay cộng sản là khách quan đồng loã với chính quyền cộng sản vì chính quyền cộng sản không mong gì hơn là ta xa lánh họ, nhất là hiện nay họ nắm trọn quyền. Sự rạn nứt và suy sụp của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn từ sau 1975 chính là do sự tiếp xúc giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân miền Nam.

Sau cùng sự tiếp xúc của đồng bào trong nước với cộng đồng người Việt hải ngoại lại có một động lực quyết định khác. Nó nhắc nhở cho nhân dân và cán bộ rằng cuộc sống trong các nước tự do thoải mái và phồn vinh hơn trong chế độ cộng sản nhiều. Nó tăng cường ý muốn đổi đời, đổi chế độ và đổi người lãnh đạo.

 

3.5. Tạo dựng cơ sở kinh tài

Vấn đề tạo dựng cơ sở kinh tài là vấn đề nhức nhối nhất mà ta chưa tìm được giải pháp, mặc dù ta biết là thế nào cũng phải giải quyết cho được.

Giải pháp hay được nghĩ đến là lập những cơ sở kinh doanh của tổ chức. Giải pháp này nên gạt bỏ đi vì mắc hai trở ngại cơ bản.

3.5.1. Cơ sở kinh doanh dễ đưa đến những ngờ vực lẫn nhau, mà không có sự nghi ngờ nào tai hại cho đoàn thể hơn là nghi ngờ nhau về tiền bạc.

3.5.2. Cơ sở kinh doanh có mục đích chính trị sẽ không cạnh tranh nổi với các công ty, xí nghiệp chỉ thuần tuý mưu tìm lợi nhuận, không bị bó buộc tình cảm, và chọn người cộng tác thuần tuý dựa trên hiệu năng.

Do đó ta nên giải quyết bài toán kinh tài trên ba hướng.

         - Hướng thứ nhất là khuyến khích, cổ võ, tiếp tay cho các cán bộ chung sức, chung vốn làm ăn. Chuyện kinh doanh là chuyện riêng của họ với nhau và là chuyện thuần tuý kinh tế nhưng nếu họ có lời họ sẽ có khả năng đóng góp được cho cuộc đấu tranh chung. Các cơ sở của họ như vậy gián tiếp trở thành chỗ dựa kinh tài của tổ chức.

Rộng rãi hơn ta nên khuyến khích cổ võ cho việc người Việt tương trợ lẫn nhau, hưởng ứng lẫn nhau trong sinh hoạt kinh tế (may đồ tại cửa hàng Việt Nam, ăn tiệm Việt Nam, nhận tiếp liệu của công ty Việt Nam). Cộng đồng người Việt phần lớn là của ta, nếu cộng đồng ấy giầu, thì sức mạnh kinh tế của ta cũng tăng lên.

         - Hướng thứ hai là giải quyết một số vấn đề kinh tài bằng kỹ thuật tổ chức. Thí dụ thay vì làm những tờ báo lẻ tẻ lỗ vốn, cạnh tranh với nhau, các tổ chức, các nhóm nên tập trung khả năng làm một tờ báo giá trị, có sức hấp dẫn quần chúng hải ngoại. Tờ báo có thể không lỗ mà còn lời.

Một thí dụ khác là các hội nghị, các khóa học tập nên tổ chức vào các dịp nghỉ hè. Cán bộ nào cũng phải đi nghỉ hè nên có thể tự đài thọ.

         - Hướng thứ ba là tận dụng sự trợ giúp của các cơ quan văn hóa xã hội quốc tế. Một nghiên cứu về Việt Nam có thể trình bày như một luận án, một khảo cứu có tính cách khoa học để được các cơ quan, các trường đại học tài trợ.

 

3.6. Chuẩn bị một giải pháp thay đổi

Có một giải pháp thay đổi là điều quan trọng tuyệt đối. Chống lại chính quyền mà không có một giải pháp thay thế là làm giặc chứ không phải làm cách mạng.

Giải pháp thay đổi gồm một dự án chính trị cho đất nước sau này và một đội ngũ cán bộ đủ sức thực hiện dự án đó. Cả hai yếu tố đó hiện nay ta đều chưa có.

3.6.1. Dự án chính trị là công trình mà các chuyên gia, các nhà tư tưởng của ta phải không ngừng kiện toàn, tu chỉnh. Dự án chính trị đó sẽ không bao giờ xong hẳn nhưng ngay từ bây giờ ta có thể xác định những trục chính, tức là những chọn lựa cơ bản.

3.6.2. Đội ngũ cán bộ là bảo đảm cho dự án chính trị đó.

Đội ngũ này phải có một bộ mặt sạch sẽ và có khả năng quản lý cao. Nên cố gắng khuyến khích các tổ chức hợp sức nhau để đào tạo cán bộ về những vấn đề chuyên môn, như tổ chức lao động, quản lý kinh tế, tài chánh.

Việc huấn luyện chuyên môn về cơ bản là do từng cá nhân cán bộ tự học tập lấy, tổ chức chỉ có thể giúp đỡ và khuyến khích mà thôi. Cố gắng của tổ chức là gây tinh thần yêu nước, gây sự ràng buộc với quê hương, tạo sự gắn bó trên một cơ sở tư tưởng, để những thành viên trở thành cán bộ rồi học tập tình hình Việt Nam và tìm cách thích ứng chuyên môn của mình với hoàn cảnh đất nước. Tổ chức chỉ có thể lôi kéo chuyên viên thành cán bộ chứ không nên nuôi hoài bão tạo ra chuyên viên, một việc ngoài tầm tay.

Hiện nay do hoàn cảnh không có viễn tượng được về nước phục vụ nên phần đông thanh niên lứa tuổi hai mươi, ba mươi đã xoay qua những ngành thuần túy kỹ thuật, gây ra một sự trống vắng rất đáng lo ngại về chính trị. Đồng thời với việc lôi kéo thế hệ trẻ, ta phải ý thức họ về sự trống vắng này. Cán bộ đã tham gia đấu tranh thì ngoài nghề nghiệp của mình phải tự trau dồi lấy về các vấn đề chính trị, xã hội, tổ chức và quản lý.

Điều kiện không có không được của sự chuẩn bị một giải pháp thay đổi là phải tạo ra một không khí bàn cãi, thảo luận thực sự sôi nổi, trong đó tất cả mọi vấn đề, tất cả mọi ý kiến đều được phát biểu một cách bộc trực trong tinh thần kính trọng lẫn nhau. Không thể có những đề tài cấm nói đến, cũng không thể có những ý kiến cấm nêu ra.

Chính từ cuộc thảo luận sôi nổi này mà ta sẽ nhìn rõ hơn những gì phải làm và khám phá ra được những cán bộ cần có.

3.7. Dành thắng lợi rõ rệt, hoàn toàn về mặt văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật

Có một địa hạt mà cộng đồng người tỵ nạn có thể cống hiến cho đất nước ngay từ bây giờ. Đồng thời cũng là địa hạt mà ta có thể dành thắng lợi rõ rệt dứt khoát trong cuộc đấu tranh chống bạo quyền Hà Nội. Đó là địa hạt văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật.

Vậy tại sao trong mười năm qua chúng ta không đạt được một thành quả đáng kể ?

3.7.1. Lý do thứ nhất : người Việt Nam ta, dù ở trong nước cũng như ở ngoài nước, dù chống cộng hay thân cộng, từ trước đến nay không có tập quán theo đuổi những công trình lớn, dài hơi. Đam mê chốc lát, cảm hứng vụn vặt, cố gắng giới hạn đã chỉ đóng góp được cho gia tài văn hóa, nghệ thuật của ta những tác phẩm tầm vóc nhỏ hoặc họa hiếm lắm là trung bình (truyện Kiều). Còn về tư tưởng thì ta tuyệt nhiên không có gì. Tư tưởng của ta vụn vặt, văn hóa nghệ thuật của ta thiếu sự vĩ đại.

Cộng đồng người Việt lưu vong vẫn theo tập quán đó nên chỉ có những sáng tác nhỏ mọn, ngắn hơi. Trong khi đó ta sinh sống trong một môi trường đầy rẫy những thực hiện lớn lao. Vì thế kết quả đạt được của ta bị chìm đắm và quên lãng, và do đó ta không có được sự kiêu hãnh và lòng tin tưởng cần thiết để đẩy mạnh và nâng cao hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng.

Vậy phải tìm kiếm sự vĩ đại.

Phải bớt cái nhỏ để tập trung vào cái lớn. Phải dẹp cái "ta" để đóng góp cái "chúng ta". Ngừng sáng tác để khuyến khích người có khả năng hơn mình sáng tác. Đừng tốn kém cho tác phẩm của mình, hãy tìm kiếm giúp đỡ tác phẩm có giá trị hơn. Đó là tinh thần giúp ta ra khỏi ngõ bí của sự nhỏ bé.

3.7.2. Lý do thứ hai : văn nghệ sĩ lưu vong chưa dám rung động một cách thực thà. Có một sự khủng bố tinh thần ràng buộc ta trong một thứ ngôn ngữ chính thức : cái gì cũng phải tố cộng, nhớ quê hương, căm thù, quyết chiến. Tình cảm giả tạo, hay ít ra là không hoàn toàn thực, nên không thể có kết quả xuất sắc. Vậy ta phải giải tỏa thực tế trì trệ đó và khẳng định một quy luật bất di bất dịch của văn hóa nghệ thuật : đó là làm cho hay, cho có giá trị cao. Không nhất thiết phải có tranh đấu tính. Sáng tác cho hay là đã tranh đấu rồi.

3.7.3. Lý do thứ ba : Quần chúng chưa dám công khai thưởng thức một cách thực thà. Nhiều người cho là mình mất nước thì không có quyền lãng mạn, yêu đương, vui sống. Đau buồn là bắt buộc, hay ít ra phải là thái độ chính thức (văn nghệ đấu tranh). Trong khi đó, thực ra buồn là một khuyết điểm, một thú nhận bất lực. Nếu ta thực sự có niềm tin ở ngày mai thì tự nhiên ta phải phấn khởi, vui tươi.

3.7.4. Lý do thứ tư : Thiếu một định chế về văn hóa nghệ thuật tư tưởng. Định chế này trước hết là nơi gặp gỡ trao đổi giữa những người cùng quan tâm đến địa hạt này để từ đó văn nghệ sĩ lưu vong đạt tới một quan niệm đúng đắn về sáng tác.

Định chế này đảm nhiệm một vai trò không có không được nhưng hiện nay lại không có là phê bình văn học.

Định chế này cũng có thể vận động quyên góp lập các giải thưởng cho các sáng tác xuât sắc, cổ võ cho các tác phẩm có giá trị nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

Sau cùng, trên địa hạt văn hóa tư tưởng, chúng ta phải ghi nhận ba sự kiện căn bản.

3.7.4.1. Văn hóa của cộng đồng tỵ nạn mà nghèo nàn, tiều tụy thì không có cách gì giữ được tiếng Việt cho thế hệ đang lớn lên.

3.7.4.2. Sự thiếu thốn tư tưởng thực ra không nằm trong giới hạn của cuộc đấu tranh giữa ta và địch. Thực ra đóng góp về tư tưởng đáp ứng một nhu cầu lịch sử cao hơn. Từ trước ta không có tư tưởng. Sự thiếu hụt tư tưởng đưa đến hỗn loạn xã hội. Đó là giải thích triết lý, lịch sử những xáo trộn của dân tộc ta.

Nếu ta biết nhìn vai trò quan trọng của tư tưởng, biết đầu tư đúng mức và dành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng, cuộc đấu tranh coi như đã giải quyết xong về cơ bản. Hiện nay trong cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước, giữa ta và địch, phải nhìn nhận rằng tuy địch không có chính nghĩa nhưng ta cũng chưa có chính nghĩa.

Chính nghĩa đó, chỉ có một cố gắng tư tưởng rất lớn mới có thể đem lại cho ta.

3.7.4.3. Một nền văn hóa hoàn chỉnh là một chu trình dài và toàn bộ.

Khởi đầu từ những triết gia, những nhà tư tưởng vạch ra những ý lớn của thời đại. Tiếp theo là những người làm chính trị làm trực tiếp bằng hành động hay làm gián tiếp bằng phê bình và đề nghị, biến những tư tưởng lớn ấy thành mục tiêu của xã hội và con người. Văn nghệ sĩ là kẻ mô tả cuộc sống trong sự theo đuổi những mục tiêu đó. Cuối cùng là những nhà phê bình văn học giữ vai trò đánh giá các cố gắng của văn nghệ sĩ.

Thiếu tư tưởng, thiếu mục tiêu thời đại, văn nghệ sĩ như một đoàn quân không tiếp liệu. Thiếu vai trò phê bình văn học họ như những người lính không được trả lương.

Chúng ta phải ý thức được sự cần thiết của mọi mắt xích trong chu trình văn hóa nếu muốn tạo dựng một nền văn hóa có tầm vóc.

 

3.8. Xây dựng một cộng đồng người Việt tỵ nạn lành mạnh

Về mặt chính trị, cộng đồng người Việt tỵ nạn đứng về phe chống bạo quyền Hà Nội, do đó cộng đồng này là của ta. Ta phải xây dựng nó thành hậu phương cho cuộc đấu tranh.

Công tác xây dựng cộng đồng tỵ nạn không cần nặng về chính trị vì lập trường chính trị của người tỵ nạn đã quá rõ rệt. Công tác này nên nặng về tương trợ, văn hóa, xã hội, chuyên môn. Tính chất phi chính trị sẽ giúp cho cộng đồng dễ giao thiệp với các chính quyền sở tại trong việc thỉnh đạt các yêu cầu của đồng bào Việt Nam, dễ đạt được cảm tình với các tổ chức văn hóa, xã hội, v.v... Có một tổ chức đại diện người Việt tại mỗi nước là một điều rất ích lợi về thực tế.

Việc vận động chính trị trong cộng đồng chỉ nên nhắm vào việc tìm kiếm cán bộ đấu tranh. Các tổ chức phải coi cộng đồng là của chung, do đó nên tránh việc sát nhập, kiểm soát các hội đoàn quần chúng. Làm như vậy là giới hạn và thu hẹp phạm vi của các hội đoàn, đưa đến chỗ bế tắc. Các hội đoàn cũng không nên để mình bị đồng hóa với các tổ chức đấu tranh chính trị. Mọi người, mọi tổ chức đấu tranh chính trị nên khẳng định việc xây dựng cộng đồng người Việt tỵ nạn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Không một tổ chức chính trị nào có quyền trưng dụng làm của riêng mình một hay nhiều hội đoàn quần chúng.

Cộng đồng người Việt tỵ nạn là một trong những cộng đồng tỵ nạn mất bản thể (identité) một cách mau chóng nhất. Thế hệ đang lớn lên của ta hầu như hoàn toàn bị hội nhập vào hạ tầng của các xã hội tiếp cư. Ta quá hãnh diện với một vài thành tích đẹp của một thiểu số thanh niên Việt Nam mà quên đi mất một sự kiện thê thảm : thế hệ hai mươi tuổi mất văn hóa Việt Nam, mà cũng chưa lãnh hội được văn hóa tây phương.

Nếu sự hội nhập trở thành hoàn toàn thì các tổ chức đấu tranh chính trị không còn đất sống nữa. Vậy giữ gìn một cộng đồng người Việt lành mạnh chính là lẽ sống lâu dài của người đấu tranh. Bất cứ hành động nào có tác dụng làm chia rẽ người Việt với nhau, làm cho các đoàn thể chuyên nghiệp, xã hội yếu đi đều phản lại quyền lợi đất nước và phải bị lên án nghiêm khắc.

Ta rất tiếc mà nhận định rằng ít có tổ chức đấu tranh chính trị nào nhận định một cách trách nhiệm như vậy, mà thường hay có khuynh hướng tai hại là len lỏi, nắm giữ, lợi dụng các đoàn thể quần chúng để làm thanh thế cho mình, khiến cho các đoàn thể bị họ khống chế yếu đi vì căn bản quần chúng bị thu hẹp lại.

Cần phải tìm ra một "biện chứng tỵ nạn" cho cộng đồng người Việt Nam hải ngoại. Biện chứng đó có thể như sau :

3.8.1. Đất nước Việt Nam rất cần những người tỵ nạn.

a. Người tỵ nạn phải lãnh đạo cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước trong nhiều địa hạt quan trọng. Họ phải mở đầu trong tư tưởng đấu tranh. Họ phải soạn thảo dự án chính trị cho mai sau. Họ phải cung cấp cán bộ cho việc thực hiện dự án chính trị đó. Phải dẹp bỏ cái chủ nghĩa huênh hoang về nước kháng chiến. Phải chăng ta cho người bên nhà là tăm tối, cần một thiên tài về chỉ bảo cho họ ? Cuộc đấu tranh dĩ nhiên cần một số người làm liên lạc giữa hai mặt trận quốc nội và quốc ngoại. Nhưng chính vì là công tác liên lạc nên nó phải hết sức giới hạn và kín đáo. Phô trương về nước làm anh hùng là sai và lố bịch. Người trong nước có trách nhiệm của mình, người ngoài nước cũng có trách nhiệm của mình. Mỗi người hãy làm tròn trách nhiệm là đã đóng góp rất đẹp đẽ vào sự nghiệp chung. Không nên tạo ra một mặc cảm tội lỗi vừa sai lầm vừa tai hại cho người đang sống ở nước ngoài.

b. Người Việt Nam dù vĩnh viễn định cư và nhập tịch nước khác vẫn rất cần thiết cho đất nước Việt Nam. Trong hiện tại họ đóng góp với mặt trận quốc ngoại, trong tương lai họ là những đầu mối thương mại, những trung gian trao đổi rất lợi ích về khoa học kỹ thuật. Nếu đông đảo và giầu có họ có thể trở thành những áp lực ngoại giao có lợi cho Việt Nam.

3.8.2. Những người tỵ nạn rất cần đất nước Việt Nam.

a. Về mặt tâm lý ai cũng cần có một bản thể. Đó là nhu cầu nội tâm của hạnh phúc cá nhân. Một khi cuộc sống vật chất được ổn định, nhu cầu này sẽ xuất hiện một cách mạnh mẽ. Có những người con nuôi giầu có bỏ cả một phần gia tài để truy tìm nguồn gốc cha mẹ mình, để được biết mình là ai. Có những người giải phẫu để có thể tin chắc chắn mình là đàn ông hay đàn bà. Nhu cầu bản ngã chẳng bao lâu sẽ xuất hiện với người Việt hải ngoại.

Nhiều người vì những khó khăn vật chất lúc ban đầu đã lầm lẫn coi quê hương cũ như một sự kiện không cần thiết vì không có ích lợi vật chất. Nhưng có những điều tuy không là vật chất mà vẫn vô cùng quý giá cho một cuộc sống hạnh phúc, thí dụ như cái hôn của người mẹ rất cần cho sự tăng trưởng cân đối của đứa bé.

b. Có một nguồn gốc khả kính là một điều kiện thành công.

Tại Âu châu và Hoa kỳ, người Nhật, người Trung hoa, Ba lan, v.v... được trọng nể vì đất nước của họ được kính trọng. Nếu sau này nước Việt Nam suy tàn và tồi tệ đi, thì cái gốc Việt Nam là một trở ngại. Mà gốc thì không bỏ được.

c. Nếu nước Việt Nam phát triển và mạnh lên thì việc bang giao, buôn bán giữa nước định cư và Việt Nam sẽ là một nguồn hoạt động đầy hứa hẹn cho người gốc Việt Nam.

coso6

"Yêu nghề", người phụ nữ vui vẻ phơi lưới khi giúp chồng và con đánh cá. Ảnh: Hồ Anh Tiến

Kết luận : Nước lã mà vã nên hồ

Đất nước ta ngày nay giống như một con tầu điên đang tiến sâu vào vùng bão tố mà đoàn thủy thủ vô ý thức lại reo mừng hớn hở không biết rằng mình đang đem chính mình và hành khách vào chỗ chết.

Trách nhiệm của những người yêu nước là phải cảnh tỉnh toàn dân về nguy cơ ghê gớm đó. Vì tổ tiên, vì con cháu và vì chính chúng ta, chúng ta phải đấu tranh. Cuộc đấu tranh của chúng ta là một cuộc đấu tranh vì nghĩa vì đời. Nó hoàn toàn vượt lên trên mọi tình cảm thấp kém như hận thù, ghen ghét.

Trong tiến trình của năm giai đoạn, chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu. Đó lại là giai đoạn khó nhất, đòi hỏi nhiều cố gắng và nhiều can đảm nhất. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng trả mọi giá cho dân tộc và đất nước. Chúng ta có thể sẽ bị bài xích, vu cáo, chụp mũ. Nhưng chúng ta vững tin rằng cuối cùng cái phải sẽ được tôn vinh.

Quay ngược lại dòng lịch sử đang rất bất lợi cho dân tộc, đưa đất nước vào quỹ đạo tiến bộ là mục đích sau cùng của chúng ta. Mục đích ấy mà đạt được là chúng ta đã thắng dù người cầm quyền lúc đó là ta, là những đồng minh hiện thời của ta, hay là những người đối thủ trong lúc này của ta. Trong cuộc đấu tranh của ta không thể có chỗ đứng cho những tính toán cá nhân và phe nhóm.

Yếu tố nền tảng để đạt tới mục tiêu đó là một tập hợp dân tộc mới xuất phát từ một nhận định mới về giai đoạn lịch sử vừa qua trong đó những người Việt Nam yêu nước đã là nạn nhân nhiều hơn là diễn viên. Ít ai trong chúng ta đã thực sự tranh đấu cho một lý tưởng phù hợp với nguyện vọng thầm kín của mình. Đại đa số đã chỉ chọn lựa chống lại một cái gì mà mình thấy là còn tệ hại hơn hàng ngũ mà mình đang đứng.

Kẻ thấy cộng sản quá tệ hại thì ngả theo phe quốc gia mặc dầu cũng thấy sự thối nát của nó. Người thấy các chế độ quốc gia quá tồi tệ thì ngả theo cộng sản dù cũng ý thức được bản chất tàn bạo của nó. Cho nên ngoài những đổ vỡ vật chất của chiến cuộc còn có một thảm kịch to lớn hơn trong lòng mỗi con người Việt Nam. Anh em ruột thịt, bạn bè thân thích đã chỉ vì một sự đánh giá lịch sử nặng nhẹ khác nhau, hay vì hoàn cảnh bó buộc, mà phải quay lưng lại với nhau, mạt sát, bắn giết nhau. Để rồi cuối cùng tất cả đều thất vọng.

Ngày nay tình thế đã hoàn toàn đổi mới.

Đất nước đang ở trước những vấn đề nghiêm trọng phải giải quyết mà tập đoàn đương quyền không những không phải là giải đáp mà còn là chướng ngại.

Chúng ta phải vươn lên để cống hiến những giải đáp cho dân tộc.

coso7

Nhìn lại anh em, nhận lại bạn bè là ý thức khởi đầu và sẽ là ý thức chỉ đạo của một tập hợp dân tộc mới, trong một cuộc đấu tranh hoàn toàn mới, một cuộc đấu tranh để đạp đổ tất cả những gì tồi dở, để thượng tôn quyền làm người và quyền hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam chúng ta rất xứng đáng để có.

 

Paris, ngày 15/02/1986

--------------------------

(*) Chí hữu Đỗ Lê Thường thao tác lại tài liệu (31/12/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Read 1848 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)