Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

18/12/2021

NMĐRN 1.0 - Lời tựa

Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển

Vài lời về Phan Minh Hiển

Tôi vừa tiễn Hiển về nơi an nghỉ cuối cùng, Nhà hỏa táng Crematorium de Champigny sur Marne, tỉnh Val de Marne, ngoại ô Paris, lúc 16 giờ ngày 17/12/2021. Lễ nhập quan trước đó đã được tổ chức tại Nhà Vĩnh Biệt, Bệnh viện Jossigny, lúc 14 giờ.

Bác sĩ Phan Minh Hiển đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12g12 ngày 12/12/2021 tại Bệnh viện Grand Hôpital de l'Est Francilien, thị xã Jossigny, tỉnh Seine et Marne, sau hai tuần hôn mê vì bạo bệnh Covid-19. Hiển giã từ cõi đời này vào tuổi 65 (21/11/1956-12/12/2021).

Trước đó vài ngày, vào đầu tháng 11, Hiển đã mời tôi cùng hai người bạn gần gũi nhất dự buổi tiệc giã từ nghề bác sĩ để về hưu. Nhưng không ngờ… chỉ vài ngay sau tôi đã mất vĩnh viễn một người bạn sau 38 năm quen biết.

pmh1

Bác sĩ Phan Minh Hiển (ảnh chụp tại phòng mạch số 215 avenue Pierre Brossolette, 94170 Le Perreux - France)

Tôi được một tàu buôn Pháp, Le Chevalier Valbelle, thuộc công ty hải hành La Compagnie générale maritime, trên đường đến Nhật Bản vớt ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu và đưa vào Hồng Kông tháng 4/1983. Sau 4 tháng bị giam trong trại cấm Argyle II ở Kowloon, cuối tháng 8/1983 những người trong chuyến tàu của chúng tôi được đưa sang Pháp. Tôi cùng vài bạn đồng thuyền được đưa về Besançon (miền đông nước Pháp), những người khác được phân tán khắp nước Pháp : Lyon, Nancy, Troyes, Monceau les Mines… Vào đầu tháng 11, một vài bạn đồng thuyền ở Nancy liên lạc được với tôi và nhắn phải tìm cách lên Nancy (phía đông-đông bắc nước Pháp) gấp để gặp một nhân vật độc đáo có cùng lý tưởng với tôi. Những người bạn ở Nancy đã gặp may mắn vì ở đây có một cộng đồng người Việt, do anh Vũ Dương Tự đại diện, đã tận tình giúp đỡ và hướng dẫn hội nhập. Cuối tháng 11 tôi lên Nancy gặp những người bạn đồng thuyền và anh Tự.

Tại đây anh Tự giới thiệu với chúng tôi Phan Minh Hiển, người vừa về lại Pháp sau hai tháng cứu người trên biển. Hiển cho biết lúc đó vừa chấm dứt chương trình nội trú bác sĩchuyên khoa bệnh nhiệt đới và điều hành y tế công cộng tại Bordeaux nên đã tình nguyện tham gia công tác cứu người trên Biển Đông từ năm 1980 đến 1982 do bác sĩ Bernard Kouchner, thuộc Hội Médecins du Monde, khởi xướng. Hiển được Bernard Koutcher chấp nhận tham gia chương trình năm 1982 và được gởi lên tàu Goélo và chiến hạm Le Balny tham gia công tác vào tháng 6.

Sau buổi họp mặt này, chúng tôi gồm vợ chồng anh Vũ Dương Tự, Phan Minh Hiển và tôi thành lập hội Đường Mới (La Nouvelle Voie) đầu năm 1984 nhằm giúp đỡ người tị nạn đến định cư tại thành phố Troyes, tỉnh Aube (phía đông-bắc Paris). Trong suốt năm 1984, mỗi cuối tuần, vợ chồng anh Tự, Hiển và tôi đến trang trại cách thành phố Troyes vài chục cây số, được một gia đình Pháp tặng, để lập trại chăn nuôi giúp người tị nạn. Chúng tôi tân trang lại nội thất căn nhà, dựng lại hàng rào, phát hoang và kêu gọi đồng hương tới ở miễn phí (được nuôi ăn, hướng dẫn học tập, chăm sóc sức khỏe…). Nhưng chờ đến suốt năm không người tị nạn nào ngỏ ý muốn đến thăm, chưa nói đến ở, vì không ai muốn sống ở vùng thôn quê hẻo lánh. Cuối cùng chương trình này đành phải bỏ dỡ, trang trại được giao lại cho chủ cũ và chúng tôi ai về nhà nấy, tiếp tục cuộc sống thường ngày.

Năm 1988, tôi rời Besançon lên vùng Paris tìm việc khác và gặp lại Phan Minh Hiển, lúc này đã là bác sĩ khá nổi tiếng và nhất là đã lập gia đình với Nguyễn Thị Huỳnh Liên và có một con trai, Phan Hiển Đạt. Hai chúng tôi như đã tìm được cái phân nửa của mình bị thất lạc. Công tác cứu trợ người kém may mắn trong nước của hai chúng tôi gia tăng vận tốc. Hiển vận động tài chánh, tìm người để giúp đỡ, tôi viết bài, vận động giới truyền thông hỗ trợ, nhất là tại Mỹ.

Ban đầu là giúp sư cô Huỳnh Thị Thành, pháp danh Thích Nữ Quang Đạo, trụ trì ở chùa Tịnh Quang, huyện Long Thành có thêm điều kiện để giúp đỡ trẻ em mồ côi và bụi đời có nơi ăn ở và học tập, xây dựng nhà nuôi dưỡng người già tứ cố vô thân (cf. Những tâm hồn cao quý). Tiếp theo là giúp những gia đình nghèo con đông, và sau cùng là cứu trợ những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bị cuộc đời bỏ rơi ra khỏi vùng bóng tối (cf. Ai đền ơn đáp nghĩa những người này ?). Không ngờ, công tác kêu gọi giúp đỡ ni cô Quang Đạo thành công ngoài dự đoán. Cái am nơi sư cô Quang Đạo tu tịnh lúc ban đầu đã trở thành một ngôi chùa khang trang, phạm vi hoạt động nhân đạo của ni cô lan ra tận miền Trung, với những căn nhà dưỡng lão ngày càng đông người đến ở. Nhưng bất hạnh thay, sư cô Quang Đạo bị buộc phải giao lại những cơ sở vật chất (chùa chiềng và viện dưỡng lão đã xây dựng do tiền của cộng đồng người Việt hải ngoại quyên tặng) cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước, quản lý. Quá buồn phiền, sư cô Quang Đạo đã qua đời liền sau đó.

Công tác cứu trợ anh em thương phế binh trong nước, do cách tổ chức giúp đỡ khá đặc biệt : người giúp và người nhận giao tiếp trực tiếp với nhau, đã được sự tiếp tay tận tình của những hội đoàn từ thiện ở nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ (báo Ngày Nay, Houston, do ký giả Trương Trọng Trác tận tình tiếp trợ) và Pháp (hội Nạng Gỗ do ông Nguyễn Quang Hạnh tiếp tay quảng bá), và ở trong nước với sự hưởng ứng của Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng và chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm (cf. SOS Phế binh Việt Nam). Có thể nói cho đến nay gần như tất cả những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước còn sống đều đã ít nhất một lần được giúp đỡ.

Trong buổi tiệc giã từ nghề y sĩ để về hưu, Hiển nói sẽ chấm dứt công tác cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vì đa số đã già, rất nhiều người đã mất, những người khác đã được con cháu chăm sóc tận tình. Đối với Hiển, công việc giúp người cùng khổ ở Việt Nam của Hiển coi như đã hoàn tất. Có lẽ vị Thiên sứ đã hoàn thành nhiệm vụ ở cõi trần này nên đã được gọi về nước Trời để nhận nhiệm vụ giúp đỡ nhân loại ở một nơi khác !

pmh01

Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp những bài viết về cô nhi, quả phụ và anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, trong tuyển tập "Những mảnh đời rách nát" do Ngày Nay Houston xuất bản năm 1999 (1). Một cách để nhớ tới Phan Minh Hiển.

Nguyễn Văn Huy

(22/12/2021)

(1) Quốc Phương, Gặp gỡ đồng tác giả 'Những mảnh đời rách nát'BBC tiếng Việt, 17/09/2018

 

----------------------------

Thay lời tựa

 

Những Mảnh Đời Rách Nát là tuyển tập những bài viết ngắn do các anh em thương phế binh và quả phụ trong nước gởi ra hải ngoại. Đây là tuyển tập đầu tiên ghi lại cuộc sống cùng nỗi đau thương mà chính các anh em thương phế binh, cô nhi, quả phụ đã và đang trải qua từ sau ngày 30/04/1975 cho đến nay.

tpb10

Ảnh : hung-viet.org

Phan Minh Hiển đảm nhận phần liên lạc và góp nhặt tài liệu, tôi phụ trách phần biên soạn. Vì phải đối diện thường trực với những đe dọa đến từ mọi phía và, hơn nữa, vì không phải là những người có tài viết văn, tác giả các bài viết chỉ thuật lại một cách trung thực và mộc mạc những cảm nghỉ về thương tật hay hoàn cảnh họ đang sống và ủy nhiệm chúng tôi quyền trau chuốt câu văn, bổ túc những dữ kiện để nội dung từng bài viết thêm phần mạch lạc và chính xác.

Mục đích ra mắt tuyển tập vào lúc này nhằm đánh động lương tâm dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại về những bất công và chèn ép mà các anh em thương phế binh, cô nhi, quả phụ trong nước đã và đang gánh chịu dưới chế độ cộng sản, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn những tấm lòng cao cả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, sau bao nhiêu năm xa lìa tổ quốc, vẫn còn thương tưởng đến những nạn nhân của một thời chinh chiến đã qua.

CAMBODIA WAR-WOUNDED

Ảnh : hung-viet.org

Tuyển tập này là một đóng góp quan trọng và hữu ích cho những người nghiên cứu lịch sử, chính trị và xã hội miền Nam Việt Nam sau ngày 30/04/1975. Nó cung cấp những dữ kiện mới về thực trạng đời sống dân chúng miền Nam dưới một khía cạnh khác, "xã hội vỉa hè", do chính những người trong cuộc kể lại. Nó cũng là tiếng la cầu cứu của những người không có chỗ đứng và không có tiếng nói sau cuộc đổi đời khắc nghiệt. Nó còn là tiếng chuông đánh động lương tâm chúng ta và nhân loại, hòa bình đã trở lại trên quê hương nhưng chưa có thật trong lòng mọi người.

Tuyển tập được chia ra làm hai phần. Phần một, phần chính, "Những Bóng Ma Trên Hè Phố", là những mẫu chuyện chung do các thương phế binh và quả phụ kể về cuộc sống thường nhật của họ trên các vỉa hè. Phần hai, "Những Kiếp Sống Gian Truân", thuật lại những mảnh đời đau thương dưới dạng hồi ký.

Vietnam War Fall of Saigon

Ảnh : vnchdalat.blogspot.com

Một cảm giác thường được tỏa ra trong các bài viết là sức sống mãnh liệt của những người ở nấc thang cùng thấp nhất của xã hội. Dù bị vùi dập trong bất cứ hoàn cảnh nào, tất cả đều ao ước ao được sống. Sống để làm chứng nhân và sống để nuôi hy vọng. Gần một phần tư thế kỷ đã đi qua, thân thể tàn phế của những thanh niên ở lứa tuổi 20 năm 1975 ngày nay suy kiệt, nhiều người đã chết trong chốn rừng sâu, trên vùng kinh tế mới hay trên các vỉa hè, số người còn lại thưa dần với thời gian.

Nếu những phế binh còn lại không có tiếng nói, các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ biết có những người tàn phế vì đã chiến đấu bảo vệ miền Nam tiếp tục bị đày đọa sau ngày mất nước. Những phế binh đang lang thang cầu thực trên các vỉa hè là những chứng nhân của cuộc tranh chấp vô lý vừa qua, người Mỹ đã về nước, người cộng sản lên ngôi và những người thua cuộc không có chỗ đứng.

tpb40

Ảnh : vnchdalat.blogspot.co

Trong cuộc đổi đời không may này, hy vọng là nguyên do duy nhất nuôi dưỡng quyết chí sinh tồn của những người không còn gì để mất. Hy vọng cũng có lẽ là mẫu số chung giữa những người Việt trong và ngoài nước, tất cả chúng ta đều hy vọng sớm thấy một đất nước có lại tình người, nụ cười nở lại trên môi trẻ thơ, niềm vui trong ánh mắt cụ già và các anh em phế binh được sống trong danh dự.

Qua những mẫu chuyện ngắn này, độc giả sẽ thấy chúng ta là những người may mắn. May mắn vì đã ra khỏi cuộc chiến một cách lành lặn trong khi nhiều người thân thể đã không toàn vẹn còn phải chịu đựng biết bao điều khổ nhục. May mắn vì đã thăng hoa trong những xã hội dân chủ tự do và nhân quyền trong khi những người ở lại chỉ biết câm lặng cúi đầu mà vẫn không được yên. May mắn vì bản thân, gia đình và con cái sống trong ấm no và hạnh phúc trong khi nhiều người vẫn còn mò mẫm trong vùng bóng tối kiếm miếng sống hằng ngày. Chúng ta không thể không chia sẻ những may mắn đó với những người thua thiệt, vì họ là một phần thịt da chúng ta đang còn rên xiết.

* * *

Nhìn lại cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta đã sống gần một phần tư thế kỷ trên đất khách quê người, quê hương vẫn là tiếng gọi thiết tha. Cuộc sống mỗi người nếu không khá hơn thì cũng đã ổn định, những chập chững lúc ban đầu đã qua đi, một tương lai sáng lạn chờ đón trước mắt. Tiếp xúc với các xã hội dân chủ Tây phương, cách nhìn và cách sống của chúng ta có nhiều thay đổi mà thay đổi lớn nhất là cách nhìn của chúng ta đối với đất nước. Thay vì cắt đứt quan hệ với tổ quốc, cộng đồng người Việt hải ngoại đang nhìn về đất nước với tất cả yêu thương và đùm bọc. Những bực bội ban đầu đối với một chế độ bất dung đã vơi đi, nhiều người trong chúng ta đã về thăm lại đất nước. Không những chúng ta đã giúp gia đình và thân nhân vượt qua nỗi khó, chúng ta còn chia sẻ nỗi đau của người cùng khổ. Giúp đỡ những người bất hạnh có lẽ là trọng tâm chính của cộng đồng người Việt hải ngoại trong những năm gần đây.

Chính qua cách nhìn này, chúng tôi muốn mượn tuyển tập Những Mảnh Đời Rách Nát đề cao tinh thần tương thân của cộng đồng người Việt hải ngoại, nó đánh dấu sự trưởng thành của một cách sống và sự lớn mạnh của một cộng đồng.

tpb50

Tết Trung Thu ở trường Việt Ngữ Thăng Long, Virgina, Hoa Kỳ (Ảnh : Sơn Tùng)

Tìm một thống kê chính xác những công tác xã hội do cộng đồng người Việt hải ngoại thực hiện trong nước rất khó. Khác với các hội đoàn thiện nguyện quốc tế, sự giúp đỡ của chúng ta có tính cá biệt, nó không công khai và cũng không rầm rộ nhưng vô cùng hiệu quả. Cách thức cưu mang, giúp đỡ đồng bào trong nước thiên hình vạn trạng, ở mỗi nơi vào mỗi lúc chúng ta có những phương thức riêng để tặng phẩm đến tay người nhận. Ai cũng có thể giúp, ai cũng có thể nhận. Nó trực tiếp và không qua trung gian bất cứ một tổ chức hay chính quyền địa phương nào.

Sự giúp đỡ ban đầu mang tính tự phát, càng về sau càng được sự hưởng ứng của nhiều người, phong trào cứu trợ người cùng khốn trong nước lớn rộng và mang một tầm vóc mới. Nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn thiện nguyện đã được thành lập, chương trình giúp người nghèo khó trong nước đến được nhiều nơi, ban đầu tập trung tại một vài thành phố lớn, về sau đến tận các làng xã xa xôi. Chu kỳ và trọng lượng của sự giúp đỡ tăng cùng với thời gian, trong vài trường hợp có thể nói ngang bằng tầm vóc của các tổ chức thiện nguyện quốc tế.

Hơn các tổ chức quốc tế, lần này chính người Việt đứng ra cưu mang người Việt. Không những cộng đồng người Việt hải ngoại đang trực tiếp giúp đỡ đồng bào ruột thịt trong nước mà còn tha thứ cho một đất nước đã từng bội tình bạc nghĩa. Ngoài vòng đai thân tộc, không người Việt hải ngoại nào đã không một lần giúp một người không may trong nước, sợi dây thân ái giữa người Việt trong và ngoài nước ngày càng thắt chặt. Qua những giúp đỡ này, chúng ta xứng đáng với chính chúng ta. Đây là điểm son nổi bật của cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta đang chứng tỏ với thế giới và các quốc gia cưu mang chúng ta : Việt Nam sau này sẽ là một dân tộc lớn.

Người trong nước cũng đang nhìn đồng bào ruột thịt ngoài nước với con mắt khác. Trước đây, do chính sách bế quan tỏa cảng của chế độ chỉ một số ít người được về thăm nhà, sự huênh hoang quá lố của những người này lem luốt hóa cộng đồng hải ngoại. Ngày nay, lượng người về nước ngày càng đông hơn, cuộc sống tại hải ngoại của chúng ta được người trong nước biết rõ, nhân cách của chúng ta được thêm kính trọng. Người trong nước đã không ngần ngại trao đổi tâm tình, hoàn cảnh khốn khó của họ đã được biết đến và mong đợi cánh tay nối dài từ hải ngoại. Chúng ta là những phao cấp cứu cho những người đang còn ngụp lặn trong sự nghèo khổ.

Trái với những lời chỉ trích bi quan cho rằng gởi tiền và quà về cho người nghèo khó trong nước là tiếp tay giúp chế độ cộng sản kéo dài. Ngược lại, công tác nhân đạo này là một thắng lợi lớn về mặt tinh thần và chính trị. Giúp người nghèo khó là điểm đúng vào tử huyệt của chế độ. Công bằng bác ái là những khẩu hiệu khi phong trào cộng sản khởi đầu, cũng chính nhờ khẩu hiệu đó mà đông đảo quần chúng đã nghe và đưa họ lên cầm quyền. Nhưng người cộng sản lại rất mau quên, khi nắm được chính quyền họ bỏ rơi quần chúng lao động, bỏ rơi luôn cả những người đã từng vì họ hy sinh. Chủ nghĩa xã hội đang áp đặt tại Việt Nam không phải chủ nghĩa của người nghèo khó, nó là chủ nghĩa của kẻ cướp ngày. Chính quyền cộng sản đã chọn thế đứng của giai cấp bóc lột, một giai cấp mà họ đã từng mạt sát và tiêu diệt xưa kia. Ngày nay những người cộng sản không còn tư cách để nhân danh giai cấp vô sản khi chính họ đang chà đạp những người đang ở nấc thang thấp cùng nhất của xã hội. Những chiêu bài ý hệ của người cộng sản chỉ là những khẩu hiệu bịp bợm.

Vai trò đang đảo ngược. Chúng ta đang giành trên tay chế độ cộng sản quyền chăm sóc đồng bào nghèo khổ trong nước, một quyền mà bất cứ chính quyền nào cũng phải ưu tiên thực hiện. Chúng ta không thể để chính quyền cộng sản tiếp tục bạc đãi đồng bào trong nước, kềm hãm đà tiến của một dân tộc. Quyền chăm sóc đồng bào ruột thịt ngày nay không còn là của riêng một tổ chức tôn giáo, xã hội hay chính trị nào, nó ở trong tầm tay của tất cả mọi người, những người bình thường như chúng ta giàu lòng nhân ái.

Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc nghèo hèn, chúng ta không xứng đáng với số phận đó. Đất nước chúng ta có đủ điều kiện để vươn lên nhưng cơ cấu tổ chức chính trị hiện nay không tạo cơ hội đó. Cộng đồng người Việt hải ngoại không thể bình yên đứng nhìn dân tộc Việt Nam bị trói tay, cúi đầu đi vào tương lai trong hổ nhục. Hổ nhục không những cho chúng ta trong đời này mà cho cả con cháu chúng ta đời sau. Không, chúng ta không chấp nhận tương lai đó và sẽ không cho phép chính quyền cộng sản tiếp tục khống chế dân tộc. Giúp đỡ đồng bào nghèo khó trong lúc này là góp phần xây dựng tương lai Việt Nam. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cứu trợ đồng bào nghèo khốn trong nước.

Yêu nước trước hết là yêu đồng bào, yêu niềm vui cùng thương nỗi khổ. Nhưng niềm vui thì ít nỗi khổ thì nhiều, chúng ta không thể làm ngơ. Xoa dịu nỗi đau của người cùng khổ chính vì vậy cao đẹp như bàn tay người mẹ vuốt tóc con thơ. Giúp đỡ người thiếu thốn không cần một chủ thuyết cao siêu, chỉ cần một tấm lòng. Mang lại hạnh phúc cho người khốn khó trong lúc này là rất cần thiết, nó là mẫu số chung kết hợp những tấm lòng quảng đại. Nếu hận thù đã chia rẽ chúng ta hôm qua, tình thương đang kết hợp chúng ta hôm nay và mai sau, chúng ta muốn thấy Việt Nam sau này là miền đất hứa của tình anh em tìm lại.

Ước muốn là như vậy nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật. Làm công tác từ thiện trong những điều kiện hiện nay trong nước rất là khó khăn, chính quyền cộng sản không muốn để cộng đồng người Việt hải ngoại là một sức mạnh, họ không cho chúng ta quyền chăm sóc người nghèo khó trong nước. Họ không có phương tiện giúp đỡ nhưng cũng không khuyến khích chúng ta làm thay. Nhưng những khó khăn đến từ phía chính quyền cộng sản không thể ngăn cản quyết tâm của chúng ta. Ngoài sự quyết tâm, chúng ta phải tôn trọng một số nguyên tắc để công việc cứu trợ tiến hành dài lâu.

Trước hết là sự kín đáo. Kín đáo để bảo vệ những người đang cần sự giúp đỡ vì các chính quyền địa phương thường nhìn một cách ác cảm những ai được cộng đồng người Việt hải ngoại cứu trợ. Đối với những người làm công tác nhân đạo trong nước, ngưỡng cửa của tự do và ngục tù không có làn ranh. Chỉ cần một chút sơ suất cánh cửa tự do sẽ bị khép lại.

Thứ hai là tính hiệu quả. Hiệu quả là với món quà tặng, người cho muốn nó đến tận tay người nhận không phải qua một trung gian, không bị mất mát và đến tận những thôn xóm xa xôi.

Thứ ba là lòng nhẫn nại. Nhẫn nại nhưng khôn khéo. Làm công tác từ thiện trong bối cảnh đất nước hiện nay phải có tấm lòng thật bao dung để phẩm vật đến tận tay người nhận, chúng ta sẽ không được đền bù gì ngoài niềm vui mang lại cho người khác và lương tâm được thanh thản.

Trong ba nguyên tắc vừa kể, khó ai có thể bảo đảm một kết quả trọn vẹn. Trước đây đã có rất nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức từ thiện hải ngoại thực hiện công tác cứu trợ người bất hạnh trong nước, nhưng phạm vi hoạt động có phần giới hạn. Chỉ những người trong vòng quen biết mới nhận được sự giúp đỡ, hơn nữa sự giúp đỡ này cũng không đều đặn, vì khả năng tài chánh giới hạn hoặc vì thiếu thông tin. Tài chánh là vấn đề mà mọi ân nhân đều muốn rõ ràng. Có người muốn cá nhân hay hội đoàn đứng ra tổ chức làm những báo cáo chi tiêu rõ ràng gởi đến họ, việc này không phải là vấn đề đối với những tổ chức đã từng có kinh nghiệm thực hành, nhưng nó đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Trả lời thư tín và in ấn tài liệu cũng là một gánh nặng cho những người tổ chức.

Tuy nhiên với những kinh nghiệm đã thực hiện trong những năm qua con đường đã mở sẵn. Một phương thức đã được tìm ra : người cho liên lạc và gởi quà trực tiếp đến người nhận. Mỗi ân nhân có thể chọn một phương án thích hợp với khả năng mình, tiền nhiều giúp người khốn khó nhiều, tiền ít giúp người khốn khó ít. Người cho và người nhận liên lạc trực tiếp với nhau. Công việc cứu trợ như vậy không còn là độc quyền của bất cứ một ai, nhưng phần lớn những người giàu lòng nhân ái đặt hết niềm tin vào một vài cá nhân hay hội đoàn từ thiện có uy tín và nhờ họ thay mặt mình chọn và giúp người cần giúp.

Nguyễn Văn Huy

Paris, Xuân 1999

--------------------

Mục lục :

NMĐRN 1.0 - Lời tựa 

NMĐRN 1.1 - Có một niềm tin 

NMĐRN 1.2 - Những bóng ma trên hè phố 

NMĐRN 1.3 - Chúng tôi phải sống 

NMĐRN 1.4 - Cuộc đời tưởng đẹp như bài thơ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển
Read 1849 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)