Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2024

Điểm báo Pháp - Phương Tây không được phép nhượng bộ Nga

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Phương Tây không được phép nhượng bộ Nga

Chiến tranh Ukraine bước sang năm thứ ba là chủ đề được tất cả báo Pháp quan tâm hôm nay 23/02/2024.

phuongtay1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tại Kiev, Ukraine, ngày 07/02/2024 via Reuters – Ukrainian Presidentail Service

KRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro khẳng định phương Tây không có quyền nhượng bộ Nga và vận mệnh của Châu Âu đang diễn ra ở Ukraine. Với việc không chấp nhận cho những nước láng giềng có quyền tự do lựa chọn mô hình lãnh đạo và liên minh của họ, với việc phá hoại trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền, với việc chối bỏ các giá trị dân chủ và xem đó là "giá trị suy đồi", nước Nga của Vladimir Putin đã trở thành đối thủ "không đội trời chung" của phương Tây. 2 năm kể từ khi Moskva xâm chiếm Ukraine, tàn sát nước láng giềng và đe dọa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng vũ khí hạt nhân, tình hình đang trở nên hết sức căng thẳng. Phương Tây nhận thức được mối nguy ở sát sườn, nhưng dường như nhiều nước bắt đầu tỏ ra bi quan. Chiến dịch phản công thất bại của Ukraine vào năm ngoái, đi kèm với những thành công gần đây của quân đội Nga tại một vài ngôi làng ma có thể khiến dư luận tin rằng mọi chuyện đã an bài : phương Tây đã làm đủ mọi cách và dốc hết sức để giúp Kiev, những Putin vẫn sẽ chiến thắng !

Tuy vậy, bài xã luận nhận định phương Tây chưa làm hết khả năng. Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine đang thiếu hụt, cả về số lượng lẫn chất lượng. Ukraine nhận hai chiếc xe tăng Leopard thì cuối cùng chỉ có một chiếc còn hoạt động. Kiev thực sự vẫn còn thiếu hệ thống phòng không, chẳng hạn như tên lửa địa đối địa có khả năng tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga. Châu Âu hiển nhiên vẫn bảo toàn lập trường ủng hộ Ukraine đến cùng, đưa ra gói viện trợ 50 tỷ euro cho Kiev vào thời điểm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đang dần mai một. Trong quá trình chuyển đổi sang "nền kinh tế chiến tranh", Le Figaro cho rằng Châu Âu cần phải nỗ lực hơn nữa. Ưu tiên hiện này là giúp cho Kiev vượt qua cột mốc quan trọng 2024, đồng thời phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Nhật báo thiên hữu kết luận thất bại ở Ukraine sẽ định đoạt số phận của lục địa già trong một thời gian dài. Nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, Donald Trump sẽ làm suy giảm khả năng răn đe của NATO. Nay mai, Châu Âu có nguy cơ phải đơn độc đương đầu với một đế quốc Nga độc tài. Putin tự nhận mình là "bất khả chiến bại", nhưng tại sao khối kinh tế lớn nhất thế giới lại phải run sợ trước một đất nước mà GDP chỉ xấp xỉ GDP của Tây Ban Nha ? Sự bất khả chiến bại là điều phải được kiểm chứng. Giờ đây, Châu Âu phải đối mặt với sự lựa chọn mang tính sống còn : hoặc bị điện Kremlin "nghiền nát", hoặc kiên cường chống trả đến cùng.

Chiến tranh Ukraine : Thường dân bị sang chấn tâm lý

Nhật báo Le Monde cũng dành trang nhất cho cùng chủ đề. 2 năm kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, tác động của cuộc chiến đối với sức khỏe tinh thần của người dân có thể khiến cả một thế hệ bị ảnh hưởng.

Khi quân Nga xông vào nhà cô ở Balakliya, Viktoria Scherbak đang ở cùng con gái 17 tuổi. Người phụ nữ này là giáo viên dạy tiếng Nga và bị khuyết tật, nhưng họ không quan tâm. "Có năm người cầm vũ khí. Họ đưa chúng tôi ra ngoài, tịch thu giấy tờ, điện thoại, trùm túi lên đầu và đưa chúng tôi đến nhà tù".

Hai mẹ con phải trải qua ba ngày trong phòng giam nhỏ ngột ngạt cùng với hai người phụ nữ khác. Những người lính thường xuyên đi tuần trong tình trạng say khướt và thậm chí chỉ mặc quần lót đi thẩm vấn các tù nhân. Một trong những bạn tù của họ đã bị tra tấn bằng điện. Một người khác, 22 tuổi, thì bị bắt đi nhiều lần. "Cô ấy trở về sau khi bị đánh đập và kiệt sức. Họ cưỡng hiếp cô và ép cô làm video nói rằng cuộc sống hiện tại ở Nga tuyệt vời như thế nào".

Viktoria rất sợ con gái mình sẽ chịu chung số phận. Khi bị thẩm vấn, Viktoria đã khai dự định sẽ cùng con gái đến Kharkiv rồi ra nước ngoài. Cô ngay lập tức bị cai ngục đe dọa. "Họ nói sẽ thẩm vấn con gái tôi và cưỡng hiếp nó ngay trước mắt tôi. Sau đó tôi bị ngất xỉu".

Thị trấn Balakliya đã bị Nga chiếm đóng trong vòng 6 tháng, cho đến khi được quân đội Ukraine giải phóng vào tháng 09/2022. Cho đến giờ, Viktoria vẫn bị ám ảnh và thường xuyên gặp ác mộng : "Tôi hồi tưởng lại những ngày tháng đó, bệnh tim của tôi trở nên trầm trọng hơn và giờ tôi bị loét dạ dày". Viktoria bị ám ảnh bởi hình ảnh những chiếc máy bay tàn phá thành phố lúc xung đột mới nổ ra, vụ oanh kích làm vỡ kính cửa sổ căn hộ của cô và tạo ra "những đám khói như nấm". Viktoria giải thích : "Chúng tôi rơi vào tình trạng sợ hãi và lo lắng thường trực".

Le Monde nhận định cuộc chiến tranh Ukraine đã gây ra tổn thất ở quy mô chưa từng có trong lịch sử đất nước. Quân đội ở tiền tuyến không phải là những người duy nhất phải gánh chịu hậu quả. Những thường dân, bị ảnh hưởng bởi các vụ oanh kích, sinh sống tại những khu vực bị chiếm đóng, mất mát người thân, nhà cửa bị phá hủy và buộc phải sơ tán, cũng là nạn nhân. Tất cả các thế hệ đều bị ảnh hưởng, bất kể họ sống ở đâu, ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Ilya Yesiley, nhà tâm lý học và tình nguyện viên tại tổ chức nhân đạo của Olena Zelenska, vợ của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết : "Tôi chưa gặp một người nào, đàn ông, phụ nữ hay trẻ em, không bị sang chấn tâm lý".

Họ có những triệu chứng như trầm cảm, lo lắng, gặp ác mộng, trở nên hung hăng, mất khả năng tập trung, mất ngủ hay nghĩ đến việc tự tử. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này có thể gây tác động rất lớn đối với xã hội Ukraine. Anna Chasovnikova, nhà tâm lý học tại trung tâm trị liệu Innikos nhận định : "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều vụ tự tử, sẽ có nhiều người có tính cách bạo lực hơn, và cả một thế hệ mới sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ có một phần nhỏ dân số còn duy trì khả năng làm việc".

Đối với Ukraine, đây là một thách thức rất lớn khi các vấn đề về tâm lý phần lớn bị người dân coi nhẹ hoặc thậm chí không màng đến. Nhiều người tầm thường hóa chuyện này hay tìm cách phủ nhận việc mắc bệnh và tự chữa trị bằng những phương tiện sẵn có như rượu và thuốc.

Giờ đây, các thanh niên Ukraine không dám nhận mình bị bệnh tâm lý vì sợ bị kỳ thị. Anna Chasovnikova lưu ý : "Đi gặp bác sĩ tâm lý không nằm trong văn hóa của chúng tôi. Khi tôi đề nghị giúp đỡ những người di tản ở Mariupol, họ nói với tôi : ‘Chả lẽ cô nghĩ chúng tôi bị điên ? Chúng tôi không cần dịch vụ của cô, chúng tôi vẫn ổn !’"

Cả hai phe đều chạy đua với thời gian

Vẫn về Ukraine, trang nhất của nhật báo thiên tả Libération nói về tình hình thực địa sau 2 năm chiến tranh. Donbass vẫn đang cầm cự, nhưng được thêm bao lâu ? Chậm nhưng chắc, quân đội Nga đang tìm cách đánh chiếm toàn bộ các khu vực hành chính ở Donetsk và Luhansk. Đầu tiên là họ tiến vào thị trấn Avdiivka mà Ukraine thừa nhận để mất hôm 17/02, sau đó là thắt chặt sự kiểm soát đối với Kramatorsk và Sloviansk, hai thành trì cuối cùng của chính quyền Ukraine ở khu vực Donetsk. Chiến tranh bước sang năm thứ ba vào ngày mai và một cuộc chạy đua với thời gian được kích hoạt khi quân đội Ukraine tổ chức lại các tuyến phòng thủ ở phía đông, trong tình trạng thiếu đạn pháo và vũ khí, vào lúc tổng thống Zelensky sẽ có bài diễn văn trước quốc dân vào 25/02 để giải thích về chiến lược của Kiev.

Moskva cũng đang bị áp lực về thời gian, trước khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mang tính hình thức vào ngày 15/03. Một cuộc bỏ phiếu với kết quả đã được biết trước, trong bối cảnh chính quyền ca ngợi về một số thành quả trên chiến trường Ukraine. Cuộc chiến ở Avdiivka là thành công mang tính biểu tượng đầu tiên của Nga kể từ khi chiếm được Bakhmut. Tuy nhiên, điện Kremlin dường như đang quá vội vã trong việc công bố những thắng lợi khác. Chẳng hạn như hôm 21/02, khi bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố quân đội đã chiếm lại Krynky (vùng Kherson) và "dọn sạch" mọi dấu vết của quân đội Ukraine ở tả ngạn sông Dniepr. Các cơ quan báo chí và truyền thông trực tuyến trên khắp thế giới đã đăng tải những "thắng lợi" của điện Kremlin, và "thành quả" này nhanh chóng bị Kiev và chính các blogger quân sự Nga phủ nhận.

Những sự kiện đáng chú ý trên chiến trường Ukraine trong 2 năm qua

Tờ Les Echos cũng có bài viết thuật lại những sự kiện đáng chú ý trong cuộc chiến ở Ukraine trong 2 năm qua. Nhật báo kinh tế nhận định sự kiện đáng khích lệ nhất đối với Ukraine từ tháng 11/2022 là thắng lợi họ giành được ở Hắc Hải, khiến các tàu thuyền Nga không còn dám mạo hiểm tiến sâu vào giữa biển. Tháng 08/2023, khoảng một nửa hạm đội Nga đã rời cảng Sevastopol, và di chuyển đến Novorosiysk, cách đó 600 km.

Đây có thể coi là một thành công ngoạn mục khi Ukraine không có một hạm đội thực sự. Kiev tuyên bố đã phá hủy 22 tàu và làm hư hại 13 trong số 80 chiếc thuộc mọi chủng loại và trọng tải của hạm đội Nga.

Một trong những điều đáng chú ý khác trong cuộc chiến là bầu trời Ukraine gần như trống rỗng. Máy bay của Nga rất ít khi mạo hiểm bay vào không phận Ukraine, và vẫn chọn giải pháp bắn tên lửa tầm xa, trong khi không quân Ukraine chỉ triển khai một phi đội duy nhất.

Mỹ : Bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Nam Carolina

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất nói về cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Nam Carolina diễn ra vào ngày mai 24/02.

Mặc dù cuộc bầu cử diễn ra trên "sân nhà", nhưng cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley dường như vẫn bị cựu tổng thống Donald Trump qua mặt. Nam Carolina, bang bảo thủ với đa số người da trắng sinh sống, cũng bị mê hoặc bởi Donald Trump. Ông đang dẫn trước đối thủ Nikki Haley từ 30 đến 40 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận.

Năm 2010, lúc công chúng không hề biết đến Haley, bà đã gây ra một "cơn địa chấn" khi trở thành thống đốc bang, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Sarah Palin, một thành viên có tầm ảnh hưởng của phong trào Tiệc Trà (Tea Party) thiên hữu. Giờ đây, bà Haley không còn được lòng những người ủng hộ như cách đây 14 năm. Điển hình như Allen Olson, người sáng lập Tea Party địa phương, từng rất thân thiết với Nikki Haley, cho biết sẽ bỏ phiếu cho Trump : "Nikki Haley đã từng hứa sẽ không ra ứng cử chống lại Trump, nhưng cuối cùng bà ấy vẫn làm vậy. Đó là lý do tại sao bà ấy nhận được rất ít sự ủng hộ".

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 116 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)