Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/02/2024

Điểm báo Pháp - Khuôn mặt Stalin của chế độ Putin

RFI tiếng Việt

Khuôn mặt Stalin của chế độ Putin

Xã luận của Libération ngày 20/02/2024 nói về "Khía cạnh Stalin của chế độ Putin". Cái chết trong tù của Alexei Navalny nhắc nhở rằng Kremlin, y như thời Liên Xô, không thể dung thứ cho sự hiện hữu của tất cả những ai không sợ hãi chế độ.

stalinputin1

Những tách nước in hình Stalin và Putin tại một gian hàng bán đồ kỷ niệm ở Saint-Petersbourg, Nga, ngày 06/04/2022. AP

Sát hại Navalny, Putin khẳng định quyền sinh sát với "thần dân"

Giai cấp trung lưu Pháp bị bỏ quên, sản phẩm made in France chịu "sưu cao thuế nặng", cặp vợ chồng Manouchian – người ngoại quốc và là cộng sản được đưa vào điện Panthéon, đó là một số thời sự Pháp được đưa lên trang nhất hôm nay. Bên cạnh đó là cuộc chiến ở Ukraine và cái chết của nhà đối lập Alexei Navalny.

Trên trang Ý kiến của Le Monde, nhà nghiên cứu Cécile Vaissié nhận định "Khi sát hại Alexei Navalny, chính quyền tái khẳng định quyền sinh quyền sát đối với ‘thần dân’". Vladimir Putin tách biệt nước Nga khỏi Châu Âu, tiến hành cuộc chiến phi pháp với Ukraine. Sở dĩ Putin và phe nhóm giết Navalny là vì không thể nào đánh ngã ông, buộc "thú tội" theo truyền thống xô-viết. Một ngày trước khi qua đời, dù bị đối xử tàn tệ ông vẫn tươi cười, nói đùa, nói lời yêu thương với vợ nhân ngày tình nhân.

Nhà văn Nga Mikhail Shishkin cho rằng "Bánh xe đỏ" mà nhà văn Solzhenitsyn nói đến lại bắt đầu quay. Sáng tạo, lạc quan và can đảm, Navalny hoàn toàn có thể trở thành một tổng thống tài năng, nhưng nước Nga không cho tổng thống này hiện hữu. Alexei Navalny lớn lên và hoạt động chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ, một khoảng thời gian ngắn ngủi mà nước Nga biết đến tự do. Navalny là một chính khách kiểu phương Tây, ông tin rằng quyền lực nắm được thông qua lá phiếu. Nhưng trong nước Nga của Putin, đó là cuộc tranh giành xâu xé giữa những con chó sói trong hậu trường. Navalny không thể và không muốn làm một trong những con sói này.

Người vợ góa của Alexei Navalny tiếp bước chồng

Libération vẽ nên chân dung "Đối mặt với Putin, Yulia Navalnaya, người vợ góa và là nhà ly khai" - hôm qua loan báo sẽ tiếp tục cuộc chiến vì một nước Nga thoát khỏi "chế độ điên rồ" của Putin. Từ lâu vẫn đóng vai nhân vật phụ, người phụ nữ tóc vàng lịch lãm thường xuyên đứng ở hàng đầu trong các cuộc mít tinh của người chồng, hay trong tòa án nơi Alexei Navalny bị xét xử. Cái chết của nhà đấu tranh trong ngục tù Bắc Cực của Kremlin khiến người vợ góa nay bất đắc dĩ trở thành chính khách.

Yulia Navalnaya loan báo : "Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của Alexei Navalny, và đề nghị các bạn đứng bên cạnh tôi để chia sẻ nỗi đau vô tận này cùng với sự phẫn nộ trước những kẻ đã dám phá hủy tương lai của chúng ta". Video này được 2,7 triệu lượt xem trong vòng 5 tiếng đồng hồ, và danh khoản mới trên mạng xã hội X của Navalnaya đã có 55.000 người theo dõi.

Từ năm 2017 khi Alexei Navalny bị tước mất quyền tranh cử, người ta cho rằng bà sẽ thay chân, những người ủng hộ chế độ thậm chí còn đề ra dự luật để ngăn cản Navalnaya. Cho đến tận ngày 16/02, bà vẫn đứng ngoài sân khấu chính trị, nhưng cái chết của người chồng đã buộc bà bước qua ngưỡng cửa mới.

Không thể dung thứ cho những ai không biết sợ hãi

Trong bài xã luận, Libération nói về "Khía cạnh Stalin của chế độ Putin". Cái chết trong tù của Alexei Navalny nhắc nhở rằng Kremlin, y như thời Liên Xô, không thể dung thứ cho sự hiện hữu của tất cả những ai không sợ hãi chế độ.

Tờ báo nhận định, các bạo chúa thường có hai cách hành động : một mặt là trừ khử các nhà đối lập, mặt khác hủy bỏ tự do ngôn luận dưới tất cả mọi hình thức. Đừng bao giờ quên rằng Alexei Navalny đã chết dần chết mòn trong một chiếc tủ lạnh, ông thụ án 19 năm tù trong gu-lắc vì tội "cực đoan". Kremlin chắc đã tự hào vì phát minh ra mô-típ mang hơi hướng của phát-xít và mọi dạng thức toàn trị.

Gần đến cuộc bầu cử tổng thống Nga (từ 15 đến 17/03), Putin tin rằng cần phải khủng bố người dân bằng cách hồi sinh các gu-lắc, những vụ đầu độc, bỏ tù đến chết, những ký ức tồi tệ nhất về chế độ, thay vì dung thứ cho những gì mà ông ta cho rằng không thể dung thứ. Đó là sự hiện diện của một người tử đạo đã tố cáo tổng thống tham nhũng, và nhất là không hề sợ hãi. Chính vì vậy mà nhà độc tài đã ra tay. Bởi vì ở Nga, không sợ hãi chính quyền là điều cấm đoán. Một khi người dân không còn sợ nữa, các chế độ độc tài sụp đổ.

Navalny và Prigozhin chịu chung số phận ? Đúng vậy. Prigozhin chỉ huy những lính đánh thuê của chế độ và đe dọa trật tự của Putin về quân sự. Thay vì đưa ra tòa, như vậy Prigozhin có thể lên tiếng, Putin chọn cách cho chiếc phi cơ của ông ta nổ tung để không còn nghe tới nữa. Navalny thì "không khỏe" khi đi dạo, nhưng xác của ông biến mất. 

Giành núi gạch vụn Avdiivka, bỏ tù các tư tưởng tự do

Để kỷ niệm hai năm cuộc xâm lăng Ukraine, trùng hợp với bầu cử tổng thống Nga, cần phải chiếm được một thành phố nào đó dù chỉ còn là bình địa. Moskva vừa giành được một núi gạch vụn tại Avdiivka ở miền đông, nhưng với cái giá nhân mạng khủng khiếp.

Khi xâm lăng Ukraine, Sa hoàng mới đã bộc lộ với thế giới là "Hồng quân" của ông ta bất lực, không thể thắng nổi một tỉnh cũ của đế quốc xô-viết, một nước Đông Âu chỉ có 43 triệu dân kể cả dân số nói tiếng Nga. Việc Châu Âu hỗ trợ cho Ukraine không nằm trong dự kiến trong óc ông ta, một Châu Âu lệ thuộc vào dầu khí Nga nhất định sẽ chia rẽ. Nhưng ngược lại, cuộc chiến tranh Ukraine đã trở thành cuộc chiến của Châu Âu. Đội quân xâm lược phải đối đầu với một quân đội yêu nước sẵn sàng hy sinh.

Việc chiếm được Avdiivka chỉ mang tính biểu tượng thay vì chiến lược, do Ukraine thiếu vũ khí, đạn dược, Hạ Viện Mỹ phong tỏa viện trợ để không làm mất lòng Donald Trump. Cuộc xâm lăng làm Ukraine thay đổi, hướng về phương Tây đồng thời đánh thức Tây Âu và Trung Âu. Một con số đầy ý nghĩa : tổng cộng Châu Âu đã viện trợ 85 tỉ euro, trong khi đợt viện trợ mới của Mỹ đang bị treo là 60 tỉ đô la, tương đương 55 tỉ euro. Putin dù sao cũng kết nối được với các chế độ độc tài khác : Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, một băng nhóm côn đồ đã cứu Nga khỏi thảm họa.

Vào đầu cuộc chiến, Vladimir Putin chơi trò trêu ngươi với Emmanuel Macron - vốn nhất định muốn thương lượng với ông ta. Nay tổng thống Pháp đã trở thành cứng rắn, ông nói : "Trong nước Nga ngày nay, người ta nhốt những tư tưởng tự do vào gu-lắc và kết án tử hình". Còn tân ngoại trưởng Pháp Séjourné nói thẳng về cái chết của Navalny : "Thủ phạm là Putin", "Chúng ta đối mặt với một Sa hoàng lãnh đạo bằng khủng bố". Libération kết luận, rốt cuộc mọi việc đã được gọi thẳng tên, một nhà độc tài là một nhà độc tài. Giọng điệu và từ ngữ đã thay đổi hẳn ở Paris, và đó là dấu hiệu tốt.

Hai năm chiến tranh ở Ukraine làm Châu Âu thay đổi hẳn

Le Monde chạy tít "Trước Putin, Châu Âu lo lắng và cứng rắn hơn". Les Echos nhìn lại "Hai năm chiến tranh ở Ukraine đã thay đổi Châu Âu như thế nào". Cuộc chiến ngay tại ngưỡng cửa khiến Liên Hiệp Châu Âu (EU) phải có những biện pháp chưa từng thấy về quốc phòng và năng lượng.

Ngày 24/02/2022, các đại sứ của 27 nước thành viên bị đánh thức vào nửa đêm : cuộc xâm lăng Ukraine bắt đầu. Chín giờ sáng, họ có mặt trong cuộc họp khẩn tại Bruxelles được Hội đồng Châu Âu đặc biệt triệu tập trong đêm. Hội nghị tất nhiên nhằm chuẩn bị các tuyên bố của nhà lãnh đạo các nước sẽ đọc vài giờ sau đó, nhưng chú tâm vào các chủ đề rất cụ thể : trừng phạt Nga, tiếp đón người tị nạn Ukraine, viện trợ cho Kiev, tác động lên thị trường tài chánh và năng lượng... Cuộc họp thứ hai vào buổi chiều có sự tham gia của đại sứ Ukraine, một sự kiện chưa từng thấy.

Liên Hiệp Châu Âu, một liên minh hòa bình dựa vào thương mại và sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực, phải đối phó với một thách thức lớn hơn nhiều so với những cuộc khủng hoảng trước đó. Hai năm trôi qua, EU đã phá vỡ nhiều điều cấm kỵ. Một trong những tiến bộ ngoạn mục nhất là quốc phòng. Các cơ chế mới được tạo ra nhằm "chi nhiều hơn, chi hợp lý hơn, mua của Châu Âu" thiết bị quân sự. Mục tiêu là bảo đảm những nhà máy có thể sản xuất ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp, tài trợ các dự án quốc phòng chung, một catalogue các vũ khí Châu Âu cho các nước thành viên, thậm chí một trung tâm mua chung.

Thử thách mới : Mở rộng EU

Tham vọng trong quốc phòng một phần được gợi hứng từ thành công trong lãnh vực năng lượng. Kế hoạch REPowerEU nhằm tiết kiệm, sản xuất năng lượng sạch, đa dạng hóa nguồn cung làm tỉ lệ khí đốt Nga nhập khẩu từ 45% chỉ còn 15% trong năm 2023. Nền tảng mua chung lập ra đã giúp có được giá cả tốt nhất trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, gói trừng phạt thứ 13 sắp được công bố trong tuần này, tuy vũ khí trừng phạt đôi khi bị Hungary thọc gậy bánh xe.

Thử thách mới là mở rộng Liên hiệp : Ukraine, Moldova và Gruzia đã nộp đơn xin gia nhập từ năm 2022, và chưa đầy bốn tháng sau, EU đã chấp nhận tư cách ứng cử viên cho Kiev và Chisinau, một thời gian ngắn kỷ lục. Không dễ dàng gì khi hội nhập Ukraine, cường quốc nông nghiệp 44 triệu dân, nhưng mọi người đều nhìn nhận nếu để Ukraine đứng ngoài còn thiệt thòi hơn. EU còn phải đẩy nhanh thương lượng với sáu nước Balkan đã chờ đợi từ lâu. Viễn cảnh mở rộng EU thành 35 nước thậm chí 36 nước trong những năm 2030, đặt ra nhiều vấn đề hóc búa.

Nga : Kẻ khóc người cười vì cuộc xâm lăng Ukraine

Tại Nga, Les Echos phân tích "Kẻ được người mất trong cuộc chiến tranh ở Ukraine". Người thì vội vã bán đổ bán tháo tài sản để chạy ra nước ngoài, kẻ khác lợi dụng tình hình để làm giàu. Một dự luật mới được thông qua vào cuối tháng Giêng, cho phép tịch biên tài sản của những người chỉ trích chế độ, với 30 tội danh có thể được diễn dịch tùy ý khiến không ít người đã chạy ra nước ngoài phải trở về bán nhà, xe và các tài sản giá trị để có thể làm lại cuộc đời.

Ngược lại, một lớp người khác lợi dụng việc các công ty ngoại quốc phải ra đi để mua lại cổ phần với giá rẻ mạt, vì Moskva buộc họ phải giảm ít nhất 50% giá trị các nhà máy và cổ phiếu. Việc huy động toàn lực nền kinh tế vào chiến tranh khiến các doanh nghiệp xoay sang phục vụ quốc phòng có được rất nhiều hợp đồng – mặt trái của cấm vận. Nhiều "kẻ khóc", nhưng cũng vô số "người cười" trong cuộc xâm lăng Ukraine.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 98 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)