Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/12/2023

Điểm báo Pháp - Dự luật nhập cư ở Pháp

RFI tiếng Việt

Dự luật nhập cư ở Pháp : Lối thoát nào cho tổng thống Macron ?

Khủng hoảng chính trị ở Pháp sau khi Hạ Viện từ chối thảo luận về dự luật nhập cư, xung đột giữa Israel với tổ chức Palestine Hamas là hai trong số những chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 13/12/2023.

nhapcu0

Dự luật nhập cư do Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đưa ra thảo luận trước Quốc hội đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trước khi xem xét. Stephane Mouchmouche / Hans Lucas via AFP

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération nói về tiệc tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định thành lập một ủy ban hỗn hợp gồm các nghị sĩ của Thượng Viện và Hạ Viện để tìm ra lối thoát cho khủng hoảng chính trị, sau khi Hạ Viện bác bỏ việc đưa dự luật nhập cư ra thảo luận. Nhật báo thiên tả nhận định đây là lựa chọn "tối ưu" đối với chủ nhận điện Elysée, nhưng sẽ không dễ gì để làm phai mờ vố đau mà chính phủ hứng chịu hôm 11/12. Ông Macron có thể tự trấn an rằng thất bại hôm thứ Hai chỉ là một "tai nạn nhỏ", và các nghị sĩ sẽ tiếp tục thảo luận để tìm ra một lối thoát cho dự luật này.

Đối với Libération, dự luật nhập cư này lẽ ra không bao giờ xuất hiện, nếu không phải vì lý do chính trị. Đùa với lửa, nguyên thủ quốc gia Pháp đã gây ra hỏa hoạn. Cách tốt nhất để dập tắt nó là nhìn nhận sự bế tắc và từ bỏ dự luật này. Tuy nhiên, phe đa số từ chối làm vậy, cho rằng đó là lời hứa mà Emmanuel Macron đưa ra lúc tranh cử. Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh ông Macron không thực sự đưa ra lời hứa đanh thép nào lúc tranh cử, ngoại trừ hồ sơ cải cách hưu trí.

Mặc dù vậy, phe thân cận với tổng thống vẫn kiên định với lập trường vốn có, cho rằng từ bỏ dự luật này đồng nghĩa với việc nhiệm kỳ của ông Macron coi như "vô giá trị". Nhật báo thiên tả phản bác rằng từ giờ đến 4 năm nữa, chủ nhân điện Elysée còn rất nhiều hồ sơ phải giải quyết, chẳng hạn như cải cách ngành giáo dục, hay hệ thống y tế, cũng là điều mà chính quyền không thể lơ là. Ngoài ra, chuyển đổi sinh thái cũng là một chủ đề thiết yếu và rất phức tạp. Libération đặt câu hỏi : Emmanuel Macron đã đưa ra những đề xuất gì cho các hồ sơ nêu trên ? Chưa có đề xuất nào được đưa ra. Với việc kiên định với dự luật nhập cư, dường như ông Macron đang mạo hiểm lao vào một "cuộc chiến không có lối thoát".

Tổng thống Macron tìm "đồng minh" để thông qua dự luật nhập cư

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận cho cùng chủ đề, chú ý đến việc tổng thống đang cố tìm kiếm các "đồng minh" từ những đảng khác để thông qua dự luật.

Luận điệu của tổng thống Macron tại cuộc họp Hội đồng bộ trưởng hôm qua rất gay gắt, một ngày sau khi Hạ Viện bác bỏ việc thảo luận dự luật nhập cư. Chủ nhân điện Elysée dường như chỉ trích ngầm đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và đảng Xã Hội (PS) cánh tả, nhưng cũng không quên "cám ơn" những nỗ lực của bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin. Một cố vấn của chính phủ hôm qua cũng than thở đây là lần đầu tiên chính phủ bị giội gáo nước lạnh khi định thảo luận về một văn bản luật quan trọng, bởi một liên minh của "những kẻ phát xít và những kẻ ngu xuẩn".

Giờ đây, do không có đa số tuyệt đối, chính phủ buộc lòng phải tìm đồng minh, và theo nhật báo thiên hữu, muốn tìm được thì trước tiên, chính phủ phải tránh dùng những ngôn từ xúc phạm. Sự thay đổi về thái độ sẽ là điều thiết yếu để đưa chính phủ thoát khỏi một tình huống không có hướng giải quyết, và để đạt được điều này, họ cần phải sáng suốt và can đảm.

Tình trạng bấp bênh của dân nhập cư không có giấy tờ tại Pháp

Tiếp tục nói về nhập cư, tờ Libération có bài phóng sự về tình trạng của những người không có giấy tờ tìm cách trụ lại Pháp. Với hy vọng được hợp thức hóa và luôn lo sợ bị trục xuất, Moussa, một di dân đến từ Mali, sống tại Montreuil, rất quan tâm đến nền chính trị của Pháp, đã bộc lộ tâm trạng của anh sau những sự kiện vừa qua.

Gérald Darmanin có tiếp tục tại chức ? Luật nhập cư sẽ cứng rắn hơn đối với những người không có giấy tờ ở Pháp ? Đó là những câu hỏi mà Moussa rất muốn có câu trả lời. Moussa tâm sự : "Tôi luôn yêu thích nền chính trị Pháp. Khi tôi còn trẻ, ở Mali, tôi nghe tin tức trên radio. Tôi nhớ rất rõ thời kỳ Nicolas Sarkozy làm tổng thống. Tôi rời vùng Kayes, Mali, vào năm 2012. Tôi thực sự không có lựa chọn nào khác. Tôi rất hạnh phúc với gia đình, nhưng tôi có trách nhiệm phải nuôi họ, và việc kiếm sống tại Mali đã trở nên phức tạp. Tôi đã kết hôn và có ba đứa con. Ngoài ra, bố mẹ tôi và mẹ vợ tôi đang gặp khó khăn về tài chính. Tôi đã đến thẳng Montreuil, một thành phố mà mọi người đều biết ở Mali. Tôi tìm thấy những người bạn trong làng và những người quen. Sống không có giấy tờ thực sự rất khó khăn, có rất nhiều nỗi sợ hãi. Tôi có cảm giác mọi người lúc nào cũng nhìn tôi khi đi ngoài đường. Trên radio, họ nói rằng luật nhập cư sẽ còn khắc nghiệt hơn đối với những người không có giấy tờ. Nhưng luật còn có thể bị siết chặt đến mức nào, khi chúng tôi đã làm việc trong nhiều năm mà vẫn không được hợp thức hóa. Chúng tôi gần như không có bất cứ quyền lợi gì".

Giờ đây, Moussa cảm thấy hoang mang khi hay tin chính phủ muốn trục xuất tất cả những ai không có giấy tờ. Moussa đặt câu hỏi : "Vậy ai sẽ làm công việc của chúng tôi ? Và họ không thể ngăn cản mọi người đến Pháp. Tôi thấy những đứa trẻ đến từ châu Phi : chúng ngủ ngoài đường và không muốn trở về nhà. Tôi không hiểu chính phủ còn định thắt chặt luật nhập cư đến mức nào ? Tình hình đã quá khó khăn đối với chúng tôi, nếu không muốn nói là tàn khốc".

Pháp : Cở sở tiếp đón khẩn cấp khan hiếm trầm trọng

Về tình hình xã hội tại Pháp, nhật báo Le Monde dành trang nhất báo động về hiện tượng các sản phụ không được sinh nở và chăm sóc hậu sản theo đúng quy trình do tình trạng thiếu giường tại các bệnh viện. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của những phụ nữ mới đẻ và trẻ sơ sinh.

Fatoumata (tên bà mẹ trẻ đã được thay đổi) bước vào quán cà phê, bế trên tay đứa con 3 tuần tuổi. Chỉ cần nhìn qua là có thể thấy được hai mẹ con sống trong tình trạng rất khó khăn. Vài tháng trước, Fatoumata quyết định rời khỏi phòng cấp cứu mà cô ở chung với một người vô gia cư khác. Cô nói : "Tôi không ngủ được vì bị rệp cắn và mắc bệnh viêm gan B. Tôi đã thức suốt đêm để gãi. Một mình tôi thì không sao, nhưng mọi chuyện trở nên rất phức tạp khi tôi có thai".

Trước khi sinh, cô đã liên tục gọi cấp cứu để tìm một cơ sở y tế có thể tiếp nhận mình. Cuối cùng, cô sinh em bé tại bệnh viện Lariboisière, nhưng đã phải rời phòng hộ sinh chỉ một tuần sau khi đẻ.

Le Monde lo ngại rằng các cơ sở khẩn cấp trên toàn quốc đang khan hiếm một cách đáng báo động. Sau khi mở ra 205.000 cơ sở khẩn cấp trong mùa đông 2022-2023, chính phủ đã quyết định cắt giảm ngân sách, mặc dù nhu cầu vẫn không hề thuyên giảm. Tại vùng Paris (Île-de-France), vào cuối tháng 6, chính quyền vùng đã thông báo với các hiệp hội quản lý những cơ sở này phải loại bỏ 3.000 trong số đó. Tổng giám đốc hiệp hội Samu social ở Paris, Vanessa Benoît, cho biết kể từ tháng 9, cơ sở của bà "không còn có thể đáp ứng cho tất cả những người thuộc ưu tiên hạng 1, bao gồm phụ nữ mang thai trên 7 tháng và các gia đình có con dưới 3 tháng tuổi. Đây là điều chưa từng xảy ra, cho thấy sự bất lực của hệ thống y tế".

Tình hình thậm chí còn thê thảm hơn ở vùng Seine-Saint-Denis, nơi Nhà nước muốn loại bỏ 2.000 cơ sở. Phó giám đốc hiệp hội Interlogement93 Maxence Delaporte than thở : "Chúng tôi đã tìm cách đóng các cơ sở một cách chậm rãi, để bảo đảm tính liên tục của việc chăm sóc những người hoạn nạn. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã hết chỗ". Tính đến ngày 05/12, 700 người vẫn chưa được các cơ sở khẩn cấp tiếp nhận, mặc dù đã gọi cấp cứu. Trong số này, 51 người là phụ nữ mang thai và 95 người là trẻ em dưới 3 tuổi.

Người dân ở dải Gaza phải bỏ nhà ra đi vĩnh viễn ?

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của nhật báo công giáo La Croix tiếp tục chú ý đến xung đột giữa Israel và Hamas, và đặc biệt quan tâm đến những di dân phải bỏ nhà ra đi, và chắc sẽ không có ngày quay trở lại.

Xuất xứ ở Jabaliya, phía bắc dải Gaza, Mohammed Orabi mạo hiểm chạy dưới những cơn mưa bom, đi qua các thành phố Gaza và Khan Yunis để tới được Rafah, biên giới Ai Cập. Mohammed đang tìm kiếm một nơi ẩn náu an toàn cho cả gia đình, vợ anh và 7 đứa con, tại một vùng lãnh thổ mà không còn nơi nào thực sự an toàn. Anh nói : "Chúng tôi không biết ngày mai mình có còn sống hay chết".

Anh nói thêm rằng các vụ oanh kích diễn ra liên tục và các vụ nổ có sức mạnh khủng khiếp, nên gia đình anh quyết định rời đi mà không biết sẽ có ngày trở về hay không. Vào ngày 14/10, anh đưa gia đình lên ô tô và đi khoảng 7 km từ Jabaliya đến thành phố Gaza, thành phố lớn nhất trong vùng, sau đó nán lại cùng chị gái ở quận Sabra.

Mohammed thuật tiếp : "Tổng cộng có 25 người sinh hoạt trong một căn phòng. Chúng tôi không có gì để ăn, không có điện để dùng và không có gì để sưởi ấm. Chúng tôi không có nệm và trẻ con phải ngủ trên sàn nhà. Bọn trẻ thì đã kiệt sức do bị giày vò bởi tiếng ồn của tên lửa Israel".

Mohammed đã nhiều lần đưa các con đến những bệnh viện bị quá tải. "Tình hình thật bi đát, đi đâu cũng thấy đường phố ngổn ngang những người vô gia cư, những người sơ tán. Giá như chúng tôi có thể quay trở về nhà", anh than thở và cầu nguyện cho "chiến tranh sẽ sớm kết thúc".

Tới được vùng cực nam của dải Gaza, sau khi phiêu bạt 40 km và tuân theo mệnh lệnh của quân đội Israel, nhưng giờ đây, chính Israel lại oanh kích Rafah, khiến gia đình Orabi có cảm giác không còn bất kỳ lối thoát nào.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 114 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)