Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/05/2023

Điểm báo Pháp - Cựu tổng thống Pháp bị án tù giam

RFI tiếng Việt

Cựu tổng thống Pháp Sarkozy bị án tù giam : Tranh cãi bùng nổ trên mặt báo

Ngoại trừ Le Monde nghỉ lễ, các nhật báo lớn ra ngày hôm nay, 19/05/2023 đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự Pháp. Trong toàn cảnh đó, vụ Tòa Phúc Thẩm Paris hôm 17/05 vừa qua duy trì mức án 3 năm tù đối với cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong đó có 1 năm tù giam, đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai tờ báo Le Figaro, thiên hữu và Libération, thiên tả.

sarko

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy rời tòa án sau phán quyết trong phiên tòa phúc thẩm vụ án tham nhũng tại tòa án Paris ngày 17/05/2023. AFP – Bertrand Guay

Ngay trên trang nhất của mình, Le Figaro đã đăng một bức ảnh của cựu tổng thống cánh hữu kèm theo tuyên bố của ông được nêu bật thành tựa : "Tôi là một chiến binh, sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng". Tờ báo giải thích : "Bị Tòa Phúc thẩm Paris kết án hôm thứ Tư trong vụ được gọi là "nghe lén", Nicolas Sarkozy đã giải thích (trong bài phỏng vấn độc quyền dành cho Le Figaro) vì sao ông đã quyết định kháng cáo ngay sau khi bị bản án ba năm tù, trong đó có 2 năm tù treo".

Phát ngôn viên của Nicolas Sarkozy ?

Theo tờ báo thiên hữu, cựu tổng thống Pháp không có ý định xuôi tay vì theo ông, "ngay từ khi vụ kiện bắt đầu, các nguyên tắc cốt yếu đã bị cố tình chà đạp vì mục tiêu duy nhất là xây dựng một luận chứng kết tội bằng mọi giá".

Le Figaro đã dành trọn một trang báo khổ lớn của mình để đăng toàn văn bài phỏng vấn, trong đó cựu tổng thống không ngần ngại tố cáo : "Sau biết bao cuộc điều tra cấp quốc gia cũng như quốc tế, quả núi được hứa hẹn đã chỉ sinh ra một khoảng trống vô biên. Trong vụ này, mọi sự đều sai trên bình diện các sự kiện, bất hợp pháp trên mặt pháp lý và phi lý về mặt đạo đức".

Quan điểm bênh vực cựu tổng thống Sarkozy đã được Le Figaro nêu bật ngay từ hôm qua, với bài xã luận tố cáo nền tư pháp nước Pháp đang bị "trôi dạt" hay "chệch hướng", kèm theo bài nhận định của một cựu thẩm phán, ông Hervé Lehman cho rằng "Vụ Nicolas Sarkozy phản ánh một hình ảnh thảm hại của nền công lý".

Nicolas Sarkozy và thuyết âm mưu

Bài phỏng vấn cựu tổng thống Pháp Sarkozy đã lập tức bị nhật báo thiên tả Libération đả kích, với một lời lên án không khoan nhượng : "Trên Le Figaro, Sarko ca bài đại âm mưu". Đối với Libération, được nhật báo cánh hữu phỏng vấn ‘vuốt đuôi’, cựu tổng thống vốn bị kết án trong vụ Bismuth, đã tự nhận mình là nạn nhân của một vụ mưu hại về mặt tư pháp".

Theo Libération, trước những câu hỏi đầy thông cảm của báo Le Figaro, cựu tổng thống Sarkozy đã thoải mái triển khai lập luận của mình về một âm mưu của ngành tư pháp nhằm hại ông, và đã tung ra những cáo buộc dữ dội hiếm thấy nhắm vào các thẩm phán xét xử ông, bị ông cho là đã "chà đạp dưới chân" các "nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ của chúng ta".

Libération thấy rằng trong cuộc phỏng vấn, vốn không hề có câu hỏi nào về nội dung vụ án, cựu tổng thống đã làm như là ông không tấn công nền "công lý nói chung" nhưng lại triển khai các lập luận về một âm mưu lớn của định chế tư pháp, khẳng định rằng hồ sơ buộc tội ông chỉ toàn là những "chuyện ngụ ngôn", những điều "vớ vẩn và dàn dựng".

Trong một bài viết thứ hai mang tựa để "Lời biện minh thảm hại của Nicolas 'Bismuth' Sarkozy" – Bismuth là tên giả mà cựu tổng thống Pháp đã dùng để tiếp xúc với viên thẩm phán mà ông muốn mua chuộc – Libération đã phê phán sự kiện ông Sarkozy, được bạn bè ủng hộ, đã nhục mạ nền tư pháp nước Pháp với những so sánh hoang đường với các chế độ toàn trị. Đối với tờ báo, đây là một hành vi đáng xấu hổ.

Âm mưu trả thù của giới thẩm phán ?

Theo Libération, ngay từ khi bắt đầu vụ án, Nicolas Sarkozy và những người ủng hộ ông trong giới chính trị và truyền thông (thường là các nhà viết xã luận ở xa vụ án hơn là các phóng viên điều tra) đã buộc tội các thẩm phán, bị tố là muốn trả thù cựu tổng thống vì đã gọi họ là đồ "tép riu".

Khi cánh tả cầm quyền, với ông François Hollande làm tổng thống, và bà Christiane Taubira làm bộ trưởng tư pháp, ho nói rằng vì những lý do chính trị thấp kém, hai người này đã giật dây các thẩm phán và thậm chí cả các sĩ quan cảnh sát của văn phòng chống tham nhũng. Libération cho rằng đây là một lập luận khủng khiếp khi đến từ một cựu tổng thống – trên nguyên tắc biết rất rõ về hoạt động của Nhà nước cũng như quan hệ giữa hành pháp và tư pháp.

Giờ đây, khi không còn những người thuộc đảng Xã hội xấu xa nắm quyền, mà là một tổng thống và một bộ trưởng Bộ tư pháp có quan hệ tốt với ông Nicolas Sarkozy, lập luận về chính quyền giật dây nền tư pháp không còn giá trị nữa. Thế là họ chuyển sang việc tố cáo tình trạng nền tư pháp bị mục nát từ bên trong, bị các quan tòa thiên tả và đầy thù hận chi phối.

Thế nhưng, vụ án càng lúc càng có tiến triển với sự tham gia của nhiều người hơn, từ cảnh sát chống tham nhũng đến thẩm phán điều tra, cho rằng những người này đều thuộc cánh tả thì thật là quá đáng. Do đó, theo Libération, sách lược bảo vệ chuyển sang hướng "chống hệ thống", một lập luận của thuyết âm mưu.

So sánh nền tư pháp tại Pháp với các chế độ toàn trị ?

Ngay khi bị kết án sơ thẩm trong vụ Bismuth, mà biện pháp nghe lén đã được dùng và cho phép phát hiện việc cựu tổng thống dùng tên giả là Bismuth, Nicolas Sarkozy đã nói đến Đông Đức và cơ quan mật vụ Stasi vốn được dùng để theo dõi người dân. Hôm qua, trong một bài viết hoang đường trên trang nhất của tờ Le Figaro, một nhà bình luận đã không ngần ngại so sánh công lý và cảnh sát Pháp với cảnh sát và công lý của thế giới Xô Viết. Nhà báo này cho rằng vụ án nghe lén "là một phiên bản tiếng Pháp của phim "Cuộc đời của những người khác" của đạo diễn Florian Henckel von Donnesmarck ra mắt năm 2006, kể chi tiết về các phương pháp tàn bạo và chuyên chế của Stasi.

Đối với Libération, chiến lược biện hộ và những lập luận "chống hệ thống" kể trên tạo ra cảm giác chung là "tất cả đều thối nát". Tham nhũng chắc chắn là điều đáng lo ngại ở Pháp, nhưng thay vì tự bảo vệ mình bằng cách cố gắng chứng minh rằng mình không tham nhũng, Nicolas Sarkozy và những người ủng hộ ông lại cố gắng che giấu sự tham nhũng của họ bằng cách vẽ ra một thế giới thậm chí còn tham nhũng hơn. Tô đen bức tranh chung để che đi những điểm xám mà chúng ta phải chịu trách nhiệm, đây là chiến lược phòng thủ tai hại của Nicolas Sarkozy.

G7 : Mặt trận chống Nga và đối sách chống Trung

Một chủ đề quan trọng thứ hai được báo chi Pháp quan tâm là Thượng Đỉnh G7 mở ra tại Hiroshima, Nhật Bản. Libération đã đề cập đến sự kiện này trong bài : "Ở Hiroshima, mặt trận chống Nga và bóng dáng Trung Quốc".

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên, nhóm họp tại Nhật Bản cho đến Chủ nhật, sẽ cố gắng đồng ý với nhau về việc viện trợ cho Ukraine, các biện pháp khắc phục tình trạng các lệnh trừng phạt Nga bị né tránh, cũng như các thách thức an ninh hoặc kinh tế ngày càng tăng do Bắc Kinh đặt ra.

Về đối sách chống Trung Quốc, Libération nêu bật cam kết của phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby theo đó các lãnh đạo G7 sẽ "cho thấy cách tiếp cận chung của toàn nhóm đối với những thách thức do Trung Quốc đặt ra".

Trong những tháng gần đây, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh lần này, đã cảnh báo về rủi ro : "Ukraine ngày nay có thể là Đông Á của ngày mai". Tokyo đã xếp các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc vào diện "thách thức chiến lược chưa từng thấy" và cuối tuần này, ông Kishida dự định kêu gọi các nước đoàn kết một lần nữa, đặc biệt trên vấn đề tình hình xung quanh Đài Loan, mà Bắc Kinh dự định thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.

Hồi tháng 4, sau khi cảnh báo Trung Quốc về "các hoạt động quân sự hóa" Biển Đông, các ngoại trưởng G7 cũng khẳng định 'không thay đổi' quan điểm của họ đối với Đài Loan. Một tuyên bố nhằm giữ khoảng cách với tuyên bố của tổng thống Pháp Macron vào tháng 4 theo đó Châu Âu nên tránh bị cuốn vào "những cuộc khủng hoảng không phải là của minh".

Hồ sơ an ninh kinh tế trước Trung Quốc nổi bật

An ninh kinh tế cũng sẽ là một trong những thách thức lớn của G7 lần này, đặc biệt là việc xác định các phương tiện để xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Những biện pháp mới có thể bao gồm sàng lọc đầu tư và dự trữ các loại nguyên liệu chiến lược.

Tuần trước, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell, nói rằng Châu Âu phải "điều chỉnh lại" mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thêm : "Chúng tôi đang tìm kiếm một cách tiếp cận đa chiều cho các mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc. Nhưng "cách tiếp cận này được đặc trưng bởi giảm thiểu rủi ro chứ không phải bằng cách tách rời".

Dẫu sao thì Pháp đã cho rằng Trung Quốc là một đối tác mà G7 đòi hỏi phải tuân thủ một số chuẩn mực và tiêu chí, và Thượng Đỉnh Hiroshima không mang tính chất chống Trung Quốc.

Tại hội nghị lần này, G7 đã mời các nước như Ấn Độ, Brazil, cũng như Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Úc đến tham dự. Đối với Libération, động thái đó nhằm nâng cao ảnh hưởng của nhóm so với Trung Quốc, đồng thời duy trì được vẻ không chống Trung Quốc

G7 và một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Les Echos cũng chú ý đến những gì đang diễn ra ở Nhật Bản, nhưng thấy rằng: "Tại Hiroshima, G7 kêu gọi Trung Quốc tôn trọng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ‘tự do và rộng mở’", tựa bài báo trên trang quốc tế.

Les Echos ghi nhận là hai ngày 8-9/04 vừa qua, khi băng qua eo biển Đài Loan, hộ tống hạm Pháp Prairial đã bị tàu Trung Quốc tiếp cận và cảnh cáo về việc "đi qua trái phép vùng biển của Trung Quốc" và, như thường lệ, phía Pháp đã trả lời rằng họ đang di chuyển trong vùng biển quốc tế chứ không phải vùng biển của Trung Quốc.

Rất ít quốc gia dám cho tàu quân sự của mình đi qua eo biển Đài Loan, nơi có hàng nghìn tàu buôn đảm bảo giao thương giữa Châu Á và phương Tây lưu thông mỗi ngày. Trong những năm gần đây, chỉ có Mỹ, Pháp, Canada, Úc và Anh dám nhắc nhở Bắc Kinh về luật pháp quốc tế, vốn đang từng bước muốn kiểm soát các tuyến hàng hải lớn trong khu vực, từ eo biển Đài Loan đến Biển Đông.

Cuối tuần này, tại G7 ở Hiroshima, sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc và biện pháp đáp trả là xây dưng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, sẽ là tâm điểm của các cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Vương quốc Anh và Canada.

Chủ đề này cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp của nhóm bộ Tứ Quad - Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ -, ban đầu được lên kế hoạch ở Úc nhưng đã chuyển đến Hiroshima vào phút cuối, sau khi Joe Biden quyết định cắt ngắn chuyến công du  của mình chuyến công du để trở lại quản lý cuộc khủng hoảng nợ của Hoa Kỳ.

Theo ghi nhận của Les Echos, lo lắng trước tham vọng của Bắc Kinh, các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đang triển khai, giữa họ với nhau hoặc với Washington, nhiều hệ thống hợp tác quân sự và kinh tế, trong đó Trung Quốc bị loại trừ một cách có hệ thống. Christopher Johnstone, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, giải thích : "Ý tưởng là tạo ra một mạng lưới các liên minh mà không nhất thiết phải có một cấu trúc thượng tầng để kiểm soát. Một hệ thống đủ mạnh để làm nản chí Bắc Kinh trong ý muốn đảo lộn nguyên trạng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Vị thế tổng thống Syria được khối Ả Rập khôi phục

Trên bình diện quốc tế, các báo Pháp cũng quan tâm đến sự kiện tổng thống Syria được thế giới Ả Rập chào đón trở lại.

Từ Libération đến La Croix, các báo đã dùng những từ ngữ rất gay gắt mô tả sự trở lại của nhà độc tài Syria Bashar al Assad, được mời đến Jeddah, Saudi Arabia để dự hội nghị thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập.

Đối với La Croix, đó là một sự kiện "bi thảm". Tờ báo rất chua cay trước sự kiện "Mười một năm bị tẩy chay để rồi dẫn đến "sự công nhận trở lại một người đã kiên nhẫn chờ ngày được khôi phục, với cái giá là dân Syria bị bóp nghẹt và một nền kinh tế bị kiệt quệ".

Libération không nói gì khác hơn và cho rằng sự kiện tổng thống Syria được mời trở lại Thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập mang ý nghĩa "một sự phục hận cá nhân rõ nét của nhân vật lãnh đạo ruồng bỏ trong nhiều năm".

Theo La Croix, việc Bachar al Assad được Liên đoàn Ả rập chào đón trước hết là dấu hiệu chứng tỏ vai trò bị lu mờ của phương Tây ở khu vực Trung Đông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 142 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)