Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/03/2023

Điểm báo Pháp - Pháp khủng hoảng với cải tổ hưu trí

RFI tiếng Việt

Pháp lâm vào "khủng hoảng chế độ" với cuộc cải tổ hưu trí

Chính trường nước Pháp vẫn đầy bất ổn, sau khi kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ bị bác bỏ, khiến dự luật cải tổ hưu trí được thông qua là chủ đề chính trong các báo số ra hôm nay. 

phap1

Đoàn người biểu tình tập trung tại quảng trường Cộng Hòa, Paris, Pháp ngày 21/03/2023. Reuters – Yves Herman

"Tức giận và cam chịu" là tựa lớn trên trang nhất của báo La Croix, đăng cùng hình ảnh một người biểu tình, giơ hai tay lên, ra hiệu đầu hàng trước lực lượng an ninh. Việc thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải tổ hưu trí mà không cần biểu quyết, cộng thêm kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ bị bác bỏ, khiến nhiều người thêm phẫn nộ. 

Nhật báo công giáo cho biết, từ ngày 16/03, khoảng 1200 cuộc biểu tình tự phát  đã nổ ra trên khắp nước Pháp, tại các thành phố lớn nhỏ, từ Paris, Nantes, cho đến Amiens hay Le Havre. Có những người biểu tình đã cố tình phóng hỏa sở cảnh sát. Những đống rác ngổn ngang trên đường phố vì nhân viên vệ sinh đình công không dọn dẹp trở thành mồi lửa trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Công đoàn trong nhiều ngành vẫn tiếp tục phản đối, đặc biệt là trong ngành năng lượng, tại các nhà máy điện, khí đốt hay các nhà máy lọc dầu. Liên đoàn Hóa học CGT khẳng định với La Croix rằng "Không còn giọt nhiên liệu nào chảy ra từ các nhà máy lọc dầu", cảnh báo tình trạng thiếu xăng dầu tại nhiều nơi. 

Kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ bị bác bỏ tức là dự luật cải tổ hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, được thông qua. La Croix đặt câu hỏi, liệu tổng thống Pháp có nhận thức được mức độ phản kháng của xã hội bị khơi dậy bởi chính Macron ? Xã luận Libération thì cho rằng Emmanuel Macron đã phá vỡ sự tin cậy mỏng manh mà ông gắn kết với đất nước từ 5 năm qua. Những thiệt hại về chính trị và xã hội từ sự ngoan cố của Macron trong việc áp đặt một cải cách "bất công" như vậy là vô cùng lớn. Theo nhật báo thiên tả, điều tốt nhất là Macron nên nhận lỗi, nhưng sự kiêu ngạo của ông khiến giả thuyết này khó có thể xảy ra. 

Theo Libération, "Macron rơi vào thế khó", phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chế độ. Macron có bài phát biểu đầu tiên về dự luật cải tổ hưu trí gây tranh cãi từ nhiều tuần qua, được phát sóng trực tiếp trên kênh TF1 và France 2 vào 13 giờ (GMT+1), hôm nay. Tối hôm qua, những nội dung chính đã được hé lộ : không có trưng cầu dân ý, thành phần nội các không thay đổi, Quốc hội không bị giải tán (như là đề nghị của phe đối lập). Libération cho rằng dường như không khó để đoán được những gì Macron sẽ phát biểu, sẽ vẫn là lời kêu gọi "bình tĩnh", "nên có trách nhiệm", lên án bạo lực và giải thích lại tại sao cần phải cải tổ hệ thống hưu trí. Hơn nữa, Macron cũng không thể cứ giữ im lặng khi vua Charles Đệ Tam của Hoàng Gia Anh đến thăm Pháp vào cuối tuần này, Macron khó có thể nâng ly với Charles Đệ Tam tại điện Versailles mà không có lời giải thích với người dân Pháp trước. 

Hiện giờ, chiến lược của chính phủ Pháp đó là "quay lưng" lại với chỉ trích và chờ đợi cho đến khi cơn phẫn nộ trong dân chúng lắng xuống. Giới chính trị gia Pháp bị chia rẽ, không khác gì một trận đánh bóng bàn qua lại giữa cánh tả và cánh hữu, như nhận định của Libération. Cánh tả tố cáo các hành động bạo lực của cảnh sát, cánh hữu thì khẳng định bảo vệ trật tự công cộng. 

Le Monde cũng dành hồ sơ lớn về chủ đề này, dự luật cải tổ hưu trí được thông qua, nhưng chính phủ đã bị suy yếu và tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Với 278 phiếu bất tín nhiệm, chính phủ của thủ tướng Borne có thể bị sụp đổ nếu có thêm 9 lá phiếu nữa. Phe đối lập, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) hay đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (Rassemblement Nationale) tấn công chính phủ, kêu gọi thủ tướng từ chức. Trong nội các, Le Monde cho biết, các bộ trưởng nhậm chức từ 8 tháng qua, từ lãnh đạo bộ Giáo dục, bộ Chuyển đổi năng lượng hay bộ Y tế, không ai đã thực sự tạo ra thay đổi đáng kể nào. Câu hỏi mà nhật báo đặt ra là liệu thay đổi thành phần nội các thì có xoa dịu được căng thẳng trong đất nước hiện nay không ? Xã luận Libération cho rằng hai chủ đề mà Macron có thể cố cứu lấy nhiệm kỳ thứ hai của ông đó là môi trường và tình trạng xuống cấp của dịch vụ công, hai hồ sơ cấp bách, quyết định tương lai của đất nước. 

Lục đục trong nội bộ đảng cánh hữu 

Các báo cũng chú ý đến cuộc khủng hoảng trong nội bộ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, với đường lối chỉ đạo được đưa ra là ủng hộ dự thảo cải tổ hưu trí và phản đối kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Thế nhưng, kết quả của số phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm sít sao, cho thấy nhiều nghị sĩ đã không theo chỉ đạo của đảng, khiến nhiều người mong đợi kết quả bất ngờ. Chính phủ của thủ tướng Borne sẽ không thể đứng vững nếu có thêm 9 lá phiếu nữa. Nội bộ đảng hiện đang bị chia rẽ sâu sắc, giữa những người bỏ phiếu ủng hộ và phản đối bất tín nhiệm. Một số đã đưa ra ý định lập một đảng cánh hữu khác, đại diện cho những người theo cánh hữu, và không ủng hộ đảng của ông Macron. 

Nợ công khổng lồ của Pháp 

Trong khi trang nhất báo Les Echos quan tâm đến lời kêu gọi Geoffroy Roux, lãnh đạo của Nghiệp đoàn giới chủ (Medef), tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Đối với giới chủ doanh ngiệp, việc thông qua cải cách hưu trí không hẳn là một thắng lợi, nhưng đây lại là điều cần thiết, về mặt tài chính. Le Figaro, về phần mình, thì lại quan tâm đến tình hình kinh tế bất ổn hiện nay, do các ngân hàng tăng lãi suất để giảm lạm phát. Kết quả là nhiều ngân hàng lớn của thế giới bị chao đảo gần đây, khơi gợi lại nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. 

Xã luận Le Figaro nhận định rằng tình hình này chẳng khác nào đang nhảy trên núi lửa và đưa ra câu hỏi phải chăng cuộc khủng hoảng tài chính đang xảy ra ? Hơn nữa, Pháp lại là một trong những nước "tiêu hoang", chính phủ đã quen với việc giải quyết mọi vấn đề bằng các tấm chi phiếu. Pháp đang ngồi trên đống nợ công lên đến 3000 tỷ euro, chỉ riêng trả lãi hàng năm cho số nợ này cũng lên đến 60 tỷ. 

Nga-Trung muốn lập ra kỷ nguyên mới 

Về thời sự quốc tế, chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moskva gặp lãnh đạo Nga Vladimir Putin là chủ đề khiến các báo tốn nhiều giấy mực. Theo Le Figaro, trong chuyến công du 3 ngày kết thúc vào hôm nay, Tập Cận Bình không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ cá nhân đối với ông Putin, đặc biệt là với cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2024. Chuyến thăm này càng được Nga đánh giá cao hơn khi diễn ra chỉ ngay sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye ra lệnh truy nã ông Putin vì tội ác chiến tranh. 

Ông Tập và ông Putin đã ký một tuyên bố khẳng định hai nước bước vào "một kỷ nguyên mới", tăng cường hợp tác song phương, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ là bên phá hoại hòa bình thế giới. Đến Nga, ông Tập cũng muốn thể hiện là bên đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Với đề xuất hòa bình 12 điểm, mà cả Washington và Kiev đều bác bỏ, Bắc Kinh kêu gọi đối thoại tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, nhưng không lên án cuộc xâm lăng của Nga và không yêu cầu Nga rút quân. Theo Libération, Putin tỏ vẻ sẵn sàng thảo luận sáng kiến của Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh nhưng trên thực tế, kế hoạch mà Bắc Kinh đưa ra lại không phải là một kế hoạch hòa bình. Bắc Kinh khó có thể có lập trường trung lập và công minh trong khủng hoảng Ukraine mà đúng hơn là một người bạn thân thiết của Moskva.   

Nhật Bản mạnh mẽ ủng hộ Ukraine 

Ngày hôm qua, chỉ trong vòng vài giờ mà Châu Á có hai đại diện "đối lập" ở Đông Âu. Trong khi Tập Cận Bình đến Moskva thì thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Kiev. Les Echos trích dẫn bài đăng trên Twitter, của đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật, nhận định rằng Kishida đứng ở phe tự do, còn ông Tập thì đứng về phe tội ác chiến tranh. Trong bài "tại Kiev, Nhật Bản cảnh báo chống lại cuộc xung đột đế quốc ở Châu Á", Les Echos cho biết đây là lần đầu tiên từ sau năm 1945, một lãnh đạo Nhật Bản đến thăm một nước có chiến tranh. Dù đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima, ông Kishida vẫn chọn đến Ukraine, để bày tỏ ủng hộ Kiev, đồng thời lên án cuộc xâm lăng của Nga, gây lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột đế quốc ở những nơi khác trên thế giới. 

Mặc dù ủng hộ hòa bình cho Ukraine cũng như trợ giúp về tài chính và nhân đạo, lãnh đạo Nhật Bản lại không thể hỗ trợ thiết bị quân sự cho Kiev. Không chỉ vì luật của Nhật Bản cấm xuất khẩu vũ khí mà còn vì dân biểu của phe đa số trong chính phủ phản đối can thiệp sâu vào xung đột giữa Ukraine và Nga, mà trong đó Moskva từng là một đối tác quan trọng. 

Khủng hoảng ở Tunisia và lo ngại làn sóng nhập cư mới 

Nếu như mục quốc tế của Libération dành sự quan tâm đối với tình hình ở Iraq 20 năm sau khi bị Mỹ can thiệp, thì La Croix Le Monde quan tâm đến Tunisia, đất nước đang đứng trước nguy cơ sụp đổ tài chính và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng di dân mới. Các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu đã họp hôm thứ Hai, nêu ra mối lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội ở Tunisia, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Kais Saied, người tự cho có tất cả quyền hành. Điều này không chỉ tạo ra làn sóng người di cư, mà còn gây bất ổn trong cả khu vực và cần phải hỗ trợ Tunisia khỏi viễn cảnh sụp đổ về mặt tài chính cũng như xã hội.   

Trái đất bị hâm nóng là do con người 

Về tình hình môi trường, Le Monde dành sự chú ý đến kết quả nghiên cứu trong vòng 8 năm của các chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC/IPCC). Hoạt động của con người, đặc biệt là việc sử dụng nhiên liệu hóa thach, phá rừng, khiến trái đất nóng lên không còn là điều nghi ngờ nữa. Phát thải khí nhà kính không ngừng tăng lên hàng năm và lên đến 59 tỷ tấn vào năm 2019. Các hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn. Hiện một nửa dân số của địa cầu sống trong các khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu. Hàng triệu người không được bảo đảm về an ninh lương thực. 

Mặc dù nhiều biện pháp đối với khí hậu đã được đưa ra, nhưng theo báo cáo là chưa đủ, nhất là đối với các nước thu nhập thấp vì thiếu công nghệ và tài chính. Theo nhóm chuyên gia, vẫn còn cơ hội để hạn chế trái đất bị hâm nóng từ 1,5 độ C đến 2 độ C, nhưng đây là một thách thức lớn vì cần phải tiến hành giảm phát thải khí carbon trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là từ năng lượng hóa thạch, cũng như có sự phối hợp và hành động nhanh chóng từ tất cả các nước.   

Le Figaro thì quan tâm đến Hội nghị Quốc tế đặc biệt về nước ngọt, diễn ra trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Theo nhật báo thiên hữu, dù là một nguồn thiết yếu cho cuộc sống nhưng cho đến nay, chỉ có một hội nghị quốc tế về nước được tổ chức từ năm 1977 ở Mar Del Plata, Argentina. Nhân dịp này, khoảng 500 hội nghị được tổ chức song song với thượng đỉnh, với sự góp mặt của hơn 20 lãnh đạo các nước. Biến đổi khí hậu khiến căng thẳng gia tăng trong việc chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt tại các thành phố lớn và trong nông nghiệp. Việc làm sạch nước thải đã qua sử dụng cũng là một vấn đề nan giải, khiến hàng triệu người có nguy cơ bị phơi nhiễm bởi các chất thải độc hại. 

Các chuyên gia tại Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nước hợp tác, chia sẻ nguồn nước, ở quy mô quốc gia cũng như quốc tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã thiết lập các thỏa thuận về sông ngòi nhưng vẫn có nhiều tranh chấp xảy ra, như trường hợp của đập Renaissance ở Ethiopia, khơi dậy căng thẳng với Ai Cập trong việc sử dụng nước sông Nile. Công ước về bảo vệ và sử dụng nguồn nước xuyên biên giới được thiết lập năm 1992, nhằm giải quyết các tranh chấp, hiện mới chỉ được 47 nước chấp thuận. Do vậy, hội nghị thượng định lần này hy vọng có thêm nhiều nước ký kết, cũng như là việc bổ nhiệm một đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nước. 

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 271 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)