Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/03/2021

Điểm báo Pháp - Giáo hoàng lên án giới tài chính, kêu gọi "cách mạng"

RFI tiếng Việt

Bảo vệ sinh thái : Giáo hoàng lên án giới tài chính, kêu gọi "cách mạng"

Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. L’Obs tìm nguyên nhân giải thích tình trạng tiêm chủng chậm trễ tại Pháp. Tuần san Courrier International dành chủ đề chính cho nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng y tế. Đó là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Nhưng khủng hoảng y tế - xã hội không thể tách khỏi khủng hoảng khí hậu – môi trường.

francis

Giáo hoàng Francis via Reuters - VATICAN MEDIA

Tuần báo L’Obs đặc biệt chú ý đến cuộc gặp ngày 15/03/2021 tại Vatican, giữa Giáo hoàng Francis với một số chính trị gia, nhà hoạt động xã hội Pháp, với chủ đề chính : Tìm nguồn lực tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Tuần báo L’Obs phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion và nghị sĩ Châu Âu Pierre Larrouturou. Nghị sĩ Pierre Larrouturou là người phụ trách báo cáo về dự luật Ngân sách 2021 (bao gồm ngân sách về chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh), chuẩn bị trình lên Nghị Viện Châu Âu.

Ông Pierre Larrouturou là tác giả cuốn "Aujourd’hui, l’esprit se révolte. Crise sociale, crise climatique : 7 solutions pour éviter l'effondrement" (Giờ đây, những ai có ý thức đều phẫn nộ. Khủng hoảng xã hội, khủng hoảng khí hậu : 7 giải pháp để tránh sụp đổ) (xuất bản 2020). Còn đạo diễn Cyril Dion là người bảo trợ cho Hội nghị Công dân vì Khí hậu Pháp, mà các đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận trước Quốc hội Pháp đầu tuần tới. Đạo diễn Dion là tác giả bộ phim về môi trường "Demain" (Ngày mai), đoạt giải điện ảnh Cesar cho phim tài liệu hay nhất năm 2016.

Bài phỏng vấn, mang tựa đề "Giáo hoàng, Tài chính và Khí hậu", cho biết các nhà hoạt động Pháp đã thông báo với giáo hoàng Francis về dự luật Khí hậu tại Pháp và các thương lượng hiện nay tại Nghị Viện Châu Âu về tài chính cho nền kinh tế Xanh. Đây là một cơ hội không thể bị bỏ lỡ. Giáo hoàng Francis tái khẳng định quan điểm của ngài. Theo đó, tình trạng tê liệt của nhiều chính phủ hiện nay trong vấn đề khí hậu là do áp lực của giới tài chính, đặt lợi ích kinh tế của họ lên trên lợi ích chung.

Giáo hoàng nhấn mạnh là nhân loại đã bỏ lỡ hai cơ hội : khủng hoảng tài chính 2008 và Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, để có các đột phá. Kẻ gây cản trở chủ yếu là các "thế lực tài chính hùng mạnh" đặt lợi ích của họ lên trên hết. Cần phải có một cuộc "cách mạng" xã hội trên quy mô toàn cầu là ý tưởng mà cả hai phía chia sẻ, bên Đức giáo hoàng, cũng như phía các nhà hoạt động Pháp.

Giáo hoàng Francis đặt nhiều hy vọng vào giới trẻ, nhưng Giáo hội Công giáo cũng có các nguồn lực riêng. Theo nghị sĩ Pierre Larrouturou, nhiều lãnh đạo quốc tế hàng đầu, như tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức lắng nghe nhà lãnh đạo Vatican, bên cạnh đó mạng lưới các tu sĩ Dòng Tên hoạt động rất mạnh về môi trường.

Nhân loại có chấp nhận đâm đầu xuống vực thẳm ?

Vấn đề trước hết nằm ở nhận thức. Nghị sĩ Châu Âu lưu ý, để giải quyết bế tắc hiện nay trong việc tìm nguồn tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, vấn đề chủ yếu không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, mà là thuộc lĩnh vực ý thức của con người, lĩnh vực của triết học và tâm linh, của niềm tin. Câu hỏi chủ yếu cần đặt ra là : Liệu nhân loại biết mình đang sắp đâm đầu xuống vực thẳm, vẫn quyết định đi tới hay không ?

Vận mệnh của nhân loại sẽ được quyết định chỉ trong vòng 20 hoặc 30 năm tới. Nghị sĩ Châu Âu nhấn mạnh là nhân loại sẽ kịp thoát hiểm, nếu có đủ nguồn lực tài chính cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Đánh thuế vào các giao dịch tài chính mang lại một nguồn quan trọng. Tại Châu Âu, mọi thứ đã sẵn sàng cho việc này, và ở Mỹ, chính quyền Joe Biden cũng đang suy nghĩ về hướng này để có nguồn chi cho kế hoạch khổng lồ "Green Deal" (tức thỏa thuận chuyển sang kinh tế Xanh).

Nghị sĩ Châu Âu thông báo với Giáo hoàng về biến chuyển mới tại Châu Âu trong các vận động lập ra sắc thuế đánh vào các giao dịch tài chính (TTF), với hy vọng có thể mang lại cho Châu Âu khoảng 60 tỉ euro/năm. Thương thuyết giữa 27 nước Liên Âu đã nối lại từ cuối tháng 2. Bỉ - vốn có quan điểm chống lại – đã bắt đầu thay đổi lập trường, Đan Mạch và Ba Lan cũng tương tự, nhưng Pháp vẫn giữ quan điểm phản đối.

Theo nghị sĩ Pierre Larrouturou, "toàn thế giới đang theo dõi phản ứng của Pháp và Châu Âu". Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đã khẳng định rõ ràng các mục tiêu đầy tham vọng về Khí hậu, vì vậy, "nếu để xảy ra tình trạng "greenwashing" (tức "nói một đằng làm một nẻo" hay "treo đầu dê bán thịt chó") thì đây sẽ là điều rất nguy hiểm".

Phụ nữ : Người trả giá đắt nhất cho Covid

Nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng đại dịch Covid-19 là phụ nữ. Đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này là chủ đề chính của tuần san Courrier International. "Thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh, việc nhà quá tải… Từ Hoa Kỳ cho đến Nhật Bản, khắp nơi phụ nữ phải trả giá đắt cho khủng hoảng". Tuần san Courrier International tổng hợp tình hình, giới thiệu các ghi nhận về thực trạng và giải pháp trên báo chí nước ngoài. Từ vài tháng trở lại đây, trên báo chí nước ngoài, liên tục xuất hiện nhiều bài vở về tình cảnh khốn khổ của phụ nữ. The Washington Post cho biết hai triệu rưỡi phụ nữ Mỹ mất việc làm, trong lúc báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết từ đây cho đến sang năm, sẽ có thêm 47 triệu phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng, theo nhà báo Mỹ Hanna Rosin. Trong bài viết trên tạp chí New York Magazine, nữ ký giả nhận định : các điều kiện của phụ nữ hiện nay bị tụt lùi một bước dài, trở về tương tự như trong những năm 1980. Chỉ trong vòng một năm, các tiến bộ của ba thập niên tan biến.

Một số nước công nghiệp phát triển, như Hoa Kỳ, cũng là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô. Kế hoạch 1.900 tỉ euro tổng thống Mỹ vừa ban bố hôm 11/03, tập trung đầu tư cho phụ nữ và trẻ em.

Courrier International dành 6 trang để giới thiệu bài phỏng vấn nhà tư tưởng nữ quyền Mỹ gốc Ý Silvia Federici, trên New York Times, người được coi là một trong những nhà tư tưởng nữ quyền quan trọng nhất của thế kỉ XX. Cách đây nhiều thập niên, nhà tư tưởng Mỹ đã báo động về thực trạng lao động của người phụ nữ trong gia đình bị hạ thấp ý nghĩa, các xã hội tư bản nhìn chung đã không thừa nhận lao động đặc biệt này. Lao động của người phụ nữ trong gia đình không chỉ liên quan đến việc mang thai, đẻ con, giáo dục con cái, mà còn là tất cả mọi công việc đóng góp vào việc duy trì sức khỏe, vào bữa ăn hàng ngày, vào tất cả những gì liên quan đến sự phát triển của các thành viên trong gia đình.

Theo nhà tư tưởng Mỹ, có rất nhiều điểm có thể làm để cải thiện tình trạng phụ nữ : nỗ lực thay đổi tận gốc rễ chế độ tư bản hiện nay (vốn chủ yếu dựa trên nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận), ngăn chặn việc thương mại hóa các lĩnh vực xã hội (từ y tế, nông nghiệp, đến trông nom trẻ…). Theo bà Silvia Federici, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là cơ hội để xây dựng các hình thức đoàn kết, tương trợ xã hội mới. Bài phỏng vấn của New York Times mang tựa đề : "Silvia Federici : người đã dự báo tất cả". 

Báo Hồng Kông South China Morning Post đặc biệt nhấn mạnh là tình trạng nghèo khó trở nên nghiêm trọng hơn với phụ nữ và trẻ em, không thể đảo ngược được, nếu không có các chính sách lớn, từ phía chính phủ các nước. Báo Hồng Kông nêu trường hợp một phụ nữ Việt Nam, như một ví dụ cho thấy người phụ nữ phải gánh chịu các thiệt hại kép. Cô Dương Thị Huyền, 28 tuổi, vốn là giáo viên dạy yoga, kể từ tháng 2/2020, không còn tìm được việc làm, trong bối cảnh dịch bệnh, do các trung tâm yoga thích tuyển dụng nam giới, do nam có điều kiện đầu tư cho công việc hơn. Người giáo viên yoga này giờ phải chuyển sang bán quần áo trên mạng, để kiếm chút đỉnh tiền nuôi con, tuy nhiên, công việc cũng không chạy vì khách hàng giờ đây cũng mua sắm ít hơn.

Pháp : Nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng sa lầy

Nước Pháp trầy trật đối phó với đại dịch là chủ đề chính của L’Obs. "Vac-xin : Cuộc chiến kỳ lạ" là tựa trang bìa của tuần báo L’Obs. L’Obs truy tìm nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng bị sa lầy tại Pháp.

Bài xã luận L’Obs ghi nhận nguyên nhân đầu tiên là quan điểm "quá thận trọng" của chính phủ Pháp, chọn con đường tiêm chủng với tốc độ được xác định là vừa phải, để không gây phản ứng chống đối từ phía những người ngờ vực vac-xin. Việc chính phủ tập trung trước hết cho các nhóm dân cư có nguy cơ cao, rồi dần dần mở rộng, nhìn chung được đánh giá là chính sách đúng đắn về mặt dịch tễ học, nhưng do áp dụng cứng nhắc, nến khiến các cơ sở y tế địa phương không rảnh tay lựa chọn các biện pháp mềm dẻo hơn, để nhanh chóng có nhiều người được tiêm chủng. Ngoài việc điều hành chiến dịch tiêm chủng trong nội bộ nước Pháp, Châu Âu bị chỉ ra như một nguyên nhân chính, khi toàn khối lâm vào tình trạng thiếu vac-xin.

Vẫn về đại dịch Covid-19 tại Pháp, tuần báo L'Express có bài phỏng vấn nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, chỉ trích mạnh mẽ phong cách điều hành của tổng thống Macron, mà theo bà, đã không biết lắng nghe các nhà dịch tễ học thực sự. Theo nhà dịch tễ học nổi tiếng này, nước Pháp có nguy cơ tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch mới vào cuối năm nay, đầu sang năm. Để ngăn chặn được làn sóng mới, phải đạt được mức tiêm chủng cho từ 80-90% cho nhóm dân cư có nguy cơ cao, tức nhóm cao hơn 50 tuổi. Mà tỉ lệ này là khó đạt được vào tháng 9 tới, với tốc độ tiêm chủng hiện nay. Nhà dịch tễ học Dominique Costagliola đoạt giải thưởng lớn của INSERM năm 2020, vì các đóng góp của bà trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tranh cử tổng thống Pháp

Về chính trị nước Pháp, Chủ đề chính của Le Point tuần này là tham vọng ra ứng cử tổng thống Pháp của chính trị gia đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), ông Xavier Bertrand, chủ tịch vùng Hauts-de-France.

Covid-19 : Món "lộc trời cho" với chế độ cộng sản Việt Nam

Cũng về Covid, nhưng tại Việt Nam, L'Express có bài phân tích : "Đối với chế độ cộng sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 là một cơ hội trời cho". Trái ngược với nhiều quốc gia phát triển, Việt Nam là một quốc gia được coi là ốc đảo bình yên, với số lượng chính thức ca nhiễm Covid chỉ là hơn 2.500, và 35 người chết trong một năm. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch. Theo L'Express, "thành công" của chính quyền Việt Nam cơ bản là do tái sử dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dân cư vốn có của chế độ cộng sản, các biện pháp của thời chiến, vào mục tiêu y tế. Đó là truy lùng nhanh nhất những ai tiếp xúc với người bị nhiễm virus, hoặc có nguy cơ lây nhiễm, và tiến hành các biện pháp cách ly mạnh tay. Nhìn chung, việc áp dụng trở lại các biện pháp của chế độ cộng sản thời chiến cũng khiến cho chính quyền hiện tại tăng cường khả năng kiểm soát xã hội. Chính vì vậy, L'Express gọi đại dịch Covid-19 là "một cơ hội trời cho" với chế độ cộng sản Việt Nam.

Miến Điện : Trung Quốc có thể mất tất cả với chính sách bắt cá hai tay

Về thời sự chính trị Châu Á, đáng chú ý có bài "Miến Điện : Trung Quốc có thể mất tất cả với tập đoàn quân sự" của báo Nhật được Courrier International giới thiệu. Bài viết của báo The Diplomat, Nhật Bản, vạch rõ thái độ hai mặt của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Miến Điện hiện nay, và hệ quả gậy ông đập lưng ông của thái độ này. Nhưng không chỉ Trung Quốc thiệt hại. Toàn bộ khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả, nếu tập đoàn quân sự tiếp tục chính sách đàn áp.

Nguyên tắc của Bắc Kinh lâu nay là "không can thiệp vào công việc nội bộ" của nước khác, với Trung Quốc, đảo chính và khủng hoảng chính trị tại Miến Điện chỉ là công việc nội bộ của Miến Điện. Với quan điểm này, Trung Quốc đã không ủng hộ các dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an lên án đảo chính. Tuy nhiên, trước tình hình ngày một trở nên tồi tệ hơn tại Miến Điện, với số người chết do bạo lực quân đội tăng lên hàng ngày, Trung Quốc không thể giữ nguyên thái độ không can thiệp. Dù sao hành xử của Bắc Kinh hiện nay là cố gắng duy trì tính hai mặt : một mặt chấp nhận một phần các lên án quốc tế nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện, mặt khác vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp.

Theo The Diplomat, sở dĩ Bắc Kinh bảo vệ đến cùng nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" của nước khác, do lo sợ đến lượt mình, Trung Quốc cũng sẽ bị quốc tế gây áp lực mạnh hơn trong các hồ sơ nhân quyền (như Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông). Theo một số nguồn tin rò rỉ từ nội bộ, đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã có đàm phán bí mật với tập đoàn quân sự để bảo vệ an toàn cho các đường ống dẫn dầu nối liền Miến Điện với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, sự an toàn của các cơ sở kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện có lẽ khó được bảo đảm, nếu tình hình tồi tệ hơn.

Vấn đề là thái độ nước đôi của Bắc Kinh, dung túng tập đoàn quân sự, không chỉ khiến lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện bị tổn hại, mà khiến toàn khu vực có thể chịu hậu quả dây chuyền.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)