Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/01/2021

Điểm báo Pháp - Triển khai chậm chạp, chính phủ Pháp lúng túng

RFI tiếng Việt

Covid 19 : Chính phủ Pháp lúng túng với chiến dịch tiêm chủng lớn

Các báo Pháp hôm 04/11/2021 ra những trang báo giấy đầu tiên của năm mới 2021. Tuy nhiên các chủ đề được quan tâm chính vẫn là đại dịch Covid 19 với chiến dịch tiêm chủng ở Pháp vừa bắt đầu đã gặp nhiều vấn đề : Triển khai chậm chạp, chính phủ lúng túng.

vaccin1

Chích ngừa Covid-19 tại bệnh viện Hotel-Dieu ở Paris (Pháp), ngày 02/01/2021. Sameer Al-Doumy AFP/Archivos

Với các báo Pháp, năm mới 2021 khởi đầu cũng giống khi năm cũ kết thúc. Các tờ báo đều tập trung vào thời sự nổi bật là chiến dịch tiêm chủng rộng lớn phòng Covid-19 tại Pháp, vừa mới bắt đầu được 1 tuần đã bị dư luận chỉ trích gay gắt. Cũng như nhiều tờ báo khác, Le Figaro ghi nhận việc triển khai tiêm chủng đại trà tại Pháp diễn ra quá chậm chạp, chính phủ đang đứng trước sức ép phải tăng tốc chiến dịch. Các đảng phái chính trị những ngày qua liên tiếp chỉ trích chiến lược tiến hành tiêm chủng ngừa Covid 19, vẫn lại thất bại như với vụ khẩu trang hay làm xét nghiệm.

Theo tờ báo, nhận được đợt đầu 500 nghìn liều vac-xin, giống như các nước khác trong Liên Hiệp, nhưng đến thời điểm này Pháp mới chủng được cho vài trăm người, trong khi mà nước Đức đã làm được cho 200 nghìn người, chưa kể Anh (ngoài Liên Âu) đi trước đã tạo được miễn dịch cho cả triệu người.

Xã luận tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi cho chiến dịch tiêm chủng vô cùng quan trọng này : "Ai lãnh đạo ? Ai quyết định ? Ai thực thi ?". Không ai khác là chính phủ. Tờ báo ca thán, trong khi một loạt các nước như Đức, Israel, Anh Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng một cách thần tốc thì Pháp đang bò như ốc sên : "Là nhà vô địch trong các hạn chế, huy chương vàng trong lĩnh vực giấy xác nhận, nhưng Pháp lại xếp cuối trong các giải pháp".

Theo Le Figaro, không có gì biện minh cho sự chậm chễ này vì chính phủ đã có nhiều tháng để chuẩn bị cho công tác hậu cần cùng những thông báo rất tự tin. Nhưng giờ đây, khi triển khai thì lại không có gì. Xã luận tờ báo nhấn mạnh đây quả thực là một "cuộc khủng hoảng đường lối", "đáng xấu hổ" cho nước Pháp.

Chính phủ không có lựa chọn nào khác lúc này là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Báo Libération chạy tựa chính trang nhất : "Tiêm chủng : tăng tốc dưới áp lực" sau khi lỡ nhịp những ngày đầu chiến dịch tiêm chủng. Xã luận tờ báo thắc mắc, "chính phủ đã xoay sở thế nào mà để sự khởi đầu chiến dịch tiêm chủng, một tin vui, biến thành chuyện lộn xộn chính trị và tranh cãi trong cả nước ?

Lý do được các báo nhắc đến một phần là do dân Pháp nghi ngại hiệu quả vac-xin, nhưng chủ yếu là do các thủ tục hành chính của Pháp nặng nề, trong khi đó chính phủ điều hành không nhất quán và kiên quyết, tỏ ra thận trọng không cần thiết.

Giờ đây Pháp buộc phải thay đổi chiến lược tiêm chủng bằng cách xem lại lịch trình chiến dịch. Từ hôm 02/01 việc tiêm chủng mở sang đối tượng ưu tiên thứ 2 là các nhân viên chăm sóc y tế ở độ tuổi trên 50. Mục tiêu của chính phủ Pháp là từ nay đến mùa hè 26 triệu người sẽ được tiêm phòng Covid-19 trong khi mục tiêu trước đặt ra là từ 15 đến 20 triệu dân.

Xử lý tốt khủng hoảng Covid, ngoại lệ Châu Á ?

Liên quan đến đại dịch Covid-19, nhật báo Les Echos có bài phóng sự điều tra dài : "Vì sao Châu Á kháng cự rất tốt với virus corona".

Bài phóng sự của thông tín viên tờ báo tại Tokyo thực hiện cho thấy một thực tế : Khu vực Đông Á (gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) chiếm 30% dân số của địa cầu, nhưng trong 1 năm đại dịch virus corona, vùng này chỉ ghi nhận có hơn 44 nghìn ca tử vong vì Covid-19, tức chiếm có 2,4% con số nạn nhân của thế giới.

Các nhà khoa học đang rất thắc mắc về "hiệu quả" chống dịch đó của một số nước Châu Á. Có nhiều yếu tố được đặt ra từ các khía cạnh xã hội chính trị, văn hóa và giờ đây hướng tìm hiểu về miễn dịch khu vực cũng đang được xem xét.

Theo bài báo, nhìn vào số liệu y tế thì quả thực đây có thể coi là một bí ẩn lớn của đại dịch Covid-19. Bị dính dịch trước Châu Âu và Mỹ nhiều tháng, nhưng các quốc gia Đông Á lại bị thiệt hại về nhân mạng rất thấp, dù các nước này cũng bị hai ba đợt sóng dịch tấn công và dân số rất đông đúc.

Tờ báo dẫn số liệu thống kê người tử vong vì Covid-19 theo tỷ lê trên 1 triệu dân : Việt Nam là 0,36, Đài Loan 0,29, Trung Quốc 3,4. Lào và Cam Bốt thậm chí không ghi nhận ca tử vong nào suổt 11 tháng qua. Để so sánh, ở Pháp có 970 ca tử vong trên 1 triệu dân, tỷ lệ này ở Mỹ là 1.034 người.

Tháng gần đây, số lượng ca nhiễm mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc có bùng lên mạnh nhưng cũng chỉ ở mức vài nghìn mỗi ngày, chưa thấm vào đâu so với các nước Âu, Mỹ.

Những tháng qua, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm nguyên nhân của thành công Châu Á. Người ta đưa ra nhiều lý do các nước này có các đặc thù văn hóa, người dân cam chịu, chế độ chính trị chuyên chế… Thế nhưng đại đa số các nước trong vùng nói trên trong cuộc hủng hoảng dịch này không hề xâm phạm gì đến quyền tự do cơ bản của công dân nước mình. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều không hề ban hành các biện pháp cấm đoán, hạn chế đi lại hay phong tỏa.

Có điểm chung là người dân các nước vùng Đông Á này đều dễ dàng chấp nhận đeo khẩu trang, một cách tự giác, không có tranh luận bàn cãi về vật dụng vệ sinh nhỏ này ngay từ đầu dịch. Các nước trên đều đóng cửa với thế giới từ rất sớm ngay từ trước tháng 3 năm ngoái. Và đặc biệt, các nước đều áp dụng cách ly nghiêm ngặt với các đối tượng nghi nhiễm hay từ nước ngoài vào, cùng với tiến hành xét nghiệm đồng loạt nhanh chóng để khoanh vùng dịch.

Yếu tố y sinh học ?

Nhưng từng đó yếu tố chính trị xã hội đó vẫn không lý giải hết được sức kháng cự tốt của các nước Đông Á trước trận đại dịch. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm các lý giải mang tính y học. Liệu có phải dân Châu Á đề kháng tự nhiên tốt hơn trước virus corona ? Liệu có tồn tại một hình thúc miễn dịch Châu Á do liên quan đến những đợt dịch trong quá khứ hay những đặc tính di truyền nào đó ?

Các nhà khoa học ở Tokyo đang tập trung nghiên cứu hướng thắc mắc này. Tuy nhiên, theo bài báo, họ hy vọng công việc nghiên cứu đó không làm ảnh hưởng đến những đường hướng chỉ đạo phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Những biện pháp đang được đánh giá có hiệu quả trên toàn cầu hiện nay. Hơn thế, còn phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa thì thế giới mới hiểu rõ được về trận đại dịch này.

Hiệp định đầu tư : Trung Quốc - EU đã tin cậy nhau ?

Cũng liên quan đến Châu Á, chuyển qua với nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo trở lại với chủ để thỏa thuận đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, vừa hoàn tất nội dung những ngày cuối năm qua. Mục Tranh luận của tờ báo đặt câu hỏi lớn : "Thỏa thuận đầu tư giữa Tung Quốc và EU có cân bằng ?".

Theo Bruxelles, thỏa thuận này phải giúp làm cân bằng các quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Nhưng mặc dù đã có nhiều nhượng bộ có phần bất ngờ từ phía Trung Quốc nhưng vẫn xuất hiện nhiều chỉ trích cho rằng thỏa thuận "nguyên tắc" được đúc kết quá nhanh và các cam kết của Trung Quốc vẫn còn sơ sài, đặc biệt trên hồ sơ lao động cưỡng bức. Giới quan sát vẫn hoài nghi về một thỏa thuận cân bằng.

Trong bài xã luận mang tựa đề "EU-Trung Quốc, thận trọng", La Croix ghi nhận thỏa thuận đầu tư vừa được đúc kết hôm 30/12 vừa qua không nói lên được rằng giữa Trung Quốc và EU đã có sự tin cậy lẫn nhau. Theo tờ báo thỏa thuận mang tính "nguyên tắc" này sẽ không thể sớm có hiệu lực, còn phải qua các công đoạn hoàn tất về pháp lý và kỹ thuật và còn phải được Nghị Viện Châu Âu thông qua trước khi được phê chuẩn. Việc đúc kết thỏa thuận chỉ thuần túy là dấu hiệu chính trị. Hai siêu cường kinh tế mới thể hiện thiện chí làm sâu sắc thêm các quan hệ vào lúc mà Hoa Kỳ đang có xu hướng co cụm, bảo hộ.

Nhưng dù gì thì đó cũng là việc làm tốt nếu người ta cho rằng các trao đổi làm ăn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Nhưng theo tờ báo, thỏa thuận vẫn không che giấu được hết các bất đồng. Điều này được chứng minh khi mà hai bên phải mất tới 7 năm đàm phán mới đúc kết được nội dung.

Châu Âu đã thay đổi cái nhìn về Trung Quốc, không chỉ coi quốc gia đó là một thị trường lớn đầy hứa hẹn mà còn là một đối thủ cạnh tranh và… thường không trung thực. Châu Âu có thể tin được một Trung Quốc không phải là một Nhà nước pháp quyền, ở đó các cơ quan độc lập đến đâu cũng phải tuân thủ quyền lực chính trị ?

Xã luận tờ báo kết luận, chính vì thế Liên Hiệp Châu Âu phải đồng thời trang bị các công cụ bảo vệ thị trường nội địa của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp của mình. Tư do trao đổi, đó cũng là một phần của cuộc đọ sức.

Brexit : Đầu xuôi đuôi chưa chắc lọt

Thời sự khác liên quan đên Châu Âu được các báo pháp chú ý ngày đầu năm này đó là từ ngày 01 tháng Giêng 2021, Anh Quốc đã kết thúc giai đoạn chuyển tiếp chia tay dứt điểm với Liên Hiệp Châu Âu, sau khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối vào ngày Noel vừa qua.

Các báo cố gắng khai thác khía cạnh những ngày đầu tiên của Brexit có tác động thế nào với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đã chuẩn bị gì cho thực tế này. Le Monde đặt vấn đề : "EU vượt qua sự ra đi của Vương quốc Anh thế nào".

Theo Le Monde, nhìn chung, không giống những dự bão hoài nghi, việc Anh Quốc ra đi hẳn không gây xáo trộn gì lớn ở Châu Âu trước mắt, lưu thông hàng hóa, con người vẫn trôi chảy. Nhưng về lâu dài phần còn lại của Châu Âu sẽ còn gặp nhiều thách thức trong quan hệ giao thương với Anh Quốc cũng như nhiều vấn đề có thể nảy sinh từ phần đảo Anh liên quan đến Bắc Ireland hay Scotland.

Nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất : "Biên giới trở lại", ghi nhận tuần đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng cũng dự báo tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới ở các cửa khẩu biên giới giữa Liên Âu và Anh Quốc.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 399 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)