Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/10/2020

Điểm báo Pháp - Donald Trump nhiễm Covid-19

RFI tiếng Việt

Donald Trump nhiễm Covid-19, chính trường Mỹ cũng phát sốt

Dịch Covid-19 vẫn là chủ đề bao trùm hầu hết các báo Pháp ra ngày đầu tuần với hai chủ đề thời sự nổi bật : Pháp đang phải đối mặt với sự trở lại của làn sóng virus corona ; ông Donald Trump nằm viện vì nhiễm Covid 19 khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng phát sốt và trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

sot1

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn làm việc trong một phòng họp của bệnh viện khi đang được điều trị Covid-19, Maryland, 03/10/2020 via Reuters – White House

Trước tiên xin được đến với thời sự đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là tình trạng sức khỏe của tổng thống Donald Trump sau khi bị dương tính với Covid-19 và phải nhập viện để theo dõi điều trị từ hôm thứ Sáu tuần trước. Hầu hết các báo Pháp đều có ít nhất một bài đề cập đến sức khỏe của ông Trump cùng mối liên quan hiển nhiên với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.

Le Figaro có bài xã luận mang tiêu đề "Virus và tổng thống". Bài xã luận ghi nhận : "Sau khi bị nhiễm Covid-19 và phải nhập viện từ hôm thứ Sáu, tổng thống Mỹ đã biết cách biến Twitter thành chiếc máy theo dõi dấu hiệu sức khỏe của ông. Cả thế giới theo dõi tần số các Tweet của ông như theo dõi nhịp tim để tìm kiếm các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của tổng thống".

Le Figaro nhận định, những lo lắng về sức khỏe của ông Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi : "Liệu ông sẽ còn đủ khả năng, sức lực để đi đến cùng cuộc đua marathon và lãnh đạo đất nước nếu tái đắc cử ? Bên cạnh những điều không lường trước là sự lúng túng về chính trị đối với một vị tổng thống vốn dĩ không ngừng coi nhẹ mối nguy hiểm của loại virus đã khiến hơn 200 nghìn người dân Mỹ thiệt mạng".

Tuy nhiên, bài xã luận của Le Figaro cũng cảnh báo những phán đoán vội vàng : "Từ khi bước lên sân khấu chính trị, ông Trump, vốn dĩ được ví như vật thể lạ trong chính trường, đã khiến mọi nhà cái đánh cược bị lụn bại. Nếu ông vượt qua được mối nguy hiểm chết người này, ông sẽ trở thành ứng cử viên chiến thắng virus corona. Ông sẽ không ngần ngại nói rằng cùng với ông, nước Mỹ sẽ chiến thắng virus và một lần nữa ông sẽ chứng minh được khả năng bất ngờ thoát khỏi các tình huống tồi tệ nhất".

Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nêu lên các tác động của việc tổng thống Trump nhiễm Covid-19 đối với tình hình chính trị và hoạt động tài chính của nước Mỹ.

Trong bài viết "Trump dương tính với Covid-19 : Chiến dịch tranh cử tổng thống bị đảo lộn", tờ báo nêu lên ba vấn đề : Việc ông Donald Trump phải nhập viện tối thứ Sáu vì nhiễm Covid-19 đã mở ra một giai đoạn bất định. Trước tiên là về sức khỏe thực sự của tổng thống Mỹ, nhất là vì các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Trump được đưa ra trái ngược nhau.

Thứ hai là hàng loạt các nhân vật chính trị trong đảng Cộng hòa bị nhiễm bệnh là hệ quả của việc chính quyền Trump lơ là các biện pháp phòng dịch và thứ ba là tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ, sự minh bạch thông tin và việc lây lan virus ở Nhà Trắng có tác động đến chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn một tháng nữa là sẽ diễn ra.

Thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị tình huống xấu nhất

Tờ báo cũng đặt ra một loạt câu hỏi xung quanh ca nhiễm Covid nhắn vào nhân vật số 1 thế giới cùng với các kịch bản có thể xảy ra cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây.

Trên khía cạnh kinh tế, Les Echos ghi nhận việc tổng thống Donald Trump nhập viện đã không chỉ gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong ngày cuối tuần trước mà giờ đây thị trường tài chính Mỹ còn đang lo sợ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ nhất của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới : kết quả bầu cử không những khó lường mà còn rất có thể gây tranh cãi.

Theo Les Echos, tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ hoài nghi về khả năng gian lận trong bầu cử, nhất là bầu cử qua thư do tình hình dịch bệnh và có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bị thua cuộc. Thêm vào đó, một lượng phiếu bầu khá lớn được thực hiện qua đường bưu điện và kết quả kiểm phiếu sẽ rất khó khăn và phức tạp, có khi phải đợi nhiều tuần lễ mới có. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản đen tối nhất.  

Xu hướng đơn phương của Mỹ khiến thế giới mất phương hướng

Cũng liên quan đến nước Mỹ dưới thời Donald Trump, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề:  "Vì sao nước Mỹ thoái lui vai trò thế giới có nguy cơ không thể đảo ngược được".

Bài viết đặt vấn đề: Còn đâu vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trước đại dịch Covid-19 và với thế giới ? Nước Mỹ không còn là siêu cường sau chiến tranh lạnh, không còn hấp dẫn được nhiều đồng minh Châu Âu, Châu Á đã có trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng Châu Âu hay Trung Quốc cũng không thể thực thi vai trò lãnh đạo thế giới. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là một dấu hiệu nữa về một thế giới đang mất phương hướng. Đó là hệ quả của xu hướng mà chính quyền của tổng thống Trump đã tạo ra : đơn phương hành động, bất cần ngoại giao.

Theo bài báo, xu hướng này có nguy cơ không thể đảo ngược cho dù chính trường Mỹ sắp tới có thay đổi hay không. Bài báo kết luận : "Nước Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số 1 thế giới, nhưng "quyền lực mềm", sự tỏa sáng của văn hóa, lối sống và sức sáng tạo của nước Mỹ đã bị xói mòn. Người kế tục Trump vào tháng Giêng 2021 hay vào năm 2025, cũng khó mà có thể đánh bóng lại hình ảnh lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn khi mà cường quốc Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy dù có Trump hay không".

Pháp : Làn sóng dịch virus corona thứ hai đang nổi lên ở mức báo động

"Covid-19 : Paris chuyển thành vùng báo động tối đa" là hàng tựa có thể thấy trên các mặt báo ra hôm nay. Le Figaro cho hay : Đại dịch tiếp tục lây lan mạnh ở Pháp, liên tục những ngày qua, số ca nhiễm tăng vọt, hàng loạt các chỉ số lây nhiễm, khả năng ứng phó của các bệnh viện đều vượt ngưỡng báo động ở nhiều địa phương và thành phố lớn của nước Pháp.

Tối hôm qua, chính phủ quyết định đặt Paris và vùng phụ cận trong tình trạng báo động tối đa. Như vậy từ thứ Ba (06/10), các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ được triển khai tại Paris và 3 tỉnh nằm sát cạnh. Trước mắt trong vòng 15 ngày, theo đó, các quán bar buộc phải đóng cửa, quán ăn có thể được mở cửa nhưng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt mới. Các trường đại học buộc phải giảm sĩ số sinh viên có mặt trên lớp xuống một nửa, các bệnh viện triển khai kế hoạch tăng cường nhân viên y tế và giường bệnh …

Mùa hè vừa qua, chính phủ Pháp đã hy vọng lật sang trang mới hậu Covid-19 để khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai các cải cách nhưng khi vừa bước vào mùa thu virus corona đã trở lại làm đảo lộn mọi kế hoạch của chính phủ Macron. Các báo đều ghi nhận thấy những ngày qua, chính phủ cố nghe ngóng thăm dò tình hình để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu "ăn đong từng ngày".

Libération đặt vấn đề: một trong những nguyên nhân để làn sóng dịch thứ 2 bùng lên trở lại chính là những đánh giá lạc quan của nhiều chuyên gia y học được sự giúp sức của truyền thông, nhằm trấn an dân chúng. Ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về vi trùng học, bệnh nhiễm trùng, các giáo sư dịch tễ học được truyền thông tích cực đăng tải. Họ đều cho rằng dịch đã ở giai đoạn cuối, virus đã trở nên suy yếu, kém nguy hiểm và các rào cản phòng chống dịch của chính phủ trong những tuần trước đó đã triệt tiêu tự do, cản trở đời sống xã hội một cách vô ích…

Các luận điểm như vậy đã khiến người dân hạ thấp mối đe dọa có thực của bệnh dịch và lơ là các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, chính phủ xử lý tình hình không rõ ràng, dứt khoát và thiếu phối hợp đồng bộ, đợi nước đến chân mới nhảy, tờ báo khẳng định.

Xung đột Armenia - Azerbaidjan : Sự lựa chọn lưỡng nan của Putin

Một thời sự nóng khác đang diễn ra cũng được các báo quan tâm là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaidjan và Armenia tại Thượng Karabakh. Nhật báo Le Monde có đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột đã diễn ra từ một tuần nay và vẫn không có dấu hiệu nào giảm nhiệt.

Le Monde ghi nhận từ đầu cuộc xung đột, chủ nhân điện Kremlin Vladimir Putin vẫn giữ thái độ cân bằng giữa Erevan và Baku, nhưng với diễn tiến tình hình gần đây, xem ra Moskva khó có thể duy trì lập trường như vậy. Nhưng đó sẽ là một sự "lựa chọn lưỡng nan của ông Putin".

Le Monde nhận thấy cuộc xung đột giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ xung quanh một vùng đất tự trị đang đặt Nga vào tình thế tế nhị. Từ nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn luôn đóng vai trò trọng tài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ kiểu thế này mà vẫn bảo đảm bán vũ khí, gây được ảnh hưởng với các bên. Giờ đây, với việc Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và đứng về phía Azerbaidjan, tình hình trở nên phức tạp và xấu đi khiến tổng thống Nga Putin có thể buộc phải có lựa chọn không hề dễ dàng.

Nếu ủng hộ Erevan chống lại Baku, Nga sẽ bị mất sân sau Azerbaidjan, đối đầu với thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga và Armenia đã ký với nhau thỏa thuận quốc phòng, dù thỏa thuận này không liên quan gì đến khu vực Karabakh. Le Monde nhận xét, Nga đang cố gắng dàn hòa hai bên tham chiến nhưng có vẻ như không còn có thể áp đặt ý kiến của mình cho cả Erevan cũng như Baku.

Anh Vũ 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 531 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)