Bệnh dịch và chính trị - hai mặt trận Tập Cận Bình phải đối phó (BBC, 08/02/2020)
Hôm 3/2 lãnh đạo Trung Quốc công khai tuyên chiến "cuộc chiến nhân dân" với virus corona. Nhưng giới phân tích cho rằng ông Tập đang không chỉ phải đương đầu với bệnh dịch mà còn phải đối phó với tình hình chính trị trong nước.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối phó với hai mặt trận
Trong bài Lãnh đạo Trung Quốc chiến đấu trên hai mặt trận - virus và Chính trị, trên Wall Street Journal, hai cây bút Jeremy Page và Lingling Wei nhận định rằng Tập Cận Bình đang đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp.
Xiao Qiang, một học giả nghiên cứu về internet của Trung Quốc tại Đại học California, Berkeley, được trích lời, nói :
"Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng. Ông [Tập] dường như đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ".
Hai tác giả Page và Wei vạch ra rằng trước khi virus corona bùng nổ gây ra hơn 700 tử vong, và khiến hơn 34,000 người nhiễm bệnh, ông Tập Cận Bình đã bị một số thành viên chính trị và kinh doanh Trung Quốc chỉ trích về cách xử lý tình trạng suy thoái kinh tế, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong.
"Với những chỉ trích này, ông Tập chủ yếu đổ lỗi cho các thế lực thù địch nước ngoài, tìm cách kêu gọi sự ủng hộ của công chúng". Hai tác giả ghi nhận.
Nhưng, họ lập luận, dịch virus corona là một sự kiện hoàn toàn khác, và ông Tập khó có thể đổ lỗi bệnh dịch cho một thế lực thù địch nước ngoài nào đó :
"Nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy an nguy của họ và gia đình bị đe dọa trực tiếp. Mối lo của họ tạo ra một cuộc khủng hoảng đánh vào tâm điểm những tuyên bố lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập, cũng như hệ thống độc tài toàn trị mà ông đi tuyên phong và cổ động như một mô hình cho thế giới".
Mối lo, và sự giận dữ của dân Trung Quốc bùng nổ lớn trước tin cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng bị chính phủ tìm cách bưng bít, sau khi đã bưng bít tin tức về virus corona khi nó mới bộc phát.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, qua đời lúc 34 tuổi, vì bị nhiễm bệnh khi làm việc tại bệnh viện Vũ Hán, chính là bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ virus corona, và do đó bị triệu tập đến Văn phòng Công an rồi bị buộc tội "đưa ra những bình luận sai lệch" làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội ".
Cái chết của người bác sĩ Trung Quốc tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona mà không thành, đã gây ra sự phẫn nộ và đau buồn công khai trên toàn Trung Quốc.
Nhiều người tỏ ra đau buồn khi tỏ lòng kính trọng với bác sĩ Lý Văn Lượng bên ngoài bệnh viện nơi ông qua đời
Đi cùng với đau buồn và giận dữ là sự mất niềm tin vào chính quyền, hạt mầm của những bất đồng chính kiến. Cơ quan kiểm duyệt chính phủ Trung Quốc hiện đang làm việc để chống lại những ý kiến phản đối.
Phân tích tình trạng trước giờ ít có tiếng nói bất đồng tại Trung Quốc, hai tác giả viết :
"Từ lâu, nhiều người dân Trung Quốc đã chấp nhận phong cách lãnh đạo trên bảo dưới phải nghe của ông Tập Cận Bình, rằng Trung Quốc cần một chính phủ tập quyền, mạnh mẽ để chống tham nhũng và thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài".
"Thế nhưng, nhiều người khác, nhất là giờ đây, cho rằng cái chết thương tâm của bác sĩ Lý Văn Lượng phản ánh sự ngột ngạt của những ý kiến bất đồng dưới thời ông Tập, và thắng thế của lòng trung thành và ý thức hệ trước sáng kiến và tranh luận mở là điều cần được xét lại".
Họ nhận định :
"Kết thúc nhanh chóng cơn bệnh dịch này sẽ hạn chế sự sụp đổ chính trị. Nhưng sự lây lan liên tục của virus corona đang đe dọa kế hoạch cai trị vô thời hạn của ông Tập và có thể khiến Đảng cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với sự mất mát nghiêm trọng của sự ủng hộ của công chúng".
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với hai tác giả là kết thục nhanh chóng cơn bệnh dịch có lẽ sẽ giúp Trung Quốc xoa dịu được khủng hoảng chính trị trước mặt.
Xu Zhiyong, cựu giảng viên của Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, đăng một xã bài luận trực tuyến với nội dung : "Y học sẽ không cứu Trung Quốc : Dân chủ sẽ cứu Trung Quốc". Ông là một nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng ông hiếm khi nói chuyện cởi mở như vậy.
Ông Xu không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal.
Mặc dù nhiều lý thuyết được đưa ra, cho đến giờ chưa ai biết chính xác khi nào virus corona sẽ không còn là mối đe dọa lớn.
Nhưng một điều có thể đoán được là đối phó với dịch bệnh đòi hỏi nhiều hơn là khả năng xây được bệnh viện trong vòng vài ngày. Nó đòi hỏi sự tin tưởng của quần chúng vào giới lãnh đạo.
Và ngay từ đầu, phản ứng của chính quyền Trung Quốc với tin tức về virus corona đã đặt ra cho người dân nước họ và thế giới nhiều câu hỏi.
********************
Virus corona mới có thể lây truyền qua phân người (RFI, 08/02/2020)
Cho đến giờ các nhà khoa học vẫn khẳng định virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp hiện nay có thể lây truyền qua các dịch lỏng phát tán khi người nhiễm virus ho. Một nghiên cứu khoa học vừa công bố hôm 07/02/2020 cho biết phân lỏng có thể là môi trường lan truyền virus corona mới.
Virus corona. Creative Commons / Wikimedia
Nghiên cứu dựa trên những ca nhiễm đầu tiên chỉ tập trung vào các triệu chứng hô hấp, và có thể đã không lưu ý đến các trường hợp lây lan liên quan đến hệ thống tiêu hóa.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên báo của Hiệp hội Y học Mỹ (Journal of the American Medical Association), 14 trong tổng số 138 người bệnh được nghiên cứu ban đầu bị tiêu chảy và nôn, một hoặc hai ngày trước khi bị sốt và khó thở.
Bệnh nhân người Mỹ đầu tiên bị chẩn đoán nhiễm virus 2019-nCoV cũng có triệu chứng đi phân lỏng trong hai ngày và virus đã được phát hiện trong phân của người này. Một số trường hợp tương tự ở Trung Quốc cũng đã được ghi nhận trên tạp chí y học The Lancet.
Theo giáo sư Jiayu Liao, Đại học California, nếu virus "2019-nCoV tìm thấy trong phân người thì có thể lây truyền qua chất thải này". Tuy nhiên ông cũng giải thích thêm là đến giờ người ta vẫn không biết virus này có thể tồn tại trong bao lâu bên ngoài cơ thể người, vì loại virus này rất nhạy cảm với nhiệt độ môi trường.
Lây truyền qua đường phân sẽ trở thành một thách thức mới trong ngăn chặn virus và bệnh viện có thể sẽ trở thành nơi phát tán mạnh dịch, theo chuyên gia dịch tễ học Đại học Torongto, David Fisman.
Vẫn liên quan đến virus corona mới xuất phát từ Vũ Hán, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang rất thận trọng tìm kiếm một cái tên chính thức cho loại virus mới làm sao tránh không gây công kích với Vũ Hán hay Trung Quốc. Hiện tại WHO tạm thời đặt tên cho virus là "2019-nCoV", biểu thị năm phát hiện và virus corona mới. Nhưng thông tin này dường như chưa thỏa đáng về mặt tính chất của virus cũng như truyền thông.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo tránh dùng địa danh xuất phát làm tên gọi virus hay dịch bệnh. Thời gian tới các chuyên gia của WHO sẽ phải đưa ra một tên gọi chính thức cho virus mới gây bệnh viêm phổi cấp chết người đang hoành hành ở Trung Quốc và lây lan khắp thế giới.
Anh Vũ
*****************
Virus corona : Lần đầu tiên người ngoại quốc bị chết tại Trung Quốc (RFI, 08/02/2020)
Dịch viêm phổi do virus corona mới cho đến nay đã khiến hơn 720 người tử vong tại Trung Quốc, trong đó có một nạn nhân ngoại quốc đầu tiên. Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm nay, 08/02/2020, tiết lộ với hãng tin AFP là một công dân Mỹ nam giới, 60 tuổi, bị nhiễm virus corona mới, đã qua đời hôm thứ Năm vừa qua trong một bệnh viện ở Vũ Hán, trung tâm điểm của dịch bệnh.
Máy bay đưa 250 người ngoại quốc thuộc 30 quốc tịch di tản khỏi Vũ Hán, đáp xuống Istres (Pháp) ngày 02/01/2020. CLEMENT MAHOUDEAU / AFP
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo một người đàn ông Nhật trong độ tuổi 60 cũng vừa chết bị bệnh viêm phổi, nhưng họ cho biết hiện giờ rất khó xác định là căn bệnh này là do virus corona gây ra.
Cho đến nay, tại Hoa lục (không tính Hồng Kông và Macao) đã có hơn 34.500 người bị lây nhiễm virus này, với con số tử vong hiện lên tới 722 người, theo các số liệu do nhà chức trách Trung Quốc công bố hôm nay. Như vậy là trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 86 người chết, con số cao nhất trong một ngày tính từ đầu dịch bệnh tới nay.
Dịch virus corona cũng tiếp tục lây lan trên thế giới, với hơn 320 nhiễm bệnh được xác nhận tại khoảng 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam (13 ca). Hiện giờ, ngoài Trung Quốc, chỉ mới có hai trường hợp tử vong, một ở Philippines và một ở Hồng Kông, nhưng cả hai đều là công dân Trung Quốc.
Để ngăn chận dịch, chính quyền Hồng Kông hôm nay bắt đầu thi hành biện pháp cách ly toàn bộ những người nào đến từ Hoa lục. Những người này sẽ bị cách ly trong 2 tuần, tại nhà, tại khách sạn hay tại một nơi ở khác. Cho tới nay, Hồng Kông đã đóng cửa gần như toàn bộ biên giới với Trung Quốc.
Cũng tại Hồng Kông, 3.600 người trên tàu du lịch World Dream hiện vẫn bị cách ly, trong số này có 8 người đã bị lây nhiễm. Còn tại Nhật Bản, số người bị lây nhiễm virus corona trên tàu Diamond Princess hôm nay đã lên tới 64. Khoảng 3.700 người trên tàu này tiếp tục bị buộc phải sống cách ly trong các cabin. Chính quyền Tokyo cũng đã cấm một tàu du lịch khác cập bến Nhật Bản, do trên tàu có một hành khách bị nghi nhiễm virus corona.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện giờ trong tổng số các ca bị lây nhiễm, có đến 82% trường hợp là bị nhẹ, 15% trường hợp nặng và 3% là trầm trọng. Tỉ lệ tử vong hiện chưa tới 2%, thấp hơn rất nhiều so với dịch SARS 2002-2003. Cũng WHO hôm nay báo động là thế giới đang bị khan hiếm khẩu trang và và các thiết bị bảo hộ y tế khác, do mức cầu vượt quá mức cung rất nhiều, thậm chí cao gấp trăm lần so với mức bình thường. Giá các thiết bị này tăng vọt, có khi lên đến gấp 20 lần giá bình thường.
Thanh Phương
*******************
Một người Mỹ nhiễm virus corona chết ở Trung Quốc (VOA, 08/02/2020)
Một người Mỹ đã chết vì nhiễm virus corona tại Trung Quốc được xác nhận là ca tử vong đầu tiên của bệnh nhân không phải người Trung Quốc trong dịch viêm phổi cấp này, trong khi đó, người dân trên cả nước Trung Quốc đã trở về nhà sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài vì dịch bệnh.
Nhân viên nhà tang lễ trong đồ bảo hộ giúp đồng nghiệp khử trùng sau khi họ chuyển một thi thể tại bệnh viện trong dịch virus corona ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Người đàn ông Mỹ, 60 tuổi, đã chết hôm thứ Năm 6/2 tại ổ dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc -- một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy.
Giới chức này nói với Reuters : "Chúng tôi gởi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình về sự mất mát của họ. Tôn trọng sự riêng tư của gia đình, chúng tôi không có bình luận gì thêm".
Một người đàn ông Nhật Bản ngoài sáu mươi tuổi nhập viện vì viêm phổi ở Vũ Hán cũng chết sau khi bị các triệu chứng giống như bị nhiễm virus corona, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Tổng số ca tử vong ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên 722 ca tính đến thứ Bảy 8/2, và có nguy cơ vượt con số 774, tức là tổng số trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn cầu trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2002-2003.
Hầu hết các trường hợp tử vong ở Trung Quốc xảy ra trong và xung quanh Vũ Hán. Trên khắp Trung Quốc đại lục, tổng số ca lây nhiễm ghi nhận được là 31.774 ca tính đến Bảy 8/2.
Virus corona đã lan sang 27 quốc gia và khu vực, theo số liệu của Reuters dựa trên các báo cáo chính thức, lây nhiễm hơn 330 người. Hai ca tử vong được báo cáo bên ngoài Trung Quốc đại lục : Một tại Hồng Kông và một tại Philippines. Cả hai nạn nhân đều là công dân Trung Quốc.
Năm người Anh vừa được xác định nhiễm virus corona tại một khu du lịch trượt tuyết ở Pháp. Năm bệnh nhân mới này ở cùng một nhà nghỉ trong khu nghỉ mát trượt tuyết ở Haute-Savoie ở miền đông nam nước Pháp, các quan chức y tế cho biết. Một trong năm người này trước đó đã ở Singapore. Họ không trong tình trạng nghiêm trọng, các giới chức nói.
Thêm ba du khách trên tàu du lịch đang bị cách ly kiểm dịch ngoài khơi Nhật Bản có xét nghiệm dương tính với virus corona, nâng tổng số ca bệnh trên con tàu này lên 64 ca, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu 7/2 cảnh báo chống lại việc phân biệt dựa vào sắc tộc vừa không cần thiết vừa vô ích.
Theo Reuters
*******************
Virus Corona : Người Đài Loan thành con tin ở Vũ Hán (RFI, 08/02/2020)
Ngay cả khi đang lao đao vì dịch virus corona như lúc này, Bắc Kinh vẫn muốn khẳng định Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Người Đài Loan đeo khẩu trang phòng ngừa lây nhiễm. Reuters/Yimou Lee
Sau một thời gian làm ngơ trước các đòi hỏi của chính quyền Đài Loan đưa công dân của họ hồi hương, Bắc Kinh đã chấp nhận tổ chức cho người Đài Loan về nước, nhưng theo cách coi thường chính quyền Đài Loan. Khoảng một nghìn người Đài loan tiếp tục bị kẹt lại Vũ Hán donhững những hiềm khích giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Thông tín viên Adrien Simorre tại Đài Bắc cho biết :
Chuyện bắt đầu từ cuối tuần qua, khi những người Đài Loan bị mắc kẹt ở Vũ Hán tổ chức họp báo đòi được hồi hương. Các thủ tục từ phía chính quyền Đài Loan đến khi đó vẫn bị Bắc Kinh làm ngơ, vì họ coi Đài Loan như một tỉnh của Trung Quốc.
Thứ Ba vừa rồi cuối cùng Trung Quốc cũng thuê một chuyến bay riêng để đưa người Đài Loan về quê. Trước đó, Đài Bắc đã chuyển một danh sách các công dân của họ cần đưa đi trước.
Nhưng bất ngờ là danh sách các hành khách mà Bắc Kinh cho lên máy bay không giống với danh sách của Đài Loan. Đặc biệt có 3 người được bổ sung vào phút chót, trong đó có một hành khách bị nhiễm virus. Đó là trường hợp bị nhiễm thứ 10 ở Đài Loan.
Vụ việc ngay lập tức làm dấy lên tin đồn tố Bắc Kinh đã cố tình muốn hại Đài Loan. Tuy nhiên, vẫn giữ thái độ thận trọng, chính quyền Đài Bắc lên án Bắc Kinh chi phối thủ tục đưa người hồi hương của họ, và coi đó là hệ quả trực tiếp của việc Trung Quốc từ chối thừa nhận tính chính đáng của chính phủ Đài Loan được bầu lên một cách dân chủ.
Đáp lại, Đài Bắc đã cho ngừng 5 chuyến bay đưa người Đài Loan hồi hương do Trung Quốc đề xuất, đồng thời đòi phải có sự minh bạch trong việc này.
Trở thành con tin, hiện vẫn còn khoảng từ 500 đến 1.000 người Đài Loan mắc kẹt tại Vũ Hán.
Anh Vũ
************************
Những lĩnh vực nào trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona gây ra ? (VietTimes, 07/02/2020)
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, nhà nhập khẩu lớn thứ hai và là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây ra đang lây lan khắp Trung Quốc và 27 quốc gia, khu vực khác, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước của Trung Quốc, mà còn có tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới.
Cập nhật số liệu dịch viêm phổi cấp Vũ Hán sáng 7/2/2020 : 73 người tử vong trong 24 giờ3.700 du khách bị cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán : "Không thức ăn, chỉ có nước và cà phê"Giải mã cách Trung Quốc đã thực hiện đóng cửa thành phố 27 thành phố để chống dịch
Nhiều nhà máy ở Trung Quốc hiện nay vẫn chưa được mở cửa trở lại. (Ảnh : Đông Phương).
Theo trang tin Đa Chiều ngày 6 tháng 2, các tổ chức như Ngân hàng Barclays ở Anh và Morgan Stanley ở Hoa Kỳ gần đây đã dự đoán rằng dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm từ 0,2% tới 0,4% trong năm nay. Các công ty toàn cầu hiện ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như một khách hàng lớn mua thực phẩm, xe hơi, phim ảnh và các loại hàng hóa khác. Nhưng chính điều này cũng đã khiến họ phải chịu tác động rất lớn của dịch bệnh.
Được biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, lĩnh vực đầu tiên chịu thiệt hại là ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ của nhiều quốc gia khác nhau.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization, UNWTO), kể từ năm 2014, Trung Quốc đã trở thành nguồn chi tiêu du lịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia áp đặt lệnh cấm du lịch và hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc có thể làm giảm chi tiêu du lịch nước ngoài của Trung Quốc.
Cơ quan thăm dò ý kiến "Demoskopika" của Italy ngày 4 tháng 2 cho biết, trong năm 2020, nước này có thể mất 4,5 tỷ euro doanh thu du lịch.
Việc Trung Quốc không cho phép khách đi du lịch nước ngoài do dịch bệnh khiến nhiều nước bị thất thu từ nguồn quan trọng này (Ảnh : Sputnik).
Sau khi Trung Quốc ngừng đưa người đi du lịch, doanh thu du lịch của Thái Lan và các nước Châu Á khác - khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% - đã giảm mạnh và số lượng khách du lịch cũng giảm hơn một nửa.
Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn ngân hàng UBS Thụy Sỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã gây ra mối đe dọa cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế Châu Á. "Nếu bạn nhìn vào Châu Á, ngành du lịch của Trung Quốc hiện chiếm một phần lớn của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia".
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh còn mở rộng đến chuỗi cung ứng của các công ty. Về lâu dài, dịch bệnh có thể hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sau đó ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu thô như dầu mỏ và quặng sắt, khiến thị trường phát sinh biến động.
Hãng tin Mỹ Associated Press trích dẫn dữ liệu từ cơ quan phân tích thị trường quốc tế "IHS Markit" nói rằng Vũ Hán, với tư cách là một trung tâm sản xuất, đã làm gián đoạn việc sản xuất màn hình LCD và tấm nền LED, làm giảm thiểu cung cấp và đẩy giá thành màn hình máy tính, TV và các loại sản phẩm khác của các nhà sản xuất sử dụng các tấm nền trong sản phẩm của họ.
Dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ở Trung Quốc và trên thế giới (Ảnh : Đa Chiều).
Các cú sốc liên quan có thể lan rộng ; ví dụ, dịch bệnh sẽ làm giảm sản lượng và doanh số bán ô tô và giá dầu, quặng sắt và các nguyên liệu thô khác từ các nhà cung cấp ở Australia, Brazil và Châu Phi.
Trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể còn sâu rộng hơn. Các nhà kinh tế tại công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu "DBRS Morningstar" đã chỉ ra rằng : "Sự bùng phát dịch bệnh này có thể gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng nó sẽ kéo dài bao lâu thì hiện vẫn chưa thể biết".
Vào ngày 4 tháng 2, hãng Hyundai Motor của Hàn Quốc tuyên bố, do sự bùng nổ của dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán đã làm gián đoạn việc cung ứng các bộ phận và linh kiện, công ty sẽ tạm thời đình chỉ việc sản xuất tại Hàn Quốc - cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng. Động thái này sẽ khiến Hyundai Motor trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn bên ngoài Trung Quốc đầu tiên trên thế giới bị tạm đình chỉ sản xuất do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch viêm phổi Vũ Hán.
Hyundai hãng sản xuất xe hơi phải ngừng sản xuất cơ sở bên ngoài Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán (Ảnh : internet)
Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Do sự không chắc chắn của việc sản xuất của nhà máy và tiêu thụ sản phẩm, Apple cho rằng doanh thu tiềm năng trong quý này có thể phải đối mặt với các biến động lớn.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã từ nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới phát triển lên thành thứ hai, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Về điều này, Ben Mee, một nhà nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Viện Kinh tế Oxford, nhận xét : "Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành một người tham dự có vị trí chủ đạo hơn trong nền kinh tế thế giới ; Trung Quốc cũng đã tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 10 năm qua, Trung Quốc luôn là "cọng rơm cứu mạng cuối cùng" trong nền kinh tế toàn cầu".
Tuy nhiên, đối mặt với tác động có thể có của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc, cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 3 tháng 2, đều tuyên bố bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc.
Thu Thủy