Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/01/2020

Điểm báo Pháp - Iran bị Donald Trump phá thế trận Trung Đông

RFI tiếng Việt

Chủ quan, Iran bị Donald Trump phá thế trận Trung Đông

Chiến thắng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chế độ giáo quyền Iran tự đánh mất uy tín, Nga muốn làm "sen đầm" ở Libya, Pháp khẩn cấp điều chỉnh chiến lược chống khủng bố ở Châu Phi… là những chủ đề quốc tế trên báo chí Pháp hôm nay 14/01/2020.

iran1

Biểu tình chống chính quyền Iran tại Tehran ngày 11/01/2020. Ảnh từ mạng xã hội. Reuters

Iran trong mê hồn trận : Tướng chết, bắn lầm máy bay, dân căm giận

Sau vụ máy bay Ukraine trúng tên lửa Iran, phong trào phản kháng chế độ bùng trở lại. Không hẹn, Le Monde, Le Figaro Les Echos cùng chú ý đến cuộc xuống đường của sinh viên và giới trẻ Iran lên án chế độ tìm cách che giấu sự thật, tấn công thẳng vào lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Le Monde tập trung vào cuộc biểu tình bước sang ngày thứ ba ở quảng trường Tự Do, làn sóng phẫn nộ lan rộng đến tận đài truyền hình nhà nước. Hai nữ ký giả truyền hình từ chức để phản đối việc loan tải các bản tin tuyên truyền theo lệnh của chế độ. Nhật báo thiên hữu Le Figaro, với bức ảnh một phụ nữ cầm biểu ngữ tố cáo chính quyền nói dối trong vụ bắn lầm vào máy bay dân dụng của Ukraine, cho biết thêm là giới nghệ sĩ Iran tẩy chay Liên hoan nghệ thuật Tehran.

Một nhà trí thức tại Tehran tỏ hy vọng "thảm nạn này, biết đâu sẽ giúp khai trừ thành phần cực đoan trong lực lượng vệ binh cách mạng". Bài phân tích "Iran trúng kế Donald Trump", dựa theo một nguồn tin thân cận với trung tâm quyền lực Tehran, còn đi xa hơn : Iran dự kiến sẽ đặt Donald Trump ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu. Nếu Trump muốn yên thân tranh cử thì phải bỏ trừng phạt. Ngược lại, Iran sẽ dùng đòn bẩy tinh lọc uranium và kích động chiến tranh ở Trung Đông để làm "ô nhiễm" chiến dịch tái tranh cử của Donald Trump.

Thế nhưng, toàn bộ mưu kế của chế độ sử dụng áp lực hạt nhân và xung đột tại Trung Đông để làm Donald Trump thất cử đã bị tổng thống Mỹ phá hỏng, qua quyết định hạ sát tướng Qasem Soleimani.

Chiến lược gia quân sự bị giết trong khi kế hoạch chưa kịp thi hành. Kịch bản được dự kiến khởi động vào mùa hè theo trình tự : Iran tiếp tục tinh lọc Uranium để chế tạo được bom trong một năm nữa, Mỹ hoặc Israel sẽ ra tay tấn công trước để triệt hậu họa, Iran sẽ xúi Hezbollah phản công trả đũa, chiến tranh nổ ra… thế là Donald Trump thất cử, một tổng thống Dân Chủ lên thay, dễ thuyết phục hơn.

Kế hoạch bị hỏng do Iran chủ quan nhưng nguồn tin kể trên cảnh báo : lực lượng Hezbollah tại Iraq đã thông báo sẽ mở chiến dịch "đuổi Mỹ ra khỏi nước" nếu chính phủ không thành công buộc Washington rút quân. Điều mà cánh tay nối dài của giáo quyền Iran tại Iraq gọi là "vận động ngoại giao", cho phép suy đoán tình hình sẽ tạm lắng dịu từ nay cho đến mùa hè.

Chủ nghĩa dân tộc hồi sinh tại Iraq

Bị dân trong nước chống đối, bị Mỹ chận kế hoạch câu giờ, tham vọng địa chính trị của phe Shia tại Iran còn bị giáo hội Shia và tín đồ Iraq cản đường. La Croix nhận định qua bài "Chủ nghĩa dân tộc hồi sinh tại Iraq".

Với khẩu hiệu "Không để Iraq trở thành chiến trường của Iran và Mỹ", Tehran bị xem là xâm lược ngang hàng với Hoa Kỳ.

Thái độ nổi giận của Hồi giáo Iraq, công khai lên án chính sách can thiệp của Iran vào nội tình Iraq chỉ mới bắt đầu trong một tháng gần đây khi hàng trăm thanh niên biểu tình chống tham nhũng bị bắn chết. Đối với người Hồi giáo Shia, tuy cùng hệ phái với giáo quyền Iran, thì chính giáo chủ Ali Khamenei đã tìm cách áp đặt người của Iran vào ghế lãnh đạo Iraq. Chính Iran đã ủng hộ và bảo vệ chế độ tham nhũng tại Baghdad. Lực lượng dân quân võ trang Shia, từng được xem là anh hùng chống Daesh, nay bị gọi là công cụ đàn áp của chính phủ. Thủ lĩnh của phe này bị giết cùng với tướng Qasem Soleimani hồi đầu năm.

Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ rút bỏ Iraq ? Câu trả lời là không, theo giới phân tích và chính phủ Israel trên Le Monde. Trong bài "Israel chuẩn bị thời hậu Soleimani", nhật báo độc lập đưa ra một số lập luận : Mỹ không bỏ Iraq vì mất Iraq là mất một lá chủ bài trừng phạt kinh tế Iran. Iraq là thị trường, là nguồn đô la của Iran trong thế bị Mỹ bao vây. Cũng theo giới phân tích Israel, trong giai đoạn này, có thể tin rằng Mỹ không bỏ gọng kềm vừa kinh tế vừa quân sự.

Cú tát vào mặt Tập Cận Bình

Dư âm chiến thắng của đảng Dân Tiến tại Đài Loan và của tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn tiếp tục được Le Monde dành cho hai bài phân tích dài : "Cú tát vào mặt Tập Cận Bình" và chân dung "Người phụ nữ phi thường".

Trong bốn năm qua, Bắc Kinh đã sử dụng mọi áp lực bao vây Đài Loan, từ quân sự cho đến ngoại giao, kinh tế mua chuộc truyền thông tuyên truyền ủng hộ chính sách nhất quốc lưỡng trị của Hoa lục, nhưng hải đảo vẫn vững như sắt thép. Theo chuyên gia Pháp Jean-Yves Heurtebise tại Đài Bắc, trong hai năm qua, Mỹ đã bốn lần ra luật tăng cường hậu thuẫn chiến lược Đài Loan về quân sự cũng như ngoại giao. Một đạo luật khác nhằm yểm trợ tài chính cho các đồng minh của Đài Loan đang bị Bắc Kinh tìm cách mua chuộc.

Kết quả bầu cử, theo chuyên gia Jacques de Lisles, cũng ở Đài Bắc cho thấy người dân Đài Loan nghiêng về chính sách "nguyên trạng". Quan điểm của Quốc Dân Đảng muốn tỏ ra hòa dịu với Bắc Kinh để được yên thân không còn được dân ủng hộ. Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng cứng rắn mà Quốc Dân Đảng không để ý.

Hãy nhìn Hồng Kông, đừng tưởng lầm là sau khi thất bại, Bắc Kinh sẽ rút tỉa bài học, chấp nhận cải tiến. Trung Quốc bổ nhiệm đại diện mới là Lạc Huệ Ninh, một nhân vật có kinh nghiệm trấn áp nhân công nổi dậy ở Liêu Ninh. "Trong chế độ Tập Cận Bình, một biện pháp cứng rắn thất bại thì thay bằng một biện pháp cứng rắn hơn", chuyên gia Mỹ Jude Blachette kết luận bài "Cú tát vào mặt Tập Cận Bình" của Le Monde.

Quá trình học tập ở các trường đại học danh tiếng Mỹ, Anh, Đài Loan cũng như con đường tranh đấu chính trị và cá tính cương cường của bà Thái Anh Văn được Le Monde lược thuật trong bài "Người phụ nữ phi thường", so sánh những khác biệt với lãnh đạo Trung Quốc .

Thái Anh Văn là người phụ nữ bảo vệ các giá trị dân chủ Tây phương trong lòng thế giới Trung Hoa, trong bàn tay Tập Cận Bình.

Nhỏ người nhưng không sợ thách thức. Nền độc lập của một quốc gia là độc lập thực sự về kinh tế trước đã. Thái Anh Văn không chống Trung Quốc nhưng bà muốn Đài Loan phải có chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu.

Libya và cảnh sát Putin

Vì sao Nga có thể hất chân Tây phương để can thiệp vào tình hình Libya như một cảnh sát quốc tế ? Les Echos, La Croix nhấn mạnh đến ưu thế của Putin, trong khi Le Figaro dự báo con đường quanh co trước mắt.

Theo nhận định của một chuyên gia quốc tế, Putin và Erdogan đã đồng thuận với nhau chống lại Tây phương, loại các nhà ngoại giao Châu Âu để làm lãnh đạo. Còn theo Le Figaro, hai phe tranh chấp tại Libya, phe thân Nga và phe được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đến Moskva để ký hòa ước nhưng vẫn kình địch nhau, khiến bầu không khí rất buồn cười với hai chiếc ghế bỏ trống.

Chiến dịch Barkhane : Lực bất tòng tâm

Cũng chông gai không kém, Pháp khẩn cấp điều chỉnh chiến dịch chống thánh chiến ở Châu Phi.

Theo nhật báo thiên hữu, không nên phóng đại sức mạnh của thánh chiến Hồi giáo Châu Phi bởi vì họ không là Taliban, không có hậu cần ở Pakistan.

Quân đội Pháp, đã huấn luyện sĩ quan và binh sĩ cho Mali, nhưng đứng trước hai bất cập. Một là quân Pháp luôn ở tuyến đầu, và thứ hai, cuộc chiến chống khủng bố bị suy diễn là cuộc chiến da trắng đánh da đen .

Để thành công, Pháp phải thắng được hai thách thức : chuẩn bị cho các nước bạn Phi Châu dần dần tham dự nhiều hơn trong các cuộc hành quân, và được các đồng minh Châu Âu gia tăng đóng góp tài chính. Cả hai thách thức này đều lớn nhưng không phải là không vượt qua được, theo Le Figaro.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)