Tháng Ba năm 2019 - thời điểm mà trước đó được dự kiến Nghị viện ChâuÂu sẽ họp xét thông qua hay không EVFTA - đã trôi qua mà chẳng thấy bóng dáng tăm hơi nào về cuộc họp đó.
Nguyễn Thị Kim Ngân đi Pháp vận động cho EVFTA
Việc một lần nữa Nguyễn Phú Trọng ‘đẩy’ Nguyễn Thị Kim Ngân đi Pháp vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU) đã gián tiếp tiết lộ một ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam : sau khi EVFTA bị Hội đồng ChâuÂu hoãn vô thời hạn, nếu giới chóp bu Việt Nam muốn làm một điều gì đó để cải thiện nhân quyền thì có lẽ họ đã chẳng cần tổ chức thêm một chuyến đi Pháp cho Nguyễn Thị Kim Ngân. Mà tình hình hiện thời vẫn thuần đen đúa khi chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính thể Việt Nam muốn thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào trong bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện ChâuÂu - được ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018. Hà Nội vẫn đạp trên nhân quyền mà chỉ tiếp tục lối mòn ‘quốc tế vận’
Vào thời gian này, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bóp nghẹt tự do tôn giáo, tự do báo chí, vẫn không chịu trả tự do cho rất nhiều tù nhân lương tâm, vẫn không chịu ý 3 công ước quốc tế còn lại liên quan đdến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vẫn ‘ngâm tôm’ hai luật cơ bản về quyền dân là Luật Biểu tình và Luật về Hội…
Chẳng cần ngạc nhiên khi với tình trạng trên, bà Ngân đã hầu như không đạt được kết quả khả quan nào trong chuyến đi Pháp vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2019. Cả Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand lẫn Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đều không có bất kỳ cam kết dưới hình thức văn bản nào của phía Pháp về EVFTA.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào tháng Ba năm 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động Nghị Viện Pháp cho EVFTA được Hội Đồng ChâuÂu và Nghị Viện ChâuÂu "linh hoạt sớm thông qua".
Nhưng ngay sau cuộc gặp Macron – Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng Thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng Thống Macron là logic với đánh giá cho rằng chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" vào tuyên bố chung Việt – Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt – Pháp vào tháng Chín năm 2013 trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ Tướng Jean – Marc Ayrault.
Vào năm 2017, điều quá đáng thất vọng đối với đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc với quốc hội 3 nước Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển - vốn được Việt Nam hy vọng nhất về "tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ" - cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam.
Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn "quốc tế vận" của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 quốc hội Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc về "sẽ thúc đẩy để Liên minh ChâuÂu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU". Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn !
Kết quả là cho tới nay EVFTA vẫn chưa đâu vào đâu. Tháng Ba năm 2019 - thời điểm mà trước đó được dự kiến Nghị viện ChâuÂu sẽ họp xét thông qua hay không EVFTA - đã trôi qua mà chẳng thấy bóng dáng tăm hơi nào về cuộc họp đó. Đến lúc này, hầu như chắc chắn cuộc họp đó sẽ không thể diễn ra, bởi Nghị viện ChâuÂu còn đang bận tối mặt mũi cho cuộc bầu cửu nghị viện mới vào tháng 5 năm 2019 và cơn khủng hoảng Brexit chưa có lối ra.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 05/04/2019
30 tháng Tư đầu tiên được ‘tự do
Ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong một con hẻm ở quận 5, Sài Gòn của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chợt như rộng mở hơn vào ngày 30 tháng Tư, 2018 : Đã chẳng có một bóng công an nào theo dõi hoặc ngăn chặn vị bác sĩ đáng kính này bước chân khỏi nhà.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (giữa) chụp hình chung với Phạm Chí Dũng (trái) và Hòa thượng Thích Không Tánh
Với người chủ xướng thành lập Cao Trào Nhân Bản, một tiếng nói đối lập với chính quyền cộng sản và đã phải chịu hai chục năm tù ngục của chế độ này, đó là một ngạc nhiên.
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975 Bác sĩ Quế đã quyết định ở lại Việt Nam chứ không đi di tản. Ông luôn bị công an giám sát chặt chẽ vào nhiều khoảng thời gian, đặc biệt vào những thời điểm có sự kiện như 30 tháng Tư. Có lần, thậm chí một nữ phóng viên nước ngoài tìm đến nhà ông, chỉ còn cách ông có nửa thước nhưng đã không thể bước chân qua cánh cửa nhỏ vì bị hai nhân viên công an xô ngược trở ra.
Nhưng vào ngày 30 tháng Tư năm nay, hình ảnh đàn đàn những kẻ mặc thường phục vây hãm nhà giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn và Hà Nội đã biến đâu mất, dù chỉ mới vào đầu năm nay giới công an trị còn hung hãn đẩy đuổi, hành hung và bắt bớ những công dân tổ chức kỷ niệm ngày chiến tranh biên giới Việt-Trung và tưởng niệm các liệt sĩ của quân đội Cộng Sản lẫn Việt Nam Cộng Hòa hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma và Hoàng Sa.
Giải thích cho hiện tượng biến mất lạ lùng trên là một bản đồng ca đang len lén bốc lên từ dàn hợp xướng báo đảng : một lần nữa trong nhiều năm và đặc biệt kể từ năm 2017, luận thuyết "hòa hợp hòa giải" lại được giới tuyên giáo hô hào và bắn ý về phía "khúc ruột ngàn dặm" – hơn 4 triệu người Việt đang sinh sống ở Mỹ và các nước trên thế giới mà hàng năm đã góp phần cống hiến bằng số kiều hối gần một chục tỷ đô la gửi về cho thân nhân và để đầu tư, mà vô hình trung đã kéo dài hơi thở của chế độ trong nước.
Vào năm ngoái, với một cử chỉ chưa từng có khi cho Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức một hội nghị về "hòa hợp dân tộc về văn học" với cả hai lần đều thất bại bởi chẳng một nhà văn hải ngoại nào hồi đáp lời mời hội thảo này, đảng cộng sản đã gián tiếp thừa nhận một thực tế là giá trị kiều hối mà "khúc ruột ngàn dặm" gửi về đã bị giảm sút chóng mặt từ năm 2016 – từ 13,5 tỷ USD xuống còn 9 tỷ USD, thậm chí Tổng Cục Thống Kê Việt Nam còn không dám công bố số liệu kiều hối của năm 2017.
Còn vào mùa hè năm nay, tình hình kinh tế, ngân sách và vay mượn quốc tế còn khốn khó hơn năm ngoái và khốn quẫn hơn nhiều năm trước đã khiến đảng đang một lần nữa phải nhìn chằm chặp vào túi tiền của "kiều bào ta".
Nhưng câu chuyện về những mầm mống tràn đầy làm nhú lên cơn khủng hoảng kinh tế thật ra chỉ là một phần trong thiên truyện nhiều tập về buổi hoàng hôn chợ chiều chính thể.
Tương lai… Bắc Triều Tiên
Một sắc thái hoàng hôn khác, không kém sẫm màu, là cơn khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt mà bất thần nổ tung vào giữa năm 2017, đang phủ bóng đe dọa sẽ lan tỏa khắp các nước Tây Âu, Bắc Âu và một phần khu vực Đông Âu trong thái độ cực kỳ cảnh giác với hoạt động của mật vụ Việt Nam tại Lục Địa Già.
Mùa Hè này, trong lúc toàn bộ giới quan chức Việt đang lên cơn sốt bởi sức nóng như thiêu đốt từ cái "lò" nung quan tham của Nguyễn Phú Trọng, một cái lò khác cũng đang hừng hực ở Berlin đã thu hút mối quan tâm của báo chí và dư luận ở Châu Âu : Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Một thông tin bùng phát liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang hợp tác với Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, bộ trưởng công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Bảy, 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Trong lúc khủng hoảng Đức-Việt chưa kết thúc và có thể còn lâu nữa mới chấm dứt, hơi thở nóng rẫy của cơn khủng hoảng mới mang tên Slovakia–Việt Nam đang phả vào gáy chính thể và giới mật vụ Hà Nội.
Cuộc khủng hoảng Slovakia–Việt Nam nếu xảy ra sẽ chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng Hòa Séc với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) chưa biết chừng nào mới kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức, Slovakia và Séc.
Nhưng không chỉ có thế, và EVFTA cũng chưa phải là hậu quả lớn cuối cùng. Nếu phần lớn Châu Âu quay lưng với Việt Nam bởi vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và thái độ chây ì không chịu xin lỗi của Hà Nội, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất mát một phần lớn thị trường mà đã giúp cho Việt Nam xuất siêu đến 25 tỷ USD mỗi năm và mang lại một số lợi nhuận đáng kể để đút vào miệng ngân sách nhằm nuôi bộ máy đảng.
Con đường dẫn đến EVFTA sẽ rất nhiêu khê, Việt Nam có thể sẽ mất hết nếu không chịu thú nhận đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Và cuối cùng, tương lai của chính thể độc đảng và độc trị ở Việt Nam rất có thể sẽ là… Bắc Triều Tiên.
Lẽ nào Việt Nam lại muốn trở thành quốc gia toàn trị bị cô lập trên toàn thế giới ?
Lại ‘nhân quyền đổi thương mại’
Sau hai tháng Ba và Tư của nửa đầu năm 2018 le lói một chút tin tức về "Bộ công an trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho người hoạt động nhân quyền", mới đây đã có những xác nhận trong giới đấu tranh nhân quyền về vấn đề nhạy cảm này.
Đã từ nhiều năm qua, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu, hoặc cả hai động tác này, là một biện pháp rất được Bộ công an và công an các tỉnh thành dùng để đối phó với tiếng nói bất đồng của nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền. Rất nhiều người hoạt động này đã bị cấm xuất cảnh, theo một danh sách được cho là có đến hàng vài ngàn người bị cấm xuất cảnh, trong đó có giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Từ đầu năm 2014, ở Việt Nam đã ra đời "Hội những người bị cấm xuất cảnh", bao gồm hàng trăm cái tên của những người hoạt động nhân quyền. Nhiều người đã làm đơn khiếu nại đòi công an phải trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh, nhưng Bộ công an và công an các tỉnh thành chỉ viện dẫn lý do "xâm phạm an ninh quốc gia" hết sức mơ hồ mà không trưng dẫn ra được bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm phạm ấy, để không trả lời các đơn thư khiếu nại.
Cho tới gần cuối năm 2017, là năm mà chiến dịch bắt bớ nhân quyền đã lên đến cao điểm với gần ba chục người bị tống giam, vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền và công an nhượng bộ những yêu sách về cải thiện nhân quyền của cộng đồng quốc tế, trong đó có đòi hỏi về trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh.
Vào tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã lặng lẽ trả hộ chiếu và cho xuất cảnh một ít trường hợp là cựu tù nhân lương tâm – những nhà hoạt động là Nguyễn Phương Uyên, Trương Minh Tam, Việt Khang, Mục sư Nguyễn Công Chính.
Bầu không khí "cải thiện nhân quyền" đang có nét trở về 5 năm trước.
Vào tháng Tư, 2013 và ngay trước cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ sau một thời gian bị ngưng trệ, công an Việt Nam đã trả lại hộ chiếu cho blogger Người Buôn Gió để người này được xuất cảnh sang Đức.
Vào đầu tháng Năm năm nay, cũng có một cựu tù nhân lương tâm được trả lại hộ chiếu và đi Đức, theo yêu cầu của Đại sứ quan Đức tại Việt Nam.
Nhưng trong các nhà tù của đảng vẫn còn đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm – những người đã dám đứng lên phản bác lại vô số bất công của chế độ.
Còn lịch sử của những cuộc mặc cả "nhân quyền đổi thương mại" của chính thể Việt Nam thì lại chẳng mang lại một kết quả sáng sủa nào. Tất cả những gì được xem là "Việt Nam luôn quan tâm và bảo vệ quyền con người", thả một ít tù nhân lương tâm trong khi bắt nhiều hơn hẳn người bất đồng để trám vào chỗ trống đã thả, đã chỉ khiến cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nhìn thấy rõ hơn hẳn về "bản chất cộng sản. "
Để từ đó họ dịch chuyển quan điểm từ "ưu tiên thương mại" với Việt Nam sang "nhân quyền hàng đầu", và "nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền một cách mạnh mẽ và có thể chứng minh được, sẽ không có thương mại và viện trợ không hoàn lại".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 20/05/2018
Vụ án song hợp đối nội - đối ngoại mang tên ‘Trịnh Xuân Thăng’ vừa phát sinh một tình tiết thú vị và đánh đố : ngay trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thăng vào ngày 7/5/2018 tại Tòa án cấp cao Hà Nội, tòa thông báo nhận đơn rút kháng cáo kêu oan của Trịnh Xuân Thanh (với cả hai vụ án mà ông Thanh bị tuyên án sơ thẩm chung thân). Cùng lúc, con trai của ông Thanh cũng rút đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên (là biệt thự và xe sang do ông bà cho, được coi không liên quan đến cha).
Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa ở Hà Nội, 24 tháng Giêng.
Vì sao Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo ? Phải chăng ông Thanh, sau khi đã mùi mẫn ‘xin lỗi bác tổng bí thư’ nhưng không được toại nguyện, đã chìm lòng chấp nhận bản án chung thân đến cuối đời ? Hay việc rút đơn kháng cáo này đã được tác động bởi một chủ ý chính trị của đảng cầm quyền ?
Hai phiên tòa - một vụ án
Khó có thể cho rằng Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo là một thái độ chấp nhận số phận đã an bài. Bởi trước đó và cùng với việc con trai của ông Thanh tung đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên, người ta nhận ra rất rõ là trong thế cùng đường với hai bản án đều đến mức chung thân, Trịnh Xuân Thanh đã quyết định tung hê mọi việc mà chẳng còn lời xin lỗi nào đến ‘bác tổng bí thư’.
Ở một khía cạnh khác, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thăng vào ngày 7/5/2018 được tổ chức ở Hà Nội trong bối cảnh cách đó hơn 8.000 km đang diễn ra ở Berlin một phiên tòa khác còn thu hút mối quan tâm của dư luận và báo chí quốc tế hơn nhiều : Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long - nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, mà trong phiên tòa này đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo một tình tiết cực kỳ quan trọng : 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố : "Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước".
Bóng dáng của cuộc khủng hoảng Solovakia - Việt Nam đang lừng lững ập đến.
Mất trắng 3 phiếu cho EVFTA
Sau cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và thủ tướng Đức Angela Merkeol tại Berlin với cam kết của hai bên về ‘sẽ hợp tác làm rõ’ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nếu trong thời gian tới phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Czech với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA chưa biết chừng nào mới kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức, Slovakia và Czech.
Với quy định ngặt nghèo rằng phải có đủ 28 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận thì EVFTA mới được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, việc Việt Nam thiếu ít nhất 3 phiếu sẽ khiến một EVFTA mang ý nghĩa ‘cứu cánh’ đối với nền kinh tế và ngân sách đang trên bờ suy sụp của nước này trở nên vô vọng.
Liệu Nguyễn Phú Trọng có chịu nhượng bộ trong tình thế quá nan giải ấy ?
Trọng có nhượng bộ Đức vào cuối năm ngoái ?
Vào ngày 25/11/2017, đã phát lộ dấu hiệu đầu tiên - có thể là một sự nhượng bộ, dù mớ trong ý định. Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.
Khi đó, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức trả lời VOA tiếng Việt rằng chính quyền Berlin "hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam" về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói : "Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược"…
Kể từ tháng Mười năm 2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức - dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào - hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.
Cũng khi đó đã phát ra một tín hiệu mơ hồ về một khả năng : nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA, Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi hoàn thành mục tiêu xử có án nặng đối với Thanh như một ý nghĩa ‘rửa mặt’.
Tuy nhiên, sau đó đã chẳng có thêm tín hiệu nào mới. Trong khi những cuộc đàm phán Đức - Việt vẫn giậm chân tại chỗ, Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận hai án chung thân mà chẳng có hy vọng gì được ‘đoàn tụ với gia đình’ theo nguyện vọng của đại gia tham nhũng này.
Số phận Trịnh Xuân Thanh phụ thuộc… cải thiện nhân quyền ?
Còn giờ đây, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng giữa các nước Châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA mà còn có thể tuyệt giao về quan hệ ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Cũng bởi thế, đang xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’, mà theo đó sau khi ông Thanh đã ‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng "trừng trị những kẻ tham nhũng" trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền "đốt lò" của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt Nam- EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam- EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Như vậy, chỉ cần Chính Phủ đề nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải "xuống nước" rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án…
Tuy nhiên, đó chỉ là một suy đoán và mang tính giả thiết nhiều hơn. Trong thực tế, Hà Nội khá thường nuốt lời với quốc tế về vấn đề cải thiện nhân quyền, và càng chẳng có gì chắc chắn trong lời hứa của chính quyền này với đối tượng quan chức tham nhũng phải đi tù. Toàn bộ vụ Trịnh Xuân Thanh với kết quả đàm phán Đức - Việt gần như bế tắc cho tới nay là một minh chứng quá rõ để khiến giới chính khách Châu Âu hiểu thế nào là ‘lời hứa Việt Nam’.
Bởi thế trong thời gian tới, việc Trịnh Xuân Thanh sẽ được ‘đoàn tụ với gia đình’ hay bị hứa cuội sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nhưng vẫn có thể xảy ra một khả năng hết sức trớ trêu : Trịnh Xuân Thanh có thể được phóng thích khòi nhà tù cộng sản trong trường Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện nhân quyền.
Còn nếu không có chuyện cải thiện nhân quyền, Trịnh Xuân Thanh đương nhiên bị các đồng chí của mình hứa cuội và sẽ phải ‘yên tâm chung thân’, còn tài sản tham nhũng của Thanh sẽ bị sung công để ông Trọng nuôi đảng mà chẳng bao giờ đòi lại được.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/05/2018